Chương 29: Yên Thái

Làng Yên Thái thuộc vùng Bưởi, nằm ở phía Tây Nam hồ Dâm Đàm, cạnh bờ sông Tô Lịch và gần ngã ba nối với sông Thiên Phù, đều chảy dọc Hoàng thành Thăng Long về phía Nam. Hầu như các làng nghề ở đây đều chuyên làm giấy – Yên Hoà, Hồ Khẩu, Nghĩa Đô và Yên Thái – mỗi làng chuyên một loại giấy, nhưng làng Yên Thái vẫn là nổi tiếng nhất. Cũng may trước khi chia tay, Tạc Tổ từng nói nhỏ vào tai tôi, rằng nhà bà dì cậu ở Kẻ Bưởi (Yên Thái) có chuyên làm giấy lệnh và giấy dó, chứ nếu không bọn tôi chẳng biết đâu mà lần.

Cổng chính của làng Yên Thái nghe nói thuộc vào thôn An Thái Đoài, trông vô cùng uy nghi và cổ kính, với hai bên là hàng câu đối dài được khắc bằng chữ Hán. Đúng như câu ca dao xưa đã miêu tả, từ xa tôi đã nghe được tiếng chày giã của dân làng, có lẽ là một trong những công đoạn để sản xuất giấy. Đường đi lát gạch dẫn đến cái giếng lớn đặt ở đầu làng, và sau đó là ngôi đình thờ ông Tổ nghề giấy nước Đại Việt – Thái Luân. Bọn tôi khát nước nên kéo một xô đầy từ trong giếng và dự trữ trong cái chai hai lít của Nick.

"Chà! Nước ở đây rất trong và sạch," tôi vô tình nhận xét.

"Đúng thế!" Tình cờ một cậu thiếu niên cũng có mặt ở đó. Cậu tầm mười lăm, mười sáu tuổi, dáng người gầy guộc và mặc độc một cái quần rộng xắn tới đầu gối, toàn thân lấm lem thứ mà tôi nghi là bụi than. "Nước thế này thì mới làm ra được loại giấy chất lượng nhất Đông Kinh chứ!"

Rồi cậu quẹt mũi và ưỡn ngực, giọng không giấu vẻ tự hào,

"Kìa giếng Yên Thái như kia,
Giếng sâu chín trượng, nước thì trong xanh."

"Thì ra là thế!" Tôi mỉm cười, đan tay chào. Cậu thiếu niên liền cúi đầu chào lại, gập cả nửa thân trên xuống. Lễ phép thật!

"Giếng này gọi là Long Tỉnh, là độc nhất làng này thôi đấy!" Cậu ta nghiêng đầu qua một bên, "Min là Cao Hùng. Còn các vị là ai?"

"Gọi tôi là Duy... tôi là Đức Bình," tôi trả lời. "Còn đây là Andrey và Nicholas. Bọn tôi đến đây để tìm người."

Cậu thiếu niên tiếp tục với công việc lấy nước. Cậu kéo chiếc xô lên và đổ đầy vào một thùng đựng. "Các vị muốn tìm ai?"

"Cho bọn tôi hỏi..."

"Bọn tôi muốn tìm..."

Andrey và tôi nói cùng một lúc, thế là hai thằng liền khựng lại và liếc nhau. Một màn trao đổi nhanh bằng mắt lại diễn ra.

Andrey: Mày im giùm tao một lần thôi được không?

Pax: Mắc mớ gì bắt tao im?

Andrey: Làm ơn, để tao lo vụ này. Cái miệng của mày hại cái thân chưa đủ hả?

Tôi chưa kịp phản ứng thì Andrey đã nói oang oang, "Cho bọn tôi hỏi, ở đây có chỗ ở dành cho... ờm... khách qua đường?" Vừa nói xong, cậu rút tay vào trong túi và lôi ra năm đồng tiền.

Cậu thiếu niên vừa thấy tiền thì mắt sáng rỡ. Dường như nhận ra bọn tôi là khách "sộp" nên cậu nhanh nhảu hoàn tất công việc, gánh hai thùng nước nặng đến oằn vai và phấn khích ra dấu cho cả bọn đi theo mình.

***

Lần đầu tiên đặt chân vào một làng nghề truyền thống, tôi thật sự ngỡ ngàng trước cách sắp xếp và phân bố công việc của người dân trong làng. Thay vì chia ra thành những xưởng thủ công tư nhân nhỏ lẻ, tôi có cảm giác như cả làng là một xí nghiệp sản xuất giấy qui mô lớn với nhiều phân khu dành cho nhiều đối tượng lao động – già và trẻ, trai và gái – khiến ai ai cũng có thể bắt tay vào làm. Cao Hùng dẫn bọn tôi đi một quãng khá xa, đi ngang qua một nơi dựng những cái chòi lớn đặt cạnh bờ sông Tô Lịch, bên trong có cả chục cái bể to đùng, đựng đầy thứ mà cậu gọi là vỏ cây dó ngâm với nước vôi đặc. Bên cạnh có mấy cái lò đắp đất nóng phừng phực đang bốc khói nghi ngút, và tôi nhận ra mùi khói quen thuộc đã ngửi được từ lúc đi đò. Mọi người đều cắm cúi làm công việc của mình, nên chẳng ai thèm để ý đến ba anh chàng ngoại quốc cao lêu nghêu đang tò mò ngắm nghía bọn họ.

Đi thêm một đoạn nữa, lúc này Cao Hùng có ghé vào một cái chòi khác và đặt hai thùng nước xuống. Cậu chàng quệt mồ hôi trên trán và gọi to, "Mợ ơi, con đem nước về rồi!"

"Chú mày cứ đổ vào bể bã[1] đi, kêu mợ mày làm gì?" Một ông bác lực lưỡng bước ra từ phía sau. "Vào phụ mợ seo giấy đi!" Khi nhác thấy bọn tôi đứng đó thì bác ta nhướn mày lên, tuy nhiên cái miệng rộng đã ngoác đến mang tai. "Các vị đến tìm mua giấy à?"

"Bọn họ đến tìm người thầy ạ," Cao Hùng trả lời luôn. Cậu đang có vẻ rất cao hứng, kéo ống tay áo và nói nhỏ vào tai tôi. "Các vị đợi một lát. Để min vào xin phép mợ." Cậu nháy mắt và bỏ ra phía sau.

À! Mặt giãn ra, tôi cười toe toét. Hiểu rồi!

"Các vị đến tìm ai?" Ông bác đang cầm một sấp giấy cao quá đầu trên tay và đem ra ngoài sân, chuẩn bị phơi lên sào. Bác ta cẩn thận lấy một sấp nhỏ - khoảng hai mươi tờ - và treo lên bằng một cái kẹp bằng tre.

"Bọn cháu đến tìm một cậu bạn, tên là Phạm Tạc Tổ, tự là Ái Gia." Tôi thận trọng lại gần để quan sát giàn phơi giấy. Dưới ánh nắng chiều, loại giấy màu ngà này có vẻ hơi thô, nhưng sau khi sờ vào thì cảm nhận được độ mềm, mỏng và mịn của chất liệu. "Cậu ấy... ờm... mới đến làng vào ngày hôm qua."

"Ta không biết cậu ấy," bác ta tiếp tục phơi giấy, bàn tay thoăn thoắt chia giấy ra từng sấp nhỏ. "Nhưng ta có biết một bà họ Phạm chuyên làm giấy lệnh[2] cống cho triều đình. Nhà của bà ấy nằm ở cuối thôn."

"Vậy thì tốt quá. Bọn cháu cảm ơn bác!" Tôi quay sang hai thằng bạn. "Tụi mình có thể... Nick?"

Từ lúc nào mà Nick đã chống gậy đi lại gần, đăm chiêu nhìn mớ giấy treo trước mặt. Cậu ta nhìn đến mê mẩn, tay đưa lên cảm nhận thứ chất liệu lạ, rồi tự lẩm bẩm với chính mình.

"Tuyệt vời... chất giấy mỏng... thích hợp cho kí hoạ..."

Có lẽ, tôi nghĩ, mỉm cười, đối với một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm như Nick, cậu sẽ cho rằng loại giấy truyền thống này mới là tạo nên sự phá cách trong hội hoạ.

Tôi chỉ hết cười nổi khi Nick lết đến bên cạnh Andrey và dám cướp lấy túi tiền trên người thằng bạn. Cậu chỉ vào sấp giấy thành phẩm đặt trên cái bàn gỗ gần đó, rồi chỉ vào túi tiền.

"Nicholas!" Andrey suýt nữa thì hét ầm lên. "Đưa tiền đây!"

"Các vị thương gia muốn mua bao nhiêu?"

"Ui da!" Tôi vô tình làm lá chắn cho Nick. "Andrey, bình tĩnh!"

Trước cảnh một thằng Pax đang hốt hoảng dập lửa cho một thằng Andrey đang bốc hoả, Nick như một con lươn đã lách mình và lết ra xa. Cậu giơ cả mười ngón tay lên. Cao Hùng vừa bước ra từ căn chòi (đã ăn vận tươm tất hơn) liền trố mắt chứng kiến hai vị khách ngoại quốc đáng kính đang vật lộn giữa sân, và một vị khách còn lại đang thong thả trả tiền mua giấy cho cha mình.

Trao đổi xong xuôi, Nick vui vẻ ôm bó giấy nhét vào túi thì tôi cũng đã kiệt sức, thở hồng hộc và lảo đảo dựa vào một cây cột. Trận lần này, coi như là tôi và Nick đã thắng.

"Bạn tôi đây cũng là hoạ sĩ," tôi phẩy tay giải thích. "Cậu ta rất thích thử nghiệm trên các loại giấy khác nhau."

"Khốn kiếp, Nicholas!" Andrey nghiến răng ken két, nhưng trước sự có mặt của người ngoài, cậu không dám giở thói bạo lực với bạn bè. Cậu đứng thẳng người lên, vuốt lại vạt áo và quay qua phía Cao Hùng, cúi đầu, "Phiền cậu... dẫn đường."

Anh chàng thiếu niên chớp chớp mắt, rõ ràng là chưa hoàn hồn trước thái độ và hành động kì lạ của các vị khách. Cậu hướng về phía cha mình, miệng cười mếu xệch, "Mợ cho con nghỉ buổi chiều nay, nhưng bù lại buổi tối con phải học thuộc lòng năm trang Kinh Thư thầy ạ."

"Thôi, chú mày cứ đi chơi đi!" Bác ta hất cằm về bọn tôi, mỉm cười thân thiện. "Có gì ghé nhà ta mua giấy nữa nhá!"

Đi được một đoạn nữa, tôi mới chợt nhớ ra một điều mà nãy giờ chưa kịp hỏi.

"Cho hỏi, nhà cậu làm là loại giấy gì thế?"

Cao Hùng ngẩn người ra, rồi cậu bật cười lên khanh khách. Đôi mắt ti hí của cậu cong thành hai mảnh trăng khuyết. Bên cạnh tôi, Andrey đảo mắt, như thể tôi vừa phun ra một câu hỏi hết sức đần độn.

Vẫn nụ cười nửa đùa nửa thật ấy, cậu ta trả lời, "Nhà phô min làm giấy dó bản[3]."

***

Ở một ngôi làng nhỏ như Yên Thái, chỉ có duy nhất hai nhà trọ dành cho khách vãng lai. Một nhà khách lớn nằm ở phía Tây Bắc, cách xa bờ sông Tô Lịch, còn nhà nhỏ hơn nằm ở phía Đông, gần với hồ Dâm Đàm. Theo ý kiến của người dân địa phương (chủ yếu là của Cao Hùng), bọn tôi nên ở gần hồ, để có gì tiện đi lại vào huyện.

Cậu thiếu niên vừa thong thả đi trên con đường làng quen thuộc, vừa kể cho chúng tôi đủ thứ chuyện trên đời. Cậu kể như chưa từng được kể, cái miệng liến thoắng liên hồi, còn tay chân thì huơ loạn xạ. Sau câu hỏi ngớ ngẩn của tôi, Cao Hùng nhận ra bọn tôi đúng là mù tịt về nghề giấy, dù cậu biết bên phương Tây cũng có kỹ thuật làm giấy riêng, thậm chí còn tân tiến hơn kỹ thuật của người Đại Việt.

Dù thế, cậu ta vẫn vô cùng tự hào trước nghề làm giấy dó đặc sắc của làng mình.

"Giấy dó thì làng giấy nào cũng sản xuất được, nhưng nếu nói về chất lượng giấy, xin nói thật với các vị, thì làng Yên Thái này từ xa xưa đã nổi tiếng khắp chốn kinh kì. Mỗi dịp đầu năm, hoặc vào các kì thi lớn, là loại giấy này vô cùng đắt hàng..."

Tôi gật gật đầu, rồi cũng bày đặt giơ tay phát biểu ý kiến sau một hồi thuyết minh, "Vậy ở đây không có ai làm nghề khác hả? Nếu là thợ làm giấy thì ai trả tiền công? Trả bao nhiêu đồng một canh giờ? Có phải đóng thuế không?..."

"Pax!" Andrey tằng hắng.

"Xin lỗi." Tôi ngậm miệng lại, chợt nhận ra chính mình có hơi bất lịch sự. Chỉ là, trong đầu tôi đang nung nấu ý định lập nghiệp nơi đây. Chính Nick đã nói bọn tôi nên thử nghiệm với nhiều ngành nghề khác nhau, và sau một buổi chiều quan sát, nghề làm giấy có vẻ hiệu quả nhất. Vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa có thể ở gần kinh thành.

Có điều là nghề làm giấy dó không dễ dàng chút nào! Theo lời kể của Cao Hùng, người làng Yên Thái cần mẫn làm giấy cả đời mới cho ra được những sản phẩm tốt nhất để bán ở chợ phiên và cống nạp cho triều đình. Công đoạn làm giấy dó rất phức tạp và cầu kì, từ việc đem gỗ cây dó từ vùng núi cao xuôi theo con sông Tô về làng, cho đến việc bóc vỏ, ngâm nước, đun trong lò, nghiền nát thành bột, trộn với hỗn hợp kết dính với nước, và cuối cùng là seo và phơi giấy.

Toàn là những công việc nặng nhọc, nhưng vẫn chất chứa được cái tình người, tình yêu lao động của dân làng.

Đó mới thật sự là đáng quý!

Nhưng hiện tại đối với tôi, nó cũng là bất khả thi!

Tôi nhìn xuống đôi bàn tay tàn phế của mình – mười ngón tay vẫn còn phải bó nẹp – và thở hắt ra. Biết khi nào thì tôi mới có thể tự cầm nắm, có thể tự sinh hoạt và làm việc?

Một tuần? Hai tuần? Một tháng? Hai tháng?

Mới có bốn ngày thôi, mà tôi đã thấy mình trở thành gánh nặng cho hai thằng bạn. Cứ tiếp tục như thế này thì tấm thân bất tài, vô dụng của tôi làm thế nào mới trở nên hữu ích?

Đó là chưa kể đến việc luyện võ và sử dụng binh khí. Hồi còn ở Bellingham, tôi hay có thói quen đi quyền và đấu đối luyện với Andrey vào mỗi buổi chiều tan học, ngồi thiền hoặc đứng trung bình tấn vào mỗi buổi tối. Bị chấn thương như thế này đã làm xáo trộn thói quen sinh hoạt của tôi, và rồi không lâu sau, dám chắc kỹ thuật và độ nhạy bén của tôi sẽ xuống dốc thê thảm.

Lão Phạm Tất đáng chết! Tôi rủa thầm. Tôi mà gặp lại ông, thì tôi sẽ bẻ gãy từng ngón tay, từng ngón chân của ông... để cho ông biết thế nào là sự trả thù tàn độc của Pax này...

Không được! Tôi lắc đầu. Tuyệt đối không nên chứa chấp những suy nghĩ tiêu cực, thù hằn trong đầu. Mày mà cứ như vậy thì không lâu nữa sẽ hoá điên mất!

"Đức Bình, anh không sao chứ?"

Vừa ngước lên thì thấy Cao Hùng đang cau mày, mắt dán vào tay tôi và trưng ra vẻ mặt ái ngại. Tôi chưa kịp vắt óc ra giải thích nguyên do thì bên cạnh cậu, Nick đã vô tư khoác lấy vai Andrey, nhăn răng ra cười và yêu cầu phiên dịch, bị thằng này thô bạo hất ra. Nick xụ mặt, bĩu môi và liếc xéo thằng bạn. Hành động ngớ ngẩn này làm Cao Hùng cười to.

Dù mới gặp, tôi có cảm giác Cao Hùng là một cậu bạn vô cùng dễ tính, lạc quan và yêu đời. Giống như Tạc Tổ, cậu toát ra khí chất của một người quanh năm đọc sách thánh hiền. Cậu là dạng học sinh thông minh, lanh lợi nhưng lười biếng, thích chơi hơn thích học, và luôn nghĩ ra lý do lý trấu để cúp tiết, trốn việc.

Nói trắng ra, cậu là điển hình của một học sinh cá biệt.  

Vừa đến nơi, tôi liền chụp lấy cánh tay của anh bạn mới và nói nhỏ,  "Cao Hùng, sau này cậu đừng quá khách sáo với bọn tôi. Hãy gọi tôi là Duy An. Tôi mới mười tám tuổi thôi."

"A, min, à không, em năm nay mười bảy tuổi.[4]" Cậu ta chớp mắt, mặt rạng ra."Các vị... các anh định ở đây bao lâu?"

"Tôi cũng không rõ," tôi nhún vai. "Nhưng sau này chúng ta chắc chắn sẽ gặp lại. Và tôi cần phải học hỏi rất nhiều từ cậu."

Andrey nhét mớ tiền xu và hai cái bánh gai vào tay Cao Hùng, gật đầu chào, nắm tay áo và lôi Nick thẳng một mạch vào trong. Gì chứ đụng vào tiền của tên Andrey keo kiệt thì anh bạn Nick chết chắc rồi! Thế là tôi lật đật chạy theo, không quên quay đầu và vẫy tay chào cậu bạn.

"Cậu nhớ bảo trọng." Tôi nháy mắt. "Và học hành chăm chỉ vào nhé!"

"Biết rồi! Khổ lắm anh ạ." Cậu khoanh tay xịu mặt, xong hai đứa nhìn nhau và cười phá lên.

Từ ngoài cổng, tôi thấy hình bóng gầy gò của cậu cúi gập người, lễ phép đan tay vái chào.


Chú thích:

[1] Bể nước đựng bã dó, còn gọi là tàu seo, chứa hỗn hợp kết dính của bột vỏ cây dó và chất nhầy từ nhựa cây mò, trộn với nước với tỉ lệ nhất định để seo thành giấy dó.
[2] Giấy chuyên dùng để viết lệnh chỉ của vua.
[3] Loại giấy dó dân dụng, dùng để viết chữ hoặc in sách.
[4] Tuổi "ta" lớn hơn tuổi thật một tuổi. Nghĩa là Cao Hùng chỉ mới 16 tuổi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top