Ngày 4 tháng 11

Sáng đầu tháng mười một là một cơn bão đổ bộ vào miền Trung, với sức ảnh hưởng của nó đã lan thẳng xuống miền Nam.

Mưa như trút vào sáng sớm. Hai cánh cửa sổ gỗ đóng im lìm. Cảm giác như trời vẫn còn tối mà thực ra là đã năm giờ rưỡi hơn rồi.

Tôi vẫn cất sách vở vào cặp, trùm cái áo mưa ni lông lên người, thay kính cận bằng kính bơi như mọi hôm trời mưa.

Màu trắng đục bao phủ khắp bầu trời, mưa vẫn đổ như trút. Thi thoảng những cơn gió tạt thẳng vào người tôi mang theo một mớ nước mưa, may quá không ướt quần vì trước đó tôi đã xắn quần lên rồi.

Ra tới trường, bạn bè tôi trong bộ đồng phục học thể dục đang thường trực trên ghế của họ. Trước mắt, họ đang ôn môn Tin học vì hôm nay chúng tôi kiểm tra một tiết. Bài một tiết chúng tôi không thực hành, chỉ lí thuyết thôi.

Nói về chiếc kính tôi gác lên trán, ai nấy đều thích cái kính đó cả, bởi vì trông nó... ngầu quá. Ai cũng hỏi mượn hết, nhưng đều mượn không quá năm phút vì chỉ nghịch giỡn một tí mà thôi. Cơ mà hôm nay bọn họ không mượn. Chắc là họ mải ôn bài, hoặc là nói chuyện riêng của họ mà thôi.

Con Bình hôm nay không có mặt. Nó hầu như lúc nào cũng lên lớp trễ cả, nhất là những hôm mưa gió. Cũng phải, con gái như nó thường sợ mưa.

Bảy giờ đúng.

Thầy chưa lên lớp. Mưa gió vẫn rít như điên ngoài kia. Cửa mở khiến gió tạt thẳng những giọt nước li ti vào ngưỡng cửa.

Ngoài hành lang đang ồn ào chuyện gì đó.

"Ê, tụi mày biết gì chưa? Thông báo cho về sớm!", một đứa con gái lớp bên cạnh sang thông báo cho một thằng đang đứng ngoài hành lang.

Về sớm? Vào hôm nay? Chưa có thông báo chính thức cơ mà nhỉ? Tôi tò mò, không tin những gì tôi đang nghe.

Tôi tháo kính mắt, lại đeo kính bơi vào (để chắn nước bắn vào mắt) nhìn xuống sân cờ. Những chiếc xe máy từ nhà xe xông ra ngoài bằng đường cổng chính, cùng với những bóng xe máy, xe ô tô đang bò vào trong sân thật là nhanh, rồi dừng lại, quay đầu xe (ô tô) về phía cổng. Vài người mặc áo mưa đứng núp dưới hiên tầng một.

"Nhìn đi! Người ta về rồi kìa!"

"Mình cũng đi về đi!"

Tiếng người ngoài hành lang, và cả trong chính lớp học của tôi, đang báo hiệu rằng thông báo đang dần tới tai từng lớp trong trường.

Tôi cất sách vào cặp, chuẩn bị sẵn sàng áo mưa để quay về trong cơn mưa khủng khiếp. Trước khi đi, tôi còn chụp selfie ké với một con bạn cùng lớp nữa. Tôi hiểu, đây chính là tấm ảnh tự sướng để ăn mừng ngày hôm nay được nghỉ vì mưa bão. Tôi tự hỏi chốc nữa người nó có ướt mem như chuột lột sau trận này không nhỉ?

Sẵn sàng cặp kính thần với áo mưa, tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng học cùng lũ bạn. Định đi về, nhưng mưa dữ quá khiến cho cái sảnh dưới tầng một chật kín người. Đồng thời, tôi cũng sực nhớ ra một điều là tôi chưa ăn sáng.

Mua một gói bánh mì màu xanh lá cây, tôi đứng dưới hiên trên sân khấu trường – lúc này cũng đang rỏ từng giọt nước làm cho phần sân phía trước ngập nước – và gặm bánh mì. Thi thoảng gió cũng tạt vào trong, khiến cho nước mưa dính vào miếng bánh, khiến bánh nhạt mất vị kem bên trong nó đi.

Những thầy cô trong phòng hội đồng ngay sau lưng tôi không ai ngồi cả, trừ những người trên ghế đá đặt dọc hành lang. Dường như họ đang bàn bạc cái gì đó tôi không để tâm, nhưng đại loại là đang có ý nhắn tin cho phụ huynh học sinh để sáng nay nghỉ. Tuy nhiên, bọn đi thi Olympic 30 tháng 4 vẫn cứ đi thôi, nghĩa là có thể bão sẽ yếu đi vào chiều nay.

Tôi bước về, nhưng chân tôi đã tháo giày ra. Không biết bao nhiêu lần tôi đã đi chân đất lên trường trong tình cảnh mưa gió thế này. Còn gì tồi tệ hơn là để một lượng nước nhiều cỡ một cái ống nghiệm hóa học hắt vào trong giày, khiến cho đôi giày bốc mùi hôi khó chịu, đồng thời cũng rất lâu khô nữa?

Chẳng những thế, tôi nhận ra một bên cổ tay áo mưa không đóng chặt cổ tay lại, nên khi tôi đưa tay lên giữ cho nón áo mưa không bị gió gạt xuống, nước mưa chảy thẳng vào khe hở khiến áo tôi ướt, tay tôi cũng buốt giá vì quá lạnh. Đành vậy thôi, cái áo mưa này bị vậy từ hồi nào rồi, giờ nó thấm vô cũng đành chịu chứ sao.

Lá thông rụng đầy đường. Tình cờ tôi đạp vào, những mảnh vỏ cây nhọn cứa ngang bàn chân tôi, đau như giậm phải sỏi.

Về đến nhà, bàn chân tôi cuối cùng cũng được giải thoát bằng việc rửa cho sạch sẽ rồi lau thật sạch. Tôi gục lưng vào giường, cảm thấy da thịt mình vẫn còn bị phỏng lạnh.

Bây giờ là tám giờ. Tính ra tôi đi cũng lâu phết, đủ để chân tôi nếm trải mùi sỏi đá, mùi của đất ẩm, mùi của nhựa đường đã cứng lại. Tám giờ, là giờ tôi thay đồ, chuẩn bị khởi hành xuống Sài Gòn, để dự đám cưới của anh họ tôi.

Tôi thay thành quần jean, mặc hai lớp áo chống lạnh, mũ sau gáy đội lên để che mưa. Tôi cất máy tính cùng cục sạc và chuột vào túi, định sẽ tiếp tục viết khi đang ở dưới ấy. Dù là máy tính xách tay nhưng tôi không dùng pin, vì pin chai mất rồi, dùng tí là hết điện ngay.

Xe tôi khởi hành vào lúc chín giờ kém mười lăm, lúc ấy quán tôi vẫn mở cửa. Trước khi đi, bố tôi dặn hai chị phục vụ phải đóng quán lại vào lúc trưa, và đề thêm biển "QUÁN TẠM NGHỈ" cho đến khi nhà tôi về mới mở cửa trở lại. Phần kéo những tấm rào chắn thì đã có nhà hàng thịt bên cạnh lo.

Mỗi lần lên xe tôi thường mở những CD từ trong hộc lên cho cả nhà nghe. Đĩa trong ấy không nhiều, còn tôi thích nghe nhạc Paris By Night hơn nên đã mở những đĩa mà tôi đã lặn lội mua ở ngoài mấy tiệm đĩa ngoài phố - điển hình như là đĩa có tên "Mưa Đêm Ngoại Ô", một đĩa do trung tâm Thúy Nga sản xuất và phát hành, là một đĩa toàn nhạc vàng hòa âm kiểu nhạc quê hương. Bố tôi thích bài đầu tiên, là bài cùng tên với tên đĩa, bởi vì bài này Hoàng Oanh hát rất hay, hay đến nỗi mà có lẽ tôi cho cả ông nội tôi nghe thì chắc ông cũng gật gù với giọng ca lão thành đã đi vào huyền thoại của những người thích nghe dòng hải ngoại này.

Dọc con đường Trần Hưng Đạo dẫn đến trung tâm thành phố, lá thông bị thổi bay, rụng đầy kín cả mặt đường. Bão năm nay xảy ra liên miên, thiệt thòi nhất bao giờ cũng là miền trung, bởi vì bão thường ghé đến đây thường xuyên hơn tất cả những vùng khác trên đất nước này, mà chủ yếu nhất bao giờ cũng là thủy điện xả lũ chứ bão tự nhiên thì cũng ít thôi, đa phần thường nhắm vào Trung Quốc. Ờ, cho đáng đời, ai biểu ô nhiễm quá làm chi. Tôi chỉ tội cho những chiếc xe đâm liên hoàn vào nhau tạo thành thảm họa giao thông vì không thể nhìn thấy nhau do sương khói mù mịt kèm thêm giông tố.

Nhà tôi ban đầu định đi chậm, nghĩa là nếu không tính thời gian nghỉ thì khoảng tầm sáu bảy giờ sau là tới nơi. Tôi cũng bắt đầu tính giờ trên điện thoại của mình, khi pin còn 45%. Ngần đó thời gian thì có lẽ là đủ để hoạt động cho đến khi đến nơi.

Xuống hết đèo Prenn, bão vẫn chẳng hề thuyên giảm. Ảnh hưởng của bão mạnh quá, có lẽ xuống tới tận Sài Gòn vẫn còn chưa thấy mặt trời nữa. Đường đi từ Đà Lạt đến Sài Gòn tầm ba trăm hay ba trăm rưỡi cây số gì đấy, không nhớ, nhưng điều đó cũng đủ chứng minh sức mạnh của mẹ thiên nhiên là đã đến ngưỡng nào khi người ra tay với đất nước chúng tôi đến thế này.

Từ tỉnh Lâm Đồng chúng tôi chỉ cần qua hết địa phận hai tỉnh là đến nơi. Riêng tỉnh Đồng Nai thì diện tích tỉnh này cũng khá lớn, đường đi có thể ngoằn ngoèo, vòng vo, nên cũng tốn mớ thì giờ. Tính ra thì để qua hết đoạn đường đầu tiên, bao gồm đi qua các huyện phía đông nam của tỉnh Lâm Đồng và đường quốc lộ qua Bảo Lộc thì cũng mất tới hơn bốn giờ đồng hồ, đó là chưa kể một tiếng dừng lại để ăn trưa ở một quán giữa rừng. Gia đình tôi chưa bao giờ dừng xe lại tại những trạm dừng chân, bởi vì đồ ăn ở đấy cũng không ngon cho lắm, vả lại lúc đó chưa ai đói cả. Lúc đi ra thì một rắc rối lớn đó là khi có hai chiếc ô tô đang chặn đường không cho chúng tôi gie xe ra ngoài. Quán lúc ấy đang đông, nên có rất nhiều ô tô đi dọc đường dừng lại tại quán này ăn. Tính ra thì mùa mưa bão mà người qua kẻ lại nườm nượp thế này thì cũng không có gì đáng nói, chỉ khổ cho mấy ông kinh doanh xe buýt, mưa bão quá sợ ra đường gặp tai nạn, nên đành đắp chiếu.

Dọc đường, có khúc đèo mà chiếc xe tải sụt thẳng vào trong cái mương, bánh xe gần như nằm gọn trong ấy. Tội thật, xe tải hay xe khách thường là những chiếc xe chịu thiệt thòi lớn nhất khi lưu thông trên đường đèo, vì sở dĩ nó giảm tốc rất chậm so với xe con hay các SUV thông thường.

Năm giờ kém năm.

Xe tôi đã đến đường cao tốc. Lúc mới bắt đầu lăn bánh vào đường này, nhà tôi phải lấy một chiếc thẻ. Tôi không rõ có mục đích gì, nhưng nếu như xe xuống Vũng Tàu thì ta đưa trình thẻ đó cho trạm thu phí trên đường đến đó để họ giảm chi phí qua đường của mình. Thực tình thì tôi nghĩ sao nói vậy thôi, không nhớ được chính xác lúc ấy.

Đường dài khoảng hai chục cây số đến ba chục, chúng tôi qua đó mất hai mươi phút với tốc độ chuẩn trên đường cao tốc. Đúng như tôi nghĩ, xuống dưới này mà trời vẫn mưa, nhưng mưa này đã bớt hơn nhiều, cùng lắm thì cũng mưa bình thường thôi chứ không có cả gió giống như trên Đà Lạt.

Chuẩn bị qua các nút giao thông ven Sài Gòn.

Từ bé đến giờ, tôi qua lại Sài Gòn cũng chỉ đúng ba lần trong đời, và đây là lần thứ tư. Hai lần đầu tôi với bố tôi xuống đây là để chữa bệnh cho tôi – lần thứ hai là chữa viêm amidan, tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên tôi vào phòng phẫu thuật. Đó cũng chính là lần đầu tiên tôi thở bằng mặt nạ trong phòng đó. Lần phẫu thuật tiếp theo của tôi thì nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều, mặc dù tôi mắc phải chấn thương nặng hơn amidan rất nhiều – gãy một phần xương ở khớp khuỷu tay mà các bác sĩ gọi là gãy lồi cầu. Nhưng lần đó tôi không xuống Sài Gòn, chỉ cần ra bệnh viện Hoàn Mỹ là cũng đủ nhanh, chẳng cần phải đường xa làm gì, vừa mệt lại vừa đau, với lại bảo hiểm y tế cũng giảm bớt chi phí phẫu thuật và thuốc thang cho tôi nữa.

Lần thứ ba tôi xuống Sài Gòn là sau cái lần phẫu thuật đầu tiên đó bảy năm – tức là hè năm lớp chín vào lớp mười. Chú Đại – một người bạn thân của bố tôi thuở nhỏ – rủ tôi xuống dưới đó chơi một tuần. Một tuần đó là cả một tuần vừa nóng vừa ướt, nóng là vì thời tiết mùa hè nóng chảy cả mồ hôi, ướt vì sau mỗi cơn nóng là một trận mưa như trút vào buổi tối, mà mưa lại mưa như thác chảy. Dẫu sao thì ở đó tôi gần như trải nghiệm đủ thứ, và thậm chí là có nhiều thứ để chia sẻ lên Facebook. Vui lắm! Được xa gia đình một tuần, đặc biệt là xa mấy đứa anh em họ ngoại miệng còn hôi sữa thật là chỉ có thể gói gọn trong một tiếng thở phào nhẹ nhõm chưa từng có, và niềm vui trong từng cây số tôi lưu thông trên những cung đường bận rộn, tấp nập của miền đất trung tâm phía Nam.

Trong lần trở lại ngày hôm nay, tôi chẳng đi nhiều. Cùng lắm thì tôi ghé nhà anh Viên giao lưu một tí rồi về nhà chú Đại ăn tối rồi chơi, rồi ngủ. Còn cả chương trình ngày mai – tôi sắp sửa được đưa đi ngang qua thành phố, để làm gì thì các bạn cứ tiếp tục theo dõi.

Năm giờ hai ba phút.

Xe tôi và chiếc tải con của chú Đại dừng lại tại căn nhà "mỏng mà rộng" của chú mà theo tôi là nhìn bề ngoài chẳng có gì thay đổi, cho đến khi chú mở hai cánh cửa sắt ra. Bên trong đã thay đổi nhiều, phía ngoài cùng đặt một tủ trưng bày kiểu tủ để bày bán bánh kem mà tôi thường thấy ở các tiệm bánh ngọt, phía trong là một tủ lạnh khổng lồ, màu nhôm óng ánh, ngay cạnh đó là một chiếc bàn đặt máy pha cà phê. Đối diện với máy pha cà phê đó là bộ bàn ghế tiếp khách, với những cái ghế làm bằng những nắp và thân thùng phuy lớn nhỏ khác nhau, được cắt cẩn thận để làm chân đế, trên mỗi nắp thùng lót một cái đệm ngồi. Bên trong nữa, bàn làm việc đã thay đổi vị trí của nó, đặt ngay cửa vào mà trước đó đó chính là cái cửa ngăn cách giữa chỗ để xe với phần tiếp khách bên trong. Cái ti vi màn hình phẳng đặt hướng về phía cửa ngoài, không như lúc trước là đặt ở ngay phía trên đầu cửa ngoài. Chỉ có mỗi căn bếp với phòng ngủ mini là chưa hề có một sự thay đổi nào ngoài những bao hàng chất ngay cạnh cửa vào nhà bếp cũng mini nốt. Tạm sơ lược về nội thất căn nhà cho các bạn đến đây thôi.

Tới đây, chúng tôi nói chuyện đủ thứ, chuyện người lớn thì tôi không quan tâm mấy, ngoại trừ chuyện về các anh chị họ sống ở đây. Chú nói rằng nhà anh Viên cũng gần cái nhà này, đi khoảng mười phút là tới. Kì thực, tôi chưa tới nhà ảnh bao giờ, bởi vì lần trước có ghé quái đâu, mà lúc đó tôi cũng chưa thể viếng thăm chị Na – cô chị họ lớn nhất của tôi. Năm ngoái chị ấy vẫn còn là sinh viên đại học năm cuối của trường kiến trúc – gọi là trường thế thôi chứ thực chất là khoa kiến trúc, và có lẽ trúng vào thời điểm tôi ghé Sài Gòn lần ba, chị có lẽ còn lu bu vài việc nên chưa thể tiếp khách được. Chị đã sống trong nhà ảnh từ khi mới vào đại học cho đến tận bây giờ tôi đoán là vẫn còn ở đấy. Cũng đỡ được một khoản đó là tiền để thuê nhà trọ, bởi vì có ở trọ quái đâu – họa chăng thì cũng chỉ trả tiền học phí với lại tiền tiêu xài này nọ mà thôi, mà nhiêu đó thì cũng đủ bằng lương giáo viên mức thấp nhất ở Việt Nam hiện tại rồi.

Sau một hồi nói chuyện tùm lum thứ, thì mẹ tôi bảo sẽ chuẩn bị bữa ăn tối, còn tôi, bố tôi và chú sẽ đi xe đến nhà anh Viên.

Dừng xe ngang một khúc đường mòn thành thị, hiện giờ tôi đang đứng trước một căn nhà cao bốn tầng, cổng cũng thừa rộng để một chiếc ô tô có thể vào, chủ yếu sơn màu trắng với mấy màu sáng khác. Sau cánh cổng đó là một chiếc ô tô màu đen, có biển số mang số 8090. Nếu tôi nhớ không lầm thì hồi tết năm lớp 9 anh cũng lên Đà Lạt chơi, biển số cũng mang số y như vậy.

Đứng ngay trước cổng, chị Út Cưng mở cổng cho chúng tôi vào. Chị Út Cưng là người chị họ thứ hai của tôi, hơn tôi ba tuổi. Chị ấy xưa giờ vẫn chỉ cao bằng tôi, từ hồi tôi học lớp tám cho đến giờ thì tôi cũng đã nhỉnh hơn chị khoảng một hai phân. Bản thân tôi cũng thấy bộ đồ mặc nhà của chị cũng nhỏ hơn đồ của tôi khá nhiều, nên nhìn xa trông chị cũng nhỏ.

Chị Út cũng từng học trường Trần Phú, chị ra trường lúc tôi tốt nghiệp cấp hai và chuẩn bị vào lớp mười. Chị biết rất rõ về các giáo viên trên trường (ngoại trừ những ai mới vào nghề như cô giáo chủ nhiệm tôi năm ngoái chẳng hạn), nên trong đầu tôi cũng nhen nhúm những câu chuyện trường lớp tôi sẽ kể cho chị sắp tới đây, vào lúc này.

Vào nhà. Tầng trước có phần đằng trước cửa rất rộng, dùng để cất ô tô, hai chiếc xe máy cùng với một chiếc xe đạp màu xám, sau đó mới tới bàn ghế sô pha tiếp khách, và một cái bàn làm việc, trên đó, bác dượng đang đếm từng tấm thiệp mời màu trắng, có ghi tên anh Viên cùng với vị hôn thê ngày mai của anh trên ấy. Bức tường bên phải đặt một chiếc piano màu gụ đỏ, nắp đàn đóng kín lại. Tôi vốn dĩ thích học đàn piano nên đây cũng chính là thứ đập vào mắt tôi đầu tiên khi lần đầu tiên đặt chân vào nhà anh.

Tôi ngồi lên ghế đàn, mở nắp đàn ra. Bài hát đầu tiên tôi nghĩ đến bao giờ cũng là bài "Triệu Đóa Hoa Hồng". Bài ấy tôi đã được nghe từ nhỏ, cùng với rất nhiều ca khúc trữ tình nước ngoài khác, và bây giờ khi tôi được nghe Ngọc Anh hát bài này trong Paris By Night số một trăm mười bảy và CD cùng tên – tất nhiên là cũng do trung tâm Thúy Nga sản xuất và phát hành, đĩa bao gồm những bài nhạc trữ tình trong cả hai chương trình Paris By Night – thì cảm tình của tôi với bài này cũng trở lại, khiến tôi nghe đi nghe lại track đó hoài không chán. Chính vì điều này mà tôi có thể chơi bài này mà không cần nhìn bản đàn của nó – nếu có thì cũng tốt, đoán nốt sai thì nhìn vô đó mà sửa.

Nghe tiếng đàn của tôi, chị Út đến cạnh tôi, hỏi han đôi câu sau mười tháng xa cách:

"Em học đàn piano à? Giỏi vậy!"

Tôi ngừng đàn, trả lời câu hỏi của chị:

"Em cũng mới học đây thôi. Học từ đầu hè tới giờ luôn rồi."

Tôi không biết chị hay chị Na có đánh đàn, hay là chỉ có mình anh Viên là đánh được đàn mà thôi? Tự hỏi thế. Tôi đoán là chỉ có mình anh chơi đàn thôi, bởi vì chị Na vốn đã bận về chuyện học rồi, còn thời gian nữa đâu mà học đàn.

"Tiện nói luôn về chuyện ở trường: năm nay cô Tường Anh chủ nhiệm lớp em đấy."

Miệng chị cười căng ra, đúng kiểu đang cười khổ vì đang tụt cảm xúc mà có ai đó hỏi bất ngờ là mình có vui không ấy.

"Chúc mừng..."

Cái gì thế? "Chúc mừng" có nghĩa là sao đấy? Tôi nghe vậy mà chẳng hiểu gì. Sau đó, chị lại theo chị Hà – vợ anh Vũ cũng là anh họ tôi – đi mua ít đồ ăn tối. Vâng, bây giờ tôi mới chính thức thưởng thức mấy món mà tôi chỉ có thể thấy khi đi ngang qua các hàng quán của Sài Gòn mà không được thấy trên Đà Lạt.

Tôi ngồi đó chơi đàn một lúc, rồi lên thăm các tầng trên của ngôi nhà.

Nhà có bốn tầng, hai tầng phía trên tầng trệt dùng làm chỗ làm việc và chỗ ngủ của ít nhất ba người – gồm ba anh chị họ, ngoài ra còn có chỗ cho gia đình anh Vũ và vợ chồng cô Tịnh nữa là tổng cộng chín người. Với bốn tầng này thì dư sức. Riêng tầng trên cùng để trống với chục cái thùng lớn bằng bìa các tông, tôi không biết trong đó chứa gì.

Tôi xuống nhà lại. Khi tôi quan sát chiếc xe đạp mười triệu đồng đặt ở gần góc nhà thì anh Viên về.

"Chào cu.", anh chào tôi sau khi thấy bố tôi và chú Đại. Tôi cũng chào lại.

Anh đi vào trong nhà làm gì đó, lúc sau quay ra với một chiếc loa dài trên tay đang mở nhạc. Anh ra ngoài, đóng cửa lại, mở vòi nước lên, chốc sau đã nghe tiếng nước chảy vào bề mặt bóng loáng của chiếc xe con. Anh đang rửa xe, để ngày mai còn đi rước đám cưới nữa chứ.

Mãi tới khi trời tối hẳn, hai chị về với hai, ba bịch ni lông đựng mấy hộp thức ăn trên tay. Tôi cũng xuống bếp ăn. Lần này là mấy món Á, gồm há cảo, xôi gói lá sen, và thêm mấy món khác. Nói chung là vị khá ngán, trừ món xôi thì tôi lúc nào cũng ăn được. Vừa ăn, tôi vừa chia sẻ chuyện trường lớp với chị Út.

"Chị nói thật, cô Tường Anh là một trong những người sống lỗi nhất trường luôn. Mấy năm trước chị còn học thì mấy lớp mà gặp phải cô này chủ nhiệm thì ngán lắm, bởi vì lớp nào cổ chủ nhiệm đều bị dọa mời phụ huynh lên hết, nhưng bây giờ thì đỡ hơn rồi."

Ngay cả bản thân tôi cũng thấy thế thật. Đầu năm lớp vi phạm thế là bị chửi cho sấp mặt, đã vậy còn suýt bị mời phụ huynh tới mấy đứa lận. Ức chế lắm! Cực kì ức chế khi chỉ vi phạm lần một lần hai mà đã bị dộng cho một cái hình phạt là làm phiền bố mẹ rồi. Tôi nói thật luôn, với giáo viên như vậy thì chỉ cần tôi được bổ nhiệm làm cán sự một cách bất đắc dĩ thôi là tôi sẽ nói cho thẳng họng thẳng lưỡi ra rằng sẽ mời bố lên làm việc với cô vì cô đã "bắt một người không có khả năng lên làm thành viên VIP".

Tôi cũng thấy cô Tường Anh khá giống như những gì chị kể, và gật đầu ra hiệu rằng tôi cũng cảm thấy như vậy. Tôi tiếp tục kể về con Bình:

"Năm nay em mới được ngồi cạnh con Bình."

"Con Bình mà em thích đó hả? Giờ còn thích nữa không?"

"Trước thì có, giờ không thích nữa. Nghe thằng bạn cùng lớp nói rằng nó thích một thanh niên học đại học nào đó rồi. Và giờ nó thích thầy Tuấn Anh dạy toán."

"Thầy Tuấn Anh dạy toán á? Thầy mới mới, đẹp trai đó hả?"

"Chính là thầy đó đấy.", tôi xác nhận.

"Nghe nói thầy đó là anh trai của bạn chị hồi xưa đấy."

Chị không hỏi tôi về việc nó có thích tôi hay không. Tôi tiếp:

"Bây giờ ngồi cạnh nó mà em chỉ thấy một điều là các môn tự nhiên nó dốt toàn cmn tập luôn, tính cả môn tiếng Anh vào đó. Mấy môn xã hội thì nó còn tạm chấp nhận được. Mà em nói thật, tiếng Anh của nó vê lờ tới cái mức mà em chỉ có thể so sánh trình của nó với trình của mẹ em hồi còn chưa xuống đây học ngành bếp nữa kia."

"Còn so với cả mẹ của em nữa hả? Vậy chứng tỏ là nó cũng học ngu lắm đúng không?"

"Cũng có thể nói là như thế.", tôi ăn tiếp nắm xôi trên dĩa. "Mỗi giờ Anh đến là em biết tỏng là nó lúc nào cũng quên mang sách. Và mỗi lần nó mượn sách em là lần đó không trang nào lại không có nét chữ hoặc nét vẽ bậy của nó."

"Giống chị, nhiều lúc cũng hay quên sách nè.", chị nói ngang.

"...và các mỗi lúc nó viết bậy lên sách em là lúc nó có những từ không biết hoặc lầm lẫn với các từ khác.", tôi lại tiếp, "Vào giờ toán là bao nhiêu câu hỏi vãi lều của nó hiện ra, và chúng nhiều đến mức em với thầy thay phiên nhau trả lời câu hỏi của nó mà có khi tới mười hai giờ mới về được.", sắc mặt tôi căng lên giống như thể đang bị táo bón ngồi nhà vệ sinh, đúng như vẻ mặt của chính tôi mỗi khi nghe nó hỏi những câu hỏi xuất phát từ sự chưa hiểu bài của nó. Và nói về sự chưa hiểu bài của nó thì tôi chỉ có thể chốt bằng một câu: vũ trụ có thể có giới hạn của nó, tuy nhiên cái dốt của con Bình này là không có điểm dừng.

Không. Không hẳn độ dốt của nó đã giống như tôi nói.

Có thể nó dốt thật, nhưng đó là đối với những gì mà nó phải tiếp thu trong suốt năm lớp mười một này. Ở lớp này, các môn khoa học tự nhiên cũng không còn đơn giản nữa, chỉ có những đứa khá giỏi mới có thể học đâu hiểu đó. Riêng tôi, tôi cũng cảm thấy chương trình Hóa lớp 11 ở Việt Nam là chương trình khó nhất thế giới – vì toàn là hóa học hữu cơ không à. Tôi đã thấp điểm ở chuyên mục khó chịu này, thì nó còn thấp hơn thế nữa. Chỉ có Lý là nó dễ hơn, vì học với phần điện học vốn là phần tủ của tôi từ hồi cấp hai. Phần này dễ ăn điểm hơn, và đây cũng chính là môn dự tính của tôi trong tương lai: tôi sẽ thi tốt nghiệp với môn này, với Toán và Anh là chính. Chỉ cần cao điểm ba môn này là tôi đủ, mà còn có thể dư sức đậu vào ngành công nghệ thông tin ở bất cứ trường nào trong khả năng tài chính và khoảng cách của mình.

Còn con Bình thì, có lẽ nghệ thuật là phù hợp với nó nhất. Có lần tôi thấy nó vẽ cũng khá khéo tay, và trong một buổi học định hướng nghề nghiệp, tôi cũng thấy nó có mong muốn được vẽ vời gì đấy hay nhiếp ảnh, và tôi dự đoán rằng nó sẽ vào trường họa – đừng nhầm lẫn với trường kiến trúc, ngành kiến trúc khó hơn nhiều so với việc chỉ ngồi đó vẽ những cái mà mình thích! Nhắc đến ngành kiến trúc, tôi lại thấy chị Na vẽ đẹp hơn Bình gấp trăm lần, và tác phẩm của chị mọi người có thể tìm thấy trên tường của quán cà phê của anh họ tôi.

Bất ngờ tôi gằn giọng lên, "Với lại em không ngờ được rằng cô thích gắn kết em với nó dữ vãi cả đái ra! Hôm đi xem lớp múa lân chào mừng trung thu, cổ cũng nói với em là nó là người yêu của em cơ đấy!"

"Em à, nhiều khi cổ cũng thích chơi trò gán ghép lắm. Cổ thích tìm hiểu học sinh mới của mình vào đầu năm học, và kết quả là cổ biết em thích con đó đấy, nên nó mới vậy à."

"Cũng vì thế mà em trách lũ bạn khốn nạn dường như thích thổi phồng câu chuyện của người khác lên cho cả mấy lớp khác nghe, từ lớp mười đến lớp mười hai, và thậm chí nó còn tới tai vài cô trong trường nữa mới chết em không chứ...", tôi chua chát nhận xét về lũ bạn trong lớp, lại còn nghĩ lại về lý do tại sao tôi nổi tiếng khắp trường từ năm ngoái.

"Mà nói chung là hồi xưa em thích nó mà giờ sao lại nói xấu đủ thứ về nó vậy?", chị lái chủ đề câu chuyện sang một hướng khác.

"Bởi vì hồi ấy em chưa biết nhiều về nó. Cũng vì thế mà em mới đi rình nó về đó."

"Chị hiểu mà. Hồi tết em cũng nói với chị là em thích nó đến nỗi nó về cũng không yên được nữa, nên em mới rình nó ngoài cổng trường đợi nó về."

Câu nói của chị gợi lại cho tôi bao kí ức từ những lần nấp sau cây, sau xe ô tô đợi ba nó đón rồi chở về trên con Dream hơi cũ với biển số xe 49**-1**8 gần như đã không còn mang màu trắng tươi như mới nữa.

Nhiều khi nhắc lại vẫn thấy đó là một niềm vui. Không vi phạm pháp luật, cũng chẳng ảnh hưởng đến bất kỳ ai khác, chỉ có tôi với Bình là trong vòng tròn của tôi thôi.

Tôi kể rất nhiều, mãi cho đến khoảng sáu giờ rưỡi tối là tôi lên xe về nhà. Ngày mai có gì tôi lại tiếp tục. Chuyện vẫn chưa kết thúc đâu.

Ở căn nhà chật chội mà chứa hầu như mọi thứ như một cái kho ấy, tôi ăn tối với món cá kho, và chỉ có cơm cá kho thôi. Ăn xong, tôi lại lên viết truyện tiếp. Lúc ấy quyển đầu tiên của cả bộ tôi mới đến chương chín, nhưng nó cũng đã là dài quá rồi. Tôi còn mở thêm nhạc, mà là nhạc của những người đi trước – cốt để cho vui nhà vui cửa. Trước sau gì thì chú cũng thích nhạc, ở đây mà không mở nhạc thì đìu hiu lắm – tôi thấy ngay điều này ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến căn nhà này.

Lúc tôi hoàn thành chương chín và chuyển sang chương mười, chú Đại lấy cái đàn guitar treo cạnh cửa sổ xuống, định làm một vài bài buổi đêm cùng với bố tôi. Bố tôi hồi xưa biết chơi trống, không những vậy còn biết đánh guitar. Tiếng đàn của bố lâu lâu mới được nghe, nhưng bố vẫn đánh hay như thường.

Sài Gòn có một đặc điểm khiến tôi cảm thấy mất ngủ, đó là mặc dù tôi thức đến mười hai giờ đêm, tôi vẫn có thể dậy vào lúc năm giờ sáng. Nghĩa là trong đêm tôi chỉ ngủ được năm tiếng hoặc hơn. Năm ấy tôi cũng vậy – dù thức rất khuya để coi những cuốn Paris By Night cũ trên mạng, nhưng sáng sớm tôi mở mắt rất nhanh, và vừa mở mắt cái là chỉ mới có năm giờ hơn. Khoảng thời gian đó, tôi đánh răng, tập thể dục và nghe những album cũng mở bằng Youtube – những album nhạc gồm nhiều bài được chơi theo thứ tự của nó khi được đóng thành một video hoàn chỉnh. Tối nay, cũng mười hai giờ đêm tôi mới ngủ, sau khi đã cảm thấy mình đã khai thác hết toàn bộ những sự việc xảy ra ở đêm hôm ấy. Thường ngày nghỉ tôi ngủ rất khuya, cùng lắm thì một giờ sáng tôi mới đi ngủ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top