Chương 3: Chuyện sính lễ.

Sau cái cuộc gặp gỡ đưa đề sính lễ cho cậu Kết ấy, cô Yết thì ra về còn chị em nhà cậu dẫn nhau vào trong nhà.

"Thế mày bảo thầy mẹ về cái chuyện sính lễ chưa?"

"Cái đấy thì thầy mẹ tính với nhau chứ, đến hôm đấy em thêm vào là được."

Cô Xử lại thở dài ra, cái quạt trên tay của cô cứ vảy qua vảy lại đem luồng gió đến người của cô. hai chị em nhà cô ngồi trên cái giường gỗ mà đặt bên trái của cửa dẫn vào sâu trong nhà, bên cạnh cái bàn thờ ông thổ công. Cô cậu tự rót chè vào hai cái chén mà uống, cô Xử uống xong lại chẹp miệng làm cậu Kết nhăn mày.

"Thế này bà Ninh lại nguýt dài cho xem, cô Liễu bên nhà bà cũng chả thích mày bỏ cha ra mà mày không chịu."

Bà Ninh là bà mẹ hai của cả cô cậu, bản thân cũng sinh được một thằng con trai mà chiều quá suốt ngày chỉ thấy ăn chơi chứ học hành chẳng được mấy câu mấy chữ. Như con người ta ít biết thì ít nói nhưng đằng này cái cậu ba nhà này cứ thấy ai nói văn nói thơ là lại làm như mình có hiểu biết lanh chanh khen chê vài câu tỏ ra mình học thức lắm, mấy lần cậu Kết phải chạy ra đỡ không thì có mà đeo cái mo vào mặt. Được cả con thì được cả mẹ, bà Ninh từ khi có cậu ba cũng tự đắc lắm, lúc nào mà thầy mẹ cậu đang bàn chuyện cũng nói chêm vào vài ba câu ra cái chuyện bà cũng có con trai nên ông Dư không được phân biệt, cậu Kết biết tỏng cãi nhau với bả chả được cái gì lại còn bị bêu xấu khắp nơi như cái chuyện cậu đi mười ngày ấy nên đấm thèm vào cãi.

Lại nhắc đến chuyện cô Liễu, cha cô khó lắm mới thi được Trạng Nguyên lúc tuổi tứ tuần nên cũng có ý muốn gả con gái cho người có chức có quyền không cũng nhà làm quan thì ông mới chịu, ông bảo như thế thì mới xứng được với cái danh Trạng Nguyên của ông, gả con cho nhà chả có công danh thì có mà dòng họ cười cho thối mũi. Người ta cũng bảo gả con gái cũng như đánh canh bạc ấy, thế nên phải chọn cửa làm sao để nhà mình có lợi nhất chứ không đã mất con lại còn chả được gì thì ai mà dám gả nữa? Chính vì cái lí ấy mà cô năm nay cũng hai mươi rồi nhưng vẫn chưa hứa hôn cho nhà nào, bà Ninh nhìn thấy cháu gái mình vẫn còn đang tuổi xuân nhà lại có danh có thế nên tính chuyện nói anh chị bên đấy gả cô Liễu cho cậu, có gì sau này bà Ninh sẽ bao bọc cháu như bọc con. Ông Lý nghe cũng bùi tai lắm, mấy lần sang lân la làm thân ông Dư nhưng vẫn chẳng lần nào thành công hỏi cậu Kết do cậu cứ đánh trống lảng sang chuyện khác, còn ông Dư? Biết thằng con mình không thích nên ông cũng chẳng ép, mất công nó lại khăn túi lên đường bỏ nhà trong mấy ngày tới.

Cậu Kết nghe nhắc đến cô Liễu cũng chẹp miệng một tiếng, con gái ông Lý thì đẹp có tiếng ở bên cái làng Thảo đấy nhưng khổ nỗi cậu không thích là không thích, cứ hai ba ngày lại nhắc cô Liễu một lần làm cậu phát mệt.

"Kệ cô í, cô í thích thì em phải cưới à? Đâu ra cái luật đấy? Em không thích thì không cưới, nhà gái dám sang hỏi trước thì có mà thiên hạ nó cười vào mặt cho."

Cô Xử lại bĩu môi, cô chả biết tỏng em trai nhà mình, cái nết của nó cũng chả vừa gì nên lấy cô Liễu về chẳng biết có quản được nó không. Đổi lại, cô với cô Yết là chỗ chị em quen nhiều năm, dù cô cả bên đấy phải ít hơn cô bốn tuổi nhưng mà cái miệng lại lanh lợi, tư chất lại thông minh về một nhà với thằng trời đánh này chắc chắn sẽ quản được nó. Vả lại, bà Túc bên đấy chẳng phân biệt con trai con gái, dạy tuốt cho cô cách quán xuyến nhà cửa, học chữ, tính toán sổ sách, thế thì sẽ hợp với hai cái cửa tiệm buôn muối bán vòng ngọc nhà cô ở gần phủ Thiên Lý. Giờ mới thấy thầy nhà cô Xử tinh ý, thấy cô Yết thấp thoáng sau cái mành ở tiệm bạc nhà liền tìm cách hỏi đưa sính lễ ngay chứ chẳng đợi chờ thêm gì nữa.

Nói gì chứ cô cũng thích người ta về làm em dâu nhà mình chứ cô chẳng thích cô Liễu tí nào, chắc là do ghét bà Ninh nên ghét lây sang cả cháu. Cô đương nhiên thấy tính này không tốt nhưng biết làm sao được, ai chả thế? Yêu nhau yêu cả đường đi ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng là chuyện bình thường. Hay nói thẳng ra bà Ninh khôn lỏi, để cháu ruột mình làm dâu trưởng cũng bắt luôn được cái gáy của con trai trưởng trong nhà là cậu Kết, cô chả tin là thằng em cô lại không nhận ra cái chuyện đấy, mấy chuyện mất thể diện của bà ấy cậu chả lạ gì nên chỉ cần mới chớm có chuyện là cậu biết ngay.

"Thế nhỡ đâu bà í làm thầy đổi ý thì sao đây? Còn cả chị nhà thằng Bảo đấy? Chả rình cô Yết cả tháng trời."

Cậu Kết nhìn chị gái mình, còn cô Xử thì cứ cười cười trêu ngươi. Giờ mà giơ tay dọa đánh thì khác nào bảo cậu chỉ có láo đánh cả chị mình không? 

"Thầy nghe bà í có mà trời sập, gớm."

Cái chữ "gớm" ấy được cậu kéo dài cả thước, cô Xử cầm cái quạt gấp vào đấy mà gõ vào đùi cậu mấy cái rõ đau, mồm suỵt mấy cái ý nói cậu phải bé mồm, cái tai thính như chó mẹ của bà Ninh mà nghe thấy thì lại chả ra chuyện con trai cả trong nhà hỗn lão với bà, cô thì chả sợ em mình bị nói chỉ ngặt một nỗi con mẹ ấy mà động một tí cũng nhảy đổng lên như đỉa phảy vôi, còn có thầy ở đấy thì khóc lóc ỉ ôi dai dẳng không biết dừng. Cô mấy lần chẹp miệng bị bà Ninh lườm một cái thì liền biết là thầy cô đem về một bà vợ chả vừa.

Cậu Kết bị chị cầm quạt đánh lại nhăn mày kêu cô sao đánh đau thế, cô Xử nhìn quanh nói.

"Mày không sợ bà í nói ra nói vào làm mày không cưới được vợ à?"

"Úi giời, chị nghĩ mẹ mình hiền lắm chắc? Lơ mơ léng phéng là xong chuyện ngay. Với lại, cái vòng mẹ cũng đeo cho người ta rồi thì chắc chắn là chấm làm con dâu, bà Ninh chêm cái mồm vào lại chả bị chửi vội."

"Tao nói vậy thôi chứ, bà Ninh cũng chơi thân với chị Nhu lắm đấy, không khéo lại xúi nhau kéo hai chúng mày ra."

Cô Xử ngồi bó một cái chân, lại nghĩ đến thằng cháu Bảo nhà mình trước cũng chả thích con gái người ta quá đi ấy chứ, chẳng qua chị bên đấy lại không thích cô Yết, bảo là vợ đẹp thì chồng phải lo đã thế cô lại sinh ra vào đúng ngày rằm tháng mười không hợp với nhà bà. Nghe qua là biết chê người ta chỉ làm người buôn người bán không giúp cho con nhà mình công danh lợi lộc gì chứ ngày sinh cũng chả liên quan. Đấy, cái tin ông xem tướng râu tóc hoa râm từ trong cung truyền ra cái tướng của cô Yết là tướng phu nhân, tướng sướng cả đời thì lại giở mặt nói cả làng cả tổng rằng trước con trai nhà bà với cô cả nhà ông túc có tình có ý, nhìn vậy có công bằng với con gái người ta không? May mắn làm sao bà Túc thông minh, lúc làm tuổi trăng tròn cho con gái lại chẳng mời cái nhà bên ấy, thẳng thừng vạch rõ là con gái bà với cái cậu Bảo đấy chả liên quan gì đến nhau cả.

"Chị bị làm sao đấy? Có nhìn thấy người ta sang đây đưa đề sính lễ cho em là người ta chịu gả rồi từ nãy đến giờ cứ trù là sao?"

"Thì tao nói thế. Cái gì cũng phải cẩn thận đi, tao vừa mới thấy bà Ninh vào phòng thầy với mẹ đấy."

"Gì? Bà í vào á?"

"Ừ, tao thấy xong mới chạy ra đây bảo mày."

"Ơ hay, sinh được con trai cái là tính sồn sồn lên đâu cũng xông vào được thế à?"

Mồm nói nhưng chân cậu nhanh chóng xỏ vào cái dép gỗ, nhanh chóng đi vào cái viện bên trong vốn là phòng ngủ của thầy mẹ nhà cậu. Cậu vốn không lo là thầy mẹ đổi ý, chỉ sợ là bà Ninh nói ra nói vào phàn nàn sính lễ hậu hĩnh quá muốn giữ lại một ít, không chừng còn nói ý muốn gả thêm cả cô Liễu vào trong nhà, nếu mà luận về thân thế thì đương nhiên cô Yết chịu thiệt một tí vì cha cô Liễu là Trạng Nguyên, thể nào cũng đòi cái chức vợ cả cho cháu gái. Khổ, khổ lắm.

Cậu đoán đúng chả sai, bà mẹ hai nhà cậu đang ở trong này lanh chanh gạt cái này cái kia trong danh sách sính lễ cho nhà ông Túc. Nhìn sang mẹ của cậu đang nhăn mày thì cậu Kết lại thở phào một cái, lần này thì chắc chắn mẹ cậu đang không vui rồi, kì này bà Ninh có mà ăn mắng!

"Thầy u, mẹ hai."

Cậu Kết chào một tiếng, được cái gật đầu của thầy mẹ với mẹ hai cậu mới dám ngồi xuống.

"Ừ, đang tính sính lễ cho anh đây, gớm, cưới được cô vợ mà tốn quá nhỉ?"

Bà Ninh quay ra thấy cậu đi vào cũng ừ một tiếng cho có lệ, nói xong thì lại quay vào cũng cầm cái giấy cái bút gạch mấy cái trong danh sách mà ông Dự vừa mới viết xong. Chả hiểu là bà mụ đang nghĩ cái gì, thỉnh thoảng lại gạch một cái làm cậu Kết nhăn nhó, ông Dự phải vỗ vào má cậu thì cậu mới thôi.

"Thuở đời nhà ai con trai cả cưới, mẹ hai lăng xăng chạy sang đòi tính sính lễ cho không?"

Ông Dự thấy bà hai nhà mình hở ra là gạch một cái thì mới nói thế cho bà ấy biết lối dừng lại, không xen vào nữa, ai ngờ bà Ninh lại nói một câu như này.

"Ơ, thầy nói thế nào ấy. Em đang tính cho nhà mình, cưới vợ thì cưới vợ cần gì phải linh đình thế đâu? Nhà cô Yết đấy cũng có của ăn của để cần gì để ý sính lễ nhà mình? Ngày xưa em gả cho thầy cũng chả cần sính lễ."

"Ngày xưa thầy cô nương nhờ nhà này vì thầy cô gặp chuyện nên mới không nói đến chuyện sính lễ, bố chồng mới cho cô mấy cái vòng, một đôi trâm một đôi bông tai giống như để cô làm của hồi môn cho đúng lệ. Đã thế, cô lại đi so mình với con gái người ta? Người ta gả vào nhà này làm dâu trưởng, không phải làm vợ bé."

 Bà Dư lừ mắt ra nhìn, bà biết ông Dư vì nể mặt thầy của bà Ninh trước đây nương nhờ nhà ông Dư nhiều thứ, trong triều gặp chuyện một cái là nhờ ông chăm sóc cho đứa con gái út là bà Ninh này đây nên bây giờ mấy chuyện mà bà Ninh vượt quá phận vợ bé, ông Dư cũng nhắm mắt coi như không thấy, còn chuyện xử lý thế nào thì giao hết cho chính thất là bà nên bà chả sợ làm mất lòng cô vợ hai của ông. Bà đối với bà Ninh thì chỉ là chị em trên dưới chung chồng, lạnh hơn một tí nữa thì chả liên quan gì đến cái tình nghĩa với thầy của bà Ninh đấy, việc chính thất quán xuyến là cái lẽ xưa nay ai cũng công nhận rồi. Đằng này, là con trai ruột của bà cưới vợ thì bà hai nhà này liên quan gì đâu mà xăng xăng vào đòi tính sính lễ hộ?

Bà Ninh nghe chị cả nói thế cũng nín thin thít không nói được gì nữa, trong đôi mắt bà còn long lanh ánh nước. Cậu Kết nhìn thấy thì lén bĩu môi chứ chả thèm nói gì nữa, cậu biết là bà hai nhà này sắp sửa lấy nước mắt ra nói chuyện. Thắng thì làm vua thua thì khóc lóc, cậu chả nhìn thấy cái này nhiều quá rồi.

"Đấy hôm nay có thầy ở đây đấy nhá, thầy thấy chị chê em là vợ lẽ vợ bé nhá. Thằng Kết em cũng coi nó như thằng Kiên dứt ruột đẻ ra chứ có ghét bỏ gì đâu mà chị cứ chê em."

Bà Dư nhìn thấy bà hai giở trò khóc lóc thì dứt áo ông Dư, ghé tai ông mà bảo.

"Thầy ngồi đấy, cái này để em. Không thì thầy đi vào đi ngủ đi, vào ngâm chân rồi đi ngủ. Em vào sau."

Ông Dư cũng biết chỗ này mình bênh ai cũng bị nói là thiên vị, thôi nói thêm một câu rồi đi vào giường cho nhẹ cái đầu vậy.

"Đấy, kệ mấy mẹ con em, tính gì thì tính, chí ít cũng nể mặt nhà ông Túc một tí. Vừa chỗ quen thân, nhà người ta lại có của ăn của để nên là cái của hồi môn cho con dâu cũng không ít đâu. Đừng để nhà mình bị làng xóm nói ra nói vào. Thầy đi ngủ đây."

Ông Dư xỏ dép vào chân rồi đi vào trong mất, bà Dư thấy chồng đi một cái là lấy lại danh sách sính lễ từ trên bàn chỗ bà Ninh ngồi, kéo cái đèn dầu lại từ từ viết lại bằng hết như cái ban đầu ông Dư liệt kê ra không thiếu đi một món nào. Bà Ninh nhìn thấy thì vội ngăn.

"Ôi chị ơi, chị để sính lễ nhiều thế? Nhỡ đâu nhà mình có dùng thì sao? Nhà bên đấy cũng có của ăn của để thì cần gì sính lễ nhà mình mà cứ phải nhiều?"

"Nhiều à? Một đôi trâm hình uyên ương, hai đôi bông tai, hai xấp vải hoa trắng vàng, hai cái chén bạc, một dây ngọc trai đeo ngày cưới, một dây trầm hương đeo thường, với trầm hương đeo tay. Thế có gì là nhiều? Chỉ sợ mấy cái này ông Túc còn thừa tiền mua cho con gái. Cái chuyện đem sính lễ có khác gì mình sang hỏi mua con gái người ta không? Cô cứ một hai kêu nhiều làm gì? Cô bảo bên đấy của ăn của để có thì cần mấy cái nhà mình đem sang à? Thời nào rồi, người ta nhận cho có lệ rồi lại đưa hết cho con gái mang về nhà chồng chứ ai giữ làm gì? Chỉ nhiễu sự."

Cậu Kết nghe mẹ ra rả một hồi thì mới thở phào. Mẹ cậu chả đi xem bói đầu năm nay rồi, người ta bảo trong năm nay cậu phải lấy vợ, số cậu lấy được vợ có tiếng vượng phu mang lộc cho cả nhà nhưng cô này phải sinh ngày tháng mười, vào cái hôm mùng chín, mười lăm, hai ba, ít hơn cậu Kết một tuổi là tốt nhất, không thì phải lớn hơn cậu hai tuổi. Về nhà nói với ông Dư thì ông mới ngớ ra có cô Yết ở làng Tuyên sinh tháng mười ngày mười lăm năm nay mười chín, vừa đúng ít hơn thằng con cả nhà ông một tuổi nên thầy u cạu mới vội vã thế, không tiếc gì để đón cô về làm dâu của hai ông bà.

Thế này thì cậu hoàn toàn có thể cưới được cô Yết không gặp trở ngại gì nữa, sính lễ đã xong, cô cũng chịu gả, mộng để cô Liễu vào nhà làm dâu của bà Ninh chắc chắn chả được nữa rồi.

"Thôi u con ơi, u cứ tính cho con đi, con nghe u cả."

Bà Dư nhìn thằng con mình đang thảo mai giải vây cho mẹ hai nó cũng bĩu môi, ngày thường mà bà nói bà Ninh thì nó chả cười phớ lớ ra nay còn bày đặt nói đỡ cho?

"Mẹ nhà anh, mai anh ra hàng chiếu rồi bảo người ta làm một cái chiếu hoa mang về đây cho u."

"Sao phải đặt làm hả u?"

Bà Dư nghe con hỏi thế cũng chỉ biết nhăn mày, nó học chữ đến đâu thì bà không biết nhưng chẳng lẽ cái đạo vợ chồng hay thức cưới nó cũng không biết mà đi hỏi thầy nó hay sao.

"Anh chưa nghe à? Ba trăm một mụ đàn bà, mua về mà trải chiếu hoa cho ngồi. Cái đấy còn hỏi sao phải đặt làm hả u thì u cũng đến chịu anh."

"Thế còn đàn ông thì sao hả u." - Cậu Kết cười cười hỏi mẹ.

"Mua về ba đồng bỏ đấy kiến tự nó biết đường tha đi." (*)

Chẳng biết là bà Dư nói với cái giọng chua ngoa như nào, cậu Kết mặt ngắn lại. Đến cuối cùng không biết là thầy u cậu đón con dâu về nhà hay là đón thêm cô con gái.

Nói rồi bà lại cúi xuống cái tờ giấy ghi lại danh sách sính lễ. Nhìn qua không nhiều tí nào, mấy cái bà vừa nói với bà Ninh đấy là cái sính lễ nhà nào mà muốn cưới vợ cho con cũng đều phải có, mang sang để cho nhà gái may thêu áo cưới cho con mà dám mở mồm ra kêu nhiều. Người ta gả con gái làm chính thất, làm vợ cả, để nhà chồng ghi tên vào gia phả với thân phận con dâu chứ đâu phải làm thiếp làm lẽ? 

Đấy là bà còn chưa thấy nhà người ta thách cưới, nếu không thì có mà nhiều nữa!

"Chiếu với chả chủng, đón con gái người ta về làm dâu, cha nó thì quan chức bé tí ti cũng phải làm rình rang."

"Nói rồi vẫn chưa thủng, người ta về làm dâu trưởng, dâu cả, chính thất, không phải làm lẽ. Làm lẽ thì ai thèm cưới rình rang? Rình rang quá sau này sinh ra cái tật lắm mồm nhiễu sự thì mệt cha mẹ chồng chứ được cái nước non gì."

"Đấy, em kệ chị, anh thầy nói thế rồi thì em nói gì nữa!"

Bà Ninh giận dỗi ném cái chén vào rổ tre bên dưới bàn rồi hừ mũi đứng dậy đi về mất. Cậu Kết biết tính mẹ mình bình thường thì ôn hòa nhưng thấy ông Dư làm ngơ trước mấy lần vô lý của mẹ hai thì cũng chẳng làm được như bậc mẫu nghi mà bao dung, chỉ cần bà thấy không phải hay không đúng quy tắc thì bà Ninh có mà chuẩn bị ăn chửi. Mà, lâu rồi nên chả ai còn thấy lạ nữa.

"U con nóng tính quá." - Cậu Kết nén cười cảm thán một câu thì bị bà đánh vào lưng cho một cái, cậu biết là mẹ chỉ đánh yêu như lúc cậu còn bé nhưng vẫn cố tình tỏ ra đau, xoa chỗ bị đánh ấy.

"Mai cũng phải dạy vợ anh đanh đá lên, chứ mai anh nổi hứng lên đón thêm cô nào về thì có mà để nó bắt nạt dâu trưởng. Lúc đấy thì làng xóm người ta chửi u với thầy anh chứ chửi gì anh, cùng lắm người ta chỉ bảo đấy là cái thằng vắt chanh bỏ vỏ."

Cậu Kết biết giờ mẹ mình nóng giận chưa xong, cậu chọc một hồi nữa lại sẽ bị ăn chửi giống bà Ninh vừa nãy, mà mẹ cậu đã cáu thì toàn nói ra lời cay nghiệt có thể đâm sầm tới tâm can của người ta nên tốt nhất là không trêu, ngồi đó góp ý thêm cho mẹ rồi sang cho ông Túc một cái hẹn, sớm đón cô về nhà cậu.

"Thế anh biết cái thách cưới của người ta là cái gì chưa?"

"Người ta chỉ cần có bát canh cần nước với bó đuốc thôi u ạ."

Bà Dư à à mấy cái sau một vài phút ngồi ngơ ra như không hiểu chuyện gì. Mãi sau mới nhớ ra cô Yết là con một được thầy u thương bằng ấy năm mà lại gả đi thì ai mà không sợ mất con? Nói gì xa mà ngay nhà bà, lúc gả cô Xử đi chả khóc hết cái nước mắt, cô xa nhà ba năm thì theo chồng lên kinh thi cử, trời phật gia tiên phù hộ cho chồng cô đỗ Thám hoa được cho cả miếng đất đẹp ở gần bờ sông ngay cái cổng đằng sau nhà ông bà. Bà còn nhớ nói trước với con rể mùng một mười lăm thì cả vợ cả chồng sang nhà ăn cơm, cũng cho mà thấy con gái thường xuyên hơn. Cho nên bây giờ nhìn vào cái sính lễ của nhà bên ấy nên hiểu ngay, người ta cũng có một cô con gái, bà cũng có con gái, thôi thì cứ thuận một chút cũng không mất mát gì. Hơn nữa, bà cũng biết rằng mẹ cô Yết cũng biết tính người ở chỗ này, cũng sẽ dạy cô Yết khéo léo, sang nhà ngoại cũng không để người ta nói vào nói ra.

"Rồi, u biết rồi."

"Người ta còn không muốn con gái mang kiếp chung chồng. Ông Túc có mỗi một mình bà Túc nên cũng muốn con như thế."

"Thì mẹ hai anh có thằng Kiên nên mới vào được cái cửa nhà này. Sau anh có chè chén thì phải để ý, mang cô nào về đây thì có mà nhà bên ấy sang đòi con gái về, không chừng u đây lại mất cả cháu cả dâu. Mẹ cô Yết là người tây nên suy nghĩ không giống ở đây, cho cô Yết học chữ đọc sách, quán xuyến cửa bạc là anh phải tự biết, con gái người ta dứt ruột đẻ ra không phải gả đi rồi thì không còn liên can gì đến mẹ đẻ. Anh tự liệu lấy đối với nhà vợ sao cho tốt, đừng để người ta nói tới tai thầy u. U nói thế thôi, anh đi về ngủ đi."

Cậu Kết nhoẻn miệng cười, dù mẹ cậu không từ mặt cậu nếu cậu làm như thế nhưng ít nhất cũng không tỏ ra vô lý với con dâu trưởng nhà mình nên cậu vốn có thể yên tâm rằng giữa mẹ ruột của mình với vợ mình sau này không hay có chuyện mẹ chồng nàng dâu sớm tối bất hòa, còn mẹ hai? Khéo có khi mẹ anh lại được thêm một đồng minh, giúp mẹ quản luôn những gì mà trước đây ông Dư giao cho bà Ninh quản, thế thì chả cái lợi to như mẻ cá.

"U dạy như nào, con nghe u hết. U nghỉ đi, con về đây."

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(*) Nguyên bản bài ca dao là:

Ba đồng một mớ đàn ông
Mua bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một mụ đàn
Mua về mà trải chiếu hoa cho ngồi


* Nhiều lúc các nàng sẽ thấy cấn vì ta viết lúc "mẹ" lúc "u" nên ta sẽ giải thích thế này.

- "mẹ" là lúc dẫn truyện, ta chọn từ ngữ phổ thông nhất để viết tránh nhiều độc giả lại không biết từ ngữ địa phương, gây ra nhầm lẫn. Và đôi khi là ta cho cả vào cuộc đối thoại của hai nhân vật mà không có nhân vật người mẹ nào là đối tác trong cuộc đối thoại ấy, ví dụ như cuộc đối thoại của cô Xử với cậu Kết ở bên trên.

- "u" là trong cuộc đối thoại có nhân vật người mẹ tham gia, ví dụ như là cuộc đối thoại giữa cậu Kết và bà Dư ở bên trên.

Mẹ cậu Kết không phải tên thật là "Dư", chẳng qua là cách gọi ở chỗ ta sống thường là áp hai ông bà làm một, gọi một thể cho nhanh, như kiểu "phu thê nhất thể đồng tâm" ấy, gọi tên của vợ theo tên chồng, hay có thể hiểu khác là "bà nhà ông Dư" gọi tắt "bà Dư". Chắc là ai có quê nông thôn đều biết cách gọi này của các cụ nhỉ :>

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top