2.

Nếu Sài Gòn là trung tâm phồn hoa của Nam Kỳ, thì Cần Thơ chính là viên ngọc sáng của vùng sông nước. Được mệnh danh là "Tây Đô", nơi đây không chỉ là một đầu mối giao thương quan trọng mà còn nổi tiếng với vẻ đẹp thanh bình, những con sông hiền hòa và chợ nổi tấp nập.

Trên dòng sông Hậu, thuyền bè ngược xuôi, thương nhân buôn bán đủ loại mặt hàng từ gạo, trái cây đến vải vóc, gia vị. Chợ nổi Cái Răng lúc nào cũng nhộn nhịp, ghe xuồng ken đặc trên mặt nước. Người miền Tây hiền hòa, phóng khoáng, giọng nói ngọt như mía lùi, khiến ai đi xa cũng nhớ.

Khác với sự hối hả của Sài Gòn, Cần Thơ có một nhịp sống chậm rãi hơn. Đàn ông uống trà, bàn chuyện làm ăn; phụ nữ ngồi bên khung cửi, may áo dài; trẻ con lội bì bõm dưới sông, cười đùa không ngớt. Trong số những gia đình có tiếng ở Cần Thơ, nhà họ Trịnh là một gia đình gia giáo, nền nếp, nổi danh về học vấn và nghề may.

Trịnh Văn Lạc

Là chủ một tiệm sách kiêm thầy đồ, ông Trịnh Văn Lạc được cả vùng kính trọng vì tài học và đạo đức. Với ông, chữ nghĩa là nền tảng của một con người, và bổn phận của nam nhi là phải lập gia đình, nối dõi tông đường. Vì thế, ông không bao giờ chấp nhận những gì đi ngược lại luân thường đạo lý.

Hằng ngày, ông ngồi trong tiệm sách, vừa bán vừa dạy học cho học trò trong làng. Mùi giấy cũ, mực tàu quyện trong không gian, bên cạnh là những cuốn sách cổ chất đầy kệ. Những lúc rảnh, ông thường viết thư pháp, từng nét chữ thanh thoát nhưng cứng cỏi, giống như chính con người ông.

Dù nghiêm khắc, ông không phải là người bất công. Con trai hay con gái đều phải giữ lễ nghĩa, không được thiên vị. Tuy vậy, ông có một nguyên tắc kiên định: “Con trai lớn phải lấy vợ, con gái lớn phải lấy chồng”.

Bà Lê Thị Diệu sinh ra trong một gia đình may áo dài truyền thống. Cả tuổi thơ của bà gắn liền với tiếng kéo cắt vải, tiếng máy may lách cách, và những tà áo dài thướt tha của các cô gái thôn quê. Nhờ được nuôi dạy trong một gia đình trọng nữ công gia chánh, bà trở thành một người phụ nữ giỏi giang, khéo léo và tinh tế.

Không giống chồng, bà không quá khắt khe với con cái, nhưng cũng không chiều hư. Với bà, điều quan trọng nhất là con cái sống hạnh phúc. Bà có thể không đồng tình với những lựa chọn của con trai, nhưng bà không bao giờ áp đặt một cách mù quáng.

Những lúc chồng quá nghiêm khắc, bà chính là người dàn hòa, giúp không khí gia đình bớt căng thẳng. Nhật Tư có thể giấu cha nhiều chuyện, nhưng với mẹ, cậu chẳng thể qua mặt. Đôi mắt bà sắc sảo, thấu hiểu tất cả, nhưng bà chỉ chọn nói ra khi cần thiết.

Nếu nhìn thoáng qua, Trịnh Nhật Hạ là một cô gái chuẩn mực theo kiểu “công – dung – ngôn – hạnh”, đúng kiểu một tiểu thư khuê các được nuôi dạy bài bản. Hiền lành, lễ phép, dịu dàng, nhưng đừng vì vậy mà nghĩ cô dễ bị ăn hiếp.

Dù không bướng bỉnh như anh trai, Nhật Hạ không phải kiểu người chấp nhận mọi thứ vô điều kiện. Khi cần, cô cãi lý rất rành mạch, nói chuyện đâu ra đó, khiến ngay cả cha mẹ cũng khó bắt bẻ.

Cô rất yêu thương anh trai, và dù chưa hiểu hết chuyện của Nhật Tư, cô vẫn sẵn sàng đứng về phía anh mình khi cần. Cô biết cha khó tính, nhưng cô cũng biết cách nói chuyện để ông bớt khắt khe hơn.

Buổi chiều, nắng rọi qua song cửa, rọi lên bộ bàn ghế gỗ nơi Trịnh Nhật Tư đang ngồi đối diện với cha mẹ. Hương trà xanh thoang thoảng trong không khí, nhưng lòng Nhật Tư thì chẳng hề thư thái.

Ông Trịnh Văn Lạc cầm chén trà, nhấp một ngụm rồi trầm giọng:

– Tư, ba với má có chuyện muốn nói với con.

Nhật Tư lờ mờ đoán được chuyện gì, nhưng vẫn giả vờ bình thản:

– Dạ, chuyện gì vậy ba?

Bà Diệu nhẹ nhàng xen vào:

– Bên nhà họ Nguyễn, có cô tiểu thư tên Minh Lan, nết na, đoan trang, gia giáo. Ba má thấy rất hợp với con. Người ta cũng có ý muốn kết thân với nhà mình, ba má tính sắp xếp cho hai đứa gặp nhau trước.

Nhật Tư cảm giác tim như rớt một nhịp, nhưng ngoài mặt vẫn cười gượng:

– Dạ… Nhưng con còn trẻ quá, đâu có nghĩ tới chuyện cưới xin gì đâu má.

Ông Lạc đặt chén trà xuống bàn, ánh mắt nghiêm nghị:

– Trẻ cái gì mà trẻ? Ba bằng tuổi con bây giờ đã cưới má con rồi. Làm đàn ông thì phải lo chuyện gia thất trước đã.

Nhật Tư cười trừ:

– Nhưng thời nay khác rồi ba. Con còn phải lo cho sự nghiệp nữa. Nếu giờ cưới vợ, con lo không nổi đâu.

Bà Diệu nhìn con trai đầy suy tư:

– Con làm ở tiệm sách của ba cũng ổn định rồi mà. Hay con muốn mở tiệm riêng, ba má lo được hết, con đừng lo chuyện đó.

Nhật Tư hết đường chối, bèn bịa đại một lý do:

– Dạ không phải vậy đâu má… Chỉ là… con mới nhận được một cơ hội tốt trên Sài Gòn. Người ta mời con lên làm việc, nếu đi lần này, tương lai con sẽ rộng mở hơn nhiều!

Ông Lạc nhíu mày:

– Làm gì trên đó?

Nhật Tư đổ mồ hôi hột, đầu óc xoay nhanh như chong chóng:

– Dạ… con sẽ làm trợ lý cho một ông chủ nhà in lớn. Ổng thích chữ nghĩa, cần người giỏi Hán Nôm như con để giúp biên soạn sách.

Bà Diệu thoáng ngạc nhiên:

– Vậy  sao con chưa bao giờ nhắc tới chuyện này?

Nhật Tư nuốt nước bọt:

– Dạ… con cũng mới nhận tin gần đây. Con định khi nào chắc chắn mới báo với ba má.

Ông Lạc nghiêm mặt, giọng trầm xuống:

– Không được! Ở Sài Gòn lắm cạm bẫy, một thanh niên mới lớn như con mà đi một mình thì nguy hiểm lắm. Ba không đồng ý!

Nhật Tư tá hỏa, vội cười giả lả:

– Trời ơi ba ơi, con lớn rồi mà. Với lại con có quen biết người trên đó, có gì họ giúp đỡ con.

Bà Diệu vẫn còn lưỡng lự:

– Ai? Người nào?

Nhật Tư ngập ngừng, bịa tiếp:

– Dạ… là một người bạn con quen qua thư từ. Ảnh làm trong nhà in, ảnh giới thiệu con với ông chủ. Ảnh hứa sẽ giúp con ổn định lúc mới lên đó.

Ông Lạc nhìn chằm chằm con trai, ánh mắt sắc bén như muốn nhìn xuyên thấu từng lời nói dối.

– Vậy cho ba coi thư từ đi.

Nhật Tư suýt nghẹn. Cậu làm gì có lá thư nào chứ?!

– Dạ… con lỡ làm mất rồi. Mà thôi ba, má, con thấy mình cứ bám riết ở quê thì không phát triển được. Con muốn thử sức, muốn có kinh nghiệm, sau này có cưới vợ thì cũng lo cho gia đình tốt hơn chứ!

Bà Diệu nhìn chồng, thấy ông vẫn còn đắn đo. Bà dịu giọng:

– Ông à, nếu nó muốn thử thì cứ để nó đi một thời gian. Mình đâu có cản hoài được?

Ông Trịnh Văn Lạc đặt chén trà xuống bàn, giọng dứt khoát:

– Không ấy thì đám cưới xong rồi muốn đi đâu thì đi.

Nhật Tư suýt sặc nước, trợn mắt nhìn cha:

– Ủa tía, vậy thì đâu được? Cưới con gái người ta xong bỏ người ta bơ vơ, vậy thì đâu có đáng là nam nhi?

Ông Lạc gật gù, vờ như rất hài lòng:

– Ờ, con nói đúng. Vậy thì khỏi đi đâu hết, ở nhà mà lo vợ con cho đàng hoàng.

Nhật Tư: “…”

Cậu còn đang vắt óc nghĩ cách bẻ lái tình thế, thì bỗng có tiếng gõ cổng.

Bà Diệu ngạc nhiên:

– Ai ghé chơi giờ này vậy ta?

Một gia nhân chạy vào báo:

– Dạ bẩm ông bà, bên nhà ông bà Nguyễn mới gửi người qua thăm ạ.

BỐP! Nhật Tư rớt cái chén trong tay, mặt cậu xanh lét như tàu lá chuối.

– Cái… cái gì?

Chưa kịp phản ứng, một đoàn người đã bước vào nhà, đi đầu là bà mai quen mặt, phía sau là hai vợ chồng nhà Nguyễn, còn có cả cô tiểu thư Minh Lan dịu dàng e ấp trong tà áo dài màu xanh nhạt.

Nhật Tư nuốt nước bọt, cảm giác như số phận đã định đoạt.

– Rồi xong, coi như khỏi đi Sài Gòn luôn…

Đêm khuya, Nhật Tư ngồi tựa cửa sổ, ánh trăng nhàn nhạt hắt lên gương mặt đầy tâm sự. Cậu thở dài hết hơi này đến hơi khác, chẳng khác nào một người đàn ông trung niên đang suy ngẫm về cuộc đời.

Bỗng, một bàn tay vỗ nhẹ lên vai cậu.

– Hay anh Hai bỏ nhà đi đi.

Nhật Tư hết hồn quay lại, thấy Nhật Hạ đang nhìn mình với ánh mắt đầy nghiêm túc.

– Trời đất cơi, út nói gì vậy út?! Sao mà bỏ đi được! Làm vậy có lỗi với tía má. Với lại, anh không có gan mà mần cái chuyện đó đâu!

Nhật Hạ bình tĩnh ngồi xuống, giọng vẫn đều đều:

– Giờ anh cưới con người ta là anh khổ, người ta cũng khổ. Không lẽ anh cũng có gan làm chuyện đó hử?

Nhật Tư đứng hình. Cậu cứng họng mất vài giây, rồi yếu ớt cãi:

– Thì… không… Chứ giờ sao?

Nhật Hạ nhìn quanh một lượt, chắc chắn rằng không ai nghe lén, rồi ghé sát tai anh trai thì thầm:

– Giờ anh muốn trốn lên Sài Gòn không? Em bày kế cho.

Nhật Tư nhìn chằm chằm đứa em gái nhỏ hơn mình mấy tuổi, lòng đầy nghi ngờ. Con bé này bình thường hiền lắm mà? Sao tự nhiên đêm nay nó bày trò phản động vậy?

Nhưng cái sự tuyệt vọng trong lòng lớn hơn cả sự nghi ngờ, nên sau một lúc đấu tranh tư tưởng, cậu nghiến răng gật đầu.

– Nói đi, út!

Nhật Hạ vỗ tay cái bốp, hào hứng như vừa thắng bạc:

– Tối nay anh chuẩn bị đồ hết đi. Sáng sớm bảnh mắt, em trang điểm giả gái cho anh để hàng xóm không nghi ngờ.

Nhật Tư hốt hoảng:

– HẢ?! Gì?! Giả gái á?!

Nhật Hạ gật đầu chắc nịch:

– Ừ, chứ bây giờ anh ra đường với cái bản mặt này, tía chưa kịp đánh thì hàng xóm cũng tám chuyện cho tan nát cái làng này rồi. Anh mà không chịu giả gái, là khỏi đi đâu hết nha!

Nhật Tư ôm đầu, khổ không tả xiết. Nhưng làm gì có lựa chọn nào khác?

– Rồi lỡ tía má hỏi anh đâu, em trả lời sao?

Nhật Hạ phẩy tay, giọng tỉnh queo:

– Thì em nói anh lên thành phố rồi.

Nhật Tư lườm em gái:

– Sao em nói nghe tỉnh vậy? Tía đánh đó, út!

Nhật Hạ chống cằm, cười khẩy:

– Ờ thì đánh. Nhưng tía đánh con gái vài cái là tía xót à. Còn hơn để anh cưới vợ rồi khổ cả đời, thôi kệ đi!

Nhật Tư chết lặng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top