phan bo dan cu
Chöông 1
PHÂN BỐ DÂN CƯ
1.1. KHÁI NIỆM
1.1.1. Dân cư và những đặc điểm chủ yếu
Dân cư (inhabitant): tập hợp những người cùng cư trú trên một lãnh thổ nhất định được đặc trưng bởi kết cấu, mối quan hệ qua lại với nhau về mặt kinh tế, bởi tính chất phân công lao động. Ví dụ: dân cư vùng đồng bằng sông Hồng, dân cư vùng đồng bằng sông Cửu Long, dân cư thành phố Hà Nội, dân cư thành phố Hồ Chí Minh.
Dân cư có những đặc điểm chủ yếu sau:
- Dân cư là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội. Ở mức độ nhất định, sự phát triển và phân bố sản xuất ở các nước hay các vùng lãnh thổ phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động, trước hết là những người trực tiếp lao động, vào kết cấu và chất lượng của dân cư.
- Dân cư là người tiêu thụ phần lớn những sản phẩm do họ sản xuất ra. Do vậy, dân cư có ảnh hưởng quan trọng đến sự phân bố và phát triển các ngành kinh tế.
- Dân cư có quá trình tái sản xuất riêng của mình. Tùy thuộc vào các nhân tố chính trị, xã hội, quá trình này diễn ra khác nhau theo thời gian và không gian.
1.1.2. Phân bố dân cư
Phân bố dân cư là sự sắp xếp số dân một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ nhất định sao cho phù hợp với điều kiện sống và các yêu cầu phát triển của xã hội.
1.1.3. Mật độ dân cư
Mật độ dân cư là chỉ tiêu đánh giá sự phân bố dân cư trên một lãnh thổ, đó là tương quan giữa toàn bộ số dân tính trên toàn bộ diện tích lãnh thổ mà dân số ấy cư trú tại một thời điểm, đơn vị tính bằng số người/km2.
Số dân của lãnh thổ
Mật độ dân cư = ---------------------------------------- (người/km2)
Diện tích tự nhiên của lãnh thổ
Ví dụ: năm 1994, mật độ dân cư của Singapore là 4.991 người/km2, Banglades: 810 người/km2, Nhật: 336 người/km2. Việt Nam, vùng đồng bằng sông Hồng: 1.125 người/km2, đồng bằng sông Cửu Long: 405 người/km2.
Mật độ dân cư là một đại lượng bình quân, phản ánh mức độ tập trung dân cư trên một vùng lãnh thổ, chứ không mang ý nghĩa là sự phân bố dân cư đồng đều trên từng đơn vị diện tích.
Tùy theo mục đích nghiên cứu, có các loại mật độ:
- Mật độ dân cư thành thị: số dân trên một đơn vị diện tích thành phố.
- Mật độ dân cư nông thôn: số dân trên một đơn vị diện tích làng mạc.
- Mật độ dân cư trên một đơn vị diện tích canh tác (người/ha).
- Mật độ lao động trên một đơn vị diện tích canh tác (lao động/ha)...
1.2. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÂN BỐ DÂN CƯ
Sự phân bố dân cư trên một lãnh thổ là kết quả của sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội và lịch sử. Các yếu tố tự nhiên là tiền đề và có vai trò quan trọng, các yếu tố kinh tế - xã hội và lịch sử có ảnh hưởng quyết định.
1.2.1. Các yếu tố tự nhiên
Con người là một bộ phận của tự nhiên, đồng thời là thực thể của xã hội. Sự phân bố dân cư diễn ra trong hoàn cảnh tự nhiên nên chịu ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên ở một mức độ nhất định. Các yếu tố tự nhiên tác động đến sự phân bố dân cư có thể được xem xét qua hai khía cạnh:
- Khía cạnh sinh lý: con người chỉ có khả năng thích nghi trong những giới hạn sinh thái nhất định, vượt qua ngưỡng giới hạn đó sẽ có hại cho sức khỏe hoặc sẽ không sống được. Do vậy, những nơi nào có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sức khỏe, an toàn sinh mệnh thì nơi đó dân cư tập trung đông đúc.
- Khía cạnh kinh tế: nơi nào có các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cư trú và các hoạt động sản xuất phát triển thì nơi đó thường tập trung đông dân cư.
• Khí hậu
Khí hậu là yếu tố tự nhiên có ảnh hưởng rõ nét nhất đến sự phân bố dân cư. Nhìn chung, nơi nào có khí hậu ấm áp, ôn hòa thường thu hút dân cư, ngược lại, quá nóng hay quá lạnh sẽ hạn chế mức độ tập trung dân cư. Trong cùng một đới khí hậu, con người dễ thích nghi với kiểu khí hậu có tính chất hải dương hơn kiểu khí hậu có tính chất lục địa.
Trong thực tế, dân cư tập trung đông nhất ở khu vực ôn đới, sau đó đến khu vực nhiệt đới. Ở khu vực khí hậu nóng ẩm, dân cư trù mật hơn so với các vùng khô hạn. Tại các hoang mạc nóng, hoang mạc lạnh hay các vùng núi cao băng giá, thường không có hoặc có rất ít người ở.
• Nước
Nước là yếu tố quan trọng thứ hai tác động đến sự phân bố dân cư vì nước rất cần thiết cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người.
Có thể nói, nơi nào có nước thì nơi đó có con người sinh sống. Các nền văn minh đầu tiên của nhân loại đều phát sinh trong những lưu vực sông lớn như: văn minh Lưỡng Hà (Babylone) ở lưu vực sông Tigre và Euphrate, văn minh Ai Cập ở lưu vực sông Nil, văn minh Ấn Độ ở lưu vực sông Ấn - Hằng... Ngày nay, các vùng này vẫn là những nơi có mật độ dân cư cao nhất thế giới. Các thành phố lớn trên thế giới đều có sông chảy qua.
• Địa hình và đất đai
Địa hình và đất đai cũng là các yếu tố có ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư. Các đồng bằng có địa hình thấp, đất đai màu mỡ thuận tiện cho hoạt động nông nghiệp thì dân cư đông đúc. Những đồng bằng châu thổ của các con sông lớn là nơi hội đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi (khí hậu, đất đai, nguồn nước) cho cư trú và sản xuất nên đông dân. Ngược lại, những vùng núi non hiểm trở, ít đất trồng trọt, đi lại khó khăn là những vùng ít có sức thu hút dân cư.
Trên bình diện thế giới, đa số dân cư tập trung trên các đồng bằng có độ cao tuyệt đối không quá 200m, đấy là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho cả việc cư trú và sản xuất.
• Khoáng sản
Việc khai thác các loại khoáng sản phục vụ cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người không nhất thiết đưa đến sự tập trung dân cư trong mọi trường hợp, mà còn tùy thuộc vào những điều kiện xã hội và kỹ thuật.
Việc khai thác các mỏ than ở Anh đã đưa đến sự tập trung dân cư rất lớn, tạo thành những vùng liên thị. Ngược lại ở Mỹ, với tổ chức kỹ thuật khai thác, các vùng có khai thác than không phải là nơi đông dân. Ở châu Âu, nhất là ở Pháp, các mỏ sắt thu hút sự tập trung dân cư, ngược lại ở Mỹ và Liên Xô (cũ) không có sự tập trung dân cư tại các vùng này.
1.2.2. Các yếu tố kinh tế - xã hội và lịch sử
• Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
Các yếu tố tự nhiên chỉ tạo ra khả năng cho việc tập trung dân cư, khả năng ấy có hiện thực hay không còn do các yếu tố xã hội, trước hết là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chi phối.
Trong xã hội nguyên thủy, con người sinh sống bằng săn bắn hái lượm với những công cụ lao động rất thô sơ và thường phải di chuyển theo nguồn thức ăn có trong tự nhiên, nay đây mai đó nên cần một khoảng không gian rộng lớn. Do vậy, dân cư phân bố thưa thớt.
Nhờ việc tìm ra lửa và chế tác ra các công cụ lao động bằng đồng, bằng sắt, nền nông nghiệp định canh định canh định cư ra đời, dân cư tập trung tại các vùng đồng bằng, hình thành nên các điểm quần cư nông thôn.
Từ sau cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, bức tranh phân bố dân cư trên thế giới có nhiều thay đổi. Dân cư tập trung đông đúc quanh các trung tâm công nghiệp. Công nghiệp hóa kéo theo đô thị hóa, nhiều thành phố mới ra đời thu hút mạnh mẽ dân cư từ những nơi khác.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ - mà ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, sự phân bố dân cư trên thế giới có nhiều nét mới, nhiều trung tâm dân cư lớn đã hình thành ngay cả ở các vùng quanh năm băng giá, vùng núi cao 3000-4000 mét, vùng hoang mạc nóng bỏng, thậm chí còn vươn ra tận ngoài biển.
• Tính chất của nền kinh tế
Sự phân bố dân cư phụ thuộc vào tính chất của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất công nghiệp đòi hỏi dân cư tập trung hơn hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đặc điểm của sản xuất công nghiệp là liên tục, tập trung cao, quy mô lớn, khối lượng sản phẩm nhiều theo dây chuyền phức tạp, cần nhiều công nhân, nên mật độ dân cư ở các thành phố, khu công nhiệp cao hơn nhiều so với vùng nông thôn hoạt động nông nghiệp.
Trong khu vực công nghiệp, mật độ dân cư cao hay thấp tùy theo tính chất của từng ngành sản xuất. Các ngành dệt, may mặc, chế biến thực phẩm... là những ngành cần nhiều lao động hơn các ngành khác.
Trong điều kiện hiện nay, nhờ điện khí hóa, tự động hóa và liên hiệp hóa, nhiều khu công nghiệp lớn và hiện đại ra đời với mật độ dân cư không quá cao. Kỹ thuật càng tiên tiến, mức độ tập trung dân cư trong các khu công nghiệp có xu hướng càng giảm.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp tập trung dân cư đông hay ít tùy thuộc vào từng loại cây trồng. Việc canh tác lúa nước đòi hỏi rất nhiều lao động nên những vùng trồng lúa nước đồng thời là những vùng dân cư trù mật nhất thế giới. Ngược lại, các vùng trồng lúa mì, ngô hay các loại cây công nghiệp... có dân cư không đông lắm do không cần nhiều lao động.
• Lịch sử khai thác lãnh thổ
Nhìn chung, những khu vực sớm được con người khai thác để cư trú và sản xuất thường là nơi đông dân với mật độ cao nhất thế giới: các đồng bằng phía Đông và Đông nam Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn - Hằng, Tây Âu, tam giác châu sông Nil. Ngược lại, những lãnh thổ mới được khai thác, dân cư tập trung ít đông đúc hơn: Canada, Úc, vùng Đông Siberia của Liên bang Nga...
• Chuyển cư
Chuyển cư chính là sự phân bố lại dân cư. Các dòng chuyển cư quốc tế và trong nước đã góp phần ít nhiều tác động đến sự phân bố dân cư thế giới.
Trong lịch sử, sự chuyển cư từ châu Âu sang châu Mỹ, châu Úc sau hai thế kỷ đã làm cho số dân của các nước Hoa Kỳ, Canada, Úc tăng lên nhanh chóng. Trong khoảng thời gian từ 1750-1900, dân số châu Âu chỉ tăng 3 lần, trong khi dân số châu Mỹ tăng 12 lần. Chuyển cư cưỡng bức từ châu Phi sang châu Mỹ đã làm giảm số lượng và mật độ dân cư của châu lục này. Giữa thế kỷ XVII, dân số châu Phi bằng 18,4% dân số thế giới. Trải qua nhiều thời kỳ bị bắt bán sang châu Mỹ làm nô lệ, đến năm 1975, dân số châu Phi chỉ còn bằng 8% dân số thế giới.
1.3. ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ DÂN CƯ TRÊN THẾ GIỚI
Ngày nay, con người có mặt hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng sự phân bố rất không đồng đều, có vùng đông dân, có vùng thưa dân, thậm chí có vùng lại không có người ở. Mật độ dân cư trung bình của thế giới hiện nay khoảng 45 người/km2, nhưng ý nghĩa của con số này bị hạn chế bởi sự phân bố không đồng đều của dân cư. Tính chất không đồng đều của sự phân bố của dân cư được thể hiện dưới nhiều khía cạnh.
1.3.1. Theo độ cao địa hình
Dân cư trên thế giới phân bố khác nhau theo độ cao địa hình. Những nơi có độ cao từ 500m trở xuống (57,3% diện tích) là địa bàn cư trú của tuyệt đại bộ phận dân cư thế giới (80% dân số thế giới).
Trong vùng ôn đới, những nơi có địa hình thấp thường là những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho cuộc sống của con người thường, còn trong vùng nhiệt đới thường là những nơi có địa hình cao hơn.
1.3.2. Theo vĩ tuyến
Đại bộ phận dân cư thế giới tập trung ở Bắc bán cầu, những điểm dân cư cư trú thường xuyên lên đến vĩ độ 78oB, còn ở Nam bán cầu chỉ đến vĩ độ 54oN. Về cơ bản, dân cư tập trung ở các vĩ độ thuộc vùng ôn đới và nhiệt đới. Trong vùng ôn đới có 58% dân số thế giới, còn vùng nhiệt đới 40%.
1.3.3. Theo châu lục
Dân cư phân bố không đồng đều theo các châu lục, chủ yếu tập trung ở Cựu lục địa chiếm khoảng 70% diện tích và 86% dân số thế giới, trong khi đó, Tân lục địa chỉ chiếm 30% diện tích với 14% dân số.
Baûng 1: Dân số thế giới và các châu lục (1995)
Châu lục Dân số
(triệu người) Diện tích
(triệu km2) Mật độ dân cư
(người/km2)
Toàn thế giới 5.716,4 149,0 38,3
Châu Á 3.458,0 44,4 77,9
Châu Mỹ 774,8 42,1 18,4
Châu Phi 728,1 30,3 24,0
Châu Âu 727,0 10,5 69,2
Châu Đại dương 28,5 8,5 3,4
Châu Nam cực 0 13,2 0
(Nguồn: Atlas Économique Mondial - 1998 - Les 226 Pays Étudiés)
Châu Á có mật độ dân cư cao nhất thế giới: hơn hai lần so với mật độ trung bình của thế giới, hơn 3,24 lần so với châu Phi, hơn 4,2 lần châu Mỹ và 22,9 lần châu Úc và châu Đại dương. Các vùng dân cư trù phú nhất tập trung ở Nam Á, Đông Nam Á, phía Đông Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Ở đây có hơn 50 thành phố triệu dân, điển hình là các thành phố có trên mười triệu dân: Tokyo (28,5 triệu-1992), Thượng Hải (14,1 triệu), Bombay (13,3 triệu), Seoul (11,6 triệu), Bắc Kinh (11,4 triệu), Calcuta (11,1 triệu), Jakarta (10,1 triệu). Các vùng núi cao Ấn Độ, Trung Quốc, vùng Siberia và một số hoang mạc là những nơi dân cư thưa thớt.
Châu Âu có mật độ dân cư đứng hàng thứ hai trên thế giới sau châu Á và cũng cao hơn nhiều so với các châu lục khác: 2,9 lần so với châu Phi, gần 3,8 lần so với châu Mỹ, và gần 20,4 lần so với châu Úc và châu Đại dương. Dân cư châu Âu phân bố khá đồng đều, ngoại trừ phần phía Bắc và Đông Bắc dân cư kém trù mật hơn.
Châu Phi có mật độ dân cư thấp hơn châu Á, châu Âu nhưng vẫn còn cao hơn so với các châu lục khác. Khu vực tập trung đông dân là vùng duyên hải Đông và Tây Phi, ven Địa Trung Hải, đặc biệt là châu thổ sông Nil với các thành phố triệu dân: Cairo (7,69 triệu-1985), Alexandre (2,93 triệu). Các vùng thưa dân là các vùng hoang mạc Sahara, Calahari, bồn địa Congo, rừng rậm nhiệt đới.
Châu Mỹ, mật độ dân cư không chênh lệch nhau nhiều giữa các vùng Bắc, Trung và Nam Mỹ. Dân cư đông đúc ở khu vực Đông Bắc Hoa Kỳ với hai trung tâm lớn: New York (16,2 triệu dân - 1992), Chicago (6,84 triệu dân). Những nơi ít dân nhất là bán đảo Alaska, đảo Greenland, phía bắc Canada kể cả các đảo, vùng rừng rậm xích đạo Amazone, hoang mạc Atacama.
Châu Úc và châu Đại dương dân cư thưa thớt nhất với mật độ dân cư chưa đến 4 ngưới/km2. Hầu hết dân cư tập trung ở phía Đông và Đông Nam Úc, còn vùng hoang mạc rộng lớn gần như không có sự cư trú thường xuyên của con người.
1.3.4. Theo quốc gia
Năm 1987, dân số thế giới đạt 5,026 tỷ người, thì có khoảng 23,7% dân sống ở các nước công nghiệp phát triển, trong khi đó, có đến 76,3% dân sống ở các nước đang phát triển. Đến năm 1996, dân số của các nước công nghiệp phát triển chỉ chiếm khoảng 20,17%, trong khi dân số của các nước đang phát triển chiếm đến 79,83% dân số thế giới với tổng số hơn 5,804 tỷ người.
Xét theo quy mô dân số, có quốc gia dân số quá đông, có quốc gia dân số lại quá ít. Các quốc gia có dân số đông đứng hàng đầu như Trung Quốc (1.129 triệu), Ấn Độ (930 triệu), Hoa Kỳ (263 triệu), Indonesia (198 triệu), Brazil (157,8 triệu), Nga (148,3 triệu), Nhật Bản (125,2 triệu), Bangladesh (119,2 triệu), Nigeria (101 triệu), Mexico (93,7 triệu), Đức (81,8 triệu), Việt Nam (75 triệu). Chỉ với 12 quốc gia này, đã chiếm 63% dân số thế giới năm 1995.
Những quốc gia có mật độ dân cư cao thuộc loại cao nhất thế giới tập trung chủ yếu ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á như Bangladesh (848,7 người/km2), Nhật Bản (330,6 người/km2), Ấn Độ (273 người/km2).
Tính chất không đồng đều cũng thể hiện rõ trong việc phân bố dân cư giữa các vùng trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia, trừ những quốc gia có diện tích quá nhỏ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top