hien tuong di dan

HIỆN TƯỢNG DI DÂN

1.1. KHÁI NIỆM

"Di dân (migration) là một hình thức di chuyển trong không gian của con người từ một đơn vị địa lý hành chính này đến một đơn vị địa lý hành chính khác, kèm theo sự thay đổi chỗ ở thường xuyên trong khoảng thời gian di dân xác định" (Liên hiệp quốc, 1958).

Định nghĩa của Liên hiệp quốc đã loại ra những trường hợp người sống lang thang, dân du mục, di dân theo mùa và di dân theo kiểu con lắc (đi về hàng ngày). Nhìn chung, ở đa số các nước, dân cư di chuyển ra khỏi giới hạn hành chính của một thành phố, tỉnh, huyện trong một khoảng thời gian xác định được xem là di dân.

Như vậy, di dân hay di cư bao gồm hai quá trình: xuất cư và nhập cư.

- Xuất cư (emigration): là quá trình chuyển đi của dân cư từ một vùng hay một quốc gia này sang một vùng hay một quốc gia khác để sinh sống thường xuyên hoặc tạm thời (trong một khoảng thời gian dài).

- Nhập cư (immigration): là quá trình chuyển đến của dân cư từ một vùng hay một quốc gia khác để sinh sống thường xuyên hay tạm thời (trong một khoảng thời gian dài).

Cả hai quá trình xuất cư và nhập cư đều có những ảnh hưởng đến cơ cấu và động lực tăng dân số của một vùng hay một quốc gia, nhất là quá trình nhập cư đôi khi đóng vai trò quyết định trong việc hình thành dân cư ở một số khu vực (ví dụ như Hoa Kỳ, Canada, Úc).

Sơ đồ 1: Các hình thái di động của dân cư

DÂN CƯ Những người không di chuyển

Những người

di chuyển Không thay đổi chỗ ở thường xuyên - Đôi khi đi vắng

Di dân theo nghĩa rộng

- Đi lại thường xuyên

(di dân con lắc, đi học hay đi làm xa)

Có thay đổi chỗ ở thường xuyên - Di dân có mục đích và có thời hạn Di dân theo nghĩa hẹp

- Di dân lâu dài

- Di dân vĩnh viễn

1.2. CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN DI DÂN

Có nhiều yếu tố tác động dẫn đến sự di chuyển của dân cư. Các yếu tố này thuộc về các điều kiện tự nhiên (như khí hậu, địa hình, đất đai, tài nguyên...) hay các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và chính sách dân số của quốc gia. Sự thuận lợi hay khó khăn của các yếu tố này ở các vùng sẽ tạo nên lực hút hay lực đẩy của mỗi vùng mà có ảnh hưởng tới sự chuyển đến hay ra đi của dân cư.

- Lực hút: bao gồm những điều kiện thuận lợi cho việc sinh sống, làm việc, học tập và phát triển.

- Lực đẩy: bao gồm những trở ngại hay hạn chế cho việc sinh sống, làm việc, học tập và phát triển.

Bất kỳ một vùng lãnh thổ nào cũng đều có những thuận lợi hay khó khăn nhất định, nói khác đi yếu tố lực hút, lực đẩy của một vùng luôn tồn tại song song.

Quá trình di dân xảy ra khi có sự khác biệt nhất định giữa vùng đi và vùng đến về một số yếu tố đặc trưng: kinh tế, việc làm, thu nhập, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; yếu tố dân cư và xã hội; sự thay đổi vế tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Ngoài ra, yếu tố lực hút và lực đẩy còn bao gồm những yếu tố cá nhân như tình trạng hôn nhân, gia đình, thay đổi nghề nghiệp, việc làm...; các yếu tố xã hội khác như thiết chế xã hội.

Lý thuyết lực hút và lực đẩy đã đưa ra quy luật chung của di dân là: dân cư sẽ di chuyển từ nơi có đời sống thấp đến nơi có đời sống cao hơn, từ vùng có điều kiện tự nhiên kém thuận lợi đến vùng có điều kiện thuận lợi hơn. Phong trào di dân ngày càng mạnh theo sự tiến bộ ngày càng cao của xã hội. Chính sự thay đổi về tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến sự hình thành các vùng trung tâm phát triển như khu công nghiệp, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp... sẽ thu hút các dòng di dân.

Ví dụ, vùng nông thôn xa xôi thường là nơi ra đi của lực lượng lao động trẻ, bởi vì ở đó không có các cơ hội kinh tế, lối sống buồn tẻ, ít cơ hội phát triển. Ngược lại, các trung tâm công nghiệp, đô thị hay thành phố lớn thường là những nơi có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trẻ vùng nông thôn vì có nhiều cơ hội việc làm, học tập, tiện nghi sinh hoạt và những triển vọng tương lai đầy sáng lạn... từ đó hình thành nên luồng chuyển cư đặc trưng nông thôn - thành thị.

Ngoài ra, trong quá trình di chuyển, người di dân cũng cần phải tính đến những trở ngại trung gian như: khoảng cách di chuyển và chi phí di chuyển. Khoảng cách di chuyển càng xa thì chi phí di chuyển càng lớn. Chi phí bao gồm hai dạng: chi phí kinh tế và chi phí tinh thần (như sự cắt rời những mối quan hệ gia đình, bè bạn, láng giềng); trong đó chi phí tinh thần mặc dù khó có thể tính toán cụ thể nhưng đây lại là nhân tố có ý nghĩa quan trọng không thể bỏ qua.

Đối với một người di dân ở dạng tiềm năng (có ý định chuyển cư) thì họ phải tính toán các yếu tố thuận lợi và bất lợi của cả vùng đi và vùng đến, nhất là phải xem xét các yếu tố bất lợi của nơi đến để có thể đi đến quyết định là có nên di chuyển hay ở lại. Tất cả những điều tính toán không hợp lý trong quá trình di chuyển đều phải trả giá khá nặng nề.

1.3. CÁC HÌNH THỨC DI DÂN

Phân chia di dân thành các hình thức khác nhau là tùy thuộc vào mục đích di dân, phạm vi di dân theo lãnh thổ, mô hình tổ chức di cư và quyết định di cư... Trong thực tế, các hình thức di dân có quan hệ và tác động lẫn nhau rất chặt chẽ, biểu hiện khác nhau trong những điều kiện cụ thể. Do vậy, sự phân chia hay phân loại di dân chỉ mang tính chất tương đối.

1.3.1. Theo mục đích di dân

- Di dân để sản xuất: đó là các dạng di dân để phát triển nông nghiệp, công nghiệp và các ngành nghề khác. Ở nước ta, di dân nông nghiệp có tổ chức, xây dựng các vùng kinh tế mới thuộc hình thức di dân này.

- Di dân phi sản xuất: di dân để làm các công việc phi sản xuất như dịch vụ, học tập, làm trong các ngành phi sản xuất vật chất khác...

1.3.2. Theo nguyên nhân di dân

- Di dân vì lý do kinh tế.

- Di dân vì lý do chiến tranh.

- Di dân vì lý do thiên tai.

- Di dân vì lý do tôn giáo...

1.3.3. Theo hành vi di dân

- Di dân tự phát.

- Di dân tự nguyện.

- Di dân bắt buộc.

1.3.4. Theo hình thức tổ chức

- Di dân có tổ chức: là sự di chuyển theo các chương trình nhằm thực hiện các mục tiêu hay chương trình phát triển kinh tế - xã hội do Nhà nước trực tiếp tổ chức, chỉ đạo và đầu tư kinh phí. Vì là dạng di chuyển theo yêu cầu của Nhà nước nên những người di dân theo dạng này sẽ được Nhà nước ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập vào cuộc sống mới. Di dân có tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện phân công lao động xã hội theo lãnh thổ và là công cụ để điều tiết mọi cuộc di chuyển khác để đạt được các mục tiêu phát triển đã đặt ra.

- Di dân không tổ chức, gồm hai dạng:

+ Di dân tự do: là sự di chuyển đến nơi cư trú mới, hoàn toàn do người di cư quyết định về việc lựa chọn địa điểm, cách di chuyển, chi phí trang trải và tìm việc làm ở nơi mới đến. Tuy nhiên, những người di cư này đã thực hiện một số thủ tục tối thiểu cần thiết với chính quyền địa phương nơi họ cư trú.

+ Di dân bất hợp pháp: là sự di chuyển đến nơi cư trú mới với những đặc điểm tương tự như di dân tự do nhưng người di cư bỏ qua sự kiểm soát, thậm chí tránh tiếp xúc với các cơ quan chức năng.

1.3.5. Theo ranh giới hành chính của lãnh thổ

- Di dân quốc tế: hình thức di dân ra khỏi biên giới của một quốc gia, tức là di dân từ nước này sang nước khác. Trong đó, có thể bao gồm dòng di chuyển của dân tị nạn, hợp tác và xuất khẩu lao động, di dân thuộc địa

- Di dân trong nước: là di dân giữa các vùng trong nội bộ của một quốc gia. Tùy thuộc vào mục đích và cấp hành chính mà có thể thống kê di dân theo từng cấp khác nhau: di dân nội vùng, ngoại vùng; di dân nội tỉnh, ngoại tỉnh; di dân nội và ngoại huyện. Ở đa số các nước, việc thống kê di dân trong nước chỉ xét tới đơn vị cấp tỉnh.

1.3.6. Theo hướng di dân thành thị và nông thôn

- Di dân nông thôn - nông thôn.

- Di dân nông thôn - thành thị.

- Di dân thành thị - nông thôn.

- Di dân thành thị - thành thị.

1.4. CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ DI DÂN

1.4.1. Tỷ suất chuyển cư (MR = Migration Rate)

Là tỷ số tương quan giữa tổng số người nhập cư và xuất cư so với dân số trung bình của một lãnh thổ trong một năm, tính theo ‰.

I + O

MR = ---------- x 1000‰

P

Trong đó:

- I: số người nhập cư, O: số người xuất cư

- P: dân số trung bình năm.

1.4.2. Tỷ suất nhập cư (IR = In-migration Rate)

Là tỷ số tương quan giữa số người nhập cư đến một nơi định cư mới, tính trên 1000 dân của nơi đến trong năm đó.

I

IR = ---------- x 1000‰

Pnơi đến

1.4.3. Tỷ suất xuất cư (OR = Out-migration Rate)

Là tỷ số tương quan giữa số người di cư rời bỏ nơi mình đang sinh sống để đến một nơi định cư mới, tính trên 1000 dân của nơi họ rời bỏ trong năm đó.

O

IR = ---------- x 1000‰

Pnơi đi

1.4.4. Tỷ suất gia tăng cơ học (NMR = Net Migration Rate)

Tỷ suất gia tăng cơ học hay tỷ suất chuyển cư thực của một vùng là hiệu quả thực giữa tỷ suất nhập cư và tỷ suất xuất cư của dân số một vùng trong một năm, tính theo ‰.

I - O

NMR = ---------- x 1000‰

P

1.4.5. Chỉ tiêu hiệu quả di dân

 I - O 

k = ------------

I + O

Lưu ý: 0  k  1, k = 0: I = O: không tăng cơ học.

k = 1: chỉ có nhập hoặc xuất cư.

Chỉ tiêu hiệu quả di dân càng cao thì dân số biến động cơ học càng nhiều.

1.5. TÁC ĐỘNG CỦA DI DÂN TỰ DO NÔNG THÔN - THÀNH THỊ ĐẾN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG

1.5.1. Tác động tích cực

- Bổ sung nguồn lao động cho thành thị.

- Góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong dân cư thành thị.

- Góp phần tạo nên sự năng động cho nền kinh tế.

- Cải thiện cuộc sống cho một bộ phận dân cư nông thôn thông qua việc gửi tiền về quê của người lao động.

1.5.2. Tác động tiêu cực

- Giảm giá trị sức lao động.

- Sức ép việc làm cho nền kinh tế thành thị.

- Sức ép đối với hệ thống cơ sỏ hạ tầng, nhà ở, y tế, giáo dục.

- Sức ép môi trường.

1.6. TÌNH HÌNH DI DÂN TRÊN THẾ GIỚI

Di dân quốc tế có ý nghĩa quan trọng vì nó có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều vùng trên thế giới.

Dân nhập cư thường có xu hướng tập trung lại tại một số khu vực nơi họ đến định cư. Sự khác biệt về văn hóa có thể gây khó khăn cho việc hội nhập. Năm 19982 một tường trình của Liên Hiêp Quốc về vấn đề di dân đã ghi nhận rằng "Lao động nước ngoài ở Tây Âu nay đã ổn định và hội nhập vào thị trường lao động của các nước tiếp nhận, nhưng sự hội nhập của họ về kinh tế không đi kèm theo một sự hội nhập về xã hội". Nhận xét này đến nay vẫn còn giá trị.

Từ 1980 đến 1992 Tây Âu đã tiếp nhận khoảng 15 triệu người nhập cư, và là một vùng đến có qui mô lớn trên thế giới. Với tình trạng suy thoái kinh tế, số người thất nghiệp trong nước tăng cao, làn sóng người nhập cư ngày càng nhiều gây ra căng thẳng trong xã hội các nước này.

Trong những năm 80, tại Hoa Kỳ có hơn 7 triệu người nhập cư hợp pháp. Nếu tính cả số người đến đây bất hợp pháp con số này có thể lên đến hơn 10 triệu. Tại Úc và Canada các luồng nhập cư còn mạnh mẽ hơn, nhưng tỷ lệ dân nhập cư đến từ các nước đang phát triển thấp hơn Hoa kỳ.

Trường hợp nhập cư vào Tây Âu và Bắc Mỹ cho thấy người nhập cư bị hấp dẫn bởi khả năng tìm được việc làm hơn là vì mức lương cao.

Như vậy, có thể nghĩ đến một chiến lược quốc tế về phát triển kinh tế bằng các chương trình hỗ trợ để tạo việc làm ngay tại các nước có nhiều lao động để tránh tình trạng xuất cư và tạo điều kiện cho một sự phát triển bền vững.

VI. ĐÔ THỊ HÓA VÀ DÂN SỐ

Dân nông thôn không đồng nghĩa với nông dân, không phải tất cả dân nông thôn đều là nông dân.

Khái niệm về dân thành thị cũng chưa được thống nhất, mỗi nước có một tiêu chuẩn riêng, thường dựa vào quy mô dân số và cơ cấu của ngành nghề lao động của điểm dân cư.

Nhiều nước lấy quy mô dân số là 2.000 dân như Pháp. Việt Nam trước đây cũng lấy quy mô điểm dân cư trên 2.000 và có trên 50% dân hoạt động phi nông nghiệp.

Đến năm 1990, Việt Nam đã thay đổi tiêu chuẩn các điểm dân cư thành thị là có dân số trên 4.000 và có trên 60% dân hoạt động phi nông nghiệp. Các thành phố, thị xã của Việt Nam được xếp thành năm loại từ lớn tới nhỏ.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa được xem như một khía cạnh quan trọng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Quá trình này bao gồm sự thay đổi trong phân bố lực lượng sản xuất, trước hết là trong sự phân bố dân cư, trong cơ cấu nghề nghiệp - xã hội, cơ cấu dân số, trong lối sống, văn hóa...

a. Đô thị hóa được thể hiện ở một số tính chất sau:

- Tập trung, tăng cường, phân hóa các hoạt động trong đô thị và năng cao tỷ lệ dân thành thị.

- Hình thành các hình thức và cấu trúc không gian mới, nhất là phát triển các thành phố lớn và cực lớn.

- Phổ biến rộng rãi lối sống thành thị trong dân cư.

Sự phát triển của quá trình đô thị hóa liên quan chặt chẽ với đặc điểm hình thành cư dân đô thị và sự phát triển của các thành phố.

Nhịp độ gia tăng dân số đô thị phụ thuộc vào quá trình tái sản xuất dân cư của chính đô thị và các dòng người nhập cư.

Sự phát triển và mở rộng quy mô thành phố đặt ra nhiều vấn đề như nên đưa vào ranh giới thành phố những lãnh thổ nào (bao gồm các khu dân cư làng mạc...) và việc cải tạo các điểm dân cư nông thôn ra sao để chúng trở thành các điểm dân cư đô thị.

Trên thực tế, sự phát triển của các thành phố còn diễn ra do việc mở rộng các khu vực ngoại vi và các điểm đô thị, bởi vì các khu vực này ngày càng bị hút vào quỹ đạo của thành phố.

b. Đặc điểm của quá trình đô thị hóa:

- Số dân đô thị gia tăng không ngừng.

Thời gian Số dân đô thị (triệu người) % so với DS TG

Đầu thế kỷ XIX 29,3 3,0

Đầu thế kỷ XX 224,4 13,6

Năm 1950 706,4 29,2

Năm 1970 1.371,0 37,1

Năm 1980 1.764,0 39,6

Năm 1990 2.234,0 42,6

Năm 2000 (dự đoán) 2.854,0 46,6

Khu vực 1970 1980 1990 2000

triệu người % triệu người % triệu người % triệu người %

1. Toàn thế giới 1.371 37,4 1.764 39,6 2.234 42,6 2.854 46,6

- các nước PT 698 66,6 798 70,2 877 72,5 950 74,4

- các nước ĐPT 673 25,4 996 29,2 1.357 33,6 1.904 39,3

2. Châu Phi 81 22,5 129 27,0 210 32,6 340 39,0

3. Châu Mỹ 330 64,7 423 68,9 530 72,9 642 76,1

4. Châu Á 503 23,9 688 26,6 915 29,9 1.242 35,0

5. Châu Âu 306 65,7 340 70,2 363 72,8 385 75,1

6.Châu Úc-Đdương 14 70,8 16 71,5 19 71 21 71,0

- Số dân tập trung nhiều vào các thành phố lớn.

Trong vòng 50 năm đầu của thế kỷ XX, số thành phố có từ 10 vạn dân trở lên đã tăng từ 360 lên 962 thành phố, trong đó chỉ mới có 75 thành phố có từ 1 triệu dân. Năm 1980, đã có 200 thành phố có từ triệu dân trở lên.

Theo dự đoán, đến năm 2000 sẽ có khoảng 42% dân thành thị sống trong các thành phố triệu dân và 70% tổng số dân thành thị sẽ sống ở các khu thành phố lớn.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều thành phố cực lớn. Năm 1992, có 13 thành phố có từ 10 triệu dân trở lên.

Stt Thành phố Số dân 1992

(triệu người) Dự đoán 2000

(triệu người)

1 Tokyo (Nhật Bản) 25,8 28.0

2 Sao Paolo (Brazil) 19,2 22.6

3 New York (Hoa Kỳ) 16,2 16.6

4 Mexico city (Mehico) 15.3 16.2

5 Thượng Hải (Trung Quốc) 14.1 17.4

6 Bombay (Ấn Độ) 13.3 18.1

7 Los Angeles (Hoa Kỳ) 11.9 13.2

8 Buenos Aires (Argentina) 11.8 12.8

9 Seoul (Hàn Quốc) 11.6 13.0

10 Bắc Kinh (Trung Quốc) 11.4 14.4

11 Rio de Janero (Brazil) 11.3 12,2

12 Caltutta (Ấn Độ) 11.1 12,7

13 Jakarta (Indonesia) 10.1 13,4

Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, lối sống thành thị được phổ biến rộng rãi và có ảnh hưởng đến lối sống của dân cư nông thôn. Về một số mặt, lối sống của dân cư nông thôn đang nhích lại gần lối sống của dân cư thành thị.

Một trong những lý do dẫn tới sự thay đổi ít nhiều về lối sống trong dân cư là sự chuyên môn hóa lao động. Mặc dù nông nghiệp vẫn còn là hoạt động cơ bản của dân cư nông thôn, nhưng tỷ lệ công việc đồng áng trong cơ cấu công việc của họ nói chung đã giảm xuống, tỷ lệ công việc phi nông nghiệp tăng lên rõ rệt. Tỷ trọng dân cư nông thôn làm việc hàng ngày tại các thành phố mà không chuyển cư ngày càng tăng.

Chính những người dân nửa đô thị này tạo thành một kênh dẫn đưa lối sống thành thị hòa nhập vào lối sống nông thôn.

Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng cũng có vai trò tích cực trong việc phổ biến lối sống đô thị vào nông thôn.

c. Đô thị hóa tại các nước phát triển và các nước đang phát triển:

- Ở phần lớn các nước kinh tế phát triển, do quá trình công nghiệp hóa diễn ra sớm và mạnh mẽ nên quá trình đô thị hóa cũng bắt đầu sớm.

Đặc trưng của quá trình đô thị hóa ở đây là tỷ lệ dân thành phố gia tăng với nhịp độ tương đối cao và việc hình thành các thành phố cực lớn (cụm đô thị, siêu đô thị).

Năm 1988, các nước có tỷ lệ dân thành thị cao là Bỉ (95%), CHLB Đức (94%), Anh (91%), Tây Ban Nha (91%), Island (90%), Úc (86%), Đan Mạch (84%), New Zealand (84%), Thụy Điển (83%)...

Tuy nhiên, nhịp độ gia tăng số dân thành thị trong thời gian gần đây đã bắt đầu chậm lại.

- Tại các nước đang phát triển, hiện nay quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với quá trình bùng nổ dân số.

Nét đặc trưng của quá trình này là sự tập trung quá mức dân cư từ nông thôn vào các thành phố lớn, trước hết là vào thủ đô. Dòng người từ nông thôn đến các thành phố ngày càng đông. Một mặt, do nhu cầu sức lao động của các thành phố lớn ngày càng tăng.

Mặt khác, người nông dân ra đi với hy vọng sẽ tìm được việc làm có thu nhập khá hơn, ổn định hơn hầu thay đổi cuộc sống vốn nhiều thiếu thốn và khó có điều kiện phát triển như ở các vùng nông thôn.

Nói khác đi, tại các nước này, các thành phố lớn là các trung tâm kinh tế có sức hút dân cư rất lớn và các vùng nông thôn là nơi có lực đẩy đáng kể và các luồng di dân từ nông thôn ra thành thị đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong xu hướng đô thị hóa.

Tuy nhiên, sự tập trung dân vào một, hai thành phố cực lớn trong một nước sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý đô thị và bảo vệ môi trường.

Ở nhiều nước Á, Phi và Mỹ Latinh, nhịp độ đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn công nghiệp hóa cộng với số người nhập cư vào các thành phố lớn ngày càng đông làm cho đội quân thất nghiệp và nửa thất nghiệp tại các thành phố tăng lên, vấn đề giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn, nhà ở thiếu thốn, cơ sở hạ tầng không đủ sức đáp ứng... từ đó dẫn đến sự mất cân bằng môi trường sinh thái, làm xuất hiện những hậu quả tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Nhìn chung, đô thị hóa là một quá trình tiến bộ, nó thúc đẩy sự phát triển của đất nước, làm cho người dân quen với cuộc sống năng động song nó lại làm gay gắt thêm nhiều vấn đề kinh tế - xã hội vốn đã nóng bỏng dưới áp lực của sự gia tăng dân số. Do vậy, đô thị hóa cần phải có sự quản lý chặt chẽ về mặt nhà nước.

Trong chiến lược phát triển đô thị, các quốc gia cần hết sức chú ý phát triển các thành phố nhỏ và trung bình thành cụm thành phố hay liên thị (metropolis) quanh các thành phố lớn, đại đô thị, siêu đô thị (megalopolis).

Đồng thời, phải có chính sách phát triển kinh tế nông thôn, thâm dụng lao động, tạo thêm việc làm phi nông nghiệp cho lao động trẻ ở nông thôn, tăng cường giao thông vận tải, thông tin liên lạc... nhằm giảm bới sự cách biệt giữa vùng nông thôn và các thành phố.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top