II. ĐẠO ĐỨC KINHNhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Chương 1:
1. Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh.
2. Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu.
3. Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu; Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu.
4. Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền. Chúng diệu chi môn.
Dịch xuôi:
1. Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo thường (hằng cửu). Tên mà có thể gọi được, không (còn) phải là tên thường (hằng cửu).
2. Không tên là gốc của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật.
3. Cho nên thường không có dục để nhìn thấy chỗ vi diệu của mình. Thường có dục, để nhìn thấy chỗ giới hạn (công dụng) [2] của mình.
4. Hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là Huyền nhiệm. (Cái) tối ư huyền nhiệm ấy chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu.
Chương 2:
Phiên âm:
1. Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình,[1] cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy.
2. Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. [2]
3. Vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị,[3] công thành nhi phất cư.
4. Phù duy phất cư, thị dĩ bất khứ. [4]
Dịch xuôi:
1. Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, thế là xấu vậy; đều biết tốt là tốt thế là không tốt vậy, bởi vì có không sinh ra nhau dễ khó thành tựu lẫn nhau, ngắn dài tạo thành lẫn nhau, trên dưới lộn lạo ra nhau, thanh âm hòa hợp với nhau, sau trước theo nhau.
2. Cho nên thánh nhân dùng Vô vi mà xử sự, dùng «vô ngôn» mà dạy dỗ.
3. Vạn vật hoạt động mà vẫn im lìm; sống động mà không (đòi quyền) sở hữu; lao tác mà không cậy công; công thành mà không lưu luyến.
4. Không lưu luyến nên mới không mất.
Chương 3:
Phiên âm:
1. Bất thượng hiền, sử dân bất tranh. Bất quí nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo. Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn.
2. Thị dĩ thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc,[1] nhược kỳ chí, cường kỳ cốt. Thường sử dân vô tri vô dục. [2] Sở phù trí giả bất cảm vi dã.
3. Vi vô vi, tắc vô bất trị.
Dịch xuôi:
1. Không sùng thượng hiền tài, khiến cho dân không tranh. Không quí của khó được, khiến cho dân không trộm cướp. Không phô trương những gì kích thích lòng ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn.
2. Vì vậy phép trị nước của thánh nhân là làm cho dân: Trống lòng; No dạ; Yếu chí; Mạnh xương. Thường khiến cho dân không biết, không ham. Khiến cho kẻ trí không dám làm gì cả.
3. Làm theo phép Vô vi, thời không gì là không trị.
Chương 4:
Phiên âm:
1. Đạo xung [1] nhi dụng chi hoặc [2] bất doanh. [3]
2. Uyên [4] hề tự vạn vật chi tông. [5]
3. Tỏa [6] kỳ nhuệ,[7] giải kỳ phân,[8] hòa kỳ quang, đồng kỳ trần.
4. Trạm hề [9] tự hoặc tồn. [10]
5. Ngô bất tri thùy chi tử. Tượng [11] đế chi tiên. [12]
Dịch xuôi:
1. Đạo rỗng không mà dùng không hết.
2. Đạo sâu xa man mác tựa hồ như là tổ tông vạn vật.
3. Làm nhụt bén nhọn, tháo gỡ rối rắm, pha trộn ánh sáng, hòa mình cùng bụi rậm.
4. Trong trẻo thay, tựa hồ trường tồn.
5. Ta không biết Đạo con ai; hình như có trước Thiên đế.
Chương 5:
Phiên âm:
1. Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu. [1]
2. Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.
3. Thiên địa chi gian,[2] kỳ do thác thược [3] hồ.
4. Hư nhi bất khuất,[4] động chi dũ xuất.
5. Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung. [5]
Dịch xuôi:
1. Trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.
2. Thánh nhân không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm.
3. Khoảng trời đất giống như ống bễ. Trống không mà không hao kiệt, càng động, hơi càng ra.
4. Nói nhiều cũng chẳng hết, thà giữ lấy Trung.
Chương 6:
Phiên âm:
1. Cốc thần [1] bất tử thị vị Huyền tẫn. [2]
2. Huyền tẫn chi môn thị vị thiên địa căn.
3. Miên miên [3] nhược tồn. Dụng chi bất cần. [4]
Dịch xuôi:
1. Cốc thần bất tử, đó là Huyền tẫn.
2. Cửa Huyền tẫn chính là gốc rễ trời đất.
3. Miên man trường tồn, dùng không bao giờ hết.
Chương 7:
Phiên âm:
1. Thiên trường, địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kỳ bất tự sinh, cố năng trường sinh.
2. Thị dĩ thánh nhân, hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn.
3. Phi dĩ kỳ vô tư da? Cố năng thành kỳ tư.
Dịch xuôi:
Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không sống cho mình, vì thế nên trường sinh.
Vì vậy thánh nhân để thân ra sau mà thân ở trước; để thân ra ngoài mà thân còn.
Phải chăng vì không riêng tây, nên vẫn thành được cái riêng tây?
Chương 8:
Phiên âm:
Thượng thiện nhược thủy.
Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ [2] ư Đạo.
Cư thiện [3] địa, tâm thiện uyên, dữ [4] thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời.
Phù duy bất tranh, cố vô vưu. [5]
Dịch xuôi:
Bậc trọn lành giống như nước.
Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nên gần Đạo.
Ở thì lựa nơi chốn; tâm hồn thời thâm trầm sâu sắc; giao tiếp với người một mực nhân ái; nói năng thành tín; lâm chính thời trị bình; làm việc thời có khả năng; hoạt động cư xử hợp thời.
Chính vì không tranh, nên không ai chê trách oán thán.
Chương 9:
Phiên âm:
1. Trì [2] nhi doanh [3] chi bất như kỳ dĩ.[4]
2. Sủy [5] nhi nhuệ [6] chi bất khả trường bảo.
3. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ.
4. Phú quí nhi kiêu, tự di [7] kỳ cữu.[8]
5. Công thành, danh toại, thân thoái,[9] thiên chi đạo.
Dịch xuôi:
1. Giữ mà làm cho đầy mãi, không bằng dừng lại.
2. Mài cho nhọn, cho sắc không giữ được lâu.
3. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được.
4. Giàu sang mà kiêu căng, sẽ tự vời tai họa.
5. Thành công, thành danh rồi thời nên lui thân, ấy là đạo Trời.
Chương 10:
Phiên âm:
1. Tải doanh phách[1] bão nhất[2] năng vô ly hồ?
2. Chuyên khí trí nhu,[3] năng anh nhi[4] hồ?
3. Dịch [5] trừ [6] huyền lãm,[7] năng vô tì hồ? [8]
4. Ái dân trị quốc năng vô vi hồ? [9]
5. Thiên môn khai hạp, năng vô thư hồ? [10]
6. Minh bạch tứ đạt năng vô tri hồ? [11]
7. Sinh nhi súc chi, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng chi bất tể, thị vị huyền đức.[12]
Dịch xuôi:
Năng vi (Làm được không?)
1. Có thể đem hồn phách ôm ấp lấy Đạo, không lìa xa chăng?
2. Có thể giữ cho nguyên khí không tán loạn, giữ vẹn thiên chân, hoàn toàn theo được đạo Trời, (định luật trời đất) như anh nhi chăng?
3. Có thể tẩy trừ được (trần cấu), giữ được cho gương lòng trong sáng không tì vết chăng?
4. Có thể yêu dân trị nước, mà vẫn vô vi chăng?
5. Cơ trời mở đóng, có thể thuận ứng như con mái chăng?
6. Có thể sáng suốt mà như người vô tri chăng?
7. Sinh dưỡng vạn vật; sống mà vẫn như không có; làm mà không cậy công; khiến cho lớn mà không đòi làm chủ, thế là đức sâu xa vậy.
Chương 11:
Phiên âm:
1. Tam thập phúc,[1] cộng nhất cốc.[2] Đương kỳ vô, hữu xa chi dụng.
2. Duyên [3] thực [4] dĩ vi khí. Đương kỳ vô, hữu khí chi dụng.
3. Tạc hộ [5] dũ [6] dĩ vi thất. Đương kỳ vô, hữu thất chi dụng.
4. Cố hữu chi dĩ vi lợi, vô chi dĩ vi dụng.[7]
Dịch xuôi:
1. Ba chục căm, hợp lại một bầu. Nhờ chỗ «trống không», mới có cái dùng của xe.
2. Nhào đất để làm chén bát. Nhờ chỗ «trống không», mới có cái dùng của chén bát.
3. Đục cửa lớn, cửa sổ để làm nhà; nhờ có chỗ trống không, mới có cái dùng của nhà.
4. Cho nên lấy cái «có» để làm cái lợi, lấy cái «không» để làm cái dụng.
Chương 12:
Phiên âm:
1. Ngũ sắc lịnh [1] nhân mục manh.[2] Ngũ âm lịnh nhân nhĩ lung.[3] Ngũ vị lịnh nhân khẩu sảng.[4] Trì sính [5] điền liệp [6] lịnh nhân tâm phát cuồng. Nan đắc chi hóa, lịnh nhân hành phương.[7]
2. Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục. Cố khứ bỉ thủ thử.
Dịch xuôi:
1. Năm màu khiến người mù mắt. Năm giọng khiến người điếc tai. Năm mùi khiến người tê lưỡi. Ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Của cải khó được, khiến người bị tai hại.
2. Bởi vậy, thánh nhân vì bụng không vì mắt. Nên bỏ cái kia, lấy cái này.
Chương 13:
Phiên âm:
1. Sủng nhục nhược [1] kinh. (Quí) [2] đại hoạn nhược* thân.
2. Hà vị sủng nhục nhược* kinh. Sủng vi (thượng, nhục vi) hạ. [3] Đắc chi nhược* kinh, Thất chi nhược* kinh.
3. Hà vị (quí) [4] đại hoạn nhược* thân. Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?
4. Cố quí dĩ thân vi thiên hạ, nhược [5] khả ký thiên hạ. Ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược* khả thác thiên hạ.
Dịch xuôi:
1. Vinh, nhục cũng làm lo âu. Sở dĩ hoạn nạn là vì có thân.
2. Tại sao vinh, nhục đều làm lo âu? Vinh là ở ngôi cao, nhục là ở địa vị thấp. Được cũng lo, mất cũng lo. Vì thế nên nói: Vinh nhục đều lo.
3. Tại sao nói: «Hoạn nạn là vì có thân?» Ta sở dĩ phải lo âu nhiều, chính vì ta có thân. Nếu không có thân, ta đâu có lo !
4. Cho nên ai quí thiên hạ hơn thân mình, thì có thể đem thiên hạ giao phó cho, ai yêu thiên hạ hơn thân mình, thì có thể gửi gắm thiên hạ cho họ được.[6]
Chương 14:
Phiên âm:
1. Thị chi bất kiến, danh viết Di. Thính chi bất văn, danh viết Hi. Bác chi bất đắc, danh viết Vi. Thử tam giả bất khả trí cật. [1] Cố hỗn nhi vi nhất.
2. Kỳ thượng bất kiểu. [2] Kỳ hạ bất muội. Thằng thằng [3] bất khả danh, phục qui ư vô vật. Thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng. Thị vị bất hốt hoảng, nghinh chi bất kiến kỳ thủ. Tùy chi bất kiến kỳ hậu.
3. Chấp cổ chi đạo, dĩ ngự kim chi hữu. Năng tri cổ thủy, Thị vị đạo kỷ.[4]
Dịch xuôi:
1. Nhìn không thấy, gọi là Di. Nghe không thấy, gọi là Hi. Nắm không được, gọi là Vi. Ba điều ấy không thể suy cứu đến cùng. Cho nên hợp lại làm một.
2. Trên nó không sáng. Dưới nó không mờ. Miên man dằng dặc mà không thể đặt tên. Rồi lại trở về chỗ không có gì. Đó là trạng thái của cái không trạng thái. Hình tượng của cái không có vật chất. Cái có hoảng hốt, đón trước không thấy đầu, theo sau không thấy đuôi.
3. Giữ cái Đạo xưa để trị chuyện nay; biết cái đầu mối của thời xưa, ấy là nắm được giềng mối đạo.
Chương 15:
Phiên âm:
1. Cổ chi thiện vi sĩ [1] giả, vi diệu huyền thông, thâm bất khả thức. Phù duy bất khả thức, cố cưỡng vi chi dung.
2. Dự [2] yên nhược đông thiệp xuyên. Do [3] hề nhược úy tứ lân. Nghiễm [4] hề kỳ nhược khách.[5] Hoán hề nhược băng chi tương thích. Đôn hề kỳ nhược phác.[6] Khoáng [7] hề kỳ nhược cốc. Hỗn hề kỳ nhược trọc.
3. Thục năng trọc dĩ chỉ, tĩnh nhi từ thanh. Thục dĩ [8] an dĩ cửu động nhi từ sinh.[9]
4. Bảo thử Đạo giả bất dục doanh. Phù duy bất doanh cố năng tế,[10] bất tân thành.[11]
Dịch xuôi:
1. Bậc hoàn thiện xưa siêu vi, huyền diệu, thâm thúy, thông suốt; thâm thúy khôn lường. Vì khó lường nên gượng tả hình dung.
2. Các ngài thận trọng như mùa đông đi qua sông; các ngài e dè sợ láng giềng bốn bên; kính cẩn như khách; lạnh lùng như băng tan; mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt; man mác như hang núi; hỗn mang như nước đục.
3. Ai có thể đục mà nhờ tĩnh lại dần dần trong. Ai có thể yên mà nhờ động lại dần dần linh hoạt.
4. Kẻ giữ đạo không muốn đầy. Chỉ vì không muốn đầy, nên mới che dấu và chẳng đổi mới.
Chương 16:
Phiên âm:
1. Trí hư cực, thủ tĩnh đốc.
2. Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan kỳ phục.[1] Phù vật vân vân, các qui kỳ căn. [2]
3. Qui căn viết tĩnh. Tĩnh viết phục mạng.[3] Phục mạng viết thường.
4. Tri thường viết minh. Bất tri thường, vọng tác, hung.[4]
5. Tri thường dung. Dung nãi công. Công nãi vương.[5] Vương nãi thiên. Thiên nãi Đạo. Đạo nãi cửu.[6] Một [7] thân bất đãi.[8]
Dịch xuôi:
1. Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh.
2. Vạn vật đua sống, ta nhân đó xem chúng trở về (nguồn). Vạn vật trùng trùng đều trở về cội.
3. Trở về cội rễ là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là trường cửu.
4. Biết «trường cửu» mới là sáng suốt. Không biết trường cửu sẽ làm càn và gây hung họa.
5. Biết «trường cửu» sẽ thung dung như công hầu vương tước, sẽ hợp với Trời với Đạo. Hợp Đạo rồi sẽ cửu trường: thân có mất đi, cũng chẳng nguy hại gì.[9]
Chương 17:
Phiên âm:
1. Thái thượng,[1] hạ [2] tri hữu chi.
2. Kỳ thứ, thân nhi dự chi.
3. Kỳ thứ, úy chi.
4. Kỳ thứ, vũ chi. Tín bất túc yên, hữu bất tín yên.
5. Du hề,[3] kỳ quí ngôn. Công thành, sự toại, bách tính vị ngã tự nhiên.
Dịch xuôi:
1. Thánh quân thời cổ xưa (cai trị), dân ở dưới không biết rằng có.
2. Bậc dưới, họ thân và ngợi khen. Bậc dưới nữa họ sợ. Bậc dưới nữa, họ khinh. Vì không đủ tin, nên dân không tin.
3. Bậc thánh xưa quí lời nói. Công việc xong xuôi, mà dân đều bảo rằng: «Tự nhiên bởi ta.»
Chương 18:
Phiên âm:
1. Đại Đạo phế,[1] hữu nhân nghĩa.
Trí tuệ [2] xuất, hữu đại ngụy.
2. Lục thân [3] bất hòa, hữu hiếu từ.
3. Quốc gia hôn loạn, hữu trung thần.[4]
Dịch xuôi:
1. Đại đạo mất mới có nhân nghĩa,
Trí tuệ sinh mới có dối trá lớn.
2. Lục thân bất hòa, nên có kẻ thảo người lành.
3. Quốc gia rối loạn mới có trung thần.
Chương 19:
Phiên âm:
1. Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội. [1]
2. Tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ. [2]
3. Tuyệt [3] xảo khí [4] lợi, đạo tặc vô hữu.
4. Thử tam giả dĩ vi văn,[5] bất túc. [6]
5. Cố lệnh hữu sở thuộc. [7] Kiến [8] tố bão phác. Thiểu tư quả dục.
Dịch xuôi:
1. Dứt thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm.
2. Dứt thân bỏ nghĩa dân lại thảo lành.
3. Dứt khéo, bỏ lợi, không có trộm cướp.
4. Ba điều đó hào nhoáng bên ngoài, chẳng đủ vào đâu.
5. Phải chú trọng điều này: Giữ vẹn tinh anh, chất phác: ít riêng tây, ít ham muốn.
Chương 20:
Phiên âm:
1. Tuyệt học vô ưu. Duy [1] chi dự a,[2] tương khứ kỷ hà.[3]
Thiện chi dữ ác tương khứ nhược hà.[4]
2. Nhân chi sở úy, bất khả bất úy. Hoang [5] hề kỳ vị ương tai.[6]
3. Chúng nhân hi hi [7] như hưởng thái lao,[8] như đăng xuân đài.
4. Ngã độc bạc [9] hề kỳ vị triệu, như anh nhi chi vị hài.[10] Luy luy [11] hề nhược vô sở qui.
5. Chúng nhân giai hữu dư, nhi ngã độc nhược di.[12] Ngã ngu [13] nhân chi tâm dã tai. Độn độn hề [14] chúng nhân [15] chiêu chiêu,[16] ngã độc hôn hôn.[17] Chúng nhân[18] sát sát,[19] ngã độc muộn muộn.[20] Đạm [21] hề kỳ nhược hải.[22] Liêu [23] hề nhược vô chỉ.[24] Chúng nhân giai hữu dĩ [25] nhi ngã ngoan [26] thả bỉ.[27]
6. Ngã độc dị ư nhân, nhi quí thực mẫu.
Chương 21:
Phiên âm:
1. Khổng đức chi dung, duy Đạo thị tùng.[1]
2. Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt. Hốt hề, hoảng hề, kỳ trung hữu tượng. Hoảng hề, hốt hề kỳ trung hữu vật; ảo hề minh hề, kỳ trung hữu tinh. Kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín.
3. Tự cổ cập kim, kỳ danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ.[2]
4. Ngô hà dĩ trị chúng phủ chi trạng tai, dĩ thử.
Dịch xuôi:
1. Dung nghi của bậc Đại đức, khuôn theo Đạo.
2. Đạo sinh ra muôn vật, hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có hình ảnh của Đạo. Hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có bản thể (của Đạo). Mờ mịt nhưng trong vẫn có tinh hoa (của Đạo). Tinh hoa ấy rất chân thực; trong lại có tín.
3. Từ xưa đến nay, tên ngài vẫn đó, để bẩm sinh ra muôn vật.
4. Ta làm sao biết được hình trạng đầu gốc muôn vật? Nhờ vậy !
Chương 22:
Phiên âm:
1. Khúc tắc toàn; uổng tắc trực; hóa tắc doanh; tệ tắc tân; thiểu tắc đắc; đa tắc hoặc.
2. Thị dĩ thánh nhân bão Nhất, vi thiên hạ thức. Bất tự hiện, cố minh. Bất tự thị, cố chương. Bất tự phạt cố hữu công. Bất tự căng, cố trưởng.
3. Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.
4. Cổ chi sở vị «khúc tắc toàn giả», khởi hư ngôn tai. Thành toàn nhi qui chi.
Dịch xuôi:
1. Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho nên toàn vẹn. Cái gì cong, thì làm cho ngay. Cái gì trũng thì làm cho đầy. Cái gì cũ thì làm cho nên mới. Ít thì lại được, nhiều thời lại mê.
2. Cho nên thánh nhân ôm giữ cái Một (Đạo), để làm mẫu mực cho thiên hạ. Không phô trương, cho nên sáng; không tự cho mình là phải, cho nên hiển dương; không kể công, nên có công; không khoe mình, cho nên hơn người.
3. Vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh dành với mình. Câu nói của người xưa: «Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho nên toàn vẹn», há phải là câu nói suông? Vẹn toàn rồi sẽ trở về với Đạo.
Chương 23:
Phiên âm:
1. Hi ngôn tự nhiên.
2. Phiêu phong bất chung triêu, sậu vũ bất chung nhật. Thục vi thử giả, thiên địa. Thiên địa thượng bất năng cửu, nhi huống ư nhân hồ.
3. Cố tòng sự ư Đạo giả. Đạo giả đồng ư Đạo. Đức giả đồng ư Đức. Thất giả đồng ư thất. Đồng ư Đạo giả, Đạo diệc lạc đắc chi. Đồng ư Đức giả, Đức diệc lạc đắc chi; đồng ư thất giả, thất diệc lạc đắc chi. [1]
4. Tín bất túc yên, hữu bất tín yên.
Dịch xuôi:
1. Ít nói, (sống) tự nhiên,
2. Vì gió lốc không suốt sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm những chuyện ấy? Trời, Đất. Trời Đất còn không thể lâu, huống nữa người.
3. Cho nên theo Đạo thì đồng với Đạo. Theo Đức thì đồng với Đức. Theo mất thì đồng với mất. Đồng với Đạo, đạo vui tiếp đó. Đồng với Đức, Đức vui tiếp đó. Đồng với thất, thất vui tiếp đó.
4. Tin không đủ. Có sự không tin.
Chương 24:
Phiên âm:
1. Khí [1] giả bất lập, khóa [2] giả bất hành. Tự hiện giả bất minh; tự thị giả bất chương; tự phạt giả vô công; tự căng giả bất trường.
2. Kỳ ư Đạo dã,[3] viết dư thực chuế [4] hành, vật hoặc ố chi. Cố hữu Đạo giả bất xử.
Dịch xuôi:
1. Kiễng chân lên, không đứng thẳng được. Xoạc cẳng ra không đi được. Tự coi là sáng, nên không sáng. Tự xem là phải, nên không hiển dương. Tự kể công, nên không có công. Tự khoe mình, nên không hơn người.
2. Đứng về phương diện Đạo mà nói, thì đó là những «đồ thừa việc thải». Cho nên người có Đạo không thiết.
Chương 25:
Phiên âm:
1. Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu.
2. Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại. Đại viết thệ. Thệ viết viễn. Viễn viết phản.
3. Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên.
Dịch xuôi:
1. Có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thay; đi khắp nơi mà không mỏi. Có thể làm mẹ thiên hạ.
2. Ta không biết tên, đặt tên chữ đó là Đạo. Gượng gọi tên đó là Lớn. Lớn là đi, đi là xa; xa là trở lại.
3. Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn. Người cũng lớn. Trong đời có bốn thứ lớn, mà Người là một. Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước tự nhiên.
Chương 26:
Phiên âm:
1. Trọng vi khinh căn. Tĩnh vi táo quân.
2. Thị dĩ thánh nhân[1] chung nhật hành bất ly tri trọng.[2] Tuy hữu vinh quan,[3] yến xử [4] siêu nhiên.[5]
3. Nại hà [6] vạn thặng [7] chi chủ, nhi dĩ thân khinh thiên hạ. Khinh tắc thất căn [8], táo tắc thất quân.
Dịch xuôi:
1. Nặng là gốc của nhẹ. Tĩnh là chủ của xao động.
2. Cho nên thánh nhân suốt ngày rong ruổi, mà không bỏ mất sự trang trọng, yên tĩnh. [9] Tuy sống trong vinh hoa, mà lòng vẫn thung dung sống vượt lên trên.
3. Tại sao vua một nước có muôn cỗ xe lại đem thân coi nhẹ thiên hạ. Nhẹ ắt mất gốc, xao động ắt mất chủ.
Chương 27:
Phiên âm:
1. Thiện hành vô triệt tích. Thiện ngôn vô hà trích. Thiện số bất dụng trù sách. Thiện bế vô quan kiện nhi bất khả khai. Thiện kết vô thằng ước, nhi bất khả giải.
2. Thị dĩ thánh nhân, thường thiện cứu nhân, cố vô khí nhân; thường thiện cứu vật cố vô khí vật.
3. Thị vi tập minh. Cố thiện nhân bất thiện nhân chi sư, bất thiện nhân, thiện nhân chi tư. Bất quí kỳ sư, bất ái kỳ tư, tuy trí đại mê, thị vị yếu diệu.
Dịch xuôi:
1. Đi khéo không để vết chân. Nói khéo không có lỗi lầm. Đếm khéo không dùng thẻ. Đóng khéo không róng, chốt mà không mở được. Thắt khéo, không dây rợ mà không cởi được.
2. Cho nên thánh nhân thường khéo cứu người, nên không có ai bị bỏ; thường khéo cứu vật nên không có vật nào bị bỏ. Thế gọi là sáng gấp đôi.
3. Cho nên người hay là thày kẻ dở. Kẻ dở giúp người hay. Không quí người hay, không yêu kẻ dở, dẫu là bậc trí, cũng mê lầm. Sự mầu nhiệm cốt yếu là ở chỗ đó.
Chương 28:
Phiên âm:
1. Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, vi thiên hạ khê; thường đức bất ly, phục qui anh nhi.
2. Tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc, vi thiên hạ thức.[1] Thường đức bất thắc,[2] phục qui ư vô cực.
3. Tri kỳ vinh, thủ kỳ nhục, vi thiên hạ cốc. Vi thiên hạ cốc, thường đức nãi túc. Phục qui ư phác.
4. Phác tán tắc vi khí; thánh nhân dụng chi, tắc vi quan trưởng. Cố đại chế bất cát.
Dịch xuôi:
1. Biết sống, giữ mái, làm khe lạch cho thiên hạ. Làm khe lạch cho thiên hạ không lìa «thường đức», trở về trạng thái anh nhi.
2. Biết trắng, giữ đen, làm phép tắc cho thiên hạ. Làm phép tắc cho thiên hạ, không sai «thường đức», trở về vô cực.
3. Biết vinh, giữ nhục, làm hang sâu cho thiên hạ. Làm hang sâu cho thiên hạ, đầy đủ «đức hằng», trở về mộc mạc.
4. Mộc mạc tán thời thành đồ dùng. Thánh nhân được dùng, làm quan trên; cho nên phép lớn không chia cắt.[3]
Chương 29:
Phiên âm:
1. Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi, ngô kiến kỳ bất đắc dĩ. Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã. Vi giả bại chi, chấp giả thất chi.
2. Cố vật hoặc hành, hoặc tùy, hoặc hư,[1] hoặc xuy,[2] hoặc cường,[3] hoặc luy,[4] hoặc tỏa,[5] hoặc huy.[6]
3. Thị dĩ thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái.
Dịch xuôi:
1. Muốn đem thiên hạ mà làm (theo ý mình) ta thấy không thể được. Thiên hạ là đồ vật linh thiêng, không thể làm (theo ý mình). Hễ làm thì hỏng, hễ giữ thì mất.
2. Cho nên vật hoặc đi hoặc theo hoặc hà hơi, hoặc thổi, hoặc mạnh hoặc yếu; hoặc bền vững hoặc mong manh.
3. Cho nên thánh nhân chỉ ngăn sự thái quá, sự xa xỉ, sự tham lam.
Chương 30:
Phiên âm:
1. Dĩ Đạo tác [1] nhân chủ giả bất dĩ binh cưỡng thiên hạ. Kỳ sự hiếu hoàn. Sư chi sở xử, kinh cức sinh yên. Đại quân chi hậu, tất hữu hung niên.
2. Cố thiện giả quả [2] nhi dĩ; bất cảm dĩ thủ cường; quả nhi vật căng; quả nhi vật phạt; quả nhi vật kiêu; quả nhi bất đắc dĩ; quả nhi vật cường.
3. Vật tráng tắc Lão, thị vị phi Đạo, phi Đạo tảo dĩ.[3]
Dịch xuôi:
1. Ai coi Đạo là vua (thiên hạ) không dùng binh mà bức thiên hạ. Chiến tranh có vay có trả Chỗ quân sĩ đóng, gai góc sẽ sinh. Sau trận chiến lớn, ắt có những năm tai ương.
2. Cho nên người khéo sẽ giải quyết (trận chiến) một cách mau lẹ, mà không ỷ sức mạnh; giải quyết mau lẹ mà không khoe khoang; giải quyết mau lẹ mà không tự khen; giải quyết mau lẹ mà không kiêu căng; giải quyết mau lẹ vì bất đắc dĩ; giải quyết mau lẹ mà không muốn trở nên mạnh mẽ.
3. Vật lớn mạnh ắt già; Như vậy là trái Đạo; trái Đạo sẽ mất sớm.
Chương 31:
Phiên âm:
1. Phù giai [2] binh giả bất tường chi khí, vật hoặc ố chi. Cố hữu Đạo giả bất xử.
2. Quân tử cư đắc quí tả, dụng binh tắc quí hữu. Binh giả bất tường [3] chi khí, phi quân tử chi khí. Bất đắc dĩ nhi dụng chi. Điềm đạm vi thượng. Thắng nhi bất mỹ [4]. Nhi mỹ chi giả, thị lạc sát nhân. Phù lạc sát nhân giả, tắc bất khả dĩ đắc chí ư thiên hạ hĩ.
3. Cát sự [5] thượng [6] tả. Hung sự thượng hữu. Thiên tướng quân [7] cư tả. Thượng tướng quân cư hữu. Ngôn dĩ tang lễ [8] xử chi. Sát nhân chi chúng, dĩ ai bi [9] khảo chi. Chiến thắng dĩ tang lễ xử chi.
Dịch xuôi:
1. Binh đao là vật bất tường, ai cũng ghét; cho nên người có Đạo chẳng (thích) dùng.
2. (Khi bình thời) vị quốc quân trọng (ai thì mới đứng về) bên trái; (lúc chiến tranh) (muốn) trọng (võ tướng thì lại mời đứng ở) bên trái. Binh đao là vật bất tường; quân tử chẳng nên dùng nó. Bất đắc dĩ mới phải dùng. Người quân tử ưa sống điềm đạm. Thắng không có mừng. Mừng vì thắng hẳn là tâm địa kẻ thích giết người. Thích giết người không thể cai trị thiên hạ.
3. (Theo nghi lễ) lành ở bên trái, dữ ở bên phải. Phó tướng ở bên trái, thượng tướng ở bên phải. Đó là nghi tiết dùng trong tang lễ. Kẻ giết người, phải khóc lóc xót thương (những người oan khuất). Kẻ chiến thắng phải đứng làm chủ tang.[10]
Chương 32:
Phiên âm:
1. Đạo thường vô danh. Phác tuy tiểu, thiên hạ bất cảm thần. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự tân. Thiên địa tương hợp, dĩ giáng cam lộ, dân mạc chi lệnh, nhi tự quân.[1]
2. Thủy chế hữu danh, danh diệc ký hữu. Phù diệc tương tri chỉ; [2] tri chỉ khả bất đãi. [3] Thí Đạo chi tại thiên hạ; do xuyên cốc chi ư giang hải.
Dịch xuôi:
1. Đạo thường không tên, mộc mạc. Tuy nhỏ, dưới trời không ai bắt được nó phải thuần phục. Nếu bậc vương hầu giữ được nó, vạn vật sẽ thuần phục; trời đất hòa hợp làm cho móc ngọt rơi xuống. Dân không phải sai khiến, mà chia đều nhau.
2. Bắt đầu phân chia, mới có tên. Đã có tên phải biết chốn dừng. Biết chốn dừng mới không hại. Đạo sánh với thiên hạ, như suối khe với sông biển.
Chương 33:
Phiên âm:
1. Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực,[1] tự thắng giả cường. Tri túc giả phú, cường hành giả hữu chí.[2]
2. Bất thất kỳ sở giả cửu.[3] Tử nhi bất vong giả thọ.[4]
Dịch xuôi:
1. Biết người là khôn. Biết mình là sáng. Thắng người là kẻ có sức; tự thắng là kẻ mạnh. Biết «tri túc» là giàu; cố gắng là người có chí.
2. Không đánh mất điểm tựa sẽ vững bền. Chết mà không hết, thế là thọ.
Chương 34:
Phiên âm:
1. Đại Đạo phiếm[1] hề, kỳ khả tả hữu. Vạn vật thị chi nhi sinh nhi [2] bất tử. Công thành bất danh hữu.[3] Ái dưỡng [4] vạn vật nhi bất vi chủ. Thường vô dục khả danh ư tiểu, vạn vật qui chi nhi bất vi chủ, khả danh ư đại.[5]
2. Thị dĩ thánh nhân chung bất vi đại,[6] cố năng thành kỳ đại.
Dịch xuôi:
1. Đại Đạo tràn lan bên phải, bên trái. Vạn vật nhờ Nó mà sinh, mà nó không nói gì. [7] Nên việc rồi, không xưng là có. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài mà không làm chủ. Thường không ham muốn. Có thể gọi tên là nhỏ; Muôn vật theo về mà không làm chủ, nên có thể gọi tên là lớn.
2. Thánh nhân suốt đời không cho mình là lớn, cho nên thành được việc lớn của mình.
Chương 35:
Phiên âm:
1. Chấp đại tượng,[1] thiên hạ vãng. Vãng nhi bất hại. An bình thái.
2. Nhạc dữ nhị,[2] quá khách chỉ. Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ kỳ vô vị. Thị chi nhi bất túc kiến, thính chi nhi bất túc văn. Dụng chi bất khả ký.
Dịch xuôi:
1. Thánh nhân cầm gương lớn, cho thiên hạ theo. Theo mà chẳng hại, lại an ổn, thanh bình.
2. Nhã nhạc, cỗ bàn khi khách về rồi thời hết.[3] Đạo ra khỏi miệng thời nhạt nhẽo như thể là vô vi, không đáng xem, không đáng nghe, nhưng đem dùng thì vô tận.
Chương 36:
Phiên âm:
1. Tương dục hấp chi,[1] tất cố trương [2] chi. Tương dục nhược chi, tất cố cường chi. Tương dục phế chi, tất cố hưng chi. Tương dục đoạt chi,[3] tất cố dữ chi. [4] Thị vị vi minh,[5] nhu nhược thắng cương cường.
2. Ngư bất khả thoát ư uyên, quốc chi lợi khí, bất khả dĩ thị nhân.[6]
Dịch xuôi:
1. Trước khi làm cho chùng, thời giương ra cho thẳng. Trước khi làm cho suy yếu, thời giúp cho mạnh thêm. Trước khi vứt bỏ đi, thời làm cho hưng vượng. Trước khi muốn cướp lấy, thời hãy cho trước. Thế gọi là hiểu lẽ vi diệu (của Trời). Mềm yếu được cứng mạnh.
2. Cá chẳng khá rời vực, đồ quốc bảo chẳng nên phô trương.
Chương 37:
Phiên âm:
1. Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.
2. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa.
3. Hóa nhi dục tác, ngô tương trấn chi. Dĩ vô danh chi phác, diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định.
Dịch xuôi:
1. Đạo thường không làm gì; nhưng không gì không làm.
2. Nếu bậc vương hầu giữ được Đạo thì muôn loài sẽ tự chuyển hóa.
3. Chuyển hóa mà muốn vẽ vời sinh chuyện, ta sẽ chấn tĩnh lại bằng cái «Không tên mộc mạc». Vô danh mộc mạc ắt không ham muốn. Không ham muốn dễ được yên tĩnh, do đó thiên hạ sẽ định.
Chương 38:
Phiên âm:
1. Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức. Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức.
2. Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi.[2] Hạ đức vi chi nhi hữu dĩ vi.
3. Thượng nhân vi chi nhi vô dĩ vi. Thượng nghĩa vi chi nhi hữu dĩ vi. Thượng lễ vi chi nhi mạc chi ứng.[3] Tắc nhương tí nhi nhưng chi.[4] Cố thất Đạo nhi hậu Đức. Thất Đức nhi hậu Nhân. Thất Nhân nhi hậu Nghĩa. Thất Nghĩa nhi hậu Lễ. Phù Lễ giả, trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ. Tiền thức giả [5] Đạo chi hoa,[6] nhi ngu chi thủy.
4. Thị dĩ đại trượng phu xử kỳ hậu [7] bất cư kỳ bạc. Xử kỳ thực, bất cư kỳ hoa. Cố khứ bỉ thủ thử.[8]
Dịch xuôi:
1. Bậc đức cao coi thường tục đức, vì thế nên có đức. Người đức thấp nệ vào tục đức, vì thế nên không có đức.
2. Bậc đức cao không làm, vả cũng không hệ lụy vì công việc. Người đức thấp có làm, vả lại hệ lụy vì công việc.
3. Bậc «thượng nhân» có làm nhưng không hệ lụy vì công việc. Bậc «thượng nghĩa» có làm, nhưng hệ lụy vì công việc. Bậc «thượng lễ» có làm; nếu không được người hưởng ứng, thì sắn tay áo lôi kéo người theo. Cho nên mất Đạo thì đến Đức. Mất Đức thì đến Nhân. Mất Nhân thì đến Nghĩa. Mất Nghĩa thì đến Lễ. Mà Lễ là trung tín đã đi đến chỗ mỏng manh, và là đầu mối loạn lạc. Giỏi giang là hào nháng của Đạo và là đầu mối của sự ngu si.
4. Cho nên bậc đại trượng phu ở chỗ dày dặn mà tránh chỗ mỏng mảnh, ở chỗ thực mà tránh chỗ hào nháng. Thế tức là bỏ cái kia (hào nháng, mỏng mảnh) mà giữ cái này (dày dặn, thực chất).
Chương 39:
Phiên âm:
1. Tích chi đắc nhất giả. Thiên đắc Nhất [1] dĩ thanh. Địa đắc Nhất dĩ ninh. Thần đắc Nhất dĩ linh. Cốc đắc Nhất dĩ doanh. Vạn vật đắc Nhất dĩ sinh. Hầu vương đắc Nhất dĩ vi thiên hạ trinh.[2] Kỳ trí chi Nhất dã.[3]
2. Thiên vô dĩ thanh, tương khủng liệt.[4] Địa vô dĩ ninh, tương khủng phế. [5] Thần vô dĩ linh, tương khủng hiệt.[6] Cốc vô dĩ doanh tương khủng kiệt. [7] Vạn vật vô dĩ sinh, tương khủng diệt.[8] Hầu vương vô quí cao, tương khủng quyết. [9]
3. Cố quí dĩ tiện vi bản. Cao dĩ hạ vi cơ.[10] Thị dĩ hầu vương tự vị cô quả, bất cốc. [11] Thử kỳ dĩ tiện vi bản da ? Phi hồ ? [12]
4. Cố trí số, dư vô dư. [13] Bất dục lục lục [14] như ngọc, lạc lạc như thạch.[15]
Dịch xuôi:
1. Những vật xưa được Đạo: Trời được Đạo, nên trong. Đất được Đạo, nên yên. Thần được Đạo, nên linh. Hang được Đạo, nên đầy. Vạn vật được Đạo, nên sống. Hầu vương được Đạo, nên trị vì thiên hạ. Đều là do đạt Đạo mà nên.
2. Trời không có Đạo (để) trong, sẽ vỡ. Đất không có Đạo (để) yên sẽ lở. Hang không có Đạo (để) đầy, sẽ cạn. Thần không có Đạo (để) linh, sẽ tán. Vạn vật không có Đạo (để) sống, sẽ tuyệt. Hầu vương không có Đạo (để) được sang cả, sẽ bị diệt vong.
3. Cho nên sang lấy hèn làm gốc. Cao lấy thấp làm nền. Vì thế bậc vương hầu xưng mình là «côi cút» là ít đức, là «vô dụng», thế không phải là lấy hèn làm gốc hay sao ?
4. Phân tách cho cùng, tất cả đều là hư danh (xe không là xe) không muốn coi ai quý như ngọc, hay hèn như đá.[16]
Chương 40:
Phiên âm:
1. Phản[1] giả Đạo chi động. Nhược giả Đạo chi dụng.
2. Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu,[2] hữu sinh ư vô.[3]
Dịch xuôi:
1. Trở lại là cái động của Đạo. Yếu mềm là cái dụng của Đạo.
2. Thiên hạ vạn vật sinh từ có. Có sinh từ Không.
Chương 41:
Phiên âm:
1. Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn, nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi Đạo.
2. Cố kiến ngôn hữu chi: Minh Đạo nhược muội. Tiến Đạo nhược thối. Di [1] Đạo nhược lỗi.[2] Thượng Đức nhược cốc.[3] Đại bạch nhược nhục.[4] Quảng đức nhược bất túc. Kiến đức nhược thâu.[5] Chất chân nhược du.[6]
3. Đại phương vô ngung; đại khí vãn thành; đại âm hi thanh; đại tượng vô hình. Đạo ẩn vô danh. Phù duy Đạo thiện thải thả thành.
Dịch xuôi:
1. Bậc học cao nghe đạo, cố gắng mà theo. Bậc học bình thường nghe Đạo như còn như mất. Bậc học thấp kém nghe Đạo, cả cười bỏ qua. Nếu không cười, không đủ gọi đó là Đạo.
2. Nên người xưa nói: Sáng về Đạo, dường tăm tối. Tiến về Đạo, nhường như thụt lùi. Ngang với Đạo, dường như cục cằn. Đức cao dường như hang suối. Thật trong trắng dường như bợn nhơ. Đức rồi rào dường như không đủ. Đức vững chắc dường như cẩu thả. Chất thực dường như biến đổi.
3. Hình vuông lớn không góc. Đồ dùng lớn lâu thành. Tiếng lớn nghe không thấy. Tượng lớn, không có hình. Đạo ẩn, không tên. Chỉ có Đạo, hay cho lại tác thành (muôn vật).
Chương 42:
Phiên âm:
1. Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa.
2. Nhân chi sở ố duy cô, quả, bất cốc. Nhi vương công dĩ vi xưng. Cố vật hoặc tổn chi nhi ích. Hoặc ích chi nhi tổn.
3. Nhân chi sở giáo, ngã diệc giáo chi. Cường lương giả bất đắc kỳ tử. Ngô tương dĩ vi giáo phụ.
Dịch xuôi:
1. Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.
2. Cái mà người ta ghét là: côi cút, góa bụa, bất tài, bất lực. Thế mà vua chúa lại dùng nó để tự xưng. Như vậy thì sự đời bớt là thêm, thêm là bớt.
3. Điều người xưa dạy, nay ta cũng dạy: Dùng bạo lực sẽ chết « bất đắc kỳ tử». Đó là lời của thày ta.
Chương 43:
Phiên âm:
1. Thiên hạ chi chí nhu, trì sính[1] thiên hạ chi trí kiên. Vô hữu nhập vô gián. [2] Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích.
2. Bất ngôn chi giáo,[3] vô vi chi ích, thiên hạ hi[4] cập chi.[5]
Dịch xuôi:
1. Cái mềm nhất trong trời đất chi phối được cái cứng nhất trong trời đất. Cái «không có» lọt được vào chỗ «không có kẽ hở». Vì thế nên ta biết lợi ích của vạn vật
2. Cách Dạy mà không dùng đến lời, cũng như ích lợi của «Vô vi», ít người có thể hiểu thấu.
Chương 44:
Phiên âm:
1. Danh dữ thân thục thân, thân dữ hóa thục[1] đa.[2] Đắc dữ vong thục bệnh.[3]
2. Thị cố, thậm ái tắc thậm phí.[4] Đa tàng tất hậu [5] vong. Tri túc bất nhục. Tri chỉ bất đãi. [6] Khả dĩ trường cửu.
Dịch xuôi:
1. Danh với thân cái nào quý hơn? Thân với của, cái nào trọng hơn? Được với mất, cái nào khổ hơn?
2. Cho nên, yêu nhiều ắt tổn nhiều. Chứa nhiều ắt mất nhiều. Biết đủ (an phận thủ thường), không nhục. Biết dừng không nguy. Có thể trường cửu.
Chương 45:
Phiên âm:
1. Đại thành nhược khuyết [1] kỳ dụng bất tệ. [2] Đại doanh nhược xung[3] kỳ dụng bất cùng. Đại trực nhược khuất.[4] Đại xảo nhược chuyết.[5] Đại biện nhược nột.
2. Táo thắng hàn. Tĩnh thắng nhiệt. Thanh tĩnh vi thiên hạ chính.
Dịch xuôi:
1. Hoàn toàn mà ngỡ là khiếm khuyết, nhưng dùng không bao giờ hỏng. Thực đầy mà ngỡ như vơi, nhưng dùng không bao giờ hết. Thẳng băng mà ngỡ như cong; tuyệt khéo mà như vụng về; rất hùng biện, mà như là ấp úng.
2. Nóng thắng lạnh, yên thắng nóng, thanh tĩnh mà chính được thiên hạ.
Chương 46:
Phiên âm:
1. Thiên hạ hữu đạo, khước tẩu mã dĩ phẩn. Thiên hạ vô đạo, nhung mã sinh ư giao.
2. Họa mạc đại ư bất tri túc.[1] Cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ.[2]
Dịch xuôi:
1. Thiên hạ có Đạo, thì ngựa dùng vào việc vun phân ruộng. Thiên hạ không Đạo, ngựa chiến sinh ngoài thành.
2. Không họa nào lớn bằng không biết đủ. Không hại nào lớn bằng muốn được của. Cho nên biết cho mình là có đủ, thời luôn luôn đủ.
Chương 47:
Phiên âm:
1. Bất xuất hộ, tri thiên hạ. Bất khuy [1] dũ [2] kiến thiên đạo. [3] Kỳ xuất di * viễn, kỳ tri di* [4] thiểu.
2. Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri, bất kiến nhi danh, bất vi nhi thành.
Dịch xuôi:
1. Chẳng ra khỏi cửa mà biết thiên hạ. Chẳng dòm qua cửa sổ, mà biết đạo Trời. Đi càng xa, biết càng ít.
2. Cho nên thánh nhân chẳng đi mà biết, chẳng thấy mà hay, chẳng làm mà nên.
Chương 48:
Phiên âm:
1. Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi.
2. Vô vi nhi vô bất vi, thủ thiên hạ thường dĩ vô sự. Cập kỳ hữu sự bất túc dĩ thủ thiên hạ.
Dịch xuôi:
1. Theo học ngày một thêm, theo Đạo ngày một bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức Vô vi.
2. Không làm mà không gì không làm; muốn được thiên hạ phải dùng vô vi; dùng hữu vi không đủ để được thiên hạ.
Chương 49:
Phiên âm:
1. Thánh nhân vô thường tâm, dĩ bách tính tâm vi tâm. Thiện giả ngô thiện chi. Bất thiện giả ngô diệc thiện chi. Đắc thiện hĩ. Tín giả ngô tín chi. Bất tín giả ngô diệc tín chi, đắc tín hĩ.
2. Thánh nhân tại thiên hạ, hấp hấp vi thiên hạ hồn kỳ tâm. Bách tính giai chú kỳ nhĩ mục, thánh nhân giai hài chi.
Dịch xuôi:
1. Thánh nhân không có lòng, thường lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Với kẻ lành dữ đều tốt. Thế là tốt rất mực. Với người thành tín hay gian ngoan, cũng đều tin cậy ngang nhau, đó là lòng tin rất mực.
2. Thánh nhân ở trong thiên hạ mà lòng luôn hồn nhiên, không có thiên tư, thiên kiến. Mọi người đều để tai mắt vào người mà người coi mọi người như những đứa trẻ thơ.
Chương 50:
Phiên âm:
1 Xuất sinh nhập tử.
2. Sinh chi đồ,[1] thập hữu tam.[2] Tử chi đồ, thập hữu tam. Nhân chi sinh, động chi tử địa diệc thập hữu tam. Phù hà cố ? Dĩ kỳ sinh sinh chi hậu.
3. Cái văn thiện nhiếp sinh giả, lục hành bất ngộ hủy hổ; nhập quân bất bị giáp binh. Hủy vô sở đầu kỳ giác; hổ vô sở thố kỳ trảo; binh vô sở dung kỳ nhận. Phù hà cố ? Dĩ kỳ vô tử địa.
Dịch xuôi:
1. Bước vào cõi sinh, tức là đã vào cõi tử.
2. Có 13 duyên cớ sống, chết. Con người sinh ra đời liền bị 13 duyên do đưa vào cõi chết.[3] Tại sao ? Vì con người muốn sống cho hết mức.
3. Nhưng ta nghe rằng người khéo giữ gìn sự sống đi trên đường không gặp tê, gặp hổ; vào trong quân lữ không cần mang giáp, mang gươm. Vì không có chỗ nào để húc; hổ không có chỗ nào để vấu; binh không có chỗ nào để chém. Tại sao ? Vì họ không có chỗ chết.
Chương 51:
Phiên âm:
1. Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quí Đức.
2. Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh, nhi thường tự nhiên.
3. Cố Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng chi, dục chi, thành chi, thục chi,[1] dưỡng chi, phú chi, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị huyền đức.
Dịch xuôi:
1. Đạo sinh, Đức dưỡng, vật chất cho hình, hoàn cảnh tác thành (muôn vật). Cho nên muôn vật đều tôn Đạo, quí Đức.
2. Sự cao trọng của Đạo Đức chẳng nhờ ai ban, mà Đạo Đức tự nhiên vốn đã cao trọng.[2]
3. Cho nên Đạo sinh, Đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên; dưỡng nuôi vạn vật, tác thành che chở vạn vật. Sinh vạn vật mà không nhận là của mình; làm mà không cậy công; làm cho lớn lên mà không đòi làm chủ, thế gọi là Đức nhiệm mầu.
Chương 52:
Phiên âm:
1. Thượng hạ hữu thủy, dĩ vi thiên hạ mẫu. Ký đắc kỳ mẫu, dĩ tri kỳ tử. Ký tri kỳ tử phục thủ kỳ mẫu. Một thân bất đãi.
2. Tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, chung thân bất cần. Khai kỳ đoài, tế kỳ sự, chung thân bất cứu.
3. Kiến tiểu viết minh, thủ nhu viết cường. Dụng kỳ quang, phục qui kỳ minh, vô di thân ương, thị vi tập thường.
Dịch xuôi:
1. Thiên hạ có khởi điểm. Khởi điểm ấy là mẹ thiên hạ. Đã được mẹ, thời biết con, trở về giữ mẹ, thân đến chết vẫn không nguy.
2. Ngậm miệng,[1] đóng tai, suốt đời không lận đận. Mở miệng lo công việc, suốt đời không cứu được.
3. Thấy được tế vi mới là Minh, giữ được mềm yếu mới là Cường. Dùng ánh sáng của Đạo, để quay về sự quang minh của Đạo, thân không sợ tai ương, đó là tìm về vĩnh cửu.[2]
Chương 53:
Phiên âm:
1. Sử ngã giới nhiên [1] hữu tri, hành ư Đại Đạo duy thi [2] thị úy. Đại Đạo thậm di [3] nhi dân hiếu kính.[4]
2. Triều thậm trừ,[5] điền thậm vu, thương thậm hư. Phục văn thái, đới lợi kiếm, yếm ẩm thực, tài hóa hữu dư, thị vị đạo khoa,[6] phi Đạo dã tai.
Dịch xuôi:
1. Nếu ta có chút hiểu biết, ta sẽ đi theo Đại Đạo, và sợ hãi sự phô trương. Đại Đạo thì rộng rãi thanh thản mà con người lại thích đi những con đường nhỏ hẹp.
2. Triều đình lộng lẫy, nhưng ruộng nương hoang phí, kho lẫm trống trơn.
3. Ăn mặc sang trọng, đeo kiếm sắc, ăn uống chán chê, đó là đường lối của phường đạo tặc, chứ đâu phải đường lối của Đại Đạo.
Chương 54:
Phiên âm:
1. Thiện kiến giả bất bạt.[1] Thiện bão giả bất thoát.[2] Tử tôn dĩ tế tự bất chuyết.[3]
2. Tu chi ư thân, kỳ đức nãi chân. Tu chi ư gia, kỳ đức nãi dư. Tu chi ư hương, kỳ đức nãi trường. Tu chi ư quốc, kỳ đức nãi phong. Tu chi ư thiên hạ, kỳ đức nãi phổ.
3. Cố, dĩ thân quan thân; dĩ gia quan gia; dĩ hương quan hương; dĩ quốc quan quốc; dĩ thiên hạ quan thiên hạ. Ngô hà dĩ tri thiên hạ chi nhiên tai ? Dĩ thử.
Dịch xuôi:
1. Người khéo trồng (xây dựng) thì không nhổ, nậy lên được. Người khéo ôm, thì không rút ra được. Con cháu tế tự không dứt.
2. Nếu lấy Đạo tu thân, thì đức sẽ thực. Nếu lấy Đạo mà tu sửa gia đình, thì đức sẽ thừa. Nếu lấy Đạo mà tu sửa làng, đức sẽ phong thịnh. Nếu lấy Đạo tu sửa thiên hạ, đức sẽ phổ quát.
3. Cho nên, lấy thân mà xét thân, lấy nhà mà xét nhà, lấy làng mà xét làng, lấy nước mà xét nước, lấy thiên hạ mà xét thiên hạ. Ta làm thế nào mà biết thiên hạ ? Bằng cách trên.
Chương 55:
Phiên âm:
1. Hàm đức chi hậu, tỷ ư xích tử. Độc trùng bất thích,[1] mãnh thú bất cứ [2] cược [3] điểu bất bác.[4]
2. Cốt nhược cân nhu nhi ốc[5] cố. Vị tri tẫn mẫu chi hợp nhi toàn tác. Tinh chi chí dã. Chung nhật hào nhi bất sá.[6] Hòa chi chí dã. Tri hòa viết thường. Tri thường viết minh. Ích sinh viết bất tường. Tâm sử khí viết cường.
3. Vật tráng tắc lão, vị chi bất Đạo, bất Đạo tảo dĩ.
Dịch xuôi:
1. Kẻ nào đức dày, giống như con đỏ. Độc trùng không cắn, thú dữ không ăn, chim ưng chẳng bắt.
2. Xương yếu gân mềm mà tay nắm chặt. Chưa biết giao hoan, tinh khí vẹn tuyền. Suốt ngày la khóc, mà chẳng khản tiếng. Hòa hợp hoàn toàn. Biết hòa hợp mới trường cửu, biết trường cửu mới sáng suốt. Quá ham sống thì hại, tâm sai khiến khí, thì mạnh.
3. Vật lớn thời già, thế là trái Đạo, trái Đạo chết sống.
Chương 56:
Phiên âm:
1. Tri giả bất ngôn. Ngôn giả bất tri.
2. Tắc [1] kỳ đoài,[2] bế kỳ môn, tỏa [3] kỳ nhuệ,[4] giải [5] kỳ phân,[6] hòa kỳ quang, đồng kỳ trần. Thị vị huyền đồng.[7]
3. Cố bất khả đắc nhi thân, diệc bất khả đắc nhi sơ; bất khả đắc nhi lợi, diệc bất khả đắc nhi hại; bất khả đắc nhi quí, diệc bất khả đắc nhi tiện. Cố vi thiên hạ quí.
Dịch xuôi:
1. Người biết thì không nói, người nói không biết.
2. Ngậm miệng, bít tai, làm nhụt sự bén nhọn, tháo gỡ sự tần phiền, giảm ánh sáng, hòa mình cùng bụi bặm, thế gọi là huyền đồng.
3. Cho nên thân cũng không được, sơ cũng không được, lợi cũng không được, hại cũng không được, quí cũng không được, tiện cũng không được. Vì thế nên quí nhất thiên hạ.
Chương 57:
Phiên âm:
1. Dĩ chính [1] trị quốc. Dĩ kỳ [2] dụng binh. Dĩ vô sự thủ thiên hạ.
2. Ngô hà dĩ tri kỳ nhiên tai? Dĩ thử: Thiên hạ đa kỵ húy [3] nhi dân di bần. Dân đa lợi khí, quốc gia tư hôn. Nhân đa kỹ xảo, kỳ vật tư khởi. Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu.
3. Cố thánh nhân vân: Ngã vô vi nhi dân tự hóa. Ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính. Ngã vô sự nhi dân tự phú. Ngã vô dục nhi dân tự phác.
Dịch xuôi:
1. Lấy ngay thẳng trị nước; lấy mưu mô dùng binh; lấy vô sự được thiên hạ.
2. Ta làm sao biết được như vậy? Nhờ thế này: Thiên hạ càng nhiều kỵ húy, thì dân càng nghèo. Dân càng lắm lợi khí, thì quốc gia càng tối tăm. Dân càng tài khéo, vật lạ càng nẩy sinh, pháp lệnh càng rõ rệt, trộm cướp càng sinh ra nhiều.
3. Vì thế nên thánh nhân mới dạy: Ta vô vi mà dân tự hóa. Ta ưa tĩnh mà dân tự chính. Ta không dở dói mà dân giàu. Ta không có dục vọng mà dân tự động trở nên chất phác.
Chương 58:
Phiên âm:
1. Kỳ chính muộn muộn, kỳ dân thuần thuần. Kỳ chính sát sát, kỳ dân khuyết khuyết.
2. Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục. Thục tri kỳ cực. Kỳ vô chính. [1] Chính phục vi kỳ,[2] thiên phục vi yêu. [3] Nhân chi mê, kỳ nhật cố cửu.
3. Thị dĩ thánh nhân, phương nhi bất cát [4] liêm nhi bất quế,[5] trực nhi bất tứ [6] quang nhi bất diệu.
Dịch xuôi:
1. Chính lệnh mơ hồ, dân con thư thái, chính lệnh soi mói, dân con lo âu.
2. Họa là nơi phúc tựa, phúc là nơi họa nấp. Trên mà không ngay thẳng thì người ngay sẽ thành nguy, người thiện trở thành tà. Con người u mê đã từ lâu.
3. Cho nên thánh nhân ngay chính nhưng không làm cho người tổn thương; liêm minh nhưng không làm mất lòng người, ngay thẳng nhưng không nghiệt ngã với người, sáng láng nhưng không làm cho ai chói lòa.
Chương 59:
Phiên âm:
1. Trị nhân, sự Thiên mạc nhược sắc.[1]
2. Phù duy sắc thị vị tảo phục,[2] tảo phục vị chi trọng tích đức. Trọng tích đức tắc vô bất khắc. Vô bất khắc tắc mạc tri kỳ cực. Mạc tri kỳ cực, khả dĩ hữu quốc.
3. Hữu quốc chi mẫu [3] khả dĩ trường cửu. Thị vị thâm căn cố đế, trường sinh, cửu thị chi đạo.
Dịch xuôi:
1. Trị người thờ trời, không gì bằng tiết độ.
2. Tiết độ là việc phải lo trước tiên; lo việc ấy trước tiên sẽ tích đức, tích đức cao dày sẽ lướt thắng được mọi sự, sẽ siêu việt. Siêu việt sẽ được nước (Trời).
3. Được căn cơ trời đất, nên có thể trường cửu. Thế cho nên gọi là ăn rễ sâu, mọc rễ chắc, đó là đạo trường sinh cửu thị.
Chương 60:
Phiên âm:
1. Trị đại quốc như phanh tiểu tiên.[1]
2. Dĩ đạo lỵ [2] thiên hạ. Kỳ quỉ bất thần.[3] Phi ký quỉ bất thần, kỳ thần bất thương nhân. Phi kỳ thần bất thương nhân, thánh diệc bất thương nhân. Phù lưỡng bất tương thương, cố đức giao qui yên.
Dịch xuôi:
1. Trị nước như câu cá nhỏ.
2. Lấy Đạo trị thiên hạ, quỉ thần hết linh. Không phải quỉ thần không linh, nhưng quỉ thần không làm hại người. Không phải quỉ thần không làm hại người, mà thánh nhân không làm hại người. Cả hai đều không hại người, nên Đức của họ qui về một chỗ.
Chương 61:
Phiên âm:
1. Đại quốc giả hạ lưu, thiên hạ chi giao, thiên hạ chi tẫn.
2. Tẫn thường dĩ tĩnh thắng mẫu, dĩ tĩnh vi hạ. Cố đại quốc dĩ hạ tiểu quốc, tắc thủ tiểu quốc; tiểu quốc dĩ hạ đại quốc, tắc thủ đại quốc. Cố hoặc hạ dĩ thủ, hoặc hạ nhi thủ. Đại quốc bất quá dục kiêm súc nhân. Tiểu quốc bất quá dục nhập sự nhân. Phù lưỡng giả các đắc kỳ sở dục. Đại giả nghi vi hạ.
Dịch xuôi:
1. Nước lớn mà làm chỗ thấp, sẽ là nơi thiên hạ giao hội, sẽ là giống cái của thiên hạ.
2. Giống cái thường lấy sự tĩnh mà thắng giống đực, lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nếu nước lớn mà hạ mình trước nước nhỏ, thì sẽ thu phục được nước nhỏ; nếu nước nhỏ mà hạ mình trước nước nhớn thời sẽ được lòng nước nhớn. Cho nên hoặc hạ mình để mà chinh phục, hoặc hạ mình để được lòng. Nước lớn chẳng qua là để dưỡng nuôi người, nước nhỏ chẳng qua là để phục vụ người, cả hai đều được như ý thích. Kẻ lớn nên hạ mình.
Chương 62:
Phiên âm:
1. Đạo giả, vạn vật chi áo [1] thiện nhân chi bửu, bất thiện nhân chi sở bảo. [2]
2. Mỹ ngôn khả dĩ thị tôn. Mỹ hạnh khả dĩ gia nhân.[3] Nhân chi bất thiện hà khí chi hữu.
3. Cố lập thiên tử, trí tam công tuy hữu củng bích[4] dĩ tiên tứ mã [5] bất như tọa tiến thử Đạo.[6]
4. Cổ chi sở dĩ quí thử Đạo giả hà? Bất viết: [7] dĩ cầu đắc, hữu tội dĩ miễn da? Cố vi thiên hạ quí dã.
Dịch xuôi:
1. Đạo là bí quyết muôn loài, là châu báu của người lành, là chỗ dựa nương của người bất lương. (Nhờ Đạo) mà có những lời hay việc đẹp (Nhờ Đạo mà những lời hay được tăng giá trị, được trọng vọng; mà những việc đẹp tăng phẩm cách con người). (Nhờ Đạo) mà những kẻ bất lương không bị ruồng rẫy.
2. Cho nên lập thiên tử, lập tam công tuy tay cầm ngọc bích, tuy thân ngồi xe tứ mã, nhưng vẫn không bằng ngồi mà đem Đạo (ấy vào thân mình, và vào người khác).
3. Người xưa quí Đạo là vì sao? Há chẳng có lời rằng: Cầu Đạo thời được, có tội thời được khỏi sao? Cho nên Đạo quí nhất thiên hạ.
Chương 63:
Phiên âm:
1. Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị. Đại tiểu, đa thiểu; báo oán dĩ đức.[1]
2. Đồ nan ư kỳ dị. Vi đại ư kỳ tế. Thiên hạ nan sự tất tác ư dị. Thiên hạ đại sự tất tác ư tế. Thị dĩ thánh nhân chung bất vi kỳ đại. Cố năng thành kỳ đại.
3. Phù khinh nặc, tất quả tín. Đa dị tất đa nan, thị dĩ thánh nhân do nan chi, cố chung vô nan.
Dịch xuôi:
1. Thánh nhân hoạt động lao tác trên bình diện siêu việt. Coi mọi sự đời lớn nhỏ, nhiều ít như nhau, lấy ân báo oán.
2. Làm việc khó từ việc dễ, làm việc lớn từ việc nhỏ. Các việc khó khăn trong thiên hạ, đều do từ việc dễ mà thành. Các việc lớn trong thiên hạ, đều từ việc nhỏ mà nên. Cho nên thánh nhân suốt đời không làm chuyện lớn, mà vẫn nên được chuyện lớn.
3. Những kẻ hứa bừa bãi, sẽ khó giữ được lời. Coi cái gì cũng dễ, sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên thánh nhân xem việc gì cũng là khó, nên cuối cùng không gặp khó.
Chương 64:
Phiên âm:
1. Kỳ an dị trì, kỳ vị triệu dị mưu. Kỳ thúy dị phán,[1] kỳ vi dị tán. Vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn.
2. Hợp bão chi mộc, sinh ư hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi ư lũy thổ. Thiên lý chi hành thủy ư túc hạ.
3. Vi giả bại chi, chấp giả thất chi. Thị dĩ thánh nhân vô vi cố vô bại, vô chấp cố vô thất.
4. Dân chi tùng sự, thường ư cơ [2] thành nhi bại chi. Thận chung như thủy tắc vô bại sự.
5. Thị dĩ, thánh nhân dục bất dục; bất quý nan đắc chi hoá; học bất học, phục chúng nhân chi sở quá. Dĩ phụ [3] vạn vật chi tự nhiên nhi bất cảm vi.
Dịch xuôi:
1. Vật yên dễ cầm, vật chưa phát lộ, dễ lo. Vật mềm mỏng dễ phá; vật nhỏ dễ làm tan. Làm khi chưa hình hiện, trị khi chưa loạn.
2. Cây to một ôm sinh tự gốc nhỏ xíu; đài cao chín tầng khởi từ mô đất; cuộc viễn hành nghìn dặm khởi từ dưới chân.
3. Làm thì hỏng, giữ thì mất. Cho nên thánh nhân không làm nên không hỏng, không giữ nên không mất.
4. Người dân làm việc thường thất bại lúc sắp thành công. Cẩn thận lúc cuối như lúc đầu, nên không hỏng việc.
5. Cho nên thánh nhân muốn cái [mà người ta] không muốn; không chuộng những của cải khó tìm; học cái [mà người ta] không học; cải thiện lỗi lầm của chúng dân để giúp vạn vật sống tự nhiên mà không dám lao tác.
Chương 65:
Phiên âm:
1. Cổ chi thiện vi đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi.[1]
2. Dân chi nan trị, dĩ kỳ trí đa. Cố dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc. Bất dĩ trí trị quốc, quốc chi phúc.
3. Tri thử lưỡng giả diệc khải thức.[2] Thường tri khải thức thị vị huyền đức. Huyền đức thâm hĩ, viễn hĩ, dữ vật phản hĩ. Nhiên hậu nãi chí đại thuận.
Dịch xuôi:
1. Xưa, kẻ khéo thi hành đạo thì không dạy cho dân trở nên xảo trá, mà giữ cho dân sống thuần phác.
2. Dân mà khó trị chính là vì nhiều trí mưu. Cho nên dùng trí trị nước chính là phá nước; không dùng trí trị nước tức là phúc cho nước.
3. Biết hai đường lối đó, có thể lấy đó làm mẫu mực. Luôn biết mẫu mực, thế là huyền đức. Huyền đức thâm viễn, tưởng là ngược với vật nhưng cuối cùng thật là xuôi.
Chương 66:
Phiên âm:
1. Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kỳ thiện hạ chi. Cố năng vi bách cốc vương.
2. Thị dĩ dục thượng dân tất dĩ ngôn hạ chi. Dục tiên dân tất dĩ thân hậu chi. Thị dĩ thánh nhân xử thượng nhi dân bất trọng, xử tiền nhi dân bất hại. Thị dĩ thiên hạ lạc thôi nhi bất yếm, dĩ kỳ bất tranh.
Dịch xuôi:
1. Sông biển sở dĩ làm vua trăm hang suối chính vì khéo ở chỗ thấp, vì thế nên làm vua trăm hang suối.
2. Bởi vậy, muốn ngồi trên dân, ắt phải lấy lời mà hạ mình muốn đứng trước dân, ắt phải để thân mình ra sau. Vậy nên, thánh nhân ở trên dân mà dân không thấy nặng, ở trước dân mà dân không thấy hại. Cho nên thiên hạ thích thôi thúc (cổ võ) mà không chán. Vì không tranh, nên thiên hạ không tranh với mình.
Chương 67:
Phiên âm:
1. Thiên hạ giai vị ngã đại [1] tự bất tiếu. Phù duy đại, cố tự bất tiếu. Nhược tiếu cửu hĩ, kỳ tế dã phù. [2]
2. Ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo chi. Nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên. Từ cố năng dũng; kiệm cố năng quảng; bất cảm vi thiên hạ tiên, cố năng thành khí trưởng.
3. Kim xả từ thả dũng, xả kiệm thả quảng, xả hậu thả tiên, tử hĩ.
4. Phù từ dĩ chiến tắc thắng, dĩ thủ tắc cố. Thiên tương cứu chi, dĩ từ vệ chi.
Dịch xuôi:
1. Thiên hạ cho ta là trọng đại, mặc dầu ta phong thái tầm thường. Cao đại chính là ỏ chỗ vẻ ngoài tầm thường. Còn nhiều kẻ làm ra vẻ quan trọng nhưng chính lại hết sức tầm thường, nhỏ mọn.
2. Ta có ba báu vật, ta hết sức nắm giữ chắt chiu. Một là khoan từ. Hai là tiết kiệm. Ba là không dám đứng trước thiên hạ (coi mình hơn người). Khoan từ nên mới hùng dũng. Tiết kiệm nên mới rộng rãi. Không dám đứng trước người, nên mới được hiển dương.
3. Nay người ta bỏ khoan từ, chạy theo dũng lực; bỏ tiết kiệm chạy theo phung phí; bỏ chỗ sau mà tranh chỗ trước; thế là chết vậy.
4. Lấy khoan từ mà tranh đấu sẽ thắng, mà cố thủ sẽ vững. Trời muốn cứu ai, lấy khoan từ mà bảo vệ cho.
Chương 68:
Phiên âm:
1. Thiện vi sĩ giả bất vũ. Thiện chiến giả bất nộ. Thiện thắng địch giả bất dữ. [1]
2. Thiện dụng nhân giả vi chi hạ. Thị vị bất tranh chi đức. Thị vị dụng nhân chi lực. Thị vị phối Thiên, cổ chi cực.[2]
Dịch xuôi:
1. Tướng giỏi không dùng vũ lực. Người chiến đấu giỏi không giận dữ. Người khéo thắng không giao tranh với địch.
2. Khéo dùng người là hạ mình ở dưới người. Thế gọi là cái đức của không tranh. Thế là dùng sức người. Thế là kết hợp với Trời, cực điểm của người xưa.
Chương 69:
Phiên âm:
1. Dụng binh hữu ngôn, ngô bất cảm vi chủ, nhi vi khách. Bất cảm tiến thốn nhi thoái xích.
2. Thị vị hành vô hành, nhương [1] vô tí, [2] nhưng [3] vô địch, chấp vô binh.
3. Họa mạc đại ư khinh địch, khinh địch cơ táng ngô bảo. Cố kháng binh tương gia. Ai giả thắng hĩ.
Dịch xuôi:
1. Dụng binh có câu: Thà làm khách hơn làm chủ. Chẳng dám tiến một tấc, mà lui một thước.
2. Cho nên thánh nhân chẳng đi mà vẫn đi, đuổi mà không dùng tay, bắt mà không đối địch, cầm giữ mà không binh khí.
3. Không họa nào lớn bằng khinh địch, khinh địch là mất của báu, cho nên khi giao binh, người nào thận trọng từ nhân sẽ thắng.
Chương 70:
Phiên âm:
1. Ngô ngôn thậm dị tri, thậm dị hành. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành.
2. Ngôn hữu tông, sự hữu quân.
3. Phù duy vô tri, thị dĩ ngã bất tri. Tri ngã giả Hi, tắc ngã giả quý. Thị dĩ thánh nhân, bị hạt [1] hoài ngọc.
Dịch xuôi:
1. Lời ta rất dễ biết, rất dễ làm. Thiên hạ chẳng biết chẳng làm.
2. Lời ta có duyên do, việc ta có mấu chốt.
3. Thiên hạ không biết thế, nên không hiểu ta. Ít người hiểu ta, nên ta mới quý. [2] Cho nên thánh nhân mặc áo vải mà chứa ngọc.
Chương 71:
Phiên âm:
1. Tri bất tri thượng, bất tri tri bệnh.[1]
2. Phù duy bệnh bệnh, thị dĩ bất bệnh.
3. Thánh nhân bất bệnh, dĩ kỳ bệnh bệnh, thị dĩ bất bệnh.
Dịch xuôi:
1. Biết điều không biết là cao. Không biết điều đáng biết là bệnh.
2. Biết sợ bệnh, thì không bệnh.
3. Thánh nhân không bệnh, vì biết sợ bệnh, thế nên không bệnh.
Chương 72:
Phiên âm:
1. Dân bất [1] úy uy, tắc đại uy chí.
2. Vô hiệp [2] kỳ sở cư, vô yếm kỳ sở sinh. Phù duy bất yếm, thị dĩ bất yếm.
3. Thị dĩ thánh nhân, tự tri bất tự kiến, tự ái bất tự quý. Cố khứ bỉ, thủ thử. [3]
Dịch xuôi:
1. Dân mà không sợ cái đáng sợ, tất cái sợ lớn sẽ đến.
2. Đừng khinh chỗ mình ở, đừng chán đời sống mình. Vì không chê nên không chán.
3. Cho nên thánh nhân biết mình, và không cầu người biết, yêu mình mà không cần người trọng. Cho nên bỏ cái kia giữ cái này.
Chương 73:
Phiên âm:
1. Dũng ư cảm tắc sát. Dũng ư bất cảm tắc hoạt. Thử lưỡng giả hoặc lợi hoặc hại.
2. Thiên chi sở ố, thục tri kỳ cố. Thị dĩ thánh nhân do nan chi.
3. Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng, bất triệu nhi tự lai, thản nhiên [1] nhi thiện mưu.
4. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất.
Dịch xuôi:
1. Mạnh bạo dám làm là chết, mạnh bạo chẳng dám làm là sống. Hai cái đó, hoặc lợi hoặc hại.
2. Cái mà Trời ghét, ai mà biết được căn do, thánh nhân còn lấy làm khó nữa là.
3. Đạo Trời không tranh mà thành, không nói, mà người hưởng ứng, không mời mà người tự tới, nhẹ nhàng mà công việc vẫn xong xuôi.
4. Lưới Trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt.
Chương 74:
Phiên âm:
1. Dân bất úy tử, nại hà dĩ tử cụ chi? Nhược sử dân thường úy tử, nhi vi kỳ giả, ngô đắc chấp nhi sát chi, thục cảm.
2. Thường hữu tư sát giả sát.
3. Phù đại tư sát giả sát. Thị vị đại đại tượng trác.[1] Phù đại đại tượng trác giả, hi hữu bất thương kỳ thủ hĩ.[2]
Dịch xuôi:
1. Khi dân không sợ chết, làm sao lấy cái chết làm cho họ sợ được.
2. Nếu khiến được dân sợ chết, mà bắt kẻ phạm pháp giết đi, thì còn ai dám phạm pháp nữa.
3. Thường có đấng Tư sát, có quyền giết người.
4. Nay ta lại thay Ngài mà giết, thì có khác nào muốn đẽo gỗ thay thợ mộc đâu? Muốn thay thợ mà đẽo gỗ, khó mà thoát bị thương tật.
Chương 75:
Phiên âm:
1. Dân chi cơ, dĩ kỳ thượng thực thuế chi đa, thị dĩ cơ.
2. Dân chi nan trị, dĩ kỳ thượng chi hữu vi, thị dĩ nan trị.
3. Dân chi khinh tử, dĩ kỳ cầu sinh chi hậu, thị dĩ khinh tử.
4. Phù duy vô dĩ sinh vi giả thị hiền ư quí sinh.
Dịch xuôi:
1. Dân đói, là vì người trên thu thuế nhiều, nên dân mới đói.
2. Dân khó trị, là vì người trên dở dói lôi thôi, vì thế nên khó trị.
3. Dân coi thường cái chết, chính là vì muốn sống cho rồi rào hậu hĩ, nên mới khinh chết.
4. Người sống đơn sơ hay hơn người sống cầu kỳ.
Chương 76:
Phiên âm:
1. Nhân chi sinh dã nhu nhược, kỳ tử dã kiên cường.
2. Vạn vật thảo mộc chi sinh dã nhu thúy [1] kỳ tử dã khô cảo. [2]
3. Cố kiên cường giả tử chi đồ, nhu nhược giả sinh chi đồ.
4. Thị dĩ binh cường tắc bất thắng, mộc cường tắc chiết.
5. Cố kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng.
Dịch xuôi:
1. Con người khi mới sinh thì mềm mại, mà khi chết thời cứng cỏi.
2. Vạn vật cỏ cây, khi mới sinh thì mềm mại, đến khi chết thì khô héo.
3. Cho nên cứng cỏi thời chết, mềm mại thời sống.
4. Cho nên binh mạnh sẽ không thắng, cây mạnh sẽ bị chặt.
5. Cho nên cứng cỏi thời kém, mềm mại thời hơn.
Chương 77:
Phiên âm:
1. Thiên chi Đạo, kỳ do trương cung dư? Cao giả ức chi, hạ giả cử chi, hữu dư giả tổn chi, bất túc giả bổ chi. Thiên chi Đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc.
2. Nhân chi đạo tắc bất nhiên, tổn bất túc nhi phụng hữu dư. Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ? Duy hữu đạo giả.
3. Thị dĩ thánh nhân, vi nhi bất thị. Công thành nhi bất xử, kỳ bất dục kiến hiền.
Dịch xuôi:
1. Đạo Trời như dương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo Trời bớt dư bù thiếu.
2. Đạo người chẳng vậy, bớt thiếu bù dư. Ai đem chỗ dư bù đắp cho thiên hạ? Phải chăng chỉ có người có Đạo?
3. Cho nên thánh nhân làm mà không cậy công. Công thành không ở lại; không muốn ai thấy tài mình.
Chương 78:
Phiên âm:
1. Thiên hạ nhu nhược mạc quá ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ dịch chi.[1]
2. Nhu thắng cương, nhược thắng cường. Thiên hạ mạc bất tri,[2] mạc năng hành.
3. Thị dĩ thánh nhân vân: Thụ quốc chi cấu, năng vi xã tắc chủ. Thụ quốc bất tường, năng vi thiên hạ vương. Chính ngôn nhược phản.
Dịch xuôi:
1. Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó.
2. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được.
3. Cho nên thánh nhân nói: «Dám nhận lấy nhơ nhuốc của quốc gia, mới có thể làm chủ xã tắc, ai dám gánh chịu tai họa của quốc gia, mới có thể làm vua thiên hạ.» Lời ngay nghe trái tai.
Chương 79:
Phiên âm:
1. Hòa đại oán, tất hữu dư oán. An khả dĩ vi thiện.
2. Thị dĩ thánh nhân, chấp tả khế nhi bất trách ư nhân.
3. Hữu đức tư khế, vô đức tư triệt.
4. Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân.
Dịch xuôi:
1. Hòa được oán lớn, vẫn còn oán thừa, như thế sao gọi là phải được.
2. Cho nên thánh nhân cầm tờ khế ước bên trái, mà không trách người.
3. Kẻ có đức thì thích cho người. Kẻ vô đức thì thích đòi người.
4. Thiên đạo không thân ai, mà thường gia ân cho người lành.
Chương 80:
Phiên âm:
1. Tiểu quốc quả dân, sử hữu thập bá chi khí [1] nhi bất dụng.
2. Sử dân trọng tử nhi bất viễn tỉ. Tuy hữu chu dư vô sở thừa chi.
3. Tuy hữu giáp binh, vô sở trần chi.
4. Sử dân phục kết thằng nhi dụng chi.
5. Cam kỳ thực, mỹ kỳ phục, an kỳ cư, lạc kỳ tục.
6. Lân quốc tương vọng. Kê khuyển chi thanh tương văn. Dân chí lão tử, bất tương vãng lai.
Dịch xuôi:
1. Nước nhỏ, dân ít, dù có ít nhiều tôi giỏi, nhưng chưa cần dùng đến.
2. Dạy dân sợ chết, đừng đi xa. Tuy có xe thuyền, mà chẳng khi dùng.
3. Tuy có giáp binh, mà chẳng phô trương.
4. Khiến dân trở lại thắt nút mà dùng.
5. Ăn cho là ngon, mặc cho là đẹp, ở cho là yên, sống cho là sướng.
6. Nước gần, thấy nhau, gà kêu chó cắn đều nghe, dân đến già chết chẳng lui tới nhau.
Chương 81:
Phiên âm:
1. Tín ngôn bất mỹ. Mỹ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện. Biện giả bất thiện. Tri giả bất bác, bác giả bất tri.
2. Thánh nhân bất tích. Ký dĩ vi nhân, kỷ dũ hữu. Ký dĩ dữ nhân, kỷ dũ đa. Thiên chi đạo, lợi nhi bất hại. Thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh.
Dịch xuôi:
1. Lời chân thành không hoa mỹ. Lời hoa mỹ không chân thành. Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết.
2. Thánh nhân không tích trữ. Càng vì người, mình càng có. Càng cho người mình càng thêm nhiều. Đạo trời lợi mà không hại. Đạo thánh nhân làm mà không tranh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top