Phiên ngoại 8: Thịnh thế an khang
Nếu muốn đánh giá, thì Thái tử Lý Tranh tốt số hay không nhỉ?
Rất khó kết luận nếu chỉ nhìn từ một mặt.
Mẹ y là Hoàng hậu của Tiên đế Long An, là dòng dõi chính nhưng không phải là con trưởng, bên trên còn lù lù một vị đại ca sôi sục dã tâm. Nếu xét theo nghĩa thường thì đợi đến khi y khôn lớn thành người, rất có thể sẽ bước lên con đường đọ mẹ tranh sủng, ngươi chết ta sống với đại ca mình để giành ngôi báu.
Thái tử trời sinh đã hiền hòa yên lặng- hiền hòa thừa kế từ ông nội, còn yên lặng được mẹ ruột truyền cho, trên cương vị của một bậc quân vương, cả hai thứ ấy khẳng định chẳng phải là đức tính tốt đẹp gì. Mẫu hậu của y lắm sầu nhiều bệnh, nhà ngoại không có thế lực, bản thân chẳng thể xem là có dã tâm, cũng thiếu chủ kiến, rất hợp với tính tình của Hoàng đế Long An Lý Phong, từng dựa vào ơn mưa móc để bước lên ngôi hậu. Song lên ngôi hậu rồi vẫn cứ là bùn nát không thể đắp lên tường, so với thế lực của Lã phi và Đại hoàng tử năm đó, trông nàng sao cũng thấy rất có dáng tốt thí tương lai.
Song vận mệnh bao giờ cũng khó lường, năm tiểu Thái tử Lý Tranh được sáu tuổi, bảy tuổi, thái bình vỡ vụn, nhà nước lâm vào cảnh loạn ly.
Đối với giai đoạn chiến tranh gian nan kéo dài suốt mấy năm đó, Lý Tranh sống nơi thâm cung chỉ nhớ được rằng một năm ấy hạn mức được phân định cực kỳ ít ỏi, kinh thành đầu hạ hừng hực như thể nồi xông, bầu trời phía Tây ngùn ngụt những dòng khí tím, lòng người cả bên trong lẫn bên ngoài bước tường cung cấm đềy bàng hoàng hoảng hốt, trên mặt các cung nữ ra ra vài vào chẳng thấy mảy may nét vui cười. Y bị cầm chân bên cạnh mẫu thân nằm liệt giường bệnh, đã mấy hôm không thấy mặt Phụ hoàng, mỗi khi choàng tỉnh giữa đêm khuya đều nghe thấy tiếng bẩm báo tình hình bên ngoài được cố ý ép xuống thật thấp của các cung nhân, ba câu không rời đánh trận.
Thái tử khi ấy còn quá nhỏ, không nghe hiểu được những người lớn kia nói cái gì, song y vẫn nhớ đề tài ấy vẫn luôn đi kèm với tiếng khóc sụt sùi khe khẽ của mẫu hậu.
Về sau, Lý Tranh nhỏ tuổi chậm rãi trưởng thành, bắt đầu hiểu được thế giới xung quanh, tình hình Đại Lương cũng dần trở nên sáng sủa. Rồi mây gió trong triều thay đổi bất ngờ, thế lực Lã phi rập rịch như hổ đói chỉ sau một đêm đã cây đổ khỉ tan, họ Lã mưu phản bị tội, Lã phi mất tước vị phải vào lãnh cung, Đại hoàng tử cũng ngã gục hoàn toàn từ đó.
Khoảng thời gian ấy, Đông cung như bỗng biến thành một miếng bánh ngát hương, Thái tử lần đầu tiên lờ mờ cảm nhận được cái lên xuống như sóng triều của quyền thế, nhưng y chẳng hề thích thú, sách vở thánh hiền mà Thái phó dạy còn chưa kịp đề cập đến những điều xấu xa nhơ nhớt ấy, nhưng y đã dựa vào cái mẫn cảm trời sinh, vượt qua cái ranh giới tuổi tác để mà thấy bất an- Y luôn cảm giác lên xuống đồng nghĩa với bấp bênh, đã có lúc người đông vui như trảy hội, thì có khi sẽ vắng vẻ đủ giăng lưới bắt sẻ trước nhà.
Hoàng đế Long An thưa con cái, Hoàng trưởng tử suy sụp, Tam hoàng tử tuổi còn quá nhỏ, nhà mẹ lại thấp hèn, ai ai cũng nghĩ Lý Tranh chính là người kế thừa cao quý nhất của Đại Lương này- Song y còn chưa kịp nảy ra cái ảo giác ấy giống mọi người, thì đã tận mắt trông thấy phụ hoàng mình chết giữa đám loạn quân.
Hôm ấy, giữa đám loạn quân, tiểu Thái tử siết chặt tay Tứ hoàng thúc, trong lòng vẫn xem bản thân như đứa trẻ, dùng ánh mắt của một đứa trẻ chứng kiến chân tướng của quyền lực, không chút che lấp, không chút cản ngăn.
Đối với Đại Lương, đó là lúc tân hoàng lên ngôi, là điểm khởi đầu của một thời đại mới, của một nền chính trị mới.
Nhưng đối với tiểu Thái tử sống nơi thâm cung mà nói, cả đất trời dường như đều đảo lộn.
Hoàng hậu trời sinh tính tình yếu đuối, lúc nào cũng rỉ tai dặn mặt, day đi day lại rằng y phải cố lấy lòng Tứ hoàng thúc, bởi cái mạng nhỏ của mẹ góa con côi nhà y từ nay phải treo lủng lẳng trên lương tâm của hoàng thúc y rồi. Quần thần trong triều chẳng ai dám chắc y sẽ được làm Thái tử đến bao giờ.
Hồi trước Lý Tranh rất thích gần gũi với Tứ hoàng thúc Lý Mân, nhưng khoảng thời gian đó, có một dạo nó thấy áp lực khủng khiếp mỗi khi phải đối diện với Tứ hoàng thúc. Tiểu hoàng thúc thân thiết ân cần hiểu nhiều học rỗng bỗng lắc mình biến thành Hoàng thượng, nhất thời đến xưng hô cũng phải đổi thay theo. Ngày nào tiểu Thái tử cũng phải gồng mình nghe giảng về các việc quốc gia mà bản thân nửa hiểu nửa không, chịu đựng đủ các ánh nhìn hoặc tính toán cân nhắc hoặc ý vị sâu xa xung quanh, để rồi tiếp tục gồng mình đi thỉnh an hoàng thúc, cuối cùng trở lại Đông cung, gồng mình nghe những nỗi ưu sầu triền miên không dứt của mẫu hậu.
Mẫu hậu của y từ đầu đến cuối cũng không thể sánh với Lã phi, bản thân không đưa ra được chủ ý gì, chỉ biết đẩy hết áp lực lên đứa con trai, suốt ngày há miệng ngậm mồm tuôn ra những câu rỗng tuếch bắt nó phải gắng mà tranh đoạt, gắng mà nuôi chí. Nhưng cụ thể muốn nó tranh đoạt cái gì, nuôi chí ra sao, hoặc giả kỳ vọng tương lai nó có thể trở thành người như thế nào, thì bà hoàn toàn chẳng có khái niệm gì.
Mỗi xon người đều có nỗi mơ hồ và khó khăn phải đương đầu khi niên thiếu, ví như thử thách của Cố Quân là Huyền Thiết doanh rơi rụng khắp nơi, cửa ái của Hoàng đế Thái Thủy Lý Mân là phải vượt qua được Ô CỐt Nhĩ đáng sợ- Còn khó khăn của tiểu Thái tử Lý Tranh, chính là tương lai mù mịt của mình.
Song sau lưng Cố Quân có mấy vạn thanh cát phong nhận và các vị tổ tông được treo cao trong sảnh trong nhà họ Cố, bên cạnh Trường Canh có một tiểu nghĩa phụ luôn dõi theo chăm chú, luôn cầm tay dẫn dắt mình.
Mà xung quanh Lý Tranh chỉ tràn ngập những sợ hãi bàng hoàng không ngày chấm dứt, chẳng có ai chỉ cho y một con đường sáng cả.
Mà thu năm Thái Thủy thứ tư, sau một lần sương xuống, mẫu hậu của Lý Tranh bỗng dưng trút hơi thở cuối cùng giữa những lo sầu sợ hãi bất tận ngày còn sống, Hoàng thượng dặn bộ Lễ tổ chức tang lễ trọng thể theo đúng quy chế.
Thái tử mười lăm tuổi đã vươn vai thành dáng dấp thiếu niên, mỗi ngày một lặng lẽ ít lời.
Lúc quàn linh cữu, Trường Canh cho những người xung quanh lui hết cả xuống, chậm rãi tiến vào, nhẹ nhàng đè bờ vai Lý Tranh đang định đứng dậy làm lễ xuống. Lý Tranh nghe theo, dưới sự đốc thúc của mẫu hậu, ngày nào nó cũng phải nát óc cân nhắc yêu ghét của vị Tứ hoàng thúc này, biết hoàng thúc không hề thích người khác đa lễ những lúc gặp riêng.
Lý Tranh: "Hoàng thượng."
Trường Canh liếc nhìn nó, thiếu niên kia lập tức ngượng ngùng đổi lối xưng hô: "Hoàng thúc."
"Ngươi đừng đau buồn quá." Trường Canh dặn dò, sau đó bắt đầu bái tế vị hoàng tẩu chỉ mới gặp đôi ba lần, lễ nghĩa cực kỳ đầy đủ.
Hắn vừa mới thẳng lưng lên đã nghe tiểu Thái tử đứng bên nói bằng chất giọng đang vỡ dở, nghe có phần cật lực: "Thần không tài không đức, không gánh nổi việc lớn, xin hoàng thúc phế bỏ vị trí kế thừa của thần."
Trường Canh cau mày lại, ngẩng đầu lên.
Đứa cháu trai từ trên trời rơi xuống này chẳng được thừa kế chút uy nghiêm đoan chính nào từ phụ thân của mình, ngược lại dáng dấp còn thanh tú quá mức. Trông Lý Tranh mặt mày tái nhợt, thân thể gầy gò, khóe mắt chân mày vương nỗi phiền muộn bao năm không đổi, quả thật chẳng giống nòi phượng rồng cao quý. Nói xong câu ấy, y như thể bị chính mình dọa cho đứng tim, mặt mày khiếp đảm, cũng chẳng hiểu sao lại trùng hợp vậy, một trận gió bỗng xộc qua của linh đường không khép chặt, đám trang sức vụn vặt bên dưới đèn cung đình hơi nước lenh keng mấy tiếng, va trúng linh vị đặt một bên, thế là linh vị đổ kềnh, Thái tử thiếu niên rùng mình dữ dội.
Trường Canh đứng dậy với vẻ mặt bình thản, cung kính dựng linh vậy dậy, khoát tay với đám nội thị sợ hãi chạy vào, sau đó quay sang đứa cháu trai và hỏi: "Ta nghe Thái phó khen ngươi đọc sách rất sáng dạ, sao bỗng dưng lại nghĩ như thế?"
Lý Tranh lặng thinh, cúi đầu thật thấp.
Trường Canh ngừng lại một lúc, sau lại nói: "Hồi nhỏ ngươi vẫn thường chạy theo ta hỏi cái nọ hỏi cái kia, ta còn từng bệnh côn trùng cỏ cho ngươi chơi mà, giờ lớn rồi lại xa cách với tứ thúc sao?"
Lý Tranh không biết đáp thế nào, giọng ấp a ấp úng: "Quân thần có khác, thần... ta..."
Nghĩ kĩ lại sẽ thấy, hồi nhỏ Lý Tranh không cần tiếu hoàng thúc cho mình cái gì cả, y chỉ đơn thuần quý mến hắn mà thôi, bởi vậy mới thân thiết không kiêng dè chi. Mà mấy năm gần đây, tuy y vẫn sống trong cung, lại luôn có cảm giác bản thân ăn nhờ ở đậu, sống nương hơi thở của người ta, mỗi khi đối diện với hoàng thúc sẽ bất giác ghém rất nhiều nịnh nọt lấy lòng và dè chừng cẩn thận vào, khiến mùi vị thay đổi hẳn. Lý Tranh vừa trông vào mắt Trường Canh, đã biết vị Tứ hoàng thúc ghé vai gánh tòa thành chực đổ ấy lòng sáng như gương vậy, chuyện gì cũng tỏ tường, thế là càng thấy hổ thẹn mặc cảm hơn.
"Phế lập Thái tử là chuyện lớn," Trường Canh đáp bằng giọng thản nhiên, "Nước có phép nước, ta đâu thể thích gì làm nấy tự ý quyết định được."
Lý Tranh đỏ bừng mặt mũi, như thể bản thân đã tự đa tình.
Trường Canh lại nói: "Có những chuyện nếu ngươi thấy nói với ta không tiện thì chi bằng tới tìm An Định hầu mà hàn huyên. Tháng sau y sẽ rời kinh tuần tra quân vụ bốn phương biên cảnh, giả sử ngươi có lòng, thì xin y dẫn theo mở mang tầm mắt cũng được."
Lý Tranh ngẩn ra, sau đó lại nghe Trường Canh cười bảo: "Lúc tứ thúc bằng tuổi ngươi cũng từng đầy ngập mơ hồ, năm đó ta với nghĩa phụ vâng lệnh chăm sóc mình... cũng chính là An Định hầu đó, cãi nhau một trận nảy lửa, kiên quyết bỏ nhà ra đi, theo đại sư Liễu Nhiên và Chung lão tướng quân đi khắp Đại Lương, tới rất nhiều miền đất. Mắt thấy trăm họ bôn ba kiếm sống, cũng gặp cảnh điêu dân trộm cướp hoành hành, có đôi khi chứng kiến sinh ly tử biệt với buồn vui tan hợp của nhân gian nhiều một chút, là mấy nỗi lo âu sầu ghét trong quả tim mình cũng dường như nhỏ được một chút."
Tiểu Thái tử có ngu ngơ đến đâu cũng biết An Định hầu nắm giữ hổ phù Huyền Thiết có sức nặng thế nào trên triều đường và trong quân đội. Thuở nhỏ y từng hết sức tò mò về vị anh hùng mà người ta vẫn thường đồn đại ấy, khăng khăng nằng nặc bám riết không buông để xin thiếp chữ mẫu do chính tay y viết, về sau thì không dám nữa. Lúc còn sống mẫu hậu y giữ rịt y trong cung, không cho nó bước chân khỏi cửa qua lại với triều thần, chỉ sợ con trai làm quá chỗ nào khiến hoàng đế ngứa mắt, thế là từ đó Lý Tranh không đặt chân tới Hầu phủ thêm một lần nào nữa.
"Không phải sợ y đâu, lúc nhỏ y thương ngươi lắm, ngươi còn nhớ chứ?" Vừa nhắc tới Cố Quân là ánh mắt Trường Canh đã bất giác đổi thay, hết sức tự nhiên ngậm them đôi nét cười mềm mại.
Thái tử nhất thời không phản ứng lại được: "Cố... Cố soái ấy ạ?"
Trường Canh rời khỏi linh đường, sau một chốc ngây ra Thái tử cũng vội đuổi theo, nội thị hai bên dường như biết thúc cháu hai người có điều cần nói, bèn tự động lui ra hai bên. Vị tân đế trẻ tuổi chấp tay sau lưng đi đằng trước, bảo Lý Tranh bằng giọng chẳng kiêng dè gì: "Tạm thời ta không ưng người kế thừa nào khác cả, đợi tương lai sẽ truyền ngai vàng này lại cho ngươi, nhưng lúc đó giang sơn này sẽ khác. Khi ngươi ngồi lên vị trí đó rồi, chưa biết chừng sẽ phát hiện ra quân vương cao quý nhất cũng chẳng thể nhất ngôn cửu đỉnh. Toàn bộ triều đình, cho tới khắp thiên hạ, thần và dân kiềm chế lẫn nhau... Có khi ngươi còn cảm thấy rằng bản thân chẳng khác gì một con rối cao quý là bao đó chứ."
Đoạn thoại trên người đời bao giờ đã nghe thấy, Lý Tranh dỏng tai nghe mà đờ đẫn cả người.
Trường Canh nghiêng đầu liếc nhìn y: "Ta không biết ngươi có thể chấp nhận hay không."
Lý Tranh: "Ta..."
"Giờ ngươi chưa cần trả lời ta đâu," Trường Canh nở nụ cười, vươn tay vỗ đầu thiếu niên một cái, "Ngươi có thể ra ngoài nhìn ngắm thế giới bên ngoài trước đã, suy nghĩ cho kỹ rồi lại trở về. Nếu thật sự không được, thì ta có thể nghĩ cách chọn một người kế thừa khác từ dòng dõi hoàng tộc, đừng nghĩ nhiều quá làm gì."
Dứt lời, Trường Canh tự mình rời đi, hắn cũng chỉ vội vàng tới viếng cho đủ số mà thôi, giờ phải về chỗ ở ngoài cung.
"Hoàng... tứ thúc," Lý Tranh bỗng gọi giật hắn lại, "Vì sao thúc lại không muốn có con cháu của chính mình vậy ạ?"
"Ta đã có được chốn về của cuộc đời, lúc đang sống hay sau khi chết đều không còn tiếc nuối gì, khỏi cần để lại dòng giống này kia." Trường Canh thoáng ngừng lời, liếc thấy mặt Lý Tranh mù mờ ngơ ngác, bèn lắc đầu cười, "Nói ngươi cũng chẳng hiểu đâu, lớn rồi sẽ nói rõ."
Nửa tháng sau, Thái Thủy đế dùng bản lĩnh cao siêu dẹo yên lời phản đối, đồng ý thỉnh cầu theo An Định hầu đi tuần tra bốn phương biên cảnh của Thái tử. Lý Tranh bỏ ra ba tháng trời, theo đường không, đường thủy, đường ray hơi nước, cùng Cố Quân đi khắp ba núi sáu song toàn cõi nước nhà. Sau đó như thể đang mải mê cái thú ấy, y thường xuyên viện cớ rời kinh, trong một năm phải có sáu tháng vắng bóng chốn cung đình.
Ba năm sau, Lý Tranh tròn mười tám tuổi, tự tìm tới chốn đã từng là phủ Nhạn vương- nay là biệt trang của Hoàng đế- "tâm sự" với Trường Canh suốt một đêm, kỳ kèo xin Trường Canh suốt một đêm, kỳ kèo xin Trường Canh đồng ý cho y dẫn theo đầy đủ thị vệ, lên đội thuyền buôn vượt biển do Đỗ công tử dẫn đầu, tới những miền đất rộng lớn hơn ở bên kia biển cả.
Nói là đội buôn, chứ thực tế có mấy chục chiếc trường giao đi cùng, trên thuyền trừ chỉ huy là đám Đổ công tử ra, còn có tinh binh thủy quân Đại Lương và đội cao thủ của Lâm Uyên các do mấy nhân vật như đại sư Liễu Nhiên, Tào Xuân Hoa dẫn đầu bảo vệ tận răng. Ngoài hàng hóa trao đổi, họ đem theo cả quốc thư và điều ước đàm phán, tung hoành đông tây, dạo chơi bốn bể, năm năm sau mới trở về.
Sau khi quay lại, Lý Tranh đã tự giễu rằng với tư cách tầm thường ngu dốt, bản thân khó mà chiếm được thứ hạng gì trong mấy thế hệ nhà họ Lý, song xét về mặt lông bông xa nhất khẳng định sẽ đứng đầu.
Năm Thái Thủy thứ mười tám, Cố Quân trao trả hổ phù Huyền Thiết, treo ấn từ quan. Mấy tháng sau, Thái tử Lý Tranh tiếp nhận ngai báu từ tay vị hoàng thúc nhất ngôn cửu đỉnh của mình, xóa bỏ niên hiệu, đặt ra lịch mới có thể dùng rộng rãi khắp bốn bể, tiếp tục kéo dài thời đại mới yên ổn mà lớp cha chú đi trước va vấp mò mẫm suốt mười tám năm trời mới dựng xây nên.
Đến đây, non song vẫn thế, bốn bể thanh bình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top