Chương 16: Họa thủy

Edit: Nananiwe

Nhưng mà Tề Tĩnh An có chút không rõ: "Sao người Kỷ gia lại nhằm vào Điện hạ?" Đó không phải nhà ngoại của công chúa điện hạ sao?

Hạ Hầu Tuyên chớp mắt, cười như không cười: "Nói là nhằm vào không bằng nói là ép hôn. Lúc trước mẫu phi của ta đã tỏ ý muốn gả ta cho biểu ca Kỷ Ngạn Bình rất rõ ràng, nhưng bị ta kiên quyết cự tuyệt, vì vậy bọn họ dứt khoát mặc cho Từ thừa tướng sử dụng ám chiêu... Nếu chuyện này nháo tới cùng, đến mức ta chỉ có thể chọn Quốc chủ Tây Man hoặc là Kỷ Ngạn Bình, ngươi nói xem ta nên chọn thế nào?"

Ánh mắt Tề Tĩnh An lập tức lóe lên hai ngọn lửa phẫn nộ, vẻ mặt vô cùng kiên định nói: "Điện hạ yên tâm, ta nhất định sẽ không để bọn họ thực hiện được gian kế này!" Tình địch họ Kỷ kia thật sự đê tiện, quả thực là đồ phân trâu!

Hạ Hầu Tuyên hơi mỉm cười, vuốt cằm: "Được, vậy ta sẽ đợi ngày gả cho ngươi." Người anh em làm cho tốt, tranh thủ sớm ngày thăng chức thành phò mã nhé.

Tề Tĩnh An nghe vậy hai má nóng lên, vội vàng chuyển đề tài, tiếp tục nói những kế hoạch và sắp xếp kế tiếp của mình. Nhưng thời gian tiếp sau đó tim y vẫn luôn đập loạn nhịp.

Xế chiều, Hạ Hầu Tuyên tạm biệt Tề Tĩnh An để trở về. Mới về đến cửa cung đã trùng hợp gặp phải Từ Yến Du đi ra từ Thụy Khánh cung, hẳn là đang định xuất cung.

Trong lòng Hạ Hầu Tuyên khẽ động, rảo bước đi tới nhiệt tình hô: "Từ tỷ tỷ!"

Từ Yến Du nghe vậy quay sang, lập tức bị dung nhan tuấn mỹ và tươi cười rạng rỡ của Hạ Hầu Tuyên làm thất thần, gương mặt không tự giác hiện lên hai vệt đỏ hồng. Từ Yến Du sửa sang lại y phục hành lễ, nhẹ giọng nói: "Tham kiến Trưởng công chúa điện hạ."

"Từ tỷ tỷ không cần đa lễ." Hạ Hầu Tuyên vươn tay đỡ, mỉm cười hỏi: "Hiếm khi gặp được tỷ ở trong cung, sao hôm nay lại muốn tiến cung vậy?"

Từ Yến Du tiếp tục nhẹ giọng đáp: "Bẩm công chúa, vào vụ thu hoạch mùa thu mỗi năm, người trong tộc của tổ phụ ta ở dưới quê sẽ gửi một ít thổ sản đến kinh thành. Hôm nay Yến Du nghe theo lệnh tổ mẫu nhập cung tặng một chút thổ sản cho cô cô nếm thử."

Hạ Hầu Tuyên gật đầu: "Thì ra là vậy, có muốn đến chỗ ta ngồi một chút không?"

"Đa tạ ý tốt của công chúa, tiếc là không còn sớm nữa, Yến Du đã ở trong cung nửa ngày, đến lúc phải xuất cung rồi." Lời này của Từ Yến Du nghe giống như là từ chối cùng với cáo từ, nhưng nhìn thần thái và động tác lại giống như vẫn còn lời muốn nói, cũng không lộ ra chút gấp gáp muốn đi nào.

Hạ Hầu Tuyên hơi nhướng mày, nhàn nhạt cười: "Ồ? Nói như vậy chắc hẳn Từ tỷ tỷ vào cung từ sáng sớm rồi... Hiện giờ đã xế chiều, xem ra tỷ tỷ và Quý phi nương nương trò chuyện với nhau rất vui vẻ."

Con ngươi Từ Yến Du chợt lóe, giống như đang muốn che giấu gì đó: "Cô cô chưởng quản hậu cung bận trăm công nghìn việc, không có ý định giữ ta lại nói chuyện, tất nhiên là Yến Du cũng không dám quấy rầy lâu, thỉnh an xong là định xuất cung luôn rồi. Trùng hợp đi tới Ngự hoa viên gặp được Thụy phi nương nương, nương nương ôn hòa săn sóc, còn đặc biệt mời ta đến Thụy Khánh cung dùng bữa trưa, vừa ăn vừa hàn huyên chút chuyện vặt, càng nói lại càng hợp ý, không để ý là đã tới giờ này rồi."

"Nên là như vậy, Từ tỷ tỷ là cô gái dịu dàng hiền thục như thế vốn là kiểu người mẫu phi ta thích nhất." Hạ Hầu Tuyên cười nói: "Sau này tỷ tỷ thường xuyên tiến cung nói chuyện với mẫu phi ta đi, để bà đỡ phải chê ta cả ngày ăn mặc như thằng nhóc này nọ, chỉ hận không thể vặn tai ta xuống thôi."

Từ Yến Du che miệng cười, lại thở dài nói: "Cho dù là công chúa hoạt bát hay dịu dàng thì người Thụy phi nương nương thương nhất vẫn là công chúa, hi sinh thỏa hiệp cũng là vì công chúa..."

"Ồ? Hi sinh thỏa hiệp?" Hạ Hầu Tuyên thuận thế hỏi theo lời đối phương, thầm nghĩ trong lòng, cuối cùng cũng nói đến trọng điểm rồi.

Có điều Từ Yến Du này chẳng dứt khoát tẹo nào, nói chuyện thì che che giấu giấu, xem như Hạ Hầu Tuyên tốn không ít công sức mới moi được một ít tin tức quan trọng, sau đó hai người rất "hòa hợp" mà tạm biệt nhau... Thực tế là chẳng hòa hợp chút nào cả!

Hạ Hầu Tuyên có thể nhìn ra được, tuy là ánh mắt Từ Yến Du nhìn hắn vẫn còn mê mẩn, nhưng cũng đã rất tự giác mà coi hắn là "em gái của chồng tương lai" rồi: Đa số chị dâu – em chồng cũng giống như mẹ chồng – nàng dâu, cách gần không bằng cách xa, một khi ở chung lâu thì mâu thuẫn sẽ nảy sinh liên tiếp. Vì thế đứng ở góc độ của Từ Yến Du, cô ta cũng rất hi vọng Hạ Hầu Tuyên gả đi xa một chút, sau này không cần hồi kinh nữa.

Nhưng mà có một điều rất thú vị chính là, thứ mà Từ Yến Du dùng để thuyết phục hắn thế mà lại là "tình mẫu tử": Hàm hàm hồ hồ nói vài lời, ý đồ muốn Hạ Hầu Tuyên hiểu được Thụy phi dự định "hi sinh" rất cao cả vì hắn, cho nên hi vọng Hạ Hầu Tuyên cũng có thể "hiểu chuyện" một chút, phải biết tự giác san sẻ với mẫu thân và huynh trưởng...

Sau khi tạm biệt Từ Yến Du, Hạ Hầu Tuyên nén lại một bụng tràn đầy ý cười về đến Phượng Nghi cung, đến nỗi mà biểu cảm trên mặt trở nên cứng ngắc. Cô chị dâu tương lai này của hắn thật đúng là điển hình của kiểu người tự cho mình là thông minh. Giữa hắn và Thụy phi làm gì có "tình mẫu tử"?! Nếu phải dùng một câu đơn giản để nói về quan hệ mẹ con của bọn họ thì có thể thay mấy từ trong câu nói vừa rồi của Hạ Hầu Tuyên: Thụy phi chê hắn không phải là con gái thật sự, cả ngày chỉ hận không thể chặt đầu hắn xuống...

Nghĩ tới đây, Hạ Hầu Tuyên lại cười thầm, lắc đầu khôi phục lại tâm tình lạnh nhạt và bình tĩnh, tùy ý đi tới thư phòng bắt đầu trải giấy mài mực. Hắn muốn ghi lại hết những tin tức vừa nghe được xuống giấy, sau đó sắp xếp lại manh mối cẩn thận: Từ Yến Du tự cho mình là thông minh không chỉ làm lộ tâm tư không đứng đắn của cô ta, tiện thể tiết lộ bàn tính nhỏ này của Thụy phi, mà còn để lộ ra vướng mắc tranh đấu trong nội bộ Từ gia, để Hạ Hầu Tuyên càng hiểu rõ ngọn ngành của việc hòa thân lần này...

Người khởi xướng việc hòa thân này quả thực là Từ thừa tướng, ông ta sai người bóp méo xuyên tạc quốc thư của Tây Man trên đường gửi về kinh thành tám phần là muốn thúc đẩy chiến tranh: Chỉ cần làm Hoàng đế bị người Tây Man "kiêu căng ngạo mạn" chọc giận, lại kích động nhóm triều thần đổ thêm dầu vào lửa thì trận này không sợ không đánh!

Về phần tại sao Từ thừa tướng luôn "bảo thủ ổn trọng" lại đột nhiên muốn đánh giặc, theo như ám chỉ ngầm của Từ Yến Du, hình như con trai của Nhị thúc cô ta có ý muốn tòng quân, mà Nhị thúc này vốn là Tư Nông Tự khanh, chuyên quản quân nhu lương thảo. Từ đó có thể thấy, một khi chiến tranh bắt đầu, Từ gia còn sợ không có chỗ tốt sao?

Tổng kết lại là, Từ thừa tướng tốn công tốn sức như vậy có lẽ vì muốn nhúng tay vào chuyện quân sự, chiếm quyền vớt bạc; có lẽ chỉ vì muốn dời lực chú ý của Hoàng đế, tìm cơ hội đối phó Thái tử; có thể là muốn hãm hại người nào đó mà mình chướng mắt, mượn cớ này chèn ép đối thủ; cũng có thể là còn có âm mưu quỷ kế thâm độc hơn... Tạm thời trừ ông ta ra thì người ngoài không ai biết chính xác suy nghĩ của ông ta được.

Chỉ có một điều duy nhất Hạ Hầu Tuyên có thể khẳng định chính là, lão già họ Từ kia tuyệt đối không có ý muốn mở rộng bờ cõi, trung quân ái quốc gì cả, kích động chiến tranh chẳng qua chỉ vì muốn đảng phái của ông ta chiếm lợi thôi.

Hơn nữa trong quá trình này còn có thể tiện tay kéo Kỷ gia đang rục rịch xuống nước, hạ tỷ lệ Tam hoàng tử có thể đoạt vị xuống mức thấp nhất, cớ sao lại không làm? Có lẽ trong mắt Từ thừa tướng, Hạ Hầu Tuyên thân là Trưởng công chúa điện hạ trong "long phượng trình tường", có khả năng ra vào Ngự thư phòng, trước mặt Hoàng đế chắc chắn là phụ tá đắc lực được Thụy phi tín nhiệm và yêu thương vô cùng ha? Vậy thì ông ta cứ theo đó chém cánh tay này một đao, cho dù không đứt thì cũng nửa tàn phế!

Nhưng sao có thể chém nửa tàn phế được nhỉ?

Hạ Hầu Tuyên ngẫm nghĩ, Từ thừa tướng phải rõ ràng hơn hắn, Trưởng công chúa Đại Ngụy vốn không thể nào gả cho Quốc chủ Tây Man. Nhưng chỉ cần cuối cùng hai nước phát động chiến tranh, ông ta sẽ có thể gán cái mác "hồng nhan họa thủy" hoặc là vài thanh danh không mấy hay ho lên đầu Hạ Hầu Tuyên rồi.

Như vậy, nếu hoàng đế vì suy nghĩ đến thể diện, nghĩ cho sĩ khí của quân đội ở biên cảnh thì rất có thể sẽ gả Hạ Hầu Tuyên đi xa một chút để tránh bị ảnh hưởng xấu, vậy thì Thụy phi cũng đừng mơ mượn chuyện hôn nhân của con gái để kết thân với gia đình quý tộc nào đó trong kinh. Nghiêm trọng hơn là, chỉ cần Từ thừa tướng làm tốt một chút thì ngay cả thanh danh của Tam hoàng tử cũng sẽ bị ảnh hưởng: Muội muội sinh đôi là kẻ gây tai hoạ, vậy Hạ Hầu Trác còn có thể là loại người gì? Bọn họ là huynh muội, rất có thể từ "long phượng trình tường" sẽ biến thành "long phượng trình hung"*!

* Tường trong cát tường, là điềm tốt; hung là điềm xấu.

Từ cáo già không hổ là thừa tướng tam triều, không ra tay thì thôi, vừa ra tay là cuồng phong bão táp, mưa rền gió cuốn!

Điều đáng tiếc duy nhất là, bên trong Từ gia không phải đoàn kết bền chặt như thép, giống như câu nói "cây chưa chết mà gốc đã thối, con cháu bất hòa nhà tất bại"... Hạ Hầu Tuyên nghiền ngẫm cười cười, viết xuống tờ giấy ba chữ "Từ Yến Du".

Từ xưa đến nay, đích-thứ phân tranh vẫn luôn là chuyện làm người ta phiền não nhất trong danh gia vọng tộc. Từ Yến Du là trưởng tôn nữ của Từ thừa tướng, nhưng cha lại chỉ là thứ trưởng tử, Nhị thúc và cô cô Quý phi mới là con vợ cả. Từ đó có thể thấy, địa vị của cha con bọn họ trong tộc xấu hổ đến mức nào.

Hạ Hầu Tuyên hoàn toàn hiểu được lý do tại sao Từ Yến Du chấp nhất với cái danh "hoàng tử phi" như vậy, đơn giản là không cam lòng và mong muốn nắm được quyền lực. Nhưng hắn càng lý giải được suy nghĩ của Từ quý phi hơn: Tứ hoàng tử phi không nhất thiết phải mang họ Từ, như vậy không phải sẽ rất lãng phí sao? Càng đừng nói đến việc Từ Yến Du chỉ là con gái của huynh trưởng dòng thứ, cho làm thiếp chờ tương lai thăng thành phi tử của hoàng đế đã coi như là hậu đãi rồi.

Nhưng Từ Yến Du rõ ràng là một người có kiêu ngạo, không làm được hoàng hậu thì cũng phải làm vương phi, ai thèm làm thiếp chứ! Chắc chắn cô ta đã hận ba chữ "con vợ lẽ" đến tận xương tủy rồi, làm sao chịu để con mình sau này cũng mang cái danh rách nát này được chứ?

Vì thế Từ Yến Du đổi mục tiêu từ Tứ hoàng tử sang Tam hoàng tử, hơn nữa sau khi gặp được Hạ Hầu Tuyên thì hoàn toàn kiên định với suy nghĩ này: Muội muội mặc nam trang đã tuấn mỹ nghịch thiên, vậy ca ca sẽ đẹp trai đến mức nào chứ? Chỉ dựa vào khuôn mặt này thôi, Từ Yến Du gả cho Tam hoàng tử chắc chắn sẽ không thiệt thòi! Hơn nữa tương lai ít nhất Hạ Hầu Trác sẽ trở thành Vương gia, sao cô ta lại không hài lòng với mối hôn nhân này được?

Mà chắc chắn cả Từ thừa tướng và Thụy phi đều vui vẻ nếu cuộc hôn nhân này thành công: Trước tiên phá hoại hôn sự đang dang dở của con gái Thụy phi, để con trai Thụy phi cưới người Từ gia bọn họ, sau này bè đảng Tam hoàng tử còn vùng dậy thế nào? Chỉ có thể cúi đầu quy phục bọn họ thôi.

Cứ vậy, Từ gia đạt thành "thống nhất trong ngoài"... nhưng rốt cuộc thì cáo già Từ thừa tướng vẫn lộ ra sơ hở. Ông ta ngàn vạn lần không thể nào ngờ được, trưởng tôn nữ nhà ông ta vẫn chưa xuất giá mà tay đã thò ra ngoài rồi.

Này cũng không hẳn, lần này Từ Yến Du tiến cung nhất định là để nói toàn bộ kế hoạch Từ thừa tướng muốn phá hoại thanh danh Hạ Hầu Tuyên, từ đó ảnh hưởng đến bè đảng Tam hoàng tử cho Thụy phi biết. Trong mắt Từ Yến Du, chỉ cần mẹ chồng và chồng tương lai chuẩn bị tốt, gả cô em chồng này ra ngoài kinh thành trước khi chiến sự bùng nổ thì có thể giảm ảnh hưởng hủy hoại thanh danh này xuống mức thấp nhất.

Bàn tính này tính cũng hay thật.

Vậy còn Thụy phi sẽ nghĩ gì về việc này? Hạ Hầu Tuyên viết xuống giấy ba chữ "Kỷ Ngạn Bình". Từ góc nhìn của Thụy phi, so với việc gả "chứng cứ phạm tội" của mình ra ngoài kinh xa xôi, giữ lại hậu họa khôn lường thì còn không bằng nhân cơ hội này ép Hạ Hầu Tuyên phải gả cho Kỷ Ngạn Bình! Còn về vấn đề thanh danh, Từ thừa tướng biết tạo dư luận, chẳng lẽ Kỷ gia bọn họ không biết sao? Còn phải chờ đến lúc đó mới biết!

Đương nhiên là Thụy phi tuyệt đối không thể nói nội tình này cho Từ Yến Du, vì vậy bèn tìm cái cớ "mẫu tử tình thâm": Tình nguyện để Kỷ gia mang tiếng ác để nửa đời sau của con gái cưng sẽ được sống hạnh phúc ấm no... Hạ Hầu Tuyên tưởng tượng ra biểu tình "hốc mắt đỏ ửng nhưng vẫn ra vẻ kiên cường" của Thụy phi lúc nói ra lời này, da gà da vịt nổi hết cả lên.

Nhưng Từ Yến Du lại hoàn toàn hiểu lầm, gấp lắm đó, sao có thể không gấp được? Từ lúc quyết định gả cho Tam hoàng tử, cô ta đã ngầm nảy sinh một dã tâm, tương lai phải dốc sức giúp đỡ trượng phu đoạt được ngôi vị hoàng đế, đợi bản thân trở thành hoàng hậu rồi sẽ giẫm bẹp cô cô dưới chân!

Tuy là Hạ Hầu Tuyên không biết Từ Yến Du có dã tâm lớn như vậy, nhưng hắn cũng vô cùng rõ ràng, Từ Yến Du nhất định sẽ không để trượng phu bị em chồng tương lai như hắn làm liên lụy. Huống chi, nếu Hạ Hầu Tuyên gả cho Kỷ Ngạn Bình, vậy hắn sẽ trở thành thê tử của đích trưởng tôn Kỷ gia, theo lẽ thường thì Thụy phi sẽ càng thêm yêu hắn thương hắn hơn con dâu như cô ta, có thứ gì tốt cũng nghĩ đến Hạ Hầu Tuyên trước... Như vậy làm sao Từ Yến Du có thể vui vẻ cho được?

Vì vậy, chuyện trước cửa cung vừa rồi là Từ Yến Du thật sự nghiêm túc chơi một màn "trạch đấu" với Hạ Hầu Tuyên.

Từ Yến Du làm sao ngờ được, chỉ bằng vài câu nói bâng quơ không rõ của mình, Hạ Hầu Tuyên nhạy cảm phi phàm đã suy đoán ra đủ loại mưu kế của Thụy phi và Từ thừa tướng chứ. Đối với Từ gia mà nói, Từ Yến Du chắc chắn là một kẻ gây họa; còn đối với Thụy phi mà nói, Từ Yến Du chắc chắn là một đồng đội heo!

Có lẽ Từ thừa tướng cũng không đoán được, cháu gái của mình lại chạy đến chỗ đối thủ báo tin; Thụy phi cũng sẽ không ngờ được, Từ Yến Du lại chơi trò trạch đấu với tên chuyên giả heo ăn thịt hổ như hắn... Thế này không phải tự đào hố chôn mình hay sao?!

Dĩ nhiên là Hạ Hầu Tuyên sẽ không "bán đứng" Từ Yến Du với Thụy phi hay với Từ thừa tướng. Hắn khá là... ừm, khá là vừa lòng với chị dâu tương lai này.

Qua một màn "chị dâu em chồng nói chuyện vui vẻ" vừa rồi để móc nối tất cả những việc này lại với nhau, mấy ngày kế tiếp ngày nào Hạ Hầu Tuyên cũng xuất cung tìm Tề Tĩnh An, không ngừng điều chỉnh lại kế hoạch của bọn họ, dẫn dắt dư luận kinh thành phát triển theo hướng có lợi cho bọn họ nhất. Nếu Đại Ngụy và Tây Man khai chiến thì chắc chắn không phải do công chúa từ chối hôn sự này hay là từ chối trả chút ít tiền thuế má, mà là bởi vì người Tây Man quá tham lam hung ác, Đại Ngụy phải xử lý bệnh nấm ngoài da này, nhất định phải áp chế hoàn toàn thì mới có thể bảo vệ biên cảnh, trấn an lòng dân!

Kết quả là, chỉ trong vài ngày, lúc các trọng thần trên triều đình đang nêu ra ý kiến của mình về quốc thư Tây Man thì trong ngoài kinh thành đã hò nhau xin đánh rồi.

Rất nhanh, sau khi Hoàng đế bệ hạ biết được tinh thần hừng hực khí thế của dân chúng đã quyết định khai chiến. Còn Từ thừa tướng thì sao? Từ thừa tướng thua một nước cờ này, hiện giờ muốn gán cho công chúa cái danh "hồng nhan họa thủy" đã không còn thích hợp nữa rồi. Dưới sự điều hướng dư luận của Tề Tĩnh An, dân chúng đã tưởng tượng ra cảnh con gái nhà mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh như công chúa. Nói tóm lại là lỗi của bọn cường đạo Tây Man, do bọn chúng muốn tới cướp bóc chứ liên quan gì đến công chúa xinh đẹp hay có tiền chứ?!

"Ngày mai ngươi đi đánh trống Đăng Văn diện thánh đi, dâng lên tám kế sách dẹp yên giặc Tây Man để đổi lấy chức vị xá nhân của thiên tử* chắc sẽ không thành vấn đề." Hạ Hầu Tuyên hạ một quân cờ xuống bàn cờ, vui sướng cười nói: "Tĩnh An, cuối cùng cũng giữ được ngươi ở lại rồi."

* Từ gốc là 天子舍人 (thiên tử xá nhân): thoạt đầu danh xưng này để chỉ người cầm đầu bọn tôi tớ nhà quý tộc, về sau được lập thành một chức quan. Tùy theo từng bộ, doanh hay thời kỳ khác nhau mà xá nhân có danh xưng, nhiệm vụ, cấp bậc khác nhau, chẳng hạn như Trung Thư Xá Nhân, Thái Tử Trung Xá Nhân, Thái Tử Xá Nhân, Khởi Cư Xá Nhân, Thông Sự Xá Nhân... Nói chung, xá nhân là viên quan phụ tá người đứng đầu một cơ quan. Nhan Sư Cổ giảng: "Xá nhân là tiếng gọi chung những người thân cận".

Link bài viết gốc: https://blog.phapthihoi.org/tu-dien-phat-giao/xa-nhan/

Xá nhân của thiên tử là một chức vị rất đặc biệt, không có phẩm cấp chức vụ gì, bình thường do Hàn lâm đại học sĩ hoặc là Thị lang các bộ đảm nhiệm, tương đương với "cố vấn" của hoàng đế. Nhưng trong lịch sử Đại Ngụy cũng từng có trường hợp đặc biệt là do ẩn sĩ có tài, thân phận trong sạch đảm nhiệm. Vì vậy Hạ Hầu Tuyên đã nhắm trúng chức vụ này cho Tề Tĩnh An, nhất định phải giành được nhân cơ hội này.

Tề Tĩnh An nhìn chằm chằm ngón tay xinh đẹp đang cầm lấy quân cờ của Hạ Hầu Tuyên mà ngây ngốc, một lát sau mới ho nhẹ một tiếng, nói: "Cáo già Từ Phụng kia thật sự không có ám chiêu sao?" Tề Tĩnh An vốn muốn dời đề tài, xua đi tâm tư ái muội chợt dâng lên trong lòng, không ngờ một lời này lại trúng phóc.

Trong lúc Hạ Hầu Tuyên và Tề Tĩnh An đang chuẩn bị thu lưới vớt cá, bên kia Hoàng đế và các đại thần đang tranh luận nên phái ai tới biên quan tác chiến, tính toán lương thảo, lập ra sách lược và vận chuyển vũ khí, thì kinh thành lại nhận được một phong thư cấp báo.

Quốc chủ Yến Quốc ở phía bắc nghe nói người Tây Man làm loạn biên giới Đại Ngụy, đồng cảm vì biên cảnh Yến Quốc cũng thường xuyên bị giặc Man quấy nhiễu, sẵn lòng cùng xuất binh đánh gọng kìm quân Tây Man với Đại Ngụy, loại bỏ hoàn toàn hậu họa về sau. Để biểu đạt thành ý, Quốc chủ Yến Quốc còn đặc biệt dâng sính lễ muốn lấy Trưởng công chúa Đại Ngụy làm phi, củng cố quan hệ ngoại giao của hai nước, càng tăng thêm niềm tin có thể thắng lợi vào trận chiến này.

"Không hổ là lão cáo già, hóa ra còn giữ lại một chiêu này..."

Tác giả có lời muốn nói:

#não bổ ra kịch bản máu chó#

#giả sử có một tra công họ Lư [ơ có gì đó không đúng]#

Mở đầu truyện này vẫn không thay đổi nhiều, công chúa và Tiểu Tề tương thân tương ái, Lư tú tài thích em gái Tú Di... Kết quả bởi vì sai lầm rất máu chó hoặc là Tiểu Tề không chịu cúi đầu cưới công chúa (ê ê nè!!)...

Nói tóm lại là cuối cùng công chúa sẽ gả cho Lư tú tài, hai em gái hầu hạ cũng đi theo. Sau đó tất nhiên là Lư tú tài sẽ phát hiện ra bí mật của công chúa, bởi vì hắn rất cặn bã nên đã lấy bí mật này uy hiếp công chúa và hai em gái, cuối cùng thành công lật đổ ba người họ =_= Sau đó sẽ bắt đầu ngược đủ kiểu, trở mặt thành thù, yêu hận dây dưa, tôi tới cậu đi, tình yêu tứ giác, cầu mà không được, có được nhưng không biết quý trọng,... các kiểu các thứ.

Trong quá trình đó còn có thêm sự tham gia của nam phụ Tiểu Tề → Người trong lòng gả cho bạn thân nhất, kết quả bạn thân lại không đối xử tốt với cô (anh) ấy, thật sự làm người ta sầu não...

Cuối cùng của cuối cùng, nếu không phải tra nam chết thì là nam phụ chết; không phải công chúa chết cũng là nữ phụ chết; không phải tra-tiện HE thì là nam phụ trở thành nam chính ~ Dù sao cũng sẽ là nhịp văn này, quả nhiên là bộ truyện vô-cùng-ngược =v=

A Nguyệt (tác giả) cười mãn nguyện: Có phải mọi người nên vỗ tay cho một màn não bổ vừa rồi của tui hong dạ? ~

Lư tú tài: Phá hỏng thanh danh của tui, tui cắn chết chị! (╰_╯)#

Tiểu Tề: Tui rất nhân từ, vẫn là cho chị chết cháy đi ╮(╯_╰)╭

Công chúa cười mà không nói, biểu tình tà mị, công khí ngời ngời~!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top