Ngày 5 tháng 11 (END)

Sáng nay năm giờ sáng tôi dậy, mãi tới năm giờ năm mươi điện thoại mới đổ chuông báo thức. Sáng nay cả nhà tôi ăn sớm – ăn sáng bằng một ly ngũ cốc màu xám, đặc sệt và rạo rạo như cát trộn xi măng với nước. Kì thực món ấy mà không pha thêm nước thì khó nuốt lắm, tuy nhiên ưu điểm của nó là rất giàu năng lượng trong ấy, có thể ăn thay thế những thức ăn thông thường khác và cơ thể hấp thụ ngũ cốc này rất nhanh, nên có thể ăn vội được.

Sáu giờ hai mươi, tôi thay thành cái áo sơ mi kẻ sọc vuông với hai màu xanh đậm khác nhau, mấy cái áo cũ nhét lại vào trong ba lô. Như thế đã là đủ lịch sự để đi lễ và ăn tiệc.

Sáu giờ bốn mươi, tôi cất máy tính, bộ sạc máy tính và dây sạc điện thoại vào túi, mang lên xe nhà để, trong khi tôi ngồi xe chú Đại, thẳng tiến đến nhà anh Viên.

Đến nơi, họ hàng quan khách gần như tập trung đầy đủ trên vỉa hè cạnh hai chiếc xe màu đen đỗ vuông góc. Nguyên cái khu đấy như tràn ngập một niềm vui lớn. Các cô và cháu họ của tôi mặc áo dài, riêng các cháu nhỏ thì nhìn nó mặc áo dài có tà trong suốt, quần hơi tụt xuống khiến nhiều lúc quần của đứa mập nhất mà tụt xuống thật thì chắc chắn người đầu tiên cười sằng sặc chính là tôi.

Nhân vật xuất hiện sau cùng trong gian nhà rộng rãi ấy chính là anh Văn. Hôm qua tôi không thấy anh đâu cả, bây giờ mới thấy ảnh trong bộ vest đen với áo sơ mi màu trắng với những đường sọc mỏng màu xanh đậm.

Anh Viên, cũng mặc bộ vest đen và áo sơ mi trắng, trên ngực phải cài một bông hoa màu hồng sáng. Anh đang sửa soạn lần cuối trên chiếc xe của mình, bằng cách chỉnh sửa những dải băng quấn lại thành bông gắn trên xe. Nếu nói về những cái bông trên xe này, thì tác giả của chúng chỉ có thể là hai cô chị của tôi thôi, vì con gái khéo tay và giỏi làm thủ công, đặc biệt hơn là chị Na còn có khiếu thẩm mĩ rất cao nữa. Mà nhắc tới chị Na thì, cũng giống như anh Văn là người xuất hiện cuối cùng trong căn nhà đó, chị ấy đã có mặt, nhưng lại mặc đồ ở nhà.

"Đẹp trai nha," chị khen bộ đồ của tôi, "Với lại em nó cạo râu rồi kìa!"

Đúng thế, tôi đã cạo râu một hai ngày trước khi tôi rời Đà Lạt. Hiện giờ nó chưa mọc, nên mọi người có thể thấy gương mặt tôi trẻ hẳn so với lúc còn để râu.

Tám giờ kém. Mẹ tôi định cho tôi ở lại với hai chị vì sắp tới là tai tôi sẽ phải tiếp nhận toàn là chuyện trên trời dưới đất, nhưng tôi và bố không đồng ý. Nghĩa là tôi vẫn ngồi chung xe với bố mẹ và họ hàng. Chú Đại phải lên xe vì công chuyện – đồng ý là công việc của chú lúc nào cũng nhiều, nhiều đến nỗi có khả năng lấn át cả ngày chủ nhật – nên tôi không thể theo chú được.

Tám giờ đúng.

Tôi ngồi trên chiếc xe bảy chỗ màu bạc, hàng ghế sau cùng cùng với anh Vũ, chị Hà, cô Tịnh và bố mẹ. Xe bắt đầu khởi hành qua khúc gầm cầu, đi qua con đường đã đặt biển cấm ô tô. Thực tế mà nói thì đó là cái biển vô dụng nhất đất Sài Gòn, vì cả đống xe đi theo đường này, kể cả chiếc xe đi đằng trước tôi cũng thế cả, có sao đâu? Người ta quen đường, tay lái lại chuyên nghiệp, với lại chẳng bố nào rảnh rỗi lại đi gác cái chỗ này mà bắt phạt người ta cả, nên lách luật thì vẫn cứ là lách luật thôi.

Đoàn xe quẹo lên trên một con dốc đi lên, rồi lăn bánh trên con đường cong cong như con tôm tiến vào trong nội thành.

Xe cộ đi như nước chảy, có lúc tôi còn thấy mấy thánh Ninja Lead – vốn dĩ là những tay lái bịt kín mặt đi xe Lead mà tôi vẫn kể với các bạn, với lại mấy anh xe ôm mặc áo khoác và đội nón bảo hiểm màu xanh lá cây với ba đường sọc trắng kẻ dọc trên đỉnh mũ. Họ là những thanh niên của công ty xe ôm Grab – một lực lượng vận tải có thể nói là lực lượng chuột đối với những bác xe ôm truyền thống, tôi gọi họ là những con mèo đang đứng rình những kho tiền chuyển động trên đường, hễ thấy những con chuột áo xanh bén mảng gần chúng là bọn mèo kia sẽ lập tức phản ứng ngay. Mà trên đường phố lúc mới sáng như thế này thì cũng chưa có nhiều người như thế, đặc biệt là khi chỉ ở trên những đoạn đường ở ngoài mép rìa thành phố.

Xuống đường chính. Xe cộ ở đây đông vô kể, nhưng cũng chưa nhiều đến nỗi gây tắc đường. Đi song song với chúng tôi có cả hẳn một đoàn xe hậu hĩnh, với chiếc xe đi đầu cũng đính hoa giống như xe anh Viên, và đang lăn bánh vọt lên trước đoàn xe của chúng tôi. Anh Vũ còn đùa, rằng xe đó cũng đang trong cuộc đua rước dâu, ai về sau thì người đó sẽ bị cướp mất... cô dâu. Cũng phải, từ hôm qua đến hôm nay cứ cách một khúc khoảng tầm năm chục cây số là vấp phải một nhà dựng rạp đám cưới. Vâng, các bạn hiểu ý tôi như thế nào rồi đấy – một ngày toàn một màu đỏ, và đó là màu đỏ của áo dài của cô dâu trong lễ vu quy.

Trải qua hơn mươi phút đi đường, đoàn xe rẽ vào một ngõ nhỏ, tránh xa sự nhộn nhịp của đường chính. Người ta né hết cả ra, vì ngõ nhỏ quá. Rồi trước mặt tôi là một căn nhà mở rộng cửa, xa xa có kha khá người tụ tập ở vỉa hè ngoài cửa đó.

Bốn chiếc xe rẽ trái, rồi lại bẻ lái vào trong lề đường rộng ở phía trong, tắt máy. Mọi người bước khỏi xe, cũng tụ lại ở gần lòng đường, chưa vào được.

Ở một quán cà phê gần đó, tôi thấy có năm cô gái mặc áo dài màu vàng ươm, quần trắng đang ngồi chầu chực ở trước hiên quán. Chưa kể, còn có cả mấy anh mặc áo com lê màu đỏ, áo sơ mi trắng, quần tây đen đang làm công tác sửa sắm, chuẩn bị cho buổi lễ ở phía trong nhà. Tôi chắc chắn rằng dàn bê tráp đang rỗi hơi ngoài ấy, khi nào làm lễ thì họ sẽ vào thôi.

Chín giờ.

Toàn thể gia đình tôi xếp thành hai hàng dọc, nam bên phải, nữ bên trái, trừ tôi, tôi vẫn đứng vào hàng bên trái vì chẵn người rồi. Trước khi bước vào nhà làm lễ, tôi được một người bạn của anh Văn – là một trong những người trẻ trẻ, mặc đồ đen đứng cùng với anh Văn lúc trước – chia cho một vỉ kẹo bạc hà. Tôi nhét vỉ kẹo vào túi áo ngực, rồi theo những người đi trước bước vào trong.

Bên trong chật kín người, chủ yếu là mấy ông bác họ hàng của nhà cô dâu, còn có cả mấy cô mấy chị mặc váy chứ không mặc áo dài truyền thống giống như bên nhà chúng tôi.

Toàn thể hai bên gia đình đều ngồi ở hai bên dãy bàn, họ Đoàn ngồi vào dãy bàn bên trái sát tường, trải dài đến cuối dãy bàn phía ngoài cùng. Còn họ nhà bên kia thì ngồi ở bên phải, nhưng chỉ ngồi tới hết dãy bàn phía trong, còn phía ngoài dường như chẳng có người ngồi, toàn đứng không à. Tôi ngồi ở phía dưới cùng, sau bố, mẹ, chị Hà, anh Văn và hai đứa cháu gái con anh Vũ. Giữa lúc mọi người đang đứng thì đứa nhỏ nhất lại ngồi, hỏi ra thì biết rằng giày nó mang chật quá, nên bị đau chân.

Tôi ngồi cuối cùng, không nghe được bên trong người ta đang nói gì, bởi vì đây là chuyện của những người lớn tuổi, đúng hơn là những người đại diện của hai gia đình, cho đến khi cô dâu ra mặt thì tất cả dường như bị vặn xuống nhỏ hẳn đi. Tôi ngoái nhìn ra trước để xem cô dâu như thế nào. Đó là một cô gái trẻ, dáng cao, hơi thấp hơn anh Viên một chút, thon, mặc áo dài và khăn đóng lớn màu đỏ. Bộ áo dài dường như đủ dài để tôn lên chiều cao của chị. Nhìn chị cũng nhỏ hơn anh Viên vài tuổi, có khi lại ngang ngửa với Tóc Tiên, có nghĩa là sinh khoảng năm 1989.

Mọi người rút điện thoại ra vào đúng cái lúc anh Viên rút ra chiếc nhẫn cưới vàng, tia sáng trắng chói phản chiếu trên bề mặt nhẫn chỉ có tôi mới có thể thấy. Những chiếc camera nhất loạt hướng về cùng một phía, đó là khoảnh khắc mà những ngón tay của cô dâu đang được nâng lên một cách nhẹ nhàng bởi những ngón tay to khỏe của chú rể, và chiếc nhẫn vàng nằm giữa ngón cái và ngón trỏ của tay trái anh đang từ từ được đưa vào ngón áp út của người vợ mới của anh. Đây chính là khoảnh khắc mà tôi chỉ có thể đặt một tựa đề không thể nào đỡ được hơn: giờ phút cuối cùng trong cuộc đời mà anh còn độc thân.

Những chiếc camera hạ xuống, rồi lại được nâng lên khi cô dâu làm điều giống y như lúc nãy với chú rể. Đèn chớp chớp liên tục, giống y như dàn những "tài tử" chụp ảnh đang cố săn cho bằng được những tấm ảnh đẹp nhất của những nhân vật nổi tiếng trong một buổi xuất hiện công khai trước toàn thể các fan hâm mộ và công chúng. Tôi đoán là hai anh chị cũng có cùng tâm trạng với tôi lúc nhận ra rằng mình đã nổi tiếng hầu như khắp toàn trường. Dĩ nhiên thì lúc đó tôi cũng vui vì lúc ấy tôi có thêm người thích bầu bạn với tôi, nhưng mà niềm vui của hai anh chị còn vượt lên trên tất cả, đó là khi gia đình nhà cô Tịnh có được thêm một thành viên mới, cũng như ông nội có thêm một người cháu dâu nữa.

Kết thúc buổi lễ thì cũng đã mười giờ rưỡi hơn. Từng người trong gia đình tôi bước về phía bàn thờ để chụp ảnh kỉ niệm cùng với anh Viên và cô dâu – sau đó tôi mới biết chị ấy tên Hương. Bố tôi đi vệ sinh đúng lúc tới lượt nhà tôi, nên chỉ có tôi và mẹ tôi chụp hình với hai anh chị. Chụp hình xong, tôi mới có dịp nói chuyện với ông nội của chị Bảo Châu và Bảo Trâm, người mà bây giờ tôi mới để ý là cũng có mặt với tư cách là người đại diện của nhà họ Đoàn. Nhờ ông mà tôi mới biết chị Châu đã về nước, và hình như đang làm hoạt động của một tổ chức phi chính phủ nào đấy. Trên Facebook thì chị im hơi lặng tiếng khá lâu, nên tôi không thể biết được chính xác là chị đang làm gì khi về nước.

Sau cuộc gặp gỡ này, chúng tôi rời nhà, lên xe. Buổi tiệc mừng đang đến gần. Lần này tôi và mẹ đi trên chiếc bốn chỗ của ông Bảy, cùng với vợ chồng chú Tuấn – là xe nhét tới sáu người.

Đoàn xe lưu thông trên những cung đường cao điểm của buổi trưa. Đường tuy đông nhưng đối với tôi, mọi thứ dường như đã vặn nhỏ lại âm lượng của chúng tới mức tối thiểu khi những chiếc xe đi qua. Có thể người khác thì thấy chẳng có gì thay đổi, nhưng bản thân tôi thì thấy ngược lại. Xe cộ dường như đi chậm hơn, thậm chí là lùi ra vì một đoàn người đi đám cưới đang đi ngang qua họ. Cảnh tượng này tôi không hề lạ lẫm gì, chính trước kia lúc cậu tôi – em của mẹ lúc lấy vợ và rước dâu, mọi thứ cũng y xì như vậy, mặc dù lúc ấy cảnh rước dâu diễn ra trên những con đường ít người qua lại, còn ở đây thì hoàn toàn áp đảo về mặt số lượng.

Chiếc xe bốn chỗ dừng lại trước cửa một quán cà phê vỉa hè, tôi xuống xe bằng cửa đối diện với lề đường vì cửa bên kia xe cộ qua lại như nước. Đến khi tôi theo cô Tịnh đi qua những chiếc bàn cà phê rồi đi vào trong, tôi thực sự đã lầm. Trước mắt tôi là cả một khoảng không gian rộng lớn, mát mẻ, khác xa so với cái nóng ngột ngạt ở bên ngoài. Có một bể nước hình chữ nhật đặt ở giữa phòng, một chỗ lý tưởng để có một phô ảnh chụp. Nhìn thoáng qua, đây là một khu tiếp tân của một khách sạn cao tầng, nhưng đây là một khu tiếp tân mà chưa có một nơi nào ở Đà Lạt mà được như thế này, và tôi không nghĩ đây là khu tầng trệt của một khách sạn bốn sao.

Khúc hành lang lớn phía tay phải đặt ba chiếc cửa thang máy. Thang máy là điều khá phổ biến ở đây, trong khi chiếc thang máy duy nhất tôi thấy ở Đà Lạt là chiếc thang máy dẫn lên hội trường ở tầng cao nhất của trung tâm Anh ngữ An Tiến ở cách trường Bùi Thị Xuân khoảng hơn chục bước chân.

Tôi và anh Văn lên trên tầng hai trước, vì đó là chỗ đặt tiệc của chúng tôi. Nhân viên tầng này nói trong kia chưa set up xong, nên chúng tôi xuống lại. Nhìn chung thì phía trên cũng khá là rộng, cũng thoáng mát giống như ở tầng trệt phía dưới.

Gần mười một giờ, toàn thể họ Đoàn chúng tôi tập trung ở tầng hai này. Người đứng chụp ảnh, người ngồi trên ghế sô pha chờ, tiện thể cũng móc điện thoại ra, hỏi mật khẩu wifi để ngồi lên mạng chờ, người ngoái cổ vô trong xem mọi thứ đã set up xong chưa.

Mười một giờ mười, anh Viên, chị Na và chị Út Cưng là những người có mặt sau cùng. Anh Viên không đi rước dâu, chị Hương thì đi đến khách sạn trước để chuẩn bị váy cưới, mà đi bằng xe riêng nên anh về nhà đón hai chị đến đây. Cả hai người đều mặc váy, nhưng chị Út Cưng thì có lẽ khiến tôi nhớ lâu hơn, đó chính là bộ váy màu đen kiểu nữ sinh Nhật Bản, chỉ khác là không có cổ áo rộng che vai và chân mang giày búp bê. Chị Na mặc một chiếc váy dài hơn, chân lại mang giày cao gót nên có cao hơn tôi một tí, nhìn chị đứng cạnh anh Văn mà tôi lại không nhịn được cười, khác gì lúc đang học thì chuông điện thoại bài My Heart Will Go On huyền thoại của bộ phim Titanic vang lên (hồi đi học tôi cũng từng gặp phải chuyện như thế và đã cười đến bể bụng) – đơn giản vì cứ như kiểu đại gia đi với gái xinh ấy, mà thực ra cả hai người đều giàu cả, vì một người chơi hai nghề kiếm được mấy trăm triệu, còn cô chị thì mới xin được việc, lương tháng bằng nửa lương em út của mẹ tôi, mà cậu út của tôi làm ăn lớn lắm, lương hai ngàn đô trên tháng. Nói vậy cũng đủ hiểu là chị giỏi tới mức nào rồi.

Tôi chia sẻ với hai chị về việc tôi có một người mới sau mối tình đầu tan vỡ với Bình, thậm chí tôi còn có hẳn một bằng chứng rất rõ, đó là dòng chữ bằng tiếng Nhật trên quyển sổ mà chị tặng tôi vào ngày sinh nhật năm nay. Cùng lúc này, anh Văn cũng đã biết dịch nhiều câu tiếng Nhật đơn giản – bởi vì anh học tiếng Nhật mà. Tôi đưa cho anh dịch, anh phiên âm chúng ra rồi gõ vào Google Dịch, kết quả thì các bạn biết rồi đấy – dòng chữ ấy nghĩa là "Chúc mừng sinh nhật bạn". Dẫu sao thì lúc ấy tuy rằng tôi không biết tiếng Nhật, nhưng tôi thừa hiểu được thông điệp tình cảm mà chị ấy dành tặng cho tôi vào hai ngày trước khi chị bắt đầu thi tốt nghiệp. Bao giờ tôi cũng quý trọng những người dành tình cảm cho mình dù đang ở giữa muôn trùng công việc và áp lực, đặc biệt là áp lực thi cử.

Mười một giờ ba mươi hơn. Phòng ăn đã set up xong và các quan khách bắt đầu bước vào phòng. Thế hệ của chúng tôi bước vào sau khi đã ngồi trong đó được mười người.

Phải nói rằng bên trong này rất rộng, cả phòng tiệc chứa được tới mười mấy cái bàn tiệc, có cửa sổ lớn nhìn ra ngoài. Góc phòng cạnh cửa là chỗ đặt bộ chỉnh âm và máy tính, nhằm để mở nhạc cho phòng. Trên màn hình chiếu những bức ảnh của anh Viên chụp với chị Hương – nói cách khác là bộ ảnh cưới và những khoảnh khắc tình cảm của hai anh chị. Tôi đồ chừng là làm những bức ảnh này cũng miễn phí thôi, có thể anh đã chụp chúng bằng chính chiếc camera đắt tiền của ảnh. Tuy nhiên, để đặt một bữa tiệc cưới trong phòng tiệc của một khách sạn bốn sao thế này thì cũng phải chiếm của cả hai gia đình từ mấy chục triệu tới mấy trăm triệu đồng rồi đấy, chưa kể thêm mấy khoản khác nữa để tự các bạn biết.

Bàn của chúng tôi rất "VIP", với dòng chữ được viết trên tấm bảng tên hình lăng trụ đều là "Họ hàng nhà anh Viên", nghĩa là chỉ có những người anh chị em cùng thế hệ với anh Viên hoặc sau thế hệ đó mới được ngồi bàn này, còn lại phải được sự đồng ý của chúng tôi, và người duy nhất nhận được sự cho phép này chính là một người bạn của anh Văn, ngoài ra không còn ai nữa cả.

Chúng tôi đứng trước cửa sổ nhìn ra ngoài phố. Dòng xe vẫn cứ thế ùn ụt kín cả mặt đường. Bên phải nhìn chéo qua là một công trường xây dựng lớn có thể chiếm tới cả tỉ đồng, và những tòa nhà cao vút – trong số đó có một cái mà có lần tôi đã ví nó giống như tòa tháp Stark trong các bộ phim siêu anh hùng do Marvel sản xuất, vì ở chỗ gần đỉnh tháp có một "cái lưỡi" chĩa ra ngoài, và mấy tầng cao nhất của tòa nhà đó cũng hơi lệch về phía bên đối diện với hướng mà cái lưỡi ấy chĩa ra.

Anh Vũ nhiều lúc cũng hài hước, ngay lúc này đây khi ảnh chỉ cho tôi cái tòa tháp phía bên phải ngoài cùng thì ảnh chém ngay rằng ảnh từng bay trực thăng qua đó, và chỗ đó có bãi đáp trực thăng. Rồi sau đó là cả một lô một lốc những nhát chém kinh điển mà tôi có kể đến tết cũng chưa hết, đại loại là các bạn chỉ cần biết như vậy là được rồi.

Rồi chúng tôi lại quay lại bàn và chụp chung một tấm ảnh cả bốn người: tôi, anh Văn và hai chị. Đó cũng là lúc mà những tấm ảnh họ hàng chụp ở Sài Gòn bắt đầu lên ngôi. Tôi chỉ cần một cái ly rỗng, kẹp chiếc kính cận biểu tượng của mình lên cái ly đó, rồi chụp một tấm hình đơn giản, kèm thêm lời chú và tag thêm người thân của mình trên ấy, là các bạn đã có được một vài cái like rồi đấy.

Mười hai giờ hơn. Những người phục vụ kéo rèm lại khi khách mời đã đến đầy đủ. Những ánh đèn màu cùng lúc rọi về phía sân khấu.

Những cô cậu nhóc mặc đồ trắng bước lên sân khấu, và khi nhạc nổi lên, chúng bắt đầu những điệu múa theo một trong những bài hát hoạt hình lãng mạn nhất – một OST của bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Tangled" (tạm dịch là "Công chúa tóc mây") được mang tên "I See The Light" (tạm dịch là "Tôi Thấy Ánh Sáng"). Đó là những điệu múa cùng với những câu hát mà tôi có thể mang theo suốt một thời niên thiếu, cũng như qua tới bên kia cuộc đời mình:

All those days watching from the windows
All those years outside looking in
All that time never even knowing
Just how blind I've been
Now I'm here, blinking in the starlight
Now I'm here, suddenly I see
Standing here, it's all so clear
I'm where I'm meant to be.

All those days chasing down a daydream
All those years living in a blur
All that time never truly seeing
Things, the way they were
Now she's here shining in the starlight
Now she's here, suddenly I know
If she's here it's crystal clear
I'm where I'm meant to go.

And at last I see the light
And it's like the fog has lifted
And at last I see the light
And it's like the sky is new
And it's warm and real and bright
And the world has somehow shifted
All at once everything looks different
Now that I see you.

Ngày xưa tôi nghe bài hát này, vì trình độ tiếng Anh giới hạn nên không thể hiểu nổi một chữ trong số này. Sau này tôi nghe lại, ngẫm nghĩ nhiều về nó. Một tình yêu rất lãng mạn dưới bầu trời đêm phủ đầy những chiếc đèn hình trụ thắp những cây nến sáng choang, y như bầu trời toàn những ngôi sao chói đến lóa cả mắt, đến nỗi không ai ngủ được mà phải ngắm cho kì được mới thôi. Dưới bầu trời toàn ánh sao ấy, có một cặp đôi đang ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, trao nhau lời yêu thương đậm sâu, có khi đã biến thành một cảnh rất ư là diu-ních giữa muôn trùng nước sâu và muôn vàn những ánh đèn trời rực rỡ như biến đêm đen thành đêm trắng.

Bốn người chúng tôi ngồi chụm vào nhau, nhưng không ai lên tiếng cho đến khi toàn thể khán giả vỗ tay.

Chị điều khiển chương trình tiến lên sân khấu. Anh Viên và chị Hương – lúc này đã khoác lên mình bộ váy cưới màu trắng, tóc búi lên – bước trên thảm đỏ tiến lên phía trước sân khấu. Tiếp theo là cô Tịnh và bác trai lên, và sau cùng tới phụ thân và mẫu thân của cô dâu cùng bước lên sân khấu.

Hai bên sân khấu, một bên là một cái tháp gồm những ly rượu xếp chồng lên nhau, những ly ở trên cùng có chứa một cục gì đó màu trắng; bên phải là một chiếc bánh cưới, có một con dao dài ở bên cạnh.

Hai anh chị tiến đến tháp rượu, hai người cùng nhau cầm chai rượu rót xuống cái ly đầu tiên. Bọt trắng trào ra, rượu đỏ chảy xuống những ly phía dưới, chốc chốc tất cả các ly đều có rượu. Rồi cả hai cùng cầm dao cắt bánh. Tôi không nghĩ rằng đó là cái bánh giả, cho đến hai tuần sau anh mới tiết lộ rằng cái bánh mà toàn thể mọi người thấy đó là cái bánh giả, vì sợ nếu cắt bánh thật thì nó dễ hư hơn sau hơn một tuần vì cái ruột bánh đã bị lòi ra rồi.

Lúc lễ đã làm xong, chúng tôi bắt đầu vào cuộc ăn. Cái khăn ăn được trải lên trên đùi mỗi người, để đỡ không cho thức ăn rơi trúng quần áo. Món đầu tiên của tôi là súp. Chín người, chín cái chén, người phục vụ múc ra từng chén, xong rồi thì người ăn chỉ việc xoay cái bánh đĩa thủy tinh tới trước mặt mình để lấy chén một cách thuận tiện nhất. Có vài nhà hàng ở Đà Lạt cũng có những cái bàn như thế này.

Thức ăn ở những bữa tiệc bao giờ cũng là những thứ gây sự chú ý với tôi, chẳng hạn như món súp hay món thịt hay cá ướp sốt thì nó trúng vị giác của tôi, nên tôi cố gắng ăn cho bằng hết, nếu cá không có xương thì càng tốt, tôi tợp sạch trong vòng hai mươi giây thôi. Chị Út ngồi cạnh tôi thấy thế, chia toàn bộ những phần chị không ăn được cho tôi:

"Ăn đi em, cho mau lớn. Chị không ăn được."

Thời buổi này con gái ăn ít giữ dáng là chuyện rất thường rồi. Còn tôi, tôi thuộc dạng gầy, ăn bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không lên cân nổi, tuy nhiên những món ưa thích thì tôi vẫn tọng cho hết. Và khi tôi ăn hết rồi, tôi mới có thể yên tâm đi vệ sinh, vì tôi sợ mấy anh phục vụ hốt mất dĩa đồ ăn ăn chưa hết của tôi trong khi tôi đi vắng – điều đó mà xảy ra, thì kể ra cũng đắng lòng lắm, vì đó cũng là lúc tôi bỏ lỡ một trong những món ngon nhất của bữa tiệc này. Khách sạn bốn sao tốt nhất Sài Gòn có khác, lựa toàn món ngon phục vụ khách không à, có khi lại còn ngon hơn cả mấy nhà hàng ở trên mình nữa.

Riêng món xôi thì bao giờ cũng là sở trường của tôi, dù cho có khô khan đến mấy đi nữa, tôi cũng cố gắng ngoạm hết nửa cái dĩa, hoặc ít nhất là một phần tư, chừa lại cho những người còn lại ăn nữa. Hệ tiêu hóa của tôi có một nghịch lý, mà nghịch lý này khốn nạn tới mức tôi muốn cao lên hay mập lên một tí mà cũng chẳng được, đó là dù tôi rất háu ăn, đặc biệt là những món ưa thích, nhưng hầu như tôi không thể tăng nổi cho dù chỉ một cân. Đây là cả một trở ngại lớn về dinh dưỡng từ cuối năm lớp bảy cho đến giờ.

Giữa tiệc, chú Đại bất ngờ xuất hiện ở ngay bàn chúng tôi. Trước mặt chú, tôi hớp một ít bia từ cốc của chú rồi nghe chú nói chuyện với anh chị mình. Các bạn hiểu là như thế nào rồi đấy. Thi thoảng người ta vẫn bàn chuyện cưới xin trong đám cưới – đương nhiên là ngày này đủ vui để trở thành một chủ đề lan rộng ra khắp toàn bộ phòng tiệc. Đối với chú thì ngày ấy đối với anh Văn thì cũng chẳng còn xa vời gì nữa, anh cũng sắp sửa quá già để lấy vợ rồi. Với hai chị thì còn xa hơn, bởi vì tuổi trẻ chưa hẳn đã nên lập gia đình sớm. Nhiều người khuyên phụ nữ muốn hạnh phúc tràn đầy thì nên lấy chồng trễ, cụ thể là khi đang bước vào tuổi tam tuần – một độ tuổi mà có lẽ ai cũng đang có cho mình một sự nghiệp và một đống tiền cất trong ví rồi. Còn anh? Cứ nhìn vào số tiền hiện tại và những mối quan hệ anh đang có đi, tôi đảm bảo với các bạn rằng lời của chú chắc chắn đúng, và điều ấy sẽ xảy ra một ngày nào đó trong cuộc đời anh, và cả cuộc đời của riêng tôi nữa.

Ăn xong thì cũng là lúc dạ dày tôi quá căng phồng và không thể cất bước đi, cho đến khi anh Văn rời ghế, kêu cả bọn đi chụp ảnh kỉ niệm tiếp. Tôi cảm thấy một điều, là tôi mà chụp với một trong hai chị hoặc là cả hai thì tôi sẽ ăn ảnh hơn là khi chụp với một người cùng giới (vì dáng người tôi vốn khá nhỏ con, cao 1m6 là bằng với chị Út). Về khoản chụp hình thì tôi ít khi nào chụp hình lắm, trừ khi đó là anh chị em họ nội của mình hay là những người khác, miễn là quen biết với bố mẹ mình. Tôi còn đặc biệt ưu tiên chụp hình với các chị mà con của bạn của bố tôi nữa cơ, ví dụ như con của chú Dũng là bạn của bố tôi suốt thời niên thiếu ở Quảng Ngãi, giờ chị ấy đang du học ở Mĩ; hay là chị Linh con bác Mẫn ở Đà Nẵng. Bố tôi có nhiều bạn lắm, đếm không xuể, nên có cả tỉ tỉ cơ hội để tôi xuất hiện cùng với họ. Trường hợp duy nhất tôi cực kì kị, đó chính là chụp hình với... mẹ, là bởi vì mẹ toàn lựa lúc xấu nhất mà chụp hình lén tôi, làm tôi ức chế lắm, nên từ đó tôi không bao giờ chụp hình với mẹ, trừ trường hợp đặc biệt lắm thôi.

Đối với đồng nghiệp của mẹ trên trường Cao đẳng Nghề thì cũng không ít, mỗi tội chiếm chưa đến một phần ba số mối quan hệ của bố thôi. Trong số đó, người mà nhà tôi quen lâu nhất chính là cô Hảo – một giáo viên dạy ở Khoa Cơ bản, nghĩa là đã từng cùng khoa với mẹ hồi trước khi chuyển qua khoa Du lịch công tác. Con cô Hảo là Tú – một cô bé sinh sau tôi một năm kém hai mươi mốt ngày, xinh gái, học giỏi, sau này thi đỗ vào lớp Hóa ở trường chuyên Thăng Long với 38,75 điểm tổng. Nhắc tới cô bé này thì tôi nhớ ra một điều rằng là đã lâu rồi tôi chưa thấy mặt nó. Có lẽ nó đã lớn và đoá hoa tuổi trẻ của nó cũng trổ ra rực rỡ lắm, đến nỗi tôi đoán nhiều khả năng nó đã là bông hoa hướng dương của cả lớp 10 Hóa luôn rồi. Bây giờ nếu tôi mà chụp hình với nó thì chắc tôi thành chú hay bác nó luôn nếu như tôi còn để râu giống như hồi năm lớp mười và đầu năm này, khi tôi còn chưa có dao cạo riêng.

Chụp hình xong, lại quay lại bàn tiếp tục món tráng miệng. Tiếng nhạc từ đầu buổi đến giờ vẫn cứ xập xình, kèm thêm những tiếng hát hay một cách kinh điển của mấy bố thích góp vui cho chương trình.

Các bàn ăn xong, bố mẹ kêu tôi về. Tôi chưa kịp nói một tiếng chào, nhưng anh Văn cũng chuẩn bị rời đi rồi.

Tôi ngồi xe chú Đại, chạy thẳng về nhà anh Viên. Lúc tôi có mặt ở đó chừng vài phút, thì tôi đã thấy chị Na đã quay trở lại với bộ áo mặc nhà rồi. Công nhận ba người này tốc biến nhanh thật! Đi với tốc độ ánh sáng hay sao mà lại về thiệt sớm rồi thay đồ nhanh thế?

Xe tôi đã đậu sẵn ở trên lề đường, đuôi xe hướng vào cổng nhà. Tận dụng lúc này tôi thay áo, rồi ngồi sẵn trên xe chờ để đi.

Trước khi nhà tôi đi, xe tôi phải chứa thêm một mớ hành lý – coi như là hành lý chở nhờ của nhà cô Tịnh, không rõ lý do tại sao, chắc có lẽ là đi xe anh Vũ về nhà cho đỡ nặng. Xe nhà ấy sẽ khởi hành sau xe nhà tôi tầm vài tiếng đồng hồ.

Ba giờ rưỡi. Chiếc xe hoa màu đen về đến đích cuối của nó. Chị Hương bước ra với một túi đồ nặng trên tay, chào mẹ chồng mình. Tiếp đó, anh Viên mở cốp xe, lấy một cái hộp các tông hình hộp chữ nhật dẹt chứa ảnh cưới của cặp vợ chồng trong ấy, cùng với hai ba túi đồ khác mang vào nhà. Vẻ như mọi thứ anh đã dọn sạch sẽ rồi.

Tôi ngồi lên xe, sau đó mới nhận ra rằng mình đang chuẩn bị đi mà không một lời từ giã nào dành cho hai người chị. Tuy nhiên, bố mẹ đã ngồi vào xe rồi, và cũng chẳng có gì để quên ở đó nữa. Giờ mà đi ra thì mất công lắm. Tôi mở cửa kính xe, ra hiệu vẫy tay với các chị đang đứng ở thềm cửa. Một chị vẫy tay lại với tôi.

Sau đó ít lâu, gia đình tôi lên xe, theo xe của chú Đại tiễn ra đường cao tốc chính đi về phía Bắc. Xe tôi đi đến nửa đường con đường, chiếc xe tải nhỏ chạy chậm lại, còn chúng tôi đi trước. Chiếc xe ấy biến hẳn vào trong dòng xe qua lại đông đúc.

Đường chúng tôi tiếp tục đi. Qua hết cái trạm phát vé, bố tôi lục ví, đưa vé trả lại cho họ, rồi tiếp tục nhấn ga đi tiếp hết quãng đường còn lại.

Xe tôi qua Đồng Nai vào lúc gần năm giờ rưỡi. Sau khi đổ xăng được gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi cứ đi như thế qua đoạn đường đèo. Lúc này, xe tôi chạy nhanh hơn hẳn lúc mới đi từ trên ấy xuống, phần vì tiết trời khô ráo, đi khỏi sợ trơn trượt hay bị khuất tầm nhìn vì mưa gió, phần vì ngày mai là thứ hai. Ôi thôi, chủ nhật qua nhanh như một tia sáng, nháy nhanh hơn cả một cú nháy mắt. Thứ hai bao giờ cũng là ngày chán chường nhất đối với mọi thế hệ, vì đó là ngày họ phải trở lại với công việc thường nhật: trẻ đi học, lớn đi làm. Tất cả như vẫn còn một nỗi luyến tiếc chung.

Trời gần tối om tối mịt mà tôi vẫn chưa qua khỏi địa phận Đồng Nai, mặc dù xe đã chạy nhanh hết sức có thể. Gọi là hết sức có thể thôi chứ vẫn phải tôn trọng luật. Cảnh sát giao thông đứng chốt ngay trên đèo ấy, khó có thể nào đi nhanh hơn mốc sáu mươi cây số giờ được.

Qua khỏi đèo, cũng là qua khỏi địa phận Đồng Nai. Chính thức vào địa phận Lâm Đồng. Lúc ấy đã là sáu giờ rưỡi hơn. Bảy giờ, xe tôi chạy thẳng vào tới thành phố Bảo Lộc. Bảy giờ mười lăm, xe dừng lại trước một quán phở, dừng lại mỗi người một tô. Lúc này xe đã đi được hơn bốn tiếng. Còn một tiếng nữa là kết thúc hành trình dài ba trăm cây số.

Phố Bảo Lộc lúc đầu rất hiếm quán ăn mở cửa tối, nhưng sau mười phút lái xe thì cảnh phố đã khác hoàn toàn. Hàng quán nào nấy dường như sáng trưng, người qua xe lại đông như hội. Mẹ tôi trách tại sao không đi sâu một tí nữa rồi đi ăn luôn, còn tôi chỉ muốn ăn càng sớm càng tốt để về nhà không phải ăn nữa, mặc dù lúc về thì cũng đã chín giờ rồi, còn sớm sủa cái nỗi gì.

Tám giờ tối. Xe tới đường cao tốc chạy dọc huyện Đức Trọng. Đường cao tốc này tôi đã qua lại không biết bao nhiêu lần mà kể, thường mục đích chỉ là đi thăm dì tôi dưới Lâm Hà – chính là cái đường nhánh ở gần bùng binh ở đầu đường cao tốc bên này. Ấy vậy mà nó cũng là tuyến đường huyết mạch để đi về phía tây của tỉnh Lâm Đồng này đấy. Không có nhánh đường đó thì đi sẽ rất lâu và rất khó.

Đường cao tốc mất hơn một phần ba giờ để đi qua đó, và gần cuối đường là trạm thu phí – mất thêm ba mươi sáu ngàn đồng là khoản chi tiêu cuối cùng của hai ngày đi xa nhà.

Đi đèo hết mười phút là xong. Đèo Prenn bình thường nó vẫn là con đèo an toàn nhất, chỉ cần xe đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phanh và bánh xe. Ở đây đã từng có một vụ tai nạn thảm khốc do xe buýt bị mất phanh gây ra, cách đây cũng lâu lắm rồi, tôi không nhớ nữa, đại loại là khoảng một năm trở về trước.

Về tới mái nhà quen thuộc cũng đã chín giờ tối. Những tấm rào cổng vẫn chưa được kéo lại. Hàng bánh xèo cạnh nhà đã đóng cửa đi nghỉ từ lâu. Còn nhà hàng thịt và trái cây ngay cạnh nhà tôi thì vẫn sáng đèn.

Ngồi trong xe suốt hơn năm tiếng đồng hồ, tôi cảm thấy toàn thân như muốn dính chặt vào ghế xe. Tuy nhiên, tôi vẫn phải kéo xác mình vào nhà, cầm theo cái chìa khóa, mở cửa, rồi lại nhảy vào cái giường đôi ấm áp trong căn phòng riêng của mình.

Tôi chỉ ôn qua loa bài học Công Dân của mình nửa tiếng, sau đó tôi ngủ luôn. Hôm qua tôi chẳng mơ thấy cái gì cả, lần này chắc chắn sẽ tiếp tục lại giấc mơ hôm thứ sáu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top