Ngoại Truyện 8: Nguyên Đào (1)
Cha ta là Hưng Nhượng Đại Vương phủ Vạn Kiếp, ông nội ta là công thần đầu triều ba lần chống giặc Thát, lúc mất còn được truy tặng chức Thượng Phụ Thượng Quốc Công, ngang hàng với Khương Tử Nha thời Chu phương Bắc.
Thế cho nên từ năm mười hai tuổi ta đã được ban chức Văn Huệ vương, cùng với gã vừa được phong Uy Túc công Trần Văn Bích – cháu nội Chiêu Minh Vương được xem là kỳ phùng địch thủ.
Đương nhiên đó là do hắn ta tự ý nhìn nhận rồi truyền rao, chứ ta chẳng thấy hứng thú với bọn nam nữ ở chốn kinh kỳ.
Năm nay ta mười sáu, tự đặt cho mình hiệu là Nguyên Đào, Nguyên Đào trong "nguyên nguyên kinh ba đào hải lãng", một cơn sóng lớn như ta rõ là hơn hẳn cái kẻ chỉ có vẻ bề ngoài như Uy Túc công kia rồi.
Ông nội mất trước khi ta được phong Văn Huệ vương một năm, thuở trước người hay bảo ta y như một khuôn đúc ra của cha ta, trong số anh em trong nhà luôn tỏ ra nổi bật nhất. Cũng bởi cái tính này mà có lần ta mải nghĩ đến một vấn đề khó nhằn trong binh thư của ông nội, thức trắng suốt ba đêm liền, cuối cùng mẹ ta phát hiện ra khóc lóc một trận mới khiến ta tạm thời quên đi vấn đề nan giải.
Ngủ một đêm dậy bỗng dưng ta phát hiện ra ăn ngủ điều độ mới khiến đầu óc minh mẫn được.
Trên ta có hai chị gái, trải qua hàng tá nhập nhằng trong chuyện tình cảm thì cuối cùng chị cả là vợ của anh họ Chẩn, chị thứ lại là hoàng hậu của anh họ quan gia. Các chị đều đã lấy chồng ba năm trước, nên rốt cuộc chỉ còn một mình ta gánh chịu cái sự lạnh lùng xét nét của cha già.
Đương nhiên cha già nhà ta thì không những một mình ta sợ, nếu như ta chỉ âm thầm e ngại trong lòng nhưng vẫn giữ được mặt mày không đổi sắc thì mấy ông anh rể nhà ta hễ mà ngồi riêng với cha ta trong mâm cơm thì khẩn trương đến mức không dám động đũa.
Ngoại lệ thì có chị cả dịu dàng nhà ta được cha hết mực thương yêu, kế đến là chị hai đã rèn luyện đến độ điếc không sợ súng.
Giữa cha ta và mẹ ta là một thứ quan hệ gì đó mà ta không thể nói thành lời.
Qua lời kể của mẹ, cha mẹ quen biết nhau từ khi bà mới tám tuổi, lúc đó hoa cúc mùa thu đang độ nở rộ, bởi thế nên bà yêu luôn hoa cúc. Sau đó đến khi mười tám tuổi thì bà gặp lại cha, nhưng mãi đến năm hai mươi lăm tuổi mẹ và cha mới kết tóc. Mười bảy năm chờ đợi, chẳng biết là vì lẽ gì.
Khi còn nhỏ tuổi ta chỉ biết cha mẹ luôn yêu thương che chở cho ba chị em, gia đạo êm ấm khiến tuổi thơ của ta đẹp như tranh vẽ, chị cả và chị thứ mỗi người một cá tính giống như tô thêm màu sắc cho cuộc đời ta.
Nhưng đến khi lớn lên hiểu chuyện, rồi khi các chị lấy chồng, ta bỗng nhiên cảm giác có gì đó khác lạ.
Đương thời truyền tụng mối tình vượt trên cả lễ giáo của ông bà nội nhưng tiếc là ta lại không sống ở thời đó để chứng kiến rõ ràng, nhưng chỉ cần nhìn tình cảm vợ chồng của hai bà chị nhà ta thì ta rõ như ban ngày, vào mỗi dịp lễ tết hễ ngồi giữa mấy người bọn họ thì kẻ cô đơn lẻ bóng như ta chẳng hề có cảm giác tồn tại.
Quan gia tuy trong cung thê thiếp không thiếu, nhưng đối với chị thứ yêu chiều hết mực dù là những đòi hỏi hết sức hoang đường chứ nói gì tới anh Quốc Chẩn chỉ có một mình chị cả.
Chẳng hạn như trong bữa cơm, bọn họ người một miếng ta một miếng, đến ta còn ăn không nổi chứ nói chi đến cha mẹ già đã dừng đũa rời khỏi từ lâu.
Cuộc sống hôn nhân của họ phải nói là muôn màu muôn vẻ, trăm hoa khoe sắc.
Còn cha mẹ thì sao nhỉ? Ban đầu ta nghĩ có lẽ do họ đã qua cái tuổi có thể tùy hứng như lớp trẻ sau này, nhưng bất chợt nhìn thấy bà cô Anh Nguyên và ông chú Ngũ Lão đã làm đến chức Điện soái Thượng tướng quân vẫn còn chơi trò đánh trận giả trong phủ thì ta mới bắt đầu nhìn nhận lại mọi việc.
Giữa cha mẹ dùng một câu tương kính như tân thì không đủ, phải nói là giữa họ có khoảng cách. Cha ta là một người đàn ông lạnh lùng nghiêm khắc, mẹ lại là người hiền thục đoan trang, trong cuộc sống thường ngày cha mẹ rất hòa thuận.
Nhưng giữa vợ chồng liệu có thể hòa thuận đến mức đó ư?
Bác hai nhà ta là một người thoải mái phóng khoáng, tuy bình thường luôn tỏ ra ngoan ngoãn phục tùng bác gái, nhưng thỉnh thoảng cũng sẽ có lúc cãi nhau inh ỏi đến gà bay chó sủa truyền đến tận nhà ta. Ngày ta còn bé, hễ lần nào mà có cãi nhau trong gia đình bác hai là y như rằng ta sẽ có thêm chị họ hoặc anh họ.
Lớn lên ta mới hiểu, đây gọi là đầu giường cãi nhau, cuối giường làm hòa.
Nhà ta thì yên ả đến lạ, giống như hôm nay mẹ hỏi:
"Gần đây trời lạnh, chúng ta ăn chè đỗ đen nhé?"
"Ừm" – Cha đáp.
"Sức khỏe chàng đã đỡ hẳn chưa, ngày mai lên kinh nhớ khoác cái áo em mới may cho chàng."
"Ta biết rồi."
"Ngày kia là mùng Một, chàng nhớ ở nhà cúng gia tiên nhé."
"Ta nhớ rồi."
"Quang Triều, con cũng nhớ có mặt đấy."
"À.. vâng ạ." – Ta giật mình đáp.
Nói chung là mọi cuộc trò chuyện của cha mẹ thường tẻ nhạt và kết thúc một cách đột ngột như thế, tuy ta là một kẻ còn độc thân mà ta còn biết rõ giữa vợ chồng nên tâm sự bằng hết mọi chuyện cho nhau nghe.
Nhưng ta thấy kỳ lạ thì không phải ai cũng thấy kỳ lạ, điển hình là mẹ ta xem việc này là việc hết sức bình thường.
Ta có cảm giác bà ấy luôn bị bỏ lại phía sau và chưa từng thắc mắc lẫn muộn phiền, giống như đây là việc thiên kinh địa nghĩa, giống như ở bên cạnh cha ta là sứ mệnh mà bà ấy phải làm, lại giống như là một chuyện gì đó vô cùng trân quý.
Ta chưa từng yêu ai, nhưng ta hằng nghĩ, có lẽ yêu một người đến quên mình sẽ có hành động như vậy.
Cha ta không quá mặn mà với mẹ, nhưng cũng chẳng mặn mà với ai. Ta biết cha rất quan tâm đến mấy chị em bọn ta và gia đình này, nếu như một trong mấy đứa chúng ta gặp chuyện, cha sẽ là mái ngói che mưa chắn gió cho bọn ta cho dù trả giá bằng tính mạng mình. Nhưng mà...
Ta vẫn luôn thắc mắc là do cha tính tình như thế, hay là cha không hề yêu mẹ.
Đương nhiên phận làm con cái như ta thì việc đó chỉ dừng ở thắc mắc, chứ ta không dám và cũng không thể hỏi rõ ngọn ngành. Dù sao thì, đó cũng là quyết định của mẹ.
Vạn Kiếp nhà ta có một nơi gọi là Tĩnh Lầu, nghe đâu đã làm ăn phát đạt hơn hai mươi năm có lẻ, càng ngày càng nổi tiếng đến tận kinh kỳ. Có điều dân địa phương như ta lại chưa từng dời nửa gót chân đến nơi đó.
Hôm sinh nhật lần thứ mười sáu của ta, anh hai Quang Úy nằng nặc lôi ta đến. Ban đầu ta luôn miệng từ chối, nhưng anh ta lại vỗ ngực nói rất hùng hồn:
"Chú đã mười sáu tức là đã trưởng thành rồi, sắp lấy vợ thì cũng nên đi thăm thú cho biết đó biết đây, tránh để sau này trẻ không chơi già đổ đốn. Yên tâm đi, nếu như chú ba có trách tội thì ta sẽ nhận hết trách nhiệm cho, chú còn không tin tưởng anh hay sao?"
Được rồi, bởi vì là anh ta nên ta mới không dám tin tưởng.
Quang Úy là con nhà bác hai, bên ấy dạy dỗ con cái không khắt khe như nhà ta nên Quang Úy tính tình không chút kỷ luật, nhà mẹ anh ta lại là dòng chính trực hệ của quan gia nên ông anh này hầu như không sợ trời không sợ đất, kế thừa hoàn toàn tinh hoa của bác hai.
Thế nên dù ta không tình nguyện nhưng cũng không có cách nào khác, cuối cùng lôi lôi kéo kéo đến Tĩnh Lầu.
Quang Úy là khách quen ở đây, vừa vào cửa là chủ quán đã đích thân ra tiếp đón, sau đó người dưới đưa bọn chúng ta vòng vèo qua mấy tòa đình đến một nhã gian.
Nhã gian này không tệ, một mặt giáp hồ nước lớn trồng đầy dương liễu soi bóng xuống mặt hồ, ngăn cách chỉ bằng một bức mành trúc mỏng, khi có gió thổi lại va vào nhau leng keng. Ánh nắng trưa oi ả chiếu xuống mặt hồ, ngược lại bên trong lại cực kỳ thanh mát, có lẽ là do đa phần vật dụng đều làm bằng đá và ngọc thạch.
Ta ngồi trên ghế dài chống cằm nhìn ra bên ngoài, cảm thấy cảnh sắc này còn đáng xem hơn đám yến yến oanh oanh mà Quang Úy chuẩn bị.
Tuy mang tiếng là đưa ta đi thăm thú, nhưng Quang Úy lại trái một cô phải một cô, trên sập giữa phòng lại có một cô đàn hát, nhất thời cái oi ả của buổi ban trưa cũng lùi xa.
Ta nghĩ rằng thỉnh thoảng đến đây khuây khỏa sau những giờ học căng thẳng không phải là không thể, nhưng tất yếu là đừng có sự xuất hiện của tên Văn Bích này.
Trần Văn Bích gọi Chiêu Minh Vương là ông nội, Quang Úy lại gọi Chiêu Minh Vương là ông ngoại nên tính ra giữa ta và Quang Úy là anh em chú bác, giữa Văn Bích và Quang Úy lại là anh em cô cậu. Gã Văn Bích này tính tình trái ngược với ta nên khiến ta ghét vô cùng, gã ta cũng cùng một giuộc với Quang Úy.
Bởi thế đôi ba lần Văn Bích từ kinh thành về thăm nhà bác hai, thuận tiện lại lôi kéo mấy anh em bọn ta đi Tĩnh Lầu. Trừ anh cả Tự đã lấy vợ không đi, rốt cuộc chỉ còn ba người rồng rắn kéo nhau đến nhã gian như thường lệ.
Ta vẫn theo thói quen nửa ngồi nửa nằm bên cạnh cửa sổ hướng mắt ra mặt hồ nghe hát, đột nhiên cửa bên ngoài xoạch một tiếng mở ra, gian phòng bỗng ngập trong ánh nắng trưa oi ả.
Ngược nắng, ta nheo mắt nhìn cái bóng nho nhỏ thoắt ẩn thoắt hiện rồi xộc đến chỗ ta, vừa sấn tới đã chỉ tay vào mũi ta quát:
"Trần Văn Bích, anh đùa cợt em gái tôi xong rồi còn dám đến chỗ này hả?"
Trước mắt ta là một cô nàng đương độ trăng rằm, tuy đã là thiếu nữ cao ráo nhưng giữa đôi lông mày vẫn còn nét trẻ con chưa tan hết, ánh mắt nàng sáng rỡ như mặt nước hồ ngoài kia. Nàng vận bộ nam trang màu xanh nhạt, mái tóc dài cột gọn trên đỉnh đầu bằng một dải lụa xanh.
Còn Trần Văn Bích trong miệng nàng đã sớm vòng qua người ta, phóng một cái nhảy xuống hồ nghe "ùm" một tiếng rõ to, có lẽ gã không biết ngoài kia là mặt hồ rộng lớn.
Ta cau mày nhổm dậy, còn chưa kịp phân trần đã nghe tiếng chị thứ của ta inh ỏi ngoài cửa, lấp ló sau lưng chị ta là một cô nàng khác có gương mặt khá giống với cô nàng đứng bên cạnh ta.
Lúc này ta bất chợt hiểu ra, có lẽ là bà chị nhà ta đưa người đến bắt gian, nhưng người ta lại bắt gian nhầm thằng em mình.
Thì ra hôm nay quý nhân trên kinh xuống, hai cô nàng lạ mặt chính là hai công chúa út Thượng Trân và Thiên Trân. Chỉ bởi vì ta thường ngày chỉ ở trong phủ đệ, các em ấy thì ở mãi trong cung nên từ lâu lắm rồi ta chưa từng nhìn qua các em ấy trông ra làm sao.
Sự việc vừa hay đến tai cha ta, qua mấy lời thêm mắm dặm muối của chị thứ nhà ta, ta đinh ninh rằng cha sẽ nổi trận lôi đình vì đứa con vốn ngoan ngoãn nay lại dám trốn nhà theo phường ăn chơi trụy lạc, sau còn để cho rắc rối dính dáng với nhà Chiêu Minh vương và cả công chúa trong cung.
Sau khi đoàn quý nhân an ổn rời Vạn Kiếp, ta đã nhắm mắt chuẩn bị sẵn một trận đòn roi, cha tuy là người thấu tình đạt lý nhưng cũng không phải là kiểu người dễ thỏa hiệp.
Ta từng trông thấy cha tức giận vung roi lên lưng chị thứ ta chỉ vì chị ấy lén cha tự ý định đoạt, ngày đó nếu không phải quan gia vươn tay ra đỡ, không tránh khỏi có khi chị ta đã nằm giường ít nhất là vài ba ngày.
Nhưng lúc này trái ngược với tưởng tượng, ta bỗng nhiên thấy vẻ mặt cha cứng đờ.
Từ trước đến nay ta chưa từng nhìn thấy vẻ mặt này của người, vừa mất mát lại vừa có chút ưu thương, còn mẹ ta chỉ cười nhè nhẹ, trong mắt cũng chất chứa nỗi niềm tâm sự.
Ta biết chắc chắn giữa bọn họ đã xảy ra chuyện gì đó, từ rất lâu rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top