Phần 5 chương 31

Trong nhà hàng Lâu Ngoại Lâu ở Hàng Châu, tôi ngồi nhìn A Ninh xơi nốt miếng cá chua cuối cùng, thỏa mãn lau lau cái miệng nhỏ nhắn, bày ra một vẻ mặt ngây ngất mà bảo chúng tôi: “Đồ ăn ở Hàng Châu đúng là khá thật, mỗi tội hơi ngọt.”

Cơn bực mình trong lòng tôi đã lên đến đỉnh điểm, nhưng lại không tiện bùng ra, chỉ đành nhếch nhếch mép xem như có cười, rồi vẫy tay gọi tính tiền.

Nói thật, là chỗ quen biết với nhau, có mời cô ta ăn một bữa cơm thì cũng chả phải chuyện gì to tát lắm, tôi cũng không phải loại người chưa từng dùng bữa với kẻ xa lạ bao giờ. Nhưng có một bữa cơm mà ăn uống cứ như cà phê nhỏ giọt trong phin ấy, mất đến những hai tiếng đồng hồ lận, cả buổi lại chẳng nói chẳng rằng lấy một câu, chỉ vừa ăn vừa nhìn chúng tôi rồi cười, thì quả thực là tôi hết chịu nổi.

Còn có Bàn Tử cũng bực mình không kém. Bàn Tử rất có thành kiến với cô ta, vốn đã định phủi đít bỏ đi rồi, nhưng mà tôi thật sự không muốn một mình xơi cơm với cô ả này, nên tôi cố sống cố chết kéo anh ta cùng vào nhà hàng. Giờ thì anh ta hối hận đến tím ruột bầm gan.

Hai đứa bọn tôi ăn chẳng được mấy miếng. Bàn Tử thì một mực ngồi đó uống rượu giải sầu. Mặt mũi cả hai đều sa sầm lại, cứng ngắc. Tôi âm thầm suy đoán xem cô ả này rốt cuộc tới tìm tôi làm gì, vừa nghĩ cách ứng phó, thậm chí cả cách làm sao để phòng tránh nếu lỡ ả ta đột ngột nhảy lên phi ám khí tôi cũng nghĩ luôn rồi.

Nhân viên phục vụ đến viết hóa đơn tổng, trông thấy ánh mắt bọn tôi thì cũng thành ra bực bội cảnh giác.

Cái loại thực khách ngồi cả hai tiếng đồng hồ không buồn trò chuyện, mặt mũi xám ngoét, ở Lâu Ngoại Lâu quả là ít gặp. Trông ánh mắt của cô phục vụ thì có lẽ cô ta đã cho rằng chúng tôi là đám cho vay nặng lãi rồi, còn cô gái vóc người xinh đẹp kia sau khi ăn xong sẽ bị tôi và Bàn Tử bán luôn vào nhà thổ.

Còn bản thân tôi thì lại cảm thấy mình như đứa học trò đến kì thi không thèm ôn tập, bỗng nhiên phát hiện thầy giáo đến thăm hỏi hai vị phụ huynh nhà mình, chẳng biết là phúc hay họa đây, chính là cái cảm giác nhấp nhổm không yên chờ thầy giáo nói vào câu chuyện đó đó. Tóm lại, cả đời tôi có bữa cơm này là ăn một cách bực bội nhất.

Nhân viên phục vụ đi xa rồi, Bàn Tử nhìn đồ ăn trên bàn cười khẩy một tiếng, hỏi: “Không ngờ cô cũng là kiểu người ăn thùng uống vại đấy nhỉ. Thế nào? Cô bán mạng làm việc cho công ty nhà cô như vậy, mà đến bữa cơm no công ty của các cô cũng không cho được cơ à?”

“Bọn tôi quanh năm suốt tháng ở ngoài bãi hoang, có cầm vàng thỏi theo thì cũng làm gì có gì tử tế mà ăn.” A Ninh nhướn mày, “Cứ đem so với lương khô thì thứ gì ăn mà chả ngon.”

Bàn Tử cười nhạt, liếc liếc tôi, đưa mắt ra hiệu một cái ý bảo tôi nói tiếp câu chuyện mà anh ta mới khơi lên.

Tôi ‘khụ’ một tiếng, cũng chả biết nói thế nào. Có điều A Ninh rõ ràng là đến tìm tôi, nếu để Bàn Tử giúp tôi hỏi chuyện thì nhất định là không phải phép. Vì thế tôi đành miễn cưỡng đương đầu với thử thách, hỏi A Ninh: “Cơm thì tôi cũng mời cô ăn rồi, có chuyện gì chúng ta cứ nói thẳng ra đi. Cô lần này tới tìm tôi, rốt cuộc là có chuyện gì?”

A Ninh bèn nhếch khóe môi mỉm cười: “Sao mà cứ hỏi mãi chuyện này thế? Chả nhẽ không có việc thì không đến tìm anh được à? “

Một cái nhếch miệng này chứa biết bao nhiêu quyến rũ lẳng lơ. Tôi thấy con mắt cô ta nhìn tôi đến mức sắp chảy nước ra rồi, trong ngực bỗng nghẹn ứ một cục, những muốn ói máu. Trong vô thức tôi quay sang nhìn Bàn Tử. Bàn Tử lại làm bộ như không nghe thấy, quay ngoắt mặt sang bên khác.

Tôi chỉ đành xoay đầu trở lại, chẳng biết phải hỏi tiếp như nào, bèn “ờ” một tiếng, nửa ngày nói chẳng nên câu, mặt mũi thoắt cái nghẹn đến đỏ lựng cả lên.

A Ninh thấy cái bộ dạng này của tôi, lúc đầu còn muốn khiêu khích xem tôi ứng phó thế nào, kết quả đợi cả nửa buổi vẫn chả thấy tôi nói năng gì, cô nàng đột nhiên cười phá lên, lắc đầu tức cười bảo: “Thật là hết cách bắt chẹt anh, chả biết có phải cái bộ dạng này là anh giả vờ ra không nữa. Thôi bỏ đi, không ghẹo anh nữa. Tôi đúng là tìm anh có việc đây.”

Nói đoạn cô ta moi trong túi ra một cái bọc vuông vức rồi đưa cho tôi: “Đây là thứ công ty chúng tôi vừa nhận được. Có liên quan đến anh đấy. Anh xem thử đi.”

Tôi xem thử thì thấy đó là một gói bưu phẩm. Áng chừng một chút, trong lòng tôi chợt cồn cào cả lên, đại khái đã biết nó là thứ quái gì rồi. Kích thước như thế, hình dạng như kia, lại thêm kinh nghiệm từ mấy ngày trước, thật sự là nào có khó đoán. Thế là tôi không tự chủ được mà đổ mồ hôi lạnh dầm dề.

Bàn Tử không biết rõ nội tình, thấy tôi ngây người ra đó liền giằng lấy cái gói, mở ra xem thì quả nhiên là hai cuộn băng ghi hình màu đen, hơn nữa cũng giống như hai cuộn băng chúng tôi nhận được ở Cát Lâm, đều là băng hình theo chuẩn cũ.

Tuy tôi đã đoán ra được rồi, nhưng khi đã được xác nhận hẳn hoi thì trong lòng vẫn hẫng một cái, tự hỏi chuyện này là thế nào vậy? Lẽ nào Muộn Du Bình không chỉ gửi hai cuộn băng? Cùng với đồ gửi cho tôi, còn có một phần khác gửi đến công ty A Ninh nữa? Hai cuộn băng này, phải chăng cũng có nội dung giống với hai cuộn băng mà chúng tôi đã nhận được?

Thằng cha này rốt cuộc muốn làm gì?

“Đây là thứ mấy ngày hôm trước được gửi đến trụ sở của công ty chúng tôi ở Thượng Hải. Vì người gửi tương đối đặc biệt, nên rất nhanh nó đã đến tay tôi.” A Ninh nhìn tôi. “Sau khi xem xong tôi liền biết phải tới tìm anh một chuyến.”

Bàn Tử đã nghe tôi kể về chuyện băng ghi hình, bây giờ cái vẻ mặt làm gì còn giữ được bí mật nữa, nhắm thẳng vào tôi nhấm nháy ra hiệu. Tôi lại ‘khụ’ một tiếng, ý bảo anh ta đừng có kích động như vậy, rồi nói với A Ninh: “Người gửi bưu kiện có cái gì đặc biệt thế? Nội dung trong băng là cái gì?”

A Ninh liếc xéo Bàn Tử một cái, như cười như không, quay sang tôi đáp: “Người gửi bưu kiện đúng là hết sức đặc biệt. Đợt chuyển phát nhanh này người gửi chính là…..” Cô ta lấy trong túi ra một tờ hóa đơn chuyển phát nhanh, “Anh tự xem xem đó là ai.”

Tôi thấy cô ả cứ nói kiểu che che đậy đậy như thế, trong lòng thầm nghĩ người gửi bưu kiện chắc là Trương Khởi Linh rồi. Gì chứ cái tay này thì lại chả đặc biệt hết cỡ. Tôi bây giờ còn có cảm giác chẳng hiểu anh ta rốt cuộc có tồn tại trên cõi đời này hay không nữa. Thế nhưng làm sao mà A Ninh lại biết hắn ta đặc biệt được cơ chứ?

Thế là tôi bèn nhận lấy. Bàn Tử lại thò đầu sang xem. Mới thoáng nhìn thấy là tôi đã sững cả người. Thứ ghi trên tờ hóa đơn kia, tên của người gửi đợt chuyển phát nhanh này, lại chính là Ngô Tà – tên họ của tôi.

“Cậu á?” Bàn Tử bên cạnh chẳng hiểu ra sao cả, bèn kêu lên.

Tôi lập tức lắc đầu, nói với A Ninh: “Tôi không có gửi! Cái này không phải tôi gửi đâu.”

A Ninh gật đầu: “Chúng tôi cũng biết. Làm sao có khả năng anh gửi đồ cho chúng tôi được. Ngưởi gửi đồ ghi lên cái tên này, rõ ràng là để đảm bảo rằng đồ sẽ đến được tay tôi mà thôi.”

Hứng thú của Bàn Tử bị khơi lên. Anh ta bèn hỏi A Ninh: “Ở trong quay gì ấy nhể?”

A Ninh đáp: “Thứ bên trong khá là quái đản. Tôi nghĩ các anh nên xem một chút, tự mình cảm nhận đi.”

Sự ngờ vực trong lòng tôi đã bị dồn lên đến cao trào. Lúc này tôi quên cả phòng bị, buột miệng hỏi A Ninh: “Có phải có một cô gái cứ liên tục chải đầu không?”

A Ninh rõ ràng là không hiểu gì cả, liếc nhìn tôi một cái rồi lắc đầu trả lời: ” Không phải. Thứ trong này, không biết có thể tính là người hay không nữa.”

.

.

—————————–

Thím Ngô Tà tự nhận gu gái của mình là loli Hoàng Dung, thế mà có một con loli Hoàng Dung lù lù trước mặt thật thì lại ghét bỏ ra mặt =A= Quả nhiên đời trai của thím đã không còn cách nào cứu vãn nổi nữa rồi :v

.

.

Chương 32

Mấy đầu máy video mua tại Cát Lâm tôi đã gửi bưu điện về để ở trong nhà. Vì không muốn A Ninh biết địa chỉ thật của mình (1) – tuy có khả năng cô ta đã sớm biết rồi – nên tôi phân công Vương Minh về nhà tôi lấy. Ở ngay gian trong của cửa hàng, sau khi cắm đầu máy xong, chúng tôi liền bật cuốn băng từ mới nhận trên chiếc TV nhỏ ở đây.

Băng từ vẫn là loại trắng đen không hề thay đổi. Đoạn nhiễu qua đi thì xuất hiện một gian phòng ở bày biện theo kiểu cũ. Lúc mới bắt đầu, tôi còn hơi giật mình, nhưng ngay sau đó liền phát hiện ra cách bài trí của căn phòng kia đã không còn giống như trong cuốn băng chúng tôi đã xem ở Cát Lâm, rõ ràng là địa điểm đã thay đổi. Không gian rộng lớn hơn nhiều, nội thất cũng khác hẳn, không biết là ở đâu.

Lúc ấy, khi ở Cát Lâm cùng với chú Ba xem xong hai cuộn băng từ kia, đoạn sau tất cả đều là muỗi, xem đi xem lại cũng không phát hiện được bất cứ đầu dây mối nhợ nào. Hiện giờ có cuốn băng từ mới, tôi thầm nghĩ bên trong chắc sẽ có manh mối, nên xem kỹ lưỡng hơn một chút.

Vương Minh pha trà rót nước cho mọi người. Bàn Tử không hề khách sáo, nằm xoài ra trên ghế dựa của tôi. Tôi đành ngồi sang một bên, sau đó đuổi Vương Minh ra ngoài trông hàng, lại còn phải giữ kẽ ráng sức duy trì một khoảng cách với A Ninh. Có điều lúc này A Ninh cũng nghiêm túc rồi, gương mặt lạnh tanh so với vẻ dí dỏm ban nãy cứ như hai người hoàn toàn khác hẳn.

Trong căn phòng đó rất tối, ở một bên có ánh sáng loang lổ chiếu vào. Theo hình dạng ánh sáng chiếu xuyên qua thì cửa sổ có phần giống loại song gỗ khắc hoa sử dụng cho kiểu nhà cũ thời Minh-Thanh, tuy nhiên hình ảnh là đen trắng nên nhìn không rõ lắm. Có thể thấy lúc này trong phòng không có người.

Bàn Tử nháy mắt với tôi, ngầm hỏi nội dung có giống cuộn băng ghi hình mà Muộn Du Bình gửi cho tôi không. Tôi thoáng lắc đầu ý bảo không phải. Anh ta để lộ vẻ mặt vô cùng bất ngờ rồi lại quay đầu chăm chú xem băng.

Có điều, một đoạn khoảng mười lăm phút sau hình ảnh vẫn không có gì thay đổi, chỉ là thỉnh thoảng nhiễu một phát làm chúng tôi giật mình thon thót.

Tôi từng có kinh nghiệm nên vẫn còn có thể chịu được. Bàn Tử thì đã không kiên nhẫn được nữa, bèn quay sang phía A Ninh: “Tôi bảo này Ninh tiểu thư, cô cầm nhầm băng rồi hả?”

A Ninh mặc kệ anh ta, chỉ nhìn tôi. Tôi thì lại nín thở, vì tôi biết cuộn băng này có lẽ cũng là băng hình giám sát, có ghi lại hình ảnh phòng ở không một bóng người cũng là cực kỳ bình thường. A Ninh đã muốn đưa cuộn băng từ này tới, thì chắc chắn không lâu sau nữa sẽ có một sự việc gì đó không tầm thường xảy ra trong cuốn băng.

Thấy tôi và A Ninh không nói câu nào, Bàn Tử cũng mất mặt, uống xong ngụm trà liền muốn ra ngoài. Tôi bèn ấn anh ta xuống, không để anh ta chuồn đi mất. Lúc bấy giờ anh ta mới chịu ngồi lại, nhưng cứ cào cào gãi gãi sồn sột hết chỗ nọ chỗ kia, rõ ràng là cực kỳ sốt ruột.

Tôi trong lòng ngấm ngầm bực dọc nhưng cũng không tiện bùng nổ, đành phải tập trung  tư tưởng hạ hỏa, tiếp tục theo dõi căn phòng trên TV. Bản thân tôi cũng có phần mất kiên nhẫn, thật muốn nhấn nút tua nhanh nó lên một chút.

Vừa đúng lúc đó, A Ninh đột nhiên ngồi ngay ngắn hẳn lên, ngoắc tay ra hiệu. Tôi cùng Bàn Tử lập tức cũng ngồi thẳng người, cẩn thận theo dõi màn hình.

Trên màn hình, trong phòng bỗng xuất hiện một cái bóng xám đang di chuyển từ trong bóng tối ra, động tác vô cùng kỳ quái, tốc độ đi cũng cực chậm, cứ như là say rượu.

Tôi nuốt ngụm nước miếng, trong lòng nảy ra vài suy đoán nhưng không biết có chính xác hay không. Lúc này tôi cũng căng thẳng hẳn lên.

Rất nhanh, cái bóng trắng trông rõ ràng hẳn. Đến khi nó di chuyển đến bên cửa sổ thì lúc bấy giờ tôi mới hiểu ra vì sao động tác của người này lại kỳ dị đến thế: đó là vì nó căn bản không phải đang đi, mà là đang bò trên mặt đất.

Người này không biết là nam hay nữ, chỉ thấy nó đầu bù tóc rối, quần áo mặc trên người trông cứ như áo liệm, bò trườn trên mặt đất một cách chậm chạp, đầy gian nan.

Mà điều làm tôi cảm thấy kỳ dị chính là tư thế bò trườn của nó trông cực kỳ quái đản. Nếu không phải là người có tật, thì hẳn là đã phải chịu một sự ngược đãi đến cực độ. Tôi từng xem một bản tin, trong đó nói ở một vùng nông thôn hẻo lánh có gã dân quê đem nhốt bà vợ thần kinh có vấn đề trong hầm ngầm, đợi đến khi bà vợ được thả ra thì đã không thể nào đi lại bình thường được nữa mà chỉ có thể bò thôi. Động tác của nó đúng là cho tôi loại cảm giác này.

Chúng tôi đều không lên tiếng, nhìn nó bò qua màn hình rồi lẳng lặng không một tiếng động mà biến mất ở đầu đằng kia. Sau đó, trước mắt chúng tôi, căn phòng lại trở về vẻ yên tĩnh bất động như cũ.

Toàn bộ quá trình chỉ dài hơn bảy phút tý tẹo, nhưng điều khiến người ta gần như phát điên chính là: không có âm thanh. Phải nhìn một người bò qua không chút tiếng động như vậy là một chuyện cực kỳ không thoải mái.

A Ninh ấn điều khiển từ xa, tua lại cuốn băng, sau đó tiếp tục phát một lần nữa. Sau đó, cô ta dừng hình ảnh lại rồi bảo chúng tôi: “Đoạn sau không cần xem nữa. Vấn đề là ở đây.”

“Tóm lại là có ý gì thế hả?” Bàn Tử không hiểu đầu cua tai nheo gì, lên tiếng hỏi tôi, “Đồng chí Thiên Chân Vô Tà, người kia là ai vậy?”

“Tôi làm sao biết được!” Tôi buồn bực đáp. Vốn tôi cho rằng sẽ nhìn thấy Hoắc Linh xuất hiện lần nữa, ai dè lại không phải. Điều này càng khiến tôi thêm nghi ngờ. Nhìn cái dáng gù gù kia, nếu đúng thật là đồ do cùng một người gửi đi thì trên cuốn băng ghi hình có lẽ vẫn là Hoắc Linh. Lẽ nào lúc Hoắc Linh được ghi lại trong cuốn băng hình này thì đã già đến nỗi đứng cũng không nổi hay sao?

Bàn Tử lại quay sang hỏi A Ninh rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra. Đây là quay thứ gì vậy?

“Các anh cảm thấy mình đã thấy gì?” A Ninh hỏi lại chúng tôi.

“Cái đó còn phải hỏi sao? Đây không phải là một người bò qua trên sàn nhà trong một cái phòng hở?” Bàn Tử trả lời.

A Ninh không để ý tới anh ta mà nhìn tôi đầy thâm ý rồi hỏi: “Anh nói đi?” Dường như cô ta muốn nhìn ra cái gì đó từ trên người tôi vậy.

Tôi theo dõi vẻ mặt của A Ninh, khó hiểu hỏi: “Chẳng lẽ không phải à?”

Cô ta có phần ngờ vực, lại có vẻ hơi bất ngờ, nheo mắt: “Anh… vẫn không có cảm giác đặc biệt gì khác sao?”

Tôi chẳng hiểu gì cả, liền đưa mắt nhìn Bàn Tử. Bàn Tử thì nhìn chằm chằm vào cuốn băng ghi hình đang phát ra thanh âm “rè rè”, lắc đầu: “Không thấy.”

A Ninh chằm chặp nhìn tôi rất lâu rồi mới thở dài nói: “Thôi được rồi, chúng ta xem tiếp cuốn thứ hai. Tôi hy vọng các anh có thể chuẩn bị tâm lý thật tốt.”

Nói xong thì cuốn băng từ thứ hai cũng được bỏ vào đầu máy. Lần này A Ninh không để chúng tôi xem từ đầu, mà bắt đầu tua nhanh cuộn băng. Đến tận thời điểm băng ghi được mười lăm phút, cô ta mới nhìn tôi nói: “Anh… tốt nhất là hít thở sâu một lát đi!”

Tôi bị cô ta nói thế thật đúng là có phần luống cuống. Bàn Tử thì sốt ruột nói: “Xem thường người ta hả? Cô cũng không dò la một chút, xem đồng chí Tiểu Ngô nhà ta đã trải qua những cảnh ngộ nào. Trèo lên núi tuyết, lặn xuống biển sâu, tôi còn không tin có thứ gì hù dọa được cậu ta, cô đừng có ở đấy mà vẽ vời ra thói đa sầu đa cảm của đám đàn bà con gái các cô nữa. Tiểu Ngô, cậu nói thử xem sao, cái lý lẽ này có đúng hay không vậy hả?”

Tôi mặc kệ lời anh ta nói, bảo A Ninh cứ bắt đầu đi. Ngồi ở phòng trong của cửa hàng nhà mình rồi, tôi cũng chẳng tin tôi sẽ phát hoảng đến mức chạy đi đâu được nữa.

A Ninh trừng mắt nhìn Bàn Tử. Băng ghi hình lại bắt đầu phát, hình ảnh vẫn là căn phòng ở kia, có điều màn hình máy quay có vẻ hơi rung rinh, hình như có người đang điều chỉnh nó. Rung được khoảng hai phút màn hình mới ngay ngắn lại. Tiếp theo, một khuôn mặt từ dưới màn hình ló lên.

Lúc mới đầu tiêu cự chưa được điều chỉnh tốt, áp sát quá gần nên nhìn không rõ lắm, nhưng tôi đã nhận ra người nọ không phải Hoắc Linh. Tiếp đó, khuôn mặt người nọ lại dịch chuyển ra sau, một người mặc áo liệm màu xám giống y lúc trước xuất hiện trên màn ảnh. Người đó run rẩy ngồi dưới đất, tóc tai rối bù nhưng với một vài cử động tôi vẫn nhìn thấy được mặt của nó.

Cùng lúc đó, Bàn Tử kinh ngạc kêu thét lên một tiếng, quay phắt đầu lại nhìn tôi, mà tôi cũng lập tức cảm giác được cơn ớn lạnh xộc thẳng từ sống lưng lên sau gáy mình, đồng thời há hốc cả miệng, tưởng như sắp ngộp thở đến nơi.

Trên màn hình, kẻ quay đầu bốn phía ngó nghiêng như người điên kia có gương mặt vô cùng quen thuộc. Tôi phải mất vài giây mới thừa nhận được: đó lại chính là bản thân mình!

Chương 33

 Ba người chúng tôi câm nín đủ mười phút đồng hồ, tất thảy đều im phăng phắc. Trong lúc đó Bàn Tử vẫn cứ nhìn tôi chằm chằm, nhưng không ai nói một câu nào.

A Ninh cho tạm dừng hình ảnh trên tivi lại. Trên khuôn hình đen trắng, hình ảnh đang dừng lại kia chính là khuôn mặt cực kỳ quen thuộc. Dưới mái đầu bù tóc rối đó là gương mặt mà mỗi ngày tôi đều nhìn thấy: khuôn mặt của chính mình. Mới nhìn một lần tôi đã có cảm giác kinh hoàng và quỷ dị đến thế, cho nên tôi không dám nhìn lại nữa.

Một lúc lâu sau, A Ninh mới lên tiếng. Cô ta khẽ nói: “Đây chính là nguyên nhân vì sao tôi nhất định phải tìm bằng được anh.”

Tôi không nói câu nào, cũng không biết phải nói thế nào. Đầu óc tôi trống rỗng rồi, căn bản không biết nên phản ứng ra sao nữa.

Bàn Tử há hốc miệng, phát ra vài tiếng ú ớ vô nghĩa rồi mới nhả ra được một câu: “Tiểu Ngô, người đó là cậu hả?”

Tôi lắc đầu, cảm thấy từng cơn choáng váng ập tới, đầu óc hoàn toàn không sao suy nghĩ nổi nữa. Tôi nhéo mũi mình thật mạnh, xua xua tay với họ ý bảo bọn họ đừng hỏi tôi nữa, để cho tôi tỉnh táo lại một chút trước đã.

Bọn họ quả thực không nói lời nào nữa. Tôi hít mạnh mấy hơi thật sâu, gắng sức bình tĩnh trở lại rồi mới hỏi A Ninh: “Là từ đâu gửi đến thế?”

“Theo chữ ghi bên trên thì hẳn là từ Cách Nhĩ Mộc ở Thanh Hải gửi tới.”

Tôi hít sâu một hơi, quả nhiên là từ cùng một nơi gửi đến. Xét về thời điểm quay cuốn băng này thì thấy cũng cùng một thời kỳ với hai cuốn băng quay Hoắc Linh kia, không quá gần với thời hiện đại bây giờ. Hai cuốn băng này cùng với hai cuốn băng mà tôi nhận được có lẽ có một mối quan hệ nào đó. Có thể loại bỏ khả năng đây là hai sự kiện độc lập rồi.

Nhưng trong đầu tôi nhớ mình chắc chắn chưa bao giờ trải qua chuyện mặc loại quần áo như vậy và bò trườn trong một ngôi nhà cổ. Điều này thật sự không thể tưởng tượng nổi, bản thân tôi rất khó mà tin được rằng người trên màn hình lại là chính mình. Nhất thời, tôi liền có cảm giác đây là một âm mưu.

“Ngoại trừ cái này, còn có manh mối nào khác hay không?” Tôi lại hỏi cô ta. Cô ta lắc đầu: “Đầu mối duy nhất chính là anh, cho nên tôi mới tới tìm anh.”

Tôi cầm lên chiếc điều khiển từ xa, tua về rồi xem lại toàn bộ một lần nữa. Chiếc điều khiển bị tôi bóp đến mức kêu lên ken két. Nhìn thấy khoảnh khắc đặc tả trong chớp mắt đó, tôi dù đã có chuẩn bị tâm lý nhưng trong lòng vẫn bất chợt trầm xuống một chút.

Màn hình trắng đen tuy không rõ nhưng người bên trong tuyệt đối chính xác là tôi chứ không sai.

Bàn Tử vẫn còn muốn hỏi nữa nhưng bị A Ninh ngăn lại. Cô ta ra ngoài nói với Vương Minh một câu gì đó, cậu ta bèn đáp một tiếng rồi không lâu sau đó đã liền cầm một chai rượu quay trở lại. A Ninh hắt nước trà của tôi đi, rót cho tôi một chén rượu.

Tôi cười khổ một cái vẻ cảm kích, đón lấy rồi há miệng tợp một ngụm lớn. Vị cay đắng xộc vào khí quản khiến tôi lập tức ho sù sụ. Bàn Tử bên cạnh nhẹ giọng nói với tôi: “Cậu bình tĩnh một chút trước đã, đừng gấp. Chuyện này cũng không khó giải thích đâu. Trước tiên là cậu phải xác định đã, người kia thật sự không phải là cậu chứ hả?”

Tôi lắc đầu: “Người đó đảm bảo không phải là tôi.”

“Vậy cậu có anh em gì không, bề ngoài trông rất giống cậu ấy?” Bàn Tử nhếch miệng hỏi tôi, “Không phải ông già cậu ở bên ngoài có này nọ gì đấy chứ—“

Tự tôi cũng cảm thấy nực cười. Đây chẳng phải là mấy tình tiết trong tiểu thuyết võ hiệp sao? Làm sao xảy ra trong thực tế được. Tôi cười khổ lắc đầu, lại hớp thêm một ngụm rượu lớn.

A Ninh quan sát tôi, nhìn một lúc thật lâu rồi mới nói: “Nếu không phải là anh, vậy anh có thể giải thích được đây là chuyện gì không?”

Tôi thầm nghĩ, cô hỏi tôi tôi biết hỏi ai, trong lòng đã rối bời đến nỗi không muốn đối đáp gì với cô ta nữa. Sự việc đã hoàn toàn ra ngoài khỏi phạm vi tôi có thể hiểu được, tạm thời tôi không thể dùng lý trí mà suy nghĩ được nữa. Điều chủ yếu nhất là, hễ mỗi khi tôi lần không ra được manh mối nào nữa thì đồng thời trong lòng lại cứ nảy lên một cảm giác kỳ quái, thế nhưng tôi lại không thể tóm được bất cứ đầu dây mối nhợ nào của cái cảm giác này. Điều này khiến cho tôi đặc biệt điên tiết.

Bàn Tử ngồi một bên lại nói: “Nếu vậy cũng không phải, thì chỉ có thể là người này đeo mặt nạ giả trang thành cậu… Xem ra, chả mấy khi lại có người đặc biệt yêu thích tướng mạo của cậu, cậu hẳn là phải thấy phê lắm. Thử nghĩ xem có phải người ta quay cuốn băng này tới phá cậu chơi không?”

Tôi thầm chửi một tiếng. Mặt nạ da người, nghe thì có vẻ là một cách giải thích tốt, nhưng cái thứ gọi là mặt nạ da người này, dùng để che giấu mặt thật biến thành người lạ thì rất dễ, chứ muốn hóa trang thành một người cụ thể hẳn hoi thì tương đối khó, có thể nói là gần như không có khả năng thực hiện được. Nếu có người muốn phỏng theo mặt mũi tôi làm một chiếc mặt nạ da người, thì phải cực kỳ quen thuộc cấu trúc khuôn mặt tôi mới được, hơn nữa còn phải hiểu rõ các loại vẻ mặt của tôi, nếu không, cho dù có làm được ra mặt nạ, chỉ cần người đeo cười hoặc mở miệng thì lập tức sẽ lộ tẩy ngay.

Hình ảnh trong cuốn băng ghi hình này nhất định là phải ấn chứa điều gì đó. Cho dù thật sự có người đeo mặt nạ phỏng theo tướng mạo tôi thì cũng sẽ xuất hiện một đống vấn đề lớn: tỷ như kẻ đó rốt cuộc là ai? Làm thế nào mà biết được tướng mạo của tôi? Đã dùng cái “mặt” của tôi vào việc gì? Tại sao lại xuất hiện trong băng ghi hình? Địa điểm trong băng ghi hình là chỗ nào? Rồi vào lúc nào thì ghi hình lại? Và có liên quan gì với cuốn băng ghi hình của Hoắc Linh?

Sự tình không hề đơn giản như vậy đâu.

Tôi thậm chí còn sinh ra ảo giác, tự hỏi hay là không phải người kia đeo mặt nạ da người, mà chính tôi mới là kẻ đeo mặt nạ da người đây?

Tôi sờ lên mặt mình, thế nào lại cứ muốn nhìn xem mình có phải Ngô Tà hay không. Thế nhưng miết lên có cảm giác đau, rõ ràng khuôn mặt tôi là thật, bản thân tôi cũng bật cười.

Cuốn băng quay Hoắc Linh, cùng với cuốn băng ghi hình “tôi” được gửi đến tay tôi và A Ninh dưới một cái tên Trương Khởi Linh và một cái tên Ngô Tà. Hành động đó dù sao cũng phải có ý nghĩa gì đó. Tất cả những chuyện không thể tưởng tượng nổi bỗng chốc đổ ụp cả xuống, cái cảm giác mà mãi tôi mới có thể thoát khỏi được – chính là chấp niệm đối với sự thật nằm sau lời nói dối của chú Ba – lại đột nhiên trào dâng trong lòng tôi.

Tối đến, vẫn ở Lâu Ngoại Lâu, tôi mời Bàn Tử ăn cơm, vẫn là ở cái bàn hồi trưa.

Cả buổi chiều tôi cứ một mực trầm mặc. A Ninh về sau đợi không nổi nữa, bèn để lại một chiếc điện thoại và địa chỉ rồi quay về khách sạn của mình. Cô ta nói tôi nếu có nghĩ ra cái gì thì hãy báo cho cô ta biết. Ngày mai cô ta lại tới nữa.

Tôi đoán rằng trong một buổi tối mình cũng sẽ chẳng nghĩ ra điều gì, nên cũng chỉ đáp qua loa vài tiếng rồi tống khứ cô ta đi. Bàn Tử vốn định về luôn tối hôm đó, thế nhưng lại xảy ra cái chuyện này, anh ta cũng có hứng thú nên chuẩn bị đợi tiếp vài ngày, để xem sự việc sẽ tiến triển ra sao. Chỗ anh ta ở là do tôi sắp xếp cho, mà buổi trưa lại chẳng ăn uống gì, bèn tiếp tục ở lại ăn chực cơm của tôi.

Cô phục vụ nọ thấy tôi và Bàn Tử lại tới nữa, nhưng cô gái kia lại không thấy đâu, có lẽ đã cho rằng cô gái ấy bị chúng tôi bán đi thật rồi, nên sắc mặt cứ có vẻ kỳ kỳ. Nếu là lúc bình thường thì chắc tôi đã giở trò trêu cô ta rồi, nhưng hiện giờ tôi thật sự chẳng còn lòng dạ nào nữa.

Cái lúc A Ninh vừa đi, Bàn Tử liền hỏi ngay tôi: “Tiểu Ngô, đám đàn bà con gái phắn rồi, rốt cuộc đã có chuyện gì, cậu nói đi được rồi đó?”

Tôi cũng vẫn nở nụ cười khổ với anh ta, nói tôi thật sự không biết, cũng chẳng phải tại có mặt A Ninh nên mới giả bộ lờ ngờ.

Bàn Tử làm ra vẻ không tin. Xem ra trong mắt anh ta, chú Ba tôi là trùm lừa đảo, còn tôi chí ít cũng phải là một con cáo con. Người ở trong cuốn băng ghi hình chắc chắn chính là tôi, còn tôi thì chắc chắn là có nỗi khổ tâm gì đó không nói ra được.

Tôi thật sự không muốn giải thích nữa, tiện mồm thề độc một câu, anh ta mới miễn cưỡng nửa tin nửa ngờ. Lúc này rượu và đồ nhắm đã dọn lên, Bàn Tử cũng tợp một chập rượu rồi lại hỏi tôi: “Tôi bảo Tiểu Ngô này, tôi thấy chuyện này không đơn giản đâu. Cậu không nói năng gì cả buổi chiều rồi, tóm lại là có nghĩ ra cái gì không vậy? Cậu không được gạt Bàn gia đâu nhé.”

Tôi lắc đầu, cau mày bảo với anh ta: “Thật sự chẳng nghĩ ra được gì. Chuyện này tôi làm sao có thể nghĩ cho rõ ràng được cơ chứ, thậm chí phải bắt đầu nghĩ từ chỗ nào, tôi mẹ kiếp còn *éo biết. Hiện giờ chuyện duy nhất có thể nghĩ là cuộn băng này rốt cuộc do ai gửi tới thôi.”

Lúc chiều tôi đã suy nghĩ rất lâu. Những điều khiến tôi lưu tâm, thứ nhất là, theo như nội dung nhìn thấy trên băng hình, “tôi” và Hoắc Linh đều giống nhau, đều biết biết đến sự tồn tại của chiếc máy quay, rõ ràng là “tôi” cũng không kháng cự lại cái vật kia.

Thứ hai là, cuốn băng của Hoắc Linh, thời gian ghi hình rõ ràng từ rất lâu rồi, có lẽ đã quay từ những năm 90 của thế kỷ 20. Nếu như hai cuốn băng đều được ghi từ cùng một thời kỳ, thì “tôi” trong cuốn băng kia của A Ninh có lẽ cũng sống ở thập niên 90, mà lúc đó thì tôi còn nhớ rành rành rằng mình vẫn đang học phổ thông. Không chỉ nói riêng rằng tôi không hề có ký ức về việc quay cuốn băng này, mà cho dù có thì hình dáng tôi cũng không giống như vậy. Tôi tuy là kẻ theo thuyết âm mưu, nhưng nếu như thời thơ ấu của tôi có gì giả dối, thì những bức ảnh chụp từ nhỏ tới lớn của tôi ở trong nhà phải giải thích thế nào? Mấy người học cùng tôi, bạn bè của tôi, thì lại phải giải thích thế nào?

Hiện giờ, xem ra chuyện tôi nghĩ không thông nhất chính là chuyện người gửi cuốn băng này cho A Ninh là ai, và mục đích của người đó là gì. Lẽ nào chỉ là muốn dọa rồ tôi một trận? Thật sự rất không có khả năng.

Bàn Tử vỗ vỗ tôi xem như an ủi, lại tự nói với chính mình: “Kẻ mạo danh cậu gửi đồ cho A Ninh ấy, có thể nào cũng là Tiểu Ca kia không?”

Tôi thở dài, lòng tự nhủ chuyện này ai mà biết được. Nhớ tới cách giải thích của A Ninh đối với cái tên ghi trên bưu phẩm, tôi lại nảy ra nghi vấn trong lòng. Nếu kiện hàng của A Ninh chỉ là dùng tên giả để gửi đi, thì có phải hai cuốn băng từ trên tay tôi cũng là dùng tên giả? Dùng tên của Trương Khởi Linh cũng là để cuộn băng đó có thể đến được tay tôi? Người gửi băng không phải là hắn ta, mà là một người hoàn toàn khác?

Dù sao tôi cũng cảm thấy thật sự hắn ta chẳng có lý do gì để mà gửi đi một thứ thế này cả. Băng ghi hình và hắn cũng chả hợp với nhau tý nào.

Tôi bèn hỏi Bàn Tử: “Phải rồi, đầu óc của Bàn Tử anh không giống như người khác. Anh nghĩ thử giúp tôi một tý, xem chuyện này có thể là thế nào đi. Phải dùng trực giác của anh ấy.”

“Trực giác á?” Bàn Tử gãi đầu gãi tai, “Mẹ kiếp cậu không phải là muốn làm khó tôi đấy chứ? Bàn gia gần đây đến cả ảo giác còn không có, còn trực giác cái mẹ gì.”

Tôi tự nhủ ờ cũng đúng, muốn Bàn Tử suy nghĩ chuyện này thì quả thật có phần thất sách. Dù sao anh ta và Muộn Du Bình đâu có quá quen thân, sự việc ở Tây Sa anh ta cũng không biết, ít ra là chẳng nắm được nhiều như tôi.

Nói đến Muộn Du Bình, thì liệu tôi có được tính là hiểu thấu người này không nhỉ? Tôi vừa nhấp một ngụm rượu vừa suy nghĩ.

Cảm giác tổng thể mà Muộn Du Bình tạo cho tôi là người này không hề giống một con người, mà tựa như một ký hiệu cực đơn giản. Trong trí óc tôi, ngoại trừ mấy lần hắn ta cứu tôi kia, hình như những lúc khác tôi nhìn đến thì đều thấy hắn đang ngủ. Thậm chí tôi còn không có lấy mảy may đầu mối nào để suy luận về tính cách của hắn ta.

Nếu là người bình thường thì luôn luôn có thể phán đoán được tính nết của họ thông qua giọng điệu nói chuyện hoặc là vài cử chỉ vô thức, nhưng mà hắn ta thì lúc nào cũng nói ít đến mức đáng thương, lại chẳng hề có cử chỉ vô thức nào cả, đích xác là một kẻ chẳng hề làm bất cứ việc gì thừa thãi. Chỉ cần hắn ta có động tác là y như rằng có chuyện gì đó xảy ra. Đây cũng là lý do vì sao rất nhiều lần hễ cứ thấy hắn ta biến sắc là tất cả mọi người đều bắt đầu toát hết cả mồ hôi hột.

Tôi ngẫm nghĩ rồi lại nói với Bàn Tử: “Vậy khỏi cần trực giác, anh nói thử xem, đối với vấn đề này anh có cảm giác gì, có chỗ nào bất ổn không? Một tẹo thôi cũng được, góp sức giúp tôi một tí.”

Bàn Tử liền thở dài bảo tôi: “Mẹ nó chứ, cậu đúng là làm mất mặt giai cấp vô sản chúng ta. Cảm giác thì tôi không có, cơ mà chỗ bất ổn thì thực ra là có một cái đấy. Lúc cậu vừa nói ban nãy tôi đã để ý thấy có một chi tiết nhỏ, không biết cậu có từng chú ý hay không?”

“Chi tiết gì vậy?” Tôi hỏi anh ta.

“Chẳng phải cậu đã nói rằng băng hình Tiểu Ca gửi cho cậu kia, có những hai cuốn còn gì? Trong đó một cuốn là cô gái kia chải đầu, cuốn còn lại là băng trắng, chẳng có cái gì cả.”

Tôi gật đầu, đúng là như thế thật.

Bàn Tử lại nói: “Cái này mẹ kiếp thật bất thường. Nếu là băng trắng thì hắn gửi cho cậu làm quái gì? Cái này chẳng phải vô lý à? Thế quái nào hắn lại không gửi luôn mỗi cái cuộn thứ nhất là xong ấy, cần phải gom hai cuộn lại làm gì?”

Tôi thở dài. Lúc trước tôi cũng từng suy xét vấn đề này, nhưng mà cả câu chuyện cực kỳ khó tưởng tượng nổi, cho nên những phương diện không hợp lý nhỏ nhặt này tôi chẳng có sức mà cẩn thận nghiền ngẫm. Lúc đó cảm thấy đối phương hẳn phải có dụng ý khác, chỉ có điều tôi cũng không hiểu dụng ý của họ mà thôi.

Bàn Tử nghe xong chỉ lắc đầu, bảo rằng không đúng: “Vấn đề này nếu như theo suy nghĩ của cậu như vậy thì cũng quá là bế tắc. Chúng ta đang sống trong thế giới thực tế, đây không phải là truyện thần tiên, chẳng có nhẽ gì mà lại xảy ra chuyện không đầu không đuôi như vậy được. Tôi thấy chúng ta có lẽ đã hơi phức tạp hóa vấn đề quá mức rồi. Có lẽ đối phương gửi cái băng hình này đi, lại với lý do cực kỳ đơn giản.”

Tôi trong đầu có chút suy nghĩ phản đối, nhưng lại không muốn nghĩ nưa, liền cứ để anh ta nói ra nhận xét của mình.

Bàn Tử bảo: “Cũng chẳng phải là nhận xét, tôi chỉ thấy cách suy luận vấn đề của cậu không đúng, hình như là bị người ta xoay cho rối lên rồi. Chúng ta thử nghĩ thẳng vào vấn đề một chút, đối phương gửi hai cuốn băng từ cho cậu, một cuốn có nội dung, một cuốn không có gì. Nói cách khác là có một cuốn hoàn toàn không gửi cũng được, mà đối phương thế nào lại vẫn cứ gửi đi, có đúng không?”

Tôi gật đầu. Bàn Tử nói tiếp: “Thế là chết mẹ rồi đấy. Xét tổng thể thì như vậy là rất bình thường, nhưng vì cái tên người gửi băng từ nên lại làm cho cậu cảm thấy không thể hiểu nổi. Chúng ta chủ quan cho rằng cha đó làm bất cứ chuyện gì có lẽ cũng đều có thâm ý cả. Nhưng mà mẹ nó, nếu không nghĩ như vậy, giả sử cái đứa gửi đồ kia chỉ là người bình thường, cậu cho rằng người bình thường trong tình huống này liệu có thể làm như vậy hay không? Tôi thì nghĩ là kiểu gì cũng không thể. Nếu là tôi gửi băng từ cho cậu, tôi làm quái gì mà phải kèm thêm một cuộn băng trắng rồi mới gửi đi? Thế này chẳng phải quá bệnh sao? Tôi thấy ở đây đảm bảo là có ẩn ý. Cậu nghĩ kỹ xem có phải là hợp lý không.”

Tôi khẽ gật đầu. Bàn Tử vĩnh viễn làm cho người ta vui mừng kinh ngạc. Đúng là vấn đề này tôi đã không đào sâu suy nghĩ như vậy. Tôi dựa vào ghế suy ngẫm lời của Bàn Tử, rơi vào trầm tư.

Một người bình thường, ở trong tình huống như thế nào thì sẽ dùng cách này để gửi đồ? Một cuốn băng ghi hình có nội dung rồi lại kèm thêm một cuốn băng ghi hình không có nội dung, gói chung lại như vậy là có dụng ý gì?

Không nên phức tạp hóa vấn đề! Tôi tự dặn chính mình, dùng trực giác suy nghĩ, ngẫm lại xem trước kia lúc mượn băng ghi hình, trong tình huống như thế nào thì bản thân mình sẽ làm như vậy?

Vừa nghĩ thì quả đúng là chợt nhớ đến một việc trước kia. Tôi thầm giật nảy mình, cảm thấy hình như đúng là có một hồi nào đó mình cũng đã từng làm chuyện tương tự.

Bàn Tử đang xơi thịt Đông Pha (thịt ba chỉ kho nhừ kiểu Tô Đông Pha -东坡肉) ở một bên, thấy bộ dạng tôi như vậy bèn hỏi: “Thế nào? Nghĩ ra cái gì rồi hả?”

Tôi ngoẹo đầu bảo anh ta đừng ồn ào, trong lòng nghiền ngẫm chuyện ban nãy mình vừa nghĩ ra. Nghĩ đi nghĩ lại, hồi ức trước kia cũng xuất hiện. Tôi lầm bầm một tiếng, đột nhiên trong chốc lát đã ý thức được chuyện là thế nào. Tôi vùng đứng lên, bảo với Bàn Tử: “Cái đệch, hóa ra đơn giản như vậy! Đừng ăn nữa! Chúng ta về luôn đi!” Nói xong tôi vọt thẳng ra ngoài.

Bàn Tử mới ngoạm hết có nửa đĩa thịt, suýt nữa thì phun ra, gào lên: “Lại không ăn? Buổi trưa cũng không ăn! Mẹ nhà cậu mời khách cái kiểu này đấy à?”

Tôi đang vội quay về để chứng thực suy đoán của mình, bèn quay đầu lại bảo với anh ta: “Thế thì anh ăn xong hẵng qua.”

Bàn Tử xoay một vòng tại chỗ cũng chẳng cách nào giữ được tôi, đành phải chạy theo, trước khi đi còn quát lên với bồi bàn: “Bàn đồ ăn này cấm được dọn! Bàn gia trở về còn ăn tiếp. Mẹ nó bố kiểm tra rồi đấy, thiếu cái rễ hành thôi là bố về bố đập nát biển hiệu nhà chúng mày ra!” Nói đoạn liền theo tôi ra cửa.

Chương 34

Lâu Ngoại Lâu cách cửa hàng của tôi không xa, tôi bèn vội vã chạy bộ trở về. Vương Minh tan tầm vào lúc năm giờ mười lăm phút. Cậu này thuộc  loại tuyệt đối không ở lại thêm nửa phút nên cửa đã khóa từ lâu. Tôi bèn mở khóa chui tọt vào phòng trong. Cuộn băng A Ninh mang đến cô ta đã lấy về rồi, tôi liền lục ra hai cuốn băng khác của mình. Bàn Tử bám sát theo sau, tiến đến giúp tôi cắm điện.

Thế nhưng ý định của tôi không phải lần nữa xem lại cuốn băng, mà lục lọi ngăn kéo lấy ra một chiếc tuốc-nơ-vít.

Bàn Tử thấy vậy thì chẳng hiểu mô tê gì cả, bèn hỏi tôi định làm gì đấy. Tôi trong lòng nhộn nhạo hết cả rồi nên cũng không buồn trả lời anh ta nữa mà bắt đầu tháo tung cuốn băng từ ra.

Nếu như suy đoán của tôi không sai thì vấn đề này thật đơn con mẹ nó giản quá mức, thậm chí chính bản thân tôi cũng đã làm rất nhiều lần.

Hai cuộn băng từ, trong đó một cuốn lại là băng trắng. Như vậy nói lên rằng, nội dung bên trong cuốn băng căn bản không quan trọng. Thứ đối phương muốn gửi cho tôi chính là bản thân cuốn băng ghi hình chứ không phải để chúng tôi xem nội dung bên trong, cho nên bên trong chỉ là băng trắng, hoặc cho dù có hình ảnh thì cũng chẳng liên quan một tý nào. Vậy người đó gửi cuốn băng đến, chỉ có một lý do, một lý do đơn giản đến không thể đơn giản hơn, mà phỏng đoán của tôi cũng có thể kiểm chứng cực kỳ dễ dàng.

Trước kia, hồi còn học trung học, thứ này tôi cũng từng mó máy không ít rồi nên việc mở nó không khó chút nào, chỉ như một cộng một bằng hai. Tôi tách cuốn băng ra, sau đó cẩn thận cầm một bên lên, run rẩy. Bàn Tử đang đứng cạnh xem liền kêu lên một tiếng kinh ngạc.

Mặt trong của cuốn băng ghi hình, ở một bên phần vỏ nhựa plastic quả nhiên có dán một thứ.

“Con bà nó gấu quá đi mất, sao cậu nghĩ ra được thế?” Bàn Tử kinh ngạc hỏi.

Tôi nhếch mép, nhưng cũng không cười nổi, phát cho anh ta một cái: “Là anh nghĩ ra đấy chứ”. Kéo vật kia ra xem xét, tôi lại “ui chao” lên một tiếng, chỉ cảm thấy ruột gan quặn hết cả lên.

Đó là một tờ giấy viết thư, mặt trên có mười mấy chữ viết rất ngoáy.

Tỉnh Thanh Hải, thành phố Cách Nhĩ Mộc, đường Côn Luân, ngõ Đức Nhi Tham, số 349-5.

Người biết chữ nhìn một lần là hiểu: đó là một địa chỉ ở thành phố Cách Nhĩ Mộc.

“Choáng chưa.” Tôi bất giác học theo lối nói Bắc Kinh, lau lau cái trán đẫm mồ hôi, trong lòng sinh ra một cảm giác hớn hở. Mãi rồi tôi cũng đoán trúng được một chuyện, hóa ra đúng là tại tự mình nghĩ phức tạp quá lên thật.

Trò này đúng là một mũi tên trúng những hai con chim. Thứ nhất là có thể bảo vệ món đồ này không bị phá hỏng trên quãng đường vận chuyển dài. Thứ hai là, nếu thứ này có bị người ta chặn được, thì trong lúc nhất thời đối phương sẽ không nghĩ tới còn có đồ giấu ở bên trong. Đặc biệt là nếu như nội dung cuốn băng ghi hình kia đủ để lôi kéo sự chú ý của kẻ ăn chặn nó.

Trong lòng đã sáng tỏ, tôi có thể khẳng định rằng kẻ ăn chặn cuốn băng mà đối phương phải đề phòng nọ chính là chú Ba. Bởi vì chí có chú Ba mới hoảng hốt khi xem nội dung cuốn băng. Sự thật đúng là như thế. Chú thực sự đã bị nội dung bên trong cuốn băng lôi kéo toàn bộ sự chú ý.

Vấn đề này chỉ cần suy đoán một chút là sẽ thấy rất rõ ràng. Bởi vì nếu người ta gửi bưu điện thẳng tới địa chỉ này, dựa theo tình huống lúc đó thì món đồ này tất nhiên sẽ lọt vào tay chú Ba, giống y như phần bản sao sách lụa Chiến Quốc hồi mới đầu.

Nghĩ thông mấy điểm này rồi, tôi liền cảm thấy nhẹ nhõm thoải mái cực kỳ, lập tức tiếp tục mở tung cuốn băng từ còn lại ra. Bên trong cuốn băng này không phải giấy, mà là một cái chìa khóa bằng đồng thau cũ kỹ, hơn nữa còn là loại khóa 480 thịnh hành từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

Lấy cái chìa khóa ra, tôi phát hiện thấy chiếc chìa khóa này có phần cũ kỹ lắm rồi, lớp đồng bên ngoài hóa đen hết cả. Phía đuôi chìa khóa có dán một miếng băng dính, bên trên viết một hàng chữ số mờ nhạt: 306.

“Xem ra đối phương muốn mời cậu sang đó.” Bàn Tử đứng bên cạnh bèn nói, “Đến cả phòng cũng đặt sẵn cho cậu rồi.”

Chương 35

Tôi nhìn nhìn dòng địa chỉ kia và chiếc chìa khóa mà sững sờ tại chỗ. Bàn Tử nói đúng. Vừa rồi tôi cũng nghĩ đến chuyện này. Xem ra người gửi cuốn băng hình quả thật muốn tôi tìm đến đó. Chiếc chìa khóa này có lẽ là chìa khóa cửa của nơi có địa chỉ ghi ở đây. Kiểu này xem ra dù tôi có đến thì đối phương có khả năng sẽ không ở nhà, người ta là muốn tội tự vào thăm quan hả?

Tôi đột nhiên nảy ra một ý niệm kỳ quái. Không lẽ căn phòng ở kia là nhà của Tiểu Ca? Hắn biết bản thân mình không trở về được, mới nhờ người đem chìa khóa nhà mình gửi cho tôi? Coi như là để lại tài sản cho tôi hả?

Nếu quả thật như thế, vậy tôi cũng nên đến nhà hắn đi, còn có thể hiểu thêm về quá khứ của hắn nữa. Có điều chuyện này nghĩ thế nào cũng quá là không có khả năng…

Ngoài ra, nói vậy thì hai cuốn băng từ của A Ninh kia lẽ nào cũng đính kèm thứ gì bên trong?

Đêm hôm đó tôi trằn trọc khó ngủ, ghé vào mép giường hút thuốc hết điếu này lại đến điếu khác. Thường thì chỉ có những lúc buồn bực tôi mới hút một điếu, nhưng lần này có hút bao nhiêu cũng vô dụng, vẫn thấy khó chịu trong lòng.

Ngồi nhớ lại toàn bộ sự việc, bắt đầu từ lúc tôi mới nhận được cuốn băng hình, đến lúc này khi đã phát hiện được món đồ ở bên trong, thời gian mới chỉ có mấy tháng thôi, nhưng mỗi lần thêm một phát hiện lại làm cho mọi việc trở nên càng thêm mù mờ rối rắm, càng thêm phức tạp hơn.

Thực ra, tuy bí mật của cuốn băng ghi hình đã bị tôi phát hiện, nhưng điều thực sự khiến tôi hoang mang bực dọc vẫn là nội dung ở trong băng. Bất kể đối phương muốn dùng nội dung trong đó để che giấu cái gì, hay chỉ là tiện tay nhặt lên hai cuốn băng, thì nội dung đó chắc chắn vẫn sẽ thu hút toàn bộ sự chú ý của người xem. Mà những nội dung này lại không thể nào làm giả được. Kiểu người như hắn thì không thể nào mà lại quen thuộc với cách ghi hình vào băng được. Vậy thì cuốn băng này hắn lấy được từ đâu?

Băng ghi hình loại đó, tôi có thể khẳng định không chỉ có vài cuốn thế này. Dựa theo dung lượng thời gian của băng thì để ghi hình đủ một ngày phải cần trên dưới tám cuốn. Băng gửi cho tôi một cuốn là băng trắng, một cuốn có nội dung, điều này chứng tỏ đối phương lúc lấy băng ghi hình có rất nhiều lựa chọn. Chuyện đó ít nhất cũng nói lên rằng có khả năng ở nơi đó vẫn còn những cuộn băng ghi hình khác.

Trong băng “Hoắc Linh” và “tôi” tự giám sát hành động của bản thân, tất nhiên phải có mục đích bất đắc dĩ chứ không phải chỉ để đùa cho vui.

Mà đương nhiên thứ khiến tôi để ý nhất vẫn là hai cuốn băng của A Ninh. Tôi vẫn khăng khăng tự xem mình là người ngoài cuộc, một mực tự nhận rằng mình chỉ là kẻ ăn theo nói leo, tự bám theo chú Ba, lần đầu tiên là vì tính hấp tấp của mình, lần thứ hai là vì tình thế bắt buộc, lần thứ ba là vì ù ù cạc cạc nghe theo người ta sắp xếp. Mỗi một lần, chỉ cần nói một tiếng “không” thì sẽ chẳng bao giờ có việc gì dính dáng đến tôi, cho nên sự việc bỗng nhiên đột ngột phát triển đến mức dường như cả tôi cũng bị liên luy vào, tôi thật sự là có chút mất phương hướng.

Có điều lời nhắc nhở của Bàn Tử lúc này khiến tôi như người vừa ngộ đạo. Tôi đã cảm thấy cách suy nghĩ của mình dường như đã quá mức phức tạp rồi. Có lẽ đúng là vì mình có thói quen phức tạp hóa vấn đề lên như vậy nên mới khiến cho sự việc vốn cực kỳ đơn giản trở nên phức tạp. Có lẽ vốn bản thân mọi việc cũng chỉ giống như chuyện này, chẳng rối rắm một tý nào cả.

Tôi nghĩ rất nhiều, lúc này lại nhớ tới lời “Lý Chìm Xuồng” nói với tôi hôm đó, rằng chuyện này có lẽ liên quan đến tôi nhiều dữ lắm. Cứ nghĩ mà xem, chú Ba đã phải vắt óc bày mưu lừa gạt tôi, nếu chú không muốn tôi can dự vào chuyện này, thì tại sao lại muốn cho tôi theo lên núi tuyết? Lời nói của “Lý Chìm Xuồng” thật có lý vô cùng.

(thực ra là Lý Trầm Chu nhưng beta thích vui thú nhân sinh nên làm trò con bò một tí ♉( ̄▿ ̄)♉)

Tôi lại hồi tưởng về quá khứ của mình. Trong ký ức của tôi quả thật là không có bất cứ một tẹo chi tiết nào có khả năng khiến bản thân tôi dây dưa dính dáng gì vào cái vụ này hết. Hồi còn bé, cha tôi là một người bình thường mờ nhạt, hễ có việc gì cũng đều gánh vác vì gia đình. Ông nội tôi làm mưa làm gió một phương, giữ vai trò trụ cột trong nhà. Chú Hai thì đạo mạo kiệm lời, chú Ba thì chơi bời lêu lổng, hư đốn cứng đầu khó dạy bảo. Hết thảy tập hợp lại trở thành ký ức tuổi thơ của tôi. Bọn họ tuy tính tình khác nhau nhưng đều đối xử với tôi rất tốt . Ngay cả chú Hai cũng chỉ khi nhìn thấy tôi mới nở nụ cười với thằng cháu ruột này.

Có thể nói tuổi thơ của tôi tuy không phải hạnh phúc ngập tràn, nhưng có lẽ cũng giống như thời thơ ấu của những người cùng tuổi, chẳng hề có chỗ nào đặc biệt.

Rồi lại đến mấy năm gọi là đại học này, lại càng bình thường đến cực điểm, ký ức cũng càng thêm rõ ràng hơn. Thật sự là tôi chưa từng trải qua chuyện ăn mặc y như người chết rồi bò qua bò lại trong một căn phòng tăm tối bao giờ.

Tôi mất ngủ cả một buổi tối, cứ chong chong nhìn lên trần nhà cho đến tận hừng đông mà nghĩ quàng nghĩ xiên, càng nghĩ lại càng buồn bực. Toàn bộ mọi chuyện cứ như một tấm lưới bủa vây giăng kín chụp lấy tôi, bất kể tôi chạy đến chỗ nào cũng đều chỉ có thể nhìn thấy vô số lỗ hổng mà lại không sao chạy thoát vì những mắt lưới vướng víu cản đường.

Cục diện thành ra thế này cũng là do tính cách của tôi quyết định. Cái loại tính cách tuy do dự nhưng vẫn không chịu từ bỏ của tôi đã khiến sự việc càng phát triển thì càng phức tạp. Có lẽ khi suy luận vấn đề tôi đừng nên bị động như thế, có những lúc không cần cứ phải chờ người khác cung cấp manh mối cho anh thì anh mới chịu suy xét vấn đề. Làm như thế, manh mối người ta đưa cho anh một là không biết được thật hay giả, hai là sẽ luôn gây ra nhiều nhiễu loạn không đúng lúc.

Nghĩ tới đây, tôi đột nhiên cau mày nhớ tới lời khuyên mà đám bạn đưa ra với tôi vào lúc sắp chia tay. Cậu ta bảo: “Nguyên nhân khiến sự việc trở nên rắc rối phức tạp như vậy cũng là vì cậu cứ cố chấp muốn lấy được đáp án từ chỗ chú Ba cậu. Cậu nên nghĩ rằng, nếu chú Ba cậu đã lừa gạt cậu rồi thì tức là chắc chắn ông ta không muốn để cậu biết bất cứ chuyện gì, như vậy chú Ba cậu sẽ không có khả năng nói thật với cậu nữa. Dối trá lại kéo theo dối trá, cậu càng hỏi thì chỉ càng khiến bản thân cảm thấy bất cứ điều gì trên đời cũng chẳng còn đáng tin, thông tin sẽ càng lúc càng loạn xạ xà ngầu. Nếu cậu muốn tìm ra chân tướng sự việc, chi bằng tự mình tìm đáp án đi. Ví dụ như đội thám hiểm cậu nói đó có mười người hay mười một người, cậu cứ tra trong tài liệu có liên quan vào năm đó ấy. Tóm lại, muốn phân biệt được lời chú Ba cậu nói  là thật hay giả, có nhiều cách lắm.”

Giờ này ngẫm lại, quả thực cậu ta nói không sai.

Được rồi! Tôi tự nhủ với chính mình, mẹ kiếp, nếu vấn đề này đã liên quan đến chính tôi, thì tôi đây thực sự cũng cóc thèm tin ai nữa. Lần này tôi sẽ không nói với bất cứ ai, tự mình đi Cách Nhĩ Mộc điều tra xem đây rốt  cuộc là có chuyện gì xảy ra.”

 Chương 36

Không làm thì thôi chứ đã làm thì đừng lề mề. Ngày hôm sau tôi liền lên kế hoạch đi luôn Cách Nhĩ Mộc.

Vì vùng đó tôi chưa từng đến bao giờ, nên tôi tìm người bạn làm ở công ty du lịch hỏi thăm xem tuyến đường đi lại như thế nào. Người bạn này bảo với tôi rằng, vì không có tuyến bay thẳng đến Cách Nhĩ Mộc nên tôi chỉ có thể xuống sân bay Song Lưu ở Thành Đô trước, sau đó tiếp tục đổi máy bay. Vé máy bay thì cứ để cậu ấy lo, thậm chí đặt phòng khách sạn tại địa phương cũng OK hết. Tôi liền để cậu này giúp tôi xử lý. Vì nơi đó cũng không phải nói đi là đi ngay được nên tôi đặt vé chuyến bay hai ngày sau.

Lần này không phải đi đổ đấu mà chỉ là lượn vài vòng trong thành phố Cách Nhĩ Mộc, hơn nữa cũng không ở lại lâu lắm nên tôi chỉ mang theo vài bộ đồ lót và một ít tiền mặt, gom hết lại nhồi vào một cái ba lô mà vẫn còn thừa chỗ.

Cùng ngày hôm đó Bàn Tử về Bắc Kinh, tôi cũng không đả động gì đến chuyện này với anh ta. Nếu đã quyết định sẽ không nói với ai rồi, vậy Bàn Tử cũng không phải là ngoại lệ.

Trong thời gian hai ngày này, tôi dặn dò Vương Minh, bảo cậu ta quản lý chuyện cửa hàng, rồi mập mờ thông báo với gia đình một chút, lại sắp xếp một vài mối quan hệ. Hai ngày sau tôi lên máy bay.

Suốt đường đi tôi ngủ thẳng một mạch, đến sân bay Song Lưu ở Thành Đô[1] thì ngủ đã đời con mắt rồi, trong mấy giờ bay đi Cách Nhĩ Mộc tôi bèn suy nghĩ về vụ việc ngay trên máy bay luôn. Hơn tám giờ tối hôm đó tôi mới đặt chân đến thành phố Cách Nhĩ Mộc, vốn được mệnh danh là “Cao nguyên khách sạn”.

Nơi đây là một thành phố huyền thoại. Trong tiếng Tạng cái tên Cách Nhĩ Mộc có nghĩa là “nơi sông ngòi giăng kín”. Tuy rằng trên suốt đường bay chỉ thấy toàn sa mạc, nhưng cũng có thể tưởng tượng được hình dạng của thành phố vào thời điểm cái tên đó ra đời. Trên máy bay tôi xem mấy tài liệu, thấy nói rằng thành phố này do “cha đẻ của con đường Thanh Tạng”[2] là tướng quân Mộ Sinh Trung, năm đó đã đưa khu lều bạt của những công binh tu sửa con đường Thanh Tạng vào lập đồn đóng ở đây, sau đó liền trở thành một thành phố. Thành phố mới có hơn 50 năm lịch sử, trước kia vô cùng phồn thịnh nhưng sau này địa vị dần dần bị thay thế bởi Lhasa, vì cả thành phố nằm ở vị trí tương đối không thuận tiện.

Sau khi máy bay hạ cánh, kẻ vô cùng mất mặt là tôi liền gặp phản ứng cao nguyên[3], ngất xỉu luôn ngay tại chỗ cửa ra của phi trường trong khoảng hai ba giây. Cái cảm giác này không giống như hồi tôi hôn mê vì kiệt sức ở Tần Lĩnh, mà là một loại cảm giác giống như cả thế giới chạy vụt ra xa khỏi mình, nhoáng cái mọi cảnh vật đều tối sầm lại, sau đó thì tôi gục xuống hôn đất. Cũng may hai ba giây sau tôi lập tức tỉnh lại, thấy mình lúc này đang nằm thẳng cẳng trên mặt đất rồi. Điều càng mất mặt hơn nữa là lúc tôi đi mua thuốc mới biết hóa ra mình đang ở trên cao nguyên Thanh Tạng. Tôi chưa thuộc địa lý Trung Hoa, thế mà lại không biết Cách Nhĩ Mộc nằm ở cao nguyên Thanh Tạng! Báo hại người bán thuốc còn tưởng rằng tôi lên nhầm máy bay.

Sau khi vào một quán trà Tây Tạng mua một chén trà bơ 5 xu uống ực hết với thuốc, tôi bèn đến nhà nghỉ mà cậu bạn đã sắp xếp, bố trí ổn thỏa chỗ ở. Sau đó, bất chấp cái đầu đau như búa bổ, tôi vẫn tiếp tục hành trình không ngừng nghỉ, lên thẳng một chiếc taxi, lấy tờ địa chỉ kia ra bảo tài xế đưa tôi đến đó.

Nhưng bác tài xem địa chỉ xong lập tức lắc đầu nói rằng chỗ ấy là một cái ngõ rất chật, xe hơi không lái vào được đâu. Khu vực đó toàn là nhà ở cũ kỹ, đường xá chật chội lắm. Anh ta có thể đưa tôi đến địa điểm gần đó, cách một con đường, còn sâu hơn nữa ở bên trong thì tôi phải tự mình vào mà hỏi.

Tôi nghe xong cũng đồng ý, bảo anh ta cứ lái đi. Không lâu sau tôi đã tới khu nhà cũ của thành phố.

Bác tài bảo cho tôi hay rằng Cách Nhĩ Mộc là thành phố mới được xây dựng, đường xá bình thường đều rộng rãi. Năm đó khu nhà cũ cũng được mở rộng vô số lần, nhưng khắp nơi đâu đâu cũng có những khu nhà nhỏ nhỏ như vậy, lại do vị trí bất tiện nên vẫn cứ để lại y nguyên.  Những ngôi nhà trệt này phần lớn đều được xây vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bên trong toàn bị cơi nới trái phép. Địa chỉ tôi tìm cũng nằm ở một con hẻm nhỏ trong số đó.

Lúc tôi xuống xe đã là những phút cuối cùng của hoàng hôn. Bóng tối sầm sì ụp xuống, lấm tấm những vệt nắng chiều dần tàn. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, trong chỗ khuất sáng chỉ thấy một dãy dài những chiếc bóng đen sì của những ngôi nhà lợp ngói. Chỗ này toàn là nhà tập thể kiểu quân đội[4] xây từ nhưng năm 60, 70 của thế kỷ trước. Giờ này nhìn sang, khu nhà cũ hiện lên có vẻ đặc biệt huyền bí.

Bước vào nhìn thử bốn phía tôi mới phát hiện ra chỗ này kỳ thực cũng không thể gọi là “khu” nữa, mà chẳng qua là vài đoạn phố cũ còn sót lại sau khi mở rộng đô thị. Những kiến trúc này một là không có giá trị văn hóa, hai là không được kiểm tra sửa chữa định kỳ nên trông có phần chông chênh sắp đổ, chắc cũng chẳng trụ lại trong cõi người được bao lâu nữa. Mà trong khu phố cũ này cũng chẳng có bao nhiêu người sinh sống, chỉ thấy lèo tèo vài tiệm cắt tóc nhồi nhét giữa những tòa nhà. Mớ dây điện đen sì sì vắt ngang qua các căn nhà cũ kỹ xen lẫn với ánh đèn màu của tiệm cắt tóc, tạo ra một cảm giác khá là quái gở.

Tôi tạt ngang tạt dọc trong đó ước chừng hai giờ đồng hồ, đi tới đi lui làm cho cô em(*)trong tiệm cắt tóc còn tưởng tôi muốn ăn vụng mà chẳng có gan, còn mở cửa nhìn tôi cười cười. Nhưng quả thật đúng như bác tài taxi đã nói, đường xá nơi đây quá hỗn loạn, rất nhiều gõ nhỏ là do cơi nới trái phép mà ra, đến cả cái bảng tên đường còn không có thì hỏi thăm người ta cũng chẳng ăn thua. Mấy người cán bộ công nhân viên từ bên ngoài vào cũng đều lắc đầu cười thông cảm, đại loại tỏ ý bọn họ cũng chẳng biết chỗ đó ở đâu.
(*Nguyên văn là “tiểu thư”, ý chỉ gái bao. Quán này là dạng quán gội đầu “thanh nữ” =”)))))

Có địa chỉ hẳn hoi mà vẫn không tìm được, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải loại chuyện này. Tôi vừa đi vừa cười khổ, cảm thấy sự đời thật là phong phú quá. Đúng vào lúc tôi đã vòng đi vòng lại đến váng cả đầu thì từ phía sau một chiếc xe lôi(**) mui vàng trờ tới. Anh xe lôi hỏi tôi có muốn lên xe không? Tôi cuốc bộ cũng mệt lắm rồi, bèn yên vị trên xe cho anh ta chở đi lòng vòng.
(** loại xe giống xích-lô nhưng chỗ khách ngồi ở đằng sau người lái. Loại xe này trước kia khá thịnh hành ở Sài Gòn, nhưng giờ chắc cũng tuyệt chủng rồi, mấy lần mình vào không thấy nữa ;;___;; )

Anh xe lôi người dân tộc Hán, đoán chừng hồi trước cũng từ miền Nam lên, thấy tôi nói giọng Nam thì hay chuyện hơn hẳn. Anh ta nói với tôi mình là người Tô Bắc (phía bắc Tô Châu), họ Dương nên người ta gọi là Nhị Dương. Anh ta đạp xe lôi ở đây đã mười hai năm rồi, hỏi tôi muốn đến chỗ nào chơi, thích giá cao hay giá thấp, kiểu Hán hay kiểu Tạng. Mấy cô em bé nhỏ người Duy Ngô Nhĩ anh ta đều biết cả, đi trọn gói còn làm quả giảm giá 20%. Nếu cái đó không hợp khẩu vị, thì du lịch anh ta cũng chơi tuốt. Cách  Nhĩ Mộc không có danh lam thắng cảnh di tích gì, nhưng xung quanh sa mạc Gobi có cảnh đẹp nào nổi tiếng anh ta đều biết hết.

Tôi cười thầm, tự nhủ rằng nếu cha anh đặt cho anh cái tên ba chữ thì anh có thể đổi tên thành Hằng Nguyên Tường rồi đấy. Có điều nghe anh ta nói đến đây, tôi trong lòng giật nảy, thầm nghĩ mấy anh xe lôi này bươn chải ở đây nhiều năm rồi, phố lớn ngõ nhỏ phần lớn đều đã thuộc nằm lòng, sao tôi không hỏi thêm vài câu, biết đâu lại moi được ra chút gì từ miệng anh ta ấy chứ.
(Hằng Nguyên Tường là một thương hiệu kinh doanh đủ mọi thứ trên đời, ai mua gì cũng bán, ai bán gì cũng mua. Đống chỉ DMC nhà bạn quá nửa khả năng cũng xuất phát từ Hằng Nguyên Tường ;;____;; )

Vì vậy tôi liền đưa địa chỉ cho anh ta xem, hỏi anh ta có biết cái chỗ này hay không.

Vốn cũng chẳng ôm bao nhiêu hy vọng, nhưng tôi vừa hỏi xong thì “Hằng Nguyên Tường” liền gật đầu nói là biết. Nói xong anh ta liền nhấn bàn đạp, chỉ trong chốc lát đã đạp đến một con ngõ nhỏ vô cùng hẻo lánh.

Hai bên đường là nhà cửa cũ kỹ, dưới ánh đèn đường vàng vọt gần như chẳng có người qua lại. Lúc anh ta dừng hẳn xe thật thì tôi sợ phát khiếp, cứ tưởng mình bị bắt cóc rồi. Anh ta thấy bộ dạng tôi như vậy cũng cứ cười mãi, bảo với tôi rằng đã đến chỗ tôi muốn tìm rồi.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên thì thấy đó là một tòa nhà ba tầng và một sân. Dưới ánh đèn đường, tòa nhà nhìn vào tối om om, chỉ có thể thấy tường bao bên ngoài, bên trong tựa hồ chẳng có lấy một ai. Cả căn nhà toát ra quỷ khí âm u.

Tôi ớ ra, hỏi anh phu xe xem đây rốt cuộc là chỗ nào. Anh ta nói: chỗ này hồi năm 60 của thế kỷ trước là trại an dưỡng của giải phóng quân, đã bỏ hoang từ rất lâu rồi.

.

.

—–

Chú thích.

Btw, Cách Nhĩ Mộc tên tiếng Anh là Golmud, nếu ai có nhu cầu tìm hiểu thêm về những hình ảnh của nó :”>~

[1] Sân bay Song Lưu là một cảng hàng không quốc tế lớn nằm ở phía bắc Thành Đô, Tứ Xuyên.

[2] Con đường Thanh Tạng là con đường cắt qua toàn bộ cao nguyên Thanh Tạng, là một phần của quốc lộ 109, khởi đầu từ Tây Ninh ở phía đông tỉnh Thanh Hải, kéo dài đến thủ phủ của Tây Tạng là Lhasa. Con đường này chủ yếu do công binh xây dựng, do tướng Mộ Sinh Trung phụ trách, thông xe vào tháng 12 năm 1954.

[3] Phản ứng cao nguyên là phản ứng xảy ra khi cơ thể chưa kịp thích nghi với lượng oxy thiếu hụt trong môi trường không khí loãng của cao nguyên, triệu chứng gồm: đau đầu, thở dốc, huyết áp tăng, chóng mặt, chảy máu cam.

[4] Là một loại nhà tập thể đặc trưng giành cho quân nhân Trung Quốc vào thời kì đó, gồm một tòa nhà xây vuông vức đơn giản, có khoảng vài ba tầng, mỗi tầng gồm độ hơn chục phòng, nhà tắm và nhà xí dùng chung cho toàn khu.

Chương 37

Tôi xuống xe trả tiền, đứng ngoài cổng đối diện với tấm biển số nhà đã mờ tịt, phát hiện ra địa chỉ trên tờ giấy chính xác là ở đây, trong lòng có phần sợ hãi. Tôi tự nhủ, đây chẳng phải là cái loại nhà ma không người ở mà hồi bé chúng tôi thường đến thám hiểm sao, thế quái nào mà lại có người muốn tôi đến cái nơi như thế này cơ chứ? Bên trong còn có người ở nữa à?

Anh xe lôi vẫn còn đang đếm chỗ tiền lẻ tôi trả. Tôi bèn quay đầu lại hỏi anh ta, người sống trong này là ai thế?

Anh xe lôi chỉ lắc đầu, bảo rằng anh ta cũng không rõ lắm. Anh ta chỉ biết đây là trại an dưỡng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cách Nhĩ Mộc là thành phố nhà binh, rất đông sĩ quan quân đội, rất nhiều quan chức lãnh đạo thường xuyên đến đây thị sát. Trại an dưỡng này là dành cho các vị lãnh đạo thời ấy đến ở. Vào giữa những năm 80 thì trại an dưỡng này bị hủy bỏ, đem sửa đi làm thành nhà hát kịch, cho nên anh ta cũng đã từng đến đây rồi. Thời bấy giờ ở Hà Đông Hà Tây cũng có mấy nơi giống thế, tôi còn khá may mắn mới gặp được anh ta đấy, chứ nếu chẳng may vớ phải mấy tay xe lôi từ miền Bắc tới thì đảm bảo chẳng tìm thấy chỗ này đâu.

Tôi nghe xong nửa tin nửa ngờ. Anh xe lôi đi rồi, cả con đường chỉ còn mỗi mình tôi. Tôi ngó nghiêng trái phải hai bên, thấy tối mò như hũ nút, chỉ có trước cửa tòa nhà này mới có một ngọn đèn đường tù mù thì cảm thấy có hơi hoảng. Nhưng mà nghĩ lại thì bản thân mình đến cả cổ mộ còn từng mò xuống lúc quá nửa đêm, chỗ này có mỗi cái tòa nhà cũ thì sợ sệt nỗi gì, bèn lập tức đẩy cửa nhà mà vào.

Bên ngoài tòa nhà có tường bao, cửa vào là cửa vòm, cánh cửa là một phiến gỗ lim,  không có vòng gõ cửa. Đẩy thử vài cái thì phát hiện sau cửa có khóa sắt, không mở ra được. Có điều chút trở ngại đó không làm khó được tôi đâu. Tôi nhìn quanh quẩn một vòng rồi tới chỗ cột đèn, leo vài phát lên trên rồi phi qua bờ tường vây. Đây là bản lĩnh phá phách ngày bé tôi luyện được, xem ra còn chưa đến nỗi lụt nghề.

Khoảng sân bên trong toàn là cỏ dại, nhảy xuống rồi mới thấy nó được lát gạch xanh, nhưng bị cỏ dại mọc um tùm xen giữa các kẽ hở. Trong sân còn có một cái cây to đã chết queo, đổ rạp vào một bên tường nhà.

Bước đến trước tòa nhà nhỏ, tôi mở bật lửa ra soi sáng mới thấy rõ được cái sự hoang tàn của nó. Song cửa được trạm trổ hoa văn, có điều cũng đã rã rời, khắp nơi mạng nhện chăng kín dọc ngang, cửa ra vào dùng khóa sắt móc chặt, dán giấy niêm phong.

Tôi giật một cánh cửa sổ xuống, cẩn thận hết sức mà bò vào. Bên trong cũng được lát gạch xanh, bụi bặm đóng cả một tầng dày. Đằng sau cánh cửa là một đại sảnh gần như trống trơn chẳng có đồ đạc gì cả. Tôi giơ cao cái bật lửa, cẩn thận soi một vòng thì chợt thấy có chút quen quen, vừa nhớ lại mồ hôi lạnh liền túa ra.

Đại sảnh này chính là chỗ ở trong băng ghi hình của A Ninh, nơi mà “tôi” bò lết trên sàn nhà.

Đến đúng chỗ rồi đấy, tôi tự bảo với chính mình. Tôi đứng vào góc độ của máy quay phim ở trong băng ghi hình nhìn thử, những viên gạch xanh kia, những cánh cửa khắc hoa này, góc độ giống y như đúc. Tôi càng lúc càng khẳng định được suy đoán của mình, trong lòng sinh ra một loại cảm giác vừa hoảng sợ vừa hưng phấn.

Đi tiếp vào trong thì thấy ngay bên trái của đại sảnh có một chiếc cầu thang xoắn ốc bằng gỗ, là loại rất đơn giản, nhưng tốt xấu gì cũng là cầu thang xoắn ốc, thông lên lầu hai. Tôi rón ra rón rén lại gần, ngước nhìn lên trên lầu thì thấy phía trên cầu thang cũng là một màn đen bao phủ, không có chút ánh sáng nào.

Tôi móc chiếc chìa khóa ra từ trong túi. Phòng 306, vậy thì hẳn là ở lầu ba.

Chỗ này ít nhiều gì cũng có chút khác thường. Tôi cúi đầu chiếu sáng mấy bậc cầu thang, phát hiện thấy trên bậc cầu thang bụi bám dày đặc, thế nhưng trong đám bụi vẫn có thể thấy một ít dấu chân, rõ ràng là ở đây vẫn có người đi lại.

Tôi nhẹ nhàng đặt chân bước lên bậc cầu thang, làm phát ra âm thanh kẽo kẹt, nhưng hẳn là nó vẫn có thể chịu được sức nặng của tôi. Tôi cắn răng cẩn thận từng chút một đi lên phía trên.

Trên lầu tối đen như hũ nút, còn thêm cái thứ tiếng kèn kẹt của gỗ cọ vào nhau, khiến cho tôi thấy hơi hoang mang hoảng hốt. Nhưng chỗ này dù sao cũng không bằng cổ mộ, thần kinh tôi vẫn còn cầm cự được.

Cứ đi thẳng lên trên, đến tầng hai tôi liền phát hiện ra hành lang dẫn vào đó đã bị người ta dùng xi-măng trát kín. Không hề có cửa, bị bịt kín hết toàn bộ rồi. Dựa vào không gian dưới lầu thì có thể thấy phía sau tường xi măng có lẽ còn có rất nhiều phòng. Hình như là để cách ly mới dựng lên nên thợ đổ xi măng làm rất ẩu.

Tôi sờ lên vách tường, cảm thấy có điểm kỳ quái. Chẳng lẽ kết cấu của tòa nhà này gặp vấn đề nên mới phải gia cố chỗ này lại sao?

Có điều có thấy kỳ quái cũng chẳng làm được gì. Lúc này tôi cũng không thừa hơi mà nghĩ những vấn đề này nữa, bèn tiếp tục lên đến tầng ba. Thứ tôi nhìn thấy chính là một dãy hành lang đen kịt. Hai bên hành lang đều là phòng ở, nhưng dưới tất cả những khe cửa đều không lộ ra chút ánh sáng nào, hẳn là không có người, mà trong không khí nồng nặc một thứ mùi cực kỳ khó ngửi do nấm mốc tỏa ra.

Tôi tập trung tinh thần bình tĩnh lại, cẩn thận từng bước tiến vào hành lang. Lách qua từng đám mạng nhện, tôi thấy trên những cánh cửa phòng kia có gắn các tấm biển sơn số phòng đã bị bụi bặm phủ kín. Tôi bèn đọc một loạt, có chút cảm giác mình cứ như nhân vật chính trong mấy bộ phim kinh dị Âu Mỹ. Không lâu sau, tôi đã đến trước cửa căn phòng thứ hai đếm từ phía trong ra. Tôi giơ chiếc bật lửa đã nóng rẫy, chiếu lên cánh cửa, liền thấy trên bậu cửa có một cái biển số cực kỳ mờ nhạt: 306.

Trong một tích tắc kia tôi bắt đầu muốn gõ cửa, nghĩ lại thì thấy thật nực cười, vì vậy tôi do dự trước cánh cửa một chút rồi móc chiếc chìa khóa ra. Tôi cắm chìa vào lỗ khóa trên cửa xoay liền một vòng. “Loạch xoạch” một cái, theo tiếng bản lề ma sát chói tai, cánh cửa bị tôi nhẹ nhàng đẩy mở vào trong.

Gian phòng này không lớn, bên trong tối mò mò, bước vào liền thấy mùi nấm mốc trong phòng cực nặng. Đầu tiên tôi mở hé cửa nhìn vào thăm dò, thấy phía bên kia phòng có lẽ là có cửa sổ nữa, vì ánh đèn đường bên ngoài chiếu tận vào bên trong, phác ra những đường nét đại khái của căn phòng, Trong phòng, phía sát tường hình như bày biện rất nhiều đồ gia dụng, đèn đường từ bên ngoài hắt ánh sáng vào tạo ra những cái bóng mờ mờ nên không phân biệt được rõ ràng. Chỉ có điều vừa nhìn là biết không có người ở.

Tôi hít một hơi thật sâu, cẩn thận dò dẫm bước vào, giơ cao cái bật lửa nóng rẫy. Dưới ánh lửa yếu ớt, mọi vật ở khắp bốn phía đều rõ ràng hẳn lên.

Đây là một phòng ngủ đơn. Tôi nhìn thấy một chiếc giường nhỏ kê trong góc, mùi mốc meo là từ chiếc giường này tỏa ra. Lại gần xem, tôi phát hiện chăn chiếu trên giường đã rữa nát đen sì hết cả rồi, bốc mùi cực kỳ khó ngửi. Chăn mền phồng lên, mới thoáng nhìn còn tưởng bên trong còn bọc một người chết. Có điều nhìn kỹ lại thì thấy chỉ là hình dạng của chăn thôi.

Bên cạnh giường có một cái bàn viết, là loại cũ rích như chiếc bàn học hồi tôi còn mài đũng quần ở trường cấp một ấy. Trên mặt bàn là một ít đồ bỏ đi, vải thô, mấy tờ giấy loại và một ít mảng vôi trắng từ trần nhà rơi xuống, mọi thứ đều đóng bụi cả tảng.

Cạnh bàn làm việc là một cái tủ to tướng, rộng phải đến ba bốn mét, còn cao hơn cả tôi. Ván gỗ bên trên có lẽ vì ẩm nên nở ra, cánh cửa tủ bị cong vênh hết cả rồi. Ngẩng đầu nhìn lên trên thì có thể thấy ở trên cái tủ, chỗ tiếp giáp với trần phòng, có một đống lớn những đốm than đá và nước đọng, hiển nhiên là vào ngày mưa thì chỗ đó sẽ bị rỉ nước.

Xem ra nơi này hoang phế đã lâu rồi. Rách nát đến mức này thì chắc cũng phải ngoài năm năm. Có điều căn phòng tuy cũ kỹ nhưng cũng chỉ cũ một cách bình thường. Người gửi băng ghi hình câu kéo tôi đến đây làm gì không biết nữa? Người ta nghĩ tôi sẽ tìm được thông tin gì trong cái phòng này cơ chứ?

Lúc này tâm trạng bồn chồn bất an cũng dần dần bình ổn trở lại cùng khả năng thích nghi với hoàn cảnh của tôi. Tôi thả cái bật lửa xuống mặt bàn, trước hết bắt đầu tìm ngăn kéo của cái bàn viết kia, mở từng ngăn từng ngăn ra một. Có điều bên trong cơ bản đều rỗng không, có mỗi hai ngăn lót báo cũ bên trong, đều mốc meo hết cả, tôi cũng chẳng dám đụng vào.

Không phải trong ngăn kéo thì chẳng lẽ trên giường? Tôi đến cạnh giường, trước hết xem dưới gậm, thấy toàn là mạng nhện chứ chả có cái gì. Sau đó tôi đến đằng kia lôi ra một cái ngăn kéo, dùng làm dụng cụ để khều đống chăn màn dính bết thành cục xuống. Thế nhưng khều khều vài cái thì từ đống chăn tứa ra nước đen nhớp nháp. Bên trong thì ra lại còn có côn trùng, mùi nấm mốc xông lên nồng nặc. Tôi mắc ói đến suýt nữa thì nôn.

Thật không dễ dàng mới tời được hết đống chăn màn này xuống đất mà lại chẳng phát hiện được cái gì. Thật ra vừa khếu mấy cái tôi cũng ý thức được bên trong chả có gì đâu. Ai lại đem đồ vật nào giấu ở cái chỗ buồn nôn thế chứ.

Cả hai chỗ này đều không có, vậy thì chỉ còn lại cái tủ tường to bự, mỗi tội cái tủ này lại có khóa. Tuy cánh cửa tủ đã vênh lên rồi, nhưng mà muốn mở cái tủ này tôi vẫn cần bỏ ra chút sức lực, hơn nữa không có dụng cụ cũng chẳng được.

Tôi lại không mang theo thứ gì trong tay, đành phải tìm kiếm ngay tại hiện trường, rốt cuộc cũng tìm được một thứ ở trên bệ cửa sổ. Đó là cái then cài cửa sổ kiểu cũ, có thể rút ra được. Tuy nó rỉ ngoét ra rồi nhưng then cài cửa hồi xưa ruột đúc đặc, còn bền lắm. Tôi rút lấy một cái dùng làm đòn bẩy, cắm vào khe cửa cong vếu kia, nạy khe hở ra một khoảng đủ để thò ngón tay vào. Sau đó lấy một chân chống lên một mặt, đưa tay với vào cái khe, dùng sức bẻ ra ngoài. Cánh cửa phát ra tiếng cọ sát đáng sợ, bị tôi kéo đến cong véo cả lên, tiếp theo phát ra những tiếng gãy rạn rầm rĩ, cả tấm gỗ cứ như vậy mà gãy đôi ra. Bụi bặm tích trên cửa bay tung tóe, mù mịt đến nỗi tôi không mở nổi mắt.

Vì trong tòa nhà khá yên tĩnh nên những tiếng động tôi gây ra nghe đặc biệt kinh người. Trong khoảnh khắc cánh cửa gãy lìa ra, âm thanh chói tai đó cũng làm tôi sợ đến nỗi cả người đầm đìa mồ hôi lạnh, một lúc lâu sau mới hoàn hồn. Sau đó tôi cầm lấy bật lửa, chiếu vào bên trong tủ.

Trong tủ tường có cái gì, tôi không có một chút dự đoán nào cả, chỉ thấy khả năng lớn nhất vẫn là chẳng có thứ gì đâu, cho nên cũng không chuẩn bị đầy đủ tinh thần cho lắm. Nhưng mà vừa chiếu vào một cái, tôi liền bị dọa một cú kinh hoàng.

Trong tủ tường đúng là trống trơn chẳng có cái gì, nhưng tấm gỗ lưng tủ dựa vào tường đã không cánh mà bay, để lộ ra bức tường xi măng bị cái tủ che khuất. Mà trên bức tường xi măng kia có một cái cổng tò vò tối hun hút, nối với một đường cầu thang dẫn xuống phía dưới, chẳng biết là thông tới nơi nào.

Chương 38

Tôi cảm thấy càng lúc càng quái đản. Rõ ràng ở đây có một cái cửa ngầm, có người dùng một cái tủ mất lưng để che nó lại, chỉ cần mở cái tủ này ra là có thể thấy cửa ngầm phía sau rồi. Biện pháp này chưa được tính là cao tay, nhưng hay ở chỗ tiện bố trí, hơn nữa lại dễ ra vào.

Thế nhưng tại sao ở nơi đây lại có cái kiểu kiến trúc như thế này cơ chứ? Vậy xem ra cái trại an dưỡng này không đơn giản rồi. Chỗ này trước kia rốt cuộc được dùng để làm gì? Không biết dưới chân cầu thang xi măng kia là một nơi như thế nào đây?

Tôi nhìn chiếc chìa khóa trong tay. Rõ ràng đối phương đã gửi chìa khóa gian phòng này cho tôi tức là đã nghĩ đến chuyện tôi sẽ phát hiện lối cửa ngầm này. Như vậy, có lẽ dưới đó có đáp án.

Tôi lau lau mồ hôi lạnh trên đầu, bước vào trong tủ, chui xuống cửa ngầm, lập tức thấy một thứ mùi kỳ quái từ dưới kia xộc tới.

Tôi xoay đầu chờ cho đám mùi nồng nặc nhất đó bay qua, sau đó thích ứng một lát, rồi dùng bật lửa rọi xuống.

Cầu thang sâu không thấy đáy, hơn nữa còn có khúc ngoặt, rõ ràng là khá dài, không biết thông xuống tầng hai hay tầng một.

Nhìn xuống cầu thang, nghĩ đến giờ đã là nửa đêm mà thân tôi thì ở trong một cái nhà ma, lại còn phát hiện ra một cái đường ngầm không biết đã được bố trí từ bao giờ, trong lòng tôi không khỏi có phần hoảng sợ. Nhưng dù sao tôi cũng là thằng từng xuống đấu. Ở những chỗ thế này, tôi biết bên ngoài là đường cái và tiệm cắt tóc, trong lòng tự nhiên sẽ có phần bình tĩnh hơn một tẹo.

Tôi chỉ do dự trong một thoáng là lấy lại được bình tình. Một tay cẩn thận hết sức giơ bật lửa, khom người đi vào trong cái cổng tò vò kia, tôi men theo cầu thang đi xuống phía dưới.

Nếu đã đến nước này rồi thì thứ đối phương chỉ đường cho tôi tìm kiếm dĩ nhiên sẽ ở ngay bên dưới cái cầu thang này. Giờ mà tôi rụt chân lại thì cũng chẳng hay. Đã đi tới tận Cách Nhĩ Mộc, tất nhiên là tôi muốn nhìn xem mục đích của đối phương rốt cuộc là cái gì.

Mới đi được vài bước, tôi đã nhận thấy một thứ cảm giác âm u lạnh lẽo khó tả truyền đến từ bóng tối dưới cầu thang, lạnh lẽo đến mức làm cho người ta chưa rét mà đã run lẩy bẩy. Tôi hà hơi một cái, liền phát hiện thấy sương trắng bay ra từ trong miệng. Như vậy thì nhiệt độ dưới đó xem ra thực sự rất thấp.

Nhìn theo ánh sáng của bật lửa, tôi thấy hai bên cầu thang đều là vách tường xi măng trát thô chưa hoàn thiện. Xi măng là loại xi măng cát vàng, loại dùng trong quân đội vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Trên đó còn có thể nhìn thấy mờ mờ một ít biểu ngữ quét sơn đỏ, đều đã bay màu đến nỗi chỉ còn đọc ra được mấy nét. Trên trần cầu thang còn có thể thấy dây điện rủ xuống, bị mạng nhện bao kín nên nhìn vào cứ y như một bầy rắn.

So với đám gạch xanh và ngói nhà mồ trong mộ cổ thì những thứ này đã là thân quen lắm rồi. Tôi vừa ám thị bản thân vừa cố hết sức thả lỏng thần kinh. Tuy rằng như thế, tôi vẫn cứ tưởng như dưới chỗ ngoặt của những bậc cầu thang tối tăm này sẽ có thứ gì đó thò mặt ra. Cảm giác sợ đến xương sống mọc gai này thực ra lại chẳng kém tý nào so với khi ở trong cổ mộ.

Rất nhanh, tôi đã xuống hết đoạn cầu thang thứ nhất. Cầu thang ngoặt một cái rồi lại tiếp tục đi xuống. Bước chân tôi phát ra những tiếng vang nghe dựng cả lông tóc. Tôi thử cảm nhận độ cao một lát, thấy chỗ này đã là tầng hai rồi, chính là tầng nhà bị tường xi măng bịt kín kia. Thế nhưng ở đây cũng không có bất kỳ cái cổng tò vò nào, bốn phía vẫn bị bịt kín xi măng, rõ ràng lối ra không phải ở đây.

Xem ra không liên quan đến cái tầng hai kia rồi. Tôi thầm nghĩ rồi hít thật sâu một hơi cái thứ không khí nặng mùi, lại tiếp tục xuống thêm một tầng nữa.

Vẫn là tình trạng như vậy, lối ra không nằm ở tầng một. Cầu thang tiếp tục ngoặt một cái rồi dốc xuống, vẫn tối như bưng không hề nhìn thấy đáy.

Bên dưới là xuống quá mặt đất rồi, tôi thầm nhủ. Lúc này trong lòng tôi xuất hiện một ý nghĩ: lẽ nào cầu thang này thông đến tầng ngầm sao?

Không lẽ nơi này trước kia được dùng để xây công sự ngầm của quân đội?

Tôi vẫn còn nhớ rõ ở Hàng Châu có dinh thự 704 nổi tiếng, cũng được xây dưới danh nghĩa trại an dưỡng, nhưng thật ra kiến trúc bên trong lại đặc kiểu quân sự, thần bí cực kỳ. Nghe nói dưới lòng đất còn có một công trình khổng lồ dùng để đối phó khi ở trong tình huống khẩn cấp.

Có điều nhìn cánh cửa ngầm ở đây thì lại cảm thấy không giống cho lắm. Cửa ngầm này chỉ là một cái cổng tò vò sơ sài. Nếu là lối vào công sự ngầm được thiết lập đặc biệt cho quân đội thì ít nhất cũng phải là cửa sắt chứ.

Tôi vừa đi vừa nghĩ lan man, tiếp tục bước xuống dưới. Chẳng biết là do nhiệt độ hạ thấp hay do cảm giác sinh ra từ mồ hôi lạnh, tôi bỗng nhiên thấy rét vô cùng, hai hàm va vào nhau lập cập đến rớt cao răng. Tôi nghiến răng nghiến lợi xuống tiếp thêm một tầng nữa. Cầu thang đến chỗ này thì dừng lại, lối ra ở ngay trước mặt. Tôi cẩn thận từng tý một mà bước ra ngoài, phát hiện không gian bên ngoài dường như rất rộng.

Tôi giơ bật lửa lên chiếu sáng hai bên lối ra, phát hiện thấy đây là một tầng hầm được gia cố thêm bằng xi măng. Dưới này vô cùng đơn sơ, ẩm sì ẩm sịt, sàn nhà lát gạch xanh, bốn bề thì trống huyếch trống hoác.

Chỗ này chắc chắn không phải công sự ngầm của quân đội rồi, tôi tự xác định trong lòng như vậy. Xem mẫu xi măng này và gạch xanh trên sàn thì thấy cứ y như loại hầm ngầm đại đội sản xuất ở vùng nông thôn xây dựng tạm lên ấy. Tay nghề xây dựng cái nơi này quá sơ sài, không thể là do lính công binh chuyên nghiệp xây được.

Đây là đâu? Không lẽ thật sự chỉ là cái hầm ngầm? Muộn Du Bình mời tôi đến để xem dưa cải hắn muối ăn có ngon hay không ấy hả? (-_-…)

Tôi bị chính ý nghĩ của mình chọc cười, bước tiếp về phía trung tâm của cái hầm này. Đi chưa được vài bước tôi đã láng máng nhìn thấy chính giữa hầm ngầm có một cái bóng khổng lồ nằm ngang trên mặt đất, trông kỳ quặc vô cùng.

Tôi bước về phía cái bóng kia, dùng bật lửa soi thử một cái, người liền cứng đờ lại. Chỉ thấy chính giữa hầm ngầm này đặt một cỗ quan tài cổ khổng lồ đen nhánh.

Chương 39

Ánh sáng bật lửa cực kỳ yếu ớt, chiếu xa được hai ba mét đã là khá lắm rồi. Dưới cái kiểu ánh sáng như thế mà bất thình lình đập vào mắt một cái quan tài, tôi lại càng sợ đến nhảy dựng cả lên.

Sau khi kịp phản ứng, tôi liền cảm thấy vô cùng kỳ quái, thật sự là chưa gặp cái thể loại này bao giờ. Mẹ nó chứ thế đéo nào mà ở đây lại có một cỗ quan tài, hơn nữa lại còn là quan tài cổ?
<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(xin lỗi không censored, beta muốn tự sướng tên chung cư ♉( ̄▿ ̄)♉)

Một tòa nhà xây vào những năm sáu mươi bảy mươi của thế kỷ 20, một trại an dưỡng cho các vị lãnh đạo nghỉ ngơi, mà lại có công trình bí mật dưới lòng đất. Nói ra nghe đã thấy khó tin rồi. Bây giờ ở cái chỗ này lại còn xuất hiện một cỗ quan tài nữa, thế thì thật là ly kỳ quá sức tưởng tượng. Kẻ trong quan tài là ai? Chẳng lẽ là sĩ quan quân đội năm đó chết ở đây sao?

Tôi quay ra nhìn sau lưng. Cầu thang lúc đến ngay ở đằng sau, không đến mức tìm không thấy, tôi bèn vững dạ chạy qua xem cỗ quan tài.

Từ xa nhìn lại thì đã biết đây không phải quan tài của người hiện đại. Quan tài màu sắc đen nhánh, được đặt nằm ngang dưới đất ở chính giữa tầng hầm trông thật giống một cái ụ đá hẹp dài khổng lồ. Hình dạng kích cỡ kiểu đó thì đây hẳn là lớp quan quách<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(*), mà từ thời Dân Quốc trở đi là quan tài đã không còn có quách nữa rồi. Nhìn hình thức cỗ quan tài này thì thấy có lẽ cũng có lịch sử tương đối, ít nhất cũng phải trên sáu trăm năm. Hơn nữa xét kích cỡ thì chỉ sợ nó không phải loại dành cho nhà thường dân, mà ít nhất cũng phải là người có danh vọng mới được dùng.
<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(*quách nghĩa là một lớp nữa bọc bên ngoài áo quan đặt người chết. Ngày nay quan tài hiện đại không còn quách nữa, nhưng ví dụ sau khi hỏa thiêu bốc xương cốt vào trong một cái tiểu sành chẳng hạn, có gia đình vẫn yêu cầu đặt tiểu sành vào trong 1 quách đá, cho nên mình vẫn thấy ở Văn Điển người ta bán cả quách đá đấy *ngoáy mũi* =..=)

Tôi lại gần sờ thử một cái, thấy mặt trên có hoa văn tinh tế, lạnh buốt thấu xương. Hình như quan tài bằng đá, nhưng không biết là loại đá gì. Vừa sờ vào một cái, lớp bụi đóng thành tầng trên quan tài đã bị tôi vạch vài vết, để lộ một vài mảng hoa văn nho nhỏ.

Tôi cầm bật lửa tới gần cẩn thận xem xét thì thấy trên nắp quan tài có dấu vết từng bị đục đẽo phá hoại. Khe hở giữa nắp và thân quách cũng có dấu vết bị xà beng nạy vào. Hiển nhiên tôi không thể nào là người đầu tiên phát hiện ra bộ quan quách cực lớn này. Có kẻ đã từng muốn nạy nó ra. Tôi từng có kinh nghiệm rồi, cho nên đối với chuyện này tôi đặc biệt mẫn cảm.

Một cỗ quan tài cổ không thể nào lại vô duyên vô cớ xuất hiện trong hầm ngầm của một công trình hiện đại. Nhất định đã phải có người đưa bộ quan quách này vào đây, mà không biết nguyên nhân là gì.

Nhiệt độ trong hầm ngầm vô cùng thấp. Hơi thở gấp gáp của tôi dần dần bình lặng lại, tôi ra sức thả lỏng để hạ bớt nhịp tim đang nhảy bình bịch. Suốt dọc đường xuống đây tôi đã  trải qua một sự căng thẳng cực độ. Mặc dù bản thân đã kiềm chế nỗi sợ, nhưng trong lòng vẫn khá là không thoải mái. Vừa hít thật sâu, tôi vừa bắt đầu suy nghĩ.

Có người đã gửi băng ghi hình, địa chỉ và chìa khóa, kéo tôi vào cái trại an dưỡng cũ nát này, dẫn dắt tôi phát hiện ra cái cửa ngầm kia. Sau khi đi qua cầu thang phía sau cửa ngầm tôi liền phát hiện căn phòng dưới đất, mà trong hầm ngầm còn đặt một cỗ quan tài đá.

Chuyện này đã vượt ra khỏi phạm vi của bất cứ trò đùa quái ác nào. Liệu có phải đối phương muốn báo cho tôi biết, rằng trong trại an dưỡng này đã từng xảy ra một số sự việc nào đó ly kỳ ngoài sức tưởng tượng không?

Xem ra, đằng sau tầng lầu bị bịt kín cùng với tầng ngầm này, và cả cỗ quan tài đá nữa, nhất định phải có cả một câu chuyện tương đối phức tạp.

Tôi đẩy mạnh nắp quan tài đá một cái, dĩ nhiên là không dùng sức quá lớn. Tôi chỉ muốn thử xem có đẩy nó ra được hay không một tý tẹo thôi. Cũng may mà y như phán đoán của tôi, cỗ quan tài đá vẫn trơ trơ bất động, rõ ràng không có dụng cụ thì tôi không thể mở nó ra được.

Tôi thở phào một hơi. Ở dưới chỗ này mà mở nắp áo quan, hơn nữa còn chỉ có một mình, tôi chưa từng có kinh nghiệm nào hết, mở không nổi thì cũng chẳng cần cứng đầu cứng cổ tự ép mình làm chi.

Lại quan sát kỹ một lần các chi tiết trên cỗ quan tài đá, thấy không có gì đáng chú ý, tôi liền bỏ qua bộ quan tài bằng đá này để đi tiếp. Bước thẳng đến phía cuối hầm ngầm, tôi lại thấy một cái cửa sắt nhỏ, rất thấp. Tôi đẩy cửa đi vào, đằng sau là một dãy hành lang.

Tôi chỉ đi vài bước thì liền phát hiện kiến trúc ở đây giống hệt trên lầu: một dãy hành lang, hai bền đều là phòng ở. Chỉ có điều dãy hàng lang này kéo dài một mạch không có điểm cuối, hình như thông đến một chỗ khác nữa, mà phòng hai bên hành lang đều không có cánh cửa, hết sức sơ sài.

Tôi cầm bật lửa đi vào gian phòng thứ nhất, soi thử thì thấy hai cái bàn làm việc dựa vào tường kê ở một bên, xung quanh có mấy cái tủ hồ sơ, trên tường dán đầy mấy thứ linh tinh, dưới mặt đất và trên mặt bàn bừa bộn những giấy tờ.

Chỗ này hình như là một phòng làm việc. Tôi lại càng thấy quái lạ. Vì sao phòng làm việc lại bố trí dưới lòng đất? Làm thế này cũng quá quái đản đi. Trong hầm ngầm dưới đất, một bên là quan tài đá, một bên là phòng làm việc. Lẽ nào hồi đó nơi này là nhà tang lễ của Cách Nhĩ Mộc hả?

Tôi vừa buồn bực vừa đi đến cạnh bàn làm việc, định xem xem trên bàn có manh mối gì không.

Tiến lại nhìn thử, tôi chợt giật mình sửng sốt. Không hiểu sao mà nhìn cách sắp xếp trên chiếc bàn làm việc này, trong lòng tôi lại nảy ra một cảm giác khác thường, dường như tôi đã bắt gặp cái bàn làm việc này ở chỗ nào rồi.

Giơ cao chiếc bật lửa, tôi nhớ lại một lát, rồi thoáng chốc đã phải hít vào đầy một hơi khí lạnh. Tôi lập tức nhận được ra ngay rằng căn phòng này chính là gian phòng mà Hoắc Linh đã quay trong cuốn băng ghi hình nọ!

Cách bày biện trên bàn làm việc, cảm giác về sàn nhà và tường đều giống y như đúc. Tôi đến bên chiếc bàn làm việc, thậm chí còn thấy được tấm gương cô ấy dùng để chải đầu, vẫn còn đặt ở đúng vị trí trong băng ghi hình.

Bỗng chốc tim tôi nhảy dựng lên vì kinh hoàng. Tôi vội vàng hít sâu một hơi, kiềm chế cảm xúc của bản thân, cảm giác quỷ quái trong lòng đã dâng lên đến đỉnh điểm.

Lúc xem băng ghi hình của Hoắc Linh, tôi vẫn chỉ cho rằng cô ấy ở trong một khu dân cư nào đó. Thật không ngờ ấy vậy mà nơi đó lại là trong tầng hầm của một trại an dưỡng thế này, hơn nữa tôi lại còn tìm đến tận đây nữa chứ. Vậy thì rõ ràng những điều này đều có thật. Nội dung được ghi lại trong băng ghi hình là có thật.

Năm đó Hoắc Linh ở ngay tại chỗ này, dùng máy quay phim ghi hình lại chính mình. Cô ta ngồi ở đây không ngừng chải đầu, mà “tôi”, rất có thể cũng đã thực sự bò qua đại sảnh ở tầng trên.

Trong tích tắc, trong mắt tôi thậm chí còn xuất hiện ảo ảnh của cô ấy. Tôi và thế giới của cô như chồng chéo lên nhau. Những hình ảnh trong băng ghi hình nhoáng lên một lát ngay trước mắt tôi.

Nhưng đây rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì? Một cô gái trong hầm ngầm bí mật của một trại an dưỡng, cứ chải đầu không ngừng, và một người trông giống hệt tôi thì bò lết như kẻ tàn tật trên hành lang của trại an dưỡng. Những chuyện này đều đã thật sự xảy ra, hơn nữa còn bị ghi hình lại. Rốt cuộc đó là vì mục đích gì? Bên trong cái trại an dưỡng nằm ngoài màn ảnh này, rốt cuộc đã từng xảy ra chuyện gì?

Đầu óc đã hơi đờ đẫn, tôi bắt đầu thấy chóng mặt hoa mắt. Hiển nhiên người gửi băng ghi hình cho tôi đúng là có mục đích lôi kéo tôi đến xem gian phòng này. Thế nhưng sau khi nhìn thấy rồi, ngược lại những ngờ vực trong tôi lại càng tăng thêm, cảm thấy mình dường như đang ghép lại một bức tranh xếp hình toàn chỗ trống, hoàn toàn không biết phải bắt đầu sắp xếp từ đâu.

Lại hít sâu vài hơi một lần nữa, tôi trấn tĩnh một lát, sau đó cầm bật lửa bắt đầu quan sát bốn phía chung quanh. Tôi phải xem xét nơi này một chút, để xem còn có manh mối gì không.

Chương 40'

Đây là hầm ngầm trong một trại an dưỡng bí ẩn. Ngay tại nơi này, một người phụ nữ bí ấn đã làm ra một số hành động ngoài sức tưởng tượng. Như thế thì, một khi cô ta đã từng sống ở đây, vậy kiểu gì cũng sẽ để lại đầu dây mối nhợ nào đó. Nếu có thể tìm ra một tẹo manh mối thôi, thì có lẽ sẽ hiểu rõ chân tướng sự việc hơn một chút. Cho dù có toàn là một mớ tài liệu vô dụng đi chăng nữa thì từ đó tôi vẫn có thể biết được cuộc sống và trạng thái tinh thần của cô ấy vào thời điểm đó thế nào.

Tất cả những chuyện đã xảy ra trong trại an dưỡng này, tôi gần như không biết lấy mảy may.  Vì thế tất cả mọi manh mối đối với tôi đều quan trọng hết.

Tôi bắt đầu lục lọi. Chỉ cần là thứ có thể xem thì kiểu gì tôi cũng phải nhìn một cái.

Trần của tầng hầm này rất thấp. Cơ thể tôi chui trong cái xó này phải chịu cảm giác bị đè nén, thế nhưng vì vậy mà ánh sáng của chiếc bật lửa tương đối phát huy tác dụng, có thể chiếu được ra rất xa. Tôi nhìn sơ sơ bốn phía, quyết định bắt đầu điều tra từ chỗ này.

Trong những hình ảnh đen trắng nhòe nhoẹt của băng ghi hình, tôi không thể nào tự do quan sát toàn cảnh căn phòng một cách tỉ mỉ, nhưng giờ thì có thể rồi, mà những thứ được xem lại còn trực quan hơn nữa. Trước hết tôi tưởng tượng ra dáng vẻ chải đầu của Hoắc Linh, khá là khủng khiếp. Tôi vội lắc đầu để phân tán tư tưởng.

Trong tay tôi là một chiếc Zippo <em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(bật lửa xăng) có thể cháy sáng liên tục, nhưng đã bỏng rẫy đến nỗi tôi chỉ cần nhích lên trên miết một cái để bật mà cũng miết hết nổi luôn. Tôi bèn tìmtrên bàn một miếng giẻ rách, bọc nó lại rồi dùng tiếp.

Dưới ánh lửa yếu ớt, trước tiên tôi quan sát vách tường. Gian phòng này vách tường bồn bề đều quét vôi trắng, hiện giờ cũng bị bụi bặm phủ kín. Trên mặt tường bên cạnh cửa ra vào có đóng đinh một thanh gỗ tròn cắm mấy cái móc. Đó là nơi dùng để treo quần áo. Bên dưới thanh gỗ có dán giấy báo,  đề phòng quần áo mắc bên trên cọ phải vôi tường. Đi qua thanh gỗ tròn lại đến một cái tủ mất cánh. Đây là chỗ Hoắc Linh thay y phục, nhưng giờ bên trong đã chẳng còn lại gì. Lúc tôi đến gần để xem thì phát hiện cái tủ cứ như bị thứ gì đó cào phải, toàn những vết khía rất sâu.

Lại nhìn sang tường bên cạnh, chẳng có cái gì cả, chỉ có dây điện chăng bên trên, tất cả đều đã bạc phếch. Một bên còn có một chiếc cổng tò vò thông sang phòng bên cạnh, không biết đã chẳng bịt kín từ lúc xây, hay là về sau mới bị người ta đập ra. Gian phòng bên đó trống không.

Đối diện với tủ là bàn làm việc, hai chiếc kê song song với nhau, bên trên bày đầy đồ đạc, hình như toàn là mấy tờ báo và mấy thứ đồ bỏ đi mà tôi trông không rõ lắm. Trên vách tường cạnh bàn làm việc dán một đống giấy, đều đã phủ đầy bụi.

Tôi thổi bay đám bụi, đọc qua từng tờ từng tờ một thì phát hiện thấy nội dung các tờ giấy được dán trên tường cực kỳ lẻ tẻ vụn vặt. Tôi thấy hóa đơn tiền điện vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, vài ba dãy số tiện tay viết xuống, chẳng có ý nghĩa gì. Mấy thứ giấy tờ này gần như đã dính tịt lại hòa làm một với mặt tường. Có lẽ đây đều là giấy ghi nhớ để tiện ghi chú khi nghe điện thoại, vì tôi nhớ rõ điện thoại để ở vị trí này. Có điều bây giờ nó đã không còn nữa, chỉ sót lại có một đoạn dây điện thoại mà thôi.

Những thứ này không thể cho tôi bất cứ một thông tin gì. Tôi chỉ biết được rằng lúc sống ở đây cô ấy có sử dụng điện. Tôi thở dài, sau đó bắt đầu lục lọi những văn bản trên bàn.

Những tờ giấy kia đều ngập trong lớp bụi, khẽ động vào là mù mịt cả lên. Tôi cũng không để ý nhiều như vậy, cứ lật mở từng tờ từng tờ một. Giấy bên trong đã mủn cả rồi, có mấy con du diên rất nhỏ bị tôi quấy nhiễu liền hoảng sợ bò ra. Có điều cái thứ này so với lũ tuyết mao tử ở núi Trường Bạch thì chỉ đáng xách dép thôi. Tôi lại nhanh chóng lật lật giấy tờ, rút ra từ bên trong mấy quyển sổ.

Lấy ra rồi tôi liền run lên một chốc, phát hiện ra đây hình như là giấy viết bản thảo đóng quyển loại lớn<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(*), trước đây khi chưa có máy vi tính thì toàn dùng nó để viết bản thảo. Ở bên trên đã có chữ gì đó.
<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(* Là loại giấy chia sẵn từng ô để tiện đếm chữ khi viết bản thảo, mỗi chữ được viết vào một ô.)

Tôi lật ra, đọc trang đầu tiên. Trên đó có ba hàng chữ:

<strong style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;"><em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Phòng sau 2-3
<strong style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;"><em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Số thứ tự 012-053
<strong style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;"><em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Loại: 20, 939, 45

Thế này nghĩa là thế nào? Tôi tự nhủ, hình như là số thứ tự hồ sơ gì đó. Lẽ nào là tài liệu hoặc sách cổ chép tay gì đó sao?

Giở qua trang đầu tiên, vừa nhìn, tôi liền phát hiện ra là không phải: trên trang thứ hai thế mà lại có một bức tranh, vẽ bằng bút bi. Hơn nữa nét bút khá ẩu, nhìn sơ qua không sao biết được là vẽ cái gì.

Tôi lấy lại bình tĩnh rồi tỉ mỉ phân tích, mất năm sáu phút đồng hồ mới nhìn ra được là bức tranh này là vẽ một nhân vật thời cổ đại. Chỉ có điều, người vẽ rõ ràng không thạo việc vẽ vời, nhân vật này bị vẽ thành gần như biến dạng, nhìn vào thấy quỷ dị vô cùng. Nhân vật cổ đại kia trông chẳng giống người, trái lại còn giống y một con hồ ly mõm dài.

Xung quanh nhân vật này còn vẽ rất nhiều đường cong khó tưởng tượng cực kỳ. Sau khi tôi nhìn ra cái thứ quỷ quái kia là một người rồi, ý nghĩa nhân văn của mấy đường cong này cũng rõ ràng hơn, hẳn là bối cảnh đằng sau nhân vật được vẽ kia, có thể là non nước miếu mạo cây cỏ gì đấy.

Tôi không khỏi bật cười, tự nhủ cái gì thế này, không lẽ đây là tranh phác họa của Hoắc Linh à? Cô này sở thích cũng phong phú quá nhỉ.

Lại giở qua, rồi liên tục lật tiếp ba bốn mươi trang, toàn bộ đều là những hình vẽ như vậy. Không có nội dung bằng chữ, tôi liền bỏ qua. Lại xem đến một quyển khác thì thấy cũng giống thế, ngoại trừ nội dung trên trang đầu tiên không giống ra, bên trong đều là những hình vẽ chắng khác nhau là mấy. Tôi chẳng biết nó là cái gì, bèn xếp chồng vào một bên, tiếp tục giở những giấy tờ kia. Kết quả là bên  dưới cũng không có gì, chỉ phát hiện bên trong có mấy nùi gì đó na ná giống giẻ lau, ngay cả một tờ giấy có nội dung, lục khắp nơi mà cũng không tìm thấy.

Tôi chửi một tiếng, tự nhủ xem ra lúc bọn họ rời khỏi đây, có khả năng là đem hết những thứ có chứa thông tin đi rồi.

Có điều tôi vẫn không bỏ cuộc. Tôi không tin ai đó lại có thể mang đi sạch bách không chừa lại chút gì. Tôi ngồi vào vị trí Hoắc Linh chải đầu, nghỉ ngơi một lát rồi kéo ngăn bàn trước mặt ra, định xem trong ngăn có cái gì.

Đó là loại bàn làm việc có ngăn. Tôi kéo cái ngăn lớn nhất dưới mặt bàn một cái, liền cảm thấy mình có cửa rồi. Mẹ kiếp cái ngăn kéo này thế mà lại bị khóa cơ đấy, hơn nữa cảm giác còn nặng chình chịch nữa.

Bình thường dọn nhà xong rồi, chẳng ai đem đồ dùng trong nhà khóa lại, hơn nữa cảm giác này cho thấy bên trong có thể có đồ vật. Tôi phấn chấn hẳn lên. Loại khóa này sao có thể làm khó được tôi. Tôi đứng dậy, bẻ một cái móc treo áo sau cửa, cắm vào khe ngăn kéo rồi dùng sức đè xuống, chốc lát đã đè cho khe ngăn kéo mở rộng. Lẫy khóa tuột ra, tôi kéo một cái liền đưa được cái ngăn ra ngoài.

Cầm lấy bật lửa rọi một cái, tôi kêu lên một tiếng “Yes!”. Trong ngăn kéo quả nhiên chất đầy đồ đạc. Tôi đặt bật lửa sang bên cạnh ngăn kéo rồi bắt đầu tìm kiếm.

Đây nhất định là ngăn kéo của phụ nữ, bên trong lẫn lộn rất nhiều đồ linh tinh, rất lộn xộn, rõ ràng là lúc rời khỏi đây những thứ còn dùng được đã bị mang đi hết rồi. Đồ đạc còn lại gồm một cây lược gỗ, hộp đồ trang điểm nhỏ trông như cái bánh hồi những năm 90, một chồng bự tạp chí “Điện ảnh thời nay”. Những cuốn tạp chí cũ này đã có từ rất lâu rồi, tôi nhớ hồi bé mình còn lấy đọc như văn hóa phẩm đồi trụy đấy. Ngoài ra trong ngăn kéo còn có loại cặp tóc bằng sắt màu đen và rất nhiều phong bì trống rỗng cùng với một quyển album cũng trống không như thế.

Số lượng phong bì rất nhiều nhưng đều chưa từng được sử dụng. Tôi vô cùng kiên nhẫn mở từng phong từng phong ra xem, bên trong chẳng hề có cái gì. Trong cuốn album cũng không có ảnh chụp, có thể thấy vốn nó cũng từng chứa ảnh đấy nhưng đã bị rút hết ra rồi.

Tiếp theo tôi lại lật mấy quyển tạp chí cũ này, giở từng tờ từng trang một cách cực kỳ tỉ mỉ. Thế nhưng vẫn không có phát hiện gì như cũ.

Tôi đổ phịch xuống ghế, cũng chẳng để ý tới bụi bặm bên trên, liền dựa ngay vào đó, có phần mệt mỏi nhìn cái bàn đối diện qua ánh sáng bật lửa lờ mờ. Bốn bề tối đen như mực, yên tĩnh muốn chết, trong lòng tôi cũng thất vọng muốn chết. Rõ ràng là nếu chỗ này thuộc về Hoắc Linh thì người phụ nữ này tương đối kỹ tính,  hơn nữa lại còn cố ý không để lại manh mối.

Sự lạnh lẽo khắp bốn phía đã ập xuống “chăm sóc” tôi. Tôi nghiến răng nghiến lợi, không thể bỏ cuộc được. Mẹ kiếp, định luật của Roger đã nói rồi<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(**), không thể nào không còn thứ gì sót lại được! Tôi nhất định sẽ phát hiện ra được cái gì đó!  Tôi tự cổ vũ bản thân một lần nữa, tuy trong lòng đã có vài phần tuyệt vọng. Tôi đóng mạnh từng cái từng cái ngăn kéo về chỗ cũ, đứng dậy nhìn chiếc bàn làm việc phía đối diện.
<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(** Huân tước Roger Penrose, một nhà toán học, triết học và vật lý học người Anh. Định luật Roger nói trên được phát biểu như sau: “Hễ là những chuyện đã từng xảy ra, nhất định sẽ để lại dấu vết”. Bác này có vẻ cũng đóng vai trò khá lớn trong những nghiên cứu về vật lý vũ trụ, thuyết tương đối rộng, vật lý lượng tử và cách dùng nó để giải thích những hiện tượng siêu nhiên như ma quỷ hay linh hồn =..=)

Bàn đối diện không có ghế để ngồi, tôi liền khom người xuống, phát hiện chiếc ngăn kéo lớn nhất ở giữa đang bị khóa. Thế này thì có hơi kỳ quái. Tôi bổn cũ soạn lại, nạy cái ngăn kéo đó ra.

Tôi hoàn toàn tưởng rằng mình sẽ lại thấy một cảnh tượng giống như ban nãy, phải tự mình lục tìm manh mối giữa một đống rác rưởi bỏ đi. Nhưng vượt quá dự liệu của tôi, lúc này, khi rút ngăn kéo ra xem thì lại thấy bên trong cực kỳ sạch sẽ, trống trơng chẳng có gì, chỉ có một chiếc phong bì lớn vỏ vàng được đặt ở chính giữa. Chiếc phong bì căng phồng, lớn cỡ khổ giấy A4, được đặt ngay ngắn ở đó cứ như là cố tình sắp xếp như thế để chờ tôi đến xem vậy.

“Ơ”, trong lòng tôi giật nẩy lên. Ý thức được điều gì, tôi lập tức cầm nó lên xem xét.

Đây là loại phong bì bảo hiểm lao động thời kỳ cuối những năm 80 của thế kỷ 20. Mặt trên còn có chân dung Mao Trạch Đông đã bợt màu. Sờ thử một cái, tôi thấy thứ đồ gì đó ở bên trong rất dày, mỗi tội đã bị ẩm hết, sờ lên xù xì những lông, cảm giác cứ mềm mềm nát nát. Trên phong bì không có bất cứ chữ nào.

Tôi thấy vậy là có cửa rồi, vội vàng lật phong bì lại, thọc tay vào bên trong, sau đó móc ra một quyển sổ tay công tác cũ cỡ bằng quyển tạp chí.

Tôi sững sờ một lát, lật trang bìa ra liền phát hiện trên trang đầu tiên của cuốn sổ tay có một đoạn chữ viết bằng bút máy theo thể chữ Hành, nét bút vô cùng thanh tú:

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Tôi không biết cô cậu là ai trong số ba người. Nhưng dù có là ai thì thời điểm cô cậu tới đây phát hiện ra phong thư này, tôi tin rằng các người cũng đã vướng vào chuyện đó.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Băng ghi hình là thủ tục bảo hiểm cuối cùng mà chúng tôi bố trí. Băng hình được gửi đi, tức là người trong băng ghi hình đã không thể nào liên lạc được với tôi. Như vậy, cũng tức là tôi đã chết, hoặc là “nó” đã phát hiện ra tôi, cho nên tôi đã rời khỏi thành phố này.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Bất kể là thuộc tình huống nào, nó đều có nghĩa là khả năng không lâu nữa tôi sẽ rời khỏi nhân thế. Cho nên băng ghi hình sẽ chỉ dẫn cho các người đến đây, để các người thấy được cuốn sổ ghi chép này.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Trong cuốn sổ tay này có ghi lại tâm huyết và kinh nghiệm hơn mười năm nghiên cứu của chúng tôi. Tôi để nó lại cho các người. Các người có thể từ đó biết được những thứ các người muốn biết.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Có điều, tôi cũng phải nhắc nhở các người rằng: nội dung bên trong có liên quan đến một bí mật khổng lồ. Tôi đã từng thề phải mang theo những điều này xuống mộ, nhưng rốt cuộc vẫn không thể tuân thủ lời hứa của chính mình. Những bí mật này, sau khi xem xong họa phúc khó lường. Các người phải tự lo lấy thân mình cho tốt.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Trần Văn Cẩm

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Tháng Chín năm 1995

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Chương 41

<strong style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;"><em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ask the beta: <em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">thưc ra chương này là editor mới đúng :’P

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Mấy chương trước đã có bạn hỏi là “sao Ngô Tà không mang điện thoại di động vào trại an dưỡng mà lại dùng bật lửa Zippo”. Mình xin được trả lời luôn là dạo Tam Thúc viết đến chỗ này thì điện thoại di động nó ko được phổ biến như bây giờ đâu các bạn ạ, vả lại hồi đó cũng chỉ có loại màn hình mono như Nokia 1100 thôi, ko phải LCD đâu, cũng ko có chức năng đèn pin. Đến cái điện thoại hường huệ của Hoa chảnh chó trùm bằng trộm mộ phần 7 mới xuất hiện, màn hình cũng là mono hết. Trò bản thường xuyên chơi là trò Rắn đó =”)))))  Điện thoại ấy mà mang vào nhà ma hay mang đi trộm mộ thì chiếu sáng cũng chả được là bao, cho nên túm cái quần lại, trong Đạo Mộ các bạn hãy cứ coi như Zippo là nhất đi nhé =”))))))))))

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;"> 

.*****

Đọc xong dòng chữ này, tôi phải hít thật sâu một hơi, nỗi kinh hoảng trong lòng quả thực đã không cách nào hình dung nổi.

Nhưng nội dung của đoạn văn này không phải thứ làm tôi kinh ngạc nhất. Nói thật, trong tích tắc nhìn thấy cuốn sổ ghi chép kia, tôi cũng đã nghĩ đến việc có lẽ mình sẽ đọc được nội dung như vậy rồi. Điều khiến hơi thở tôi bị bóp nghẹt trong nháy mắt chính là dòng chữ ký kia cơ.

“Trần Văn Cẩm!”

Trời ạ, tôi thật sự không thể ngờ thứ này lại là do cô ấy để lại. Nói vậy thì người gửi cuốn băng ghi hình cho tôi, lôi kéo tôi tới đây, cũng chính là cô ấy?

Điều này thật sự là một bước ngoặt bất ngờ, khiến người ta thật không sao hiểu nổi. Tuy rằng chú Ba chưa từng nhắc đến bất cứ tin tức gì về cô ấy, nhưng trong quan niệm của tôi, cô hẳn đã chết ở đâu đó rồi, sao lại có thể đột ngột xuất hiện trong thời điểm này được, hơn nữa còn dẫn tôi đến tận đây?

Còn nữa, chỉ trong có một đoạn văn ngắn ngủn này lại chứa đựng quá nhiều thông tin. Cái gì mà ba người? Là ba người nào? <em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">“Nó” là thứ gì? “<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Chúng tôi” là chỉ ai, lẽ nào lại là nhóm người ở Tây Sa? “<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Nghiên cứu” gì? “<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Bí mật”  gì?

Vô số suy nghĩ chợt nảy lên trong đầu tôi, nhưng tôi không kịp suy xét một ý nào. Tôi lấy lại bình tĩnh rồi lập tức lật cuốn sổ tay đọc tiếp phần sau.

Cuốn sổ tay này rất dày, có chừng hai sáu, hai bảy trang chi chít chữ, toàn là những hàng chữ lít nhít viết sít nhau, nét bút cực kỳ nắn nót và còn có rất nhiều hình vẽ. Hình như đó là một cuốn sổ tay công tác.

Tôi đặt bật lửa lên mép cái ngăn kéo vừa được lôi ra, rồi chính mình thì ngồi trên mặt đất, lập tức tập trung tinh thần đọc cuốn sổ.

Vừa mở ra trang đầu tiên nằm ngay phía sau trang bìa trong, tôi lập tức chấn động. Trên trang giấy tôi nhìn thấy một bức tranh rất kỳ quái, được vẽ vô cùng tỉ mỉ.

Bức vẽ này chỉ được tạo nên bởi bảy nét, sáu đường cong uốn lượn và một vòng tròn không ngay ngắn. Tôi chỉ cần nhớ lại một chút liền nhận ra ngay đây là thứ mà chú Ba đã miêu tả lại cho tôi: chính là cái đồ hình đã được giải mã từ sách lụa Chiến Quốc  kia.

Tôi vô cùng kinh ngạc. Xem ra nhóm của Văn Cẩm cũng ghê gớm phết đây, có thể lấy được cả cái đồ hình cực kỳ khó xơi này cơ đấy. Nói vậy thì cô ấy cũng từng có hứng thú với cái đồ hình này.

Thế nhưng, khác với bản vẽ phác chú Ba cho tôi xem, bức họa lần này lại có đánh dấu ở trên. Tôi vừa xem liền toát mồ hôi lạnh đầy người. Chỉ thấy sáu đường cong nọ, bên trên mỗi cái lại có một chấm đen, có cảm giác dường như đây chính là điều chú Ba đã nói với tôi: tấm bản đồ sao kia xếp đúng vị trí với đường thẳng mà chọn ra sáu vì tinh tú. Song, ở trên bốn cái chấm đen đó, tôi lại nhìn thấy mấy con chữ nhỏ.

Từ trên xuống dưới là:

<strong style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;"><em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Núi Trường Bạch – Vân Đỉnh Thiên Cung
Miếu Hạt Dưa – Thất Tinh Lỗ Vương Cung
Ngọn Phật Nằm – Phật tháp Thiên Quan Tự
Sa Đầu Tiêu – Mộ thuyền chìm đáy biển

Tôi đọc xong liền hít một hơi lạnh, bụng dạ bấn loạn mất vài giây. Trong chốc lát, như người vừa ngộ đạo, tôi lập tức sáng tỏ cái thứ mình vừa nhìn thấy đây là cái gì.

Choáng, thật quá choáng! Lẽ nào những đường cong trên đồ hình này lại chính là bản vẽ hướng chạy của từng mạch núi nằm trong đại long mạch mà Uông Tàng Hải đã định ra?

Cẩn thận quan sát những đường cong, tôi liền phát hiện quả đúng là như vậy. Bởi vì không đặt trên bản đồ mà nhìn, cho nên tôi căn bản không sao liên tưởng sáu đường vẽ này đến điều đó, mà chỉ thấy chúng trông như những đường gân lá hay bản đồ phân bố sông ngòi. Nhưng bây giờ, vừa nhìn một cái, tôi đã lập tức nhận ra đây kỳ thật là một con “rồng”. Sáu đường cong này chính là đầu rồng, đuôi rồng và tứ chi của rồng! Mỗi nét vẽ đều là một mạch núi, mà cái điểm bên trên đường cong, lại chính là bảo nhãn trên mạch núi.

Đây vốn không phải bản đồ sao gì đó như lời Cầu Đức Khảo nói mà!

Trong chốc lát toàn thân tôi lạnh toát, ý thức được điều gì đã xảy ra. Cái đuệch, còn không phải chính Cầu Đức Khảo cố ý đánh lạc hướng? Còn không phải cái lão yêu tinh này lừa chú Ba sao?!

Lại nhìn đến hai đường cong không có chữ. Tôi lập tức phát hiện bên trên chúng cũng có chấm đen, có điều bên cạnh ghi toàn dấu chấm hỏi. Dĩ nhiên mấy cái này cũng có thể là những long mạch trong Đại phong thủy, có điều vị trí của long nhãn trên long mạch thì không biết rõ.

Cú đánh liên hoàn từ trên trời giáng xuống này khiến tôi lúng túng không biết phải làm sao. Tôi thật sự không ngờ mở cuốn sổ tay này ra một cái liền ăn ngay mấy cú knock out như thế. Tôi lập tức khép quyển sổ lại, hít một hơi thật sâu, nhưng mà tay tôi vẫn phát run lên. Tôi nhớ tới lời nói trên trang bìa kia: <em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">“nội dung bên trong có liên quan đến một vài bí mật khổng lồ”. Tôi tự nhủ: cô không nên cứ thế kích thích người ta ngay tại trang đầu tiên như vậy chứ!

Thế nhưng, sự kinh hãi đó rất nhanh đã bị cảm giác mừng như điên thay thế. Tôi nghiến răng vỗ vỗ ngực, xóa tan cảm giác nghẹt thở đó đi, lại mở cuốn sổ tay ra lần nữa.

Quan sát kỹ bức vẽ, lúc bấy giờ, tôi thấy được một điểm còn then chốt hơn tất cả.

Chỉ thấy ngoài sáu đường cong ra, có một khoảng giấy trống ở giữa do sáu nét vẽ uốn lượn quây tròn xung quanh, bên trong vòng tròn đó cũng có một dấu chấm đen. Chấm đen này không nằm trên đường cong nào cả, đứng độc lập lẻ loi ở vị trí có lẽ là trung tâm của toàn bộ hình vẽ.

Mà bên cạnh chấm đen này cũng có một hàng chữ nhỏ: <em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Sài Đạt Mộc – Tháp Mộc Đà

Thứ này thì tôi xem không hiểu, nhưng bên dưới dòng chữ nhỏ này bị gạch một đường rất sâu, còn có hai ba dấu chấm hỏi. Rõ ràng là trên tấm bản đồ này thì điểm đó mới là quan trọng nhất. Hơn nữa, trong lúc vẽ, Văn Cẩm có nghi vấn gì đó, cho nên mới vừa nghĩ vừa điền mấy dấu chấm hỏi kia.

Dựa theo kinh nghiệm từ những chỗ bên cạnh thì dấu chấm này có lẽ cũng biểu thị cho một địa điểm. Sài Đạt Mộc? Tháp Mộc Đà? Lẽ nào đó cũng là một ngôi mộ cổ sao? Tôi tự hỏi vì sao điểm này lại nằm ngoài những đường cong kia chứ?

Lập tức, tôi bỗng ý thức được rằng những gì mà Văn Cẩm biết còn nhiều hơn chúng tôi rất nhiều. Xem ra cuốn sổ tay này có thể giải đáp cho tôi khá là nhiều nghi vấn đây. Nghĩ đoạn, tôi lập tức lại lật sổ tay xem nội dung phần tiếp theo.

Nội dung sau đó đều là những đoạn chữ viết xen lẫn với nhiều hình vẽ. Chữ viết bên trên cũng cực kỳ nắn nót, ghi chép rất có trật tự, thế nhưng cỡ chữ nhỏ quá, dưới ánh sáng có phần yếu ớt của chiếc bật lửa, muốn đọc phải cực kỳ cố sức.

Tôi lấy lại bình tĩnh, tập trung tinh thần chăm chú đọc, vừa đọc vừa thấy cảm thấy mối ngờ vực ngày một dâng lên, đồng thời cũng cảm thấy thất vọng ngày một nhiều. Đợi đến khi xem xong, những nghi hoặc và thất vọng của tôi đã lên đến đỉnh điểm. Tôi đờ ra tại chỗ, cảm giác trong lòng thật quá khó hình dung.

Nội dung trong toàn bộ cuốn sổ tay đại khái có thể chia làm ba phần, gồm hơn mười nghìn chữ, đều là biên bản công tác dưới dạng nhật ký, ghi chép cực kỳ rườm rà, nhưng dựa theo nội dung trong đó mà phân ra thì đại khái có thể chia làm ba phần.

Phần thứ nhất là ghi chép từ ngày mùng 2 tháng Tư năm 1990 đến ngày 6 tháng Ba năm 1991. Vì không thể chép lại cả cuốn sổ tay ở đây nên tôi chỉ có thể tóm tắt và cũng gạn lọc ra những chương mục quan trọng nhất để cho rõ ràng hơn.

Nội dung của phần thứ nhất như sau:

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 2 tháng Tư năm 1990

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Chúng tôi đem phần lớn những đồ sứ trong huyệt mộ dưới đáy biển ra tiến hành đánh số và phân loại một lượt, sao chép lại tất cả đồ sứ ở đó, đồng thời so sánh với bích họa, hy vọng có thể tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Uông Tàng Hải.  Thông qua so sánh như vậy, chúng tôi quả thực đã phát hiện được một vài qui luật: được ghi lại trên bích họa là những chuyện trong cuộc sống của ông ta, còn nội dung vẽ trên đồ sứ là quá trình xây dựng công trình của ông ta. Điều này có thể chứng minh từ các nhóm nội dung mà chúng tôi đã phân loại. Ví dụ như: tiến vào nước Đông Hạ  – xây dựng Vân Đỉnh Thiên Cung, được Chu Nguyên Chương phong thưởng – thiết kế hoàng cung thời Minh, đều đã tìm thấy hình vẽ thể hiện. Hơn nữa, dựa theo thứ tự trong mộ thất, có thể phân chia thứ tự trước sau của những khoảng thời gian này rất dễ dàng, hơn nữa từng cái đều phù hợp.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Dựa theo phương thức suy đoán như vậy, những bích họa này đều ghi chép lại công lao hiển hách của bậc thầy phong thủy Uông Tàng Hải. Nội dung được ghi chép lại đều tương ứng với những tác phẩm của ông ta. Còn những việc mà đối với người khác là quan trọng, ví như cưới vợ, săn bắn, thì không thấy ghi lại bất cứ điều gì. Tôi gọi cái này là “Thuyết tương đối họ Uông<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">”.

——————————

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 6 tháng Tư năm 1990

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Hôm nay “Thuyết tương đối họ Uông” vấp phải một vấn đề hóc búa. Trong tấm bích họa cuối cùng của Uông Tàng Hải, chúng tôi phát hiện một đoạn nội dung thế này:

(Bên dưới là một bức phác thảo, đoán là vẽ tấm bích họa. Tôi bắt gặp hình vẽ trong này mới nhớ tới ban nãy lục bàn cũng trông thấy mấy thứ vẽ vời như trẻ con kia, hóa ra đều là hình bọn họ sao lại bích họa.)

Nội dung bức phác thảo rất khó miêu tả bởi vì trình vẽ quá lởm. Tôi chỉ có thể đại khái nhìn ra nó na ná cảnh tượng một vị quan to quyền quý nào đó tiễn biệt một người khác. Bối cảnh là cửa một cung điện rất lớn, ở bốn phía có các loại động vật như “lạc đà lừa ngựa” xếp thành hàng ngang ngay ngắn chỉnh tề, đương nhiên là bị vẽ cho thành chó với chuột hết một loạt. Tôi hiểu rõ tranh sơn thủy và tranh thú vật thời cổ đại, về mảng kiến thức này tôi đã được đào tạo rất kỹ càng và chặt chẽ, cho nên từ hình dạng và bút pháp tôi có thể đoán ra những động vật hình thù dị hợm này thật ra hẳn phải là ngựa hoặc lạc đà. Đằng sau cửa cung, người hầu kẻ hạ đứng hàng đàn, xếp thành đội hình long trọng. Có thể thấy, trong bức họa là một cảnh tượng khá hoành tráng.

Phía sau còn có hai ba trang toàn hình vẽ. Tôi không có hứng thú xem nên bỏ qua toàn bộ, đọc luôn nội dung phần sau.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Những gì ghi lại trên tấm bích họa này hẳn phải là sự việc xảy ra sau khi Uông Tàng Hải sáu mươi tám tuổi. Lúc đó ông ta đã hoàn thành công trình cuối cùng của mình, mà nội dung trên tấm bích họa này đại khái nói rằng ông đã nhận lệnh của hoàng đế, xuất phát đến một nơi, một kiểu hoạt động tương tự như đi sứ sang nước ngoài vậy. Cấu trúc của tấm bích họa này rõ ràng là mô phỏng theo bích họa thời Đường, vẽ cảnh Đường Huyền Trang đi Tây Vực, vô cùng kỳ lạ. Nhưng mà chúng tôi đã lật xem tất cả đồ sứ ở đây ra, từ đầu đến cuối vẫn không phát hiện được bất cứ hình vẽ nào có khả năng là tương ứng với nó.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Có người nói có thể đây là sự kiện cuối cùng trong cuộc đời ông ta cho nên không có bất cứ một tác phẩm tương ứng nào. Nhưng cũng có người lại khăng khăng cho rằng người như Uông Tàng Hải làm gì có ngoại lệ kiểu này. Không có hình vẽ trên sứ tương ứng thì khả năng là có ẩn ý hoặc nguyên nhân đặc biệt nào đó. Hoặc có thể, tác phẩm đó của ông ta đã được khắc vào một chỗ nào khác chẳng hạn.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Quả thật sau này tiếp tục nghiên cứu thì phát hiện vài năm cuối cùng của Uông Tàng Hải kia cực kỳ thần bí, hoàn toàn không được viết lại trên bất cứ tư liệu lịch sử nào. Trong cả cuộc đời ông ta, có thể nói, quãng thời gian ngắn cuối cùng này là một khoảng trắng.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Trong vài năm đó, rốt cuộc ông ta đã ở đâu, làm gì? Đây là một câu hỏi hóc búa.

——————————

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 6 tháng Mười Hai năm 1990

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Suốt mấy tháng này, chúng tôi vẫn luôn điều tra hành tung của Uông Tàng Hải trong mấy năm cuối đời. Cuối cùng cũng đã có manh mối. Chúng tôi phát hiện ra rằng, sau công trình cuối cùng, có một lần Uông Tàng Hải đã tháp tùng hoàng đế đi bái tế núi ở Trường Bạch Sơn, từ đó về sau không có bất kỳ ghi chép bằng văn tự nào nữa.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Núi Trường Bạch, lẽ nào ông ta đã đi vào trong núi sao? Chúng tôi cực kỳ hoài nghi.

————————-

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 7 tháng Mười Hai năm 1990

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Đến đây thì không tra cứu thêm được nữa. Chúng tôi thay đổi phương hướng, bắt đầu bắt tay vào tìm hiểu từ phía vị hoàng đế kia. Trong Minh Chí có ghi chép kỹ càng việc đi về của các sứ đoàn và các dịp đại điển. Chúng tôi muốn từ đó tìm ra lần đại điển được miêu tả trên bích họa của Uông Tàng Hải, hoặc là ghi chép về chuyện ông ta đi sứ nước ngoài.
<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(* Minh Chí là tài liệu lịch sử Minh triều liệt kê từng sự kiện theo lối chép sử chính thống, đại điển là các dịp lễ trọng đại có sự tham gia của vua chúa và hoàng tộc )

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Kết quả lại khiến chúng tôi kinh ngạc vô cùng. Chúng tôi phát hiện ra rằng, trước khi hoàng đế chết hai năm, tổng cộng có bảy lần đại điển, trong đó sáu lần đều rất bình thường, nhưng lại có một lần rất kỳ quái, ghi chép hết sức đơn giản và không có bất cứ chú giải nào.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;"><strong style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">“Năm Hồng Vũ thứ hai mươi chín, xưởng vệ bốn mươi sáu người, binh sĩ mười hai người, lừa ngựa một trăm hai mươi sáu con, trân châu mười đấu, hoàng kim ba mươi cân, đi sứ Tháp Mộc Đà. “

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Đại điển và đi sứ, đây là hai sự kiện duy nhất được ghi lại đầy đủ. Nhưng bản ghi chép này lại không đề rõ viên quan đi sứ lúc bấy giờ. Mà điều khiến người ta thấy kỳ quái nhất là: Tháp Mộc Đà là nơi nào?

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Là một nước sao? Trong chính sử không có bất cứ ghi chép nào cả. Có điều cũng rất có khả năng, vì ở vào khoảng thời Minh, ở hai khu vực Đông Nam Á và Tây Vực có vô số những nước nhỏ. Đây có lẽ là một trong số những tiểu quốc đó. Thế nhưng Uông Tàng Hải lại làm đặc sứ đến một tiểu quốc ư? Điều này có hơi kỳ quái. Với tuổi tác của ông ta thì đâu có thích hợp lặn lội đường trường.

————————-

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 11 tháng Hai năm 1991

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Tiếp tục tiến hành điều tra, trong lúc đó chúng tôi đã tiến hành thảo luận hai lần.

(Ở giữa là mười trang viết lan man, toàn thảo luận và suy đoán, nhưng sau đó đều được chứng minh là sai, cho nên đã bị gạch bỏ.)

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Bởi vì sử liệu triều Minh đã trải qua một lần đại nạn vào thời nhà Thanh(triều đại sau lên nắm quyền cho tiêu hủy các loại văn bản lịch sử của triều đại trước, chuyện thường ngày ở huyện há ┐( ̄ヮ ̄)┌ ), cho nên lúc này điều tra rất khó khăn, rất lâu mà vẫn không có kết quả, về sau lại phải chuyển hướng điều tra mới giải quyết được một vấn đề. Chúng tôi so sánh những đồ vật mang theo tới “Tháp Mộc Đà”, liền phát hiện chủng loại lễ vật cho thấy đây là một quốc gia Tây Vực, hơn nữa số lượng và hình thức tặng phẩm xem ra khá thấp, thế nhưng lừa ngựa lại rất nhiều. Đây thoạt nhìn thì giống như một thương đội chứ không phải là đoàn đặc sứ.

————————-

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 6 tháng Ba năm 1991

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Hoàn toàn không có manh mối, điểm đột phá cũng không tìm thấy nữa. Nghiên cứu trì trệ không có tiến bộ, tâm trạng mọi người đều không tốt.

Đây là đoạn thứ nhất, rõ ràng trước đoạn này hẳn còn phải có nội dung, nhưng đằng trước lại không phát hiện dấu vết của những trang bị xé. Xem ra đây không phải là một cuốn sổ tay đơn độc. Đây là một cuốn trong một bộ sổ tay.

Đoạn thứ nhất miêu tả, trong lúc bọn họ nghiên cứu về Uông Tàng Hải thì phát hiện ra “Tháp Mộc Đà”, sau đó lại nghiên cứu “Tháp Mộc Đà”, cuối cùng nghiên cứu bị đình trệ. Quá trình là như vậy. Từ một đoạn nội dung này có thể thấy được rất nhiều điều. Bọn họ đang nghiên cứu bích họa và đồ sứ trong huyệt mộ dưới đáy biển. Hơn nữa, xem ra nghiên cứu còn cực kỳ chính thống và quy củ, là qui trình khảo cổ kinh điển. (Quá trình tra cứu tư liệu kiểu này có vẻ cực kỳ tẻ nhạt, nhưng lại là phương thức nghiên cứu chủ yếu hằng này của người làm công tác khảo cổ. Khảo cổ chính là khai quật – phục chế – tra cứu). Nhưng vào năm chú Ba ra đi thì căn bản không có điều kiện như thế này. Mộ dưới biển của Uông Tàng Hải lớn là thế, chỉ lèo tèo có mỗi vài người như vậy thì biết phải làm bao lâu mới có thể sao chép lại toàn bộ đồ vật trong huyệt mộ đây? Như vậy, bọn họ đã bắt đầu làm công việc này từ lúc nào?

Đây là một manh mối rất lớn. Có điều tôi không có sức nghiền ngẫm, nên lại đọc tiếp. Lúc đó tôi cho rằng đằng sau sẽ là đoạn kế tiếp của quá trình đó, thế nhưng sau đoạn ngày 6 tháng Ba năm 1991 này, lại xuất hiện một hiện tượng khiến tôi nghi hoặc.

Từ sau một đoạn này có khoảng sáu trang nội dung, đều kể về chuyện thu thập tư liệu, phần này sẽ lược bỏ. Tiếp tục giở về phía sau, lại là một đoạn nhật ký công tác, thời gian lại nhảy tới ngày 19 tháng Một năm 1993.

Sau này nhìn lại nội dung ghi chép trong đó, bạn sẽ phát hiện thấy đã có sự khác biệt tương đối lớn so với phần trước. Nội dung đoạn này là vào ngày mười chín tháng Một năm 1993, thẳng đến tận ngày 8 tháng Hai năm 1995, khoảng cách thời gian từng đoạn khá lớn, thế nhưng những thứ được ghi chép lại không nhiều. Nội dung như sau:

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 19 tháng Một năm 1993

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Qua lần thảo luận trước, chuyện của Uông Tàng Hải đã rõ ràng hẳn lên. Xem ra việc ông ta tới Tháp Mộc Đà thực sự có liên quan đến sự kiện hoàng đế tế bái núi Trường Bạch. Có lẽ ông ta trở về Vân Đỉnh Thiên cung, sau đó mới lên đường đến Tháp Mộc Đà. Tháp Mộc Đà này tất nhiên có liên quan đến tình cảnh trong núi Trường Bạch.

————————-

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 18 tháng Tư  năm 1993

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Dựa vào bích họa, chúng tôi đã sắp xếp lại ba tuyến đường dẫn đến Vân Đỉnh Thiên Cung. Chúng tôi quyết định trước hết sẽ đi núi Trường Bạch, tìm hiểu đến tận cùng.

————————-

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 30 tháng Năm năm 1993

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Tiến vào phạm vi núi Trường Bạch, thời tiết rất tệ.

(Sau đó đại khái có hơn mười trang ghi chép về việc di chuyển trong tuyết như kiểu tiểu thuyết thám hiểm, cũng giống như khi chúng tôi đến Vân Đỉnh Thiên Cung, cho đến tận đoạn tiến vào trong.)

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 15 tháng Sáu năm 1993

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Đã mất liên lạc với bọn họ. Hai người chúng tôi tiếp tục tiến lên.

————————-

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 17 tháng Sáu năm 1993

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Chúng tôi chạm đích Vân Đỉnh Thiên Cung. Tình hình cực kỳ không ổn, những người khác có khả năng lành ít dữ nhiều. Chúng tôi cũng không có thời gian do dự. Chúng tôi quyết định tiến vào cửa thanh đồng, xem thử bên trong rốt cuộc là chỗ như thế nào.

————————-

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 18 tháng Sáu năm 1993, có vẻ như, tôi đã nhìn thấy Chung Cực!
<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">(Chung cực nghĩa là Tận Cùng)

(Từ đoạn này về sau ở giữa bị ngắt quãng, không có bất cứ nội dung nào. Tiếp theo là đoạn cuối cùng của nhật ký. Hiển nhiên, suốt thời gian một năm rưỡi cô ấy không hề ghi chép thứ gì.)

Điều cuối cùng được viết lại là:

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày 8 tháng Hai năm 1995

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm Tháp Mộc Đà. Tất thảy những thứ này rốt cuộc là chuyện gì, tôi nhất định phải làm cho rõ ràng.

Đây là phần thứ hai. Đến đây có tổng cộng khoảng ba mươi trang nội dung. Điều dễ thấy nhất, đó là giữa phần thứ nhất và phần thứ hai có những mấy năm nội dung để trống. Tới phần thứ hai thì nhảy luôn vào hành trình của họ đến Vân Đỉnh Thiên Cung. Đọc đến đây, trong lòng tôi đã làm rõ được một nghi vấn: xem ra tại Vân Đỉnh Thiên Cung, những người chết trong đống vàng có lẽ chính là nhóm người bọn họ. Hơn nữa xem xét đồ vật mà bọn họ mang theo và những gì Văn Cẩm tiết lộ với chúng ta ở đây, thì có lẽ đó cũng chính là nhóm người trước kia ở Tây Sa rồi.

Nói vậy thì dường như bọn họ không hề gặp phải tình cảnh đặc biệt quẫn bách gì khác, hơn nữa hình như sinh hoạt còn khá thoải mái nữa? Có điều mấy chuyện này chỉ là thứ yếu. Điều làm cho tôi khiếp sợ là, hiển nhiên Văn Cẩm cũng đã phát hiện ra cánh cửa thanh đồng kia, hơn nữa cô ấy còn đi vào đó rồi.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">“Tôi đã nhìn thấy Chung Cực!” Tôi đọc đến đoạn này liền toát mồ hôi lạnh đầm đìa, lòng tự nhủ đây là ý gì thế này, cái thứ Chung Cực này biểu thị cho cái gì?

Xem xét thời gian ghi chép thì thấy sau khi cô ấy vào đó, dường như trong suốt một năm rưỡi không hề viết bất cứ cái gì vào nhật ký. Chuyện đó không phù hợp với tính cách của cô ấy. Tôi cảm thấy cực kỳ có khả năng là cô ấy đã nhìn thấy cái gì đó đằng sau cánh cửa thanh đồng, cho nên mới quá mức khiếp sợ, không còn đầu óc đâu mà nghĩ đến sổ tay gì hết.

Nhìn chung, cảm giác lớn nhất mà phần thứ hai để lại cho tôi, đó là Tháp Mộc Đà kia có lẽ có liên quan rất chặt chẽ với cánh cửa thanh đồng. Sau khi Văn Cẩm bước vào cửa thanh đồng thì mới nhen nhóm ý định đi tìm “Tháp Mộc Đà” này.

Tiếp về sau là đoạn thứ ba. Phần này đặc biệt dài, nhưng khoảng cách thời gian rất ngắn, từ ngày 8 tháng Hai năm 1995 đến ngày 8 tháng Sáu năm 1995, trong đó xem ra chỉ có một đoạn là đáng nói.

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Ngày tám tháng Hai năm 1995

<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;">Căn cứ vào tấm bản đồ long mạch kia, chúng tôi đã có thể xác định được vị trí của Tháp Mộc Đà. Chúng tôi chuẩn bị tiến hành một lần khảo sát, hy vọng trong lần khảo sát này sẽ có thể phát hiện đáp án của một loạt câu đố kia. Phải nói thật là tôi thực sự không ngờ, đằng sau chuyện này lại có nhiều sự tình đến như vậy. Nếu như thứ tôi chứng kiến sau cánh cửa thanh đồng là thực, thì toàn bộ chuyện này quả thật quá đáng sợ.

Nội dung sau đó kể về hành trình bọn họ đi đến nơi gọi là “Tháp Mộc Đà” kia. Xem miêu tả trong đó thì “Tháp Mộc Đà” hẳn là một ốc đảo trong sa mạc. Văn Cẩm đi theo một đoàn lạc đà, vào năm 1993 thì xuất phát từ Đôn Hoàng, tiến vào Sài Đạt Mộc, bắt đầu chặng đường này.

Bọn họ được một người phụ nữ gọi là Định Chủ Trác Mã dẫn đường, bắt đầu tiến vào sa mạc. Sau đó, ở một núi đá, bọn họ chia tay với người đó, đi vào chỗ gọi là “Tháp Mộc Đà”. Bên trong ốc đảo kia dường như cực kỳ hung hiểm, trên đường đi chết không ít người, còn thấy trên bản đồ hành trình ở sổ tay có rất nhiều ký hiệu nguy hiểm. Cuối cùng, bọn họ tới được Tháp Mộc Đà, có điều cô ấy lại phát sinh mâu thuẫn với một người khác, rốt cuộc chưa đi đến đích đã trở về.

Tôi đọc lướt rất nhanh nội dung này một lần, cũng không xem kỹ. Từ sau những nội dung ấy là khoảng trắng, không còn gì khác. Phần nội dung này có khoảng ba mươi trang, ghi chép cực kỳ kỹ càng, có một lượng lớn bản đồ hành trình cùng với những mô tả về tổn hại của thiết bị và thời tiết các loại.

Trong toàn bộ cuốn sổ tay căn bản không hề viết về việc bọn họ làm thế nào có được các thông tin, hoặc là điều tra như thế nào, cũng không nhắc gì đến việc bọn họ mất tích ở Tây Sa, hay chuyện ở trại an dưỡng này. Tất cả thông tin bên trong đều có liên quan đến “Tháp Mộc Đà” kia, chiếm hết gần một nửa độ dài, toàn là phân tích về những thứ mà Thiết Diện Sinh Uông Tàng Hải để lại, hơn nữa từ đó phát hiện ra phương hướng liên quan đến “Tháp Mộc Đà”. Mà trên hết, điều khiến tôi rất để ý chính là ba đoạn nội dung này rõ ràng đều bị ngắt quãng ở giữa, có cảm giác dường như cuốn sổ tay này từng bị người ta xé ra đóng lại thành quyển mới, hoặc chỉ là bản sao chép.

Tôi dùng sức kéo căng khe hở giữa các trang, phát hiện không hề có bất cứ dấu vết đóng lại hay vết giấy rách nào. Đây là một cuốn sổ tay nguyên vẹn. Như vậy tức là cuốn sổ tay này có thể là một bản Văn Cẩm chép lại. Dường như cô ấy đã chọn một vài nội dung về Tháp Mộc Đà trong sổ gốc, sao chép rồi tập hợp chúng vào một cuốn sổ tay khác.

Tại sao cô ấy phải làm vậy cơ chứ? Đây cũng là một chuyện khó lòng tưởng tượng nổi. Vì sao nhóm người này lại luôn luôn thần thần bí bí như vậy? Không lẽ trong những nội dung khác của sổ tay có những điều cô ấy không muốn để cho người khác biết sao?

Hơn nữa, xem cuốn sổ tay này thì thấy có một cảm giác rất rõ ràng, dường như chính nó muốn tôi biết rằng “Tháp Mộc Đà” này là địa điểm cực kỳ quan trọng, tựa như muốn tôi tìm đến nơi đó.

Nghi vấn trong lòng nhiều không kể xiết, trong một lúc cũng không lần ra được manh mối gì, tôi day day thái dương, lật cuốn sổ tay trở lại, chuẩn bị đọc lại tỉ mỉ từ đầu để còn cẩn thận suy nghĩ xem có rút ra được chút đầu mối gì không. Thế nhưng đúng lúc này cái bật lửa trước mắt lại tối sầm đi. Ngọn lửa đã dần tàn lụi, ánh sáng ảm đạm.

Tôi nhớ ra cái bật lửa này đã dùng một lúc khá lâu rồi, có lẽ là sắp tắt, vì vậy tôi định lôi đống báo chí và cả ngăn kéo ra nhóm lửa, xếp thành một đống lửa luôn, như vậy sẽ không đến mức lát nữa mình phải sờ soạng trong bóng tối khi mà bật lửa không còn dùng được. Vì vậy tôi cầm cái bật lửa, đứng lên, giãn gân giãn cốt một lát.

Đúng lúc đó, tôi chợt cảm thấy có gì đó rất không hợp lý, trong này hình như có chỗ nào đó không giống như hồi nãy. Tôi dứt khoát giơ cao bật lửa, định nhìn một chút xem có phải ảo giác hay không. Vụ này không nhìn còn khá, chứ nhìn xong tôi bị dọa thiếu điều chết ngỏm luôn. Chỉ thấy ở cái bàn đối diện không biết từ lúc nào đã xuất hiện một “người”. Người này ngồi trên chiếc ghế tôi vừa ngồi ban nãy, nhìn vào trong cái gương kia, đang chải đầu.

Chương 42

“Người” này thân hình thật quái dị. Tuy rằng ánh sáng bật lửa lờ mờ chỉ có thể chiếu ra được một cái bóng xam xám hình thù không toàn vẹn, nhưng tôi vẫn có thể thấy hình dạng cái cổ của nó hơi quai quái. Cái cảm giác này, nói quá lên một chút, đó là cảm thấy dường như nó không cần phải đứng lên mà vẫn có thể dí sát mặt vào tôi được ấy.

Nó ngồi trên chiếc ghế dựa mà tôi ngồi ban nãy, hai cánh tay dài khẳng khiu trượt trượt bên đầu, động tác quỷ quái lạ thường. Tôi sững sờ một chốc mới nhận ra là nó đang chải tóc. Bấy giờ tôi liền lạnh toát cả người, toàn thân nổi da gà.

Trong một gian hầm ngầm hoang phế hơn mười năm thế này, đột nhiên lại nhìn thấy một người chải đầu trong bóng tối. Cái động tác đó, hơn nữa lại trong cái hoàn cảnh này, nếu là người bình thường thì e là sẽ chết cứng tại chỗ vì sợ luôn.

Tôi vừa toát mồ hôi lạnh vừa cảm thấy quái lạ. Đây là ai vậy? Đã xuất hiện từ lúc nào? Từ khi phát hiện ra cuốn sổ tay đến lúc tôi ngồi xuống đọc, tối đa cũng chỉ có hai mươi phút đồng hồ, đồ chó đẻ nhà nó đã ngồi lù lù đối diện với tôi từ bao giờ? Tại sao tôi lại hoàn toàn không phát hiện ra gì cả… Hơn nữa, nơi đây là trong hầm ngầm bí mật của một tòa nhà bị bỏ hoang, tại sao lại có người khác ở đây được?

Lại còn cái động tác kỳ quái này nữa. Nó ngồi trên ghế dựa, nhìn vào tấm gương của Hoắc Linh, lại còn chải đầu, khiến tôi không thể không nghĩ: lẽ nào Hoắc Linh không đi cùng với những người khác… “Người” này là Hoắc Linh ư?

Mồ hôi lạnh của tôi tuôn ra như suối. Cũng may mà tôi thần kinh thép hơn xưa nhiều rồi. Mặc dù không thể nào hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra thế kia, nhưng cơ thể tôi vẫn vô thức phản ứng lại. Tôi theo phản xạ có điều kiện lùi về phía sau vài bước, hai mắt nhìn thẳng vào đối phương, thần kinh căng lên cảnh giác.

Nếu đây mà là trong phim truyền hình thì hẳn mọi việc sẽ như này: tôi dáng vẻ đầy kinh hoàng, kẻ nấp trong bóng tối kia sẽ cười ba tiếng ha ha ha, sau đó đạo diễn sẽ cho quay một cảnh đặc tả, hoặc là quay cảnh kẻ đó rút một khẩu súng ngắn ra, nói: “Bất ngờ lắm phải không, ngài Bond Tà.”<em style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; outline: 0px; vertical-align: baseline; background: transparent;"> Thế nhưng đây không phải là phim ảnh. Từ lúc tôi lùi ra sau, người nọ vẫn không nhúc nhích, vẫn máy móc rập khuôn động tác chải đầu. Cùng với từng bước lùi của tôi, ánh sáng bật lửa chập chờn càng yếu ớt dần, khoảng cách cũng càng ngày càng xa. Người nọ chìm vào trong bóng tối, sắp không nhìn thấy nữa rồi.

Lùi thẳng chừng năm sáu bước, tôi bắt đầu cảm thấy có chút an toàn, liền dừng lại lấy hết cam đảm hỏi một câu: “Ai đó?”

Sau khi xuống căn phòng dưới đất tôi gần như không hề lên tiếng câu nào, lúc này bật thốt ra, âm thanh khàn khàn gần như không giống với giọng tôi nữa, tự nghe mà còn tự giật mình đánh thót một cái. Có điều, trong căn phòng dưới tầng ngầm yên tĩnh đến nỗi cây kim rơi xuống đất cũng còn nghe thấy được này, giọng nói khàn khàn của tôi vang lên vẫn cực kỳ rõ ràng.

Nhưng sau khi tôi hỏi, đối phương vẫn không hề có phản ứng gì. Từ chỗ bàn làm việc đằng kia không có bất cứ âm thanh nào vang lên, cứ như là tôi đang nói chuyện với không khí.

Đồ chó đẻ, dọa rồ tao hả? Tôi chửi thầm, có hơi sợ thật rồi. Ngẫm lại vừa nãy nhìn thấy hình dáng quái gở của người nọ, tôi đã tự nhủ rằng có khi nào cái thứ đó chẳng phải con người hay không?

Không thể nào, không thể nào đâu, tôi tự phản đối chính mình. Nếu ở trong cổ mộ thì còn có thể, chứ đây là tòa nhà hiện đại cơ mà, làm sao mà có thứ đó thò ra được, ở đây làm gì có quan tài… Đợi đã đợi đã, sai rồi! Cái đuệch, ở đây có quan tài mà.

Đầu tôi nổ đánh đùng một tiếng, thầm nhủ không lẽ đó chính là bánh tông trong cái quan tài hồi nãy?

Tôi vội vã lắc đầu, ráng sức hổn hển hít thở mấy hơi để làm mình bình tĩnh lại.

Việc này không có khả năng đâu. Có lý nào mà vừa đụng phải quan tài là đã có bánh tông bò ngay ra chứ. Nếu thế thật thì chẳng phải những người làm ở nhà tang lễ đều phải thi đỗ chứng chỉ Mao Sơn thuật sĩ hết cả hay sao?

Đúng thời khắc này, trong đầu tôi chợt nảy ra một ý nghĩ: liệu có phải chính người này đã gửi băng ghi hình cho tôi? Rồi chờ tôi ở chỗ này?

Theo như cuốn sổ tay tôi vừa xem hồi nãy, thì người đã dàn xếp vụ gửi băng hình chính là Văn Cẩm. Nhưng trên thực tế thì không thể xác định chắc chắn cô ấy chính là người gửi băng hình được, biết đâu cô ta đã cử người khác làm việc đó thì sao.

Đến đây thì tôi cảm thấy giả thiết này rất có khả năng đấy. Kiểu phòng ngầm dưới đất này người bình thường không thể biết được, nhất định phải hiểu rõ sự tình thì mới có thể vào đây. Biết đâu người gửi băng vẫn ở gần đây chờ tôi, thấy tôi trèo vào nhà thì cũng vào cùng. Nghĩ vậy, tôi có phần vững dạ hơn đôi chút. Tôi cố lấy can đảm, bụng bảo dạ nếu là người sống thì khỏi phải sợ rồi. Vì thế tôi nhíu mày, đưa cái bật lửa ra đằng trước nhìn xem đó rốt cuộc là ai.

Tôi cẩn thận từng li từng tý, dò dẫm đi lên hai ba bước. Tôi có thể loáng thoáng thấy cái bàn làm việc kia rồi. Thế nhưng vừa nhìn một cái tôi liền sợ đến nhảy dựng cả lên. “Người” ngồi ở chỗ kia đã không thấy đâu nữa.

Tôi nheo mắt lại nhìn cho cẩn thận, xác định đúng là không thấy nữa. Trên ghế không hề có người. Trong lòng tôi nổi lên nghi hoặc. Tôi tự nhủ không lẽ hồi nãy mình nhìn nhầm rồi sao? Ảo giác chăng?

Không thể nào. Cái thứ nhìn mà toát cả mồ hôi lạnh ra ấy, tôi tuyệt đối không có khả năng nhìn nhầm. Tôi lập tức căng thẳng hẳn lên, vội vàng giơ cao chiếc bật lửa soi ra khắp bốn phía.

Thế nhưng lúc tôi giơ nó lên cao động tác lại quá mạnh. Ngọn lửa phừng lên một cái rồi tắt ngúm.

Bốn bề lập tức tối như hũ nút, giơ tay không nhìn thấy ngón. Trong này một chút ánh sáng cũng không có, hoàn toàn chìm trong bóng tối. Bụng dạ tôi liền quặn lên, không thèm để ý đến chuyện đầu bật lửa còn đang nóng bỏng muốn chết, vội vàng bật vài cái đánh lửa.

Nhưng mà cứ đánh hoài đánh mãi, thứ này nó vẫn không thèm hợp tác, có đánh thế nào cũng không cháy lên được mà chỉ thấy mấy tia lửa văng tóe ra, cực kỳ chói mắt trong cái hầm ngầm tối đen như mực này. Tôi nhận ra có lẽ nhiên liệu đã cạn rồi.

Tôi tự nhủ thôi chết mọe nó rồi. Nhìn xung quanh tối đến mức giơ tay không thấy ngón, một dự cảm cực kỳ xấu liền dâng lên. Tôi nhét cuốn sổ tay vào túi, chuẩn bị lùi ra sau vài bước, lần mò đến cửa ra vào thì đột nhiên nghe thấy trên đỉnh đầu có một tiếng xì xào, cứ như  có một người phụ nữ đang cười.

Chương 43

Bình thường tôi không hút thuốc lá, chỉ có những lúc vô cùng buồn bực mới rít vài ba hơi, cho nên cái bật lửa này từ khi mua đến giờ tôi chưa từng bơm thêm nhiên liệu lần nào. Lúc này nó lại đột nhiên tắt làm tôi sợ đến tái mét cả mặt. Ở cái nơi như thế này mà không có ánh sáng thì thật là quá khủng khiếp.

Đúng lúc đang nghĩ xem phải làm sao thì tôi chợt nghe tiếng lao xao ở trên đầu, cứ như tiếng phụ nữ đang cười.

Tôi thoắt cái lạnh hết cả gáy. Căn phòng ngầm này rất thấp, trần phòng tôi chỉ cần giơ tay rồi nhảy lên là chạm đến. Tuy không nhìn thấy được gì, tôi vẫn theo phản xạ có điều kiện mà ngẩng đầu nhìn lên trên.

Vừa ngẩng lên một cái, tôi vẫn chẳng nhìn thấy gì nhưng lại cảm thấy có gì đó mượt mượt lông lông rủ xuống mặt mình. Tôi tiện tay quờ một cái, rồi thì ruột gan cứng đờ ra luôn. Tôi phát hiện ra đó chính là một đám tóc, hơn nữa lại còn ẩm ướt dính nhớp.

Từ sau vụ ngôi mộ đáy biển, tôi cực kỳ bài xích tóc ướt. Giờ đây tôi cảm thấy phát ớn đến tận cổ, cứ như nuốt phải chuột không bằng. Tôi mau chóng hạ thấp người xuống, giơ tay áo lên lau hết thứ dính trên mặt đi, đồng thời thân thể cũng bước lùi sang bên cạnh, ngẩng đầu liều mạng nhìn trừng trừng cái trần nhà đen thùi lùi.

Tối quá. Tôi hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi lại tối tăm đến thế. Nỗi sợ hãi lập tức trào dâng trong lòng tôi. Tôi tự hỏi có chuyện gì thế này, trên trần nhà lại có một phụ nữ sao? Lẽ nào là cái người ban nãy giờ đã treo trên trần rồi? Bố đệt, có thể thế được cơ à? Không lẽ nó là thằn lằn chắc?

Sự việc càng lúc càng bất thường. Tôi sờ sờ thứ dinh dính trong tay, ngửi thử một cái, liền thấy một thứ mùi kỳ quái. Trong chốc lát tôi không nhớ nổi đã từng ngửi được mùi này ở đâu, nhưng giống như phản xạ có điều kiện, trong lòng tôi nảy sinh một linh cảm chẳng lành.

Đúng lúc này, cái tiếng cười lao xao kia lại vang lên, nghe cứ thấy như là từ trên trần nhà vọng xuống chỗ tôi. Tôi lập tức lại lùi ra sau vài bước, “bịch” một cái đụng phải chiếc bàn làm việc. Trong căn phòng ngầm yên tĩnh, tiếng động ấy vang lên như sấm nổ, bản thân tôi nghe mà cũng phát khiếp đến nỗi đầm đìa mồ hôi lạnh.

Khi tôi đứng được cho vững thì đã không còn nghe thấy âm thanh kia nữa. Tôi càng lúc càng căng thẳng, mà không phải là kiểu căng thẳng bình thường. Chẳng biết vì sao mà toàn thân tôi bắt đầu run lẩy bẩy, dường như trong tiềm thức tôi đã dự cảm được chuyện gì đó cực kỳ đáng sợ sắp xảy ra. Tiếp đó, tôi bỗng cảm thấy sau gáy ngứa râm ran, cứ như có thứ gì thõng xuống ở phía sau đầu tôi vậy.

Tôi nắm lấy cái bật lửa, không nhịn nổi nữa, run như con cầy sấy mà quay đầu lại, dùng hết sức lực đánh viên đá lửa lên.

Roẹt một tiếng, tia lửa tóe ra, rồi trước mắt lại là một màn đen kịt. Nhưng cảnh tượng kia đã khắc rõ như in vào trong óc tôi.

Cấm Bà! Tôi lập tức biết ngay tại sao cơ thể mình lại có cái phản ứng này rồi. Chó má thật, trong này có một con Cấm Bà!

Đầu óc tôi bỗng trống rỗng, tỉnh táo cái mẹ gì đều bay biến sạch sẽ hết. Tôi thét lên một tiếng quái đản rồi bỏ chạy như điên, mặc kệ hết tất cả, lao thẳng vào trong bóng tối. Trong đầu tôi chỉ còn một ý nghĩ, chính là phải chạy ngay ra khỏi chốn này.

Chưa chạy được bao nhiêu bước, thật sự đấy, cả người tôi đã đâm sầm vào vách tường. Cú lao đó có lực va chạm như của kẻ đâm đầu vào tường tự sát. “Bịch” một tiếng, tôi ngã ngửa ra trên đất, lúc đứng lên thì chợt nghe trên đỉnh đầu có tiếng “leng keng leng keng” xộc thẳng đến chỗ tôi. Mặc kệ lỗ mũi mình ròng ròng máu, tôi bò dậy theo cảm giác tìm cái cổng tò vò ban nãy vừa đi vào, lần nữa lao vọt đến đó.

Lần này thì tôi đã khôn ra rồi. Tôi duỗi tay ra đằng trước, một mạch sờ soạng rồi xông ra ngoài, dựa vào trí nhớ mà vọt đến hành lang, sau đó lần theo tường phi tới lối ra, rồi lại xông vào trong bóng tối, sờ soạng loạn xạ muốn tìm đến đầu cầu thang.

Thế nhưng trong một nơi tối om mà muốn lần ra cái cổng tò vò kia thì thật quá khó khăn. Tôi sờ soạng cả buổi mà đến cái vách tường còn chẳng sờ thấy. Lần lần mò mò, tôi đột nhiên vấp phải cái gì đó, gần như ngã sấp xuống. Tôi quờ quạng ra đằng trước một lát, nhoài người lên, lập tức liền biết ngay là mình đã vấp phải cỗ quan tài bằng đá.

Tôi tỳ vào cỗ quan tài đá, muốn đứng dậy, nhưng trong lúc tay sờ loạn xạ trên nắp quan tài, tôi đột nhiên cảm thấy không ổn, quan tài đá này hình như đã có gì thay đổi rồi. Tôi sờ thử thêm một lát liền phát hiện: thì ra nắp bộ quan quách đá đã bị người ta dịch đi một khoảng nhỏ, tay tôi lại sờ đúng lỗ hổng trên đó.

Cỗ quan tài đá này sao lại bị mở ra được? Trong khoảnh khắc nghi vấn này đã nảy sinh trong đầu óc tôi. Thế nhưng lúc này đầu tôi đã rối thành một mớ bòng bong rồi, chỉ thấy choáng váng một trận, tôi cũng không rảnh mà lo đến vấn đề này nữa. Thoắt cái tôi đã đứng dậy, tiếp tục sờ soạng đi lên phía trước.

Đúng vào lúc đó, bỗng nhiên bên cạnh có thứ gì động đậy một cái. Thần kinh tôi căng thẳng đến cực hạn, gần như bị dọa cho chết khiếp rồi, vừa định giật mình né ra thì bỗng một bàn tay duỗi tới, lập tức miệng tôi bị người ta bịt chặt, cơ thể cũng bị người ta kẹp cứng không thể nhúc nhích.

Tôi ra sức giãy giụa vài cái. Thứ đang ghìm chặt tôi sức lực quá lớn, tôi không thể nhúc nhích nổi dù chỉ một ly. Cùng lúc đó, tôi chợt nghe bên tai có người khẽ quát: “Đừng cử động!”

Tôi vừa nghe liền kinh hãi, lập tức thôi không giãy giụa, trong lòng gần như phát nổ tanh bành.

Tuy chỉ vẻn vẹn có ba tiếng, nhưng nghe xong tôi vẫn nhận ra được ngay người nói là ai!

Đó ấy vậy mà lại là tiếng của Muộn Du Bình.

.

.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: