Chương 8: Mến mộ
Edit: Nananiwe
Khoảnh khắc nhìn thấy bức tranh vẽ muội tử Tú Di của Lư tú tài, Tề Tĩnh An chỉ cảm thấy mặt trời chân lý chói qua tim, "ngay lập tức hiểu ra" tình cảm của mình với Hạ Hầu Tuyên là gì. Cùng là kìm lòng không đậu mà vẽ một bức họa về giai nhân, cùng là cảm xúc "một ngày không gặp như cách ba thu", vậy tất nhiên cũng cùng là... tình yêu rồi!
Chân tướng này đối với Tề Tĩnh An mà nói quả thật là sét đánh giữa trời quang, trực tiếp làm đầu y bị bổ đến choáng váng.
Thế mà Lư tú tài lại cố ý cầm bức tranh tâm huyết của mình thao thao bất tuyệt về tương lai tốt đẹp phía trước: Thi đỗ tiến sĩ, lấy Tú Di về làm vợ, làm một vị quan tốt, chăm chỉ làm việc, sinh một lũ nhỏ đáng yêu... Woah, nhân sinh tốt đẹp biết bao!
Mà lúc này trong lòng Tề Tĩnh An đã nổi một trận bão lớn, càng nhìn bức tranh kia, càng nghe Lư tú tài nói chuyện lại càng thấy rối rắm, ngực nghẹn lại sắp không thở nổi. Tề Tĩnh An cũng từng suy nghĩ về tương lai của mình: Đơn giản mà nói chính là phụ tá minh chủ lên ngôi hoàng đế, sau đó phát huy tài trị quốc của mình, cuối cùng lưu danh sử sách với minh chủ. Ai mà ngờ, khi tất cả mọi việc chỉ vừa mới bắt đầu y thì đã có ý nghĩ không an phận với minh chủ "Tam điện hạ" mà mình coi trọng rồi.
Sao lại như thế? Sao lại có thể như thế được? Y nên làm thế nào với "suy nghĩ không an phận" này của mình đây?
Não như bị kéo qua kéo lại đau đớn vô cùng, Tề Tĩnh An vất vả lắm mới mời được Lư tú tài đang nói lảm nhảm ra khỏi phòng mình, sau khi cài chặt cửa mới day day huyệt thái dương để bình tĩnh lại, cước bộ nặng nề đi đến cạnh bàn sách, khom lưng nhặt tờ giấy đã bị vo nát trong sọt, mở ra trải lên mặt bàn lần nữa: Người trong tranh thật sự bị vẽ rất ẩu, hai mắt Tề Tĩnh An nhìn chằm chằm vào bức tranh bắt đầu rơi vào trầm tư...
Muốn hỏi rốt cuộc là tại sao phần tình cảm không giống bình thường này của Tề Tĩnh An với Hạ Hầu Tuyên lại nảy sinh à?
Thật ra đáp án của câu hỏi này rất đơn giản, chẳng qua là thiên thời, địa lợi, nhân hòa thôi. Có điều nói như vậy có cảm giác nghe như cố tình làm bộ huyền bí, chẳng thà nói thẳng là do tâm tính của Tề Tĩnh An.
Mệnh số của Tề Tĩnh An từ thời niên thiếu rất gập ghềnh, nếu không cũng sẽ không rời quê hương ra ngoài học hỏi sớm như vậy. Mà trong quá trình ra ngoài học hỏi, tầm mắt của y ngày càng được mở rộng, vì phần lớn dân chúng nghèo khổ đến chết lặng mà xúc động, cũng vì nước láng giềng lăm le như hổ rình mồi mà sầu lo. Bởi vì sở trường của Tề Tĩnh An không phải là văn thơ bay bổng, dựa vào trí thông minh của bản thân thi được đến tú tài thì không nói, còn muốn thi đến tiến sĩ chính là chuyện viển vông. Như vậy y chỉ có thể gửi gắm hi vọng làm quan "xuất lực vì thiên hạ" này ký thác ở việc "gặp được minh chủ". Nhưng "minh chủ" thật sự nào có dễ dàng gặp được? Nói một lời đại nghịch bất đạo chính là, trong mắt Tề Tĩnh An, trong vòng mấy trăm năm từ khi Đại Ngụy khai quốc đến nay, số hoàng đế thực sự được xưng là minh chủ chưa đếm được một bàn tay.
Cái này gọi là Thiên Lý mã thường gặp, mà Bá Nhạc lại rất hiếm gặp*; nếu vận may không tốt đầu thai ở thời đại không có Bá Nhạc thì đừng nói là Thiên Lý mã, dù là Vạn Lý mã cũng chỉ có một kết cục là yên lặng mà chết già.
Tuy nói là cổ vũ mình cố gắng tiến về phía trước, đừng vì cảm xúc tiêu cực mà lười biếng buông thả, nhưng Tề Tĩnh An cũng đã sớm vẽ ra hình tượng "minh chủ" gần như hoàn mỹ trong lòng mình rồi. Nhưng bản thân y cũng biết, người như vậy hoàn toàn không có khả năng tồn tại.
Lần này Tề Tĩnh An và bạn tốt Lư tú tài cùng nhau lên kinh vốn không ôm quá nhiều hi vọng sẽ "gặp được minh chủ", ngờ đâu cuối cùng y lại gặp được Hạ Hầu Tuyên. Lúc hai người mới quen biết, Tề Tĩnh An ở kinh thành lạ nước lạ cái, người bạn duy nhất còn bị nhốt vào thiên lao, có thể thấy được y khát khao thay đổi việc này đến thế nào. Đây chính là "thiên thời" và "địa lợi". Quan trọng nhất tất nhiên là "nhân hòa". Tề Tĩnh An vô cùng kinh ngạc và vui mừng phát hiện ra, vị "Tam điện hạ" y chỉ chọn lúc lâm vào đường cùng này khớp với hình tượng "minh chủ" trong lòng y trên bất kỳ phương diện nào, nhưng Tam điện hạ lại thân thiết hơn, khiêm tốn hơn, thông tuệ hơn, thẳng thắn hơn, và... cũng anh tuấn hơn!
Thế này không khác gì nam thần trong tưởng tượng của mình bỗng nhiên được ông trời biến thành người thật rồi đặt xuống bên cạnh mình, khó trách Tề Tĩnh An không kìm được mà động lòng.
Tình cảm của Tề Tĩnh An với Hạ Hầu Tuyên ban đầu là thưởng thức rồi cảm kích, tiếp theo là thật lòng thật dạ muốn giúp đỡ, sau nữa là coi như tri kỷ, càng ngày càng để ý. Đến hôm nay, tình cảm ấy đã trở thành cảm mến ngưỡng mộ, chỉ hận không thể bên cạnh từng giây từng phút không muốn xa rời...
Ngày hôm ấy, sau khi triệt để hiểu ra tâm tư của mình, Tề Tĩnh An thở dài một hơi đè nén rối rắm và bàng hoàng xuống đáy lòng, trải ngay ngắn bức tranh đã bị nhàu nát lên bàn rồi gấp lại, cầm lấy cất vào ngực. Sau đó y lấy dụng cụ điêu khắc và một khối gỗ lim lớn bằng bàn tay từ trong ngăn tủ ra... Nửa ngày sau, một tượng gỗ nhỏ được chạm khắc vô cùng sống động hiện ra trong lòng bàn tay Tề Tĩnh An: Dung mạo tuấn lãng đến mức không giống người phàm, giữa hai hàng lông mày tràn đầy anh khí, khóe miệng nở một nụ cười dịu dàng. Tượng khắc này không phải Hạ Hầu Tuyên thì còn ai vào đây?
Tuy rằng Tề Tĩnh An không biết làm sao với phần tình cảm này, nhưng nhìn kiệt tác điêu khắc bằng gỗ của mình vẫn không khỏi vừa ngọt ngào vừa đắc ý: Trình độ vẽ tranh thảm không nỡ nhìn nhưng kỹ thuật điêu khắc của y tuyệt đối đứng số một số hai.
Hơn nữa Lư tú tài cũng không thể ôm tranh Tú Di đi ngủ đúng không? Nhưng y lại có thể... Ừm, Tề Tĩnh An đặt "Tam điện hạ" phiên bản nhỏ lên gối đầu bên cạnh, sau đó lười biếng duỗi thắt lưng, tắm rửa rồi đi ngủ.
Nghệ thuật như điêu khắc, hội họa hay là thư pháp đúng là có khả năng điều hòa tâm trạng con người, vì vậy Tề Tĩnh An cũng nghĩ thông: Chuyện tình cảm ấy à, nói phức tạp thì nó phức tạp, nói đơn giản thì nó đơn giản, cứ thuận theo tự nhiên là được rồi.
Dù gì thì chuyện y mến mộ "Tam điện hạ" tạm thời sẽ không có ảnh hưởng xấu gì đến chuyện y phò tá đối phương, mà ngược lại càng làm y có động lực hơn, tích cực hơn, vì đối phương suy nghĩ nhiều hơn. Như vậy không phải rất tốt sao? Còn về việc y có may mắn được "Tam điện hạ" thích hay không thì lại là chuyện khác. "Tam điện hạ" xuất sắc như vậy nhất định là được rất nhiều người thích, vì thế Tề Tĩnh An y cố gắng hết sức cũng chỉ có thể nghe theo ý trời, tùy theo duyên phận.
Vì thế, khi Hạ Hầu Tuyên cuối cùng cũng đến Hội Tiên lâu "hẹn hò" với Tề Tĩnh An bỗng nhiên phát hiện... người anh em tốt này của hắn nhiệt tình hơn rất nhiều.
"Tĩnh An, mấy ngày nay ngươi có nghe được tiếng gió gì không?" Tìm được chỗ trống, Hạ Hầu Tuyên nhịn không được ngắt lời Tề Tĩnh An mặt tươi như hoa, thần thái rạng rỡ đang kể chuyện xưa.
"Hả?" Tề Tĩnh An hơi dừng lại, không hiểu lắm hỏi lại: "Là liên quan đến chuyện gì?"
Hạ Hầu Tuyên trầm ngâm một lát, lắc đầu: "Là ta nghĩ nhiều rồi, việc kia gần như không truyền được đến tai người thứ ba. Trừ khi ngươi biết bói toán, nếu không thì không thể nào biết được."
Tề Tĩnh An hơi nhíu mày nhưng không tiếp tục hỏi, bởi vì liên quan đến hoàng thất có rất nhiều việc không thể hỏi, nếu đối phương muốn y biết thì chắc chắn sẽ nói, vì vậy trêu ghẹo ngược lại: "Gieo quẻ hỏi trời, mượn gió cầu mưa hình như là kỹ năng mà mưu sĩ giỏi nhất cần nắm vững, đáng tiếc ta thật sự không biết. Điện hạ nói như vậy không phải là cố tình đùa giỡn ta sao?"
"Ha ha, không biết cũng không sao, nếu cái gì cũng biết trước hết rồi thì còn gì là bất ngờ nữa?" Hạ Hầu Tuyên mỉm cười: "Ta báo cho ngươi một tin, cũng có thể nói là bất ngờ, chính là sáng sớm mai ngươi sẽ nhận được ý chỉ tiến cung diện thánh..."
Tề Tĩnh An nghe xong chấn động, kinh ngạc hỏi: "Tiến cung diện thánh!? Xảy ra chuyện gì vậy?
Hạ Hầu Tuyên không nhanh không chậm nói: "Có liên quan đến vụ án gian lận làm rối loạn kỷ cương của kỳ thi mùa xuân. Lúc trước không phải ngươi từng nói với ta những tệ nạn trong khoa khảo sao? Ta chọn ra vài cái để nói với phụ hoàng, thuận tiện đề xuất một ít kiến nghị nhỏ..."
Tuy rằng tổ chức khoa cử để tuyển chọn quan lại công bằng hơn tiến cử rất nhiều, cũng làm cho những sĩ tử nghèo khắp thiên hạ có thêm hi vọng, nhưng theo sự thay đổi của thời gian thì tệ nạn xuất hiện cũng ngày càng nhiều. Đề thi không thực tế, tình trạng quay cóp gian lận ngày càng nghiêm trọng chỉ là vấn đề nhỏ; vấn đề lớn nhất chính là tiến sĩ của mỗi kỳ thi như vậy về cơ bản đều sẽ gia nhập vào phe cánh quan chủ khảo của kỳ thi đó, cũng tức là đảng phái "ngồi ra đề", nếu không chắc chắn sẽ khó có thể ngóc đầu dậy. Có thể nói là khoa cử dần dần biến thành nơi các đảng phái đào tạo gieo trồng mầm non tương lai, cũng để cho chính những mầm non này tranh đấu với nhau, còn mình thì thảnh thơi ngồi đánh cờ. Vì vậy cho dù là hoàng đế đứng đầu thiên hạ cũng chỉ có thể đứng một bên nhìn, căn bản không chen chân vào được.
Có điều chính vì cái gọi là "nơi nào có người thì sẽ có giang hồ, nơi nào có giang hồ thì sẽ có tranh đấu, nơi nào có tranh đấu thì sẽ có bè phái", nên chia bè kết phái luôn tồn tại bất cứ lúc nào.
Vốn dĩ chuyện chia bè kết phái không quá đáng sợ, bởi vì các triều đại hoàng đế đều tận lực cân bằng các thế lực trong triều, để bọn họ khống chế lẫn nhau, không cho duy độc một nhà lớn mạnh. Nếu thật sự có chuyện một nhà lớn mạnh mà lại không ngăn chặn được thì đúng là thời thế sắp thay đổi rồi.
Vô cùng bất hạnh chính là, trong triều đình của đương kim Hoàng đế, đảng phái Từ thừa tướng đứng đầu đã sắp độc chiếm quyền hành, trở thành một nhà lớn mạnh ấy rồi.
Phải biết rằng Từ thừa tướng là nguyên lão tam triều, tất nhiên là đã làm chủ khảo cho kỳ thi mùa xuân không ít lần, cũng cho ra rất nhiều thế hệ "môn sinh tốt". Vài năm đầu tiên thì những người này vẫn chưa đủ tư cách, có người thì bị điều ra ngoài kinh làm quan, có người thì biên soạn sách ở Hàn Lâm viện, vậy cũng thôi đi. Nhưng đến bây giờ đã qua hai ba chục năm, tư cách của bọn họ cũng đã đủ rồi, vì vậy lần lượt vào kinh thành làm quan to. Mãi đến tận lúc này Hoàng đế mới ngỡ ngàng phát hiện, đại đa số những người được chọn mà có đủ tư cách làm quan chủ khảo của kỳ thi mùa xuân đều là môn sinh của Từ thừa tướng!
Như thế đã hiểu ra chưa? Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chẳng phải cả triều đình đều là sân chơi của một mình Từ thừa tướng sao?
Vì vậy, án làm rối loạn kỷ cương của kỳ thi mùa xuân năm nay, mặt ngoài thoạt nhìn là đảng Thái tử trừng phạt quan chủ khảo làm lộ đề, nhưng thực tế là Hoàng đế đứng sau lưng Thái tử. Hoàng đế vốn muốn mượn cơ hội này để phế bỏ cánh tay đắc lực của Từ thừa tướng, chỉ tiếc là trình độ tranh đấu về mặt chính trị còn quá yếu, Thái tử lại là đồ vô dụng được dẫn dắt cũng không làm nên việc lớn, không những không động được vào Từ thừa tướng mà còn bị trả đũa ngược lại, suýt nữa kéo Thái tử xuống vũng bùn này.
Hoàng đế vừa kinh hãi vừa hoảng sợ, ông bỗng nhớ lại thật ra trước kia vẫn có rất nhiều cựu thần trong triều có thể đấu với Từ thừa tướng, ví dụ như đại bá phụ của Thụy phi... Kết quả bọn họ đều bị Từ thừa tướng xử lý cả rồi!
Lúc này Hoàng đế đã hoàn toàn quên rằng, rõ ràng lúc đầu do mình muốn truy phong cha mẹ ruột thành đế hậu trước nên mới làm cho hầu hết các đại thần ngay thẳng tức giận, thậm chí là chết cả rồi.
Nói ngắn gọn lại, tình huống trước mắt là Hoàng đế muốn nâng đỡ Kỷ gia để chống lại bè đảng của Từ thừa tướng. Thụy phi thật sự nằm mơ cũng nhanh chóng cười tỉnh lại, cuối cùng bà cũng đợi được đến ngày này rồi!
Cứ như vậy, bắt đầu từ mấy tháng trước, người của Kỷ gia được Hoàng đế bày mưu chỉ kế âm thầm nhúng tay vào án làm rối loạn kỷ cương của kỳ thi mùa xuân, cố gắng khuấy nước mò chỗ tốt... Cái này vốn không liên quan đến Hạ Hầu Tuyên, mà Thụy phi cũng không định để hắn tham dự vào. Nhưng vấn đề là lúc ấy Hạ Hầu Tuyên đã trở thành "Thư ký danh giá của Ngự thư phòng" rồi, muốn đẩy ra cũng không được, chỉ có thể chia cho hắn một phần.
Mà kiến nghị đầu tiên Hạ Hầu Tuyên đưa ra chính là thả toàn bộ những thí sinh bị nhốt trong thiên lao ra, tránh làm lòng của sĩ tử nghèo trong thiên hạ rét lạnh. Sự thật là lúc ấy vụ án này đã nháo lớn lắm rồi, vốn chẳng có liên quan gì đến những con tốt thí mạng như những sĩ tử này, vì thế Hoàng đế thuận lý thành chương thả bọn họ ra, còn được tán thưởng là "nhân từ", tâm tình trở nên vô cùng tốt.
Sau đó nữa, Hạ Hầu Tuyên thành thành thật thật làm tốt công việc thư ký của mình, không đề nghị thêm gì cả.
Nháy mắt lại qua hơn một tháng nữa, vụ án càng ngày càng kéo dài, Hoàng đế cảm thấy đầu mình cũng to lên không ít, định cho người đánh mỗi bên năm mươi roi rồi kết án, dù sao Kỷ gia cũng đã mò được không ít chỗ tốt, lần này không phải không có thu hoạch gì, hôm nay thượng triều cũng chủ yếu nói đến vấn đề này.
Nhưng mà không ai ngờ tới, ngay khi sự việc sắp kết thúc, mọi người đều thở ra một hơi thì Hạ Hầu Tuyên lại đưa ra một kiến nghị nhỏ với Hoàng đế: Mấy chục thí sinh đã phải ngồi trong thiên lao đã được "đính chính" lại án sai rồi, nhưng bởi vì bọn họ đều bị bắt trên đường đi thi nên chưa ai có thể tham gia thi cử, như vậy không tốt lắm nhỉ? Dù sao bọn họ cũng bị oan uổng, cũng nên đền bù một chút cho thỏa đáng đúng không?
Bởi vậy, kiến nghị của Hạ Hầu Tuyên chính là: Để Hoàng đế triệu bọn họ vào cung tiến hành "kỳ thi đột xuất", đề bài là do chính Hoàng đế nghĩ, không cần viết ra giấy trước, cứ giữ trong lòng, đến khi thi thì tuyên bố là được, thi xong cũng do Hoàng đế tự mình chấm bài. Như vậy vừa đảm bảo được công bằng cũng vừa không làm bọn họ cảm thấy gặp xui xẻo vô cớ. Càng quan trọng hơn là, nếu thật sự có thể nhân cơ hội này chọn ra được nhân tài có năng lực thì bọn họ cũng coi như là "môn sinh" của Hoàng đế đúng không? Tiếp đó phái bọn họ ra ngoài kinh làm quan nhỏ, sau hai ba năm lại hồi kinh thi tiến sĩ, cũng tính là người của "đảng Hoàng đế" rồi...
Hoàng đế nghe xong vừa thấy có lý vừa thấy thú vị, vì vậy bèn đồng ý, cũng khen ngợi Hạ Hầu Tuyên một phen.
Có điều Hạ Hầu Tuyên lại nói biện pháp tốt như vậy không phải là của hắn: Nhân cơ hội này "long trọng giới thiệu" Tề Tĩnh An với Hoàng đế, hai má còn ửng hồng ám chỉ "trái tim đã rung động" của mình...
Tâm tình Hoàng đế đang rất tốt tất nhiên sẽ không so đo tính toán, ngược lại còn nói: Một khi đã như vậy thì ngày mai Tề Tĩnh An cũng theo mấy chục thí sinh kia vào cung tham gia "kỳ thi đột xuất" đi. Nếu có năng lực thật thì không chừng thực sự có cơ hội làm Phò mã của Trưởng công chúa.
Dĩ nhiên là để không làm ảnh hưởng đến trạng thái trước khi đi thi của Tề Tĩnh An nên Hạ Hầu Tuyên không đề cập đến chuyện "gặp Phò mã" mà chỉ nói là đã tiến cử y trước mặt hoàng đế, ngày mai phải biểu hiện cho tốt.
Ai mà ngờ được Tề Tĩnh An lại tự động nghĩ theo phương diện khác: Ngày mai phải đi gặp cha của người trong lòng rồi, sao y có thể không kích động chứ!
Tác giả có lời muốn nói:
Mới nhận ra tình cảm của mình thôi đã phải đi gặp phụ huynh rồi yoooooooooooo~ Tiến độ như vậy có phải hơi nhanh không? ~(@^_^@)~
-----------
* Năm (770 – 500 TCN), thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở Trung Hoa có một người họ Tôn tên Dương là bậc thầy am hiểu về ngựa, qua vóc dáng, ngoại hình có thể tìm kiếm và biết được đâu là Thiên Lý mã - loài ngựa có sức khỏe dẻo dai, chạy xa vạn dặm, nhưng nhẹ như lông hồng, chân không in dấu, nên người đời nể phục gọi là Bá Nhạc.
Thiên Lý mã vốn là tên gọi của loại ngựa tốt và quý nhất trong các giống ngựa, nhưng rất ít người biết được nó. Song nhờ có Bá Nhạc mà Thiên Lý mã được phát hiện và trở nên nổi tiếng, quý hiếm trong dân chúng.
Ngày nay Bá Nhạc thường được dùng với nghĩa người có thể phát hiện ra nhân tài; còn Thiên Lý mã thường được dùng để chỉ những người có tài hoa. (Thiên Lý mã: ngựa chạy ngàn dặm; Vạn Lý mã: ngựa chạy vạn dặm)
Đọc thêm về câu chuyện này tại https://kienthuc.net.vn/tham-cung/ai-la-bac-thay-tim-kiem-thien-ly-ma-trong-lich-su-311884.html
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top