co cau dan so

Chöông 1 CƠ CẤU DÂN SỐ

1.1. KHÁI NIỆM VÀ Ý NGHĨA

Cơ cấu dân số (population structure): là sự phân chia số dân theo những tiêu chuẩn nhất định thành những bộ phận dân số khác nhau. Các tiêu chuẩn có thể là giới tính, tuổi, thành phần dân tộc, quốc tịch, ngôn ngữ, tôn giáo, nghề nghiệp, nơi cư trú... Các thuật ngữ: cơ cấu dân số, kết cấu dân số hay cấu trúc dân số có ý nghĩa tương đương.

Trong Dân số học, các loại cơ cấu dân số được chia thành hai nhóm:

- Cơ cấu sinh học hay cơ cấu tự nhiên của dân số gồm: cơ cấu dân số theo giới tính, độ tuổi...

- Cơ cấu xã hội của dân số gồm: cơ cấu dân số theo thành phần dân tộc, quốc tịch, trình độ văn hóa, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, nơi cư trú...

Mỗi khía cạnh nghiên cứu phản ảnh một mặt của tình trạng dân số. Do vậy, muốn hiểu cơ cấu dân số một cách đầy đủ, cần phải xem xét cả về phương diện sinh học và xã hội.

Cơ cấu sinh học hay cơ cấu tự nhiên của dân số phản ảnh những đặc điểm về thể trạng và tiềm lực phát triển của dân số. Sự thay đổi theo thời gian của cơ cấu sinh học là sự biến động tự nhiên của dân số.

Cơ cấu xã hội cũng được quan tâm nghiên cứu nhiều vì nó ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến hoạt động của toàn xã hội. Mỗi cá nhân trong cuộc đời của mình thường thay đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật... Chính những sự thay đổi này theo thời gian là sự biến động xã hội của dân số. Nghiên cứu cơ cấu xã hội ở những thời điểm khác nhau (năm tổng điều tra) cho thấy khuynh hướng biến động xã hội của dân số trong thời khoảng đó.

Thông qua việc nghiên cứu cơ cấu dân số của một lãnh thổ, một quốc gia giúp ta đánh giá được chất lượng và tiềm năng lao động của dân số, giúp dự đoán được các nhu cầu và chiều hướng phát triển của dân số trong tương lai, từ đó, giúp tính toán hay hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho tương lai.

1.2. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH

1.2.1. Khái niệm và ý nghĩa

Trong thành phần giới tính của một dân số, bao giờ cũng có cả nam và nữ. Cấu trúc giới tính của dân số có ảnh hưởng quan trọng đến mức độ tăng giảm số lượng của dân số đó ở từng thời kỳ, đến sự phân công lao động và mọi hoạt động khác của xã hội. Nghiên cứu cơ cấu dân số theo giới tính còn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc phân công lao động xã hội và áp dụng các chính sách của mỗi quốc gia.

Cơ cấu giới tính của dân số thường được biểu thị bằng tỷ lệ giới tính hay hệ số giới tính.

1.2.2. Các chỉ tiêu phân tích

1.2.2.1. Tỷ lệ giới tính

Tỷ lệ giới tính là tương quan số lượng nam hoặc nữ so với tổng số dân và được tính theo tỷ lệ phần trăm (%).

Số nam

Tỷ lệ nam = ----------------- x 100%

Tổng dân số

Số nữ

Tỷ lệ nữ = ----------------- x 100%

Tổng dân số

Ví dụ, theo kết quả điều tra dân số Việt Nam, ngày 01-04-1999, tỷ lệ nam là 49,1%, tỷ lệ nữ là 50,9% so với tổng dân số.

1.2.2.2. Hệ số giới tính

Số nam

Hệ số giới tính = ------------- x 100

Số nữ

- Nếu hệ số này = 100 : số nam và số nữ bằng nhau.

- Nếu hệ số này > 100 : số nam nhiều hơn số nữ.

- Nếu hệ số này < 100 : số nam ít hơn số nữ.

• Sự biến động của hệ số giới tính

+ Theo tuổi

Một cách phổ biến ở trẻ sơ sinh, hệ số giới tính thường dao động trong khoảng 104-106 (104-106 nam/100 nữ), nghĩa là số nam thường nhiều hơn số nữ từ 4-6%, nhưng hệ số này không giữ nguyên mà sẽ thay đổi theo chiều hướng giảm từ tuổi trưởng thành trở đi, nhất là ở nhóm tuổi già, hệ số giới tính sẽ giảm nhanh.

+ Theo khu vực

Hệ số giới tính cũng không giống nhau giữa các nước khác nhau và các khu vực khác nhau trên thế giới. Những nước kinh tế phát triển thường có số nữ nhiều hơn số nam, tuổi thọ trung bình của nam giới thường thấp hơn tuổi thọ trung bình của nữ giới (châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand). Trái lại, những nước kinh tế chậm phát triển thường có số nam nhiều hơn số nữ, tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ không chênh nhau nhiều, thậm chí có nước tuổi thọ trung bình của nam cao hơn tuổi thọ trung bình của nữ. Những nước có số nam trội hơn là những nước Nam Á, các quần đảo Melanesia, Polynesia, Micronesia.

• Các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số giới tính

+ Sự phân phối giới tính ở trẻ sơ sinh

Sự chênh lệch giữa số nam và nữ khi mới sinh phụ thuộc chủ yếu vào cấu trúc gen. Ở người, giới tính là một tính trạng và được quy định bởi một cặp gen nằm trên cặp nhiễm sắc thể giới tính. Nếu là nữ, cặp nhiễm sắc thể giới tính đó đồng dạng, được ký là hiệu là XX và từ tế bào sinh dục nữ chỉ hình thành một loại giao tử (noãn) mang một nhiễm sắc thể X. Nếu là nam, cặp nhiễm sắc thể giới tính đó không đồng dạng, được ký hiệu là XY và từ tế bào sinh dục nam sẽ hình thành hai loại giao tử (tinh trùng) là X và Y. Khi noãn X kết hợp với tinh trùng X sẽ tạo ra con gái và kết hợp với Y sẽ tạo ra con trai. Trên lý thuyết, sự phối hợp ngẫu nhiên của hai loại giao tử này sẽ hình thành giới tính ở thế hệ sau theo tỷ lệ (1:1). Tuy nhiên, trên thực tế ở nam giới, tỷ lệ giao tử Y thường nhiều hơn giao tử X, nên ở thế hệ sau, số trẻ sơ sinh nam thường nhiều hơn số trẻ sơ sinh nữ, do đó hệ số giới tính ở trẻ sơ sinh thường lớn hơn 100. Khi lớn lên, hệ số giới tính thay đổi theo chiều hướng giảm và thường nhỏ hơn 100.

+ Sự khác biệt tỷ suất tử vong giữa nam và nữ

Chiến tranh là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra sự chênh lệch lớn trong cấu trúc nam nữ. Trong chiến tranh, mức tử vong của nam giới thường cao hơn nhiều so với tử vong của nữ giới, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu nam nữ của nhiều nước và hậu quả của nó kéo dài qua nhiều thế hệ. Ví dụ, Thụy Điển không có chiến tranh từ năm 1813 nên số nam và nữ ở độ tuổi 30-50 gần như ngang nhau. Trong khi đó, ở Liên Bang Nga sau chiến tranh thế giới thứ hai, hệ số giới tính chỉ bằng 81,82 (hay tỷ lệ nam và nữ là 45% và 55% so với tổng dân số).

Sự khác nhau về điều kiện sống và làm việc cũng ảnh hưởng đến tỷ suất tử vong của nam và nữ. Nam giới thường làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, vất vả hơn nữ giới, hay tình trạng tệ nạn xã hội như nghiện rượu, ma túy, một số bệnh tật... là những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến mức tử vong của nam giới.

Các nguyên nhân làm thay đổi hệ số giới tính cũng có sự phân hóa theo từng nhóm nước. Ở các nước kinh tế phát triển, nam thường có tỷ suất tử vong cao hơn nữ. Ở các nước đang phát triển, mức tử vong của nữ giới lại có phần trội hơn, đặc biệt là ở các bà mẹ khi sinh nở và các em gái do tình trạng thiếu chăm sóc hay nuôi dưỡng.

Tuổi thọ trung bình là một chỉ tiêu tổng hợp để đánh giá sự khác biệt mức tử vong của hai giới. Tuổi thọ trung bình của giới này so với giới kia càng chênh lệch thì cơ cấu giới tính càng thay đổi. Ở phần lớn các nước trên thế giới, tuổi thọ trung bình của nữ thưòng cao hơn tuổi thọ trung bình của nam từ 2-3 năm. Nhiều nước châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Úc mức chênh lệch cao nhất có thể đạt tới 5-8 tuổi nghiêng về phía nữ (châu Âu: 6,1; Bắc Mỹ: 8,0; Úc và châu Đại dương: 6,3; Mỹ Latinh: 3,8; châu Phi: 3,1; châu Á: 1,5). Chỉ có một số nước như Ấn Độ, Pakistan, Banglades, Irak, Nepan, Butan, Burkina Faso, Papua New Ghine thì tuổi thọ trung bình của nữ thấp hơn.

+ Sự khác biệt giữa số lượng nam và số lượng nữ chuyển cư

Chuyển cũng cư là một nhân tố tác động đến sự biến đổi của hệ số giới tính. Trên bình diện thế giới, sự chuyển cư không có ý nghĩa gì, nhưng đối với từng khu vực, từng quốc gia hay từng địa phương, ở từng thời điểm cụ thể nó lại có ảnh hưởng đặc biệt, đôi khi mang tính quyết định đến sự thay đổi cơ cấu nam nữ. Số người xuất cư phần đông là nam giới, do vậy ít nhiều đều có sự ảnh hưởng đến cơ cấu giới tính của cả vùng có xuất cư và vùng có nhập cư. Ví dụ, trước 1930, hệ số giới tính ở Hoa Kỳ là 104, ở Canada là105, ở Úc là 110.

+ Chính sách dân số của quốc gia

Chính sách dân số của quốc gia cũng có ảnh hưởng đến cơ cấu nam nữ trong dân số. Luật pháp một số quốc gia cho phép mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một đứa con và nếu trong cộng đồng dân cư vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ thì việc lựa chọn sinh con trai là điều dễ xảy ra.

1.3. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO TUỔI

1.3.1. Khái niệm và ý nghĩa

Cơ cấu dân số theo tuổi là tập hợp những nhóm người được sắp xếp theo những lứa tuổi nhất định, hay đó là sự phân chia số dân theo từng nhóm tuổi được định trước nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu các quá trình dân số và các quá trình kinh tế - xã hội.

Trong Dân số học, cơ cấu dân số theo tuổi thường được chú trọng nhiều, vì thành phần tuổi của dân cư phản ánh một cách tổng hợp tình hình sinh sản, mức độ tử vong, tương lai phát triển của dân số và lực lượng lao động cụ thể của xã hội.

Cấu trúc dân số theo tuổi thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân tác động thường xuyên như sinh sản, tử vong; có những nguyên nhân tác động không thường xuyên như sự chuyển cư, chiến tranh, thiên tai...

Do những khác biệt về chức năng xã hội và chức năng dân số giữa nam và nữ, cơ cấu dân số theo độ tuổi thường được nghiên cứu cùng với cơ cấu dân số theo giới tính (gọi là cơ cấu dân số theo độ tuổi và giới tính).

1.3.2. Các cách phân chia nhóm tuổi

• Nhóm tuổi có khoảng cách đều nhau

Sự chênh lệch giữa hai độ tuổi kế tiếp nhau có thể là 1 năm, 5 năm hay 10 năm. Ví dụ: 0-4, 5-9, 10-14... 80+ hoặc 0-9, 10-19, 20-29... 80+. Nhóm tuổi với khoảng cách 5 năm thường được sử dụng nhiều nhất.

• Nhóm tuổi có khoảng cách không đều nhau

+ Căn cứ vào tuổi có khả năng sinh sản, dân số nữ được chia thành 3 nhóm:

- Trước tuổi sinh sản: < 15 tuổi

- Trong tuổi sinh sản: 15 - 49 tuổi

- Sau tuổi sinh sản: > 50 tuổi

+ Căn cứ vào tuổi lao động, dân số được chia thành 3 nhóm chính:

- Dưới tuổi có khả năng lao động (nhóm trẻ em) : 0 - 14 tuổi

- Tuổi có khả năng lao động (nhóm trưởng thành) : 15 - 59 tuổi (hoặc 64)

- Quá tuổi có khả năng lao động (nhóm người già): = 60 tuổi (hoặc 65)

Do sự khác nhau trong việc tính tuổi bắt đầu tuổi lao động và hết tuổi lao động, nên ba nhóm tuổi chính giữa các quốc gia thường không giống nhau.

Mỗi cách phân chia có ưu điểm riêng và được sử dụng vào những mục đích khác nhau. Cách phân chia thứ nhất tương đối tỷ mỷ nên được dùng vào việc phân tích, dự đoán các quá trình dân số. Cách thứ hai khái quát hơn nhằm đánh giá những biến chuyển chung về cơ cấu dân số.

1.3.3. Các chỉ tiêu đánh giá

• Dân số trẻ

Dân số của một nước hay một địa phương được gọi là trẻ khi cơ cấu dân số có tỷ lệ của nhóm người dưới 15 tuổi vượt trên 35% và tỷ lệ nhóm người từ 60 tuổi trở lên chiếm ít hơn 10% tổng dân số; thể hiện qua tỷ suất sinh cao, tỷ suất tử cao và tuổi thọ trung bình (kỳ vọng sống) thấp.

Tỷ lệ người trẻ cao chứng tỏ dân số sinh động, nguồn dự trữ lao động dồi dào. Đây là một điểm thuận lợi. Nhưng trong hiện tại điều đó cũng có nghĩa là một sự bất lợi bởi vì số người cần được cấp dưỡng là một số lớn, Nhà nước phải đầu tư nhiều để nuôi dưỡng và đào tạo cho lớp người trẻ này. Muốn đạt được mục đích ấy, những người đang độ tuổi lao động phải được tận dụng và phải nâng cao năng suất lao động.

• Dân số già

Dân số của một nước hay một địa phương được gọi là già khi cơ cấu dân số có tỷ lệ của nhóm người dưới 15 tuổi chỉ chiếm khoảng 30-35% và tỷ lệ nhóm người từ 60 tuổi trở đi chiếm trên 10% tổng dân số, thể hiện qua tỷ suất sinh rất thấp, tỷ suất tử rất thấp và tuổi thọ trung bình (kỳ vọng sống) cao.

Tỷ lệ già nhiều, trẻ ít chứng tỏ nguồn dự trữ lao động kém. Đây là mối đe dọa thiếu lực lượng lao động thay thế trong tương lai.

• Tỷ lệ lao động

Dân số trong độ tuổi lao động là thành phần chủ yếu tham gia vào các hoạt động sản xuất xã hội. Những quy định về tuổi lao động và tuổi về hưu có sự khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ ở Việt Nam, tuổi bắt đầu lao động do Nhà nước quy định là 18; tuổi nghỉ hưu ở nữ là 55 và ở nam là 60. Tuy nhiên, trên thực tế tuổi lao động có thể bắt đầu sớm hơn và tuổi nghỉ hưu cũng muộn hơn. Ví dụ ở Việt Nam, tuổi lao động có thể từ 16 và kéo dài đến 60-65 tuổi.

Dân số trong tuổi lao động

Tỷ lệ dân trong tuổi lao động = ---------------------------------- x 100%

Tổng số dân

Tỷ lệ dân trong tuổi lao động là một chỉ tiêu để đánh giá lực lượng lao động của dân số một quốc gia hay một địa phương.

• Tỷ số phụ thuộc

Trong cơ cấu dân số của một nước hay một địa phương, luôn luôn có những lớp người trẻ chưa đến tuổi lao động và những lớp người già không còn tham gia lao động sản xuất nữa, những nhóm người này thường phải phụ thuộc vào nhóm người đang ở độ tuổi lao động.

Tỷ số phụ thuộc là một chỉ tiêu để đo lường mức độ phụ thuộc hay gánh nặng phụ thuộc giữa những lớp người ngoài tuổi lao động đối với những lớp người trong độ tuổi lao động.

Dân số dưới 15 tuổi + Dân số từ 65 tuổi trở lên

Tỷ số phụ thuộc = -------------------------------------------------------------- x 100

Dân số từ 15-64 tuổi

Đây là một chỉ tiêu nhằm đo lường số người phụ thuộc mà 100 người trong tuổi lao động phải đảm nhận. Nói cách khác, tỷ số phụ thuộc sẽ cho biết mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng.

Nếu tử số nhỏ, mẫu số lớn thì gánh nặng phụ thuộc giảm, sản phẩm tính theo đầu người tăng lên. Nếu tử số càng lớn, mẫu số càng nhỏ thì gánh nặng phụ thuộc càng lớn, sản phẩm tính theo đầu người càng nhỏ. Tỷ số phụ thuộc càng cao càng không có lợi cho sự phát triển của quốc gia và gánh nặng đối với người lao động càng lớn.

Nhìn chung, tỷ số phụ thuộc của các nước đang phát triển thường cao hơn các nước phát triển (vì tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi cao hơn tỷ lệ dân số trên 65 tuổi). Ví dụ tỷ số phụ thuộc chung của toàn thế giới là 63,9; Nhật Bản: 42,8; Pháp: 51,5; Ấn Độ: 66,6; Việt Nam: 78,5; Ghana: 92,3.

1.3.4. Tháp tuổi

Cơ cấu dân số theo độ tuổi và giới tính thường được thể hiện trực quan bằng một loại biểu đồ, trên đó diễn đạt đầy đủ cơ cấu nam nữ của dân số một nước hay một địa phương theo các độ tuổi ở một thời kỳ nhất định. Biểu đồ này được gọi là tháp tuổi hay tháp dân số.

• Các dữ kiện cần thiết để xây dựng một tháp tuổi

- Số lượng dân số ở các lớp tuổi theo phái nam và nữ tại một thời điểm nhất định.

- Toàn bộ dân số muốn khảo sát phải được sắp xếp theo các lớp tuổi từ 0-100 tuổi (giả thiết tuổi thọ trung bình cao nhất là 100). Các lớp tuổi thường là lớp tuổi có khoảng cách 5 năm hay 10 năm.

• Biểu diễn trên biểu đồ

- Trục tung: thể hiện các lớp tuổi, từng 5 tuổi hoặc 10 tuổi.

- Trục hoành: một bên thể hiện số lượng tuyệt đối của nam, một bên thể hiện số lượng tuyệt đối của nữ (cũng có thể biểu hiện bằng số tương đối phần trăm (%) trong tổng số dân).

- Mỗi lớp tuổi nhất định của mỗi phái được biểu điễn bằng một băng hình chữ nhật có chiều cao bằng chiều cao của từng đơn vị lớp tuổi trên trục tung. Dân số của mỗi lớp tuổi càng đông thì băng hình chữ nhật càng dài. Cứ vẽ tiếp tục như vậy từ lớp tuổi thấp nhất đến lớp tuổi cao nhất. Tổng hợp các băng hình chữ nhật sẽ tạo thành một hình tháp. Mỗi nước có cơ cấu dân số khác nhau nên tháp tuổi được thể hiện có những hình dạng khác nhau.

• Các kiểu tháp tuổi cơ bản

Một cách tổng quát, các tháp tuổi được phân biệt theo ba kiểu cơ bản phản ánh cơ cấu tuổi và giới tính của các kiểu dân số khác nhau.

+ Kiểu mở rộng (tháp tuổi dân số trẻ)

Tháp có đáy rất rộng, đỉnh nhọn, thể hiện tỷ suất sinh và tỷ suất tử đều rất cao, số trẻ em nhiều hơn số người lao động, tuổi thọ trung bình thấp. Đây là kiểu kết cấu tuổi đặc trưng của dân số các nước đang phát triển.

+ Kiểu thu hẹp (tháp tuổi dân số trưởng thành)

Thể hiện tỷ suất sinh giảm, tỷ suất tử thấp, tuổi thọ trung bình được nâng lên. Trong cơ cấu tuổi, tỷ lệ trẻ em thấp hơn kiểu mở rộng, tỷ lệ người trưởng thành và người già tăng tương ứng. Đây là kiểu tháp tuổi chuyển tiếp từ dân số trẻ sang dân số già. Các nước như Hoa Kỳ (1990), Singapor, Hàn Quốc, Brazil, Argentina... có kiểu tháp tuổi này.

+ Kiểu ổn định (tháp tuổi dân số già)

Thể hiện số người ở ba lớp tuởi chính gần như tương đương nhau về số lượng và tỷ lệ (mỗi lớp tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 30-35%). Dân số gần như không tăng, tỷ suất sinh ở mức rất thấp và tỷ suất tử vong cũng rất thấp ở lớp tuổi trẻ, nhưng ở lớp tuổi già tỷ suất tử vong cao hơn nên thu hẹp lại dần. Dân số có tuổi thọ trung bình cao. Các nước công nghiệp phát triển như Anh, Pháp, Nhật, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan... có kiểu tháp tuổi này.

Như vậy, từ hình dáng của tháp tuổi sẽ cho biết được hiện trạng dân số của mỗi nước và sự phát triển của dân số đó trong tương lai. Nhìn tháp tuổi, có thể thấy rõ được dân số theo từng độ tuổi, theo từng giới tính, từ đó có thể suy ra tình hình sinh, tử và phán đoán các nguyên nhân làm tăng giảm dân số của từng thế hệ.

1.3.5. Cơ cấu dân số thế giới theo ba nhóm tuổi chính

Phần lớn các nước đang phát triển Á, Phi, Mỹ Latinh có cơ cấu dân số trẻ vì lớp người dưới 15 tuổi thường chiếm khoảng 40% tổng dân số. Nguyên nhân chính là tỷ suất sinh được giữ ở mức cao và tỷ suất tử vong, nhất là tử vong của trẻ sơ sinh đã giảm đi một cách nhanh chóng. Ngoài ra, tỷ suất tử vong ở những lớp tuổi trẻ giảm nhanh hơn so với các lớp tuổi già nên tình trạng trẻ hóa dân số càng sâu sắc hơn. Với một lực lượng trẻ tiềm tàng như vậy, dù có giảm tỷ suất sinh tới mức chỉ đủ để tái sản xuất dân cư (2 con cho mỗi gia đình) thì số dân vẫn cứ tiếp tục tăng trong một thời gian dài nữa rồi mới đạt được sự ổn định.

Các nước kinh tế phát triển thường có cơ cấu dân số già. Nguyên nhân chủ yếu là do sự giảm thấp mức sinh, đồng thời tuổi thọ trung bình của dân cư lại tăng lên đã làm cho sự lão hóa dân số càng sâu sắc. Ví dụ ở Pháp, trong khi dân số từ 30 triệu (1886) tăng lên 43 triệu (1954) nhưng số người trẻ vẫn giữ nguyên ở mức khoảng 13 triệu.

Baûng 1: Cơ cấu dân số thế giới phân theo ba nhóm tuổi chính (%) - 1992

TG Âu Á Phi Bắc Mỹ Mỹ LT Úc-ĐD

< 15 tuổi 33 20 33 45 21 36 26

15-64 tuổi 61 66 62 52 67 59 65

= 65 tuổi 6 14 5 3 12 5 9

(Nguồn: )

1.4. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO THÀNH PHẦN DÂN TỘC

1.4.1. Khái niệm

Dân tộc là một cộng đồng người ổn định, được hình thành trong quá trình lịch sử, có những quan hệ chung về lãnh thổ cư trú, tâm lý dân tộc, ngôn ngữ, kinh tế và một số đặc trưng về văn hóa, hình thành trên cơ sở phát triển của các bộ tộc.

Các dân tộc khác nhau thường có những đặc điểm khác nhau về tư tưởng, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, hình thái sản xuất...

Sự hình thành một cộng đồng dân tộc của một quốc gia thường diễn ra theo các hình thức sau:

- Đó là sự hợp thành từ bộ lạc trong quá trình lịch sử của mình hoặc trong quá trình đấu tranh với thế giới tự nhiên đã làm phát sinh các mối quan hệ dân tộc (trên cơ sở tự nguyện) và sau này tiến tới hình thành quốc gia.

- Cộng đồng dân tộc của một nước được hình thành qua một quá trình xâm chiếm đất đai của các dân tộc khác. Các dân tộc đi xâm chiếm đã thôn tính, đồng hoá các dân tộc bản địa và sau một thời kỳ lịch sử khá lâu dài đã hình thành nên các quốc gia với một cộng đồng dân tộc khá phức tạp. Thí dụ, các quốc gia ở Nam Mỹ là một điển hình: nước Perou năm 1500 có số dân bản địa là 6 triệu người, nhưng đến năm 1791 họ chỉ còn 600.000 người. Nếu vào năm 1570 dân bản xứ chiếm 95% tổng số dân nước này thì vào năm 1940 họ trở thành dân tộc thiểu số, chỉ chiếm khoảng 28% trong tổng số dân.

- Cộng đồng dân tộc của quốc gia được hình thành do quá trình di dân. Hoa Kỳ là quốc gia có thành phần dân tộc phức tạp. Trước kia, người da đỏ là dân tộc bản địa, nhưng sau những cuộc nhập cư ồ ạt của những người da trắng từ các nước Châu Âu cũng như người da đen bị bắt làm nô lệ đưa sang nơi này, ngoài ra, do những cuộc tàn sát, tiêu diệt người da đỏ cho nên hiện nay họ trở thành dân tộc thiểu số so với người da trắng và da đen.

Trên thực tế, ở phần đông các quốc gia trên thế giới, trong mỗi quốc gia đều có nhiều thành phần dân tộc hay chủng tộc khác nhau cùng sinh sống.

Đa số các quốc gia trên thế giới là quốc gia đa dân tộc, trong đó có một dân tộc (tộc người) chiếm ưu thế về số lượng gọi là dân tộc chủ thể và ngôn ngữ của họ được dùng làm ngôn ngữ chính thức của nhà nước (ví dụ, dân tộc Hán và tiếng Hán ở Trung Quốc, dân tộc Nga và tiếng Nga ở Nga, dân tộc Kinh và tiếng Việt ở Việt Nam). Các dân tộc còn lại là dân tộc ít người hay dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng có quốc gia chỉ có một dân tộc sinh sống, đó là các quốc gia đơn dân tộc (ví dụ như Nhật Bản, Triều Tiên, Bangladesh...).

1.4.2. Ý nghĩa

Dân tộc chủ thể đóng vai trò rất quan trọng, hay nói khác đi, gần như đóng vai trò quyết định đối với tiến trình phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, cũng như các vấn đề khác của quốc gia. Tuy nhiên, sự đóng góp của các dân tộc thiểu số không kém phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mối quan hệ giữa dân tộc chủ thể với các dân tộc ít người diễn ra có thể hoặc là theo chiều hướng tích cực hoặc là theo hướng tiêu cực. Điều này thể hiện qua các chính sách dân tộc khác nhau của từng nước.

Trong Dân số học, việc nghiên cứu cấu trúc dân số theo thành phần dân tộc có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân thống nhất, xây dựng một cộng đồng dân tộc thống nhất, đoàn kết và gắn bó với nhau, phát huy được những thế mạnh riêng gắn với từng dân tộc, đồng thời hạn chế, khắc phục những mặt yếu của mỗi dân tộc trong quá trình phát triển đất nước.

1.5. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO LAO ĐỘNG

1.5.1. Khái niệm

Theo khuyến nghị của Tổ chức châu Á Thái Bình Dương về điều tra dân số và nhà ở (ARP), năm 1980, căn cứ vào tình trạng hoạt động kinh tế, dân số được chia thành hai bộ phận là dân số hoạt động kinh tế và dân số không hoạt động kinh tế.

• Dân số hoạt động kinh tế

Dân số hoạt động kinh tế hay còn gọi là lực lượng lao động bao gồm toàn bộ những người đủ 15 tuổi trở lên đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có nhu cầu làm việc, được chia thành 3 nhóm:

- Làm việc ổn định: bao gồm những người làm việc 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước thời điểm điều tra và những người làm việc dưới 6 tháng trong 12 tháng qua và sẽ tiếp tục làm việc ổn định.

- Làm việc tạm thời: bao gồm những người làm việc dưới 6 tháng trong 12 tháng trước thời điểm điều tra và tại thời điểm điều tra đang làm một công việc tạm thời, hoặc không có việc làm dưới 1 tháng.

- Không có việc làm (thất nghiệp): bao gồm những người có nhu cầu lao động nhưng không có việc làm đã trên 1 tháng và trong 12 tháng trước thời điểm điều tra làm việc dưới 6 tháng.

• Dân số không hoạt động kinh tế

Dân số không hoạt động kinh tế bao gồm toàn bộ những người không thuộc bộ phận dân số hoạt động kinh tế, được chia thành 4 nhóm:

- Đang đi học: bao gồm những người không hoạt động kinh tế và đang đi học.

- Nội trợ: bao gồm những người làm công việc nội trợ như nấu ăn, giặt giũ, trông trẻ cho gia đình họ.

- Mất khả năng lao động: bao gồm những người, vì điều kiện sức khoẻ, không thể làm việc để tự nuôi sống mình được.

- Tình trạng khác: bao gồm những người có khả năng lao động nhưng không muốn làm việc, những người nghỉ hưu không làm việc và trẻ em.

Dân số lao động có liên quan chặt chẽ tới cơ cấu dân số theo độ tuổi. Ở các nước đang phát triển có dân số trẻ thì tỷ lệ dân số lao động thường thấp. Ở các nước phát triển có cơ cấu dân số già thì tỷ lệ dân số lao động thường cao.

Tỷ lệ dân số hoạt động kinh tế ở hai nhóm nước cũng khác nhau. Ở các nước phát triển, do nền kinh tế đã phát triển ở trình độ cao, tao được nhiều công ăn việc làm, nên tỷ lệ lao động không có việc làm thường thấp hơn so với các nước đang phát triển. Ngược lại, ở các nước đang phát triển, do nền kinh tế chưa phát triển và dân số lại tăng nhanh nên sức ép việc làm và tỷ lệ thất nghiệp thường cao hơn.

1.5.2. Một số chỉ tiêu đánh giá tính tích cực hoạt động kinh tế và việc làm

- Tỷ lệ dân số hoạt động kinh tế từ 13 tuổi trở lên trong tổng số dân.

- Tỷ lệ dân số hoạt động kinh tế trong tuổi lao động trong tổng số dân.

- Tỷ lệ dân số hoạt động kinh tế trong tuổi lao động so với tổng số dân trong tuổi lao động.

- Tỷ lệ người đang làm việc so với dân số hoạt động kinh tế.

- Tỷ lệ người đang làm việc từ 16 tuổi trở lên so với dân số hoạt động kinh tế từ 16 tuổi trở lên.

- Tỷ lệ dân số trong tuổi lao động chưa có việc làm so với dân số hoạt động kinh tế trong tuổi lao động (tỷ lệ thất nghiệp)...

1.6. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO NGÀNH KINH TẾ

1.6.1. Khái niệm và ý nghĩa

Cơ cấu dân số theo ngành kinh tế là tập hợp những người được sắp xếp theo những thành phần ngành nghề khác nhau, những khu vực hoạt động khác nhau của nền kinh tế quốc dân.

Tìm hiểu thành phần dân số theo nghề nghiệp sẽ cho ta biết được một cách khái quát tình trạng kinh tế của một nước hay một địa phương.

Cơ cấu dân số theo ngành nghề liên quan tới đặc điểm lao động cụ thể của từng người. Nghề nghiệp của mỗi người phụ thuộc trước hết vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tình hình kinh tế - chính trị của từng nước. Lực lượng sản xuất càng phát triển, sự phân công lao động trong xã hội càng sâu sắc thì số lượng các ngành nghề càng đa dạng và phức tạp. Những nước nông nghiệp lạc hậu, cơ cấu ngành nghề đơn giản. Những nước kinh tế phát triển có cơ cấu ngành nghề phức tạp hơn, thể hiện sự phân công lao động đã đạt được trình độ cao.

1.6.2. Dân số hoạt động phân theo khu vực hoạt động kinh tế

Việc phân chia khu vực lao động chủ yếu dựa vào tính chất và nội dung hoạt động sản xuất. Nền kinh tế quốc dân được phân biệt thành ba khu vực hoạt động. Mỗi khu vực có tính chất sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế riêng, phản ánh sức sản xuất, trình độ sản xuất của xã hội.

- Khu vực I: bao gồm các ngành nghề hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và khai thác ban đầu các loại khoáng sản, vật liệu. Các hoạt động này cung cấp lương thực thực phẩm cho con người và các loại nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp chế biến.

- Khu vực II: bao gồm các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp xây dựng. Các ngành này sẽ cung cấp các sản phẩm có giá trị cao hơn phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của đời sống xã hội.

- Khu vực III: bao gồm các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân và được gọi chung là dịch vụ như thương mại, tài chính kế toán, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ... Hoạt động dịch vụ của các ngành này nối liền sản xuất với sản xuất, sản xuất với lưu thông, sản xuất với tiêu dùng hoặc giữa các nhu cầu tiêu dùng này với các nhu cầu tiêu dùng khác. Khu vực III không tạo ra sản phẩm hữu hình như các khu vực hoạt động khác mà tạo ra giá trị lợi nhuận.

Hiện nay, trên thế giới đang có xu hướng phân biệt thêm khu vực hoạt động thứ tư đó là khu vực lao động trí óc, bao gồm các lĩnh vực được quan tâm đặc biệt như: sở hữu trí tuệ, bằng phát minh sáng chế (patent), bí quyết công nghệ (know-how)...

Tỷ lệ lao động hoạt động trong mỗi khu vực và tỷ trọng đóng góp của từng khu vực trong tổng thu nhập quốc dân (GNP) sẽ phản ánh cơ cấu của nền kinh tế và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của một nước. Khu vực III còn được gọi là "chỉ số thịnh vượng" của nền kinh tế.

Trước đây, nhiều tác giả cho rằng có một phần của khu vực III thuộc loại thô sơ hay ăn bám, đặc biệt là ở thành phố lớn, nơi tập trung nhiều người buôn bán nhỏ hoặc làm một số công việc dịch vụ tạm bợ để mưu sinh. Từ thập niên 70, nhiều nhà kinh tế thành thị đã có những nhận định mới có phần tích cực hơn về tính chất và vai trò của các hoạt động dịch vụ này. Họ gọi các hoạt động này là khu vực (kinh tế) phi chính quy (informal sector).

Trong quá trình phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề theo ba khu vực sẽ thay đổi từng giai đoạn:

- Ở điểm xuất phát là một nước nông nghiệp, tỷ lệ dân hoạt động trong khu vực I chiếm 80% hoặc nhiều hơn nữa, khu vực II và III ít phát triển.

- Giai đoạn công nghiệp hóa, tỷ lệ dân hoạt động trong khu vực I giảm, khu vực II tăng nhanh, khu vực III tăng vừa phải.

- Khi nền kinh tế đã phát triển, mức sống người dân được nâng cao, hoạt động sản xuất trở nên đa dạng thì tỷ lệ dân hoạt động trong khu vực I chiếm tỷ lệ thấp hơn 10%, khu vực II từ 30-35%, khu vực III chiếm tỷ lệ cao nhất 50-60%.

Tại các nước phát triển: khu vực I hoạt động nông nghiệp hiện đại chỉ sử dụng một số rất ít lao động, khoảng 2% ở Hoa Kỳ, 3-4% ở Đức, Anh. Năng suất lao động nông nghiệp không ngừng được nâng cao. Tại Hoa Kỳ, năm 1860, một nông dân làm nuôi được 5 người, 1960: 25 người và 1990: trên 50 người. Khu vực II sử dụng trên 30% lao động (Pháp, Đức: 35%). Đến một thời điểm nào đó, khi năng suất lao động công nghiệp đã được nâng cao do được cơ giới hóa và tự động hóa thì tỷ lệ lao động trong khu vực II sẽ giảm xuống, như trường hợp của Hoa Kỳ, Thụy Điển. Khu vực III ngày càng đa dạng và phức tạp, tỷ lệ thường cao hơn 50%, chẳng hạn như Pháp: 51%, Hoa Kỳ: 64%.

Tại các nước đang phát triển: khu vực I chiếm tỷ lệ lao động cao trên 70% ở các nước Đông Nam Á và châu Phi, khoảng từ 45-55% ở Mỹ Latinh, Trung Cận Đông. Khu vực II chiếm tỷ lệ lao động rất thấp vì công nghiệp chưa phát triển, dưới 12% ở hầu hết các vùng Nam Á, châu Phi, khoảng từ 15-20% ở hầu hết các nước Mỹ Latinh. Khu vực III thường có tỷ lệ lao động khá cao và thường cao hơn cả khu vực II, có thể đạt tới 20-25%.

Ví dụ: Năm 1992 Việt Nam Thailand Ấn Độ

Khu vực I : 71% 72% 67%

Khu vực II : 11% 13% 11%

Khu vực III : 18% 15% 22%

Tuy nhiên, tỷ lệ dân hoạt động trong khu vực III cao không phải là một tiêu chuẩn của sự phát triển kinh tế trong mọi trường hợp, tiêu chuẩn ấy chỉ đúng đối với những nước đã có một trình độ công nghiệp hóa cao. Còn đối với các nước đang phát triển, thực ra đấy chỉ là một hình thái của sự thất nghiệp. Các nước này chưa trải qua quá trình công nghiệp hóa nên khu vực II không có khả năng thu nhận nhiều nhân lực. Sự phát triển của khu vực III không bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế, nó bao gồm phần lớn những ngành nghề phi sản xuất, trong đó buôn bán nhỏ chiếm đa số.

1.6.3. Dân số hoạt động phân theo thành phần kinh tế

Dựa vào tính chất của quan hệ sản xuất, nền kinh tế được phân thành những khu vực khác nhau: khu vực kinh tế cá thể, khu vực kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tư bản tư nhân, khu vực kinh tế quốc doanh...

Tỷ lệ lao động tham gia trong mỗi thành phần kinh tế là cơ sở xác định vai trò, tầm quan trọng của thành phần đó trong nền kinh tế.

Ở Việt Nam nền kinh tế quốc dân bao gồm các thành phần kinh tế:

- Quốc doanh.

- Tập thể

- Tư nhân, cá thể và hộ gia đình

- Tư bản tư nhân

- Tư bản Nhà nước

- Thành phần kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài.

Baûng 2: Sự thay đổi cơ cấu sử dụng lao động theo thành phần kinh tế ở nước ta

Năm Khu vực Nhà nước Khu vực ngoài quốc doanh

1985 15,0 % 85,0 %

1990 11,3 % 88,7%

1998 9,0 % 91,0 %

(Nguồn: SGK Địa lý 12, nhà xuất bản Giáo dục, tái bản lầ thứ 10)

1.7. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA

1.7.1. Khái niệm và ý nghĩa

Trình độ văn hoá của dân cư một quốc gia biểu hiện chất lượng của một dân tộc, thể hiện qua mặt bằng dân trí của dân cư, đồng thời nó cũng gián tiếp biểu hiện trình độ và khả năng phát triển của nền kinh tế nước đó.

Trong từng quốc gia nói riêng và trên thế giới nói chung, trình độ văn hóa thay đổi theo thời gian và theo không gian. Ở các nước phát triển, dân cư có trình độ văn hóa thường cao hơn so với dân cư các nước kém phát triển. Đây là một điều hợp quy luật. Bởi vì trình độ văn hóa là một yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến nền sản xuất xã hội, nó góp phần làm nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng để thỏa mãn cho nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội con người. Ở bất kỳ quốc gia nào, việc phát triển một nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến cũng đều đòi hỏi nhân dân nước đó có trình độ khoa học - kỹ thuật nhất định. Ngược lại, nếu trình độ văn hóa của dân cư thấp kém thì nó sẽ là trở lực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó.

1.7.2. Các chỉ tiêu phân tích, đánh giá trình độ văn hóa của dân cư

+ Tình trạng đi học

Bao gồm chưa đi học, đang đi học, đã thôi học (nhóm chỉ tiêu này chỉ tính số trẻ em trong độ tuổi đi học từ 5-19 tuổi).

+ Tình trạng biết chữ

Bao gồm tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ mù chữ (người biết chữ là tất cả những người hiện tại biết đọc và biết viết những câu đơn giản bằng chữ quốc ngữ, chữ dân tộc hoặc chữ nước ngoài). Nhóm chỉ tiêu này được lưu ý nhiều vì đây là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá trình độ phát triển của quốc gia thông qua chỉ số phát triển con người (HDI).

+ Trình độ học vấn

Bao gồm các chỉ số chưa bao giờ đến trường, chưa tốt nghiệp tiểu học, tốt nghiệp tiểu học, tốt nghiệp trung học cơ sở, tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, tốt nghiệp cao đẳng, đại học và sau đại học.

Trên thế giới hầu hết các dân tộc có trình độ văn hóa thấp đều thuộc các nước chậm phát triển mà các nước này thường có dân số rất đông. Hiện nay, ước tính có khoảng trên 850 triệu người mù chữ tập trung ở các nước thuộc thế giới thứ ba, trong đó có quốc gia có đến 50% hay thậm chí đến 80% số dân bị mù chữ. Việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo là bài toán kinh tế nan giải đối với các quốc gia này.

Việt Nam năm 1989 có 88% dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ và 12% mù chữ, đến năm 1997, tỷ lệ người biết chữ tăng lên 91% (theo thông tin truyền hình trong kỳ họp quốc hội khóa 9). Đây là thành tích to lớn của ngành giáo dục và toàn xã hội.

Baûng 3: Tỷ lệ dân số biết đọc biết viết của Việt Nam và một số nước

Quốc gia Tỷ lệ dân số biết đọc biết viết (%)

Việt Nam 92,0

Singapore 91,4

Malaisia 85,7

Indonesia 85,0

Trung Quốc 82,9

Ấn Độ 53,5

(Nguồn: SGK Địa lý 12, nhà xuất bản Giáo dục, tái bản lầ thứ 10)

1.8. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO TÌNH TRẠNG HÔN NHÂN

1.8.1. Khái niệm và ý nghĩa

Cơ cấu dân số theo tình trạng hôn nhân thường chỉ tính nhóm dân số từ 13 hoặc 15 tuổi trở lên. Hôn nhân của dân cư thuộc một trong năm tình trạng sau:

- Chưa vợ, chưa chồng: là những người chưa bao giờ lấy vợ, lấy chồng.

- Có vợ, có chồng: bao gồm những người đã được pháp luật hoặc phong tục tập quán của địa phương thừa nhận là có vợ, có chồng hoặc sống với người khác giới như vợ chồng.

- Góa: là những người mà vợ hoặc chồng của họ đã qua đời và tại thời điểm thống kê họ chưa tái kết hôn.

- Ly hôn: là những người trước đây đã có vợ, có chồng nhưng vì lý do nào đó họ đã được pháp luật cho ly hôn và tại thời điểm thống kê họ chưa tái kết hôn.

- Ly thân: là những người về danh nghĩa thì họ đang có vợ, có chồng nhưng vì lý do nào đó họ không còn chung sống với nhau như vợ chồng.

Tỷ lệ những người có vợ, có chồng có ảnh hưởng trực tiếp đến mức sinh vì tuyệt đại bộ phận trẻ em được sinh ra trong giá thú, nhất là ở các xã hội nông nghiệp truyền thống. Mặt khác, tỷ lệ ly hôn và góa bụa cao lại góp phần làm giảm mức sinh, tăng mức tử vong của dân số.

Ở khía cạnh xã hội, tỷ lệ độc thân cao là chỉ báo cho thấy hôn nhân và gia đình truyền thống đã giảm sút ý nghĩa và sức hấp dẫn đối với giới trẻ ở các nước phát triển, trong khi đó, tỷ lệ ly thân và ly hôn cao lại cho thấy tính kém bền vững của gia đình. Ở một số quốc gia, tình trạng tảo hôn hay đa thê còn dẫn đến những vấn đề xã hội phức tạp khác.

Nhìn chung, tình trạng hôn nhân ở các nước phát triển thường đa dạng hơn ở các nước đang phát triển.

1.8.2. Các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tình trạng hôn nhân của dân cư

+ Tỷ lệ chưa vợ, chưa chồng.

+ Tỷ lệ có vợ, có chồng.

+ Tỷ lệ góa vợ, góa chồng.

+ Tỷ lệ ly hôn.

+ Tỷ lệ ly thân.

Ngoài ra, mỗi tình trạng hôn nhân còn được phân tích theo từng nhóm tuổi và giới tính của dân cư.

1.9. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO ĐỊA BÀN CƯ TRÚ

1.9.1. Khái niệm và ý nghĩa

Xã hội loài người hiện nay có hai hình thái cư trú theo địa bàn là nông thôn và thành thị. Sự phân định dân cư thành thị hay nông thôn là căn cứ vào nơi cư trú, nhưng có liên quan đến cơ cấu xã hội và ngành nghề của dân số.

Cơ cấu dân số theo địa bàn cư trú được phân biệt thành hai bộ phận là dân cư nông thôn và dân cư thành thị. Trong Dân số học, việc nghiên cứu cơ cấu dân số theo địa bàn cư trú nông thôn và thành thị (hoặc các dạng quần cư đô thị) có ý nghĩa quan trọng, vì nó cho thấy xu thế phát triển của một quốc gia.

Việc nghiên cứu các đặc trưng nhân khẩu học, kinh tế - xã hội học của dân số theo hai địa bàn cư trú là cơ sở để hoạch định chính sách dân số, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với từng địa bàn.

1.9.2. Các chỉ tiêu phân tích

Chỉ số phân tích cơ cấu dân số theo địa bàn cư trú là tỷ lệ dân nông thôn và tỷ lệ dân thành thị.

Số dân cư trú ở nông thôn

Tỷ lệ dân nông thôn = ---------------------------------- x 100%

Tổng số dân

Số dân cư trú ở thành thị

Tỷ lệ dân thành thị = ---------------------------------- x 100%

Tổng số dân

Tỷ lệ và quy mô của hai bộ phận dân số này luôn biến động theo thời gian, thậm chí có thể thay đổi nhanh chóng theo từng năm phụ thuộc vào tốc độ và trình độ phát triển sản xuất công nghiệp, việc mở rộng các mối quan hệ giao lưu giữa các quốc gia với nhau đã làm tăng cường tỷ lệ dân số hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế dịch vụ, cung ứng...

Các quá trình dân số như sinh, tử, chuyển cư, hôn nhân diễn ra ở hai địa bàn này, theo hai giới sẽ rất khác nhau về cường độ và khuynh hướng biến động.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top