Đại Học không phải là con đường duy nhất

Cứ đến những ngày đầu tháng 10 mỗi năm, là bao nhiêu người trẻ kỳ vọng, hồi hộp chờ đợi kết quả kỳ thi Đại Học. Bố mẹ không ngại đường xa đưa đón con những ngày đi thi trời nóng oi ả. Thì cũng không ngại gian khó những ngày cùng con đăng ký nguyện vọng những ngày mưa tầm tã.

Các em trẻ ở cái tuổi sôi nổi đầy nhiệt huyết ấy, thật ra cũng chưa bao giờ nghĩ được một cách chính chắn về ước mơ, về con đường tương lai về sau. Chỉ chăm chăm theo những "kim chỉ nam" của người lớn tuổi vạch ra, đó chính là: Phải thi đậu Đại Học.

Đúng là thi đậu Đại Học như một bản tổng kết của mười hai năm đèn sách. Đánh giá được rằng chúng ta có uổng phí 12 năm thanh xuân vùi đầu vào đèn sách hay không. Nhưng đậu Đại Học không phải là tấm gương phản chiếu tương lai của chúng ta thành hay bại.

Bố mẹ, thầy cô, anh chị nên cổ vũ các em thi Đại Học, cố gắng nỗ lực đậu Đại Học để xem như đó chính là vượt qua được thử thách đầu đời. Chứ đừng chỉ chăm chăm vào việc: Đậu Đại Học các em mới có một tương lai sáng lạng, đầy thành công. Còn rớt Đại Học thì chính là thất bại, là tương lai mù mịt, là việc mất mặt mũi với họ hàng, làng xóm.

Mấy hôm trước tôi có lượt facebook và đọc được một status khá hay. Nhưng vội vàng chưa kịp ghi lại thì giờ đã không tìm ra được dòng status ấy nữa.

Đại khái dòng status đó rằng: Mặc dù bây giờ chúng ta có thể buồn bã, thất vọng vì thi rớt Đại Học. Nhưng năm năm sau chẳng còn ai quan tâm chúng ta có từng đậu Đại Học hay không. Mười năm sau chẳng ai nhớ bạn tốt nghiệp đại học trường nào.

Quả đúng là như vậy. Giây phút này chúng ta thất vọng về bản thân tột độ. Chúng ta xấu hổ với bạn bè, bố mẹ, họ hàng. Chúng ta tưởng chừng tương lai như chấm dứt từ đây. Từ nay về sau chỉ toàn nhục nhã ê chề, chỉ toàn khổ sở làm trâu bò cũng không thể nào được xem là thành công.

Nhưng hoàn toàn không phải. Khi trải qua những tháng ngày mềm yếu, bản thân chúng ta sẽ càng vừng vàng, mạnh mẽ bước tiếp. Chỉ cần chính mình không từ bỏ việc học tập, thì dù học ở trường Đại Học, hay trường Cao Đẳng, thậm chí Trung Cấp nghề, thì đều có thể mở ra một tương lai tươi đẹp.

Có bạn rớt Đại học Bách Khoa, khiến bản thân cảm thấy những năm đèn sách chăm chỉ coi như phí phạm. Bản thân tài giỏi như mình làm sao có thể học ở một trường Tỉnh lẻ vô danh chứ?

Hay có bạn rớt nguyện vọng 1, dùng hết sức lực giành bằng được nguyện vọng 2 cũng không thành. Đành chọn bừa một nguyện vọng 3 ở trường nào đó. Cảm thấy học trái sở thích, không hề có đam mê, thì tương lai cũng chả làm nên trò trống nào.

Có người rớt hẳn Đại Học, lại không thi một trường cao đẳng dự phòng nào cả. Xem như là không còn cơ hội học tập trong năm nay. Giờ chỉ có thể tìm kiếm một trường Tư nào đó để đăng ký học nghề. Hoặc cố gắng ôn tập năm sau quyết chí thi lại.

Bạn là số nào trong đó cũng được. Chỉ cần mạnh mẽ vượt qua được năm nay. Bình tâm suy nghĩ lại mong muốn thật sự của bản thân. Một là muốn ôn thi lại. Hai là lựa chọn một đam mê thứ hai, một sở thích dự phòng, để biến đó thành một nghề tay phải trong tương lai gần.

Bố mẹ cũng đừng vội vàng trách cứ con cái. Đừng xem trọng lời bàn tán của họ hàng, làng xóm hơn cảm xúc của con mình. Đừng để mọi thứ quá xa khiến các em trẻ chưa từng bước ra đời gặp phải cú sốc tâm lý nặng nề. Có em còn đưa ra những quyết định đau lòng dại dột. Nếu chẳng may con trẻ hay em trẻ xung quanh các bạn không đạt điểm chuẩn chuyên ngành các em lựa chọn. Hãy ở bên động viên, truyền tải tinh thần tích cực cho bạn trẻ, để có thể mạnh mẽ vượt qua giai đoạn đầu, vượt qua cuộc thất bại to lớn đầu đời này.

Tôi không mong muốn gặp phải những tin tức như: Clip Bố mẹ mắng chửi con cái thậm tệ về việc rớt Đại học. Cô con gái treo cổ tự tử trong phòng vì thi trượt Đại Học. Chàng trai bỏ nhà ra đi vì xấu hổ khi thi trượt Đại Học...

Điều đó thật đáng buồn vô cùng. Chúng ta nuôi dưỡng cho các em trẻ động lực học, học mãi, học cả đời. Nhưng đừng khẳng định rằng chỉ có ở trường Đại Học mới được gọi là học hành tử tế.

Năm năm sau, những bà hàng xóm chẳng ai còn nói ta: Cháu rớt Đại Học à? Cũng chẳng ai còn hỏi ta: Đậu đại học trường gì đấy.

10 năm sau trên đường đời, chẳng có ai xem trọng bạn tốt nghiệp Đại học Bách Khoa hay chỉ là tốt nghiệp ở một trường Tỉnh lẻ. Lúc đó, nếu bạn đang làm trong môi trường chuyên nghiệp, cấp trên chỉ nhìn vào năng lực của bạn như thế nào. Đã đưa ra những ý tưởng mới nào, những cống hiến nào cho công ty.

Tôi rất ưa thích làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Họ không đòi hỏi bằng cấp. Cũng không đòi hỏi kinh nghiệm quá cao. Chỉ cần trong quá trình phỏng vấn bạn thể hiện được ứu thế của mình, thu hút được cái nhìn tích cực của nhà tuyển dụng, thì họ không ngại đào tạo bạn từ con số 0.

Đương nhiên bất kể người nào có bản CV sáng giá, ghi chú rõ ràng tốt nghiệp trường Đại Học danh giá thì sẽ được chú trọng hơn. Nhưng bạn hãy thử nghĩ xem. Nếu như công ty cần tuyển một nhân viên giỏi ngoại ngữ Anh. Tuy bạn chỉ học ở trung tâm nghề hay trường nhỏ lẻ ở tình nào đó, nhưng ngoại ngữ của bạn nhạy bén, hùng biện một cách mạch lạc trong quá trình phỏng vấn. Thì đương nhiên cơ hội của bạn cũng không ít hơn người tốt nghiệp trường Đại Học nổi tiếng là bao.

Không quan trọng bạn học trường nào, quan trọng tính tự học, tự luyện tập của bạn ở mức độ nào thôi.

Nhớ ngày trước lúc chốt CV chọn ứng viên vào làm cho sếp sau khi phỏng vấn. Trưởng bộ phận có đưa ra một vài ý kiến với sếp rằng: Bạn A này tốt nghiệp Đại Học loại Giỏi. Tuy chưa có kinh nghiệm nhưng được đào tạo trường tốt. Tuy yêu cầu mức lương khá cao nhưng tôi thấy rất có tiềm năng.

Lúc đấy sếp quay sang bảo: Công ty này thật sự không quan tâm đến bằng cấp. Kể cả một người tốt nghiệp ngành nghề không liên quan, nhưng có ý chí học hỏi, chăm chỉ thì qua đào tạo ai cũng như ai thôi. Tôi lựa chọn bạn B này. Tuy chỉ là tốt nghiệp Trung cấp. Nhưng nhìn xem kinh nghiệm làm việc ở nơi khác khá nhiều. Mặc dù không mấy liên quan đến vị trí chúng ta tuyển dụng, nhưng nhìn kinh nghiệm đó cũng đánh giá được bạn này chịu được áp lực khá tốt. Mức lương yêu cầu lại ngang với mức sàn chung. Phù hợp với công ty chúng ta hơn.

Anh trưởng bộ phận có tranh cãi với sếp một hồi. Nhưng sếp bảo cái nhìn của sếp chắc chắn chuẩn xác hơn anh trưởng bộ phận. Hai người thống nhất cho hai bạn nữ cùng vào thử việc, sau hai tháng sẽ ký hợp đồng với người học việc nhanh hơn.

Quả nhiên, Bạn nữ Trung cấp là người vô cùng hoạt bát, nhanh nhẹn. Tuy là công việc mới so với bạn ấy, nhưng bạn nữ này vô cùng tích cực và nổ lực học tập. Cũng tiếp thu khá nhanh chóng. Chẳng mấy chốc đã quen với khối công việc dày đặc của bộ phận.

Còn bạn tốt nghiệp đại học. Những năm học trên ghế nhà trường chỉ học theo các chương trình nhà trường thu xếp. Không bồi dưỡng thêm bất cứ kỹ năng sống hay kỹ năng nghiệp vụ nào. Tiếng Anh cũng khá kém so với bạn Trung Cấp. Bạn nữ này lại luôn so đo rằng mình tốt nghiệp Đại Học, lại bị đem ra so sánh với người Trung Cấp nên trong lòng luôn hậm hực. Nhiều khi không tập trung vào công việc mà chỉ biết tỏ ra bất bình. Cuối cùng người ký hợp đồng với công ty lại là Cô B- cô gái tốt nghiệp Trung cấp.

Điều tôi chú trọng nhất ở đây, không phải là không khuyến khích các bạn trẻ học đại học. Mà tôi muốn nhấn mạnh dù các bạn học trường nào, học Đại học hay Cao đẳng, kể cả Trung cấp, thì thái độ tự học tập của các bạn phải thật vượt bậc, thì tương lai mới tươi sáng. Chứ không phải học Đại Học thì sẽ không lo thất nghiệp, hay rớt Đại Học chính là thất bại của cuộc đời.

Tôi có quen một cô bạn nhỏ tuổi hơn tôi chừng 10 tuổi. Trong quá trình học nghề cảm thấy không mấy khả quan. Nên em ấy có tâm sự rằng muốn vừa làm thêm vừa kiếm tiền để học ngoại ngữ. Để sau này có thể đi làm cho các công ty du lịch, hoặc các công ty nước ngoài. Em còn muốn học thêm khóa nghiệp vụ trợ lý với mong muốn sau này phát triển sự nghiệp theo con đường mới.

Đương nhiên tôi vô cùng ủng hộ, hết lòng cỗ vũ em ấy chọn con đường mới này. Dù biết vô cùng khó khăn gian nan.

Em ấy phải học với cường độ cao gấp người khác vạn lần. Sáng nào cũng đến trung tâm học và luyện nghe nói. Buổi chiều phải đi làm theo ca đến tận tối. Sau khi về nhà cũng không nghĩ ngơi mà luôn tìm kiếm xu thế, ngành nghề hot hiện tại, và nghiên cứu cần gì khi lựa chọn ngành nghề ấy. Em tự học ngoại ngữ, vừa tự học kỹ năng ngày lẫn đêm. Như vậy phải những ba năm em mới thật sự tự tin rằng ngoại ngữ của mình đủ để đi xin việc.

Tất nhiên thoạt đầu đi xin việc khá nhiều công ty yêu cầu bằng cấp. Không ngại từ chối thẳng thừng vì em không hề tốt nghiệp bất cứ một trường đào tạo chính quy nào.

Có thời gian em cũng vô cùng buồn tủi, song không hề chán nản mà từ bỏ. Em tìm kiếm cơ hội ở các công ty mới thành lập, họ chấp nhận đào tạo một thời gian trước khi công ty đi vào hoạt động. Ngoại ngữ của em khá ổn, trao đổi lưu loát nên thu hút các cấp trên là người ngoại quốc. Họ nhìn thấy ở em một tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ nên đương nhiên nhận vào đào tạo. Ban đầu em được đưa đi học tập về hàng hóa, chất lượng sản phẩm. Em lại khá ham học hỏi, tìm hiểu kỹ càng hơn người khác, am hiểu sản phẩm công ty nhanh nhất, nên được sắp xếp vào bộ phận Chất lượng. Chỉ là nhân viên QC bình thường. Nhưng với nổ lực hết mực của em. Sau một năm đã được các sếp cho lên làm trưởng bộ phận Chất lượng. Chuyên đi gặp khách hàng, lập báo cáo và liên hệ với công ty mẹ về các đối sách hàng hỏng, phương án khắc phục, cải tiến sản phẩm. Nhìn vào em tôi không phút nào thấy hừng hực năng lượng. Dù có ai hỏi em tốt nghiệp trường nào mà giỏi vậy, em cũng chẳng ngại trả lời mình chỉ tốt nghiệp cấp 3, sau đó tự học trung tâm, trung cấp nghề...

Các bạn trẻ thử lên mạng tìm hiểu, xem thử 10 nhân vật thành công mà không cần đến tấm bằng Đại Học là những ai.

Tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller đã bỏ ngang trung học. Rachael Ray chưa từng học qua bất kỳ trường lớp nấu ăn nào và tất nhiên không hề học đại học. Henry Ford chưa bao giờ tốt nghiệp trung học, tuy nhiên ông đã sáng lập nên một trong những công ty sản xuất ô tô lớn nhất thế giới - Ford Motor...

Còn rất nhiều rất nhiều con người ở ngay cạnh chúng ta, xung quanh bạn bè chúng ta, họ thành đạt, nhưng đâu phải ai thành đạt cũng đều tốt nghiệp Đại Học. Họ không học Đại Học, không phải là họ lười học, họ bỏ học hoàn toàn. Mà họ lựa chọn một con đường khác để học tập. Họ học trên con đường đời, bằng trãi nghiệm thực tế. Có thể, họ sẽ mất nhiều thời gian và tâm huyết hơn những người ngồi ở giảng đường, nhưng bài học họ có được lại vô cùng sâu sắc hơn hàng trăm buổi dự thuyết giảng.

Các bạn trẻ, các bạn còn đang nhìn đời bằng ánh mắt hạn hẹp. Đừng để cho ánh nhìn ấy làm nhục chí những hoài bão của tuổi trẻ. Đừng để suy nghĩ "tấm bằng Đại Học rất quan trọng" làm cho bạn bị nhốt lại ở thế giới bé nhỏ.

Nếu lúc này bạn đang thất vọng, đang buồn bã, cùng đừng thôi nuôi hi vọng. Chúng ta suy nghĩ như thế nào về cuộc đời, thì tương lai cuộc đời chúng ta sẽ phản ánh rõ suy nghĩ ấy.

Đừng vì bồng bột mà vứt bỏ tương lai tươi đẹp phía trước bởi vì trượt đại học. Đừng gay gắt, hay tỏ ra thất vọng với đứa con của bạn vì trượt đại học. Hãy giành thời gian để ở bên, gieo cho các em hy vọng tươi đep ở phía trước. Hãy trao cho các em những quyển sách hay. Hãy thắp lên cho các em những nguồi năng lực dồi giàu. Hãy để cho các em biết tầm quan trọng của việc học trên con đường đời.

Học rất quan trọng, học không ngừng nghỉ, mọi lúc mọi nơi. Và không quan trọng rằng bạn học ở giảng đường, hay bên lề đường.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top