Chương 10: Hiểu lầm
Edit: Nananiwe
Tề Tĩnh An cảm thấy vô cùng ngoài ý muốn. Tuy là trong đám thí sinh này biểu hiện của y cũng được coi là nổi bật, nhưng dù nổi bật thế nào cũng chắc chắn chưa đạt đến tiêu chuẩn được gặp mặt riêng Hoàng đế mới phải chứ? Phải biết là rất nhiều quan lại có phẩm cấp thấp có khi cả đời còn không được gặp hoàng đế vài lần, cho dù có may mắn được diện kiến thánh nhan thì cũng là đứng cách rất xa mà nhìn, ngay cả mặt mũi hoàng đế thế nào cũng chưa thấy rõ chứ đừng nói đến việc gặp mặt riêng ở Ngự thư phòng. Chỉ có quan Nhất phẩm và Nhị phẩm mới có đãi ngộ này thôi... Một tên nhóc không quan không chức như y dựa vào cái gì mà được như vậy chứ?
Tạm thời không hiểu rõ vấn đề này, Tề Tĩnh An cũng không nghĩ nhiều, dù sao thì ngoài việc tùy cơ ứng biến y cũng chưa nghĩ ra cách nào tốt hơn cả.
Tề Tĩnh An được thái giám dẫn đi, nhìn hành lang không chớp mắt, lúc bước qua bậc cửa Ngự thư phòng y đã hoàn toàn bình tâm trở lại. Tề Tĩnh An vô cùng nghiêm túc vấn an, thái độ không qua loa tùy tiện, động tác không sai không chệch một li. Đến khi nghe được hai từ "Miễn lễ" mới đứng thẳng lưng, đầu vẫn hơi cúi xuống như trước, tầm mắt dừng lại trên ngự án hoa mỹ rộng rãi trước mặt, cũng không ngẩng đầu lên nhìn thẳng Hoàng đế để tránh mạo phạm phải chịu tội oan.
Thấy Tề Tĩnh An hiểu lễ nghĩa như vậy, Hoàng đế âm thầm gật đầu, ngữ khí có chút ôn hòa: "Chàng trai trẻ à, không cần câu nệ, đến gần một chút để trẫm nhìn ngươi cẩn thận." Nói xong còn phất phất tay ám chỉ vài phần thân thiết.
Tề Tĩnh An càng không hiểu ra sao cả, nhưng Hoàng đế có lệnh tất nhiên y phải nghe theo, vì vậy bắt đầu cất bước, trấn định đi về phía trước. Diện tích của Ngự thư phòng không nhỏ, Tề Tĩnh An đi bảy tám bước mới từ gần cửa vào đến giữa phòng, còn cách ngự án năm sáu bước nữa. Ngay lúc này, khóe mắt Tề Tĩnh An thoáng nhìn thấy động tác bí mật nâng tay lên của lão thái giám cạnh bàn, y hiểu ý dừng bước, yên lặng đợi chỉ thị tiếp theo của Hoàng đế.
Ngự thư phòng an tĩnh hồi lâu Hoàng đế mới mở miệng lần nữa: "Tốt, tốt lắm, quả nhiên là một mầm non tốt, ngọc thụ lâm phong, gặp chuyện cũng không kinh hoảng... Đứa trẻ ngoan, nhà ngươi còn có những người nào?"
Tuy là rất mờ mịt nhưng suy nghĩ của Tề Tĩnh An vẫn rất rõ ràng. Trước tiên y nhấn mạnh việc cảm ơn Hoàng đế đã quan tâm, biểu đạt tâm tình thụ sủng nhược kinh của mình, sau đó dùng từ ngữ ngắn gọn thuật lại tình hình thực tế nhà mình: Tình hình gia đình y rất đơn giản, cha mẹ mất sớm, không có huynh đệ tỷ muội, họ hàng thân thích có huyết thống chỉ còn một gia đình thúc thúc, nhưng đã nhiều năm rồi chưa từng liên lạc, thật sự có thể dùng một câu "cả nhà chỉ còn lại một mình y" để nói với Hoàng đế.
Hoàng đế nghe vậy càng vừa lòng, bởi vì với xuất thân như Tề Tĩnh An, chỉ cần có tài năng thực sự thì chắc chắn là chàng rể hiền mà hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc trong kinh thành tranh đoạt vỡ đầu. Đừng tưởng là nhóm quý nữ trong kinh thành bắt buộc phải gả cho người môn đăng hộ đối, trên thực tế thì có không ít thế gia quý tộc giữ thái độ vô cùng thận trọng trong việc liên hôn, tránh cho không cẩn thận sẽ gặp rắc rối. Vì thế "bắt con rể" trở thành một chuyện vô cùng bình thường. So với việc gả khuê nữ nhà mình vào hoàng thất hoặc là danh môn quý tộc một đống quy củ một đống phiền toái thì chọn một người chồng mềm yếu dễ nắm trong lòng bàn tay còn tránh được nhiều hậu họa về sau hơn.
Hơn nữa, đối với Hoàng đế mà nói, điều làm ông phiền lòng hiện giờ là các thế lực dây mơ rễ má trong triều, bỗng nhiên biết được gia thế bối cảnh của Tề Tĩnh An đơn giản như vậy làm ông cảm thấy "trong lòng sảng khoái" hơn rất nhiều: Nếu tên nhóc này có thể xứng đôi với viên ngọc quý nhà ông thì chọn y làm phò mã cũng không gì là không thể; nếu không xứng thì tôi luyện thêm vài năm thế nào cũng có thể làm thần tử của Đế đảng thôi, tóm lại kiểu gì cũng đều "rất hữu dụng".
Vì thế, sau đó tất nhiên Hoàng đế bệ hạ sẽ tiến hành bước tiếp theo, tỉ mỉ quan sát và khảo nghiệm tài năng của Tề Tĩnh An. Màn chính cuối cùng cũng bắt đầu, Tề Tĩnh An thầm thở phào nhẹ nhõm: Đây mới chính xác là "một mình đối đáp trước mặt Hoàng đế" đúng không? Thế cái màn hỏi thăm "chuyện nhà" vừa rồi rốt cuộc là thế nào vậy?!
Lúc Hoàng đế rốt cuộc cũng dẫn dắt đến "phần chính" của ngày hôm nay cũng là lúc Tề Tĩnh An có cơ hội thi triển tài hoa của mình. Sự thật chứng minh, "năng lực biểu hiện" của y quả thật bất phàm.
Bởi vì Hoàng đế chỉ nổi hứng nhất thời mà triệu Tề Tĩnh An đến nên cũng không chuẩn bị trước câu hỏi. Vốn ông muốn hỏi một ít vấn đề uyên thâm, nhưng lúc mở miệng lại phát hiện trong đầu trống rỗng không có gì, vì thế chỉ đành lấy đề thi đã định sẵn của hôm qua ra để "chữa cháy"... Nhưng nếu như vậy thì hứng thú nói chuyện phiếm của Hoàng đế cũng giảm đi nhiều rồi.
Ai mà ngờ tiểu tử Tề Tĩnh An này lại thật sự thông minh, trước tiên y dùng ngôn từ thuật lại những điểm quan trọng trong đáp án của mình một lượt, sau đó "thuận nước đẩy thuyền" khen ngợi trình độ ra đề của Hoàng đế bệ hạ, rồi lại uyển chuyển chỉ ra đề thi khoa cử hiện nay có hơi xa rời thực tế, vì vậy đề tài cứ thế bị dẫn dắt theo một hướng khác.
Hứng thú của Hoàng đế bệ hạ lập tức được khơi lên, vì đề tài này gãi đúng chỗ ngứa của ông: Xưa nay Hoàng đế ghét nhất đám đại thần nói chuyện còn trích dẫn kinh sử gì đó ra trước mặt mình, nhưng bản thân lại không thể tùy ý cáu giận, nếu không chắc chắn sẽ bị ngầm mỉa mai là "không có văn hóa", thật sự là nghẹn khuất nhiều lắm rồi!
Cho đến tận hôm nay Hoàng đế bệ hạ mới tìm được an ủi nơi Tề Tĩnh An: Hóa ra vấn đề không nằm ở chỗ ông, cũng không thể trách ông "không có văn hóa", mà phải trách những đại thần kia "quá có văn hóa". Ngẫm lại thấy cũng đúng, các đại thần đều được lựa chọn thông qua khoa cử, mà vốn đề thi khoa cử đã lòng vòng, sao bọn họ lại không vòng vo tam quốc được chứ? Nhưng theo lời của Tề Tĩnh An, nói gì làm gì cũng phải trích dẫn này nọ chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề, ngược lại còn lãng phí rất nhiều thời gian và tinh lực. Hoàng đế cảm thấy tiểu tử này nói cực kỳ đúng! Ngoại trừ làm ông phiền lòng ra thì nó chẳng có một chút tác dụng nào cả!
Nghĩ như vậy, Hoàng đế càng nhìn càng thấy Tề Tĩnh An vừa mắt, chẳng những "thấu tình đạt lý" mà ngay cả suy nghĩ cũng giống ông.
Hơn nữa, so với các đại thần luôn nói dông dài thì cách nói chuyện của Tề Tĩnh An làm Hoàng đế bệ hạ thoải mái hơn rất nhiều, phảng phất như có dòng nước trong lành chảy qua trái tim ông: Thiếu niên kể chuyện rất sinh động thú vị, cho dù là nịnh nọt cũng không theo khuôn mẫu cũ, nghe vào rất chân thành đáng tin cậy. Vì vậy hai người càng nói càng hăng, đề tài cũng mở rộng không ngừng, từ phong tình đến mỹ thực, quốc gia đại sự đến thiên văn địa lý. Mãi cho đến khi mặt trời ngả về tây, "bụng rồng" của hoàng đế lần đầu tiên kêu ục ục rồi gọi bữa tối thì cuộc trò chuyện này mới kết thúc trong sự luyến tiếc không nỡ.
"Tĩnh An à, ngươi tài đức vẹn toàn, hiểu sâu biết rộng, hôm nay gặp được làm lòng trẫm được an ủi hơn rất nhiều." Hoàng đế bệ hạ vui mừng vuốt chòm râu ngắn. Trải qua gần một buổi chiều giao lưu, xưng hô của Hoàng đế với Tề Tĩnh An từ "chàng trai trẻ" đến "đứa trẻ ngoan", bây giờ đã thân thiết đến mức gọi thẳng tên, có thể thấy ông vừa ý Tề Tĩnh An đến mức nào.
Nghĩ nghĩ, Hoàng đế lại bổ sung thêm: "Ánh mắt của con ta quả nhiên không tồi."
Tề Tĩnh An cúi người hành lễ, vô cùng lưu loát đáp lời: "Được bệ hạ khen ngợi, Tĩnh An thẹn không dám nhận. Hôm nay được ơn trời ban tất sẽ ghi nhớ mãi trong lòng, nguyện giãi bày tâm sự, một lòng báo quốc." Tuy là bên ngoài không lộ ra biểu tình gì khác thường nhưng trong lòng Tề Tĩnh An vô cùng nghi hoặc: Màn "một mình đối đáp trước mặt Hoàng đế" này ngay từ đầu đã làm y khó hiểu không thôi, hơn nữa vừa rồi Hoàng đế mới nói gì? Ông nói "ánh mắt của con ta không tồi" đấy!
Không khỏi quá mức kỳ quái!
Quan hệ giữa hoàng đế và hoàng tử mãi mãi luôn là quân-thần trước, sau đó mới đến phụ-tử. Đúng là hoàng tử có thể tiến cử người tài, nhưng đa phần vẫn luôn tránh tị hiềm. Hoàng đế không coi trọng thì thôi, nhưng nếu hoàng đế coi trọng nhân tài ấy, lại có ý muốn trọng dụng thì sao có thể vui sướng thân thiết với người được tiến cử như vậy? Một thần tử không có chuyện theo hai chủ đâu!
Đó là công tác chuẩn bị Tề Tĩnh An đã tự nhắc nhở mình trước khi lấy lòng Hoàng đế: Sau hôm nay e rằng y phải tỏ ra xa lạ với "Tam điện hạ" thêm vài phần, tuy rằng như vậy y cũng khó chịu vô cùng, nhưng để Hoàng đế càng thêm tin tưởng mình thì đây là việc nhất thiết phải làm. Muốn đứng vững gót chân trong triều đình để thực sự giúp đỡ "Tam điện hạ" hoàn thành đại sự thì nhất định phải biết "nhẫn", nhất định "Tam điện hạ" cũng hiểu được đạo lý này, y tin rằng tình cảm và sự ăn ý của hai người cũng sẽ không vì vậy mà phai nhạt.
Nhưng Hoàng đế cứ thế mà nhắc đến "Tam điện hạ" sao? Tề Tĩnh An thật sự không thể lý giải được cha của người trong lòng đang nghĩ gì, vì vậy trả lời một câu rất quy củ, căn bản không dám nhắc tới hai chữ "điện hạ" để tránh làm Hoàng đế hoài nghi, như vậy thật sự là mất cả chì lẫn chài.
Ai ngờ Hoàng đế bệ hạ đột nhiên thở dài: "Có điều Tĩnh An ngươi hiện giờ không quan không chức, chung quy vẫn không hợp lẽ... Nếu không thì thế này đi, trước hết ngươi cứ rèn luyện một hai năm đã, trong kinh hay ngoài kinh thành cũng được, cứ làm ra một chút thành tựu rồi chúng ta lại đề cập đến chuyện này... Lập nghiệp rồi mới lập gia đình, dù sao thì con ta cũng đợi được."
Tuy rằng Hoàng đế rất thưởng thức Tề Tĩnh An, nhưng ông tuyệt đối không thể hạ chỉ tứ hôn cho con gái ngay lập tức được: Thứ nhất là không nỡ mất một "thư ký tốt" lại tri kỷ như Hạ Hầu Tuyên, thứ hai là thân phận của Tề Tĩnh An quả thật không xứng! Vẫn còn kém quá xa!
Cho dù là "bắt con rể" thì những người được bắt cũng là tiến sĩ. Nhưng Tề Tĩnh An thì có thân phận gì? Nói dễ nghe thì là "tú tài", nói khó nghe hơn thì là "nhà nho nghèo".
Theo như tập tục của Đại Ngụy, nghĩa của từ "tú tài" rất rộng. Hễ là người đọc sách đều có thể được gọi kính trọng với cái tên tú tài, nhưng nếu không muốn kính trọng thì sẽ gọi là "nhà nho nghèo", thật ra ý nghĩa cũng không khác nhau lắm. Có điều, nghĩa gốc của từ tú tài là chỉ những thí sinh được chọn lựa thông qua phủ viện, Tề Tĩnh An chính là loại tú tài này. Tú tài như y cùng lắm thì được miễn "đi lao dịch", ví dụ như sông lớn bị vỡ đê cần nhiều người để sửa chữa, có thân phận tú tài thì ít nhất sẽ không bị bắt tới khiêng bao cát thôi. Trừ cái đó ra thì không khác dân chúng bình thường là bao.
Mà tú tài tiến thêm một bước, thông qua cử thí trở thành cử tử, sau đó có thể lên kinh thành tham gia thi cử. Giống như Lư Tiềm vậy, thật ra phải gọi là "Lư cử tử", nhưng không ai gọi như vậy cả, vì thế vẫn dùng tú tài để gọi. Cho dù là tú tài hay cử tử thì trước khi thi lên tiến sĩ đều là dân thường không có chức vị, bị ngươi ta mắng thì sẽ mắng là nhà nho nghèo. Thân phận như vậy ngay cả cung nữ cũng không thèm để ý, huống chi là công chúa?!
Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, tú tài Tề Tĩnh An này chung quy vẫn không giống người thường, bởi vì đúng thật là y được Trưởng công chúa coi trọng. Mỗi khi nhớ lại biểu tình thiếu nữ e lệ của con gái cưng, Hoàng đế bệ hạ lại nhịn không được vui mừng, tươi cười cảm khái: Con gái thật sự đã lớn rồi...
Nhưng bất luận là thế nào, Hoàng đế bệ hạ cũng sẽ không để chuyện xưa trong thoại bản như "Trưởng công chúa gả cho nhà nho nghèo" xảy ra được: Phàm là người làm cha thì không ai chịu được chuyện thế này xảy ra với con gái nhà mình cả.
Nếu Hạ Hầu Tuyên chỉ là một công chúa không được yêu thương thì gả xuống thấp một chút như vậy còn coi được. Nhưng hắn đường đường là trưởng công chúa, phải là con gái trưởng cực kỳ được yêu thương chiều chuộng mới có được phong hào "Trưởng công chúa" này, nếu không cũng chỉ có thể chờ đến khi trở thành tỷ muội với hoàng đế thì mới có thể thăng chức. Nếu không có điềm lành "long phượng trình tường" thì đúng thật cái danh hiệu này sẽ không rơi lên đầu Hạ Hầu Tuyên. Bởi vậy nghĩ cũng biết là có bao nhiêu ánh mắt đang nhìn chằm chằm Hạ Hầu Tuyên, hôn sự của hắn làm sao tùy tiện như vậy được?
Vì thế Hoàng đế muốn kéo dài thêm một thời gian nữa, huống chi công chúa hai mươi tuổi xuất giá cũng không coi là muộn, cần gì phải gấp gáp như vậy? Con rể phải chậm rãi lựa chọn mới chọn ra được người tốt nhất.
Bên này Hoàng đế bệ hạ đã tính toán hết thảy, chỉ đang chờ Tề Tĩnh An cung kính đáp lại như trước; bên kia Tề Tĩnh An lại hoàn toàn ngây dại, hai mắt mở to đến mức suýt rớt ra ngoài.
Cho dù y có trì độn không nhạy bén đến mức nào đi nữa thì cũng phản ứng được, "con ta" trong miệng Hoàng đế vốn không thể nào là "Tam điện hạ" được. Huống chi Tề Tĩnh An lại không đến mức trì trệ như vậy, nháy mắt đã suy nghĩ rõ ràng những chuyện xảy ra hôm nay rốt cuộc là thế nào. Hóa ra "Tam điện hạ" muốn y trở thành em rể! Hóa ra Hoàng đế cố ý triệu một mình y vào gặp chính là muốn chọn y làm con rể! Thế mà hôm nay y còn biểu hiện xuất sắc như vậy!
Trong lúc nhất thời, Tề Tĩnh An hoảng sợ đến mức muốn nổ tung, mồ hôi lạnh chảy từng chút một thấm ướt đẫm lưng, bắp chân cũng run rẩy, lồng ngực co rút đau đớn...
"Làm sao vậy?" Bởi vì Tề Tĩnh An cúi đầu hơi thấp nên Hoàng đế cũng không thấy được biểu tình vặn vẹo của y, chỉ là thấy Tề Tĩnh An không phản ứng nên mới nghi hoặc hỏi: "Chàng trai trẻ à, không phải một hai năm này ngươi cũng sợ dài đấy chứ?"
Tề Tĩnh An lập tức quỳ xuống, giọng nói run run: "Long ân của bệ hạ Tĩnh An khó lòng báo đáp, chỉ mong hiện tại lập tức xuất kinh, tới biên cương làm một tên lính quèn cúc cung tận tụy, hết lòng phục vụ đất nước, có chết cũng không chối từ!"
Tác giả có lời muốn nói:
Không biết vì sao viết đến cuối trong đầu tui bỗng nhiên hiện ra một tiêu đề《Công chúa bá đạo: Phò mã, em đừng có nghĩ đến việc ôm con bỏ chạy*!》
Tui có nên theo ý trời mà cho câu này vào văn án không nhỉ 23333333333333 (trong diễn đàn thì đây là biểu cảm cười)
Tề Tiểu An: Em không có ôm con... Không đúng, sai trọng điểm rồi! Tui không muốn lấy em gái của người trong lòng đâu! ← đây mới là trọng điểm ~
* Câu gốc là 带球跑, mình tra baidu thì đây là ngôn ngữ mạng. Trong tiểu thuyết ngôn tình, nữ chính có thai, có thể vì một số hiểu lầm mà bỏ nam chính, nhưng thay vì ở lại sinh con thì cô lại trốn đi với sinh linh bé bỏng trong bụng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top