Dù cho Thương hải tang điền


Lập gia đình khiến chỉ số thông minh của đàn ông giảm sút. Thầy đồ Đức nghĩ thế, nếu không thì con người kia đâu thể ngây thơ đến mức cho rằng chàng không nhận ra nét chữ của y. Cho nên, chép phạt năm mươi lần xem như cảnh cáo.

Ông phú Đại biết không qua nổi con mắt của thầy. Lần này, mượn một đêm trăng, đích thân kèm Vọng học bài. Không những là Tam tự kinh bài một còn nhảy sang bài hai, bài ba...

Có công mài sắt có ngày nên kim. Cu cậu tiến bộ đáo để. Ông phú được dịp: "Âu cũng là do phương pháp dạy cả." Thầy đồ Đức nhìn ai đó hả hê, trong lòng nhẩm một ngàn câu: "Không chấp trẻ trâu. Không chấp trẻ trâu... " rồi đóng cửa quay vào.

Nghĩ lại thì, thầy cũng tự cảm thấy phải chăng phương pháp dạy của mình có vấn đề thật. Giống như một đứa trẻ chưa học xong Tam Tự Kinh bài một sao có thể hiểu "câu bay nhảy" với "yến giục đòi". Xem ra, thầy đã triết giảng đạo lý quá nhiều mà quên mất rằng đầu óc trẻ thơ chỉ ưa...vũ lực.

Chuyện kể rằng nhóc Hoài làng Mộng tỉ tê với bé Vọng làng Mơ:

" Bố cậu dạy cậu học. Thế có đánh cậu không?"

" Không."

" Eo ôi Sướng thế."

" Bố không đánh, chỉ cầm guốc đả thôi."

Thầy Đức nghe xong, thở dài bất lực lần thứ tám vạn.

Gió xô một dải mây hồng về nơi góc sân, ông phú vẫn tựa cột, tao nhã ngắm bầy chim lợn bay ngang trời, trong lòng tràn ngập một cảm giác khoan khoái khó diễn tả.

Dạo này y có thú vui mới, ấy là đi gây sự thầy đồ Đức, thầy không nói nhưng khó chịu ra mặt, bộ dạng đó làm y thích thú biết bao. " Chí ít vẫn hơn lúc chàng dửng dưng với ta." Y tự nhủ thế rồi suốt ngày kiếm chuyện với chàng. Chẳng riêng gì chuyện dạy học, đến cả con mèo chàng chăm ở chùa y cũng càu nhàu: " Mèo gì mà đen như con quạ lại còn béo như con voi." Một vị thầy khác đang quét lá khô nơi góc sân không khỏi hừ mũi. Gớm, thế mà anh mèo tam thể đẹp đẽ nào vẫn chết mê chết mệt con voi quạ bên này, đêm nào cũng ở bờ tường rủ cô nàng đàn đúm, có hôm còn tha xương cá ra đầy cả sân chùa hại cái thân già này phải còng lưng ra quét dọn. Mèo nhà ai ấy nhỉ? Nhà ai, nhà ai hở ông phú ba bát hương....

Rồi đến một hôm kia, mèo mướp của thầy đẻ sòn sỏn bảy bé mèo đen sì giống hệt mẹ, ông phú Đại ôm hoàng tử Tam thể tới, gào khóc đòi lại công đạo. Rõ ràng con bé lòng thòng với anh mèo mướp nào chứ không thể cả lứa bảy con, con nào cũng y đặc hòn than, chẳng dính tí teo nhan sắc của cậu chàng hoàng tử. Tam thể ơi là tam thể, số mày chỉ có ăn ốc đổ vỏ thôi con ạ. Y cứ lải nhải như thế ở trước cửa, không ai tiếp lời thì y tự biên tự diễn.

Nam mô a di đà phật.

Văn Đức đến á khẩu với con người này. Cho nên, lại là lần thứ tám vạn, chàng tức giận bỏ đi.

Nhóc Hoài ngó mặt thầy nó, miệng ô a kinh ngạc :

" Lần đầu con thấy thầy cười vui vẻ như vậy luôn đó."

Thầy đồ Đức nghiêm mặt, phất tay:

" Nói bậy. Ta không có cười..."

Nhóc con vẫn lon ton chạy theo quả quyết:

" Rõ ràng là thầy cười mà. Bây giờ con vẫn nhìn thấy lúm đồng tiền của thầy kia kìa..."

" Nhìn nhầm rồi."

" Con không..."

Hai cái bóng tíu tít xa dần và âm thanh chỉ còn là tiếng gió xạc xào. Chiều theo cánh cò là là trên mặt ao bì bõm, theo tiếng sáo mục đồng gọi trâu trở về. Đêm xuống, dế kêu rả rích giữa đám cỏ ẩm ướt sình lầy. Trên cao là vầng trăng tròn vành vạnh. Có hai bố con nhà nọ ngồi ôm má trước cửa hiên.

Ông phú Đại bảo mặt trăng như củ hành hoa. Bé Vọng nói trăng giống quả trứng gà luộc xong bóc vỏ, còn có, trăng giống cái mâm đồng óng ánh nhà ta. Mảnh trăng lấp ló sau tầng tầng lớp lớp mây mờ, bao nhiêu năm thương hải tang điền, vẫn vẹn nguyên như cái thuở ban đầu ta ngước lên. Vẫn hiền lành như thế. Ông phú trầm ngâm nghĩ. Trăng giống như nét mặt của một người quen biết đã lâu...

***

Thấm thoắt đã sang đông. Không khí tiêu điều len vào từng ngõ hẻm. Múc một gầu nước từ dưới giếng kéo lên. Ấm quá ấm quá. Tranh thủ một khoảng nắng hiếm hoi rọi nơi góc sân xám lạnh. Ấm quá ấm quá. Người lữ hành vũ trang mấy lớp áo dày, hai tay bịt tai vẫn nghe thấy tiếng gió rít. Rét quá rét quá.

Mấy ngày nay thằng Sổ đến đón Vọng đều không gặp thầy Đức. Nghe nói, thầy bị ốm nên phải nhờ một người từ làng trên dạy thay. Ông phú nghe tin, cố tỏ vẻ bình thản mà thái độ cứ dậm dựt mãi không thôi. Ông chốc ra cửa, chốc đi vào, mặt khi thì cau có, lúc lại đăm chiêu. Thằng Sổ uể oải ngáp dài: " Bậc làm cha mẹ hỏi thăm sức khỏe thầy dạy con mình, có gì đâu mà ông phải suy nghĩ thế nhỉ?" Ông phú chỉ chờ có thế là vỗ đùi đen đét: " Mày nói đúng. Có gì đâu mà phải suy nghĩ thế nhỉ?"

Thế là sáng ấy, ông phú xách gà xách gạo cùng mấy thang thuốc bổ đi tới nhà thầy. Cục nợ nhà nào cứ lay lay ống quần y, hai mắn long lanh nài nỉ: " Cho con đi với. Con nhớ thầy lắm... " Bố cũng nhớ thầy. Rất nhớ!

Thế là sáng ấy, một lớn một bé một nhỡ xếp theo thứ tự đứng trước cổng nhà thầy, nhóc Hoài đang ngồi chơi một mình thấy bạn là reo lên thích thú. Chẳng là, từ hôm thầy bị ốm đến giờ, bố mẹ vẫn cho phép nhóc thi thoảng sang đây giúp đỡ thầy. Tuy rằng không được bao nhiêu nhưng còn hơn để thầy một mình. Khi đau ốm mới biết tình thân đáng quý thế nào, chỉ trách, số thầy sinh ra đã khổ...

Y nhìn căn nhà đìu hiu cỏ mọc, sống mũi bỗng cay xè. Hoài bảo chàng vừa mới ngủ thôi, y ngắm thật kỹ gương mặt đang chìm trong an tĩnh ấy. Chàng sao mà gầy quá! Y kéo chiếc ghế đẩu, ngồi cạnh bên giường người nọ. Y dùng cả hai tay, nắm lấy bàn tay gầy guộc của chàng. Xương từ đốt ngón tay Văn Đức nhô ra, đâm vào lòng bàn tay y, đâm vào cả trái tim y.

Thầy đồ Đức ơi là thầy đồ Đức. Trên đầu chàng có bao nhiêu sợi tóc bạc? Trên đầu ta có bao nhiêu sợi tóc bạc?

Ta ngu ngốc nhận ra rằng chàng cũng đang già đi. Chàng cũng phải đối mặt với sinh lão bệnh tử. Khi ốm đau cũng cần người ở bên. Khi đơn độc cũng cần người lo lắng.

Đời này của ta, cưới một người vợ, nàng sinh cho ta nam tử khỏe khoắn, nàng sinh cho ta thục nữ dịu dàng. Khi ta già có con đàn cháu đống quây quần săn sóc. Khi chết đi có một đoàn rồng rắn đưa ma. Chẳng phải chàng cũng nên như thế hay sao?

Văn Đức mơ hồ mở mắt. Nhìn thấy bóng hình quen thuộc tới từng hơi thở ấy, không phân biệt đâu là hư đâu thực. Chàng nhắm mắt rồi mở mắt. Ông phú Đại vẫn ngồi đó, đau xót nhìn chàng. Người nọ xoa xoa tay chàng, vỗ nhẹ mu bàn tay chàng, chàng cứ để yên như thế, cũng không ngồi dậy tiếp khách.

Không gian im lìm như tháng năm dừng lại, chỉ còn ta với chàng cùng nắng hắt bên song.

Mãi một lúc lâu sau đó, ông phú mới lên tiếng, câu đầu tiên lại chính là:

" Anh cũng mau mà lấy vợ đi thôi!"

Tìm người mà bầu bạn, lúc ốm đau có chỗ nương tựa, đi xa trở về có người chờ cơm. Nàng thay anh giặt quần áo, nàng dọn dẹp đồ đạc anh bừa mứa dù cho miệng vẫn càu nhàu. Dăm ba bữa cãi cọ cũng chẳng sao. Rồi vắt óc tìm tên cho con gái con trai. Anh lại nhiều chữ như thế...Rồi nuôi dạy một đám hổ con, chờ chúng nó hiếu thuận...

Trọng Đại thấy giọng mình đã nghẹn ngào, ngược lại, chàng chỉ bật cười:

" Ông phú đang thương ta sao. Nhưng biết làm sao được, cô Đào cô Mận đã sang sông cất bước theo chồng. Còn vị công tử nọ... "

Một giọt theo khóe mắt chảy xuống. Lại nhớ về rất nhiều năm trước.

Vạt áo trắng lẽo đẽo theo vạt áo ngà, miệng í a:

" Đằng ấy tính xem mặt thật đấy à? Này tôi bảo cô Đào đó mặt mày dữ tợn, mồm mép tép nhảy. Cưới về có mà tan cửa nát nhà."

" Thế cô Mận làng Hạ nổi tiếng hiền lành thì sao?"

" Ối giời ơi. Cô Mận càng không được. Cô ấy hiền quá. Anh cũng hiền mà cô cũng hiền thì sao mà bù trừ!"

" Thế ai thì mới được?"

" Cậu công tử đẹp người đẹp nết đang ở sau ngay lưng anh..."

Thanh xuân như hoa, rụng trắng một khoảng sân nhà ta. Các nàng đều đã đi rồi. Vị công tử nọ vẫn ở trong lòng ta mãi. Nói cho ta, làm sao đây?
Đôi khi ta cũng giật mình nhận ra mái tóc đã nhuộm phong trần. Cũng từng lo sợ cái cảnh ngồi một mình trên ghế đẩu, nghe tiếng pháo hoa nơi nhà bên. Cũng từng xót xa khi đóng cửa lại, khi đẩy cửa vào, căn nhà vẫn im lìm trống trải. Cũng từng trào nước mắt ăn bát cháo tự mình nấu cho mình lúc ốm đau. Nhưng làm sao đây? Vị công tử nọ vẫn ở trong lòng ta mãi. Dù cho thương hải tang điền, y không đi, ta càng không lỡ để y đi.

Ông phú Đại không kìm được nước mắt, hai bả vai ông lớn run lên như trẻ con:

" Đời sau của ta. Đời sau sau nữa của ta, phải bù đắp cho anh thế nào cho đủ?"

Chàng nhìn y, ánh mắt không giấu nổi vẻ dịu dàng, muốn đưa tay xoa đầu y lại nghe thấy tiếng Vọng chạy vào:

" Bố ơi. Gà hầm được rồi."

Ông phú vội vã quay đi lau mặt. Vọng thấy thầy đã dậy thì khoanh tay chào một tiếng rõ to.

Văn Đức mỉm cười, có những chuyện không buông được nhưng chưa hẳn là chuyện xấu. Chẳng hạn như đứa trẻ này... Ông phú Đại, ông có hạnh phúc không? Hạnh phúc là tốt rồi...

Cho nên chàng tinh nghịch trêu đùa:

" Đời sau tính sau. Tích đức đời này đi đã!"

Thầy đồ Đức bỗng nghiêm mặt:

" Đánh đòn thằng bé ít thôi."

Kẻ kia giọng còn sụt sịt nhưng vẫn gào lên oan ức:

" Có đánh khi nào đâu!"

" Chỉ cầm guốc đả thôi đúng không?"

" Dọa đông dọa tây, chứ có khi nào đả trúng đâu..."

" Vẫn là bạo lực."

Không gian lại bắt đầu huyên náo, tràn ngập tiếng nói cười. Nắng hắt bên song dù tháng năm không ngừng lại. Chỉ có nụ cười của người không đổi, chỉ có lòng ta là vẹn nguyên. Dù cho thương hải tang điền. Dù cho...Thanh xuân như hoa, rụng trắng một khoảng sân nhà ta...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top