dai ca toong
Buổi tối trở về nhà cùng với nắm giấy bạc đã nhàu nát, chính là chương đầu tiên cho cuộc đời đầy tội lỗi của tướng cướp tương lai Trương Hiền. Để rồi, những năm sau đó, từ một tên chân ướt chân ráo du nhập ra Vinh, Trương Hiền nhanh chóng trở thành tướng cướp; cùng với Sơn Hảo, Lợi râu, cu Thanh tạo nên một băng đảng liều lĩnh.
LTS: Giữa năm 1982, dưới chân núi Quyết (thành phố Vinh, Nghệ An), Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã thi hành bản án tử hình đối với băng cướp do Truơng Hiền cầm đầu. Trong 30 đệ tử của tướng cướp sừng sỏ này, ngoài Trương Hiền lĩnh án tử hình còn có thêm: Đoàn Thanh (cu Thanh), Trần Đức Lợi (Lợi râu), Đậu Kim Sơn (Sơn hảo). Số phận 4 tướng cướp từng là “tứ trụ triều đình”, từng làm mưa làm gió dọc dải đất miền Trung một thời cuối cùng đã kết thúc.
Năm 1983, tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức ra đời. Ngay lập tức, tác phẩm này đã tạo ra một tiếng vang lớn trong văn đàn. Nhân vật chính trong tác phẩm: Nguyễn Viết Lãm được Xuân Đức hư cấu chính từ hồ sơ vụ án về tên tuớng cướp khét tiếng một thời mang tên Trương Hiền (thường được gọi là Toọng).
Cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn, rằng tướng cướp sừng sỏ một thời Trương Hiền, từng làm náo động cả thành phố Vinh, từng dùng súng nhả đạn vào công an để tẩu thoát, từng vượt ngục thành công… chính là Trương Sỏi, là Nguyễn Viết Lãm, là Lạng trong “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức.
Sự thật về băng nhóm khét tiếng do Trương Hiền cầm đầu này như thế nào? Vì sao Trương Hiền lại trở thành Đại ca, trở thành thủ lĩnh của một nhóm du thủ, du thực và thâu tóm quyền lực giang hồ vào tay mình? Vì sao nhiều lần bị bắt, Trương Hiền vẫn vượt ngục trốn thoát…đang là một bí ẩn được chôn vùi.
Sau rất nhiều thời gian cố gắng để giải mã bí ẩn về cuộc đời tướng cướp với biệt danh cu Toọng, cuối cùng, PV VietNamNet cũng đã tiếp cận được bộ hồ sơ vụ án về băng cướp từng làm náo loạn một thời. Tập hồ sơ dài hơn 500 trang, ghi rõ lời khai của Trương Hiền đã hé lộ phần nào cuộc đời và hành trình tội ác của tướng cướp. Bí mật về tướng cướp Trương Hiền cùng những lần hắn vượt ngục thành công dần dần được hé lộ.
Bí mật tưởng chừng như bị chôn vùi và toàn bộ hồ sơ về tướng cướp Trương Hiền sẽ được VietNamNet đăng tải trong loạt bài: “Tướng cướp trong Người không mang họ - hồ sơ vụ án”.
Ấu thơ của tướng cướp
Ấu thơ cơ hàn nơi ngã ba thị xã Đông Hà (Quảng Trị) cùng với gánh hàng rong trĩu nặng của người mẹ, có lẽ là "sợi chỉ đỏ" để níu giữ tên tướng cuớp khét tiếng Trương Hiền quay trở lại với những giá trị đạo đức con người.
Đọc toàn bộ hồ sơ vụ án về Trương Hiền, đôi lúc chúng tôi thấy ẩn sâu trong tiềm thức của tên tướng cuớp này còn le lói 1 chút ánh sáng làm Người. Dù rằng, chút ánh sáng đó chỉ le lói rồi vụt tắt như ngọn đèn dầu leo lắt trước cơn bão tố. Những giây phút hiếm hoi đó, những giây phút mà Trương Hiền trút bỏ cái mác đại ca để trở về thành con người chính là giây phút hắn nghĩ về người mẹ. Chính điều đó đã thúc giục chúng tôi tìm về ngã ba thị xã Đông Hà...
Hồ sơ vụ án về tướng cướp Trương Hiền được lập năm 1980 còn ghi rất rõ: Tên thật là Truơng Hiền, sinh năm 1957, còn có tên khác là Toọng, Vui, Đức; quê quán: xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, trú quán: xóm Choi, thôn Tây Trì, thị trấn Đông Hà; bố là Trương Hé, mất năm 1978; mẹ là Hoàng Thị Nuôi, làm nghề bán nước chè.
Loay hoay mất mấy ngày ở thị xã Đông Hà với hy vọng sẽ tìm được người thân của Trương Hiền còn sống sót, nhưng đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận được cái lắc đầu: “Thằng Toọng ấy à, cả nhà nó chết hết rồi. Trước, gia đình nó ở Vĩnh Linh, sau đó vượt tuyến ra sinh sống tại cái thị xã bé tin hin này. Bố nó chết từ cái thủa tám hoánh, khi đó, hắn đang là đại ca, đang tung hoành ở đất Vinh, hình như là năm 78 thì phải. Mẹ nó chết năm chín mấy gì đó, sau khi đưa mộ hắn từ núi Quyết (TP Vinh) về cải táng tại đồi thông thị xã Đông Hà. Nhà chẳng còn ai thân thích nữa đâu”.
Trước đó, khi quyết định vào Đông Hà, chúng tôi đã nhận được một số thông tin: hiện đang còn một người đàn ông sống ở thị xã này, là bạn thân của Trương Hiền từ thời tóc còn để chỏm. Những ngày Trương Hiền ngập say trong hơi khói thuốc phiện, trong men tình của gái làng chơi, trong nỗi khiếp sợ của người dân thành Vinh thì người đàn ông này vẫn một mình ở nhà chăm sóc mẹ của tướng cuớp – bà Hoàng Thị Nuôi.
Nhưng, làm sao có thể để tìm đuợc người đàn ông này giữa thị xã đông đúc, để có thể hiểu thêm về tuổi thơ của tướng cuớp, để tự tìm một câu trả lời: Vì sao Trương Hiền lại trở thành đại ca, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của ngưòi dân những năm sau giải phòng, thì không phải là điều dễ dàng.
Lân la mãi hết gần 3 ngày ở thị xã Đông Hà, cuối cùng, chúng tôi nhận được một thông tin khá quan trọng từ một ông lão bán nước chè ở chợ: “Tôi chỉ biết về thằng Toọng thôi, chứ không biết Hiền hiếc gì cả. Cả xóm chợ ngày xưa vẫn gọi nó là Toọng chứ có biết tên thật của nó là chi mô. Muốn biết về hắn, chừ các chú đi tìm đến nhà ông Đông. Từ chỗ ni đến đó khoảng gần 10 cây số. Cứ đi hết đường lớn, rẽ theo đường Nguyễn Thái Học, đi qua đường tàu, nhìn về bên trái, số nhà 63”.
Võ Văn Đông người nhỏ thó, nước da ngăm ngăm đen như là đặc sản của miền quê bỏng rát gió Lào này. Hỏi về Toọng, anh Đông húng hắng ho rồi kể. Ký ức mấy chục năm trước tưởng chừng như bị chôn vùi giờ lại hiện về.
Ngày đó, cách đây cũng đã hơn 40 chục năm có lẻ, anh Đông với Trương Hiền nhà ngay sát vách nhau. Mái nhà được lợp bằng tranh, vách nhà được trét bằng bùn non với rơm rạ phơi khô.
Mẹ Trương Hiền tên thật là Hoàng Thị Nuôi, quê xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh. Nghe đâu, thủa nhỏ, cụ lỡ có con với một ông địa chủ nên phải bỏ quê mà ra đi. Mỏi gối, chồn chân, chẳng tìm được bước dừng chân, cụ đành vượt tuyến sang bờ Nam, chọn cái ngã 3 thị xã Đông Hà làm nơi dừng chân.
Vĩnh Linh lúc đó là "đất của cộng sản", còn thị xã Đông Hà này là thuộc quyền quản lý của chế độ ngụy. Đông Hà ngày đó chỉ là một cái ngã ba với dăm bảy quán nhà lợp tranh, nằm khép nép bên mép sông Cửa Việt. Người Mỹ tới, Đông Hà trở thành điểm đầu của cung đường chiến lược, là động mạch chủ nuôi sống toàn bộ phòng tuyến Macnamara.
Một mình một thân nơi đất khách quê người, cụ Nuôi tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai. Quán nước chè xanh cùng với gánh hàng rong lỉnh kỉnh đã cùng cụ quăng quật nơi ngã ba này.
Một ngày, cụ Nuôi gặp người đàn ông tên Trương Hé (quê ở làng Tráng Lực, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), cũng là một người chuyên bán hàng rong. “Môn đăng hộ đối”, toàn là những người bỏ xứ, bỏ quê đi tha phương cầu thực nên sau một thời gian, họ thành vợ chồng, sinh ra Trương Thị Nhàn, Trương Hiền. Cái tên Trương Hiền xuất hiện từ đó, năm 1957.
"Nhúng chân" vào giang hồ
Tuổi thơ của Trương Hiền bầm dập, nghèo đói và cơ hàn như chính gánh hàng rong trên vai của cụ Nuôi và cụ Hé.
“Thủa còn nhỏ, ngày đi học, tối về, tui với hắn đi bán bánh mì dạo. Bà Nuôi lúc này vừa bán nước chè dạo, kiêm thêm một ít khoai, sắn luộc. Trầy trật cả ngày nhưng cũng không đủ nuôi 4 miệng ăn. Thế là học hết lớp 2, Truơng Hiền bỏ học. Mà hắn bỏ học thật, sáng tui qua gọi hắn đến trường, hắn giẫy đành đạch, bảo: Học thế thôi, biết đọc, biết viết là được rồi. Học có kiếm ra tiền đâu?
Những ngày sau đó, khi tui dậy chuẩn bị lục tục đi học thì hắn vẫn còn ngủ, khi tui về thì hấn lủi mất tăm đâu rồi. Đến khuya lắc, khuya lơ mới thấy nó trở về dúi cho tui mấy đồng bạc. Tui tròn mắt, vì thời đó, mấy đồng bạc đối với lũ trẻ như bầy tui là một số tiền quá lớn. Hỏi thì hắn nhe răng: “Thấy không, học có kiếm ra tiền đâu”. Mãi sau ni, tui mới biết, rằng hắn cùng lũ trẻ con ăn cắp được 1 cái máy ảnh của một tên Trung uý ngụy đem bán” – anh Đông nhớ lại.
Chiến lợi phẩm đầu tiên cho những ngày lang bạt giang hồ, cho những đêm tụ tập cùng lũ trẻ bỏ nhà đi lang thang của Toọng là mấy đồng bạc. Số tiền đó, mẹ của Toọng phải còng lưng cả tháng trời may ra mới kiếm được. Kiếm tiền dễ, Trương Hiền lại tự khẳng định rằng "con đuờng đi của mình là hoàn toàn đúng đắn". Con đường sa ngã để sau này trở thành tên tướng cướp, làm náo loạn cả dải đất miền Trung được thai nghén chính từ cái hôm Hiền cùng lũ trẻ đi ăn cắp được cái máy ảnh đó.
Cái buổi tối trở về nhà cùng với nắm giấy bạc đã nhàu nát, chính là chương đầu tiên cho cuộc đời đầy tội lỗi của tướng cướp tương lai Trương Hiền. Để rồi, những năm sau đó, từ một tên chân ướt chân ráo du nhập ra Vinh, Trương Hiền nhanh chóng trở thành tướng cướp; cùng với Sơn Hảo, Lợi râu, cu Thanh tạo nên một băng đảng liều lĩnh.
Cũng chính cái đêm đó đã đưa Trương Hiền từ một cậu bé bán bánh mì dạo để kiếm tiền phụ giúp gia đình thành thủ lĩnh đại ca của "hội Miền đù", ngập ngụa trong khói thuốc phiện và đĩ điếm.
Và, cũng chính cái đêm hôm đó đã mở đầu cho những đêm sau này, khi mẹ Hiền - cụ Hoàng Thị Nuôi ngồi vò võ một mình với nỗi đớn đau, khi con mình trở thành tướng cướp, mà người đời vẫn gọi là Toọng.
Những ngày trở thành đại ca, sống trong tiền - tình - tù - tội, ngập sâu trong khói thuốc phiện và những cuộc tình với gái giang hồ, Trương Hiền không thể hình dung ra biết bao nhiêu đêm, mẹ hắn đã từng khóc cạn nước mắt. Và, vĩnh viễn Hiền không thể biết được cái ngày cụ Hoàng Thị Nuôi nhận được tin hắn bị xử tử hình.
Nước mắt người mẹ
Chiều muộn. Ánh nắng cuối thu vàng ệch chênh chếch phía sau dãy núi. Những tia nắng cuối ngày không thể xóa tan không khí lạnh lẽo khi đợt gió lạnh đầu mùa đang về.
Anh Đông lầm lũi dẫn đường cho chúng tôi lên thăm mộ Trương Hiền. Men theo con đường lởm chởm đá cuội, rẽ nguợc lên phía đồi thông là đến khu nghĩa trang của thị xã Đông Hà. Mộ Trương Hiền nằm đó, bên phần mộ cụ Hoàng Thị Nuôi. Trên tấm bia đá khắc rõ dòng chữ: “Bào đệ Trương Hiền, sinh năm 1957. Chánh quán: Tráng Lực, Khuôn Phò, Phong Điền, Thừa Thiên. Mất ngày 17/5 (AL)”. Anh bạn đồng nghiệp khẽ thở dài: “Chẳng thể ngờ được, dưới 3 tấc đất kia từng là một tướng cướp khét tiếng, từng làm mưa làm gió một thời...”.
Thắp nén nhang cho cụ Nuôi và Trương Hiền, anh Đông ngậm ngùi kể: Sau khi Trương Hiền bỏ nhà đi biệt xứ, mẹ Nuôi đã nhiều lần đi dò là tin tức đứa con trai nhưng không được. Nhiều người buôn bán ở chợ Đông Hà từng nói với mẹ: “Thằng Hiền ở ngoài nớ, trở thành tướng cướp”, nhưng bà vẫn không tin. Bà không tin, bởi trong tâm khảm của bà, thằng Hiền cục mịch, hiền như cục đất, thương mẹ hết lòng chứ không phải tên Toọng mà người dân vẫn đồn thổi; không phải là tướng cướp như mọi người vẫn thường kể.
Nhiều lần bà định bỏ hàng nước chè và gánh hàng rong, bắt xe đò để tìm con, đưa nó về nhưng không thể được. Đường xá quá xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn, nơi đất khách quê người, biết tìm Trương Hiền ở đâu giữa thành Vinh rộng lớn? Bao lần định lên xe với hi vọng mong manh tìm thấy con nhưng bà đều bị làng xóm can ngăn và giữ lại. Có người còn động viên bà: “Chắc người ta nhầm lẫn gì đó thôi. Thằng Hiền cục mịch này thì làm sao trở thành tướng cướp được cơ chứ. Chắc nó đi làm ăn đâu đó thôi”.
Bà lại ở nhà, suốt ngày vò võ bên gánh nuớc chè kiếm mấy đồng tiền nhàu nát sinh nhai qua ngày với một hi vọng: “Thằng Hiền lại sẽ trở về với mệ. Nó là Trương Hiền, con ông Trương Hé chứ không phải là Toọng, không phải là tướng cướp gì hết”.
Bà tin - niềm tin của một nguời mẹ với đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Đêm đêm, bà lại ra trước căn lều tranh dột nát thắp hương để cầu trời đất phù hộ cho đứa con của mình; cầu cho Hiền không phải là tướng cướp như người ta vẫn đồn thổi. Bà khóc, nước mắt của người mẹ già mà cuộc đời đã chịu quá nhiều đắng cay và tủi nhục. Chẳng có ai đáp lại lời bà, chỉ có màn đêm đặc quánh và tiếng gió hú liên hồi vọng vào vách nhà đã dột nát.
Lúc này, tại Thành phố Vinh, tên tuổi của Trương Hiền đã nổi như cồn với cái tên Toọng, Vui, Đức. Cuộc sống của Trương Hiền ngập tràn trong tiền bạc, trong làn khói bồng bềnh của thuốc phiện, trong những đêm ái ân với gái làng chơi, trong những đêm đột vòm và sẵn sàng siết cò, nhả đạn vào những người dân vô tội.
Hắn đâu biết rằng, cách thánh địa, "giang sơn" mà hắn cai quản gần 300 cây số, mẹ hắn vẫn vò võ ở nhà, sống trong đói rét, thiếu thốn và bệnh tật; đêm đêm vẫn thắp hương nguyện cầu cho hắn được bình an trở về, cầu cho hắn không phải là tên tướng cướp khét tiếng như những lời đồn thổi của dân buôn ở chợ Đông Hà.
Anh Đông bảo rằng, giữa năm 1982, sau khi Trương Hiền bị hành quyết 1 tháng, gia đình mới nhận được thông báo từ Công an Nghệ Tĩnh. Linh tính của người làm mẹ báo cho bà Hoàng Thị Nuôi biết có chuyện chẳng lành. Bà lụi cụi sang nhà anh Đông nhờ đọc dùm bức thư có dấu đỏ chót. Rồi bà ngã quỵ đi khi nghe tin đứa con mà bà đứt ruột đẻ ra, thằng bé ngày nào vẫn còn đi bán bánh mì kiếm tiền về phụ giúp gia đình lưu lạc bấy lâu nay đã trở thành tướng cướp, bị kết án tử hình.
Nơi tướng cướp dừng bước giang hồ
Chồng mất. Con gái đi lấy chồng nơi phương xa. Đứa con út trở thành tướng cướp và bị xử tử hình, người mẹ già nua sống những ngày bóng xế trong nỗi đau tột cùng. Vậy là lời đồn thổi bấy lâu nay của người dân, rằng Trương Hiền trở thành tướng cướp là sự thật.
Cuối cùng thì mộ Trương Hiền cũng được đưa về cải táng tại đồi thông, bênh cạnh là mộ của cụ Hoàng Thị Nuôi. Anh Đông bảo rằng, năm 1993, anh cùng với mẹ Nuôi và chị gái Trương Hiền tên Trương Thị Nhàn đã ra Vinh để đưa mộ Toọng về an táng tại đây. Mấy năm sau, mẹ và chị gái của Hiền cũng qua đời. Trước khi chết, mẹ Nuôi còn nhắn nhủ Đông: “Mệ chẳng có ai thân thích nữa. Nếu mệ chết, con nhớ chôn mệ gần thằng Hiền nhé, để mệ lại được ôm ấp nó như ngày còn nhỏ, để nó không bao giờ rời xa mệ nữa”.
Ngày mệ Nuôi mất, anh Đông là người đứng ra tổ chức ma chay cho cụ. Anh bảo: "Mệ sống một đời cơ cực rồi, giờ chẳng có ai thân thích nữa. Mệ coi tui như con nên tui đứng ra thực hiện những ước nguyện cuối cùng của đời mệ”.
2 nấm mồ nằm cạnh nhau, một già, một trẻ. Một người từng là tướng cướp, từng gây ra bao nỗi kinh hoàng cho người dân thành Vinh, từng bá chủ cả giới giang hồ một vạt đất kéo dài từ Nam Định vào đến Huế. Một người là mẹ của tướng cướp với cuộc đời đầy những nước mắt và đau thương.
Giờ thì chẳng ai nhắc đến Toọng nữa, bởi cái quá khứ của anh ta đã nằm sâu dưới lòng đất, bên cạnh người mẹ già đã từng hết nước mắt vì con.
Ai đi lên mộ Toọng, cũng dừng chân trước 2 ngôi mộ để thắp cho 2 linh hồn một ít nhang, cắm lên mộ 2 mẹ con một ít hoa tươi. Có người chê trách Toọng, nhưng cũng không ít người cảm thông với con người đầy tội lỗi này với lí do: Dù sao, thì tội ác mà Trương Hiền gây ra đã bị pháp luật trừng trị; hãy vị tha cho hắn, để linh hồn hắn được siêu thoát.
Rời mộ tướng cướp khi trời đã nhá nhem tối. Chợt nhớ lại lần gặp gỡ với nguyên Chánh án Toà án nhân dân Hà Tĩnh – ông Nguyễn Trí Tuệ - người từng có mặt trong lần hành quyết Toọng: “Nhiều lần hỏi Trương Hiền, mong muốn nhất lúc này là gì, hắn đều muốn gặp mẹ và nếu có thể, cho hắn được một lần nhìn thấy mẹ”.
Trương Hiền không được gặp mặt mẹ. Bà Hoàng Thị Nuôi cũng mấy năm không nhìn thấy mặt con. Nhưng giờ, dẫu sao hắn được trở về trong lòng đất, gối đầu bên mẹ với cái tên Trương Hiền – cái tên từ thủa hắn mới lọt lòng chứ không phải là tướng cướp mang tên Toọng.
Cướp số để soán ngôi bá chủ
Nếu coi cái đêm mà Trương Hiền trở về nhà mang theo mấy đồng bạc nhàu nát là điểm đầu cho hành trình phạm tội, đánh dấu sự tha hoá biến chất của con người Trương Hiền, thì những ngày tham gia vào hội “mũ đen” tại thị xã Đông Hà chính là vết trượt dài trên hành trình đưa Hiền thành thủ lĩnh, thành đại ca của một nhóm lâu la, du thủ du thực ở thành Vinh sau này. Cái tên Toọng, biệt danh “lỳ như Toọng” và những giai thoại về y cũng xuất hiện tại ngã ba chợ Đông Hà nhếch nhác với đủ hạng người.
Và, dường như định mệnh khắc nghiệt đã sắp đặt cho Trương Hiền xếp vào “mâm trên” khi bước chân vào giới giang hồ. Ngay từ những ngày đầu đi vào con đường phạm tội, Trương Hiền đã trở thành thủ lĩnh của một băng nhóm có tên “hội mũ đen”.
Còn nhớ, trong lần phúc cung trước ngày đưa y ra xét xử, Chánh án phiên toà Nguyễn Cự và thư ký Nguyễn Trí Tuệ đã vào trại Nghi Kim để gặp Hiền. Hiền khai rất rõ rằng, trước khi dạt ra Vinh và trở thành đại ca, y đã là thủ lĩnh của hội “mũ đen”.
Hội mũ đen được lập vào đầu những năm đầu thập kỷ 70, gồm có khoảng 20 tên. Trong bản cáo trạng của Ty công an Nghệ Tĩnh có ghi rõ về những tiền án, tiền sự của Trương Hiền thời kỳ chưa dạt ra Vinh: “Dưới chế độ Thiệu, Hiền đã bị bắt giữ 3 lần về tội trộm cắp, đánh lộn, cướp giật. Sau khi giải phóng, Hiền đã bị công an và chính quyền địa phương bắt giữ 4 lần về tội hành hung, trộm cắp, đột vòm”.
Bối cảnh thị xã Đông Hà những năm đầu của thập kỷ 70 cũng giống như nhà văn Xuân Đức từng miêu tả trong "Người không mang họ". Đông Hà thời còn nằm trong chế độ Thiệu là nơi xả hơi của hai cánh lính. Một cánh từ Khe Sanh, Lao Bảo về. Bao nhiêu cơ cực của rừng núi biên ải, bao nhiêu gian lao vất vưởng của những ngày dã ngoại đóng chốt được trút bỏ nơi đây để tận hưởng thú vui đô thị.
Lại một cánh khác từ Sài Gòn, Huế được điều ra thế chân vùng chiến thuật I, trước phút bước vào tử địa, bao giờ cũng có tâm trạng "coi như đời đến đây là chấm dứt, hãy sống vài giây cuối cùng với bao lạc thú thế gian". Cho nên một nghề nữa cũng không kém phần rầm rộ trên thị trấn này là làm điếm và cướp bóc.
Hội “mũ đen” bắt đầu xuất hiện từ những năm 1973, thành phần chủ yếu là các tên du đãng dạt vòm từ Huế, Quảng Nam; một bộ phận nữa dạt từ Nghệ Tĩnh vào. Chợ, bến cảng là nơi chúng thường tụ tập để hoạt động. Đêm đêm, dưới ngọn đèn dầu leo lét, chúng lại tụ tập ở một ngóc ngách, ngỏ hẻm nào đó rồi bàn mưu, tính kế để đột vòm.
Trương Hiền xuất hiện khi "hội mũ đen" đang nổi như cồn, trở thành nỗi khiếp đảm của người dân xóm Chợ. Vốn máu giang hồ đã có sẵn, Hiền tính cách “cướp số” để soán ngôi bá chủ. Hạ gục kẻ đứng đầu của nhóm mũ đen sau một đêm thách đấu, Hiền nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của hội “mũ đen”, thống lĩnh toàn bộ bọn du đãng tụ tập nơi đây.
Năm đó, Trương Hiền vừa tròn 16 tuổi.
Chuỗi ngày sau đó, Trương Hiền sống trong sự ảo tưởng. Ngày, hắn trốn biền biệt trong nhà với rượu, gái và ma tuý. Đêm, hắn lại lao ra đường, chỉ huy bọn đàn em đột vòm, trấn lột. Cái tên Toọng, biệt danh "lì như Toọng" cũng xuất hiện kể từ khi Hiền thống lĩnh băng nhóm có tên "hội mũ đen” này.
Lỳ như Toọng
Năm 1972, chiến sự xẩy ra liên miên, Trương Hiền cùng gia đình tản cư vào Đà Nẵng, tránh bom rơi đạn lạc. Sau đó, gia đình Trương Hiền lại kéo nhau về Km03 Phong Điền, Thừa Thiên - Huế.
Thời kỳ này, ngụy tiến hành dồn dân, lập ấp chiến lược, nhằm kiểm soát gắt gao cộng sản, cố gắng bằng mọi cách không cho cho cộng sản trà trộn vào dân.
Để kiểm soát hoạt động của cộng sản, quân đội Việt Nam cộng hoà lập các vọng gác tại các khu dân cư. Ban ngày, nhiều toán lính được cử đi để chặn các cung đường chính. Những thanh niên trai tráng trong các ấp chiến lược này cũng được huy động, được phát súng để canh giữ ấp vào ban đêm.
Anh Đông kể, có lần tên đồn trưởng uống ruợu say, chọc ghẹo con gái trong làng. Ngứa mắt, Hiền dùng báng súng táng ngay một phát ngay giữa mặt. Tên đồn trưởng hộc máu mồm, nằm dãy đành đạch. Đêm hôm đó, mấy chục tên lính liền được huy động đến để bao vây quanh nhà Trương Hiền. Hiền bị bắt ngay sau đó, ăn một trận đòn thừa sống, thiếu chết rồi được thả về.
Một lần nữa, thấy mấy toán lính ngồi nhậu rồi quỵt tiền, chửi bới, Hiền nổi máu giang hồ, vớ ngay thanh gỗ nhằm mặt thằng to đầu nhất mà phang tới tấp. Tên cầm đầu nằm giẫy giụa ở dưới đất, số còn lại bỏ chạy bán sống, bán chết. Mặc cho tên lính van xin, máu me be bét rên rỉ, Trương Hiền vẫn coi như không có chuyện gì xẩy ra, ngồi uống ruợu thản nhiên.
Chưa hết 1 bát ruợu, đã thấy một toán lính chạy rầm rập đến, súng ống lên đạn sẵn. Vẫn thản nhiên coi như không có chuyện gì xẩy ra, Trương Hiền tu nốt bát rượu rồi đứng dậy, sẵn chân móc ngang mặt tên chỉ huy đang lê lết giữa đất một cú đá như trời bổ rồi nhảy tùm xuống sông. Bọn lính í ới, nhả đạn hụt.
Sau cái lần đó, tụi lính lại tổ chức vây bắt Trương Hiền. Lần này, bọn chúng trói chặt 2 tay Hiền rồi vứt lên xe. Lợi dụng đến khúc cua, lại có một chiếc xe chở cát đi ngược chiều, Trương Hiền vung mình, tách qua, nằm lọt thỏm trên chiếc xe chở cát rồi trốn thoát.
Đất nước thống nhất, gia đình Trương Hiền lại quay về định cư tại tiểu khu I thị xã Đông Hà. Gia đình ông Trương Hé được giao giữ xe đạp, bán nước chè tại chợ để kiếm kế sinh nhai.
Đông Hà những ngày mới giải phóng, thị xã nhếch nhác. Khu phố chợ chỉ có mấy mái nhà tranh liêu xiêu, tạm bợ. Bọn du đãng, tàn dư chế độ cũ từ miền Nam dạt ra chợ Đông Hà, cướp bóc hoành hành. Dưới sự chỉ huy của đại ca “cu Toọng”, băng nhóm “mũ đen” thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của người dân khu phố chợ.
Toọng bị bắt một thời gian rồi tìm cách trốn trại, tiếp tục thay tên, đổi họ làm nghề phụ xe chạy tuyến Huế -Vinh. Một lần, y bị bắt khi đang vận chuyển thuốc phiện. Vào trại, Hiền lại tìm cách vượt ngục và trốn ra Vinh, ra tay thu phục đệ tử, lập băng đảng, thống lĩnh giới giang hồ thành Vinh với cái tên: cu Toọng, Vui, Đức.
Chân ướt chân ráo đến thành phố Vinh, ngay lập tức, Trương Hiền ra tay thu phục đệ tử để mở mang lãnh địa. Sẵn sàng đột vòm, sẵn sàng xiết cò cộng thêm bản tính lỳ lợm, Hiền nhanh chóng trở thành đại ca của hội Miền đù. Dưới trướng của Hiền lúc nào cũng có khoảng 30 tên dắt sẵn súng ở trong người. Băng nhóm do Trương Hiền lãnh đạo trở thành nỗi khiếp đảm của người dân thành Vinh khi đêm buông xuống.
Gây dựng thanh thế ở thành phố Vinh
Sau khi bị giam tại trại giam Đông Hà, Trương Hiền lại một lần nữa tìm kế vượt ngục. Sau nhiều đêm không ngủ, Hiền đã lên sẵn kế hoạch vượt ngục của mình.
Trại giam Đông Hà ngày đó chỉ là mấy gian nhà lợp ngói thô sơ với những thanh sắt hoen rỉ, trần nhà được lót bởi mấy tấm cót đan bằng nứa tạm bợ. Lợi dụng đêm tối, Hiền dùng dây, được bện từ chiếc chăn chiên đã cũ, rồi đu mình lên trần nhà. Cũng chính sợi dây được kết bằng chăn chiên đó, Hiền đã bẻ cong mấy cái thanh sắt hoen rỉ, thoát khỏi buồng giam. Thêm vài bước chân nữa, hắn đã nhảy qua tuờng bao của khu vực trại giam
Đêm tối, một mình Hiền chạy như điên. Đi về đâu? Trương Hiền không thể trả lời được. Cả cái đất Quảng Trị này từ giờ đã không còn chốn dung thân cho tên tướng cướp từng gây bao nỗi kinh hoàng cho người dân. Lang thang ở thị xã Đông Hà rồi cũng sẽ lại bị bắt giam, tội lại càng thêm nặng. Vào Huế ư? Cũng không ổn vì mảnh đất ấy, Hiền từng gieo rắc biết bao tội lỗi. Quan trọng hơn, Hiền đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng công an nơi đây.
Có tiếng còi tàu hú, xé toang màn đêm đặc quánh, xua tan ý nghĩ của tên tướng cuớp. Không kịp nghĩ ngợi, Trương Hiền vội nhảy lên nóc tàu. Chuyến tàu từ từ lăn bánh, hướng ra Bắc.
Bấy giờ đã là những ngày cuối của tháng 10 năm 1977. Những đợt gió lạnh đầu mùa quất liên hồi. Đang ngồi trên nóc tàu với cái lạnh cắt da, cắt thịt, Trương Hiền bỗng phát hiện một người da trắng, mắt lấm la, lấm lét nhìn dáo dác xung quang. Kinh nghiệm những năm chinh chiến, lãnh đạo nhóm “mũ đen” đột vòm ở Đông Hà đã giúp y nhận ra gã này là một tay móc túi chuyên nghiệp.
Trương Hiền tiếp tục quan sát. Chỉ một giây, chiếc đồng hồ và chiếc ví đã nằm gọn trong tay người thanh niên này. "Ăn" xong con mồi, gã thanh niên vội neo người, nhảy phóc lên nóc tàu để vừa tiện quan sát, vừa tránh sự truy đuổi của lực lượng công an nếu có.
Trong hồ sơ còn lưu giữ về vụ án Trương Hiền còn ghi rất rõ chi tiết này. Gã thanh niên da trắng bệch đó có tên là Thành "trắng", người Nam Định. Người đã giới thiệu Hiền gia nhập vào hội miền đù ở Vinh, sau này trở thành trợ thủ đắc lực của tướng cướp Toọng
Ngay trong lần gặp đại ca phía Bắc, Trương Hiền đã tỏ ra là một tay có bản lĩnh. Hiền hỏi Thành "trắng":
- Lúc nãy làm được bao nhiêu?
- 80 đồng - Thành "trắng" đáp lại.
- Tôi vừa trốn trại, muốn đi ra Vinh. Xin anh ít tiền. Sẽ có ngày tôi trả lại.
Nếu như là người khác, chắc đã ăn một cái tát như búa bổ từ Thành "trắng". Thành "trắng" sau khi rít qua kẽ răng: “Đ.m, đời tao toàn đi cướp của người khác, chứ làm đếch gì có thằng nào cướp của tao”, vẫn thấy Trương Hiền ngồi im, coi như không có chuyện gì xẩy ra nên thấy ngài ngại.
Nhìn kỹ Trương Hiền, Thành "trắng" giật mình vì người vừa xin tiền hắn trông giống như một người, từng xưng bá ở Đông Hà, từng đánh cho mấy đại ca của Thành "trắng" bật bãi, chạy tháo về Vinh.
Sau khi hỏi chuyện, Thành "trắng" mới ngã ngửa ra rằng, người ngồi trước mặt y chính là Toọng mà giang hồ đất Vinh vẫn từng đồn thổi. Y vội móc túi, chia cho Trương Hiền một nửa số tiền vừa cướp được.
Sau đó Thành "trắng" dẫn Trương Hiền đến gặp Lợi "râu", Dũng "xà kèo", Hưng "ba tai", Trường "con" – những tên lưu manh cùng hội với Thành "trắng", cũng đang hoạt động trên tàu. Cả đám ngồi ăn cơm, hỏi chuyện nhau, cùng kể về quá khứ bất hảo của mình.
Nơi tướng cướp Toọng soán ngôi
Chuyến tàu dừng bánh. Ga cuối là thành phố Vinh. Cả hội kéo nhau xuống ngay một quán rượu lếch thếch cạnh ga để chia chiến lợi phẩm. Cơm no, rượu say, Dũng "xà kèo" lại đưa cả bọn đến nhà Cát "ngọng" (tức Trương Văn Cát) ở khu vực phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh để hút thuốc phiện.
Cát "ngọng" chính là một mắt xích quan trọng trong băng nhóm do Trương Hiền lãnh đạo sau này, y từng được ví như là người “quân sư”, là người chỉ điểm cho Trương Hiền.
Bấy giờ, Vinh có năm khu phố. Khu phố 1 thuộc địa bàn bến xe liên tỉnh, nay là phường Lê Lợi. Khu phố 2, phường Cửa Nam. Khu phố 3, Chợ Vinh. Khu phố 4, phường Lê Mao. Khu phố 5, phường Bến Thủy. Thành Vinh ngày ấy vừa trỗi dậy từ đống đổ nát của bom đạn chiến tranh, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, những công trường lao động rầm rộ hiện ra. Bọn du đãng, gái làm tiền ùa về mảnh đất màu mỡ này.
Búp bê, mì chính, áo len, khăn voan, toàn hàng sặc sỡ. Liền theo đó là tuyến xe từ biên giới Lào - Việt được khơi thông. Vinh trở thành nơi sầm uất, là nơi trung chuyển hàng hoá từ Bắc vào Nam, là nơi dừng chân của các hạng người. Vinh ngày đó chẳng khác nào một mớ bùng nhùng.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, nguyên Phó trưởng phòng CSĐT Công an thành phố Vinh, người từng tham gia bắt Toọng cho hay: Từ khi Toọng có mặt tại thành phố Vinh, tình hình trật tự trên địa bàn diễn biến cực kỳ phức tạp. Nếu như trước, ở Vinh chỉ xuất hiện nhóm du đãng chuyên móc túi, trộm cắp vặt, thì từ khi Toọng xuất hiện, nạn trấn lột, uy hiếp bằng súng ngắn trở nên phổ biến.
Những cuộc rượt đuổi trong đêm, những tiếng súng chát chúa xuất hiện nhiều hơn. Thoắt ẩn, thoắt hiện, Toọng từng là nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây.
Chưa tối các nhà đã đóng cửa. Người ra đường lấm lét nhìn nhau. Những gia đình neo đơn, thiếu đàn ông khỏe mạnh ở nhà, lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Một tiếng kêu to ở đâu đó cũng đủ gây nên sự nhớn nhác, hớt hải. Nạn cướp bóc, trấn lột hoành hành khắp nơi, đường phố vào đêm vắng hoe, vắng hoắt, chỉ có một số tên du đãng và đĩ điếm mới dám lai vãng trên đường.
Vinh ngày đó trở thành nỗi khiếp sợ của những người khách tứ xứ khi có công việc phải dừng chân. Thi thoảng, lại có tiếng gọi ý ới, tiếng kêu cứu hốt hoảng, tiếng súng nổ chát chúa, xé tan màn đêm đặc quánh. Tất cả những vụ cướp bóc, trấn lột, thanh toán lẫn nhau đều do tay một đại ca dáng người thấp, da đen có biệt danh Toọng chỉ đạo.
Địa điểm mà bọn du đãng này gân án thường là khu vực bụi hóp, cạnh đường Phan Bội Châu, nơi xe khách thường dừng chân nghỉ ngơi. Một địa điểm nữa mà Toọng và đàn em hay lui tới nữa là khu phố 3, nơi có chợ Vinh sầm uất. Đấy chính là những “cứ điểm” bất khả xâm phạm trong giới giang hồ ở thành phố Vinh ngày ấy. Bất kỳ một tên du đãng "có số má" nào dạt về cũng phải quỳ gối và quy hàng đại ca Toọng.
Nếu nói, Đông Hà chính là điểm đầu Trương Hiền bước chân ra giới giang hồ, thì thành phố Vinh chính là điểm cuối của con đường tội lỗi của hắn. Vinh cũng chính là nơi mà giới giang hồ suy tôn Trương Hiền lên làm đại ca, lãnh đạo nhóm du đãng gần 30 tên với 9 khẩu súng dắt lưng. Và, Vinh cũng chính là đoạn kết đầy tội lỗi của tướng cướp này.
Không lâu sau khi du nhập vào nhóm du đãng ở Vinh, Trương Hiền trở thành đại ca, thâu tóm toàn bộ quyền lực đen nơi đây. Ít ai biết rằng, khi trở thành đại ca, Hiền mới 20 tuổi. Biệt danh “đại ca Toọng” cũng bắt đầu xuất hiện kể từ đây
Ra mắt giới giang hồ thành Vinh
Chân ướt, chân ráo ra Vinh, Trương Hiền lang bạt cùng với nhóm Thành "trắng", Lợi "râu", Dũng "xà kèo" để xem đồng bọn móc túi. Trong khi đồng bọn hả hê với mấy đồng bạc lẻ giật được của hành khách xấu số thì Trương Hiền ngồi tư lự, không nói gì. Rồi hắn nói với đồng bọn: “Móc túi không ăn thua. Muốn có tiền thì phải cướp, phải trấn lột”.
Với Trương Hiền, móc túi chỉ là bài học vỡ lòng của những kẻ mới tập tạnh bước chân ra giới giang hồ. Mà cái này, Hiền đã thuộc lòng từ khi còn tí tuổi đầu – đó là lúc Hiền cùng với lũ trẻ ở Đông Hà tìm cách giật cái máy ảnh của viên sỹ quan ngụy.
Một đêm cuối tháng 10/1977, sau một chầu nhậu ở rạp 12/9, Trương Hiền ngồi bàn mọi người đi cướp. Địa điểm mà chúng chọn từ khu vực Chợ Vinh, vòng lên hồ Cửa Nam rồi xuôi về Cầu Đước. Lý do mà bọn chúng chọn địa điểm này là: khu vực rất vắng người qua lại, hành tung của bọn chúng sẽ khó bị phát hiện.
Nghe Trương Hiền bàn kế hoạch, Dũng "xà kèo" hất hàm:
- Bọn tao chỉ có dao găm, lỡ đụng phải “hàng” thì làm sao xoay xở kịp?
- Cái đó để tao lo - Hiền đáp
- Bằng cách nào? - Dũng xà kèo bật lại
- Bằng cái này này - vừa nói, Trương Hiền vừa rút trong người ra một khẩu súng K54 đen sỳ cùng với một hộp đạn ném xuống mặt bàn.
Khẩu súng này, sau khi bị bắt, Hiền khai là của một người tên Hoàng cho y để trả nợ ân nghĩa giang hồ. Đây cũng chính là khẩu súng mà Hiền dùng để bắn lại lực luợng công an khi bị truy đuổi sau này.
Nhiệm vụ của từng người được phân công khá rõ ràng: Thành trắng dò la tin tức, phát hiện con mồi, khi nào phát hiện đối tượng thì ra ám hiệu cho cả đồng bọn. Dũng "xà kèo" có nhiệm vụ cảnh giới, quan sát xem trong quá trình Trương Hiền chặn cướp có lực lượng công an xuất hiện hay không để còn tìm cách đối phó. Trong khi Trương Hiền chặn các đối tượng để cướp thì Lợi "râu" có nhiệm vụ lục soát để lấy tài sản. Nếu có lực lượng công an thì mỗi người chạy theo một hướng. Gặp biến, Trương Hiền sẽ xả đạn để ngăn cản.
Bàn xong kế hoạch, cả nhóm lên đường. Đi hết con đường quốc lộ 1A, đồng bọn của Hiền lại rẽ phải lên khu vực cửa Nam rồi ngược lên phía Cầu Đước để săn mồi. Cả nhóm lầm lũi đi trong bóng tối rồi mất hút trong màn đêm đông đặc.
21h, trời tối đen như mực. Trên đường vắng ngắt. Hiền và cả nhóm vẫn nín thở chờ con mồi xuất hiện. 30 phút sau, con mồi để Hiền thử tài đã xuất hiện. Đối tượng là một đôi nam nữ đang đi trên một chiếc xe đạp đi từ Nam Đàn xuống. Người phụ nữ có xách theo một chiếc va ly khá nặng.
Khi đôi nam nữ vừa đi đến khu vực Hiền ẩn nấp, bên kia đường, Thành "trắng" ra hiệu bằng cách huýt gió. Ngay lập tức Hiền nhún người lại rồi bay lên đạp vào người đàn ông đang cầm lái. Đôi nam nữ bị ngã xuống đường, chiếc valy bung ra khỏi tay. Lợi "râu" sà tới, nhặt nhanh chiếc va ly. Người thanh niên ú ớ, định kêu cướp thì bỗng im bặt. Trước mắt, một vật đen sì đã kê sẵn vào đầu. Trương Hiền rít qua kẽ răng: “Đứng im, động đậy là tao bắn vỡ sọ”.
Trong lúc Trương Hiền khống chế đôi nam nữ thì đồng bọn đã nhanh chóng lục soát người đàn ông và lột ngay chiếc đồng hồ trên tay người này. Gây án xong, cả nhóm rút lui, mất hút trong bóng đêm.
Sau khi cướp được 1 chiếc đồng hồ đeo tay, nhiều quần áo và 450 đồng trong túi du lịch, bọn chúng đã kéo Trương Hiền về nhà Cát "ngọng" để tổ chức ăn uống và hút thuốc phiện.
Kể từ sau vụ ra mắt đầy ngoạn mục này, nhóm Thành "trắng", Dũng "xà kèo", Lợi "râu"… bắt đầu thu nhận Trương Hiền vào hội “miền đù”.
Thâu tóm quyền lực ở thành Vinh
Tổ chức hội “miền đù” đuợc thành lập từ bao giờ thì không ai rõ. Tiền thân của hội này là hội Hải Phòng, được trang bị 7 khẩu súng, gồm 5 khẩu K59 và 2 khẩu K54.
Cuối tháng 10/1977, sau khi ra mắt hội “miền đù” bằng vụ trấn lột ở Cầu Đước, Trương Hiền đã gây nên sự chú ý trong giới du đãng ở Vinh. Đặc biệt, trong tổ chức hội “miền đù”, Hiền lúc này đã được đàn em suy tôn lên làm đại ca. Tuy nhiên, nhiều kẻ có số má trong hội lại không dễ dàng gì chấp nhận làm đàn em của Trương Hiền. Lý do: Hiền là dân từ nơi khác lai vãng về đây, tuổi tác còn ít, có thể nổi đình, nổi đám đâu đó nhưng trong mắt một số đại ca ở thành Vinh thì Hiền chưa đủ tuổi để ngồi mâm trên, để sai khiến bọn họ. Với lại, những cái tên như Dũng "xà kèo", Lợi "râu"… dễ dàng gì nhường lãnh địa này cho Trương Hiền. Một cuộc thách đấu diễn ra để tìm ngôi vị bá chủ giang hồ thành Vinh.
Trong lần giáp mặt này, Trương Hiền đã đánh bật bãi 3 đại ca của hội “miền đù”. Tên tuổi của Trương Hiền bắt đầu nổi lên như cồn. Đến tháng 2/1978, Hiền chính thức trở thành 1 trong những “tứ trụ triều đình” của hội “miền đù”. Tuy ít tuổi nhất trong nhóm nhưng với bản lĩnh và những lần ra tay khét tiếng, Hiền nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của hội.
Hội miền đù có 4 chỉ huy. Ngoài Trương Hiền ra còn có Thành "trắng", quê Phát Diệm, Hà Nam Ninh, người dong dỏng cao, khi nào cũng mặc quần áo bộ đội, trong người luôn có một khẩu súng K54 dắt lưng.
Người thứ 3, trấn ở vùng “ải” từ ngã 6 xuống cầu Bến Thuỷ là Dũng "xà kèo", quê ở Hải Phòng. Dũng từng là đại ca có tiếng ở đất cảng, từng ra tay thanh trừng các băng đảng tại đây và lọt vào tầm ngắm của lực lượng cảnh sát. Bị truy đuổi gắt gao, Dũng buộc phải nhảy xe vào ẩn nấp ở Vinh. Đến Vinh, Dũng nhanh chóng gây dựng thanh thế của mình, tập hợp các đàn em để tổ chức trấn lột và trở thành một trong những thủ lĩnh đáng gờm của hội “miền đù”. Để tránh lực lượng truy quét, Dũng "xà kèo" thường khai tên là Hùng.
Vị trí thứ 4 thuộc về Lợi "râu", tên thật là Trần Đức Lợi, quê ở huyện Phong Châu, Vĩnh Phú. Nhìn vẻ mặt bề ngoài, chẳng ai dám nghĩ Lợi là một tên sói xám khét tiếng, là đệ tử thân cận nhất của Trương Hiền.
Trong 4 đại ca của hội miền đù thì Trương Hiền giữ trọng trách thủ lĩnh, 3 người còn lại chịu sự chỉ đạo chung của Đại ca Toọng. Nếu vắng Toọng, các đại ca trong hội theo ngôi thứ đã sắp đặt sẵn sẽ chỉ huy công việc. Cả 4 thủ lĩnh của hội “miền đù” đều được trang bị súng, sẵn sàng siết cò mỗi lúc gặp biến.
Từ đây, cái tên Trương Hiền, từng một thời bán bánh mỳ dạo, trộm cắp vặt ở chợ Đông Hà đã vĩnh viễn biến mất. Đám giang hồ gọi hắn với cái tên tôn kính "anh Toọng". Còn người dân ở thành phố Vinh thì khiếp đảm khi nghe nhắc đến tên “tướng cướp Toọng”. Với 2 khẩu súng lên đạn sẵn, Toọng sẵn sàng xiết cò nếu bị chống cự.
Thiếu tá Nguyễn Văn Trưng, nguyên là đội phó đội hình sự Công an thành phố Vinh cho hay: “Thời kỳ này, vũ khí nóng trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Toọng và đàn em của hắn dám sử dụng”.
Thống lĩnh giang hồ thành phố Vinh chỉ không lâu sau khi gia nhập vào hội “miền đù”, Toọng bắt đầu những chuỗi ngày tác oai, tác quái. Số má giang hồ của Toọng ngày càng được khẳng định qua những lần đột vòm, trấn lột. Một không khí hoảng loạn bao trùm lên các ngóc ngách, ngõ hẻm của thành phố Vinh thời bấy giờ.
Sau những chiến tích khiến đám đàn em và giới giang hồ thành Vinh nể trọng, Toọng càng ngày càng trở nên liều lĩnh. Với hai khẩu súng và hàng chục viên đạn trong người, tướng cướp này tiếp tục gây thêm nỗi kinh hoàng đối với người dân và giới máu mặt ở thành phố Vinh.
Hốt bạc ở quán cafe
Đất nước thống nhất, Vinh là trung tâm của Bắc Trung Bộ, là nơi trung chuyển hàng hóa, hành khách từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Lưu manh, trộm cướp chẳng biết từ phương nào cứ đổ về Vinh, mỗi nhóm cát cứ một phương.
Rồi sự hỗn loạn dần dần cũng được thu về một mối dưới tay của tướng cướp Toọng. Hơn hai chục tên lưu manh chuyên nghiệp được tổ chức lại thành một băng với tên gọi: hội miền đù. Những kẻ không thuộc băng nhóm này, nếu muốn lén lút hoạt động phải được đại ca Toọng gật đầu, hàng ngày đều phải cống nạp cho Toọng.
2h chiều một ngày tháng 12/1978, Hiền và đồng bọn quyết định tổ chức hốt bạc tại một quán café sau một thời gian theo dõi. Lúc này, Trương Hiền cùng Sơn "hảo", Hải "lác" gom tiền cho tên Việt nhảy vào đánh bạc với nhóm người tại quán cafe của người tên Hùng.
Hình thức đánh là xóc đĩa. Việt vào đánh được một lúc thì bị mất 1.500 đồng. Sau khi biết Việt hết tiền, Toọng liền chạy vào và đưa cho Việt mượn một chiếc đồng hồ hiệu KD. Khi thấy Toọng xuất hiện thì người có tên là Căn Toàn sợ quá nên định không đánh nữa. Thấy vậy, Toọng liền ra giọng trấn áp: Anh em tiếp tục đánh đi. Đang đánh mà bỏ dở như thế thì không được đâu.
Một lúc sau, chiếc đồng hồ KD mà Toọng cho Việt mượn cầm cố cũng bị các con bạc “ăn” mất. Ngay lúc đó, Toọng rút dao ra và nói với đám bạc: Ai ở đâu ngồi yên đấy. Có bao nhiêu tiền bạc bỏ ra giữa hết. Toọng vừa cất lời, lập tức Sơn "hảo" đang đứng bên cạnh cũng rút ra khẩu K59.
Biết đến băng nhóm này liều lĩnh từ lâu, nhất là sau những vụ dùng súng cướp của, bắn lại công an khi bị rượt đuổi nên cả đám bạc khiếp vía. Một người ngồi dậy đưa lại đồng hồ cho Toọng; một người khác đứng dậy định bỏ chạy thì liền bị Sơn "hảo" dùng báng súng đập thẳng vào đầu.
Sau đó, cả nhóm vào lục soát các con bạc và lấy đi 2.500 đồng. Trấn lột được tiền, cả nhóm lại mò về nhà Cát "ngọng". Tiền cướp được, Toọng lấy 600 đồng, số còn lại chia cho Việt, Sơn "hảo" và Hải "lác". Vụ này, Cát "ngọng" cũng được Toọng biếu cho 200 đồng.
Trấn lột cả đàn em, lưu manh
Sau những lần tổ chức cướp bạc thành công, uy thế của Toọng và đồng bọn ngày càng tăng lên trong giới giang hồ thành Vinh thời kỳ đó. Đã có những lần, vì nghiện thuốc phiện, Toọng đã phải đi cướp, trấn lột của đàn em - những kẻ sống bằng nghề lưu manh khác để thỏa mãn cơn nghiện của mình.
Một buổi sáng tháng 7/1978, tại khu vực bụi hóp, cách trường cấp 3 Vinh khoảng 100 m (một địa điểm phức tạp mà Toọng và đàn em thường xuyên gây án), Trương Hiền đang lang thang ở khu vực chợ ga Vinh thì phát hiện phát hiện thấy một người quen chuyên móc túi đang dặt dẹo ở đây.
Hiền không nhớ tên, chỉ biết hắn là bạn của Dũng "xà kèo" - một đàn em của mình. Hiền gọi tên này lại chỗ mình rồi xét người. Hiền đã lấy đi chiếc đồng hồ hiệu Poljot và 80 đồng. Sau khi lấy xong, Hiền rút súng ra và nói: “Mày kêu thằng nào bạn của mày lại đây thì kêu đi”. Người thanh niên này chẳng dám hé răng.
Chiếc đồng hồ trấn lột được, Toọng mang đi bán cho một tên phe được 80 đồng rồi thản nhiên đi ăn sáng. Sau đó, hắn ta mò đến nhà Cát "ngọng" để hút thuốc phiện. Trong buổi sáng, Hiền đã đốt hết 15 điếu.
Một lần khác, cũng trong tháng 7/1978, vì bực tức đàn em có tên là Hiền Linh “xỏ lá” với mình, Toọng cùng với Khang "bệu", Việt đã đưa tên này đến quán sân gạch để hỏi tội. Rồi Toọng lục soát người Hiền Linh lấy đi 1 đồng hồ bán được 350 đồng, 1 cái kính trị giá 250 đồng. Sau đó, Toọng lại tìm về nhà Cát "ngọng" để đến với thuốc phiện.
Sau khoảng thời gian đó, Trương Hiền lại ngập trong ma túy nên việc trấn lột của đàn em, đồng bọn trong nghề là việc làm thường xuyên của tướng cướp này.
Cướp thuốc phiện
Thời gian cuối tháng 1/1979, một ngày Toọng đang hút thuốc phiện tại nhà Cát "ngọng" thì được Cát rỉ tai: Bây (chúng mày) muốn có tiền thì lên nhà bà Thảo bán vé xe ô tô, nhà ở khu phố 2, Vinh nói là người đi buôn để vào mua thuốc phiện. Khi họ đưa hàng ra thì cướp lấy.
Nhận được nguồn tin, Trương Hiền như mở cờ trong bụng. Sau khi bàn bạc kỹ, Toọng cùng với các tên Lần em, Đoàn Thanh đến nhà vợ chồng bà Thảo bán vé ô tô nội tỉnh, cũng kiêm luôn nghề buôn thuốc phiện. Sau khi giả đóng là người buôn thuốc phiện, cần 2kg để đưa vào Huế. Cả hai bên thống nhất 6h tối sẽ giao hàng tại cổng Chốt (một địa danh ở Vinh lúc đó).
Sau đó Toọng trở về nhà Cát và sai Đoàn Thanh đi gọi thêm người. Một lúc sau thì Thành "trắng" có mặt. Toọng nói nhỏ với Thành: Tối nay, 6h anh em ta có tiền tiêu rồi. Sau đó cả bọn rủ nhau đi ăn nhậu thịt chó tại nhà một người tên là Linh.
Đúng 6h tối, Toọng dẫn theo Cu Thân (Đoàn Thanh), Lần em, Thành "trắng" và 2 người trong bữa nhậu nữa đến điểm hẹn lấy hàng là quán nước gần cổng Chốt. Cả bọn ngồi đợi đến 9h tối thì gặp chồng bà Thảo đi một chiếc xe đạp Phượng Hoàng hộp màu xanh mang theo 2kg thuốc phiện theo. Toọng liền ra hiệu cho tên Lần em ra xem hàng. Rồi cả nhóm đứng vây xung quanh cho tên này kiểm hàng.
Khi đã cầm trong tay 2kg thuốc phiện, Lần em bắt đầu giở giọng lưu manh để cướp: Nếu ông kêu thì ông ở tù, tôi cũng ở tù. Nếu ông không kêu thì ông không ở tù, tôi cũng không ở tù. Người đàn ông buôn thuốc phiện đứng im, chẳng nói được nửa lời để mặc cho đám cướp cầm hàng đi.
Ngay sáng ngày hôm sau vụ cướp, Toọng, Cu Thân và Lần Em đã tìm đến một người lái xe từ Huế ra nhờ bán hộ. Sau khi giữ một ít để xài, số thuốc phiện trên được bán với giá 2.800 đồng. Toọng lấy đi 500 đồng, số còn lại các đàn em tự chia nhau. Sau đó Toọng lại trở về nhà Cát "ngọng" để hút thuốc phiện và có cảm ơn Cát báo tin bằng 200 đồng.
Những tháng ngày phiêu dạt cùng đám đầu trộm đuôi cướp ở Đông Hà, Trương Hiền đã dính đến ma túy từ lúc nào, y cũng chẳng biết. Đến khi dạt ra thành phố Vinh, sau khi ra mắt bằng một vụ cướp thành công, Hiền được đồng bọn đưa đến gặp Cát "ngọng" - Người sau đó gần như gắn bó với những năm tháng cuối cùng của tướng cướp khét tiếng. Và cũng là người mang lại cho Hiền những tháng ngày chìm đắm, ngập ngụa bên bàn đèn thuốc phiện.
Bên ly trà rót dở trong căn nhà nhỏ ở thành phố Vinh, nguyên Đội phó Đội Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Vinh - Thiếu tá Nguyễn Văn Trưng tiếp tục câu chuyện về băng cướp từng một thời làm mưa làm gió do Toọng cầm đầu. Sự liều lĩnh của nhóm cướp này đã gây nên nỗi kinh hoàng, khiếp đảm cho những người từng sống ở Vinh thời đó.
Suốt thời gian gần 3 năm trời hoạt động ở thành phố Vinh, trong băng đảng trộm cướp của Toọng, có một nhân vật được ví như quân sư, luôn ẩn mình sau “rèm chính sự” nhưng lại có ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động của cả hội và cuộc đời tướng cướp Toọng. Người đó có biệt danh là Cát "ngọng".
Thiếu tá Nguyễn Văn Trưng còn nhớ rõ, Cát tên thật là Trương Văn Cát. Cát hơn Toọng khoảng 26 tuổi, từng là nhân viên nhà nước nhưng do nghiện ma túy và sức khỏe yếu nên phải nghỉ.
“Lão này có dáng người cao, gầy, tóc húi cua. Trên tay luôn lăm lăm điếu thuốc lá. Nhà ở ngay trung tâm thành phố Vinh, lại là thổ địa trong giới làm ăn phi pháp nên Cát rất được băng cướp này nể trọng”, ông Trưng nhớ lại.
Trong câu chuyện của vị thiếu tá về hưu cũng như trong hồ sơ vụ án Trương Hiền và đồng bọn, đều nói rõ đến vai trò của Cát "ngọng". Chắc cái cơ duyên của những kẻ nghiện ma túy đã kết nối Cát với băng đảng Trương Hiền lại với nhau. Cũng từ đó, nhà của Cát trở thành nơi tụ tập, ăn chơi phè phỡn của hội miền đù. Còn đối với Toọng, Đoàn Thanh, Khang Bệu, nhà của Cát là nơi cung cấp “sức sống” - thuốc phiện hàng ngày cho chúng.
Khi băng cướp chia chác chiến lợi phẩm, Toọng không quên biếu Cát, khi thì tiền, khi thì tài sản. Và, Cát cũng là kẻ chuyên mua lại tài sản trộm cướp được với giá “hữu nghị” để đi ra chợ bán lại cao hơn kiếm lời.
Nhân vật này còn là người đứng ra bày binh bố trận, chỉ điểm cho băng cướp này tổ chức những trận cướp kinh hoàng. Để rồi Trương Hiền và đồng bọn không chỉ nhằm vào người dân mà đối tượng của bọn chúng là những thành phần cộm cán về cờ bạc, thuốc phiện ở thành phố Vinh thời kỳ đó.
Có một điều hết sức quan trọng trong cuộc đời của tên tướng cướp khét tiếng này, chính là việc dính vào ma túy của y. Thế cho nên vừa đặt chân ra đến thành phố Vinh, Hiền đã phải nhờ Cu Thanh (Đoàn Thanh), một đồng hương và cũng là đàn em tin cậy của y dẫn đến gặp Cát "ngọng". Bởi, Cát là một kẻ nghiện thuốc phiện có thâm niên ở cái đất này. Sau khi nghỉ việc nhà nước, Cát bắt tay vào buôn thuốc phiện. Vừa là để có thuốc dùng hằng ngày và cũng là để kiếm sống nuôi gia đình.
Hiền thừa nhận, bản thân y đã từng chích xì ke từ thời còn ở Đông Hà. Đến khi ra Vinh thì hắn lại chuyển sang chơi thuốc đen (thuốc phiện) tại nhà Cát "ngọng".
Tại cơ quan điều tra, Hiền đã khai: Chúng tôi không cho Cát "ngọng" gia nhập băng nhóm vì đấy là nơi chúng tôi gửi đồ trộm cướp được. Đây cũng là nơi chúng tôi tổ chức ăn uống, hút thuốc phiện sau những lần “đánh quả” được. Những vụ tụi tôi cướp được, chủ yếu đưa về nhà Cát và ông ấy cũng biết đó là đồ do chúng tôi phạm tội mà có. Mỗi lần như thế thì tôi đều cho Cát tiền.
Trong số những 18 người của băng nhóm thì có tới 5 người nghiện thuốc phiện nên thường xuyên có mặt ở nhà Cát. Ngoài Toọng ra thì còn có Đoàn Thanh, Khang "Bệu", Trường "Con" và Quyết "cầu Giát". Mỗi lần tiêm thuốc để hút thì phải trả cho Cát 2,5 đồng. Mỗi lần tìm đến nhà Cát để thỏa mãn cơn nghiện, Hiền thường tiêm tới 15 điếu.
Trong những lúc say sưa với “chiến tích” trộm cướp, thả hồn theo nàng tiên nâu, ngập ngụa bên bàn đèn thuốc phiện, Hiền và Cát "ngọng" đã nảy sinh nhiều ý tưởng phạm pháp. Sự kết hợp của một kẻ mưu mẹo, giàu kinh nghiệm với kẻ đứng đầu băng cướp hơn 20 người đã khiến cho giang hồ thành Vinh thời đó kinh hoàng.
Bởi cho đến giữa năm 1978, băng cướp của Hiền chủ yếu hoạt động cướp giật của người đi đường, kẻ buôn bán. Hoặc khi không cướp được ai nữa thì trấn lột ngay cả những kẻ “cùng nghề”, những tên lưu manh không thuộc băng nhóm.
Tiếng tăm của Toọng và đồng bọn đã khiến cho dân giang hồ đất Nghệ Tĩnh biết tiếng và cũng nể sợ. Ngoài việc cướp giật người đi đường, thỉnh thoảng Hiền lại dùng súng chặn cướp của những tên lưu manh vừa lột được đồ của khách. Tất cả những lần đó, bọn lưu manh ở Vinh chẳng dám nói nửa lời, ngoan ngoãn đưa hàng cho Hiền.
Thế nhưng để đánh những trận lớn, có tổ chức, nhắm thẳng đối tượng là những giang hồ cộm cán ở Vinh thời kỳ đó thì Hiền vẫn chưa thực hiện được. Sau khi được Cát mách nước, chỉ điểm, Hiền bắt đầu thời kỳ chuyên tổ chức trấn, cướp sòng bạc, cướp thuốc phiện, gây dựng thanh thế trong giới giang hồ bản địa.
Điển hình là vụ cướp bạc tại nhà Trương Văn Cát vào tháng 6/1978. Một ngày cuối tháng, Cát "ngọng" đứng ra tổ chức cho một nhóm người đánh bạc với hình thức xóc đĩa tại nhà mình. Thành phần gồm những tên cờ bạc có máu mặt ở Vinh lúc đó và một số đối tượng đi làm vàng từ Mường Xén xuống.
Sau khi cả nhóm người đang mải mê xóc đĩa thì Cát "ngọng" đã báo cho Toọng. Lúc này đây, Trương Hiền cùng với đồng bọn gồm: Thành "trắng", Lợi "râu", Dũng "Xà Kèo", Trường "con", Sơn "Hảo", Hùng "Hà Nội", Việt (người Nam Đàn), Hiền Linh, Lợi Nghi Đức đang ngồi ở quán cháo sân gạch đợi tin Cát.
Sau khi bàn bạc, Cát "ngọng" ngồi ở quán ăn cháo chờ tin. Toọng cầm đầu cả đám đàn em đồng loạt kéo về nhà Cát "ngọng" để úp sòng bạc. Khi đến nơi thì thấy nhóm người này vẫn đang sát phạt nhau. Lập tức Toọng, Thành "trắng", Dũng "Xà Kèo", Sơn Hảo và Lợi "râu" ập vào nhà. Đám đệ tử còn lại có nhiệm vụ đứng ngoài canh gác.
“Tất cả ngồi im!”, Toọng rút khẩu K59 ra và nói. Những con bạc cũng đáng mặt đàn anh đàn chị nhưng khi thấy Toọng cầm súng thì mặt xanh như tàu lá chuối. Không ai bảo ai, tất cả đều im bặt. Chắc họ sợ khẩu súng trên tay Toọng. Và cái sợ lớn hơn nữa là uy danh của tướng cướp này vì chuyện y sẵn sàng bắn bất kỳ ai nếu không nghe lời đã lan truyền khắp thành phố này.
Lúc này đây, Toọng một tay cầm súng, tay kia đến soát người có tên là Khánh (người Hưng Vĩnh) rồi đuổi người này đi vì đây là người quen của y. Lợi "râu", Sơn Hảo bắt đầu vào lục xét những người có mặt trong chiếu bạc. Kết quả 2 đàn em của Toọng thu được 3 chiếc đồng hồ Orient 3 sao và 4.000 đồng từ con bạc.
Những con bạc sau khi bị lột sạch tiền và tài sản thì lần lượt xin được về. Rồi Hiền ra lệnh cho một đàn em di báo cho Cát biết vụ úp bạc đã thành công. Khoảng 1 tiếng sau thì Cát "ngọng" trở về nhà, chia chác và ăn mừng với nhóm cướp. Sau khi chia cho Cát 500 đồng, Hiền tự thưởng cho mình 1.000 đồng và 1 đồng hồ Orient, 2 đồng hồ còn lại chia đều cho Dũng Xà Kèo và Thành Trắng. Số tiền 2.500 đồng còn lại thì được chia đều cho cả nhóm.
Đây là vụ đánh quả đậm nhất trong thời gian y hoạt động ở Vinh. Chia chác xong xuôi, Toọng để mặc cho đám đàn em ăn chơi, đú đởn. Còn hắn trở lại bên chiếc bàn đèn quen thuộc ở nhà Cát. Ngày hôm đó hắn lại chìm trong khói thuốc phiện.
Có lần, đàn em thân cận của Toọng bị bắt tạm giam sau khi gây án. Và, đích danh đại ca của hội “miền đù” đã cắt song sắt, đột nhập vào buồng giam để giải cứu đàn em. Người đàn em được giải cứu thành công tên Việt (thường gọi là Nam Xuân, người ở huyện Nam Đàn, Nghệ An).
Cắt song sắt, giải cứu đàn em
Đầu năm 1979, tên tuổi của tướng cướp Toọng cùng đàn em của y đã thực sự trở thành nỗi khiếp sợ của người dân thành Vinh và cả những tên du đãng từ vùng khác dạt vòm về đây. Những vụ trấn lột, thanh toán bằng súng ngày càng xẩy ra nhiều hơn, cường độ dày hơn. Có người còn ví von, một tiếng động trong đêm cũng khiến người dân giật mình và nghĩ ngay đến Toọng.
Lực luợng công an buộc phải ráo riết vào cuộc, truy lùng tướng cướp và đàn em thân tín của y.
Lúc này, dường như đã biết trước lực lượng công an đang truy đuổi mình nên Toọng ít xuất hiện ở những chỗ cũ. Nhà Cát "ngọng", địa điểm mà hắn hay lui tới để hút thuốc phiện giờ đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng công an nên Toọng đã rút về trú ngụ ở Cửa Tiền. Ngày, y ngủ mê mệt trên một chiếc thuyền chài ven sông Cửa Tiền. Đợi đến đêm khuya, vắng người qua lại, Toọng mới lân la tụ tập đồng bọn.
Đêm tháng 1/1979, lúc này Toọng vừa bước chân lên thuyền sau một ngày lẩn trốn thì có một bóng đen chờ sẵn ở trước. Nghĩ là có người theo dõi, y vội nấp sau một bức tường của một căn nhà cấp 4 để quan sát. Qua ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu hắt ngược từ bên kia vệ đường, Toọng nhìn rõ một người phụ nữ đang bước xuống thuyền, mắt dáo dác như đang tìm cái gì đó.
Mắt đang dán chặt vào người đàn bà mà y chưa từng gặp thì có tiếng vỗ nhẹ vào vai. Theo phản xạ, Toọng né sang một bên, một tay nhanh chóng rút khẩu súng đã lên đạn sẵn dắt trong người. Bóng đen lí nhí, nói không nên lời trong hơi thở gấp gáp: “Em, Sơn "hảo" đây. Thằng Việt bị bắt rồi. Người yêu nó đang tìm gặp đại ca để bàn chuyện cướp ngục”.
Một thoáng rùng mình. Cướp ngục ư? Kể từ khi đặt chân vào giới giang hồ, hắn đã làm nhiều chuyện động trời, không chuyện gì là hắn không dám làm. Nhưng chuyện đột nhập nhà giam để giải cứu đệ tử thì hắn chưa bao giờ nghĩ đến. Làm sao có thể qua mặt được công an, đột nhập vào trại giam, trong khi hắn lại đang là đối tượng chính bị công an ráo riết truy đổi.
Nhưng nếu không giải cứu thằng Việt, thì sẽ bị đàn em chê cười, liệu hắn có còn xứng đáng với cái danh đại ca mà bọn đàn em vẫn đang suy tôn hay không? Nhưng điều quan trọng nhất, Việt là một mắt xích trong “hội miền đù”, nếu không giải cứu nó nhanh, toàn bộ thông tin về băng cướp do Toọng lãnh đạo sẽ nằm ngay trên bàn công an sau khi có cuộc hỏi cung vào ngày mai. Nếu như vậy, tính mạng của hắn, của cả băng đảng “miền đù” sẽ bị đe doạ.
Đang suy nghĩ thì người đàn bà lúc nãy xuất hiện, Sơn "hảo" giới thiệu nhanh: Đây là con Hương, vợ chưa cưới của thằng Việt. Nghe tin Việt bị bắt, nó tìm đại ca cả ngày hôm nay, nhờ hội mình giải cứu thằng Việt.
Sau một ngày nghiên cứu địa bàn, nắm bắt được thông tin tên Việt bị giam tại buồng số 2, Công an Vinh, cả nhóm đã tính toán kỹ các phương án “tác chiến”.
Đồng hồ chỉ 12 giờ, Toọng cùng Sơn "hảo" dẫn theo 2 đệ tử nữa bắt đầu thực hiện việc giải cứu đàn em. Cả nhóm 4 tên men theo con đuờng mòn dẫn đến khu vực tạm giam.
Nhiệm vụ của từng người được phân công khá rõ ràng. Lợi (người Nghi Đức, huyện Nghi Lộc) dùng kìp cắt đứt dây thép gai trên tường rào. Chỉ một loáng, cả nhóm đã chui được vào được khu vực nhà tạm giữ.
Sau khi chui được vào khu vực nhà tạm giam, Toọng ra hiệu cho đồng bọn ngồi im, còn một mình y trườn đến nhà tứ giác, nơi lực lượng công an thường cắt người canh giữ. Khi đã biết người gác đã ngủ, Toọng ra ám hiệu cho đồng bọn tiến đến cổng buồng số 2 – nơi Việt bị giam giữ.
Tên Lợi có nhiệm vụ phá khoá của buồng giam, một tên nữa lo thám thính khu vực phía sau, xem việc cướp ngục có bị ai phát hiện hay không. Toọng và Sơn "hảo", mỗi người một khẩu súng canh chừng phía trước, nếu bị phát hiện thì nhả đạn, cản đường lực lượng truy đuổi.
Trong chớp mắt, cửa buồng giam đã bị phá. Việt và một tên lưu manh khác nhốt chung buồng số 2 nhanh chóng trườn đến bờ tường, nhẹ nhàng đu người vượt qua bờ rào rồi mất hút trong bóng đêm tĩnh mịch.
Giải cứu xong đàn em, thấy tên Việt không thể ở lại đây được lâu hơn nữa nên Toọng đã ra lệnh cho Việt ngay lập tức phải trốn ra Hà Nam Ninh trong đêm. Trước khi chia tay, Toọng dúi vào tay Việt một khẩu súng K59 để tiện cho việc chạy trốn và hoạt động sau này.
Tiếng súng trong đêm khuya và cuộc truy sát trên tàu V85
Khẩu súng mà Toọng giao cho Việt giữ lấy để “phòng thân”, sau này trở thành hung khí gây nên vụ án mạng trên chuyến tàu V85, khi Việt cố gắng hạ sát một người bộ đội để cướp chiếc đồng hồ.
Vụ việc này đã được Đậu Kim Sơn (tức Sơn "hảo") khai rất rõ sau khi y bị công an TP. Vinh bắt giữ vào tháng 5/1979.
Tên Lợi có nhiệm vụ phá khoá của buồng giam, một tên nữa lo thám thính khu vực phía sau, xem việc cướp ngục có bị ai phát hiện hay không. Toọng và Sơn "hảo", mỗi người một khẩu súng canh chừng phía trước, nếu bị phát hiện thì nhả đạn, cản đường lực lượng truy đuổi.
Trong chớp mắt, cửa buồng giam đã bị phá. Việt và một tên lưu manh khác nhốt chung buồng số 2 nhanh chóng trườn đến bờ tường, nhẹ nhàng đu người vượt qua bờ rào rồi mất hút trong bóng đêm tĩnh mịch.
Giải cứu xong đàn em, thấy tên Việt không thể ở lại đây được lâu hơn nữa nên Toọng đã ra lệnh cho Việt ngay lập tức phải trốn ra Hà Nam Ninh trong đêm. Trước khi chia tay, Toọng dúi vào tay Việt một khẩu súng K59 để tiện cho việc chạy trốn và hoạt động sau này.
Tiếng súng trong đêm khuya và cuộc truy sát trên tàu V85
Khẩu súng mà Toọng giao cho Việt giữ lấy để “phòng thân”, sau này trở thành hung khí gây nên vụ án mạng trên chuyến tàu V85, khi Việt cố gắng hạ sát một người bộ đội để cướp chiếc đồng hồ.
Vụ việc này đã được Đậu Kim Sơn (tức Sơn "hảo") khai rất rõ sau khi y bị công an TP. Vinh bắt giữ vào tháng 5/1979.
Sẵn sàng nhả đạn nếu đối tượng chống cự, sẵn sàng xiết cò nếu như bị lực lượng công an truy đuổi… với 9 khẩu súng (6 khẩu K59, 2 khẩu K54, 1 khẩu Rulo), băng cướp do đại ca Toọng cầm đầu thực sự trở thành mối đe doạ đối với xã hội. Lực lượng công an, bộ đội đặc công với những trinh sát giỏi nhất đã được huy động để phá án. Rất nhiều lần giáp mặt với công an, Trương Hiền đã nhả đạn rồi tẩu thoát.
Xả đạn, mở đường máu để thoát thân
Khu phố 3, nơi có chợ Vinh sầm uất là nơi Toọng và đàn em thường lai vãng đến để “ăn hàng”. Tại đây, những năm 1978-1979, toán cướp do Toọng chỉ huy đã từng gây ra nhiều vụ trấn lột. Để ngăn chặnsự tác quai, tác quái và bảo vệ bà con tư thương buôn bán, Ty Công an Nghệ Tĩnh đã chỉ đạo cho công an Thành phố Vinh lập một chốt chặn trước cổng chợ Vinh. Trung tá Phạm Hồng Quang được chỉ định làm tổ trưởng.
Chợ Vinh ngày đó mỗi tháng có 3 chợ phiên: mồng 2, 17 và 27; kẻ bán, người mua tấp nập. Đấy cũng là dịp mà những tên móc túi, trấn lột thường hay lui tới, chờ cơ hội thuận tiện để ra tay.
Ngày 27, phiên chợ cuối cùng của tháng 11/1978, có 2 người đàn ông mặc áo quần bộ đội, mắt lấm la, lấm lét nhìn xung quanh. Một người có dáng thấp, da ngăm đen, nói giọng ở miền Trung, trong người thủ sẵn 1 khẩu K54 và 1 khẩu Rulo đã lên đạn sẵn. Người còn lại to béo, đội mũ cối, mặt lúc nào cũng cúi gằm xuống đất.
Tổ trưởng Phạm Hồng Quang lập tức nhận ra 2 người đàn ông lạ mặt đó là Toọng và Khang "bệu". Không để cho Hiền trốn thoát, Phạm Hồng Quang lách đám đông, bám sát mục tiêu, cố giữ khoảng cách để cho Toọng không phát hiện mình đang bị theo dõi.
Nhưng với kinh nghiệm bao năm lăn lộn trong giới giang hồ, Toọng nhận ra hành tung của mình đã bị lộ. Nhanh như cắt, hắn vội lách vào đám đông, rồi rẽ sang phía sạp vải. Đệ tử của hắn rẽ vào một con ngõ hẻm rồi mất hút.
Phía sau, mấy chiến sỹ công an vẫn dán mắt vào người thanh niên có nước da sạm đen, cao khoảng 1m6 đang tìm cách lẩn trốn. Khoảng cách giữa 2 bên dần dần rút ngắn.
Đúng vào dịp chợ phiên nên người khá đông. Nếu nổ súng, sẽ không loại trừ trường hợp người dân bị thương. Nghĩ vậy, nên dù khi Toọng chỉ cách gần chục bước chân, Phạm Hồng Quang quyết định bắn chỉ thiên.
Nghe tiếng súng, Toọng vội dạt người sang một bên, rút trong người khẩu K54 đã lên đạn sẵn và hướng về phía sau xiết cò. Hai tiếng nổ chát chúa vang lên. Anh Quang nằm rạt xuống đất, tránh được luồng đạn vừa hướng vào mình.
Nghe tiếng đạn nổ, bà con tiểu thương bỏ chạy ráo rác. Lợi dụng lúc đó, Toọng chạy ra khỏi chợ Vinh, vòng qua đường 1 và hướng về phía ngã 6 để tẩu thoát.
Vừa bước ra khỏi chợ Vinh, đến quốc lộ 1A, Toọng ngoái lại phía sau thì thấy 1 chiến sỹ công an và một người mặc sắc phục quân đội đang bám theo mình. Không ngần ngại, hắn chĩa nòng súng đen ngòm vào lực lượng truy đuổi và nhả đạn. Lợi dụng sự hỗn độn, tướng cướp nhảy qua bờ tường một ngôi nhà rồi mất hút trong con ngõ ngoằn nghèo.
Sa lưới
Sau lần trốn thoát sự truy đuổi của lực lượng công an, Toọng cùng đàn em lui vào ở ẩn. Địa điểm ẩn náu cũng được hắn thay đổi thường xuyên, thoắt ẩn, thoắt hiện. Có khi người dân phát hiện hắn ở chỗ này, vội báo cho lực lượng công an thì hắn đã nhanh chân trốn sang nơi khác.
Bằng mọi giá phải bắt được tên cầm đầu cùng đàn em của Toọng để lập lại trật tự trên địa bàn, đó là mệnh lệnh được Ty Công an Nghệ Tĩnh ban xuống. Ngoài việc huy động các trinh sát dày dạn về nghiệp vụ, lực lượng phá án còn được bổ sung đáng kể khi có sự tham gia của đội đặc nhiệm quân sự.
Ga tàu, bến xe và chợ Vinh là những địa điểm mà công an ém quân, chờ sự xuất hiện của Toọng là tiến hành truy bắt.
Ngày 9/3/1979, nguồn tin từ tiểu thương chợ Vinh cho hay, đã phát hiện Toọng cùng 1 người nữa xuất hiện tại chợ. Không kịp báo cáo thông tin lên Công an Thành phố, trinh sát Nguyễn Văn Bình cùng đồng đội tên là Nguyễn Văn Học đuổi theo.
Linh tính thấy rằng hình như có người đang bám theo mình, Toọng vội nhào ra phía cổng. Chưa kịp rẽ qua đường lớn thì hắn đã bị một bàn tay vạm vỡ, rắn như thép chộp lấy. Toọng cúi gập người xuống, nhoài sang một bên để né tránh. Đoạn, hắn vung chân đá vào người anh Học. Chân vừa tiếp đất, hắn rút nhanh khẩu súng đút sẵn trong túi quần rồi nhả đạn.
Trinh sát Bình vội lăn nhoài, nằm rạp xuống đất để tránh 2 viên đạn xả thẳng vào người anh. Trong lúc Toọng đang cố gắng tìm đường để chạy thoát sau 2 phát súng không trúng đích thì bất ngờ anh Bình bật dậy, quét thẳng vào chân trụ của tướng cướp, làm hắn ngã ngửa. Chỉ chờ có thế, trinh sát Bình lao tới, dùng sức khống chế, bẻ quặp 1 tay Toọng ra phía sau.
Tay phải bị bẻ quặp, Toọng vội xoay mình, rút trong túi quần ra một khẩu súng khác và nhằm vào ngực anh Bình siết cò. Không có tiếng súng nổ. Viên đạt bị tắc. Anh Bình thoát chết trong gang tấc.
Lúc này, trinh sát Học cùng bà con chạy đến, ghì chặt Trương Hiền xuống ruộng muống bên cạnh. Anh Bình một tay khống chế Toọng, một tay rút cướp khẩu súng trong tay Toọng vứt ra xa.
Toọng bị bắt, lực lượng công an thu được 1 khẩu súng K54 cùng với 10 viên đạn. Trong hồ sơ về tướng cướp Trương Hiền còn ghi rất rõ nguồn gốc của 2 khẩu súng mà y thường sử dụng: khẩu K59 là do một người tên Hùng, người Hà Nội cho y. Sau một thời gian sử dụng, khẩu súng trên được Toọng bàn giao lại cho tên Đậu Kim Sơn (tức Sơn hảo) để tên này đi thực hiện hành vi phạm tội.
Còn khẩu súng K54 mà y sử dụng bắn lại công an lần cuối trước khi bị bắt được sản xuất 1966. Khi bị bắt, trong khẩu súng còn 5 viên đạn (đã bắn 2 viên), và trong túi quần y còn có 5 viên đạn khác. Khẩu K54 mà y sử dụng là do một người tên Hoàng, từng là chiến sỹ công an (C5) đã bị sa thải cho y.
Rút cuộc thì tướng cướp có biệt danh cu Toọng đã sa lưới pháp luật. Lực lượng công an ngày đó đã phải tăng cường lực lượng, canh chừng hết sức cẩn mật khu vực trại giam, tránh trường hợp Toọng cắt song sắt trốn ra ngoài. Bởi, với tướng cướp này, mọi việc y đều có thể làm được. Toàn bộ hồ sơ, lời khai của bị can cũng được lực lượng công an gấp rút hoàn thành.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top