Chương 46: Cung Vương

Bước chân vào điện Thừa Hoa, đập vào mắt tôi là màu xanh rờn của cây lá. Đặc biệt là trúc. Trúc mọc đầy hai bên lối đi sỏi đá, tán lá nghiêng rủ bóng tạo thành cổng vòm che mưa che nắng. Trúc mọc thành bụi cạnh hồ cá chép. Trúc mọc chen chúc giữa vườn hoa đào, hoa lan, hoa cúc. Trúc ở khắp mọi nơi.

Một người hầu đến trước mặt bọn tôi, cung kính, "Xin hỏi quý danh của công tử?"

"Ta là Đức Bình, huý Duy An. Lần trước..."

Tôi chưa kịp giải thích thì cô nàng đã ngước lên, thò lỏ mắt nhìn tôi và nở nụ cười tươi rói. "Ngài chính là Duy An ạ? Điện hạ rất mong được gặp ngài đấy ạ!"

"Ờm... thế à? Vậy thì, phiền cô dẫn đường."

Bọn tôi chậm rãi bước theo cô ta. Một bàn tay đặt lên vai tôi.

"Ngươi chính là Duy An? Nguyễn Duy An?"

Tôi méo xệch mặt. Trời ơi, rốt cuộc cái tin đồn thất thiệt kia đã lan xa đến đâu vậy?

"Ta là Đặng, Duy An," tôi gằn giọng, "và ngươi làm ơn nói khẽ thôi!"

Tên lính thấy tôi kích động thì hoảng hốt vặn nhỏ âm thanh, chỉ dám thì thào vô tai tôi, "Vậy tin đồn kia là có thật?"

"Thật cái rắm!" Tôi rít qua kẽ răng, "Nếu là thật thì ta đã bị tống vào ngục từ lâu rồi, đâu thể đứng sờ sờ ở đây?"

"Ừ nhỉ?"

Cô nô tì cười khúc khích, làm tôi ngượng tím mặt. Đã vậy, từ xa xa, tôi còn nhác thấy những người hầu trong phủ đứng lấp ló sau hàng cột, như thể ai nấy cũng muốn chiêm ngưỡng dung nhan của vị khách này. Tên lính nói vào chốn cung cấm phải thật cẩn trọng, vậy mà chính hắn lại đi nói năng linh tinh, cái miệng tía lia vô tội vạ. Thế là tôi phải lái qua chủ đề khác!

"Ngươi tên gì thế?"

"Ta họ Nhâm, tên Bính Ngạn."

"Vậy ta gọi ngươi là Bính Ngạn nhá?"

"Được."

Bọn tôi liếc nhau ba giây. Đến khi một trong hai người nở nụ cười thì tôi biết rằng mình đã có thêm một vị bạn hữu mới ở kinh thành.

Theo lời của vị thái giám trẻ tuổi, Cung vương đang ở trong chính điện. Tôi đoán là anh ta đang đọc sách, vẽ vời hoặc thư giãn sau buổi thiết triều vào sáng sớm. Bởi thế nên không người nào ở phủ được phép làm phiền anh. Tuy vậy, mọi người đều trấn an rằng Cung vương sẽ không ngại nếu người đó là tôi. Trước khi vào trong, tôi có nhét giỏ cá vào tay cô gái và dặn dò nhà bếp phải làm món cá trắm hấp gừng vào buổi trưa cho vương gia. Bính Ngạn sẽ theo cô ta tìm một chỗ nghỉ chân, cho đến khi tôi xong xuôi công việc sẽ đến đón.

Chính điện là một toà nhà nép mình khiêm tốn đằng sau bụi trúc và vườn cây ăn trái. Được sự gật đầu cho phép của vị thái giám tổng quản, tôi dè dặt bước vào trong.

Từng, tưng, tưng...

Tiếng đàn ư?

Với đôi chân trần, tôi rón rén bước lại gần và áp tai vào gian bên trong. Tiếng đàn có hơi khựng lại, rồi tiếp tục vang lên.

Tứng, tứng, từng, tưng...

Loại âm thanh này, tôi chưa từng nghe qua bao giờ. Tôi biết nó là một trong các nhạc cụ dân tộc. Là đàn, nhưng không phân biệt được là loại đàn nào. Âm thanh vang lên réo rắt, trong trẻo, luyến láy ở nhiều quãng âm khác nhau, rất phù hợp với các bài dân ca Bắc Bộ. Tiếng đàn có âm sắc khá buồn, mang theo nỗi niềm đau thương, ai oán của người nghệ sĩ.

Tôi ngẩn ngơ thưởng thức màn độc tấu, quyết định sẽ chờ đến khi họ chơi xong mới dám đi vào. Gì chứ những người đam mê nghệ thuật như tôi sẽ hiểu rất rõ, một khi đã có cảm hứng thì nên cho nó bộc phát hết ra ngoài. Sẽ cực kì mất hứng nếu bị người khác phá đám.

Từng, tửng, tưng tưng, từng... tứngggg... tưngggggg...

"Vào đi!"

Tôi giật thót, biết mình đã bị phát hiện. Thế là phải mở thêm một lớp cửa và bước vào trong.

Căn phòng chỉ đơn điệu một tấm bình phong, bàn đọc sách và một cái tủ gỗ. Ở giữa phòng, phía trước bình phong, Cung vương đang ngồi xếp bằng, hai tay đặt lên đùi. Khuôn mặt không có biểu cảm, nhưng trong đôi mắt tròn loang loáng nước ẩn hiện nét cười. Giống như lần trước, trang phục của anh rất giản dị, chỉn chu – chủ yếu là màu xanh lá – nhưng lần này anh ta chỉ mặc độc một lớp áo giao lĩnh. Mớ tóc dày ngang vai được búi lên phân nửa bằng sợi ruy băng, để lộ chân tóc chữ M. Trên cổ anh ta đeo một viên đá cẩm thạch.

Phía trước anh là cây độc huyền cầm, hay còn gọi là đàn bầu. Lần đầu tiên được tận mắt thấy loại nhạc cụ dân tộc này, tôi tò mò ngắm nghía nó mà xém chút quên hành lễ.

"Thảo dân Duy An," vén vạt áo và quỳ xuống, tôi cúi rạp người trên sàn, "xin bái kiến vương gia."

"Miễn lễ."

"Tạ ơn vương gia."

"Duy An, cuối cùng ngươi cũng đến rồi à?"

Đây không phải là câu hỏi, mà là lời trách móc. Tôi xanh mặt, cúi gằm đầu nhưng cũng cố trả lời, "V-vâng ạ. Lệnh của vương gia, Duy An đâu dám từ chối, chỉ là chưa có dịp... Xin... xin vương gia thứ lỗi cho Duy An..."

Cung vương bật cười, làm tôi ngạc nhiên ngẩng đầu lên. Anh ta không có vẻ gì giận dữ, thậm chí còn khá vui vẻ. Không giống với nụ cười gằn nửa miệng của Lê Hạo, nụ cười của Cung vương rất tự nhiên, thoải mái và vô tư. Tuyệt đối không có ý đồ gì xấu xa. Hàm răng đen bóng có cái răng khểnh rất có duyên, dễ dàng chiếm được cảm tình của người đối diện.

"Cô gia nào muốn khiển trách ngươi? Ta đã có ý mời, ngươi đã vất vả đến đây, thì lẽ nào ta lại đối đãi không phải với khách của mình?" Anh ta lấy một tấm nệm ngồi, đẩy về phía tôi. "Ngươi đừng quá câu nệ. Ngồi xuống đi!"

"Tạ ơn vương gia."

"Vết thương của ngươi thế nào rồi?"

Một câu hỏi quan tâm đơn giản cũng đủ làm tôi thấy ấm lòng. Tôi vô thức cong khoé miệng, mười ngón tay xoè ra, trả lời, "Những vết thương này đã hồi phục gần hết, ngón tay có thể cầm, nắm một số vật dụng rồi ạ. Đa tạ vương gia đã quan tâm."

"Thế thì tốt rồi."

Không khí im ắng. Cung vương lặng lẽ ngồi đó, đôi mắt nheo nheo lại, cẩn trọng quan sát và đánh giá người đối diện. Không giống như cái nheo mắt của Tạc Tổ, mắt anh ta cong thành hai vầng trăng khuyết, như thể đang rất cao hứng vì sự hiện diện bất ngờ của tôi. Trùng hợp là tôi cũng đang rất phấn khởi vì gặp được một người nghệ sĩ tài năng như anh ta.

Đã là một nhạc phẩm thì sẽ cần lời nhận xét từ thính giả. Đầu tôi tua lại bản nhạc kia, thận trọng lựa chọn câu chữ và mở miệng, "Lúc nãy, Duy An tình cờ được nghe điện hạ gảy một bài trên độc huyền cầm này. Giai điệu... mang theo tâm trạng của nghệ sĩ, như... như muốn truyền tải thứ tâm tư ấy với vạn vật, như được thấm vào đây," tôi đặt bàn tay lên ngực trái. "Đã thế, nghe rằng loại đàn này muốn gảy thành thạo thật không dễ dàng. Điện hạ làm Duy An vô cùng ngưỡng mộ..."

Cung vương cúi đầu, ngón tay cầm móng gảy chạm vào sợi dây đàn, nhẹ như chuồn chuồn đạp nước. "Duy An ngươi quá lời rồi."

Không rõ là Cung vương nghĩ gì về những lời bình phẩm kia, nhưng anh ta nên biết lời khen tặng của tôi là xuất phát từ chân tâm. Tôi thật sự rất khâm phục những nghệ sĩ chơi nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ dân tộc. Bất kì loại hình nghệ thuật nào cũng cần sự kiên trì và đam mê, vì thế các nghệ sĩ đều đáng được trân trọng.

"Điện hạ chơi đàn say sưa như thế, nên Duy An không nỡ làm phiền. Chỉ là, giai điệu này, Duy An chưa từng nghe qua bao giờ..."

"Ngươi chưa nghe qua cũng phải thôi." Cung vương mân mê phần thân đàn được chạm khắc hình hoa lan. Hình như tôi đã hỏi trúng chủ đề yêu thích của anh ta. "Đoạn tấu này là do ta soạn tác, mới chỉ gảy được hai lần trên cây đàn này. Ta dựa nó vào một vở hát chèo được biểu diễn ở làng Quả Hối, vùng ngoại ô phía Tây kinh thành. Đó là lời cầu phúc của một vị đạo sĩ, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an."

Nghệ thuật kịch hát dân gian ư? Thú vị!

"Hát chèo? Cả đời này, Duy An chưa lần nào được xem một vở chèo. Điện hạ ngài nói như vậy, thật khiến cho người khác tò mò."

Cung vương nhướn một lông mày lá liễu, làm tôi phải lật đật giải thích."Duy An là kẻ viễn xứ, quả thật chưa từng xem qua hát chèo," tôi lắc đầu,phấn khích chồm người lên trước, "nhưng vẫn mong muốn có một ngày được thưởng thức tất cả các loại hình nghệ thuật trên đất Đại Việt này."

Câu trả lời có vẻ hợp ý, bởi anh ta lại nhoẻn miệng cười, đầu gật gù. Tôi không ngờ mình lại cùng sở thích với vị vương gia đây. Ở cái thời đại xa xôi này, khi đã tìm được một nghệ sĩ, một đồng minh quý giá như Cung vương thì phải giữ lấy thật chặt.

Nhắc đến nghệ thuật... tôi lôi bức hoạ của Nick ra từ trong túi nải và dâng lên bằng hai tay.

"Thưa điện hạ, đây là chút quà mọn từ vị bằng hữu ngoại quốc của Duy An..." Thấy quà cáp chỉ là một tờ giấy dó bèo nhèo, nhăn nhúm, tôi vội vã nói thêm, "Tuy nhỏ, nhưng đó là cả tấm lòng của cậu ấy ạ."

Tôi nín thở quan sát thái độ của vương gia. Đôi mắt mở to, lông mày muốn chạm trán, khoé môi hơi trễ xuống. Không rõ là anh ta đang ngạc nhiên, giận dữ, hay đơn giản là đang ngại ngùng trước bức vẽ của chính mình. Theo những gì tôi nhận định, Cung vương là một người có tính cách khiêm nhường, trong khi Nick vẽ anh ta ngầu quá xá ngầu. Thường thì Nick chỉ vẽ những người để lại ấn tượng tốt với cậu (ví dụ như chú Vũ Tích, huyện thừa Trịnh Viêm, chứ không phải tên vương gia Lê Hạo), nên hầu hết những bức chân dung đều được cậu chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết. Lần này cũng vậy. Nhan sắc Cung vương trong bức vẽ giống như một người mẫu nam bước ra từ tạp chí thời trang vậy.

Một hồi lâu mà không nghe anh ta nói gì, tôi bồn chồn vò vạt áo và đánh lạc hướng bản thân bằng cách nghiên cứu cây đàn bầu trước mặt. Chỉ đến khi nghe tiếng tằng hắng, tôi mới ngẩng phắt lên.

"Ờm... Bằng hữu của ngươi, có phải là vị 'Hy Lạp Hoạ Gia' kia?"

"Hy Lạp Hoạ Gia..." Tôi chớp mắt, nhớ đến cái biệt danh gần đây được dân chúng Đông Kinh đặt cho Nick, rồi gật đầu."Đúng rồi ạ."

"Hôm đó..." đến đây mặt anh ta bắt đầu có dấu hiệu của sự hoang mang, "có phải là kẻ toàn thân một màu như hắc ín, có dáng người cao lớn khác thường và đứng cạnh một con ngựa ô?"

Tôi tiếp tục gật đầu. "Là cậu ta đấy ạ."

"Đấy là cách một tên ngoại quốc nhìn nhận ta ư? Chỉ cần một thoáng gặp gỡ mà tên đó có thể hoạ lại khuôn mặt của ta?" Cung vương lẩm bẩm, "Trước đây, chưa có hoạ sĩ trong hoàng cung có thể vẽ chân dung truyền thần... Há chăng... Không thể nào! Tuyệt đối không thể nào..."

"Thưa điện hạ..."

"Duy An," anh ta cao giọng,"ta muốn đích thân gặp mặt vị 'Hy Lạp Hoạ Gia' kia, có được không?"

"Dạ... ờm..."

Tôi không biết phải trả lời thế nào. Đằng nào thì tôi cũng nên hỏi trước ý kiến thằng bạn. Chỉ hy vọng Nick không dở chứng từ chối lời mời của vương gia. Gì chứ thằng bạn tôi rất khó lường, lại không thích tiếp xúc với người lạ, nên có ép cũng không được.

"Thật ra... chuyện này..."

"Cô gia muốn hỏi vị hoạ gia kia một vài thứ liên quan đến bức tranh này..." Thấy tôi chần chừ, anh ta nói luôn, "Nói với bằng hữu của ngươi, đây là lệnh."

Tuyệt thật! Hình tượng vương gia đáng kính trong lòng tôi giờ đã sụp đổ. Hoá ra các thành viên trong hoàng tộc đều có sở thích dùng mệnh lệnh sai khiến người khác. Họ chẳng biết gì đến quyền tự do cá nhân hay sao?

"Vâng ạ," tôi cúi đầu, nhìn chăm chăm xuống sàn,"Duy An đã hiểu."

***

Nếu so sánh với tên vương gia Lê Hạo, ít nhất Cung vương có hai điểm cộng. Một, anh ta chưa bao giờ dùng vũ lực hay lời nói để uy hiếp tôi. Hai, anh ta không quá quan tâm đến xuất thân kì lạ của tôi. Tuy Cung vương đã biết chuyện tôi là "con trai hờ" trong vòng nghi vấn của Nguyễn Trãi, nhưng chuyện tôi đã làm gì, ở đâu, sống như thế nào trước khi đặt chân đến Đại Việt, anh ta không hề tọc mạch hỏi tới cùng. Ngay cả thân thế của hai thằng bạn anh ta cũng không hỏi nốt.

Cung vương chỉ muốn nghe vụ án lần trước từ chính miệng của tôi. Chẳng là mấy tuần nay, thiên hạ bên ngoài đồn thổi đủ thứ tin vịt, tin lá cải, tin ngoài hành lang. Ngay cả nguồn tin của vương gia cũng chỉ dựa vào một chiều. Tôi đoán thứ nguồn tin trung gian kia chắc là có dính dáng đến tên Lê Hạo.

Lê Hạo mà biết tôi có qua lại với Cung vương chắc chẳng vui vẻ gì đâu!

"Vì sao... điện hạ..."

Vương gia mỉm cười. Nụ cười nửa miệng có chút gì đó... cô độc và thê lương?

"Chuyện hoàng đệ biết, ta đều muốn biết."

Theo lời vương gia, chuyện bê bối của Phạm Tất đã trực tiếp đến tai thánh thượng, biến nó thành một cuộc thanh trừng quan lại trong triều và ở các đơn vị hành chính cấp dưới. Lê Tư Thành đã làm ầm lên trong buổi thiết triều, doạ cho mọi người một phen hoảng vía và lệnh cho Ngự Sự Đài chuẩn bị lên kế hoạch soạn thảo một bộ luật mới phòng chống nạn tham nhũng.

Nghe tin hoàng đế Đại Việt biết tường tận về vụ án, ruột gan tôi không hiểu sao lại quặn đau. Lê Tư Thành làm cách nào để biết chuyện này? Biết khi nào? Và biết những gì? Thông tin chính xác hay bị sai lệch? Đáng ra tôi phải vui mừng mới phải, vì cuối cùng hoàng đế đã chú ý đến mình, vậy mà cảm giác bất an cứ lấp ló đằng sau tâm trí, không thể nào rũ khỏi. Thật là kì lạ! Chẳng lẽ linh cảm tôi đang mách bảo thứ gì?

"Đừng sợ," anh ta giơ bàn tay lên, "Cô gia đảm bảo, chuyện của ngươi sẽ không thể ra khỏi căn phòng này. Nhất ngôn cửu đỉnh[1]."

"Nếu điện hạ đã nói như vậy..."

Thế là tôi kể tuốt tuồn tuột, từ chuyện gặp nạn ở Côn Sơn đến giây phút rời khỏi huyện Gia Định. Anh ta im lặng ngồi nghe. Đến đoạn tôi ném rơm ướt vào tên lính canh và phun máu vào mặt tên Lê Ngỗi, Cung vương che quạt mo quá nửa khuôn mặt và cười run hai bả vai. Còn đến phân đoạn Lê Hạo xuất hiện, mắt anh ta loé lên thứ gì đó khó hiểu.

Tôi có hỏi Lê Hạo là ai thì chỉ nhận được cái lắc đầu buồn bã.

"Chưa đến lúc. Nếu người ấy đã cố tình che giấu thân phận với ngươi thì ngay cả ta cũng không thể làm gì được."

"Nhưng mà..."

"Một khi họ muốn tiết lộ thì chính họ sẽ nói cho ngươi biết."

Cuối cùng, anh ta bất ngờ hỏi ý kiến của tôi về chế độ lập pháp, hành pháp của các đơn vị như phủ, trấn, huyện, châu, xã, và vấn nạn quan lại tham nhũng ở Đại Việt. Với chút kiến thức còn sót lại của bộ môn "Nhà nước và Chính trị Mỹ"[2], tôi có thể trả lời khá trôi chảy các câu hỏi của anh (hoặc ít nhất là múa rìu qua mắt thợ).

"Thưa điện hạ, Duy An mạo muội nghĩ, thật ra quan tham thì đời nào cũng có, bởi đã là người thì sẽ có người ngay kẻ gian, người quân tử kẻ tiểu nhân. Con người ai cũng có lòng tham, tính sân, ý si. Sự vị kỷ là điều khó thể tránh khỏi. Đã vậy, những người tài thường lắm tật xấu, giống như tên tri huyện Phạm Tất kia." Tôi hít một hơi thật sâu,"Tham nhũng vốn đã ăn sâu vào gốc rễ, quan lại từ trên xuống dưới, nếu ai có công tư phân minh thì sẽ dễ bị ghen ghét, đố kị, thậm chí là bị hãm hại, giống như ngài huyện thừa họ Trịnh trong án lần trước."

"Ngươi nói... quả không sai."

"Duy An chỉ là kẻ bên ngoài, nay muốn góp vào chút ý kiến thu nhặt được từ kinh nghiệm bản thân, mong điện hạ cho phép ạ."

Cung vương gật đầu và xoè bàn tay, ra hiệu cho tôi nói tiếp.

"Trước hết, muốn phòng ngừa vấn nạn tham nhũng, quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận quan lại cần phải được phân chia rõ ràng, minh bạch, công bằng. Ví dụ như ở huyện, tri huyện và huyện thừa nên có quyền lực như nhau, được giám sát lẫn nhau. Trịnh Viêm và Phạm Tất, vì quyền hạn phân chia không rõ ràng mà xảy ra nhiều mâu thuẫn, dẫn đến việc hành pháp kém hiệu quả."

Anh ta có vẻ cân nhắc đến lời của tôi. Tay phải chống cằm, cả người ngả về trước.

Tôi giơ ngón tay lên, "Thứ hai, chế độ lương bổng cho quan lại nên được tính toán hợp lý, phù hợp với công sức của từng người. Việc nặng lương cao, việc nhẹ lương thấp. Người lập công trạng, hoặc đơn giản là làm tốt công việc, chỉ tiêu hằng năm sẽ được cấp thêm bổng lộc. Người vi phạm, sau khi cảnh báo vẫn không sửa đổi sẽ bị cắt bổng lộc. Một số quan lại tham nhũng vì đồng lương quá ít ỏi, không đáng với công sức họ đã bỏ ra. Chẳng trách họ sẽ biến việc công thành tư, giống như ban đầu tên Phạm Tất đã nhận tiền của Lê Ngỗi để lo đám cho cha mẹ hắn."

Cung vương nhướn mày, ngạc nhiên trước thông tin này.

"Thứ ba, điều này có vẻ kì lạ, nhưng Duy An thiết nghĩ, triều đình không nên phân bổ quan lại vào vị trí ở tại chính quê hương mình. Phạm Tất khi về làm quan đã gầy dựng mạng lưới quan hệ xã hội rộng rãi, gia đình vợ hắn là nhà điền chủ, lại quen biết tên Lê Ngỗi, cháu của Thái uý. Phạm Tất có gia thế hiển hách như vậy, hỏi sao hắn không tác oai tác quái, làm tình làm tội người dân trong huyện?"

"Thế ngươi có cao kiến gì chăng?"

"Thưa điện hạ, tham nhũng luôn cần được nghiêm trị để lấy làm răn đe, phải đảm bảo tuyệt đối không có trường hợp tái phạm." Tôi trừng mắt,"Tịch thu tài sản sung công quỹ, rồi dựa vào quan phẩm mà xử phạt: biếm, xuy, trượng, đồ, lưu, tử.[3] Ngoài ra, để cho công bình, dân thường cũng có quyền tố cáo quan lại tham nhũng, sẽ được trọng thưởng. Kẻ biết mà cố tình che giấu sẽ bị xử phạt tương ứng."

Phù! Xong rồi! Nói chuyện chính trị thiệt là nhức cái đầu. Tôi không ngại bàn luận việc nước với vương gia, vì nó cũng là cách tôi gián tiếp trút bầu tâm sự, những chuyện tôi không thể nào chia sẻ với hai thằng bạn. Andrey và Nick không hề có hứng thú với ngành luật, dù tôi biết Andrey thừa sức làm luật sư hoặc chính trị gia.

Đang nghĩ lan man, tôi quên mất trong phòng còn một người nữa. Cung vương vẫn đang kiên nhẫn chờ tôi nói tiếp.

"H-hết rồi ạ. Đó là những ý kiến của Duy An. Nếu có gì không phải, xin điện hạ hãy bỏ qua cho."

"Duy An, rốt cuộc thì ngươi là ai?"

Câu nói thật khẽ. Nó giống như một câu trần thuật, một lời khẳng định hơn là một câu hỏi. Phạm Tất và Lê Hạo đã từng hỏi tôi hệt như vậy, mỗi người một sắc thái. Phạm Tất là sự ngán ngẩm thì Lê Hạo là sự thách thức. Còn vị vương gia này, câu nói của anh mang theo hàm ý tán thưởng lẫn sự ngưỡng mộ, làm tôi đỏ mặt quay chỗ khác.

Ọt ọt...

Cung vương lại bật cười, làm tôi càng ngượng chín mặt.

"Chúng ta sẽ ra ngoài." Anh ta đứng dậy, làm tôi luống cuống đứng lên theo."Để cô gia mời ngươi một bữa cơm."

***

Bọn tôi đi ra từ cửa sau, băng qua lối mòn rợp bóng trúc đến một nhà nghỉ chân ven bờ hồ sen. Vị thái giám chờ sẵn ngay cửa đã được lệnh chuẩn bị cơm trưa và trà bánh. Tôi định lên tiếng từ chối thì bị cái liếc mắt của vương gia làm cho nín bặt. Thôi kệ, có dịp được thưởng thức tài nấu ăn của ngự trù phòng thì không nên bỏ lỡ. Nick sẽ mắng tôi nếu cậu biết điều này.

"Duy An à, ngươi thích ăn món gì?"

"Được dùng bữa cùng với điện hạ đã là vinh hạnh của Duy An rồi ạ."

Thật ra tôi đang thèm món rau rừng luộc chấm chao ở chùa Côn Sơn cơ, nhưng nếu nói ra chắc sẽ bị cười cho thối mũi mất.

May mắn là nhà bếp đã làm món cá trắm hấp gừng đúng theo yêu cầu. Vừa dâng dĩa cá nóng hổi lên bàn, kèm theo các loại rau sống, dưa chua, cơm trắng và canh súp, đôi mắt của Cung vương đã sáng rỡ như hai cái đèn dầu trong đêm.

"Cá trắm cỏ này vị ngọt, tính bình, nếu biết cách chế biến sẽ rất nên thuốc. Đây chính là món khoái khẩu của ta." Cung vương thấy tôi đứng đực ra đó thì vẫy tay ra hiệu. "Mau ngồi xuống đi!"

"Nhưng..."

Tôi nghe nói ngồi ăn chung bàn với hoàng thất là tội phạm thượng đó! Người ngoài mà bắt gặp thì tôi chỉ có mà đi đời.

"Ở đây chỉ có ngươi và ta. Chẳng lẽ ngươi dám cãi lệnh?"

Ấy! Tôi nào dám!

Tôi ngoan ngoãn ngậm chặt miệng và thả người xuống ghế, đối diện với vị vương gia. Không biết một bữa ăn trong hoàng cung thường có những bước gì? Có phải tôi nên chờ anh ta ăn trước rồi mới được cầm đũa? Đồ ăn của vương gia có cần phải thử độc trước hay không?

"Chuyện gì thế?"

"Thưa điện hạ, thật ra con cá trắm này chính là quà của bác Đình Lễ gửi tặng điện hạ đấy ạ."

"Đình Lễ ư?" Khoé miệng anh ta lại nhếch lên. "Viên ngoại lang quả là người chu đáo. Ngươi hãy gửi lời cảm tạ của ta... Đã lâu như vậy... Nếu có dịp, ta nhất định sẽ đến làng Võng Thị thăm ông ấy."

"Duy An sẽ chuyển lời giúp điện hạ. Bác Đình Lễ chắc chắn sẽ rất vui vì được điện hạ nhớ đến."

"Làm sao cô gia có thể quên được ơn của ngài ấy đối với mình?" Ánh mắt Cung vương bỗng dưng xa xăm. "Phàm là vương gia một nước, ấy thế mà... ta chưa thể làm tròn chữ 'nghĩa' với chính ân sư của mình..."

Vậy là linh cảm của tôi đã đúng. Rõ ràng hai người họ có quen thân từ trước. Chắc chắn là có cả một câu chuyện dài đằng sau nụ cười mỉm chi và ánh mắt hoài niệm kia. Mối quan hệ này còn hơn mối quan hệ quân-thần thông thường. Nó giống như là... tình cảm của một người thầy đã nghỉ hưu và một người học trò cũ (trừ việc học trò cũng là sếp của thầy).

"Xin điện hạ đừng quá lo lắng. Bác Đình Lễ chắc chắn thấu hiểu tấm lòng của điện hạ." Tôi chần chừ một chút rồi nói thêm,"Bác ấy luôn nói những lời tốt đẹp khi nhắc đến điện hạ đấy ạ."

Cảm nhận tâm trạng day dứt của người đối diện, tôi đánh lạc hướng anh bằng những món ăn hấp dẫn trên bàn. Bọn tôi ăn trưa trong bầu không khí yên ắng nhưng không hề ngượng ngập. Tôi hỏi anh ta về các loại cá trắm, cách phân biệt nó với cá chép và cách dùng mật cá làm thuốc. Ngược lại, anh ta hỏi tôi về ẩm thực phương Tây và những chuyện hay ho ngoài đất Đại Việt (làm tôi tha hồ kể về các triều đại phong kiến trên thế giới).

Đến gần cuối bữa ăn, anh chàng bỗng phang một câu làm tôi giật thon thót, "Cô gia có nghe nói, vị 'Hy Lạp Hoạ Gia' kia có đôi mắt xanh lục rất khác người. Hắn còn biết dùng bùa chú và ma thuật. Có thật thế không?"

"Điện hạ!" Mặt xanh rờn, tôi lắc đầu lia lịa và nói nhanh luôn."Xin anh đừng nghe thiên hạ đồn đoán bậy bạ. Bằng hữu của Duy An thật sự không hề biết ma thuật."

"Có người đã chứng kiến hắn biến ra một vật từ sau vành tai, rồi trong nháy mắt hoá phép nó trở thành thinh không..."

Đậu phụ dồn thịt mày Nick à! Tôi chửi thầm. Đã dặn là không được giở trò ảo thuật ra mà!

"Cái đó... cái đó... ờm... là, là ảo thuật, là những thủ thuật đánh lừa thị giác thôi ạ. Không phải ma thuật đâu!"

"Thế còn đôi mắt kia?"

"Đó là do bẩm sinh thôi ạ. Tuy cậu ta có nước da ngăm đen của người Phi châu, nhưng đôi mắt xanh là của người Âu lục. Bên xứ ấy, mắt xanh là chuyện hoàn toàn bình thường."

Dường như Cung vương vẫn chưa thoả mãn trước câu trả lời của tôi, nhưng thấy thằng nhỏ này gần như ngất xỉu đến nơi nên anh đành cho qua. Đến lúc này tôi mới nhận ra hai chuyện. Thứ nhất, vì lén lút bọn tôi đi biểu diễn ảo thuật nên Nick sẽ không được chấm mút miếng đồ ăn nào ở đây. Thứ hai, tôi vừa mới phạm thượng, dám gọi Cung vương là "anh".

Giờ nên im lặng cho qua chuyện hay nên xin lỗi nhỉ?

Thôi! Tốt nhất vẫn là nên im lặng. Im lặng là vàng.

Nhưng im lặng thôi chưa đủ. Tôi cần phải đánh lạc hướng anh ta, tránh thật xa cái đề tài nhạy cảm kia. Mắt đảo quanh hồ nước phía sau lưng, đầu tôi dần le lói lên thứ ý tưởng táo bạo.

Nước... Lá sen nổi trên mặt nước...

Nước thì như thế nào nhỉ?

"Thưa điện hạ, Duy An từ nhỏ đã chu du khắp nơi, bốn bể năm châu đều là nhà. Trong những chuyến đi ấy, Duy An đã học được rất nhiều điều thú vị. Nếu điện hạ không ngại, Duy An muốn chia sẻ một vài hiện tượng về... vật lý, có được không ạ?"

"Vật lý à?"

"Vật lý là... một môn học, liên quan đến sự nghiên cứu về vật chất, năng lượng và chuyển động của chúng trong không gian." Tôi dang hai tay, giải thích. Sẵn có một cái chậu sứ nhỏ gần đó, tôi múc nước từ trong hồ và đặt nó lên bàn. Rồi tôi móc xâu tiền từ trong túi và lấy ra ba đồng xu. "Tiền này làm từ đồng, là một thứ kim loại có trọng lượng lớn. Khi thả nó vào nước, lập tức nó sẽ chìm xuống đáy chậu."

"Đó là lẽ đương nhiên."

"Nhưng nếu Duy An nói, chúng ta có thể làm đồng tiền này nổi lên mặt nước, điện hạ nghĩ thế nào?"

Cung vương nhướn một lông mày nhưng không nói gì. Anh ta đứng phắt dậy và tiến lại gần chỗ tôi, cúi đầu xem xét đồng tiền trong chậu. Tôi đứng đó, kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời. Anh ta có cầm đồng tiền và thử thả xuống vài lần. Tất cả đều thất bại.

Đến lượt tôi thử sức. Một lần, hai lần, ba lần. Kết quả đều như nhau. Đồng tiền vẫn lì lợm không chịu nổi lên.

"Được rồi. Ta chịu." Cung vương lắc đầu cười.

"Thật ra câu trả lời rất đơn giản!" Nhặt lấy một cuống lá khô dưới đất, tôi đặt đồng tiền lên và nhẹ nhàng, từ tốn thả nó trên mặt nước. Trước sự kinh ngạc của anh ta, đồng tiền giờ đây trôi lềnh bềnh trong chậu. Tôi tiếp tục làm thế với vài đồng tiền nữa. "Nước có một đặc tính, đó là sự liên kết giữa các phân tử, tạo nên sức căng trên bề mặt. Đồng tuy nặng gấp nhiều lần so với nước, nhưng nếu ta tạo thời gian cho nó tiếp xúc với bề mặt của nước, thì các hạt nước bên dưới sẽ liên kết thành một lớp màn mỏng, khiến đồng tiền không thể chìm xuống đáy chậu."

Dù nhìn tôi như người ngoài hành tinh, Cung vương vẫn cười toe toét và thốt lên, "Thật kì diệu!"

Tôi để anh ta làm thử, đến lần thứ tư thì thành công. Vương gia lúc này như một đứa trẻ lần đầu khám phá thế giới bên ngoài. Một thí nghiệm đơn giản đã khiến anh thích thú đến vậy. Nếu anh ta có hứng thú với khoa học thì gặp tên mọt sách Andrey là vừa chuẩn.

Cao hứng, tôi làm thêm một thí nghiệm nữa – sự tĩnh điện do cọ xát, khiến chiếc đũa sau khi chà vào vạt áo sẽ hút được các mẩu lá khô. Tôi giải thích hiện tượng này bằng cách liên tưởng đến các đốm sáng xuất hiện khi cởi lớp áo lông vào ngày mùa đông.

"Những thứ này, hệt như ma thuật..."

"Nhưng tất cả đều là những hiện tượng xảy ra trong tự nhiên." Tôi xoè hai bàn tay ra."Mọi thứ vật chất hoạt động dựa trên nguyên lý của chúng. Đó là vật lý."

May là tôi chỉ còn nhớ sơ sơ mấy cái thí nghiệm đơn giản thời cấp hai. Lên trung học, vật lý khó quá, tôi học không nổi nên đã bỏ dở vào năm thứ hai. Chỉ có Andrey là kiên trì theo đến cùng.

Đợi ăn uống và thí nghiệm xong xuôi, Cung vương ra lệnh người hầu dọn dẹp và tiếp tục bày bánh trái lên bàn. Bọn tôi lại tiếp tục vừa ăn bánh uống trà, vừa tám đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Từ thiên văn học, địa lý, triết học của Nho giáo và Phật giáo (mấy môn này tôi dốt đặc), cho đến văn học, nghệ thuật kịch nói dân gian và âm nhạc (mấy môn này tôi cũng hơi dốt, có điều vẫn bốc phét được). Có mấy lần anh ta muốn hỏi tôi điều gì, nhưng vừa mở miệng hỏi đã nhanh chóng lái qua chủ đề khác.

Trà đã cạn bình. Bánh đã sạch dĩa. Đã đến lúc tôi nên ra về.

"Thưa điện hạ," tôi cúi đầu,"Duy An xin phép..."

Cung vương thở hắt ra. Nụ cười vẫn nở trên môi, thế mà ánh mắt sao lại có chút gì buồn bã và cam chịu.

"Cô gia biết rồi. Ngươi đến đây, cốt để xin ta một ân huệ."

Tôi há hốc. Sao anh ta lại biết chuyện này? Nãy giờ tôi có nói gì đâu? Anh ta mà không nhắc chắc tôi cũng quên luôn mục đích của mình rồi.

"Tại... tại sao..."

"Nói đi! Để xem, cô gia có thể giúp được gì cho ngươi."

Bác Đình Lễ khen vương gia khôn ngoan và nhạy bén quả thật không sai. Tôi nhận ra các thành viên trong hoàng tộc đều có đặc điểm này. Họ có thể đọc và đoán được tâm tư của người khác, một kĩ năng cơ bản để sinh tồn trong chốn thâm cung khắc nghiệt.

Vậy là anh ta nghĩ tôi đến đây vốn chỉ để nhờ vả thôi sao? Anh nghĩ tôi là con người chỉ biết sử dụng các mối quan hệ để trục lợi cho bản thân ư? Ừ thì, đó là ý định ban đầu của tôi, nhưng từ khi biết được con người thật đằng sau lớp vỏ bọc xa cách kia, tôi thật sự muốn làm bạn với anh.

Thảo nào xung quanh anh luôn toát nên vẻ cô đơn. Tim tôi nhói lên một cái, tự trách bản thân mình sao vô tâm quá. Giờ mà nói ra chuyện nhờ vả thì chẳng khác nào khẳng định niềm tin của vương gia.

Cung vương, tôi xin lỗi anh. Tôi chỉ muốn nhờ anh lần này thôi. Lần sau, anh có nhờ chuyện gì thì tôi cũng sẽ cố gắng giúp đỡ. Tôi hứa với anh, nếu cần, tôi sẽ là một người bạn tốt của anh.

"Thật ra, Duy An chỉ muốn... ờm... điện hạ giúp... để gặp được thánh thượng..."

"Ngươi muốn gặp em trai ta?"

"Mong điện hạ giúp đỡ cho Duy An lần này thôi. Duy An cũng không dám làm phiền điện hạ, chỉ là không còn cách nào khác..."

Khuôn mặt của Cung vương không hề đổi sắc, chỉ có đôi mắt là nheo lại, như đang tính toán điều gì. Tôi nín thở.

"Lý do ngươi muốn gặp thánh thượng, cô gia cũng đã biết phần nào... Dạo này chú ấy khá bận rộn, nay đây mai đó... Được rồi, ngươi cứ để chuyện đấy cho ta."

Tôi thở phào. "Tạ ơn điện hạ."

"Duy An. Ngươi sinh năm nào thế?"

Sao tự dưng anh ta lại hỏi vậy?

"Thưa, Duy An sinh vào năm... Quý Hợi, là... ờm... là Thái Hoà năm thứ nhất[4] ạ."

Cung vương bỗng cười híp mắt. "Tên Lê Hạo để ngươi gọi hắn là 'anh' à?"

Chết tiệt! Anh ta còn nhớ vụ danh xưng phạm thượng kia!

"V-vâng ạ."

"Thật thú vị. Vậy thì ngươi cũng có thể gọi ta là 'anh'," vương gia nhún vai, "Nếu hắn là Lê Hạo, thì ta cũng nên có một bí danh chứ nhỉ?"

Anh ta đang nói chuyện gì vậy? Sao tôi không hiểu gì cả?

"Người đâu? Mau lấy cho ta bút mực." Rồi anh chỉ vào cây quạt giấy màu trắng trên tay tôi."Phiền ngươi để ta viết vài chữ lên cây quạt kia, được chứ?"

Vương gia viết lên hai câu, trông như một cặp vế đối, hoặc là hai câu thơ.

[大任有歸天啓聖
昌期一遇虎生風][5]

Chờ mực khô, tôi cầm lên và đọc thử, chỉ nhận ra một số chữ đơn giản.

"...Phong?"

"Từ bây giờ," Cung vương nháy mắt,"đối với ngươi, ta là Lê Phong."

"Lê Phong?" Tôi vô thức lặp lại, cảm thấy mình ngu đi hơn phân nửa.

"Khi nào có tin, ta lập tức sẽ cho người gửi thư đến cho ngươi."

"Tạ ơn điện..."

"E hèm!"

"Đa tạ, Phong. Duy An đã làm phiền anh nhiều rồi."

Đến lúc tôi phải ra về. Trước khi rời khỏi phủ, Cung vương, ý lộn, Lê Phong có tặng tôi một cây quạt quý bằng ngà voi và gửi cho tên Bính Ngạn một xâu tiền, coi như đã dành thời gian ra dẫn đường cho tôi từ sáng đến chiều.

"Duy An xin cáo từ."

Trước những cặp mắt chữ A và những cái miệng chữ O của người hầu trong phủ, tôi đã làm một việc tày trời. Đó là đứng khựng lại, xoay người, sải ba bước tới ôm chầm lấy vị vương gia và thì thầm, "Duy An hứa sẽ thường xuyên đến thăm anh. Gặp được anh là một niềm vinh dự rất lớn của Duy An."

Tôi càng ngạc nhiên hơn khi Lê Phong đặt tay lên vai tôi, "Ta cũng vậy."


Chú thích:
[1] Một lời nói nặng bằng chín đỉnh. Ý là sức nặng của lời nói cùa vương gia thì Pax nên lấy nó làm trọng. Đỉnh là khí cụ dùng để thờ cúng thần linh và tổ tiên, có điển tích từ thời nước Hạ, chia đất nước thành 9 châu:Ký, Duyện, Thanh, Kinh, Dương, Lương, Ung, Từ, Dự. Sau khi trị thuỷ, họ cho thu thập đồng ở các châu, luyện thành Cửu đỉnh (9 đỉnh), trên mỗi đỉnh khắc núi sông, con người cảnh vật, đặc sản... của mỗi châu. Chín chiếc đỉnh tượng trưng cho 9 châu, cũng có nghĩa là thiên hạ.
[2] 'Advanced Placement (AP) United States Government and Politics' là một trong những khoá học nâng cao, cấp độ đại học được học ở trung học Mỹ. Pax được xếp loại Khá Giỏi ở môn này và có ý định theo ngành Quan hệ Quốc tế ở đại học.
[3] Các loại hình phạt phổ biến thời phong kiến. Biếm là giáng chức, xuy và trượng là đánh roi, đồ là lao động khổ sai, lưu là lưu đày, tử là tử hình.
[4] Năm 1443. Thái Hoà là niên hiệu của vua Lê Nhân Tông. Lê Tư Thành cố tình để Pax gọi mình là anh vì lớn hơn Pax 1 tuổi.
[5] Trích hai câu thơ trong bài "Đề Kiếm" của Nguyễn Trãi. Dịch ra phiên âm là: Đại nhiệm hữu quy thiên khải thánh/Xương kỳ nhất ngộ hổ sinh phong. Nghĩa là: Khi gánh nặng trao về một người thì trời sẽ báo cho thánh nhân biết/Khi đời thịnh được gặp thì hổ sinh ra gió. Ý của Nguyễn Trãi là trời báo cho Lê Lợi về việc cứu nước, thì ý của Lê Khắc Xương là trời sẽ báo cho Duy An biết về gánh nặng cứu lấy gia tộc họ Nguyễn. Hổ sinh ra gió lấy ý của quẻ Càn trong kinh Dịch: "Vân tùng long, phong tùng hổ." Ở đây Khắc Xương cũng có gợi ý cho Duy An về thân phận và tên thật, vì trong câu thơ vừa có chữ "Xương" trong huý của mình, vừa có chữ "Hổ" trong huý của ông ngoại mình, Bùi Cầm Hổ, người làm Tham tri chính sự và Đồng tri Tây đạo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top