C2. Chiếc tất rách

“Chào cậu, cậu muốn sửa giày à?”

Nhiếp Chấn Hoành đứng thẳng lại từ tư thế tựa tường, tiện thể dập điếu thuốc hút được một nửa, lại kẹp nó lên vành tai, rồi mới hỏi người đang đứng trước tiệm anh.

Cậu thanh niên mà ban nãy anh quan sát từ đằng xa đã đứng trước tiệm anh một lúc lâu. Nhưng cậu ta chưa hề mở miệng nói gì, mà chỉ nhòm bức tường bên cạnh anh chòng chọc.

Nhìn gần, Nhiếp Chấn Hoành phát hiện cậu thanh niên này điển trai ra trò, cao cao gầy gầy, mặt cũng trắng trẻo, đúng kiểu trai xinh như hoa mà các cô gái trẻ đang thích bây giờ. Có điều đóa hoa này hình như tỏa ra khí chất “cấm người lạ lại gần”, đôi mắt một mí như phủ một lớp màu xám xịt, không có ánh sáng, mặt mũi cũng lạnh te, khiến người khác chẳng dám sơ sẩy bắt chuyện.

Nhưng thời trẻ Nhiếp Chấn Hoành cũng từng vào Nam ra Bắc, gặp đủ hết mọi loại người, nên đương nhiên anh không chùn chân trước một cậu chàng vừa bước vào đời thế này. Anh hỏi xong thì không chờ lời đáp, mà chỉ đảo mắt theo hướng cậu thanh niên đang nhìn. Anh phát hiện cậu ta đang xem tấm biển mình thuê bên quảng cáo làm hồi anh mới mở tiệm vài năm về trước.

Lớp phông đỏ bị nắng chiếu mỗi ngày nên đã hơi bợt, nhưng những con chữ to màu đen in trên biển vẫn còn rất rõ. Mấy từ ngắn ngủi sắp từ trên xuống dưới, ghi những việc mà tiệm sửa giày của anh nhận làm, đấy toàn là mấy thứ hồi đó anh nghĩ bừa dựa theo tay nghề sẵn có của mình ——

Sửa và đánh giày, phục chế đồ da, chữa ô mở khóa, đánh chìa đổi phéc-mơ-tuya, v.v. Nói chung anh quen tay hay làm tất cả những công việc liên quan đến kỹ thuật sửa chữa.

Nhiếp Chấn Hoành hoàn toàn không biết mười mấy chữ đơn giản này có gì khó mà phải đọc chậm thế. Thằng con mới lên lớp 3 nhà ông chú Vương Kim Bảo kế bên còn đọc một lèo được gần hết, vậy mà một thanh niên thoạt trông có học có hành thế này lại đọc mãi không xong.

Hiềm nỗi anh còn chưa kịp nghĩ ra nguyên do, thì cậu thanh niên đứng dưới thềm đã lên tiếng trước.

“Gót giày…”

Chất giọng trẻ trung và cũng hơi lạnh lùng như chính con người cậu ta vang lên, Nhiếp Chấn Hoành đưa mắt về chân cậu thanh niên nọ.

Có vẻ là để tiệp với bộ comple xám đang mặc trên người, nên cậu thanh niên đi một đôi giày da màu nâu sậm dưới chân. Phải tội thoạt trông chất lượng của đôi giày này không được tốt lắm, Nhiếp Chấn Hoành mới liếc một cái là nhận ra ngay nó được làm bằng da nhân tạo, có nếp nhăn bề mặt, đường khâu diềm cũng không được thẳng thớm.

“Gót giày bị làm sao cơ?”

Ai mua giày gì là quyền tự do của họ, đắt cũng được, rẻ cũng thế, Nhiếp Chấn Hoành không phán xét người khác vì chuyện đấy. Anh chỉ vẫy tay với người đứng dưới thềm, “Cậu lên đây đi. Cởi giày ra, tôi kiểm tra cho cậu.”

Chân Nhiếp Chấn Hoành bị tật, bình thường anh ở trong tiệm suốt ngày, lười chẳng muốn động cựa. Anh cũng không niềm nở ân cần mời chào khách hàng như những tiểu thương khác, về cơ bản anh toàn chờ khách đến tận cửa, làm ăn dựa hết vào duyên phận.

Khách tới thì anh làm, khách vắng thì anh uống trà phơi nắng.

Mức sống ở Dung Thành không đắt đỏ, thu nhập hiện tại vẫn có thể đáp ứng được lượng chi tiêu hằng ngày ít ỏi của anh. Nhiều tiền cũng chẳng biết dùng vào đâu, chẳng thà cứ sống sướng một tí cho đời thoải mái.

Lâm Tri cúi đầu, mài gót chân phải lên nền gạch xanh lơ dính bùn đất.

Chân khó chịu quá. Cậu giơ tay lên nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn người đàn ông đã kéo ghế ra ngồi xuống chờ cậu trong cửa hàng, vẫn nghe lời anh ta bước lên mấy bậc thang, tới cửa của tiệm sửa giày.

“Ngồi đi.”

Nhiếp Chấn Hoành mở một chiếc ghế gấp ra, đặt đối diện mình để khách ngồi. Bản thân anh thì cúi đầu quan sát đôi giày da. Dù vị khách trẻ tuổi còn chưa kịp cởi giày, nhưng anh đã nhận ra lỗi lầm là ở đâu.

“Thế này là bị sút gót rồi.”

Nhiếp Chấn Hoành chỉ vào gót sau của chiếc giày bên phải, hơi buồn cười, “Gót sau sút hết ra rồi, cậu đi mà không thấy khó chịu à?”

“… Ừm.”

Vị khách mặt mũi lạnh te chỉ ừm hửm một tiếng nhạt phèo, nhưng Nhiếp Chấn Hoành dường như lại có thể đọc ra hàm ý sau chữ “Ừm” của cậu ta.

Nếu không khó chịu, tôi còn sang quán anh chắc?

Nhiếp Chấn Hoành thầm lấy làm lạ.

Anh cũng chẳng có ý gì khác, mà chỉ cảm thấy đám trẻ thời nay có đứa kiệm lời thế này thì đúng là hiếm thật.

Dù gì bà con láng giềng quanh khu này ai cũng rất nhiệt tình, anh lại ở đây 4-5 năm ròng, bản thân mình đang từ một kẻ biết ăn biết nói cũng bị hoàn cảnh ép thành không ưa lảm nhảm tán dóc, nào ngờ còn có người ít nói hơn cả anh.

Cậu thanh niên trước mặt đóng bộ, cực kỳ lạc quẻ với tiệm sửa giày cũ nát này. Bấy giờ, dù ngồi trên chiếc ghế lùn xủn khập khiễng được bọc bằng ba miếng vải thô, nhưng cậu ta vẫn giữ nguyên dáng ngồi nghiêm chỉnh, khiến ông chủ tiệm như Nhiếp Chấn Hoành bỗng dưng thấy không được tự nhiên cho lắm.

Thậm chí anh còn bớt ngồi ngả ngớn như mọi ngày đi một tẹo.

“Khụ, tháo giày bên phải ra đi, tôi sửa cho cậu.”

Nhiếp Chấn Hoành móc một đôi dép lê ra từ kệ để hàng bên cạnh, phát hiện dép đã bị sờn rồi. Anh hơi khựng lại, rồi nhét nó về kệ lần nữa. Sau đấy anh ngồi thẳng người dậy, lấy một đôi hoàn toàn mới từ ngăn thứ ba, mở ra đưa cho vị khách trẻ tuổi.

Anh cứ có cảm giác là, xài hàng cũ thì sẽ vấy bẩn cu cậu này mất thôi?

Nhiếp Chấn Hoành thầm lắc đầu, chẳng biết vì đâu mình lại nảy sinh cảm giác vớ va vớ vẩn ấy. May thay dù sao cũng sang Xuân rồi, thay đôi dép mới, khách sau đến đeo cũng thoải mái hơn.

“Cậu muốn lấy loại đế nào để thay?”

Nhiếp Chấn Hoành mở hộp vật liệu bên cạnh, lấy mấy món phụ kiện đóng gói xinh xẻo ra cho khách xem, “Loại tốt một tí thì là đế gân bò với cao su nhập khẩu. Loại thường có đế cao su nội địa.”

Mắt Lâm Tri không hề nhìn về phía ấy, cậu chỉ khom lưng cởi chiếc giày da bên phải không có miếng đế lót ra, đưa cho anh thợ sửa giày.

Cậu không chọn bất kỳ loại nào mà Nhiếp Chấn Hoành đưa ra, chỉ hỏi, “Rẻ nhất, là bao nhiêu tiền ạ?”

Giọng điệu thản nhiên và thẳng thừng, không giấu giếm tẹo nào, như thể chẳng có gì mất mặt cả.

Cảm giác lạ lẫm còn chưa tan hết trong lòng Nhiếp Chấn Hoành lại bị khơi gợi lên.

Người trước mặt có khí chất rất sạch sẽ và đường hoàng, không có vẻ gì là thiếu tiền, nào ngờ lại tiết kiệm như thế. Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng trông chờ kiếm ăn nhờ tiếp thị những món hàng đắt nhất, anh chỉ cảm thấy vị khách này mang lại cho người ta cảm giác hơi mâu thuẫn.

Áo quần bảnh bao, nhưng giày lại rẻ mạt.

Còn ít tuổi, nhưng cách nói năng hành xử lại không có sự hồ hởi tươi trẻ.

“Rẻ nhất… vậy tôi lấy cậu 10 tệ nhé.”

Giờ giá cả hàng hóa leo thang, bảng giá của tiệm anh cũng đã sửa mấy lần. Trước kia 10 tệ là dùng được loại có chất khá tốt rồi, nhưng bây giờ, giá này chỉ vừa đủ trang trải chi phí.

Nhiếp Chấn Hoành vốn định báo giá như thường, nhưng khi lơ đãng quét mắt qua đôi tất lộ ra sau khi cởi giày của cậu thanh niên, anh lại sửa lời đã lên tới miệng.

Ở phần đầu của chiếc tất kẻ sọc màu xanh hải quân thoạt trông rất mỏng manh kia, một ngón chân cái mềm mại trắng trẻo đang thò ra từ lỗ rách.

Lúc cậu ta cất tiếng, ngón chân ấy còn ngọ nguậy.

“Ừm. Vậy sửa loại 10 tệ đi.”

Chủ nhân của ngón chân lại chẳng có vẻ gì là xấu hổ vì bị người ta phát hiện tất mình rách.

Lâm Tri cân nhắc số tiền đang có, chọn chất liệu rẻ nhất. Cậu mở miệng quyết định loại hàng xong, thì mới dừng mắt trên chân mình.

Ngón cái thò ra trông như một chú cá kỳ cục nhô lên từ con sóng biếc. Lâm Tri điều khiển cái đầu cá béo ú đong đưa vài cái, như thể đang hấp hối giãy giụa vậy.

Mấy giây sau, cậu mới có động tác mới.

Tay cậu vẫn còn xách túi quà sáng vừa mua ban nãy, Lâm Tri quay đầu quan sát xung quanh, đặt bừa túi lên mặt tủ còn chỗ trống ở đằng sau.

Để xong, cậu mới cúi xuống, duỗi hai tay tới chỗ mắt cá chân, tuột chiếc tất bên phải ra.

Loạt thao tác này khiến Nhiếp Chấn Hoành nhìn mà sửng sốt vô cùng.

Anh vừa lấy miếng đế cao su ra từ dưới đáy hộp, chuẩn bị bắt tay vào sửa giày, vừa nghĩ thầm: Kiểu này… là tính vứt tất luôn hả?

Anh đang định chỉ cho Lâm Tri vị trí thùng rác trong tiệm mình, nào ngờ cậu thanh niên lại từ tốn lật trái tất lại, rồi đeo vào chân lần nữa.

“… Giỏi đấy.”

Đến khi cậu đeo xong chiếc tất ngược, Nhiếp Chấn Hoành mới hiểu ra biện pháp giải quyết vấn đề của Lâm Tri.

Lỗ rách vốn nằm ở ngón cái đã đổi hướng, dịch đến gần ngón út. Phần đỉnh tất bằng cotton được những ngón chân khác kéo lên, nhìn qua quả thực không có vấn đề gì, cũng không có ngón nào thò ra từ lỗ rách nữa.

Hồi xưa Nhiếp Chấn Hoành còn giàu, tất cứ bẩn là anh vứt thôi.

Tuy giờ chẳng có bao nhiêu tiền, nhưng anh cũng sẽ không ép bản thân phải dùng mấy thứ rách rưới. Dẫu có khổ thế nào, thì tất vớ vẫn đầy đủ. Dù gì mình làm nghề này, tất sỉ cũng chỉ hơn một tệ một đôi thôi.

Vẫn đủ tiền mua.

Nên câu anh nói không hẳn là khen, mà chỉ là một lời bông đùa.

Có điều người trước mặt dường như không hề nhận ra ẩn ý của anh, nghe anh khen thế, biểu cảm của cậu ta hơi thay đổi, trưng ra vẻ mặt như được khen ngợi.

Tuy rằng đường nét gương mặt cậu ta không thay đổi quá nhiều, nhưng Nhiếp Chấn Hoành vẫn tận mắt thấy khóe miệng cậu thanh niên hơi nhếch lên một xíu. Năm ngón chân chạm vào nền gạch xanh lạnh lẽo đều cuộn tròn lại, như đang quay cuồng trong dòng nước.

—— Có tí đắc ý, như thể chính bản thân cậu ta cũng cảm thấy ý tưởng của mình rất tuyệt diệu.


Nha Đậu:

Chít Chít: Em giỏi cực luôn!

(Tên của Lâm Tri, chữ Tri 知 đọc là Zhī, nghĩa là biết, hiểu. Từ này gần âm với từ Chi 吱, cũng đọc là Zhī, với nghĩa là tiếng kêu của động vật. Lâm Tri về sau hay được người yêu so sánh với hamster, nên biệt danh này của em là Chít Chít, như tiếng chuột kêu.)

[HẾT CHƯƠNG 2]

Lâm Tri có một số biểu hiện của Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (Autistic Spectrum Disorder – ADS). Trong chương này, chúng ta thấy một số biểu hiện như:

– Giao tiếp chậm, mất nhiều thời gian để trả lời: Người tự kỷ có thể xử lý thông tin về ngôn ngữ chậm hơn người cùng lứa, vì vậy trong hội thoại, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để hiểu, sắp xếp suy nghĩ và đưa ra câu trả lời thích hợp.

– Không hiểu câu đùa, câu châm biếm, mỉa mai: người tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc phân tách các câu đùa, châm biếm, mỉa mai khỏi các câu có ý nghĩa thông thường. Vì vậy, người tự kỷ hay lý giải các câu này theo nghĩa mặt chữ, và đưa ra câu trả lời không hợp lý. Người giao tiếp với người tự kỷ cần chú ý định nghĩa lời nói một cách rõ ràng để người đối diện hiểu.

– Nói chuyện theo tông giọng lạ, giật cục: người tự kỷ thường hay nói chuyện với tông điệu khác với người thường, có thể là cao hơn, giật cục, hoặc nói to, nói không có nhịp điệu lên xuống.

Cần lưu ý rằng vì ASD là một rối loạn phổ, nên mỗi người thuộc phổ tự kỷ đều có những biểu hiện khác nhau, với các mức độ khác nhau. Không có một tập hợp dấu hiệu nào là phổ quát với toàn bộ người mắc ASD.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top