Duyên tu Phật: Tôi đã đắc được pháp môn chân chính
Duyên tu Phật của tôi cũng khá tình cờ, nhưng nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi thấy dường như đây không phải là việc ngẫu nhiên.
Duyên tu Phật từ những câu chuyện cổ tích
Có lẽ không ít người cũng như tôi, khi nghe nói đến Phật đều có cảm giác thiêng liêng vô cùng. Mặc dù chưa biết Phật thực chất là ai nhưng đều muốn tỏ lòng tôn kính; vì vậy mà khi nói về Phật giáo đều có thiện cảm. Điều này hết sức tự nhiên, nhưng có lẽ không phải là ngẫu nhiên.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ (thời nhỏ của tôi cũng cách đây gần 50 năm rồi), hay được nghe người lớn tuổi kể chuyện cổ tích; thường hay nhắc đến các nhân vật có phép thần thông biến hóa. Trong đó có ông Phật hay ông Bụt, bà Tiên hay cô Tiên đều là những người rất tốt bụng, luôn giúp đỡ người nghèo khổ; đem lại hạnh phúc cho những người bất hạnh gặp phải oan trái do người xấu gây ra. Kết thúc những câu chuyện đó kẻ ác bao giờ cũng bị đền tội; bị Diêm Vương bắt đi, bị đày xuống địa ngục.
Đến khi trưởng thành tôi cũng luôn có tín ngưỡng tốt đẹp với Phật giáo; có thiện cảm với các tăng ni trong các nhà Chùa. Có thể do ảnh hưởng tốt từ các câu chuyện cổ tích nghe từ thời nhỏ; cũng có thể do tín ngưỡng tôn giáo của nền văn hóa Phương Đông truyền thụ; mà cũng có thể do thiện căn, tôi trở thành một người hiền lành, không mảy may có ý nghĩ làm tổn hại đến người khác bao giờ; trong tâm ý luôn hướng thiện.
Tôi quy y cửa Phật dù không hiểu nhiều về giáo lý của Phật giáo
Tôi đi đâu mà bắt gặp có bức tượng các vị Phật, nhất là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thì đều dừng bước chắp tay khấn Phật; cũng chỉ là cầu khấn thôi như là “cầu trời khấn Phật cho được bình an may mắn” chứ không hề nghĩ là có được linh nghiệm hay không; song mỗi lần như vậy cũng có gì đó mơ hồ khó tả.
Nếu thấy trên đường đi có hòn đá giữa đường tôi cũng dừng lại nhặt lên ném vào vệ đường để tránh nguy hiểm cho người khác. Khi đã có gia đình ở độ tuổi trung niên, tôi cũng hay cùng gia đình đi thăm Chùa mỗi độ Tết đến. Không gian và cảnh vật của nhà Chùa luôn đem lại cảm giác thư thái nhẹ nhàng cho tôi.
Rồi như có duyên tu Phật, khi tôi đến thăm chùa, tôi luôn được các Sư Thầy, Sư Cô đón tiếp ân cần và trò chuyện các nội dung liên quan đến Phật giáo. Đến một ngày gia đình tôi cũng đã được một nhà Chùa làm lễ cho quy y cửa Phật. Mặc dù lúc đó tôi cũng chưa có hiểu biết gì nhiều về các giáo lý của Phật giáo.
Sau này thỉnh thoảng có đến Chùa nghe đọc kinh Nhật tụng hay kinh Sám hối; cũng chỉ biết được đôi chút vậy thôi chứ thực ra chưa biết thế nào là tu hành đắc Đạo. Mặc dù tôi từng đọc rất nhiều sách nói về Đức Phật như cuốn: Những điều Phật dạy, Cuộc đời Đức Phật… hay sách Đạo đức kinh của Lão Tử v.v. song cũng chỉ là ngưỡng mộ trong tâm, chứ học theo rất khó.
Người ta đi chùa để cầu tiền tài, may mắn
Tuy nhiên theo thời gian, dần dần tôi nhận ra cuộc sống trong thời đại công nghệ, “thời đại mới” này, trong cái xã hội thực dụng và xô bồ này, lòng tin của người ta vào Phật Pháp cũng không còn được như trước nữa.
Người ta đi Chùa chủ yếu là mong cầu được sự che chở của Phật để có sức khỏe, để làm ăn giàu có, để tai qua nạn khỏi. Thậm chí có không ít người trước một “phi vụ” làm ăn cũng đến dâng hương cầu xin cho trót lọt – người ta không hề bận tâm rằng làm những điều không tốt trái với giáo lý nhà Phật mà lại đến cầu xin Phật giúp đỡ thì thật là trớ trêu; nhưng thật sự nhiều người ngày nay nhận thức đã đến mức như vậy.
Còn phía nhà Chùa, cũng không ít vị tu hành chạy theo thời cuộc, không còn giữ giới; có vị sắm xe hơi riêng, có vị còn hút thuốc, uống rượu, nhận phong bao phong bì quà cáp v.v. những sự việc như thế này vẫn xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo.
Còn trong các công sở, hỏi có đơn vị nào mà không bày cúng ông Táo, thổ địa, âm binh địa phủ, thần xe, thần tài … để cầu tài, cầu may vào các dịp cuối năm Tết đến xuân về. Cơ quan của tôi trước đây cũng là như thế.
Các giá trị truyền thống đang dần bị lãng quên
Điều này khác hẳn với các tín ngưỡng dân gian truyền thống tốt đẹp. Ví như lập bàn thờ cúng gia tiên để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên; để giúp con cháu nhớ lại những tấm gương tốt đẹp của dòng tộc. Hay như thờ tượng Quán Âm Bồ Tát là để thể hiện tấm lòng kính ngưỡng, nhân tâm hướng thiện, noi theo điều hay lẽ phải. Tín ngưỡng thời xưa không phải là để cầu vận may hay tiền tài như bây giờ.
Cuộc sống cứ trôi đi như dòng sông nước chảy về biển, nhưng suy tư thì cũng có lúc lắng đọng nghĩ suy: Xã hội hiện đại với nền kinh tế toàn cầu hưng thịnh, công nghệ sinh học, công nghệ tin học, khoa học kỹ thuật… phát triển không ngừng như đang quấn chặt con người vào trong nó; đẩy con người theo tiến trình của nó.
Đạo đức xã hội trượt dốc, các giá trị truyền thống dần bị lãng quên. Các tệ nạn xã hội, các thói hư tật xấu xuất hiện ngày càng nhiều. Những vụ án giết người cướp của, những hành động man rợ của con người đã không còn là điều gì lạ lẫm.
Những điều xấu ác ngày càng nhiều
Chúng ta hãy lùi lại quá khứ một chút thôi sẽ thấy rõ ngay. Nhân loại đã bàng hoàng như thế nào khi hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới ở Mỹ bị thế lực khủng bố dùng máy bay đâm vào phá hủy; chúng ta làm sao quên được bọn diệt chủng Pôn-Pốt (Pol pot) sát hại người dân Campuchia đến nỗi xương chất thành núi.
Kinh hoàng hơn nữa là vụ thảm sát đẫm máu bằng xe tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với hàng ngàn học sinh sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn; cũng mới chỉ cách đây mấy chục năm.
Còn một tội ác man rợ từ cổ chí kim chưa từng có và vẫn đang diễn ra cho đến tận ngày hôm nay, đó chính là tội ác mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Dù là người tốt đến đâu, dù có tín ngưỡng vào tôn giáo nào, dù làm bất cứ ngành nghề gì, cũng khó mà trụ vững được trước cơn gió lốc cuồng phong danh và lợi mà chính con người tạo ra nơi nhân loại.
Có một giai đoạn tôi cũng không phải ngoại lệ, đã từng bị cuốn vào trong guồng máy đó lúc nào mà không hay; chỉ có điều chẳng bạo gan làm được điều gì to tát (sau này mới hiểu ra đó lại là điều may vì tránh được tạo thêm nghiệp). Phải chăng vì điều này tôi mới có duyên tu Phật?
Tôi tìm được pháp môn chân chính
Tôi rối bời bởi những hoài nghi, những suy tưởng thắc mắc không sao giải thích được: Tại sao con người phải đối xử với nhau như vậy? Đến bao giờ thế giới mới có thể có hòa bình thật sự giữa các Quốc gia, giữa các dân tộc? Đâu là thiện đâu là ác, đâu là chính nghĩa đâu là phi nghĩa? Ai là người tốt ai là người không tốt, bên nào là kẻ dối trá? Quả báo có thật hay là không? Tại sao người ta cúng tế xin thần linh mà vẫn còn làm điều xấu?… vô số câu hỏi mà không cách gì lý giải được.
Tưởng chừng như thất vọng buông tay, “gió chiều nào theo chiều đó” cho đến hết cuộc đời này. Ngờ đâu, may mắn thay tôi đúng là có duyên tu Phật. Lần này tôi đã tìm thấy một pháp môn mà mình thực sự thuộc về.
Cuộc đời tôi như được chuyển sang một trang mới; một năng lượng mới, một sinh lực mới đã ùa vào thân thể của tôi. Tôi đã được dần dần sống lại trong những điều tốt đẹp có sẵn trong sâu thẳm của tâm hồn mà hơn nửa cuộc đời dường như đã bị khóa chặt bởi những u ám, phiền muộn vây quanh bấy lâu.
Ấy là vào cuối năm 2013, một người thân giới thiệu cho tôi biết một môn tu luyện của Phật gia là Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) và tặng tôi cuốn sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách mà những người tu luyện lúc đó gọi một cách trân trọng là “Thiên thư”.
Thân tâm cải biến từng ngày
Quả là có duyên tu Phật, càng đọc cuốn sách “Thiên thư” này và thực hành những điều dạy trong đó, đầu óc tôi như bắt đầu được khai hoang vậy. Tôi dần dần mới vỡ lẽ ra, thì ra một đời người là như vậy, làm người phải là như vậy; nhân loại này được tồn tại đến như ngày nay là như vậy; và còn biết bao nhiêu là điều chân lý thâm sâu cứ sáng tỏ dần qua từng tháng, từng năm…
Tâm trí tôi như được đánh thức sau giấc ngủ dài, từng tế bào cơ thể như được lay động. Tôi đã hiểu ra, đã trở thành con người khác hẳn; không còn mơ hồ, không còn ma mị vào những điều lừa dối; không còn đam mê những thứ phàm tục. Tôi đã biết thế nào là kẻ ác, thế nào là người tốt; biết làm thế nào để không còn bị “nghiệp lực luân báo”; Biết làm thế nào để trở thành người tốt và ngày càng tốt hơn nữa để có thể đạt đến cảnh giới của các bậc tu hành chân chính đắc Đạo.
Sau một thời gian học Pháp kết hợp với luyện Công, tôi cũng đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ: Những thói quen không tốt, nhất là nghiện thuốc lá và uống rượu đã bỏ được rất nhanh. 7 năm trôi qua mà không hề uống một viên thuốc tây nào; kể cả thuốc Bắc hay Đông y cũng không đụng tới, nhưng sức khỏe vẫn ngày càng khỏe ra; thân thể tự nhiên nhẹ nhàng sảng khoái lạ thường.
Câu chuyện cổ tích thời hiện đại
Thật không thể tưởng tưởng được, là trong một thế giới phức tạp như hiện nay, lại có một phương pháp tu luyện có thể kéo được con người thoát ra khỏi những mê đắm của danh lợi, những cám dỗ của sắc tình; có thể làm hồi sinh con người từ trong bệnh hoạn về thể xác lẫn tâm hồn.
Trước đây tôi chỉ nghĩ rằng những câu chuyện cổ tích có ông Bụt, bà Tiên, Thần núi, Thần sông, Thần biển, Phật Quán Âm Bồ Tát, Phật tổ Như Lai… chỉ là truyền thuyết, nhưng dường như không phải là như vậy. Thuận theo sự phát triển của khoa học, người ta dần chứng minh được sự tồn tại của linh hồn, của không gian khác; rồi những phát hiện về người khổng lồ, người tí hon, hay như thực vật có cảm xúc… Chứng tỏ còn có một thế giới vô cùng huyền bí nữa mà khoa học mới chỉ biết được một phần rất nhỏ.
Tôi từng nghe được những câu chuyện thần kỳ từ những người tu luyện Pháp Luân Công. Họ có người mắc bệnh nan y không chữa khỏi mà sau khi tu luyện đã hoàn toàn bình phục; có người bị xe tông văng đi mà không hề bị thương tích nào cả; có người tôi gặp lại sau một thời gian thì không nhận ra được; vì tôi thấy người đó trẻ ra hàng chục tuổi so với trước đây v.v. Những chuyện như vậy chẳng phải là câu chuyện cổ tích của thời hiện đại này hay sao?
Bạn cũng có duyên tu Phật
Người xưa có dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Quả thật tu luyện rồi tôi mới biết kiến thức của mình trước đó thật hẹn hẹp. Điều trước đó tự cho là mình nắm chắc rồi; vậy mà sau khi đọc sách Pháp mới biết là mình sai hoàn toàn.
Quả thật là có những điều vô cùng Thần Thánh mà không có cách nào diễn tả được; chỉ có thể khi nhập môn, một lòng một dạ tu theo thì mới có thể lĩnh hội được đầy đủ những cảm ngộ đó.
Nếu bạn có duyên đọc được bài viết này của tôi, tôi tin rằng bạn cũng có duyên tu Phật; vậy thì mong bạn đừng bỏ lỡ cơ duyên của mình
Nguồn: https://nguyenuoc.com/duyen-tu-phat-toi-da-dac-duoc-phap-mon-chan-chinh-21819.html
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top