Phần II _ 1. Giàn hoa giấy
Màu nắng hay là màu mắt em?
Mùa thu đưa tay cho tay mềm
Chiều in nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mưa bay lên
Lùa nắng cho buồn vào mắt em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng đi vào trong mắt em...
.
.
Cánh đồng cỏ non dài bất tận, bạt ngàn. Trên đầu là trời trong vắt không có lấy một đám mây. Mặt trời gay gắt, chiếu xuống tia nắng bỏng rát tay. Xung quanh đồng không mông quạnh, không có lấy một bóng người.
Đây là đâu?
Ánh nắng mặt trời gắt đến nỗi khiến anh bất giác nheo mắt. Trước mắt anh là một nơi nào đó, có lẽ là lạ, hoặc nhìn cũng có chút quen. Dù chẳng rõ đây là đâu, anh vẫn đi, vẫn bước, vẫn tiến về một hướng vô định nào đó mà anh không hay. Mùi nhựa và tiếng cỏ lao xao dưới chân thoáng qua đâu đây.
Anh đi, đi mải miết không ngừng nghỉ. Mồ hôi chảy thành dòng, nắng đến rát cả mái đầu. Chỉ cho đến khi có tiếng người gọi, anh mới dừng việc lao mình về phía nơi vô định.
"Cậu Tuấn!"
Anh quay đằng sau, nhìn về đằng ấy. Lại là em, hai người lại gặp nhau.
Vẫn cô gái ấy. Đôi mắt tròn thơ ngây, trong veo. Nụ cười rạng rỡ tựa ban mai. Tóc ngả nâu nhẹ, được thắt gọn gàng.
Gương mặt yêu kiều, giọng nói thanh thoát, nét mặt thoáng cười hạnh phúc. Những đường nét trên gương mặt em hiện lên nhạt nhòa dưới cái nắng giữa hè. Hoặc do anh nheo mắt vì nắng nên trông thấy như vậy, hoặc anh sắp quên mất gương mặt ấy rồi. Mái tóc hương hoa nhài nhè nhẹ, xen lẫn chút mùi nắng cháy. Mùi hương quen thuộc đó phất phảng ngay bên mũi anh.
Cô gái ấy là nỗi đau đớn anh luôn giấu trong tim. Đã một lần nữa ghé thăm để giày xéo lên trái tim này.
Hiểu Phương vẫn đứng tại chỗ. Cô vẫy gọi anh thêm một lần nữa:
"Cậu Tuấn, mình đi thôi. Anh mau lên chứ!"
Anh đứng im, lần này anh không đi theo. Cô đã giết chết trái tim anh không biết bao nhiêu lần, anh không muốn tiếp tục đau đớn như thế.
Cô gái ấy không có dao trên tay hay là súng, càng không phải quái vật ăn thịt người. Cô chẳng có gì gọi là nguy hiểm cả. Nhưng bằng sự xuất hiện của mình, cô vẫn giết được anh, giết chết trái tim ngờ nghệch, giết chết tâm hồn khờ dại của anh. Giết chết chúng, cả trăm, cả ngàn lần.
Bên tai vẫn nghe tiếng ve, tiếng ếch nhái, tiếng dế kêu hỗn tạp. Mũi vẫn ngửi thấy mùi nhựa cỏ, mùn đất. Thoang thoáng đâu đó vẫn có giọng nói của Hiểu Phương, một câu nói xa lạ nhưng anh đã nghe thấy chúng cả trăm lần trong mơ...
"... Chúng mình đừng bao giờ rời xa nhau nữa được không..."
Bỗng anh giật mình, thấy chân mình như vừa hụt vào hố sâu.
Anh đột ngột mở mắt, thức giấc.
Đồng hồ chỉ điểm ba giờ rưỡi sáng, sang ngày mới rồi. 3 giờ 34 phút, ngày 14 tháng 12 năm 1966.
Anh thức dậy với vầng trán ướt mồ hôi, và gương mặt đầm đìa nước mắt.
Tất cả những gì thân thuộc đã xảy ra vào những ngày tuyệt đẹp đó, một lần nữa, chúng đưa dẫn anh về miền ký ức xa xôi, về một mùa hè không bao giờ quay trở lại.
Hình ảnh về mùa hè năm đó đã đi thật xa, anh chỉ có thể tìm thấy những ngày tươi đẹp đó trong giấc mơ. Anh chợt nhận ra, cái hạnh phúc ngắn ngủi đó chỉ là một giấc mơ kỳ ảo về một mùa hè xa lạ đã qua.
Bốn giờ sáng, anh giật mình, thức giấc với cả cơ thể rã rời và trái tim đã tan nát từ tối qua.
Cậu Tuấn lau nước mắt, sống mũi vẫn cay xè. Anh vén chăn gọn sang một góc, bước chân xuống giường, loay hoay mò mẫm tìm đôi dép đi trong nhà.
_ _ _
Đôi dép đây rồi...!
Tôi xỏ dép, mở cửa phòng, đi xuống nhà.
Căn nhà im lìm, vắng hoe. Có lẽ bố tôi đang ngủ, hoặc ông đang ở doanh trại. Ở đâu cũng vậy thôi, căn nhà này có hai người sống, giúp việc đến làm việc theo giờ nhưng vẫn luôn như chỉ có một mình tôi.
Tôi vào phòng ăn, bật bếp và đun một nồi nước nóng. Chắc chắn tôi sẽ không thể tiếp tục giấc ngủ dở nữa, cho nên tôi cần phải có cà phê, sáng mai tôi vẫn phải đến trường sĩ quan.
Uể oải và cẩu thả làm qua loa một lúc, cốc cà phê của tôi cũng xong. Ngồi bên lò sưởi nhâm nhi cà phê, mắt hướng nhìn ra trận tuyết bên ngoài cửa sổ vào bốn giờ sáng, tôi thấy lòng mình trống rỗng. Mười ngày nữa là đến cái Giáng Sinh thứ hai kể từ khi tôi xa Hiểu Phương.
Cà phê nóng ấm, không bỏ đường. Nhạt thếch và có vị đắng.
Tôi là kẻ dễ dãi trong chuyện vặt vãnh như ăn uống, ăn mặc, ngủ nghỉ. Tôi có thể ngủ trong rừng, ngủ trên băng ghế cứng ngắt, cũng có thể ăn cái miếng sandwich nướng hỏng khô cong queo và uống nước lã qua ngày. Đó là một bản tính mà môi trường quân đội đã dạy tôi: không kén chọn. Còn có cái mặc, còn chỗ mà tựa lưng, còn cái để bỏ miệng đã là một điều may mắn nơi chiến trường mưa đạn, máu đổ.
Tôi có thể uống cốc cà phê nhạt nhẽo này một cách ngon lành, không phán xét, không đòi hỏi hơn. Nhưng thật lòng nói, chúng chẳng ngon đâu. Tôi nhớ món cà phê phin đậm đà cùng sữa đặc trong cái ca nhôm ở Hà Nội. Tôi rất nhớ thành phố đặc biệt ấy.
Hơn hết, có lẽ cà phê là phụ, tôi nhớ người từng ngồi cùng tôi uống nó hơn.
Hiểu Phương, Phạm Hiểu Phương.
Một năm sáu tháng sắp trôi qua kể từ lần cuối tôi gặp Hiểu Phương. Kỳ lạ, đã lâu như vậy mà tôi chưa thể ngừng ám ảnh về quãng thời gian ở Hà Nội, ở bên cạnh cô gái đó suốt ba tháng. Những ký ức bên nhau năm ấy lúc nào cũng luẩn quẩn quanh tâm trí như thể muốn tôi đừng quên chúng, muốn tôi tiếp tục đau khổ và dằn vặt sống.
Nếu như dựa vào những lời em nói với tôi trước khi chia xa, giờ này chắc em đang dạo bước trên những con đường phủ đầy tuyết trắng ở Moskva. Có thể em đang đi qua mùa đông khắc nghiệt xứ Âu đó cùng cuộc sống hạnh phúc với bạn đời. Có thể em vẫn giữ thói quen đọc sách báo, vẫn mê hát ca và có thể em đã học lại cách chơi violin.
Tôi không biết gì về em, không biết cuộc sống em đang diễn ra như nào. Tất cả những điều trên là tôi tự vẽ nên, tưởng tượng ra cuộc sống của cô gái tôi yêu sau khi em kết hôn. Có thể nó là thật, hoặc không phải. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, tôi cũng chẳng biết được cuộc đời em đang diễn ra như nào hay trải qua gì. Ngay tại lúc này và cả tương lai, có lẽ tôi vĩnh viễn sẽ không bao giờ biết được.
Thế giới này quá lớn để có thể vô tình gặp lại Hiểu Phương một lần nữa. Cho dù tôi có lặn lội đến Moskva tìm kiếm, vẫn sẽ không thể nào có được cơ hội tương phùng thứ hai giữa chúng tôi.
Trong suốt hơn một năm qua, tôi luôn cố gắng quên em, tự nhủ với bản thân học cách buông bỏ. Tôi sẽ quên em đi. Tôi cố gắng gạt em ra khỏi đầu. Nhiều khi không còn nghĩ về Hiểu Phương, tôi tưởng tôi đã vượt qua được ám ảnh ấy, sống tốt quãng đời còn lại và chấp nhận thực tại. Nhưng cuối cùng, khi tôi đi ngủ để thấy nhẹ lòng hơn, em lại ghé thăm trong giấc mơ và khiến tôi phát điên khi thức giấc.
Đã nhiều lần như thế, đâu chỉ mỗi hôm nay. Tôi chẳng muốn trách Hiểu Phương, việc tôi có tình cảm với em đâu phải lỗi của em. Cho dù là có còn thương nhớ hay đã lãng quên nhau, tôi chỉ mong không bao giờ lệ hoen bờ mi em một lần nữa. Ngay cả khi đã chia xa từ rất lâu, tôi vẫn thầm mong cầu, vẫn chúc phúc cho Hiểu Phương hàng vạn điều tốt đẹp, mong cho em lúc nào cũng luôn vui vẻ và mỉm cười thật tươi như mặt trời toả nắng.
Liệu giờ, không biết em có đang hạnh phúc như thế không nhỉ?
Cà phê trong cốc sắp hết. Dòng suy nghĩ vừa lướt qua khiến sống mũi lại hơi cay. Đắng. Cà phê đắng thật đấy!
Dù là bây giờ hay trước đây, sau khi rời khỏi Hà Nội, tôi vẫn luôn không ngừng nghĩ về Hiểu Phương kể từ ngày đó. Tôi đã cố chủ động quên đi tất cả, ấy thế mà gương mặt em vẫn cứ len lỏi vào những đêm tôi đơn độc và mệt mỏi rã rời. Tâm trí tôi không có cách nào chống chế những kỷ niệm đó, để chúng xâm nhập vào như một loại vi-rút ăn mòn, ăn mòn linh hồn, thể xác.
Tôi thật sự rất nhớ Hiểu Phương. Mỗi ngày ngủ dậy đều nghĩ xem bản thân phải làm gì để có thể sống qua nỗi nhung nhớ ấy. Mỗi một lần mở mắt thức giấc, là một lần trạng thái trống rỗng và đau đớn tìm về nơi trái tim khiến nó co thắt liên hồi. Tôi đau đến mức phải ôm lấy ngực, cố xoa dịu trấn an chính mình. Đến nay, thời gian trôi đi, tôi đã dần khá hơn. Hồi mới trở về Mỹ, tình trạng của tôi mới thật sự tệ hại, đặc biệt là về mặt tâm lý.
Hè năm ngoái, sau khi rời Hà Nội, đáng lý tôi sẽ sống với ông bà tại San Francisco để có một kỳ nghỉ hè tươi đẹp và chuẩn bị kết thúc hành trình nghỉ phép tận hai năm một cách hoành tráng. Tôi có thể tự hào kể những điều tôi đã làm trong hai năm ấy: đi Anh, ghé thăm Pháp, ở Nhật một thời gian, qua hỏi thăm Khải hồi hắn còn ở Liên Xô và cuối cùng là Việt Nam. Trước đây, hồi chưa nghỉ phép hai năm, tôi từng công tác ở Sài Gòn vài ngày. Thật tình tôi chỉ muốn ở Hà Nội vài tuần cho biết, xem có giống như cộng sản Liên Xô không. Và sau khi Khải đến Hà Nội, tôi sẽ đi Sài Gòn luôn. Sài Gòn - hòn ngọc viễn đông, chơi bời nhảy nhót ở đây trước khi về Mỹ thì sướng phải biết. Tôi đã dự định như thế với kế hoạch ở Việt Nam ba tháng, nhưng cuối cùng, tôi lại dành cả ba tháng ấy ở Hà Nội bởi vì có thứ quan trọng hơn cả chơi bời đã ngáng kế hoạch của tôi. Thứ mà quý giá, đẹp đẽ hơn cả "hòn ngọc viễn đông".
Trở về Mỹ sau ba tháng ở Việt Nam, tôi lại chẳng ở San Francisco. Tôi từng có dự định chơi bời ở Nam California. Quậy phá, vui vẻ, say xỉn, nhạc nhẽo, nhảy nhót, tán tỉnh vui đùa với vài cô em xinh đẹp. Những kế hoạch đã từng ấp ủ của tôi, cuối cùng vẫn không thực hiện nổi một điều. Từ ngày rời mảnh đất ấy, xa con người ấy, tôi không thể nào hạnh phúc hay mỉm cười được. Hay dễ hiểu hơn, tôi sẽ không bao giờ tìm được bản thân của quá khứ. Tôi trước và sau khi gặp người ấy đã là hai con người hoàn toàn khác biệt.
Tôi đã sống như một cái xác, ủ dột và lầm lỳ. Mộng tường được ở bên cô gái mình thương suốt đời đã nhấn chìm tôi như dòng nước xoáy, chảy cuộn dữ dội trên con sông.
Đến mùa cây thay lá, tôi rời miền Nam nước Mỹ, trở về căn nhà chung sống với bố ở New York. Tôi không mấy bất ngờ trước phản ứng của bố tôi - quý ngài đại tá Lục quân Hoa Kỳ Eugene Choi. Sau hai năm không nhìn thấy con trai, ông không hỏi han, cũng chẳng xúc động. Ông chỉ nhìn tôi một cái, rồi quay lại đọc tờ báo trên tay, chào tôi bằng một câu mỉa mai:
"Sao về rồi, tao còn tưởng mày chết ngắc ngoải ở đâu đó. Tiêu hết tiền rồi chứ? Trông mày thế kia, trông có như đám nghiện cần không?"
Tôi không đáp lời, liếc ông một cái, thở dài và đi lên tầng. Tôi đã lớn lên cùng những lời sỉ vả, lời nói không mấy đẹp đẽ như vậy nên không bất ngờ mấy. Căn phòng ngủ bên trái vốn là phòng dành cho tôi nhưng sao trông thật lạ lùng và trống trải. Tôi ở đây chả được mấy ngày. Tôi và bố đến Newyork sau khi tôi tốt nghiệp trung học. Sau đó, tôi đi học nội trú tại trường Lục quân suốt mấy năm. Học xong tiếp tục công tác trong quân đội. Vậy nên tôi không ở nhà nhiều, mà nếu có cơ hội về, tôi cũng hạn chế. Mối quan hệ giữa tôi và bố đâu có tốt đẹp gì.
Về nhà sau một chuyến đi dài, tôi vẫn không ở được lâu. Được vài tuần, tôi tiếp tục trốn đi nơi khác, để trốn tránh cảm xúc, thực tại của bản thân.
Tôi rời bỏ Newyork một lần nữa.
Tôi trở lại Washington D.C, thành phố nơi hai bố con sống khi tôi học trung học.
Thời trung học, tôi có kha khá bạn bè. Chúng tôi học ở trường tổng hợp, hay gọi trường đa chủng tộc. Nghe cái tên hài thật chứ, đa chủng tộc? Ngôi trường ấy thậm chí không có đến một người da trắng!
Ở nơi này, tôi không bị phân biệt chủng tộc và đã gặp gỡ được những người rất tuyệt vời. Trường đa chủng là một môi trường mà học sinh bỏ học hay có "xích mích" xảy ra thường nhật. Cũng dễ hiểu, bọn họ là những người bình thường đã sống một cuộc đời đau khổ, tăm tối vì sự bất công, định kiến xã hội và một phần bởi tại những bước đi mới của thời đại đang diễn ra. Dù vậy, một khi nhóm đã kết bạn kết bè thì sẽ vô cùng đoàn kết, sát cánh bảo vệ nhau. Tôi có một người bạn da màu thân thiết đã chơi cùng khi đi học - Michael. Michael có ngoại hình cao to hơn tôi hẳn, dù vậy tôi vẫn thấy hắn hiền khô, một gã da màu hài hước và tử tế. Ngày tôi trở lại Washington D.C, tôi đã gặp lại Micheal sau hai năm biến mất. Không riêng Micheal, bất cứ ai tôi quen ở đất Mỹ cũng đã không gặp tôi trong hai năm vừa qua.
Người anh em cũ của tôi chẳng thay đổi mấy so với lần cuối gặp, trừ việc hai bắp tay đã có vài vết mực xăm. Còn lại thì không khác gì trước, hắn vẫn lịch sự, ấm áp và có những câu đùa khéo khiến người ta bật cười.
Rồi, hắn kể tôi những câu chuyện đang xảy ra ở Washington.
Washington DC, một thủ đô chính trị quan trọng của Hoa Kỳ và cả thế giới. Nhà Trắng, lầu Năm góc,... rất nhiều cơ quan đầu não đặt trụ sở nơi này. Bạo loạn chính trị xảy ra liên hồi. Số cuộc biểu tình đếm không xuể.
Và Michael nói hắn là một trong những người của hội biểu tình đấu tranh cho người da màu và chiến tranh. Hắn không muốn tham gia giết người. Mặc cho nhiều lần người ta tìm đến tận nhà bảo mẹ bắt hắn nhập ngũ.
Chiến tranh. Khốn nạn! Chiến tranh Việt Nam. Đó là thứ ngăn cách một đất nước làm hai. Khiến cho dân họ thù hận Hoa Kỳ đã giết dân, giết người vô tội vì chiến tranh bất nghĩa, ép những người không có cuộc đời liên quan gì tới đối phương phải chém giết nhau.
Hơn nữa, cuộc chiến tranh này khiến cho em thù hận tôi. Vì chúng ta sinh ra ở hai phe khác nhau. Vì tôi là người Mỹ, còn em là cô gái Cộng Sản - yêu nước như yêu chính mình.
Khiến cho tôi bỏ lỡ mất em. Mối lương duyên dang dở. Cả đời không thể nào gặp lại.
Đó là lần đầu tiên tôi tham gia biểu tình, bạo loạn. Vốn trước giờ tôi không bao giờ quan tâm những việc này, vậy mà giờ cao hứng tham gia biểu tình vì chúng. Tôi bất ngờ khi thấy cũng có nhiều người phản đối cuộc chiến này, họ cũng là sinh viên, họ cũng có suy nghĩ giống Michael, giống tôi. Tôi đã nghe kể có một người đàn ông thậm chí đã tự thiêu ngay trước Lầu Năm Góc. Quả là Hoa Kỳ đang lãng phí và phạm sai lầm khi góp phần tạo nên cuộc chiến này.
Tôi có bệnh hơi bao đồng, nhưng ở mức độ có thể chấp nhận được. Tôi không thích tọc mạch quá mức khiến người ta khó chịu nhưng vẫn luôn quan tâm, để ý kỹ đến bạn bè, người thân xung quanh. Còn việc ngoài xã hội thì không, tôi không quan tâm nhiều đến thế. Ai đang làm tổng thống, ai đang tranh cử thị trưởng, chuyện gì đã xảy ra, đang có chuyện bất công gì... tôi đều không quá mức để tâm - tất cả chỉ dừng lại ở từ có biết, có nghe qua. Và tôi cứ sống đúng như một người bình thường, chuẩn mực xã hội, chuẩn mực công dân Hoa Kỳ như bao người khác.
Tôi muốn sống một cuộc đời bình lặng. Như chú cá chỉ sống trong cái bể thuỷ tinh của mình. Cuộc sống là vòng lặp các hoạt động sinh hoạt, trao đổi chất.
Nhưng sau đó, tôi đã phải học Lục quân, theo ý của bố.
Tôi ghét đánh đấm nhất trần đời. Tôi chỉ muốn một cuộc đời yên bình. Nên ngay từ giây phút bắt đầu học tại Lục quân, cuộc đời tôi đã thay đổi và bị đảo lộn. Tôi không muốn sống một cuộc đời do người khác quyết định, tôi không có ý định kết hôn và lập gia đình. Nhưng cũng như việc học Lục quân, tôi đã làm tất cả theo ý bố tôi. Dường như tôi đã đánh mất chính bản thân mình, tự ép buộc mình làm điều mình không thích, dù không muốn kết hôn và hẹn hò vẫn cố làm theo cho đúng ý bố. Bố, bố, bố. Tất cả là để bố tự hào và không mất mặt. Tôi phát điên lên vì ông. Cuối cùng, tôi chấp nhận rằng dù tôi có chết, bố cũng sẽ không bao giờ hài lòng về tôi. Tôi xin nghỉ làm việc ở học viện Lục quân, chia tay bạn gái, rời bỏ tất cả ở Mỹ suốt hai năm liền để sống một lần tử tế theo ý bản thân.
Để rồi khi trở về, tôi vẫn mang theo trái tim tổn thương cùng một vết xước mới.
Tại sao lại phải chiến tranh vì một nước xa xôi tít tắp? Tại sao tôi lại thành quân nhân của cái nước gây ra điều bất nhân nghĩa ấy? Tôi ghét cái danh hiệu này vô cùng.
Khoảnh khắc bị vật nặng đánh vào đầu và mắt như nổ đom đóm ngàn sao, tôi vẫn nghĩ những câu hỏi ấy. Và khi tỉnh lại trong đồn cảnh sát cùng mớ băng bông quấn trên đầu, tôi vẫn nhớ tới những điều ấy.
Hôm ấy nơi đồn cảnh sát bang hỗn loạn khủng khiếp. Máu me, còng xích, băng bông bó gạc. Không chỉ tôi, rất nhiều người tham gia biểu tình cũng bị bắt.
Ba giờ sáng, bố tôi có mặt ở Washington, dùng danh nghĩa sĩ quan đại tá bảo lãnh tôi ra ngoài.
Ông lái xe đến một nơi tôi không biết là đâu, sau đó bảo tôi xuống xe. Tôi biết, một cuộc "trò chuyện" sắp diễn ra.
Mặc cho đầu tôi bị thương, bố tát một cú thật mạnh vào tai chỗ gần bên thái dương. Đầu óc tôi lại mòng mòng như chong chóng sau cú đánh. Tôi vẫn nghe rõ những lời chửi rủa của ông bên tai.
"Mày là quân nhân đấy. Daniel, mày làm vậy đáng mặt quân nhân lắm nhỉ. Biểu tình ư? Mày biết mày đang làm gì không? Tha cho tao, đừng có làm loạn nữa!"
Làm loạn? Tôi muốn góp sức làm cho cuộc chiến tranh phi lý đó biến mất. Hay cho dù chỉ là cái cớ để giúp tôi xả nỗi uất ức và sự tức giận trong lòng suốt thời gian qua. Nếu mới vậy đã là làm loạn, thế cuộc chiến tranh vũ trang kia có thể miêu tả nổi bằng từ gì?
Ánh mắt của người gọi là cha tôi kia, hẳn ông đã thấy rất mất mặt. Những suy nghĩ chạy ào ào qua, bao nhiêu ức chế cứ cuộn trào lên làm tôi nghẹn ứ họng. Phải cố lắm, tôi mới nói được trọn vẹn câu:
"Rốt cuộc chiến tranh có gì hay? Nếu con ủng hộ kết thúc là làm loạn, vậy chiến tranh là gì? Bọn họ thậm chí còn không làm hại đến chúng ta, nhưng Hoa Kỳ lại tự tạo ra chiến tranh. Mong muốn vậy thì có gì sai?"
Không ngoài dự đoán, bố đã vỗ bôm bốp đầu tôi vài cái:
"Mong muốn gì kệ mày! Nhưng mày cứ đi làm trò hề cho thiên hạ vì cái mong muốn của mày, xong tao lại phải chạy theo dọn tàn cuộc cho, vui lắm sao? Mày muốn hết chiến tranh? Được, thế sao mày không đi làm, đi tranh cử tổng thống đi kìa? Làm chỉ huy thì mới có quyền ra lệnh được chứ làm những trò vô công rồi nghề này, xem có đáng mặt không? Tao đã cố lo nghề nghiệp, vợ con cho mày đến nơi đến chốn mà mày vẫn không sống tử tế nổi. Mày ngẫm lại mày đã làm được gì đi!"
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy biết ơn vì bố tôi đã nói câu đó. Để tôi vực dậy được một cách ngoạn mục. Câu nói đó đã chạm đến giới hạn của tôi, để tôi quyết định thay đổi lại cuộc đời một lần nữa.
.
.
"Tôi chẳng cần sống làm quái gì nữa. Từ lúc mẹ chết, cuộc sống tôi cũng chôn theo bà rồi. Tất cả tại ông, ông là bố tôi, nhưng ông đã phá nát cuộc đời tôi! Ông cũng xem ông đã làm được gì cho cái gia đình mình đi!
.
.
.
"Con nghĩ rồi, con sẽ quay lại học viện. Phân bổ đi West Point hay Maryland đều được. Dù là chiến tranh hay chiến đấu con cũng sẵn sàng."
Sau cái hôm định mệnh đó một tuần, hai bố con căng thẳng suốt với nhau, cuối cùng tôi đã nghĩ và nói chuyện lại với bố như vậy
Ông cười, gật gù khen tôi sáng suốt, còn biết suy nghĩ thấu đáo. Ông sẽ giúp tôi quay trở lại vị trí.
Gần cuối năm 1965, tôi bắt đầu quay lại làm việc với tư cách quân nhân, sau một thời gian nghỉ việc.
Thật nhanh, chưa gì bây giờ đã đến cuối năm 1966, đã hơn một năm tôi quay về công việc trong Lục quân. Tôi vừa học lớp bổ sung thêm để sớm thăng chức, vừa làm công việc bàn giấy, giảng dạy theo buổi ở các doanh trại, đôi khi là học viện. Địa điểm luân phiên giữa hai trường Lục quân ở Newyork và cả Thuỷ quân ở Washington. Đôi lúc có hơi vất vả, nhưng tôi biết, với sự tích cực này của tôi, tôi sẽ sớm đạt được mục đích của mình.
Mày muốn hết chiến tranh? Được, thế sao mày không đi làm, đi tranh cử tổng thống đi kìa? Làm chỉ huy thì mới có quyền ra lệnh được chứ làm những trò vô công rồi nghề này, xem có đáng mặt không?
Ngồi nghĩ lại, tôi vẫn bật cười, tôi phải cảm ơn bố vì cao kiến này. Nếu không có hôm ấy, có lẽ tôi đã không biết sống như nào, làm gì suốt những ngày sau đó.
Đúng vậy, trở thành chỉ huy, trở thành người dẫn đầu. Phải có quyền lực mới có thể đảm bảo. Tôi biết chức vụ và quyền năng của bộ phận tôi đang làm việc, nếu tôi đủ tích cực và khả năng, việc được gửi ra chiến trường chỉ là vấn đề thời gian.
Chiến trường ở đây chính là Việt Nam, là Sài Gòn.
Tôi sẽ quay trở lại nơi đấy - Việt Nam.
Mặc dù lý do chính là vì hoà bình, vì chiến tranh, vì vấn đề cao cả khác... nhưng đâu đó, một phần khiến tôi muốn quay lại, thật ra là Hiểu Phương.
Tôi vẫn luôn hướng về em dù mối quan hệ của chúng tôi không tên, chưa từng bên nhau chính thức. Tôi không biết vì sao tôi ám ảnh điều đó tới vậy. Nếu được công tác tại Sài Gòn, hay thậm chí được cử thâm nhập vào Hà Nội, tôi vẫn sẽ không có cơ hội gặp em. Bởi em đã không còn ở nơi đó nữa, em đã kết hôn và rời Hà Nội như kế hoạch. Tôi biết, tôi luôn đinh ninh trong đầu như vậy nhưng hành động thì không ngừng tiến về nơi ấy gần thêm. Như thể tôi vẫn đợi, mong mỏi một kỳ tích xảy ra dù tôi biết em sẽ không bao giờ xuất hiện tựa như cái cách em đến với cuộc đời tôi thêm một lần nữa.
Nếu cuộc chiến tranh vô nghĩa kia kết thúc, có lẽ việc gặp được Hiểu Phương sẽ có cơ hội cao hơn. Suy nghĩ này khiến tôi càng phấn đấu, cố gắng sống tợn.
Chiến tranh ở Việt Nam leo thang, lên xuống liên tục từ khi Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào. Tháng Hai, năm 1968, dường như đã có một chiến dịch của Cộng Sản phía Bắc khiến cho tình hình Sài Gòn thay đổi, dù chiến dịch đó không thành công. Hồi đầu năm, hình ảnh Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times khiến lòng tôi chộn rộn cả lên. Tôi rất nóng lòng muốn xem các nước đi tiếp theo của cả hai chiến tuyến.
Và từ giây phút ấy, mọi thứ xảy ra cứ như đã được sắp đặt, rằng đây chính là định mệnh của tôi...
Đầu tháng Sáu, cái ngày tôi nhận được lệnh công tác tại Sài Gòn chính là sinh nhật Hiểu Phương.
Khỏi nói, hôm ấy tôi đã vui như nào. Dù bố vẫn đi vắng và cô giúp việc Annie già không ở đây để chung vui, căn nhà tắt điện tối om, tôi vẫn thấy vui không tả nổi. Trên tờ lịch tháng Sáu, sinh nhật Hiểu Phương được khoanh tròn bằng bút dạ đỏ như một ngày đặc biệt dù tôi không viết tên, không chú thích gì hết.
Sinh nhật em, 1968, hai mươi mốt tuổi.
"Chúc mừng sinh nhật tuổi hai mươi mốt, Phạm Hiểu Phương."
Đến Sài Gòn là đã gần một bước rồi.
Đã là năm thứ ba lời chúc mừng sinh nhật của tôi không đến được với em, ba năm, ba lời chúc. Không biết sẽ còn bao nhiêu lời chúc như thế nữa.
Tôi cầu mong sao cái lạnh của Moskva không tê tái da thịt, tuyết đừng quá dày, mưa đừng quá lạnh và áo lông đủ ấm. Để Hiểu Phương có thể vượt qua mùa đông khắc nghiệt xứ người ấy mà không đau ốm, bệnh tật. Để em có thể sống bình yên từng ngày trong cuộc đời mình.
Phải nói, cảm ơn em thật nhiều vì đã tạo ra phép màu cho cuộc sống tôi.
Lần này, tôi trở lại Việt Nam với tư cách là một sĩ quan, không phải khách du lịch. Tôi ghét chiến tranh, ghét quân đội Mỹ nhưng tôi cũng biết chính việc trở thành quân nhân sẽ giúp tôi quay lại được nơi đây.
Và khi đã quay lại được, tôi có thể bắt đầu kế hoạch của riêng mình.
Cố vấn quân sự chiến tranh Việt Nam - Daniel Choi, quân hàm Đại uý, thuộc Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ.
Thắt lưng da, giày đen, chiếc áo màu xanh lục. Bảng hiệu tên nhỏ khắc chữ "Daniel Choi". Nhờ sự khôn ngoan của mình, tôi đã vượt qua cửa ải đầu tiên.
Tôi chuẩn bị cặp, một vài túi đồ khác. Cô Annie già xếp gọn bàn ghế và tiếp tục phủ khăn trắng lên giường, tủ, những vật dụng trong phòng tôi. Cô cứ sụt sùi, lẩm bẩm mãi ôi sao tôi lại đi tiếp, tôi về Newyork còn chưa được bao lâu!
Không thể giải thích rõ được, tôi chỉ đành cười trừ. Xuống đến tầng, thấy tôi chuẩn bị đi, bố tôi vẫn không nói lấy một lời hay nhìn một cái. Ông tập trung vào tờ báo và bữa sáng một cách đáng ghét. Nhưng dù sao thì, ông cũng đã giúp tôi quay lại được công việc để tôi có giây phút này. Tôi hạ mình:
"Thưa bố, con đi! Chuyến đi rất dài và sẽ rất lâu nữa con mới lại về."
"Ừ."
Trong khi bố tôi đáp "Ừ", cô Annie già trên tầng nghe thấy cuộc trò chuyện thì thò đầu ra hỏi:
"Lâu ư? Bao lâu cậu mới về, cậu Daniel!?"
Người ngoài là người giúp việc còn tiếc tôi, xem ra tôi có khi không phải con trai của Đại tá Choi. Tôi cười trừ, đáp Annie:
"Tôi không biết... Có thể... một năm chăng? Tôi phải thăm cả ông bà ở San Francisco nữa mà!"
"Ôi... Cậu Daniel, tôi mong cậu bay an toàn! Người như cậu thật trân quý!"
"Chị nói quá! Hãy chăm sóc cho bố tôi nhé!"
"Tất nhiên rồi chàng trai trẻ, cậu hãy đi và mang về chiến thắng là một cái cơ thể lành lặn đấy!"
Tôi mỉm cười và gật đầu lễ phép chào Annie, sau đó lập tức ra khỏi nhà. Nói dối. Tôi không hề có ý định sẽ trở về Mỹ thăm nhà hay ông bà. Tôi dự định sẽ làm việc và sau này đi du lịch tiếp, dần dần cắt đứt liên lạc với bố và gia đình. Đó là kế hoạch của tôi.
Việt Nam và Hoa Kỳ, cách nhau nửa quả địa cầu dành cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Thật vô vị.
Ngày đặt chân xuống Sài Gòn, đất nước này chào đón tôi bằng những cơn gió nóng và cái nắng bỏng rát. Cảm giác thật quen thuộc và gần gũi, mùa hè của tôi và Hiểu Phương cũng từng trải qua trong tiết trời như vậy. Mọi thứ thật thân quen, như thể chỉ mới hôm qua thôi, tôi vẫn còn dạo bước trên con đường làng xung quanh là thóc rơm trải đầy, đón từng hạt nắng gắt xối xuống đầu nóng ran. Và rồi phía đằng xa cuối con đường, tôi lại thấy em đang chờ đợi tôi, mỉm cười thật tươi.
Thật lòng nói, ba năm trôi qua, gương mặt em đã dần mờ nhạt trong tâm trí tôi. Hình ảnh em như một chiếc gương bị lãng quên trong kho ký ức, chúng bị phủ đầy bụi và yên lặng nơi góc phòng. Nhưng kỷ niệm về quãng thời gian ấy tôi chưa từng quên, dù có thể lâu không nghĩ tới hay không còn chi tiết như trước, nhưng chắc chắn tôi không bao giờ quên đi cái cách em đã khiến rung động như nào.
Không khí của Sài Gòn khác hẳn với sự yên bình của Hà Nội. Tấp nập, nhộn nhịp và sầm uất. Từ khoảng bốn, năm năm trước, Sài Gòn cũng đã như vậy. Trước khi đến Hà Nội vào 1965, tôi đã từng ghé Sài Gòn nhưng tôi vẫn có cảm tình với Hà Nội hơn. Xét cho cùng, tất cả những chuyện đã xảy ra vào hồi ấy đều là số mệnh cho tôi gặp gỡ người cần gặp.
Đến được Sài Gòn là đạt được một phần mục đích, nhưng tôi không nghĩ hòa nhập nơi đây khó khăn hơn tôi tưởng. Tôi được dạy và học tập nói theo tiếng Việt giọng Bắc, thành ra việc nghe hiểu giọng Nam đôi khi có chút trở ngại. Tôi vẫn cần phải chuyên viên phiên dịch của Đại sứ quán đi theo trong thời gian đầu. Công việc ở đây đúng bù đầu bù cổ, không có thời gian thảnh thơi như trước. Hôm nào cũng soạn tài liệu và họp, báo cáo. Chiếc máy đánh chữ bào mòn từng ngón tay con người. Hẳn là chiến dịch vừa qua của người phía Bắc đã làm trao đảo ghê lắm. Công việc của tôi nặng nề kinh khủng, ở lại văn phòng doanh trại cả ngày đêm. Trong suốt hơn một tháng qua, gần như tôi không ngủ ở khách sạn. Chỉ có về tắm rửa, lấy quần áo và lại rời đi.
Chăm chỉ như vậy, nhưng làm việc được gần hai tháng, tôi có lệnh chuyển công tác.
Địa điểm ở Tokyo, Nhật Bản. Quản lý thông tin, trung chuyển chúng về Sài Gòn.
Tôi như chết lặng khi nhận được tin. Tôi đã chăm chỉ đến vậy, từ khi đến Sài Gòn chưa có hôm nào tôi đi thăm thành phố hay chơi bời, chỉ có công việc, họp hành, cấp trên, cấp dưới và báo cáo. Cũng may, đây chỉ là tạm thời vì Sài Gòn đang ở khá loạn, họ chuyển tạm bớt sang Tokyo. Có lẽ là phải ở Tokyo một thời gian dài, nhưng ít ra tôi vẫn còn cơ hội được về lại đây. Từ bây giờ cho đến lúc phải di dời đến Tokyo tôi sẽ được nghỉ. Nhưng còn hơn một tháng, cuối tháng Tám mới bắt đầu khởi hành, tháng Chín bắt đầu công việc. Thôi, thế là có may có rủi, hòa nhau cả.
Đi chơi, thăm thú được ba ngày, tôi đã thấy chán. Vũ trường và quán rượu có ghé qua một lần, cũng chẳng làm tôi vui lên được. Tôi mới chợt nhớ đến một người quen đã lâu không liên lạc, thư từ.
Hôm sau, tôi tìm đường đến nơi cũ. Dựa theo tất cả ký ức mờ nhạt của mình, tôi vẫn nhớ nó ở quận nào, đường đi cụ thể thì không quá rõ. Tôi cứ đi men theo con đường xưa trong ký ức, đó là một xóm lao động nghèo nhỏ cạnh sông. Căn nhà ấy ở cuối xóm, vắng người qua lại hơn đoạn trên.
Phải chần chừ khá lâu, tôi mới quyết định thử vào nhà đó hỏi. Tôi đã lo sợ nếu anh không còn sống ở đây, hoặc căn nhà đã được người khác ở. Tôi không biết. Ngần ấy năm qua đi rồi, chẳng biết chắc điều gì được.
Mới bước đến ngưỡng cửa và ngó đầu vào, tôi còn chưa kịp cất tiếng nói, đã có một người đàn ông đi ra và chặn ngay ở cửa. Hắn trẻ, thấp hơn tôi chút. Đôi mắt to, lông mày đang nhíu lại.
"Anh là ai, có công chuyện gì ở đây?"
"Tôi tìm người quen!"
Hắn đưa mắt ngó tôi, xét người từ đầu xuống chân. Mặt tỏ thái độ ghét bỏ vô cùng rõ ràng.
"Nhà này bình thường toàn dân xóm nghèo vô ở không, anh không thân quen bà con gì ở đây đâu. Không có lệnh khám xét gì hết đừng hòng xớ vô đây. Mời anh đi cho!"
Tôi quên mất, tôi vẫn đang mặc quân phục Hoa Kỳ trên người. Chiều tôi phải gặp cấp trên có việc nên mặc đồng phục, tôi sơ ý không nghĩ ra chuyện này.
"À không, tôi..."
Gã trước mặt không cho tôi giải thích, quắc mắt lườm và rít ra từng tiếng: "Cút khỏi đây ngay!". Tay này chẳng dạng vừa, dáng người vạm vỡ, trên người khoác đồ hiệu. Tốt hơn là đừng dính vào. Tôi thở dài, quay người đi. Có lẽ anh đã chuyển đi ở nơi khác rồi.
Bước đi chưa được bao xa. Chợt có tiếng cộp cộp gõ lên gỗ từ đâu, và tiếng người thân quen gọi tên tôi:
"Daniel... Daniel... Mày đúng không? Đừng đi vội...!"
Tôi dừng chân, nhìn lại về phía ấy thì đúng là anh rồi! Nhưng anh khác quá. Anh xanh xao và gầy, không phải cái dáng gầy mà khỏe mạnh, nhanh nhẹn như trước. Cổ chân trái bó bột, tay phải cũng bó. Trên mặt bên má trái gắn một miếng gạc trắng.
"Anh Khuê, em cứ tưởng anh chuyển chỗ khác. Sao anh lại..."
...ra nông nỗi này..."
Hẳn nhà tôi đã muốn nói thế, nhưng đã kịp rút lại lời. Chẳng cần đoán già non, nhìn là biết chiến tranh đã biến anh trở thành thương binh như này. Trông anh khổ sở đi lại phải dựa dẫm mà tôi thấy xót lòng. Bạn bè tôi, những người tôi thương yêu đều bị chiến tranh làm ảnh hưởng.
"Daniel... Anh không nghĩ sẽ gặp lại mày như này. Kia là đứa em của anh, nó thấy mày mặc quân phục nên mới làm căng vậy thôi. May anh kịp thời ra xem chứ không mày về mất! Vào nhà đi!"
Cậu em của Văn Khuê hình như không ưa tôi, nhưng có Văn Khuê ở đây, hắn cũng chỉ hừ mũi cái rồi đi ra ngoài. Hai anh em ngồi vào bàn nước để nói dăm ba câu. Tôi ngó nghiêng xung quanh nhà. Căn nhà bên trong cũng như ngoài, chẳng thay đổi gì cả. Từ cái bàn thờ, cái giường, cái cửa, góc bếp. Tất cả đều như trong quá khứ.
"Anh cứ gọi em là Tuấn thôi. Về đây rồi, em thích nghe tên Tuấn hơn Daniel. Bà chủ nhà với cô con gái đâu anh?"
"Bác đi chợ, em gái đi công chuyện trên phố. Nào đừng hỏi về anh nữa, anh vẫn như trước thôi. Còn mày mới thay đổi nhiều quá kìa! Daniel... à, Tuấn, anh tưởng mày không muốn quay lại quân ngũ mà?"
Tôi bật cười. Anh nói đúng, hồi ấy tôi chia sẻ với anh rằng tôi không muốn làm công việc đó chút nào. Bây giờ vẫn vậy, nhưng đây là cách duy nhất tôi có thể làm để quay lại nơi này quang minh chính đại, tôi đâu có sự lựa chọn khác.
"Em vẫn không muốn, nhưng em không có sự lựa chọn khác. Sang đây công tác em thoải mái hơn, với trở thành người có quyền cũng hay, em được người ta nể trọng lắm!"
Văn Khuê và tôi đã quen biết lâu, anh giống như anh trai tôi vậy. Là người có cùng chí hướng, tôi đã kể cho anh tất cả chuyện ở Mỹ và vì sao tôi lựa chọn trở lại quân ngũ. Dẫu vậy, tôi chỉ nói nửa câu chuyện. Đối với anh Văn Khuê, sống chết tôi cũng không nói về chuyện của tôi và Hiểu Phương. Bằng không, anh sẽ xẻ thịt tôi bằng cánh tay không bị bó bột còn lại.
Anh là người nói hay và giỏi lắng nghe. Hiểu chuyện rồi, anh gật gù và hỏi qua loa thêm vài câu. Vài chén chè đắng với câu chuyện nhạt của tôi ấy mà cũng ngót nửa buổi của hai anh em. Lúc này, bỗng anh nghiêm giọng, hỏi tôi:
"Mày muốn về Hà Nội chơi một chuyến không?"
Tôi giật bắn mình. Không phải vì chén chè trên tay quá nóng, chắc chắn là vì câu hỏi vừa rồi của anh. Tôi nuốt nước bọt, lồng ngực nóng bừng lên, không biết trả lời như nào cho hợp:
"Dạ... dạ... nhưng sao tự dưng lại thế?"
"Thì hơn tháng nữa mới đi Nhật, ra Hà Nội gặp người quen tí cũng hay. Chú nhà anh sẽ vui khi gặp mày đấy! Với lại còn cái cậu bạn gì gì của mày, nhà ở phố Lý Thái Tổ ấy... Anh chuẩn bị về Hà Nội một chuyến có việc ở phủ. Ba ngày nữa tháo băng bột xong sẽ lên đường, thế nào, 'ô kê' không? Suy nghĩ kỹ nhé, không uổng đâu!"
"Anh mà lại học nói cả ô kê cơ à?"
"Xời, tao có cái gì không làm được? Chết còn đếch sợ!"
Tôi cười ngượng, thú thật, đối với việc thăm Hà Nội, tôi vừa muốn vừa không. Tôi muốn thăm mọi người. Và tôi cũng vừa nhớ vừa sợ những kỷ niệm xưa. Tôi sợ rằng bản thân sẽ đắm chìm trong màu đau buồn của những ký ức thân thuộc.
Nhưng cuối cùng, tôi vẫn đồng ý ra Hà Nội với Văn Khuê.
Tôi phải đối mặt với quá khứ, tôi mới vượt qua và quên đi được. Làm gì có ai mãi nhớ thương một người ba năm không gặp, không liên lạc và người đó đã có hạnh phúc riêng?
Đúng vậy, chẳng có gì phải sợ. Thế là tôi quay trở lại với Hà Nội một lần nữa.
Hà Nội của chiến tranh có phần khác với Hà Nội của trước đây. Thật ra trước đây khi tôi đến cũng đã trong khoảng thời gian chiến tranh, nhưng không thảm khốc và ác liệt như hiện tại được. Chiến tranh leo thang mà.
Văn Khuê có việc ở phủ nên vừa đến thủ đô đã đi đâu ngay. Còn tôi được thả ở trung tâm, muốn đi đâu thì đi. Đúng là Văn Khuê, đem con bỏ chợ!
Hồ Gươm vẫn như trước, chỉ có cuộc sống của người dân thay đổi nhiều. Tôi lấy chiếc máy ảnh đã đi theo mình suốt chín năm qua để lưu giữ quang cảnh của Hà Nội. Chiếc máy ảnh lưu lại từng bước chân của tôi trên cuộc đời - thời gian học tập rồi làm việc ở học viện Lục quân, hẹn hò ba năm với cô sinh viên đến từ Michigan mà bố tôi mai mối cho, đi thăm ông bà nội ở San Francisco, đi Washington gặp bạn cũ, đi du lịch khắp nơi trong hai năm nghỉ phép,... Người thân, bạn bè, cả cuộc sống trong gần một thập kỷ qua đều gói gọn trong chiếc máy ảnh nhỏ. Nhưng ba năm trước, nó đã không ghi lại được bất cứ ký ức gì về Hà Nội. Cớ sự là bởi trước đó, vì vội đi, tôi đã quên máy ảnh ở khách sạn tại Nhật Bản. Tưởng rằng sẽ mất nhưng may mắn thay, sau khi liên hệ được với chủ khách sạn, chiếc máy ảnh đã lênh đênh trên Thái Bình Dương cùng tàu hàng nhiều tháng trước khi trở lại vòng tay tôi.
Điều đó thật sự là một phép mầu, vì tôi tưởng đã mất đi kỷ vật quan trọng của mình. Nó đã ghi lại lịch sử, ghi lại quãng thời gian tôi trưởng thành. Chiếc máy ảnh ấy như nhân chứng sống cho thấy tôi đã tồn tại trên đời. Vậy nên việc ba tháng hè năm 1965 không có chiếc máy ảnh lưu giữ lại mọi thứ khiến tôi cảm thấy trống rộng vô cùng. Tôi đã từng nhiều lần xem đi xem lại tất cả ảnh trong máy để tìm chút kỷ niệm về quãng thời gian đó, tất nhiên, không có bất kỳ thứ gì xuất hiện. Cảm tưởng rằng tôi đã không sống trong ba tháng ấy, Hà Nội là nơi không có thật, người tôi nhớ thương ngày đêm không tồn tại. Không gì chứng minh được tôi đã ở đó, đã yêu người ấy, kể cả "nhân chứng" thân thiết nhất, tất cả chỉ tồn tại trong trí nhớ của tôi vì ngay cả một tấm hình của em, tôi cũng không có.
Thời gian chuyển biến mọi việc khiến cho ký ức về thời gian ấy bị quên lãng trong ba năm qua. Để rồi hôm nay, khi tôi một lần nữa đặt chân xuống đất thủ đô, chúng mới ồ ạt kéo về tâm trí một cách chậm rãi, chân thực và sống động tựa giây phút này. Như thể chỉ mới hôm qua thôi, tôi mới đón Hiểu Phương đi học về, sáng cuối tuần thì uống cà phê phin với sữa đặc ở quán nhỏ trên phố Nguyễn Hữu Huân, rảnh rang lại theo chân em đến nhà ông giáo Lâm chơi trên phố Hàng Trống. Và con đường kia, chúng tôi đã cùng nhau đi bộ về nhà, là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô gái mạnh mẽ, ương bướng như em bật khóc.
Đúng là những kỷ niệm thật không thể nào quên, dù chúng chỉ tồn tại trong ký ức của tôi. Có lẽ là tôi đã buông bỏ được cục đá trĩu nặng trong lòng nên mới có thể mỉm cười trước quá khứ như này.
Đã quá giờ trưa từ lâu, tôi chưa ăn gì, đói lả người. Tôi quyết định sẽ đến "nhà trọ" để ăn chực "ông chủ".
Sau mở cổng ra và thấy bản mặt này, "ông chủ" ngoài bất ngờ thì còn tỏ ra rất không hiếu khách. Dẫu vậy, hắn vẫn tiếp đãi tôi tạm bằng ổ bánh mì không, hơi khô chút.
"Sao anh lại tìm em ngay khi vừa đến Hà Nội?"
"Tớ không biết phải đi đâu cậu ạ. Với lại tớ đang đói chết đi được!"
"Anh nên đói chết ngoài đường luôn đi! Mà nếu thế thì sao lại ở nhà em, sao anh không ở nhà..."
Khải chợt im lặng. Tôi không có vấn đề gì với việc này, nhưng tôi vẫn giả vờ nhìn ra ngoài hiên nhà, tiếp tục gặm bánh mì. Tôi biết cái "nhà" Khải định nhắc đến - căn nhà nằm trên phố Lý Thường Kiệt nơi tôi từng ở vào ba năm trước. Nhưng tôi đâu thể huỵch toẹt rằng tôi từng yêu con gái chủ nhà đó, tôi không dám quay lại nơi ấy vì chuyện xưa.
Thế là tôi chỉ đành nghe tiếng Khải thở dài:
"Thôi, bỏ đi! Ở nhà em cũng được, đằng nào cũng có hơn tháng... À không, anh ra khách sạn mà ở, đến nhà em làm gì?"
"Tại cậu vừa cho phép tớ ở lại còn gì?"
Thật ra tôi cũng đã định đến khách sạn và nhờ Văn Khuê đặt phòng sau khi ghé nhà Khải, nhưng "ông chủ" có lòng mời thế này thì đành phải trọ lại thôi vậy!
Tôi bật cười, Khải chán nản đi sang phòng khác. Một chú mèo cam từ đâu đi ngược lại hướng hắn và tiến về phía tôi. Nó đứng trước mặt tôi, giương đôi mắt xanh tròn xoe lên nhìn và kêu một tiếng meo.
Dù đã ngờ ngợ, nhưng phải mất một lúc tôi mới thật sự nhận ra đó là Gừng - chú mèo hai tháng tuổi bác giúp việc cho Khải vào ba năm trước - khi hắn bắt đầu sống ở đây. Từ một chú mèo nằm gọn trong lòng bàn tay đến to bằng bắp chân người, sự thay đổi của sinh vật này mới khiến tôi nhận ra ba năm không ngắn đến thế - đủ dài để sự vật biến trạng, đổi thay.
Khải - gã bạn Liên Xô của tôi. Hắn vẫn sống tốt trong chiến tranh, gương mặt của người gốc Berlin vẫn mang đậm nét Đức. Lúc nào hắn cũng ở nhà nuôi mèo, trồng cây, vẽ vời, đọc sách. Chung quy là hắn rất ít bước ra đường, người trong tổ dân phố cũng chẳng rõ mặt mũi hắn như nào, chỉ biết trong căn nhà ấy đang có gã người Liên Xô sống. Hắn nhàm chán quá, không hài hước giống những gã Liên Xô khác, thật thất vọng! Hay bởi do hắn gốc Đức?
Tôi nghỉ ở nhà Khải, ăn cơm uống nước đủ đầy, rảnh thì chơi đàn ghi-ta của hắn, hoặc chơi với Gừng, hoặc vác máy ảnh đi dạo xung quanh mấy khu phố lân cận. Chụp choẹt mãi rồi cũng hết cảnh, nếu ra ngoài Hà Nội chỉ như này thì lẽ ra từ đầu tôi nên ở lại Sài Gòn chơi. Nhưng tôi chỉ có tư tưởng như thế được mấy ngày, cho đến chiều nọ, tôi đã bắt gặp một bóng hình thân quen. Tôi chụp một bức ảnh dòng người đi qua lại cạnh Hồ Gươm, khi xem kỹ, tôi mới nhận thấy một gương mặt phụ nữ rất đỗi thân quen, mái tóc đen nâu được tết hai bím tóc đuôi sam, nét giống Hiểu Phương tới lạ. Trong thoáng chốc tôi đã rùng mình, lạnh cả sống lưng, nhưng chắc đó là Hạnh Vân. Ba năm trôi đi, cô bé ấy có thể lớn lên như này rồi mà.
Ban đầu tôi xem xong, biết vậy để đấy thôi, nhưng cái tính hiểu kỳ cứ làm tôi bồn chồn. Bỗng tôi rất tò mò mọi chuyện ở căn nhà trên phố Lý Thường Kiệt ấy, tất cả mọi thứ luôn: Vợ chồng bác Kỳ đang như nào, có khỏe không, Hạnh Vân hiện giờ đang làm gì, Hiểu Phương kết hôn và đi học xa đã lập gia đình chưa,... Rất nhiều thắc mắc cứ nhảy loạn xạ trong não tôi, loạn đến mức cả đêm ấy không nghỉ được, lật tấm ảnh xem tới xem lui. Loạn tới mức chiều hôm sau tôi sống chết đòi đi thăm nhà người ta bằng lý do đi báo cáo nơi ở với anh Khuê, mặc cho tên Trịnh Khải hết lời cản. Tính tôi cố chấp vậy đấy, muốn làm gì là phải hoàn thành bằng mọi giá, bằng không sẽ bứt rứt mãi.
Cái ngày tôi đến thăm nhà, trời nóng nực, nắng to rát đầu, oi khiếp nhưng tôi vẫn quyết tâm đi. Hai giờ chiều, tôi đến, gõ vào cánh cổng sắt mấy lượt cho đến khi nghe tiếng người trong nhà chạy ra. Cánh cổng này tôi đã từng nhìn nó một hồi lâu trước khi rời đi, cũng bởi Hiểu Phương thật tàn nhẫn quá, em ghét bỏ tôi tới nỗi đóng sầm cửa ngay lập tức chứ không tạm biệt lấy một cái khiến tôi cứ đứng tần ngần.
Có người loạch xoạch mở khóa cửa, đây, chính biểu cảm ngạc nhiên này mới đúng khi người ta gặp lại tôi chứ! Ai lại không hiếu khách như tên Trịnh Khải kia!
"Cậu... Cậu Tuấn..."
"Chào Hạnh Vân, lâu quá không gặp em!"
Biểu cảm của Hạnh Vân cực kỳ phong phú (dù là trước đây hay ngay lúc này), tôi đánh giá cao điều này. Trông cô bé ngạc nhiên theo kiểu kinh hãi, hoảng sợ lắm, tôi đâu phải ma quỷ mà hãi thế nhỉ?!
Hạnh Vân để tôi vào nhà. Mọi thứ vẫn như xưa, nhà lớn, nhà nhỏ, khoảng sân nhà luôn nhiều cây cối. Bên trong cũng có thay đổi nhưng không nhiều. Cái kệ sách tiếng Pháp quý của Hiểu Phương và chiếc phản gỗ cỡ nhỡ tôi từng ngủ vẫn nằm lặng lẽ ở đó, thật dễ thương. Kỷ niệm với căn nhà này có quá nhiều để sử dụng từ nhiều được - không từ ngữ nào có thể diễn tả được suy nghĩ đang dâng trào trong tôi bây giờ. Tôi đã nhung nhớ những thứ này bao lâu chứ? Ba năm.
Đúng là ba năm, ba năm có thể thay đổi nhiều thứ.
Chẳng hạn như câu chuyện Hạnh Vân kể, rằng cô bé đang học trường Y khoa Hà Nội, thằng Quang con nhà sau đã mười sáu, giờ nó còn cao hơn cả Hạnh Vân, ông Kỳ đã bớt nóng tính như trước nhưng sinh ra cái bệnh chuyện gì cũng "Tùy mày.",... Đã có nhiều thay đổi, cơ mà tôi thấy lạ, Hạnh Vân chẳng nhắc gì đến người tôi mong nhất, rõ là nó biết tôi thân thiết với Hiểu Phương hồi đó mà. Tính vốn từ tốn nhưng tôi nóng lòng quá, hỏi liền:
"Thế bây giờ chị gái em đang như nào? Em có tin tức gì không, hay ít liên lạc từ khi Phương đi Liên Xô?"
Hình như tôi làm Hạnh Vân khó xử, cô bé cứ tẽn tò, đá mắt nhìn chỗ khác:
"Ờm... em cũng không chắc, em..."
"Thằng chồng sở khanh vậy mà..." Tôi thở dài. "Anh vẫn không hiểu sao người như chị gái em lại chấp nhận cưới một tay tệ bạc như hắn, em ấy xứng đáng được hạnh phúc hơn!"
Hạnh Vân cười trừ, gật gù:
"Em cũng nghĩ vậy, chị Phương nên sống hạnh phúc cho bản thân hơn nhỉ..!"
"Chị em có tin vui không, anh nghĩ hai người bên đấy đã lập gia đình rồi... Mà mùa đông Liên Xô lạnh lắm, chắc Hiểu Phương bị ốm vặt nhiều!"
Hạnh Vân vẫn cười trừ, ý muốn tránh né các câu hỏi của tôi một cách rõ ràng:
"Anh không nên nghĩ thế đâu. Ờm... Ý em là em nghĩ rằng... à không, chị ấy chưa con cái gia đình gì đâu. Đang bận học mà!"
Tôi chả tin. Cưới nhau ba năm và với cái tính của thằng tệ bạc kia thì nó nghĩ cho ai, tôi đoán hai người ít nhất cũng có một đứa con rồi. Hạnh Vân cứ ngại ngại không muốn trả lời thế kia, chứng tỏ đang cố ý nói dối hoặc sợ tôi buồn nên không nói thật. Cuối cùng, tôi không làm khó Hạnh Vân nữa, tôi lấy máy ảnh ra và cho cô bé xem tấm ảnh tôi đã chụp được. Nhưng Hạnh Vân bật cười, chối:
"Người trong ảnh không phải em, em ghét kiểu tết tóc đuôi sam hai bên lắm, trông chán chết đi được!"
"Nếu không phải em thì là ai được nhỉ..."
Tôi trầm ngâm, không lẽ tôi không còn nhớ ra nổi gương mặt em đến mức nhận nhầm người khác?
"Anh Tuấn, anh đến Hà Nội bao lâu rồi, ban nãy anh nói em không để ý lắm."
"Hôm nay là ngày thứ năm rồi."
Nghe vậy, Hạnh Vân cười:
"Tức là gần một tuần đấy! Sao anh không thử tin vào cảm giác của mình xem? Chứ người trong ảnh không phải em đâu."
Và tôi đã rời khỏi nhà cùng lời nói đó của Hạnh Vân.
Tin vào cảm giác của mình...
Tôi chịu, tôi chẳng hiểu nổi cảm giác của mình khi lờ mờ đoán được rằng Hiểu Phương đã có con với tên Nghĩa kia. Có lẽ là buồn tủi, một chút muốn khóc nhưng nhận ra chẳng có gì phải khóc. Em đã kết hôn mà, sao tôi lại khóc vì một người phụ nữ đã kết hôn sinh con? Tôi bị điên à?
Ừ tôi điên mà, lặn lội đến một nơi khỉ ho cò gáy chỉ vì trót thương một người đã kết hôn, đã lập gia đình. Tôi không hiểu nổi chính mình bị làm sao nữa.
Điều ấy khiến tôi phải tự hỏi, không biết sau ba năm, tôi đã trở thành sĩ quan quân đội, Gừng đã là một chú mèo trưởng thành, thằng nhóc Quang đã thành thanh niên, Hạnh Vân đã đi học đại học, còn em đã có gia đình riêng. Rốt cuộc điều gì khiến tôi cứ lấn cấn, mắc kẹt mãi trong quá khứ đã qua của hai đứa?
Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này. Cả câu hỏi cô gái tết hai bím tóc đuôi sam trong ảnh tôi là ai nữa. Lẽ nào tôi đã quên gương mặt em rồi sao...?
Trái tim tôi đau đớn lắm. Nó đã yêu một người mà trí não không còn nhớ mặt nhưng tình cảm lại không thể quên đi, kỷ niệm cứ mãi đeo bám tình yêu của trái tim tội nghiệp ấy. Tôi đã yêu một người mà tôi chẳng còn biết là ai, vậy mà vẫn cứ nhớ thương da diết, không thể ngừng. Phải chăng tóc tết đuôi sam kia là Hiểu Phương thì hay biết mấy. Vì cuối cùng tôi cũng có một tấm ảnh của em, để khi đã già và quên mọi thứ, tôi vẫn có thể xem lại gương mặt khiến cuộc đời tôi đã rẽ sang hướng mới.
Đang đứng bần thần giữa phố phân vân nên về nhà Khải hay đi chơi đâu, bỗng tóc tết đuôi sam ấy xuất hiện bên kia đường. Không biết tại sao cái bóng dáng ấy, tôi chỉ cần nhìn một cái là nhận ra ngay. Ấy đang trước cửa bưu điện, vội vàng đi đâu đó, hai bím tóc khẽ vung vẩy.
Tin vào cảm giác của bản thân, tôi quyết định bám theo ấy thử xem như nào. Đường ấy đang đi cũng là hướng về nhà Khải, tiện đường mà.
Ấy nhìn từ đằng sau nom cũng dễ thương - quần áo giản dị, tóc tết đuôi sam hai bên, đeo chiếc túi nâu chéo người, tay cầm tờ báo mới, đôi chân thoăn thoắt như thỏ - tạo cho tôi một cảm giác thật quen thuộc. Ấy dường như đang đi công chuyện đâu đó gần nhà Khải. Tôi thấy ấy rẽ vào Lý Thái Tổ.
Và khi thấy ấy gõ cửa rồi bước vào nhà Khải, tôi ngơ người luôn.
Người quen của Khải? Nhưng nó có bạn bè quái gì ở đây đâu, hay có mà không kể?
Tôi nhớ lúc ấy tôi đã đứng ngẩn người, mặt thộn ra nhìn về phía nhà Khải từ phía bên kia đường rất lâu. Trời thì nắng nóng, tôi vẫn đứng đấy. Tôi không tin những gì vừa xảy ra trước mặt.
Nhưng sớm thôi, tôi đã tin và bừng tỉnh. Cô gái bước ra ngoài ban công tầng hai, tựa tay vào lan can ngắm nhìn đường phố chìm trong nắng chiều. Vẫn là tóc tết hai bên đuôi sam, vẫn là bộ quần áo giản dị ban nãy. Tôi không hề nhìn nhầm.
Khoảnh khắc tóc đuôi sam đưa mắt đến chỗ tôi và dừng lại, hai mắt chúng tôi nhìn thẳng nhau như hai mũi dao xuyên hai trái tim. Thời gian đã ngưng đọng vào giây phút ấy.
Chắc là tôi đã đánh giá thấp bộ não và trí nhớ của mình, và tôi nên tin vào cảm giác của mình sớm hơn. Thì ra tôi chưa từng quên đi gương mặt ấy, thậm chí nhớ sâu đậm đến mức nhìn lướt vội vã qua bức ảnh đã nhận ra. Chỉ là tôi không tin chuyện này, cứ đinh ninh em đã không còn ở nơi này, là tôi đã tự phủ nhận cảm giác của chính mình.
Giờ thì tôi đã tin.
Vì Hiểu Phương đang đứng trên ban công nhà Khải, bên cạnh giàn hoa giấy và nhìn xuống đây, thẳng mặt và đối mắt với tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top