27 + 28

Gia đình dì tôi và gia đình bác Tám không ai biết tôi đi đạp xích-lô . Tôi giấu biến. Nếu biết, tất dì dượng tôi sẽ cản. Chiều nào chạy xe, tôi đi bộ ra Ngã Bảy, nhận bàn giao xe từ người chạy xe ban ngày . Buổi tối, sau khi trả xe, tôi lại thả bộ về nhà. Dì tôi hỏi, tôi bảo là đi dạy kèm.

Thông thường, chạy xe đến khoảng chín, mười giờ tối, tôi đã kiếm đủ số tiền cơm nước cho một ngày . Từ giây phút đó, để giữ sức ngày mai đi học, tôi không rước khách nữa, chỉ đạp xe tà tà đi trả.

Trời tối . Gió mát. Những ánh đèn thủy ngân toả ra một thứ ánh sáng êm dịu, mơ màng trên đường vắng. Đó đây vẳng lại những tiếng lá trò chuyện thì thầm. Những lúc ấy, vừa thong thả đạp xe đi tôi vừa nhớ Lân da diết.

Giá như Lân không thay đổi, giá như tình cảm giữa hai đứa tôi vẫn như ngày nào thì lúc này, sau khi đã lo xong phần cơm áo, tôi sẽ ghé đón Lân đi chơi . Tôi sẽ chở Lân đi ăn bánh cuốn, đi ăn kem, yaourt, đi uống chanh muối ... nói chung là tất cả những thứ gì Lân thích. Chúng tôi sẽ đi dạo bên bờ sông, sẽ đi trên những con đường thanh vắng ngập đầy lá rụng, nói chung chúng tôi sẽ ...

Đang mơ mơ màng màng, tôi bỗng nghe "sầm" một tiếng, chiếc xích-lô lủi vô lề ngã chổng kềnh, còn tôi bắn xuống mặt đường, ê ẩm cả người . Vừa buồn cười vừa đau, tôi ngồi thở một lúc mới lồm cồm ngồi dậy đỡ xe lên.

Tay lái xe xích lô rất nhẹ, chạy xe không chăm chú là ủi vô lề như chơi . Tính tôi lại hay vừa đi vừa nghĩ ngợi lông bông nên bị nằm đất hoài . Nhưng đối với tôi, những cú ngã này không thấm thía gì so với cú ngã trong tình yêu .

Chuyện tôi đạp xích-lô, Lân không biết nhưng Ngọc Hân lại biết.

Tôi đã cố tình giấu Ngọc Hân nhưng không hiểu thằng Thuận mách lẻo những gì mà một hôm Ngọc Hân hỏi tôi :

- Bà chạy xe đã ngon lành chưa ?

Tôi giả bộ ngây thơ :

- Xe gì ?

Ngọc Hân đập vào tay tôi :

- Đạp xích-lô chứ đâu phải ăn cắp ăn trộm gì mà bà giấu !

Tôi đành cười khì.

Nó đề nghị tỉnh bơ :

- Tối nay bà ghé chở tôi đi chơi đi !

- Đi đâu ?

- Thì đi loanh quanh !

- Tôi hay lủi vô lề lắm !

- Lủi vô xe tải mới sợ chứ lủi vô lề thì ăn nhằm gì !

Thế là tối đó tôi ghé nhà Ngọc Hân. Ngọc Hân bây giờ không còn ở căn nhà cũ. Nó đổi căn nhà kia cho nhà nước lấy, căn nhà này, nhỏ hơn. Nó bảo căn nhà cũ rộng quá, buồn thiu, đôi khi lại gợi lại hình ảnh của mẹ nó khiến nó muốn khóc.

Nó nói nhớ mẹ thì tôi tin nhưng nó nói nó khóc thì tôi không tin lắm. Tôi chưa thấy nó khóc bao giờ.

Thấy tôi đỗ xịch xe trước cửa, Ngọc Hân mừng lắm. Nó nhảy tót lên xe, kêu :

- Tới luôn bác tài !

Tôi nhướng cổ, hỏi :

- Tới đâu ?

Nó khoát tay :

- Muốn tới đâu thì tới !

Tôi chẳng biết tới đâu nên cứ chở nó chạy lòng vòng bốn phương tám hướng.

Chạy đã, chúng tôi ghé vào quán ăn.

Khi ăn xong, tôi giành trả tiền. Ngọc Hân gạt phắt :

-Bà chạy xích-lô được mấy đồng mà đòi làm tàng ! Để tôi trả cho ! Ông bà già tôi đi rồi nhưng tôi vẫn còn giàu, bà cứ yên chí !

Trên đường về, Ngọc Hân nổi hứng đề nghị :

- Bà nhường cho tôi chở một lát coi !

Tôi hoảng hồn :

- Thôi, cho tôi can ! Ngọc Hân đụng phải người ta chắc tôi đi tù sớm !

Tôi nói y chang giọng thằng Thuận.

Ngọc Hân làm ra vẻ ngoan ngoãn :

- Không sao đâu ! Tôi chạy cẩn thận mà !

Nhưng mặc cho nó "dụ khị", tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy .

Mấy hôm sau, Ngọc Hân kêu tôi đạp xe vô trường coi văn nghệ.

Tôi từ chối :

- Tụi nó thấy tụi nó cười chết !

- Làm gì mà cười !

- Cười chứ ! Tôi chở Ngọc Hân tới cổng trường thì được ! Lúc nào tan hát, tôi ghé đón về !

Ngọc Hân lắc đầu :

- Bà không đi thì tôi đi làm gì ! Thôi, tôi với bà chạy lòng vòng chơi đi !

Thế là tôi chở nó đi chơi .

Thường thường, cứ mỗi lần chở Ngọc Hân đi chơi, tôi lại nhớ đến Lân. Tôi cứ ao ước giá như Ngọc Hân là Lân thì tôi sẽ hạnh phúc biết mấy .

Chẳng thà không nghĩ thì thôi, chứ đã nghĩ đến Quỳnh, mà lại cứ "giá như", "giá như" hoài, tôi cảm thấy đau khổ và buồn tủi vô cùng. Những lúc ấy, chân tay tôi rã rời, bải hoải, chạy xe hết muốn nổi .

Thực ra, dạo này sức khỏe tôi cũng không được tốt lắm. Một phần lo ôn thi tốt nghiệp, một phần lo đạp xích-lô, lại thêm cú sốc tình cảm nặng nề, người tôi đâm ra uể oải, lờ đờ như người nghiện thuốc.

Đi đâu về nhà, tôi cứ trèo lên gác nằm lăn đùng ra đó.

Huệ Nhân lúc này đã là một cô nữ sinh cấp ba mười sáu tuổi . Càng lớn nó càng dễ thương. Dễ thương nhất là nó rất thương tôi .

Biết tôi buồn, nó không biết làm sao an ủi, chỉ biểu lộ tình cảm bằng cách chăm sóc tôi nhiều hơn.

Có hôm, tôi đang ngồi học bài, nó tự động mua cà phê đem để trước mặt tôi .

Tôi mỉm cười hỏi nó :

- Tiền ở đâu mà mua vậy ?

- Tiền của em.

- Em làm gì có tiền ?

- Mẹ cho, em để dành !

Nó làm tôi cảm động quá chừng. Tôi nắm tay nó, khẽ nói :

- Em tốt lắm ! Cảm ơn em !

Nó dòm tôi :

- Sao bữa nay tự nhiên chị nói năng khách sáo quá vậy ?

Tôi cười cười không đáp và cúi xuống học bài tiếp. Lan Anh ngồi im lặng một hồi rồi bỗng nhiên thốt lên :

- Em ghét chị Lân !

Nói xong, nó chạy mất. Chắc nó sợ tôi giận vì nó dám công khai ghét Lân của tôi !

Dì tôi hình như cũng biết tâm sự của tôi nhưng dì giữ ý không nói ra .

Mãi đến khi tôi thi tốt nghiệp xong, dì tôi mới hỏi :

- Cháu làm gì mà buồn buồn vậy ?

Tôi nhìn dì không đáp. Nhưng ánh mắt đau khổ của tôi đã nói biết bao điều .

Dì tôi trầm ngâm một lúc rồi thở dài :

- Cháu nên quên con Quỳnh đi, cháu ạ !

Trước đây, Trâm đã khuyên tôi như vậy một lần. Vả lại, tôi cũng chẳng chờ đợi dì tôi báo điều gì tốt lành. Nhưng khi nghe câu nói tàn nhẫn đó thốt ra từ miệng dì tôi, tôi vẫn không tránh khỏi trạng thái choáng váng. Tôi hỏi dì, giọng nhẹ như hơi thở :

- Nhưng tại sao vậy, dì ?

Dì tôi nhìn tôi bằng ánh mắt buồn bã :

- Cháu khờ quá ! Ba cháu đi học tập cải tạo, còn gia đình người ta là gia đình cách mạng, cháu hiểu không ?

Tôi chết lặng người, nửa hiểu nửa không. Ba tôi đi học tập thì sao ? Gia đình cách mạng thì sao ? Tôi có trách nhiệm gì trong chuyện ấy ? Tôi và Lân yêu nhau kia mà ! Mẹ Lân chẳng bảo đợi tôi ra trường rồi sẽ tính toán cho hai đứa tôi là gì ! Tôi quay cuồng trong hàng trăm câu hỏi không lời giải đáp và thϊếp đi trong một giấc mơ ảm đạm.

Những ngày sau, khi tỉnh táo hơn tôi lại càng cảm thấy tuyệt vọng hơn. Trên thực tế, thái độ của Lân và của gia đình Lân chính là câu giải đáp. Dù không thuyết phục, nhưng nó cứ vẫn là một câu giải đáp, ít ra là giải đáp cho tôi .

Đã vậy, chị còn biết làm gì bây giờ, Lân ơi ?




























Ngày ra trường, tôi tình nguyện nhận nhiệm sở ở một tỉnh miền Tây xa lắc xa lơ . Tôi muốn đi thật xa thành phố, thật xa Lân, xa hẳn những kỷ niệm của một thời yêu đương thơ mộng.

Khi nhận giấy bổ nhiệm, nghĩ đến câu nói trước đây của chị Kim "chừng nào ra trường em về quê chị dạy đi", tôi không khỏi thấy cay cay nơi mắt.

Thằng Thuận và Ngọc Hân cũng được phân về các tỉnh, đứa đi Long An, đứa lên Sông Bé.

Trước hôm chia tay, ba đứa tôi đi chơi với nhau suốt một ngày . Sau khi chạy lông nhông khắp thành phố, ba đứa lại chui vào quán nước quen thuộc trước cổng trường.

Ngồi uống cà phê mà đứa nào đứa nấy mặt mày buồn xo . Tôi "yếu đuối" đã đành. Ngọc Hân thường ngày phớt tỉnh là thế mà bữa nay mặt cũng như đưa đám. Ngày cuối cùng bên nhau, nó chẳng buồn che giấu tình cảm của mình.

Thằng Thuận tỉnh hơn một chút. Nó đề nghị :

- Bắt đầu từ năm tới, vào dịp nghỉ hè hằng năm, cứ đúng bốn giờ chiều ngày một tháng bảy, tụi mình đều gặp nhau ở quán cà phê này . Nếu chết thì thôi, còn sống thì thế nào cũng phải mò tới, tụi mày đồng ý không ?

Ý kiến của nó thì hấp dẫn nhưng coi bộ khó thực hiện quá. Tôi tặc lưỡi :

- Tao nghi quá.

- Nghi cái gì ?

- Có đứa quên !

- Dẹp mày đi ! Không có quên gì hết ! Phải ghi vào sổ tay !

Ngọc Hân nhún vai :

- Chết thì không chết, nhưng lỡ què giò thì sao ?

Tôi cười :

- Tôi sẽ đem xích-lô tới rước.

Thuận nói :

- Xích-lô của con Lân không chở được thì tôi đẩy xe lăn tới chở bà, lo gì !

Chúng tôi bốc phét một hồi, mặt mày tươi tỉnh được đôi chút.

Đúng lúc đó, thằng Thuận đột ngột đứng dậy nói :

- Thôi, đang hồi vui vẻ mình nên chia tay ! Nấn ná một lát nó buồn trở lại, tao đi hết nổi !

Nói xong, nó vội vã lên xe vọt thẳng như muốn chạy trốn chúng tôi .

Còn lại hai đứa, tôi đưa Ngọc Hân về.

Chúng tôi chạy xe song song bên nhau nhưng không ai nói gì. Tự nhiên tôi bỗng nhớ đến câu "Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy" trong một truyện ngắn của Sơn Nam và thấy lòng mình chùng xuống. Trong những ngày đau khổ vì Lân, tôi đã tìm thấy ở Ngọc Hân một niềm an ủi, một chỗ dựa tình cảm đáng tin cậy . Với một người bạn chân thành như nó, tôi cảm thấy rất yên tâm, không sợ phải gặp những thay đổi tráo trở. Lâu nay, sự có mặt của Ngọc Hân trong cuộc đời tôi đã trở thành thân thiết tự nhiên, bây giờ sắp phải xa nó, tôi cảm thấy lòng mình trở nên trống vắng kỳ lạ.

Chúng tôi vẫn im lặng đi bên nhau, trầm ngâm, phiền muộn.

Mãi đến khi gần về tới nhà, Ngọc Hân mới nói :

- Mai mốt bà nhớ viết thư cho tôi nghen !

- Chưa biết Ngọc Hân dạy trường nào làm sao viết thư ?

- Ừa hén !

Tôi khịt mũi :

- Hay là Ngọc Hân viết thư cho tôi trước ?

- Tôi cũng đâu có biết bà dạy trường nào !

- Ngọc Hân cứ gởi về địa chỉ ở thành phố nhờ Huệ Nhân chuyển.

Nó liếc tôi :

- Huệ Nhân nào nữa đó ?

Tôi cười :

- Không phải đâu ! Huệ Nhân là em tôi, con bà dì.

- Còn chuyện của bà và Lân tới đâu rồi ?

Kể từ khi biết chuyện tình cảm của tôi, đây là lần đầu tiên Ngọc Hân hỏi về Lân. Trước nay, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn sự phớt lờ của nó. Bây giờ, trước lúc chia tay, có lẽ nó cùng muốn biết sơ qua tình hình yêu iếc của tôi .

Tôi buồn bã đáp :

- Thôi rồi !

- Ai thôi ai ?

- Lân thôi tôi .

Tôi sợ Ngọc Hân sẽ hỏi tôi "tại sao", "vì đâu", tôi phải giải thích rắc rối, rầy rà. Nhưng Ngọc Hân chẳng hỏi . Nó chỉ tặc lưỡi, bình luận :

- Vậy cũng đáng !

Nghe cái giọng cà khịa của nó tuy đang rầu thúi ruột, tôi cũng phải phì cười . Lúc trước tôi mất xe, nó cũng bảo là đáng, bây giờ tôi mất người yêu, nó cũng giở giọng đó. Nó đúng là ... Ngọc Hân !

Trước khi đi, tôi có qua chào gia đình bác Tám.

Mọi người tiếp đãi tôi rất tử tế. Có cả mấy đĩa bánh ngọt bày trên bàn. Nhưng quả thực tôi chẳng buồn ăn một chút gì. Trí nài nỉ mấy lần, tôi mới cầm lấy một cái bánh.

Mẹ Lân nói :

- Cháu đi nhớ biên thư về cho bác !

Nếu mối quan hệ vẫn như trước đây, lời dặn dò đó sẽ làm ấm lòng tôi biết bao nhiêu . Nhưng lúc này, tôi hiểu rằng đó chỉ là lời đưa đẫn ngọt lạt theo kiểu xã giao . Vì vậy, tôi chỉ dạ lí nhí trong miệng cho qua .

Tôi vẫn ngồi đúng chỗ tôi thường ngồi trước đây khi kèm mấy chị em Lân học, cả chị Kim, Trí, Lân cũng vẫn ngồi quanh chiếc bàn với dáng ngồi quen thuộc nhưng không khí gần gũi, thân mật ngày nào đã hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho những mẩu chuyện gượng gạo và rời rạc.

Chỉ có Trí và chị Kim trò chuyện với tôi . Lân ngồi lặng lẽ bên cạnh, nét mặt không biểu lộ một cảm xúc gì rõ rệt. Đôi mắt Lân vẫn có vẻ hồn nhiên trong sáng, đôi môi vẫn duyên dáng chết người, nhưng lúc này tôi chỉ đủ can đảm nhìn lướt qua và vẫn không thể nào tin được cái đôi mắt ngây thơ ấy lại che giấu đằng sau nó những tình cảm thất thường.

Lúc tôi về, Trí theo tôi ra tận chỗ cửa lưới . Nó nói :

- Chị đi đường bình an nghen !

- Ừ. Cảm ơn Trí.

Đột ngột Trí nắm lấy tay tôi, nghẹn ngào :

- Chị đừng buồn nữa ! Tôi đã cố hết sức để giúp chị nhưng không thay đổi được gì !

Lần đầu tiên tôi thấy Trí khóc. Tôi cứ tưởng những giọt nước mắt hoàn toàn xa lạ với con người có tính cách cứng cỏi như Trí. Nhưng bây giờ những giọt nước mắt kia đang lăn tròn trên má Trí và rơi trên tay tôi nóng bỏng.

Tôi lặng người vì bất ngờ, vì xúc động và cả nỗi đau đang quằn quại trong ngực. Và tôi cũng buồn bã nhận ra tâm hồn của hai chị em Lân rất khác xa nhau . Giá như tình cảm của Lân cũng chân thật, hồn hậu được như Trí thì đời tôi sẽ đỡ khổ biết bao !

Khi nỗi bồi hồi đã lắng xuống, tôi khẽ bảo Trí:

- Trí cứ yên tâm ! Tôi sẽ cố gắng vượt qua !

Nó siết chặt tay tôi :

- Chừng nào nghỉ hè chị nhớ về thăm tôi nghen !

Tôi gật đầu :

- Ừ, tôi sẽ về thăm Trí.

Nó lại nói :

- Tính tôi bộp chộp, ưa nghịch phá, có gì chị đừng giận tôi nghen !

Tôi mỉm cười :

- Tôi có giận Trí hồi nào đâu !

Nó cùng cười và lấy tay quệt nước mắt :

- Không giận thì thôi ! Mai mốt đi dạy xa có cần gì chị nhớ biên thư cho tôi !

- Có gì cần đâu mà cần !

- Thì chị cứ hứa đi !

- Hứa sao ?

- Hứa là nếu có cần thì chị biên thư cho tôi ! Tôi chỉ nói là "nếu" chứ bộ !

- Ừ, tôi hứa .

Hứa xong, tôi mới được Trí cho về.

Về nhà, tôi mới biết là hồi chiều Trí mua cho tôi một cây viết máy, một cây thuốc lá và một gói cà phê nhờ Huệ Nhân trao lại. Huệ Nhân cũng sắm cho tôi đủ thứ, nào là xà phòng, khăn mặt, bàn chải ... Chắc nó lại lấy trong số tiền "mẹ cho, em để dành" của nó. Dì dượng tôi thì nhét trong túi xách của tôi một xấp tiền không biết bao nhiêu, chỉ thấy dày cộm.

Sáng hôm sau, tôi ra khỏi nhà từ lúc trời còn tờ mờ. Theo tôi ra bến xe là hình bóng của Lân, chập chờn và ám ảnh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top