Đạo Đức Kinh-Lão Tử-phiên âm và bản dịch của lê hiếu
Đạo khả đạo, phi thường đạo ; danh khả danh, phi thường danh. Vô, danh thiên địa chi thủy ; hữu, danh vạn vật chi mẫu. Cố thường vô, dục dĩ quan kì diệu; thường hữu dục dĩ quán kì hiếu. Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh, đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.
Dịch Nghĩa:Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.
"Không", là gọi cái bản thủy của trời đất; "Có" là gọi mẹ sinh ra muôn vật. Cho nên, tự thường đặt vào chỗ "không" là để xét cái thể vi diệu của nó [đạo]; tự thường đặt vào chỗ "Có" là để xét cái [dụng] vô biên của nó.
Hai cái đó [Không và Có] cũng từ đạo ra mà khác tên, đều là huyền diệu. Huyền diệu rồi lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kỳ diệu.lao tzuChương đầu này là một trong những chương quan trọng nhất mà lại làm cho ta chúng ta lúng túng nhất vì không biết chắc được Lão Tử muốn nói gì. Lão Tử chỉ bảo: Đạo không thể diễn tả được, mà không nói rõ tại sao. Đạo là "không", siêu hình, là bản nguyên (hoặc tổng nguyên lý của vũ trụ), cái "thể" của nó cực kỳ huyền diệu; mà cái "dụng" của nó lại vô cùng (vì nó là MẸ của vạn vật), cho nên người thường chúng ta - một phần tử cực kỳ nhỏ bé của nó, đời sống lại cực kỳ ngắn ngủi - may lắm là thấy được vài quy luật của nó, vài cái "dụng" của nó chứ không sao hiểu nó được. Lão Tử mở đầu Đạo Đức Kinh bằng 6 chữ như có ý báo trước cho ta rằng ông sẽ chỉ có thể gợi cho ta ít điều về đạo thôi, để cho ta suy nghĩ, tìm hiểu lấy bằng trực giác, chứ ông không chứng minh cái gì cả. Chính ông, ông cũng không hiểu rõ về đạo, ngôn ngữ của ông không diễn tả nó được. Tóm lại, đại ý chương này là: đạo vĩnh cửu bất biến, không thể giảng được, không thể tìm một tên thích hợp với nó được; cái thể của nó là "không", huyền diệu vô cùng, mà cái dụng của nó là "hữu" lớn lao vô cùng.
Chương 2
Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ. Tư ác dĩ. Giai tri thiện chi vi thiện. Tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hoà, tiền hậu tương tuỳ. Thị dĩ thánh nhân xứ vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo; vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi phất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ.
Dịch Nghĩa:
Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác. Là vì "Có" và "Không" sinh lẫn nhau; "Dễ" và "Khó" tạo nên lẫn nhau; "Ngắn" và "Dài" làm rõ lẫn nhau; "Cao" và "Thấp" dựa vào nhau; "Âm" và "Thanh" hòa lẫn nhau; "Trước" và "Sau" theo nhau. Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ "Vô Vi" dùng thuật "không nói" mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài.
Lời bàn:
laoziChương này về đại ý thì ai cũng nhận rằng Lão Tử nói về luật tương đối (sự vật không có gì là tuyệt đối hay xấu, so với cái này thì là tốt, so với cái khác lại là xấu, lúc này là tốt, lúc khác là xấu) và phản đối thói đương thời, nhất là phái Khổng, phái Mặc dùng trí mà phân biệt rõ rànhg xấu, tốt, khiến cho người ta bỏ tự nhiên đi mà cầu tốt, bỏ xấu, hóa ra trá ngụy, do đó sinh hại. Ông khuyên ta cứ để cho dân sống theo tự nhiên mà đừng can thiệp (thái độ vô vi), đừng đem quan niệm sai lầm về tốt xấu mà uốn nắn dân (thuật bất ngôn chi giáo), như vậy sẽ thành công mà sự nghiệp sẽ bất hủ vì chính đạo cũng không làm khác.
Chúng ta để ý: Khổng Tử cũng đã có lần muốn "vô ngôn" và bảo Tử Cống: "Thiên hà ngôn tai ? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai ?" - Trời có nói gì đâu ? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hóa. Trời có nói gì đâu ? (Luận ngữ - Dương Hóa - 18)
Luật tương đối trong chương này sau được Trang Tử diễn rõ và mạnh hơn trong thiên Tề vật luận.
Chương 3:
Bất thượng hiền, sử dân bất tranh ﹔bất quý nan đắc chi hoá, sử dân bất vi đạo ﹔bất kiến khả dục , sử dân tâm bất loạn. Thị dĩ thánh nhân chi trị , hư kì tâm , thực kì phúc ﹔nhược kì chí , cường kì cốt . Thường sử dân vô tri vô dục , sử phù trí giả bất cảm vi giả, vi vô vi ,tắc vô bất trị.
Dịch Nghĩa:
Không trọng người hiền để cho dân không tranh. Không quý của hiếm để cho dân không trộm cướp, không phô bày cái gì gợi lòng ham muốn, để cho lòng dân không loạn. Cho nên, chính trị của thánh nhân là làm cho dân: lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu [không ham muốn, không tranh giành], xương cốt thì mạnh. Khiến cho dân không biết, không muốn, mà bọn trí xảo không dám hành động. Theo chính sách "vô vi" thì mọi việc đều trị.
Lời bàn:
laoziChương này ý nghĩa thật rõ. Lão Tử cho lòng ham muốn danh lợi là đầu mối của loạn. Nho, Mặc đều trọng hiền (Luận ngữ, thiên Tử Lộ, khuyên "đề cử hiền tài" ; Lễ ký, thiên Lễ vận chủ trương "tuyển hiền dữ năng"; còn Mặc Tử thì có thiên Thượng hiền), khiến cho dân thèm khát danh lợi, dùng trí xảo để tranh nhau danh lợi. Ông chê lối trị dân đó, bảo bậc thánh nhân (thánh nhân theo quan niệm của ông, chứ không phải hạng thánh nhân theo quan niệm Khổng Mặc) chỉ cần lo cho dân đủ ăn, khỏe mạnh, thuần phác (vô tri) không ham muốn gì cả (vô dục), như vậy là vô vi mà nước sẽ trị.
chương 4:
Đạo xung , nhi dụng chi hoặc bất doanh , uyên hề tự vạn vật chi tôn . Toả kì nhuệ , giải kì phân , hoà kì quang , đồng kì trần ; trạm hề tự hoặc tồn . Ngô bất tri thuỳ chi tử , tượng đế chi tiên.
Dịch Nghĩa:
Đạo, bản thể thì hư không mà tác dụng thì cơ hồ vô cùng, nó uyên áo mà tựa như làm chủ tể vạn vật.
Nó không để lộ tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánnh sáng, hòa đồng với trần tục; nó sâu kín [không hiện] mà dường như trường tồn.
Ta không biết nó là ai; có lẽ nó có trước thượng đế
Lời Bàn:
laoziChương này Liou Kia-hway cho rằng chữ nhuệ tượng trưng sự trác tuyệt, siêu phàm, chữ phân tượng trưng sự xung đột, chữ quang tượng trưng đức tốt, chữ trần tượng trưng tật xấu.
Có nhà lại bảo "giải kỳ phân" là giải phóng óc nhị nguyên, phân chia sự vật. Nhà khác giảng là "lấy sự giản phác chống sự phiền phức".
"Hòa kỳ quang" có người hiểu là đem ánh sáng của mình hòa với những ánh sáng khác, tức không tự tồn tự đại.
Chữ "trạm" cũng trong câu hai có hai nghĩa: sâu kín, trong lặng. Chúng tôi theo Dư Bồi Lâm, dùng theo nghĩa trong Thuyết văn: "trạm, một dã", một là chìm, không hiện lên.
Chúng ta để ý hai điều này:
- Tác giả dùng nhiều chữ nói lững: hoặc, tự, ngô bất tri, tượng.
- Chương này là chương duy nhất nói đến thượng đế, khiến chúng tôi nghi ngờ là do người đời sau thêm vô. Đại ý cũng chỉ là nói về thể và dụng của đạo.
Chương 5
Thiên địa bất nhân , dĩ vạn vật vi sô cẩu ﹔thánh nhân bất nhân , dĩ bách tính vi sô cẩu . Thiên địa chi gian , kì do thác thược hồ ? Hư nhi bất khuất , động nhi dũ xuất . Đa ngôn sác (sổ) cùng , bất như thủ trung .
Dịch Nghĩa:
Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm.
Khoảng giữa trời đất như ống bễ, hư không mà không kiệt, càng chuyển động, hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.
LỜI BÀN
Trời đất, tức luật thiên nhiên, không có tình thương của con người (bất nhân) không tư vị với vật nào, cứ thản nhiên đối với vạn vật, lẽ đó dễ hiểu mà loài người thời nào và ở đâu cũng thường trách tạo hóa như vậy. Những câu: ưu thắng liệt bại, cạnh tranh để sinh tồn, tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi, có sinh thì có tử... đều diễn ý cái ý "thiên địa bất nhân". Đang thời thì dùng, quá thời thì bỏ như cây cối xuân hạ tươi tốt, khi trổ hoa kết trái rồi qua thu đông thì điêu tàn. Cho nên Lão tử bảo trời đất coi vạn vật như chó rơm. Những con chó kết bằng rơm khi chưa bầy để cúng thì được cất kỹ trong rương hoặc giỏ, bao bằng gấm vóc, khi cúng xong rồi thì người ta liệng nó ra đường, người đi đường lượm về để nhóm lửa (Trang Tử - thiên Thiên vận)
Câu đầu, nửa trên ai cũng hiểu như vậy; nửa sau thì ý kiến bất đồng. Đa số cho "bách tính" là dân chúng. Wieger (do Jean Grenier dẫn - tr.79) cho bách tính là trăm quan: quan nào có ích cho nước thì dùng, vô ích hoặc có hại thì trừ đi, vì vua chúa chỉ nên "yêu quốc gia thôi, chứ không được yêu cá nhân" cũng như trời đất sinh ra vạn vật chỉ cho cái lợi chung của vạn vật chứ không quan tâm đến cái lợi riêng của một vật nào.
Theo Nguyễn Hiến Lê thì Lão Tử chỉ muốn khuyên ta trị dân thì cứ theo đạo, theo tự nhiên, mà để cho dân tự nhiên phát triển theo thiên tính, đừng can thiệp vào.
Câu sau Lão Tử so sánh khoảng trời đất với cái ống bễ. Rất đúng và tài tình. Cả hai đều hư không mà không cùng kiệt (có nhà dịch "bất khuất" là không bẹp xuống: ý cũng vậy), mà cả hai càng động thì hơi gió càng phát ra nhiều. Cái dụng của cái hư không (vô) như vậy đó.
Câu cuối thì Liou Kia-hway hiểu khác hẳn: càng nói nhiều về đạo thì càng không hiểu nó, nó bằng nhập vào đạo. Nhà khác lại dịch là: Nói nhiêu cũng không sao hết được, không bằng giữ mực trung.
chương 6
Cốc thần bất tử , thị vị huyền tẫn . Huyền tẫn chi môn , thị vị thiên địa căn . Miên miên nhược tồn , dụng chi bất cần.
DỊCH NGHĨA
Thần hang bất tử, gọi là Huyền Tẫn (Mẹ nhiệm màu) ; cửa Huyền Tẫn là gốc của trời đất.
Dằng dặc mà như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không kiệt (hay không mệt).
LỜI BÀN
laoziVì có hai chữ cốc thần nên có người cho rằng đây là một thần thoại nào đó như trong bộ Sơn hải kinh. Vì hai chữ đó với hai chữ Huyền tẫn nên có nhà lại bảo chương này có tính cách bí giáo, và các Đạo gia đời sau (Hán, Lục Triều...) hiểu theo một nghĩa riêng để tìm phương pháp trường sinh.
Về triết lý, ý nghĩa không có gì bí hiểm. Thần hang tượng trưng cho đạo; thể của nó là hư vô nên gọi là hang, dụng của nó vô cùng nên gọi là thần; vô sinh hữu, hữu sinh vạn vật, nên gọi nó là Mẹ nhiệm màu; nó sinh sinh hóa hóa, nó "động nhi dũ xuất" (Chương năm) cho nên bảo là không kiệt.
Bài đầu bộ Liệt tử chép lại chương này mà cho là của Hoàng đế. Không tin được. Hoàng đế là một nhân vật huyền thoại.
Nguyễn Hiến Lê dịch và chú giải
Chương 7
Thiên trường địa cửu . Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả , dĩ kì bất tự sinh , cố năng trường sinh . Thị dĩ thánh nhân hậu kì thân nhi thân tiên , ngoại kì thân nhi thân tồn . Phi dĩ kì vô tư dả ? cố năng thành kì tư .
DỊCH NGHĨA
Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình, nên mới trường sinh được.
Vì vậy thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư ?
LỜI BÀN
Có nhà dịch "bất tự sinh" là không có đời sống riêng. Trời đất không có đời sống riêng vì đời sống của trời đất là đời sống của vạn vật trong vũ trụ, đời sống của đạo, mà đạo thì vĩnh cửu. Không có đời sống riêng với không sống riêng cho mình, nghĩa cũng như nhau.
Chương này diễn một quy tắc xử thế quan trọng của Lão tử: quy tắc khiêm, nhu mà sau này chúng ta còn gặp nhiều lần nữa. "hậu kỳ thân" là khiêm; "ngoại kỳ thân" là nhu, vì không tranh với ai. "Đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được" nghĩa là không nghĩ tới mình, chỉ lo giúp người thì lại có lợi cho mình.
chương 8
Thượng thiện nhược thuỷ . Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh , xử chúng nhân chi sở ố , cố ky ư đạo . Cư thiện địa , tâm thiện uyên , dữ thiện nhân , ngôn thiện tín , chính thiện trị , sự thiện năng , động thiện thì . Phù duy bất tranh , cố vô vưu .
Dịch Nghĩa:
Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với đạo.
[Người thiện vào bậc cao] địa vị thì khéo lựa chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ cho thâm trầm, cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, nói thì khéo giữ lời, trị dân thì giỏi, làm việc gì thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ.
Chỉ vì không tranh với ai, nên không bị lầm lỗi.
Lời bàn:
laozi
Chương này có một hình ảnh khéo: Ví người thiện với nước, làm rõ thêm cái ý khiêm nhu trong chương trên. Lão tử rất thích nước: nó "nhu", tìm chỗ thấp (khiêm), ngày đêm chảy không ngừng (bất xả trú dạ - lời Khổng tử), bốc lên thì thành mưa móc, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm nhuần vào lòng đất để nuôi vạn vật. Nó có đức sinh hóa, tự sinh tự hóa, và sinh hóa mọi loài. Nhất là nó không tranh, nó lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản nó thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được.
Không biết tác giả chương này có chịu ảnh hưởng của đạo Nho hay không mà đề cao nhân với tín, cơ hồ trái với chủ trương "tự nhiên nhi nhiên của Lão chăng?"
Chương 9
trì nhi doanh chi , bất như kì dĩ , suỷ nhi nhuệ chi , bất khả trường bảo . Kim ngọc mãn đường , mạc chi năng thủ ; phú quý nhi kiêu , tự di kì cữu , công thành thân thoái , thiên chi đạo .
Dịch nghĩa:
Giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi ; mài cho bén nhọn thì không bén lâu.
Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa.
Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời.
Lời bàn:
laozi
Đạo trời [đạo tự nhiên] là đầy thì phải vơi, nhọn thì dễ gẫy. Vậy xử thế đừng nên tự mãn, tự kiêu, thành công rồi thì nên lui về.
Đây chỉ là kinh nghiệm của mọi người, thuộc về túi khôn của dân gian, để được sống yên ổn. Câu nhì đã thành châm ngôn. Và bốn chữ "công thành thân thoái 功成身退" có thể là châm ngôn lưu hành trước Lão tử từ lâu.
Chương 10
Tải doanh phách bão nhất , năng vô li hồ ? Chuyên khí trí nhu , năng anh nhi hồ ? địch trừ huyền lãm , năng vô tì hồ ? Ái quốc trị dân , năng vô vi hồ ? Thiên môn khai hạp , năng vi thư hồ ? Minh bạch tứ đạt , năng vô trí hồ ? Sinh chi súc chi , sinh nhi bất hữu , trường nhi bất tể , thị vị huyền đức .
Dịch nghĩa:
Cho hồn, phách thuần nhất, không rời đạo được không? Cho cái khí tụ lại, mềm mại như đứa trẻ sơ sinh được không? Gột rửa tâm linh cho nó không còn chút bợn được không? Yêu dân trị nước bằng chính sách vô vi được không? Vận dụng cảm quan để giữ hư tĩnh được không? Chân tri sáng rỡ hiểu biết được tất cả mà không dùng tới trí lực được không? [Sinh và dưỡng vạn vật. Sinh mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự lớn lên mà mình không làm chủ, như vậy gọi là huyền đức - đức cao nhất, huyền diệu].
LỜI BÀN
laozi
Chương này có vài chổ mỗi người dịch một khác.
Câu đầu: chữ "tải" dùng cũng như chữ phù 夫, để mở đầu chứ không có nghĩa. Chữ "doanh" nghĩa là: hồn. Hồn thuộc về phần khí "linh", phách thuộc về phần huyết, cho nên có nhà cho doanh phách là tâm, thân. "Bão nhất" có nhà dịch là giữ lấy đạo, và "vô li" là doanh và phách không rời nhau.
Câu thứ nhì, đa số hiểu chữ "khí" là hơi thở, và cho "chuyên khí" là một phép dưỡng sinh; nhưng có nhà lại hiểu là "bảo toàn thiên chân".
Câu thứ ba, chữ "lãm", có thể hiểu như chữ "giám 鑑" là tấm gương.
Câu thứ năm, "thiên môn khai hạp" nghĩa đen là cửa trời mở đóng: cửa trời tức là mắt, tai, mũi... nói chung là cảm quan; "thư" là con mái, tượng trưng sự nhu nhược, yên tĩnh.
Câu cuối; từ "sinh nhi bất hữu...tới huyền đức", có nhà cho là ở chương 51 đặt lộn lên đây, vì nghĩa không gắn với phần ở trên. Chúng tôi nghĩ 16 chữ đó đặt ở cuối chương 51 hợp hơn ở đây.
Đại khái thì ba câu đầu nói về phép dưỡng sinh, trị thân. Ba câu kế nói về phép trị thế. Hai phép đó giống nhau ở chỗ đều phải thuận theo tự nhiên
chương 11
tam thập phúc , cộng nhất cốc , đương kì vô , hữu xa chi dụng . Duyên thực dĩ vi khí , đương kì vô , hữu khí chi dụng . Tạc hộ dũ dĩ vi thất , đương kì vô , hữu thất chi dụng . Cố hữu chi dĩ vi lợi , vô chi dĩ vi dụng .
tam thập phúc , cộng nhất cốc , đương kì vô , hữu xa chi dụng . Duyên thực dĩ vi khí , đương kì vô , hữu khí chi dụng . Tạc hộ dũ dĩ vi thất , đương kì vô , hữu thất chi dụng . Cố hữu chi dĩ vi lợi , vô chi dĩ vi dụng .
LỜI BÀN
laozi
Chương này rất hay: ý tưởng như ngược đời mà thực sâu sắc. Ba thí dụ đều khéo. Không triết gia nào cho ta thấy được diệu dụng của cái "không" một cách minh bạch, lý thú như vậy.
chương 12
Ngũ sắc linh nhân mục manh ﹔ngũ âm linh nhân nhĩ lung ﹔ngũ vị linh nhân khẩu sảng ﹔trì sính điền liệp linh nhân tâm phát cuồng ﹔nan đắc chi hoá linh nhân hành phương . Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục , cố khứ bỉ thủ thử .
DỊCH NGHĨA
laoziNgũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi; ruỗi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê loạn; vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên thánh nhân cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái này mà lựa cái kia [tức cầu chất phác, vô dục mà bỏ sự xa xỉ, đa dục].
chương 13
[Sủng nhục nhược kinh , quý đại hoạn nhược thân] . Hà vị sủng nhục nhược kinh ? Sủng vi thượng, sủng vi hạ , đắc chi nhược kinh , thất chi nhược kinh , thị vị sủng nhục nhược kinh . Hà vị quý đại hoạn nhược thân ? Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả , vị ngô hữu thân , cập ngô vô thân , ngô hữu hà hoạn ? Cố quý dĩ thân vị thiên hạ , nhược khả kí thiên hạ ﹔ái dĩ thân vi thiên hạ , nhược khả thác thiên hạ .
DỊCH NGHĨA
Chương này tối nghĩa, nhiều nhà cho là chép sai hoặc thiết sót nên đã hiệu đính và chú thích; nhưng vẫn chưa có bản nào làm cho chúng ta thỏa mãn: nếu không gượng gạo, gò ép thì lại mắc cái lỗi không thông, dưới mâu thuẫn với trên hoặc có một vài ý mâu thuẫn với chủ trương của Lão tử. Dư Bồi Lâm (sách đã dẫn) đã gắng sức chú thích cho ý nghĩa được nhất quán, và dưới đây chúng tôi tạm theo thuyết của ông.
Đại ý ông bảo: Hai chữ "nhược 若" trong câu đầu nghĩa như chữ "nãi 乃" (thời xưa hai chữ đó đọc giống nhau, nên dùng thay nhau), nghĩa là "bèn, thì, do đó mà...". Nhiều người không hiểu vậy, giảng là "như tối", hoặc sửa lại là chữ "giả", như vậy vô nghĩa: Chữ "quý 貴" nghĩa là coi trọng, tức sợ (theo Hà Thượng Công); còn chữ "thân 身" với chữ "kinh 驚" ở trên là "hỗ bị ngữ" tức những chữ làm đủ nghĩa lẫn nhau, đọc chữ sau thì phải coi ngược lên chữ trước mới thấy nghĩa. (1), và nghĩa nó cũng là "kinh". Vậy câu đầu có nghĩa là: Vinh, nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì lòng rối loạn.
Câu đó là cổ ngữ, chứ không phải của Lão tử vì Lão tử chủ trương "vô dục" (Ngã vô dục nhi dân tự hóa - chương 57); "hậu kỳ thân, ngoại kỳ thân" (chương 7), thì đâu lại để cho vinh nhục, đắc thất làm cho rối loạn, đâu lại "coi trọng cái vạ lớn như bản thân mình". Vì vậy, Dư Bồi Lâm đặt câu đó trong dấu móc [ ]. Những câu sau mới là lời giải thích của Lão tử. Và Dư dịch như sau: [Người đời được vinh hay bị nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì sinh ra rối loạn].
Tại sao vinh, nhục sinh ra rối loạn? Là vì vinh thì được tôn, nhục thì bị hèn; được thì lòng [mừng rỡ mà] rối loạn, mất thì lòng [rầu rĩ mà] rối loạn; cho nên bảo là vinh nhục sinh ra rối loạn.
Tại sao sợ vạ lớn mà sinh ra rối loạn? Chúng ta sợ dĩ sợ vạ lớn là vì ta có cái thân. Nếu ta không có thân [quên mình có thân đi] thì còn sợ gì tai vạ nữa.
Cho nên người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào vui vẻ đem thân mình phục vụ thiên hạ thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được.
Dư Bồi Lâm dịch như vậy nhưng cũng nhận rằng đó chỉ là thiển kiến của ông, không dám chắc là đúng.
Câu cuối chúng tôi thấy còn 4 bản dịch khác để độc giả lựa chọn.
1.
Kẻ nào biết quý thân vì thiên hạ thì giao phó thiên hạ cho được. Kẻ nào biết thương thân vì thiên hạ thì gởi gắm thiên hạ cho được.
2.
Kẻ nào quý thân mình vì thiên hạ thì có thể sống trong thiên hạ được. Kẻ nào yêu thân mình vì thiên hạ thì có thể ký thác mình cho thiên hạ được.
3.
Kẻ nào coi trọng thiên hạ như bản thân mình thì có thể giao phó thiên hạ cho được. Kẻ nào yêu thiên hạ như yêu bản thân mình thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được.
4.
Kẻ nào quý thân mình hơn cả thiên hạ thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được. Kẻ nào yêu thân mình hơn cả thiên hạ thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được.
chương 14
Thị chi bất kiến danh viết di ﹔thính chi bất văn danh viết hi ﹔bác chi bất đắc danh viết vi . Thử tam giả bất khả trí cật , cố hỗn nhi vi nhất . Kì thượng bất kiểu , kì hạ bất muội , thằng thằng bất khả danh , phục quy ư vô vật . Thị vị vô trạng chi trạng , vô vật chi tượng , thị vị hốt hoảng . Nghinh chi bất kiến kì thủ , tuỳ chi bất kiến kì hậu . Chấp cổ chi đạo , dĩ ngự kim chi hữu ; năng tri cổ thỉ , thị vị đạo kỉ .Nhìn không thấy gọi là di, nghe không thấy gọi là hi, nắm không được gọi là vi. Ba cái đó (di, hi, vi, tức vô sắc, vô thanh, vô hình) truy cứu đến cùng cũng không biết gì được, chỉ thấy trộn lộn làm một thôi. Ở trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật, cho nên bảo là cái trạng không có hình trạng, cái tượng không có vật thể. Nó thấ thoáng, mập mờ. Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi.
Ai giữ được cái đạo từ xưa vẫn có thì có thể khống chế được mọi sự vật ngày nay; biết được cái nguyên thủy tức là nắm được giềng mối của đạo.
LỜI BÀN
laozi
Chương này nói về bản thể của đạo, vô sắc, vô thanh, vô hình, nên không thể giảng được, gọi tên được. Nhưng nó đầy khắp vũ trụ, là căn nguyên của vạn vật, hễ giữ được nó là nắm được chân lý mà xử lý được mọi sự vật
chương 15
Cổ chi thiện vi đạo giả , vi diệu huyền thông , thâm bất khả thức . Phù duy bất khả thức , cố cưỡng vị chi dung :Dự hề , nhược đông thiệp xuyên ﹔do hề , nhược úy tứ lân ﹔nghiễm hề , kì nhược khách ﹔hoán hề , nhược băng chi tương thích ﹔đôn hề , kì nhược phác ﹔khoáng hề , kì nhược cốc ﹔hỗn hề , kì nhược trọc . Thục năng trọc dĩ tĩnh chi từ thanh . Thục năng an dĩ động chi từ sinh . Bảo thủ đạo giả , bất dục doanh . Phù duy bất doanh , cố năng tế nhi tân thành .
DỊCH NGHĨA
Người đắc đạo thời xưa tinh tế, mầu nhiệm, thông đạt, sâu xa không thể biết được. Vì không thể biết được, nên phải miễn cưỡng tả họ như sau:
Họ rụt rè như mùa đông lội qua sông, nghi ngại như sợ láng giềng bốn bên, nghiêm chỉnh như một người khách, chảy ra, lưu động như băng tan, dày dặn mộc mạc như gỗ chưa đẽo, không hư như cái hang, hỗn độn (lờ đờ) như nước đục.
Ai có thể đương đục mà lắng xuống để lần lần trong ra? Ai có thể đương hư tĩnh mà phát động để lần lần sinh động lên? Người nào giữ được đạo ấy thì không tự mãn. Vì không tự mãn nên mới bỏ cái cũ mà canh tân được.
LỜI BÀN
Chương này bản của Vương Bật đã được nhiều người đời sau hiệu đính, do đó hiện nay có nhiều bản khác nhau, như chúng tôi đã ghi sơ ở cước chú. Đại khái, chữ tuy khác mà nghĩa như nhau, trừ câu cuối, để chữ bất, không đổi ra chữ nhi, thì nghĩa ngược hẳn: "Vì không đầy nên có thể che lấp, chẳng trở nên mới; Chúng tôi nghĩ chữ tế ở đây dùng như chữ "tệ" ở chương 22, và nghĩa tệ nhi tân thành ở đây cũng là nghĩa "tệ tắc tân" ở chương 22. Vì vậy chúng tôi cho đổi ra chữ nhi là phải, và dịch là: "bỏ cái cũ mà canh tân".
Đoạn thứ nhì, có ngưiờ giải thích chữ "hoán" là giải tán, chữ "thích" là tiêu vong; và "hoán hề nhược băng thi tương thích" là diệt tình dục, lòng thành ra hư không. Chữ "hồn" (hồn hề kỳ nhược trọc), có người giải thích là hồn nhiên, bề ngoài tựa như ngu muội.
Đoạn cuối: "đương đục mà lắng xuống để lần lần trong ra" là từ đời sống hỗn trọc ngày nay trở về đạo, "đương hư tĩnh mà phát động để lần lần sinh động lên", là ngược lại, từ đạo trở xuống đời sống hiện tại.
Giọng văn ở chương này khác hẳn các chương trên, giống thể từ phú ở cuối đời Chiến Quốc, cho nên chúng tôi ngờ không phải là lời của Lão tử, cũng không phải viết sau khi Lão tử mới mất.
chương16Trí hư cực , thủ tĩnh đốc . Vạn vật tịnh tác , ngô dĩ quan phục . Phù vật vân vân , các phục quy kì căn . Quy căn viết tĩnh , tĩnh viết phục mệnh . Phục mệnh viết thường , tri thường viết minh . bất tri thường , vọng tác , hung . Tri thường dung , dung nãi công , công nãi toàn , toàn nãi thiên ,thiên nãi đạo , đạo nãi cửu , một thân bất đãi .
DỊCH NGHĨA
Hết sức giữ được cực hư, cực tĩnh xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được qui luật phản phục [vạn vật từ vô mà sinh ra rồi trở về vô].
Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng [tức đạo]. Trở về căn nguyên thì tĩnh, [tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên] trở về căn nguyên gọi là "trở về mệnh". Trở về mệnh là luật bất biến (thường) của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết luật bất biến thì vọng động mà gây hoạ.
Biết luật bất biến thì bao dung, bao dung thì công bình [vô tư] công bình thì bao khắp, bao khắp thì phù hợp với tự nhiên, phù hợp với tự nhiên thì phù hợp với đạo, hợp với đạo thì vĩnh cửu, suốt đời không nguy.
LỜI BÀN
Trong đoạn cuối, "công nãi toàn", có bản chép là "công nãi vương 王" (Chinapage.com), và có người dịch là "vua"; lại có người hiểu chữ "toàn" ở đó là hoàn toàn.
Ý nghĩa chương ngày rất rõ: chúng ta phải cực hư tĩnh, bỏ hết thành kiến, tư dục đi mà nhận xét vũ trụ, sẽ thấy luật "qui căn" của vạn vật: từ vô sinh hữu, rồi từ hữu trở về vô; hiểu luật thiên nhiên bất biến đó và hành động theo nó thì suốt đời không bị họa.
chưong 17
Thái thượng , bất tri hữu chi ﹔kì thứ , thân nhi dự chi ﹔kì thứ , uý chi ﹔kì thứ ,vũ chi . Tín bất túc yên , hữu bất tín yên . Du hề , kì quý ngôn . Công thành sự toại , bách tính giai vị :「ngã tự nhiên 」 .
DỊCH NGHĨA
Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn.
Vua không đủ thành tín thì dân không tin. Nhàn nhã, ung dung [vì vô vi] mà quý lời nói. Vua công thành, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: "Tự nhiên mình được vậy".
LỜI BÀN
Câu đầu, nhiều bản chép là: "Thái thượng, hạ tri hữu chi" nghĩa là "bậc trị dân giỏi nhất thì dân biết là có vua", nghĩa đó không sâu sắc, không hợp với câu cuối: "bách tính giai vị: Ngã tự nhiên". Ông vua giỏi thì cứ thuận theo tự nhiên, "cư vô vi nhi sự, hành bất ngôn chi giáo" (chương 2) để cho dân thuận tính mà phát triển, không can thiệp vào việc của dân, nên dân không thấy vua làm gì cả, cơ hồ không có vua.
Đoạn sau: "tín bất túc yên", có người giảng là vua không đủ tin dân. "Du hề", có người giảng là "lo nghĩ", chúng tôi e không hợp với thuyết vô vi của Lão tử.
chương 18
Đại đạo phế , hữu nhân nghĩa ﹔trí tuệ xuất , hữu đại ngụy ﹔lục thân bất hoà , hữu hiếu từ ﹔quốc gia hôn loạn , hữu trung thần .
DỊCH NGHĨA
Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung.
LỜI BÀN
Đạo lớn thì tự nhiên, vô tâm, coi vạn vật như nhau; nhân nghĩa thì hữu tâm yêu vạn vật mà có sự suy tính, phân biệt. Sáu chữ "đại đạo phế, hữu nhân nghĩa", nghĩa cũng như câu đầu chương 38: "Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi nhậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa".
chương 19
Tuyệt thánh khí trí , dân lợi bách bội ﹔tuyệt nhân khí nghĩa , dân phục hiếu từ ﹔tuyệt xảo khí lợi , đạo tặc vô hữu . Thử tam giả dĩ vi văn , bất túc , cố linh hữu sở thuộc :kiến tố bão phác , thiểu tư quả dục .
DỊCH NGHĨA
Dứt thánh (thánh hiểu theo quan niệm Khổng, Mặc) bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt (trí) xảo bỏ lợi, không có trộm giặc.
Ba cái đó (thánh trí, nhân nghĩa, xảo lợi) vì là cái văn vẻ (trang sức bề ngoài) không đủ (để trị dân) cho nên (phải bỏ mà) khiến cho dân qui (hoặc chuyên chú) về điều này: ngoài thì biểu hiện sự mộc mạc (tố), trong thì giữ sự chất phác (phác), giảm tư tâm (tư), bớt dục vọng (dục).
LỜI BÀN
Trong câu nhì, chữ văn trái với chữ phác. Bỏ ba cái "văn" đó mới chỉ là tiêu cực; phải mộc mạc, chất phác, giảm tư tâm, bớt dục mới là tích cực.
chương 20
Tuyệt học vô ưu, duy chi dữ a , tương khứ kỉ hà ? thiện chi dữ ác , tương khứ nhược hà ? nhân chi sở úy , bất khả bất úy . Hoang hề kì vị ương tai !Chúng nhân hi hi , như hưởng thái lao , như xuân đăng đài. ngã độc bạc hề kì vị triệu ﹔như anh nhi chi vị hài ﹔luy luy hề nhược vô sở quy . Chúng nhân giai hữu dư , nhi ngã độc nhược di . ngã ngu nhân chi tâm dã tai , độn độn hề !Tục nhân chiêu chiêu , ngã độc hôn hôn . Tục nhân sát sát , ngã độc muộn muộn , đạm hề kì nhược hải , liêu hề nhược vô chỉ . Chúng nhân giai hữu dĩ , nhi ngã độc ngoan thả bỉ . Ngã độc dị ư nhân , nhi quý thực mẫu .
DỊCH NGHĨA
Dứt học thì không lo. Dạ (giọng kính trọng) với ơi (giọng coi thường) khác nhau bao nhiêu? Thiện với ác khác nhau thế nào? Cái người ta sợ, ta không thể không sợ. Rộng lớn thay, không sao hết được!
Mọi người hớn hở như hưởng bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ mới sinh, chưa biết cười; rũ rượi mà đi như không có nhà để về.
Mọi người đề có thừa, riêng ta như thiếu thốn; lòng ta ngu muội, đần độn thay!
Người đời sáng rỡ, riêng ta tối tăm; người đời trong trẻo, riêng ta hỗn độn, như sóng biển nhấp nhô, như gió vèo vèo không ngừng.
Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người, mà quí mẹ nuôi muôn loài (tức đạo).
LỜI BÀN
Chương này có nhiều bản, nếu dẫn hết những chỗ khác nhau thì quá rườm.
Bốn chữ đầu "tuyệt học vô ưu", Trần Trụ bảo nên để ở đầu chương trên, Hồ Thích bảo nên để ở cuối chương trên. Để ở đâu cũng khó ổn.
Rồi cả đoạn đầu, ý nghĩa cũng tối tăm, cơ hồ không liên lạc gì với đoạn dưới. "Cái người ta sợ" là cái gì? Và cái gì "rộng lớn thay"?
Mỗi nhà rán đưa ra một thuyết. Có người bảo là sợ cái học vì nó mênh mông, không sao hết được. Giảng như vậy thì bốn chữ "tuyệt học vô ưu" không chơi vơi nữa.
Nhưng có nhà lại bảo: sợ đây là sợ để lộ cái sáng suốt, tài năng của mình ra, mà sẽ bị người đời đố kỵ; còn rộng lớn là cái đạo rộng lớn, người đời không sao hiểu hết được.
Cả hai giả thuyết đó đều không dựa vào cái gì chắc chắn cả. Chúng tôi xin tồn nghi, chỉ dịch sát từng chữ, để độc giả muốn hiểu sao thì hiểu.
Đoạn dưới tả chân dung một người đắc đạo: cực sáng suốt thì như ngu độn.
Cũng như Chương 15, chương này không chắc là lời của Lão tử.
chương 21
Khổng đức chi dung , duy đạo thị tòng . Đạo chi vi vật , duy hoảng duy hốt ; hốt hề hoảng hề , kì trung hữu tượng ﹔hoảng hề hốt hề , kì trung hữu vật ﹔yểu hề minh hề , kì trung hữu tinh ﹔kì tinh thậm chân , kì trung hữu tín . Tự cổ cập kim , kì danh bất khứ , dĩ duyệt chúng phủ . Ngô hà dĩ tri chúng phủ chi trang tai . Dĩ thử .
DỊCH NGHĨA
Những biểu hiện của đức lớn đều tùy theo đạo (vì đạo là bản thể của đức, đức là tác dụng của đạo).
Đạo là cái gì chỉ mập mờ, thấp thoáng; thấp thoáng mập mờ mà bên trong có hình tượng; mập mờ, thấp thoáng mà bên trong có vật; nó thâm viễn, tối tăm mà bên trong có cái tinh túy; tinh túy đó rất xác thực, và rất đáng tin.
Từ xưa đến nay, đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo vạn vật. Chúng ta do đâu mà biết được bản nguyên của vạn vật? Do cái đó (tức đạo).
LỜI BÀN
Câu đầu, có người hiểu là: ngôn ngữ, cử động của người có đức lớn đều tùy theo đạo.
Chữ "tinh" (kỳ trung hữu tinh) trong đoạn thứ nhì có thể hiểu là nguyên lý và nguyên chất của mọi vật. Chữ "tín" ở sau, có người dịch là hiệu năng, diệu dụng (efficience).
Đoạn cuối: chữ "danh" (tên) có người cho là trỏ bản thể của đạo.
Chương này cho ta biết thêm về đạo. Quan trọng nhất là những chữ "kỳ trung hữu tinh, kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín". Nhờ cái "tinh" đó mà đạo sinh ra vạn vật. Nhưng cái tinh đó hữu hình hay vô hình?
Không có gì cho chúng ta biết chắc được. Có lẽ nó vừa là nguyên lý, vừa là nguyên chất.
chương 22
khúc tắc toàn , uổng tắc trực , oa tắc doanh , tệ tắc tân , thiếu tắc đắc , đa tắc hoặc . Thị dĩ thánh nhân bão nhất vi thiên hạ thức . Bất tự hiện cố minh bất tự thị cố chương ﹔bất tự phạt ,cố hữu công ﹔bất tự căng cố trướng . Phù duy bất tranh cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh . Cổ chi sở vị khúc tắc toàn giả , khởi hư ngôn tai !thành toàn nhi quy chi .
DỊCH NGHĨA
Cong [chịu khuất] thì sẽ được bảo toàn, queo thì sẽ thẳng ra, trũng thì sẽ đầy, cũ nát thì sẽ mới, ít thì sẽ được thêm, nhiều thì sẽ hóa mê.
Vì vậy mà thánh nhân[thánh ở đây hiểu theo quan niệm của Lão] ôm giữ lấy đạo [nhất đây là đạo] làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới chói lọi, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ cho nên mới trường cửu [hoặc hơn người]. Chỉ vì không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được.
Người xưa bảo: "Cong thì sẽ được bảo toàn", đâu phải hư ngôn! Nên chân thành giữ vẹn cái đạo mà về với nó.
LỜI BÀN
Câu cuối: "Thành toàn nhi qui chi" có người dịch là:
- Thực vẹn đủ nên theo về.
- Nếu thành thật hoàn toàn thì ai cũng về với mình.
- Do đó mà mình giữ được toàn vẹn.
- Thực giữ được vẹn cái đạo chuyên đạo cũng giữ được vẹn cho mình mà mình về với đạo.
Các nhà bình giải đều cho rằng bốn hoặc cả sáu châm ngôn trong câu đầu: 【khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc oanh, tệ tắc tân, thiểu tắc đắc, đa tấc hoặc】đều là thành ngữ trong dân gian đã có từ xưa. Họ bảo rằng: "Lão tử thích chủ trương thuyết tương đối, nên thường nói ngược với người đời, "nhu tri kì hùng, thủ kì thư, tri kì bạch, thủ kì hắc, tri kì vinh, thủ kì nhục" (chương 28). Ở đây cũng vậy. Người ta ai cũng muốn được toàn vẹn, thẳng, đầy, mới, có nhiều, riêng ông, cái gì người ta bỏ: cong, queo, trũng, cũ nhát, ít, thì ông lại coi trọng".
Đạo vốn khiêm, nhu, người giữ đạo cũng phải khiêm nhu: cong, queo, tức là nhu, trũng, cũ, ít tức là khiêm. Khiêm nhu thắng được tự phụ cương cường. Đó là một lẽ. Còn lẽ nữa là trong vũ trụ không có cái gì bất di bất dịch, thịnh rồi suy, đầy rồi vơi, cho nên bây giờ ở vào trạng thái cong queo thì sau sẽ bảo toàn được sẽ thẳng ra; bây giờ ở vào trạng thái thấp trũng, cũ nát, ít thì sau sẽ được đầy, mới, nhiều.
Những kinh nghiệm đó thuộc vào cái túi khôn chung của nhân loại, chẳng riêng của Trung Hoa; Lão tử chỉ có công nhấn mạnh vào coi trọng nó hơn những người khác và sắp đặt thành một hệ thống mà dùng đạo, tức luật thiên nhiên làm cơ sở.
chương 23
Hi ngôn tự nhiên . Cố phiêu phong bất chung triêu , sậu vũ bất chung nhật . Thục vi thử giả ? Thiên địa . Thiên địa thượng bất năng cửu , nhi huống ư nhân hồ ? Cố tòng sự ư đạo giả , đồng ư đạo ﹔đức giả , đồng ư đức ﹔thất giả , đồng ư thất . Đồng ư đạo giả , đạo diệc lạc đắc chi ﹔đồng ư đức giả , đức diệc lạc đắc chi ﹔đồng ư thất giả , thất diệc lạc đắc chi . Tín bất túc yên , hữu bất tín yên .
DỊCH NGHĨA
Ít nói thì hợp với tự nhiên (với đạo).
Cho nên gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm nên những cái ấy? Trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là người?
Cho nên theo đạo thì sẽ hòa đồng với đạo; theo đức thì sẽ hòa đồng với đức; theo sự mất đạo mất đức thì sẽ là một với "mất". Hòa đồng với đạo thì sẽ vui được đạo; hòa đồng với đức thì sẽ vui được đức; là một với "mất" thì sẽ vui với "mất".
Vua không đủ thành tín thì dân không tin.
LỜI BÀN
Chữ "thất" (mất) trong đoạn nhì có lẽ là chữ thất trong chương 38: thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ; và có thể hiểu là sự mất đạo, mất đức. Theo sự mất đạo mất đức tức là theo nhân, nghĩa, lễ, theo cách trị dân của Khổng Giáo. Lão tử cho cách đó là thấp.
Câu "đồng ư đạo giả, đạo diệc lạc đắc chi", có thể hiểu là hòa đồng với đạo thì đạo cũng vui được ta mà hòa đồng với ta. Như vậy là nhân cách hóa đạo. Hai câu sau cũng vậy. Hiểu theo cách này với hiểu như chúng tôi đã dịch, chung qui cũng không khác nhau.
Câu cuối đã có ở Chương 17. Ở đây vì không chắc là nói về việc trị dân, cho nên có thể dịch là:
- Lòng tin ở đạo không đủ, cho nên có sự không tin,
- Hoặc mình không tin mình thì người không tin mình, dẫu có nói nhiều cũng vô ích; như vậy ứng với câu đầu: nên ít nói để hợp với đạo.
Chương này, xét từng câu thì nghĩa dễ hiểu. Nhưng tìm liên lạc giữa các ý thì rất khó, mỗi người đưa ra một cách giảg; cách nào cũng không xuôi. Chẳng hạn có người giảng:
Người học đạo phải hòa đồng với đạo mà đạo tức thiên nhiên không nói (trời đất nói gì đâu mà mọi vật đều thành tựu), vậy ta cũng nên ít nói, đừng để "nổi" lên những cơn mưa bão trong lòng" (!). Hòa đồng với đạo thì sẽ vui được đạo; muốn vậy phải dốc lòng tin đạo.
chương 24
Xí giả bất lập ﹔khoá giả bất hành ﹔tự hiện giả bất minh ﹔tự thị giả bất chương ﹔tự phạt giả bất công ﹔tự khoa giả bất trường . Kì tại (ư) đạo dã viết: dư thực chức hành (hình) , vật hoặc ố chi , cố hữu đạo giả bất xử (cư) .
DỊCH NGHĨA
Kẻ kiểng chân không đứng được (vững), kẻ xoạc cẳng không đi được (lâu), kẻ tự biểu hiện thì không sáng tỏ, kẻ tự cho là phải thì không chói lọi, kẻ tự kể công thì không có công, kẻ tự phụ thì không trường cửu. Đối với đạo thì những thái độ đó là "những đồ ăn thừa, những cục bướu, ai cũng ghét". Cho nên kẻ theo đạo không làm như vậy.
LỜI BÀN
Ý trong câu thừ nhì: "Tự hiệu giả minh ... tự khoa giả bất trường" đã được diễn trong Chương 22.
Câu thứ ba, nhiều nhà cho chữ hành với chữ hình đọc giống nhau, dùng thay cho nhau được. Chúng tôi theo chủ trương đó. Có người dịch là việc làm, chức hành là việc làm thừa, như kiểu vẽ rắn thêm chân.
chương 25
Hữu vật hỗn thành , tiên thiên địa sinh . Tịch hề liêu hề , độc lập nhi bất cải , chu hành nhi bất đãi , khả dĩ vi thiên địa mẫu . Ngô bất tri kì danh , tự chi viết đạo , cưỡng vị chi danh viết đại . Đại viết thệ , thệ viết viễn , viễn viết phản . Cố đạo đại , thiên đại , địa đại , nhân diệc đại . Vực trung hữu tứ đại , nhi nhân cư kì nhất yên . Nhân pháp địa , địa pháp thiên , thiên pháp đạo , đạo pháp tự nhiên .
DỊCH NGHĨA
Có một vật hôn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết nó là gì, tạm đặt tên nó là đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng).
Lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về (qui căn). Cho nên đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên.
LỜI BÀN
Cuối đoạn đầu, "tự chi viết đạo", "danh chi viết đại", có người dịch "đặt tên tự là đạo", "gọi tên là lớn". Dư Bồi Lâm bảo chữ danh ở đây có nghĩa là "hình dung", như chữ dung trong "cưỡng vị chi dung" ở chương 15; vậy nên dịch là "miễn cưỡng tả nó là lớn".
Đoạn sau, ba chữ "nhân diệc đại", bản cổ nhất chép là "vương (vua) diệc đại", nhưng dù vương hay nhân, nghĩa cũng không khác: vua là chúa của loài người, đại biểu cho loài người, vậy vua lớn, tức là loài người lớn. Phó Dịch sửa lại nhân cho hợp với câu sau: "nhân pháp địa, địa pháp thiên..."
Câu cuối "đạo pháp tự nhiên", chúng tôi dịch sát là: đạo bắt chước tự nhiên, nhưng phải hiểu: đạo tức là tự nhiên, đạo với tự niên là một, vì ngoài đạo ra không có gì khác nữa.
Chương này diễn lại vài ý trong các chương 1, chương 14, chương 16 và thêm ý này: đạo là tự nhiên.
chương 26
Trọng vi khinh căn , tĩnh vi táo quân . Thị dĩ thánh nhân chung nhật hành bất li tri trọng . Tuy hữu vinh quan , yên xử siêu nhiên . Nại hà vạn thặng chi chủ , nhi dĩ thân khinh thiên hạ ? khinh tắc thất căn , táo tắc thất quân .
DỊCH NGHĨA
Nặng là gốc rễ của nhẹ, tĩnh là chủ của náo động; Cho nên thánh nhân (tức vua) suốt ngày đi không lìa xe chở đồ dùng (nặng) tuy được sự sang đẹp mà lòng nhàn tĩnh vượt lên cả (coi thường ngoại vật).
Ông vua một nước có vạn cỗ xe (một nước lớn) sao lại có thể lấy thân coi nhẹ thiên hạ? Nhẹ thì mất gốc rễ, náo động thì mật chủ.
LỜI BÀN
Chữ quan trong câu nhì có thể đọc là quán; vinh quán là chỗ ở sang trọng.
Cái gì nặng thì chế ngự được cái nhẹ; cái gì tĩnh thì chế ngự được cái náo động. Nặng, tĩnh là "thường" (trái với biến); nhẹ, náo động là biến. Người theo đạo giữ "thường" mà bỏ biến.
Lão tử khuyên các nhà cầm quyền phải dè dặt, thận trọng, và đừng để cho ngoại vật, vinh hoa phú quý làm động lòng.
chương 27
Thiện hành vô triệt tích ﹔thiện ngôn vô hà trích ﹔thiện số bất dụng trù sách ﹔thiện bế vô quan kiện nhi bất khả khai ﹔thiện kết vô thằng ước nhi bất khả giải . Thị dĩ thánh nhân thường thiện cứu nhân , cố vô khí nhân ﹔thường thiện cứu vật , cố vô khí vật . thị vị tập minh . Cố thiện nhân giả , bất thiện nhân chi sư ﹔bất thiện nhân giả , thiện nhân chi tư . Bất quý kì sư , bất ái kì tư , tuy trí đại mê . Thị vị yếu diệu .
DỊCH NGHĨA
khéo đi thì không để lại dấu xe, vết chân; khéo nói thì không có lỗi lầm; khéo tính thì không dùng thẻ; khéo đóng thì không dùng then, ráng mà mở không được; khéo buộc thì không dùng dây mà cởi không được.
Cho nên thánh nhân giỏi cứu người mà không ai bị bỏ; giỏi cứu vật mà không vật nào bị bỏ. Như vậy là sáng lòng [đức của mình và của người và vật cùng nhau sáng tỏ].
Cho nên người thiện [người đắc đạo] là thầy của người không thiện [người không đắc đạo], người thường; người không thiện là của dùng để người thiện mượn. Không trọng thầy, không yêu của dùng thì dù cho không cũng là lầm lẫn lớn. Thế gọi là cốt yếu, nhiệm màu.
LỜI BÀN
Đoạn đầu có thể hiểu là: khéo xử sự thì [thuận tự nhiên nên] không lưu lại dấu vết; khéo nói thì [trầm mặc, ít nói, nên] không lỗi lầm, khéo tính toán thì [vô tâm, vô trí nên] không ùng mưu lược; khéo lung lạc người khác thì [thành thực với người nên] không cần giam hãm người, người cũng không bỏ mình mà đi; khéo kết nạp nhân tâm thì không cần trói buộc người, người cũng không bỏ mình mà đi.
Đại ý của chương là: cứ thuận tự nhiên, đừng có tư ý, mưu mô thì dùng được mọi người, không phải bỏ ai, mình dạy cho người, người giúp đỡ lại mình mà đức mình càng thêm tỏ
chương 28
Tri kì hùng, thủ kì thư, vi thiên hạ khê; vi thiên hạ khê thường đức bất li, phục quy ư anh nhi. Tri kì bạch, thủ kì hắc vi thiên hạ thức; vi thiên hạ thức, thường đức bất thắc, phục quy ư vô cực. Tri kì vinh, thủ kì nhục, vi thiên hạ cốc; vi thiên hạ cốc, thường đức nãi túc, phục quy ư phác. Phác tản tắc vi khí, thánh nhân dụng chi, tắc vi quan trường, cố đại chế thập bất cát .
DỊCH NGHĨA
Biết trống (nam tính), giữ mái (nữ tính), làm khe nước cho thiên hạ, làm khe nước cho thiên hạ, thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ không mất mà trở về trẻ thơ (hồn nhiên).
Biết trắng, giữ đen, làm phép tắc cho thiên hạ; làm phép tắc cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ không sai lạc, mà trở về với vô cực (bản thể của đạo). Biết vinh, giữ nhục, làm cái hay cho thiên hạ; làm cái hay cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửa bất biến sẽ đầy đủ, mà trở về mộc mạc như gỗ chưa đẽo. Gỗ chưa đẽo chưa đẽo, xẻ ra thành đồ dùng; thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên người giỏi trị nước không chi cắt chi li.
LỜI BÀN
Theo Cao Hanh thì 23 chữ từ "thủ kỳ hắc" tới "tri kỳ vinh" là do người sau thêm vào; ông đưa ra sáu chứng cứ: chẳng hạn chương 41 có 4 chữ: "Đại bạch nhược nhục" (rất trong tráng thì như ô nhục, không tự biểu hiện mình ra), như vậy là Lão tử đem bạch đối với nhục, chứ không đem bạch đối với hắc; vả lại khê với cốc, nghĩa cũng như nhau, như vậy là thừa...
Nhưng đa số các bản đều giữ như cũ.
"Trống" tượng trưng tính cương, động; "mái" tượng trưng tính nhu, tĩnh. "Trắng" tượng trưng sự quang minh, "đen" tượng trưng sự hôn ám: người giữ đạo thì không tranh sự quang minh với ai mà thích ở trong bóng tối.
Câu cuối khuyên người trị dân phải hồn nhiên, chất phác, cứ tự nhiên để cho mọi vật phát triển theo tính của chúng, không đa sự, phân tích chi li.
chương 29
Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi ,ngô kiến kì bất đắc dĩ . Thiên hạ thần khí ,bất khả vi dã, bất khả chấp dã . Vi giả bại chi ,chấp giả thất chi . Cố vật ,hoặc hành hoặc tuỳ ,hoặc hư hoặc xuy ,hoặc cường hoặc lụy ,hoặc tải hoặc huy . Thị dĩ thánh nhân khứ thậm ,khứ xa ,khứ thái .
DỊCH NGHĨA
Muốn trị thiên hạ mà hữu vi thì ta biết là không thể được rồi. Thiên hạ là một đồ vật thần diệu, không thể hữu vi, không thể cố chấp được. Hữu vi thì làm cho thiên hạ hỏng, cố chấp thì mất thiên hạ.
Cho nên, sinh vật (người) hoặc đi trước (tích cực) hoặc đi theo (tiêu cực), hoặc hà hơi (cho ấm) hoặc thở (cho nguội), hoặc mạnh hoặc yếu, hoặc an hoặc nguy. Cho nên thánh nhân bỏ những cái gì thái quá.
LỜI BÀN
Câu đầu, chữ "thủ" có nghĩa là trị, như trong câu: "Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự (trị thiên hạ nên dùng chính sách vô vi) ở chương 48. Chữ "vi" cũng trong câu đó, nhiều người dịch là làm theo ý mình, không thuận theo tự nhiên. Chúng tôi dịch là hữu vi cho rõ nghĩa hơn.
Câu nhì, bản của Vương Bật là "tỏa" (bẻ gãy), bản của Hà Thượng Công là "tải"; chữ "huy" dùng như chữ "trụy". "Tải" là ngồi xe (được xe chở đi), trụy là té; nghĩa bóng là an và nguy.
Đại ý của chương này cũng là trị dân nên vô vi tránh cực đoan mà cứ thuận theo tự nhiên, vì người và việc đời đổi thay vô định, không thể làm theo ý riêng của ta được
chương 30
Dĩ đạo tá nhân chủ giả ,bất dĩ binh cường thiên hạ ,kì sự hảo hoàn :sư chi sở xử ,kinh cức sanh yên 。 Đại quân chi hậu ,tất hữu hung niên 。 Thiện giả quả nhi dĩ ,bất dĩ thủ cường 。 Quả nhi vật căng ,quả nhi vật phạt ,quả nhi vật kiêu ,quả nhi bất đắc dĩ ,quả nhi vật cường 。 Vật tráng tắc lão ,thị vị bất đạo ,bất đạo tảo dĩ 。.
DỊCH NGHĨA
Người giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực để mạnh hơn thiên hạ. Vì việc như vậy thường hay quay ngược trở lại [hiếu chiến thì lại chết vì chiến tranh].
Quân đội đóng ở đâu, gai góc mọc ở đấy. Sau trận chiến tranh lớn, tất bị mất mùa.
Người khéo dùng binh hễ có hiệu quả, đạt được mục đích thì thôi, không dám ỷ mạnh hơn thiên hạ. Đạt được mục đích mà không tự phụ, đạt được mục đích mà không khoe công, đạt được mục đích mà không kiêu căng, đạt được mục đích mà bất đắc dĩ, đạt được mục đích mà không lấy làm mạnh.
Vật gì cũng vậy, cường tráng rồi thì sẻ già, như vậy cường tráng là không hợp với đạo. Không hợp đạo thì sớm chết.
LỜI BÀN
Câu đầu, chữ "thủ" có bản chép là tác 作 (làm): giữ đạo mà làm vua. Chữ "cường" có thể đọc là "cưỡng" (ức hiếp [thiên hạ]); dưới cũng vậy [Câu thứ ba: đạt được mục đích thì thôi. Mục đích đó tất không phải là xâm lăng hay trừng phạt nước khác mà chỉ có thể là tự vệ.
Câu cuối: cường tráng không hợp với đạo vì đạo vốn nhu nhược.
chương 31
Phù giai binh giả ,bất tường chi khí 。Vật hoặc ố chi ,cố hữu đạo giả bất xử 。Quân tử cư tắc quý tả ,dụng binh tắc quý hữu ,cố binh giả phi quân tử chi khí 。Bất tường chi khí ,bất đắc dĩ nhi dụng chi ,điềm đạm vi thượng 。Thắng nhi bất mĩ ,nhi mĩ chi giả ,thị lạc sát nhân 。Phù lạc sát nhân giả ,tắc bất khả đắc chí ư thiên hạ hĩ 。Cát sự thượng tả ,hung sự thượng hữu 。Thiên tương quân cư tả ,thượng tương quân cư hữu ,ngôn dĩ tang lễ xử chi 。Sát nhân chi chúng ,dĩ bi ai khấp chi ,chiến thắng dĩ tang lễ xử chi 。
DỊCH NGHĨA
Đa số các nhà hiệu đính đều cho rằng chương này chỉ có đoạn giữa - "cố binh giả phi quân tử chi khí" đến "tắc bất khả đắc chí ư thiên hạ hĩ" là lời "kinh", lời của Lão Tử, ngoài ra toàn là lời chú thích cả, rõ ràng nhất là đoạn cuối có chữ ngôn (ngôn dĩ tang lễ xử chi); ngôn là "có ý nói rằng", là lời giải thích.
Lời kinh và lời chú thích xen lẫn nhau, cho nên ý nghĩa lộn xộn, đáng lẽ nên đưa đoạn giữa đó lên đầu, thì có lý hơn, nhưng các bản cũ đều chép như vậy, nên không sắp đặt lại nữa.
LỜI BÀN
Vì binh khí là vật bất tường (chẳng lành, gây họa), ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không thích dùng nó. Người quân tử ở nhà thì trọng bên trái, khi dùng binh thì trọng bên phải.
Binh khí không phải là của người quân tử, là vật bất tường, cho nên bất đắc dĩ phải dùng nó, mà dùng đến thì điềm đạm (bình tĩnh, giữ được hòa khí, tránh cực đoan) là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không thực hiện được lý tưởng trị thiên hạ).
Việc lành thì trọng bên trái, việc dữ thì trong bên phải. Phó tướng ở bên trái, thượng tướng ở bên phải, như vậy có nghĩa là coi việc dùng binh như một tang lễ. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc; chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử.
Bên trái là dương, bên phải là âm; dương thì sinh, âm thì sát, cho nên người quân tử khi ở nhà thì trọng bên trái (bên sinh); nhưng khi dùng binh, phải giết người, thì lại trọng bên phải, và để viên thượng tướng ở bên phải, viên phó tướng ở bên trái. Trong các tang lễ cũng vậy, trọng bên phải hơn bên trái, vì tang lễ là việc hung.
chương 32
Đạo thường vô danh 。phác, tuy tiểu ,thiên hạ mạc năng thần 。Vương Hầu nhược năng thủ chi ,vạn vật tương tự tân 。Thiên địa tương hợp ,dĩ giáng cam lộ ,dân mạc chi linh nhi tự quân 。 Thủy chế hữu danh ,danh diệc kí hữu ,phù diệc tương tri chỉ 。Tri sở chỉ khả dĩ bất đãi 。 Thí đạo chi tại thiên hạ , do xuyên cố chi dữ giang hải 。
DỊCH NGHĨA
Đạo vĩnh viễn không có tên, chất phác, tuy ẩn vi mà thiên hạ không ai coi thường nó được [coi nó như bề tôi được]. Các bậc Vương Hầu biết giữ nó, thì vạn vật sẽ tự động qui phục.
Trời đất hòa hợp với nhau cho móc ngọt rơi xuống, nhân dân không ra lệnh cho móc ngọt mà tự nó điều hòa.
Đạo sáng tạo vật rồi vạn vật mới có danh phận. Khi đã có danh phận rồi thì nên biết ngừng lại; vì biết ngừng lại cho nên mới không nguy.
Đạo đối với thiên hạ cũng giống như sông biển đối với suối khe.
LỜI BÀN
Câu đầu còn hai cách chấm nữa: 1- Đạo thường vô danh phác; 2- Đạo thường vô danh, phác tuy tiểu.
Cách 1 không ổn vì cho "vô danh phác" đi liền thì không ứng với "thủy chế hữu danh" ở dưới; mà ý cũng không xuôi. Cách 2 không ổn vì nếu không ngắt ở sau chữ phác thì phải dịch là cái chất phác của đạo tuy nhỏ: vô nghĩa.
Câu "dân mạc chi linh nhi tự quân" có người dịch là dân không ai khiến mà tự họ [dân] cùng đều.
Câu áp chót có ý khuyên nhà cầm quyền khi đã đặt ra danh phận cho các quan để phân biệt rồi thì đừng bày thêm việc, để lầm lạc vì danh, mà nên trở về với mộc mạc tự nhiên.
Câu cuối chúng tôi hiểu là sông biển là nơi quy tụ của suối khe, cũng như đạo là nơi quy tụ của thiên hạ. Có người hiểu khác: suối khe, sông biển làm lợi, gia ân cho mọi người thì đạo cũng vậy; hiểu như vậy thì phải dịch là: đạo ở trong thiên hạ cũng như suối khe, sông biển.
Đại ý cả chương không có gì mới: vẫn là khuyên nhà cầm quyền phải thuận tự nhiên, vô vi, chất phác. Nhưng ý tối mà lời cũng tầm thường.
Nguyễn Hiến Lê dịch và chú giải
Phạm Đình Dũng biên tập.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top