Chương 59: Cúng Giỗ

Ba hôm sau là ngày giỗ của chồng bác Cả. Kể từ lúc bác trai mất, một mình bác Cả lo liệu hậu sự và cáng đáng mọi việc, bao gồm quản lý mớ tài sản lớn từ công sức hai vợ chồng đã làm lụng nhiều năm: căn nhà này, xưởng giấy, kho chứa hàng, và mười mẫu ruộng. Dân làng ai ai cũng biết đến hai vị đại phú Đặng Cao Ân và Phạm Hoa. Vợ chồng bác sống có tình có nghĩa nên rất được mọi người yêu mến. Năm nào hạn hán hay lũ lụt, hai người liền mở kho thóc cứu đói. Có năm binh biến loạn lạc, hai người liền giảm tiền thuê đất cho tá điền, thậm chí tạo thêm công ăn việc làm ở xưởng cho dân nghèo. Vốn dĩ phương châm sống của họ là "của đi thay người" mà!

Nghe Tạc Tổ kể mà tôi tròn xoe mắt, nghĩ số mình sao mà may mắn quá. Bác Cả vốn đã tốt bụng và hào phóng đến thế, vậy mà trước giờ tôi đã hiểu sai về bác. Tôi cứ nghĩ bác cho bọn tôi ở nhờ là vì lý do cá nhân nào đó (hoặc đơn giản vì lũ nhóc ngoại quốc rất được việc). 

Như minh chứng cho sự "được việc" kia, sáng sớm nay bác Cả đã sai Andrey đi chợ cùng Tạc Tổ, Nick đi quét dọn bàn thờ, còn tôi thì theo bác ra mộ dọn dẹp và cúng kiếng để chuẩn bị cho lễ tiên thường. 

"Tiên thường là gì vậy ạ?"

"Món ăn dọn ra thì cần được nếm trước. Ta muốn mời các vị gia tiên và người đã mất về dự cỗ linh đình, thì trước hết phải hỏi ý kiến về các món ăn kia, xem rằng có đáng lễ của kẻ hậu bối hay không."  

Lễ này sẽ là vào buổi chiều. Bác Cả định bày biện giản đơn một mâm cúng thôi. Trong làng còn dịch bệnh thế kia, bác ngại không muốn mời bà con xóm giềng đến ăn giỗ như mọi năm.

Mảnh đất chôn cất của Đặng gia nằm gần một con dốc trải dọc bìa rừng phía Bắc, là nơi ẩn chứa sức mạnh linh thiêng từ long mạch. Bác Cả luôn miệng nhắc nhở tôi phải đi đứng cẩn thận, nhất là khi dạo này "vía" của tôi khá yếu. Vừa ra khỏi nhà, bác còn dúi vào túi áo tôi một bọc vải nhỏ, chẳng biết chứa thứ gì ở trong. Nghe nói nó là một loại bùa trấn giữ hồn phách cực mạnh.

Sau khi thắp nén nhang cho gia tiên ở miếu thờ, hai người lặng lẽ đi tới mộ của chồng bác. Nắm đất xanh rờn nhô lên, mang theo mùi cỏ tươi còn đọng sương sớm, làm ướt hai bàn tay tôi. Bác Cả không nhổ cỏ mà chỉ quét dọn xung quanh, trong khi tôi giúp bày hoa, trái cây, chút gạo và muối ra mâm gỗ.  

Không khí ẩm thấp khiến khói nhang bay lượn lờ dưới đất, lan toả ra tứ phía. Đứng giữa đồng không mông quạnh, tôi bất giác rùng mình hai cái, lấy tay gãi gáy. Quỳ hai gối trên đất, tôi chấp tay vái lạy bác trai.

"Ông à, là Hoa đây!" Bác Cả ngồi xổm xuống, vừa bày biện đồ vừa thủ thỉ. "Hôm nay là ngày mười ba tháng sáu. Mai là ngày giỗ thứ tư của ông. Nếu ông còn ở đấy, cho phép tôi mời ông về nhà ăn một bữa thật no nê cùng tôi và lũ cháu. Nếu ông đã hoá kiếp, thì tôi cũng xin mừng cho ông." Rồi bác cúi đầu và hạ giọng, nói gần như không thành tiếng, "Sau này, nhẽ nào... tôi không thể mời ông ăn được nữa rồi."

Nghe bác nói mà tôi thấy bứt rứt trong lòng. Tôi ngước nhìn qua thì thấy bác đang nhắm nghiền đôi mắt, khoé môi cong xuống run run.

Tấm chân tình sâu nặng là thế, rồi kết thúc cũng thành một chuyện bi ai. Một người đi, một người ở lại. Hai bác không có con cháu, bác trai mất rồi thì chỉ còn bác Cả sống trong căn nhà rộng lớn. Ngày qua ngày, có lẽ nỗi nhớ nhung ấy sẽ càng lớn dần lên, hoặc là càng vơi đi. Cho dù thế nào, nó vẫn không khiến bác ngã quỵ.

"Bác ơi!" tôi gọi khẽ.

"Gì thế cháu?"

"Bác... nhớ bác ấy lắm, phải không ạ?"

Bác Cả mỉm cười và gật đầu.

"Cháu trộm nghĩ rằng," bắt gặp ánh mắt của bác, tôi chỉ dám cúi gằm đầu, "dẫu cho duyên phận có phũ phàng, hay cho nhân gian có tàn nhẫn, miễn chúng ta sống trọn ân nghĩa, sống vẹn toàn không thẹn lòng ai, như thế cũng là đủ lắm rồi ạ."

Bác Cả không nói gì, làm tôi sợ mình đã lỡ lời.

Giờ đây, cái chết đối với tôi không còn quá xa vời. Nó hiện hữu trong cuộc đời như một người bạn xã giao. Nó xuất hiện khi tôi không ngờ tới nhất, và nó sẽ đem đi những người tôi yêu quý, nhưng tôi lại không thể oán trách nó như kẻ phản bội. Tôi càng không thể oán người tôi yêu, chỉ có thể ôm đau khổ về phía mình.

Cách duy nhất là tôi phải trân trọng từng giây phút hiện tại. Sống hết mình vì ta, vì người, vì đời. Có thế thì khi cái chết xảy đến, tôi chẳng phải hối tiếc hay vương vấn gì.

"Cháu có nhớ bậc phụ mẫu của mình không?"

Tôi hơi ngẩn ra. Sao tự dưng bác lại hỏi thế?

"Cháu rất nhớ họ." Thở hắt ra, tôi ngước lên nhìn trời. Mặt trời vẫn lẩn khuất sau đám mây xám xịt. "Cháu muốn đi về nơi ấy, nhưng trước khi về, cháu phải hoàn thành một nhiệm vụ. Có thể nói rằng, nó là một lời hứa, hoặc một món nợ cần phải trả. Trả hết rồi, lúc đó cháu mới có thể yên tâm trở về với họ."

Ở hiện đại, tôi không phải là đứa con hiếu thảo nhất. Về đây rồi, tôi mới càng biết trân trọng tình thân.

Mà nhắc đến tình thân...

"Rây và Lát vẫn ở bên cạnh cháu, chăm lo và bảo vệ cháu. Nhưng, bác biết không, cháu vẫn luôn lo sợ, rằng một ngày nào đó, họ sẽ không còn trên cõi đời này. Cháu sợ họ sẽ bị hãm hại. Bởi vì họ quá tốt, bác ạ, họ quá tốt nên sẽ bị người khác hại đến chết mất!"

Đây không phải là nỗi sợ vô cớ. Chuyện của Lê Ngỗi là một ví dụ điển hình. Kí ức xương máu ấy tôi khắc ghi trong tim, biến nó thành vết sẹo lương tâm. Andrey và Nick là không những là người lương thiện, mà còn tài ba xuất chúng. Người ta thường nói, tài hoa thì bạc mệnh. Tài hoa thì dễ bị người đời đố kị, ghen ghét, hãm hại.

Hai người quay về quá khứ là do tôi, còn tôi thì không tài nào che chắn cho bọn họ khỏi mọi tai ương ở nơi này. Đó gọi là sống chưa trọn ân nghĩa, sống không vẹn toàn, sống thẹn với lòng mình. Cái chết lúc đó sẽ đáng sợ và tàn nhẫn hơn rất nhiều.

Một lần nữa, tôi rùng mình, ngón tay vô thức đan vào nhau, siết đến trắng bệch. Bác Cả khẽ vòng tay qua, chạm vào đôi vai đang run lên. Ánh mắt của bác buồn rười rượi.

"Ta hiểu cho cháu, An à. Cháu lo lắng cho hai cậu kia là lẽ đương nhiên. Nhưng mà cháu phải nhớ lấy điều này: Rây và Lát không phải là kẻ tầm thường."

Hửm? Họ chỉ là hai con người bình thường thôi mà? Chắc là bác đang nói đến ngoại hình và tài năng của hai thằng bạn?

"Ngày ấy, ta cũng có một người bạn tâm giao, cũng tài hoa xuất chúng. Nàng ấy tên là Lộ. Bọn ta là láng giềng..."

Câu chuyện lập tức có được sự chú ý của tôi.

"Thời ấy, giặc Ngô còn đô hộ, bọn ta chỉ có thể lén lút học chữ." Bác Cả cười mỉm, "Thị đã nghĩ ra cách viết bằng mực lá cẩm trên lá chuối rồi gói thành xôi. Hai chị em ta cứ thế mà cùng nhau khôn lớn, và đều là những kẻ hay chữ, Tứ thư Ngũ kinh thuộc làu cả. Sau này, bọn ta đã giúp dạy dỗ một vài con cháu của nghĩa quân..."

"Hay quá! Vậy bác đã gặp được Lê Thái Tổ rồi ạ?"

Bác phẩy tay, coi như không có gì to tát. "Những người trong nghĩa quân Lam Sơn ta đều đã gặp qua."

Tôi trố mắt, cảm giác phấn khích bao trùm khắp, tưởng chừng như nguồn điện âm từ dưới đất truyền thẳng qua cơ thể.

Chẳng cần tìm kiếm đâu xa! Bác Cả chính là nhân chứng sống cho một thời lịch sử oanh liệt.

"Thái Tổ lập quốc thì Lộ được tuyển vào cung để tiếp tục dạy dỗ lễ nghi cho hoàng thân và cung nhân. Lúc này thì ta cũng lấy chồng và ở lại Đông Kinh." Tới đây bác thở hắt ra, lắc mạnh đầu. "Ta chỉ không thể nào hiểu được, rằng Lộ vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, thế mà lại chấp nhận đi làm thiếp cho một lão già. Hừ! Sau này thị bị hại chết cũng là vì lão."

"Lão già ư?" Tôi vô thức nói lại. 

"Đúng thế. Một lão già háo sắc! Cũng may lão được cái tính thẳng thắn cương trực, lại quanh năm văn vở thánh hiền nên phép tắc ứng xử không chê vào đâu được. Nếu không thì ta đã cản Lộ ngay từ đầu rồi!"

Đúng là đến giờ tôi vẫn không hiểu được chế độ đa thê ở thời phong kiến. Đàn ông thời này nghĩ gì mà lấy nhiều vợ thế? Bạn thân của bác Cả, nếu là tài sắc vẹn toàn thì đúng là không xứng làm vợ lẽ của "lão già" ấy thật! Câu chuyện này càng thêm bằng chứng về một nhân vật tài hoa mà số phận hẩm hiu.

Bác và tôi ngồi thêm một chút, chờ cho nhang cháy hết. Thấy bác không vui khi nhắc chuyện cũ, tôi khéo lái qua chủ đề khác. Ví như vụ Andrey bái ngự y Lê Minh Đán làm sư phụ, hay chuyện Lê Phong muốn tìm hiểu thêm về loại bệnh sốt lạ này bằng cách cải trang thành anh bán chè.

"Bởi thế nên bác cứ an tâm đi ạ!" Tôi chắp hai tay, chốt lại. "Đã có triều đình giúp đỡ, cháu tin chắc làng Yên Thái sẽ mau qua khỏi nạn dịch này!"

"Ừ, mau qua được thì tốt. Ta cũng chỉ mong như thế."

Cúng kiếng xong xuôi, bác và tôi dọn dẹp đồ đạc và chuẩn bị ra về. Mặc cho tôi năn nỉ, bác nhất định không cho tôi mang vác nặng. Như một người bà cả lo, bác cho rằng thân thể của thằng nhóc này vẫn cần thời gian hồi phục sau lần tra tấn dã man ấy. Khi nào tôi chứng minh mình có thể tỉ thí võ thắng Nhật Minh, lúc ấy bác mới nghĩ đến việc thương lượng.

Hây dà! Bác làm như tôi là cọng bún thiu hay gì!

"Bác biết không, thật ra trong vụ án trước," tôi xị mặt so bì, "thằng Rây nó bị lũ sát thủ phóng con dao vào vai, còn thằng Lát nó bị một mũi tên vào đùi. Hai đứa cũng thê thảm không kém..."

Bịch!

Giỏ đồ rớt xuống đất, cùng lúc tôi hốt hoảng đỡ lấy bác Cả. Đang định đứng dậy thì bác bỗng muốn ngã quỵ xuống.

"Bác có sao không ạ?"

"Ta không sao."

"Nhưng mà..."

Tôi chưa kịp hỏi chuyện thì bác Cả đã mau chóng lấy lại thăng bằng, phủi đất bám trên váy và bước đi tiếp. Để lại một thằng nhóc đang lo sốt vó vì không biết chuyện gì đã xảy ra.

Lần này thì tôi giành lấy hết mớ đồ kia từ tay bác, dù cho có bị mắng suốt quãng đường về.

----------

Lễ tiên thường vào năm nay được tổ chức nhanh gọn nhưng cũng không kém phần trang nghiêm. Bàn cúng được bày ra trước sân, mâm cúng có các lễ vật quen thuộc như hoa, trái cây, gạo, muối, trầu rượu và các loại bánh. Bác Cả ra làm lễ cúng trước, còn bọn tôi xếp hàng lần lượt thắp nén nhang. 

Ước mong của tôi thì đơn giản thôi. Nếu các vị gia tiên có linh thiêng, tôi xin họ hãy phù hộ cho gia chủ luôn được khoẻ mạnh.

Đằng sau cánh cổng mở toang là một cái bàn nhỏ hơn cũng đặt đồ cúng. Từ trong phòng khách, Nick cứ nhìn chằm chằm nó mãi. Đến đoạn cúng xong, khi Tạc Tổ rải gạo và muối ra đất thì cậu bạn cười toe toét như thằng khùng.

"Có chuyện gì vui vậy?"

Nick lắc đầu, giữ nguyên nụ cười trên môi.

"Không có gì." Cậu đưa cho tôi cái bánh còn dư, hình dáng như bánh ú. "À, mà ngày mai là lễ giỗ đúng không?"

"Ừ, thì sao?"

"Thì vào ngày mốt Nhật Minh có hẹn tao đi cầu an ở chùa Trấn Quốc. Hôm đó là ngày rằm."

Andrey đã lù lù phía sau từ bao giờ. Cậu khoác tay, đứng bất động ở đó như tượng gỗ. Mấy ngày này, cái tên Nhật Minh giống như cái gai trong mắt cậu. Một cái gai không thể nào nhổ được (hên là Andrey không biết tôi kết bạn với Công Hiến và Trí Luân).

"Ê, mà có điều này tao thắc mắc," Nick nói, cùng lúc chồm người lên trước. "Tại sao chúng ta phải mở tiệc vào ngày mất của một người? Lúc họ còn sống không ăn tiệc thì thôi, chết rồi thì làm sao ăn được?"

Tôi gãi đầu, nhìn qua Andrey, "Ờm, thì..."

"Thông thường tụi mình sẽ ăn sinh nhật, một sự kiện đáng nhớ. Huý nhật ư? Ai lại muốn ghi nhớ ngày mất bao giờ?"

Andrey đáp lại bằng cái nhún vai hờ hững.

"Đương nhiên có những người còn lưu luyến thế giới này," Nick tiếp tục. "Lang thang vất vưởng, chẳng tốt lành gì! Có những người chết rồi là đi luôn, mời về làm gì nữa?"

Hừm... cũng có lý!

Hồi ở nhà mẹ tôi cũng không làm giỗ quải gì, chỉ khi về nhà ông bà ngoại thì Andrey và tôi mới có dịp ăn giỗ. Mẹ tôi đã từng bị ông bà mắng vì vụ này, nhưng do tính chất công việc hay đi xa, mẹ không thể nào cúng giỗ đều đặn. Mẹ nói nó không thật sự cần thiết, và lý lẽ mẹ đưa ra cũng tương tự Nick.

"Tao không biết, Nick à. Tao thật không biết!" Tôi lại vò đầu bứt tai. "Có lẽ... là do truyền thống ghi nhớ cội nguồn tổ tiên của người Việt? Nó mang giá trị tinh thần nhiều hơn thực tiễn. Hơn nữa," tôi nhìn về phía bàn thờ, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành."

"Tụi mình sống ở đâu thì phải theo phong tục tập quán ở đó. Miễn tụi mình làm theo bác Cả là được." Andrey nãy giờ mới chịu lên tiếng, ngước đầu nhìn trần nhà. "Bản thân tao không quan tâm lắm về mấy vụ này."

Nick khịt mũi, "Mày thì có tin vào cái quái gì đâu?"

Andrey lại nhún vai. Hôm nay thằng bạn tôi im hơi lặng tiếng khác thường. Cả buổi chiều cậu lúi húi với quyển sổ tay, vừa viết vừa lẩm nhẩm tên mấy vị thuốc Nam.

"Tao có tin," Andrey nhếch mép. "Tao tin vào công sức của chính mình."

----------

Lễ chính kỵ[1] là một ngày bận rộn. Từ sáng sớm tinh mơ, khi lũ gà trống chưa kịp gáy vang thì bọn tôi đã bị gọi dậy để làm đồ ăn. Bình thường tiệc giỗ rất đông nên cần nhiều người phụ việc. Năm nay bác Cả đã giản lược đi nhiều, chỉ mời bà con thân thích bên chồng, hàng xóm láng giềng, và người làm công ở xưởng giấy. Trẻ con không được đến.  

Việc nhiều không đếm xuể. Bọn tôi tất bật luân phiên chạy vào bếp. Nấu xôi rồi nấu chè. Nấu cháo rồi nấu chả. Ngay cả nhân bánh cũng phải tự làm. Tôi phải khuấy bột cho đến mấy ngón tay tê rần mới thôi.

Tới lượt Andrey đi chợ cùng bác Cả, trong khi Nick có nhiệm vụ canh thổi lửa dưới bếp. Trước khi đi, bác có dặn dò thêm vài việc cho Tạc Tổ, người trưng ra bộ mặt méo xệch với tôi.

"Thế này thì hỏng rồi cậu ạ!"

"Sao?"

"Bác giao cho chúng mình làm gà ngoài vườn..."   

Tôi vừa nghe xong đã suýt vấp chân ở ngưỡng cửa.

Cái công việc gì thế này!?

"Bác đã trói chân hai con ở góc nhà. Cậu giúp tôi cắt tiết chúng được không?"

"Không! Tôi không làm!" Tôi la toáng lên, lắc đầu nguầy nguậy. "Có chết tôi cũng không làm!"

Tạc Tổ vò đầu. Cậu cũng khó xử như tôi. Hai thằng nhóc nhát gan đều có nỗi sợ giết chóc, vậy mà bác nỡ lòng nào giao công việc này cho bọn tôi.

Chưa bao giờ tôi ước ao được đổi chỗ với Andrey như lúc này. Cậu ta từng giết người, mấy con gà này thì nhằm nhò gì?

Đúng rồi! Còn Nick! Cậu ta có bàn tay dùng dao thành thục, chỉ cần vài động tác xoay dao là có thể tạo ra vài đường cắt ngọt xớt.

Nghĩ vậy, tôi hớt hải chạy vào bếp. Nick đang dùng dây lạt để gói bánh. Các ngón tay khéo léo luồn cột như một người thợ chuyên nghiệp.

"Nick! Nick! Cứu tao với!"

"Chuyện gì?"

"Mày giúp hai đứa tao giết gà được không?"

"Tao đang bận." Cậu giơ chùm bánh lên. "Thấy không?"

"Tao sẽ làm thay mày. Tao sẽ làm hết. Chỉ cần mày giúp tao lần này thôi!"

Nick nhíu mày. Cậu liếc xuống mấy ngón tay của tôi rồi lắc đầu.

"Tay mày như vậy thì làm được gì? Bánh mà hư là bác Cả sẽ mắng tao, còn ngón tay mày mà sưng lên là Andrey sẽ chửi tao."

Lúc này tôi đã muốn quỳ xuống năn nỉ thằng bạn lắm rồi. Tính Nick rất khó lường. Muốn thì làm, không muốn thì không làm. Nhiều khi cậu chẳng thèm quan tâm đến hậu quả từ quyết định của mình. Lần này cũng vậy.

"Làm ơn đi mà! Nick, tao cầu xin mày! Mày biết tao sợ gia cầm mà!"

Nick tỉnh rụi, "Đã đến lúc mày nên đối mặt với nỗi sợ này rồi. Cố lên!"

Đó là giây phút tôi biết mình đã không thể xoay chuyển Nick. Bất lực và thất vọng, tôi hừ mũi và xông ra ngoài, không quên quẳng vào một câu hăm doạ, "Tao mà có chuyện gì thì mày chịu trách nhiệm nha, thằng chó!"

----------

Làm thế nào để hai chàng thư sinh trói gà không chặt phải giữ chặt con gà và cắt cổ nó? Đó là một câu hỏi mà Tạc Tổ và tôi vẫn đang loay hoay tìm cách trả lời. Thật ra Tạc Tổ từng giúp mẹ làm gà, nhưng lúc đó cậu còn nhỏ xíu, vừa làm vừa khóc lóc thảm thiết nên mẹ cậu không cho giúp nữa. Từ đó Tạc Tổ toàn mua gà đã chết về cúng.

Còn tôi thì miễn bàn đi! Nỗi sợ gia cầm cũng không bằng nỗi sợ sát sinh. Đứng trước hai con gà vô tội, tôi không nỡ lòng lấy mạng bọn chúng chỉ để thoả miệng ăn của khách.

"Hay là tụi mình chờ bác Cả về?"

Tạc Tổ nghĩ ngợi một chút rồi lắc đầu, "Tôi sợ lúc ấy lại không kịp mất!"

"Tạc Tổ, tôi lạy cậu!" Tôi bắt đầu mếu máo. "Tôi không muốn cắt cổ gà đâu! Tôi sợ lắm!"

"Vậy cậu giữ gà đi! Hai con này khoẻ lắm đấy!" 

"Không! Tôi không muốn!" Càng nói, chân tôi càng bước lùi về sau. "Tôi không làm đâu!"

"Cậu nghĩ tôi muốn làm chuyện này sao? Thà nhóm bếp một canh còn hơn giết gà một khắc." Tạc Tổ chậm rãi khoác vai tôi, thủ thỉ, "Thôi, chúng ta phải gắng sức thôi cậu ạ. Thoáng chốc là xong ngay! Cậu không giữ gà thì chỉ cần cứa một đường ngay yết hầu là được. Cậu dùng dao ổn lắm mà! Duy An, xin cậu đấy!..."

Tạc Tổ có cái biệt tài đó: thuyết phục người khác bằng ngôn từ. Đã bao lần tôi đã nghe răm rắp vào lời ngon tiếng ngọt của cậu. Lần này cũng không phải ngoại lệ. Cậu nhét con dao sắc vào tay tôi và kéo tôi tới chỗ lũ gà.

Tôi nhận ra hai con này. Chúng là một cặp trống mái hay đi lạc ra sân trước. Thấy bọn tôi đi lại, con trống dường như cảm nhận được nguy hiểm nên xù lông, cổ ngóc lên đầy cảnh giác. Đôi cánh vẫy phành phạch.

Bất thình lình Tạc Tổ nhảy tới và dùng hai tay bắt lấy đôi cánh kia. Trước khi nó kịp vùng vẫy ra ngoài và đá tôi, cậu đã dùng một chân đạp hai chân của con gà.

Tới lượt tôi hoảng loạn hơn con gà.

"Tôi phải làm gì?"

"Trống cắt tai, mái cắt cổ. Cậu vặt lông gần vùng tai và cứa một đường. Mau lên!"

Tay run run, tôi nắm đại một mớ lông cổ và vặt thật mạnh. Con gà kêu thất thanh. Tiếng kêu cắt vào trái tim tôi.

"Hic! Tao xin lỗi mày!"

Xoẹt! Oác... oáccccc...

Tôi cứa một đường. Cứa hụt. Thế là phải cứa thêm hai đường nữa mới trúng động mạch chủ. Máu bắn ra tay tôi. Mắt nhoè đi, các chấm đen xuất hiện trong tầm nhìn.

Máu...
Cứa vào cổ...
Máu bắn ra tung toé...
Vạt áo trắng nhuộm đỏ thẫm...

"An! Duy An! Cậu lấy cái bát kia đựng máu được không?"

"Hả?" Tôi bừng tỉnh. "Cái gì cơ?"

Khoảng bốn phút sau, con gà trống khự lên vài tiếng, vùng vẫy thêm vài lần thì chết hẳn. Tạc Tổ giữ thêm một phút nữa cho chắc ăn. Thân thể con gà chỉ còn là một đống trên nền đất, nằm trên vũng máu của chính nó.

Giống như ai đó...
Đã nằm trên vũng máu của chính mình...

Nhịp thở của tôi ngày càng nông. Bụng cồn cào dù mới ăn sáng. Tôi nhìn qua con gà mái thì thấy nó cũng đang nhìn tôi. Chứng kiến bạn đời mình vừa bị hai kẻ máu lạnh hạ sát, không biết nó có hận bọn tôi không? Nó có biết tiếp theo là lượt của nó không?

Cảm giác đó...
Chứng kiến người thân bị giết...
Kinh hãi...
Căm hận...
Bất lực...

Tạc Tổ lặng lẽ tóm lấy cánh của nó bằng một tay, tay kia vặc lông vùng cổ. Con gà mái kêu lên hai tiếng thống thiết. Cậu ra dấu cho tôi lại gần.

Bàn tay kéo vạt áo tù lên đài cao...
Hai chân bị đạp xuống, đầu gối đập lên nền đất...
Hai cánh tay bị trói ra sau...
Đầu bị ấn vào thanh thớt...

Cổ tôi như bị ai bóp nghẹt, không tài nào thở được. Đốm trắng và đen lập loè ẩn hiện. Cánh tay cầm dao như không thể điều khiển được, cứ thế mà vung lên.

Phập! Đầu con gà lìa khỏi cổ.

"Cậu làm gì thế?!"

"Nguyễn Bảng ta thề..."

"An! An! Cậu không sao chứ?" Khuôn mặt cậu bạn mờ đi sau làn nước mắt. "Duy An!"

Hai tay bấu lấy cần cổ, tôi cố gắng giữ lấy chút không khí còn sót lại.

"Ta thề..."

Đã là câu nói cuối cùng của tôi, trước khi có một cơn đau nhói sau gáy và tôi mất đi ý thức.

----------

Không lâu sau, tôi tự động tỉnh dậy. Từ căn phòng ngủ trống trải có thể nghe tiếng láo nháo của khách khứa bên ngoài. Chắc bữa tiệc giỗ đã bắt đầu rồi.

"Tỉnh rồi à?" Nick lên tiếng làm tôi giật thót.

Tôi không trả lời mà lườm thằng bạn toé lửa.

"Nếu mày tỉnh rồi thì ra ngoài đi! Mọi người đang lo lắng cho mày lắm đó!"

"Mày thì sao? Không ra ngoài à?"

"Không," Nick đáp. Cậu đang ngoáy cọ hăng say trong bóng tối căn phòng. "Tao ghét giao tiếp với người lạ."

"Thì mày ra ngoài ăn thôi. Có tao ở đây, mày không cần nói chuyện đâu."

Tôi cũng ngại nói chuyện với người lạ, nhưng nếu cứ trốn mãi trong đây thì không phải phép lắm. Với lại, tôi vẫn muốn cho mọi người biết tôi còn sống.

Hai đứa nhóc dè dặt ló đầu ra, rồi thở phào nhẹ nhõm. Bữa giỗ chỉ vỏn vẹn có năm bàn. Một bàn phía trên cho các cụ lớn tuổi, ba bàn ở dưới cho người trẻ (nam nữ riêng biệt) và một bàn cho chủ nhà. Ai nấy đều hăng say trò chuyện nên bọn tôi luồn lách đến cạnh Tạc Tổ. Có vài người nhận ra bọn tôi thì tranh thủ tới hỏi thăm.

Bác Cả vừa thấy tôi là xuýt xoa không ngớt, vừa mắng vừa thương. Tôi liên tục trấn an bác, vì cơn hoảng loạn ban nãy không phải lỗi của bác. Tạc Tổ cũng vậy. Tất cả là lỗi của tôi.

Bác dẫn tôi đi chào hỏi các cụ, là hàng xóm và họ hàng hai bên. Tiếp đến, bác giới thiệu tôi với mọi người trong xưởng. Andrey đang tự nhiên ngồi ăn cùng họ, trò chuyện vui vẻ. Cậu hết tán dóc với anh Chính thì lại cười đùa với chú Giác, rồi lại quay qua kính rượu tất thảy người lớn hơn mình.

"Pax! Ngồi xuống đây với tao!"

Tôi lắc đầu, chỉ về bàn của chủ nhà, nơi Nick và Tạc Tổ đang lặng lẽ ăn.

Tưởng chừng xã giao đã rút cạn sức lực của tôi, nhưng không. Vừa nhác thấy miếng thịt gà luộc, ruột gan phèo phổi của tôi vẫn còn sức dấy lên biểu tình. Cũng may là tôi không có thức ăn trong bụng, chứ oẹ ra giữa bàn tiệc thì còn mặt mũi gì với thiên hạ nữa.

----------

Hậu quả của việc giết gà là tôi không bỏ bụng được thứ gì ngoài cháo trắng và rau luộc thừa trong bếp. Sau đoạn xin phép bác Cả và bỏ chạy trối chết khỏi bữa đám giỗ để giữ lại chút hình tượng, tôi nôn ra một bãi (toàn nước) ngoài sân vườn. Đó là giây phút tôi biết mình sẽ ăn chay cả tháng sau đó.

Nick lững thững đi lại và vỗ lưng tôi. Cậu là người đã hâm nóng cháo và luộc mớ rau cho tôi chấm với tương chao.   

"Tao xin lỗi. Tao không biết nó lại tệ đến thế."

"Không sao."

"Tao sẽ ăn chay cùng mày. Nói thật là lúc nhìn thấy lũ gà chết, tao cũng chẳng còn bụng dạ nào để ăn nữa." Nick thở ra, thô bạo vò mái đầu xù. "Cúng giỗ thì có nhất thiết phải giết gà không? Tội nghiệp mấy con gà."

"Thôi, chuyện đã lỡ rồi. Ít ra cái chết của bọn chúng không vô ích."

"Ừ hử? Bỏ qua chuyện giết gà thì tao nghĩ tục lệ này cũng có ý nghĩa đấy chứ!"

"Tại sao thế?"

"Đối với người sống, cái chết là sự kết thúc. Bởi vì họ không biết, chết rồi thì sẽ như thế nào. Còn đối với người chết, nó mới là sự khởi đầu của một hành trình dài. Một hành trình mà chỉ mình họ biết được." Nick nhoẻn miệng cười và nhìn về phía xa xăm. "Họ cô đơn lắm, mày biết không? Người đã chết rồi, thì có mấy ai nhớ và quan tâm tới họ?"


Chú thích:
[1] Lễ chính kỵ: Ngày mất của người đó, khác với lễ tiên thường (lễ nếm trước) được tổ chức trước một ngày. Thời xưa, nhà nào có điều kiện thì tổ chức ăn giỗ cả hai ngày.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top