ĐẠO ĐỨC
Thằng bê đê.
Đó là cách xã hội xung quanh gọi nó. Từ khi nó chấp nhận được trở thành con người mà nó luôn mong muốn, người ta gọi nó là thế. Ban đầu nó ghét lắm cơ, vì theo những gì nó biết thì từ "bê đê" đó bắt nguồn từ một cách gọi miệt thị. Lúc đó hễ ai mà gọi nó như thế là nó chẳng chịu để yên đâu. Nó chửi dữ lắm, mà theo dân gian gọi là "chửi tắt bếp" ấy chứ. Rồi sau này, khi nó hiểu rằng, người ta gọi nó như vậy chỉ vì đó là từ thông dụng, và người ta không biết từ nào khác để gọi nó, nên nó cũng đành nhắm mắt chấp nhận đại. Giờ nó không còn tức giận khi người ta nhìn nó bằng ánh mắt lạ lẫm và gọi nó là bê đê nữa. Nó không còn tức giận, nó chỉ thấy buồn buồn trong lòng thôi.
Buổi chiều, nó ngồi thu mình trong góc phòng trọ, ôm cuốn truyện tranh cũ mà đọc lấy đọc để, mặc dù nó gần như thuộc lòng từng tình tiết, lời thoại, cả trong mỗi khung tranh của truyện có gì luôn rồi. Nó vẫn rơi nước mắt khi đọc tới cảnh cậu bé trong truyện bị người ta nhìn với ánh mắt khinh rẻ. "Khi người ta ghét một người và không chấp nhận sự tồn tại của người đó, thì ánh mắt của họ sẽ lạnh lùng... và làm cho người ta sợ hãi"(*). Câu nói của nhân vật Hokage sao đúng quá. Nó sợ hãi cách nhìn soi mói, khinh miệt của người đời dành cho nó. Và nó khóc, khi đọc được cảnh người thầy công nhận giá trị bản thân của nhân vật chính, trong lòng ganh tị với cậu bé ấy, và thầm mong trong cuộc đời mình cũng sẽ có ai đó như thầy ấy. Cảm giác ấy ra sao nhỉ? Nó thật sự thèm khát.
Tiếng đồng hồ báo thức reo lên trong phòng. Nó đóng cuốn truyện lại, đứng lên thay quần áo, chuẩn bị cho cuộc mưu sinh. Sự kỳ thị của người đời, nó xem như là cái giá phải trả để có thể được là chính mình.
......
"Cuộc đời em đau thương số phận thật là buồn... vì mang kiếp người lạc loài. Sâu chẳng ra sâu, bướm nào phải bướm. Miệng đời sao độc ác còn mai mỉa khinh khi..."(**)
Nhạc xập xình phát ra từ hai dàn loa. Người đánh đàn khép hờ đôi mắt, thả hồn theo tiếng nhạc, từng ngón tay nhảy múa trên phím đàn. Những lời ca vang lên từ miệng nó, mà chẳng ai buồn để ý tới nội dung. Mọi người vẫn đang nâng ly, chúc tụng nhau bằng nhiều từ ngữ hoa mỹ nhất mà thật sự không biết đối tượng có hiểu được không vì tiếng nhạc đã át gần như hết mọi âm thanh khác trong bữa tiệc. Nó cũng không quan tâm lắm, chỉ đơn giản là nó sẽ hát, hát vì hợp đồng với chủ tiệc, hát vì phục vụ mua vui cho khách, hát cho số phận cuộc đời mình. Nó làm điệu, cười tươi và ra bộ khêu gợi khi khách đến trêu chọc nó, sờ mó mông và ngực nó. Thi thoảng nó lại vén cái áo ngực ra để mấy ông khách nồng nặc mùi rượu kia nhét tí tiền boa vào. Rồi nó hát, nó nhảy múa đến khuya trong tiếng cười sằng sặc, tiếng vỗ tay và phấn khích của mọi người. Ừ, mặc kệ họ nghĩ gì, chỉ cần nó thấy vui vì đã mang niềm vui đến cho người khác, và nó có tiền để trang trải cuộc sống, thực hiện ước mơ của mình, thế là đủ.
Một ngày làm việc kết thúc, nó trở về phòng trọ cùng với những đứa bạn. Nó tắm rửa, thay quần áo, nói chuyện phiếm này nọ với bạn bè. Nó nghe nói có nhiều nhân vật nào đó trên mạng phát biểu cách nhìn nhận về những người như tụi nó. Họ bảo đó là một thứ bệnh hoạn, nào là sinh ra thế nào thì chịu thế ấy đi, nào là trái với tự nhiên, nào là cứ kiểu này thì nhân loại tuyệt chủng... Nó cười khẩy, bảo là tụi bạn thật đâm hơi. Kiểu nói chuyện ấy tụi nó nghe cũng nhiều rồi, riết rồi bỏ ngoài tai. "Họ nghĩ gì kệ họ, miễn sao những gì tụi mình làm không gây hại cho ai cả" – Nó nói. Một đứa đùa, "có hại đó mày, tụi mình làm họ phải nát óc, đến mức ăn cơm không ngon, ngủ không yên giấc chỉ vì phải suy nghĩ cho cuộc đời của tụi mình đó, mà trong khi tụi mình thì còn chả cần họ suy nghĩ giùm làm chi". Cả bọn lại cười đùa về cái sự "rảnh" của người đời, và rồi chui vào chăn để ngủ, kết thúc một ngày mệt mỏi. Nằm trong chăn, nó nhìn lên trần nhà, tự nói với mình rằng, nó kiến tiền bằng chính sức lao động của mình, không cưỡng đoạt của ai, không lừa gạt ai để lấy tiền cả. Nó không có gì phải xấu hổ. Nó tự hào vì mình còn hơn rất nhiều những kẻ sỉ nhục nó hàng ngày. Rồi nó cũng mau chóng bỏ quên cái thực tại này, chìm vào giấc mơ đẹp, nơi mà nó tự do làm những gì mình thích, nơi mà nó luôn được yêu thương...
...
Hôm nay nó thấy may mắn vì mình lại có thêm một show diễn. Người thuê nó là con của một ông cụ ở xóm trên vừa mới qua đời. Nó nghiêm túc, gật đầu và rất lễ phép, kiên nhẫn ngồi nghe hết câu chuyện kéo dài từ Nam ra Bắc của chủ thuê. Nó không hiểu những câu nói hàm ý sâu xa của ông chủ. Nó chỉ cần hiểu là họ muốn có một đám tang thật hoành tráng, không đụng hàng, để cho ai cũng phải nể họ. Nhóm nó nhận làm, như thường lệ.
Đúng giờ hẹn, nhóm của nó lại tới. Vẫn những gương mặt thân thiết với nhau, vẫn những "cô" ca sĩ, những "chị" vũ công và "anh" đánh đàn quen thuộc. Nó cúi chào nhà sư trong khi ông được chủ nhà mời ra bàn uống trà nghỉ ngơi sau cả giờ tụng kinh cầu siêu. Rồi nó cùng bạn bè mình bước lên chỗ đặt linh cữu, trước mặt khung hình của người quá cố. Ông cụ trông rất phúc hậu, với nụ cười hiền từ, làm nó nhớ đến ông nội của nó ngày xưa. "Hẳn ông đã có một cuộc đời thật hạnh phúc, ông nhỉ?", nó khấn vái với que nhang đỏ rực trên tay. Cạnh bên linh cữu là 5-6 người đầu chít khăn tang khóc lóc vật vã nghe xé lòng. Người ta bảo con cái nhà này thương ông cụ quá, khóc thảm thương thế cơ mà. Thật ra, nó biết mặt hết những người đó. Nó biết họ không phải con cháu của ông cụ. Nó biết họ là ai, và họ đang làm gì. Và nó cũng biết, họ cũng đang dùng cách của họ để ngầm gửi gắm vào đó ý nguyện tiễn đưa linh hồn của ông cụ, khóc thật sự, khóc bằng chính tấm lòng của mình.
Sau khi cắm que nhang vào lư hương, nó cùng bạn bè ra sân để chuẩn bị cho buổi diễn gần kề. Con cháu trong nhà, hàng xóm, bà con, người thân đến đưa tang cũng tập trung dần dần ra sân trước của nhà để hóng hớt và xì xầm bàn tán. Trong khi đang bận tay chỉnh chu lại trang phục, nó tình cờ nghe được những gì người ta nói về tụi nó. Trong số đó, có một vài người bảo tụi nó là loại không ra gì, đến nhảy múa ầm ầm trong đám tang người ta, làm cho không khí đám tang chẳng ra thể thống gì nữa. Người ta chỉa mũi gươm dư luận vào tụi nó, đổ hết những trách nhiệm xã hội gì đó lên đầu tụi nó, những thứ suy đồi làm đảo lộn đám tang truyền thống cũng là tụi nó... Cũng như bao lần, nó để mọi thứ hòa lẫn đi hết vào không khí, để tập trung cho công việc của nó. Nó mặc kệ người đời. Nó đứng lên, đi ra giữa sân khấu, cầm chiếc micro lên. Đây là cách để nó thể hiện sự tôn trọng đối với người đã khuất. "Ông ơi, con xin hát tặng ông bài hát này để đưa tiễn ông. Chúc ông có cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia" – nó lầm bầm – "Chúng con sẽ dùng những bài hát và điệu nhảy của mình để giúp họ vơi đi nỗi buồn khi mất ông, vui vẻ sống tiếp cuộc đời. Có thể họ sẽ không hiểu được ý nghĩa của việc tụi con làm, có thể họ dèm pha về đạo đức của tụi con, nhưng cũng chẳng sao đâu. Ông hãy yên nghỉ, ông nhé".
"Chiều về thăm quê thăm nội tóc đã bạc phơ. Lòng chợt bâng khuâng nội ơi con đã trở về"(***)... Tiếng hát nó lại cất lên, hòa theo tiếng nhạc êm đềm từ những ngón tay ảo thuật trên phím đàn của người bạn, "khóc" cho người đã khuất, "mua vui" cho người còn sống. Nó gửi gắm hết niềm yêu thương đến cho ông cụ, đến cho từng vị khách đang nhìn lên nó, lòng chợt hạnh phúc...
...
Một ngày chiều thu, người ta lại thấy nó hát bài ca sinh nhật trên sân khấu. Nó vẫn ở đấy, nó vẫn là nó, và vẫn mang trong lòng những ước mơ đẹp không hề thay đổi.
(*)Trích tập 1 truyện Naruto, tác giả Masashi Kishimoto.
(**)Trích lời bài hát Thân sâu hồn bướm, ca sĩ Ái Xuân.
(***)Trích lời bài hát Nội tôi, ca sĩ Đan Trường.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top