Phiên ngoại 5: Thanh minh sau cơn mưa.
Trường Canh tuyên bố với bên ngoài vì muốn tránh hiềm nghi, nên dù có ngủ đêm trong cung cũng tuyệt đối không đặt chân vào hậu cung nửa bước. Mọi sự vụ trong hoàng cung vẫn do Hoàng hậu cai quản, cũng may tam cung lục viện của Lý Phong khá là lác đác, Hoàng hậu ốm đau liên miên kia cũng miễn cưỡng vun vén êm xui được.
Cả ngày vào cung làm việc, hễ tan triều là bỏ đi mất hút, Hoàng đế như vậy xưa nay chưa hề nghe thấy bao giờ. Ban đầu còn có người đứng ra nói thế này thế kia không hợp lẽ pháp, nhưng đều bị mắng cho phải rụt cổ về hết cả- Buổi mới đăng cơ Hoàng thượng đã chỉ rõ bản thân chỉ làm "Hoàng đế tạm thay", giờ đang tạm thay đến thận trọng hết mình, không vượt quá giới hạn mảy may, mà sao chỉ có những phường nịnh bợ chỉ sợ thiên hạ không loạn, mưu đồ xúi bẩy hắn đoạt quyền cướp nước thế nhỉ?
Thế là Ngự sử đài do Từ Lệnh cầm đầu trở thành thùng tưới mặc hoàng thượng chỉ đâu phun đó, trưng mấy chữ "phá cũ xây mới" lù lù trên trán, việc thường làm mỗi ngày chính là ẵm trách nhiệm tìm kiếm đủ kiểu căn cứ, đủ loại lý luận cho mệnh lệnh triều đình ban xuống, lấy cớ đó để biến công cuộc đấu võ mồm ganh nước bọt trở nên danh chính ngôn thuận hơn.
Có đôi khi Hoàng thượng không ở trong cung sẽ làm bộ làm tịch về phủ Nhạn vương một chuyến, sau đó biến phủ Nhạn vương thành một "sảnh khách" dùng để tiếp riêng triều thần, chớp mắt sau lại chui ngay vào Hầu phủ- dù sau cũng chỉ cách có một quãng đường.
Năm nay mùa mưa tới sớm hơn mọi khi, trước thanh minh đã thấy mưa phùn rả rich, hết trận nọ đến trận kia.
Cố Quân tuy còn chưa cởi giáp bỏ nghề, nhưng cũng xem như có thể cắm rễ yên ổn lâu dài ở Kinh thành. Được dịp hiếm hoi thấy bản thân thuộc về ngôi nhà này đến thế, y bèn lệnh ngay cho người hầu kẻ hạ sửa sang lại Hầu phủ đang trong cảnh rậm rạp bỏ hoang. Thế là An Định Hầu phủ tưởng chừng sắp rộ lời đồn có quỉ trên phố rốt cuộc trông đã hao hao chỗ ở của con người.
Những lúc sửa sang vườn tược, chỉnh trang phòng óc sẽ bớt ra được không ít món đồ cổ xưa, thế là ngày ngày theo sau Hoắc thống lĩnh đi lục lọi đồ cũ trở thành cái thú tiêu cơm tối mới được Hoàng thượng yêu thích gần đây.
"Đây là đồ của Trưởng công chúa năm đó à?" Trường Canh chỉ vào một chiếc hợp vuông vắn và hỏi- Để tỏ thái độ tôn trọng, hắn không tùy tiện động tay vào.
Bà cụ làm việc vặt đang dọn dẹp căn phòng cười móm mém: "Chứ còn gì nữa ạ, làm riêng cho tiểu Hầu gia đó."
Vừa nói bà vừa mở hộp ra, chỉ thấy bên trong chiếc hộp báu như thể chuyên đựng ngọc ngà quí giá ấy lại đặt một chiếc chổi lông gà.
Bà cụ kia giải thích: "Hồi nhỏ tiểu Hầu gia phá phách ghê gớm lắm, mắng xong một trận ngài ấy chẳng thèm để bụng, nhốt vào phòng cho tự xét lỗi lầm thì ngài ấy tự cạy khóa chuồn ra, đánh nhẹ không được tích sự gì, lão Hầu gia thì tính nóng như lửa, động cái gì là đòi đem gia pháp ra dạy dỗ con. Mấy món gia pháp ấy thế nào thì Hoàng thượng cũng biết rồi đấy, lão Hầu gia lại mạnh tay, trẻ nhỏ nào chịu cho thấu? Công chúa sợ ngài ấy đánh ra chuyện gì, có lần thấy người đàn bà quê cầm chổi dạy con dọc đường hành quân, mới nghĩ ra chiêu này để đối phó với tiểu Hầu gia."
Trường Canh dùng hai tay "mời" cây chổi lông gà từng nện Cố đại soái ra, chỉ thấy lõi vật ấy là một cây gậy mảnh, dùng sức mạnh quá sẽ gãy, không đến nổi quật ra mạng người, bọc "lông gà" dày cộm quấn bên ngoài cũng không phải lông gà rừng thật, mà là do sợi trúc nhỏ cùng thứ lông cứng của loài nào đó tạo thành, quật một cái lên người thì...
Trường Canh từ nhỏ đã lớn lên trong Hầu phủ, còn giống chủ nhân hơn cả người thừa kế chính quy, bà hầu già tuy đã sửa cách gọi là "Hoàng thượng", song vẫn chẳng thấy vẻ xa cách gì, vui vẻ kể: "Hầu gia nhà chúng ta hồi bé đúng là nghịch ngợm đến kinh thiên động địa, leo nóc xốc ngói, không từ việc xấu nào, về sau lại sợ cái này một phép, bất kể làm gì, chỉ cần xách nó ra là đảm bảo sẽ yên được một lúc.
Xưa nay đứng trước mặt Trường Canh, Cố Quân lúc nào cũng ra vẻ ta đây là lớp cha chú đi trước, chuyện gì cũng thành thạo ung dung. Đối với Trường Canh mà nói, thời thơ ấu thiếu niên của Cố Quân chỉ là một tờ giấy trắng, bởi vậy hắn vểnh tai nghe hết sức say sưa.
"Lúc Công chúa muốn quật ngài ấy mới buồn cười, tiểu Hầu gia chạy khắp sân, vừa chạy vừa khóc, gào ầm ĩ như có chuyện gì thật ấy."
Trường Canh tò mò hỏi: "Chuyện thật? Thế chẳng lẽ y giả bộ?"
"Đương nhiên là giả bộ rồi, "Bà hầu già vừa đi vừa than thở, "Hầu gia nhà chúng ta hồi nhỏ ấy, không ăn mấy gậy thật thì đừng mong ngài ấy rơi nước mắt. Ngài xem tiểu Hầu gia vừa khóc vừa chạy khắp sân sấm đánh uỳnh uỳnh nhưng mưa chẳng rơi một hạt, mồm thì dẻo quẹo câu nào ra câu nấy, hở chút là lại mếu máo ra vẻ đáng thương 'Mẹ, mẹ không thích con nữa ạ? Mẹ không cần con nữa ạ? Con không phải là miếng thịt rớt từ trên người mẹ xuống hay sao?' Không thì lại hô 'Có phải mẹ muốn đổi lấy một đứa em trai khác tốt hơn con không? Con sẽ thay đổi hết mà, van xin mẹ đừng đổi lấy em trai nhé, con chỉ có một người mẹ là mẹ thôi. Nếu mẹ cũng không thương con thì con sẽ trở thành đứa con hoang không ai cần mất'... Ai nghe cũng thấy ruột gan run rẩy, đến cả Công chúa cũng chẳng nỡ tay trừng phạt nữa."
Trường Canh vừa tưởng tượng đến tình cảnh ấy thì đã cười đến không thở nổi, Cố Quân không hổ là bậc thầy binh pháp, từ nhỏ đã biết phải "thật giả tôn nhau" với "đánh vào lòng người là hay nhất".
Nét cười thoáng qua khóe mắt người hầu già, nhưng sau đó giọng bà bỗng dưng thay đổi: "Về sau ngài ấy ra biên cương một chuyến, trở về rồi cái gì cũng khác xưa."
Nụ cười trên mặt Trường Canh tắt dần.
Bà cụ hẵng còn đắm chìm trong ký ức: "Ngài nào ngài ấy cũng tự nhốt mình trong phòng, không để ý tới ai, cũng không khóc lóc, đưa cơm canh vào thì bưng vào ra sao đẩy ra y nguyên vậy, ai dỗ cũng không chịu mở lời, cửa lớn không ra cửa trong không bước, ban đầu là con khỉ nhỏ, trở về rồi thì trở thành tên quỷ con, cả người đều thay đổi- Đợi hai ba tháng sau, lão Hầu gia mới sắp xếp yên chuyện ở phương Bắc về phủ... Nếu để già nói, thì lão Hầu gia đối xử đứa con ruột thịt cũng thật tàn nhẫn quá, có lẽ cũng vì xảy ra chuyện như vậy, lão Hầu gia sợ cứ thế ngài ấy sẽ thành kẻ bỏ đi chăng.
Trường Canh nhẹ giọng hỏi: "Đối xử thế nào cơ?"
"Lão Hầu gia giơ chân đạp tung cửa phòng tiểu Hầu gia, dùng vũ lực lôi ngài ấy ra ngoài. Hoàng thượng nghĩ mà xem, đôi mắt của ngài ấy bị thương nặng như vậy, đột ngột bị ánh mặt trời chiếu vào thì sao mà không đau cho được? Ngài ấy vừa lảo đảo theo cha vừa ròng ròng nước mắt, lần này thì là nước mắt thật nhưng lại không kêu rên tiếng nào." Bà hầu già vươn tay chỉ, "Chính là cái ao ấy đấy, lão Hầu gia cuốn roi ngựa thành một vòng, tròng vào cổ tiểu Hầu gia, sau đó ấn đầu bắt ngài ấy phải nhìn vào trong nước, gầm vào tai ngài ấy rằng 'Ngươi nhìn xem cái bộ dạng hiện giờ của ngươi ra sao, có xứng mang họ Cố không?'."
Trường Canh đưa mắt nhìn the ngón tay bà, ao nước bỏ hoang nhiều năm đã cạn đáy, mấy ngày gần đây mới dẫn nước lại vào, nuôi mấy con cá mới, lúc này đang nhởn nhơ quẫy đuôi bơi qua bơi lại, trông đến mà tự đắc.
"Cổ họng của tiểu Hầu gia kẹt trong vòng roi ngựa, ngài ấy thét trả rằng 'Con không nhìn thấy'."
Theo lời kể của bà, Trường Canh như trở về nhiều năm về trước, bàn tay cầm cây chổi lông gà khẽ run.
"Thế lào lão Hầu gia ấn đầu ngài ấy trở lại trong nước, nói: 'Không nhìn thấy thì ngươi ngụp dưới đấy mà nhìn, hoặc là tự mình đứng dậy, hoặc là tìm cái xà nhà nào thắt cổ luôn đi, Cố gia thà hết người nối dõi còn hơn chừa lại ngữ bỏ đi.'" Bà hầu già nói đến đây liền lắc đầu, "Đã bao nhiêu năm rồi mà bà già này vẫn nhớ như in từng chữ, thật sự là tàn nhẫn quá."
Hai người bỗng rơi vào một khoảng im lặng ngắn ngủi, chẳng rõ qua bao lâu Trường Canh mới nhẹ giọng hỏi; "Lão Hầu gia nỡ thế ư?"
"Thân làm cha mẹ, đương nhiên ai cũng đau lòng, nhưng không nỡ thì còn biết làm sao được? Lão Hầu gia bảo, xương có gãy, cũng chỉ được phép dùng đi thép đính vào, cáng là bước đường cùng đớn đau thốn khổ, càng không được để nó thấy mình mảy may có một chỗ nương nhờ nào, bằng không chính nó sẽ nghiêng mình để dựa, rồi cả đời sẽ không đứng lên được." Bà hầu già nói, "Nếu lão Hầu gia không nỡ, thí mười mấy năm trước ai có thể danh chính ngôn thuận ra tay góp nhặt lại Huyền Thiết danh rơi rụng khắp mọi nơi cơ chứ?"
Không có Huyền Thiết doanh thì chawu biết chừng Đại Lương đã sớm bị kẻ khác xâm chiếm từng chút, từng chút một rồi nuốt chửng ngay lần đầu các nước Tây Vực nổi loạn năm đó rồi, e chẳng đến lượt người Tây Dương lặn lội đường xa chạy tới tranh cắn một ngụm. Đám vương công cũ kỹ sống trong nhung lụa kia, có thể hưởng vinh hoa phú quý tới bao giờ?
"Mùa đông lạnh thấu xương mà lão Hầu gia cấm kẻ hầu người hạ trong nhà cho ngài ấy mặc một chiếc áo bông chống rét, khiến đứa bé ấy cóng đến độ tay chân tím xanh, sau khi về phòng đến cái bát bưng cũng không nổi. Từ sáng cho đến tối, mười mấy pho khôi lỗi sắt quay vòng vòng quanh tiểu Hầu gia, lão Hầu gia thì đứng một bên nhìn, như thể nếu ngài ấy có chết ông cũng sẽ không chớp mắt một lần... Rồi hai, ba năm trôi qua, vợ chồng lão Hầu gia người trước người sau đều đi cả, Hoàng đế Nguyên Hòa mới đón tiểu Hầu gia vào trong cung". Lời bà hầu già bỗng dưng ngưng bặt, sau đó hai người đều nghe thấy một tiếng chim chói tay vọng vào từ góc rẽ. Họ ngẩng đầu lên, thấy Cố Quân xách cái lồng chim đang thong dong bước lại gần. Hóa ra là con chim xui xẻo của nhà họ Thẩm kia bị y ác ý rung cho lòng mề lộn tùng phèo lên cả, tức đến độ không nói nên lời nào nữa, chỉ có thể gân cổ lên kêu the thé.
Từ ngày Cố Quân được rảnh rang, có thời gian "dạy dỗ" con chim này đến nay, y chưa từng thua trong cuộc chiến giữa chim và người này. Hiện tại, y xách thành quả thắng lợi đi dạo lông nhông, có thể gọi là gió xuân hả dạ- hả dạ đến độ trông rõ cả thứ Trường Canh đang cầm trong tay. Thế là y hơi nheo mắt lại, sau đó mặt mũi chợt tối sầm.
Cố Quân bước tới thật nhanh, giành ngay lấy cây chổi lông gà nọ: "Cái của rách tan rách nát gì đây mà cũng lôi ra nghịch hả? Tầm bậy tầm bạ!"
Thương bệnh đeo đẳng nhiều năm như bóng với hình dù có được chữa khỏi, cũng rất dễ để lại di chứng sau này, ví như cả đời Cố Quân cũng chưa chắc có thể hoàn toàn tai thính mắt tinh, hay như Trường Canh tuy đã vùng thoát được cơn ác mộng quấn người, nhưng chỉ cần ban ngày nghĩ ngợi hay vất vả một chút thôi, là đêm đến vẫn sẽ nhiều mộng mị.
Tối hôm ấy, không rõ có phải vì vẫn còn nhớ về cây chổi lông gà bị Cố Quân cướp mất ấy chăng mà Trường Canh mơ thấy một giấc mơ thật kỳ quái. Hắn mơ thấy bản thân bước vào Hầu phủ, song lại không phải là phủ An Định hầu mà hắn vẫn thân quen, ít nhất không đến nổi tiêu điều như trong ấn tượng, kẻ qua kẻ lại trông có vẻ đượm hơi người hơn hẳn.
Trường Canh nghe thấy những tiếng kim loại va nhau vọng lại từ xa, hắn bước lần theo âm thanh, thấy trên khoảng đất trông nơi vườn sau có một đám khôi lỗi sắt đằng đằng sát khí đang bu lại tấn công một đứa bé trai. Mắt bị quấn một lớp vải đen, che khuất nửa khuân mặt, thằng bé vất vả né bên trái lại tránh bên phải. Rỗi bỗng có một pho khôi lỗi sắt lại gần nó từ phía đằng sau, đao dài trong tay đã được thay bằng gậy sắt, bổ về phía thằng bé trong thế quét ngang. Dường như cảm nhận được tiếng gió của kẻ ôm ý xấu xa nọ, nhóc con kia vô thức muốn tránh đi.
Khoan đã, không thể làm thế được!
Trong khoảnh khắc, lời Cố Quân dạy thật nhiều năm về trước bỗng vang lên trong óc Trường Canh: "Lòng ngươi hoảng là chân loạng choạng, chân không đứng vững thì khiếm pháp lợi hại đến đâu cũng chỉ là nước không nguồn, cây không rễ... chùn bước là lẽ thường của con người, song làm vậy ngươi sẽ khó gom đủ sức phản kích trong một thời gian ngắn, trái lại sẽ luống cuống tay chân để rồi rơi vào tay đối thủ."
Sau một giây chần chờ co cụm, chẳng mấy chốc thằng bé đã bị pho khôi lỗi sắt bắt kịp, gây sắt trong tay con quái vật đập thẳng vào tấm lưng non nớt, y phục rách ngay tại chỗ, lộ ra miếng giáp bảo vệ tim ở bên trong, tấm thân nó đã bay ra ngoài. Trường Canh vội nhào lên, bế bổng đứa bé cả người lấm lem bùn đất lên, đồng thời trở tay rút thanh kiếm giắt bên hông, liên tục khống chế mấy pho khôi lỗi sắt đuổi theo day dẳng, khiến chúng cứng đờ ra.
Trường Canh ném thay kiếm xuống, bàn tay hơi run rẩy, hắn định cởi miếng vải quấn trên mặt thằng bé xuống, song lại nghe đằng sau truyền đến tiếng bước chân. Trường Canh ngoái đầu lại nhìn, chỉ thấy một người đàn ông đang chắp hai tay ra sau lưng, thong thả tới gần. Ông mặt y phục thường ngày, mặt mày thanh tú, trông giống một thư sinh tác phong nhã nhặn, song đôi con ngươi lại đẫm màu tàn bạo. Khi đối mặt, Trường Canh như có thể trông thấy ánh đao bóng kiếm của thiên quân vạn mã trong ánh mắt ông.
Trường Canh chưa từng gặp người này, mặc dù sau khi trưởng thành, vẻ ngoài của Cố Quân chẳng có nét nào hao hao giống ông cả, nhưng vừa gặp hắn đã nhận ran gay thân phận của đối phương- Ngũ quan với khuôn mặt thì không giống, song trên người phụ tử nhà này lại có một thứ khí phách truyền đời máu mủ.
Người kia đứng lại, bảo Trường Canh: "Dù ngươi có mang nó đi khỏi đây cũng chẳng nuôi lớn nổi, mà dù có trầy trật nuôi lớn được, thì nó cũng chẳng chịu nổi chút mưa gió cỏn con đâu..."
Trường Canh cẩn thật bế thân hình gầy gò của đứa bé lên: "Y có thể dựa vào ta."
Lão An Định hầu lắc đầu, Trường Canh bỗng nghe thấy tiếng nổ do tráp vàng nổi lửa vang lên phía sau lưng, hắn gấp rút mang thằng bé lách người tránh đi, chỉ thấy đám khôi lỗi sắt bị hắn khóa đứng vừa rồi đã chỉnh đốn ngay ngắn, trật tự siết vòng vây, pho nào pho nấy tách một thành hai, chỉ chớp mắt ngắn ngủi, chúng đã biến thành một đoàn quân trọng giáp đúc từ sắt thép mà thành, lom lom rình rập hắn. Một tiếng mõ loáng thoáng vang lên từ đằng xa, toàn bộ đám khôi lỗi sắt bắt đầu chuyển động, hò nhau xông lên.
Trường Canh chỉ đành ôm tiểu Cố Quân lên, cướp đường mà chạy như điên như dại, chạy đến thảm hại miễn bàn, trong lòng chỉ muốn gân cổ chưa cho lão già thờ ơ đứng xem một trận tơi bời khói lửa- Đến giang sơn cũ mèm ngả nghiêng mauw gió kia ta còn vá cho lành lặn được, chẳng lẽ lại không che chở nổi một Cố Quân sao?
Song ở trong mơ không kêu ra tiếng được, trong lúc cuống cuồng trốn chạy, Trường Canh bỗng đạp hụt, trái tim nện một nhịp dữ dội, hắn quơ tay tóm, bắt được một bàn tay khác.
Trường Canh chợt mở choàng hai mắt, thấy đèn măng-xông trong phòng đã được bật lên, trời bên ngoài hẳn còn chưa sáng, bản thân thì đang siết tay Cố Quân chặt cứng.
Cố Quân xoa đầu hắn, hỏi: "Sao hôm nay gọi hoài không tỉnh? Khó chịu ở đâu à?"
Trường Canh ngây người nhìn y trong chốc lát: "Ta nằm mơ."
Cố Quân giật nảy mình.
"Không phải ác mộng, không phải Ô Nhĩ Cốt." Trường Canh trở mình, ôm lấy một tay Cố Quân, cuốn cả cánh tay y vào lòng mình, kề trán dụi nhẹ vào cùi chỏ đối phương, thấp giọng kể, "Ta mơ thấy mình cướp người khỏi tay lão Hầu gia rồi ù té chạy, thế là phụ thân ngươi phái cả một đoàn khôi lỗi sắt đuổi giết ta."
Cố Quân nghe vật thì ngớ cả người ra, sau đó vô tư phá lên cười, vận ít sức vào cánh tay kéo vị Hoàng thượng bám giường khỏi đống chăn, đồng thời rút cánh tay mình ra: "Bệ hạ to gan gớm nhỉ, dưới trướng lão nhân gia ấy có cả mười vạn âm binh cơ đấy- Thôi được rồi, uy phong đã diễn xong, giờ dậy mau đi, hôm nay có buổi triều hội lớn đó. Ờm, nói mới nhớ cũng đến tiết Thanh Minh rồi, đừng bảo ông già bên ấy thiếu tiền vàng nên cố ý mò về nhắc nhá?"
Trường Canh ngồi bên giường nhìn y, nương ánh đèn săm soi một lượt từ đầu đến chân cho thỏa, mãi đến khi Cố Quân đã mặt xong y phục, hắn mới lưu luyến thu đường nhìn lại: "Cha ngươi thiếu tiền vàng, sao không tìm ngươi mà lại tìm ta?"
"Chắc thấy ngươi dễ bắt nạt chứ gì." Cố Quân tủm tỉm bảo vậy, sau đó nụ cười của y dần có gì khan khác, "Ta chẳng nợ ông ta gì cả, đoán chừng ông ta cũng ngại đến gặp ta."
Hôm Tết Thanh minh, Trường Canh cố ý dành ra nửa ngày để cùng Cố Quân đi cúng mộ hai đấng sinh thành.
Đứng trước bài vị, Cố Quân không nói một câu nào, cứ như đang tu phép thiền khóa môi của nhà phật vậy, chỉ đốt tiền giấy như làm nhiệm vụ, xong xuôi liền thờ ơ đứng một bên. Những việc đã làm xong mấy năm qua y không cần kể, hai vị ấy dưới suối vàng chắc cũng biết rồi. Trường Canh thì lại chăm chú dâng hương tế rượu, đứng trước mặt Cố Quân hắn không tiện nói thành lời, bèn lặng lẽ khấn thầm trong bụng: Về sau con sẽ chăm sóc tốt cho y, đừng tiếp tục đóng đinh sắt lên người y nữa.
"Đi thôi." Cố Quân bèn nhẹ nhàng kéo hắn.
Trường Canh hoàn hồn lại, đang định theo y trở về bỗng thấy Cố Quân thản nhiên quay sang linh vị của Công chúa: "Quản phog mã nhà mẹ cho cẩn thận vào, bảo ông ấy rảnh rỗi sinh nông nỗi cũng ngoan ngoãn ở dưới ấy đi, bớt tới quấy rầy người của con dùm."
Hoắc Đan theo cũng nghe thấy câu đại nghịch bất đạo ấy xong, thiếu điều muốn quỳ sụp xuống đập đầu chết tươi ngay trước mặt lão Hầu gia. Cố Quân khẽ hừ một tiếng, sau đó kéo Trường Canh đi luôn.
ĐỪng bảo chứ lời y nói quả nhiên hiệu nghiệm vô cùng, từ ấy về sau, Trường Canh không mơ thấy Cố lão Hầu gia và đoàn quân khôi lỗi sắt của ông them một lần nào nữa.
Có điều lão Hầu gia không xuất hiện trong giấc mơ của Trường Canh nữa, song lại mò vào trong giấc mộng của Cố Quân.... Nhưng những cái ấy đều là chuyện sau này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top