dan so va phat trien

Chương 8

DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN

I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM

I.1. Phát triển và phát triển bền vững

Định nghĩa 1: Phát triển là quá trình một xã hội đạt đến thỏa mãn các nhu cầu mà xã hội ấy cho là cơ bản.

Định nghĩa này mang tính khái quát cao. Để làm rõ hơn, nó thường được bổ sung bằng hệ thống thước đo sự phát triển, bao gồm:

Về kinh tế: GNP/người.

Về xã hội: trình độ giáo dục, tuổi thọ trung bình, số calo/người.

Các chỉ số về cơ cấu của nền kinh tế quốc dân.

Định nghĩa 2: Phát triển là sự tiến bộ tổng quát về mức sống, cùng với sự giảm bớt bất công trong phân phối thu nhập và có khả năng tiếp tục tiến bộ bền vững trong tương lai, trong đó phúc lợi kinh tế - xã hội là cốt lõi của phát triển.

Như vậy, nói đến phát triển phải tính đến hai vấn đề:

Sự tăng trưởng về kinh tế.

Sự tiến bộ về mặt xã hội.

Định nghĩa 3: Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc tìm cách thỏa mãn các nhu cầu của bản thân họ.

I.2. Các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển

Thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNP/người) hoặc thu nhập trong nước bình quân đầu người (GDP/người). GNP/người là thước đo mức sống vật chất trung bình của mỗi nước và mức chênh lệch giàu nghèo về đời sống giữa các nước khác nhau.

Cơ cấu kinh tế (%GDP): là tỷ lệ phần trăm đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của ba nhóm ngành nông nghiệp (khu vực I), công nghiệp, xây dựng (khu vực II) và dịch vụ (khu vực III).

Tuổi thọ trung bình của dân số: chỉ tiêu này cho phép đánh giá tổng hợp tình hình phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống, phúc lợi y và mức độ tử vong trẻ em.

Tỷ lệ người biết chữ và mù chữ: chỉ tiêu này thể hiện trình độ dân trí của một nước. Nó đánh giá nỗ lưc của toàn xã hội và riêng ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng người lao động, tạo đà thúc đẩy kinh tế phát triển.

Số calo đầu người: là thước đo mức độ đảm bảo nhu cầu thiết yếu lương thực, thực phẩm cho người dân một quốc gia.

Chỉ số phát triển con người (HDI): là chỉ tiêu tổng hợp, phản ánh mức độ phát triển kinh tế và mức sống, trình độ phát triển giáo dục, y tế, môi trường; được tính toán dựa vào ba yếu tố: GDP/người, tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn (tỷ lệ người biết chữ và số năm đi học trung bình). Dựa vào chỉ số HDI, trình độ phát triển của các quốc gia được đánh giá, sắp xếp thành hai nhóm:

Nhóm các nước phát triển: gồm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như nhóm G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ý, Canada) và các nước có nền công nghiệp đã phát triển (Đông Âu và một số nước khác).

Nhóm các nước đang phát triển: gồm các nước và lãnh thổ công nghiệp mới (Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hongkong, Arhentina, Brazin, Mehico), các nước có trình độ phát triển trung bình (chiếm đa số các nước đang phát triển ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh) và các nước chậm phát triển (27 nước ở châu Phi, 11 nước ở châu Á, 3 nước ở châu Đại Dương, 1 nước ở châu Mỹ Latinh 1990).

I.3. Chất lượng cuộc sống

Chất lượng cuộc sống (quality of life)

Là khái niệm phức tạp nó thể hiện cả những đòi hỏi sự thỏa mãn về nhu cầu tình cảm và các nguyện vọng xã hội của cộng đồng hay của xã hội cũng như khả năng đáp ứng một cách bền vững và ổn định những nhu cầu cơ bản của cuộc sống (ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, giải trí, công ăn việc làm, các địch vụ y tế, xã hội) của chính bản thân xã hội.

Khái niệm này thay đổi tùy theo quan niệm văn hóa xã hội và truyền thống của mỗi dân tộc, ở từng giai đoạn phát triển của xã hội, chất lượng cuộc sống có mối quan hệ rất hữu cơ với nhiều yếu tố. Từ quan hệ đó, khái niệm về chất lượng cuộc sống toàn diện mới hình thành.

Sơ đồ 1: Chất lượng cuộc sống ở mức vĩ mô và vi mô

Các mối quan hệ tác động lẫn nhau ảnh hưởng đển chất lượng cuộc sống

Nhu cầu vật chất

Nhu cầu dinh dưỡng

Cơ thể cần được thường xuyên cung cấp đầu đủ các chất dinh dưỡng để:

Bù đắp lại năng lượng đã chi phí trong hoạt động sống và lao động.

Xây dựng cơ thể: tạo các tế bào mới bảo đảm sự phát triển của cơ thể (đối với trẻ em đang lớn) hoặc thay thế các tế bào già (ở cơ thể trưởng thành).

Nhu cầu dinh dưỡng được thể hiện ở hai mặt: lượng và chất.

Lượng dinh dưỡng cần thiết thay đổi tùy theo độ tuổi, tùy theo giới, tùy theo mức độ lao động nặng, nhẹ và tùy theo thể trọng cân nặng.

Hình thức lao động Năng lượng (Kcal/phút)

NAM

Dừng nghỉ 1,06  0,26

Ngồi quấn dây điện 1,14  0,20

Ngồi đánh bóng bút máy 1,17  0,29

Ngồi dũa 1,28  0,30

Đứng tiện 1,43  0,27

Ngồi sắp chữ 1,50  0,36

Đứng tráng phim, rửa ảnh 1,74  0,25

Đứng kiểm tra máy (đã lắp) 1,77  0,49

Ngồi dập định, ngòi bút 1,84  0,47

Lắp bánh ôtô 2,21  0,52

Quai búa tạ 4,12  0,79

NỮ

Đứng máy tiện nhỏ 1,13  0,28

Ngồi dán nhãn 1,26  0,24

Ngồi máy dệt kim (chạy điện) 1,40  0,29

Bảng 1: Nhu cầu năng lượng của công nhân Việt Nam từ 18 đến 30 tuổi

Để dễ so sánh nhu cầu năng lượng của các hoạt động khác nhau ở các đối tượng, người ta tính năng lượng cần thiết cho 1kg trọng lượng cơ thể trong 1giờ.

Dạng hoạt động Kcal / 1kg cơ thể /1 giờ

Ngủ 1,0

Nằm nghỉ 1,1

Ngồi nghỉ 1,4

Đứng nói chuyện 1,9

Đi bộ 3,2

Giặt 3,5

Xẻ gỗ 7,1

Chặt cây 7,8

Bảng 2: Năng lượng cần thiết cho 1kg trọng lượng cơ thể trong 1 giờ

cho các hoạt động khác nhau.

Xét theo nhu cầu dinh dưỡng cần cung cấp và khả năng đáp ứng thực tế ở các nước khác nhau cho thấy rất khác nhau:

Quốc gia, khu vực Số calo cung cấp hàng ngày (1981)

Thực tế cung cấp % nhu cầu

Hoa Kỳ 3.674 138

Hungari 3.509 134

Singapore 3.070 133

Anh 3.322 132

Liên xô 3.328 130

Hongkong 2.920 129

Triều Tiên 2.931 136

Thổ Nhĩ Kỳ * 3.019 122

Malaysia 2.662 121

Austraylia * 3.210 119

Nhật Bản 2.740 117

Arab Seoud 2.895 116

Philippin 2.318 116

Indonesia 2.342 110

Trung Quốc 2.526 107

Pakistan 2.313 106

Thailand 2.303 105

Sri Lanka 2.520 102

Việt Nam 1.961 90

Ấn Độ 1.906 86

Bangladesh 1.952 84

Nepal 1.929 84

Afganistan 1.758 72

* Tuy mức calo cung cấp cao hơn Triều Tiên và Malaysia, nhưng theo tiêu chuẩn cỉa các quốc gia này thì chỉ đạt mức đã ghi (một số quốc gia khác cũng tương tự).

Bảng 3: Năng lượng cung cấp hàng ngày theo đầu người

ở một số quốc gia (theo thứ thự mức sống)

Các chất dinh dưỡng cho quá trình đổi mới và phát triển cơ thể là protid, lipid, glucid, các vitamin và muối khoáng. Trong đó quan trọng nhất là thành phần protid (đạm).

Protid được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng nói lên mức sống của một gia đình, một cộng đồng, một quốc gia. Theo chỉ tiêu này, mức sống của nhân dân các khu vực trên thế giới thể hiện sự khác biệt rất lớn.

Tổng năng lượng Lượng calo có nguồn gốc

Khu vực cung cấp hàng ngày động vật trong khẩu phần

(calo) (calo) (%)

Bắc Mỹ 3.318 1.324 40

Tây Âu 3.133 1.102 35

Châu Đại Dương 3.261 1.190 15

Mỹ Latin 2.528 443 17

Trung Cận Đông 2.495 236 9,4

Châu Phi 2.188 141 6,4

Đông Nam Á 2.082 124 6,7

Bảng 4: Lượng calo có nguồn gốc động vật có trong khẩu phần ăn hàng ngày

Các độ tuổi khác nhau, chu cầu protid trong khẩu phần ăn cũng khác nhau.

Đối tượng Nhu cầu năng lượng Tỷ lệ protid cần cung cấp

trong ngày (Kcal) (% năng lượng cần)

Trẻ 1-2 tuổi 1.230 7,8% = 24g

Trẻ 4-9 tuổi 1.970 5,9% = 29g

Thiếu niên nam, nữ 3.050 8,0% = 61g

Trưởng thành 3.200 4,25% = 34g

Mẹ đang cho con bú 3.200 9,5% = 76g

Bảng 5: Nhu cầu protid ở các độ tuổi khác nhau

Đói và thiếu dinh dưỡng

Đói là tình trạng ăn không đủ lượng (calo) cần thiết cho cơ thể. Thiếu dinh dưỡng là tình trạng ăn thiếu chất, mà chủ yếu là thiếu đạm, đặc biệt là đạm động vật trong đó có chứa nhiều acid amin không thể thay thế.

Thiếu dinh dưỡng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Trong khẩu phần ăn thiếu vitamin (thường có trong hoa quả và rau tươi) cũng làm suy dinh dưỡng.

Nhu cầu protid tối thiểu là 60g/ngày, trong đó ít nhất phải có 10g là protid động vật (thịt, trứng sữa, tôm cua...). Protid là thành phần quan trọng trong cấu tạo cơ thể, chiếm 2/3 trọng lượng khô (mà trọng lượng khô chiếm 1/3 thể trọng).

Trong khẩu phần hàng ngày của người dân ở các nước phát triển có 90g đạm, ít nhất là 50g đạm động vật. Riêng Mỹ, lượng đạm trong khẩu phần là 97g (1969) và 98,6g (1970) trong đó, đạm động vật chiếm tới 70%.

Ở các nước đang phát triển, lượng đạm trong khẩu phần chỉ khoảng 40-50g và tỷ lệ đạm động vật chỉ chiếm khoảng 15%. Theo FAO thì nạn đói và thiếu dinh dưỡng xảy ra triền miên và mỗi năm tăng trên toàn thế giới.

Ước tính tính có đến 2/3 số trẻ em ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng có thể xảy ra cả đối với trẻ em ở các gia đình khá giả do cha mẹ thiếu hiểubiết khoa học trong việc nuôi dưỡng con cái (cho ăn thiếu chất).

Muốn sống tạm no (lượng) đủ (chất), mỗi người cần khoảng 800-1000 kg lương thực trong một năm (vừa để ăn, vừa dùng cho chăn nuôi để lấy đạm động vật cần thiết). Bình quân của người Việt Nam là 325,4 kg lương thực (1990), tương đương với 1.970 kcal, trong khi mức năng lượng cần cho người lao động bình thường là 2.100-2.300kcal.

Hậu quả của thiếu thức ăn, suy dinh dưỡng

Sức khỏe kém, bệnh tật phát triển:

Thiếu thức ăn, nhất là thiếu protid sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, bị ốm do sức chống đỡ bệnh tật của cơ thể bị suy giảm.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng sẽ tụt cân (suy dinh dưỡng nặng có thể tụt 40% trọng lượng so với cơ thể bình thường, suy dinh dưỡng vừa tụt 25%), giảm chiều cao và vành sọ. Trẻ ngoài 4 tháng tuổi suy dinh dưỡng biểu hiện rõ tình trạng này. Trẻ bị suy dinh dưỡng còn bị ảnh hưởng đến trí tuệ vì trong quá trình phát triển và hoàn thiện về khối lượng, cấu trúc đã không được cung cấp đủ chất.

Ở các nước có thu nhập thấp, 52% số trẻ em 1 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ tử vong ở nhóm này rất cao. Ở Ấn Độ, trẻ em trong nhóm 1-5 tuổi chiếm 16% số dân nhưng số trẻ em này bị chết chiếm tới 40% số người chết.

Các bà mẹ mang thai bị suy dinh dưỡng thường xẩy thai, đẻ non, đẻ con thiếu cân, bị thiếu máu và dễ bị tử vong (10% số bà mẹ ở Ấn Độ tử vong do thiếu máu).

Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới, 1/3 dân số thế giới đang bị thiếu đạm, trong đó, có 300 triệu người bị thiếu máu nặng.

Năng suất lao động giảm.

Ảnh hưởng đến tuổi thọ trung bình (triển vọng sống):

Ở các nước có thu nhập thấp, do thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng nên tuổi thọ trung bình thấp hơn tuổi thọ trung bình của các nước có thu nhập cao (năm 1978, chênh lệch tới 24,1 năm).

Nhóm quốc gia Tuổi thọ trung bình Mức tăng

theo thu nhập 1950 1960 1978 1950-1978

Các quốc gia thu nhập cao 66,0 69,4 73,5 7,5

(nước công nghiệp phát triển)

Các quốc gia thu nhập trung bình 51,9 54,0 61,0 9,1

Các quốc gia thu nhập thấp 35,2 41,9 49,4 14,7

Bảng 6: Tuổi thọ trung bình của các nhóm quốc gia qua một số năm

Hiện nay, khoảng 25% số dân trên thế giới còn chưa được hưởng đầy đủ những nhu cầu vật chất cần thiết như ăn, mặc, ở, nước sạch, thuốc uống...

Nhu cầu tinh thần

Nhu cầu tinh thần gồm những nhu cầu về giáo dục, thông tin, liên lạc, giao thông, về an ninh, giải trí và các dịch vụ xã hội khác.

Tỷ lệ người có học (%) 1950 1960 1975

Các quốc gia có mức thu nhập cao 95 97 99

Các quốc gia có mức thu nhập trung bình 48 54 71

Các quốc gia có mức thu nhập thấp 22 29 38

Bảng 7: Tình hình giáo dục ở các nhóm quốc gia

Nhìn chung, nhiều nước trên thế giới có chất lượng cuộc sống còn thấp.

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Sự gia tăng dân số:

Sự gia tăng dân số là một trong những nhân tố quan trọng dẫn tới việc giảm khả năng đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần, là nguyên nhân của thiếu ăn và suy dinh dưỡng.

Theo tính toán của FAO, nếu dân số tăng 1% thì sản xuất lương thực phải tăng 2,5%. Tuy nhiên, trong vòng 40 năm (từ 1940-1980), dân số thế giới tăng 2,7 lần trong khi đó, sản xuất lương thực chỉ tăng 2,5 lần. Riêng châu Phi, trong vòng 10 năm (1969-1979), sản lượng lương thực tăng 15% nhưng bình quân lương thực trên đầu người lại giảm 11%. Việt Nam có tốc độ gia tăng dân số thuộc loại cao 2,2% song sản lượng lương thực hàng năm chỉ tăng 3,4% (1975-1990).

Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cómức tăng dân số cao (trên 2,3%) trong khi mức tăng thu nhập quốc dân và mức tăng thu nhập bình quân đầu người lại thấp.

Các quốc gia 1950-1960 1960-1970 1970-1980

Thu nhập cao 1,2 1,0 0,7

Thu nhập trung bình 2,4 2,5 2,3

Thu nhập thấp 1,9 2,5 2,3

Bảng 8: Mức tăng dân số trung bình hàng năm (%)

Các quốc gia 1950 1960 1980

Thu nhập cao 3.841 5.197 9.684

Thu nhập trung bình 625 802 1.521

Thu nhập thấp 164 174 245

Bảng 9: Mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở các nhóm quốc gia (USD)

Quy mô gia đình:

Quy mô gia đình có liên quan trực tiếp đến sự tăng hay giảm dân số, có ảnh hưởng đến thu nhập bình quân và do đó ảnh hưởng gay gắt đến chất lượng cuộc sống.

Quy mô gia đình cũng có ảnh hưởng rõ rệt tới sức khỏe và bệnh tật của người mẹ và số trẻ em sinh ra.

Sơ đồ 2: Biểu hiện của sức ép dân số lên chất lượng cuộc sống

và tài nguyên môi trường

Sơ đồ 3: Mối quan hệ giữa gia tăng dân số (hệ quả của quy mô gia đình lớn)

với chất lượng cuộc sống

Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống

Từ những phần trình bày ở trên, nhận thấy rằng, nguyên nhân sâu xa của nghèo đói và chậm tiến là do dân số tăng quá nhanh, trong khi sản xuất lương thực thực phẩm và các phương tiện sinh hoạt không phát triển theo kịp mức tăng dân số. Do vậy, những nhu cầu cơ bản của con người đã không được đáp ứng một cách đầy đủ, nhất là ở các nước đang phát triển và chậm phát triển (tức là những nước có mức thu nhập thấp).

Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, cần thực hiện giải pháp:

Phát triển kinh tế.

Nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người.

Nâng cao sản lượng lương thực và thực phẩm bằng cách phát triển chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện giống vật nuôi và cây trồng... mở rộng diện tích canh tác, tăng cường thâm canh, cải tạo đất trồng.

Hạn chế sự gia tăng dân số.

Đảm bảo một quy mô gia đình vừa phải.

Thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

II. DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

II.1. Ảnh hưởng của dân số tới kinh tế

Con người vừa là lực lượng lao động trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất vừa là lực lượng tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ra.

Xét dưới góc độ người sản xuất, mỗi con người chỉ hoạt động trong một độ tuổi giới hạn nhất định, từ 15 đến 60 hoặc 64 tuổi. Xét dưới góc độ người tiêu dùng, con người tiêu thụ của cải, dịch vụ kéo dài trong suốt cuộc đời, từ khi ra đời cho đến khi chết. Do đó, quy mô dân số, cơ cấu tuổi và giới tính là cơ sở để xác định nhu cầu xã hội, từ đó xác lập quy mô sản xuất.

Dân số tăng nhanh sẽ làm tăng số lượng bộ phận phụ thuộc trẻ em, làm hạn chế việc tích lũy để tái sản xuất mở rộng do phải tăng quỹ tiêu dùng. Tỷ số phụ thuộc càng cao, càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa tiêu dùng và tích lũy.

Lực lượng lao động tăng nhanh do được bổ sung hàng năm làm tăng sức ép nhu cầu việc làm, đưa đến hậu quả làm giảm giá sức lao động, thất nghiệp gia tăng.

Tỷ lệ hoạt động kinh tế và năng suất lao động xã hội thường khác nhau ở các nhóm tuổi và giới tính. Nam giới ở độ tuổi 25-29 và 30-34 là hai nhóm dân số có tỷ lệ hoạt động kinh tế và năng suất lao động cao hơn nhiều so với các nhóm khác.

Dân số tăng nhanh làm giảm quỹ tích lũy và tỷ lệ tiết kiệm, gây nên tình trạng thiếu vốn để mở rộng sản xuất và đầu tư chiều sâu (khoa học, công nghệ và giáo dục), do vậy khó nâng cao năng suất lao động xã hội và tốc độ tăng sản phẩm, hạn chế khả năng tạo thêm việc làm cho nền kinh tế.

Tổ chức FAO đã tính rằng, nếu dân số tăng 1% thì lương thực phải tăng 2,5%, thu nhập quốc dân tăng 4%. Các nước có thu nhập GNP/người cao thì gia tăng dân số thấp và ổn định, ngược lại, các nước đang phát triển có mức thu nhập GNP/người thấp thì gia tăng dân số nhanh. Điều này làm cho sự phân biệt giàu nghèo ngày càng mở rộng, làm tăng nguy cơ tụt hậu của các nước nghèo.

Mối quan hệ giữa mức thu nhập và tốc độ gia tăng dân số được lượng hóa bằng công thức:

Tỷ lệ tăng GNP/người = tỷ lệ tăng GNP - tỷ lệ tăng dân số

Như vậy muốn tăng GNP bình quân đầu người thì phải tăng quy mô của tổng thu nhập quốc dân hoặc phải giảm tỷ lệ tăng dân số.

Tuy nhiên, quan hệ giữa dân số và kinh tế không đơn thuần chỉ là quan hệ toán học. Sự phát triển kinh tế còn phụ thuộc nhiều điều kiện: tài nguyên, vốn tài sản cố định, điều kiện địa lý, khí hậu, đất đai, điều kiện thị trường, giá cả, tài chính, dịch vụ... và cả yếu tố ổn định chính trị.

II.2. Ảnh hưởng của kinh tế tới dân số

Trình độ phát triển kinh tế có ảnh hưởng lớn và toàn diện tới các quá trình dân số (sinh, tử, chuyển cư) và khuynh hướng biến động các quá trình này.

Thực tế ở các nước công nghiệp phát triển cho thấy, do phát triển kinh tế cao, tỷ suất gia tăng dân số rất thấp, nhỏ hơn 1%/năm, thậm chí bằng 0 hoặc âm. Mức sinh giảm dưới mức thay thế, mức tử vong thấp và tuổi thọ trung bình cao.

Khi nền kinh tế phát triển, công nghiệp hoá, tự động hóa đòi hỏi chất lượng cao của người lao động, chứ không cần số lượng nhiều, đã tác động tới nhận thức của người dân, họ dễ chấp nhận mô hình ít con. Kinh tế phát triển, thu nhập và mức sống cao, tạo điều kiện cho người dân được học hành, nâng cao trình độ hiểu biết, họ dễ chấp nhận sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế mức sinh. Mặt khác, sự phát triển của kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe còn góp phần làm giảm mức tử vong và tăng tuổi thọ, có chế độ baảo hiểm xã hội cho người già khá tốt, bố mẹ không phải nhờ cậy con cái về kinh tế khi già yếu nên không cần sinh nhiều con. Mức sống cao cùng với lối sống đô thị đã lôi cuốn người dân vào các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao giải trí và du lịch cũng góp phần làm giảm mức sinh và gia tăng quá trình chuyển cư.

Trong khi đó tại các nước đang phát triển, nhiều nước còn đang trong vòng lẩn quẩn: muốn phát triển kinh tế phải hạn chế sự gia tăng dân số quá nhanh. Song muốn giảm mức sinh đẻ, cần phải đầu tư lớn về vật chất kỹ thuật, phải phát triển kinh tế. Một số nước đã giải quyết thành công bài toán này nhờ chính sách phát triển kinh tế khôn ngoan và chính sách dân số kiên trì và nghiêm khắc. Tuy nhiên, còn nhiều nước, nhất là các nước chậm phát triển, vẫn còn là một vấn đề nan giải.

Như vậy, cùng với chính sách dân số, sự phát triển kinh tế là nhân tố có ý nghĩa then chốt làm giảm mức sinh, mức tử vong, qua đó làm giảm tốc độ gia tăng số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng con người cả về thể chất và trí tuệ.

Tóm lại, mối quan hệ giữa dân số và kinh tế là mối quan hệ tái sản xuất vật chất và tái sản xuất dân cư của một xã hội. Chúng có quan hệ khắng khít, tác động qua lại nhiều chiều, trong đó tái sản xuất con người là tiền đề và điều kiện để tái sản xuất vật chất. Ngược lại, tái sản xuất vật chất có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến sự sống, là cơ sở của tái sản xuất con người cả số lượng và chất lượng.

III. DÂN SỐ VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

III.1. Dân số và lương thực, thực phẩm

III.2. Dân số và nhà ở

III.3. Dân số và lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực

III.4. Dân số và giáo dục

III.4.1. Giáo dục và vai trò của giáo dục trong phát triển

Giáo dục là tất cả các dạng học tập của con người, là một quá trình được tổ chức một cách có mục đích, có kế hoạch nhằm truyền đạt và lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội của loài người.

Một nền giáo dục hiện đại, tiến bộ thường có những đặc trưng sau:

Tính đại chúng: nền giáo dục cho mọi người, vì mọi người.

Tính nhân văn, dân tộc và nhân loại.

Sự bình đẳng về cơ hội học tập và giá trị học vấn giữa các nhóm xã hội.

Trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, ngoài sức lao động cơ bản của con người, việc nâng cao chất lượng, tiềm năng con người cũng đóng góp một phần đáng kể vào việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Giáo dục còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển các mặt khác của xã hội. Xã hội có trình độ dân trí cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho quá trình dân chủ hóa. Có trình độ học vấn cao, mỗi công dân sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, thực hành nghề và chuyển nghề khi cần thiết, do đó, giáo dục góp phần vào quá trình thay đổi cơ cấu xã hội, làm cho các nhóm xã hội xích lại gần nhau.

III.4.2. Các chỉ tiêu đánh giá giáo dục

Về số lượng:

Tổng số học sinh: chia theo trình độ cấp học.

Tỷ lệ học sinh theo từng cấp học.

Số học sinh, sinh viên trên 10.000 dân.

Số năm đi học trung bình.

Những điều kiện đảm bảo chất lượng:

Tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục.

Số lượng học sinh trung bình trên một giáo viên theo từng cấp học.

Trình độ giáo viên.

Chi phí bình quân cho một học sinh, sinh viên.

Tình hình trang thiết bị trường học và phương tiện dạy học.

Ở các nước đang phát triển còn chú ý các chỉ tiêu: tỷ lệ người mù chữ, tỷ lệ học sinh tới trường ở từng cấp học. Ở các nước phát triển thì chú ý tỷ lệ người biết chữ.

III.4.3. Dân số ảnh hưởng đến giáo dục

Dân số tác động trực tiếp và gián tiếp tới giáo dục qua sự biến đổi về quy mô và cơ cấu dân số. Tuy nhiên, giữa dân số và giáo dục là sự tác động qua lại lẫn nhau trong sự liên hệ và tác động qua lại của nhiều yếu tố khác như kinh tế, truyền thống văn hóa, tôn giáo, khoa học, địa lý...

Quy mô dân số tác động đến quy mô giáo dục.

Quy mô, tốc độ tăng dân số hàng năm và cơ cấu dân số sẽ phản ánh nhu cầu đi học của người dân. Một nước có quy mô dân số lớn sẽ có quy mô giáo dục lớn, tốc độ gia tăng dân số hàng năm cao hay thấp góp phần làm gia tăng số học sinh đến trường ở mỗi cấp học, mở rộng hay thu hẹp quy mô giáo dục.

Cơ cấu tuổi và giới tính ảnh hưởng đến cơ cấu của hệ thống giáo dục.

Các nước có cơ cấu dân số trẻ sẽ có quy mô giáo dục lớn hơn các nước có dân số già. Ở các nước đang phát triển, dân số thế hệ sau nhiều hơn thế hệ trước nên cấu trúc các bậc học cũng có dạng hình tháp đáy rộng đỉnh hẹp như tháp dân số, trong đó, cấp I nhiều hơn cấp II và cấp II nhiều hơn cấp III.

Dân số tăng nhanh chẳng những làm tăng số trẻ em đến tuổi đi học, làm tăng số học sinh phổ thông mà còn làm tăng nhu cầu học nghề và học đại học.

Quy mô dân số lớn, tốc độ gia tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ dẫn tới hậu quả là số trẻ em trong tuổi đi học tăng nhanh, số lượng lớn, vượt quá khả năng của ngành giáo dục. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn tốc độ tăng dân số nên mức thu nhập bình quân thấp, khả năng đầu tư của Nhà nước và của gia đình học sinh dành cho giáo dục thấp. Do vậy, quy mô giáo dục bị hạn chết, chất lượng giáo dục bị giảm sút.

Thiếu phòng học, phải học nhiều ca, phòng học chật chội, không đảm bảo vệ sinh học đường, lớp học quá đông.

Thiếu giáo viên, trình độ giáo viên hạn chế, đới sống khó khăn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu.

Tỷ lệ học sinh bỏ học cao, nhất là học sinh gái.

Ngoài những yếu tố trên, tuổi kết hôn, mức sinh, mức tử vong và chuyển cư cũng có ảnh hưởng đến giáo dục.

III.4.4. Ảnh hưởng của giáo dục đối với dân số

Ảnh hưởng đến mức sinh:

Mức sinh phụ thuộc vào trình độ học vấn của dân cư mà trước hết là trình độ học vấn của phụ nữ trong tuổi sinh sản và tỷ lệ phụ nữ có trình độ học vấn trong tổng số phụ nữ.

Trình độ văn hóa là điều kiện quan trọng giúp người phụ nữ tự nguyện thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Có trình văn hóa nhất định, người phụ nữ mới tiếp nhận nhanh và hiệu quả các biện pháp tránh thai.

Có trình độ văn hóa, người phụ nữ có điều kiện để cải thiện địa vị xã hội của mình trong gia đình (trong quan hệ kinh tế, quan hệ sinh đẻ...) và trong xã hội (tiếp tục học, kiếm việc làm có thu nhập cao hơn...). Do đó, họ thường lập gia đình muộn, sinh con muộn và sinh ít con hơn.

Quá trình sinh đẻ của con người không chỉ chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên (có tính bản năng sinh tồn) mà còn chịu sự chi phối của quy luật xã hội (lao động sản xuất, đạo đức...). Vì vậy, tỷ lệ những người có trình độ văn hóa được nâng cao đến mức nào đó mới có khả năng để định lại giá trị đứa con, tạo ra dư luận tiến bộ trong cộng đồng.

Ảnh hưởng đến mức tử vong:

Giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến tỷ suất tử vong của trẻ em. Trình độ giáo dục của bà mẹ luôn là nhân tố quan trọng quyết định đến tình hình tử vong của trẻ sơ sinh. Người mẹ có trình độ văn hóa dễ dàng tiếp nhận những kiến thức mới về nuôi con, tránh được những hủ tục, thành kiến, sai lầm trong việc nuôi con lúc khỏe cũng như lúc ốm đau; biết tận dụng các phương tiện, các cơ sở y tế phục vụ sức khỏe cho mẹ và con.

Ảnh hưởng đến di cư:

Giáo dục thúc đẩy sự di cư từ nông thôn về thành thị. Ở các nước đang phát triển, thành thị thường có ưu thế phát triển về nhiều mặt hơn là ở nông thôn. Vì thế những người có trình độ học vấn cao thường có xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị. Xu hướng này tác động mạnh đến những lớp người trẻ hơn lớp người già vì thường lớp trẻ có trình độ học vấn cao hơn, năng động hơn, ở thành phố họ dễ kiếm việc làm có thu nhập cao hơn.

III.5. Dân số và y tế

III.5.1. Sức khỏe - y tế và các chỉ tiêu đánh giá chính

Sức khoẻ là một trạng thái của một con người thoải mái về vật chất, tinh thần và xã hội. Định nghĩa này của Tổ chức y tế thế giới (WHO) không bó hẹp trong nghĩa là không có bệnh tật, không yếu đuối mà là ở trạng thái có thể chất tốt, trí tuệ phát triển và xã hội lành mạnh.

Y học là ngành khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu các phương pháp dự phòng, chữa trị bệnh tật.

Y tế là hệ thống tổ chức các biện pháp cụ thể để dự phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Hệ thống y tế bao gồm: y tế Nhà nước, y tế dân lập và y tế tư nhân, các cơ sở y tế trung ương, địa phương (tỉnh, thành phố, quận, huyện) và cơ sở (phưòng, xã); những người sử dụng các phương pháp, phương tiện y tế hiện đại và những người sử dũng các phương pháp, phương tiện y tế dân gian cổ truyền.

Việc chăm sóc sức khỏe nhân nhân do ngành y tế giữ vai trò chủ đạo, ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều ngành khác như thể dục thể thao, lương thực, giáo dục...

Hiện nay, để phản ánh mức độ đảm bảo y tế cho nhân dân của một quốc gia, người ta thường dùng các chỉ tiêu sau đây:

Số cán bộ y tế ngành y trên 10.000 dân. Có thể tính chi tiết số bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý trên 10.000 dân.

Số cán bộ y tế ngành dược trên 10.000 dân. Có thể tính chi tiết số dược sĩ cao cấp, trung cấp, dược tác trên 10.000 dân.

Số giường bệnh trên 10.000 dân.

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.

Tỷ suất tử vong.

Tỷ lệ người ốm đau.

III.5.2. Tác động của dân số đến hệ thống y tế

Quy mô và tốc độ gia tăng dân số ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống y tế và các điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Dân số tăng nhanh làm cho quy mô gia đình mở rộng, nhà ở chật chội, môi trường ô nhiễm, ăn uống thiếu chất làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Dân số tăng nhanh nhưng mức độ đầu tư cho y tế thấp (cả % so với thu nhập quốc dân, bình quân thu nhập / người / năm) dưới 1% ở các nước đang phát triển làm cho hệ thống y tế không phát triển tương ứng với số cầu, gây quá tải, xuống cấp chất lượng chữa trị, chăm sóc sức khỏe của hệ thống y tế.

Ảnh hưởng của cơ cấu dân số đến hệ thống y tế.

Cơ cấu dân số là cơ sở để xác định cơ cấu của hệ thống y tế. Mỗi nhóm tuổi khác nhau có tỷ lệ mắc bệnh khác nhau và thường mắc các loại bệnh đặc trưng khác nhau.

Trẻ em do sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh hơn các nhóm khác và thường mắc bệnh đường hô hấp, tiêu hóa.

Người trưởng thành ít mắc bệnh, các bệnh thường gặp là bệnh nghề nghiệp, nhất là những người lao động trong môi trường độc hại và nguy hiểm.

Người già có tỷ lệ mắc bệnh cao và thường là bệnh về tim mạch.

Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới và các bệnh đặc trưng là bệnh phụ khoa.

Như vậy, việc dự báo số lượng và chủng loại nhu cầu của từng nhóm tuồi và giới tính của dân số một quốc gia là cơ sở để hình thành và phát triển quy mô, cơ cấu của hệ thống y tế nước đó.

Từ sự phụ thuộc giữa bệnh tật và độ tuổi, giới tính đã hình thành đội ngũ các bác sĩ nhi khoa, lão khoa và các coơ sở chữa bệnh riêng. Để công tác chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe có hiệu quả, tỷ lệ các bộ phận y tế phải tương xứng với tỷ lệ của từng nhóm tuồi trong dân số.

Ảnh hưởng của sự phân bố dân cư đến hệ thống y tế.

Ở các khu vực địa lý khác nhau như đồng bằng, miền núi, thành thị, nông thôn... do có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, dân số, kinh tế - xã hội nên sẽ có cơ cấu bệnh tật khác nhau. Do đó, số lượng cán bộ và bác sĩ chuyên khoa cũng như các phương tiện y tế cần phải phù hợp với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật. Ví dụ, ở Việt Nam, vùng đồng bằng ven biển miền Bắc thì các bệnh về tiêu hóa và hô hấp là rất phổ biến; ở vùng núi cao thì bệnh sốt rét, bệnh bướu cổ là các bệnh cần được quan tâm phòng, chống. Các bệnh xã hội nguy hiểm và dễ lây lan như giang mai, hoa liễu, AIDS... thường tập trung ở các thành phố lớn có mật độ dân số cao.

Mật độ dân cư cũng có ảnh hưởng đến hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế. Ở những nơi có mật độ dân cư quá thấp, một cán bộ hay cơ sở y tế chỉ phụ vụ được một số ít dân cư nên hiệu quả không cao. Nếu mật độ dân cư quá cao, không đủ cán bộ và phương tiện y tế cần thiết thì diễn ra tình trạng ngược lại, nhiều bệnh nhân không được chăm sóc đầy đủ dẫn đến tử vong tăng lên.

Mật độ dân cư quá thấp hoặc quá cao đều gây trở ngại cho công tác dự phòng của y tế. Ở nơi mật độ dân cư quá thấp, thường là nơi có trình độ văn hóa, y tế thấp nên rất khó khăn trong việc vận động dân chúng ăn ở hợp vệ sinh, chữa bệnh theo khoa học. Còn ở nơi mật độ dân cư quá cao, thường là các thành phố lớn, có mức độ ô nhiễm môi trường cao đòi hỏi những chi phí lớn mới có thể hạn chế được tác động xấu của môi trường đến sức khỏe con người.

III.5.3. Tác động của y tế đối với dân số

Y tế tác động đến mức sinh.

Trong điều kiện xã hội văn minh, y tế có vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản của con người, đặc biệt là trong việc hạn chế mức sinh. Ngành y tế đóng góp trực tiếp và quyết định cuối cùng trong việc tạo ra các phương tiện, phương pháp và tổ chức thực hiện các dịch vụ hạn chế mức sinh.

Công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ bà mẹ và trẻ em được tăng cường làm giảm mức chết ở trẻ sơ sinh cũng đã gián tiếp góp phần làm giảm mức sinh. Khi điều kiện y tế, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, khả năng tử vong của trẻ thấp thì các bà mẹ yên tâm, không cần sinh nhiều để dự phòng con bị chết.

Việc tăng cường các điều kiện chăm sóc tuổi già, trong đó có sự đóng góp của y tế cũng góp phần làm giảm mức sinh.

Y tế cũng tác động làm tăng mức sinh trong trường hợp chữa cho những người vô sinh có con.

Y tế tác động đến mức tử vong.

Y tế tác động làm giảm mức tử vong có liên quan đến mọi thành phần dân số. Nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung và y tế nói riêng, mức tử vong đã giảm nhiều, đặc biệt đối với lứa tuổi trẻ em dưới 5 tuổi.

Ngày nay, trẻ em dưới 12 tháng đã được tiêm vaccin phòng các bệnh sởi, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván. Đối với người lớn, y tế đã chữa được nhiều loại bệnh gây tử vong ở mức cao trong quá khứ như lao, sốt rét, uốn ván, tim mạch, viêm não siêu vi trùng, bệnh dại... từ đó hạ thấp được mức tử vong và tăng tuổi thọ bình quân.

IV. DÂN SỐ VÀ MÔI TRƯỜNG - TÀI NGUYÊN

IV.1. Môi trường - tài nguyên

Môi trường sống của con người là tổng hợp các điều kiện vật lý, hóa học, sinh học bao quanh và có ảnh hưởng tới sự tác động, phát triển của từng cá nhân và của những cộng đồng con người.

Xét trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, môi trường là tập hợp tất cả các điều kiện, trong đó có con người tồn tại và phát triển bao gồm:

Môi trường tự nhiên (môi trường vật lý): bao gồm các yếu tố có sẵn trong tự nhiên như đất, nước, không khí, động thực vật. Chúng tác động qua lại lâu dài và hình thành sự cân bằng (cân bằng sinh thái).

Môi trường kỹ thuật: bao gồm các yếu tố do con người tạo nên, chịu sự chi phối của con người như cơ sở hạ tầng, các thành phố, công trình kiến trúc... Môi trường này ngày càng mở rộng.

Môi trường xã hội: là tổng thể các mối quan hệ giữa các cá thể con người. Cộng đồng con người họp lại thành quốc gia, xã hội, từ đó tạo nên các hình thái tổ chức, thể chế kinh tế - xã hội. Tính chất, đặc điểm của quan hệ sản xuất quyết định tính chất, đặc điểm của môi trường xã hội.

Ba loại môi trường này song song tồn tại, phát triển, tương tác lẫn nhau hình thành môi trường sống của con người.

Tài nguyên, theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng thông tin có trên trái đất và trong vũ trụ, con người có thể sử dụng chúng để phục vụ cuộc sống và sự phát triển của mình.

Tài nguyên bao gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người. Trong tài nguyên thiên nhiên chia thành tài nguyên hữu hạn (như khoáng sản, đất đai, sinh vật) và tài nguyên vô hạn (năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt). Tài nguyên hữu hạn chia thành hai loại dựa vào tính chất tái tạo là tài nguyên không tái tạo được (như khoáng sản) và tài nguyên có khả năng tái tạo được (như động, thực vật).

IV.2. Vị trí của con người trong môi trường

IV.3. Tác động của gia tăng dân số đến môi trường, tài nguyên

Dân số là một trong nhiều yếu tố có tác động đến môi trường nhưng lại là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt. Sự gia tăng dân số có ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tăng dân số dẫn đến tăng số người tiêu thụ, đòi hỏi phải khai thác tài nguyên nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn, và do vậy cũng làm môi trường ô nhiễm trầm trọng hơn. Ngược lại, việc hủy hoại môi trường có tác động xấu đến sản xuất, đáp ứng kém hiệu quả hơn đến chất lượng của cuộc sống con người.

Với nhu cầu cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, bằng tiến bộ của khoa học công nghệ, con người khai thác ngày càng nhiều cả số lượng và chủng loại các nguồn tài nguyên, mở rộng quy mô, tăng nhanh cường độ tác động vào môi trường tự nhiên. Hậu quả là:

Nguồn tài nguyên không tái tạo được có nguy co cạn kiệt. Ở một số nước công nghiệp phát triển đã xuất hiện nguy cơ này về các loại tài nguyên dầu mỏ, thanh đá, quặng kim loại...

Nguồn tài nguyên có thể tái tạo được, do bi khai thác quá mức, đã mất khả năng tự phục hồi như: đất canh tác bị thoái hóa, hoang mạc hóa, một số lớn sinh vật biển, chim thú bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, rừng nhiệt đới bị tàn phá nhanh gấp 10 lần tốc độ trồng mới và tự phục hồi.

Nguồn tài nguyên vô tận bị sử dụng lãng phí và bị ô nhiễm nặng do chất thải (công nghiệp, sinh hoạt) đã trở nên khan hiếm hoặc không sử dụng được (tình trạng thiếu nước sạch ở nông thôn, khan hiếm nước ở châu Phi, không khí bị ô nhiễm bụi và khí độc ở các thành phố triệu dân).

Tất cả mọi thành phần của môi trường tự nhiên đều bị tác động, biến đổi theo chiều hướng tiêu cực do sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp tập trung và đô thị lớn, tình trạng sử dụng ngày càng nhiều hóa chất và phân hóa học trong nông nghiệp, tình trạng phá rừng nhiệt đới lấy gỗ, củi, làm bãi chăn thả và nương rẫy, tình trạng khai thác quy mô lớn khoáng sản trên mặt đất và dưới lòng đại dương gây biến đổi cảnh quan.

Nguồn nước mặt và nước ngầm bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, sinh hoạt, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, khai thác dầu khí ở đại dương.

Không khí bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi, khí độc hại từ khí thải công nghiệp, phương tiện giao thông, đốt rừng làm nương rẫy, làm tăng nhiệt độ trái đất, làm mỏng và thủng tầng ozone (do hiệu ứng nhà kính và các khí CFC - clorofluo carbon) gây nên những biến đổi bất thường của khí hậu.

Đất đai bị ô nhiễm bởi rác thải công nghiệp, sinh hoạt, hóa chất trong công nghiệp, bị xâm thực, xói mòn mất độ phì tự nhiên và thoái hóa, hoang mạc hóa do mất rừng và canh tác quá mức.

Sinh vật, cả động và thực vật bị ô nhiễm do việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích. Các chất này tích lũy trong cơ thể động thực vật gây ảnh hưởng xấu cho quá trình phát triển của chúng và có hại cho sức khỏe con người khi dùng chúng làm thực phẩm.

Đối với môi trường xã hội, gia tăng dân số quá nhanh trực tiếp làm suy giảm chất lượng cuộc sống, thiếu việc làm cho người lao động đang tăng nhanh (nhất là ở các đô thị lớn) là nguyên nhân cơ bản của tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng, mất an ninh và đạo đức xã hội xuống cấp, môi trường xã hội xấu đi.

IV.4. Biện pháp giải quyết mối quan hệ dân số - môi trường và phát triển

Các vấn đề gắn liền với các xu hướng phát triển, suy thoái môi trường, tăng trưởng và phân bố dân số đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc giải quyết khẩn trương và đồng bộ các vấn đề này đã trở nên cấp bách. Các hệ sinh thái và môi trường chỉ có thể đáp ứng đến một mức nào đó nhu cầu khai thác và sử dụng của con người. Khi các ngưỡng này đã đạt tới, các gián đoạn trong các động thái của môi trường sinh thái sẽ xảy ra và gây nên các hậu quả bất lợi cho cuộc sống của con người. Hơn thế nữa, gia tăng dân số nhanh thường làm giảm năng lực của xã hội trong việc tìm kiếm và thay dổi các công nghệ cũng như thiết chế nhằm đạt tới một môi trường sống tốt hơn.

Các tác động tiêu cực đến môi trường có thể giảm thiểu bằng cách kết hợp các chiến lược giảm mức gia tăng dân số, phân bố hợp lý dân dư, loại trừ hoặc ít nhất là giảm thiểu các xu hướng tiêu dùng có hại cho môi trường, áp dụng các công nghệ mới và các cơ chế quản lý mới. Các chính sách phát triển lành mạnh cần tích hợp các chiến lược đã được chọn để đạt được đồng bộ các mục tiêu.

Hội nghị Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc (United Nations Conference on Environment and Development) họp tại Rio de Janeiro tháng 6/1992 đã đưa ra chương trình hành động phát triển môi trường bền vững, gồm những nội dung:

Phân bổ viện trợ quốc tế cho các chương trình có sự thu hồi vốn cao để giảm nghèo khổ và làm lành mạnh môi trường; đáp ứng điều kiện vệ sinh và nước sạch, giảm bớt ô nhiễm không khí trong nhà và đáp ứng các nhu cầu cơ bản.

Đầu tư vào nghiên cứu và triển khai để làm giảm xói mòn đất và thoái hóa đất, áp dụng phương pháp canh tác trên cơ sở bền vững.

Phân bổ thêm nguồn vốn cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, giáo dục tiểu học và trung học, nhất là đối với nữ.

Giúp các Chính phủ có ý muốn tránh các lệch lạc và sự mất cân đối kinh tế vĩ mô gây tác hại đến môi trường.

Cung cấp tài chính để bảo vệ môi trường thiên nhiên và tính đa dạng sinh học.

Đầu tư vào nghiên cứu và triển khai các dạng năng lượng thay thế phi carbon để chống lại sự thay đổi khí hậu.

Chống lại các sức ép, bảo hộ và đảm bảo các thị trường quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, kể cả tài chính và công nghệ được "mở cửa".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top