Chương 10 - CÂU CHUYÊN TRÊN CON ĐÒ NHỎ


Chiều Gia Định mây soi bóng nước. Tòa thành uy nghi hùng vĩ chợt sạm mình khi giọt nắng

cuối cùng rụng mất ngoài chân trời xa khiến khách vãng lai cảm nhận được bức vách rêu

phong màu xám xịt đầy lở lói như những vết cạp nham nhở. Trống ngũ liên gõ từng hồi. Phủ

thành im lìm lặng lẽ như đã chìm vào giấc ngủ ngàn năm.

Một con đò nhỏ cắm sào trên bến vắng. Dòng sông mênh mang trôi lững lờ về hướng biển cả,

cuốn theo mình từng đám lục bình xanh và mấy thân cây nhỏ. Đâu đây còn thoảng nghe trong

nước sông xanh hương vị chết chóc của cuộc chiến tranh đang ngày càng lan rộng.

Trên đò, hai văn nhân mặc áo chùng tay rộng đang ngồi bên nhau quanh ấm trà tỏa hương dìu

dịu. Người mặc áo xanh có hàm râu ba chòm dài buông tận ngực, vóc người thanh mảnh,

thong thả rót trà ra hai chung nhỏ bằng đất nung, cất giọng trầm trầm khản đục:

- Mời Hồ huynh!

Người họ Hồ mặc áo trắng đã cũ, ngã sang màu chàm như áo các sư sãi trên chùa. Khuôn mặt

ông đã già nua lại khắc khổ, hằn những nếp nhăn khá sâu trên vầng trán cao rộng và hai bên

mép. Giọng ông khác với người áo xanh, nghe lanh lảnh:

- Chúng ta nào phải sơ quen, Phạm huynh bất tất phải lễ nghi khách sáo. Nào, ta

cùng uống đi!

Hai người nâng chung trà uống một ngụm rồi cùng khà lên, tấm tắc:

- Trà vùng thượng du Nam Bàn (Tây Nguyên ngày nay) dù qua bao cơn binh lửa

vẫn thơm ngào ngạt. Uống vào ban đầu nghe đắng đầu môi, sau thấm dần đến

ngọt lưỡi, càng thưởng thức hương vị càng thấy ngon!

Người họ Phạm tiếp lời:

- Nghe nói trà này hái xong còn ướp hương mấy lượt, hương lấy từ một loài hoa

sống trong bùn nhơ nhưng chẳng bao giờ vấy mùi bùn. Lá trà chỉ hái vào buổi

sớm, khi tia nắng đầu tiên chưa kịp chạm mắt người ...

- Hái sớm để làm gì, Phạm huynh có biết chăng?

Người họ Phạm cười nghe khùng khục trong cổ:

- Khá khen cho Hồ Thanh Hải, người được mệnh danh là thông thái của Đàng trong

lại hỏi ta một câu như vậy. Ai chẳng biết hái trà vào buổi sớm để lá trà thấm đượm

hơi sương?

Hồ Thanh Hải vòng tay:

- Phạm huynh đánh giá cao kiến thức của đệ làm đệ vô cùng hổ thẹn. Nếu quả

Thanh Hải này đáng là bậc thông thái hẳn đã trổ tài tế thế an bang, đâu đành

nhắm mắt làm ngơ để nhìn cảnh vật nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn trên mảnh

đất này!

Người họ Phạm trở nên trầm ngâm, thả tầm mắt mơ màng ra mặt sông loáng nước. Hoàng hôn

đang dần buông. Sóng nước rào rạt vỗ hai bên mạn đò như một bài ca không mỏi.

Hồ Thanh Hải vén tay áo rộng, cầm ấm trà khoan thai rót đầy hai chung mới. Ông không khỏi

ngậm ngùi trước những lời vừa nói ra. Cuối cùng như đang chán chường nhân tình thế thái,

người họ Phạm chắc lưỡi:

- Thôi, cứ kể như trên đời này không còn Hồ Thanh Hải và Phạm Hồng Điệp này

nữa. Tất cả đã chết rồi, chết ngay khi Tây Sơn Nguyễn Nhạc hành quyết Nguyễn

Phúc Dương, cháu đích tôn của Đức Tổ Nguyễn Hoàng, người khai sáng nên

mảnh đất phương Nam trù phú!

- Không phải đâu! – Hồ Thanh Hải ngắt lời – Họ đã chết vì đau lòng khi Nguyễn

vương Phúc Ánh sanh lòng cầu viện ngoại bang, mượn tay lũ Hồng Mao ngoại

chủng về tranh hơn thua cùng anh em Nguyễn Nhạc!

Phạm Hồng Điệp ngửa mặt nhìn trời:

- Nguyễn vương là người có lòng kiên nhẫn trùm thiên hạ, dốc lòng khôi phục cơ đồ

đã diệt vong, dưới tay còn có những bậc công thần như Nguyễn Văn Thành, Lê

Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy... dốc lòng phò tá, quân Tây Sơn cũng

đang trong thế hùng hổ chẳng ai sánh bằng. Ta e cuộc nội chiến này không thể

một sớm một chiều mà chấm dứt được.

- Huynh nói chí phải! Cuộc chiến càng kéo dài càng thêm cảnh xương phơi máu đổ,

thế nước ngày một suy vi. Nơi biên thùy phương Bắc, Càn Long đã yên vị ngôi

hoàng đế nhà Thanh hơn bốn mươi năm, ắt không từ bỏ dã tâm thôn tính nước

Việt. Phía Tây, bọn Xiêm La cũng đang luyện rèn binh sĩ, các hoàng tử Chiêu

Tăng, Chiêu Sương ngày đêm ra sức chế tạo thêm chiến thuyền khí giới, nếu

không dòm ngó đất này thì còn định đi đâu?

Giọng Phạm Hồng Điệp sôi sục:

- Vậy mà Nguyễn Lữ cứ ngồi yên trong thành Gia Định đàn ca múa hát cùng mỹ nữ

mặc cho lũ yểm nịnh tự tác tự tung, gây cảnh tang tóc cho dân lành. Nếu non sông

này có tan hoang thì lỗi cũng là do y hết thẩy!

- Phải, anh em nhà Tây Sơn xuất thân từ phận thấp hèn lại đua đòi vương bá, làm

đầu rơi máu chảy thật là lũ ngông cuồng!

Trên bờ bỗng có tiếng người vỗ tay cười ha hả:

- Các vị tiền bối xét việc đời khá nghiêm song tiểu sinh có vài thiển ý, chẳng rõ có

nói được chăng?

Hai người ngước nhìn lên thấy một thư sinh mặc toàn đồ trắng, dắt con ngựa cũng màu trắng

đang cung kính cúi chào. Hồ Thanh Hải hỏi lớn:

- Cao nhân phương nào, quý danh là chi, xin cho bọn già nua dốt nát chúng tôi rõ!

- Không dám! - Thư sinh chắp tay – Tiếng tăm Hồ, Phạm hai vị tiền bối dám khước

từ áo mão Tây Sơn trong lúc Nguyễn Lữ xưng hùng nơi Gia Định, cũng không

theo Nguyễn Ánh cầu viện ngoại bang, trọng chữ liêm sĩ về quê ẩn dật đã vang

khắp hang cùng ngỏ hẻm. Tiểu sinh ở xó rừng bấy lâu không có dịp viếng thăm, đã

lấy làm tiếc lắm!

Thư sinh buộc ngựa vào gốc trúc ven bờ, nhảy một bước xuống đò thật nhẹ nhàng khiến con

đò nhỏ gần như không lay động.

Phạm Hồng Điệp nhìn thư sinh từ đầu tới chân, thấy chàng ta trán cao miệng rộng, mày thanh

mục tú ra vẻ một người học rộng tài cao liền hỏi:

- Chàng trai trẻ là ai? Từ đâu đến?

- Thưa nhị vị tiền bối, tiểu sinh người đất Hà Tiên, họ Trần tên Liêm, đang bước

phiêu du qua bến sông này, nghe nhị vị luận bàn chuyện nước non có vài điều

không thuận nhĩ nên dừng chân muốn góp vài ý mọn, xin các vị tiền bối miễn chấp!

Hồ Thanh Hải nghe giọng thư sinh có vẻ khiêm cung nhưng ngầm ý cao kỳ liền nôn nóng hỏi:

- Điều chi không thuận nhĩ, xin cho biết!

Trần Liêm không đợi mời, vén áo khoan thai ngồi xuống rồi ung dung nói:

- Tiểu sinh nghe nhị vị kết tội anh em nhà Tây Sơn vốn người quần bô áo vải dám

đứng ra bày cuộc đuổi hươu (tranh giành thiên hạ). Điều đó tất nhiên không ai phủ

nhận. Giữa thời hoàng triều chính thống lấy Khổng Mạnh làm đạo lý luân thường,

việc phế đế soán ngôi là chuyện đại phi nghĩa, điều đó miễn bàn. Ta hãy xét một

việc: Thời điểm Tây Sơn dấy nghiệp là lúc đất nước phân đôi lần thứ hai (lần đầu

là chiến tranh Lê – Mạc), chiến tranh Nam Bắc gây đau thương triền miên cho dân

tộc. Các lãnh chúa hai miền bòn rút sức dân làm kiệt quệ kho tàng, lung lay thế

nước. Thử hỏi nếu nạn ngoại xâm ập đến thì còn sức đâu mà đương cự?

Hồ Thanh Hải hỏi gặng:

- Vậy không lẽ Tây Sơn đủ sức chống ngoại xâm?

Trần Liêm xòe chiếc quạt màu trắng ngà phe phẩy, thong thả đáp:

- Hùng khí Tây Sơn hun đúc từ khí thiêng sông núi, lấy ý chí của lớp cùng đinh tạo

thành sức mạnh lở đất long trời. Cơ đồ hàng trăm năm của họ Nguyễn phút chốc

thành tro bụi, giang san này sẽ quy về một mối ...

- Những kẻ hèn hạ không thể lên ngôi chí tôn ...- Hồ Thanh Hải nói nhanh.

Trần Liêm phá lên cười:

- Thương thay một bậc danh sĩ như Hồ tiền bối lại không biết những bậc vua hiền

thường xuất thân từ hàng dân dã. Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Thái Tổ

chẳng phải xuất thân từ kẻ hèn hạ đó sao?

Phạm Hồng Điệp mắt lộ hung quang, nhìn Trần Liêm gằn giọng:

- Tiểu tử cả gan so sánh giặc phỉ Tây Sơn với những bậc minh quân Đại Việt, hẳn

phải có luận cứ?

Trần Liêm không chút e dè trước thái độ hằn học của Phạm Hồng Điệp, dõng dạc đáp:

- Xưa mười hai Sứ quân chia cắt nước nhà, nay Trịnh - Nguyễn phân tranh cắt đôi

sông Gianh, Tây Sơn dựng cờ thống nhất san hà nào khác chi Đinh Tiên Hoàng ra

quân dẹp loạn? Dấy binh đại nghĩa, ngăn giặc Tây phương xâm nhập, dụng thần

công chống lại bọn Hồng Mao làm chúng táng đởm kinh hồn, ấy không đáng gọi là

võ công lẫm liệt cùng Đại Hành hoàng đế sao?

Phạm Hồng Điệp nín thinh. Hồ Thanh Hải đỡ lời:

- Phải xét cho cùng, dải đất này do Tiên chúa Nguyễn Hoàng mở cõi, giang san phải

thuộc về con cháu của Người, sao Tây Sơn manh tâm cướp lấy?

Trần Liêm lắc đầu:

- Xã tắc không phải của riêng một dòng họ mà là của muôn dân. Nếu kết tội Tây

Sơn cướp đoạt cơ đồ họ Nguyễn, thử hỏi sao Trần Thủ Độ xưa cướp cơ nghiệp

họ Lý trao về họ Trần, sau lại tận diệt họ Lý, lại là một việc nên làm?

Hồ Thanh Hải cố cãi:

- Nhưng khi ấy triều Lý suy vong, vua hèn tướng yếu ...

Trần Liêm ngắt lời:

- Vậy mấy triều cuối của Chúa Nguyễn cường thịnh lắm ư? Sau khi Võ Vương

(Chúa Nguyễn Phúc Khoát) băng hà, Trương Phúc Loan chuyên quyền phế thế tử

lập ấu chúa, trong nước loạn lạc nhiễu nhương, sưu cao thuế nặng, dân tình khốn

khổ. Tây Sơn biết lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo, chỉnh tu việc nước. Vậy

không thể vì cớ giành lấy san hà mà kết tội Tây Sơn, cũng như không thể tha thứ

cho Nguyễn Ánh tội mời giặc Phú Lang Sa về giày xéo quê hương, mượn tay giặc

ngoài mưu đồ hồi phục!

Hồ Thanh Hải cứng họng chưa biết nói sao thì từ phía sau đò vang lên giọng lanh lảnh:

- Trần Liêm dám múa ba tấc lưỡi luận bàn việc quốc sự, có phải làm nội gián cho

Tây Sơn không đó?

Cả ba cùng giật mình vì sự xuất hiện bất ngờ của người vừa nói. Không rõ y có phép ma quỷ gì

mà đột nhập vào ngồi sau đò chẳng ai hay. Trần Liêm nghĩ mình võ công chẳng phải tầm

thường mà bị qua mặt, tức giận quát lên:

- Người ở đâu thình lình lẻn vào đây nghe lén chuyện thiên hạ vậy?

Người kia vẫn ở tại chỗ nói vọng tới, giọng ngang ngạnh:

- Ta chưa bắt ngươi nộp cho Nguyễn vương lấy thưởng là phúc ba đời nhà ngươi

rồi, còn lớn giọng nữa ư?

Hồ Thanh Hải nâng chiếc đèn lồng nói lớn:

- Nếu đáng mặt anh hùng xin ra đây nói chuyện đường đường chánh chánh coi nào!

Người kia cười ha hả:

- Sợ gì mà không ra!

Dứt lời một bóng người sặc sỡ lướt tới nhanh như làn gió thoảng.

Ba người định thần nhìn kỹ thấy y là một trung niên to cao lực lưỡng, trong mặc áo chẽn màu

xanh lá mạ, ngoài khác trường bào bằng gấm Tứ Xuyên màu hồng sen điểm thêm những hoa

mai vàng óng và lá liễu xanh biếc, ngang hông thắt đai lụa viền kim tuyến, ngón tay đeo nhẫn

bằng ngọc phỉ thuý, đội mũ vải kiềng đai bằng vàng ròng có đính một viên hồng bảo thạch đỏ

rực, cổ đeo chuỗi ngọc trai chừng trăm viên đều tăm tắp, tỏa hào quang lấp lánh trong ánh

hoàng hôn. Mặt mày y nhẵn nhụi bảnh bao, tóc dài phủ nửa lưng. Khuôn mặt y vuông chữ điền

cương nghị, mắt to, lông mày đậm, môi dày hơi mím. Trông y rõ ràng một người cương trực,

dáng vẻ vừa mạnh bạo vừa ẻo lả, còn bản lãnh võ nghệ, qua thân pháp xuất hiện vừa rồi, quả

thật cao cường.

Trần Liêm nghiêng mình hỏi:

- Xin hảo hán cho biết quý danh?

- Kẻ ngang tàng này vốn là tay chọc trời khuấy nước xứ Định Tường, họ Diệp, tên

gọi Viễn Phong!

Trần Liêm ồ lên một tiếng:

- Hóa ra là Diệp chưởng tiêu của Định Tường tiêu cục, tại hạ ngưỡng mộ đại danh

đã lâu, nay mới gặp, thật là diễm phúc vô cùng!

Diệp Viễn Phong cười khanh khách:

- Không dám, danh tiếng của Truy mệnh kiếm Trần nhị công tử từng đơn kiếm đánh

tan bọn hải tặc trên vùng biển Hà Tiên như sấm rền bên tai, được hạnh ngộ cùng

công tử đây, tại hạ có chết cũng vui rồi!

- Không dám, quá khen! Dám hỏi Diệp chưởng tiêu làm thế nào đến gần mà chúng

tôi không hay?

Diệp Viễn Phong ra vẻ thú vị:

- Tôi đang chèo thuyền con đi nghe hát, nghe tiếng công tử đối đáp cùng Hồ tiên

sinh đây, thấy hay hay nên lẻn trèo lên đò nghe chơi!

Hồ Thanh Hải nãy giờ mới lên tiếng:

- Vậy ý chưởng tiêu thế nào?

Diệp Viễn Phong quay sang xá một cái nói:

- Diệp mỗ vốn là dân võ biền, bạ đâu nói đó, có gì sai xin tiên sinh miễn chấp. Hiện

nay sông núi còn chia đôi, thế lực phân tranh còn xẻ ra nhiều hơn nữa, song thời

thế bây giờ chỉ có Tây Sơn là đủ sức giành lấy thiên hạ ...

Hồ Thanh Hải cười khẩy:

- Tài năng cỡ Nguyễn Lữ mà đòi mưu việc lớn ư?

- Nguyễn Lữ chỉ là kẻ theo đóm ăn tàn, cậy uy hai ông anh để thống trị cả vùng đất

phương Nam trù phú, thật ra là kẻ bất tài vô dụng. Anh cả Tây Sơn là Nguyễn

Nhạc cũng có khí độ hơn người, song kiệt hiệt hơn cả chính là Nguyễn Huệ, nghe

nói tiếng ông ấy vang như chuông đồng, là một kẻ có đầy đủ dũng, trí, nhân, có

tầm nhìn xa trông rộng, dưới tay là những bậc anh kiệt như cặp vợ chồng Trần

Quang Diệu, Bùi Thị Xuân cùng Vũ Văn Dũng và hàng chục đô đốc khác ...Xét sự

thật bây giờ quân Tây Sơn hành sự có khi càn rỡ, coi bọn phú thương người Hoa

như kẻ tử thù, đôi khi vì trả tư thù mà tàn sát không thương tiếc khiến lòng dân bất

phục nhưng chỉ cần ông Huệ có thể làm vua năm mươi năm thì với phong độ của

bậc vĩ nhân ông ấy sẽ chấn chỉnh Tây Sơn thành một lực lượng do dân vì dân,

chẳng mấy chốc quốc gia sẽ phú cường thì chúng ta chẳng sợ gì kẻ thù phương

Bắc hay bọn Tây Dương cắn trộm nữa...

Nói liền một hơi dài, Diệp Viễn Phong quay sang nhìn từng người như thăm dò phản

ứng rồi nhìn Trần Liêm dõng dạc:

- Anh hùng bốn bể nghe tiếng ông ấy đều đang theo về, tôi cũng tò mò muốn tìm

đến Phú Xuân một chuyến xem có thật như lời đồn đại không - Y nghiêm mặt -

Công tử cùng đi với tôi chứ?

Hồ Thanh Hải tự ái nghĩ thầm: "Hắn lờ đi không mời bọn ta. Mà phải, hắn đã nghe những lời ta

đối đáp cùng gã họ Trần, chắc lòng không phục ...". Ông đổi giọng nói:

- Hai người khoan đi đã. Ngồi xuống đi ta nói chuyện anh hùng thiên hạ cho nghe!

Diệp Viễn Phong đưa mắt nhìn Trần Liêm. Chàng công tử ung dung kéo áo gã ngồi xuống.

Hồ Thanh Hải hắng giọng rồi trịnh trọng nhìn từng người một:

- Hai vị từng dọc ngang trong giang hồ, hẳn biết trong số võ lâm hiện nay ai đáng

gọi là võ công đệ nhất?

Hai người trẻ tuổi nhìn nhau rồi Diệp Viễn Phong cất tiếng:

- Võ công tài giỏi hiện nay trong thiên hạ có nhiều song chưa có ai là đệ nhất!

- Các hạ thử liệt kê vài nhân vật xem?

Họ Diệp bấm ngón tay:

- Tử Y hội chủ Lý Thần Long, Phong ba khách Lục Kỳ Thủ, Đoạt hồn kiếm, Truy

mệnh kiếm của Hà Tiên song hiệp và ...

Nói đến đây y dừng lại. Hồ Thanh Hải tiếp lời:

- Và các hạ chăng?

Diệp Viễn Phong nghiêm nghị gật đầu:

- Chính thị!

Trần Liêm mỉm cười xen vào:

- Diệp chưởng tiêu là tay cao thủ bậc nhất của Định Tường tiêu cục đó!

Hồ Thanh Hải vẫn lắc đầu:

- Ý ta muốn hỏi ai tài nhất kia, không ai nghĩ ra được sao?

Diệp Viễn Phong bóp trán suy nghĩ một lúc rồi cười đáp:

- Họ Diệp tôi chu du đó đây nhưng quả thực chưa thấy ai đáng mặt đệ nhất võ lâm

cao thủ!

Hồ Thanh Hải vỗ đùi cười lớn:

- Ta đoán có sai đâu! Tầm hiểu biết của các hạ hãy còn nông cạn lắm!

Diệp Viễn Phong không lấy đó làm phật ý, chắp tay nói:

- Nhờ tiên sinh chỉ giáo!

- Để làm gì? - Hồ Thanh Hải được thế cười già - Muốn tranh tài cao thấp phải

không?

- Không! Nếu người ấy thuộc về chính phái, tôi sẽ tìm cách kết tình hữu hảo, cho

giang hồ sóng lặng gió yên ...

Trần Liêm cũng nói:

- Xin lão tiền bối chỉ bảo cho!

Hồ Thanh Hải lấy làm hài lòng tự rót cho mình một chung trà rồi chẳng mời mọc ai, làm một hơi

cạn sạch. Sau tiếng "khà" thỏa mãn, ông dửng mày hỏi Diệp Viễn Phong:

- Các hạ có bao giờ ghé đất Vĩnh Long chưa?

Họ Diệp cau mày:

- Có phải mảnh đất nằm giữa hai con sông rộng?

- Chính thị! Nơi đó có một điền trang ít tăm tiếng của một ông già mù và ba chàng

trai anh hùng gọi là Vĩnh Long tam kiệt ...

Diệp Viễn Phong lắc đầu:

- Nếu tiên sinh gọi những kẻ chưa ai biết tới kia là anh hùng thì xin thưa thật rằng họ

Diệp tôi không phục!

Hồ Thanh Hải hỏi vặn:

- Vậy theo ngươi, anh hùng phải như thế nào?

- Như thế nào ư? Ấy là người đức độ như Mạnh Thường Quân, võ công như Phạm

Ngũ Lão, mưu trí thao lược, với bằng hữu nghĩa nặng tình thâm, với kẻ thù cương

nhu đúng lúc. Thế mới đáng mặt anh hùng!

Hồ Thanh Hải reo lên:

- Ta đoán không sai mà!

Diệp Viễn Phong nhếch mép:

- Tiên sinh nói câu này đã đến lần thứ hai nhưng hình như vẫn chưa đủ sức thuyết

phục...

- Các hạ chớ nóng, chớ nóng! Người mà ta gọi là anh hùng các hạ chưa biết tên

đâu! Ta mà kể xong các hạ ắt phải đưa ngón tay lên mà ca ngợi tài năng lẫn

phong độ của người đó...

Lần này Trần Liêm cũng phải sốt ruột thốt lên:

- Ai vậy?

Hồ Thanh Hải đắc ý cười:

- Để ta kể các ngươi nghe ...

***** Hết Chương 10 *****

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top