Đề 4:
Những nét mới trong ngòi bút của Nam Cao(trích dẫn và bổ sung)
*Về nội dung:
-Đề tài: Nhà văn thường hướng ngòi bút của mình miêu tả cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh trong cuộc sống hàng ngày, từ đó đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa xã hội to lớn, những triết lý, chiêm nghiệm sâu sắc về con người, cuộc sống, nghệ thuật. Các tác phẩm của Nam Cao thường tìm tòi, đào sâu, khám phá hiện thực ở nhiều khía cạnh mới, đặt ra những vấn đề mà những ngòi bút đương thời chưa suy xét đến. Như Nguyễn Văn Hạnh trong" Nam Cao và khát vọng về một cuộc sống lương thiện, xứng đáng" từng nhận định:
"Chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao không chỉ thể hiện ở lòng cảm thông, xót thương cho những người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội mà còn ở những trăn trở, dằn vặt, khôn nguôi trước cuộc sống vô nghĩa, bế tắc, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ có đặt con người ở trung tâm cuộc sống, buồn cho con người mà vẫn tin ở con người tin và bản tính lành mạnh tốt đẹp của con người nó đòi hỏi con người không được thụ động, buông xuôi mà phải tích cực, chủ động có ý thức trách nhiệm về cuộc sống của mình."
-Trong tác phẩm "Chí Phèo": Cùng viết về đề tài người nông dân như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan nhưng Nam Cao không đi sâu vào khai thác cuộc sống nghèo khổ, cùng quẫn của họ dưới sự thống trị của giai cấp phong kiến hoặc thực dân đương thời mà khắc hoạ bức chân dung họ trên con đường bị tha hoá, bị cướp đi nhân hình, nhân tính, quyền được sống đúng nghĩa là một con người. Nói cách khác, Nam Cao đã đề cập đến một vấn đề rất mới diễn ra trong nông thôn Việt Nam trước cách mạng, phơi trần bộ mặt xấu xa của xã hội nhưng cũng ca ngợi, trân trọng những vẻ đẹp bên trong của con người dù mang bề ngoài xấu xí.
*Về nghệ thuật:
-Cốt truyện: Trong các tác phẩm của Nam Cao, cốt chuyện có vai trò khiêm tốn hơn, ông không coi đó là yếu tố hàng đầu tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm, thường có khuynh hướng nới lỏng cốt chuyện để cho chi tiết, những cái vặt vãnh hàng ngày ùa vào tác phẩm
-Kết cấu: Đối với ông kết cấu là con đường và phương tiện làm sâu sắc hơn tư tưởng của tác phẩm vì vậy ông đã tổ chức những kiểu kết cấu hợp lý, phóng túng mà chặt chẽ, tạo dựng những tình huống, xếp đặt các sự kiện, tổ chức hệ thống tính cách hợp lý, biến chúng trở thành những phương tiện để thể hiện tư tưởng của tác phẩm.Trong truyện của Nam Cao ta còn thấy xuất hiện kiểu kết cấu lắp ghép. Đây là kiểu kết cấu phổ biến trong điện ảnh. Sử dụng kiểu kết cấu này Nam Cao thường sắp xếp, tổ chức lại thời gian, tạo nên sự luân phiên giữa các cảnh với nhau. Những sự sắp xếp này làm cho những cảnh đời, những bức tranh hiện thực của đời sống lần lượt hiện ra.Nhà văn còn sử dụng kiểu kết cấu đi thẳng vào vấn đề trung tâm và kiểu kết cấu tâm lý.
-Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật: Luôn quan niệm" Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động. Bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng. Cảm giác càng mạnh càng linh diệu, tư tưởng càng dồi dào càng sâu sắc thì sự sống càng cao" (Sống mòn), Nam Cao luôn đề cao con người tư tưởng, đặc biệt chú ý tới hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hành động bên ngoài. Nhà văn thường sử dụng thiên nhiên làm phương tiện để thể hiện trạng thái tâm lý của nhân vật cũng như xây dựng những mâu thuẫn, đấu tranh trong thế giới nội tâm, qua đó nhằm nổi bật bức chân dung thường là đối lập giữa bên trong với vẻ ngoài.Có thể nói chủ nghĩa tâm lý đã trở thành một ý thức nghệ thuật thấm nhuần trong sáng tác của Nam Cao, tạo nên một đặc điểm nghệ thuật nổi bật đem đến cho sáng tác của ông một sức hấp dẫn to lớn.
-Ngôn ngữ, giọng điệu: trở thành bước đệm, cách thức giúp nhà văn truyền tải tư tưởng, nhận xét, bình phẩm, đánh giá trước sự việc nhắc tới trong câu chuyện. Ở tác phẩm "Chí Phèo" ngôn ngữ trở thành phương tiện giao tiếp giữa nhân vật với nhân vật, nhân vật với người đọc, thậm chí nhân vật với tác giả và ngược lại. Chính điều này đã tạo nên một mạch kể có cái nhìn chủ quan nhưng cũng có khách quan, tái hiện lại chân thực, sống động cuộc sống, con người cùng thái độ của người viết trước điều đang diễn ra.
-Bút pháp điển hình hoá nhân vật: Nam Cao đã thành công trong việc xây dựng những nhân vật điển hình cùng những hoàn cảnh điển hình không kém, qua đó tái hiện bức chân dung nhân vật về một hạng người, một thế hệ người trong xã hội. Là Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân trong xã hội phong kiến đương thời bị tha hoá, bị cướp đi quyền được sống làm người lương thiện và bị dồn đến bước đường cùng buộc phải vùng dậy đấu tranh như một quy luật tất yếu của xã hội. Là Bá Kiến đại diện cho giai cấp thống trị gian xảo, độc ác, hà hiếp, bóc lột con người thấp cổ bé họng cuối cùng bị tiêu diệt và phải đền tội xứng đáng cho tội ác của mình. Không những thế nhà văn còn khéo léo trong cách xây dựng chân dung nhân vật khi khắc hoạ vẻ ngoài càng xấu xí để đối lập với nội tâm bên trong, tạo tiền đề khía thác sâu hơn về những mâu thuẫn tâm lý phức tạp -điều đã quá quen thuộc trong các sáng tác của Nam Cao. Có thể khẳng định Chí Phèo, Bá Kiến là những điển hình nghệ thuật bất hủ. Họ vừa tiêu biểu cho một loại người có bề dày xã hội, vừa là những con người rất cụ thể, có sức sống nội tại mạnh mẽ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top