Đoản Văn 1

Trong thế gian có nhiều chuyện tình đẹp, nhưng đam mê nhất, ngọt ngào nhất mà cũng cay đắng nhất có lẽ phải kể tới câu chuyện trà sữa Sao trên phố.

Quang quen Nghĩa cũng là cái duyên trời định. Chiều hôm ấy, mưa giăng lưới trắng xối xả trời đất, shipper cũng nghỉ hết, nên Nghĩa phải đích thân lặn lội đường ướt, chỉ để ship bằng được cốc trà sữa đặc biệt cho một vị khách lạ.

Chiếc áo mưa giấy mỏng tanh không đủ chắn bụi trời quất xuống tới tấp, nên khi đưa được cốc trà sữa tới tay Quang cũng là lúc Nghĩa ướt nhẹp như chuột lột. Nhìn Nghĩa như vậy, Quang vừa thương vừa áy náy, bèn kéo vội vào nhà đợi mưa tạnh.


Kể từ lúc đó, tình yêu giữa hai đứa nảy mầm một cách nhẹ nhàng và đầy tinh khôi, như màu áo trắng Nghĩa mặc dưới mưa hôm ấy vậy. Ánh mắt hồn nhiên và nụ cười trong sáng của Nghĩa khi đưa cốc trà sữa tận tay Quang, anh sẽ nhớ mãi tới suốt cuộc đời.

Trong câu chuyện tình yêu của Quang và Nghĩa, hiển nhiên không thể vắng bóng cốc trà sữa đầu tiên đó. Đây là loại trà sữa đặc biệt, được chính tay Nghĩa pha chế từ nước nho đen, thêm chút tonic và chanh leo.

Nghĩa đặt tên cho nó là Sao trên phố, vì những hạt chanh leo vàng óng ánh nổi giữa nền đen của nước nho nhìn tựa như sao lấp lánh trên bầu trời đêm sâu thẳm vậy.

Sau buổi đầu tiên ấy, ngày nào Quang cũng qua quán Nghĩa để uống Sao trên phố. Nhiều khi bận không tới được thì chính Nghĩa sẽ tự tay ship đến cho anh, rồi tranh thủ đòi phí ship bằng một cái ôm hay nụ hôn ngọt lịm trên môi.


Cuộc hẹn hò nào của Quang và Nghĩa cũng có sự hiện diện của Sao trên phố. Nó theo chân đôi trẻ đi từ ghế đá công viên tới bãi biển đầy cát, từ góc bằng lăng tím biếc tới ven đồi ngập tràn hoa dại, từ ánh đèn đường lành lạnh tới chiếc gối ôm ấp áp, để chia sẻ cùng họ mọi câu chuyện của tuổi biết yêu.

Không thể đếm được xem Quang đã uống bao nhiêu cốc trà sữa rồi. Chỉ biết rằng, anh sẽ còn uống nếu còn yêu Nghĩa, giống như anh từng nói với Nghĩa: “Anh uống trà sữa vì muốn được yêu em, bên em, trở thành chỗ dựa cho em và trao tặng em mọi thứ. Ngắm nhìn cốc trà sữa ấy cũng hạnh phúc như ngắm nhìn em vậy. Và mỗi khi nhìn vào nó, anh lại nhận ra rằng, bất cứ ai, bất cứ hồi ức nào cũng chẳng thể quý giá hơn em”.


Yêu tha thiết là thế, nhưng Quang và Nghĩa lại không được sự đồng ý của gia đình, đặc biệt với cô Xuân, mẹ Nghĩa. Là một giáo viên thuộc thế hệ cũ, cô không thể chấp nhận được chuyện này. Với cô, đồng tính là thứ bệnh hoạn không thể dính vào, nhất là Nghĩa, niềm tự hào của gia đình cô. Cô tuyên bố thẳng, dù phải tốn kém và lâu dài thế nào cũng phải chữa khỏi bằng được cho Nghĩa.

Đồng nghĩa với việc đó, cô Xuân liên tục cấm đoán và gây khó dễ với Quang, cấm không cho anh gặp Nghĩa. Thậm chí, cô còn thuê cả xã hội đen tới dọa dẫm Quang, rồi gọi bố mẹ tới nói chuyện đủ điều.

Điều này khiến cả Quang và Nghĩa đều vô cùng mệt mỏi, đau khổ. Nhưng họ không hề chán nản. Những lúc giận hờn hay trong cơn sóng gió, họ vẫn trao cho nhau cốc trà sữa, dùng vị ngọt của nó để xoa dịu cơn đau và cùng nắm tay bước tiếp.


Nghĩa từng nói với Quang rằng: “Đấu tranh để bảo vệ tình yêu không phải cách tốt nhất. Chúng ta nên sống tốt để mọi người hiểu được thôi”. Cứ như vậy, Quang và Nghĩa học cách gạt khó khăn sang một bên để phấn đấu vươn lên, khiến mọi người phải công nhận mình.

Kết quả, Nghĩa đã tốt nghiệp loại giỏi và giành được một suất học bổng du học toàn phần cho chương trình cao học tại Anh, còn Quang vừa lên chức trưởng phòng ở một công ty lớn, lại vừa phát triển được chuỗi cửa hàng trà sữa thay Nghĩa.

Bằng thành công đó, Quang và Nghĩa đã thuyết phục được gia đình rằng, tình yêu giúp họ sống tốt hơn và thành đạt không kém gì những người khác. Dù đồng tính, nhưng hai đứa vẫn trở thành niềm tự hào của gia đình và đang sống rất lành mạnh, có ích cho đời.

Mưa dầm thấm lâu, lòng người không phải sắt đá, trước sự thành đạt của Quang và Nghĩa, cô Xuân cuối cùng cũng mở lòng chấp nhận hai đứa. Tối hôm đó, cô gọi Nghĩa đến và nói: “Mẹ không hẳn đã vui. Trong thâm tâm, mẹ vẫn muốn được dựng vợ cho con. Nhưng giờ thì mẹ đã hiểu được phần nào rồi. Mẹ xin lỗi vì những gì đã làm với hai đứa! Thôi thì, hai đứa cứ tiếp tục như vậy cũng được”.


Trời ơi! Chuyện này là thật sao? Mẹ đã đồng ý? Chúng con đã được yêu như bao người khác rồi sao? Biết bao câu hỏi đan xen trong sự vui sướng không tả xiết của Nghĩa. Sau trăm ngàn nước mắt, cay đắng, tủi nhục và khó khăn đày đọa, cuối cùng thì giấc mơ của hai đứa đã thành hiện thực rồi. Quá mừng rỡ, Nghĩa vội lấy xe phóng tới nhà Quang để thông báo cho anh và rủ anh mua hoa tặng mẹ, không quên cầm theo hai cốc trà sữa Sao trên phố.

Nhưng, sự phấn khích quá mức đã khiến Nghĩa đi nhanh hơn tốc độ thông thường. Đến đoạn cầu vượt Nguyễn Tri Phương, cậu bị một chiếc xe khác giành đường. Tiếng còi ré lên đột ngột với âm lượng lớn khiến Nghĩa giật mình loạng choạng tay lái và ngã xuống đường. Đúng lúc đó, một chiếc ô tô tải đi tới…


Một vệt máu dài loang lổ trên vệ đường, tràn cả vào cốc trà sữa còn đang ướt hơi đá. Đôi tay em run rẩy rồi lạnh dần. Mắt em vẫn mở để tìm kiếm anh nhưng không thấy. Bụi trời đổ ụp xuống giữa lúc nắng khuya đang lên như khóc thương cho vụ tai nạn giao thông nghiệt ngã này. Hoa tặng mẹ chưa kịp, trà sữa gửi anh chưa đưa, mà em đã phải vội về nơi xa lắm, giữa lúc thanh xuân còn đang đong đầy.

Vụ tai nạn trên cầu vượt Nguyễn Tri Phương đêm ấy đã gây ám ảnh và lấy nước mắt của biết bao người qua đường. Suốt nhiều giờ, người ta chỉ nghe thấy tiếng gào khóc thảm thiết của người mẹ đang ôm xác con vật vã nơi vệ đường, đứng bên cạnh là một chàng trai khác đang chết lặng với ánh mắt vô hồn. Ai cũng xót thương cho cậu thanh niên đó, tóc còn đen và môi còn đỏ như thế mà đã phải rời xa bạn bè, gia đình để tới một nơi lạnh lẽo, đơn độc, chỉ vì một tiếng còi thiếu ý thức.


Kể từ ngày tiếng còi ác nghiệt ấy réo tên tử thần, Quang không rơi một giọt nước mắt nào. Anh chưa từng nghĩ người yêu mình đã ra đi. Đêm hôm đó, việc duy nhất anh làm là lượm lại hai cốc trà sữa lăn lóc trên đường, bên trong vẫn còn sót lại vài hạt chanh leo lẫn vào máu của Nghĩa.

Quang đem hai cốc trà sữa đó về, đặt thêm ít đất vào rồi để gần cửa sổ nơi phòng ngủ. Vài ngày sau, những hạt chanh leo đột nhiên nảy mầm một cách lạ kì. Đến giờ, chúng đã phủ xanh mướt cả ban công nhà Quang và nở hoa trắng muốt. Sự sống sẽ vẫn luôn tiếp nối cái chết để cuộc đời được xanh màu tươi đẹp.

Nhạc sĩ Phạm Trần Phương là người trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn hôm đó, trên đường đi làm về. Nỗi ám ảnh về vụ tai nạn giao thông và câu chuyện tình bi đát đã thôi thúc anh viết nên ca khúc Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

“Nỗi ám ảnh về tiếng còi ác nghiệt và thân thể chàng thanh niên nằm xuống đã thôi thúc tôi viết ca khúc này” – Phạm Trần Phương chia sẻ.

Nhạc sĩ Phạm Trần Phương

Với nội dung sâu sắc để cảnh tỉnh ý thức tham gia giao thông của người Việt, đặc biệt là việc nhấn còi bừa bãi gây đến hậu quả khôn lường, ca khúc mới này của Phạm Trần Phương đã được chọn đồng hành cùng chiến dịch K0 Còi của hãng xe Ford.

“Tiếng ai khóc nơi vệ đường
Có tiếng ai đang kêu gào thảm thương
Bóng ai lay lắt nơi lề đường
Thân xác tan, trên vệt máu dài loang
Chiếc xe đã vỡ vụn, thân xác đã vỡ vụn, người đi xa
Tóc ai còn xanh quá, giấc mơ còn dang dở
Chia tay về với trời...”


Bài hát Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh

Mỗi sáng thức dậy, Quang đều ra ban công cắt tỉa và tưới nước cho dàn chanh leo, nâng niu từng chút một. Đi đâu anh cũng dặn mọi người rằng: ĐỪNG NHANH MỘT PHÚT ĐỂ MẤT NHAU CẢ ĐỜI.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top