Chương 3: Đừng nói với ba Yoon của con
Tôi cầm trên tay một xấp tờ rơi (nhiều lắm), mạnh dạn phát cho người qua đường dọc các con phố ở Seoul.
Đôi khi là tờ rơi quảng cáo dịch vụ dạy kèm tại nhà, đôi khi lại là chương trình khuyến mãi đặc biệt của một cửa hàng gà rán mới khai trương. Trước kia, cứ mỗi khi gặp những người đi phát tờ rơi trên phố, tôi đều cố gắng né xa họ mà không nói một lời. Thật không thể ngờ, tôi cũng có cái ngày phải trải nghiệm cảm giác của họ, thực sự muốn quay lại đấm cho bản thân ngày xưa mấy phát quá.
Ầy... Từ giờ trở đi, mỗi khi có ai lại gần phát tờ rơi, tôi hứa sẽ nhận chúng, chỉ là sau đó sẽ vứt lén lén đi thôi.
Đến cuối ngày, trong tay tôi vẫn còn một xấp dày.
Ngoài việc phát tờ rơi ven đường, tôi còn phải phát tờ rơi ở gần các khu chung cư, rồi ở các văn phòng,... Còn rất nhiều nơi phải đi nữa.
Thật ra thì tôi cũng cố thuyết phục mình rằng đây là sức lao động, không việc gì phải hổ thẹn!, nhưng mà——
Sau cái đêm hàn huyên tâm sự với ba Jeonghan, tôi tự biết rằng tôi càng lớn, tiền thuê nhà cũng sẽ theo từng năm tháng, vì thế nên hai người họ quyết định chuyển đến một nơi rộng hơn căn hộ hiện tại khoảng 10m², căn phòng mới của tôi cũng sẽ rộng hơn nhiều so với bây giờ (phòng tôi đang ở là phòng được cải tạo lại từ phòng chứa đồ nên nhỏ lắm), điều này có lẽ sẽ giúp cuộc sống của tôi thoải mái hơn.
Bởi vì khi tôi ngày một lớn lên, căn nhà nơi tôi sinh sống cũng giống như tờ báo thời trang tôi vẫn hay nhìn thấy trước cửa các tạp hoá, càng gấp nhiều lần sẽ càng nhỏ đi.
"... Bố con đã bắt đầu lên kế hoạch chuyển nhà từ lâu rồi." Ba Jeonghan nói với tôi như thế.
Và cũng đêm đó, tôi không nghĩ rằng tôi lại được biết thêm nhiều điều về gia đình mình như vậy.
Thì ra bố Seungcheol và ba Jeonghan đến với nhau không được sự đồng thuận của hai bên, chỉ là thái độ của hai nhà có chút khác nhau. Bố Seungcheol đã cãi nhau rất nhiều với gia đình, dường như còn cay nghiệt hơn những gì tôi có thể nghĩ về một cuộc nội chiến; ngược lại, ba Jeonghan thì rời đi trong im lặng, cả ba và gia đình đều không nói với nhau một lời nào hết.
"Con có thấy chúng ta có phải là dũng cảm lắm không?"
Ba Jeonghan chỉ mỉm cười, kể lại mọi sự đã qua cứ như một buổi chuyện phiếm vặt vãnh.
"Đối mặt với chuyện đó, khi ấy ba và bố con đều phải cố gắng chịu đựng rất nhiều điều, vì như vậy chẳng khác nào cắt đứt hoàn toàn đi nơi mình thuộc về." Những khó khăn trong lời ba Jeonghan nghe thì có vẻ nhẹ nhàng giống như hai người họ đang làm quá thôi, nhưng tôi hiểu nó đau đớn đến nhường nào. "Nhưng mà vì bên cạnh vẫn còn có nhau, nên bố và ba mới có thể kiên trì đến cùng."
"Đó cũng là lý do tại sao ba luôn nói, hạnh phúc đáng giá ngàn vàng, con à."
Không phải chỉ vì xứng đôi vừa lứa, cũng chẳng phải vì đã ở bên nhau quá lâu đến nỗi trở thành thói quen trong cuộc sống; mà chỉ vì hai chữ tình yêu, chỉ vì khi ở bên nhau, ta có thể cảm thấy mình đang nắm lấy hạnh phúc trong tầm tay.
— Vậy tại sao trước đây hai người lại cãi nhau?
— Đó không phải là cãi vã đâu.
Tôi hiểu, nhưng cũng không hiểu nổi.
— Đó là giai đoạn tất yếu mà con người ta đều phải trải qua trong đời.
"Khi con yêu một ai đó, quyết định cùng người đó tiến đến hôn nhân, cùng người đó vun đắp một mái ấm gia đình, con cũng sẽ đồng thời tiến vào một giai đoạn mới của cuộc đời." Ba Jeonghan từ tốn giảng giải cho tôi, thế mà tôi chỉ để ý vết chân chim hằn bên khóe mắt ba. Có lẽ là vì ba tôi hay cười lắm; mà cũng có lẽ là vì thời gian đã lấy đi sức xuân tươi trẻ của ba mất rồi.
Ngày đầu tiên của năm mới sẽ ăn canh bánh gạo; sinh nhật phải có bánh kem trong bữa tiệc và canh rong biển trên bàn ăn; Thất tịch lúc nào cũng ăn chè đậu đỏ,... Trong đầu tôi toàn những suy nghĩ vẩn vơ lộn xộn như mớ giấy nháp kẹp tạm vào giữa mấy quyển sách giáo khoa dày cộm. Bước sang giai đoạn mới của cuộc đời, bạn chiêm nghiệm được rằng, à, không đẹp tươi như mình nghĩ. Đứng giữa ngã ba đường đời, ta buộc phải tự mình đưa ra những quyết định tưởng chừng như bé nhỏ và giản đơn; cầm được tấm vé cơ hội do chính mình thận trọng lựa chọn trong tay rồi mới nhận ra, những năm tháng sau này có trôi qua dễ dàng như uống một bát canh nhân dịp lễ thôi đâu?
Tôi vô thức nghĩ đến tay nghề nấu ăn của bố ba tôi, cảm thán thời gian quả thật chẳng chờ đợi điều gì, những ngày tháng bình dị giữa cuộc đời bất biến này đã sớm khắc sâu trong trái tim tôi, khiến gia đình nhỏ của chúng tôi ngày càng trọn vẹn, ngày càng gắn bó.
"... Ba chỉ hơi giận vì bố con lúc nào cũng tự ý quyết định mà không buồn nghe ba đóng góp, rồi lại một mình chống đỡ hết mọi gánh nặng của gia đình thôi," Ngoài mặt, ba Jeonghan vẫn tỏ ra bình ổn, nhưng giọng nói như muốn vỡ ra trước mặt tôi lại không bình tĩnh được như thế: "Chúng ta sống chung biết bao nhiêu năm rồi, bố con không thể cứ giữ cái kiểu một mình chống chịu như thế được."
Tâm sự với ba Jeonghan một hồi lâu, tôi cũng hiểu rõ hơn một chút về vai trò của những người lớn trẻ con trong gia đình nhỏ của mình.
Thì ra bố Seungcheol là người mạnh mẽ và độc lập như thế.
Sở dĩ là vì tôi vẫn luôn nhìn nhận bố là người lúc nào cũng bám dính lấy ba Jeonghan, và cũng bởi quyền hành trong gia đình hầu hết đều nằm trong tay ba. Có những lúc tôi muốn xin bố ba tiền tiêu vặt để đi karaoke với bạn sau giờ học — ba Jeonghan thường là không đồng ý, vậy nên đã có một Choi Seungcheol xuất hiện trong đời tôi, lén lút đưa cho tôi một chút tiền.
"Đừng nói với ba Yoon của con nhé."
Thực ra ba Jeonghan biết hết đấy, chỉ là ba vẫn mắt nhắm mắt mở, đứng trong một góc nhỏ theo dõi giao kèo giữa tôi và bố mà thôi.
Ánh sáng từ chiếc đèn trần lập lòe chớp nháy, đến chính nó cũng không chạy kịp với thời gian, yếu ớt cũ kỹ không đủ sức thắp sáng căn phòng này nữa. Bóng đen mờ mịt hiu hắt phủ lên đôi lông mày mềm mại của ba Jeonghan, tất cả mọi thứ đều lặng im, chỉ trừ hàng mi cong vút vì ánh đèn yếu ớt mà chớp liên hồi.
— Yoona.
— Dạ?
— Tương lai sau này, con muốn sống một cuộc đời như thế nào?
Khi ba Jeonghan dịu dàng nhìn vào mắt tôi, hình ảnh chú Mingyu đột nhiên lại hiện lên trong tâm trí tôi chẳng hiểu vì lý do gì.
Đó là vào một ngày hè oi ả, nhà tôi lại mất điện. Tôi ngồi bệt dưới sàn, trán ướt đẫm mồ hôi. Lon nước ngọt để tủ lạnh áp trên má một lúc lâu cũng đã hết mát rồi. Không khí trong phòng bí bách ngột ngạt, không ai trong ba chúng tôi muốn nói gì cả.
Bố Seungcheol chờ hết nổi, cuối cùng lại gọi đến trung tâm phục vụ cộng đồng. Tổng đài viên ở đầu dây bên kia liên tục đảm bảo với chúng tôi rằng sẽ có nhân viên đến kiểm tra căn hộ ngay lập tức.
Thứ duy nhất còn hoạt động lúc này là chiếc đồng hồ treo tường chạy bằng pin. Kim đồng hồ vẫn tích tắc chuyển động đều tăm tắp. Tôi ngước mắt, nhìn chằm chằm cả kim phút lẫn kim giờ, trong đầu hoàn toàn rỗng tuếch. Bỗng nhiên tôi giật nảy mình, chạy vội vàng đi tìm cặp sách.
"Á! Đến giờ con đi học thêm rồi!"
Hai người họ bừng tỉnh khi nghe thấy tôi kêu lên vội vã, như thể trước đó vẫn chưa từng mệt mỏi gục xuống. Tréo ngoe thật, chút nữa sẽ có người được cử lên sửa điện, không thể không có ai ở nhà được. Ba Jeonghan cũng sắp đến giờ trực ca đêm, cũng không thể đưa đón tôi đến lớp đúng giờ...
Ba người sáu mắt nhìn nhau, ba Jeonghan nhanh chóng quyết định: "Hay là nhờ Mingyu đưa con bé đi thôi."
"Ừ, cũng ổn đấy." Bố Seungcheol gật gù đồng ý.
Chú Mingyu đã quen bị hai người này hành hạ ngược đãi, vừa cúp điện thoại, chú nhanh chóng leo thang bộ xuống tầng nhà chúng tôi. Tôi cầm lấy mũ bảo hiểm chú Mingyu đưa, leo tót lên xe, vẫy tay với hai người ở cửa sổ xa xa trên tầng. Hai người đàn ông đứng cạnh nhau ngay ngắn thẳng hàng bên ô cửa, vẫy tay chào tôi, bịn rịn như thể sắp chia ly với đứa con chuẩn bị đi xa xứ.
Ngồi yên ổn sau xe chú Mingyu, mồ hôi trên mặt tôi dần khô lại, cuối cùng tôi cũng có một phút giây được thở phào nhẹ nhõm dưới cái thời tiết nắng nóng này. Nỗi lo lắng cuộn trào trong bụng tôi như muốn nổ tung được làn gió mát thổi tung mái tóc xoa dịu dần đi.
Nhìn những tia nắng đùa giỡn trên vạt áo vàng ươm, tôi thầm cảm thán, đây chính là cuộc sống tự do mà tôi hằng mong ước.
Tôi tình cờ nghĩ: Có lẽ bố Seungcheol và ba Jeonghan cũng đã từng như thế này, nhưng giờ đây hai chữ tự do của họ chỉ như ánh nắng Mặt Trời giữa một ngày mưa như trút nước, có cũng như không; hay cũng giống như chiếc chăn bông đã từng đem đi giặt, chẳng bao lâu sau nó cũng sẽ lại chìm trong nước, ẩm ướt và co quắp đến nhăn nhúm.
°°°°°°
Những ngày có người lớn đến chơi nhà cũng không làm cho một ngày của bố ba tôi bớt đi mây mù giông bão.
Hôm đó có một đồng nghiệp nhờ bố Seungcheol chở đi nhờ một đoạn, nhưng có một tai vạ bất ngờ đã xảy ra. Dự báo thời tiết vẫn báo có mưa, nhưng các đài còn phát thông báo khẩn cấp, không thể tránh khỏi sự kiện ngày hôm đó bị gián đoạn.
Nắng nóng gay gắt, rồi lại mưa tầm mưa tã, ai cũng cảm thấy khó chịu trong người, tôi vốn dĩ đã bực dọc vì thời tiết thất thường, tôi còn bức xúc vì bố Seungcheol đã gặp phải tai bay vạ gió thì chớ, người đồng nghiệp không những không thông cảm mà còn ngược lại nữa.
"Aish, cái tên gia hỏa* đó — Còn muốn con chịu trách nhiệm vì làm gián đoạn buổi thi viên chức của thằng cha đó nữa hay gì?!"
(*) Gia hỏa: Giống kiểu chửi "cái thằng đó", "con mẹ kia",.. đồ đó. Tựu chung là khinh miệt vậy thôi.
Tên đồng nghiệp đáng ghét đó vừa rời đi, bố Seungcheol gần như muốn đấm vào tủ đầu giường.
Xui rủi làm sao, đối phương vừa là tiền bối, vừa là cấp trên. Mặc cho bố Seungcheol có đấu tranh đến đâu, bố cũng không thể biết được đối phương sẽ dùng cách gì để đổ hết trách nhiệm sang cho bố cả.
"... Con ổn, bố mẹ không cần phải qua đây... Aish! Sao hai người không bao giờ nghe con giải thích hết vậy!... Không phải lo, con không làm sao cả..." Bố Seungcheol liên tục nhấn mạnh với đầu dây bên kia đầy gấp gáp.
Cứ nói là thế, nhưng dường như các bậc cha mẹ đều có thể nhìn ra con em mình đang có chuyện gì giữ trong lòng vậy, nên mặc dù bố tôi có nói nhiều lần đến thế nào, phụ huynh của bố vẫn bỏ ngoài tai, tức tốc gọi xe rời khỏi quê nhà Daegu.
Choi Seungcheol, người đã là trụ cột gia đình suốt bao nhiêu năm nay, thì ra cũng có phút giây hoảng hốt trước mặt bố mẹ mình như thế.
Biết được toàn bộ câu chuyện tréo ngoe này, hai ông bà lão thi nhau mắng bố Seungcheol — người mà trong lời ông bà là vẫn chưa biết rút kinh nghiệm — một trận: Từ ngày tốt nghiệp Đại học, bố tôi đã từng đi bảo lãnh cho người khác, kế tiếp là người ta không có tài kinh doanh nên bị lỗ nặng, sau đó bước vào xã hội với cả tá khó khăn gian truân trên vai, rồi tiến đến hôn nhân với ba Jeonghan, mặc kệ tất cả mà rời đi, theo như hai người đó thì bố chẳng khác nào một đứa trẻ tuổi nổi loạn bồng bột———
"Mấy chuyện này ba có biết hết không ạ?" Tôi ngước lên hỏi ba.
Ba con tôi ngồi trong phòng khách, đều đang cúi đầu, chăm chú mở hộp máy hút ẩm vừa mới giao đến.
Dự báo thời tiết hôm qua đưa tin rằng mùa mưa sắp tới gần, ba Jeonghan ngay lập tức đến siêu thị mua máy hút ẩm.
Mùa mưa năm ngoái là những trận mưa rào liên tục, xui không thể tả. Cả một ngày trời mưa tầm tã như trút nước, trên vô tuyến luôn cảnh báo người dân không nên ra ngoài nếu không cần thiết. Cả nhà ba người chúng tôi cứ phải lau đi lau lại vì sàn nhà liên tục có vết nước lênh láng, còn phải bật điều hòa liên tục giữa tiết trời se lạnh ẩm ướt này nữa.
Kể từ đó, căn nhà chúng tôi cứ như con tàu Noah* đang đóng* vậy. Mỗi khi gặp phải sự cố gì đó trong cuộc đời, chúng tôi đều sẽ chuẩn bị cho mình một giải pháp, một lối thoát từ bài học kinh nghiệm đó. Năm nay mùa mưa đã đến gần, nhưng tôi không phải lo lắng trên sàn nhà sẽ xuất hiện những gì nữa vì đã chuẩn bị máy hút ẩm đầy đủ rồi.
(*) Tàu Noah là con thuyền được nhắc đến ở chương 6 đến chương 9 của Sách Sáng thế trong Kinh Thánh, mô tả việc ông Noah đóng con tàu này theo ý Chúa là để cứu ông và gia đình cùng các loài động vật nhằm khỏi bị diệt vong bởi trận trừng phạt đại hồng thủy của Thiên Chúa.
(*) Tàu Noah đang đóng: Chúa chỉ cứu vớt duy nhất Noah, còn trận đại hồng thủy sẽ cuốn trôi tất cả. Trong khi mọi người ngoài kia vẫn đang ăn uống vui chơi mà không biết điều gì đang chờ đợi thì Noah lại đóng tàu, đến cuối cùng cũng chỉ có Noah vẫn còn an toàn. Ở đây tạm hiểu là ngôi nhà của ba người có thể ứng phó với mọi khắc nghiệt của thời tiết.
Thời gian dần trôi, nhiệm vụ đóng tàu ngầm được giao cho ba Jeonghan.
Bây giờ tôi mới cảm nhận rõ ràng được sự trái ngược giữa vai trò của bố Seungcheol và ba Jeonghan trong gia đình mình.
Yoon Jeonghan xếp gọn gàng các hộp máy hút ẩm trước khi nói và giải thích sơ qua tình hình cho tôi.
Ba Jeonghan xếp gọn các hộp lại trước khi kể chuyện cho tôi nghe.
Vừa mới ra trường, một người bạn của bố Seungcheol quyết định khởi nghiệp, cầu xin bố tôi bảo lãnh cho người đó... "Bố con dễ mềm lòng, bên kia cầu xin thảm thiết cùng một loạt lời hứa suông rằng sẽ điều hành doanh nghiệp thật tốt, thế là đồng ý luôn."
"... Tốt hơn hết là đừng có tin tưởng mấy người bạn trong tay không có gì chứng minh cả." Ba Jeonghan kết thúc câu chuyện, tôi hiếm khi thấy ba bất mãn đến thế này. Dĩ nhiên là ba tôi không nói bố, mà là nói những kẻ lợi dụng lòng tốt của bố tôi.
Mặc dù bầu không khí lúc này có phần trầm lắng và căng thẳng, nhưng không hiểu sao tôi lại đột nhiên cảm thấy buồn cười. Ba Jeonghan lúc này một lời đều tràn đầy chính nghĩa, khí thế hào hiệp phơi phới, như kiểu bây giờ sẽ có một tiếng kèn vang lên, và giây tiếp theo là phân cảnh ba tôi xách vũ khí đi tiêu diệt từng tên xấu xa dám cả gan lừa gạt bố tôi vậy.
Tôi vẫn đang đắm chìm trong bầu không khí anh hùng như truyện cổ tích thì tiếng cửa mở đã thu hút sự chú ý của tôi.
Có thể là tôi đang ảo giác thôi, nhưng tầm mắt bố mẹ của bố Seungcheol chẳng biết vô tình hay hữu ý đặt trên người tôi, rồi lại nhanh chóng ngồi lại đưa cho ba tôi một vài lời khuyên trong hôn nhân hạnh phúc gia đình. Đôi mắt họ lướt qua tôi trong chớp nhoáng, nhanh đến mức tôi không kịp nhìn thấu phía sau chúng có ý tứ gì.
Đến khi ba Jeonghan đứng dậy và tiễn họ ra về, tôi cũng bước tới cửa cùng ba, cúi đầu tạm biệt giống ba. Chưa đi được bao xa, tôi vừa ngẩng đầu lên lại nghe thấy tiếng xì xào ngay trước mặt.
"... Thằng bé nhiều khi còn không thể tự lo cho bản thân mình, giờ còn phải nuôi thêm một đứa con... Tôi lo quá..."
"... Hai đứa nó rồi sẽ biết giới hạn của bản thân mình đến đâu thôi..."
Mẹ của bố Seungcheol nom có vẻ là một người hiền hậu chất phác, tôi chỉ có thể đứng nhìn bà ấy từ xa, có lẽ bà đang thở dài đầy phiền muộn: "Đứa nhỏ này thậm chí còn chẳng phải máu mủ ruột già của chúng nó..."
Tôi cứ ngẩn người chôn chân trước cửa nhà, như một đứa trẻ hư bị phạt vì nghịch ngợm. Hôm đó là một ngày trời nắng nóng đến nhớp nháp cả người mồ hôi, nhưng chân tay tôi lại cứ như đông cứng, cả cơ thể lạnh tanh hệt khối băng vô tri vô giác. Từng giây trôi qua, tôi cứ ngỡ mình đang dần biến mất khỏi cuộc đời, hoá thành cát bụi dưới ánh nắng thiêu da rụi thịt, trôi nổi vô hình trong không khí và lang thang khắp mọi ngóc ngách trần gian. Tôi không dám ngẩng đầu lên nhìn ba Jeonghan nữa, tâm trí tôi như chìm sâu dưới đáy đại dương, chỉ vì một lời hữu ý nhưng vô tình lại có thể khiến một người đỏ bừng khuôn mặt vì thiếu dưỡng khí.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top