Chương 2: Cảnh ngộ

Edit: Nananiwe

Hạ Hầu Tuyên ra ngoài tẩm điện, hai thị nữ tâm phúc đứng ở cửa tiến lên đón, theo hắn xuyên qua sườn hành lang đi tới chính điện của Phượng Nghi cung.

Trong sân bên ngoài cửa điện, hai mươi cung nhân lẳng lặng xếp thành hai hàng, lúc Hạ Hầu Tuyên bước qua bậc cửa thì tất cả đồng loạt quỳ xuống, đợi khi hắn ra hẳn bên ngoài mới thẳng lưng đứng dậy. Hạ Hầu Tuyên không nói lời nào đi thẳng ra ngoài sân, nhóm cung nhân bước theo sát tự giác chia thành hai đội, một đội đi phía trước dẫn đường, một đội đi phía sau bảo vệ, vây kín Trưởng công chúa điện hạ và hai vị đại cung nữ ở giữa.

Lúc này trời đã tảng sáng, sao kim vẫn loáng thoáng hiện ở chân trời. Sương sớm trong Ngự hoa viên vẫn chưa tan, xung quanh rất yên ắng. Đội ngũ của Hạ Hầu Tuyên cũng rất im lặng, không ai nói lời dư thừa cũng như không ai làm việc dư thừa nào, giống như một tiểu đội hành quân được huấn luyện nghiêm khắc.

Cả hoàng cung đều biết Trưởng công chúa điện hạ đứng đầu Phượng Nghi cung thích coi cung nhân như binh sĩ để thao luyện, vì vậy Hoàng đế bệ hạ từng gọi viên ngọc quý trong tay của mình là "Tướng quân trùm khăn", còn ban thưởng bội kiếm của nguyên soái tiền triều cho công chúa chơi.

Tất nhiên là Hạ Hầu Tuyên cố ý làm như vậy, từ trước đến giờ hắn không ngại bày ra dáng vẻ "anh khí" trước mặt người ngoài, để cho tất cả mọi người đều biết Trưởng công chúa thích chơi mã cầu, thích tập võ dùng thương, không có chút hứng thú nào với chuyện thêu thùa cả.

Với thân phận là Trưởng công chúa điện hạ, Hạ Hầu Tuyên vốn được phép bốc đồng tùy hứng như vậy. So với việc miễn cưỡng bản thân giả bộ dịu dàng thục nữ thì Hạ Hầu Tuyên càng muốn tỏ ra bản thân phóng khoáng hơn, lỡ đâu có ngày sự thật này bị vạch trần thì cũng có cớ để bào chữa. Hạ Hầu Tuyên biết mức độ đến đâu, sẽ chỉ làm mọi người cảm thấy hiên ngang hào sảng chứ không nghĩ tới chuyện hắn thực sự là nam tử. Trừ phi có chứng cớ xác thực ám chỉ mọi người, nếu không hắn càng tiêu sái mới càng che giấu được bí mật. Cả ngày lo giấu giấu giếm giếm, bày ra bộ dáng chột dạ lo âu mới càng làm người ta nghi ngờ.

Có điều Hạ Hầu Tuyên dám làm như vậy không chỉ vì dung mạo hắn cực kì xuất chúng mang đến cảm giác đẹp không phân rõ nam nữ, mà còn bởi vì dân phong Đại Ngụy suy nghĩ rất thoáng, trong sách sử từng xuất hiện nhiều công chúa tính cách hào sảng như thế, Hạ Hầu Tuyên tùy hứng tự làm theo ý mình như vậy cũng chẳng phải chuyện gì to tát.

Nói về lần xuyên không này của Hạ Hầu Tuyên, tuy rằng mang đến cho hắn phiền toái không nhỏ nhưng vận may cũng không tính là tệ. Điều làm cho Hạ Hầu Tuyên cảm thấy hài lòng chính là phụ nữ Đại Ngụy có địa vị không thấp, hơi giống với thời kì Bắc Tống trong tưởng tượng của hắn. Tuy rằng triều đình có dấu hiệu phát triển của lý học (phái triết học duy tâm đời nhà Tống và nhà Minh, Trung Quốc) nhưng đa phần đàn ông vẫn có thái độ tôn trọng và yêu thích với mẹ và vợ mình. Hoàn cảnh như vậy làm Trưởng công chúa điện hạ như Hạ Hầu Tuyên cảm thấy rất có triển vọng. Vì vậy Hạ Hầu Tuyên vẫn luôn mang tâm tình tích cực hướng về phía trước, không cảm thấy lãng phí thời gian mười năm đấu đá trong hậu cung.

Bắt đầu từ ngày thoát khỏi biển lửa kia Hạ Hầu Tuyên đã xốc lại toàn bộ tinh thần, xuất ra bản lĩnh để sắm tròn vai trưởng công chúa đặc thù này. Thời gian trôi qua, Hạ Hầu Tuyên ngày càng hòa nhập ngày càng thành thạo trong hậu cung, từ thám thính tin tức, thu thập tình báo, học tập tri thức, rèn luyện thân thể đến bồi dưỡng tâm phúc, tích lũy lực lượng, tìm kiếm chỗ dựa, kết giao đồng minh,... Cuộc sống phong phú như vậy, phảng phất giống như chớp mắt một cái đã trải qua mười năm.

"Con ta đã lớn khôn, đã đến lúc nên tìm một chàng rể hiền rồi." Mấy ngày gần đây, Hoàng đế Đại Ngụy Hạ Hầu Phan, cha ruột đời này của Hạ Hầu Tuyên đã nói như vậy.

Công chúa dù sao cũng không thoát khỏi số mệnh phải lấy chồng. Hạ Hầu Tuyên hiểu rõ trong lòng, cho nên đã chuẩn bị cách ứng phó từ rất sớm, hiện giờ chuyện xảy ra cũng không có gì mâu thuẫn cả. Điều Hạ Hầu Tuyên để ý hơn chính là chuyện này có thể làm theo kế hoạch của hắn không. Cho dù dân phong Đại Ngụy cởi mở, thậm chí Hạ Hầu Tuyên làm trưởng công chúa còn có thể mặc nam trang đi lại trong kinh thành, nhưng hôn nhân đại sự chung quy cũng không thoát được khỏi gông xiềng "mệnh lệnh cha mẹ". Thoát khỏi sự khống chế của cha mẹ, tự mình lựa chọn phò mã để nắm trong tay tương lai mấy chục năm sau của mình chính là chuyện làm Hạ Hầu Tuyên phí nhiều công sức nhất, cũng là mục tiêu quan trọng nhất của Hạ Hầu Tuyên trong mấy năm gần đây.

Vậy rốt cuộc cha mẹ đời này của Hạ Hầu Tuyên là người như thế nào? Nói ra thì rất dài, dù sao thì hai vị kia cũng không phải người bình thường. Trải qua nhiều năm thu thập tin tức và quan sát cẩn thận, hơn nữa còn phân tích và suy đoán thấu đáo, cuối cùng Hạ Hầu Tuyên cũng tương đối nắm chắc suy nghĩ của bọn họ, có thể dẫn dắt suy nghĩ của bọn họ ở một trình độ nhất định.

Chúng ta nói đến phụ hoàng của Hạ Hầu Tuyên, Ngụy đế Hạ Hầu Phan trước: Hạ Hầu Phan là một hoàng đế nhưng lại không xứng với chức hoàng đế, vội vã đăng cơ dưới tình huống không trâu bắt chó đi cày, vừa không được "đào tạo trước khi lên ngôi", vừa không được "chỉ bảo sau khi lên ngôi". Năng lực về phương diện xử lý triều chính của Hạ Hầu Phan bị khuyết thiếu nghiêm trọng, vì vậy trong lòng ông vẫn luôn tự ti, dù làm hoàng đế được hơn hai mươi năm rồi vẫn không có cảm giác an toàn, rất dễ bị chọc đúng chỗ đau, để lại ấn tượng một vị Hoàng đế nóng nảy hay giận, không dễ ở chung trong lòng các vị đại thần.

Sở dĩ Hạ Hầu Phan như vậy là do vị Hoàng đế Hạ Hầu Vu trước đó là đường huynh của ông. Thân là con trai độc nhất của bá phụ Ngụy Hiếu Tông, Hạ Hầu Vu là người sinh ra đã nằm ở vạch đích, vốn nên đứng trên đỉnh cao nhân sinh mới đúng. Nhưng Hạ Hầu Vu đăng cơ chưa được ba năm đột nhiên băng hà, không để lại một người con trai hay con gái nào cả, cứ vậy trao danh hiệu này cho đường đệ Hạ Hầu Phan của mình. Chính vì như vậy, Hạ Hầu Phan vốn là một Quận vương không được coi trọng đùng một cái ngồi lên ngôi vị cửu ngũ chí tôn.

Vừa lên ngôi hoàng đế tất nhiên là Hạ Hầu Phan rất hưng phấn rất kích động: Có một cái bánh từ trên trời rơi xuống như vậy ai mà không thích chứ, huống hồ cái bánh này còn vừa to vừa ngon.

Nhưng sau đó Hạ Hầu Phan nhanh chóng nhận ra việc này không đơn giản như vậy. Làm hoàng đế không có nghĩa là tất cả đại thần đều nghe lời ông nói, thậm chí một ít cung nhân trong hậu cung "cậy già lên mặt" cũng âm thầm ghét bỏ Hạ Hầu Phan "không phải người kinh thành", khẩu âm không tiêu chuẩn, thiếu thường thức về cuộc sống. Điều này làm Hạ Hầu Phan xấu hổ và giận dữ vô cùng.

Đầu năm Thừa Bình, Hạ Hầu Phan mới đăng cơ trực tiếp giết hơn một nửa cung nhân ở trong cung đã lâu, dùng phương thức đơn giản nhất nhưng cũng thô bạo nhất để bảo vệ lòng tự tôn của hoàng đế. Làm như vậy đúng là sảng khoái thật, nhưng ngay sau đó tân hoàng bị các đại thần trong triều gán cho cái danh "bất nhân", tấu chương khuyên can tới dữ dội như tuyết.

Hạ Hầu Phan bị nhóm ngự sử náo loạn đến mức phiền lòng, đột nhiên nảy ra ý nghĩ muốn truy phong cha ruột mình làm đế, mẹ ruột mình làm hậu, muốn lấy chuyện này để chuyển lực chú ý của nhóm thần tử. Hiển nhiên đây là một chủ ý cực kì tồi tệ, không những không thể thoát khỏi đống tấu chương "làm phiền" mà còn triệt để chọc giận các lão thần từ thời Hiếu Tông hoàng đế. Bởi vì Hạ Hầu Phan vốn lấy thân phận con thừa tự của bá phụ Ngụy Hiếu Tông để thừa kế hoàng vị, nào có chuyện truy phong cha mẹ ruột như vậy? Làm như thế thì đặt Hiếu Tông hoàng đế và hoàng hậu ở chỗ nào?

Vì vậy Hạ Hầu Phan và nhóm triều thần bắt đầu đối kháng, còn kéo dài tận mấy năm. Chuyện này chẳng những làm cho rất nhiều đại thần bị hỏi tội hạ ngục, mà ngay cả ngôi vị hoàng đế của Hạ Hầu Phan cũng bị đám học trò Sĩ Lâm công khai lên án làm lung lay, suýt nữa không giữ được.

Mãi đến tận năm Thừa Bình thứ sáu, cặp thai song sinh mang điềm lành "long phượng trình tường" của Hạ Hầu Tuyên và Hạ Hầu Trác ra đời thì Hạ Hầu Phan và nhóm triều thần mỗi bên mới chịu lui lại nửa bước, tiếng phản đối trong triều đình mới dần yên ắng lại. Đương nhiên đây không phải là công lao của hai anh em Hạ Hầu Tuyên. Nói tóm lại, Hạ Hầu Phan có thể ngồi chắc ngôi vị hoàng đế suy cho cùng vẫn là dựa vào một bộ phận đại thần kiên định và lợi dụng sự giúp đỡ của một số phần tử trung lập, điềm lành long phượng thai chỉ là điểm mấu chốt cuối cùng có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Dùng sự ám chỉ của trời xanh để kết thúc lại chuyện này là thủ đoạn chưa bao giờ cũ của giai cấp thống trị. Cho dù không có long phượng thai thì cũng sẽ có điềm lành kim quy, bạch lộc, kỳ lân xuất hiện kịp thời.

Có điều dù thế nào đi nữa thì hai anh em Hạ Hầu Tuyên cũng coi như sinh ra đúng thời điểm, điều này cũng giúp Hạ Hầu Tuyên "ôm đùi" được thuận lợi hơn nhiều.

Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, đừng quên Hạ Hầu Tuyên và Hạ Hầu Trác rõ ràng là điềm xấu "song long loạn thế" nhưng vẫn có thể giữ được tính mạng của cả hai người, hơn nữa còn được cái danh điềm lành "long phượng trình tường" hoàn toàn là dựa vào vị mẫu thân to gan lại quyết đoán, nữ nhi nhưng không thua kém đấng mày râu của bọn họ, Thụy phi Kỷ thị.

Nói đến Thụy phi Kỷ thị, trước tiên không thể không đề cập đến hậu cung của Ngụy đế Hạ Hầu Phan.

Bởi vì Hạ Hầu Phan lấy vợ vào thời kì Hiếu Tông hoàng đế, khi đó phụ thân Quận vương của ông vẫn còn sống, ông chỉ là con của một Quận vương không chức không tước, tương lai kế thừa tước vị(1) không chừng còn bị giảm xuống mấy bậc. Vì vậy vợ cả Vi thị của Hạ Hầu Phan chỉ là con gái của một Đề hạt(2) Lục phẩm xuất thân nghèo khó, nửa chữ bẻ đôi cũng không biết.

Sau đó Hạ Hầu Phan một bước lên trời, Vi thị theo lẽ thường sẽ trở thành Hoàng hậu. Nhưng mà nghĩ thôi cũng biết, Vi thị không có nhà mẹ đẻ để dựa vào còn thiếu cảm giác an toàn hơn cả Hạ Hầu Phan. Ít nhất Hạ Hầu Phan là Hoàng đế còn có thể lấy con gái của vài trọng thần trong triều để củng cố ngôi vị, nhưng Vi thị thì có thể làm gì đây? Tuy là đại ca được đề bạt làm Điện tiền Đô chỉ huy sứ(3) thống lĩnh một nửa cấm quân, nhưng Vi gia bọn họ gần như không có căn cơ trong triều, hoàn toàn không thể sánh với nhóm quý nữ của kinh thành sau này mới nhập cung đầu năm Thừa Bình được.

Dưới tình huống như vậy, một nửa là do tâm tình phiền muộn, một nửa là do hậu cung tranh đấu, vào năm Thừa Bình thứ ba Hoàng hậu Vi thị qua đời trong nuối tiếc. Có lẽ trong lòng bà càng hi vọng phu quân vẫn là một Quận vương không có thực quyền chứ không hi vọng Hạ Hầu Phan đăng cơ lên ngôi vị cửu ngũ.

Sau khi Vi thị phượng giá quy thiên, người kiêu ngạo nhất, có quyền lực lớn nhất trong hậu cung chính là Từ quý phi, con gái của Thừa tướng tam triều Từ Phụng. Từ năm Thừa Bình thứ ba đến bây giờ, đã mười chín năm trôi qua, Từ thị vẫn ngồi yên ổn vị trí Quý phi nắm toàn bộ quyền lực của hậu cung, địa vị vô cùng vững chắc.

Mà ngay dưới Từ quý phi, nhân vật đứng thứ hai hậu cung chính là mẹ ruột của Hạ Hầu Tuyên, Thụy phi Kỷ thị.

Thân là phi tần hậu cung thế mà lại dám cả gan phạm tội khi quân "trộm long tráo phụng", có lẽ sẽ có người cho rằng Thụy phi Kỷ thị là người vừa can đảm vừa ngốc nghếch yêu thương bảo vệ con. Phỏng đoán như vậy là hoàn toàn sai lầm.

Nhớ lại năm đó Kỷ thị vừa mới mang thai hai anh em Hạ Hầu Tuyên, lúc ấy Hạ Hầu Phan và các đại thần trong triều đang đối địch gay gắt nhất. Mà khi đó, người làm cho Hoàng đế bệ hạ cáu giận nhất chính là bá phụ Chính nhất phẩm Thái sư đương triều của Kỷ thị, tộc trưởng của Kỷ gia. Dưới tình huống ấy mà Kỷ thị vẫn được Hoàng đế sủng ái, sau đó mang thai, thuận lợi an thai đến tận khi sinh con, nói Thụy phi là kiểu phụ nữ ngu ngốc thì ai tin?

Theo Hạ Hầu Tuyên, lấy năng lực thủ đoạn để so sánh thì chắc chắn Kỷ thị là người đứng đầu chốn hậu cung đương triều. Hắn cũng vô cùng bội phục vị mẫu phi này của mình, nhưng đồng thời cũng vì sự lợi hại này của bà mà cảm thấy đau đầu: Bởi vì quan hệ của mẹ con bọn họ luôn luôn là nửa địch nửa bạn...

Đừng tưởng là năm đó Kỷ thị to gan làm ra chuyện "trộm long tráo phụng" này là xuất phát từ tình mẫu tử. Ngay từ đầu Hạ Hầu Tuyên đã biết chuyện này không đơn giản, điều tra và phân tích sau này cũng chứng thực được việc này thật sự không phải tình mẫu tử "dịu dàng thắm thiết" như vậy.

Năm Thừa Bình thứ sáu, lúc Kỷ thị sinh hạ hai hoàng tử thì Kỷ gia đã bị Hoàng đế liên hợp với Từ thừa tướng chèn ép không thở nổi, đại bá phụ Kỷ thái sư rơi vào đường cùng chỉ có thể từ quan về quê. Càng thảm hơn chính là con cháu huynh đệ của Kỷ thái sư đều phạm tội bị bãi bỏ chức quan, cha và anh trai Kỷ thị cũng bị liên lụy. Nếu không nói với bên ngoài điềm xấu hoàng tử song sinh là điềm lành thai long phượng, sợ là sẽ không đơn giản chỉ là mất một đứa con, rất có thể là cả nhà phải chịu tội chung.

Vì vậy Kỷ thị mau chóng đưa ra quyết định, nói dối một chuyện động trời, dựa vào bản thân để thay đổi toàn bộ cục diện cây đổ khỉ tan của Kỷ gia. Dựa vào sự dịu dàng và một cặp song phượng nam "nữ" làm chỗ dựa, chẳng những làm bản thân từ Chiêu nghi được sắc phong làm Thụy phi mà còn trợ lực giúp cha huynh bảo vệ được chức quan, triệt để phân rõ giới hạn với vị bá phụ chọc giận thánh nhan kia. Tuy thực lực Kỷ gia vẫn bị suy giảm nhưng dù sao vẫn là thế gia quyền quý trong kinh thành, chỉ cần căn cơ chưa mất thì vẫn có hi vọng đông sơn tái khởi.

Bản lĩnh của Kỷ thị cũng vì vậy mà lộ ra rất rõ ràng.

Vậy với năng lực của Kỷ thị, tại sao con trai ruột "Hạ Hầu Tuyên" lại đáng thương chết trong biển lửa, hơn nữa còn bị Hạ Hầu Tuyên xuyên tới chiếm lấy thân thể? Mọi việc đã quá rõ ràng rồi, Kỷ thị vốn không định giữ lại tính mạng của "Hạ Hầu Tuyên", không muốn giữ lại chứng cứ phạm tội khi quân của mình, nói không chừng còn dự định hạ ván cờ một mũi tên trúng hai con chim cơ. Trận hỏa hoạn năm đó cuối cùng vẫn có chút liên quan tới Từ quý phi, làm Từ quý phi chịu thiệt không ít. Nếu không phải Hạ Hầu Tuyên xuyên đến thì chỉ sợ Từ quý phi còn gặp rắc rối lớn hơn.

Bởi vậy có thể thấy được, Hạ Hầu Tuyên muốn thương lượng với Kỷ thị còn gian nan hơn thương lượng với phụ hoàng nhiều. Hạ Hầu Phan rất cưng chiều dung túng "nữ nhi" thông tuệ này của mình. Nếu không có gì ngoài ý muốn, hẳn là về phương diện hôn sự Hoàng đế bệ hạ sẽ đồng ý Hạ Hầu Tuyên tự mình lựa chọn phò mã.

Về phần lập trường của Thụy phi Kỷ thị... Hạ Hầu Tuyên mới vào cửa của Thụy Khánh cung thỉnh an Thụy phi, sau khi vẫy lui hạ nhân thì hai mẹ con bắt đầu trò chuyện với nhau.

"Tuyên Nhi, cuối năm ngoái ta đã nói rồi, biểu huynh Ngạn Bình văn nhã đôn hậu rất xứng đôi với con." Ngồi trên vị trí chủ vị ở chính điện của Thụy Khánh cung là một mỹ nhân được trang điểm đẹp đẽ. Tất nhiên đây là Thụy phi Kỷ thị, đôi mắt phượng hơi nhếch lên của bà có bảy tám phần tương tự với Hạ Hầu Tuyên. Ánh mắt nhìn xung quanh mang theo ý vị khó có thể hình dung. Hơn nữa làn da trắng nõn được bảo dưỡng cẩn thận nên dù đã hơn ba mươi tuổi vẫn cảm thấy mỹ mạo như trước.

Không đợi Hạ Hầu Tuyên mở miệng, Thụy phi đã nói tiếp: "Lúc đó con nói cần suy nghĩ kĩ càng, ta cũng tùy con. Hiện giờ đã qua nửa năm, con suy nghĩ đến đâu rồi?"

Dáng dấp Hạ Hầu Tuyên hơi cao, ánh mắt bình tĩnh thản nhiên nhìn Thụy phi, nhàn nhạt cười đáp: "Nhi thần hiểu tâm ý của mẫu phi, chỉ là biểu huynh Ngạn Bình tương lai tiền đồ vô hạn, nhi thần thật sự không muốn làm chướng ngại cho huynh ấy. Không bằng chuyện này cứ kết thúc ở đây đi, sau này không cần đề cập đến nữa."

Đùa nhau à, nếu Hạ Hầu Tuyên thật sự gả cho cháu trai của Thụy phi, chỉ sợ chưa được vài năm đã "bị bệnh qua đời", thậm chí là "khó sinh mà chết" cũng nên!

Tác giả có lời muốn nói:

Nếu cp là biểu ca biểu muội thì có thể não bổ ra một kịch bản ngược luyến tàn tâm thế này: Biểu ca vẫn luôn cảm thấy biểu muội rất tốt đẹp, âm thầm nảy sinh tình cảm với biểu muội. Kết quả sau khi lấy người về nhà mới phát hiện thế mà biểu muội lại là nam! Hóa ra biểu muội chính là biểu đệ! Sau đó bắt đầu ngược biểu đệ đủ kiểu, ngược tê tâm liệt phế, ngược đến chết đi sống lại... Cuối cùng ngược đến khi biểu đệ sắp hấp hối thì rốt cuộc biểu ca cũng phát hiện, thật ra mình yêu con người của biểu đệ, dù là nam hay nữ vẫn yêu. Lúc này bắt đầu ngược tâm biểu ca, lại ngược tê tâm liệt phế, ngược đến chết đi sống lại... Ừm, cuối cùng sẽ HE hoặc là BE, tóm lại là một bộ truyện cực-kỳ-ngược, ngược rung động tâm can, ngược đến mức làm độc giả ê răng đau dạ dày =w=

Vì vậy, là một người mẹ ruột, tui không chút do dự đá biểu ca ra khỏi hoàn cảnh đau thương này ╮(╯▽╰)╭

----------

(1) Từ gốc là 袭爵 (xí jué): tập tước, chỉ người thừa kế đầu tiên (thế tử) được kế thừa tước vị, những người con còn lại ngoài thế tử khi thừa kế sẽ bị giảm đi ba bậc. Từ《Minh Hi Tông thực lục》(Theo Baidu)

(2) Từ gốc là 提辖 (tí xiá): mình tra thử bằng tiếng Việt thì không ra, tra tiếng Trung thì có một bài viết liên quan đến《Thủy Hử》nhắc đến, tổng hợp một số comment trong đó thì mình rút ra được mấy điều như sau, mình không rõ là cái nào mới đúng nên mọi người tham khảo nha.

- Đề hạt là một chức quan võ thời Tống, tương đương với tiểu đội trưởng của đội cảnh sát hình sự hiện nay.

- Đề hạt là viết tắt của "Đề hạt binh giáp đạo tặc công sự", là một chức quan thời Tống. Vào thời Tống thì bình thường một lộ hoặc một châu sẽ có một Đề hạt. Chủ quản vốn là huấn luyện của quân đội, chuyên phụ trách bắt giữ trộm cướp. Bình thường thì tri châu hoặc tri phủ sẽ kiêm luôn Đề hạt binh giáp, gọi tắt là Đề hạt, nắm giữ quân đội và dạy bảo huấn luyện, chuyên bắt trộm cướp và trấn áp dân chúng làm phản. Cấp bậc là <Lục phẩm> (Chính hoặc Tòng), hoặc là <chính Thất phẩm>, tương đương với cấp huyện của hiện tại.

Thời Nam Tống thiết lập chức quan "Tứ đề hạt", bốn vị Đề hạt chia nhau chưởng quản: Tả tàng khố (cất giữ vàng bạc của hoàng gia), Văn tư viện (quản lý việc chế tạo các vật phẩm xa xỉ bằng vàng bạc sử dụng trong cung), Tạp mãi vụ tạp mai trường (mua những vật dụng cần thiết cho hoàng cung và quan viên), Các hóa vụ đô trà trường (chuyên mua các vật phẩm như trà, muối, hương,...).

Link bài viết gốc: https://wukong.toutiao.com/question/6807257369454575885/

(3) Từ gốc là 殿前都指挥使: Điện tiền Đô chỉ huy sứ: là một chức quan thời Tống, gọi tắt là "Điện tiền ti" hoặc "Điện ti", cùng thống lĩnh cấm quân với Thị vệ ti (Theo Baidu)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top