Thơ là tiếng nói của tri âm
TIẾNG NÓI TRI ÂM TRONG
BÀI THƠ ĐÀN GHITA CỦA LORCA (THANH THẢO) - NGỮ VĂN 12
I. Tiếng nói tri âm trong thơ
Là tiếng lòng đồng điệu của hai tâm hồn, là sự đồng cảm và thấu hiểu của người đọc thơ với người làm thơ được thể hiện trực tiếp trong một tác phẩm thơ.
Thơ ca là biểu hiện trực tiếp thế giới chủ quan của con người. Đó là những tâm trạng, suy tư, xúc cảm, rung động của con người trước cuộc sống. Nhà thơ sáng tác một tác phẩm, là gửi gắm vào đó tâm sự, cảm xúc của mình. Làm thơ, là để giãi bày lòng mình, để tâm sự với chính mình và với cuộc đời. Thế nên, đọc thơ là đọc ở đó niềm vui, nỗi buồn, băn khoăn, hờn giận, hạnh phúc hay khổ đau, cảm xúc mong manh mơ hồ hay tình cảm thiết tha mãnh liệt... qua những biểu hiện cụ thể của ngôn từ nghệ thuật. Một bài thơ bao giờ cũng được ra đời trong một bối cảnh nội tâm và bối cảnh ngoại giới nhất định. Người đọc thơ có thể mường tượng ra bối cảnh ấy qua thơ. Thế nhưng, cảm nhận về nội dung trữ tình trong một bài thơ ở mỗi người đọc lại không giống nhau. Cảm nhận thơ phụ thuộc vào cá tính, trình độ, quan điểm, và đặc biệt là tâm hồn của người đọc. Khi tâm hồn người đọc có sự đồng cảm sâu sắc với tâm hồn nhà thơ, khi trái tim người đọc hòa cùng nhịp đập trái tim của thi nhân, khi người đọc thấu hiểu và tha thiết với những nỗi niềm mà người viết gửi gắm, khi ấy, ta thấy tấm lòng tri âm với thơ.
Văn chương nói chung, thơ ca nói riêng có dòng chảy theo quy luật riêng của nó, khó có thể biết nơi khởi đầu và không thể xác định điểm kết. Trong dòng chảy với những bí ẩn đầy sức mê hoặc ấy, xúc cảm thơ lắng đọng nơi hồn người đọc, và cũng có khi từ tâm hồn người đọc lại được thăng hoa cất lên thành những vần thơ. Khi ấy, ta có tiếng nói tri âm trong thơ.
Cần lắm một tấm lòng tri âm trong cuộc đời. Ca dao có câu:
Mông mênh góc bể chân trời
Biết trong thiên hạ ai người tri âm
Cổ thi có câu: Bất tích ca giả khổ, đãn thương tri âm hy nghĩa là: "Không tiếc người hát khó nhọc, chỉ đau đớn người tri âm ít mà thôi". Thì ra, nỗi nhọc nhằn của thế sự đâu có ý nghĩa gì, chỉ nỗi cô đơn vì thiếu kẻ tri âm mới là điều đáng đau khổ trên cõi đời. Thơ ca, nơi thổ lộ của những cõi lòng, lại càng cần biết bao nhiêu những tâm hồn đồng điệu. Giả Đảo(788-843) đời Đường, trong ba năm ròng làm được hai câu thơ tâm đắc, rồi lại ôm sầu thở than:
Nhị cú tam niên đắc,
Nhất ngâm song lệ lưu.
Tri âm như bất thưởng,
Quy ngọa cố sơn thu.
Điều gì khiến Giả Đảo muốn quay về làm bạn với núi thu, điều gì khiến Tam Nguyên Yên Đổ trằn trọc "Câu thơ nghĩ đắn đo không viết"? Ấy chính là vì không còn tri âm. Nỗi quan hoài đau đáu của hai thi nhân như lời minh chứng: vắng tri âm, người làm thơ sẽ rơi vào bi kịch bất tận của nỗi cô đơn. Nỗi lòng đang trải ra trang giấy ấy, một mình mình biết, một mình mình hay, như một thanh âm lang thang giữa khoảng không ngổn ngang thanh sắc. Và khao khát lắm một tiếng nói tri âm.
Chủ nhân của tiếng nói tri âm trong thơ bao giờ cũng kinh qua hai trải nghiệm. Trải nghiệm thứ nhất là trải nghiệm của người đọc thơ để lắng nghe tiếng lòng của người, cảm nhận và thấu hiểu tâm sự của người, sống lại những tình cảm của người trong cõi hồn mình. Trải nghiệm thứ hai là trải nghiệm của người làm thơ để tấu lên khúc nhạc giao hòa giữa hai tâm hồn, để khơi gợi trong nhân thế thêm những tiếng lòng tri âm.
Tiếng nói tri âm không phải là nhịp cầu đơn thuần giữa người làm thơ với người đọc thơ. Bởi người đọc thơ thì nhiều vô vàn, người yêu thơ cũng không ít, nhưng tiếng nói tri âm trong thơ thật sự không dễ gặp. Bởi đó là tiếng nói của tư tưởng, tâm hồn, tình cảm... mang tính cá thể vốn của những con người hoàn toàn xa lạ, thậm chí có sự cách biệt vời vợi về cả không gian và thời gian nhưng lại cùng chung cảm nhận, cách nhìn cuộc đời, có thể thấu suốt đáy hồn của nhau. Và nhìn nhận một cách thấu đáo, thì đó là tiếng nói rất đáng được trân trọng, lắng nghe.
Thơ ca là xúc cảm mang tính chủ quan của mỗi người, nhưng những xúc cảm chủ quan đó bao giờ cũng được nảy sinh từ hiện thực tâm hồn, hiện thực cuộc sống cụ thể. Những hiện thực này không được miêu tả chi tiết mà được tái hiện một cách gián tiếp qua thơ. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để có được tiếng nói tri âm trong thơ. Như vậy, tri âm không chỉ là cùng vui, cùng buồn, là khóc cười cùng tiền nhân, bởi đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài ai cũng dễ dàng nhận thấy, mà cốt yếu là thấu hiểu căn nguyên những tâm trạng ấy. Thấu hiểu để đến được với đáy sâu tâm hồn mình đang đối diện, đến được với tâm tình thuộc những chân lí phổ biến nhất của tồn tại con người trong những suy tư mà người viết gửi gắm. Từ đó, đem tiếng lòng mình cất lên thành những trang thơ. Thấu triệt là từ đó, đồng cảm là từ đó, tri âm là từ đó, đáng quý, đáng trọng cũng là từ đó.
II. Tiếng nói tri âm trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo).
Thanh Thảo là một hồn thơ giàu chất triết lí, luôn tìm đến với những vẻ đẹp nhân cách cao cả bằng hệ thống thi ảnh và ngôn từ mới mẻ. Thơ Thanh Thảo vừa có sức lắng đọng, vừa có khả năng lan tỏa kì lạ trong hồn người. Đọc thơ ông, không thể đọc lướt, đọc qua mà cần chậm rãi, nghiền ngẫm và suy tư cùng nhà thơ như nhâm nhi một thứ trà đặc biệt để cảm nhận được vị ngọt sau cùng. Đàn Ghi ta của Lorca là bài thơ như thế. Đọc nhan đề bài thơ, tưởng chừng tác phẩm viết về cây đàn hay một người nghệ sĩ, nhưng sức hút, sức sống của tác phẩm không chỉ giản đơn như vậy, mà bởi thông qua đó, ý nghĩa của bài thơ đã chạm đến những giá trị cao cả, thiêng liêng, là triết lí về cái đẹp, về sức sống của nghệ thuật chân chính bằng tiếng nói tri âm của Thanh Thảo đối với người nghệ sĩ Tây Ban Nha Gar-xi-a Lor-ca.
Cùng với những cái tên Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Ê-xê- nhin..., Lor-ca đã đến với Thanh Thảo không phải như một cuộc gặp ngẫu nhiên, tình cờ. Hồn thơ Thanh Thảo đặc biệt nhạy cảm với vẻ đẹp của lòng nhân ái, bao dung, can đảm, trung thực và yêu tự do. Và thế là, như một duyên nợ, Thanh Thảo đã tìm đến với thế giới nghệ thuật của Lor-ca, với cuộc đời Lor-ca như một tri âm tìm đến một tri âm.
G. Lor-ca (1898-1936)- nghệ sĩ thiên tài Tây Ban Nha, có đóng góp quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến nền thơ ca hiện đại Tây Ban Nha với những cách tân nghệ thuật tiến bộ, đã đấu tranh ngoan cường vì nền dân chủ và sự tiến bộ của nghệ thuật chân chính đến hơi thở cuối cùng. Lor-ca là người có số phận bi kịch, sống trong đất nước Tây Ban Nha những năm đầu thế kỉ XX dưới bầu không khí chính trị ngột ngạt, đen tối của nền độc tài Pri-nô đê Ri-vê-a. Vì những ảnh hưởng mạnh mẽ của Lor-ca đến phong trào đấu tranh dân chủ và cách tân nghệ thuật rộng khắp Tây Ban Nha và cả khu vực Tây Âu rộng lớn, bè lũ thân phát xít Phrăng-cô đã sát hại Lor-ca. Nhưng với nhân dân Tây Ban Nha, với những người yêu tự do trên toàn thế giới, với Thanh Thảo, Lor-ca chưa bao giờ chết.
Đàn ghita của Lor-ca được viết bằng hình thức thơ tự do với những sáng tạo độc đáo của Thanh Thảo: Bài thơ không dấu câu, không viết hoa đầu mỗi dòng thơ, cả bài thơ như một mạch tâm cảm nối liền bởi những hình ảnh đầy tính tượng trưng. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu cho tư duy thơ Thanh Thảo là giàu chất suy tư, triết lí, ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực.
Mở đầu bài thơ, bằng lời đề từ, Thanh Thảo dẫn ta đến với thế giới nghệ thuật của Lor-ca qua một dòng thơ: "Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn" .
Một câu thơ rất nổi tiếng của Lor-ca, đã từng là khởi nguồn cảm hứng nghệ thuật của nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ước vọng làm một điều gì đó sau khi chết thường không là bình thường, nhỏ nhặt mà thường là điều tâm nguyện, ấp ủ của cả một cuộc đời.Vậy lời đề nghị, ước vọng ấy của Lor-ca là gì?
Ở đây, hình ảnh cây đàn cần được hiểu rộng hơn một nhạc cụ quen thuộc, nó là biểu tượng cho sự nghiệp nghệ thuật của Lor-ca và những đóng góp của ông trên lĩnh vực nghệ thuật, bởi cùng với cây đàn đó, Lor-ca đã tấu lên bài ca tự do, thôi thúc nhân dân đến với tự do và nghệ thuật tiến bộ chân chính. Chôn cây đàn cùng tác giả thể hiện niềm đam mê, khát vọng theo đuổi nghệ thuật vĩnh cửu của Lor-ca, kể cả khi cái chết đã cướp đi sinh mạng của ông. Đồng thời nói chôn tác giả cùng cây đàn không có nghĩa là phủ nhận mọi giá trị sáng tạo nghệ thuật của Lor-ca mà là để thế giới nghệ thuật của Lor-ca ngủ yên, không là đỉnh cao không thể vượt qua hay thành vật cản với những sáng tạo nghệ thuật sau này, để nghệ thuật của ngày mai vượt trội hơn những gì là mới mà Lor-ca đã tạo ra hôm nay, như thế mới chứng tỏ được sức sống và sức mạnh của nghệ thuật, tương lai luôn đón chờ những điều mới mẻ... Đây chính là tư tưởng cách tân nghệ thuật tiến bộ và phóng khoáng của Lor-ca. Nhà thơ Thanh Thảo đã thật sự cảm thông đến tận cùng với Lor- ca. Nghệ sĩ Lor- ca ra đi bất ngờ khiến hành trình cách tân nghệ thuật của ông bị dang dở và con đường ông đã đi qua ở thời đại ông không nhiều người thực sự hiểu . Lor- ca đã dặn "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn", lời dặn đó thể hiện nhân cách nghệ sĩ ,tình yêu say đắm với nghệ thuật và tình yêu tha thiết với đất nước Tây Ban Nha. Thanh Thảo đã thấu hiểu điều đó khi trang trọng đặt câu thơ của Lor-ca làm lời đề từ cho bài thơ của mình.
Từ tốn và sâu lắng, Thanh Thảo cẩn trọng gỡ tấm mành cách bức về thời gian, về không gian, về văn hóa cho chúng ta đến với không gian văn hóa, chính trị của đất nước Tây Ban Nha những năm đầu thế kỉ XX và đến với trái tim cùng số phận nghiệt ngã của Lor-ca .
Dòng thơ đầu tiên là cảm nhận của Thanh Thảo về hình ảnh của Lor-ca- một cảm nhận rất riêng:
những tiếng đàn bọt nước
Sự xuất hiện của Lor-ca không phải với cái tên Lor-ca hay sự tái hiện trực tiếp mà qua hình tượng tiếng đàn bọt nước. Thanh Thảo đã hữu hình hóa cái vô hình, khiến tiếng đàn có thể được cảm nhận bằng thị giác. Gửi gắm trong đó là sự ngưỡng vọng và trân trọng đối với những giá trị nghệ thuật của Lor-ca: Tiếng đàn mong manh mà huyền diệu, như thực như mơ, không dễ gì nắm bắt, chiếm lĩnh và thấu hiểu, chính điều đó tạo nên sức mê huặc kì diệu trong nghệ thuật của Lor-ca. Bọt nước là sự vật rất mơ hồ, vừa lung linh hiện hữu đã có thể tan biến hoà vào dòng chảy vĩnh cửu, nhưng cũng ngay tức khắc có thể tái sinh... Sự hiện hữu trong khoảnh khắc đó là một số phận, và nó đã làm tròn sứ mệnh với cuộc đời này. Đó phải chăng cũng chính là số mệnh thế giới nghệ thuật của Lor-ca?
Dùng hình ảnh tiếng đàn bọt nước để nói đến thế giới nghệ thuật của Lor-ca là cách nói vừa hình ảnh, vừa sâu sắc và cũng là cảm nhận từ trái tim của Thanh Thảo.
Đối lập hoàn toàn với hình ảnh thơ đầu tiên, câu thơ tiếp theo gợi sự đấu tranh ngoan cường của Lor-ca trong bối cảnh khốc liệt của thời đại :
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Thanh Thảo đã chọn hình ảnh áo choàng đỏ với ý nghĩa tượng trưng có sức biểu đạt phong phú, bất ngờ. Hình ảnh này nhắc tới môn đấu bò tót, một sinh hoạt văn hóa Tây Ban Nha nổi tiếng toàn thế giới mà sức hấp dẫn của nó là thử thách bản lĩnh, ý chí và sức mạnh của con người. Hình ảnh áo choàng đỏ gắt còn giúp ta liên tưởng đến khung cảnh của một đấu trường. Rộng hơn hình ảnh cụ thể một đấu trường truyền thống của văn hóa Tây ban Nha là đấu trường quyết liệt giữa công dân Lor-ca cùng khát vọng dân chủ với nền chính trị độc tài, giữa nền nghệ thuật già nua Tây Ban Nha với nghệ thuật cách tân của Lor-ca. Áo choàng đỏ chính là hình ảnh của đấu sĩ Lor-ca trên trường đấu vì tự do và tiến bộ nghệ thuật. Một đấu sĩ dũng cảm, đầy chí khí, dám đương đầu và không bao giờ lùi bước. Và vũ khí đấu tranh của người nghệ sĩ ấy chính là:
li-la li-la li-la
Là tiếng đàn vang vọng, là thế giới nghệ thuật đang lan tỏa hay sắc tím bình yên lãng mạn đang triền miên trong tâm thức của một loài linh hoa? Có lẽ cũng không cần đến một câu trả lời rõ ràng minh xác. Bởi đây là cảm nhận của Thanh Thảo về một Tây Ban Nha huyền bí, về một Lor-ca tài hoa không mệt mỏi cùng cây đàn cất lên những khúc ca yêu thương và tranh đấu. Tiếng đàn vẫn ngân nga trong cuộc đời, trong biết bao trái tim con người.
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Mở ra trước mắt ta là miền đất của cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, phóng túng, tự do, đầy chất nghệ sĩ. Những hình ảnh này gợi tư duy liên tưởng của người đọc hướng tới đất nước Tây Ban Nha với không gian hoang sơ, với những con người có tâm hồn phong phú, lãng tử, đam mê dạt dào với cuộc sống. Và ở đây, Thanh Thảo đã nhìn thấy một Lor-ca cô đơn, cô đơn trên hành trình đi tìm tự do và yêu thương cho con người. Những từ láy mang sắc thái biểu lộ tâm trạng liên tục xuất hiện trong ba dòng thơ: lang thang, đơn độc, chếnh choáng, mỏi mòn tái hiện bước chân phiêu lãng của tâm hồn hoàn toàn tự do giữa đất trời, đó cũng là bầu trời tự do mà Lor-ca mở ra trong thế giới nghệ thuật của mình song rồi cũng không vượt thoát được nỗi cô đơn trong thời đại mà cái xấu, cái ác, cái phản tiến bộ đang bủa vây. Một bi kịch bắt đầu được hé lộ.
Điều ám ảnh Thanh Thảo cũng như mỗi chúng ta khi đối diện với số phận của Lor-ca chính là cái chết oan khuất của ông. Lor-ca chết khi đang bước đi trên con đường tranh đấu cho sự tiến bộ của nghệ thuật và nền dân chủ Tây Ban Nha. Bài thơ này được khởi nguồn bởi cảm xúc của thanh Thảo trước cái chết đầy bi phẫn của Lor-ca.
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Tiếng hát trong câu thơ mang ý nghĩa tượng trưng: hát nghêu ngao - đó là thanh âm của tự do, của tình yêu đời hồn nhiên nồng nhiệt, của tâm hồn bay bổng say sưa. Tiếng hát đó là tinh túy của sự sống. Và tiếng hát đột nhiên vụt tắt. Câu thơ bỗng kinh hoàng với hai từ bỗng và kinh hoàng bổ trợ cho nhau, diễn tả cảm xúc bàng hoàng, đau đớn cực độ trước cái chết đột ngột đầy bi phẫn của Lor-ca. Một lần nữa hình ảnh áo choàng đỏ lại xuất hiện, nhưng không phải sắc đỏ gắt của cuộc đấu khốc liệt, mà là màu bê bết đỏ bi thương của đổ máu, của cái chết.
Tái hiện cái chết oan khuất của Lor-ca, Thanh Thảo không hề tả, chỉ gợi lên bởi những hình ảnh mang màu sắc tượng trưng. Thanh Thảo biết đến Lor-ca qua những bài thơ của Lor-ca và huyền thoại về ông. Vậy mà đọc đoạn thơ nói về cái chết của Lor-ca, ta như cảm nhận rõ nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn linh hồn. Nỗi đau hiện hữu bởi nỗi kinh hoàng, bởi sắc áo choàng bê bết đỏ. Phải chăng niềm cảm thương, nỗi xót xa của Thanh Thảo trước cái chết oan nghiệt của Lor-ca đã tạo nên sức ám ảnh đến day dứt của những vần thơ này?
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
Trái tim nhạy cảm và lòng đồng cảm sâu sắc đã giúp thanh Thảo dựng lại hình ảnh của Lor-ca khi đến với cái chết. Trong rất nhiều bài thơ của mình, Lor-ca nhắc đến cái chết như một ám ảnh khôn nguôi, như một dấu hiệu báo trước, những linh cảm chẳng lành. Hình ảnh đi như người mộng du cho thấy, dù bước chân đưa ông vào cõi chết, nhưng trái tim vẫn thổn thức với những nhịp đập yêu thương của cuộc sống. Bọn phát xít chỉ có thể đẩy thể xác ông xuống mồ mà bất lực trước tâm hồn tự do, tình yêu và khát vọng cao cả của Lor-ca. Tinh thần của Lor-ca là bất tử. Bởi cả khi Lor-ca cái chết đã chấm dứt cuộc đời ngắn ngủi của ông thì hình ảnh cây đàn của Lor-ca, những vần thơ của Lor-ca vẫn thôi thúc ý chí đấu tranh của dân tộc, những thanh âm tiếng đàn tự do của Lor-ca vẫn vang vọng mãi ngàn sau
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Đoạn thơ là suy nghiệm về sức lay động của tiếng đàn và thân phận của nó trong thế giới bạo tàn.
Với điệp khúc dồn dập, những dòng thơ ngắn: điệp tiếng ghi ta ngân lên như nốt nhạc ghita, như những tiếng thổn thức đau đớn phẫn nộ chân thành của Thanh Thảo trước cái chết oan khuất của Lor-ca.
Bằng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, hình ảnh tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh đã làm nổi bật tình yêu, cái đẹp, sức sống kì diệu của tiếng đàn Lor-ca trong cảm nhận thật tinh tế và sâu sắc của Thanh Thảo. Thanh Thảo đã cảm nhận được từ thế giới nghệ thuật của Lor-ca thông điệp ông để lại đời, cũng chính là điều mà Thanh Thảo ấp ủ, trân trọng và nâng niu: khát vọng với tự do, lòng yêu cuộc sống và ý chí đấu tranh. Đây chính là giao điểm của mối tương giao kì lạ giữa hai nhà thơ vốn rất cách biệt về khoảng cách đời thường: không gian xa xôi, thời gian vời vợi, hai nền văn hóa hoàn toàn xa lạ... nhưng lại dường như rất gần gũi về tâm hồn, tư tưởng. Thanh Thảo đã tìm đến Lor-ca và khẳng định sức sống kì diệu của sự nghiệp nghệ thuật mà Lor-ca để lại.
Với Thanh Thảo, nghệ thuật của Lor-ca, thế giới tinh thần của Lor-ca, số phận của Lor-ca ... đều có thể biểu lộ thông qua hình tượng tiếng đàn. Tiếng đàn ấy là sinh thể có linh hồn, có thân phận:
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Vỡ tan và ròng ròng/máu chảy là cách nói đầy sức ám ảnh về cái chết đau đớn oan khuất của Lor-ca. Đối diện với nỗi đau mà Thanh Thảo tái hiện, trong ta hiện hữu hai trạng thái cảm xúc: nỗi xót xa đến tê tái cho nỗi đau của Lor-ca và nỗi căm phẫn đến uất nghẹn đối với bọn phát xít tàn ác hủy diệt tài năng và tư tưởng tiến bộ của thời đại. Có thể cảm nhận rõ rệt sự tương phản đối lập giữa sắc nâu bình yên của đất, màu xanh dịu dàng đầy sức sống của lá với hình ảnh ròng ròng máu chảy đau đớn của những liên tưởng. Đó cũng chính là nghịch lí giữa lí tưởng sống cao đẹp, thế giới nghệ thuật và số phận bi thảm oan khuất của ông. Như vậy, tiếng đàn là tâm hồn, là vẻ đẹp của nghệ thuật Lor-ca, tiếng đàn cũng chính là thân phận của Lor-ca, cũng là thân phận của nghệ thuật nói chung trong một thực tại mà cái ác ngự trị.
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Bằng những so sánh, ẩn dụ, liên tưởng bất ngờ, Thannh Thảo đã suy tư về thân phận của tiếng đàn trong ý nghĩa biểu tượng như đã nói ở trên. Niềm xót thương Lor- ca được chuyển hóa thành niềm tin về sự bất tử của tiếng đàn Lor- ca: đó là cái đẹp mà sự tàn ác không thể hủy diệt nổi. Nó sẽ sống, lưu truyền mãi mãi, bền bỉ, âm thầm mà mãnh liệt như thứ cỏ dại mọc hoang.
Hình ảnh giọt nước mắt vầng trăng / long lanh trong đáy giếng là hình tượng đẹp lạ lùng trong số lượng tương đối lớn các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Nỗi đau hòa quyện cùng cái đẹp, cái đẹp sẽ bất tử, âm thầm tỏa sáng... tất cả đem lại cho ta cảm giác vừa lạ lẫm vừa rất đỗi quen thuộc. Có lẽ lạ bởi cách kết hợp hình ảnh độc đáo của Thanh Thảo, quen bởi Thanh Thảo đã cho ta thấy một bi kịch không của riêng một thời nào, một dân tộc nào. Đó là bi kịch của cái tài, cái đẹp trong bối cảnh xã hội phản động. Nỗi buồn trước bi kịch ấy chính là biểu hiện của tinh thần nhân văn tiến bộ, khao khát yêu thương và bảo vệ những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời. Chính tiếng nói nhân văn ấy đã khiến những con người vốn rất xa nhau về nhiều khoảng cách được xích lại gần nhau, như để vợi bớt nỗi cô đơn đằng đẵng, như để sát cánh bên nhau trong cuộc chiến vì tự do, vì niềm yêu thương con người và cuộc đời.
Vượt qua nỗi đau của cái chết và bi kịch số phận Lor-ca, Thanh Thảo suy tư về cõi tâm linh với cuộc giã từ của Lor-ca: Lor-ca từ biệt cuộc đời như một điều đã sắp đặt sẵn của định mệnh- đường chỉ tay đã đứt. Một cách nói giảm để dịu bớt cảm giác đau thương? Có lẽ không chỉ thế. Số mệnh của cái đẹp vốn mong manh, mà lời thơ, lời ca với tinh thần nhân văn vút cao của Lor-ca chính là cái đẹp. Thanh Thảo khiến ta nhớ đến những Lí Bạch, Nguyễn Du, Ê- xê- nhin... Và trong thế giới bên kia cõi sống, Lor-ca cùng cây đàn ghi ta tiếp tục cuộc hành trình miên viễn của mình.
Trong Đàn ghi ta của Lor-ca, ta thấm thía một cách sâu sắc tấm lòng tri âm của Thanh Thảo với Lor-ca từ nhiều phương diện: con người, tư tưởng, phẩm cách, số phận... phải là người hiểu và đồng cảm, thương yêu chân thành, Thanh Thảo mới cất lên tiếng nói tri âm cảm động đến vậy. Và ở năm dòng thơ cuối bài, Thanh Thảo đã dựng lên bức tượng đài nghệ thuật tuyệt vời về Lor-ca:
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la...
Hệ thống hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng được Thanh Thảo sử dụng rất đắc địa để tái hiện sự lựa chọn cao cả của Lor-ca: Lá bùa hộ mệnh là bảo bối để đảm bảo sự sống, người ta giữ lá bùa như bảo vệ mạng sống của mình. Lor-ca đã chủ động ném lá bùa ấy vào dòng nước cuộn xoáy. Đâu có phải vì Lor-ca không còn tha thiết với sự sống nên bất chấp số mệnh, mà ngược lại, chàng ném lá bùa ấy vì tình yêu tự do, cuộc sống thôi thúc mãnh liệt trong trái tim. Lor-ca đã chủ động hy sinh sự bình yên của mình để dấn thân vào một con đường đầy chông gai như dòng nước cuộn xoáy của tử thần: con đường đấu tranh vì con người, vì đất nước Tây Ban Nha. Trái tim là tình yêu, tâm hồn, là căn cội thế giới nghệ thuật, và Lor-ca chấp nhận đành cất vào lặng yên khi cái chết chia lìa ông với nhân thế. Và như vậy, Thanh Thảo đã giúp ta hiểu: cái chết về thể xác không phải là điều Lor-ca sợ, ông đã lường trước kết cục đó khi bước đi trên con đường tranh đấu. Cái chết chưa từng làm Lor-ca một lần phải ngoảnh lại, phải dừng bước. Chính cái chết lại là một yếu tố làm nên sự bất tử của Lor-ca!
li-la li-la li-la...
Thanh âm vang vọng của tiếng đàn lại ngân nga sau giây phút lặng yên bất chợt! Đó là sự bất tử.
Nghệ thuật có quy luật tồn tại riêng của nó, nằm ngoài quy luật tồn tại của sinh mạng. Thanh Thảo đã khẳng định sự bất tử của Lor-ca. Lor-ca không còn, nhưng tinh thần tranh đấu, khát vọng tự do cháy bỏng nơi ông vẫn tỏa sáng, thấm thía một cách tự nhiên mà lắng sâu trong những tâm hồn đồng điệu, trong những trái tim cùng nhịp đập yêu thương, để con người ngày càng được sống trong một thế giới tốt đẹp, nhân văn hơn.
Đến với Đàn ghi ta của Lor-ca, ta được hiểu thêm về Lor-ca, một tư tưởng, tâm hồn lớn, một cuộc đời đã đi vào bất tử. Và qua bài thơ, ta cảm nhận được tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và sâu sắc của Thanh Thảo qua tiếng nói tri âm của ông với người xưa. Thanh Thảo đã tìm về với G. Lor-ca bằng trái tim mình. Với trái tim thương yêu đồng vọng, Thanh Thảo đã tái hiện một cách đầy xúc động con người, số phận của Lor-ca. Bằng lòng cảm phục, ngưỡng mộ chân thành, bằng sự tri âm sâu sắc, Thanh Thảo đã khẳng định sự bất tử của tên tuổi Lor-ca cùng những tư tưởng nhân văn tiến bộ mà Lor-ca thể hiện trong thế giới nghệ thuật của mình.
*
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top