da giay viet nam

Ngành da giày xuất khẩu VN: Bao giờ thoát khỏi phận gia công

Cập nhật lúc 01h10, ngày 07/07/2008

Chỉ khi nào xuất khẩu trực tiếp, doanh nghiệp ngành giày mới phát triển, thu nhập của công nhân mới được nâng cao. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Trường Lợi- TPHCM. Ảnh: H. Đào

"Dù Liên hiệp châu Âu (EU) có bỏ ưu đãi thuế quan hay không thì ngành da giày xuất khẩu VN cũng khó phát triển được nếu vẫn giữ cách làm hiện nay". Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, nhận định về tình hình ngành giày VN.

Nguyên nhân của việc này được ông Khánh lý giải: Hầu hết doanh nghiệp (DN) tại VN đều gia công nên phần lớn lợi nhuận vào túi các DN nước ngoài.

Không chủ động được thị trường, nhiều doanh nghiệp gia công giày bị đối tác o ép đến phá sản. Thiếu chiến lược, ngành giày muốn phát triển nhưng "lực bất tòng tâm"

Làm giàu cho công ty trung gian

Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu giày da mỗi năm khoảng 4 tỉ USD những tưởng ngành da giày VN phát triển mạnh mẽ, lợi nhuận kếch sù nhưng thực ra, lợi nhuận không cao. Tầm quan trọng của ngành da giày chính yếu là giải quyết việc làm (theo số liệu của Hiệp hội Da giày VN, hiện có hơn 550.000 lao động đang làm việc trong ngành da giày). Nguyên nhân là hầu hết DN hiện nay gia công cho các đối tác Hàn Quốc, Đài Loan... mà giá gia công giày tại VN thuộc diện thấp nhất thế giới. Lợi nhuận chủ yếu rơi vào các đối tác này vì họ xuất khẩu trực tiếp sang các nước EU, Bắc Mỹ.

Ông Mai Duy Hiền, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, đang là Giám đốc Công ty Da Hào Dương-TPHCM, tính toán: Hiện nay gia công một đôi giày chỉ khoảng 1,5 USD, nhưng các DN phải thanh toán tiền nhân công, xây dựng nhà xưởng, thuế thu nhập DN... Còn các công ty trung gian xuất sang các nước với giá thấp nhất là 50 USD/đôi. Trừ tất cả các chi phí liên quan và nguyên phụ liệu, mỗi đôi giày, các công ty này lãi 5 USD thì dễ dàng suy ra lợi nhuận khổng lồ của họ.

Từ thực tế này, nhiều DN giày khẳng định: Chính sách ưu đãi thuế quan trong thời gian qua thực chất là tạo thêm lãi cho các DN trung gian chứ các DN gia công tại VN chẳng được hưởng bao nhiêu.

Ngõ cụt gia công

Giám đốc một DN gia công giày cho một đối tác Hàn Quốc ở quận Bình Tân -TPHCM than thở: "Phận gia công "hèn" đủ bề. Suốt ngày cứ nơm nớp lo sợ bị cắt đơn hàng, còn đối tác nếu ép được thì cứ ép". Ngay thời điểm này, giá cả tăng cao, muốn tăng chút ít đơn giá để cải thiện đời sống công nhân (CN), vị giám đốc trên phải năn nỉ cả tháng trời nhưng cũng chưa được đối tác chấp nhận.

Nhiều DN không trụ nổi với việc gia công đành phải bán đứt CN, máy móc, nhà xưởng cho đối tác, còn DN chỉ đứng tên trên giấy phép kinh doanh. Tại quận 4-TPHCM, một DN giày với hơn 4.000 CN cũng không trụ nổi phải cho đối tác thuê toàn bộ nhà xưởng và CN sản xuất. Năm qua, công ty này cũng giải thể luôn cả bộ phận làm giày. Hơn 4.000 CN theo các đối tác thuê đất xây nhà xưởng sản xuất ở KCN Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) và KCN Tân Thuận (TPHCM).

Ông N.T.T, giám đốc một DN gia công giày cho Hàn Quốc ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đã phải giải thể DN của mình vào cuối năm 2007. Ông cho biết: Những năm đầu, DN đóng ở quận 4-TPHCM. Không chịu nổi chi phí ngày càng tăng trong khi giá gia công thấp, ông dời công ty đến Long An. Cầm cự lắm cũng được 2 năm, ông phải buông xuôi. Tình trạng này xảy ra ngày càng phổ biến. Ở quận Bình Tân, Công ty HoJin thua lỗ phải giải thể, đến nay còn nợ CN đến mấy trăm triệu đồng tiền lương. Mới đây là Công ty Anjin cũng ở quận Bình Tân quá khó khăn, lâm vào cảnh nợ nần. Hàng loạt công ty khác ở quận 12, Gò Vấp, Bình Chánh... cũng không trụ nổi với thân phận gia công cho đối tác nước ngoài.

Thiếu điều kiện để DN tự cường

Xuất khẩu trực tiếp là phương án tối ưu để phát triển ngành da giày. Phương án này đã được Hiệp hội Da giày xác định từ... 10 năm trước nhưng đến nay hầu như giậm chân tại chỗ. Hiện trong số gần 200 DN xuất khẩu giày da thì số DN xuất khẩu trực tiếp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Trần Đăng Thanh, nguyên phó giám đốc Công ty Trường Lợi, người đã hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất da giày, chỉ ra nguyên nhân: Không có ngành công nghiệp nguyên liệu của ngành giày thì không thể mơ việc xuất khẩu trực tiếp. Phần lớn nguyên liệu giày phải nhập từ nước ngoài, thậm chí nhập từ các nước mà VN xuất khẩu giày sang. Một số DN thuộc da tương đối tốt ở trong nước thì lại xuất khẩu sang các nước khác. Ông Thanh lý giải: Nếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài thì làm sao cạnh tranh với họ được. Theo số liệu của Hiệp hội Da giày VN, trong năm 2007, VN nhập da các loại từ nước ngoài là 950 triệu USD. Phần lớn nguyên liệu này dùng phục vụ ngành giày.

Điểm yếu, điểm mạnh của ngành da giày đã được thấy rõ từ nhiều năm qua. Nhưng khắc phục nhược điểm để phát triển ngành da giày phải là chiến lược của quốc gia. Bản thân các hiệp hội, các DN muốn tự cường, không phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài nhưng "lực bất tòng tâm".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: