Chương 28: Đi Đò

Hoá ra Andrey có gọi được đò thật. Một ngư dân đã đồng ý cho bọn tôi đi nhờ thuyền của ông ta với giá chỉ bằng một phần ba giá đi đò. Còn băng vải và mớ thuốc bổ cậu mua cho tôi thì giá vỏn vẹn có ba mươi đồng.

"Sáng hôm qua mày uống hết thuốc rồi, nên tao theo lời dặn của thầy lang, dựa vào toa thuốc này để mua thêm cho mày."

Tôi nhìn mấy gói thuốc Nam treo lủng lẳng mà trong lòng dậy sóng. Phải kiềm chế lắm tôi mới không gào vào mặt Andrey: "Thằng khốn! Mày giết tao đi!"

"Sao rẻ vậy?" Nick há hốc. "Mày trả giá kinh thế?"

Andrey nhún vai, tỏ vẻ không có gì to tát. "Đi thôi!" Cậu vác lên một lúc ba cái ba lô. "Thuyền đậu hướng này."

Vừa nhác thấy bác ngư dân, tôi liền cúi gập người xuống, đan tay vái chào. Bác ấy tầm độ trung niên, tóc hoa râm và làn da rám nắng. Bác có nét thật thuần hậu, làm tôi nhớ đến chú Vũ Tích, chỉ trừ đi bộ râu rậm. Thấy cả đám lễ phép, bác ta cười ha hả, tiếng cười rổn rảng vang vọng khắp mặt hồ.

"Ha ha ha, lễ nghi gì chứ? Ta nào có phải quyền cao chức trọng như đằng ấy?"

"Đằng ấy" có phải ám chỉ bọn tôi? Tôi nhìn qua phía Andrey, người cố tình quay đầu đi chỗ khác. Thằng nhóc đã bịa đặt chuyện gì nữa đây?

"Cháu chào bác ạ." Đâm lao thì phải theo lao, tôi bất đắc dĩ nhập vai "quyền cao chức trọng", không quên chửi thầm tên Andrey tan nát."Cháu họ Đặng, tự là ờm..." tôi lục lọi mấy cái tên giả trong đầu (bởi cái tên "Nguyễn Duy An" đã lan đến Đông Kinh mất rồi!), "Cháu là Đặng Đức Bình. Đây là Andrey và Nicholas."

"Ta là Lê Ngoạt. Cậu gọi ta là Đình Lễ cũng được. Các cậu muốn đến làng giấy à?"

"Vâng ạ." Tôi gật đầu. "Bọn cháu có người quen ở đấy, đã làm phiền bác rồi."

Bác Lễ đội lên cái nón rách và chỉnh lại đai lưng vải. Hai ống tay áo thụng được kéo lên cao và cột lại bằng sợi dây vắt qua vai, để lộ vô số hình xăm cầu kì. Đôi thuỷ quái (thuồng luồng?) đang há miệng nhe nanh quấn quanh hai cánh tay của bác. Tôi còn thấy vô số các biểu tượng hoa văn cổ được xăm vắt qua bả vai, tạo thành một vòng tròn hộ thân.

Lần đầu tiên tôi được chứng kiến tục xăm mình của người Đại Việt. Trước giờ tôi cứ nghĩ nó mang ý nghĩa xấu xa, vì ông bà ngoại không thích con cháu tụi tôi xăm trổ. Ai ngờ rằng người Việt cổ khá thoải mái với chuyện này. Nhìn bác Lễ xăm mình thật là ngầu quá!

"Các cậu cẩn thận nào!"

Con thuyền đánh cá nhỏ hơn tôi tưởng tượng. Bọn tôi chen chúc chỉ vừa đủ để nó không bị lật. Tôi ngồi cạnh một thúng đựng mồi câu, tò mò nhìn bác gỡ mấy con cá to bằng gang tay ra khỏi tấm lưới vừa mới kéo lên, và tranh thủ hỏi bác vô số câu hỏi về địa lý khu vực. Theo tôi nhớ không lầm thì hồ thời hiện đại không có quá nhiều cá tôm, vậy mà khi xưa đây lại là môi trường sống phong phú của các loại sinh vật nước ngọt, đem lại nguồn kinh tế dồi dào cho người dân quanh vùng. Tôi cúi xuống để nhìn kĩ mấy con cá đang ngáp ngáp và loi nhoi trong rọ, con nào con nấy mập ú, to hơn cả nắm tay. Rồi tôi nghĩ đến con sâm cầm lạc bầy[1] khi nãy với cái bụng bự chảng, đi đứng phục phịch hơn cả mấy con vịt trời.

Thiên nhiên trù phú đã từ lâu hoà hợp với đời sống của con người và động thực vật nơi đây. Thật là đáng tiếc, vì hơn năm trăm năm sau, đô thị hoá sẽ làm mọi thứ thay đổi đến chóng mặt. Dù đã quen với nhịp sống hiện đại hối hả, tôi biết chắc rằng mình sẽ nhớ thêm nếp sống chậm của thành thị Thăng Long xưa, và những khoảng lặng bình yên của nơi chốn này.

Thuyền đi chầm chậm. Tôi lơ đãng phóng tầm mắt ra xa, bồi hồi nhớ lại lần cuối bọn tôi dạo quanh hồ Tây vào ngày đầu tiên ở Hà Nội. Buổi chiều hôm đó, bọn tôi đã đi ngang qua Hoàng thành Thăng Long, ghé vào chùa Trấn Quốc và thưởng thức món đặc sản bánh tôm giòn rụm. Sau đó bọn tôi đã thuê xe đạp chạy vòng quanh hồ, nghe những giai điệu về Hà Nội và tận hưởng buổi tối yên bình cuối cùng, trước khi mọi thứ bị đảo lộn.

Và tôi đặc biệt nhớ đến một bài hát đã nói lên tiếng lòng của tôi lúc bấy giờ, và cả lúc này đây. Thế là tôi bắt đầu ngân nga:

"Bồng bềnh, bồng bềnh giữa sương mờ khói toả.
Lãng đãng, lãng đãng trong nghi ngút hương trầm.
Ở đây, ở đây ngày đi qua rất chậm.
Lá ngập ngừng rơi nhẹ như bước chân."

Bác ngư dân đang chèo thuyền thì ngước lên và mỉm cười nhìn tôi, có vẻ hứng thú với giai điệu ca trù có hơi hướm hiện đại, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Nick dường như cũng nhận ra bài hát này (một trong những bài hát dạo bọn tôi đã nghe được), nên cậu gõ tay tạo nhịp điệu trên thành thuyền. Hồi còn ở câu lạc bộ kịch, Nick và tôi luôn biết phối hợp ăn ý trong những màn nhạc kịch ứng tác – và bọn tôi cũng đã được học qua thanh nhạc trước khi biểu diễn trên các sân khấu lớn. Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là khi bác Lễ lặng lẽ buông tay chèo, rút một cây sáo trúc từ thắt lưng và bắt đầu thổi đệm.

Được sự ủng hộ nhiệt tình từ hai thính giả, tôi cất giọng hát to:

"Một chiều giữa thanh bình thành nội.[2]
Cõi lòng ta hòa với đất trời.
Đứa con xa tìm về nguồn cội.
Nửa đời người mới thấu nghĩa non sông."

Ngay cả Andrey đang cau có cũng bắt đầu lắng tai nghe. Thật ra cậu chẳng lạ gì với mấy màn độc tấu trong nhà tắm của tôi, bởi giọng hát của tôi cũng không đến nỗi tệ, nhưng đây là lần đầu cậu nghe tôi hát bằng tiếng Việt. Cậu càng ngạc nhiên hơn khi nghe tôi chuyên nghiệp luyến láy một số âm cuối câu:

"Bây giờ và ngàn năm sau nữa.
Vẫn lung linh chùa Trấn Quốc bên hồ.
Tiếng chuông chiều vọng hồn đất nước.
Vĩnh hằng một cõi đất Đông Đô."[3]

Bài hát đã vô tình thu hút sự chú ý của một số con thuyền khác. Một cô tiểu thư xinh đẹp đã vén rèm lên và nhìn tôi chăm chú. Vừa bắt gặp ánh mắt của tôi, cô ta mỉm cười e thẹn. Cao hứng, tôi hát thêm lần nữa.

Hát xong, tôi nghiêng đầu chào khán giả, đập tay với Nick và ngước nhìn bác Lễ đầy cảm kích. Tiếng sáo trúc trong trẻo của bác làm rung động lòng người, thấm vào tâm hồn nghệ sĩ của thằng nhóc này.

Bác làm tôi muốn học thổi sáo quá!

Cô tiểu thư kia vẫn nhìn tôi, có chút gì đó đắm đuối làm tôi hơi xấu hổ. Bọn tôi chạm mặt một lần nữa trước khi chiếc rèm hạ xuống. Khi chiếc thuyền hoa kia đã đi xa, Nick huýt sáo và nháy mắt với tôi. Tôi đỏ mặt, trong khi Andrey đen mặt và lẩm bẩm về điều lệ vượt thời gian thứ mười.

"Cậu Đức Bình," Đình Lễ khẽ gọi.

"Dạ? Bác gọi cháu?"

Bác ta ngập ngừng, "Cho ta được mạn phép hỏi..."

Tôi mỉm cười thân thiện, "Bác cứ tự nhiên hỏi cháu đi ạ."

Và đương nhiên là tôi bị ăn đạp ngay sau đó, bởi không ai khác ngoài cái tên máu lạnh kia. Nhưng tôi mặc kệ. Bác ấy đã đệm sáo cho tôi, rồi còn thành thật trả lời một đống câu hỏi của tôi về hồ Dâm Đàm. Đã đến lúc tôi nên trả lời lại câu hỏi của bác.

"Các cậu vốn là sứ thần ngoại quốc, lại khách quý của điện hạ, tại sao không ở nhà khách phủ Trung Đô mà lại lang thang đến chốn này?"

Mồ hôi lạnh bắt đầu túa ra, tôi vừa lườm thằng Andrey toé lửa vừa dịch nhanh câu hỏi cho Nick, người nhún vai trả lời, "Ở phủ Trung Đô một thời gian rồi cũng chán, nên bọn tôi, vốn cũng là thương nhân, đã xin phép ngài ấy để được đi thăm thú và trải nghiệm cuộc sống ở kinh thành. Tình cờ lại có người quen ở làng Bưởi nên bọn tôi tranh thủ đến thăm cậu ấy."

"Thì ra là thế!" Bác ta cười xoà, rồi dòm ngó bộ dạng nhếch nhác của bọn tôi. "Ta hy vọng các cậu không ngại cuộc sống bần hàn này của bọn ta..."

"Không! Không đâu ạ!" Tôi lắc đầu nguầy nguậy. "Cháu rất thích nơi này. Người Anh Cát Lợi bọn cháu còn phải học hỏi rất nhiều."

"Anh Cát Lợi à?" Giọng bác Lễ nhẹ tênh, đôi mắt sáng lóe lên, vẻ trêu chọc."Đức Bình, ban đầu ta cứ nghĩ cậu là sứ giả nhà Minh chứ?"

Tôi giật mình, khẽ cựa quậy dưới ánh mắt săm soi của Đình Lễ. Từ khi trở về đến giờ, đây là lần thứ hai tôi bị nhầm là người Trung Quốc. Dựa vào kiến thức lịch sử học được ở trường, tôi biết nam giới Trung Quốc thời phong kiến thường để tóc dài, bện hoặc búi lên, da trắng, răng trắng, mặc áo ngắn có tay dài. Quả thật là tôi có chút đặc điểm giống người phương Bắc.

Biết vậy xưng tên tiếng Anh cho xong chuyện!

Tôi cởi nón xuống, để lộ mái tóc ngắn ngủn, và giải thích, "Mẹ cháu là người Đại Việt, còn cha cháu là người Anh Cát Lợi."

"Ha ha ha... Ta đùa với cậu thôi!" Rồi bác ta cảm thán. "Các cậu quả là tuổi trẻ tài cao!"

"Bác quá khen rồi." Theo phản xạ, tôi chối bay chối biến."Bọn cháu nào có tài năng gì ạ."

"Để cháu giúp bác!" Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Andrey từ từ đứng dậy, xắn tay áo lên, nắm lấy tấm lưới và kéo phụ bác ngư dân. Cậu ra hiệu bằng mắt cho tôi chấm dứt cuộc trò chuyện, rõ ràng không muốn tôi tiết lộ quá nhiều thông tin cho người lạ.

Tôi chưng hửng, trong lòng bất bình. Rõ ràng là tôi đang tỏ thái độ lịch sự bằng cách nói chuyện phiếm với Đình Lễ, cũng tại vì Andrey đã ngứa miệng phịa ra cái thân phận "sứ giả" nguy hiểm kia. Cậu ta không tự đi đổ vỏ thì thôi chứ, còn bày đặt trách móc cái gì không biết.

Mày nhiều chuyện quá rồi đó, Andrey nhướn một lông mày và quét tia mắt về phía tôi, sau khi đã xong xuôi kéo tấm lưới lên.

Ơ hay, cái thằng này, tôi quắc mắt nhìn lại, tao nói gì kệ tao.

Đầu tôi lại nghĩ về chuyện ban sáng, và chưa bao giờ tôi muốn một cước đạp Andrey xuống hồ như lúc này. Hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh, tôi vờ trưng ra bộ mặt nhã nhặn nhất của mình, lén lút giơ ngón giữa về phía Andrey và quay đầu về phía Đình Lễ.

"Bác Lễ ơi, bác kể cho bọn cháu nghe về làng Võng Thị được không ạ?"

Bọn tôi vừa ngồi hóng gió chiều, vừa nghe bác ngư dân say sưa kể về ngôi làng của ông. Kể về những chuyện tích xưa cũ, về ngôi đình thờ Thành Hoàng làng là Mục Thận – và chuyện của thái sư Lê Văn Thịnh thời Lý Nhân Tông đã dùng ma thuật hoá hổ nhằm mưu sát vua trong "Vụ án hồ Dâm Đàm". Đương nhiên là tôi nghe cho vui thôi, chứ mấy truyền thuyết liêu trai thế này thì làm sao mà tin được.

Vẫn là người xưa thích truyền miệng những câu chuyện dân gian kỳ bí như thế!

Kể xong, bác Lễ bắt đầu ngâm thơ:

"Quăng lưới rồi hay bắt hổ thần.
Trong người chẳng sợ đứa gian nhân.
Nghìn tầng mù đặc ngang thuyền quét;
Một chú hùm yêu dọc mái vần.
Tiếng sóng muôn đời hào dũng khái;
Công đầu một thuở vọng minh quân.
Đến nay di miếu còn oanh liệt.
Hương hoả nghìn thu thượng đẳng thần."[4]

Tôi định bình luận về bài thơ kia nhưng lập tức ngậm miệng lại, liên tục nhắc nhở bản thân phải giả ngu trong mọi trường hợp. Một bài hát thời hiện đại đã là quá đủ rồi. Bức bối, tôi nhìn xuống mặt hồ gợn sóng lăn tăn, mắt nhoè đi bởi một màu xanh biếc phản chiếu từ nền trời thăm thẳm. Tôi hít đầy vào phổi thứ mùi hương mộc mạc và chân chất, nhưng cũng rất đặc trưng của nơi đây: mùi tanh của rong rêu và mấy con cá rô, cá chép vừa bắt được, thoang thoảng hương thơm của hoa sen và gỗ trầm từ ngôi chùa Trấn Quốc gần đó, và một mùi hương lạ của làn khói bay đến từ ngôi làng trước mặt.

"Chúng ta sắp đến bờ rồi đấy!"

Tôi bật dậy, phấn khích đến nỗi muốn té luôn khỏi thuyền (cũng may có Nick kéo lại kịp). Phía đằng sau, bác Lễ lại cười phá lên. Tôi quay ra sau và nhăn răng ra cười gượng gạo. Khi hai người vừa chạm mặt nhau, ánh mắt bác ấy như soi thẳng vào tâm can, làm tôi có cảm giác người ngư dân đáng mến này hiểu và biết nhiều chuyện hơn tôi nghĩ. Đó là ánh mắt đồng cảm của một người từng trải – một người đã chứng kiến quá nhiều chuyện bi thương nhưng lại không bao giờ dám hé môi với bất cứ ai. Lần này tôi lại thấy bác ta giống ngài huyện thừa họ Trịnh hơn là chú Vũ Tích.

Khi đã nhảy xuống bờ, bọn tôi định vái chào tạm biệt thì Đình Lễ ra dấu cho tôi lại gần. Tôi lặp lại lời cảm tạ, "Bọn cháu đội ơn bác..."

"Đức Bình à," Đình Lễ nói nhỏ,"ta đã nghe về chuyện ở Gia Định..."

Tôi lập tức cứng đờ người. Trái tim nhảy tót lên cuống họng.

"...muốn minh oan cho cha cậu, trước tiên, cậu phải chứng minh thực tài của bản thân, chớ nên dựa dẫm vào danh phận của các vị bằng hữu sứ giả ngoại quốc. Cho dù có được Thánh thượng để mắt đến, ngài ấy cũng không vì ân nghĩa khi xưa mà rộng lượng bao dung cho con trai kẻ phản nghịch..."

Đầu tôi mụ đi, tai nghe chữ được chữ mất.

"...ôn luyện kinh sử, đợi năm sau sẽ có kì thi Hương. Hãy nghe ta, gắng sức đỗ Cống sĩ[5], hơn nữa thì đỗ Giải nguyên[6].Hãy dùng chính bản lĩnh của mình mà minh oan cho dòng họ."

"Bác... bác là ai?" Tôi lắp bắp. Hơi thở bắt đầu đứt quãng. Thấy tôi gần như muốn xỉu đến nơi, gương mặt nghiêm nghị giãn ra thành một nụ cười hiền hậu.

"Ta từng là một quan chức nhỏ nhoi thuộc Lễ bộ[7] dưới đời của Thái Tông và Nhân Tông tiên đế... được dịp diện kiến cha của cậu..."Nụ cười trở nên chua chát, "...quan trường là chốn đầy hiểm nguy, ta không mong cậu dấn thân vào đấy, nhưng nếu muốn giải oan cho dòng họ, ta e chỉ còn cách này..."

Tôi im lặng, cúi đầu nhìn xuống bãi cát. Một bàn tay đặt lên vai tôi.

"Đức Bình, ta biết cậu là một người quân tử, mà đã là quân tử thì 'Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã'."[8] Đến đây tôi ngước lên, bối rối. "Nhưng một khi đã xong việc, cậu có thể giống như ta, vui thú điền viên mà không màng thế sự..."

Tôi vẫn im lặng, tim không hiểu sao nhói lên một cái.

Phải chăng muốn minh oan cho gia tộc họ Nguyễn, tôi đây phải liều mình đi làm quan?

Không! Không thể nào! Thử nghĩ xem, một người dốt đặc như tôi thì đi thi Hương kiểu gì?

"Cháu... cháu..." Giọng vỡ ra, tôi run rẩy đan tay lại, thì thầm, "Cháu đội ơn bác đã chỉ dạy."

"Mau đi đi! Nhớ bảo trọng."

"Bọn cháu xin cáo từ!"

Lời của bác Đình Lễ, càng nghĩ thì tôi càng thấy chí lý. Nhưng khổ nỗi nó chỉ áp dụng được cho con trai của Nguyễn Trãi – Nguyễn Anh Vũ – chứ không phải hàng dỏm là tôi. Nghe nói thi cử thời phong kiến rất lâu lắc và khó nhằn, đã vậy bị ảnh hưởng rất lớn từ Nho giáo nên thí sinh còn phải thuộc làu nào Tứ Thư, nào Ngũ Kinh. Đó là chưa kể mớ chữ Hán, chữ Nôm mà tôi còn lâu mới tiếp thu được.

Vấn đề là làm sao tìm được Nguyễn Anh Vũ đây?

Nếu không tìm được, chẳng lẽ tôi phải thế chỗ cho cậu ta?

Ha, thi võ học thì tôi còn có cơ hội, chứ văn học thì có mà đứng bét bảng.

Đầu óc rối bời, tôi im lặng rảo bước theo hai thằng bạn, bỏ ngoài tai cuộc tranh luận nảy lửa liên quan đến cái chân đau của Nick. Mãi một lúc sau, khi đã đứng trước cánh cổng làng Yên Thái, tôi mới hoàn hồn nhớ ra một chuyện khác khẩn cấp hơn. Đó cũng là khi bộ mặt đen kịt của Andrey quay qua phía tôi.

"Lúc nãy bác ấy đã nói gì với mày?"

Tôi dừng lại và đưa bộ mặt méo xệch lên nhìn Andrey. "Lộ tẩy rồi!"

"Mày nói cái gì?"

"Không hiểu sao bác Đình Lễ lại biết tao là 'con trai' của Nguyễn Trãi. Chết tao rồi mày ơi!" Tôi khóc không ra nước mắt. "Cứ như thế này thì không chừng nay mai binh lính triều đình sẽ gõ cửa phòng trọ của tụi mình mất!"

"Mày nói đúng," Nick lẩm bẩm. "Công nhận lời đồn lan nhanh thật,"

"Pax, rốt cuộc thì mày đã nói những gì ở trong ngục thế?" Andrey hỏi, giọng gấp gáp. "Chính Lê Hạo và Trịnh Viêm đã dập tắt tin đồn rồi mà? Thế quái nào nó lại lan đến tận kinh thành? Tụi mình đi đến đâu cũng bị dòm ngó, ngay cả một ngư dân còn biết–"

"Đình Lễ không phải là ngư dân thôi đâu," tôi cắt ngang, lắc đầu. "Ông ta từng làm quan trong triều đó, hình như còn quen biết Nguyễn Trãi nữa."

Tôi thuật lại cuộc trò chuyện cho hai thằng bạn và nhấn mạnh lời khuyên của Đình Lễ, rằng chỉ có nghiệp quan mới có thể đường đường chính chính phá án và minh oan cho Nguyễn Trãi.

"Tao không tin đó là cách duy nhất," Nick phán tỉnh rụi. "Nhưng đó cũng là một cách." Cậu giơ một ngón tay lên. "Tạm thời tụi mình tìm cách đối phó tin đồn thất thiệt kia trước cái đã!"

"Tụi mình làm sao bây giờ?" Tôi cuống quýt lên như có lửa dưới mông, thiếu điều chưa nhảy tưng tưng lên nữa thôi.

"Nếu tao là mày," Nick bình tĩnh vuốt cằm, "thì tao sẽ ẩn mình cho đến khi tin đồn lắng xuống thì thôi."

"Miệng lưỡi con người thật là độc ác!" Andrey lẩm bẩm, một tay cuộn thành nắm đấm, tay kia siết chặt chuôi kiếm. Rồi cậu thở hắt ra. "Rốt cuộc là sai ở đâu cơ chứ? Chẳng lẽ..."

Tôi thận trọng liếc qua thằng bạn đại ca, phập phồng chờ đợi cơn giận bùng nổ và tôi bị ăn chửi như thường lệ do đã không biết giữ mồm giữ miệng trong ngục. Chờ mãi mà không có phản ứng, tôi kéo vạt áo của cậu.

"Andrey, tao xin lỗi..."

"Chuyện này không phải lỗi của mày." Cậu xốc ba lô lên và bước vào ngôi làng, như muốn đặt dấu chấm hết cho cuộc trò chuyện. "Và cứ làm theo ý của Nicholas đi!"


Chú thích:
[1] Sâm cầm là một loài chim trời, đặc sản của hồ Tây. Loài chim này thường bay về trú đông từ phương Bắc và làm tổ trên những cụm bèo và bãi lau sậy ven hồ để tránh rét. Thịt sâm cầm rất bổ nên thường là vật phẩm tiến vua. Vì đang là mùa hè nên thường không có sâm cầm, nên con sâm cầm Pax đã thấy có lẽ được người nuôi hoặc bị lạc bầy.
[2] Để tránh lộ tên thủ đô thời hiện đại, Pax hát lái từ "Hà Nội" qua "thành nội".
[3] Lời bài hát Một chiều với Tây Hồ của nhạc sĩ Quỳnh Hợp và nhà thơ Nguyễn Đức Nam.
[4] Trích Việt Điện U Linh Tập, Lý Tế Xuyên.
[5] Người đỗ cả bốn kì của kì thi Hương, còn gọi là Hương cống.
[6] Người đỗ đầu kì thi Hương.
[7] Một trong Lục Bộ của bộ máy hành chính phong kiến. Lễ bộ giữ việc lễ nghi, tế tự, khánh tiết, yến tiệc, trường học, thi cử, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang, bói toán, tăng lục, đạo lục, giáo phường, đồng văn . Bộ này trông coi việc tổ chức và kiểm soát vấn đề thi cử (thi ) chọn người tài ra giúp triều đình. Bộ này tương đương với thời cận đại và và ngày nay.
[8] "Chớ lo người không biết mình, hãy lo mình không biết người thôi." Lời dạy của Khổng Tử trong Tứ Thư - Luận Ngữ. Ở đây, Đình Lễ biết Pax dù tài giỏi vẫn chẳng buồn lộ danh phận, lại thích đi tiếp xúc giao du khắp nơi với người ngoại quốc và học hỏi từ họ. Nhưng quan điểm của ông là nếu không thành tài và lộ mặt trong giới quan trường thì minh oan cho gia tộc kiểu gì. Đương nhiên là anh bạn Pax vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top