Chương 36: Đọc Chữ

Bước vào bóng râm của căn nhà tranh, tôi cảm giác như mình bị say nắng, đầu óc quay cuồng, chân đi loạng choạng. Nhác thấy khuôn mặt mệt mỏi và thái độ chần chừ của tôi, Tạc Tổ có hơi khựng lại, nhưng cánh tay vẫn kéo áo tôi vào sâu trong nhà.

Thầy đồ Lê Đạt là một người khoảng độ bốn mươi. Cao, gầy và đang say quắc cần câu. Tôi đoán thế, bởi mặt thầy đang đỏ bừng bừng sau bộ râu dài, và một tay đang hươ hươ một bình rượu gốm, tay kia phe phẩy quạt. Thầy quấn khăn trên đầu, vận áo giao lĩnh màu đen, ngồi xếp bằng trên phản. Xung quanh đặt mấy chén rượu nhỏ và một mẩu giấy ghi chi chít chữ.

Vừa đến trước mặt thầy, tôi cúi người, chắp tay cung kính, "Con kính lạy thầy ạ."

"Quan trường truân chuyên," thầy xoay quạt một vòng, rồi chĩa nó vào người tôi, giọng lè nhè, "vạn dặm khổ."

Tôi giật bắn. Vừa nghe đến chữ "quan" là não tôi lập tức chuyển qua cảnh giác cao độ. Quan nào? Ở đâu? Đến bắt tôi nữa hả?

Từ phía sau, Tạc Tổ chọt chọt vào lưng tôi. Tôi liếc cậu thì bắt gặp một cái nháy mắt.

Ồ, hình như đây lại là một câu đối! (Đó là lý do tôi không thích gặp các nhà nho phong kiến.)

Thầy Lê Đạt muốn nói gì thế nhỉ?

Quan trường thì đương nhiên phải đầy sự truân chuyên rồi! Một đứa như tôi chẳng ham muốn quyền cao chức trọng gì đâu! Nghiệp quan thời xưa khổ lắm, khổ gấp trăm ngàn lần quan chức chính phủ thời hiện đại (trừ mấy ông quan tham như Phạm Tất). Người ta hay nói, "gần vua như gần cọp", lạng quạng một phát thôi cũng đủ bị cọp chúa táp cho vài cái. Nhẹ thì bị bầm mông hoặc cách chức, nặng thì bay luôn cái đầu. Đã vậy còn phải kéo bè kéo cánh, thiết lập quan hệ xã hội, gầy dựng chỗ đứng cho vững trong chốn quan trường bon chen. Theo tôi, thầy Lê Đạt nói đường công danh "vạn dặm khổ" vẫn còn nhẹ chán!

Rồi tôi lại nhớ về Cung vương, anh chàng vương gia tốt bụng, người đã một mực từ chối ngôi báu và nhường lại cho em trai mình, dù biết bản thân hoàn toàn có thể làm bá chủ một phương trời Nam. Chắc cậu ta biết rằng, nghiệp hoàng đế cũng bạc bẽo không kém gì nghiệp làm quan. Dù được đủ thứ đặc quyền của bậc đế vương, vua là công việc không lương căng thẳng nhất trong tất cả các ngành nghề: luôn phải đa nghi 24/7, ai có mầm mống phản loạn là phải nhổ cỏ tận gốc, rồi lại phải đau đầu nghĩ về việc triều chính, duyệt mớ tấu chương cao hơn cả đầu mình; bên trong đối phó với lũ quan lại và mấy bà phi tần, bên ngoài phải có chính sách đối đãi với dân chúng và các nước lân bang, chầu nước lớn, bảo hộ nước nhỏ, và tệ hơn cả là chống giặc ngoại xâm. Là hoàng đế tốt thì không nói làm gì, nhưng lỡ không may phạm sai lầm, bị mấy nhà sử gia ghi chép lại, rồi bị con cháu oán trách, phỉ báng. Lại bị vấy vào thứ ô danh muôn đời sau!

Bi kịch! Đây mới đúng là bi kịch!

"Đế... đế nghiệp khắc khoải," tôi lắp bắp, "thiên niên sầu."

Thầy Lê Đạt suýt chút nữa đã đánh rơi bình gốm. Ông như tỉnh rượu hẳn, ngồi thẳng lên, đôi mắt lờ đờ nay mở to ra nhìn tôi. Cạnh bên, Tạc Tổ há hốc.

Tôi đã nói gì không phải nữa hả?

"Con là Duy An," tôi vội chữa cháy, "hôm nay được diện kiến thầy. Thật là vinh hạnh."

"Chà, có khí phách đấy! Tốt! Tốt lắm!" Thầy chỉ vào một chỗ trống trên phản cho hai đứa, rồi rót rượu ra mời. Dù rất muốn uống thử thứ rượu làm từ gạo nếp này, tôi sợ mình tửu lượng thấp nên đã lắc đầu từ chối. Tạc Tổ tò mò nhấp thử một ngụm, mặt nhăn như khỉ ăn ớt. Cậu không dám nuốt xuống, lại không dám nhổ ra, trông khổ sở đến tội nghiệp.

"Ta nghe nói các con muốn thi Hương, đúng chứ?"

"Thi Hương?" Tôi nghệt mặt ra, thật thà. "Nhưng tại sao con lại muốn thi Hương? Con đâu có biết chữ?"

Hai người trố mắt nhìn tôi, không nói nên lời. Không khí bỗng dưng im lặng đến đáng sợ. Chỉ còn tiếng chim kêu quang quác ngoài vườn.

"Chuyện gì thế?" Tôi hỏi, phá tan bầu không khí ngượng ngập,"Thầy ơi, con thật sự không biết chữ mà!"

"Nhưng... nhưng rõ ràng là..." Tạc Tổ mấp máy. "Rõ ràng là..."

"Sao cậu bé này lại nói con biết chữ? Đã thế còn văn võ song toàn?" Thầy bất thình lình chồm người tới, làm đổ hết hai chén rượu. Đôi mắt thông thái giờ đã đỏ quạch, thận trọng đánh giá bộ mặt thành khẩn hết chỗ nói của tôi.

Hic! Oan cho tôi quá! Văn võ song toàn gì chứ? Võ thì tôi còn không đến nỗi vô dụng, chứ văn thì phải nói là tôi dốt đặc cán mai, dốt dài cán cuốc! Ngay khi còn ở trường, tôi né môn Văn hơn né hủi, và rất ghét khi phải è cổ ra làm mấy bài luận phân tích văn học (dù các tác phẩm kinh điển tôi đã có đọc qua).

Về thời phong kiến, một chữ bẻ đôi tôi còn không biết, chứ nói gì đến đọc sách thánh hiền! Khổ nỗi, tôi không thể huỵch toẹt ra mình biết chữ quốc ngữ hiện đại, là phiên âm tiếng Việt được các nhà truyền giáo thế kỉ XVII ghi chép lại bằng chữ Latinh. Nhưng chữ quốc ngữ chỉ được lan truyền rộng rãi từ thời Pháp thuộc thôi à!

"Thưa thầy, con vốn sống phiêu bạt giang hồ, ý nhầm, phiêu bạt trên những con thuyền buôn ngoại quốc, chưa thể có cơ hội học chữ," tôi nói, mặt ngoài tươi cười nhưng trong lòng thầm mắng tên Tạc Tổ nhiều chuyện. Sao đi đâu cậu ta cũng rêu rao quảng cáo "thanh danh" của tôi hết vậy cà?

"Thế à?"

Không hiểu sao tôi tự động bồi thêm, "Tuy mù chữ, nhưng... nhưng con có phước lớn, từ nhỏ đã là đệ tử của môn phái Tây Sơn Võ Đạo, cho nên... nên đánh võ cũng tạm ổn ạ..."

"Duy An à, xin cậu đừng giấu nữa!"Tạc Tổ mím môi, mặt mày bắt đầu đỏ lên như thầy Lê Đạt. "Trong phiên xử, chính cậu đã đọc lên một đoạn của 'Bình Ngô Đại Cáo'..."

"Trời đất! Tôi thật không biết gì hết mà!" Tôi lắc đầu, trong thân tâm muốn gào toáng lên, may sao âm thanh trong cổ họng đã tốp lại kịp. "Tạc Tổ, xin cậu đừng nói oan cho tôi. Tôi vốn đã không được sáng dạ, cả đời này dù bổ đôi cái đầu cũng không thể nào học chữ Hán và chữ Nôm được đâu!"

"Cậu..."

Mặt Tạc Tổ lúc này giống hệt như thằng anh trai bị thằng em mất nết quậy tưng lên rồi trắng trợn đổ thừa. Đó là khuôn mặt của một kẻ oan ức nhưng không thể nào biện hộ.

Thầy Lê Đạt lặng lẽ ngồi uống rượu và quan sát hai đứa nhỏ đốp chát. Cuối cùng, thầy lấy ra từ đâu một tờ giấy, bút và mực.

"Đây là chữ gì?"

Chữ thứ nhất có hình như một người đứng giữa cái giá móc áo và cái tủ sách. [惟]

Tôi lắc đầu.

Chữ thứ hai như một người đang chạy, đầu đội cái mâm úp ngược. [安]

Tôi lại lắc đầu, dù trong thâm tâm có cảm giác mình nên biết hai chữ này.

"Dạ thưa, con không biết ạ."

Trông Tạc Tổ lúc này đã như muốn độn thổ. Cậu đưa hai tay ôm mặt, xong lại vò xù hết mái đầu, khiến phần tóc chẻ giữa bị dựng đứng lên.

"Đây là tên con mà con không đọc được ư?"

"Thưa thầy, con hoàn toàn không biết đây là hai chữ gì!" Tôi lí nhí nói thêm, "Thật ra... thật ra con còn không biết cách đối đáp thế nào. Lúc nãy là do con ăn may thôi ạ."

"Giời đất, cái thằng nhóc này!" Tôi rúm người lại, nhưng người chịu trận lại là Tạc Tổ. Cậu bị thầy kí tay lên trán. "Là em trai của chú mày mà lại không biết gì cả."

"Em trai?" Tôi ngẩn người ra.

"Con... con xin lỗi thầy ạ." Cậu lấy tay xoa xoa trán, mặt nhăn hơn cái bị. "Con đã hồ đồ, xin thầy hãy trách phạt."

Thầy Lê Đạt vuốt chòm râu dài, nheo mắt nhìn bọn tôi chừng khoảng ba giây, rồi phá lên cười khà khà. Ông rót đầy chén rượu, nhét vào tay Tạc Tổ và nâng chén của mình lên, nói sang sảng, "Thử nhật nhất kiến tương tiến tửu."

Tạc Tổ run run cầm chén rượu trong tay. Sau lần dại dột nếm thử thứ rượu mạnh, cậu đã từ chối uống nốt phần rượu còn lại. Nay bị người lớn mời rượu, đã vậy còn khuyến mãi thêm một vế đối, hỏi sao anh chàng không dở khóc dở cười.

"Nếu không đối được thì phải uống hết đấy nhá!"

"Vâng... vâng ạ."

Tạc Tổ liếc qua tôi, người đang ngồi phởn ra bên cạnh, hoàn toàn không hiểu gì về vế đối toàn âm Hán kia. Ánh mắt nheo nheo của cậu ngày thường trông vô hại thế, nay lại sắc lẹm, mang tính chất khủng bố tinh thần, như thể muốn nói, "Hôm nay cậu cố tình giấu tài, dối trá mà không biết ngượng, làm tôi đây bẽ mặt trước quý thầy. Quân tử báo thù mười năm chưa muộn! Duy An, cậu nhớ đấy!"

Một phút dài đằng đẵng trôi qua. Mặt Tạc Tổ tái đi một chút.

Hai phút trôi qua dài dằng dặc. Mặt Tạc Tổ sạm đi nhiều chút.

Đến phút thứ ba, dường như đã chịu không nổi áp lực, cậu cầm bình rượu lên, ngắm nghía và cao giọng đối lại, "Lãnh dạ cửu biệt ngọc hồ ngâm."[1]

"Giỏi! Giỏi lắm!" Thầy Lê Đạt vỗ tay một cái bốp, và cầm chén rượu lên nốc sạch. "Quả không hổ danh là con trai của ân sư."

Tạc Tổ đỏ mặt. Tôi bắt đầu cảm giác mình trở thành người ngoài cuộc.

"Chà! Đêm lạnh giã từ nghiệp quan, ta cùng nhau ngâm về bình rượu ngọc..." Thầy lảm nhảm. "Từ biệt... từ biệt... giá như..."

"Thầy ơi..."

Ông thầy đồ cầm lên bức thư kia, lắc đầu buồn bã.

"Phạm thị... Phạm phu nhân là người trọng tình trọng nghĩa. Ngày tai họa giáng xuống, ta không nỡ thấy chết không cứu." Lê Đạt giương đôi mắt đỏ hoe lên nhìn hai đứa tôi. "Vả lại, ta thân là học trò, cả đời chịu ân nghĩa như trời bể của cha con. Nay theo lẽ, ta sẽ giúp hai đứa con ôn luyện kinh sách, để sau này, công thành danh toại mà đem lại tiếng thơm cho dòng họ."

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Sao tôi không hiểu gì cả.

Thầy Lê Đạt xoay người và lảo đảo đi đến một kệ sách. Ông lấy ra hai cuốn sách dày cộm, một cuốn mỏng dính và một xấp giấy được đóng gáy cẩn thận.

"Duy An," ông đưa hết ba cuốn cho tôi,"ta tặng con bộ 'Binh Thư Yếu Lược' và 'Tôn Tử Binh Pháp' này. Còn Tạc Tổ," ông đưa xấp giấy cho cậu,"ta tặng lại cho con tập thơ khi xưa ân sư đã tặng cho ta. Khi về nhớ chăm chỉ học tập, có gì không hiểu cứ đến đây hỏi ta; và nhớ dạy chữ cho em nó, nghe không?"

"Dạ vâng ạ."

Dù bối rối, tôi cũng bắt chước cậu bạn, cúi đầu cảm tạ thầy. Ông ngồi xuống phản, mỉm cười nhìn hai đứa nhóc đang đứng trước mặt mình.

Và trông giây phút ngắn ngủi ấy, tôi bỗng chợt nhận ra, rằng hai đứa bọn tôi giống nhau đến lạ. Tạc Tổ và tôi đều cao vừa tầm, đều da trắng, trán cao, mắt hai mí và tóc rễ tre chẻ ngôi giữa. Trong bộ áo giao lĩnh nâu rộng thùng thình, bốn cánh tay ốm nhách đang ôm chặt lấy mấy cuốn sách. Nếu tinh ý, người ngoài sẽ nghĩ bọn tôi là hai anh em ruột thịt.

Chắc vì thế mà thầy nghĩ tôi và Tạc Tổ có quan hệ huyết thống. Mà cái cậu bạn này cũng thật là, chả thèm đính chính gì cả!

"Chúng con xin phép ạ! Thầy ở lại mạnh khoẻ ạ."

Thầy Lê Đạt lại mỉm cười, giọng nghèn nghẹn, "Các con nhớ bảo trọng."

Lùi bước ra ngoài, tôi bỗng cảm thấy lòng mình sao thật hụt hẫng, như thể tôi bị khoét một lỗ to đùng ngay giữa ngực.

Như thể tôi đã quên mất một chuyện quan trọng.

Chuyện gì vậy ta?

Không hiểu sao đôi chân tôi lại vô thức bước vào trong nhà lần nữa. Khi vừa ngước lên tìm thầy, tôi liền đứng chết lặng.

Ngồi xếp bằng trên tấm phản lớn, bóng người gầy gò của thầy đang run lên bần bật. Hai dòng lệ chảy ra khỏi đôi mắt nhắm nghiền, nhỏ thành từng giọt xuống chén rượu nồng say.

***

Lúc này đã vào khoảng canh giờ Mùi, bọn tôi cưỡi ngựa trở về quán ăn nọ (quán mà bọn tôi được miễn phí vô thời hạn) để ăn trưa. Trong góc khuất, ngồi trên những cái ghế gỗ nhỏ xíu, mấy thằng nhóc ăn như bị bỏ đói lâu ngày. Hai người kia gọi bốn tô mỳ to và gắp đũa lia lịa, trong khi đó tôi phải ấm ức húp món cháo trắng và bánh quẩy.

Thật ra thì sau cảnh tượng kia ở nhà thầy, tôi chẳng còn bụng dạ gì để ăn nữa. Thứ cảm xúc hụt hẫng ấy đã nay lan khắp cơ thể, làm đầu óc tôi mụ mị, và tay chân bủn rủn. Tôi cũng không nói gì với Tạc Tổ, sợ cậu lo lắng.

Não tôi cứ lặp đi lặp lại đoạn trò chuyện khi nãy, về thái độ ân cần thái quá của thầy với bọn tôi. Cái gì mà "ôn luyện kinh sách" để "công thành danh toại"? Ông ta còn không biết tôi là ai cơ mà?

Ngồi đối diện tôi và Nick, Tạc Tổ vẫn vô tư ăn mỳ, vừa ăn tiến hành công cuộc thẩm vấn.

"Duy An, tôi biết cậu không hề mù chữ. Hồi ở trên xe ngựa, tôi đã thấy các cậu đọc và ghi chép..."

"Cái đó là Andrey thống kê chi tiêu của bọn tôi." Tôi đặt chén cháo xuống, khịt mũi. "Ở trong đó toàn là mấy phép tính toán thôi à!"

"Các cậu biết toán học?"

Đương nhiên là biết, tôi nghĩ thầm, à, bọn tôi còn biết vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý... đó là chưa kể đến chính trị, mỹ thuật, âm nhạc, kịch nói, giáo dục thể chất, và kỹ năng sống.

Tuy nhiên ở bên ngoài tôi chỉ nhăn răng ra cười trừ. Thái độ úp úp mở mở này đã vô tình chọc tức cậu bạn. Tạc Tổ nheo mắt, hừ mũi và ăn tiếp tô mỳ thứ hai.

Ăn gần hết tô mỳ, Tạc Tổ lại hỏi, "Thế còn các ký tự kia?"

"Ký tự nào?"

Cậu vẽ ra một loạt các ký tự. Chữ A, chữ C và chữ T. Tôi chớp mắt.

"Đó là chữ A. Ờm... thì nó thuộc vào bảng chữ cái Latinh của bọn tôi..."

"Ha! Vậy là cậu biết đọc thứ ngôn ngữ ấy!"

Đến lúc này tôi mới biết mình đã bị hố. Công cuộc giả ngu coi như thất bại. Thật sự thì tôi không ngại chia sẻ kiến thức mình học được cho Tạc Tổ, chỉ là sợ nó sẽ làm xáo trộn lịch sử của chữ quốc ngữ thôi.

"Ờ thì... ha ha ha..." Tôi định đưa tay lên gãi cái đầu bết, nhưng nhớ ra tình trạng hiện tại thì tiếc nuối bỏ xuống. "Bảng chữ cái kia có hai mươi sáu ký tự thôi. Dễ học lắm! Sau đó họ ghép các ký tự đó lại, tạo thành chữ viết."

"Ý cậu là... nó giống như các bộ?"

"Bộ?"

"Chữ 'Duy' trong 'Duy An' thuộc vào bộ 'Tâm'." Tạc Tổ giải thích. Cậu húp hết phần súp trong tô mỳ, ợ một phát thật to và quẹt miệng bằng ống tay áo. Giờ mới biết tên này dơ dáy không kém gì Nick, hình tượng thư sinh nho nhã ban đầu đã biến mất không còn dấu vết.

"Bộ 'Tâm'?"

"Còn chữ 'An' thuộc vào bộ 'Miên'." Thấy bộ mặt nghệt ra của thằng bạn mình, Tạc Tổ chán nản đổi chủ đề. "Thế chiều nay các cậu có muốn đi đâu không?"

Nick lúc này mới lên tiếng, "Bọn tôi muốn đi xem tranh và mua dụng cũ vẽ tranh."

"Và đi tìm hiểu các làng nghề trong kinh thành nữa chứ? Mày thì dễ rồi, còn tao chẳng biết phải làm gì." Tôi vung tay lên, thiếu điều muốn lật bàn. "Và đừng quên món nợ một trăm đồng của tụi mình nha!"

"Pax, bình tĩnh! Không được manh động!"

"Được thôi!" Tạc Tổ vui vẻ gật đầu. "Tôi có nghe nói, ở Đông Kinh này, làng Tự Tháp, tổng Tiền Trúc nổi tiếng với nghề vẽ tranh."

Từ lúc thấy được các bức vẽ chì của Nick trên xe ngựa, Tạc Tổ đâm ra hâm mộ thằng bạn hoạ sĩ. Tiếc là Nick không giỏi tiếng Việt, nếu không chắc hai người đã kết thân từ lâu rồi!

Bọn tôi hỏi đường, cảm tạ vợ chồng chủ quán và nhanh chóng leo lên ngựa. Vì đường xá buổi chiều đã vắng vẻ hơn rất nhiều, hai con ngựa non kia có vẻ nóng lòng muốn chạy – đầu lắc lư, chân trước liên tục gõ xuống đất. Khi vừa đến một đoạn đường vắng gần hồ Hoàn Kiếm, Nick và Tạc Tổ cao hứng thúc ngựa phi nước đại, mặc kệ thằng bạn hít khói đằng sau. Tên mù đường hạng nhất như tôi đây không còn cách nào khác, đành phải xin lỗi Bách Khả và cuống quít thúc nó chạy theo hai tên cà chớn kia.

Chú thích:
[1] Hai câu đối có nghĩa là, "Trời nóng lần đầu gặp nhau ta kính mời rượu." và "Đêm lạnh từ biệt nhau ta ngâm về bình rượu ngọc." Ở đây, thầy Lê Đạt muốn dùng hoàn cảnh hiện tại để làm vế đối: trời nóng, lần đầu tiên gặp hai đứa nhỏ và mời rượu Tạc Tổ. Tạc Tổ đối lại, mượn hoàn cảnh Nguyễn Trãi khi bị chèn ép trong triều phải từ quan về Côn Sơn ở ẩn. "Tương tiến tửu" và "Ngọc hồ ngâm" đều là hai bài thơ nói về rượu của nhà thơ Lý Bạch, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top