Chương 4: Mưu sĩ
Edit: Nananiwe
[Lưu ý: phần tác giả có lời muốn nói có chứa nội dung spoil, không muốn đọc xin hãy lướt qua]
Hạ Hầu Tuyên phải trả giá "đại giới" nam phẫn nữ trang mới được làm công chúa duy nhất của Đại Ngụy, nhưng anh trai song sinh Hạ Hầu Trác lại không có vận may để trở thành hoàng tử duy nhất của Hoàng đế bệ hạ. Có lẽ bởi vì vết xe đổ "tuyệt tự" của đường huynh vẫn còn đó nên sau khi đăng cơ Hạ Hầu Phan vẫn rất tích cực "sinh con trai". Không tính hoàng tử chết yểu và sự tồn tại đặc thù của Hạ Hầu Tuyên thì Hoàng đế bệ hạ có tổng cộng năm hoàng tử.
Đại hoàng tử Hạ Hầu Diễn là đích trưởng tử do cố Hoàng hậu Vi thị sinh ra vào thời kỳ Hiếu Tông hoàng đế, hiện giờ đã hơn ba mươi tuổi rồi. Hạ Hầu Diễn cập quan vào năm Thừa Bình thứ mười hai, cùng năm được phong làm Hoàng thái tử. Hạ Hầu Tuyên xuyên đến đây cũng vào năm đó, nghênh đón hắn là một trận hỏa hoạn lớn đúng là một trong những trợ lực để Hạ Hầu Diễn leo lên ngôi vị Thái tử.
Nhị hoàng tử Hạ Hầu Viên sinh vào năm Thừa Bình thứ ba, bởi vì mẹ ruột Trịnh phi là công chúa Yến Quốc phía bắc gả đến Đại Ngụy để hòa thân nên khả năng cạnh tranh ngôi vị hoàng đế nhỏ nhất, về cơ bản có thể xem nhẹ không tính đến.
Kế tiếp tạm thời không đề cập đến Tam hoàng tử Hạ Hầu Trác, nói về Tứ hoàng tử Hạ Hầu Tranh trước đã. Hạ Hầu Tranh là con trai của Từ quý phi, cũng sinh vào năm Thừa Bình thứ sáu, nhỏ hơn hai anh em Hạ Hầu Tuyên nửa tuổi. Bởi vì đặt kỳ vọng rất cao vào con trai bảo bối của mình nên mười mấy năm nay Từ quý phi rất tận tâm tận lực tuyên truyền tạo thế cho Hạ Hầu Tranh: Ba tuổi học văn, năm tuổi làm thơ, bảy tuổi đã có thể viết tấu chương, sau mười tuổi thì năm nào cũng viết mấy chục bài văn áng thơ hoa mỹ... Tiếng lành đồn xa, ai cũng cho rằng Hạ Hầu Tranh là người có địa vị cao nhất trong đám hoàng tử, hơn nữa sau lưng còn có một gốc cổ thụ cao chọc trời là "Thừa tướng tam triều" làm chỗ dựa. Làm sao mà Thái tử đại ca của Hạ Hầu Tranh có thể không coi hắn là tai họa ngầm, là cái dằm trong lòng được chứ? Vì thế, hiện giờ cuộc chiến tranh đoạt ngôi vị hoàng đế cũng chỉ xoay quanh Thái tử và Tứ hoàng tử.
Dưới Tứ hoàng tử được "hào quang chiếu rọi" là Ngũ hoàng tử Hạ Hầu Húc mới năm tuổi, cũng chẳng có gì để nhắc đến. Mẹ ruột Từ quý phi gần như đặt tất cả hi vọng lên người Hạ Hầu Tranh, yêu thương và chăm sóc còn lại dành cho Ngũ hoàng tử cũng chẳng được bao nhiêu cả.
Như vậy có thể thấy tình hình giữa các hoàng tử rất rõ ràng rồi: Thái tử và Tứ hoàng tử đang tranh đấu ác liệt; Nhị hoàng tử và Ngũ hoàng tử là tiểu trong suốt; về phần Tam hoàng tử... đang bàng quan đứng nhìn, chuẩn bị tùy thời hành động, ý đồ trai cò đánh nhau ngư ông đắc lợi.
Chẳng qua "trai" và "cò" kia cũng không phải ngu ngốc, sao có thể để một ông lão đánh cá nguy hiểm như vậy đứng bên cạnh nhìn chằm chằm được chứ? Sở dĩ tranh đấu không dính đến người Tam hoàng tử là bởi vì mấy năm gần đây Hạ Hầu Trác quả thực rất an phận: Vừa không mượn sức mấy đại thần trong triều, vừa không nuôi dưỡng môn khách trong phủ, thậm chí rất lâu mới gặp mặt Hoàng đế một lần, không cảm thấy đáng coi trọng chút nào, vốn chẳng cần để ý đến.
Phải biết rằng, ngủ đông là một chuyện, không làm một cái gì lại là một chuyện khác.
Hạ Hầu Tuyên ở hậu cung ẩn nhẫn bày mưu tính kế, này gọi là ngủ đông. Nhưng tùy thời hắn đều có thể sải cánh bay xa, bởi vì hắn đã âm thầm làm rất nhiều việc, tự trải sẵn đường cho mình, từ đầu đến cuối tâm viên ý mãn, tâm thái tích cực.
Mà Hạ Hầu Trác thì sao? Phía trên có Thái tử ca ca danh chính ngôn thuận, phía dưới có Tứ hoàng tử kiêu ngạo có thế lực, hơn nữa Thụy phi còn có "tử huyệt" là Hạ Hầu Tuyên nữa. Suy đi tính lại về mọi mặt thì tất nhiên Thụy phi sẽ không muốn Hạ Hầu Trác biểu lộ tài năng quá sớm thu hút sự chú ý của kẻ địch, vì vậy bà luôn dạy Hạ Hầu Trác nhẫn nhịn. Nhưng Hạ Hầu Trác lại không phải là thanh niên ưu tú xuyên không như Hạ Hầu Tuyên, nào có tâm lý cứng cỏi được như vậy? Tuy rằng Hạ Hầu Trác yên ổn lớn lên dưới sự bảo vệ của Thụy phi, nhưng trong cuộc chiến long tranh hổ đấu, cái này hắn không được tranh, cái kia hắn không được đoạt, nhẫn nhịn rồi lại nhẫn nhịn, đến mức nhuệ khí bị bào mòn, mất đi ý chí chiến đấu; cũng vì thế mà bài vở trên lớp không thèm để tâm, ngay cả tính cách cũng thâm trầm, cả người đều trở nên tiêu cực... Ngoài cái mác "long phượng trình tường" cùng với cái mã ngoài đẹp ra thì Hạ Hầu Trác chẳng có điểm gì hơn người cả, là một người cực kỳ bình thường đến không thể bình thường hơn.
Có thể tưởng tượng được Thụy phi phiền lòng đến mức nào. Con trai mình gửi gắm toàn bộ hi vọng chỉ là một món hàng lỗi, ngược lại "con gái" sớm đã muốn ném bỏ càng lớn lại càng lộ ra đuôi sói. Đúng là ông trời trêu ngươi!
Nhưng mà dù Hạ Hầu Trác vô dụng đến mức nào thì cũng không đánh mất được ý chí muốn tranh quyền của Thụy phi: Thụy phi là một nữ nhân có dã tâm, vị trí Thái hậu chính là mục tiêu cuối cùng của bà. Thậm chí Thụy phi còn từng nghĩ, nếu Hạ Hầu Trác vô dụng như vậy, chỉ cần giúp hắn thượng vị, tương lai của Đại Ngụy không phải nằm cả trong tay bà rồi sao?
Cho nên, chân chính xuất lực ngầm tranh ngôi vị hoàng đế cho Tam hoàng tử có Thụy phi, Kỷ gia, và cả Hạ Hầu Tuyên nữa.
Bởi vậy, trong mắt của đa số mọi người, Tam hoàng tử cũng trong suốt chẳng khác gì Nhị hoàng tử và Ngũ hoàng tử cả. Chỉ là trong mắt Tề Tĩnh An, Tam điện hạ mới là người tài giỏi thật sự. Tam hoàng tử không chỉ túc trí đa mưu, tài hoa hơn người, biết mình biết ta; mà còn giấu tốt đến mức người trong thiên hạ không ai hay biết gì. Cái gì mà Thái tử, cái gì mà Tứ hoàng tử chứ, căn bản là không ai sánh được bằng Tam hoàng tử!
Trải qua mấy tháng giao lưu trao đổi, Tề Tĩnh An cảm thấy y đã gặp được vị minh chủ đáng giá để trung thành rồi, chính là Tam hoàng tử điện hạ, là vị đại quý nhân trong số mệnh của y... Gió từ hổ, mây từ rồng(1), đối với một người đã xác định mình là mưu sĩ mà nói, còn có chuyện nào hạnh phúc hơn chuyện này sao?
Ánh mắt Tề Tĩnh An sáng ngời nhìn Hạ Hầu Tuyên đi tới, nụ cười tuy rằng nhàn nhạt nhưng lại vô cùng chân thành, xuất phát từ nội tâm.
"Tĩnh An." Hạ Hầu Tuyên đi vào tươi cười đáp lại đối phương, sau đó bước đến ngồi xuống bàn tròn bên cạnh cửa sổ, lại phất tay biểu thị một chút: "Ngươi cũng ngồi đi, không cần đa lễ. Hôm nay ta tới hơi muộn, chắc là ngươi đã đợi sốt ruột lắm rồi đúng không?"
Tề Tĩnh An ngồi về vị trí của mình, mỉm cười nói: "Không sốt ruột, tĩnh* đợi minh chủ, hà tất vội vàng?"
* Mình không biết tác giả có chơi chữ gì không, tĩnh (静 - jìng) trong câu trên là tĩnh trong yên lặng, yên tĩnh; Tĩnh (靖 - jìng) trong Tề Tĩnh An là yên bình, yên ổn. Hai từ này đồng âm nên câu của Tề Tĩnh An hiểu là "Yên lặng chờ minh chủ thì cần gì phải vội vàng?", cũng có thể hiểu là "Tĩnh (An) đợi minh chủ, cần gì phải vội vàng?"
Hạ Hầu Tuyên cười ha ha, trêu ghẹo: "Nói có lý. Có điều nếu lúc ngươi nói lời này mà cầm quạt lông trên tay phẩy phẩy vài cái thì hiệu quả còn tốt hơn đấy."
Tề Tĩnh An nghe xong hơi giật mình, gật gật đầu làm như rất tiếp thu: "Xin cẩn trọng nghe theo, đợi chút nữa ta sẽ đi mua một chiếc quạt, ngày đêm mang theo bên mình, tùy thời lấy ra để làm ra vẻ, nhất định có thể làm người nào đó ngẩn ngơ liên tục nói với ta: Xin tiên sinh rời núi giúp đỡ ta!"
Hạ Hầu Tuyên buồn cười nói: "Ừ, tiên sinh quả nhiên là người tài, mong tiên sinh nhất định phải rời núi giúp ta!" Hạ Hầu Tuyên vừa nói như vậy, cả hai đã thoải mái cười to.
Cười một trận xong, Tề Tĩnh An mở bếp nấu một ấm trà xanh. Động tác của y mang theo một loại ý vị phong nhã, nhưng đồng thời cũng dứt khoát không dây dưa làm người khác nhìn vào cảm thấy rất thư thái.
Hạ Hầu Tuyên lẳng lặng thưởng thức Tề Tĩnh An nấu trà, giống như thưởng thức một màn biểu diễn nghệ thuật. Mãi đến khi đối phương hoàn thành một loạt động tác chọn trà thêm nước, điều chỉnh mức lửa, Hạ Hầu Tuyên mới hài lòng mỉm cười: "Từ lần trước uống được trà Tĩnh An nấu, giờ trà người ngoài nấu đều trở nên nhạt nhẽo vô vị hết rồi... Vừa nãy ngươi nói chờ ta không nóng lòng chút nào nhưng ta lại rất vội vàng đó. Thứ nhất là muốn uống trà ngươi nấu, thứ hai là muốn nghe ngươi kể chuyện xưa. Nếu hôm nay không được đền bù thỏa như ước nguyện thì ta tất sẽ ăn không nuốt trôi, ngủ không yên ổn."
Tề Tĩnh An hơi nhếch mày, nhàn nhạt cười: "Người nói như vậy không phải làm ta hổ thẹn trong lòng sao? Cố ý thổi phồng... Lấy định lực của người, nào có đến mức ấy."
"Định lực của ta có tốt đến đâu cũng không chống lại được mị lực vô cùng của Tĩnh An." Hạ Hầu Tuyên thuận miệng trêu ghẹo một câu, bản thân không để tâm nhưng da mặt Tề Tĩnh An nào được dày như vậy? Hai má Tề Tĩnh An bỗng dưng nóng lên, vội vàng chuyển đề tài, chỉ là giọng điệu có chút gượng gạo: "Đừng nói giỡn nữa. Đúng rồi, lần trước người nói không tưởng tượng ra được địa hình của Bàn Xà lĩnh, ta đặc biệt làm cái này..."
Từ lúc vào cửa, Hạ Hầu Tuyên đã thấy bên cạnh Tề Tĩnh An có một gói đồ. Ban đầu hắn cũng đoán thử xem bên trong chứa cái gì, hiện giờ vừa nhìn thấy hai mắt đã sáng ngời, vừa kinh ngạc vừa vui mừng. Đó là một khối tượng điêu khắc bằng gỗ to hơn bàn cờ một chút, cảm giác hơi giống mô hình tòa bất động sản trong ấn tượng của Hạ Hầu Tuyên. Trên đế tượng điêu khắc có núi non trập trùng, nhấp nhô cao thấp to bằng chén trà, hướng núi uốn lượn như rắn; còn có cây cối, sông nước, thành trì, quân đội,... Tất cả được khắc sống động như thật, phô ra cực kỳ rõ ràng, vô cùng nhuần nhuyễn toàn bộ địa hình của Bàn Xà lĩnh, làm người xem mơ hồ có cảm giác mình lạc vào cảnh thật vật thật chứ không phải chỉ đang nhìn một khối tượng điêu khắc.
"Đây là tác phẩm của ngươi sao? Không ngờ đến nha, hóa ra Tĩnh An còn là bậc thầy điêu khắc tượng gỗ. Thật sự rất cao siêu!" Hạ Hầu Tuyên liên tục khen ngợi, cảm thán không thôi. Trước đây đúng là hắn không biết Tề Tĩnh An còn biết khắc tượng gỗ.
"Chút tài mọn thôi, không đáng nhắc đến." Dường như Tề Tĩnh An không muốn đề cập đến chuyện tay nghề của mình, thu lại ý cười đứng dậy xắn tay áo, ngón tay chỉ vào một sơn đạo bí mật trên mô hình bằng gỗ, bắt đầu nghiêm túc kể "chuyện xưa": "Lần trước chúng ta nói đến chuyện Bạch tướng quân giấu ba ngàn bộ binh tấn công bất ngờ đánh bại một vạn kỵ binh của Trịnh tặc ở Bàn Xà lĩnh. Người xem, điểm mấu chốt nằm ở đây..."
Hạ Hầu Tuyên cũng tiến vào trạng thái nghiên túc, đoan đoan chính chính ngồi nghe Tề Tĩnh An giảng chuyện xưa. Đương nhiên đây không phải câu chuyện bình thường, mà là "truyện để dạy học" đã bao hàm cả lịch sử, địa lý, chiến lược, binh pháp trong đó. Tri thức của Tề Tĩnh An bất phàm, tài ăn nói cũng giỏi hơn người thường, nghe Tề Tĩnh An dung hợp nhiều kiến thức vào việc kể chuyện như thế thật sự là một loại hưởng thụ cực hạn. Theo Hạ Hầu Tuyên, "tiết học" mà Tề Tĩnh An dạy cho hắn còn hữu dụng hơn kinh thư mà các hoàng tử được học nhiều.
Kinh thư của các bậc hiền nhân có thể tự mình đọc tự mình lĩnh ngộ, nhưng kinh nghiệm từng trải mới là đáng quý nhất.
Ngoài cửa sổ, nước sông Kim Thủy trong veo lấp lánh, thỉnh thoảng lại thấy có thuyền chậm rãi qua lại; bên trong cửa sổ, trong nhã gian của Hội Tiên lâu, Hạ Hầu Tuyên và Tề Tĩnh An một người đứng một người ngồi, một người nói một người nghe, thời gian bất tri bất giác trôi qua rất mau...
Sau giờ ngọ, hai người tùy tiện dùng bữa no bụng rồi lại gấp gáp thảo luận tiếp. Bọn họ đặt ra câu hỏi cho nhau, sau đó giải đáp câu hỏi khó mà đối phương đưa ra, lại cùng nhau suy nghĩ chiến lược, phân tích chiến thuật. Không khí giữa hai người vô cùng hài hòa, nhìn đối phương như gặp được tri kỷ cả đời.
"Lần nào Tam điện hạ cũng nói những câu làm người ta kinh ngạc, thật sự làm ta được mở rộng tầm mắt." Lúc này sắc trời đã tối dần, tịch dương treo ở phía chân trời, ánh chiều tà chiếu qua cửa sổ vào trong phòng. Tề Tĩnh An lơ đãng nghiêng mặt đúng lúc thoáng thấy khuôn mặt tuấn tú không giống người phàm của Hạ Hầu Tuyên bị nắng chiều chiếu vào phủ lên một tầng sáng, trái tim bất giác đập nhanh hơn, lời nói tán thưởng cứ thế bật thốt ra.
"Kinh nghiệm phong phú từng trải của Tĩnh An mới thật sự làm ta mở mang tầm mắt." Hạ Hầu Tuyên học theo Tề Tĩnh An khen ngược lại một câu như vậy, trong lòng bắt đầu cẩn thận ngẫm lại những gì học được ngày hôm nay. Thử nói xem vì sao Hạ Hầu Tuyên lại coi trọng Tề Tĩnh An như vậy? Chính là bởi vì y thật sự là một nhân tài hiếm có!
Đừng nhìn Tề Tĩnh An chỉ mới hai mươi tuổi, thật ra y đã rời nhà đi đây đi đó học hỏi được năm sáu năm rồi. Sau khi có được thân phận tú tài vào năm mười bốn tuổi, lòng của Tề Tĩnh An không còn đặt trên kinh, sử, tử, tập* nữa. Những người đọc sách khác ra ngoài học hỏi đều là bái phỏng các danh nho thỉnh giáo học vấn để thi khoa cử đạt được thành tích tốt. Nhưng Tề Tĩnh An thì sao? Tề Tĩnh An một thân một mình đi tới vùng biên cảnh giao nhau phía bắc Đại Ngụy của Yến Quốc và Tây Man, đi hết một lượt từ đông sang tây, ghi nhớ kĩ trong lòng địa hình, khí hậu, phong tục tập quán của những nơi đó, thậm chí còn theo thương đội vào trong các nước láng giềng đi lại mấy vòng. Chỉ bằng suy nghĩ này của Tề Tĩnh An thôi cũng đã vượt qua tầm mắt của người bình thường rồi.
* 经史子集 (kinh, sử, tử, tập): cách phân loại sách vở thời xưa: Kinh điển, Lịch sử, Chư tử, Văn tập.
Bởi vì đã sống qua hai đời nên Hạ Hầu Tuyên tâm cơ bất phàm, giỏi về việc phỏng đoán tâm tư người khác, cung đấu triều đấu nhiều năm ngày càng thành thạo. Nhưng năng lực này trong mắt hắn giống như cách Tề Tĩnh An nhìn vào kĩ năng khắc gỗ của mình vậy, chỉ là chút tài mọn không đáng nhắc tới.
Nếu chân chính nghĩ đến việc trị quốc yên dân, thậm chí là mở rộng bờ cõi thì những điều Hạ Hầu Tuyên cần học vẫn còn rất nhiều. Tuy là Hạ Hầu Tuyên biết được kiến thức tiên tiến của thời hiện đại, nhưng thực tế thế nào lại là một chuyện khác. Nếu ngay cả lịch sử địa lý, phong tục tập quán của dân chúng Đại Ngụy còn không hiểu rõ mà đã nghĩ đến việc khoe khoang tri thức hiện đại trên phương diện chính sự thì sớm hay muộn cũng xảy ra vấn đề lớn. May mắn gặp được Tề Tĩnh An, một người trẻ tuổi rất có lý tưởng đúng lúc có thể bổ khuyết cho Hạ Hầu Tuyên. Hai người quen biết nhau, rất nhanh đã trở nên hòa hợp ăn ý.
Đối với Hạ Hầu Tuyên mà nói, Tề Tĩnh An là mưu sĩ hắn nhìn trúng, phải giữ bên người để "sử dụng" thật tốt. Nhưng mà với trình độ kinh, sử, tử, tập của Tề Tĩnh An thì tuyệt đối không thể nào thi được đến tiến sĩ, muốn ở lại kinh thành làm quan chính là điều viển vông. Yêu cầu cơ bản của triều đình Đại Ngụy với quan viên chính là xuất thân từ tiến sĩ trở lên, ngay cả hoàng đế cũng không dễ dàng phá vỡ quy củ này.
Nhưng mà dù sao cũng không thể để Tề Tĩnh An làm việc mà không có quan chức mãi thế chứ? Người thanh niên này rất có chí tiến thủ, cũng thật sự muốn làm ra nghiệp lớn. Tuy là không làm được quan ở kinh thành, nhưng với bối cảnh của "Tam điện hạ" thì sắp xếp Tề Tĩnh An đến một nơi nào đó nhận chức là việc hoàn toàn có thể làm được. Nếu vẫn không muốn cho Tề Tĩnh An đi thì không ngại chèn ép y, chỉ là như thế thật sự không phải đạo dùng người tài.
Vì vậy, sau khi cân nhắc lợi-hại một phen, Hạ Hầu Tuyên quyết định sẽ tìm cơ hội thích hợp nói với Tề Tĩnh An, chức vụ Phò mã bên người Trưởng công chúa rất không tồi, kiến nghị vui lòng nhận lấy.
[Lưu ý: phần tác giả có lời muốn nói có chứa nội dung spoil, không muốn đọc xin hãy lướt qua]
Tác giả có lời muốn nói:
Nói một chút, hiện giờ "Tam điện hạ" đã là nam thần của Tề Tiểu An rồi, cơ mà một thời gian nữa sẽ biến thành nữ thần, cuối cùng nữ thần sẽ biến trở về nam thần... Phò mã nhất định phải hold được nha~
Tề Tiểu An: Nhất định là trời xanh đang khảo nghiệm tính hướng của tuii!!!
----------
(1) Gió từ hổ, mây từ rồng: Cụm từ gốc trong raw là 风从虎, 云从龙 (phong tòng hổ, vân tòng long): Rồng là vật mang tính thủy, mây là hơi nước, rồng ngâm ra mây; tiếng hổ rống uy mãnh, lay động cả ngọn gió ở khe núi, hổ gầm sinh ra gió. Câu so sánh này muốn nói đến những vật tương đồng những vật đặc biệt sẽ có thể hấp dẫn lẫn nhau; những người có nội tâm hoặc nhân cách tốt đẹp chỉ cần đứng đó thôi vạn vật cũng có thể nhìn thấy rõ ràng giống như thấy rồng bay trên trời.
原文: "云从龙, 风从虎, 圣人作而万物睹" . 这话出于 《 易经. 乾卦 》 中, 解说"九五爻"爻辞的 〈 文言传 〉 里.
Nguyên văn: Mây từ rồng, gió từ hổ, thánh nhân làm mà vạn vật nhìn. Lời này xuất phát từ《Dị Kinh – Kiền Quẻ》giải thích từ "hào" trong "cửu ngũ hào" của〈Văn Ngôn truyện 〉
全文: "九五曰: 飞龙在天, 利见大人, 何谓也? 子曰, 同声相应, 同气相求. 水流湿, 火就燥, 云从龙, 风从虎. 圣人作而万物覩, 本乎天者亲上, 本乎地者亲下, 则各从其类也."
Toàn văn: Cửu ngũ viết: phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân, hà vị dã? Tử viết, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thủy lưu thấp, hỏa tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ. Thánh nhân tác nhi vạn vật đổ, bổn hồ thiên giả thân thượng, bổn hồ đích giả thân hạ, tắc các tòng kì loại dã.
(Theo Baidu)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top