Chương 1
"Giá như một lần trong kiếp này có thể với tới được vầng trăng trước khi trăng tàn"
Một ngày xuân, Đức Vạn Thặng ngự giá đến hương Thổ Lỗi thắp hương rước về cung một em gái hái dâu. Từ bận ấy, ngài không còn vời ông hiệu úy (1) vào hầu mỗi đêm, ngày ngày cứ đúng giờ tý đều đặn ngồi võng sang Du Thiền các.
(1) Bổng hành quân Hiệu úy: chức quan võ cao cấp do Lý Thường Kiệt đảm nhận
Mấy con hầu xôn xao. Ô! Thế là ông hiệu uý thất sủng rồi sao? Giời ơi! Mấy mươi năm quấn quýt như hình với bóng, một mình hưởng hết bao ái ân nồng đượm giờ bị gạt qua một bên, chẳng biết ông có uất không? Nhưng dẫu sao một gã đàn ông sánh thế nào được với một ả đàn bà, tám bà hoàng (2) "điếc lác" đã đành, một con gà sống thiến thì đẻ đái được gì cho cam? Trọng trách nặn ra quân trưởng tương lai của Đại Việt đành phải phó thác lại cho em gái hái dâu.
(2) Thời Lý có tục đa hậu
Đứa khác hóng được ở đâu lại chen mỏ cãi. Bậy nào! Phu nhân Ỷ Lan vốn là người của hiệu uý, ơn mưa móc nàng hưởng cũng là do hiệu uý ban cho chứ dễ gì Đức Vạn Thặng (3) ngồi trong kiệu kín, bọc bởi tầng tầng lớp lớp quân cấm vệ, xung quanh là già trẻ gái trai ùa ra đầy đường mà ngài nhìn trúng được "đoá đồng nội" đang tựa đầu vào gốc lan hát véo von.
(3)Lý Thánh Tông tự xưng là Vạn Thặng
Nó bảo còn có lần trông thấy phu nhân vô tình gặp hiệu úy ở vườn sau cung Long Thụy. Tưởng nàng sẽ giống mấy bà hoàng khác ỷ chút ân sủng mà lên mặt với người cũ nhưng phu nhân chỉ nhẹ nhàng chào ông rồi hỏi thăm việc thu phục các tù trưởng ở biên giới Đông Bắc.
Ôi! Thề có giời là lúc đó nó sợ khiếp vía luôn. Phu nhân phận thê thiếp dám hỏi chuyện chính sự đã sai lè rồi còn dám hỏi thẳng ông hiệu úy nữa. Ông tuy chỉ là quan võ cấp cao còn lâu mới lên được hàng tam công, tam thiếu nhưng từ thuở thiếu niên đã là người tài nổi trội lại còn được bệ hạ coi trọng đến các đại thần như ông thái sư Lý Đạo Thành còn phải nể nang vài phần vậy mà phu nhân. . . Chưa kể hiệu úy tuy trên mặt không hay tỏ vẻ gì nhưng thuộc diện cao ngạo tận xương cốt, cái chất toát ra như đe người đối diện khiến hắn bị ám thị rằng bản thân là đứa dốt nát, thấp kém.
Nó đợi nửa ngày không thấy cái liếc nửa vời quen thuộc của hiệu úy hay mấy câu khách sáo chát tai nhằm đe ả đàn bà kia đừng có "chó nhảy bàn độc" . Ông thuật lại tình hình cho phu nhân nghe, tỉ mỉ giống như ngày thường ông vẫn bẩm báo với bệ hạ. Hai người luận bàn một hồi không khí tương đối hòa nhã, vị phu nhân bé tẻo teo đến từ nơi thôn dã ấy trong vô thức lại ngang vai với đấng đàn ông trong thiên hạ.
- Rồi sao nữa, kể tiếp đi!
Mấy con hầu với mấy tên nội thị túm vai con kia kéo kéo, lắc lắc. Nó lắc đầu:
- Chịu thôi! Ông to bà lớn toàn nói chuyện cao siêu, tao hiểu gì đâu. Nhưng mà. . .
- Sao, nhưng mà gì!
Bọn kia háo hức. Con bé lấy hai bàn tay ôm chầm lấy má:
- Chộ ôi, ông hiệu húy tuấn tú lắm chúng mày ạ bảo sao bệ hạ cứ phải để kè kè bên cạnh. Lúc ông nghiêng đầu, nắng sớm chiếu chênh chếch lên sườn mặt mà tao cứ ngỡ cả mấy dặm hoa đào bên bờ Dâm Đàm đang cùng một lúc nở rộ!
Bẵng đi mấy năm, xôn xao hay xì xào rồi cũng dần trôi vào quên lãng, Hoàng Thành còn lắm sự vụ, mấy kẻ thấp cổ bé họng chẳng bận đầu mãi vào chuyện của ông to bà lớn được. Mọi việc thế nào thì vẫn hiển hiện ra trước mắt, bệ hạ vẫn hết mực sủng ái phu nhân, bốn năm một thái tử, một hoàng tử tằng tằng ra đời, triều đình cùng Đại Việt vui sướng tột độ. Ban đêm ngài vẫn vời ông hiệu úy vào điện hầu đương nhiên chẳng thể mau như lúc trước vì những đêm ấy còn phải san sẻ với người thiếp yêu. Còn hiệu úy với phu nhân vẫn giống như khi họ gặp nhau tại vườn sau cung Long Thụy, quan hệ như tiết trời tháng tám.
.
.
.
Điện Long An đóng cửa suốt ban sáng, bà Đinh hoàng hậu sang dâng cho bệ hạ bát chè đậu đen cũng bị chặn ngay cửa:
- Bẩm bà, bệ hạ cùng bà Nguyên phi và ông Kiểm hiệu Thái bảo (4) đang nghị sự bên trọng, lệnh không cho ai vào ạ.
(4) Là chức quan giám sát, chuyên can gián vua do Lý Thường Kiệt đảm nhận
Bà nóng mặt tính quăng luôn cái lồng đựng chè vào mặt thằng canh cửa nhưng nghĩ tới lần đến cung Động Tiên (5) làm loạn bị phạt cấm túc ba tháng, cắt hết một năm bổng lộc, bà hơi rén đành dí cái lồng cho con nữ tỳ theo hầu, ngúng nguẩy bỏ đi.
(5) Nơi Nguyên phi sinh hạ thái tử Lý Càn Đức.
Dời ạ! Sao cái số tôi nó khổ thế không biết, muốn gặp chồng mà hết bị thằng "chim sẻ bay xa" đến con thôn nữ hái dâu nó nằm ngửa ra ngáng đường. Bà về bà đốt chết cha cái lũ nặng vía chúng mày!
Tên nội thị nhìn theo bóng người đàn vừa đi vừa giãy đành đạch trên đường lắc đầu chán ngán. Đã dốt nát còn độc ác bảo sao bệ hạ không yêu!
Về đến cung Thúy Hoa, bà chửi rủa luôn miệng, rủa đến độ miệng khô họng rát bèn húp tọt một hơi hết luôn bát chè đỗ đen rồi dằn mạnh cái bát không xuống mặt bàn. Mấy con hầu sợ quá, vội sụp xuống lạy bà bớt nóng, kẻo mang vạ vào thân.
Bà Đinh hoàng hậu có cụ thân sinh là ông Trung thư thị lạng dưới hàng tể công mà đứng đầu cả trăm quan trong triều. Trong tám bà hoàng của Hoàng đế, bà là trẻ nhất mới được tấn phong cách đây năm năm, tính cả tuổi mụ mới chừng hăm sáu, hăm bảy hẵng còn xuân sắc chán. Hồi mới tiến cung, bà cũng được bệ hạ để ý bởi bà đẹp, bởi nhà mẹ đẻ bà cũng thuộc dạng thét ra lửa trong triều. Nhưng rồi sao, có yêu chiều đến mấy cũng không bì nổi với tên hoạn quan lập nghiệp bằng việc ngửi nách mấy con đàn bà kia. Bà bực, bà làm ra mấy trò ghen tuông ngu xuẩn khiến bệ hạ tức giận rồi dần lạnh nhạt xa lánh.
Bọn cung tần khác nói bà dại, bệ hạ yêu thích bà chẳng qua cũng chỉ như thích một bài thơ hay, một bông hoa đẹp còn gã Thường Kiệt ấy đã bầu bạn với ngài từ những ngày thiếu niên, cùng nhau nằm gai nếm mật nơi Đông cung cho đến khi ngài ngồi vững trên ngôi quân trưởng Đại Việt, chỉ ngần ấy thôi hắn đã hơn đứt những người đàn bà hậu cung ở cái năm tháng.
Trước đây có bà Dương hoàng hậu vẫn chưa đủ để các bà sáng mắt hay sao. Hồi còn là thái tử phi, ỷ mình là chính thất được đưa rước rùm beng khắp Long Thành, cậy có bà cô là Thiên cảm hoàng hậu của tiên đế hậu thuẫn sau lưng nên nghĩ vây cánh đủ đầy, ra mặt chia rẽ Thái tử và gã Mật thư tỉnh sự (6) của ngài. Chẳng hiểu hai ả đàn bà họ Dương tính kế kiểu gì, đối với Thái tử và Thường Kiệt giống như "lửa thử vàng, gian nan thử sức", Thường Kiệt kiêu ngạo hơn người ấy tự nguyện phạm vào tội nặng nhất trong ba tội bất hiếu, hoạn đi bày tỏ trung trinh với Thái tử cũng như sau này tiện bề ra vào nội cung để ở bên cạnh ngài. Cuối cùng Dương thị thua, bị thái tử ghét như "hắt nước đổ đi" thề rằng suốt đời không bao giờ ban ân sủng cho thị. Mấy năm sau tại vạ lại ập lên đầu họ Dương, ông thái sư trưởng tộc họ đột nhiên lâm bệnh mất thành ra người họ Dương chức tước cao nhất trong triều chỉ còn ông Tham tri bộ lại Dương Đức Uy (7), cụ thân sinh của Dương hậu. Tại Dương hậu không có đời sau nối dõi nên thế lực họ Dương dù mạnh nhưng cũng chỉ như cây to mà rễ nông, các bậc cha chú trong tộc tha thiết đem con gái dâng cho Thái tử hòng "rặn" ra một thằng đích tôn nhưng ngài kiên quyết từ chối.
(6) Chức quan ở cạnh giúp đỡ thái tử do Lý Thường Kiệt đảm nhận
(7) Tương đương thứ trưởng bộ nội vụ
Đấy, bài học nhãn tiền cho việc đụng vào người của bệ hạ, kéo theo cả gia tộc bị vạ lây. Đám cung tần mỹ nữ của Thánh Tông cũng tởn đến già, mấy bà mắt nhắm mắt mở an ủi nhau dẫu sao nó cũng là gà sống thiến, bệ hạ mê nó chẳng qua ngài có sở thích kỳ lạ chứ chẳng phải mấy bà xấu người hay không đủ tài đức. Quan trọng nó không đẻ được, có được yêu hơn nữa cũng chỉ đến thế thôi, không có khả năng tranh giành địa vị với mấy bà. Mấy bà cứ yên tâm sống vài chục năm như thế cho đến khi. . .
- Giời ạ, tai tôi lãng luôn rồi, chị nói lại lần nữa tôi nghe xem có thủng không? Chị bảo sao? Bệ hạ cho Nguyên phi chấp chính á? Chị mới nói thế đúng không?
Bà hoàng Đinh thấy trời đất đột nhiên tối sầm, chân tay rụng rời, bên tai bà chỉ còn tiếng sớm chớp lùng bùng.
Bà Lê hậu bỏm bẻm nhai trầu, thần sắc ngao ngán.
- Tôi nào có biết, tôi cũng mới từ nhà mẹ đẻ về nghe ông cụ ở nhà nói vậy. Đợt này bệ hạ đi đánh Chiêm cùng Thái bảo, quyền chấp chính giao lại cho Nguyên phi, vời thêm ông Thái sư Lý Đạo Thành làm phụ chính cho nó.
Bà Đinh hậu hoá điên, tóc xõa rũ rượi:
- Giời ơi! Tôi là tôi uất chết luôn chị ơi. Còn đâu là rường mối cương thường, bệ hạ có cậy hậu cung cũng nên cậy tôi, cậy chị, chị em mình đã chết hết đâu mà đến lượt cái con hái dâu kia. Nó mới chỉ đứng đầu bọn phi tần, tiệp dư nào đã leo lên được đầu chị em mình ngồi.
Bà la hét cho thoả nỗi bi phẫn mà quên béng mất mình cũng như ai kia chỉ là hàng thứ lẽ , đợi đến khi bảy bà kia thác hết hoạ chăng mới tới bà lên tiếng.
- Sao cô cứ kêu giời, kêu đất mãi thế nhỉ? Tại chị em mình xấu bụng không rặn nổi cho bệ hạ thằng thái tử chứ sao. Mà thôi, tôi cũng chẳng hám mấy thứ quyền lực của bọn đàn ông ấy, cờ về tay mà không phất được chỉ tổ bị bọn dân đen nó chửi cho không ngóc đầu lên nổi. Tôi là tôi sợ Nguyên phi nhân lúc bệ hạ không ở đây tính hết một thảy cả nợ cũ nợ mới với chị em chúng mình. Cái vụ mà chị em mình hại nó suýt sẩy thai ấy . . .
Giọng Lê hậu nhỏ dần, câu cuối nói chỉ đủ cho bà Đinh nghe thấy.
Bà hoàng Đinh chợt tỉnh người, mặt cắt không còn một giọt máu, miệng méo xệch, run run:
- Chị . . . chị nhắc tôi mới nhớ. Giờ. . . giờ phải làm sao? Thế còn ông Thái sư, ý ông ấy thế nào, ông ấy lắm chữ thế, trên dưới trước sau là cứ phải lề lối răm rắp ai đời lại chịu dưới cơ con vợ lẽ!
Bà hoàng Lê lắc đầu, thở dài thườn thượt:
- Ôi! Ông cụ nhà tôi nói ông thái sư hay bóng gió lắm, chẳng biết được ông theo phe nào đâu, nhìn thì giống như chỉ một lòng một dạ với bệ hạ nhưng thi thoảng lại thả ra mấy câu khiến người ta chột dạ.
Lê hậu bồi hồi nhớ lại vài chục năm trước cái thuở bà chưa bị tơ hồng quấn quàng quấn xiên. Một ngày nọ cô gái son rỗi theo cha mẹ đến phủ thái sư xin ngài tiến cử anh cả vào chức Tả vũ vệ (8). Thấp thoáng sau màn the, bóng người quân tử lưng dài vai rộng, dáng vẻ đường bệ hiên ngang choáng hết đáy mắt cùng cõi lòng mơn mởn của thiếu nữ mười bảy bẻ gãy sừng trâu.
(8) Một chức quan võ
Thái sư sai người giết gà, bắt lươn làm một bàn thịnh soạn thiết đãi lớn bé nhà bà. Vừa ngồi vào bàn ông đã thân thiết hỏi việc học hành của anh trai. Người ấy học vấn uyên thâm, đầu óc rộng mở, có nhiều cách kiến giải lạ lùng, chẳng ngại lấy chuyện lông gà vỏ tỏi để minh họa cho những lý luận cao siêu của cổ nhân. Ôi! Bà vẫn không quên đôi mắt tinh anh, thần thái mẫn tiệp của bậc đại nho ấy, những chuyện hài hước được cài cắm rất duyên khiến cô gái mới lớn không thể kiềm vài tiếng khúc khích mặc kệ đôi ba lần bị mẹ cha lườm rách mắt.
Ông đàm luận sách vở thú vị và hay ho lắm, khác hẳn những thầy đồ bảo thủ hay những ông đại học sĩ tẻ ngắt ở Hàn lâm viện. Khổ nỗi anh trai bà lại là loại văn dốt chữ nát chỉ được cái khỏe mạnh với hùng tâm tráng khí, ngồi bên cạnh mà mặt khờ đi trước học vấn cao thâm của người nọ, mồ hôi mẹ mồ hôi con tướp đầy ra trên trán.
Đến lúc hai nhà bịn rịn chia tay ra về, ông cụ nhà bà mới khéo hỏi đến chuyện chính. Ông thái sư ban đầu tỏ ra ngạc nhiên sau đó giống như rất bất đắc dĩ nói:
- Ôi bác ơi, tôi cũng như bác thôi đều ở bên văn, nếu cậu cả muốn đàm đạo văn chương, chữ nghĩa thì phủ nhà tôi lúc nào cũng rộng cửa còn việc nhà binh bác phải sang hỏi ông thái úy (9), tôi mà quản bên đấy người ta lại bảo tôi chuyên quyền, nhiễu nhương.
(9) Chức quan võ cao cấp, nắm giữ quan đội
Sau này, khi đã trở thành người đàn bà của bệ hạ, dành hết nửa đời để đấu đá, kèn cựa với một đám đàn bà khác, lòng người nông sâu bao nhiêu cũng đã tỏ nghĩ lại buổi chiều hôm ấy, có lẽ ngay từ lúc cha bà đặt một bước vào phủ toàn bộ tâm tư cha đã bị thái sư thấu tận chân tơ kẽ tóc. Những lý luận dông dài ấy vốn chẳng phải vì tìm được mây cùng tầng mà "trời trăng mây gió", đó chẳng qua là màn phủ đầu ý nhị dọa cho người anh trai không hay chữ của bà toát mồ hôi hột và để gàn đi cái cơ hội mở lời nhờ vả của cha. Đến khi cha bắt đầu lờ mờ hiểu ra, vớt vát ngả bài thì chỉ cần một lời từ chối khiêm nhường cũng đủ để ông mềm nhũn.
Ấy vậy mà bà Lê không giận cho được. Thật ra, với địa vị của mình, ông vốn chẳng cần vòng vèo như vậy, cha bà khi ấy tuy lớn tuổi nhưng còn thấp hơn ông đến dăm bậc, nếu muốn trị cái thói thích đi cửa sau thái sư có thể thẳng mặt khiển trách nhưng ông lại chọn cách để vị lão thần ấy không mất mặt nhưng lại tởn mặt ông tới già.
Hầy, bà thở dài một tiếng. Lòng bà đối với thái sư nếu bảo là yêu đương thì phải tội với bệ hạ quá chẳng qua khi ấy còn rất trẻ đem lòng ngưỡng mộ một người tài mạo tót vời, cuối cùng cũng chỉ xem đó là hồi ức đẹp của thời thiếu nữ vàng son.
Mắt bà hoàng Đinh chợt lóe lên tia tinh quái:
- Tôi nhớ rồi chị ơi, ở hậu cung này vẫn còn một người đủ tư cách đứng ra giành lại quyền chấp chính với con thôn nữ kia.
Bà hoàng Lê không mấy trông đợi, nhổ toẹt bã trầu vào cái ống đồng, lấy khăn lụa thấm miệng:
- Cô bảo ai?
Đinh hậu từ từ nhổm dậy, chùi nước mắt, vấn lên mái tóc xõa sượi lộ ra khuôn mặt trẻ trung mỹ miều, cười rất thâm:
- Còn ai vào đây nữa chị, cái bà cả đang chết dí ở cung Thượng Dương đó. Lần này phải thỉnh được bà ra xem ra mới xong việc được.
.
.
.
Con hầu rón rén đặt bát nước ấm pha mật ong dùng để đánh tưa lưỡi cho thái tử bé lên bàn. Nguyên phi ẵm cậu hoàng thứ đong đưa sau rèm the, tiếng ầu ơ văng vẳng suốt canh hai:
Ầu ơ. . .
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông
Ầu ơ. . .
Lời ru buồn mênh mang, giống như tiếng vọng từ làng quê cũ nơi đời nối đời mãi khuất bóng sau bụi tre làng. Con hầu nghe đến bần thần cả người.
Ỷ Lan nhẹ nhàng đặt cậu hoàng thứ đã ngủ yên xuống nôi gỗ, tranh thủ xoay cái bả vai đã mỏi nhừ. Cậu hai khó nuôi hơn cậu cả, bám mẹ lại hay quấy, cả ngày cứ phải ẵm cậu luôn tay, chỉ lơi ra một chút ăn cơm hay rửa ráy là cậu đã nhè mồm ra khóc.
- Em đưa cho ta miếng giẻ sạch.
Con hầu giật mình,vội quấn miếng rẻ quanh đầu ngón tay trỏ cho nàng. Nàng bế thái tử nhỏ đang ngồi bệt ra sàn vần chơi mấy thứ đồ nhỏ xinh lên, chấm một giọt mật ong rồi há miệng làm gương:
- A nào con, a nào. A!
Thái tử bé cười khúc khích trước điệu bộ làm trò của mẹ, cậu há miệng, thè cái lưỡi như cánh hồng non ra, răng sữa đã nhú lên được dăm cái.
Con Tâm vào cung từ năm mười ba đã hầu qua không ít bà từ phi tần cho đến tiệp dư thậm chí từng được phân qua cung Thượng Dương làm việc vặt. Lần đầu gặp Nguyên phi là khi nó đang bị bà Dương hậu cầm cái trượng gỗ quật cho gần chết chỉ vì lỡ tay làm dập nát một quả hồng. Ỷ Lan ban đầu cũng rất nể nang bởi dẫu sao người ta cũng là bà cả nhưng bà Dương bị ông Tham tri bộ lại chiều đến hư hỏng, cái tính hống hách, dở người nó theo đến nửa đời vẫn không biết đường sửa đổi, nàng phủi đất cát trên người, lạnh giọng:
- Cụ nhà chị bữa rồi lại tha thiết xin bệ hạ cho đứa cháu họ dưới quê tiến cung làm phu nhân đấy, tôi thiết nghĩ chị đừng nên làm thêm điều gì dại dột khiến cụ buồn lòng mà từ bỏ hẳn chị.
Bà Dương hậu bị nói trúng chỗ đau, nhất thời không biết đáp gì bèn đần người ra. Từ dạo ấy, con Tâm theo hẳn Nguyên phi, nàng bảo nó số lớn mệnh lớn, bị ăn mấy chục trượng mà vẫn không thịt nát xương tan, nó lại nói nàng là cha mẹ tái sinh của nó, đời này nó chỉ thờ mình nàng.
- Đêm nay. . . đêm nay bệ hạ lại. . .lại cho vời ông Thái bảo vào hầu ạ.
Nàng hơi nghiêng đầu, lộ ra nửa khuôn trăng thanh tú, thoáng ngạc nhiên:
- Ý em là sao?
Bị hỏi ngược lại con Tâm cuống lên, cánh mũi phập phồng, hai bàn tay bấu vào nhau:
- Thì. . .thì là thế đó bà. Bệ hạ có bà rồi mà còn vẫn. . .
Ỷ Lan thong thả bế thái tử bé đặt lên giường, cẩn thận dém chăn cho con rồi quay sang con hầu đang đứng khúm núm, cười cười:
- Em thấy bất bình hộ ta hả?
Nó gật đầu.
Nàng sai nó rót một chén trà loãng, nhàn nhạt hỏi:
- Em biết hậu cung này có bao nhiêu người đàn bà chưa từng được thấy mặt bệ hạ, bao nhiêu người chưa từng được ban ân sủng hay bao nhiêu người suốt vài năm chưa từng được vời đến không?
Nó cúi gằm mặt, thầm thì.
- Nhưng bà không giống thế, bệ hạ đối với bà. . .khác.
Nàng bật cười khanh khách, tiếng cười lanh lảnh như tiếng chuông bạc, cười đến độ cậu hoàng thứ nằm trong nôi gỗ bắt đầu ọ ẹ mới vội ra bế cậu lên dỗ:
- Ôi, mẹ thương, mẹ thương, mẹ vụng quá, làm em thức rồi hả, tại cái con Tâm dở hơi này làm mẹ buồn cười quá đi thôi, em đánh chừa nó cho mẹ nhé!
Nàng vừa dỗ con vừa lườm trêu con Tâm đang đứng như trời trồng giữa nhà. Con này chỉ được cái trung thành chứ dốt gần chết, chẳng hiểu mấy năm trong cung được quý nhân nào phù trợ mà giờ vẫn sống nhăn răng, cái loại ngây ngô như nó đáng phải xanh cỏ từ lâu.
- Ra gian ngoài ta bảo, khẽ thôi cậu còn ngủ.
Con bé cun cút theo sau.
Nàng ngả người lên cái tràng kỷ, ngửa đầu ra đón ánh trăng sắp lặn. Trăng trong cung nhỏ hơn trăng ở Dâm Đàm, ánh sáng cũng tù như ánh đèn dầu nhưng chí ít từ cung Động Tiên này vẫn có thể thấy được. Nhớ lại lúc bệ hạ hỏi nàng:
- Nàng sắp sinh, muốn ở nơi nào dưỡng thai?
Nàng chỉ khẽ đáp:
- Thiếp muốn ở nơi nào có thể thấy được ánh trăng!
Hoàng thành này mái ngợp, tường cao muốn nhìn thấy cái vầng bàng bạc ấy phải tìm một khoảng sân rộng, một chỗ thật quang nếu không chỉ có đường vén váy mà trèo lên nóc nhà. Khổ nỗi các bà đều là người của bệ hạ ai dám làm ra cái hành đông thất thố đó để mất mặt ngài thành ra một điều giản dị cũng trở thành ơn huệ của hoàng đế.
- Khác là khác thế nào?
Cái dáng vẻ dửng dưng khiến con bé phải nơm nớp.
- Em . . . em cũng không rõ nữa nhưng . . . nhưng rõ ràng ánh mắt bệ hạ nhìn bà khác lắm. Có lúc ngài nhìn bà thật lâu. . . những bà kia có khi ngồi đối diện nhưng ngài cũng chẳng buồn liếc.
- Thế thôi?
Ỷ Lan nhướng mày, nàng cười hắt ra:
- Mới thế mà đã đòi đoán lòng quân trưởng, thế đã đi huênh hoang với ai chưa?
Con bé ban đầu lắc đầu nguầy nguậy nhưng nhịp lắc chậm dần chậm dần rồi dừng ở một cái gật yếu ớt. Nàng vẫn thong thả:
- Mày có biết những người đàn bà chốn này chướng mắt ta đến mức nào không Tâm? Tất cả những đố kị, ganh ghét, hận thù suốt mấy chục năm qua dành cho Thái bảo trong một chốc đã đổ hết lên đầu mẹ con ta. Đương nhiên mấy bà không làm gì được vì ta cẩn trọng nhưng còn mày thì ta không dám chắc đâu em. Sao? Cái mông bị bà Dương hậu đánh mới thế mà đã hết rát rồi hả? Hay còn muốn bị thêm bà Đinh, bà Lê quần thêm vài trận nữa cho tan xương, nát thịt mới đủ tởn?
Ánh trăng lạnh lẽo nhưng chẳng bằng cái liếc mắt của Nguyên phi trong thứ ánh sáng xanh nhạt đó. Cái liếc nửa vời này dường như đã từng ở đâu đó trong tiềm thức nhưng không cách nào gợi nổi ra. Đôi chân con bé nhũn xuống phần vì sợ, phần lại cảm thấy thẹn vì cái nông nổi của chính mình.
- Ta nói thế không phải vì ghét mà là vì không muốn mày chưa được gả đi đã phải phơi xương ở cái chốn này. Ngày sau liệu liệu mà giữ cái mồm, đừng có đi khoe khoang khắp nơi ta được bề trên yêu thương này nọ, nhất là đừng bào giờ so sánh hay tỵ nạnh gì với Thái bảo. . .
Ỷ Lan ngừng lại một chút, cái giọng răn ban nãy bỗng chuyển thành tiếng thầm thì:
- Bởi. . .mày có biết không, ngài ấy mới thật sự. . .khác!
Có lẽ con bé còn quá khờ khạo để hiểu hết ý tứ của chủ nhân nó. Nó len lén trông chủ nhân vẫn tha thiết dõi theo vầng trăng bên ngoài khung cửa. Ôi! Còn gì nữa đâu, trăng sắp tàn rồi chỉ còn một đốm bạc mờ mờ lấp ló sau mây khói.
Bờ môi như cánh đào phai chợt mấp máy:
- Hôm nay. . .muộn quá!
Giá như một lần trong kiếp này có thể với tới được vầng trăng trước khi trăng tàn nhỉ!
Các bạn có thể cho mình xin nhận xét về giọng văn mình đc k ạ, kiểu tự mình đọc thì khó để biết ấy. Kiểu lối kể, lối dẫn truyện có bị tẻ bị nhạt hay câu căn có mượt k, hay cảm giác bị trúc trắc
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top