Chương 6

“Ông nội, rốt cuộc là sao vậy ạ? Sao Tào nhị tiên lại biết chuyện này?” Diệp Cẩm Khê thừa dịp bà nội và Đại Bảo không chú ý, kéo ông nội đến bên hông nhà, nhỏ giọng hỏi.

“Ông nói cho hắn biết.” Gương mặt ông nội Diệp rất bình tĩnh.

Diệp Cẩm Khê kinh ngạc há to miệng, ông nội Diệp thấy đứa cháu như vậy liền cười, “Cháu yên tâm, ông không hồ đồ đâu, thứ nhất việc này chúng ta không thể rêu rao ra ngoài. Thứ hai, nếu lén trữ nhiều đồ ở nhà sớm muộn gì cũng bị lộ ra, người trong thôn rất hiếu kỳ, phát hiện chỉ nhà ta có gì không minh bạch vậy còn nguy hiểm hơn. Với lại người trong thôn với nhà ta ít nhiều gì cũng qua lại nhiều năm, đâu thể thực sự mặc kệ họ. Cho nên ông dùng chiêu này, có thể truyền ra một ít tin tức, sau này xảy ra chuyện cũng đỡ phải rước lấy oán giận. Tào nhị tiên vốn đã mê thần tín phật, nếu là hắn nói ra, người khác có khi còn tin, dù người trên cục biết cũng không làm gì hắn, cùng lắm là cho rằng thần côn gạt người. Quả nhiên sau khi tin này truyền ra, hắn chỉ bị giáo dục vài ngày rồi được thả, ông cũng thấy đỡ hổ thẹn.” Ông nội Diệp cầm tẩu thuốc rít hai hơi.

“Ông nội, Tào nhị tiên sẽ không khai ông ra chứ?” Diệp Cẩm Khê hơi lo.

“Cháu yên tâm, lời Tào nhị tiên nói có chút không đáng tin, lại cà lơ phất phơ, nhưng người này khá nghĩa khí. Hơn nữa hắn còn nợ ông một cái mạng, chuyện vong ân phụ nghĩa hắn sẽ không làm. Dù tương lai có phát sinh tai hoạ hay không thì Tào nhị tiên đã nói đúng chuyện nhà Diệp Trình, người khác không thể làm gì hắn. Cháu nghĩ vì sao mọi người lại tin hắn? Còn không phải vì họ đã hỏi rõ chuyện nhà Diệp Trình, lúc Tào nhị tiên nói thì tối đó bà nội thằng nhỏ kia mới chết, việc này giống như tiên đoán vậy. Cháu không thấy sau chuyện này, rất nhiều người nhờ hắn xem phong thuỷ sao. Nếu về sau tai hoạ xảy ra thật thì càng không ai dám trêu chọc hắn, có sợ cũng chỉ sợ người trên cục thôi, bất quá trước đây mấy lời đồn kiểu này cũng không ít, hẳn là không sao.” Ông nội Diệp đã suy tính kỹ càng.

Diệp Cẩm Khê suy nghĩ một chút, chỉ cần Tào nhị tiên không nói ông nội ra là được “Ông nội cứu ông ấy hồi nào?”

“Cái năm mà ông cưới bà cháu về ấy, hắn ra sông chơi thì bị té, suýt nữa đã chết đuối, là ông vớt nó lên. Việc này không ai biết, hắn sợ bị cha đánh đòn liền xin ông giữ bí mật, ông cũng không kể cho cha hắn. Chuyện này ông đâu để ở trong lòng, nào ngờ hắn nhớ kỹ, năm Đại Bảo gặp chuyện không may, hắn còn sang đây xem. Sau cha mẹ cháu gặp chuyện không may, hắn cũng có hỗ trợ. Chuyện báo ân gì đó, ông vốn không coi là nghiêm túc, nhưng chuyện lần này coi như đã nợ hắn.”

Diệp Cẩm Khê gật đầu, đây cũng là chuyện tốt.

“Ông cũng lừa hắn. Hắn vốn mê tín, không biết là học với ai, ông thì nói ông cũng gặp được tiên hạ phàm, chỉ là không muốn để người khác biết, mượn miệng của hắn coi như là tích công đức.” Ông nội Diệp vô cùng đắc ý.

Diệp Cẩm Khê cười cười, gừng càng già càng cay.

“Kỳ thực số hắn cũng khổ, gia đình hắn ít người. Chưa đợi hắn lấy vợ thì cha mẹ đã mất, anh em trong nhà đều không quản hắn, sau khi làm cương với anh trai và chị dâu liền tự dọn ra ngoài ở. Sau không biết học xem tướng gì đó với ai, khá là chính xác, từ đó cuộc sống dần dần khá hơn, ba mươi tuổi thì hắn lấy vợ, hai vợ chồng cũng hoà hợp. Ai ngờ vợ hắn sinh khó, một xác hai mạng, Tào nhị tiên cảm thấy là do bản thân tiết lộ thiên cơ nên bị trời phạt, sau đó cũng không đi thêm bước nữa, ở vậy cho tới bây giờ.”

“Xem tướng cho người ta không phải đều là lừa gạt ư, sao bản thân ông ấy cũng tin vậy?”

“Con nít như cháu thì biết cái gì, Tào nhị tiên có tiếng là học giỏi Kinh Dịch, hắn liền căn cứ vào đó xem cho người ta, đừng nói là rất chuẩn, thời gian dài chính hắn cũng tin”

Cẩm Khê gật đầu, dù sao cũng là chuyện tốt, chí ít ông ta sẽ không tiết lộ ông nội ra ngoài. Về sau có chuyện gì cũng có thể mượn miệng của ông ấy. Về phần Tào nhị tiên có mang tới phiền toái gì hay không? Về sau họ sẽ chiếu cố ông nhiều một chút, người chung quanh cũng sẽ không nghi ngờ gì.

Về đến nhà, tuy Diệp Cẩm Khê vẫn gặp ác mộng, nhưng so với lúc ở thủ đô thì tốt hơn nhiều, cậu có thể thừa nhận tình cảnh trong mộng, còn quan sát xem có gì cần chú ý không, đôi khi có thể ngủ thẳng giấc tới hừng sáng.

Chú hai Diệp về nhà thì hối hận, nhưng vẫn nghe lời để cho vợ mình và con dâu mang theo con nhỏ về nhà mẹ đẻ ở một thời gian, năm rồi cũng là như vậy. Thím Hai cũng không thấy có gì lạ, vui vẻ về nhà mẹ chơi.

Sân trong nhà Diệp Cẩm Khê rất lớn, nhưng ông lão suy nghĩ một chút, cuối cùng vẫn quyết định xây hầm ngầm sân ngoài. Bên ngoài Diệp gia ao trũng vây quanh, vùng đất trống bên ngoài nhà là đất sở hữu riêng, cây cối do kề sát bờ nước nên mỗi cây đều thô to chắc chắn, hình thành một tường vây tự nhiên. Hiện tại cây kề sát cây, ở giữa còn có cây bụi, ngoại trừ mấy động vật nhỏ như mèo chuột, gia súc lớn đều không chui lọt được, người cũng vậy. Hướng đông có tường đất chống đỡ, nhà họ chỉ mở một cánh cửa nhỏ để ra vào, bình thường người ta hay đào hầm ở sân trong, nhà họ lại đào hầm ở sân ngoài.

Giờ tiết trời vẫn còn lạnh, đào đất không thuận lợi mấy, nhưng chờ đến đầu xuân thì mọi người đều ra đồng làm việc, người ở đây đều từng trải, xuyên qua kẽ hở cây cối có thể thấy được gì đó. Nên dù đào đất không thuận lợi thì mấy người họ vẫn tiếp tục luân phiên làm. Có người hỏi thì nói là xây chuồng dê. Vì lấy cớ này nên mọi người lên núi kéo không ít đá tảng về. Chú hai Diệp còn lái xe ba gác lên huyện mua chút xi măng.

Ban ngày dựng chuồng dê, buổi tối đào hầm ngầm, đào sâu khoảng bốn mét, trước đây chú hai Diệp từng làm thợ xây ở một đội xây dựng nên biết làm thế nào để xây phòng cứng cáp, tuy cậu cảm thấy không cần thiết lắm nhưng ông nội một mực yêu cầu hầm nhất định phải rắn chắc, kết quả nền đều là dùng xi măng, đá núi, đổ bê-tông, mấy người họ đào suốt năm buổi tối, rồi xây mất ba buổi tối nữa, một hầm ngầm dài sáu mét rộng ba mét cao bốn mét cuối cùng cũng xây xong.

Bùn đất đào ra thì đem đi đắp cho cây trồng chung quanh nhà. Trong mấy ngày đào hầm, vì sợ có người chạy sang đây xem nên ban ngày thì đem đậu nành và rơm rạ phơi trước cửa.

Cửa hầm ngầm thông với sân trong. Vừa vặn trước đó cũng nói là xây chuồng dê, nên họ thực sự xây một cái dựa sát tường. Giữa chuồng dê có một bệ đá di chuyển được, dùng để dựng thức ăn cho gia súc, nếu có người dịch chuyển cái bệ đá thì bên dưới vẫn còn một tầng đất thoạt nhìn giống như sàn xi măng, hai tầng cửa hẳn cũng đủ giấu căn hầm. Đây là đường lui cuối cùng của nhà họ, không đến thời khắc nguy cấp nhất sẽ không động đến nơi này.

Tin đồn tai hoạ kéo dài hơn một tháng mới qua đi, không ít phụ nữ tụm năm tụm ba chửi bới Tào nhị tiên. Vì điên cuồng tích trữ lương thực vật tư nên các hộ các nhà trong thôn tốn không ít tiền, hiện tại xem ra lãng phí hết trơn. Cũng may dân thôn quê trữ đồ trong nhà là chuyện bình thường, từ từ ăn thôi. Rất nhiều nhà suốt một hai năm cũng không cần ra ngoài mua đồ. Huống chi mua vào đều đắt, bán rẻ ra thì lỗ, cuối cùng đều trữ lại.

Thừa dịp tin đồn lắng xuống, chú hai Diệp đem bán ít bắp rồi lén chở gạo và bột mì về.

Ông nội dùng hơn một tháng để sắp xếp mọi thứ trong hầm. Sợ hầm ngầm thấm nước, chú Hai dùng phần xi măng và đá tảng còn dư làm thành bàn đá, bàn đá cách mặt đất ba mươi centimet, tuy đã trét vôi nhưng cẩn thận một chút tốt hơn, trên mặt bàn đá lót một tấm gỗ, là loại gỗ kín chuyên dùng để làm rương, ông nội Diệp đặt làm ở huyện kế bên, sợ bị người ta thấy nên đem về lúc nửa đêm. Mấy cái rương đựng đồ làm bằng gỗ cây nhãn có thể phòng sâu, đáy hòm lót miếng tôn mỏng, mong là có thể chống được chuột, dù toàn bộ hầm ngầm đều được xây bằng xi măng nhưng cũng không thể đảm bảo chuột không vào được.

Gạo để ở trong rương, bên trong còn để thêm túi chống ẩm. Dọc theo tường để một loạt mười hai cái rương, mỗi rương chứa được hai trăm kí gạo. Các bao bắp được chất trên rương. Phía trên của hầm còn đổ thêm xà ngang, treo đầy túi hoa quả khô, các loại nấm khô như nấm mèo, nấm đông cô… Sau khi chú hai Diệp mua lương thực trở về, ông nội Diệp liền niêm phong hầm ngầm lại, lần sau muốn tiến vào phải tốn sức một phen.

Vì đã giấu cả hầm đồ ăn nên cả nhà thấy yên tâm hẳn, chuyện này cực kỳ bí mật, chỉ có đàn ông Diệp gia biết, ngay cả bà nội Diệp cũng không biết rõ vị trí chính xác. Bởi vì mỗi lần, trong lúc làm việc bà nội Diệp đều giúp canh chừng. Chú hai Diệp suy xét đến thân thích bên nhà vợ, miệng liền ngậm lại. Diệp Cẩm Dương vốn là trẻ em thành thật, bị ông nội và ông bố răn đe nhiều lần liền ngậm miệng, theo kế hoạch từng bước thực thi, Diệp Cẩm Dương cũng dần dần trầm mặc. Diệp Cẩm Khê cảm thấy ông anh họ này thuộc về loại “câm điếc ăn bánh chẻo”, trong lòng hiểu rõ tình hình mà không cần ai nói điều gì. Dù không ai nói cho anh ta biết, nhưng lúc làm việc vẫn vô cùng cẩn thận, thậm chí khi hàng xóm, anh em chú bác hỏi tình hình nuôi dê trong nhà, anh cũng nói trả lời cho có lệ, tuyệt đối không để lộ bí mật. Ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ, phải chăng ông anh này là nhân vật phúc hắc mà người ta hay nói trong truyền thuyết?

*người câm ăn bánh chẻo: tuy không nói được nhưng biết rõ số bánh mình ăn

*phúc hắc: bụng dạ khó lường

Tiến vào tháng ba Âm lịch, vẫn chưa tới thời điểm làm ruộng, công việc trong nhà bắt đầu lu bù lên. Hôm nay trong nhà chuẩn bị làm lượng lớn tương hột, một lu dùng để ăn hàng ngày, một lu dùng để muối rau.

Tương hột bà nội Diệp ủ ăn ngon nhất, chủ yếu là lúc rang đậu rang rất ngon. Mấy năm nay thím Hai không làm tương hột, mỗi lần muốn ăn đều sang đây múc, vì tương thím ủ thường mặn, đậu cũng không thơm.

Cẩm Khê theo sau bà nội vừa giúp vừa học.

“Coi cháu của mẹ thông minh chưa này, vừa học liền biết, đậu nó rang tốt hơn cả con đấy”. Bà nội Diệp đã sai Diệp Cẩm Khê đi lấy nồi, không ngờ Cẩm Khê rang đậu ngon vậy, độ lửa rất vừa phải, vừa khen vừa đắc ý khoe với con dâu.

“Tính con vội vàng, chưa chín kỹ đã đem nghiền, Cẩm Khê thận trọng, con thấy nó dùng rất nhiều sức đảo đậu, chắc giờ cũng không nâng cánh tay lên được” Thím hai Diệp không hề cảm thấy khó chịu, thím nghĩ mình làm tương đậu không ngon cũng là có phúc, trong nhà bà nội làm tương ngon, hàng năm đều có sẵn để ăn, hiện tại xem ra tay nghề cháu trai lớn cũng thuộc hàng lão luyện. Nếu cháu trai sống ở quê luôn thì sau này thím cũng không cần ủ tương nữa.

Sau khi đậu chín già thì đem nghiền nát, đổ vào cái khay hình khối, dùng giấy sạch bao lại, sau đó treo lên xà nhà chờ lên men. Đến mồng tám Âm lịch tháng tư thì lại lấy xuống cho vào vạc.

*Người Đông Bắc Trung Quốc hạ tương (cách gọi riêng làm tương hột của họ) vào mồng tám, mười tám, hai mươi tám, không rõ nguyên nhân, chỉ biết đây là quy củ

Đại Bảo ra ngoài chơi trở về, vào nhà liền vui vẻ chạy đến bên Cẩm Khê, “Về rồi à, anh đi rửa tay đi, em trộn đậu cho anh ăn.”

“Ừ.” Đại Bảo cười đáp một tiếng, hăng hái chạy ra hiên nhà rửa tay. Nghe tiếng bước chân vang lên đã biết tâm trạng anh vô cùng vui vẻ, tuy hình tượng dồi dào sức sống không phù hợp với bộ dạng cao to của anh chút nào.

Cẩm Khê đặc biệt chừa lại một ít hột đậu nành chưa nghiền nát, trộn thêm ớt xanh và ít gia vị, ăn rất ngon. Múc cho Đại Bảo một chén, đưa muỗng, “Anh ăn đi.”

“Cho Tiểu Bảo nè”. Mỗi lần Đại Bảo đều múc một muỗng cho Cẩm Khê ăn trước.

Cẩm Khê cười cười rồi ăn, “Em ăn đủ rồi, còn lại Đại Bảo xử hết đi.”

Làm xong bữa trưa, vợ Cẩm Dương ôm Hổ Tử tới, có lẽ thằng nhóc mới tỉnh ngủ, trên mặt đỏ bừng, được bao bởi một cái chăn mỏng, hiện tại nhóc đã quen với Cẩm Khê nên thấy cậu cũng không khóc rống nữa mà hai mắt to lấp lánh nhìn cậu cười ha hả “Chú”

“Úi chà!” Cẩm Khê đón lấy thằng nhóc được đóng gói kỹ càng, để nó ngồi lên giường chơi.

“Đại Bảo đừng cho nhóc này ăn đậu”

“Ừ, không cho nhóc này ăn” Đại Bảo gật đầu vài cái liền chén sạch đậu trong chén, sau đó đặt chén lên cái rương rồi leo lên giường đùa giỡn với Hổ Tử.

Xình xịch! Tiếng động cơ vang lên, Cẩm Khê biết là ông nội và chú Hai mua dê trở về, kết quả chưa đi ra thì thấy ông nội và Cẩm Dương chạy ào vào, sắc mặt hai người rất không tốt. Ông nội cầm remote mở tivi, Cẩm Khê liền thấy trong tivi xuất hiện một cảnh tượng địa ngục nhân gian.

“Có không?” Chú hai Diệp đậu xe xong liền chạy vào, chưa kịp đợi câu trả lời liền thấy cảnh tượng trên tivi.

“Đó là đâu?” Sau một lúc lâu, Cẩm Khê mới phát được ra tiếng, thoạt nhìn người da vàng trên màn hình tivi không giống người Hoa cho lắm.

“Phía nam nước Y, hồi nãy ở chợ nghe nói nơi đó vừa xảy ra sóng thần.” Cẩm Dương giải thích có hơi chậm quá mức.

“Nước mình không bị sao chứ?” Cẩm Khê hơi khẩn trương, hỏi.

“Không có việc gì, sóng thần lan từ phía nam đến, ở đảo khẳng định bị ảnh hưởng, có điều không nghiêm trọng.” Trong tivi đang nói về tình hình hiện tại trong nước, ông lão cũng không lên tiếng nữa, mọi người chăm chú nhìn tivi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top