tài liệu 4
Đạo Phật và chữ hiếu
Mỗi năm, vào dịp lễ Vu Lan, chúng ta đều tập hợp đông đủ ở đây, để cùng đọc lại những lời dạy của Đức Phật về chữ Hiếu, thân tình nhắc nhủ nhau thực hiện những lời dạy đó một cách trọn vẹn trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Trước hết, tôi xin phép nhắc lại một đặc điểm của tôn giáo chúng ta là nói đi đôi với làm. Người Phật tử không nói dối. Nói mà không làm là một hình thức nói dối. Đức Phật từng dạy rằng, nói lời hay mà không làm, cũng không khác gì hoa đẹp mà không có hương (Kinh Pháp Cú). Đối với cha mẹ, chúng ta phải hết lòng hiếu kính, phụng dưỡng, nhất là khi cha mẹ tuổi già, đau ốm, cần tới sự săn sóc ân cần của chúng ta.
Đức Phật từng dạy rằng, săn sóc người ốm cũng như săn sóc Đức Phật. Nếu người ốm đó lại chính là cha mẹ chúng ta, thì sự săn sóc phải ân cần chu đáo gấp trăm ngàn lần. Đáng tiếc rằng, ở thế gian, người ta thường không làm được như vậy. Cha mẹ già, đau ốm thưòng bị con cháu bỏ rơi. Chúng ta là Phật Tử, chúng ta tuyệt đối không được làm thế bởi vì làm thế không những trái với đạo lý thông thường của thế gian mà cũng trái vớilời chính Đức Phật dạy. Trái đến hai lần, trái lời Phật dạy phải săn sóc người ốm, trái lời Phật dạy phải hiếu kính cha mẹ, phải săn sóc người ốm như chính là săn sóc Đức Phật.
Hiếu kính cha mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệkhác, cho đến ngày nay. Nhiều ca dao tục ngữ phản ảnh sinh động truyền thống đó:
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con"
Hoặc:
"Trải bao gian khổ không sờn
Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền."
Đạo Phật vào Việt Nam, lại càng củng cố thêm truyền thống tốt đẹp đó:
"Đêm đêm khấn nguyện Phật trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con".
1. Đức Phật tán thán công ơn cha mẹ là to lớn khó lòng đền đáp.
Đó là những câu ca dao Việt Nam, mà hầu như mọi người chúng ta đều thuộc lòng. Thế nhưng lời dạy của Đức Phật về chữ Hiếu còn cụ thể hơn nhiều, hình ảnh mà Đức Phậtdùng làm ví dụ sinh động hơn nhiều:
"Này các Tỳ kheo, cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ các người đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chứng không phải là nước trong bốn biển" (Tương Ưng II, 208).
Đức Phật lại nói tiếp:
"Có hai hạng người, naỳ các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơnđủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha..." (Tăng Chi I, 75).
Rồi Đức Phật giải thích, vì sao công ơn cha mẹ đối với con cái to lớn đến thế.
"Vì cớ sao? Ví rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này" (Tăng Chi I, 75).
2. Gia đình có con cái hiếu thảo với cha mẹ được Phật tán thán ngang bằng với Phạm Thiên
Đức Phật nhắc nhủ chúng ta hiếu kính cha mẹ, săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ, bởi vì làm như vậy cũng không đủ để trả ơn cha mẹ, nhưng theo đúng quy luật nhân quả của nhà Phật, công đức của người con hiếu thảo cũng đã vô cùng to lớn rồi. Và Đức Phật đã tán thán công đức của những gia đình hiếu thuận, và những người con hiếu thuận như sau:
"Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường".
"Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các Đạo sư ngày xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa vói mẹ cha, đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời" (Tăng Chi I, 147).
Đức Phật là bậc trí tuệ, bậc giác ngộ lớn, không gì không biết, không gì không thấy. Nhân thế nào quả thế nào, Đức Phật biết rõ, thấy rõ như trong lòng bàn tay. Những điều Phật biết, Phật thấy, chúng ta không biết không thấy, hoặc chỉ biết và thấy một cách đại khái.
Công đức, quả báo cuả những gia đình, những con cái hiếu thuận với cha mẹ, thực là lớn lao vô cùng, nhưng chỉ có Đức Phật mới thấy rõ, biết rõ và giảng giải lại cho tất cả chúng ta được biết một cách thật là sinh động và cụ thể.
Thi hào Nguyễn Du tác giả truyện Kiều, có câu:
"Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người".
Thông hiểu lời Đức Phật về chữ Hiếu, chúng ta cũng có thể nói:
"Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng hiếu thuận mẹ cha một ngày".
Tất nhiên, đây là cách nói. Con cái không phải hiếu thuận mẹ cha một ngày mà cả đời mình. "Một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, như vậy suốt 100 năm, cũng không đủ để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha" (Tăng Chi I, 75).
Phật dạy rằng gia đình nào hiếu kính cha mẹ thì cũng không khác gì Phạm Thiên. Không khác gì bậc Đạo sư thời xưa, và xứng đáng được cúng dường. Ý nghĩa của những ví dụ ấy như thế nào?
Những người Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo, ngày xưa xem Phạm Thiên (Brahma) như là vị Thần tối thượng của họ, còn theo đạo Phât, Phạm Thiên là cõi trời Dục giới và Sắc giới. Đức Phật đánh giá gia đình nào có con cái hiếu thuận với cha mẹ, cũng không khác gì cõi trời Phạm Thiên vậy, và những người sống trong gia đình như thế cũng giống như chư Thiên ở cõi trời Phạm Thiên vậy. Kính lễ, tán thán những người con hiếu thảo không khác gì kính lễ, tán thán Phạm Thiên. Và sống trong những gia đình hiếu thuận với cha mẹ, cũng tức là sống hạnh phúc, an lạc không khác gì sống ở cõi trời Phạm Thiên. Các bậc Đạo sư thời xưa được tôn quý như là các bậc Thầy hướng dẫn đời sống đạo đức và tâm linh cho dân chúng. Đức Phật tán thán những ngưòi con hiếu thuận với cha mẹ, cũng không khác gì các bậc Đạo sư thời xưa. Vì cớ sao? Chính là vì, gương sáng hiếu thuận cha mẹ cũng là gương sáng của cuộc sống tâm linh và đạo đức cao cả. Và bởi lẽ, những người con hiếu thảo với cha mẹ, được Đức Phật coi trọng như Phạm Thiên, như các bậc đạo sư thời xưa cho nên họ cũng xứng đáng được cúng dường.
Ngưòi Ấn Độ ngày xưa xem lửa như một vị Thần mà họ gọi là thần Agni. Họ có tập tục tế lửa. Anh em ông Ca-Diếp, trước khi quy y Phật, vốn là những người theo đạo tế Thần lửa. Nhưng Đức Phật dạy rằng, cha và mẹ chính là lửa đáng cung kính và cúng dường vì cha và mẹ đem lại sự sống cho con cái, cũng như lửa đem lại ánh sánt ấm áp và sức sống cho muôn loài. Đức Phật dạy: "Thế nào là lửa đáng cung kính? Ở đây, này Bà la môn, những người mẹ, những người cha của người ấy. Này, Bà la môn đáng gọi là lửa đáng cung kính" (Tăng Chi I, 74).
Đức Phật lại nói rằng, nguời con hiếu thuận với cha mẹ, cung kính, tôn trọng, phụng dưỡng cha mẹ với của cải do chính sức mình làm ra một cách hợp pháp, thì cha mẹcũng thương mến lại người con, và nói về con mình với những lời tốt đẹp: "Mong rằng, nó được sống lâu! Mong rằng thọ mạng nó được che chở lâu dài!" (Tăng chi II, 106).
3. Con cái hiếu thuận với cha mẹ, sẽ được sanh Thiên
Và Đức Phật nói thêm là một ngưòi con, được cha mẹ thương mến nhờ vậy, sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều và lâu dài. Những người con như thế sau khi mạng chung, sẽ được sanh lên các cõi Trời, ở đây, sẽ được sống sung sướng, an lạc, một đời sống sung sướng an lạc mà loài người chúng ta không tưởng tượng nổi:
"Thờ mẹ cha đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật thà,
Gia chủ không phóng dật,
Được sanh Tự Quang Thiên" (Kinh Tập, Sutta Nipata).
Tự Quang Thiên là một cõi trời, trong đó chúng sanh có thân hình đẹp đẽ chói sáng. Trong bài kệ trên của kinh Sutta Nipata, chúng ta chú ý câu:
"Thờ cha mẹ đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật thà...".
4. Thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ đúng pháp.
Hiếu thuận, thờ kính cha mẹ là điều tốt lành, như Đức Phật tán thán, nhưng phải thờ kính, hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ với của cải do tự mình làm ra đúng pháp chứ không phải là phi pháp, phi đạo đức. Sát sinh, lấy của không cho, nói dối, nói ác, nói chia rẽ, làm các tà hạnh để có nhiều tiền của đem phụng dưỡng mẹ cha, đó là điều rất không tốt đẹp mà Đức Phật cũng như các vị đệ tử của Ngài khuyên răn đừng có làm. Chúng tachú ý lời sau đây của Đức Phật nói với thanh niên Bà la môn Mahànàma:
"Ở đây, này Mahànàma, vị thiện nam tử, với những tài sản do nổ lực tinh tấn thu hoạch được, do sức mạnh của cánh tay gom góp lại, phải trả bằng những giọt mồ hôi đổ ra, làm một cách hợp pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ..." (Tăng Chi II, 106).
Ngài Xá Lợi Phất, trong kinh Dhananjàni (Trung Bộ II, 540), cũng nói rõ ý tứ của Phật là phải làm điều lành, không làm điều ác để phụng dưỡng cha mẹ:
"Này Dharanjàni, nhà người nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ, làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay là một ngưòi vì cha mẹ, làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, thì ai tốt đẹp hơn?".
"Thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp. Và thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh, người ấy tốt đẹp hơn".
Và ngài Sàriputta kết luận: "Này, Dhananjàni, có những hành động khác, có nhận, đúng pháp, với những hành động này, có thể phụng dưỡng cha mẹ, không làm các điều ác, làm các điều ác, làm các điều lành. Những người làm các điều ác để nuôi dưỡng cha mẹ, cũng không thể tránh khỏi quả báo của những hành vi bất thiện của mình. Và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và bào chữa cho những hành vibất chánh của mình".
Kinh Dhananjani tiếp đó, giải thích rõ, các con cái, vì mẹ cha mà làm điều ác, điều bất thiện thì cũng sẽ chịu quả báo, kể cả đọa địa ngục, và không thể viện lý do rằng, mình làm điều ác để phụng dưỡng cha mẹ, cho nên không chịu quả báo, không đọa địa ngục.
5. Khuyến khích cha mẹ có lòng tin chơn chánh, giới hạnh chân chánh, bố thí và trí tuệ chân chánh.
Một vấn đề được đặt ra là, theo đạo Phật, con cái làm thế nào để trả ơn đầy đủ cho cha mẹ? Bởi vì, như Đức Phật dạy, con cái dù mộg bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, dù có làm 100 năm đi nữa, thì cũng không đủ để đền đáp công ơn cha mẹ, tuy rằng người con hiếu thảo vẫn được quả báo lớn và sau khi mệnh chung, sẽ sanh lên cõi trời. Đức Phật trả lời rõ ràng vấn đề này trong Tăng Chi bộ kinh, tập I, trang 75:
"Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với cuả cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹkhông có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích, an trú vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha".
Vì sao Đức Phật lại dạy như vậy? Đấy là do công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹđối với con cái như trời, như biển, cho nên không thể nào lấy của cải vật chất để bù đắp lại được. Vả chăng, mọi của cải vật chất, đều vô thường biến hoại, nay còn mai mất, không có giá trị trường cửu. Trái lại, cha mẹ không có lòng tin đối với Tam Bảo, dối với chánh pháp, mà con cái biết hưóng dẫn, khuyến khích cha mẹ có được lòng tin; nếu cha mẹ làm điều ác, mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ làm điều lành, nếu cha mẹ keo kiệt, xan tham mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ bố thí; nếu cha mẹ có ác kiến, tà kiến và sống theo ác kiến, tà kiến mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ từ bỏ ác kiến; tà kiến, có được chánh tri kiến và sống theo chánh tri kiến thì những con cái đó đã làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha.
Tất nhiên, con cái muốn làm được như vậy, tự mình phải có đức tin chân chánh, tin ở Tam Bảo, tin ở chánh pháp; tự mình phải là ngưòi tốt lành và làm các điều tốt lành, tự mình thực hành các pháp bố thí: bố thí tài sản, bố thí pháp, bố thí vô úy (tức là sẵn sàng bảo vệ và giúp đỡ người khác để họ khỏi sợ hãi), và bố thí tùy hỉ (tức là luôn luôn làm cho người khác vui vẻ, và chia xẻ niềm vui với họ), tự mình học, tu đúng pháp để có trí tuệ chân chánh, hiểu biết chân chánh, khuyến khích cha mẹ bỏ điều ác làm điều lành, hoan hỷ bố thí và có trí tuệ chân chánh, một người con như vậy được Đức Phật tán thánlà đã trả ơn đủ cho cha và mẹ.
Chúng ta cần chú ý là: Tự mình không tin thì làm sao xây dựng được lòng tin cho cha mẹhay người khác được? Tự mình không làm điều lành, không bố thí, không có trí tuệt thì làm sao khuyến khích cha mẹ và người khác làm điều lành, bố thí và có trí tuệ được?
6. Những người con xuất gia đều là con cái chí hiếu.
Ở đây, luôn tiện tôi muốn trả lời một thắc mắc, mà những theo đạo Nho thừng hay nêu lên đối với đạo Phật. Họ cho rằng, những người xuất gia, từ bỏ gia đình, cầu đạo giải thoát, đều là những người con bất hiếu. Đó là những thắc mắc của những người không hiểu gì về lý tưởng xuất gia của đạo Phật.
Xuất gia không phải là từ bỏ cha mẹ và người thân, xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ những tình cảm hẹp hòi vị kỷ gắn liền với danh lợi thế gian, từ bỏ tham, sân, si. Xuất gia là chấp nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt thân, sơ, đều là người thân tất cả, đều là cha mẹ, anh, em, con cái ruột thịt của mình, đức Phật, được tôn gọi là đấng từ phụ, nghĩa là Cha lành, vì Ngài yêu thương tất cả chúng sinh như người mẹ thương yêu người con một của mình. Người xuất gia cũng vậy, noi gương Đức Phật, xem toàn bộ xã hội như là gia đình của mình, mọi ngưòi trong xã hội đều là bà con thân thiết, đều như cha mẹ, anh em, con cái ruột thịt của mình.
Nhưng điều quan trọng là người xuất gia báo hiếu bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ thiếu đức tin, khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, bố thí và tu học chánh pháp, có được trí tuệ chân chánh. Và như vậy, theo lời Phật dạy, chính là báo hiếu cha mẹ một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Đức Phật dạy rằng, lòng tin là sức mạnh. Vì vậy, đem lại cho cha mẹ lòng tin, tức là đem lại cho cha mẹ sức mạnh. Đức Phật dạy:
"Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên về năm phương diện: thế nào là năm? Lớn lên về lòng tin lớn lên về giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về bố thí, lớn lên về trí tuệ. Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên vì năm sự lớn lên này" (Tăng Chi II, 49)
Cần chú ý là Đức Phật tán thán lòng tin không phải vì lòng tin, mà vì lòng tin dẫn tới giới hạnh, học hỏi, bố thí và trí tuệ. Con cái đem lại lòng tin cho cha mẹ, cũng tức là đem lại cho cha mẹ giới hạnh, học hỏi, bố thí và trí tuệ.
7. Truyện dân gian "Nam Hải Quan Âm": Diệu Thiện trả ơn cha mẹ bằng cách độ thoát cho cha mẹ.
Trong chuyện dân gian Việt Nam, có truyện thơ "Nam Hải Quan Âm" rất được ưa chuộng. Đây là truyện một công chúa xuất gia độ thoát cho vua cha là người rất hung ác, một công chúa ở nước Hùng Lâm bên Ấn Độ nhưng lại sang tu ở núi Hương Tích của Việt Nam. Truyện mở đầu bằng những câu thơ, tóm tắt toàn bộ ý tứ của truyện:
"Chân như Đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được song thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài".
Đạo Phật có một quan niệm rất rộng lớn, phóng khoáng đối với hiếu và nhân. Hiêu là độ thoát được cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ thoát khỏi vòng tội lỗi, mê lầm, đến với giới hạnhvà trí tuệ. Còn nhân là độ thoát tất cả mọi loài, mọi chúng sanh, hướng dẫn tất cả mọi chúng sanh thoát khỏi vòng tội lỗi và mê lầm đến với giới hạnh và trí tuệ.
Truyện tả cảnh núi Hương Tích nơi Phật khuyên công chúa Ấn Độ sang đấy tu hành:
"Đức Phật mới chỉ đường tu
Rằng có một chùa tại Hương Tích sơn
Gần bể Nam Việt thanh nhàn
Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành
Núi cao ngân ngất mịt mù
Âm thanh cảnh vắng bốn mùa cỏ cây
Trên thì năm sắc từng mây
Dưới thì bể nước trong vầy như gương
Cá chim chầu tại tĩnh đường
Hạc thưòng hiếu quả, hươu thường dâng hoa".
Và chính tại núi Hương Tích naỳ, công chúa đã tu hành thành đạo quả và:
"Trên thời hiếu báo sanh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sanh Ta Bà"
8. Truyện "Quan Âm Thị Kính": Tiểu Kỉnh Tâm đối đãi với con Thị Mầu như con của mình.
Khác với truyện "Nam Hải Quan Âm", truyện Quan Âm Thị Kính giới thiệu một nét khác của người xuất gia theo đạo Phật: Tiểu Kỉnh Tâm xem con của Thị Mầu như là con của mình không khác, bởi vì như Đức Phật dạy, người xuất gia phải có lòng từ rộng lớn, phải thương yêu tất cả mọi chúng sanh như là người mẹ thương yêu con một của mình vậy. Tiểu Kính Tâm mặc dù bị Thị Mầu vu oan, nhưng lại hết lòng nuôi con Thị Mầu, chu đáo tận tình như con đẻ. Kỉnh Tâm tuy xuất gia ở chùa nhưng lòng vẫn nhớ cha mẹ vẫn không khuây:
"Bạch Vân khuất nẻo xa xa
Song thân ta đấy là nhà phải không? (Quan Âm Thị Kính).
Người xuất gia không phải cắt đứt tình cảm đối với cha mẹ, gia đình, thân thuộc. Người xuất gia chỉ đặt tình cảm dió trên một bình diện rộng lớn hơn, với một mức độ thắm thiết và sâu sắc hơn. Chúng ta hãy nghe sư cụ chùa Vân, hát theo điệu kể hạnh, những lời ca về Tiểu Kính Tâm thành Phật Quam Âm, độ được mẹ cha, cứu được con thơ:
"Nay bà Thị Kính hóa duyên
Nam mô Phật độ vô biên hằng hà
Hóa thân được cả mẹ cha,
Kìa là bạn cũ, nọ là con thơ,
Thế gian trông thấy sờ sờ..."
Như vậy Kỉnh Tâm xuất gia tu đạo Phật, đã đền đáp đầy đủ công ơn cha mẹ, giúp đời cứu người, chữ hiếu chữ nhân đều vẹn toàn. Truyện "Quan Âm Thị Kính" kết thúc bằng hình ảnh Đức Phâạt Thiên Tôn hiện ra cho mọi người được thấy, phán truyền cho mọi người biết tin Tiểu Kỉnh Tâm đã thành Phật Quan Âm, cha mẹ Kỉnh Tâm đều được độ thoát, thậm chí cả chàng Thiện Sĩ, chồng cũ của Kỉnh Tâm và con của Thị Mầu cũng được nhờ ơn:
"Giữa trời một đóa tường vân
Đức Thế Tôn hiện toàn thân xuống đàn
Vần vần tỏ rạng tường loan
Tràng phan, bảo cái giao hoan âm thầm
Truyền cho nào tiểu Kỉnh Tâm
Thị thăng làm Phật Quân Âm tức thì
Lại thương đến đứa tiểu nhi,
Lên tay cho đứng liền bấy giờ
Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ
Cho làm vẹt đứng nhờ một bên
Độ cho hai khóm xuân huyên,
Ra tay cầm quyết bước lên trên tòa.
Siêu thăng thoát cả một nhà
Từ đây phước đẳng hà sa vô cùng".
Truyện Quan Âm Nam Hải cũng như truyện Quan Âm Thị Kính đều có nội dung báo hiếu, theo quan niệm đúng đắn và rộng lớn của đạo Phật.
Đạo Phật là đạo giải thoát. Con cái, báo hiếu cha mẹ, không phải chỉ phụng dưỡng cha mẹ bằng tất của cải vật chất, mà còn giúp cho cha mẹ có được lòng tin chân chính, giới hạnh chân chính, trí tuệ chân cháng, hiểu biết thế nào là đạo giải thoát và sống theo nếp đạo giải thoát.
Đó là nghĩa chữ Hiếu theo đạo của chúng ta.
Là Phật tử, mọi người chúng ta hãy cố gắng, sống trọn vẹn theo đạo Phật như lời đức Phật dạy. Không những chúng ta nói như vậy mà chúng ta làm như vậy, sống như vậy. Không những bản thân chúng ta sống như vậy, làm như vậy, mà chúng ta còn khuyến hkích, hướng dẫn con cái, bạn bè, người thân, tất cả mọi người mọi đều biểu như vậy, sống như vậy, làm như vậy.
Mọi gia đình Phật tử chúng ta phải là những gia đình hiếu thuận, trong đó con cái hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ săn sóc, dạy dỗ con cái, vợ chồng thương yêu, kính trọng lẫn nhau, anh chị em sống hòa thuận vui vẻ với nhau. Mọi gia đình như vậy, Đức Phật xem ngang hàng với cõi trời Phạm Thiên, là cõi trời cao nhất của Dục giới và Sắc giới. Những người sống trong những gia đình như thế, Đức Phật xem ngang hàng với các Phạm Thiên, sống ở cõi đời Phạm Thiên, xứng đáng được mọi người tán thán, cung kính, cúng dường.
9. Số con cái không hiếu thảo nhiều hơn số con cái hiếu thảo
Hiếu thảo với cha mẹ có công đức lớn như vậy, lại phù hợp với đạo lý thế gian cũng như với đạo lý nhà Phật. Ấy thế mà vô lý thay, ở đời:
"Mẹ nuôi con, như trời như bể,
Con nuôi mẹ, con kể từng ngày".
Ở đời, số người con hiếu thảo thường ít hơn số con người con bất hiếu. Số người sống thuận với đạo lý thế gian và Đạo Phật thường ít hơn là số người sống ngược với đạo lýthế gian và đạo lý nhà Phật. Chính vì vậy mà ở đời, số người bất hạnh có nhiều hơn số người hạnh phúc.
Khi so sánh số người con bất hiếu ở đời quá nhiều, và số người con có hiếu ở đời quá ít, Đức Phật đã dùng ví dụ sinh động sau đây:
"Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay mà bảo các bậc Tỳ kheo: "Các người nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo! Cái nào là nhiều hơn, một ít đất ta lấy trên đầu móng tay hay là quả đất lớn này?
"Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này: Còn ít hơn là một ít đất ta lấy trên đầu móng tay hay quả đất lớn này?
"Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này: còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay...
"Cũng vậy, này các Tỳ kheo! Ít hơn là chúng sanh có hiếu kính với mẹ, và nhiều hơn là chúng sanh không hiếu kính với mẹ. Cũng vậy, ít hơn là chúng sanh có hiếu kính với cha, và nhiều hơn là chúng sanh không hiếu kính với cha...
10. Đức Phật cũng nhắc nhủ người cha, người mẹ phải có bổn phận với con cái.
Khi Đức Phật khuyên bảo con gái phải hết lòng kính yêu phụng dưỡng cha mẹ, Ngài cũng không quên nhắc nhủ về bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Trong kinh "Giáo thọ Thi ca la việt" (Trường bộ kinh IV, 188b) Đức Phật dạy:
"Người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sảnthừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời. Cha mẹ cũng có năm bổn phận đối với con cái: ngăn chặn con điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao của cải thừa tự cho con".
Với một bậc đại giác ngộ, đại trí tuệ như Phật, những lời dạy của Ngài bao giờ cũng hết tình, hết nhẽ. Là người cha, người mẹ, là con cái của các gia đình Phật Tử, chúng ta hãy suy ngẫm, ôn kỹ những lời dạy chí lý chí tình của Đức Phật về chữ Hiếu, và thực hiệnnhững lời dạy dỗ một cách trọn vẹn trong mọi gia đình chúng ta, trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
11. Tất cả gia đình Phật tử phải là những gia đình hiếu thuận.
Vì sao Đức Phật lại nói những con bất hiếu là số nhiều, những nguời con hiếu thảo là số ít? Đức Phật nói như vậy là để răn dạy chúng sanh, cũng như bà mẹ Việt Nam thường nói: "Nước mắt chảy xuôi, không bao giờ chảy ngược, cha mẹ bao giờ cũng thương con hơn là con thương cha mẹ".
Nhưng các gia đình Phật tử chúng ta không thể sống theo nếp sống tầm thường và phản đạo lý đó của thế gian được. Không phải chỉ là số nhiều mà tất cả gia đình Phật tử hằng lui tới Thiền viện Vạn Hạnh, Viện nghiên cứu Phật học và Trường Cao cấp Phật học này đều phải là những gia đình hiếu thảo và hòa thuận, đều là những cõi Trời Phạm Thiêntrên cõi thế này, xứng đáng được mọi người tán thán, ngợi khen, được các gia đìnhkhông phải Phật tử học tập, noi theo.
Nhân ngày lễ Vu Lan truyền thống, tôi thành tâm cầu nguyện để cho trong xã hội đang gặp nhiều khó khăn này, mọi gia đình Phật tử chúng ta phải là một điểm sáng, tỏa sáng, rực sáng vì ánh sáng bao giờ cũng đẩy lui bóng tối, tình thương bao giờ cũng chiến thắng tội ác, trí tuệ bao giờ cũng khuất phục dốt nát và si mê, hạnh phúc và đạo đức bao giờ cũng vượt lên trên bất hạnh và phi đạo đức.
Chúc quý vị một mùa Vu Lan hoan hỷ. Chúc các gia đình quý vị được an lạc và toả sáng như cõi trời Phạm Thiên.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tỳ kheo Thích Minh Châu
https://thuvienhoasen.org/a6489/dao-phat-va-chu-hieu
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top