hai

Anh ấy đây rồi, Puneet. Lần đầu tiên sau nhiều ngày, Puneet rời cái ổ của anh ở Đường Chung. Trong khi chờ làm bánh, chúng tôi được phép qua thăm ổ của nhau dưới cái nhìn vàng vọt của bà Hà Mã. Puneet đi dường như hơi khập khễnh. Anh không trang điểm và khi nhìn thấy tôi, anh nhoẻn miệng cười. “Batuk, Batuk!”, anh chạy về phía tôi bất chấp sự khó khăn mà tôi có thể nhìn thấy trong mắt anh. Tôi quăng cuốn sổ và cây bút chì cụt ngủn xuống đất (tôi sẽ phải giải quyết vấn đề này) rồi chạy băng đến anh. Tôi ôm anh thật chặt và, ồ, anh bắt đầu hơi có mùi đàn ông. Chúng tôi cùng mở miệng nói một lúc và cùng bật cười.

Tôi thì thầm vào tai anh: “Nè, cẩn thận, đừng tỏ ra mạnh khỏe lắm, hoàng tử của em, nếu không thì hôm nay anh sẽ phải làm bánh đó”.

Puneet tỏ ra hạnh phúc khi ôm và lắc lư tôi trong tay anh. “Bà Hà Mã nói đằng nào tối nay anh cũng phải làm việc, vậy việc gì phải lo chứ”, anh nói, “Anh cũng cảm thấy khá hơn nhiều rồi”. Nụ cười của anh dãn rộng gương mặt khôi ngô, đôi má hồng hồng của một cậu con trai đã không còn nữa.

Tôi vẫn ôm chặt anh: “Em nhớ anh nhiều lắm”. Tôi cười nhẹ và nhìn vào mắt anh.

“Không nhiều bằng mấy ông khách hàng của anh đâu”, anh trả lời.

“Puneet!”, tôi la lên, giả vờ giận dữ, “Sao anh lại có thể nói như vậy, hoàng tử của em... Anh... anh...”, tôi không biết nói thế nào nhưng anh hiểu.

Anh ôm tôi trong vòng tay và cười với tôi: “Anh biết em muốn hỏi gì mà. Em muốn biết anh có thể tiếp tục lắc mông kiếm tiền không chứ gì?”, anh nhe răng cười, “Bác sĩ nói anh khỏe rồi... Em thấy bà Mamaki cười sung sướng không?”

Chúng tôi không nói nữa, anh buông tôi ra. Chúng tôi nắm hai tay nhau thành một vòng tròn và nhìn nhau. Anh hất đầu về cuốn sổ và hỏi: “Em làm gì với cuốn sổ và cây bút chì đó... Em đang ghi sổ cho anh à?”

“Không”, tôi nói với một chút kỹ xảo làm đỏ hồng đôi má, “Em đang viết”.

“Ồ, anh không biết là em biết viết chữ, con cáo nhỏ à. Em đang viết gì đó?”, anh hỏi.

“Em đang viết về việc em đã đến Mumbai và rơi vào cạm bẫy tình yêu của anh như thế nào, Hoàng tử Puneet trong giấc mơ của em”.

Puneet ngẩng đầu cười to, tiếng cười trong vắt. Anh nói: “Batuk, em là bộ óc của anh, trái tim của anh, bàn tay của anh. Em biết em là tình yêu duy nhất của anh. Cuốn sổ đó không bao giờ có thể chứa đựng hết dù chỉ một phần tình yêu anh dành cho em”.
Tôi lảng đi: “Không lâu nữa đâu, anh yêu, anh sẽ có thể yêu em như một vị vua chứ không còn là một hoàng tử nữa”. Ánh mắt tôi hạ từ ngực anh xuống phía dưới.

Anh không hề ngượng ngùng và trả lời bằng một tiếng cười to. “Cái này”, anh chỉ tay vào hạ bộ của mình, “chỉ dành cho em thôi, em yêu à”.

Puneet chộp cuốn sổ của tôi rồi chạy về cái ổ của anh. Anh ngồi xuống, mở cuốn sổ ra và lật từng trang một, nhíu mày và gục gặc đầu. Rồi anh ngẩng lên nhìn tôi: “Em nói là anh rất tuyệt diệu và đẹp trai”.

“Ồ, chưa hết đâu”, tôi đáp, “Anh lật sang trang kế bên đi... Anh thấy không? Em viết là anh đã soạn nhạc cho thần Shiva và ông ấy cũng đem lòng yêu anh rồi”.

Anh lật sang trang kế bên, nhìn chằm chằm rồi gật đầu. Tôi cười to: “Em biết là anh không biết đọc, anh ngốc xinh đẹp ạ”. Anh gấp cuốn sổ lại, nhảy dựng lên và tìm cách phát cuốn sổ vào mông tôi.

“Ngốc hả - em dám gọi anh thế hả... Em sẽ phải trả giá đấy!”.

Anh chộp lấy tôi và đôi mắt tôi nhảy múa cùng anh.

Đó là cách mà chúng tôi thường nói chuyện với nhau, hai người cùng làm đĩ trên Đường Chung ở Mumbai.
                              ***

Tôi ngủ quên trên tấm chăn hạt dẻ khi cha quay lại với một tô cơm, thịt mỡ và bánh mì. “Quả là một thành phố tuyệt vời”, cha nói kèm theo một nụ cười mãn nguyện, “Tất cả những thứ này và một ly bia chỉ 5 rupee”. Cha không mang bia về. Sau khi chúng tôi cùng ăn, hai cha con nằm xuống tấm chăn. Cha ôm tôi nằm cuộn tròn, lưng tôi áp vào bụng cha. Tôi ngủ ngon, mơ màng trên một biển người bới rác tìm thức ăn.

Tôi tỉnh dậy khi ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào mắt. Sau khi dụi mắt, tôi thấy cha đang lo lắng dọn đồ chuẩn bị đi. Chúng tôi có một cuộc hẹn quan trọng và rõ ràng không được phép đi trễ. “Cuộc hẹn quan trọng”, cha đã nói thế. Khi cha dắt tay tôi đi vào thành phố, trông cha thật bé nhỏ. Ngược lại, tôi như bị mê hoặc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những chiếc xe hơi xếp hàng với những con người ngồi trong. Họ nhấn còi inh ỏi. Không hiểu sao trẻ con lại mặc đồng phục? Chúng bị bỏ tù ư? Cha con tôi lạc đường mấy lần. Mỗi lần đi lạc, chúng tôi lại có nhiều thứ để xem. Có lúc, tôi như bị hút hồn với những hoa văn trên lề đường lát đá; tôi nhìn thấy những hình ảnh ẩn hiện đây đó và cố gắng tìm hiểu những bí mật của chúng. Màu sắc rực rỡ khắp nơi - những chiếc áo khoác đủ màu khi mọi người chen chúc trên những chiếc xe buýt bé xíu, những bộ quần áo và khăn quàng sặc sỡ phơi trên sân các hiệu giặt ủi, hàng hóa đa dạng trong các cửa hàng, và ngay cả những đống rác cũng có nhiều màu sắc. Không khí thành phố không chỉ tràn ngập đủ thứ mùi, khói, bụi, mà còn tràn ngập màu sắc.

Cha đi rất nhanh khi chúng tôi đi giữa thành phố và nhiều lần tôi suýt lạc mất cha, không phải vì ông đi nhanh quá, mà bởi vì tôi muốn dừng lại để nhìn ngắm mọi thứ. Có lúc, tôi đứng sững ngước nhìn một đoàn tàu đầy hành khách băng qua thành phố trên những đường ray bắc ngang không trung. Tôi có cảm giác đoàn tàu đang bay qua bầu trời. Tôi đứng nhìn, tưởng tượng ai đó sẽ rớt xuống, nhưng không ai rớt cả. Cha phá vỡ giây phút tưởng tượng này bằng cách kéo mạnh tay tôi, và một lần nữa, chúng tôi lại bị lạc đường.

Sau khi bị lạc gần mười lần và cha bắt đầu bực bội, chúng tôi mới đến nơi cần đến. Tôi quên cả mệt mỏi, theo cha leo lên những bậc thang bằng đá màu nâu nhạt. Những bậc thang cao đến mức tôi gần như phải nhảy lên mới tới. Cha nắm chặt một mẩu giấy nhỏ nhàu nát ghi địa chỉ như một con chim ngậm chặt con châu chấu.

Leo hết cầu thang, tôi thấy một cánh cửa cao màu nâu sẫm có cái nắm tay bằng kim loại hình tròn to gần bằng đầu tôi, móc vào miệng một con sư tử màu sẫm cũng bằng kim loại. Cha nhấn chuông và một phụ nữ trẻ mở cửa, rõ ràng cô phải dùng hết sức mới có thể kéo được cánh cửa ra. Khi chúng tôi bước vào, tôi quay lại nhìn người phụ nữ tì vai vào cánh cửa để đẩy nó đóng lại. Chúng tôi đứng trong một hành lang dài và tối, được soi sáng bởi một ngọn đèn thủy tinh duy nhất leo lét trên trần. Sàn đá được phủ một tấm thảm màu vàng và đỏ. Bên trái có hai cái ghế dựa vào tường, chính giữa là một cái bàn dài và hẹp. Trên bàn có một hộp gỗ, chạm khắc một thứ kim loại lấp lánh như vàng.

Đầu hành lang bên kia có một tấm màn dài phủ từ trần nhà xuống sàn. Chúng tôi đứng giữa hành lang, sau lưng là một cánh cửa đóng và trước mặt là một tấm màn.

Một giọng nói trầm trầm vang lên từ phía sau tấm màn, sâu bên trong tòa nhà: “Anh đến trễ, anh Ramasdeen. Chúng tôi đợi anh từ trước bữa trưa”. Cha tôi nói to lời xin lỗi với người đàn ông phía sau tấm màn, tuy còn chưa xuất hiện nhưng rõ ràng ông ta đang vội vã tiến lại. Tôi có thể nghe tiếng thở và tiếng bước chân nặng nhọc của ông ta đến gần.

Ông chủ Gahil, như sau này tôi được biết đó là tên ông, vạch tấm màn đỏ ở cuối hành lang. Trên tấm màn treo những chiếc chuông và những chiếc gương bạc nhỏ nên khi bước vào, sự xuất hiện của ông tạo ra những tia sáng lấp loáng và tiếng kêu leng keng. “Cô bé đây rồi”, ông nói như reo lên. Nhìn tôi từ trên xuống dưới, gương mặt ông tỏ vẻ hài lòng. Tôi có cảm giác như ông sắp sửa ăn thịt mình.

Ông chủ Gahil quay đầu lại kêu lên với tấm màn: “Kumud, đến đây ngay. Cháu gái bé nhỏ của ta đã đến từ cánh đồng và cô bé rất bẩn”. Ông chú mà tôi chưa từng biết trông rất đẫy đà và bệ vệ, ra vẻ người quan trọng. Ông mặc một loại quần áo mà tôi chỉ nghe đọc trong truyện kể, bộ quần áo nhiều lớp và có viền vàng. Áo trong của ông màu trắng và lớp áo giữa bằng nhung đỏ. Kế đến là một chiếc áo ngắn dệt tay và một chiếc áo choàng nhẹ màu trắng với những hoa văn khó hiểu thêu chỉ vàng lấp lánh. Nhìn tổng thể, ông là một trái banh sặc sỡ được thêu hoa cẩn thận.

Một phụ nữ già gù lưng lê bước vào phòng, chân bà như trượt trên tấm thảm với những âm thanh như người ta miết tay vào vải len. Bà cắm đầu xuống đất và ngay cả khi tiến về phía Ông chủ Gahil, bà vẫn di chuyển với sự chậm chạp của tuổi già. Chiếc áo sari xanh cũ kỹ dường như được may bởi một phụ nữ hiểu rõ vị trí đơn giản của bà trong thế giới này.

Vẻ ngoài của người phụ nữ khiến tôi liên tưởng đến một con chó già đang van xin chủ một cục xương. Ông chủ Gahil ra lệnh cho bà như thể ra lệnh cho một con chó: “Kumud, đưa bé Batuk đi tắm rửa sạch sẽ. Và bảo bác sĩ Dasdaheer sáng mai đến đây”. Ông nhìn tôi từ trên xuống và mỉm cười một lần nữa. Ông quay lại quát lên: “Đi đi!” và xua bà già đi bằng một cái vẫy tay. Bà từ từ quay lại và chậm chạp bước về phía tôi. Với một động tác thuần thục, bà chộp cổ áo tôi và kéo tôi đi theo bà về phía tấm màn. So với bề ngoài của một bà già, sức khỏe của bà thật đáng ngạc nhiên.

Đột nhiên cha tôi thét lên: “Batuk, lỗi của cha; cha đã mất hết... con ơi, đợi đã...” và lao về phía tôi. Ông chủ Gahil gầm lên: “Anh cần phải nghĩ trước về chuyện này, anh Ramasdeen. Anh quyết định trễ rồi. Chúng tôi còn công việc cần làm và tôi phải ra ngoài tối nay”. Quay sang người hầu đang lê bước, ông nói to: “Bà già, đem cô bé đi ngay. Tôi không có thời gian cho chuyện vớ vẩn này”.

Khi Ông chủ Gahil nhét cái bì thư dày cộm vào bàn tay căng cứng của cha, tôi bắt gặp một biểu hiện quen thuộc trên gương mặt cha. Tôi nhận ra nó ngay lập tức từ sau chuyến đi đến vị bác sĩ mà cha đã ngụy tạo ra để giấu mẹ đến thăm “cô em họ” xức nước hoa mùi oải hương: sự ghê tởm chính mình bị lấn át bởi lòng tham. Khi tôi quan sát sự yếu đuối của cha mình, ánh mắt chúng tôi chạm nhau và từ ông, tôi như cảm thấy một nụ hôn của thần chết. Tôi sợ chết khiếp khi cảm thấy ông đang kéo tôi lại trong tuyệt vọng.

Nhưng mối nối tâm linh của chúng tôi đã bị đứt. Trong cơn hoảng loạn bất ngờ, tôi bị áp đảo bởi sức mạnh đáng ngạc nhiên của bà già và bị kéo xềnh xệch về phía tấm màn. Những lời cuối cùng tôi nghe được từ cha tôi là: “Batuk... con gái ơi... con báo có đôi mắt bạc của cha...”. Và những lời cuối cùng mà cha nghe tôi nói là: “Cha ơi, cứu con... Con xin cha...”

                          ***

Khi Puneet chưa khỏe hẳn, tôi đoán trước mình sẽ được bà Mamaki chú ý nhiều hơn bình thường. Tôi đã đoán đúng, nhưng tôi không tính toán được hết những ảnh hưởng của nó. “Con gái ơi, giờ thì ta có nhiều thời gian để quan tâm đến con hơn”, đó là cách bà Mamaki diễn tả tình trạng này. Tôi nghe lỏm được vài cuộc nói chuyện của bà Mamaki với Ông chủ Gahil và nhận ra bà Mamaki muốn mức thu nhập của bà không bị cắt giảm, mặc dù Puneet còn đang bị ốm. Một buổi chiều, tôi nghe Gahil nói với bà Hà Mã: “Con biết, mẹ Briila yêu dấu, con biết rất khó khăn khi cậu bé không làm việc được, và con rất cảm ơn mẹ đã dành nhiều thời gian cho các em. Nhưng mẹ phải hiểu là con điều hành công việc, con có nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ. Ngay cả thu nhập của con cũng bị cắt giảm khi cậu bé không làm việc... Và vì vậy nên mẹ Briila, mẹ cũng phải bị cắt giảm”. Trong mười phút sau khi Ông chủ Gahil bỏ đi, bà Mamaki ra đường phỉnh phờ những người đàn ông về những hứa hẹn lạc thú bất ngờ. Bà tăng gấp đôi số tiền thưởng cho các tài xế taxi đưa khách đến chỗ chúng tôi, thường là với một hoặc hai chuyến du ngoạn trên giường của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng bận rộn. Cảm ơn trời Puneet đã trở lại làm việc.

Ban đầu, làm bánh không phải là công việc mà tôi muốn trở nên xuất sắc. Tôi chỉ xem đó như một phương tiện sống. Đàn ông leo lên giường tôi, tôi cởi áo anh ta ra và bùm, thế là xong. Người kế tiếp. Tuy nhiên, khi ngày càng chín chắn hơn, tôi nhận ra sai lầm của cách làm việc này.

Hãy suy nghĩ theo cách này. Giả sử mẹ bạn bảo bạn giặt đồ cho các anh em và cho chính mình. Bạn muốn hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt để có thể đi chơi. Vì vậy nên bạn ôm đống đồ và chạy xuống sông với một thanh xà phòng. Bạn quẳng đồ xuống nước và giặt chúng càng nhanh càng tốt. Sau đó bạn vắt đồ, phơi chúng lên một hòn đá nóng cho khô, và khoảng một hay hai giờ sau, bạn gom đồ mang về nhà và quăng một đống giữa phòng. Quần áo đã được giặt! Xong! Thế nhưng mẹ bạn sẽ mắng bạn: “Tối nay con không được đi chơi vì con giặt quần áo dơ lắm”. Cái tát trên má bạn vẫn còn hằn rất lâu ngay cả sau cơn đói vì bị phạt nhịn thêm một bữa tối.

Bây giờ, hãy nhìn theo một cách khác. Mục đích vẫn vậy: “Batuk, đi giặt đồ đi”. Nhưng lần này tôi quyết định làm mọi việc một cách xuất sắc. (Tại sao? Bạn có thể hỏi. Hãy chờ xem). Tôi mang đồ ra bờ sông và chia thành hai phần. Những món đồ nào có những vết bẩn quá dơ sẽ được để riêng một bên, còn những món đồ tương đối sạch thì được để qua bên kia. Sau đó tôi giặt tất cả quần áo và đặc biệt cố gắng với đống đồ dơ, cũng như cẩn thận hơn với những món đồ bằng vải mỏng để chúng không bị rách. Sau khi xả thêm vài lần và vắt khô, tôi phơi chúng trên đá rồi nằm ngủ một giấc. Khi ngủ dậy, tôi cẩn thận phân loại và xếp đồ, quần một xấp, áo một xấp, rồi mang chúng về nhà. “Mẹ ơi, xem này”, tôi sẽ reo lên, “Con đã giặt sạch vết bẩn khỏi chiếc áo của mẹ...” Mẹ sẽ nhìn đống đồ được xếp gọn gàng và mỉm cười, nựng má tôi và hôn lên đầu tôi. Buổi tối hôm đó, bạn sẽ thấy đĩa mình có một miếng thịt to và không khí trong bữa ăn tối rất vui vẻ. Và mẹ sẽ nói: “Con gái, ngày mai con đi chơi đi. Em con sẽ giặt đồ”.

Giờ thì bạn hiểu rồi đó. Trong cả hai trường hợp, tôi đều hoàn thành công việc. Nhưng trong trường hợp thứ nhất, tôi phải giặt đồ đến hai lần, bị đánh và phải nhịn đói đi ngủ. Trong trường hợp thứ hai, tôi có thể đánh một giấc nguyên cả buổi chiều, được một bữa no vào buổi tối và lên giường với một nụ hôn trên trán. Tôi rất ghét giặt đồ, nhưng giữa hai lựa chọn thì lựa chọn thứ hai vẫn dễ chịu hơn.

Với đàn ông cũng vậy. Một mặt, bạn có thể nhìn họ như một mục tiêu thuần túy, nhiệm vụ duy nhất của bạn là làm bánh mà không cần quan tâm dáng vẻ hay mùi vị của nó. Bánh đây - 100 rupee. Mặt khác, bạn cẩn thận chuẩn bị các thành phần, khiến chúng trở nên hấp dẫn, đa dạng và bắt mắt. Sau đó, hãy để người làm bánh nếm thử từng hạt đường cho đến khi họ trở nên thèm khát vị ngọt của nó. Giả sử bạn dạy họ cách nhào bột, và từ từ hướng dẫn họ cách đập trứng, thêm đường, thêm màu... từng chút một... Khi đó họ sẽ biết là bột nhào càng kỹ thì bánh sẽ càng ngon. Ít lâu sau, họ biết kiên nhẫn hơn, mua nhiều loại gia vị hơn và bỏ công chuẩn bị lâu hơn. Khi đó giữa họ và bạn sẽ có cảm giác đồng điệu hơn. Với tất cả thời gian chuẩn bị này, họ sung sướng nhìn bột dậy lên và sẵn sàng bỏ thời gian lâu hơn cho giai đoạn nấu nướng. Thậm chí đôi khi họ không cần đợi nướng bánh xong vì họ đã thỏa mãn. Với những người kiên nhẫn chờ đợi, khi bánh ra lò, họ sẽ cảm thấy thật khoan khoái và dễ chịu. Họ ra về với nụ cười. Sau này, họ sẽ trở lại để làm những cái bánh thú vị hơn và cũng chuẩn bị trả tiền nhiều hơn để có thể làm được những cái bánh ngon nhất trong đời. Bằng cách nâng cao kinh nghiệm làm bánh của mình, tôi khiến bà Mamaki vui vẻ đến mức bà thường xuyên cười và hôn tôi, cho tôi quần áo đẹp hơn, đồ trang điểm tốt hơn và thức ăn ngon hơn. Quan trọng nhất, khi thời gian làm một cái bánh kéo dài hơn thì tôi sẽ phải làm ít bánh hơn - bởi vì tôi ghét làm bánh với đàn ông, rất ghét.

Hôm nay, tôi viết bằng bút bi. Một trong những người làm bánh yêu mến của tôi luôn đến đây vào cùng một ngày mỗi tuần, đều đặn như một cái đồng hồ. Như nhiều khách hàng khác, ông ta đối xử với tôi như thể tôi là một đứa cháu gái đáng yêu hay thậm chí là con gái của ông. Vì biết bà Mamaki đang gặp khó khăn về vấn đề thu nhập nên tôi cố gắng làm một chiếc bánh lâu nhất, ngon nhất mà bạn có thể tưởng tượng được. Sau đó, tôi chải tóc cho ông, mái tóc chỉ lơ thơ vài cọng, và rồi ông chuồi vào chiếc áo khoác chuẩn bị đi.

Bỗng tôi nhìn thấy một cây bút bi xanh trong túi áo ông. Tôi thở gấp. Ông hỏi: “Chuyện gì thế cưng?”. Tôi giải thích mong ước của mình.
Ông rất bất ngờ: “Chỉ một cây bút Biro đơn giản ư? Cưng muốn nó sao?”.

“Dạ vâng, vâng”.

“Được thôi, cưng lấy đi”.

Một cái hôn. Ông ra về. Tôi giấu cây bút dưới tấm thảm. Nó là của tôi. Bà Mamaki lao vào. Ngừng một chút. Một nụ cười toác miệng. “Batuk - con gái yêu - con là đứa mà ta yêu mến nhất”. Một cái hôn. Một cái ngửi vào cơ thể mùi mỡ ôi của bà. Bà đi ra. Cây viết đã được an toàn.
 
                                  ***

Thật sự khó có thể nói rằng tôi đã kiệt sức trong thời gian Puneet nghỉ ốm. Nhưng dĩ nhiên là tôi có giả vờ như thế. Khi Puneet quay lại làm việc, tất cả chúng tôi đều hài lòng. Hơn nữa, anh cũng có vẻ hạnh phúc khi lấy lại được vị trí số một của mình. Là người con trai duy nhất trong sáu chúng tôi - mà cũng là người con trai trụ lâu nhất trên cả con đường này, Puneet có giá trị gấp hai hoặc ba lần chúng tôi. Những người muốn làm bánh đôi khi phải xếp hàng đợi anh; anh là một thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt. Nhưng anh cũng rất khờ khạo.

Lý lịch của Puneet đơn giản hơn tôi. Gia đình anh từ cánh đồng dọn đến Mumbai khi anh còn rất nhỏ; anh là con út trong gia đình. (Còn tôi là con thứ hai, nhưng là con gái lớn nhất). Anh kể với tôi rằng lúc còn nhỏ, anh là một cậu bé rất xinh xắn, điều này tôi có thể dễ dàng tin được. Gia đình tan vỡ khi cha anh bị bắt vì tội ăn trộm ở một công trường xây dựng. Cha anh trộm gỗ (trộm đến 47 tấm ván, di chuyển chúng bằng tay không) và bán lại cho một nhà thầu xây dựng khác. Ông bị bắt bỏ tù. Mẹ Puneet không còn gì khác để nuôi 3 đứa con nhỏ ngoại trừ nhan sắc của bà; thậm chí bà không có đủ tiền để mua vé xe buýt quay về làng. Vì vậy nên bà kết bạn với những người đàn ông cô đơn để kiếm tiền nuôi con. Một buổi tối, bà ra ngoài với một người bạn thân giàu có và không bao giờ quay lại nữa. Puneet còn nhớ người bạn của mẹ anh mặc áo vest trắng, đeo dây nịt bạc và cho bọn trẻ rất nhiều kẹo mỗi khi đến nhà. Kể từ hôm đó, Puneet trở thành trẻ mồ côi.

Có lẽ vì cha mẹ anh khờ khạo nên Puneet cũng rất khờ khạo. Trong năm làm việc đầu tiên, Puneet thường xin thêm hoặc thậm chí trộm tiền của khách hàng. Anh kể với tôi rằng thỉnh thoảng anh hỏi thẳng họ: “Thưa ông, cho tôi thêm chút đỉnh!”. Đôi lúc, khi họ đang ngủ, anh móc bóp họ lấy trộm vài trăm rupee rồi trả cái bóp về chỗ cũ. Dĩ nhiên anh luôn kể cho tôi nghe; anh nói khi nào để dành được một ngàn rupee, anh sẽ chạy trốn đến Anh hoặc Mỹ. Tôi cười to trêu chọc anh: “Chắc anh sẽ mua được một chiếc máy bay ở Đường Kẻ Trộm đấy”. “Chà, công chúa ơi”, anh trả lời, “những người có tài như anh kiếm được rất nhiều tiền ở Mỹ. Như em thì chỉ có thể ngồi nhìn thôi”. Nhiều lần anh kể với tôi về giấc mơ nước Mỹ, nhưng tôi biết đó chỉ là giấc mơ.

Và kết cục lúc nào cũng giống nhau: bà Mamaki luôn tìm ra kho tàng bí mật của anh. Thật khờ khạo, anh sẽ giấu một đống tiền ở đâu trong cái ổ bằng hạt đậu này? Anh có thể giấu một cuộn giấy bạc ở đâu trong người anh? Sao anh không hiểu rằng chỉ cần một người khách “méc” với bà Mamaki là bà ta sẽ tiến hành khám xét anh? Puneet dễ đoán đến mức bà Mamaki có thể đợi vài tuần sau mới kiểm tra phòng anh. Dù sao thì cuối cùng anh cũng không còn gì cả.

Điều tôi cảm thấy khó hiểu là sự ở lại của Puneet - vì anh không nhất thiết phải ở lại. Puneet, một cậu bé mười bốn tuổi với những cơ bắp đang định hình và một con đường trước mặt. Anh có thể trốn khỏi bà Hà Mã lẫn các quản lý khác cũng như Ranjit, người canh gác tàn bạo. Một khi đã thoát ra ngoài, không ai có thể nhận ra Puneet giữa hàng ngàn cậu bé trong thành phố. Và nếu rời khỏi Mumbai thì anh sẽ biến mất.

Lần duy nhất Puneet có vẻ buồn là sau khi anh bị khám xét và bị lấy hết tiền. Khi đó, tôi hỏi anh: “Sao anh không trốn đi? Anh làm được mà”. Anh luôn luôn trả lời: “Công chúa của anh, làm sao anh sống nổi nếu không có em bên cạnh?”

Anh khờ khạo và hèn nhát. Anh sợ đối mặt với tự do và cũng sợ phải kết thúc cái vòng tròn mà anh và bà Mamaki đã dựng nên. Anh biết bà sẽ tìm ra khoản tiền mà anh đã giấu, cũng như bà Mamaki biết anh sẽ giấu tiền. Anh biết bà ta cần anh và có lẽ đó cũng là phần nào lý do.

Sau khi hai người cảnh sát lạm dụng anh, tôi đoán khi bình phục, chắc hẳn Puneet sẽ nghĩ đến việc chạy trốn. Thế nhưng mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Anh tỏ ra vui vẻ hơn bao giờ hết. Anh tươi tắn hơn, yêu đời hơn trong bộ sari màu đỏ tươi viền vàng, đôi mắt trang điểm màu xanh nhạt và đôi môi hồng đào. Tôi nhìn anh đứng vén rèm đón khách, thân ái như một người bạn cũ. Tôi nín thở đợi nghe tiếng Puneet hét lên, nhưng không, không có âm thanh gì cả. Cơ thể con trai cường tráng của Puneet như đã chìm vào cái ổ của mình. Như một món đồ quá thân quen, anh thuộc về nơi này, nhưng anh quên rằng những món đồ cũ có thể bị quẳng đi trong một giây để thay thế bằng một món đồ mới.

Đó là buổi tối hôm qua. Thế giới vẫn có thể thay đổi trong một ngày, hay thậm chí một giây.

                              ***

Trong thời gian Puneet nghỉ ốm sau khi bị hai cảnh sát hành hung, Ông chủ Gahil và bà Mamaki nói chuyện với nhau rất nhiều lần, đa số các cuộc nói chuyện của họ, tôi đều tình cờ nghe được, vì cả hai người này đều không có khả năng nói chuyện nhỏ nhẹ. Hầu hết các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề thu nhập giảm sút do Puneet bị ốm. Nhưng một buổi tối nọ, sau một ngày làm việc dài, ông Gahil nói chuyện khá lâu với bà Mamaki về Puneet. Rõ ràng việc Puneet sắp dậy thì khiến ông Gahil lo ngại, trong khi bà Mamaki tỏ ra ít quan tâm hơn.

Kết quả của những cuộc nói chuyện này được sáng tỏ vào đêm hôm qua. Trước lúc bình minh, tôi bị thức giấc vì những ánh đèn chiếu vào cái ổ của mình. Puneet hét lên khi anh bị quẳng vào một chiếc xe tải nhỏ. Mọi chuyện xảy ra trong vài giây. Tôi hiểu rằng việc thiến anh cũng sẽ chỉ trong chốc lát.

Năm ngày sau, Puneet quay lại một cái xác không hồn. Sự hủy diệt treo lơ lửng trên đầu anh như con dao khukri của cha tôi cắt ngang cái đầu ngo ngoe của con rắn đang bị ông đạp dưới chân; cái chết treo lơ lửng trên đầu nó. Anh có một cái băng quấn ngang vùng dưới. Tôi biết, giờ thì anh sẽ không bao giờ chạy trốn nữa.
                       
                                 ***

Puneet luôn trêu chọc khi tôi gọi công việc của chúng tôi là “làm bánh”. Anh cười to và hỏi: “Thế có gì trong lò hở công chúa?”

Tôi nghĩ ra tên gọi này chỉ hai ngày sau khi cha bỏ tôi lại nhà Ông chủ Gahil. Giây phút tôi đến nơi đó là giây phút tôi rời cha tôi. Bà già Kumud dắt tôi vào một căn phòng mà bà gọi là “phòng của tôi”. Bà nghiêng người nói thật nhỏ đến mức tôi phải nín khóc mới nghe được bà nói gì: “Khi mày bình tĩnh lại, tao sẽ cho mày ăn”. Sau đó bà bỏ ra ngoài đóng cửa lại. Tôi biết giây phút đó chính là điểm kết thúc quá khứ và bắt đầu tương lai. Tiếng than khóc nức nở của tôi như dấu chấm hết một câu để bắt đầu một câu khác. Khi rời ngôi làng cũ, tôi đã bắt đầu làm quen với việc bị bỏ rơi, và khi bước vào căn phòng này, dường như tôi đã phần nào chuẩn bị tinh thần rằng mình sẽ ở lại đây. Ngay cả lúc này, tôi phải thừa nhận rằng những người trẻ tuổi có thể thích nghi rất nhanh. Sự thiếu trải nghiệm là một điều may mắn, giống như một tờ giấy trắng chưa bao giờ bị tô vẽ. Vẽ lên một tờ giấy trắng sẽ đơn giản hơn nhiều so với vẽ lên một tờ giấy bị bôi xóa.

Tôi bắt đầu biến đổi khi nằm trên chiếc giường đó, chiếc giường sang trọng nhất mà tôi từng biết. Khi đất sét được nung trong lò, nó thay đổi từ một dạng vật chất mềm, dễ nắn, thành một dạng vật chất cứng rắn hơn và được định hình; một khi đã được nung xong, đất sét cứng không bao giờ có thể được nắn lại, nó chỉ bị vỡ mà thôi. Vài giờ trước đây, tôi bước vào ngôi nhà của ông Gahil như một bình đất sét mềm ấm. Tôi sẽ rời nơi này như một bình đất cứng rắn và hữu ích.

Sau khi bỏ ra khá nhiều năng lượng để khóc lóc và gào thét, tôi cảm thấy đói bụng và không khóc nữa. Tôi im lặng nhìn quanh phòng; chiếc giường rộng đến mức đủ cho tất cả anh em tôi nằm ngủ, và nó cao đến mức nếu muốn chạm đất, tôi phải nhảy xuống. Chiếc giường được trải một chiếc khăn rộng có thêu hoa. Trời bên ngoài vẫn còn sáng, nhưng hai ngọn đèn điện trong phòng đã được bật lên, cả hai đều có những cái chụp đèn màu hồng nhạt được trang trí hoa văn, vì vậy nên ánh sáng trong phòng hơi nhuộm vẻ mờ ảo. Gắn chặt vào trần nhà là một cái quạt màu trắng năm cánh quay chầm chậm, và tôi có thể cảm thấy gió nhẹ thoảng trên má mình. Nếu bạn nhìn lâu, cái quạt có thể thôi miên bạn. Trong phòng còn có vài đồ vật bằng gỗ: hai cái ghế, một tủ nằm và hai chiếc bàn cạnh giường. Tất cả mọi vật đều được đánh bóng đến mức có thể phản chiếu những tia sáng. Cửa sổ mở và tôi có thể nghe được những âm thanh ngoài đường: tiếng xe, tiếng người, tiếng chó sủa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một cái cửa sổ có chấn song.

Tôi nghe tiếng khóa lách cách và cánh cửa từ từ mở ra. Bà già chậm chạp lê bước vào. Nếu không phải là bà di chuyển về phía trước với một sự chậm rãi kỳ quặc (pshhh, pshhh, pshhh), hẳn tôi nghĩ bà đã chết. Bà không chớp mắt, không nói, và gương mặt cứng đờ như bề mặt một chiếc yên ngựa cũ. Cuối cùng, khi bà cất tiếng, tôi thề rằng đôi môi bà không hề mấp máy và giọng nói bà nghe xa xăm như từ cõi chết vọng về. Dù chết hay không, bà mang theo một khay thức ăn.

Bà đặt khay thức ăn lên đầu chiếc tủ nằm, tôi giả vờ không quan tâm nhưng không thể kiềm chế mình liếc nhìn xem có gì trong đó. Trong khay có trái cây, một đĩa cà-ri, một chén súp đậu và những cái bánh ngọt mà bạn chưa bao giờ thấy. Những cái bánh sặc sỡ đủ màu và đủ hình dạng, màu đỏ, xanh lá, xanh dương, hình bầu dục, hình phẳng, hình nón. Tôi chén sạch đĩa bánh và nếu không kìm lại kịp chắc hẳn tôi đã ăn luôn cái đĩa. Sau khi ăn hết đĩa bánh ngọt, tôi mới chuyển qua món súp và cà-ri. Trong khi tôi thỏa mãn cơn đói của mình, bà già biến mất (hay tôi đã ăn cả bà ta luôn rồi?).

Pshhh, pshhh, pshhh - bà quay lại sau vài phút với một chiếc khăn trắng. “Đi theo tao”, bà nói như rít trong kẽ răng. Nếu như những đứa trẻ chín tuổi khác, hẳn tôi sẽ lủi thủi đi theo bà và không còn dáng điệu thách thức nữa. Thế nhưng không, tôi ngồi bệt xuống sàn, co chân bó gối và nhìn bà già một cách kiên quyết. “Không”, tôi nói, “Cháu sẽ không đi theo bà trừ phi bà đem thêm bánh ngọt cho cháu”. Bà già không thèm quan tâm đến cái nhìn của tôi và dường như cũng không nghe tôi nói gì. Phản ứng duy nhất của bà là đá vào mông tôi.

Khi bạn già đi, điều đó có nghĩa là bạn sẽ trở nên xương xẩu hơn chứ không săn chắc như lúc còn trẻ nữa, có lẽ đó là lý do tại sao ăn thịt một con dê già sẽ thấy giống như nhai gỗ vậy. Cái chân bà già dường như không có chút thịt nào. Tôi có cảm giác như bị đánh bằng một cây gỗ cứng, đau thấu xương.

Bà lầm bầm kêu tôi đi theo bà một lần nữa, và lần này thì tôi tuân lệnh. Chúng tôi đi dọc hành lang rồi bước vào một căn phòng, giữa phòng là một bồn nước màu trắng bốc hơi nghi ngút. Khi bà bảo tôi leo vào, tôi tưởng mình sắp sửa bị luộc. Từ nhỏ đến lớn vẫn tắm trên sông, tôi chưa bao giờ nhúng mình vào nước nóng. Nước nóng chưa đủ để làm bỏng da, nó là một cái nóng khác với khi nằm trên những hòn đá gần bờ sông. Tôi càng hoảng sợ hơn khi bà già đổ một thứ dầu thơm vào nước - tôi nghĩ bà sắp bỏ thêm gạo vào để nấu cháo. Bà tuột chiếc sari khỏi cánh tay, chộp một miếng xà phòng khổng lồ bằng bàn tay khẳng khiu như móng vuốt một con chim vồ mồi. Bà nghiêng người xuống bồn nước nóng và bắt đầu kỳ cọ cho tôi.

Dĩ nhiên trước đây tôi đã từng được mẹ hoặc dì tắm cho, nhưng chưa bao giờ có cảm giác như thế này. Bàn tay xương xẩu của bà già có một sức mạnh khác thường. Với miếng xà phòng và một mẩu vải xơ màu vàng, bà như muốn cào rách da toàn thân tôi. Mỗi lần tôi hét lên vì đau, bà lại chà mạnh hơn, cho đến khi tôi nhận ra càng la hét càng bất lợi cho mình. Tôi nghĩ hẳn bà rất thất vọng khi không tìm thấy con chí nào trên đầu tôi cả, vì bà sục sạo đầu tóc tôi đến hai lần. Khi đã xong, bà bảo tôi leo khỏi bồn nước. Tôi đứng trần truồng trước mặt bà, hy vọng bà sẽ đưa tôi chiếc khăn bà đang cầm trong tay. Nhưng bà không làm thế mà để tôi đứng một lúc cho nước trên người tôi chảy nhỏ giọt xuống đất. Dưới đôi mi xếp lớp của bà, tôi thấy đôi mắt bà chuyển động. Bà có đôi mắt nhỏ màu xanh sẫm; tròng trắng ngả vàng như màu phó mát. Bà nhìn tôi từ đầu xuống tay, từ ngực xuống đầu gối, và từ bẹn xuống chân. Đôi mắt bà săm soi từng cen-ti-mét trên người tôi. Vào lúc đó, không hiểu vì sao, tôi cảm thấy gần gũi với bà già lụ khụ này. Chúng tôi đều giống nhau, bị kẹt trong vai trò của mình; tôi là một nạn nhân còn bà là kẻ áp bức. Không ai trong hai chúng tôi được lựa chọn con đường của mình; và rất có thể ở kiếp trước hoặc kiếp sau, vai trò của chúng tôi sẽ đảo ngược. Tuy nhiên, vào lúc này đây, chúng tôi đang bị dính với nhau.
Bà già quấn tôi vào chiếc khăn và tôi đi về phòng mình. Khi tôi bước vào phòng, cánh cửa sau lưng tôi được khóa lại. Tôi leo lên giường nằm trần truồng, tóc tôi chỉ mới khô một nửa. Tôi đã được tắm rửa sạch sẽ.
                  
                                  ***
Đêm qua tôi lại mơ thấy giấc mơ đó. Tôi hiếm khi nằm mơ, nhưng khi mơ, tôi đều mơ thấy một giấc mơ giống nhau. Giấc mơ về một người bán nón. Tôi không hiểu tại sao có những đêm tôi nằm mơ còn những đêm khác lại không. Tôi ăn cùng một món, làm cùng một việc, sống cùng một nơi, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới nằm mơ.

Trong giấc mơ, tôi thấy mình đi ngang một ngôi chợ có mái che, dọc theo một hành lang dài lát đá vàng. Hai bên hành lang là những gian hàng bán đủ mọi thứ thông thường: rau củ, quần áo, đồ chơi, gia vị, và những pho tượng tôn giáo. Tuy nhiên, có những gian hàng bán những thứ lạ lùng, chẳng hạn như những mẩu cơ thể người sấy khô, xác con bò nhà tôi được thu nhỏ và bảo quản (không có gì khác ở gian hàng đó), những bàn tay và bàn chân bị cắt lìa nhưng vẫn còn cử động, và những quần áo biết nói. Chợ rất đông người với đủ mọi kích cỡ, chen chúc nhau. Mái tóc tôi trải dọc theo toàn bộ chiều dài mái nhà, xõa dài xuống đất.

Tôi bước vào ngôi chợ này từ phía trên và đi bộ xuống dưới. Tôi đi đến đâu, tóc tôi rơi từ trần nhà xuống đến đó, cuộn lên đầu tôi như một chiếc khăn xếp màu đen lấp lánh. Người ta dạt ra nhường đường cho tôi, họ cố gắng chạm vào tôi khi tôi đi ngang qua họ. Một số người vuốt tay lên người tôi, một số người khác chỉ chạm bằng đầu ngón tay, còn một số khác nữa thì mò mẫm ngực, bụng và chân tôi. Không ai chạm vào mặt tôi. Tôi cảm thấy khi tôi thở ra, họ vội vã hít vào. Hơi thở của tôi trở thành một làn mưa mỏng, và khi hít hơi thở của tôi, họ như muốn tôi thấm đẫm vào người họ.

Đi dọc theo hành lang chợ, ban đầu tôi có cảm giác rất tuyệt vời. Nhưng càng đi xa, tôi càng thấy mình yếu dần và khát nước hơn. Có lúc tôi khát đến mức không nhấc chân nổi. Rồi tôi thấy bên phải có một gian hàng bán nón. Gian hàng này chỉ bán những cái nón rơm mà người ta đội đi làm đồng. Chúng được chất chồng lên nhau một cách gọn gàng, tạo thành một bức tường cao từ sàn lên đến trần nhà. Người bán đứng sau những chồng nón, tôi không thể thấy rõ mặt ông ta.

Dù đang rất khát nước, tôi vẫn kêu to: “Tôi có thể mua một cái nón được không?”.

Ông trả lời từ sau bức tường nón: “Nhưng những cái nón này không phải dành cho các quý cô tôn kính”. Tôi nài nỉ: “Làm ơn bán cho tôi một cái nón đi mà...”

Bỗng nhiên, bức tường nón đổ sụp lên đầu tôi. Tôi hét lên: “Cứu tôi với!”. Những cái nón rơi vãi khắp nơi. Chúng lăn lông lốc trên hành lang chợ. Những người khác vẫn tiếp tục đi xuống dẫm đạp lên chúng. Tôi hét lên kinh hoàng, tuyệt vọng chạy đuổi theo những cái nón, cố gắng nhặt chúng lên. Người bán nón bắt đầu cười to một cách vui vẻ: “Chạy đi, Batuk, nhặt chúng lên. Kìa, một cái nữa kìa - nhặt lấy nó”. Hai cánh tay tôi chất đầy những cái nón, khi tôi cúi xuống nhặt một cái nữa lên thì hai cái trên tay tôi rớt xuống đất. Khi tôi cúi nhặt thì những cái khác lại rớt. Tôi sợ người bán nón nổi giận, nhưng ông ta vẫn cười sằng sặc. Hơn nữa, giọng cười của ông bắt đầu có âm điệu du dương như âm nhạc. Cuối cùng, tôi gom được tất cả các nón lên hai cánh tay và cẩn thận mang chúng đến gian hàng để chúng không bị rớt nữa. Ngay khi đến trước mặt người bán nón, tôi tỉnh giấc.

                               ****
S
áng nay tôi dậy sớm, khi mặt trời chỉ vừa chiếu những ánh sáng đầu tiên qua bức rèm cửa. Bầu trời đầy mây u ám với ánh sáng khuếch tán màu cam nhẹ và không khí mát mẻ. Tôi nằm ườn trên ngai vàng, lắng nghe tiếng bánh xe cút kít đến chợ, tiếng xe hơi, xe lửa, tiếng người lao xao bắt đầu một ngày mới. Tôi nghĩ về những người bạn mà tôi cùng chia sẻ cuộc đời mình ở đây. Tôi cảm thấy mình đã đối xử bất công với Meera, vì cô bé mới vào và còn rất nhỏ. Tôi nghĩ nhiều về Puneet và biết rằng anh sẽ mãi mãi thuộc về con đường này, bởi vì niềm hy vọng đã bị cắt đứt khỏi cơ thể anh. Tôi suy nghĩ lan man về mơ ước tương lai của mình, khi có một người muốn tôi nướng bánh với anh, riêng mình anh, và mãi mãi. Tôi cầu trời ai đó sẽ mang một sợi dây đến cột vào cổ tôi và dắt tôi khỏi chốn này, để phục vụ cho một mình anh. Tôi cầu trời anh sẽ cho phép tôi mang theo cây bút và cuốn sổ. Tôi không biết tại sao tôi muốn viết nhưng trong thâm tâm, tôi tin rằng một ngày nào đó, tôi có thể đọc lại để xem tôi đã tan vào những dòng chữ này và trở thành sở hữu của anh như thế nào. Khi một miếng kim loại đã bị cong, bạn không thể bẻ nó thẳng hoàn toàn trở lại; bạn chỉ có thể làm cho nó bớt cong mà thôi.

                              ***
Tất cả chúng tôi trên Đường Chung đều không bao giờ quên được buổi “ra mắt” của mình. Khi tỉnh dậy buổi sáng đầu tiên sau khi bị bỏ lại nhà Ông chủ Gahil, tôi bị mấtphương hướng một chút, nhưng chỉ vài giây sau là tôi nhớ ra mình đang ở đâu. Bà già đã chà xát tôi mạnh đến nỗi tôi cảm thấy đau rát dù đang nằm trần truồng trên một tấm nệm mềm mại. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ sự êm ái của nó.

Tôi có thể nghe được hoạt động của con đường bên dưới. Tôi nhảy xuống giường, trần truồng, kéo một chiếc ghế đến bên cửa sổ, leo lên ghế và nhìn ra ngoài. Hãy còn sớm lắm, ánh sáng mặt trời đang cố gắng xua tan màu xám của bầu trời đêm. Những chiếc xe hơi chạy rất nhanh và các cửa hàng đang lục tục dọn hàng ra. Tôi thấy lò bánh mì đã mở cửa. Tay tôi nắm chặt thanh chấn song bằng sắt lạnh lẽo của cửa sổ mở, tôi không nghĩ đến chuyện kêu la nữa. Tôi nhìn quanh tìm cha nhưng ông không có ở đó.

Nhiều giờ trôi qua và tôi bắt đầu chơi trò nhún nhảy trên giường. Đó là một cái giường đàn hồi tốt nhất mà tôi từng biết. Tôi nhảy lên nhảy xuống, có khi bật cao đến mức chạm trần nhà rồi rơi xuống đập bụng hoặc lưng xuống giường rồi lại nảy lên. Trò chơi sẽ kéo dài mãi nếu không có tiếng lách cách nơi ổ khóa cửa. Bà già bước vào cùng một người đàn ông, mang theo một cái thùng nhỏ màu nâu nhạt.

“Bác sĩ Dasdaheer tới thăm mày đây”, bà già lầm bầm.

Bác sĩ là một người đàn ông gầy ốm tóc bạc nhưng không già như bà Kumud. Ông mặc một chiếc áo sơmi nhàu nát, quần dài nâu và một sợi dây nịt da xơ xác. Đôi giày của ông dính đầy bùn đất. Ông có giọng nói ồm ồm, gợi cho người ta cảm giác ông sẵn sàng nói bất cứ điều gì để được thanh toán hóa đơn.

“Chào cô bé”, ông nói, “Tôi là bác sĩ Dasdaheer. Tôi đến khám cho cháu vì bác của cháu muốn cháu được mạnh khỏe”.

Tôi vẫn đứng trần truồng trên giường, thở dốc sau màn nhún nhảy. Bác sĩ yêu cầu tôi ngồi xuống giường. Ông hỏi những câu hỏi mà tôi không biết trả lời như thế nào. Ông không hề tỏ ra quan tâm hay giận dữ khi tôi không biết trả lời những câu hỏi như tôi đã từng bị bệnh này chưa hay đã từng bị đau cái kia chưa. Tôi bảo ông rằng tôi vừa làm sinh nhật ba tuần trước. Ông bắt đầu sờ nắn tôi cẩn thận hơn, chọt vào chỗ này chỗ nọ, và nghe ngực tôi bằng một cái ống nghe. Tôi có cảm giác ông hơi thất vọng vì tôi rất khỏe.
Tôi được cho ăn bánh ngọt nhiều hơn - hai đĩa đầy - và được uống sữa nóng pha mật ong. Tôi cũng được dẫn đi tắm nước nóng lần thứ hai, nhưng lần này bà già không chà xát tôi nữa.
Đến gần trưa, bà mang cho tôi bút màu và giấy. Tôi vẽ một ngôi nhà và một con mèo. Tôi hỏi bà: “Giờ cháu có được về nhà không?”

Bà ngồi như ngủ gục trên chiếc ghế gỗ, mở hé đôi mắt nặng nề nhìn tôi và nói: “Không, không thể”. Tôi vẽ thêm một lúc nữa rồi lại hỏi: “Cháu có được gặp cha không?”

Bà nói: “Không”.

Tôi muốn hỏi khi nào cha tôi mới quay lại, nhưng tôi không hỏi. Bữa trưa gồm súp đậu và bánh ngọt, nhưng giờ thì tôi bắt đầu ngán bánh ngọt rồi. Thời gian chầm chậm trôi qua, bà già lại ngồi trên ghế ngủ gục.
Rất lâu sau, bà tỉnh dậy và đi ra ngoài. Một lúc, bà quay lại mang theo một gói quần áo. Tôi đã trần truồng suốt cả ngày. Khi tôi muốn đi vệ sinh, bà bảo tôi đi vào một chậu sứ nhỏ màu trắng, rồi bà mang đi đổ và đem cái chậu không về.

Sau đó bà bắt đầu mặc quần áo cho tôi. Bộ quần áo lót trắng đến mức tôi chưa từng thấy một bộ đồ nào trắng như thế mặc dù trước đây tôi vẫn phụ trách việc giặt quần áo trong nhà. Bà bắt tôi ngồi trước chiếc gương trên cái bàn gỗ và bắt đầu trang điểm cho tôi. Bà vẽ mắt, tô son môi, thoa má hồng, sơn màu đỏ lên bàn tay tôi như một cô dâu. Bàn tay xương xẩu của bà làm công việc này một cách thuần thục không hề run rẩy. Khi bà vẽ một đường xoáy, nó hoàn hảo ngay lần đầu tiên. Những ngón tay của bà chuyển động một cách chuyên nghiệp. Cảm giác về những thứ trang điểm còn ướt trên mặt mình thật lạ lùng. Khi bà làm xong, tôi nhìn vào gương và suýt không nhận ra mình. Đôi má hồng như ánh bình minh ló dạng, đôi mắt lấp lánh huyền ảo, đôi môi đầy đặn gợi cảm. Tôi không ngờ mình lại đẹp như thế.

Chải đầu và thoa dầu vào tóc tôi, bà già nhìn tôi với một ánh mắt trống rỗng tự hào, như thể bà vừa trang trí xong một chiếc bình sứ kiểng. Khi ánh mắt tôi chạm vào mắt bà, bà không nhìn đi chỗ khác. Hai chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau. Sâu thẳm bên trong ánh mắt bà, tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ toàn là gạch đá vỡ vụn.

Sau khi bà chải tóc cho tôi xong, lần đầu tiên trong đời, tôi được mặc một chiếc sari. Chiếc sari màu cam và đỏ với những đường chỉ trắng bạc. Chiếc áo nhẹ như mây, thoang thoảng mùi hương dầu trong bồn tắm đêm qua. Tôi đã được “tút” xong, cảm thấy mình như một món hàng quý giá được gói gém cẩn thận.

Bà già bước ra khỏi phòng khóa cửa lại. Tôi nhìn vào gương soi và không thể tin được đó lại là mình. Tôi nghiêng đầu, giơ bàn tay lên, ngọ ngoạy ngón tay và mỉm cười. Hình ảnh trong gương cũng làm y như thế. Tôi hát nho nhỏ, lắng nghe giọng hát quen thuộc của mình phát ra từ một gương mặt xa lạ. Tôi bắt đầu chu mỏ, trợn mắt như một con ếch trước gương, đôi môi đỏ trong gương cũng uốn éo phụ họa. Màn trình diễn kết thúc khi con dê già quay lại. Bà chỉ mở hé cánh cửa, ló đầu vào nói cụt lủn: “Đi nào!”. Giọng nói của bà khác những lần ra lệnh trước. Nó nhẹ nhàng hơn như thể bà muốn mời tôi đi chứ không phải ra lệnh cho tôi phải đi. Tôi đứng lên, tạm biệt con ếch trong gương và đi theo bà.
                              
                              ***

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top