dan so viet nam
Chương 10
DÂN SỐ VIỆT NAM
I. TÌNH HÌNH GIA TĂNG
Việc thống kê dân số ở nước ta trong các triều đại phong kiến thường không chính xác. Nhìn chung, các triều đại phong kiến nắm dân số qua hệ thống quản lý hành chính từ tỉnh xuống huyện, phủ, tổng, xã, thôn theo số đinh (đàn ông từ 18 tuổi trở lên) để bắt lính, phu tạp dịch hoặc thu thuế. Sau ngày thống nhất đất nước (1975), dân số Việt Nam mới có được những số liệu khá chính xác thông qua các cuộc tổng điều tra dân số năm 1979, 1989, 1999.
Dân số nước ta tăng rất nhanh, từ 1926 đến 1965 tăng gấp hai lần trong thời gian 30 năm với số dân tăng thêm khoảng 16 triệu người. Từ năm 1960 tới 1985, chỉ trong 25 năm dân số lại tăng gấp đôi với số dân tăng thêm khoảng 30 triệu người. Thời gian dân số tăng gấp đôi ngày càng rút ngắn và số lượng tuyệt đối cũng tăng lên đáng kể. Theo kết quả tổng điều tra, dân số Việt Nam vào 0 giờ ngày 01-04-1999 là 76.324.753 người. Như vậy, trong 73 năm, từ năm 1926 đến 1999, dân số nước ta đã tăng thêm 60 triệu người.
Về quy mô, dân số nước ta đứng hàng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 7 châu Á và thứ 12 trên thế giới trong tổng số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
II. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH VÀ TUỔI
Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ. Quan sát tháp tuổi cho thấy đáy tháp rất rộng thể hiện số lượng trẻ em trong lớp tuổi 0-14 tuổi là rất lớn (năm 1979 chiếm 42,55%, năm 1989 chiếm 39,18% so với tổng dân số), trong khi đó, càng lên các lớp tuổi cao, đỉnh tháp thu hẹp dần thể hiện số người già trên 60 tuổi chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dân số (năm 1979 là 7,07% và năm 1989 là 7,17%).
Tháp tuổi dân số của nước ta 1979 và năm 1989 cho thấy hậu quả của các cuộc chiến tranh diễn ra trong suốt 35 năm, từ năm 1945 đến năm 1979. Ở bảy nhóm tuổi đầu tiên, tháp có hình dáng bình thường, nhưng bị thu hẹp lại nhiều bắt đầu từ tuổi 35 trở lên.
Với dân số trẻ như thế, nước ta cần phải có thêm ngân sách để đầu tư cho nhu cầu y tế, thuốc chữa bệnh, giáo dục và nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, tỷ trọng những người trẻ tuổi trong dân số cao là do ta có mức sinh cao trong nhiều năm qua, nhưng khi mức sinh đã giảm như mấy năm gần đây, thì dân số nước ta dần dần trở nên già hơn. Khi đó sẽ xuất hiện thêm những nhu cầu đặc trưng của người già cần được đáp ứng.
Một đặc điểm đáng chú ý của dân số trẻ là có một số khá đông trẻ em và người già sống dựa vào người khác. Mối quan hệ này được gọi là tỷ lệ phụ thuộc tuổi. Tuy tỷ lệ phụ thuộc tuổi đã giảm đáng kể từ 90% năm 1979 xuống 78% năm 1989, nhưng vẫn còn cao.
Đồng thời, với cơ cấu dân số trẻ như hiện nay, số dân nước ta vẫn còn tăng trong những năm tới vì lớp trẻ đông đảo hôm nay sẽ trưởng thành và sinh con đẻ cái trong tương lai.
Dân số thành thị có cơ cấu tuổi không giống với dân số nông thôn. Theo cuộc tổng điều tra dân số 1989, tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi của khu vực thành thị là 34% nhưng ở nông thôn lên tới 41%. Ở thành thị, những người thuộc nhóm 15-64 tuổi chiếm 62% tổng số dân thành thị; ở nông thôn là 54%. Vì vậy, tỷ lệ phụ thuộc tuổi của khu vực thành thị là 61 còn nông thôn là 86.
Số liệu về trẻ em sinh trong 12 tháng trước thời điểm tổng điều tra dân số 1989 cho thấy tỷ số giới tính lúc sinh ở nước ta là 106, nghĩa là trong số trẻ em sinh trong năm, cứ 100 bé gái có 106 bé trai. Đây cũng là trường hợp bình thường so với các nước khác trên thế giới. Khi tuổi càng cao, mức tử vong của nam thường cao hơn nữ, nên tỷ số giới tính giảm dần theo tuổi và đến một độ tuổi nào đó sẽ nhỏ hơn 100.
Tỷ số giới tính của dân số nước ta năm 1979 là 94 nam trên 100 nữ, vào loại thấp nhất thế giới. Đó là do hậu quả của các cuộc chiến tranh đã diễn ra liên tiếp trong những năm từ 1940 đến năm 1979. Số liệu tổng điều tra dân số 1979 cho thấy ở nước ta, phụ nữ nhiều hơn nam giới tới 1,6 triệu người. Đến năm 1989, tỉ số giới tính vẫn không tăng lên nhưng nữ giới nhiều hơn nam giới tới 1,9 triệu người. Năm 1999, tỷ số giới tính tăng lên 96,7 và nữ vẫn nhiều hơn nam 1,3 triệu người.
Tỷ lệ giới tính của khu vực thành thị và nông thôn tính từ số liệu tổng điều tra dân số 1979 và 1989 không có nhóm điều tra theo kế hoạch riêng đã cho thấy của khu vực thành thị luôn cao hơn của nông thôn. Điều này là do có nhiều nam giới độc thân ở nông thôn đã chuyển vào làm việc ở khu vực thành thị để tìm việc làm và đi học. Một điều ghi nhận được là tỷ số giới tính ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn đều tăng giữa hai cuộc tổng điều tra dân số.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là sự khác nhau về tỷ số giới tính giữa hai khu vực đã thu lại dần. Vào năm 1979, khu vực thành thị có tỷ số giới tính là 91 so với của khu vực nông thôn là 86. Đến năm 1989, khoảng chênh lệch này chỉ còn 93 so với 92. Một trong những lí do dẫn đến hiện tượng này là có nhiều nam quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ đã xuất ngũ về quê ở vùng nông thôn sinh sống.
Số liệu tổng điều tra dân số năm 1989 cho thấy cao nguyên Trung bộ có tỷ số giới tính cao nhất nước, tiếp đến là miền núi Trung du Bắc bộ. Lí do cơ bản là ở các vùng này, số người chuyển đến nhiều hơn số người chuyển đi mà trong số người di chuyển, nam giới nhiều hơn nữ giới. Ở nước ta, những tỉnh có tỷ số giới tính cao như Đắc Lắc (100), Lâm Đồng (99), Vũng Tàu-Côn Đảo (99), Đồng Nai (98), đều là tỉnh có tỷ lệ nhập cư cao.
Tuy Quảng Ninh trong vòng 5 năm qua không có nhiều người chuyển đến định cư, nhưng lại có nhiều mỏ than lớn tập trung công nhân nam, nên có tỷ số giới tính cao nhất nước. Công nhân mỏ than phần đông từ các tỉnh Hải Hưng, Thái Bình, Hà Nam Ninh, đến sống và làm việc tại mỏ nhưng nhiều người vẫn để vợ con sống ở quê.
III. PHÂN BỐ DÂN CƯ
Tính từ năm 1979 đến nay, mật độ dân số trung bình cả nước biến đổi nhanh chóng, từ 160 người/km2 (1979) tăng lên 195 người/km2 (1989), 225 người/km2 (1995) và đạt 230 người/km2 (1999). Mật độ này cao hơn 5 lần mật độ trung bình của thế giới và cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Dân số nước ta phân bố không đồng đều giữa các địa phương và các vùng. Theo số liệu tổng điều tra năm 1999, sáu tỉnh thành đông dân nhất là thành phố Hồ Chí Minh (5.037.155 người), Thanh Hóa (3.467.609 người), Nghệ An (2.858.265 người), Hà Nội (2.672.122 người), Hà Tây (2.386.770 người) và An Giang (2.049.039 người).
Đồng bằng sông Hồng là vùng có mật độ dân cư cao nhất nước. Dân số của vùng tính đến 01.04.1993 là 13.756.982 người (chiếm 19,77% dân số cả nước), mật độ dân cư 1.105 người/km2. Vùng có thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn là Hải Phòng, Nam Định. Đây là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, được khai thác từ lâu đời nên dân cư đông đúc.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long, dân số tính đến 01.04.1993 là 15.454.369 người (chiếm 22,2% tổng dân số), mật độ 391 người/km2. Thành phố Cần Thơ là thành phố lớn nhất vùng. Đây là vùng có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi và quy mô dân số lớn nhất nước, nhưng mật độ dân cư chỉ đứng hàng thứ hai sau đồng bằng sông Hồng.
Vùng Đông Nam Bộ có 8.648.630 người năm 1993 (chiếm 12,43% tổng dân số), mật độ dân cư là 370 người/km2. Các thành phố lớn trong vùng có thành phố Hồ Chí Minh - thành phố đông dân nhất cả nước, thành phố Biên Hòa. Đông Nam Bộ đứng thứ ba cả nước về mức độ đông dân nhờ quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và sự phân bố lại dân cư.
Vùng Bắc Trung Bộ có 9.473.236 người (1993), chiếm 13,61% tổng dân số), mật độ dân cư 185 người/km2. Hai thành phố lớn là Vinh và Huế. Điều kiện tự nhiên ít thuận lợi, kinh tế chậm phát triển nên quá trình đô thị hóa diễn ra chậm, đây cũng là vùng xuất cư.
Vùng duyên hải miền Trung có số dân 7.341.997 người (1993), chiếm 10,55% tổng số dân, mật độ dân cư 160 người/km2. Đà Nẵng, Nha Trang và Quy Nhơn là các thành phố lớn trong vùng. Đây cũng là vùng điều kiện tự nhiên ít thuận lợi, kinh tế chậm phát triển, quá trình đô thị hóa còn chậm, là vùng xuất cư.
Vùng núi và trung du Bắc Bộ với 12.041.257 người (1993), chiếm17,3% tổng số dân, mật độ dân cư 120 người/km2. Việt Trì, Thái Nguyên, Hạ Long là các thành phố lớn của vùng. Đây là vùng núi, kinh tế mang nặng tính tự nhiên, giao thông khó khăn, tỷ lệ phát triển dân số cao. Đây cũng là vùng xuất cư, đặc biệt là tình hình di cư tự do của đồng bào dân tộc vào Tây Nguyên.
Vùng Tây Nguyên với số dân 2.880.617 người, mật độ dân cư thấp nhất nước. Các thành phố của vùng là Đà Lạt, thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố Pleiku. Đây là vùng đất rộng người thưa, kinh tế kém phát triển nhưng lại là vùng nhập cư lớn nhất nước. Từ 1979 đến 1993, quy mô dân số tăng gấp hai lần, phần lớn do nhập cư ngoại vùng.
Sự phân bố dân cư không đồng đều còn thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Sự phân bố dân cư không đồng đều theo độ cao: với ¾ dân số tập trung sinh sống ở hai vùng đồng bằng châu thổ lớn, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và dải đồng bằng hẹp ven biển miền Trung tính tới độ cao 200m; và ¼ dân số còn lại cư trú trên 70% diện tích có độ cao trên 200m.
Sự phân bố dân cư không đồng đều theo địa bàn cư trú. Sự phân bố dân cư giữa thành thị và nông thôn chênh lệch rất lớn. Tỷ lệ dân thành thị của caả nước năm 1999 chỉ chiếm 23,5% tổng dân số, chủ yếu tập trung ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi có tới 76,5% dân số còn lại là dân cư nông thôn.
Một trong những chính sách quan trọng mà Đảng và nhà nước ta thi hành trong nhiều năm qua là phân bố lại lao động và dân cư trên phạm vi cả nước. Mục tiêu chủ yếu của chính sách này là:
Giảm áp lực dân số ở vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải miền Trung.
Hạn chế mức gia tăng dân số của các thành phố, thị xã, đặc biệt là các thành phố lớn.
Điều hòa dân số trong nội bộ tỉnh, huyện và củng cố làng xã.
Gắn công tác điều lao động và dân cư với củng cố an ninh, quốc phòng.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN DÂN SỐ VIỆT NAM
Quy mô và tốc độ gia tăng dân số hiện nay đang là sức ép đối với sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nước trên thế giới. Do vậy Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm điều chỉnh sự phát triển dân số theo hướng hạn chế sự gia tăng dân số. Các chủ trương, biện pháp đó được cụ thể như sau:
Quy định tuổi kết hôn tối thiểu: 22 tuổi đối với nữ và 24 tuổi đối với nam ở khu vực thành thị; 19 tuổi đối với nữ và 21 tuổi đối với nam ở khu vực nông thôn.
Quy định về số con: tối đa là 2 con đối với phần lớn các nhóm dân tộc, trừ một vài dân tộc ít người.
Quy định về khoảng cách sinh: con thứ hai phải cách con thứ nhất từ 3 đến 5 năm.
Nâng cao vị trí của phụ nữ trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Nâng cao dân trí, đặc biệt chú ý đến việc nâng cao trình độ văn hóa của các phụ nữ ở vùng nông thôn (vùng cao, vùng sâu).
Những biện pháp trên nhằm giảm mức sinh trung bình từ 0,4 - 0,6%/năm để đến sau năm 2000 tốc độ gia tăng dân số là 1,7%, tổng số dân cả nước đạt ở mức ổn định 80 triệu người.
Cũng giống như nhiều nước khác, dân số nước ta phân bố không đều giữa các vùng trong nước. Ở một số nơi, dân cư sống đông đúc, nhưng một số nơi khác dân cư rất thưa thớt. Có nhiều yếu tố tác động đến sự phân bố của dân số, trong đó đáng chú ý là các yếu tố địa lí như: khí hậu, đất đai, nguồn nước và tài nguyên...
Nước ta có mật độ dân số tương đối cao. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 1989, mật độ dân số nước ta là 195 người/km2, đứng thứ ba trong số 10 nước vùng Đông nam-Á, chỉ sau Singapore và Philippines, và thứ 13 trong số 42 nước thuộc khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Dân số nước ta tập trung chủ yếu ở hai vùng đồng bằng của hai con sông lớn là sông Hồng ở miền Bắc và sông Cửu Long ở miền Nam. Mặc dù hai vùng này chỉ chiếm 17% diện tích đất nhưng là địa bàn cư trú của gần một nửa (44%) số dân cả nước. Ngược lại, Miền núi Trung du Bắc bộ và Cao nguyên Trung bộ chiếm tới gần một nửa (47%) diện tích đất cả nước nhưng vào năm 1989, số dân của vùng chỉ chiếm 1/5 (20%) số dân cả nước.
Trong bảy vùng địa lý kinh tế, đồng bằng Bắc bộ là vùng có mật độ cao nhất, đạt 1.784 người/1km2 năm 1989. Đây cũng đồng thời là vùng có mật độ dân số tính theo diện tích đất có khả năng nông nghiệp cao nhất so với các vùng khác trong nước: năm 1979 là 1.214 người/km2, năm 1989 là 1.503 người/km2. Về mặt lịch sử, Đồng bằng sông Hồng chính là cái nôi của người Việt.
Vùng có mật độ dân số cao thứ hai là đồng bằng sông Cửu Long với mật độ dân số trung bình năm 1989 là 359 người/1km2. Về mặt địa lí, vùng này bằng phẳng và màu mỡ, có khí hậu ấm áp rất thích hợp cho việc trồng lúa. Hơn nữa, đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng đất nông nghiệp lớn. Năm 1989, mật độ tính theo đất có khả năng nông nghiệp là 453 người/1km2, tức chỉ bằng 1/3 mật độ đó của đồng bằng sông Hồng
Các vùng có dân cư trú thưa thớt nhất là Tây nguyên (mật độ dân số năm 1989 là 45 người/km2) và Miền núi Trung du Bắc bộ (103 người/km2). Đây chính là hai vùng có địa hình núi non hiểm trở của nước ta. Tuy vậy, cũng phải nhận thấy là Tây nguyên có mật độ dân số tính theo đất có khả năng nông nghiệp thấp nhất. Năm 1979, mật độ dân số là 99 người/km2 đất có khả năng nông nghiệp, đầu năm 1989 tăng lên 170 người/km2. Điều đó chứng tỏ tiềm năng nông nghiệp chưa khai thác còn lớn.
Không kể thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mật độ dân năm 1989 của các tỉnh khác nhau đáng kể: từ tỉnh Lai Châu có mật độ dân số 26 người/km2 đến Thái Bình có mật độ dân số 1.065 người/km2. Các tỉnh có mật độ dân số cao đều nằm ven hai con sông lớn là sông Hồng và sông Cửu Long. Đó là các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Hà Nam Ninh (ven sông Hồng) và An Giang, Bến Tre, Tiền Giang (ven sông Cửu Long). Các tỉnh giáp ranh với các tỉnh trên vào năm 1989 thường có mật độ dân số từ 300 đến 500 người/km2 như Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hà Sơn Bình ở miền Bắc và Cửu Long, Đồng Tháp, Hậu Giang ở miền Nam. Các tỉnh ven biển có mật độ dân số từ 100 đến 200 người/km2. Các tỉnh miền núi có mật độ dân số dưới 100 người/km2.
Một trong những chính sách quan trọng mà Đảng và nhà nước ta thi hành trong nhiều năm qua là phân bố lại lao động và dân cư trên phạm vi cả nước. Mục tiêu chủ yếu của chính sách này là:
Giảm áp lực dân số ở vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải miền Trung.
Hạn chế mức gia tăng dân số của các thành phố, thị xã, đặc biệt là các thành phố lớn.
Điều hòa dân số trong nội bộ tỉnh, huyện và củng cố làng xã.
Gắn công tác điều lao động và dân cư với củng cố an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, bức tranh phân bố theo lãnh thổ của nước ta hầu như không thay đổi trong khoảng thời gian giữa hai cuộc tổng điều tra dân số năm 1979 và 1989. Ở cả hai thời điểm, các vùng thuộc miền Bắc đều chiếm trên 50% số dân của cả nước.
- Sinh sản: là một hiện tượng sinh vật học, đóng vai trò thay thế và duy trì về mặt sinh học của xã hội loài người, hay nói một các khác đó là quá trình tạo nên thế hệ mới trong dân số.
- Tử vong: là quá trình chết đi của những người ở những độ tuổi khác nhau không còn khả năng sống.
- Hôn nhân: là quá trình hình thành các vặp vợ chồng bao gồm việc kết hôn (lần đầu) và tái hôn (xây dựng lại gia đình sau khi ly dị hoặc tục huyền).
- Chấm dứt hôn nhân: là quá trình hôn nhân tan rã do một trong hai người bạn đời (vợ hay chồng) qua đời hoặc do li hôn.
- Di dân: là sự di chuyển của dân cư từ một đơn vị lãnh thổ này tới một đơn vị lãnh thổ khác nhằm thiết lập nơi cư trú mới trong một khoảng thời gian nhất định. Di dân bao gồm hai quá trình là nhập cư và xuất cư.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top