CuocThaoChayTanLoan
Cuộc tháo chạy tán loạn ( Nguyên bản tiếng Anh: "The Decent Interval")
Tác giả Frank Snepp.
Người dịch :Ngô Dư
Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh
Mục Lục
Phần Một : MỞ MÀN
TRỞ LẠI ĐÔNG DƯƠNG
MỘT NGÀY VĨ ĐẠI.
ĐẠI SỨ MARTIN
SỐNG NHỜ VIỆN TRỢ
Phần Hai: TAN RÃ
TIẾN CÔNG
MỘT ANH BẠN HẨU
"HOA SEN NỞ"
CHIẾN LƯỢC "CỐ THỦ"
HỘP ĐEN
CHỈ NHỮNG NGƯỜI MỸ THÔI
THOÁT KHỎI ĐỊA NGỤC
Phần Ba : SỤP ĐỔ
TRÁCH NHIỆM ĐẦU TIÊN
THẢM KỊCH GIỮA TRỜI
NÉM BOM
RỌI ĐÈN CHIẾU
CHIẾN DỊCH PHƯỢNG HOÀNG BAY
LỊCH SỰ VÔ ÍCH
TRONG TRƯỞNG HỢP BI ĐÁT NHẤT
MỘT CUỘC DI TẢN "CÓ TRẬT TỰ"
NÚT CỦA HOẢNG LOẠN
THIỆU RA ĐI
THÔNG TÍN VIÊN BÍ MẬT
MỘT Ý NGHĨ QUÁ GIẢN ĐƠN
MỘT NGƯỜI LÁI XE CÓ CỠ
ĐẾN LƯỢT CHÚNG TÔI
HỌ ĐANG Ở CỬA
BUỔI SÁNG
BUỔI CHIỀU
BUỔI TỐI
Phần Bốn: LỜI BẠT
CHE DẤU
Phần Một : MỞ MÀN
TRỞ LẠI ĐÔNG DƯƠNG
Tháng 10 năm 1972, lúc tôi trở lại Sài Gòn sau một năm vắng mặt, cuộc tiến công của Bắc Việt Nam lắng xuống. Lời bàn tán sắp có hòa bình loan truyền khắp nước này. Từ nhiều thập kỷ nay, lần đầu tiên, người Việt Nam mới lại có dịp mong ước chiến tranh sớm chấm dứt.
Lúc chiếc máy bay khổng lồ của hãng hàng không Cathay Pacific xin hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nhìn rõ con đường dài chúng tôi và các đồng minh phải vượt qua, kể từ ngày đầu tiên, hồi tháng 6 năm 1969, tôi đến đất Việt Nam. Ngày ấy trời mùa hè nóng bức, máy bay phải lượn theo vòng tròn xoáy trôn ốc mới hạ được cánh để tránh những khâu pháo phòng không của cộng sản ở chung quanh sân bay.
Ba năm sau, máy bay từ từ hạ xuống dọc theo nhưng nhà tạm lợp mái tôn lượn sóng, được xây dựng chung quanh thành phố theo nhịp độ dân tị nạn kẻo đến. Đằng xa, những mảnh ruộng xanh và vẫn bình yên như cảnh nông thôn miền Louisiana.
Lúc tôi rảo bước đi qua đường bay đến phòng nhập cảnh trước làn sóng hành khách, tôi nhớ lại người bạn đồng hành, ngồi cạnh tôi trong chuyến bay sang đây lần đầu năm 1969. Đó là vợ một viên đại tá mới biết tin chồng sống lang chạ với một phụ nữ Việt Nam làm chiêu đãi viên bán ba. Cho đến lúc máy bay chạm đất, bà ta đã thố lộ với tôi đến mười lần nỗi lo sợ của bà. Mỗi lần tỏ nỗi lòng, bà đều uống một ly Máctini. Khi bà xuống sân bay,dưới trời nắng chói chang, bà say quá, ngã lăn ra làm cho bọn lính mỹ gác ở cổng chính cười rũ rượi.
Lần này, trong số khách đi máy bay, không có ai là vợ quân nhân cả. Trừ tôi ra, người phương Tây duy nhất là một thợ nề Úc, bụng to, có một phụ nữ Trung Quốc thiếu gọn gàng đi theo. Có quân cảnh Mỹ giữ trật tự cùng lính Việt Nam nhưng họ tôn trọng cuộc sống Việt Nam hóa nên giấu mặt.
Người lái xe do đại sứ quán cử ra đón tôi nói rằng đã gặp tôi lần trước. Anh ta dẫn tôi nhanh nhẹn lách qua đám lái xe tắc xi và xích lô đến chiếc Chevrolet có máy đều hòa không khí. Lúc đi qua cổng chính sân bay, tôi trông thấy bức tượng nhỏ do người Việt Nam mới dựng để tưởng nhớ người Mỹ chết trong chiến tranh. Người ta đọc thấy hàng chữ: "Sự hy sinh cao cả của người lính đồng minh không bao giờ bị lãng quên". Ba năm sau, sau khi Sài Gòn thất thủ, những người cộng sản quét lên đó một lớp sơn vàng và thay bằng một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng như mọi người mới đến, tôi ở khách sạn Duc, trụ sở trá hình của Cục tình báo trung ương Mỹ CIA xây khuất vào trong, cách dinh Tổng thống Việt Nam và sứ quán Mỹ vài trăm mét. Cho đến cuối thập kỷ 60, trong nhiệm kỳ thứ nhất của tôi ở SàiGòn, khách sạn này chỉ hơn cái trại lính một chút, dùng để đón "tân khách". Ở đây, luôn luôn có không khí ồn ào của vũ hội.
Nhưng một năm trước khi tôi trở về trụ sở CIA ở Langley, miền Virginia; có một người nào đó quyết định rằng chúng tôi đáng được sống tốt hơn, nhất là vợ con nhân viên sứ quán cũng được phép sang ở với chồng, với cha. Do đó khách sạn được sửa chữa lại theo kiểu Mỹ. Phòng ăn, đặt ở tầng thượng, được sắp xếp theo tiêu chuẩn hiện đại của công ty Howard Johnson. Gần đó, có bar có bể bơi, sân phơi nắng để người ta có thể vừa tắm, vừa uống Bloody Mary. Thức ăn đặc biệt Mỹ và gồm toàn món ướp lạnh. Nữ chiêu đãi viên Viết Nam đều do cơ quan an ninh của CIA tuyển lựa để bảo đảm không một ai có quan hệ với cộng sản. Những chiếc áo dài cổ truyền trước kia làm cho các cô uyển chuyển và quyến rũ nay được thay bằng những bộ đồ ngắn cùn cỡn theo mốt quần áo trẻ con Mỹ lúc các em bắt đầu đến trường mẫu giáo.
Tám giờ tối, có thể xem phim mới chưa hề chiếu ở đâu, trong phòng chiếu phim ở dưới nhà, cạnh cửa ra vào. Ngoài ra, còn có một phòng rửa ảnh, trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, một phòng thu thanh và một thư viện mở cửa suốt ngày. Sáng sáng, từ sứ quán đến khách sạn, khách đi, về bằng xe của CIA để giảm bớt số xe chạy trong những giờ cao điểm. Lúc nào cũng có xe riêng chở đi PX, đến phòng cung cấp hoặc bệnh xá cực kỳ hiện đại của CIA, đặt ở một phố gần đấy. Ở đó, hai thầy thuốc lành nghề, thay nhau thường trực suốt ngày và đêm để chạy chữa cho những người say rượu hoặc mắc những bệnh khác. Hầu hết các nhân viên CIA đều có xe riêng đặc biệt, lúc nào cũng đầy xăng được phát không, một biệt thự hoặc một ngôi nhà, tùy theo cấp bậc, ở trong thành phố.
Điều ngạc nhiên ở CIA Sài Gòn là người ta thích lái xe Ford Pinto và những người lái xe có thể đeo một huy hiệu ghi rõ: "Tôi làm việc cho CIA". Thật vậy, họ là quan chức Mỹ ở Việt Nam duy nhất dùng loại xe này.
Mọi chi tiết đều được thực hiện để bảo đảm đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống của ba trăm nam, nữ nhân viên CIA cho đến lúc họ trở về Mỹ, nghỉ hè hàng năm, giải trí. Trên trái đất này, chưa thấy ở đâu, chưa thấy ở nơi nóng bỏng nào, nhân viên CIA lại được sống sang trọng như thế. Tất cả tiền chi phí đều đo người đóng thuế Mỹ chịu.
Một, hai ngày sau khi tôi đã yên vị ở khách sạn Duc, tôi quyết định vào trung tâm thành phố, cách khách sạn khoáng vài trăm mét. Tôi ra đi đúng Ngọ. Kim đồng hồ bưu điện chỉ 12 giờ lúc tôi cho khởi động chiếc xe Pinto mượn của người khác, giữa tiếng ồn ào của người Viết Nam. Phần đông đang trở về nhà hoặc đi qua đường đến ngủ trưa dưới bóng mát của nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Trong khi luôn luôn lái hãm phanh để tránh chẹt phải người đi bộ đãng trí, tôi nhớ lại một ngày hè năm 1969, cũng nóng bức như hôm nay. Việt cộng đã đặt một trái mìn có kim đồng hồ và làm nổ ở cửa nhà bưu điện.
Khả năng một bạo động như thế khó có thể xảy ra ngày nay. Vẫn biết chiến tranh hãy còn. Ban đêm, trên nóc khách sạn Caravelle, người ta vẫn còn trông thấy máy bay lên thẳng Việt Nam bắn pháo sáng vào bầu trời, tạo thành những viên hỏa châu trên nền nhung đen. Vẫn còn nghe tiếng gầm rít của đại bác, tiếng bom rền của máy bay B.52 ở đằng xa làm rung chuyển giường ngủ. Nhưng hàng tháng nay, không có một vụ phá hoại nào đáng kể. Người bản xứ gần đây nhất tự thiêu theo kiểu nhà sư hồi đầu những năm 60, là một cựu binh cụt tay, ba tuần trước, trong lúc anh ta nằm mơ màng ở một quán bán hoa trên đường Nguyễn Huệ, đã đánh rơi điếu thuốc lá Bastos vào người.
Tôi trở về khách sạn Duc lúc tối. Ở bar có một ông già ngồi. Ông ta kể chuyện Sài Gòn đầu những năm 60. Đó là Paris của phương Đông với những đường phố rộng trồng cây. Có những tiệm ăn Tàu nổi tiếng ở Đông Nam Á, những nhà thổ sang trọng, bốn bề là kiếng chiếu kiểu Hồng Kông. Nơi đó, có nhiều trò giải trí như tấm biển của nó chỉ rõ.
Nghe ông ta nói thì thời phồn vinh xa xưa ấy chấm dứt năm 1965, lúc trận lũ lụt đô la đổ xuống cùng với làn sóng lính Mỹ xô vào, tiêu diệt mọi thứ ưu ái ở thành phố này. Sau cuộc tổng tiến công năm 1968 của cộng sản, Sài Gòn trở thành một bản sao tồi của Dodge City, thời những người mới đến khai khẩn.
Lính Mỹ, đạn trên vai, một tháng lương trong túi, trở thành người chủ thành phố. Lối sống Mỹ tràn ngập phố phường. Một phần nhân dân địa phương sống yên tĩnh ở nhà, chờ ngày giông tố qua đi. Phần còn lại lao vào việc kiếm tiền bằng nhiều mánh khóe. Chất lượng các nhà chứa giảm sút. Thật vậy, hàng dàn phụ nữ nông thôn Việt Nam thiếu kinh nghiệm, bỏ quê hương, sẵn sàng hành nghề. Những người khỏe nhất, xinh nhất đều ở câu lạc bộ 147, đường Võ Tánh, ở bar Con Rồng, gần đường Lê Lợi hay ở Mini's Flamboyant, một ngôi nhà tồi tàn trên đường Nguyễn Huệ. Ở những nơi ấy, cả một thế hệ lính Mỹ đã mất cả áo sơ mi lẫn sự ngây thơ của mình.
Tháng 10 năm 1972, lúc tôi trở lại Sài Gòn, những cảnh ấy chưa mất hẳn. Sự khổ cực vẫn còn bám lấy thành phố như cái vẩy trên vết thương. Bề mặt xám những ngôi nhà của người dân và những khách sạn ở trung tâm thành phố, gần quảng trường Lam Sơn, vẫn như cũ. Từ các cống rãnh - kể cả ở những đường phố chính - bốc lên mùi nước tiểu và rác mặc dù thường có những xe do các chương trình viện trợ Mỹ cung cấp cho chính quyền SàiGòn, đi phun nước và hốt rác. Giao thông hỗn độn và dễ làm chết người. Vào những giờ cao điểm, không khí trở nên xám xịt và lầy nhầy vì khói, hơi dầu do các xe Hon da và các loại xe Nhật Bản khác của những người Việt Nam đi, thải ra mặc dù giá xăng dầu cao. Những cây me cuối cùng ở đường Tự Do đang chết dần giữa làn khói ấy. Và những nhà thông thái trong xã hội thực dân Pháp cho rằng quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm về cái chết của những cây me này vì họ đã sử dụng hóa chất làm trụi lá cây.
Theo sự khám phá của tôi, đời sống ban đêm ở Sài Gòn không hề được cải thiện chút nào, về mặt thẩm mỹ hay mặt vệ sinh cũng vậy. Mấy tuần trước, trong một lúc bốc đồng, chính quyền ra lệnh đóng cửa các bar và phòng xoa bóp đáng nghi ở đường Tự Do và đường Nguyễn Huệ, để tỏ rõ rằng sự có mặt của người Mỹ đã giảm sút và để giảm bớt sự lạm phát. Nhưng, cũng như mọi cải cách ở thành phố này, việc cấm đoán đó cũng là một trò hề. Cách lam tiền mạnh bạo nhất là ra kiếm khách ở hè khách sạn Continental. Trong quán ăn - thay các bar - vẫn những trò giải trí như trước. Nhưng các cô gái lại mặc do blu trắng của chiêu đãi viên và đề nghị khách dùng trước hết, rau xà lát và thịt trâu, khác với lệ thường.
Mặc dù có những cảnh xấu xa ấy, thành phố vẫn có vẻ đang thay đổi, điều mà có thể chỉ những người Việt Nam mới đánh giá đúng. Nhưng kẻ ăn xin và bọn nhóc lưu manh trên đường Nguyễn Huệ hình như lễ phép hơn, vị nể hơn. Có vẻ như chúng hiểu rằng người mỹ sắp ra đi hết và phải tỏ ra ít nhiều ngoại giao để tranh thủ những ơn huệ của những kẻ trọc phú cuối cùng! Còn lính Nam Việt Nam thì họ tiếp tục tràn vào các cửa hàng và tiệm cà phê chiều thứ bảy. Họ lại cầm tay nhau, cử chỉ mà họ phải bỏ từ ngày lính Mỹ tới. Những người Mỹ, không hiểu tập quán ấy, cho rằng Việt Nam là một nước của những kẻ gian.
Một nhà buôn già, người Tàu, đã mua một phòng xoa bóp tốt nhất ở đường Tự Do để mớ một cửa hàng bánh mì, hăng hái giải thích cho tôi: người Mỹ ra đi đã thay đổi mọi cái cũng như người Mỹ tới, phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. ông ta nói: "Sự giàu có mà các anh đem đến buộc chúng tôi phải nghĩ đến sự nghèo túng của mình và giao thiệp với các anh để trở thành những người mà các anh mong muốn. Nay, người Mỹ trở về nước họ, chúng tôi lại cảm thấy yên ổn hơn, tránh khỏi những ảo tưởng!".
Trừ những người Mỹ ngày càng ít đi, những nhân vật chính của Sài Gòn vẫn thế như tôi đã biết họ lúc trước: một bọn người ngây thơ và ăn cắp xứng đáng với tưởng tượng của Hieronymus Bosch. Dằng kia, Ở ngã tư đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, một người đạp xích lô già, ngồi trên xe như con chim kền kền, đầu đội mũ côlônhân, mắt đeo kính đen, mũi tẹt, đang theo dõi xem có khách gọi không. Đằng này, trên đường Tự Do, một cô bé khoảng 17, 18 tuổi, vẻ đãng trí, bộ đùi lộ rõ trên đôi dép giả da, vú độn cao cho hợp với mốt thời đại. Cô ta uống cô ca và nói đùa tục tĩu bằng mót thứ tiếng Mỹ giả cầy học ở các bar mà cô chưa hiếu hết, với bọn lái xe xích lô không quen biết.
Xa xa cô một cô gái nông thôn, bé nhỏ thẹn thò, nón ngang vai, quần lụa đen phấp phới, dép râu đi kêu lách cách từ gian hàng này đến gian hàng khác ở chợ Bến Thành. Theo sau là anh chồng: một binh sĩ Việt Nam, đôi mắt buồn dưới chiếc mũ sắt, khẩu súng M.16 cao bằng người, lương tháng bằng 12 đô-la, nhưng phải nuôi sống một gia đình mỗi ngày một đồng, không có tương lai nào khác ngoài việc nằm trên cáng hoặc đến tuổi giải ngũ là 37 tuổi. Lúc đó, anh ta đã quá già để có thể làm bất cứ việc gì.
Có cả tầng lớp thượng lưu, những diễn viên chính. Buổi trưa, thường họ ở câu lạc bộ thể thao, vết tích của thời thuộc địa Pháp. Họ vừa ăn sáng vừa tắm ở bể bơi trong hai giờ. Đây là nhóm sán phẩm của xã hội Pháp cũ, những tên thực dân già và những tên thanh niên lai, mạnh khỏe, da nâu. Kia một nhóm người riêng biệt, yên lặng, nằm phơi bụng trên ghế dài, dấu hiệu sung túc của đất nước kỳ lạ này. Đó là những người Việt Nam hay Trung Quốc quan trọng, nói thì thầm với nhau về việc làm ăn buôn bán, về chính trị chung quanh cốc nước chanh vắt, đủ giàu để có thể thoát khỏi mọi biến cố sẽ xảy ra.
Quá trưa, khoảng từ ba đến bốn giờ, phải đi xe tới hiệu cà phê Givral đường Tự Do mới uống được ly cà phê Pháp, đen như mực. Ở đây, giới thượng lưu cũng họp mặt. Nhưng đó là những người trẻ, tóc đen, dài, rất khó phân biệt giữa nam với nữ vì thường họ đều mặc áo sơ mi thêu cành lá và quần chèn. Những sinh viên ở Sài Gòn ghét Mỹ nhưng dành thì giờ để bắt chước Mỹ.
Cũng có thể lượn phố, dính mũi vào tủ kính những cửa hàng sang trọng ở vòng cung E den. Ơ đây, có thể gặp những phụ nữ nữa lịch thiệp của thành phố. Họ đi, đầu thẳng, nhìn xa, đúng mốt trên tranh, mũi và mắt được các mỹ viện trang điểm theo kiểu phương Tây. Chiếc áo dải lụa, những chiếc bùa Campuchia tỏ rõ họ giàu sang. Có thể bí mật mời họ đi chơi một chuyến. Nhất là đối với những vị có nhiều tiền. Đó thường là vợ hai hoặc tình nhân của một vị tướng quan trọng hay một nhà chính trị Nam Việt Nam. Họ nói tiếng Pháp và giao thiệp với người Pháp. Tuy nhiên, họ bằng lòng ve vãn người Mỹ nếu việc đó có lợi cho họ.
Giờ uống cốc tai đến . Người ta vội vàng đến hiệu Mini cầm một cốc bia. Chắc chắn, những kẻ nịnh hót, đứa nào cũng hay nói. Nhưng đừng vội nghĩ lầm. Người ngồi đó đang ở thời kỳ cực thịnh, là một người Mỹ quan trọng. Mặt anh ta đỏ gay, cổ bò rừng, sơ mi kẻ ô che cái bụng phệ. Nguyên là lái xe vận tải hoặc làm cai trong một xưởng máy, anh ta bám lấy Việt Nam, từ năm này qua năm khác, làm tổ trướng trong một nhà hàng Mỹ. Sau mỗi trận đánh, anh ta lại được ký hợp đồng làm đường, xây nhà. Anh ta có một vợ và một nhân tình người Việt Nam dễ bảo. Anh ta là người báo vệ lòng tự tôn mặc cảm Mỹ. Là người sau cùng rời đất nước này sau khi mọi người Mỹ khác đã hồi hương.
Sứ quán Mỹ nằm trên đường Thống Nhất, không có gì thay đổi trong lúc tôi vắng mặt ở Sài Gòn. Họa chăng là trồng một ít cây hoa ở ngoài sân vào những chỗ Việt cộng đào để đặt súng trong những ngày đầu cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1968. Nhưng những bức tường bê tông bảo vệ mặt trước sứ quán chẳng đẹp đẽ gì hơn một cái cối có hình tổ ong. Về mặt kiến trúc, nơi đây giống như một phác họa ý đồ Mỹ ở nước này, tạo cho trụ sở một cơ quan ngoại giao hình ảnh một pháo đài, việc đó tỏ rõ hiệu quả của nền ngoại giao! Quả thật đó là một pháo đài: 60 lính gác, một hầm tránh bom, một mái nhà làm nơi hạ cánh cho máy bay lên thẳng, và một bức tường cao ba mét để dân Sài Gòn và khách du lịch không thể dòm ngó được.
Đại sứ E. Bunker và ê kíp ngoại giao của ông vẫn ở ba tầng dưới sứ quán. Ba tầng trên dành cho CIA. Bên cạnh ngôi nhà chính, là một dãy nhà phụ, gọi là "khu Nôrôđôm dành cho nhân viên phụ động của CIA. Trong cuộc tống tiến công của cộng sản vào sứ quán, năm 1968, một tổ đặc công Việt cộng đã đánh tới khu Nôrôđôm. Nhưng một lính Mỹ gác ở phòng dùng để xếp bản đồ của CIA, đã lấy súng máy chặn họ lại. Từ đó, mối xông và phá hoại cả gian phòng. Ngày cuối cùng của chiến tranh, gian phòng đã "vui vẻ",, cháy hết.
Một ngôi nhà ba tầng mới được xây gần khu Nôrôđôm. Hơi xa một chút, gần nơi sân bay lên thẳng hạ cánh ngày cuối cùng để cứu chúng tôi, đã thiết lập một nơi giải trí mới, gồm một nhà ăn theo kiểu Mỹ và một bể bơi lớn. Như bể bơi khách sạn Duc. Tất nhiên là người dân Sài Gòn không được vào bơi ở bể này. Sứ quán được xây dựng năm 1967, dáng lẽ là chỗ ở, nơi nương náu của Đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam - hồi ấy đã quá đông, không thể ở trụ sở cũ, gần sông - Nhưng với những nhà kiến trúc không được bí mật về ý đồ của chính giới cao cấp Mỹ, nên sứ quán mau chóng trở nên chật chội đối với số nhân viên mỗi ngày một phình ra. Một số bộ phận phải đặt tạm trụ sở ở những ngôi nhà tồi tàn trong thành phố. Cơ quan CORDS - tượng trưng cho sự nỗ lực cua người Việt Nam và người Mỹ để bình định nước này, gồm hai bộ chỉ huy riêng rẽ, ở cách xa sứ quán. Quan chức cơ quan USAID được sử dụng những ngôi nhà lớn gần câu lạc bộ thể thao. Và nếu cần phải có những dụng cụ tuyên truyền, thì phải đi qua phố Lê Quí Đôn quá đông đúc để đến thư viện Lincoln, ở đó là trụ sở cơ quan thông tin Mỹ, USIS.
Những ngôi nhà phụ của sứ quán ở cách đó 8 kilômét, nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất, trước mặt những ngôi nhà của sân bay. Ở đấy, trong những căn phòng kín đáo, chắc chắn, gọi là "Lầu Năm Góc" phương Đông các tướng Mỹ thuộc cơ quan MACV (cơ quan viện trợ quân sự Mỹ), từ giữa những năm 60, đã thảo ra những kế hoạch đánh chiếm cùng với Bộ chỉ huy tối cao Nam Việt Nam, mà bộ tham mưu cũng ở ngay đây. Thời kỳ quân Mỹ tham gia toàn bộ vào cuộc xâm lược."Lầu Năm Góc phương đông" là một tổ ong ồn ào, những binh sĩ bất mãn và chán chường, hít cần sa trong buồng thay quần áo hay trong bể bơi, những sĩ quan trẻ, vẻ bận rộn, rảo bước ngoài hành lang, làm như không trông thấy gì. Lúc tôi trở lại năm 1972, nếu có gì thay đổi ở Nam Việt Nam thì đó là nhịp sống ở "Lầu Năm Góc" chậm lại. Binh lính Mỹ giữ vai trò thứ yếu bên cạnh đồng minh Nam Việt Nam. Theo tinh thần "triệt để" Việt Nam hóa, sĩ quan Mỹ cũng không trả lời dây nói nữa.
Sau đó, khi ngừng bắn, những cơ quan ở rải rác của sứ quán đều thay đổi và thu hẹp lại. cơ quan "Bình định và phát triển" nông thôn từ chối không làm nhiệm vụ chống khủng bố, đổi thành "Phòng giúp đỡ đặc biệt"
Cơ quan MACV thu hẹp lại trở thành Phái bộ quân sự. Còn nhân viên ngoại giao và quân sự Mỹ ở rải rác khắp miền Nam Việt Nam, kéo về những trung tâm lãnh sự ở những thành phố quan trọng như Đà Nẵng. Nha Trang, Biên Hòa và Cần Thơ. Mặc dù vậy, những cơ quan khác nhau của sứ quán cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, vẫn gây cảm tưởng là họ ở khắp mọi nơi và không ở đâu hết. Không có sự giúp đỡ của Chúa trời và nhất là không có sự tận tụy của một số người lái máy bay lên thẳng thì một số khá đông nhân viên sứ quán có thể bị bỏ quên như trường hợp nhiều nhân viên người Việt Nam.
Theo lý thuyết thì ông Đại sứ là người duy nhất chịu trách nhiệm về cộng đồng viên chức Mỹ ở Việt Nam. Nhưng tháng 12 năm qua, trọng tâm chính trị đã thay đổi hoàn toàn, nhiều lần khi ảnh hưởng của Phái bộ quân sự lớn đến đâu thì các đại sứ Henry Cabot Lodge và M. Taylor bị đầu óc "Lầu Năm Góc phương Đông" chi phối đến đấy. Năm 1967, khí ông E. Bunker vào ở tầng gác thứ ba của sứ quán, thì ông chẳng làm gì đế thay đổi tình trạng ấy. Nhưng hai năm sau, khi "Việt Nam hóa" trở thành chính sách của Mỹ thì những quyền ưu tiên và trung tâm quyết định lại thay đổi một lần nữa. Bunker dần dần trở thành người điệp viên chính trên sân khấu Mỹ ở Việt Nam. Cùng với Đại tướng C. Abrams, người chủ "Lầu Năm Góc phương Đông", ông giao quyền chỉ huy dần dần cho người Nam Việt Nam.
Một cuộc chuyển giao trách nhiệm như thế đòi hỏi phải có một chế độ vững chắc, cùng với chính sách đối ngoại của H. Kissinger, Bunker có nhiệm vụ chính là đề cao giới thượng lưu chính trị Nam Việt Nam, nhất là Nguyễn Văn Thiệu. ông làm việc này rất vui vẻ và với nhiều trí tưởng tượng. Năm 1971, trong nhiệm kỳ thứ nhất tôi ở Sài Gòn, tất cả các ứng cứ viên tổng thống phải rút lui vì Thiệu chắc trúng cử. Bunker liền dàn một cảnh xảo quyệt để củng cố "uy tín" cho Thiệu, nhất là đối với phái đoàn hòa bình Mỹ có thể cho rằng Thiệu trúng cứ tổng thống vì không có đối thủ, Bunker quyết định, "ủng hộ" một nhân vật ôn hòa thuộc phe đối lập, Đại tướng Dương Văn Minh, thường gọi là Minh lớn, để ông này không bỏ cuộc đua, làm như thế may ra cứu vãn được tình thế. Bunker hành động theo lối ngoại giao quen thuộc của ông. Mưu mô của ông có thể thành công nếu cuối cùng Minh lớn không nói rằng ba triệu đôla người ta biếu ông để vận động tranh cử không hấp dẫn bằng triển vọng một sự thất bại chắc chắn. Lúc tôi trở lại Sài Gòn, mùa Thu năm 1972, tổ của tôi, một chi nhánh CIA, ngày càng bị giới báo chí Mỹ công kích về những cuộc lạm dụng bịa đặt, nhất là trong chiến dịch Phượng Hoàng. Không còn nghi ngờ gì, chúng tôi có thể trở thành một tấm bia ít bị bắn hơn nếu chúng tôi tiếp tục tập trung, như những năm qua, vào mục đích chính: thu thập tin tức. Nhưng từ những năm đầu của thập kỷ 60, CIA ngày càng sa vào những vũng lầy khác.
Không phải chúng tôi hành động ngoài quy định của pháp luật. Thật vậy, trong luật về an ninh quốc gia có một câu ngắn và mập mờ như thế này: "Cơ quan CIA và các chi nhánh ở nước ngoài không được phép làm mọi việc và mọi cách đề thu thập tin tức có quan hệ đến an ninh quốc gia mà Hội đồng an ninh quốc gia đề ra cho nó".
Đầu những năm 60, Nhà trắng đã lợi dụng câu này để buộc CIA phải làm những việc mà Hoa kỳ không có chuyên gia như tuyển và huấn luyện những đội quân chống cộng. Sau đó, trong khi phái quân sự chuẩn bị một cuộc chiến tranh ác liệt hơn, thì Tống thống Johnson quyết định để cho CIA tiếp tục hoạt động ngoài chương trình đã định: nghĩ rằng Lầu Năm Góc không cho đó là điều quan trọng.
Được sự đồng ý của Tổng thống Johnson, chi nhánh CIA ở Việt Nam dần dần phát triển. Đầu năm 1965, có hơn sáu trăm người thư ký, phân tích tin tức, điều khiển gián điệp, thám báo (thường gọi là người xem xét). Trừ cơ quan ở Virginia, trên thế giới, không có chi nhánh CIA nào có đông nhân viên như thế. Với thời gian, nhu cầu về nhân viên trở nên cấp bách, nên các chi nhánh khác hàng năm phải cử nhân viên tình nguyện sang Việt Nam bất kể họ có kinh nghiệm hay không. Phần lớn tình báo tới Việt Nam đều từ Cộng hòa Liên bang Đức hoặc Châu Mỹ la -tinh đến. Họ chưa hiểu gì về Việt Nam mà là muốn biết Việt Nam. Mặc dù như thế, chỉ một, hai tháng sau khi đến Nam Việt Nam, chưa biết một tiếng địa phương nào, họ cũng vẫn phải nhận nhiệm vụ ở một đồn tiền tuyến ở Tây Nguyên hay ở vùng đồng bằng; phải tuyển mộ nhân viên, thu thập tin tức và thực hiện một chương trình mới và mơ hồ, để cứu vãn nước này, gọi là chương trình "phát triển nông thôn".
Một người phân tích tin tức trước đây của CIA tên là R. Komer đã đề ra chương trình này năm 1967 lúc ông ta là cố vấn ở Nhà trắng. Ông cho rằng, một mặt có thể loại trừ bộ máy chính trị của Việt cộng bằng chống khủng bố, mặt khác, có thể củng cố vị trí của chính phủ bằng những công trình lợi ích công cộng ở nông thôn. Người Việt Nam thành lập một bộ đặc biệt. Còn người Mỹ, thành lập cơ quan CORDS vào cuối năm 1967, phó của Komer là W. Colby, trước đây chỉ huy những hoạt động bí mật của CIA ở Viễn Đông, thay ông ta, đứng đầu cơ quan mới này. Cơ quan CORDS được hình thành để trở thành một hình mẫu của chủ nghĩa thế giới quan liêu. Nhân viên hoạt động được tuyển lựa trong đội ngũ các viên chức của phái bộ Mỹ ở Sài Gòn. CIA là cơ quan có tổ chức, giàu có nhất trong các cơ quan dân sự của sứ quán, cuối cùng đã chỉ đạo được phần lớn những dự kiến táo bạo của CORDS, trong đó có chương trình Phượng Hoàng.
Colby không ngừng nhắc lại, mục tiêu của chương trình Phượng Hoàng là bắt sống cán bộ Việt cộng, hỏi cung, tiếp đó dùng họ làm gián điệp. Nhưng chương trình ấy quá phức tạp đối với người "đồng minh" Nam Việt Nam. Đối với những kẻ quan liêu, đó là vấn đề định nghĩa. Không ai, dù là Nam Việt Nam hay Mỹ, có thể nói rằng mình không thể nhận ra người này, người kia, là cán bộ Việt cộng. Đó có phải là một xã trưởng dành nửa thì giờ để phục vụ người Bắc Việt Nam không? Hay từ Việt cộng chỉ dùng để ám chỉ những người cộng sản thật sự, những đảng viên? Sự thiếu chính xác đó dẫn nhân viên Phượng Hoàng đến chỗ làm việc tùy tiện, bắt bớ lung tung, bất cứ người nào có vẻ nghi ngờ. Sau đó ít lâu, lúc các nhà tù đầy ắp người, nhân viên Phượng Hoàng tự quyết định lấy, đâu là luật pháp.
Trước khi báo chí tố cáo sự lạm dụng của chương trình Phượng Hoàng, CIA vội vàng tìm cách che giấu. Năm 1969, lúc chính sách Việt Nam hóa mới được thực hiện, T. Shackley, giám đốc chi nhánh ở Sài Gòn bắt đầu rút các nhân viên CIA làm việc ở cơ quan CORDS cho chương trình kiến thiết quốc gia về để ông ta tập trung vào những nhiệm vụ cũ, thí dụ như lấy tin tức về những người cộng sản và về chính phủ Nam Việt Nam. Chi nhánh có khả năng đạt mục tiêu thứ nhất vì từ lâu, chúng tôi tin đã có nhiều nhân viên tình báo đắc lực ở ngay trong bộ chí huy tối cao cua cộng sản(!). Nhưng Shackley, chuyên gia đầy tham vọng chưa bằng lòng với công việc đã làm. Trong thời gian hoạt động, từ năm 1968 đến năm 1972, ông thúc giục nhân viên "tuyển lựa tuyển lựa, tuyển lựa" nghĩa là lôi kéo, dọa nạt, mua chuộc bất cứ ai có thể trở thành người giúp việc. Khi ông hết nhiệm kỳ, danh sách tình báo của CIA dài một cách kinh khủng. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, năm 1974, chúng tôi mới thấy rõ sự tai hại do sự sốt sắng của Shackley đem lại. Hơn một trăm "nhân viên" Việt cộng được tuyển lựa chỉ là những nhà buôn Việt Nam láu lỉnh, chẳng biết tí gì về âm mưu của cộng sản. Họ chỉ thu thập những tin tức đăng tải trên báo chí, hoặc những lời đồn đại, rồi tập hợp lại một cách thông minh, đưa cho chúng tôi để đòi tiền với giá cao.
Còn cái "bia thân hữu, (như thường gọi đối với Thiệu), để buộc hắn theo chính sách của Mỹ, chúng tôi phải có những nhân viên có chất lượng trong chính phủ. Trong những năm sau khi Ngô Đình Diễm bị lật đổ, từ năm 1963, miền Nam Việt Nam liên tiếp bị xáo trộn vì những cuộc đảo chính và chống đảo chính. Có những viên tướng đầy tham vọng định lợi dụng tình trạng không ổn định của nước này để đục nước béo cò. Năm 1967, trong một cố gắng cuối cùng để chống rối loạn, chính phủ Hoa Kỳ quyết định ủng hộ một nhân vật mới, một viên tướng miền Nam bình thường và nổi danh là phi chính trị tên gọi là Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó ít lâu, cùng năm ấy, Thiệu được đưa lên làm Tổng thống. Nhưng con người hùng thật sự là Nguyễn Cao Kỳ, một người Bắc xuất sắc nguyên Thủ tướng trở thành Phó Tổng thống. Đại sứ Bunker không hề lo sợ về Kỳ và phe cánh của Kỳ. Dần dần, ông gạt được họ ra và chỉ cho Tổng thống Thiệu biết rõ các vấn đề chính trị. Kỳ bi bỏ rơi hẳn sau cuộc tổng tiến công năm 1968 của cộng sản. Trong cuộc tổng tiến công này nhiều bạn đồng minh tin cậy của chúng tôi đã bị giết. Tư đó, mục tiêu chính của sứ quán là củng cố bằng bất cứ gia nào chính phủ Thiệu, để cho nước Mỹ có thế rút quân ra khỏi Việt Nam mà không sợ nổ ra một cuộc khrng hoảng chính trị mới. Tháng 10 năm 1972, nhằm mục tiêu ấy, chúng tôi đã mua, ủng hộ và bán nhiều nhà quân sự, chính trị Nam Việt Nam, nhiều nhân viên tình báo, người hợp tác với chúng tôi nằm trong chính phủ.
Shackley đã lôi kéo được tướng Đặng Văn Quang, viên cố vấn sôi nổi về an ninh của Thiệu (Kissinger của Thiệu, nếu như bạn muốn gọi như thế) cộng tác chặt chẽ với CIA. Shackley còn sử dụng được tướng Nguyễn Khắc Bình, người chỉ huy cảnh sát độc ác của chính quyền Nam Việt Nam.
Cho đến ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, Quang và Bình được coi là những nhân vật có giá tri, chắc chắn nhất của chúng tôi ở Việt Nam. Nhưng họ được đánh giá hơi cao so với thực tế. Người này cũng như người kia, không ai cung cấp cho chúng tôi nhiều tin tức. Chúng tôi lấy tin chủ yếu nhờ những máy móc đặt bí mật trong dinh Tổng thống. Phòng làm việc của Thủ tướng được nghe thường xuyên. Số ít tin tức do Bình và Quang cung cấp thường sai lệch. Thật vậy, họ nhanh chóng hiểu rằng họ phải nghĩ đến quyền lợi riêng của họ và quyền lợi của Thiệu, không thể cung cấp cho chúng tôi đúng những tin tức chúng tôi yêu cầu. Hơn thế, CIA phụ thuộc rất nhiều vào họ về mặt chính trị, vì họ là những người truyền đạt những chủ trương của người Mỹ trong chính phủ, tình hình đó không cho phép chúng tôi đánh giá những tin tức của họ một cách khách quan hay có phê phán. Sự tín nhiệm của chúng tôi đối với hai người này đã gây ra nhiều hậu quả tai hại, không những cơ quan thông tin bị ánh hưởng mà cả uy tín tinh thần và chính trị của người Mỹ đối với người Việt Nam cũng bị giảm sút. Làm cho Quang và Bình trở thành những người giàu có và có thế lực, những điển hình về tham nhũng và thoái hóa theo lối Mỹ, chúng tôi đã cung cấp cho cộng sản những vũ khí có hiệu quả nhất để tuyên truyền.
Để củng cố chính phủ Thiệu, chúng tôi không chỉ đưa hợp tác viên vào trong đó. Trung lập hóa phe đối lập không cộng sản cũng là một phần hoạt động của chúng tôi. Một thí dụ đáng kể là trường hợp Trần Quốc Bửu. Đó là một nhà chính trị chắc chắn thân Mỹ, đứng đầu Tổng liên đoàn lao công Việt Nam. CIA đã biến Bửu thành một hợp tác viên. Chúng tôi sử dụng ông ta để thuyết phục các công đoàn trung thành với chế độ Thiệu. Bửu cũng tuyên truyền cho chính phủ trong những tổ chức lao công trên thế giới. Thỉnh thoảng, CIA lại giúp cả Bửu viết thư xin ủng hộ gửi cho những đoàn viên công đoàn Mỹ.
Tất cả những người đối lập với Thiệu không phải đã hiểu tình hình như Bửu. Khi việc mua chuộc, đút lót, tẩy chay không mang lại kết quả mong muốn. Chúng tôi đã dùng những phương pháp mạnh mẽ hơn. Đó là trường hợp với Trần Ngọc Châu, nhà luật học nổi tiếng, có tinh thần dân tộc, năm 1970, trở thành một đối thủ chính trị uy hiếp Thiệu. Shackley và Colby cùng với cơ quan cảnh sát Nam Việt Nam đã tạo cho ông ta thành một tay chân và cổ động viên của cộng sản. Anh của Châu là cộng sản, Châu đã gặp anh theo yêu cầu của CIA. Như thế tương đối dễ qui cho ông ta một tội, chỉ cần thêm hoặc bớt một số tài liệu về ông ta trong hồ sơ của cảnh sát. Shackley không phải là người dựng lên vụ này. Đó là hành động bỉ ổi của Quang, người tin cẩn của CIA. Nhưng Shackley không hề ngăn cản mặc dù ông biết rõ sự việc. Do đó, khi chính phủ Nam Việt Nam cho đăng trên báo chí những tội trạng giả tạo của Châu, Shackley và đại sứ Bunker lại khẳng định là đúng. Mấy ngày sau, Châu bị bắt ở hành lang quốc hội, giữa Sài Gòn và bỏ tù ngay. Rõ ràng là vi phạm luật pháp. Là kẻ có tội, Châu bị giam bốn năm, mới được tha đầu năm 1975. Mấy ngày trước khi điện về bộ chỉ huy ở Langley, Virgnia, xin phép cho Châu di tản bằng máy bay. Nhưng Shackley, lúc bấy giờ trở thành người chỉ huy của CIA ở Viễn Đông, đã điện về phản đối, viện cớ rằng chưa bao giờ Châu phục vụ lợi ích của Mỹ ở Việt Nam. Thế là Châu bị bỏ rơi, mặc cho số phận.
Hoạt động khác của CIA: thu thập tin tức về trình độ của quân đội Nam Việt Nam và tinh thần tác chiến của họ. Người giao thiệp chính của chúng tôi với bộ chỉ huy tối cao Nam Việt Nam là cựu chiến binh dũng cảm tên là Charles Timmes. Ông được khen thưởng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai vì đã chỉ huy sư đoàn dũng cảm thứ 82 là đơn vị đầu tiên đã nhảy dù và chiếm đầu cầu Noóc-măng-đi (Pháp) năm 1944. Hollywood đã giao cho một diễn viên lực sĩ đóng vai Timmes trong phim Ngày dài nhất. Thật là một quyết định kỳ cục. Vì Timmes người mảnh dẻ đi đứng xiêu vẹo, giống như Fred Astaire chứ không giống John Wayne.
Từ năm 1962 đến năm 1964, Timmes là Trưởng đoàn cố vấn Mỹ Ở Việt Nam, cốt lõi của "Lầu Năm Góc phương Đông" sau đó. Nhiệm vụ của ông tạo điều kiện cho ông hàng ngày tiếp xúc với những sĩ quan trẻ đầy tham vọng của quân đội Nam Việt Nam. Một số người trong những sĩ quan này, nhất là Nguyễn Văn Thiệu, trở thành những người bạn chí cốt. Nhưng lúc hết nhiệm kỳ thì ông cũng mệt mỏi về vấn đề Việt Nam và xin nghỉ hưu. Nếu CIA không yêu cầu thì ông có thể dành vài năm đi du lịch khắp thế giới. Năm 1967 đề nghị với ông một chức vụ mà ông không thể từ chối. Đó là việc ông trở lại Việt Nam, gặp lại những bạn cũ của ông, những sĩ quan Nam Việt Nam. Timmes chấp nhận ngay. Trong suốt cuộc đời của ông làm việc ở CIA cho đến ngày Sài Gòn thất thủ, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là bạn đánh quần vợt đều đặn với Minh lớn, qua từng ván một, ông đã lượm được nhiều tin tức có giá trị về phe đối lập hợp pháp ở Sài Gòn, kể cả về bản thân Minh lớn. Thường bay luôn vê lúc tỉnh, Timmes đã chắp nối lại những cuộc gặp mặt với nhiều chỉ huy đơn vị Nam Việt Nam mà ông quen biết những năm trước. Mọi người đều quý mến và coi trọng ông như người thân, họ sẵn sàng giúp đỡ ông viết tóm tắt lại những cuộc trao đổi với ông cho chính xác. kết quả là những bản báo cáo của Timmes gửi cho sứ quán Mỹ, nhờ ông đến tận nơi, trở thành những bản tường trình cực kỳ đúng với những điều quân đội Nam Việt Nam đang mong muốn.
Tuy vậy những người phân tích tin của CIA, cũng như của Washington, của Sài Gòn đều nghi ngờ những bản báo cáo của Timmes và coi đó chỉ là một quan điềm về một vấn đề hết sức phức tạp. Nhưng dần dần, nguồn tin về quân đội Nam Việt Nam mỗi ngày một cạn vì quân Mỹ giảm đi (năm 1970 và 1971) và cố vấn quân sự Mỹ ở nông thôn rút về. Lúc đó giới cao cấp Washington và SàiGòn mới coi trọng tin tức của Timmes. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, đại sứ và giám đốc CIA ở Sài Gòn đi đến mức đọc cho nhau nghe những tin tức của ông và lấy đó làm chứng cớ thật sự cho chính những ảo tưởng của họ.
MỘT NGÀY VĨ ĐẠI.
Mùa Thu, khi trở lại Sài Gòn, tôi trở thành một nhân viên kỳ cựu của CIA và một chuyên gia thông thạo tình hình Bắc Việt Nam. Địa vị và tiếng tăm của tôi trong chi nhánh không ngừng làm cho tôi ngạc nhiên. Có phải tôi vào làm việc cho CIA năm 1968 là để tránh khỏi đi lính đánh nhau ở Việt Nam không? Dù tôi có trở thành một bộ phận trong guồng máy chiến tranh của chính phủ, tôi cũng không là đồng lõa, việc này nêu rõ nhược điểm của chế độ Mỹ.
Giáo sư gợi cho tôi ý chọn nghề tình báo CIA này tỏ ra tôn trọng con người. Sau hai năm học ở khoa các vấn đề quốc tế trường đại học Columbia, tôi có những kiến thức chắc chắn về chiến lược làm cho giáo sư cố vấn khẳng định rằng tôi có đủ năng lực cần thiết để trở thành một cán bộ phân tích của CIA. Triển vọng ấy quyến rũ tôi, không phải vì những lý do nghề nghiệp hay yêu nước. Mùa Xuân 1968, tôi suýt bị bắt lính và tôi nghĩ cách tốt nhất để tránh khỏi phải ra trận ở Việt Nam là gắn bó số phận tôi với một cơ quan chính phủ quan trọng. CIA tỏ ra hiếu khách. Tôi được đào tạo một cách nhanh chóng, trau dồi lý thuyết và bổ nhiệm sang chi nhánh châu Âu, dưới danh nghĩa chuyên gia về các vấn đề của Otan. Chỉ mấy tháng, tôi thông thạo công việc. Người Xô viết vào Tiệp Khắc chấm dứt chủ nghĩa cộng sản thoải mái của A. Dubcek. Các đồng minh trong khối Otan của chúng tôi ở châu Âu hoang mang, cuống cuồng. Viên cố vấn mới của Tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia, H. Kissinger, đòi chi nhánh gửi tin tức và bình luận về cuộc khủng hoảng.
Bị chất vấn nhiều quá, tôi chạy vạy suốt mùa Đông. Còn phòng động viên thôi không còn tìm tôi nữa, coi tôi là một người lính mất tích.
Sau đó, một số đồng nghiệp của tôi sợ tôi suy sụp vì nhiều công việc, quyết định cho tôi đi nơi khác. Buổi sáng một ngày thứ hai, một thông tri lấy người đi Việt Nam được gửi đến các phòng. Không cho tôi biết, bạn đồng nghiệp ghi tên tôi, gửi về ban giám đốc CIA kèm theo những lời khen đáng chú ý. Mấy ngày sau, tôi được biết tôi đã được chấp nhận, đến tháng 6, đổi đi Sài Gòn làm người phân tích "chiến lược của cộng sản".
Việc chuẩn bị cho chuyến đi làm cho tôi quên những ý nghĩ buồn nản, đen tối mà các bạn đồng nghiệp đã tạo nên. Mặt khác, chính sách mới cũng dễ chịu hơn. Cuộc thương lượng hòa bình nửa công khai đã diễn ra ở Paris. Đầu tháng sáu, trước khi tôi lên đường, Tống thống Ni xon đã gặp Tống thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu ở Midway để báo cho ông biết 25.000 quân Mỹ ở Nam Việt Nam sẽ rút đi. Việc giảm số quân này sẽ tạo điều kiện cho cuộc đàm phán có thể tiến triển và chứng tỏ rằng Hoa Kỳ tin tưởng vào quân đội Nam Việt Nam. Đó cũng là bước đầu đi đến cái gọi là chương trình Việt Nam hóa. Thật ra, đó chỉ là việc trao cho quân đội Nam Việt Nam tiến hành phần lớn cuộc chiến tranh. Hai năm đầu từ 1969 dấn 1971, đối với tôi không có gì đáng lo như tôi tưởng. Thật vậy, công việc của tôi, phần lớn, làm riêng biệt, không có người ngoài biết. Chiến tranh chỉ đến với tôi, qua trung gian, thể hiện bằng hàng lô báo cáo tình báo, xếp đầy bàn, chuyện nguy hiểm nhất tôi gặp trong những năm ấy là một cuộc đánh nhau trong một tiệm nhảy ở Dakao, ngoại ô Sài Gòn.
Mặc dù chương trình Việt Nam hóa tiến triển nhanh, người Mỹ lúc bấy giờ, vẫn là chủ tấn tuồng. Trong khi đại sứ Bunker và thủ trưởng tôi, Ted Shackley, điều khiển và xâm nhập chính phủ Thiệu, đồng thời đối phó với phái đối lập của ông ta thì đại tướng C. Abrams phụ trách kẻ thù kia. Chiến lược của ông ta là mau chóng bình định tiếp theo những cuộc bắn phá dữ dội và tốn kém do tướng W. Westmoreland tiến hành từ năm 1965. Mục tiêu chính của chiến lược mới này là phá cơ sở hạ tầng của đối phương và những con đường tiếp tế từ Bắc Việt Nam vào. Chiến lược được tiến hành lên tới đỉnh cao hồi đầu năm 1970 khi quân Mỹ phối hợp với quân Nam Việt Nam đánh vào đất thánh cộng sản ở miền Đông Campuchia. Norodom Sihanouk, người lúc nào cũng phản đối sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ, bị đánh đổ. Tổng thống mới của nước Campuchia, hoàng thân Lonnol, không nói gì về việc này.
Cuộc hành quân vào Campuchia chỉ có một kết quả đáng kể. Nhờ những tài liệu thu lượm được và nhờ sự hợp tác đều đặn với Lonnol, CIA và Lầu Năm Góc ít lâu sau, thấy ngay rằng trong nhiều năm họ đã lầm. Con đường tiếp tế cho các lực lượng cộng sản ở Campuchia và phía Nam Nam Việt Nam không phải là con đường mòn Hồ Chí Minh chạy đến phía Nam Lào (do đó có những cuộc ném bom dữ dội ở vùng này). Theo những tin tức thu thập ở Campuchia năm 1970 thì 80% vũ khí và dụng cụ chiến tranh là do các tàu nhỏ của Bắc Việt Nam chở vào và bốc dỡ ở cảng Sihanoukvilte của Campuchia. Sự khám phá này làm cho mọi người sửng sốt, nhất là đối với các nhân viên CIA để có những lập luận ngược lại. Nhưng họ đã lầm nếu họ sợ hãi. Vì không một ai, sau đó, bị thi hành kỷ luật về sự nhầm lẫn này. Và những người sai nhất lại trở thành thủ trưởng và phó thủ trưởng của những cơ quan phân tích của CIA. Tháng 2 năm 1971, gần một năm sau cuộc xâm lược Campuchia, người Nam Việt Nam muốn kiếm một thắng lợi của Abrams, tự họ, mở cuộc tiến công vào những con đường tiếp tế của cộng sản ở Nam Lào. Chiến dịch gọi là "Lam Sơn 749" bị sa lầy ngay từ đầu. Người Bắc Việt Nam, chiến đấu trên một chiến trường quen thuộc, đưa bốn sư đoàn đến bao vây và đánh cho quân đội Nam Việt Nam tan tác, mặc dù người Mỹ đã ném bom dữ dội. Cuối cùng, công cuộc bình định, đủ cho người Việt Nam hay người Mỹ tiến hành, đều không có kết quá. Chiến dịch Lam Sơn gây cho Hoa Thịnh Đốn sự nghi ngờ về khả năng chiến đấu một mình của quân đội Nam Việt Nam. Mặc dù đại tướng Abrams, với sáng kiến của ông, đã mở rộng được vùng do quân chính phủ kiểm soát ở những nơi tranh chấp trước kia ở đồng bằng Nam Việt Nam cũng như ở dọc biên giới, nhưng kết quả ấy vẫn báo hiệu sự sụp đổ của Thiệu. Thật vậy, lực lượng Nam Việt Nam đã tan rã một cách hết sức nguy hiểm ngay lúc quân Mỹ chuẩn bị về nước.
Cùng với chiến dịch Lam Sơn, cuộc xâm lược Campuchia và chính sách bình định cấp tốc, trong hai năm đầu ở Sài Gòn, tôi còn chứng kiến những cuộc thương lượng bí mật để đưa đến một nền hòa bình giả dối ở Việt Nam. Mở đầu cuộc đàm phán, thái độ của người Mỹ không phải là một kiểu mẫu của sự cứng rắn.
Đầu năm 1969, những ngày đầu dưới chính quyền Nixon, Kissinger bí mật báo cho Liên Xô biết rằng Hoa Kỳ sẵn sàng xóa sạch Hà Nội khỏi bản đồ để bảo vệ Nam biệt Nam không rơi vào tay cộng sản. Mấy tuần sau, như là để cụ thể hóa lời đe dọa ấy, Nixon cho mở một chiến dịch ném bom vào những cơ sở của cộng sản ở miền Đông Campuchia.
Mặc dù bước mở đâu tồi tệ ấy,Kissinger và Lê Đức Thọ, người thương lượng chính của Hà Nội, vẫn gặp nhau trong tháng tám đế đàm phán bí mật. Thoạt tiên, cuộc thảo luận không có kết quả. Điều kiện tiên quyết của Bắc Việt Nam là Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Nhưng mùa Xuân năm 1972, lúc tôi hoàn thành nhiệm kỳ thứ nhất, tình hình quốc tế bao quanh cuộc đàm phán bắt đầu thay đổi. Kissinger đạt được một số tiến bộ trong cuộc thảo luận với Liên Xô về vấn đề hạn chế vũ khí chiến lược. Việc dàn xếp cho chuyến đi bí mật đầu tiên của ông ta sang Bắc Kinh đã xong. Ớ Nam Việt Nam, số quân Mỹ từ năm trăm nghìn người năm 1969, đã rút xuống còn ba trăm nghìn người. Chương trình Việt Nam hóa với công thức lính Nam Việt Nam cộng với vũ khí Mỹ được tiến hành. Kissinger nghĩ rằng có cơ hội để Bắc Việt Nam tỏ ra ít "cứng rắn" hơn chung quanh bàn đàm phán. Do đó, trong mùa Thu và mùa Đông, ông bắt đầu tỏ ra "mềm mỏng hơn" trong các cuộc thương lượng hy vọng rằng người Bắc Việt Nam sẽ thật lòng nói chuyện. Không đưa ra điều kiện đòi quân đội Bắc Việt Nam rút khỏi Nam Việt Nam nữa, ông nói rõ ngày quân Mỹ rút khỏi nước này với điều kiện Hà Nội ngừng bắn trên khắp chiến trường Đông Dương và thả tù binh Mỹ.
Lê Đức Thọ lắng nghe nhưng không hề xúc động như Kissinger hằng mong muốn. Sự "mềm dẻo" của Mỹ được đánh giá là một sự giảm sút về ý chí, và Bộ Chính trị Bắc Việt Nam quyết định thử nghiệm một lần cuối cùng mở một cuộc tiến công mới vào Sài Gòn. Quyết định ấy được khuyến khích vì sự thất bại của quân đội Nam Việt Nam ở Nam Lào hồi năm. Thất bại này cũng chứng tỏ cho những người cứng rắn ở Hà Nội biết rằng chương trình Việt Nam hóa không có kết quả. Trong thời kỳ ấy, tôi hoàn thành nhiệm kỳ thứ nhất ở Việt Nam. Tôi trở về trụ sở ban giám đốc CIA mà từ đó tôi được coi là người phân tích chính về chính sách của Hà Nội. Mặc dù có chức vụ oai vệ ấy, tôi không hề được biết những điều bí mật trong cuộc đàm phán của Kissinger. Gần như không một ai ở CIA biết được cả. Nhưng tôi có thể rút ra những kết luận qua những tin tức từ Sài Gòn gửi về.
Cuối mùa Thu, luận điệu và nội dung bản báo cáo ngày càng bi đát, nhiều bạn đồng nghiệp kết luận cùng tôi rằng một cuộc tiến công quan trọng của quân đội Bắc Việt Nam đang được chuẩn bị. Nhưng các thủ trướng của tôi ở CIA, luôn luôn thận trọng không đồng ý như thế và quyết định hỏi lại Kissinger về những kết luận của chúng tôi, trước khi lấy làm quyết định chính thức của CIA. Kissinger bận về các cuộc thương lượng và không thể nghĩ rằng Bắc Việt Nam lại dám mở cuộc tiến công. Do đó, suốt mùa Thu và đầu mùa Đông, các thủ trưởng ở CIA của chúng tôi, đã chặn lại và giữ bí mật hay thay đối mọi điều kiện phân tích nêu rõ những việc Bắc Việt Nam đang làm.
Trong lúc ấy, Kissinger đòi tất cả các cơ quan cung cấp tin tức cho biết cách làm cho Bắc Việt Nam phải nhượng bộ. CIA và Lầu Năm Góc cùng nêu ý kiến ám sát hoặc bắt cóc một số nhân vật Bắc Việt Nam. Họ cho rằng việc đó sẽ gây rối loạn ở Hà Nội và những người sống sót buộc phải cúi đầu tuân theo những đòi hỏi của Mỹ. Được hỏi về triển vọng của âm mưu này, các bạn đồng nghiệp và tôi cười phát điên. Trước đây, đã có một sự kiện tai hại. Năm 1970, quân đội đã cho quân nhảy dù xuống một trại tù binh Mỹ ở ngoại ô Hà Nội (Sơn Tây). Không nắm được tin tức và tình hình ở thủ đô Bắc Việt Nam nên chúng tôi không nhảy dù đúng vào trại tù binh thì làm thế nào chúng tôi có thể đến được nơi ở của các nhà lãnh đạo Đảng mà bắt cóc họ?
Ngày 17 tháng 2 năm 1972, trong khi Nixon chuẩn bị đi Bắc Kinh, thì Kissinger gửi một thông điệp cho Hà Nội, trong đó, ông ta đề nghị nối lại cuộc đàm phán bí mật ngay trong tháng. Ông muốn rằng cuộc gặp mặt lịch sử đầu tiên giữa hai người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể gây cho Bộ Chính trị Bắc Việt Nam một thái độ ôn hòa. Nhưng theo cách của họ, người Bắc Việt Nam đã bác bỏ và hẹn nối lại cuộc đàm phán vào giữa tháng 4.
Ở Sài Gòn, địa vị của Nguyễn Văn Thiệu ngày càng lung lay. Trái với người Mỹ đầy kinh nghiệm, Thiệu không lấy làm khó chịu khi nghĩ đến cuộc tổng tiến công mới của quân đội Bắc Việt Nam. Cuối mùa Đông, Thiệu và bộ tổng tham mưu của ông ta đi đến kết luận rằng Bắc Việt Nam đang chuẩn bị một cuộc đánh ồ ạt qua vùng phi quân sự, vào các tỉnh ở phía Bắc nước này. Hồi ấy, các cơ quan tình báo Mỹ ở Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn bắt đầu nghi ngờ về những điều dự đoán của mình. Tuy nhiên, nếu họ bắt đầu cho là có khả năng Hà Nội mở một cuộc tiến công quân sự thì họ lại nghi ngờ những điều phán đoán của Thiệu. Họ khẳng định rằng nếu có một cuộc tiến công thì đó là ở Tây Nguyên, về phía Tây và ở đồng bằng, về phía Nam.
Ngày thứ sáu 31 tháng 3 năm 1972, bốn sư đoàn quân đội Bắc Việt Nam tiến qua khu phi quân sự, như Thiệu đã dự đoán rất đúng. Những người Mỹ có trách nhiệm lấy làm bằng lòng vì đã đưa được một người sáng suốt lên cầm quyền. Và họ quên ngay những điều tính toán sai lầm của họ trước đó.
Cuộc tiến công của cộng sản diễn ra trên khắp miền Nam Việt Nam chỉ mấy tuần sau khi Nixon từ Bắc Kinh trở về, giữa sự chuẩn bị chu đáo cho một cuộc gặp mặt cấp cao mới ở Mátxcơva vào tháng 5. Sự trùng hợp ấy làm cho Nhà Trắng phái tự đặt những câu hỏi hắc búa về ảnh hưởng đối với Hà Nội của những cuộc trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong những tuần đầu của chiến dịch, quân đội Bắc Việt Nam thắng lợi vang dội. Chính phủ Hoa Kỳ đứng trước một tình thế khó xử, tiến thoái lưỡng nan; can thiệp thế nào để cứu chính phủ Sài Gòn mà không làm gián đoạn cuộc họp cấp cao với Liên Xô đã gần tới. Kissinger đưa ra một chiến lược hai mặt: một mặt, ông yêu cầu Lầu Năm Góc soạn thảo một kế hoạch ném bom dữ dội nhằm những mục tiêu quân sự ở phía Bắc vĩ tuyến 20, đồng thời thả mìn ở cảng Hải Phòng. Mặt khác, ông quyết định đi thương lượng với Liên Xô. Trong cuộc đi hết sức bí mật đến Mátxcơva ngày 20 tháng 4, ông Leonid Brejnev cho rằng Hoa Kỳ đưa một số ý đồ mới lên bàn thương lượng: Hoa Kỳ không đòi quân đội Bắc Việt Nam phải rút khỏi miền Nam Việt Nam nữa nếu người Bắc Việt Nam từ bỏ yêu sách đòi Thiệu phải ra đi.
Không có điểm nào trong vấn đề này được thông báo cho những người phân tích ở CIA. Chỉ có một nhà chính trị ở Hoa Thịnh Đốn biết. Đối với Thiệu, Kissinger không hề cho ông ta biết tin gì, nhất là tin về cuộc đàm phán bí mật có thể thay đổi tương lai của đất nước Việt Nam.
Ngày 2 tháng 5, Lê Đức Thọ bí mật gặp Kissinger ở Paris. Cuộc thảo luận không chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị và đi vào ngõ cụt. Lúc đó, vì quân đội Bắc Việt Nam đang làm chủ chiến trường. Kissinger rời Paris với định kiến rằng Hoa Kỳ cần phải có một sáng kiến táo bạo mới làm cho Bắc Việt Nam "biết điều hơn".
Tổng thống Nixon nghiêng về những cách giải quyết của Lầu Năm Góc như thả mìn và ném bom. Trong một loạt buổi họp của Hội đồng an ninh quốc gia, người ta hỏi ý kiến đại diện các cơ quan ở Hoa Thịnh Đốn về hiệu quả của biện pháp trên và ảnh hưởng của những hành động ấy đối với mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Những cuộc thảo luận rất sóng gió về vấn đề nêu ra đã tạo một sự rạn nứt ngay trong nội bộ CIA. Những cán bộ phân tích tại chỗ như tôi, không thể nào hình dung được rằng việc bao vây cảng Hải Phòng lại có ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến tranh vì phần nhiều viện trợ của bên ngoài cho Bắc Việt Nam đều được chuyên chở bằng xe lửa chạy qua Trung Quốc. Nhưng một số nhân viên cao cấp CIA có quan hệ chủ yếu với giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn hiểu rằng Nixon muốn đi đến đâu và họ đã ủng hộ ông ta.
Nixon, chắc chắn là người quyết định cuối cùng theo lôgic đặc biệt kiểu Nixon. Ông giải thích với các cố vấn rằng ông không thể đi Mátxcơva nếu không bắt đầu tỏ cho Liên Xô biết rằng Hoa Kỳ không thể để bị coi là nhút nhát. Do đó, ngày 8 tháng 5, ông công khai báo tin máy bay lần đầu tiên từ cuối năm 1968, trở lại ném bom bên trên vĩ tuyến 20.
Tuyên bố của ông có ảnh hưởng như một quả bom nổ ở Mỹ. Nó gây ra một làn sóng phản đối...
Cuộc gặp mặt cấp cao ở Mátxcơva diễn ra đúng lúc như đã định và Kissinger cho rằng trong những buổi họp sau cùng, không khí có phần thuận lợi cho một sáng kiến hòa bình ở Việt Nam. ông nói với Liên Xô: Hoa Kỳ sẵn sàng ngừng ném bom Bắc Việt Nam trước khi các tù binh được thả nếu Hà Nội đồng ý từ bỏ việc đòi Thiệu phải ra đi.
...Giữa tháng 7, tin tức cho biết Hà Nội có sự thay đổi trong các cuộc thương lượng. Đôi khi, một sự đảo lộn hoàn toàn. Theo các báo cáo của tình báo chúng tôi, quân đội cộng sản ở miền Nam Việt Nam đã bắt đầu thảo luận kế hoạch ngừng bắn - việc truất quyền Thiệu không còn là điều kiện đầu tiên trong các điều kiện nữa. Các nguồn tin của CIA cũng cho biết Trung Quốc mới khuyên Hà Nội giảm bớt những đòi hỏi chính trị để đi đến ký kết hiệp định. Mặt khác, bản thân cuộc tiến công của cộng sản cũng chậm lại vì những trận ném bom của Mỹ vào các vùng phía Bắc nước này. Lợi dụng tình hình ấy, Kissinger đẩy nhanh nền ngoại giao bí mật và gặp ông Lê Đức Thọ một lần nữa ở Paris ngày 19 tháng 7 để đưa ra lập trường mới của Hoa Kỳ. Mấy ngày sau ông đi Sài Gòn để nói cho Thiệu biết những sự kiện đã xảy ra. Nhưng, như thói quen của ông, ông không thật thà với Thiệu cũng như không thật thà với cộng sản. Ông không nói gì đến chủ trương của Mỹ về sự có mặt của quân đội Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam, sau khi ngừng bắn.
Ở bộ tham mưu CIA, tôi và các bạn đồng nghiệp không có ai tham gia vào quỉ kế ấy. Mùa hè qua, những tin tức thu lượm được từ bộ chỉ huy cộng sản tiếp tục chỉ rõ rằng có một sự thay đổi trong lập trường chính trị của Hà Nội. Một số người trong chúng tôi bắt đầu tin rằng có khả năng cuộc đàm phán đi đến kết quả.
Nhưng một lần nữa, một số quan chức cao cấp CIA lại cho là mình khôn ngoan hơn. Cũng như chúng tôi, họ không biết gì về hoạt động của Kissinger nhưng họ cho rằng những cuộc thương lượng công khai tạm ngừng là một hàn thứ biểu có thể tin cậy. Tôi tự hỏi: Thế thì người ta đào tạo cán bộ cho Nam Việt Nam để làm gì? Thủ trưởng trực tiếp của tôi thuyết phục tôi: trên chiến trường, quân cộng sản không thắng lợi như họ hằng mong muốn, do đó họ lợi dụng triển vọng của nền hòa bình sắp tới để nâng cao tinh thần quân đội họ .
Không còn nghi ngờ gì là Kissinger có vẻ ngạc nhiên và thú vị với lời giải thích ấy. Đầu tháng 8, Kissinger và ông Lê Đức Thọ đạt được nhiều tiến bộ trong những cuộc hội đàm bí mật nên Kissinger quyết định bắt đầu phổ biến cho Thiệu để ông ta khỏi bất ngờ. Tướng A. Haig, người đại diện cho Kissinger được cử đi Sài Gòn báo tin lành ấy.
Theo người đã dự cuộc gặp gỡ ở Sài Gòn, Thiệu rất sửng sốt về những điều được phổ biến, tuy Haig không nói gì về sự có mặt của quân đội Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam nhưng ông nói quá nhiều về vấn đề làm cho Thiệu hiểu rằng ông đã bị bỏ rơi.
Lúc Haig trở về Hoa Thịnh Đốn, ông báo cho Kissinger biết rằng Thiệu phản đối giải pháp. Nhưng Kissinger không phải là con người chịu chấp nhận sự bi quan . Rõ ràng là ông cho rằng mối quan hệ ngày càng thân thiện giữa Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc cho ông ta thời cơ duy nhất để đưa chiến tranh đến kết thúc tốt đẹp và ông không để cho Thiệu làm hỏng. Khi nghe Haig báo cáo, ông chỉ nhún vai và quyết định đi Mátxcơva ngày 10 tháng 9, tiếp sau là một cuộc hội đàm bí mật nữa với ông Lê Đức Thọ ở Paris.
Bắc Việt Nam vừa có một quyết định rất quan trọng, cuối tháng 8, Bộ Chính trị của Đảng đi đến kết luận rằng mặc dù cuộc chiến tranh dẫm chân tại chỗ, họ có thể có lợi nếu tạo cho nền ngoại giao của Kissinger một triển vọng và Hoa Kỳ sẽ không dành cho họ những điều kiện tốt hơn một khi Nixon được bầu lại làm tổng thống tháng 11, điều dự đoán mà họ chắc chắn đúng. Hà Nội đưa tin công khai và rõ ràng rằng họ chấp nhận những đòi hỏi cơ bản của Kissinger. Phát biểu ý kiến trên đài phát thanh trong nước, thủ tướng Phạm Văn Đồng nói giống như những người truyền tin cộng sản Nam Việt Nam hồi giữa tháng 6. ông hết sức tránh việc nêu tên Thiệu trong bảng liệt kê những đòi hỏi của cộng sản trong các cuộc thương lượng hòa bình.
May thay, cuối tuần ấy, bản dịch bài diễn văn của thủ tướng Phạm Văn Đồng được đưa đến bộ tham mưu CIA, lúc ấy chỉ có tôi là cán bộ duy nhất của chi nhánh Việt Nam đang làm việc. Sau khi đọc bài diễn văn nhiều lần, tôi gọi dây nói đến nhà thủ trưởng trực tiếp của tôi. Tôi nói với ông rằng, đó là dấu hiệu mà chúng ta chờ đón, ông trả lời, sẽ đến.
Chúng tôi cùng nhau phân tích toàn bộ bài diễn văn, sẵn sàng trình bày trước hội nghị hàng ngày của tổng thống, vào hồi 16 giờ. Trong kết luận, chúng tôi nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng không có điều kiện Thiệu phải rút lui trong một loạt đòi hỏi của cộng sản để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Điều đó có thể là một sự thay đổi trong lập trường chính trị của Hà Nội.
Sáng hôm sau, trời đổ sụp xuống đầu chúng tôi. Nhiều quan chức cao cấp của chi nhánh liên tiếp gọi dây nói cho tôi. Họ kết tội tôi đã lừa họ khi tôi đưa ra tin trái với tin chiều thứ bảy mà không có một ai trong họ ở đấy để thẩm tra. Mặc dù có thủ trưởng trực tiếp của tôi ở đấy can thiệp và nói rằng, ông chịu trách nhiệm một phần trong việc soạn thảo báo cáo, nhưng không một ai thay đổi thái độ đối với tôi. Vì tôi bảo vệ luận điểm cho rằng có thể mở đường tiến tới hòa bình từ nhiều tuần qua nên tôi trở thành người chịu trách nhiệm duy nhất về bản báo cáo.
Trong 24 giờ tiếp sau, giám đốc chi nhánh CIA ở Việt Nam ra lệnh cấm tôi không được phân tích bất cứ điều gì và tôi sẽ phải nhận một việc khác ở một chi nhánh khác.
Nhiều ngày sau, ngày 10 tháng 9, Kissinger đến Mátxcơva như đã định. Ông Brejinev khẳng định với Kissinger ba ngày sau rằng bài diễn văn của thủ tướng Phạm Văn Đồng và một bản tuyên bố tương tự của Việt cộng, sẽ chỉ rõ sự thay đổi trong những đòi hỏi của cộng sản về cuộc đàm phán. Việc Thiệu ra đi không còn là điều kiện đầu tiên cho việc ngừng bắn, cho việc thả tù binh Mỹ.
Tin vào những điều bảo đảm ấy, Kissinger tiếp tục cố gắng để đi đến một cuộc dàn xếp trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, được tổ chức hai tháng sau đó. Trong hai tuần tiếp theo, Kissínger bí mật gặp ông Lê Đức Thọ nhiều lần Ở Paris. Còn tôi, thoát khỏi công việc về Việt Nam, tôi chỉ còn được phép biết những tin tức từ chiến trường gửi về. Tôi dành phần lớn thì giờ trong tháng 9 để đọc truyện tình báo ở thư viện của CIA và ngắm nhìn đám trẻ con nhảy trên đồi sau đồn điền cà phê.
Đến cuối tháng, một người bạn thân của tôi, chịu trách nhiệm về công việc tình báo ở Việt Nam, tỏ lòng thương hại tôi: "Cậu nghĩ thế nào về việc tạm thời ở Sài Gòn, phụ trách việc giải đáp một nhóm tù binh chiến tranh?".
Mất đúng bốn ngày mới làm xong thủ tục khám sức khoẻ và làm các giấy tờ cần thiết để rời phòng làm việc cũ. Ngày 2 tháng 10, tôi vượt Thái Bình Dương đến làm việc lần thứ hai và lần cuối cùng tại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Tôi bắt đầu làm quen với chức vụ mới lúc triển vọng của hòa bình đã hình thành ở Paris. Ngày 8 tháng 10, ông Lê Đức Thọ đưa ra đề nghị mới trong đó không có việc Thiệu rút lui. Trong gần bốn ngày, mọi vấn đề quan trọng bậc nhất đều được giải quyết Mặc dù có một số trở ngại nhỏ, ông Thọ và Kissinger tỏ ra tin tưởng rằng những trở ngại cuối cùng có thể giải quyết nhanh. Cuối buổi hội đàm, ông Thọ đề nghị ngày 31 tháng 10 sẽ tổ chức lễ ký kết và ban hành lệnh ngừng bắn, hy vọng rằng hòa bình sẽ dấn trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Kissinger bay đi Hà Nội ngày 24 tháng 10 để ký tắt dự thảo hiệp định và bảo đảm những điều cam kết của Hoa Kỳ.
Trong những ngày sau, Kissinger gửi một thông tri cho bộ tham mưu CIA hỏi về phản ứng của Thiệu trước cuộc ngừng bắn. Các bạn đồng nghiệp cũ của tôi ở Việt Nam còn nghi ngờ về những điều sẽ xảy ra, vội vàng trả lời Kissinger. Họ nói: Thiệu không bao giờ nhận một hiệp định trong đó ghi một điều khoản thỏa hiệp chính trị với cộng sản hay chấp nhận việc quân đội Bắc Việt Nam ở lại miền Nam. Kissinger đọc đi đọc lại bức điện trả lời, rồi để gạt nó ra một bên với một cử chỉ nóng nảy: "quá bi quan!". Ông ta trở về nhà, sửa soạn hành lý đi Sài Gòn định giành cho được một câu trả lời chắc chắn.
Nếu Kissinger không tỏ ra bối rối về kết luận của CIA thì trái lại có một người ở Nhà Trắng lại tỏ ra không yên tâm: đó là bản thân Nixon. ông càng nghĩ đến những đề nghị thỏa thuận do Kissinger đưa ra với ông Lê Đức Thọ bao nhiêu thì ông càng khẳng định rằng những cử tri Mỹ bảo thủ nhất sẽ coi ông là một kẻ đầu hàng. Ông không thấy lý do để phải lao vào một cuộc tranh cử có bóng đen trên đầu mình. Ông quyết định lợi dụng sự bướng bỉnh của Thiệu làm cớ để chỉ đưa ra những điều đã thỏa thuận vào lúc thích hợp.
Trong lúc đó, ở Sài Gòn, Thiệu kịch liệt phản đối bằng mọi cách những người Mỹ đã che chở ông. Trong những buổi họp đầu với Kissinger giữa tháng 10, Thiệu bác bỏ toàn bộ dự thảo hiệp định. Đặc biệt, ông tỏ ra hằn học với điều khoản cho phép quân đội Bắc Việt Nam được ở lại miền Nam sau ngừng bắn. Điều này, trước đó, chưa ai nói với ông ta. Mỗi ngày, Kissinger lại đe dọa một ít, phỉnh phờ một ít mong Thiệu thay đổi thái độ. Cuối cùng ngày 23 tháng 10, Kissinger phải công nhận trước những người cộng sản rằng không có một hy vọng nào làm cho người Việt Nam bằng lòng ngừng bắn tám ngày sau đó như đề nghị của Hà Nội. Kissinger gửi một thông điệp cho thủ đô Bắc Việt Nam để bỏ chuyến đi Hà Nội và để bảo vệ những chiếc cầu chính trị ông đã xây dựng. Ông gửi cho tổng thống Nixon một bức điện đề nghị bỏ những cuộc ném bom từ vĩ tuyến 20 trở lên, làm cho Hà Nội có thể hiểu rằng bao giờ Hoa Kỳ cũng mong muốn hòa bình.
Trước khi Kissinger rời Sài Gòn ít lâu, một trong số nhân viên tin cẩn nhất của CIA, đưa cho chúng tôi bản tài liệu, ghi rõ từng chữ một, những điểm thương lượng mà ông Lê Đức Thọ đưa ra ở Paris ngày 8 tháng 10. Đó là bản thảo bài nói chuyện tại một cơ quan chỉ huy cộng sản ở vùng đồng bằng. Khi Tom Polgar, giám đốc mới của CIA ở Sài Gòn đưa ra bản tài liệu cho Kissinger, viên cố vấn của tổng thống há hốc mồm, ông ta kêu lên: Làm thế nào ông có tài liệu này? Polgar nói với ông về nguồn tài liệu và hỏi liệu tin tức ấy có đúng không. Kissinger công nhận là "gần đúng".
Nhờ tài liệu ấy mà phần lớn chúng tôi, quan chức CIA và sứ quán Ở Sài Gòn, Ở Hoa Thịnh Đốn, lần đâu tiên biết được những tiến bộ mà Kissinger đạt được trong nền ngoại giao bí mật. Không phải chỉ riêng chúng tôi biết; trong những buổi họp sóng gió với Kissinger cuối tháng 10, những người Nam Việt Nam đã đương đầu với ông vì nhân viên tình báo của họ cũng kiếm được các bản sao những đòi hỏi của óng Lê Đức Thọ. Do đó Thiệu và những người cộng tác với ông ta đã có thể biết Kissinger đã nói dối họ vào lúc nào. Họ có thể đối phó với mỗi bước ngoặt.
Khi Kissinger nói với người Bắc Việt Nam rằng không thể hy vọng ngừng bắn vào tháng 10, thì người Bắc Việt Nam cho ngay đó là một sự lừa đảo. Họ quyết định công khai hóa biên bản những cuộc hội đàm để vạch rõ trách nhiệm của Hoa Kỳ. Ngày 26 tháng 10, Đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Giải phóng, đọc toàn văn tài liệu về cuộc đàm phán ngày 8 tháng 10. Họ phê phán thái độ bất tín của Hoa Thịnh Đốn. Kissinger nhận định ngay rằng người Bắc Việt Nam không hiểu ông ta. Sáng hôm sau, trong cuộc họp báo Ở Hoa Thịnh Đốn, ông cố làm cho các nhà báo hiểu rằng những điều nghi ngờ của Bắc Việt Nam không có cơ sở. "Hòa bình đã ở trong tầm tay", ông ta khắng định với các nhà báo có mặt như thế. Những người này hơi lấy làm ngạc nhiên. Tiếp đó, Kissinger nhấn mạnh rằng mấy buổi họp chung quanh bàn thương lượng không thể dẫn đến một hiệp định dứt khoát.
Trong lúc đó, Kissinger và Nixon quyết định đưa cho Thiệu một món quà phụ để ông ta nhận thỏa hiệp, đó là một cầu hàng không tiếp tế lớn, theo luật Rehausser. Ngoài ra, còn trang bị lại cho quân đội của Thiệu để đổi lấy sự hợp tác của ông ta. Ngày 9 tháng 11, chỉ hai ngày sau khi Nixon thắng cử vang dội, tướng Haig đến Sài Gòn để đòi nợ của Hoa Thịnh Đốn. Ông nói với Thiệu, chính phủ Mỹ mong ông đồng ý ngay với bản hiệp định vừa đưa ra. Ông còn báo cho Thiệu biết, dù ông ta có tán thành bản hiệp định hay không, Nixon vẫn ký bản dự thảo khi Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã hoàn thành những chi tiết cuối cùng, chắc chắn là vào ngày 5 tháng 10.
Hai ngày sau, Nixon gửi một bức thư dài riêng cho Thiệu, trong đó ông nhắc lại và viết một cách cứng rắn hơn những điều Haig đã nói. Nixon viết thêm: "ông có sự bảo đảm tuyệt đối của tôi nếu Hà Nội không tôn trọng những điều khoản của hiệp định, tôi có thể thực hiện lập tức những cuộc trả đũa...". Câu ấy báo trước rằng Hoa kỳ không rút khỏi miền Nam Việt Nam sau chiến tranh. Mót sự cam kết mà quốc hội Hoa kỳ chưa bao giờ được hỏi ý kiến.
Khi Kissinger gặp lại ông Lê Đức Thọ cuối tháng 11, ông khôn ngoan đưa cuộc đàm phán đi theo một hướng khác, tất nhiên vì quyền lợi của Thiệu. Ông đặt cho người đối thoại hơn 60 câu hỏi phụ nữa là của người Nam Việt Nam và 44 điều thay đổi của riêng ông. Ông Lê Đức Thọ hỏi lại một vài điều thay đổi nhưng không trả lời những câu hỏi khác do Kissinger đưa ra. Thực tế, trước mỗi điều thay đổi, ông dần dần biết rõ mưu đồ thật sự của Kissinger. Người Mỹ muốn tranh thủ thời gian để trang bị lại cho quân Nam Việt Nam trước khi ngừng bắn. Ngày 25 tháng 11 ông Thọ không còn nghi ngờ gì nữa, đề nghị tạm thời hoãn cuộc đàm phán để xin chỉ thị của Hà Nội.
Ớ Nam Việt Nam, lực lượng chính phủ lợi dụng ngay việc hoãn cuộc đàm phán để mở rộng việc lấn đất. Giữa lúc ấy, Kissinger trở lại Hoa Thịnh Đốn để xem xét lại những đề nghị khác nhau có thể đưa đến việc kết thúc các cuộc thương lượng. Một trong những tài liệu do Hội đồng an ninh quốc gia đưa ra là: ý kiến lại mở một cuộc tiến công chống Hà Nội, ném bom ngay thủ đô để buộc Bắc Việt Nam phải chấp nhận giải quyết cuộc chiến tranh. Một giải pháp cũ cho một vấn đề cũ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, có cái lợi là làm cho Thiệu tin rằng Hoa Kỳ không có ý định bỏ rơi ông ta.
Đầu tháng 12, khi ông Lê Đức Thọ trở lại Paris để nối lại cuộc đàm phán riêng với Kissinger, ông tỏ ra lạnh nhạt với dự thảo hiệp định mới của Hoa Kỳ . Thái độ đó làm cho Kssingel càng khẳng định thêm rằng Hà Nội định kéo dài thêm cuộc thương lượng để cho lực lượng của mình tiến công quân đội Nam Việt Nam. Ngày 14 tháng 12, sau một cuộc tranh luận ráo riết không đi đến kết quả, ông Thọ một lần nữa, đề nghị hoãn cuộc đàm phán để trở về Hà Nội. Mấy ngày sau Kissinger cũng rời Paris. để cho ông phó trưởng đoàn W. Sullivan tiếp tục thảo luận dự tháo hiệp định với những nhà thương lượng thứ yếu của Bắc Việt Nam.
Ngày hôm sau, Sullivan điện về Hoa Thịnh Đốn báo tin rằng những cuộc thảo luận gọi là kỹ thuật ấy, đi vào bế tắc. Lúc ấy, Nixon và Kissinger nhận định rằng thời gian để tỏ ra cứng rắn đã đến. Quá trưa, Hà Nội nhận được một thông điệp nhạt nhẽo của tổng thống Hoa Kỳ. Thông điệp viết: nếu người Bắc Việt Nam không nhận đàm phán một cách nghiêm chỉnh thì 72 giờ nữa, Hoa Kỳ sẽ ném bom trở lại từ vĩ tuyến 20 trở lên.
Ngày 18 tháng 12, thời hạn do Nixon đề ra chấm dứt. Hàng loạt máy bay B.52 bay đến miền Bắc, ném bom xuống ngay những căn cứ quân sự ở Hà Nội và Hải Phòng. Người Mỹ nói rằng những thành phố, cho đến lúc bấy giờ chưa hề là mục tiêu đánh phá. (Điều này không đúng. Mỹ đã ném bom Hà Nội và Hải Phòng nhiều lần và kể cả lần này, đều ném bom xuống những vùng dân cư). Cùng lúc ấy, tướng Haig được cử đến Sài Gòn đem theo tối hậu thư: Nếu Thiệu khăng khăng từ chối dự thảo hiệp định ghi những nét lớn thì Hoa Kỳ cắt mọi viện trợ cho Nam Việt Nam và ký một hiệp định riêng với Bắc Việt Nam.
Bị xúc phạm, nhưng Thiệu vẫn tỏ thái độ bất trị. Người Bắc Việt Nam hiểu biết nhiều hơn. Sau 12 ngày ném bom, nhiều máy bay B.52 bị bắn rơi, nhiều phi công Hoa Kỳ bị bắt và chết, miền Bắc cũng bị thiệt hại, Hoa Kỳ buộc phải ngừng bắn và hứa thảo luận nghiêm chỉnh dự thảo cũ về hiệp định Paris. Ngày 30 tháng 12, Nixon công khai tuyên bố chấm dứt việc ném bom bên trên vì tuyến 20.
Bảy ngày sau, Kissinger nối lại cuộc đàm phán ở Paris với ông Lê Đức Thọ. Mặc dù nhà thương lượng Bắc biệt Nam không còn là một nhân vật "dễ thương" như trước khi có những trận ném bom nhưng ông vẫn tỏ ra lịch sự, đứng đắn và nhất là thái độ của ông ở bàn đàm phán, lại trở lại như trước. Cuối cùng, ngày 20 tháng 1, Nixon tuyên bố rõ, ông sẽ ký ngay một hiệp định hòa bình riêng với người Bắc Việt Nam nếu Sài Gòn từ chối. Bị cô lập, Thiệu phải cúi đầu tuân lệnh.
Ba ngày sau, như đã nhận định, Kissinger và ông Lê Đức Thọ ký tắt bản hiệp định, thay mặt cả hai bên, chế độ Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sáng hôm sau, đại sứ Bunker mặc quần áo trắng, tiến vào hội trường ở gác ba sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn và tuyên bố, nước mắt chứa chan: "Đây là một ngày vĩ đại đối với tất cả chúng ta. Sắp sửa có ngừng bắn.". Tám giờ sáng, giờ Sài Gòn, ngày 28 tháng 1 năm 1973, tiếng còi buồn bã báo động phòng không của thành phố loan tin lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Tôi ở trên nóc nhà khách sạn Duc và uống một cốc rượu mừng một kỷ nguyên mới bắt đầu, cốc rượu Bloody Mary.
Mặc dù giờ đó thiêng liêng, nền hòa bình mới trở lại cũng gặp một tai nạn nhỏ... Chúng tôi gọi là không đâu! Trong lúc vội vàng ký hiệp định, Kissinger quên không điện cho Sài Gòn biết những thay đổi trong những ngày cuối của cuộc đàm phán. Do đó bản tài liệu Thiệu đọc cho nhân viên Chính phủ Sài Gòn nghe không phải là bán dự thảo hiệp định mà Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã thỏa thuận.
Đại sứ E. Bunker, vốn là người thường giữ gìn, khi biết sơ suất này, chỉ kêu một tiếng: Trời ơi! Tiếng kêu đó đúng với cái gì sẽ diễn ra.
ĐẠI SỨ MARTIN
Ngày 24 tháng 6 năm 1973, năm tháng sau khi ngừng bắn, Graham Martin được bổ nhiệm làm đại sứ koa kỳ ở Sài Gòn thay Charles Whitehouse, đại biện lâm thời từ ngày Bunker về nước trước đó mấy tuần. Martin là người thế nào? Ngay cả những nhân viên đại sứ mới này. Dần dần, chúng tôi biết rõ thêm.
Lần đầu tiên đến sứ quán, tôi tiếp xúc với một số sĩ quan bộ binh, một người 32 tuổi tên là Moorefield. Anh ta đột nhập phòng làm việc của tôi vào tuần thứ hai tháng 7. Vừa cầm tay tôi, anh vừa kêu lên: "Này, mình được phân công làm việc gần ông Đại sứ, mình sẽ tìm hiểu xem ông ta thế nào. Người ta nói với mình rằng, cậu có nhiều thế lực ở đây, cậu là người mình cần làm quen.
Tóc hung, đeo kính, cương nghị, Ken Moorefield không phải thuộc loại người gây được cảm tình ngay. Đồng nghiệp của anh ở bộ ngoại giao cho anh là hời hợt. Nhân viên sứ quán nghĩ rằng người ta sẽ cách chức anh. Nhưng Moorefield, người được Martin chọn giúp việc cai trị, quả quyết rằng nếu có người nào thay được cách xử sự của anh thì đó không phải là một con người giỏi giang như anh mà phải hơn nhiều. Tài hùng biện và sự vững vàng của anh rất phù hợp với cách làm việc của sứ quán dưới thời Martin.
Khác với nhiều nhân viên Martin đưa sang, Moorefield không lạ gì Việt Nam. Tốt nghiệp trường West Point, trong những năm 60, anh nổi tiếng khi làm cố vấn ở phía Nam vùng đồng bằng và bị thương nặng ngay năm anh được bổ nhiệm đến Sài Gòn lần đầu tiên. Chiến công rực rỡ của anh tạo điều kiện cho anh có thế được bổ sung vào tiểu đoàn danh dự của tổng thống ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng sự phát triển của phong trào hòa bình làm cho anh suy nghĩ. Càng ngày anh càng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của thanh niên trạc tuổi anh, họ đã phản đối và thóa mạ chính quyền mà anh đại diện. Cay đắng và chán nản, anh xin giải ngũ năm 1971 và sống một năm trời rỗi rãi để cuối cùng trở thành một người huấn luyện bơi lội ở bể bơi gần đấy. Ở đây, anh gặp một người trẻ tuổi tên là Martin và trở thành bạn thân của anh này. Đó không phái ai khác mà là con út trong ba con trai của người sau đó trở thành Đại sứ ở Sài Gòn.
Gia đình Martin đã chịu nhiều đau thương. Người con cả bị chết vì tai nạn xe hơi. Người con nuôi, Glen, là phi công lái máy bay lên thẳng trong chiến tranh, bị bắn rơi năm 1966. Có phải chỉ vì có kinh nghiệm về Việt Nam mà Moorefield dành được ngay tình cám của ông đại sứ mới không. Chỉ biết rằng sau mấy lần gặp nhau, Martin đã bảo Moorefield đi Sài Gòn làm người cộng tác riêng của ông.
Khi chọn người cựu chiến binh trẻ tuổi này làm công việc ấy, Martin đã bỏ qua những luật lệ của tệ bàn giấy quan liêu. Chức vụ công tác viên, nhất là ở một sứ quán quan trọng như sứ quán Sài Gòn, được coi là một chức vụ đặc biệt thường dành cho những cán bộ xuất sắc thuộc Bộ ngoại giao. Moorefield không xuất sắc, không phải là viên chức ngoại giao. Có lẽ điều đó đã thuyết phục ông Martin, vì ông là người tự học, không thích kiểu cách làm việc của Bộ ngoại giao. Ông muốn có một người chiến đấu, có thể giúp ông làm mọi việc, chứ không phải một viên chức! Chức vụ ấy rất hợp với Moorefield như người đấu quyền anh có thêm găng. Nhưng, trong 18 tháng sau đó, anh không trở thành người thân thiết của Martin như điều anh mong muốn, Martin vẫn là con người xa cách, không thể gần được. Ông đánh giá Moorefield là một con người thông minh, và lẽ dĩ nhiên, là con người không thật trung thành. Tuy vậy, hai người vẫn trao đổi kinh nghiệm với nhau và qua đó, Moorefield thấy có phần nào cảm tình với thủ trưởng của mình. Ngày Martin đến Sài Gòn, Moorefield đã cầm tay ông Đại sứ giúp ông xuống thang máy bay. Ngày 30 tháng 4 năm l975, Moorefiefield cũng ở bên cạnh ông đại sứ giúp ông, lần này, lên may bay lên thẳng, đưa ông đi vĩnh viễn khỏi Sài Gòn.
Bên ngoài, Graham Martin là một người tự mãn, tỏ ra không cần sự giúp đỡ của một ai. Con một vị mục sư, ông được nuôi dạy hết sức khắt khe theo phương pháp giáo dục của đạo tin lành miền Nam ở tỉnh nhỏ Mars Hill, vùng Carolina Bắc. Ông nói theo kiếu các nhân vật của thánh kinh, như một tín đồ. Ông thường nhắc lại với bạn bè và đồng nghiệp rằng ông được như thế này là nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của cha ông mà ông thừa hưởng. Ông giải thích trước một ủy ban của quốc hội: tôi tránh được phiền muộn là nhờ những điều khuyên dạy của cha tôi: tôi quá lười biếng để có thể nói dối được. Ông cũng khẳng định rằng nếu anh nói thật, anh sẽ không bao giờ còn nhớ những điều anh nói. Tốt nghiệp trường Wake Forest College năm 1932, anh thanh niên Martin, năm sau, làm phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn cho một loạt tờ báo nhỏ ở miền Nam nước Mỹ. Sau này, ông nói: Tôi được coi là một phóng viên khá. Năm 1933, ông bỏ nghề làm báo và hợp tác với New Deal của Roosevelt. Ông dược làm phó cho Averell Harriman, lúc bấy giờ là giám đốc cơ quan khôi phục lại đất nước. Người thanh niên vùng Carolinia phớt đời và chịu đựng, tranh thủ được nhiều tình cảm của thủ trưởng. Ông này đã giới thiệu với anh phần lớn giới thượng lưu ở Hoa Thịnh Đơn. Có dạo, anh là sĩ quan tình báo trong quân đội dự bị. Một sự bổ nhiệm đã quyết định hẳn tương lai của Martin. Sau này, ông kể lại: "Lúc bấy giờ, người giao cho tôi chịu trách nhiệm cả một vùng, buộc tôi phải làm việc. Tôi chịu trách nhiệm cả vùng Đông Nam Á. Khi chiến tranh nổ ra, sáng nào, tôi cũng phải báo cáo với bộ trưởng bộ ngoại giao Henry L. Atimson và đại tướng George Marshall, diễn biến tình hình chiến sự ở Thái Bình Dương trong 24 giờ qua". Nhưng công việc ấy tạo cho Martin niềm say mê làm công việc thu lượm tin tức và "tình ưu ái" đối với châu Á. Ông cũng trở thành người thầy trong việc tóm tắt tin tức. Ông giải thích: "Tôi thuộc lòng những bản báo cáo nên nói rất tự nhiên". Ông sử dụng nghệ thuật lấy một cách sung sướng trong suốt đời làm nghề ngoại giao của ông.
Sau chiến tranh, cả nước không còn quan tâm đến chủ nghĩa phát xít mà chú ý đến chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Bạn của Martin ở Hoa Thịnh Đốn nhờ đến khả năng của ông, nhanh chóng đưa ông vào cuộc đấu tranh mới này. Được Harriman và nhiều người khác ủng hộ, năm 1947, ông vào làm việc ngay ở Bộ Ngoại giao và được bổ nhiệm ngay làm cố vấn chính trị tại sứ quán Hoa Kỳ ở Paris. Ở đây, ông trở thành một chuyên gia về những trò ngoắt ngoéo nhưng quan liêu của Bộ.
Về sau, ông phải trả giá đắt về sự tiến nhanh của mình ở Bộ Ngoại giao. Mùa hè năm 1973, vừa mới đến Sài Gòn thì một nhà báo Mỹ đã tố cáo rất đúng rằng đại sứ mới chưa hề tốt nghiệp trường ngoại giao. Bài báo đó làm Martin tức giận. Và ông vội vàng cấm không cho thủ phạm là George Mẹ. Arthur, viết cho tờ Los Angeles Times, tiếp xúc chính thức với sứ quán. Đó là mối bất hòa đầu tiên giữa Martin với giới báo chí Mỹ ở Sài Gòn.
Trong tám năm làm việc ở Paris đã nâng cao năng lực làm viên chức, nhất là sự hiểu biết về "kẻ thù". Từ năm 1947 đến năm 1956, thời kỳ chiến tranh thứ nhất ở Đông Dương, ông nghiên cứu thái độ của Bắc Việt Nam và đồng minh của họ, thái độ của những người cộng sản Pháp và châu Âu. Dần dần, sự nguy hiểm của việc tuyên truyền của cộng sản ám ảnh ông và ông dành tất cả nghị lực của mình để chống lại nó.
Từ vị trí quan sát ở Paris, ông cũng thấy một mối nguy hiểm khác mà lúc bấy giờ ít người Mỹ thấy. Ông hiểu rằng chủ nghĩa thực dân cũ hay biến tướng của nó, đã chết ở Đông Dương, và nếu Hoa Kỳ cố can thiệp trực tiếp vào đế cứu nó, thì kết quả chỉ là một thất bại thảm hại. Ông trình bày trước một ủy ban của quốc hội mấy năm sau: "Tôi đã theo dõi sự tiến triển của chiến tranh du kích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu trước một làn sóng yêu nước sâu rộng, chúng ta cố khôi phục lại chế độ thuộc địa của Pháp, nhất là ở Viễn Đông. Tôi chỉ nghĩ rằng sẽ là một tội lỗi nếu chúng ta giúp đỡ người Pháp, và tôi đã nói rõ việc này.
Martin trở lại Hoa Thịnh Đốn giữa những năm 50. Ông làm việc một năm ở trường không quân. "Ở đây, trong những buổi giảng dạy, tôi đã cố gắng làm cho mọi người chú ý đến cuộc chiến tranh Đông Dương, không một phút nghĩ rằng ít lâu sau, chúng ta sẽ phải can thiệp". Sau đó, Martin còn nhận nhiều chức vụ khác, chủ yếu là làm cố vấn cho cho đoàn đại biểu Mỹ ở Liên hiệp quốc. Cuối cùng, năm 1963, ông được thăng làm bộ trưởng và đợi đi làm đại sứ ở Thái Lan, một chức vụ quan trọng mà nhiều người mong muốn. Ở đây, ông nổi tiếng là người thương lượng giỏi của Bộ Ngoại giao. Ông cũng gặp nhiều may mắn. Một hôm, có một ứng cử viên tổng thống khốn khổ, tên là Richard Nixon dừng lại Bangkok, Martin cho trải thảm đỏ, đón "người công dân bình thường" ấy; và khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ, Nixon đã trọng thưởng Martin.
Chức vụ đại sứ ở Bangkok không chỉ là một chức vụ tốt lành, có lợi về chính trị. Trong bốn năm ở sứ quán, Martin đã phải đấu tranh với những nhà quân sự Mỹ muốn biến Thái Lan thành một Việt Nam nữa. Rút bài học của chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, ông đã phản đối xu hướng này. Đến mức, ông phải trục xuất người tùy viên quân sự của ông là tướng Wlliam Stiliwell, một con diều hâu. Ông lấy làm tự hào về việc này. Tự hào đến mức bực mình vì thất vọng không được David Halberslam, mấy năm sau, nêu tên trong một tác phẩm đồ sộ là The Best and the Brightest (Những người ưu tú và xuất sắc nhất) nói về những nhà chiến lược Hoa kỳ. Mùa Hè năm 1974, trước một ủy ban của quốc hội, ông than phiền: "Trong cuốn sách ấy, thậm chí tôi không được nhắc đến. Tôi biết khi người ta hỏi Halberslam vì sao lại quên tôi, tác giả đã trả lời rằng mục đích cuốn sách là chỉ rõ khi bộ máy quân sự đã lên đường thì không có người nào cản trở nó được. Nếu trong cuốn sách ấy, tác giả lại nói đến tôi, người đã đấu tranh có kết quả, làm cho người Mỹ không dính líu trực tiếp vào cuộc nổi loạn ở Thái Lan thì tác giả đã tự chống lại luận điểm của mình".
Mặc dù ông chống lại sự dính líu của Mỹ ở Thái Lan, Martin không thấy khó chịu khi phải ủng hộ sự can thiệp quá sâu của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1974, ông trình bày trước quốc hội: "Khi tôi được bổ nhiệm sang Bangkok, tôi tưởng rằng, thỉnh thoảng người ta hỏi tôi,"có nên để Việt Nam sụp đổ không. Vì tôi không đủ tầm cỡ để phân tích cho mình, tôi trá lời rằng để như thế không có lợi cho Hoa kỳ. Tôi đã nghĩ và vẫn nghĩ thế: Nếu có thể tránh được và không phải trả giá đắt thì tốt. Chính sách tốt nhất là, nếu vì quyền lợi của chúng ta, chúng ta không muốn một hình thức xâm lược mới thì chỉ nên viện trợ quân sự, có thể có một số cán bộ khung, không nên đưa hắn lực lượng của chúng ta vào.
Martin góp phần vào cuộc đấu tranh chống cộng sản mới ra đời ở Đông Dương bằng cách thuyết phục người Thái Lan, giữa những năm 60, cho lực lượng Hoa Kỳ thuê những căn cứ không quân lớn nhất của họ để Mỹ ném bom những con đường tiếp tế của cộng sản ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Mặc dù, công khai ông đã chối không có những hiệp định này, nhưng trên thực tế, phần lớn những phi vụ Mỹ đi ném bom ở đường mòn Hồ Chí Minh, miền Nam Lào đều xuất phát từ những căn cứ "mượn" của Thái Lan.
Glen, người con nuôi của Martin bị giết ở vùng Tây Nguyên, miền Nam Việt Nam khi ông làm việc ở Bangkok được ba năm. Từ đó tính tình và ý kiến của viên đại sứ có vẻ thay đổi. Ông mất cả một ít khoan nhượng của mình đối với công việc bàn giấy quan liêu. Năm 1967, trong khi ông không ngừng cố gắng ngăn cản việc quân Mỹ vào Thái Lan, ông đã thố lộ sự thiếu kiên nhẫn của mình với bộ trưởng ngoại giao. Trong một bức điện đặc biệt hỗn xược, ông yêu cầu Dean Rusk phải ủng hộ ông. Sau này Martin kể lại: tôi bị mất chức ở Bangkok vì có những ý kiến không đúng với phép tắc lễ nghi.
Kỷ luật ấy, tuy nhiên, không kết thúc đời hoạt động của viên đại sứ cáu kỉnh. Một năm sau, người bạn thân của ông, Richard Nixon, trúng cử vào Nhà Trắng, khôi phục địa vị cho ông và bổ ông đi làm đại sứ ở Rome, để đền đáp sự kính phục trước kia. Trong lịch sử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đây là một trong những vụ khôi phục địa vị chính trị nổi tiếng.
Trong ba năm Ở Italia, Martin xử sự rõ ràng là một đại sứ của một nước lớn. Ông chọn những người giúp việc tận tụy và điều khiển sứ quán với một bàn tay thép. Ông không để có một trách cứ nào đối với bản thân cũng như đối với Bộ Ngoại giao. Cũng như ở Bangkok ông khám phá thấy chung quanh ông, có một kẻ thù. Lần này, không phải là quân đội Mỹ, mà là chi nhánh CIA ở Italia. Tự khẳng định rằng mình là một nhân viên tình báo còn giỏi hơn tất cả nhân viên tình báo của CIA gộp lại, Martin quyết định kiểm tra lấy và trực tiếp giữ bí mật những gì do Hoa Thịnh Đốn giao để điều khiển chính sách của Italia.
Trước khi hết nhiệm kỳ ở Rome, Martin đã đạt được thắng lợi chính trị vang dội. Trước cuộc bầu cử vào Thượng nghị viện nước này năm 1972, ông cung cấp cho đảng Dân chú thiên chúa giáo hàng nghìn đô la, nhờ đó đảng này đã chiếm ưu thế so với những người cộng sản. Một thắng lợi tạm thời, vì những người cộng sản tiếp tục dành được cử tri, nhưng thắng lợi trên tạo một giá trị tượng trưng cho Martin. Ông có thể rời Rome một cách hồ hởi. Ông đã đánh bại cuộc tiến công của cộng sản ở một trong những nước đồng minh rất gần gũi của Hoa Kỳ.
Martin định nghỉ hắn sau khi ở Rome về. Ông đã mua một trang trại ởToscane, như ông cho biết sau này với một vẻ hài hước nặng nề, - định ở đó để viết một cuốn sách và ghép một cành Ô liu với một cây đỗ tùng, nhờ đó có ngay một thứ rượu Martin không cần pha. Nhưng đầu mùa Hè năm 1972, Kissinger đề nghị ông nhận một chức vụ mới, đặc biệt phức tạp mà một nhà ngoại giao kỳ cựu, William Sullivan, đáng lẽ thay Bunker ở Sài Gòn, đã từ chối. Martin có bằng lòng nhận chức vụ này không.
Martin kể lại: "Mặc dù tôi thích châu Á, và ở đấy tôi có nhiều bạn nhưng tôi đã mất tám tháng để suy nghĩ: "Không ta không đi. Tôi không hề tưởng đến những gì sẽ xảy ra. Nhưng khi những nhà chức trách cao cấp nhất của nước Mỹ nói rằng: "Tôi nghĩ ở Bộ Ngoại giao, người ta nhận những chức vụ khó cũng như những chức vụ dễ. Anh sẽ phải trả lời: Thưa vâng, đó là việc chúng tôi thường làm. Rồi anh sẽ tìm cách giải thích cho vợ anh biết việc anh đi Sài Gòn chứ không phải về trang trại ở Toscane. Martin cuối cùng đã trả lời Kissinger rằng ông ta bằng lòng nhậm chức trong một năm, chứ không hơn.
Bà Dorothy Martin đã chống lại quyết định ấy cho đến phút cuối cùng. Bà ta đã mất một đứa con ở Việt Nam và có một ác cảm tự nhiên đối với nước này. Bà hiểu rằng chồng bà sẽ chẳng lợi lộc gì, khi nhậm chức ở đấy vì ông ta phải bảo vệ một chính sách mà hầu hết người Mỹ đã phản đối.
Lần đầu tiên lúc tôi gặp Graham Martin, ông đang cúi xuống một cái bàn rộng, dài trong phòng nhận tin của tùy viên quân sự ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Mặc một bộ quần áo kẻ sọc, lưng gù, tóc xám, mặt nhăn nheo và cắt tóc giống một bức tượng bằng gỗ, nói không ngoa, ông tựa như hình ảnh viên đại sứ Hollywood. ông nói về sự cam kết, sự cần thiết phải làm việc, với những từ nghe vui tai sau sáu tháng ngừng bắn mà chưa có kết quả gì mới. Tôi chú ý đến cái nhìn của ông, xám xịt và lạnh lùng như đá. Đối với những người có đâu óc tưởng tượng nhất trong chúng tôi, ông ta giống một con rắn sẵn sàng mổ.
Lúc nào không ra mắt, không đứng làm đại diện thì Martin là một con người bình thản, khiếm tôn, gần như thẹn thò. ông ta có dáng đi và tư cách của người miền Nam (nước Mỹ) hồi xưa, rất quyến rũ đối với phụ nữ. Tướng John Murray, tùy viên quân sự một hôm nói rằng: "Thật là một con người làm mê hoặc lòng người. Vợ tôi cho rằng không có một người nào khác đáng mê bằng ông ta. Nhưng cái bề ngoài ấy dấu kín ý chí thép của một người không có gì làm cho xúc động. Những nhân viên đã làm việc lâu với ông vẫn nhớ, với lòng cảm phục, cái ngày khủng khiếp mà ông ta biết tin người con là Glen bị chết. Hai ông bà đang chuẩn bị đến dự một cuộc tiếp kiến của vua Thái Lan. Những báo cáo đầu tiên thu nhỏ vấn đề: "Vâng, Glen bị thương, nhưng không nặng lắm". Đến khi biết rõ sự thật, ông chịu đựng, không nói một lời nào với vợ. Ông đưa vợ đến dự cuộc tiếp kiến và xử sự đúng, với sự thận trọng và tư cách mà người ta chờ đợi ở một viên đại sứ Hoa Kỳ.
Về hình thức, Martin có vóc người mảnh và cao. Ông ta còn chịu hậu quả của một tai nạn xe hơi, chỉ hơi quay đầu được từ trái sang phải. Bệnh tật ấy hạn chế hoạt động của ông ở Việt Nam. Ông không thể đi thăm nội địa nước này để tự mình tìm hiểu tình hình. Thực tế, chỉ có một lần, ông ra khỏi Sài Gòn.
Mặc dù ở ẩn dật, Martin không chịu ngồi rỗi. Hút thuốc nặng, mất ngủ liên miên, ông làm việc dẻo dai, cho tới khuya, ở phòng riêng trong sứ quán, đọc những bản báo cáo tin tức và tình báo.
Một chị thư ký bực mình về cách làm việc đơn độc ấy. Một hôm, nửa đùa nửa thật, chị ta so sánh ông với đức chúa trời: "Tôi biết có ông ấy đấy, nhưng tôi chẳng trông thấy ông ấy!". Câu nói đùa ấy, cũng như nhiều câu khác, không đúng đối với Martin. Ông ta độc lập và có uy quyền, nhưng đối với các nhân viên phục vụ, còn dễ gần hơn nhiều so với Bunker và những vị đại sứ trước.
Thỉnh thoảng ông ta cũng nghỉ ngơi, đi xem chiếu phim. Buổi tối, sau bữa ăn, ông lên phòng khách, những người lính gác chiếu cho ông xem những phim ảnh Mỹ mới nhất mà sứ quán Sài Gòn nhận được trước tiên. Tôi còn nhớ được xem phim cùng ông vào một buổi tối năm thứ hai ông ở Việt Nam. Lúc ấy ông đang phải chống chọi với quốc hội và báo chí. Chúng tôi xem phim Những ngày cuối cùng của Hitler và thấy cảnh đứng túc trực bên linh cữu của tên trùm quốc xã trong căn hầm ở Berlin. Sau cuốn phim thứ nhất, khi đèn bật sáng, Martin đã nhìn tôi thở dài: "Anh biết đấy, tôi bắt đầu hiểu cái đồ chó chết ấy phải bối rối thế nào". Ông rời ghế đi lên phòng làm việc nghiên cứu những hồ sơ tình báo.
Còn như nhân cách của Martin, nó giống như một cái kính trăm màu hiện ra một lúc, không một màu nào phản ảnh đúng. Một hôm, ông nói trước một ủy ban của quốc hội rằng nghệ thuật đạo diễn là một phần của vốn kiến thức ngoại giao. Trong trường hợp đó, ông thực chất là nhà ngoại giao, người diễn viên xuất sắc có thể đóng vai bất cứ người nào trong chúng tôi. Nhưng nghệ thuật ấy đã làm ông phải trả giá đắt vì ở ông, không có gì hoàn toàn thật, hoặc hoàn toàn giả. Với thời gian, ông trở thành bất lực để phân biệt giữa việc đạo diễn và sự thật. Ông tưởng rằng có thể bóp méo sự thật theo quan điểm của mình. Ông đã thất bại trên cả hai mặt.
Một đồng nghiệp nói: "Lúc đầu, ông giống một nhân vật lãng mạn đi chinh phục. Nếu anh có một chút lãng mạn, anh rất có khả năng làm như ông ta". Nhiều người khác đánh giá thấp hơn tính thay đổi của ông. Một người cộng tác với ông nói: "ông ta có đủ mọi thói xấu đã làm hại những vị đại sứ ở Việt Nam. Một người khác nói: "ông bẩm sinh là một người hay lật đổ. Nói chung, hay đánh lừa, hay làm cái việc bí mật. Định trị anh, ông ta tìm nhược điểm của anh như một con cá mập tìm mồi. Thí dụ lúc ông tức giận, tiếng nói của ông trở nên thì thầm khó nghe. Mục đích của ông làm cho anh phái thật chú ý. Một bận giám đốc CIA ở Rome đã phải đeo máy nghe. Cứ chỉ đó buộc Martin phải nói to. Đối với những sĩ quan quân đội Mỹ ở Sài Gòn, thoạt tiên, Martin hình như hợp với họ. Một người ở Lầu Năm Góc nói: "Sau B.52, ông là nhân vật ưu tú, một người khác khẳng định: ông là một người Mỹ siêu ái quốc, bất chấp người Việt Nam. Chỉ có Hoa Kỳ là đáng kể. Và nếu ông có thể hành động theo ý mình, tôi chắc là cờ Mỹ sẽ không còn những ngôi sao nữa, mà chỉ có một con rắn ngửng đầu lên với những dòng chú thích: "Đừng dẫm lên tôi".
Tướng Murray, đã từng phục vụ cả ông Bunker lẫn ông Whitehouse, cho rằng không một ai trong hai ông này có thể bén gót chân ông Martin: đó là một con ác điểu!
Một hôm, tướng Murray nói với tôi: "Khi Martin đến Sài Gòn, ông ta không hề hỏi tôi về tình hình tài chính hay tình hình ăn, ở, tinh thần quân đội hay cái gì gì đó thuộc loại này. Cái ông muốn biết là chúng ta có sắp ném bom những căn cứ cộng sản ở dọc biên giới Campuchia không? Tướng Murray giải thích rằng máy bay B.52 không được ném bom ở đấy vì có nhiều thường dân. Tướng Murray và tướng John Vogt chỉ huy không quân, đều nhắc cho ông đại sứ mới biết rằng Lầu Năm Góc vẫn chưa bỏ lệnh ấy. Nhưng Martin trả lời: tôi sẽ xin phép cho các anh ném bom". Tướng Murray nói rõ hơn. Vogt nhìn tôi, tôi nhìn Vogt. Hai chúng tôi đều nghĩ rằng gã này là một đồ tồi! Nhưng, anh biết không, Martin đã xin được phép ném bom 30 ngày trước khi có lệnh thôi bắn phá Campuchia.
Nhưng khi chúng tôi cho máy bay đến các mục tiêu, đôi khi chúng tôi cũng bảo phi công chừa ra một số khu vực. Thí dụ, tôi còn nhớ một cái làng nhỏ có xưởng vũ khí. Martin hỏi tôi sao không ném bom xuống đấy, tôi trả lời: ở đấy có nhiều dân lành. Chúng tôi tập trung ném bom xuống mục tiêu quân sự Martin trả lời tôi: Anh nói với Vogt rằng tôi không cần biết ở đó có dân thường hay không. Tôi nói lại với Vogt, Vogt bảo tôi: có lẽ ông ta bất chấp tất cả!
Theo một ý nghĩa khác, Martin đúng là Nhà Trắng của Nixon được kéo dài thêm. Cũng như tổng thống, ông ta là một người cực kỳ chống cộng, có một niềm tin gần như của tín đồ tôn giáo. Một anh bạn nói: "ông ta coi cộng sản là người xấu xa nhất. Việt Nam là một chiến trường tâm lý.
Tuy nhiên, quan điểm của Martin không phải chỉ do thành kiến mà có. Cũng như Kissinger, ông nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam trong tình hình chung của thế giới, tách riêng ra, nó là một nhân tố quan trọng của sự cân bằng trên trái đất, và nhất là, là một yếu tố quan trọng của nền an ninh Hoa Kỳ. Martin giải thích trước nhiều ủy ban của quốc hội: tôi kiên quyết khẳng định rằng chúng ta phải chấm dứt mau chóng sự cam kết của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng cách làm của chúng ta vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ rằng mục đích của chúng ta phải là rút ra, và để lại một Việt Nam mạnh về kinh tế, đủ sức tự vệ về quân sự, có quyền tự do để lựa chọn chính phủ và những người thủ lĩnh của mình, đủ khả năng đi đến một sự dàn xếp với kẻ thù ở miền Bắc. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta hoàn thành tốt việc này thì sẽ gây ảnh hưởng lớn về hình ảnh nước Mỹ, về ý chí của Hoa Kỳ và về lời bảo đảm của Hoa Thịnh Đốn với Bắc Kinh.
Martin không những kính phục nhà ngoại giao Kissinger mà còn coi trọng bản thân Kissinger nữa. Ít nhất cho đến khi Việt Nam sụp đổ. Một hôm, ông ta kể một chuyện chứng tỏ sự thân thiện mà ông tưởng có giữa hai người, Kissinger và ông ta cùng ở trong phòng rửa mặt dành cho quan chức cao cấp trên tầng thượng Bộ Ngoại giao. Martin nói nhỏ qua vai Kissinger: ông là một thần kỳ.. Kissinger trả lời ngay: ông Graham ạ, ông cũng là một thần kỳ theo kiểu cách của ông.
Theo một trong những người cộng tác gần gũi với Kissinger thì Martin chỉ là một dụng cụ có ích cho bộ trưởng ngoại giao, "một con rệp" dùng để làm những việc bần thỉu, một ống thu lôi để hứng lấy những lời công kích đáng lẽ là chĩa vào Kissinger và Nhà Trắng. Mặt khác, chính sách của Kissinger đòi hỏi những sở trường mà viên dại sứ phải có. Nói cho đúng, đó không phải là một chính sách, theo ý nghĩa thật sự của từ này, mà chỉ là bề ngoài của chính sách. Hoa Kỳ phải quì gối mà bỏ Việt Nam nhưng phải làm sao gây được ấn tượng là Hoa Kỳ đàng hoàng rút khỏi nơi đây. Muốn thế, phải có một thầy phù thủy và có nghệ thuật đạo diễn. Martin là bậc thầy trong vấn đề này. Hơn thế, một trong những mục tiêu của Kissinger là đảm bảo sự vừng chắc cho Thiệu đồng thời vẫn làm cho hắn phụ thuộc vào Mỹ, do đó, Kissinger càng cần có ở Sài Gòn, một con người hiểu biết và đủ sức mạnh để điều khiển người Nam Việt Nam. Martin đã chứng tỏ có những khả năng ấy.
Lập tức, Martin hoạt động theo hướng của Kissinger. ông ta dùng mánh khóe mua chuộc, đánh lừa làm cho quốc hội ủng hộ Thiệu, khôi phục tín nhiệm của người Mỹ đối với Thiệu. ông tiến công ngay những người thuộc phe đối lập có lợi cho tuyên truyền của Hà Nội vì ông cho đấy là trở ngại duy nhất cho những mục tiêu của ông. Những người này đã làm suy yếu ý chí của người Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Martin nghĩ rằng họ đang làm như thế đối với những người Mỹ còn lại. Báo động với Quốc hội và dư luận người Mỹ, tiếp tay bộ máy tuyên truyền của Hà Nội. Theo Martin, sự nguy biến không chỉ do việc tuyên truyền của Hà Nội mà còn do một âm mưu lật đổ thật sự của một hệ thống những người thuộc phái tà và có cảm tình trên khắp thế giới đang giúp Hà Nội vì những nguyên nhân riêng. Một hôm, Martin tuyên bố với một nhóm người Mỹ mới đến: Tôi đã theo dõi những sự kiện xẩy ra ở Đông Dương một phần tư thế kỷ nay, chưa bao giờ tôi hoảng về hiệu quả, sức mạnh và sự hoàn bị về kỹ thuật của bộ máy tuyên truyền của Hà Nội. Thật có một không hai trong lịch sứ.
Martin khẳng định rằng những nhóm hòa bình khác nhau ở Hoa Kỳ phục vụ trực tiếp cho việc lật đổ lớn ấy. Người ta giục ông chứng minh mối quan hệ trực tiếp giữa những nhóm hòa bình với những tổ chức cộng sản ở nước ngoài. Ơ Sài Gòn, CIA phí công vô ích tìm chứng cứ trong hồ sơ không có gì cả. Nhưng Martin vẫn giữ nguyên ý kiến của mình và cam đoan rằng có một mối quan hệ tư tưởng giữa những người hòa bình và những người cộng sản, họ đều có ý muốn chung là đánh đổ chế độ Sài Gòn. ông kết tội cả giới báo chí Mỹ đã tham gia tích cực vào âm mưu ấy. Mấy tuần sau khi Sài Gòn thất thủ, ông viết trên tờ báo Times rằng những đồng nghiệp cũ của ông, những người viết báo, phải chịu trách nhiệm một phần về những sự chia rẽ ở Hoa Kỳ đã làm cho nước này co mình lại trong mấy năm qua.
Vụ đổ vỡ Watergate làm cho ông càng củng cố thêm ý kiến là giới báo chí vừa độc ác, vừa có nhiều ảnh hưởng. Đối với những đồng nghiệp ở bộ ngoại giao, ông cho rằng họ chỉ là những người nhút nhát đáng xấu hổ. Trước khi đi Sài Gòn, Martin còn nhận định là không có một ai ở Hoa Thịnh Đơn biết giữ bí mật. Do đó, vừa đến sứ quán, ông ta đã ra lệnh hạn chế việc phổ biến tin bí mật có thể làm hại "khách hàng mới của ông. Mọi tin tức về người Nam Việt Nam phạm sai lầm đều được xếp ngay vào hồ sơ tối mật để hạn chế việc gửi sang Hoa Thịnh Đốn. Đôi khi, ông chỉ nói là cấm phổ biến, rất đơn giản. ông cũng đòi những bản báo cáo của sứ quán phải rõ ràng, ngắn gọn, để sau nay dễ loại bỏ những phần không có lợi. Thí dụ muốn thành lập một hồ sơ về một nhân vật Nam Việt Nam tham nhũng, phải có nguồn tin thật chính xác. Nhân vật càng ở cấp cao, nguồn tin càng phải thật chính xác. Do đó, Hoa Thịnh Đốn ít khi biết được những việc lạm dụng của giới lân cận Thiệu. Martin củng cố ngăn ngừa việc làm cố chấp của các nhân viên trước đây đã từng làm hại đến sự nghiệp của Hoa Kỳ. Trong một bức điện, ông nói rõ rằng; yêu cầu mỗi người trong sứ quán và những bạn đồng nghiệp ở Hoa Thịnh Đốn, không nên quá để tâm vào những nhận xét về tư cách các nhà chính trị Nam Việt Nam. Theo ông, phải chấp nhận cái xã hội này với mọi thói xấu của nó. Ít lâu sau, trong một thông báo gửi Hoa Thịnh Đốn, ông đã viết nhẹ đi rất nhiều về những tội lỗi của giới cầm quyền và chỉ huy quân đội Nam Việt Nam. Ông viết: mức độ tham nhũng phổ biến ở Nam Việt Nam cũng gần giống như mức độ tham nhũng ở bang Massachusetts và thành phố Boston trong những thập kỷ của đầu thế kỷ này. Chúng tôi đã đối phó, nhưng không thể chấm dứt sớm được. Sự lạc quan của Martin, quan điểm riêng của ông trở thành quan điểm nổi bật của sứ quán. Đại sứ biết Việt Nam rất ít. Một mình làm việc trong phòng, ông dành hàng giờ để nghiên cứu những tập hồ sơ rồi rút ra kết luận của mình. Trừ tổng thốngThiệu, ông gặp một vài lần vào cuối tháng, còn ông ít đến thămnhững người Nam Việt Nam. Một người bạn ông nói: Graham cóvẻ coi những người Nam Việt Nam như những con tốt trên bàn cờ.
Một hôm, ông nói với tôi: "Tôi là một người theo Jefferson. Chúng ta phải đối xử với người Việt Nam như Jefferson đã dạy chúng ta cách đối xử với đồng bào. Xen vào công việc của họ càng ít càng tốt Nhưng sau khi Sài Gòn thất thủ, ông đã thổ lộ với một đồng nghiệp ở bộ ngoại giao: Chưa bao giờ ông tin người Nam Việt Nam cả, làm như họ thua trận là họ đã phản lại ông.
Martin triệt để lợi dụng sự tín nhiệm của tổng thống Nixon để tỏ rõ quyền lực. Ông từ chối chưa đi Sài Gòn vội chừng nào mà Nhà Trắng chưa dành cho một máy bay riêng. Trong những buổi họp hoặc thảo luận với nhân viên, ông không ngừng nhắc lại rằng cấp trên duy nhất của ông là Kissinger. Do đó, khi đón tiếp vị bộ trưởng ngoại giao, ông ta để ông này ngồi bên trái mình.
Việc bất chấp phép tắc lễ nghi đã nhanh chóng gây nên nhiều cuộc xung đột với giới ngoại giao và quân sự. Trước và khi đến Sài Gòn, ông đã bất hòa với đô đốc Noel Gayler, tổng chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương. Ông cho rằng lão già ở biển này chưa thật kính trọng ông. Tướng Murray cũng có vấn đề phép tắc lễ nghi với Martin. Mỗi tháng một lần, tướng Murray tổ chức một buổi họp ngắn với các quan chức cao cấp của sứ quán và một buổi họp với nhân viên CIA. Murray nói lại với tôi: "Martin chỉ đến dự phiên họp đầu tiên, sau đó không đến nữa.
Một người cộng tác với tôi cho biết lý do là vì trong khi tôi làm chủ tọa buổi họp, tôi lại mời Martin ngồi bên phải tôi. Tôi nói với Francis: trời ơi, lần sau tôi sẽ mời ông ta ngồi lên ngai vàng. Nhưng Martin không đến dự nữa!
Martin chú trọng đến phép tắc lễ nghi chủ yếu vì chiến thuật. Ông ta đang có một đồng minh lúc nào cũng lo lắng và cần được sứcmạnh và uy tín của Hoa Kỳ che chở. Vì viện trợ tài chính và quân sự ngày càng giảm nhiều, nên Martin muốn tỏ rõ sự ủng hộ của nước mình, không có cách nào khác là nêu bật oai quyền riêng.
Bản thân sứ quán cũng cần có một thủ trường vững vàng và không khoan nhượng. Khi Martin đến, vẫn còn 9.000 viên chức Mỹ ở Việt Nam. Làm thế nào để điều khiển một khối nhân viên đông và hỗn tạp như vậy, nếu không phải là ý chí và uy tín!
Trong tất cả các bộ phận của sứ quán, bộ phận khó điều khiển nhất là Phái bộ quân sự (Lầu Năm Góc phương Đông trước kia), với 400 nhân viên quân sự, 50 cựu sĩ quan quân đội Hoa Kỳ và 2500 viên chức dân sự Mỹ làm hợp đồng. Mùa Hè năm 1973, Nhà Trắng định giảm số nhân viên ở đây xuống mức thấp nhất. Nhưng mặc dù có ngưng bắn, Martin đã phản đối kịch liệt ý kiến này. Ông cho rằng văn phòng của tùy viên quân sự rất cần cho sự sống còn của chế độ Sài Gòn và cơ quan thông tin của nó sẽ bổ sung và đối chiếu với cơ quan tình báo CIA. Ông cũng cho rằng phái bộ quân sự rất cần đối với ông để kiểm tra người Nam Việt Nam. Tuy chắc chắn là sẽ điều khiển được Thiệu và bộ sậu của hắn. Nhưng ông vẫn cho rằng nhà binh thường kính trọng nhà lính nên ông đề nghị với tướng Murray và bộ tham mưu của tướng này nắm chặt giới quân sự Nam Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Martin, phái bộ quân sự giữ nguyên sức nặng của nó, ít nhất là trong 18 tháng đầu sau khi ngưng bắn. Đại sứ cũng nghĩ đến quyền lợi bản thân và quyền lợi của bọn tay chân người Nam Việt Nam. Nhưng việc đó chỉ đem lại hậu quả tai hại. Do sự phụ thuộc quá nhiều của sĩ quan bộ chỉ huy tối cao Nam Việt Nam vào các cơ quan của tướng Murray nên quân đội Nam Việt Nam không thể có một sáng kiến nào, ngay dù chỉ là một sự cảnh giác đơn giản. Trong những tuần đầu Ở Việt Nam, Martin dành nhiều thời gian tìm hiểu Murray. Những khó khăn ông gặp phải ởThái Lan với tướng Stillwell làm ông nghi ngờ các tướng lĩnh.
Về mặt nghiệp vụ, Murray có vẻ là người tinh thông. Anh ta có vóc nhỏ bé, khô khan nhưng ham làm việc như viên đại sứ.Trong nhiệm kỳ trước ở Việt Nam, Murray đã chứng tỏ là người có tài. Một hạ cấp của ông cho ông là người sử dụng giỏi vũ khí nặng, chuyên gia về nghệ thuật cung cấp, trong một thời gian kỷ lục có thể tiếp tế đủ vũ khí đạn dược của Mỹ vốn đã thiếu, cho một đơn vị Nam Việt Nam cũng thiếu. Đó là đặc tính cần thiết, đối với đại sứ, vì sự sống còn của chế độ Sài Gòn tùy thuộc vào làn sóng tiếp viện không ngừng từ Hoa Kỳ sang.
Nhưng do tình hình nên tướng Murray chưa phải là người lý tưởng của đại sứ. Một cộng tác viên của đại sứ nhận định: tướng Murray không phải là một con người kiên trì. Chịu lắng nghe người khác, tinh thông nghiệp vụ, uyên bác. Bậc thầy trong nghệ thuật trình bày có hình ảnh nhưng thiếu kiên trì. Do đó, Martin không tin ông ta lắm nhưng đã làm ngơ trước khuyết điểm đó để sử dụng mặt ưu điểm vào một công việc đang cần. Để cho tùy viên quân sự khỏi quên rằng chính Martin mới là thủ trưởng nên đại sứ đã dùng mọi mánh khóe ông ta sàng lọc được ở Bangkok. Sau khi đến Sài Gòn ít lâu, ông cử một trong những cộng tác viên trung thành đến làm việc ở Bộ tổng tham mưu tại Tân Sơn Nhất để theo dõi tướng Murray. Sau này, Murray nói: "Martin cho rằng tôi viết nhiều báo cáo mà không cho ông biết. Martin luôn luôn làm cho người này chống lại người kia, để không một ai có thể đủ uy quyền về một vấn đề nào. Ông ta chỉ nói chuyện riêng với tôi, không có vấn đề gì khác. Không khi nào tôi biết được chuyện gì đã xảy ra ở sứ quán trừ việc tôi báo cáo với Martin điều ông ta nói với tôi.
Giữa cơ quan của Murray và cơ quan CIA, hai tổ chức trụ cột của sứ quán, Martin mau chóng phân công rõ ràng để cơ quan này không giẫm chân lên cơ quan kia.
Để kiểm tra Murray tốt hơn, đại sứ tuyển nhiều người trung thành ngay trong giới thân cận viên tướng này. Một trong những người ấy là viên sĩ quan tình báo đại tá Bill Legro, sau trở thành người chỉ huy mọi hoạt động của cơ quan. Từ bộ binh đến, đã chiến đấu ở Việt Nam, Legro là một người bình tĩnh, kín đáo. Trước hết đó là một người lính tốt, tôn trọng kỷ luật, thi hành kỷ cương chu đáo. Dần dần, Martin dành được lòng tin của Legro và sử dụng anh ta để gây ảnh hướng, điều khiển cả Phái bộ quân sự.
Chỉ huy tình báo Legro cững là người lý tưởng để chống lại CIA. Khi quan điểm của CIA khác xa quan điểm cưa đại sứ, bao giờ Legro cũng theo ngay quan điểm của đại sứ và gửi báo cáo về Hoa Thịnh Đốn theo tinh thần ấy. Nhận định tình hình của Legro cũng giống như nhận định của đại sứ. Là cựu chiến binh, Legro biết rõ khả năng của người Bắc Việt Nam. Do đó, anh ta có xu hướng công nhận và còn đánh giá cao sức mạnh của họ. Những điều phân tích của anh đã ủng hộ mạnh mẽ những đơn vị xin viện trợ quân sự bổ sung của Martin trình lên Quốc hội. Mấy tuần sau khi Martin đến Sài Gòn, Legro đã dự đoán cuộc tiến công ồ ạt của quân đội Bắc Việt Nam trong những tháng sắp tới. Việc đó làm cho Martin hết sức vui lòng.
Ngoài những diều phân tích của Legro, Martin còn đòi Phái bộ quân sự phải có một màng lưới tình báo dân sự ở khắp trong nước để cung cấp tin tức về quân đội Nam Việt Nam. Màng lưới này do đại tá Ai Weidhas chỉ huy, chỉ được Lầu Năm Góc ủng hộ và phần lớn dẫm chân lên công việc của CIA. Đó đúng là mục đích của Maltin. Nhiệm vụ của Weidhas cũng như của Legro là làm trái với giám đốc CIA.
Martin đào tạo nhân viên dân sự, nhằm những mục đích tương tự như đào tạo nhân viên ở Phái bộ quân sự. Ông ta không muốn chung quanh mình có người có thể nói trái ý ông hoặc cản trở ông. Những người dưới quyền phải là Martin con, nhất là những tùy viên hay cố vấn.
George Jacobson, 62 tuổi, một người còn lại của ê kíp Bunker, đã phục vụ ông hết sức trung thành. Là quan chức đã làm việc dưới bốn thời đại sứ khác nhau ở Việt Nam, "Jake" là máy nhớ của sứ quán. Trong 15 năm trước ở Sài Gòn, ông đã góp công sức vào việc thực hiện chương trình bình định. Ông quen biết hầu hết người Việt Nam quan trọng trong chính phủ.
Martin cử ông ta làm người giúp việc, hoạt động thực tế. Với một ê kíp nhỏ. Ông chịu trách nhiệm về những nhà canh nông ở rải rác khắp nước này. Không phải là một chức vụ quan trọng vì ông cùng chịu trách nhiệm với 4 lãnh sứ quán ở ngoài Sài Gòn - nhưng ông đã tỏ ra rất có ích cho đại sứ. Bao giờ ông cũng theo lệnh của Martin, bao giờ cũng phải cúi đầu trước ý kiến của Martin.
Trong nhiều buổi họp với các nhân viên hoặc nghe báo cáo, tôi quan sát Jacobson: ông ngồi yên lặng, lắng nghe không chút phản ứng, đại sứ nói một cách ngây thơ về nền an ninh đã được khôi phục ở đồng bằng. Chuyên gia về bình định, Jacobson biết rõ tình hình ấy. Nhưng sau này, ông phải trả giá đắt vì tiếp tục làm việc dưới quyền Martin.
Một nhân viên kỳ cựu ở Việt Nam, Josiah Bennett cũng được Martin che chở. Đó là một người mảnh như sợi chỉ, đã tỏ ra dũng cảm trong cuộc tiến công năm 1968 của cộng sản, hồi anh ta làm cố vấn ở tỉnh. Một số người biết anh cho rằng đại sứ không thích anh lắm, nhưng họ quên rằng Martin rất chú trọng đến quyền lợi riêng. Khi những người cộng sản chiếm được Trung Quốc cuối những năm 40, Bennett là một viên chức trẻ của bộ ngoại giao ở Trùng Khánh. Hoàn cảnh đó tạo cho anh trở thành người chống cộng kịch liệt. Không những Martin đánh giá cao thái độ ấy mà còn định khai thác tối đa khả năng của Bennett. Ông ta cho anh làm cố vấn chính trị, tức là người thứ ba trong bộ tham mưu của ông và ông ủy quyền cho anh duyệt lại nội dung và hình thức những báo cáo của sứ quán. Trong 18 tháng tiếp theo, Bennett làm tròn nhiệm vụ đúng như yêu cầu của Martin. Anh dành phần lớn thì giờ để sắp xếp lại những bản báo cáo về tội ác, đưa cho Martin gửi cho một số đại biểu quốc hội và cất giữ ở bộ ngoại giao, nơi ra chỉ thị cho chính phủ Nam Việt Nam. Anh cũng hiểu nhanh ý định của đại sứ. Đầu năm 1974, một viên chức ngoại giao trẻ định xin phép gửi về một bản báo cáo tố cáo tệ tham nhũng trongchính phủ Thiệu, Bennett phản đối vì, như anh viết trong lời giải thích: "Tôi không biết Hoa Thinh Đốn sẽ làm gì với tài liệu ấy, nhưng nó có thể rơi vào tay nhà báo Jack Anderson, ông này có thể cho đăng ngay không cần biết hậu quả".
Cơ quan khó điều khiển nhất sứ quán chắc chắn là cơ quan chịu trách nhiệm về báo chí, "hắc thú" của Martin. Sở thông tin Hoa Kỳ (USIS) đã cử nhân viên của mình sang Sài Gòn. Thủ trưởng cơ quan này là Alan Carter, không phải là người của Martin và hơn thế, không đồng ý với nhận định xấu xa về giới báo chí của đại sứ.
Vui vẻ không nói nửa miệng, khác với Martin, Carter tán thành việc tiếp xúc thật thà và trực tiếp với các báo và phản đối việc coi báo chí là kẻ thù. Nhanh chóng anh bị bỏ rơi, không được dự các buổi họp nội bộ do đại sứ chủ tọa, không được xem các điện gửi đến. Còn đại sứ thì ra lệnh tất cả các câu hỏi của giới báo chí, đều phải đưa cho John Hogan, một nhân viên kỳ cựu dưới thời đại sứ Bunker. Hogan được giữ lại làm việc vì đã tâng bốc những ý kiến của Martin. Chính Hogan - nghề chính là viết những bài hát - được giao nhiệm vụ thảo những bài đả kích cay độc của đại sứ chống giới báo chí.
Trong tất cả các nhân viên ở sứ quán, người nguy hiểm nhất đối với Martin là Tom Polgar, thủ trưởng của tôi. Ông có những nguồn tin độc lập và điều khiển một cơ quan mạnh và tự trị, không có gì để phải sợ bản thân đại sứ. Ông cho rằng chi nhánh CIA đã cung cấp những tin tức rất có lợi cho Martin và chính Martin nợ Polgar chứ không phải ngược lại.
Tuy vậy, trong các nhân viên cao cấp ở sứ quán, chính Polgar lại là người tỏ ra kính trọng và phục Martin nhất. Ông có những lập luận như đại sứ, cũng chống cộng và ham thích việc nghiên cứu, phân tích tin tức. Mặc dù hai người có nhiều điểm không giống nhau và có khi chống đối nhau nhưng cuối cùng, hai người trở thành hai con ngựa của một cỗ xe, rất hợp nhau.
Nhận xét đầu tiên của tôi đôi với Polgar vẫn còn in trong trí nhớ: Về hình thức, ông không phải là người có thể làm lu mờ tiếng tăm của đại sứ: bé, lùn, có dáng đi của một người bán thịt với những cánh tay lực lưỡng, ông giống như một đứa bé lớn quá khổ chứ không phải là "người giúp việc riêng cho đại sứ" như chức vụ của ông. (Tôi đã viết như thế trong cuốn sổ tay sau khi tôi gặp ông). Mặt tròn, xoa kem, mũi dày, đeo kính gọng to, vuông, tóc thưa dựng đứng trên vành tai như những cái gai. Khi vào phòng làm việc của ông, cái đầu tiên phải chú ý là cái bàn bằng gỗ sến rất rộng kê ở đầu gian, giống như một con rùa đang mơ màng.
Ở phòng này có đủ đồ đạc đành cho các vị thủ trưởng, một ghế xô pha, mấy ghế tựa kê rải rác. Trên tường, có một bức tranh đáng chú ý. Đó là bức phác họa một Việt cộng đâm ngọn giáo vào một con voi trong khi có một Việt cộng khác đang giơ cao một cái búa lớn định đập nát đầu con thú. Dưới bức tranh, có chú thích: "Cuộc tiến công cuối cùng của Việt cộng: pháo binh nặng". Một tượng trưng về sự châm biếm của Polgar.
Nhân vật kỳ cựu này không bao giờ tiếp cộng tác viên của mình ở cửa phòng làm việc. Người ta nói với tôi, thỉnh thoảng, có một người quan trọng đến thăm, ông lẳng lặng đi vào phòng, giơ tay ra, không nói một lời. Đối với chúng tôi, cuộc đón tiếp được qui định như một cuộc vũ ba lê và làm cho chúng tôi phải hiểu thứ bậc trên dưới. Thoạt tiên, vào phòng đợi, chờ mỏi mắt. Ở đây, có hai thư ký luôn luôn chế nhạo sự sốt ruột của chúng tôi. Sau đó mới được vào gặp thủ trưởng. Nhưng phải đứng khúm núm, cách xa bàn giấy, giống như một con rùa. Lão ta đang chúi đầu vào nghiên cứu một hồ sơ cực kỳ mỏng. Lão ngẩng mặt lên, nhìn anh bằng một ánh mắt ngờ vực. Lưng ghế tựa bao phủ lên vai tròn của lão như những cánh chim bằng da. Sau một lúc chờ đợi - buổi tiếp nào cũng diễn ra như thế - lão thở một cái lấy tay xoa mũi rồi lên giọng: "Ông muốn gì?". Những tiếng ấy được nói với giọng người Trung Âu (bắt chước đúng giọng nói của Kissinger) nhằm vào anh như một lời trách móc. Anh cố giải thích. Lão cắt lời anh: "Ồ, phải, tôi biết rồi, ồ, phải, tôi có nhớ". Rồi lại ngừng. Mắt nhìn đăm đăm vào tập hồ sơ, lại thở, lại xoa mũi. Sau cùng lão đứng dậy. Mắt nhìn vào tập giấy cầm trong tay, lão đến chiếc ghế dài. Ngồi chắc chắn đâu đấy rồi lão mới ra hiệu cho anh ngồi xuống một ghế tựa thẳng đứng. Cuộc nói chuyện bắt đầu.
Tom Polgar sinh Ở Hunggari, trong những năm 20, gốc nông dân. Như nhiều người đồng hương của lão, lão thích ruộng đất. Nhưng vì là người Do Thái và nói giọng lơ lớ nên khi thấy bóng nước Đức của Hitler bắt đầu tỏa sang phía Đông, lão quyết định xây dựng tương lai ở nơi khác. Đầu những năm 30, trốn sang phương Tây và đi Mỹ. Trong những chuyến đi này, lão bập bẹ học nhiều thứ tiếng nhưng không thành thạo một thứ tiếng nào và không giấu được giọng Hunggari. Nhưng trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ tuyển tình báo viên, đã đồng ý chấp nhận Polgar vì nói được nhiều thứ tiếng. Nhập ngũ rồi, lão được đổi đến cơ quan tình báo Office of Strategic Service, được đào tạo để trở thành một nhân viên phản gián, được thả dù xuống sau hàng ngũ quân Đức, trong túi chỉ có một tấm thẻ đảng viên Đảng Nadi để tự vệ.
Sau chiến tranh, nhờ trẻ và hăng, Polgar leo rất nhanh trên bậc thang cấp bậc của cục tình báo Trung ương Mỹ CIA lúc ấy đang phát triển. Nhờ biết nhiều thứ tiếng, rất nhanh, lão được bổ nhiệm là người phó chính cho tướng Lucian Truscett, một vị anh hùng của chiến tranh thế giới thứ hai, trong những năm đầu của thập kỷ 50, trở thành giám đốc CIA ở Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là một chi nhánh rất quan trọng, có tới 1000 nhân viên. Làm việc với Truscett, Polgar trổ hết tài năng tổ chức và nhờ đó, đã thành đạt một cách vẻ vang. Sau nhiệm kỳ ở Cộng hòa Liên bang Đức, lão nhận nhiều chức vụ khác, ở đâu cũng được cấp trên chú ý. Cuối những năm 60, Polgar được làm giám đốc CIA Ở Achentina. Ờ đây lão gặp một bước ngoặt tàn nhẫn và không ngờ. Một bọn người Mỹ ăn cướp máy bay, hạ cánh xuống sân bay Buenos Aires để lấy dầu. Người ta đề nghị Polgar thuyết phục chúng thả những con tin. Polgar kể lại với tôi việc ấy như sau: "Rất đơn giản. Những kẻ cướp máy bay bắt đầu nóng nực vì ở trong ấy không có máy điều hòa không khí. Tôi cho đem côca côla đến, trong đó tôi đã bỏ thuốc mê. Chúng uống xong, nằm lăn ra, thế là tôi lên máy bay, tước hết súng". Trước nhiều bạn đồng nghiệp và thủ trưởng, Polgar được coi là một anh hùng. Ít lâu sau, người ta cử lão đến một trong những nơi quan trọng và khó khăn nhất của CIA, đó là trùm CIA ở SàiGòn. Trước đó, lão chưa hề bước chân đến châu Á.
Do giọng nói và nguồn gốc nên Polgar lúc nào cũng cảm thấy xa lạ đối với các nhân viên CIA và lúc nào cũng phải tỏ ra hiểu biết nhiều về kiến thức cũng như trên thực tế. Theo lão, nhân cách của Kissinger đứng về một mặt nào đó, cũng quan trọng như chính sách của ông vì giọng nói và nguồn gốc của Kissinger cung cấp cho Polgar đủ chứng cớ để tỏ rõ rằng người nước ngoài có thể thành đạt trong giới thượng lưu của nền ngoại giao Hoa Kỳ.
Polgar lúc nào cũng giữ gìn, cố gắng tránh xa những người khác, có lẽ vẫn mặc cảm mình là người nước ngoài. Nhưng lại thoải mái với các đồng nghiệp dưới quyền vì họ không thể làm hại lão được. Còn ngoài ra, ít gần ai.
Do những đặc điểm riêng ấy, Polgar giao thiệp dễ dãi với những người Việt Nam. Trong xã hội Sài Gòn, những vị tướng và chính trị gia giữ chức vụ nổi tiếng chỉ có khoảng độ 12, 13 người. Polgar lấy làm thú vị đến chơi với họ. Có lẽ với giới này, lão được nể nang hơn là với những người Mỹ. Người Việt Nam cũng lấy làm hãnh diện được Polgar đến thăm. Nhưng có phải vì thế mà quyền lợi của Hoa Kỳ được bảo vệ tốt hơn không? Đó là một vấn đề khác. Đến thăm những người có thế lực ở Sài Gòn. không hiểu Polgar có phần nào giảm mất đầu óc nhận xét không, hay lại tin những điều họ nói. Ngay cả khi Polgar biết rằng họ chỉ nói vì lợi ích của họ mà thôi? Những bản báo cáo của Polgar gửi cho HoaThịnh Đốn về những nhân vật này, chưa bao giờ đúng tới mức như lão tưởng.
Cách đối xử của Polgar, cũng như tính châm biếm của lào đều nặng nề như nguồn gốc của lão. Có lần lão bỏ một buổi biểu diễn hài hước rẻ tiền; nếu có người dám phê bình và tỏ ra nghi ngờ ý kiến của lão thì lão thẳng tay bác bỏ. Polgal thường bảo chúng tôi, khi nói về những đại biểu tự do trong quốc hội. "Không bao giờ nên đấu với những con lợn. Chúng thấy thích thú trong cuộc đấu ấy nhưng còn các anh thì chỉ làm bẩn mình".
Nếu có thể tin được một trong những người đã cộng tác lâu với Polgar thì theo anh ta, Martin và Polgar bí mật ghét nhau cũng vì những nguyên nhân nói trên. Polgar là một người Hunggari di cư, về mặt xã hội, lẽ đương nhiên là ghét cái mà Martin đại diện. Còn Martin luôn luôn tỏ ra là con người quí tộc miền Nam nước Mỹ, có vẻ khinh bỉ Polgar về nguồn gốc và tham vọng của lão. Martin một hôm nói với tôi: "Sai lầm lớn nhất của Polgar là sự kiêu căng quá đáng của anh ta". Không còn nghi ngờ gì Polgar cũng có một nhận xét như thế đối với Martin.
Tuy vậy, Polgar cũng phục Martin về nhiều tài năng của ông này - nhất là về nghệ thuật viết và nói văn hoa. Polgar vốn thường dùng lời nói như một vũ khí, một cái mộc, đã khen ngợi đại sứ là người khéo chơi chữ hơn ai hết.
Trong những buổi họp vào chiều thứ năm, Polgar thường thích thú đọc to những bức điện của đại sứ. Đọc xong những câu lão cho là hay nhất, lão bình luận: con người này là một khẩu súng. Một khẩu súng!"
Polgar làm việc đúng như điều người ta dạy lão. Được đào tạo làm phản gián cho nên lão quan niệm hoạt động chính trị nghĩa là sử dụng tin tức và con người. Việc đó lão làm rất thoải mái, tự nhiên. Nhưng cũng như nhiều tay tình báo chuyên nghiệp khác,lão có vé quá thuộc những bài học. Tài năng trở thành bản năng và do những nhân viên của Martin thúc đẩy nên lão dã sử dụng tài năng của mình đối với bất kể mục tiêu nào, dù đó là HoaThịnh Đơn, Hà Nội hay Sài Gòn.
Mấy tháng trước khi Sài Gòn thất thủ, trong khi sứ quán cố gắng xin quốc hội chuẩn y một viện trợ bổ sung, một trong những cộng tác viên của Polgar gửi cho lão một bức thư, trong đó anh ta phàn nàn về giọng văn ngày càng gay gắt của những bản báo cáo của CIA trái với ý định tốt của chúng tôi là cung cấp cho Martin tài liệu tuyên truyền mà đại sứ cần dùng để gây ảnh hưởng trong cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Polgar thảo một thư trả lời tỏ rõ quan điểm của lão về trách nhiệm: "Tôi đã biết lời phê phán của ông và muốn nói rõ thêm để tránh mọi sự hiểu lầm có thể xảy ra đối với tôi là giám đốc chi nhánh. Tôi chỉ huy một trong những cơ quan của tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Đại sứ là người đứng đầu phái bộ và theo ý kiến của tổng thống Kennedy và những tổng thống khácnối tiếp sau, đại sứ phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Mỹ ở nước này. Nếu đại sứ, dù là ông Martin hay ông khác, bảo tôi cung cấp cái gì, tôi cố gắng thỏa mãn với ông điều kiện là cái đó không có gì là không hợp pháp và không ảnh hưởng đến trách nhiệm của tôi".Theo Polgar, không một ai trong chúng ta được vượt quá mức mà chính sách, sự liêm khiết, sự biết điều và phần nào sự khôn ngoan đòi hỏi. Về phần tôi, tôi không tán thành ý kiến giấu giếm sự thật viện cớ rằng sự thật có thể bác bỏ một số nhận xét của chúng ta. Sự thật đôi lúc có thể gây ra tranh cãi không thể buộc chúng ta không cung cấp nó.
Nhận xét ngắn này tóm tắt tất cả triết lý về nghề nghiệp của Polgar và nhiều quan chức cao cấp của CIA. Không phải đơn thuần là một người thu lượm tin mà là người tìm cách thuyết phục và hành động, cố gắng gây ảnh hưởng đối với những người có quyền quyết định, dù họ là những ủy viên Bộ chính trị của Hà Nội hay là những người to tiếng nhất trong quốc hội ở Hoa Thịnh Đốn. Đó là kết quả lôgic kinh nghiệm của Polgar về những cuộc chiến tranh dù lạnh hay không, trong ba thập kỷ qua, đồng thời đó cũng là một triết lý được Martin tán thành hoàn toàn.
Quá khứ và nguồn gốc của Polgar cũng giữ một vị trí trong tác phong làm việc của lão ở Việt Nam. Mặc dù chống cộng kịch liệt, lão cũng nhớ đến Tổ quốc quê hương. Lúc phái đoàn Hunggari trong đoàn quốc tế kiểm soát quân sự đến Sài Gòn, Polgar chú ý ngay đến phái đoàn này, như nghe tiếng gọi của dòng máu.
Mới đầu, người ta ra lệnh ngay cho lão tiếp xúc với những người Hunggari. Theo một qui tắc ngoại giao, tổng thống Thiệu chưa bao giờ công nhận đại sứ Hunggari trong Đoàn đại biểu quốc tế. Martin cũng từ chối không cộng tác với phái đoàn, mà để cho Polgar tiếp xúc, làm việc.
Người Hunggari có vẻ mừng. Họ biết rõ Polgar là giám đốc chi nhánh CIA và họ quyết định khai thác triệt để mối liên hệ đặc biệt ấy, kể cả những tin tức của Mỹ. Một năm sau ngày ngừng bắn, họ cử sang Sài Gòn nhiều cán bộ đặc biệt dưới quyền điều khiển của Anton Tolgyes. Bề ngoài lấy danh nghĩa là cố vấn chính trị của phái đoàn, thực tế, Tolgyes, 52 tuổi , là sĩ quan tình báo xuất sắc. Là người Do Thái Hunggari, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Ở Sài Gòn, ông có nhiệm vụ chính là tranh thủ được trùm CIA.
Theo một nhận định phổ biến trong những cơ quan tình báo, những người Đông Âu di cư thường là những người nhớ quê hương nhiều nhất, đặc biệt hay xúc động trước những lời kêu gọi của tổ tiên. Tolgyes biết rõ điều đó và ông đã lôi kéo Polgar. Thỉnh thoảng ông mời Polgar đi chơi, đi uống, trao đổi kỷ niệm vế nước Hunggari thời xưa. Nhờ đó, dần dần, ông khám phá được nhược điểm của Polgar đằng sau tấm áo cứng rắn: đó là tính kiêu căng mà ông có thể khai thác triệt để một cách bền bỉ và khéo léo làm cho Polgar tin rằng lão và Kissinger, nhờ quan điểm và quyền lợi giống nhau, có thể giải thích được vấn đề Việt Nam không vui này.
Ở bộ tổng tham mưu CIA, những chuyên gia về vấn đề Liên Xô rất cảnh giác đối với Tolgyes, đã báo cho Polgar biết phải cẩn thận. Nhưng hình như Polgar đã quên mất cả ý nghĩa của việc dè chừng. Hoặc là lão không tin rằng một người Hunggari lại định đánh lừa lão. Hay là Polgar tưởng mình cao tay hơn, có thể đánh thắng Tolgyes trong trò chơi của ông. Dù sao, tháng này qua tháng khác, quan hệ giữa Polgar và những người Hunggari ngày càng chặt chẽ. Một mối tình hữu nghị đã ngăn cản Polgar dự đoán nhưng sự kiện sẽ xảy ra.
Những cuộc giao thiệp giữa tôi với Polgar cũng xoay quanh vấn đề cá tính và nguồn gốc lão ta. Đúng hay sai, lão đều cho rằng tôi cũng có khả năng sử dụng lời nói như đại sứ. Có thể lão coi tôi là một cái đệm trong quan hệ giữa lão với Martin. Dù sao, tôi cũng là người miền Nam nước Mỹ quê ở Carolina Bắc, như đại sứ, cùng nói một giọng giống nhau. Tôi còn là bạn thân với con gái của Martin và có một kiểu cơ hội chủ nghĩa như ông. Một hôm Janet Martin thổ lộ rằng tôi làm cho cô ta nhớ đến bố, tôi cho lời tâm sự ấy là một lời khen cực kỳ.
Cương vị của tôi đối với Polgar được qui định đầu tháng 8/1973. Ted Shackley, trùm chi nhánh CIA Sài Gòn trước Polgar, nay trở thành thủ trưởng của Polgar vì được bổ nhiệm làm giám đốc ở Viễn Đông. Ông đến kiểm tra Sài Gòn. Từ lâu, Shackley được coi là người vừa đáng sợ, vừa đáng yêu vì ông có xu hướng viết rất cẩn thận, đúng như một máy tính và cách lập luận của ông làm cho người ta tưởng ông sâu sắc. Thực tế ông không được như vậy.
Tôi đã làm việc dưới quyền ông trong nhiệm kỳ trước đó ở Sài Gòn, tôi biết rõ ý thích của ông. Do đó, khi người ta bảo tôi báo cáo với ông thì tôi bắt chước ông, dùng nhiều sơ đồ đường cong và những câu văn hay điểm thêm những thống kê. Polgar xúc động đến mức quyết định dùng tôi ngay và phân công tôi chịu trách nhiệm về việc tổng hợp tin.
Trong 18 tháng sau khi ngừng bắn, chính tôi đã viết tất cả những bản báo cáo công tác của Polgar (hai bản ông ta viết lấy đều bị bộ tổng tham mưu CIA vứt bỏ) và hầu hết những bàn thông báo riêng của ông gửi Hoa Thịnh Đốn. Người ta cũng giao cho tôi chịu trách nhiệm về một trong những hoạt động tình báo khó khăn của CIA ở Bắc Việt Nam. Và tôi có toàn quyền hỏi cung tù binh, những kẻ đảo ngũ, những nhân viên tình báo để góp phần vào việc tìm hiểu thấu đáo hơn ý đồ của Bắc Việt Nam. Tôi là người phát ngôn, cái bóng và cái chắn gió cho Polgar, là một trong ba, bốn cộng tác viên mà Polgar có quan hệ mật thiết nhất. Một số đồng nghiệp tưởng tôi trở thành con nuôi của ông ta.
Ê kíp nhỏ những người phân tích tin, trong đó có tôi dần dần thay đổi, và công việc của tôi cũng khác đi, có tầm quan trọng hơn. Một số bạn đồng nghiệp năng suất kém được trả về Hoa Kỳ và Polgar bắt đầu lựa chọn, tuyển những người thay, theo đúng sự đòi hỏi của nghề nghiệp. Người được bổ nhiệm đầu tiên là bà Pat Johnson, một phụ nữ tóc hung, vợ một quan chức cao cấp trong chi nhánh. Không phải là người biết phân tích, cũng không phải là chuyên gia về Việt Nam, Pat có một nghề chuyên môn làm cho Polgar phải chú trọng. Là nhân viên CIA 20 năm nay, bà ta biết mọi cái về cóng tác phản gián. Đối với Polgar, đó là một mưu sĩ.
Thoạt tiên, Pat và tôi không hiểu nhau. Theo tôi, bà ta quá bảo thủ. Còn bà, xoi mói công việc của tôi hơi nhiều. Tuy vậy, bà có một đức tính giúp ích rất nhiều cho cả hai chúng tôi: lòng chính trực không lay chuyển. Những lời trách mắng, phê phán của bà làm tôi luôn nhớ đâu là sự thật và tính ngay thắng, trong khi đó, càng ngày tôi càng bị thu hút vào luồng gió cuốn của đại sứ Martin.
SỐNG NHỜ VIỆN TRỢ
Lúc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu đình chỉ ném bom Campuchia, giữa mùa hè 1973, thì Thiệu không hiểu nổi cái gì đã và sẽ xảy ra.
Mấy ngày sau phi vụ B.52 cuối cùng, một vị khách đến an ủi Thiệu, đó là Sir Robert Thompson, một chuyên gia kỳ cựu chống cách mạng của nước Anh, đước Nhà Trắng cử đến Sài Gòn. Không úp mở, ông khẳng định với Thiệu rằng Nixon sẽ tìm cách thay đổi quyết định của Quốc hội về việc đình chỉ ném bom.
Tin tưởng, một lần nữa, Thiệu quyết định, tỏ rõ cho người Mỹ biết ông là người xứng đáng được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Mùa Hè sắp đến. Thiệu cho mở nhiều cuộc hành quân rộng rãi để đuổi những đơn vị Bắc Việt Nam ra khỏi căn cứ của họ ở vùng đồng bằng và dọc biên giới Campuchia, phía Bắc Sài Gòn.
Nhưng mục đích chính của cuộc hành quân ấy là xóa bỏ những mối nghi ngờ mà người Mỹ có thể có đối với khả năng của ông ta.
Trước sự lấn chiếm vùng giải phóng một cách trái phép của quân đội Sài Gòn, vi phạm những qui định của hiệp định Paris về Việt Nam, Hà Nội quyết định mở những cuộc tiến công một cách khôn khéo. Trong mấy tháng sau, quân Bắc Việt Nam không đánh quân Nam Việt Nam mà nhằm tiến vào những vùng yếu nhất, có nhiều quyền lợi tài chính. Đánh chớp nhoáng, đánh chiến thuật để làm yếu nền kinh tế và gây hoang mang trong những người định bỏ vốn ra kinh doanh. Ngày 6 tháng 11, sau quyết định trên ít lâu, khoảng một sư đoàn quân đội Bắc Việt Nam mở cuộc hành quân chiến thuật đầu tiên, tiêu diệt ba vị trí tiền tiêu ở phía Tây Bắc Sài Gòn. Nixon có cho máy bay B.52 ném bom không? Lệnh cấm ném bom có được duy trì không? Hai mươi bốn giờ sau ai cũng biết.
Có sự trùng hợp là lúc ấy quốc hội Mỹ đang tranh luận gay gắt về việc hạn chế quyền của tổng thống sử dụng lực lượng quân sự. Ngày 7 tháng 11, hạ nghị viện cũng như thượng nghị viện đều bác bỏ phủ quyết của tổng thống và thông qua luật đặc biệt nói rõ những hạn chế. Luật về quyền trong thời chiến nói rõ rằng: không được quốc hội chuẩn y thì tổng thống không được cho lực lượng Hoa Kỳ tham chiến quá 60 ngày. Người Bắc Việt Nam biết rất rõ quyết định này và chính sách bất lực của Nixon.
Trong khi đó, các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi chặt chẽ những người chịu trách nhiệm chính trị của Hà Nội. Trong một hay hai tuần sau khi họ mở cuộc tiến công chiến thuật, chúng tôi nhận được hàng lô báo cáo của nhân viên. Những người này đều nói rằng quân đội Bắc Việt Nam ở miền Nam không thể nhận được đủ vũ khí đạn dược trong sáu tháng tới để có thể mở một cuộc tổng tiến công trên khắp nước.
Tuy chỉ là thắng lợi vừa phải, nhưng cuộc tiến công chiến thuật đã nhằm đúng gót chân Achille của Sài Gòn, đó là nền kinh tế. Trong những tháng sau ngừng bắn, trên thị trường Nam Việt Nam, giá cả tăng 65%, số người thất nghiệp tăng lên vùn vụt, sau khi người lính Mỹ cuối cùng ra đi. Viện trợ kinh tế của Hoa Thịnh Đốn giảm nhiều do lạm phát trên thế giới. Điều bi đát sắp tới nữa là do chiến tranh ở Trung Đông, do cấm vận dầu lửa nên giá vàng đen của các nước A rập tăng gấp bốn lần. Điều làm phức tạp thêm vấn đề là viện trợ quân sự của Mỹ cho Sài Gòn giảm đi. Cuối tháng 12, tướng Murray, tùy viên quân sự ở Sài Gòn, được Lầu Năm Góc báo là quốc hội đã hạ số tiền viện trợ mới đây cho chính phủ Sài Gòn xuống còn khoảng một tỷ đôla, nghĩa là ít hơn nhiều với số tiền xin.
Thất vọng, Murray đề nghị Martin cho phép cho người Nam Việt Nam biết việc giảm bớt viện trợ để cho họ tiết kiệm hơn, Martin phản đối, ông sợ rằng lời thú nhận ấy sẽ làm nản lòng Thiệu và các tướng lĩnh của hắn và giảm sút quyền lực chính trị của ông đối với bọn họ.
Trong khi Sài Gòn ngày càng lún sâu vào Cuộc khủng hoảng tài chính thì Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao lại lo những vấn đề rất chung. Tháng 9, giữa làn sóng ngầm Watergate, Kissinger thắng William Rogers và làm bộ trưởng ngoại giao. Tháng sau, chiến tranh ở Trung Đông tái diễn, Kissinger bận túi bụi trong một cuộc khủng hoảng lớn. Mặc dầu ông làm cho hai bên đi đến chỗ ngừng bắn nhưng còn phải dàn xếp, mở những cuộc thương lượng tiếp theo để tránh một cuộc cấm vận dầu lừa A rập. Trong hoàn cảnh ấy, vấn đề Việt Nam có vẻ chỉ là một cốc bia nhạt.
Nhưng về phía mình, Graham Martin không để yên, ông liên tiếp gọi dây nói cho Hoa Thịnh Đốn. Ông kêu cứu, đòi phải giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ở Sài Gòn. Đặc biệt, ông nêu ý kiến Hoa Kỳ nhờ nước Pháp giúp đỡ, có thể đi đến ngừng bắn ở Campuchia bằng cách khôi phục lại cựu hoàng đế Norodom Sihanouk đang tị nạn ở Bắc Kinh sẽ bắt buộc phải giúp đỡ Campuchia, nhờ đó, ngân sách Mỹ dành cho nước này sẽ được chuyển sang Nam Việt Nam.
Kissinger không đồng ý. Ông ta ghét Sihanouk, sợ rằng nếu giảm viện trợ cho người cai trị Campuchia lúc này là LonNol thì sẽ bị thế giới hiểu lầm đó là một dấu hiệu yếu đuối của Mỹ.
Martin đề nghị mở những cuộc thương lượng mới với Bắc Việt Nam để chấm dứt những cuộc đụng độ ngay trong việc ngừng bắn, Kissinger tán thành ý kiến đơn giản này . Ngày 20 tháng 12. ông bay đi Paris, có Martin đi theo để mở những cuộc đàm phán bị mật với đối thủ cũ, ông Lê Đức Thọ. Kissinger bỏ ra hai ngày đêm trình bày với ông Lê Đức Thọ rằng tình hình hiện nay đang bế tắc, hai bên phải tìm một thỏa hiệp thì có lợi hơn, không những phải định rõ những vùng do mỗi bên kiểm soát ở miền Nam, mà còn phải thành lập ủy ban bầu cử ba bên như hiệp định Paris qui định.
Ông Lê Đức Thọ lắng nghe, nhưng từ chối không cam kết điều gì vì việc đó vượt quyền ông.
Sự vững vàng của ông Lê Đức Thọ không làm nguội lạnh sự phấn khởi của Martin. Đại sứ cho rằng một hiệp định kiểu như thế rất cần thiết để cứu vãn sự sống còn của chế độ Sài Gòn đã bị Mỹ giảm viện trợ. Do đó, trong những tuần và tháng sau đó, ông cố thuyết phục Nam Việt Nam nhượng bộ trên cơ sở những đề nghị của Kissinger với Bộ Chính trị Hà Nội. Đồng thời, được Nhà Trắng cho phép và nhờ những người Ba Lan làm trung gian, ông nói với người Bắc Việt Nam nghiên cứu lại những đề nghị trên. Ông cũng đến thăm đều đặn các phái đoàn Ba Lan và Hunggari trong ủy ban quốc tế hy vọng sẽ ủng hộ những dự kiến của ông. Do mối quan hệ hữu nghị giữa Polgar và người Hunggari, nên Polgar được giao nhiệm vụ trao công hàm đại sứ. Tình hình ở miền Nam Việt Nam vẫn đứng tại chỗ, giải pháp duy nhất tốt là cộng sản ngừng gây sức ép.
Suốt mùa Đông, Martin cũng nói về việc uy hiếp quân sự để giành cảm tình của quốc hội. Luôn luôn, ông nhắc nhở Hoa Thịnh Đốn rằng Hà Nội có ý định xâm chiếm. Ông khuyến khích Murray và Polgar nhấn mạnh những điều kể trên trong báo cáo của họ, việc này không dễ, vì những tin tức gần nhất cho biết rất rõ là chiến dịch những trận đánh chiến thuật chỉ có tính chất hạn chế. Những con diều hâu ở bộ phận tình báo phái bộ quân sự bỏ qua tin tức này và viết theo điều mong mỏi của Martin. Mới đầu, Polgar có vẻ cũng định làm như thế. Nhưng sau đó, theo những lời khuyên trong những cuộc gặp mặt với Ủy ban quốc tế kiểm soát, Polgar đã thôi. Ủy ban đã gây cho Polgar niềm tin rằng không có một cuộc tiến công lớn nào trong năm 1974. Những bản báo cáo của CIA đều được thảo ra theo tinh thần đó.
Nhưng những nhận định như vậy của CIA trái lại với mục tiêu của Martin. Để ngăn ngừa Polgar và chúng tôi có quan hệ với giới báo chí Mỹ, ông quyết định chỉ để người con đỡ đầu của ông là Al Francis, làm người phát ngôn duy nhất với các nhà báo. Francis làm việc này có hiệu quả. Anh đã làm cho nhiều nhà báo tin rằng quân đội Bắc Việt Nam sớm muộn sẽ mở một cuộc tiến công lớn. Al Francis cũng tìm cách bịt hết tin về sự ôn hòa của những người cộng sản, hay sự hiếu chiến của quân đội Nam Việt Nam, không cho lọt ra ngoài.
Mặc dù vậy, những sự thật khác với "sự thật" của đại sứ thỉnh thoảng vẫn được đăng trên báo chí Mỹ. Đầu tháng 1, có một loạt bài lấy nguồn tin không phải của sứ quán, phản đối những nhận định của Martin về nền an ninh và nhu cầu vũ khí của quân đội Nam Việt Nam. Martin ra lệnh mở ngay cuộc điều tra để tìm thủ phạm. Đại tá Al Weidhas, một sĩ quan tình báo của Murray được giao làm nhiệm vụ này.
Là người nhận định phân tích chiến lược chủ yếu ở chi nhánh Sài Gòn, tôi là một mục tiêu lý tưởng của Weidhas và ê kíp của anh ta. Nhưng thật là mỉa mai, nhờ giới báo chí tôi mới biết việc này. Trong một cuộc điều tra Weldhas gọi George Mc. Arthur, phóng viên báo Los Angeles Times đến và hỏi ngay có phải tôi đã đưa ra ngoài nguồn tin mới ấy không, Mc. Arthur trả lời không phải. Đúng như vậy. Rồi anh gọi dây nói đến văn phòng đại sứ, phản đối. Bạn tôi là Ken Moorefield, người giúp việc Martin, nghe dây nói và báo ngay cho tôi biết, không nói gì với ai. Khi biết Moorefield làm việc này, Martin tức giận đến điên người. Ít lâu sau, ông cử Moorefield làm một công việc mới và từ đó anh này không còn được Martin tin cẩn nữa.
Cuối cùng, sau những ngày dò la khắp nơi, Weldhas đã tìm ra thủ phạm, đó là Dick Peters, một cộng tác viên gần gũi của Martin, được đại sứ rất tin cậy. Peters có thói xấu là nói quá nhiều khi đánh golf với Mc. Arthur.
Weidhas cho một nhân viên đem theo một máy thu thanh cực mạnh theo dõi Peters. Tất cả lời nói của Peters đều được thu lại, kể cả những lời nói đùa, nói tục, chuyển về cho Martin. Mấy tuần sau, Peters phải đổi đến lãnh sự quán Biên Hòa, xa những nơi ra quyết định.
Không những ngăn ngừa không cho tin tức lộ khỏi nguồn, Martin còn trách cứ giới báo chí nữa. Đầu tháng 2, báo New York Times đăng một bài lên án Hoa Kỳ vi phạm tinh thần hiệp định, vì đã viện trợ kỹ thuật quá nhiều cho Sài Gòn, Martin gọi điện về Hoa Thịnh Đốn vu cáo nhà báo viết bài ấy là người phát ngôn của Hà Nội. Trước đó, ông đã cấm sứ quán tiếp xúc với các báo Times và Washington Post.
Martin còn gây sự với nhiều nghị sĩ quốc hội có thế lực. Một trong những vị đó là thượng nghị sĩ Edward Kennedy, người công khai phản đối việc viện trợ bổ sung cho Sài Gòn. Tháng 2, lúc Kennedy chất vấn bộ ngoại giao rằng tăng thêm viện trợ có nghĩa là có sự cam kết mới với Thiệu phải không, thì Martin nói với các đồng nghiệp ở Hoa Thịnh Đốn: sẽ là điên rồ mới trả lời đúng và hợp lý cho viên thượng nghị sĩ ấy.
Cuộc va chạm đáng nhớ nhất giữa đại sứ với phe đối lập không phải là với một nghị sĩ, một nhà báo mà với một linh mục, cha William Webber ở nhà dòng thần học New York. Ông đến Sài Gòn hồi tháng 2, với một nhóm người, phần lớn là chống Thiệu. Webber tránh không đến sứ quán trong một tuần rưỡi ở Sài Gòn. Nhưng trước khi về nước, ông đã đến nói chuyện với Martin. Trong cuộc thảo luận mà Martin cho thu thanh, đại sứ đề nghị Webber tiếp xúc với những bạn ông ở phía cộng sản và can thiệp để chấm dứt đổ máu. Đại sứ cho Webber biết số máy của Đoàn đại biểu Chính phú Cách mạng lâm thời trong ủy ban kiểm soát quân sự ở Tân Sơn Nhất. Webber vốn đã không tin Martin, lại thấy đại sứ có thể nghĩ rằng ông có một ảnh hưởng nào đối với những người cộng sản nên ông cho đó là một sự láo xược và từ chối không gọi dây nói. Hôm sau, ông giải thích với đại sứ: số dây nói ấy không đúng.
Mấy tuần sau, khoảng một trăm trẻ con bị giết chết trong một trận máy bay Mỹ ném bom xuống một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Martin gửi cho Webber, lúc bấy giờ đã về Mỹ, những bức ảnh chụp một số em cụt chân, cụt tay kèm theo một thư viết: "Không ai có thể nói chắc rằng nếu ông can thiệp thì những trẻ em này sẽ được cứu sống. Nhưng ông sẽ phải sống quãng đời còn lại với sự hối hận ám ảnh. Những trẻ em này, đáng lẽ còn sống, không bị cụt chân, cụt tay nếu ông không quyết định là không gọi dây nói!".
Đầu tháng 2, tướng Murray đã hiểu rằng những trò bi kịch ấy không có giá trị làm thay đổi ý kiến của quốc hội. Mặc dù có sự phản đối của đại sứ, ông quyết định báo gấp cho người Nam Việt Nam biết cần phải thắt lưng lại.
Các tướng lĩnh Sài Gòn biết rõ rằng nhu cầu của họ về dụng cụ chiến tranh chưa cấp bách như Murray tưởng. Nhưng đáng lẽ nói thật hay đẩy lùi tham nhũng đang hoành hành, gặm dần dự trữ, họ quyết định nghe theo lời tướng Murray và ra lệnh cho bộ binh thực hiện trước.
Trong những tháng sau, họ ra lệnh càng phải hạn chế hơn việc sử dụng súng ống, đạn dược. Những quyết định ấy làm tê liệt gần như toàn bộ quân đội. Cả bốn quân khu đều hạn chế như nhau, không còn kể đến sự khác nhau và không còn kể đến tầm quan trọng của những cuộc đụng độ đang xảy ra. Những cuộc ném bom và bắn phá tiêu hao phải chọn những mục tiêu cụ thể rõ ràng. Gần một phần năm lực lượng không quân Nam Việt Nam phải nằm dí ở dưới đất.
Trong khi đó, Thiệu thấy rõ Martin ngày càng có xu hướng thương lượng nên quyết định lúc này cần củng cố địa vi chính trị của mình. Giữa tháng 2, ngay lúc phải thực hiện việc hạn chế súng ống, đạn dược, lương thực, Thiệu ra lệnh cho bộ chỉ huy tối cao của ông ta mở một cuộc hành quân mới, tốn kém, để giành lại đất và mở rộng thêm quyền hành của chính phủ ở phía Nam miền Nam.
Mấy tuần sau, Thiệu lại tìm ra một cớ mới để nâng cao quyền lực.Vị trí tiền tiêu nhỏ, Tống Lê Chân, ở phía Bắc Sài Gòn, bị quân dội Bắc Việt Nam bao vây hơn một năm nay, Thiệu cố giữ vì kiêu ngạo chứ không phải thực sự vì tính tiêu biểu của vị trí đó. Nay Thiệu cho rằng để vị trí ấy ra vào tay cộng sản thì sẽ rất có ích. Hắn hy vọng sẽ khơi được mối lo ngại, kéo được tình cảm của Hoa Kỳ và nhiều nước khác, đồng thời có thể nhân đó hợp lý hóa cuộc phản công mà hắn định tiến hành chống Chính phủ Cách mạng lâm thời. Và cũng có thể, hắn kêu gọi được quốc hội Mỹ ủng hộ hắn. Hai trăm quân đang giữ vị trí được báo tin bằng radio. Ngày 11 tháng 4, chúng bỏ chạy tán loạn với 62 tên bị thương.
Hôm sau, chính quyền Sài Gòn nói ầm lên rằng vị trí Tống Lê Chân bị một biển quân đội Bắc Việt Nam tràn ngập và vị trí đã bị san bằng. Rồi Thiệu, theo đúng những lời của bộ ngoại giao Mỹ, phản ứng về chính trị. Từ lâu, ông ta từ chối không họp tay đôi với Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Paris, nay bãi bỏ luôn những quyền lợi dành cho đại biểu của họ ở sân bay Tân Sơn Nhất đã được hiệp định bảo đảm. Cắt dây nói, bỏ những cuộc họp báo, bỏ những chuyến bay hàng tuần đi Lộc Ninh, ở phía Bắc Sài Gòn, nơi đóng trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Nhờ những báo cáo của các cơ quan tình báo, sứ quán biết ngay trò hề này từ lâu. Nhưng Martin cũng như Thiệu, một đồng một cốt, hy vọng có thể làm quốc hội Mỹ xúc động. Ông cũng bóp méo sự thật trong tất cả các báo cáo, trừ bản gửi về Hoa Thịnh Đốn. Thành công của Thiệu vượt quá điều mong muốn của ông ta. Để phản đối, Chính phủ cách mạng lâm thời không tham gia ủy ban quân sự hỗn hợp Sài Gòn nữa và được sự đồng ý của Hà Nội, thôi không dự cuộc đàm phán về số phận những binh lính Mỹ mất tích. Họ tẩy chay cuộc thảo luận này cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Đầu tháng 3, cân nhắc mọi nhân tố rồi, các nhà quân sự Hà Nội thống nhất quyết định mở những cuộc tiến công chiến lược. Lực lượng cộng sản không những tiếp tục phá hoại các cơ sở kinh tế miền Nam (đường sá, kho tàng, căn cứ không quân) mà còn đánh chiếm lại đất bị mất từ ngày ngừng bắn.
Ít lâu sau, trong khi Thiệu chuẩn bị bỏ vị trí Tống Lê Chân, thì quân đội Bắc Việt Nam bắt đầu thực hiện ý đồ của họ. Một sư đoàn tiến công những vùng biên giới phía Tây và Tây Bắc Sài Gòn, trong khi đó, những đơn vị khác hành quân làm cho sư đoàn 18 của Thiệu phải đóng nguyên tại chỗ, ở phía Đông Sài Gòn. Một sư đoàn khác hành quân sâu vào nội địa khu tam giác sắt, một vùng rừng rậm ở phía Bắc Sài Gòn để bẻ gãy những cuộc tảo thanh của quân đội miền Nam. Một lần nữa, chiến tranh lại diễn ra.
Những cuộc đụng độ càng mở rộng thì tướng Murray càng tỏ ra chán nản. Ông không còn tin ở sự sống còn của chế độ Sài Gòn nữa. Ông chắc chắn rằng giảm viện trợ nữa về tài chính, về dụng cụ chiến tranh thì sẽ là đòn quyết định đối với Nam Việt Nam. Do đó, đầu tháng 6, khi Lầu Năm Góc cho ông biết rằng năm sau, quốc hội sẽ giảm ngân sách viện trợ cho Nam Việt Nam, ông phản ứng lại như người đã nhìn thấy sự đổ vỡ. Trong một điện gửi đầu Năm Góc, ông giải thích là: nếu số tiền viện trợ giảm xuống dưới một tỷ đôla, thí dụ như chỉ còn 700 triệu, thì Nam Việt Nam chỉ còn đủ khả năng bảo vệ một phần lãnh thổ thôi, nếu giảm xuống nữa thì có nghĩa là xóa tên nước Việt Nam Cộng hòa và cho nó vào sổ lãi, lỗ. Giải pháp duy nhất đối với chính phủ Nam Việt Nam chỉ còn là bám lấy Sài Gòn và vùng đồng bằng".
Dự đoán lạ lùng! Thật vậy, không có ai trong giới lân cận Murray hay ở Hoa Thịnh Đốn có thể biết rõ dự trữ chiến lược của Nam Việt Nam. Nhưng Murray kiên trì khẳng định rằng không có viện trợ quân sự, ít nhất là một tỷ đôla thì Nam Việt Nam chỉ còn là một cái bóng của họ.
Tháng 6 và tháng 7, Murray và nhiều sĩ quan tham mưu của tổng chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Gayler, tổ chức ở Honolulu một hội nghị vạch rõ luận điểm này bằng những bản đồ và sơ đồ. Martin rất thích thú được biết sự việc này. Tuy ông không quá bi quan như Murray, nhưng ông hy vọng đánh đu với tình hình, làm cho quốc hội có thể tăng thêm viện trợ cho Sài Gòn.
Dựa vào những tin tức Murray gửi đến, những sĩ quan chịu trách nhiệm ở Sài Gòn cũng tổ chức một cuộc nghiên cứu tương tự và cũng đi đến nhận định là phải bỏ đất đai nếu quốc hội Mỹ cắt viện trợ nữa. Thiệu không tin vào chuyện ấy. Nhưng, cũng như Martin, ông cho rằng đó cũng là một cách để làm cho quốc hội hiểu sự cần thiết phải tăng viện trợ tài chính cho Nam Việt Nam nếu không sẽ mất đất. Thiệu bảo tướng Viên đưa cho ông ta bản báo cáo của hội nghị Honolulu và đưa ra trình bày mỗi khi có một nghị sĩ quốc hội Mỹ nào đến Sài Gòn. ông ta buồn rầu nói với họ: Nếu quốc hội không sáng suốt thì đến như thế đấy!
Sự lố lăng của Thiệu làm một số cộng tác viên của ông ta khó chịu. Họ có cảm tưởng là Thiệu không biết rõ tương lai gì chờ ông ta, không hiểu rằng ông ta sẽ phải bỏ nhiều vùng đất đai quan trọng nữa. Họ có lý, theo một ý nghĩa nào đó, nhất là về điểm Thiệu bất lực không hiểu được sự trầm trọng của tình hình. Lo lắng về việc giảm viện trợ mới nhất, Thiệu không thấy rằng sợi dây ràng buộc của Mỹ đã mong manh. Nhưng việc đó không hoàn toàn do lỗi của ông ta. Để cho Thiệu giữ được bình tĩnh và can đảm, nhấn viên sứ quán tiếp tục gặp Thiệu và nói với ông ta rằng vẫn còn có thể gây ảnh hưởng với quốc hội, và Nixon sẽ giải quyết được những việc bối rối về chính trị. Đầu tháng 6, trong một tiệc rượu, Polgar tuyên bố với một nhóm quan chức chính phủ Nam Việt Nam: cái bí nhất trong vụ Watergate đã qua!
Thường vào mùa Hè, Martin Ở Hoa Thịnh Đốn để cầu cứu viện trợ. Để bảo vệ quan điểm của mình, ông nhấn mạnh sự viện trợ của các nước trong phe cộng sản cho Hà Nội, khẳng định rằng nó lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ cho Sài Gòn. Để làm cho người ta hiểu một cách chắc chắn, ông phân phát cho các đại biểu quốc hội một bị vong lục do tôi thảo một mình theo ý ông. Bản tài liệu này căn cứ vào những tin tức tôi nhận được từ Bắc Việt Nam.
Trong khi Martin vật lộn ở phủ tổng thống thì Polgar và nhiều đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao cố thuyết phục các phái đoàn Ba Lan và Hunggari trong ủy ban kiểm soát ở Sài Gòn rằng chia lãnh thổ là có lợi cho mọi người. Về phần tôi, tôi nhận được lệnh là trình bày tình hình cho phái đoàn Hunggari, để qua họ, có thể cho Hà Nội biết rõ chúng tôi nắm được ý đồ của Bắc Việt Nam, Bắc Việt Nam phải ngừng ngay những cuộc hành quân.
Bản báo cáo ấy hết sức thật và nói thẳng. Tôi nhấn mạnh điểm chúng tôi đã biết được những quyết định gần đây nhất của Bắc Việt Nam và làm cho các thính giả ngạc nhiên bằng cách nêu rõ lực lượng của đôi bên đang giáp mặt nhau. Đó là loại tin mà Bắc Việt Nam có thể trả giá đắt để có. Như Martin mong muốn, thông điệp của chúng tôi gửi ủy ban quốc tế giám sát không phải là không được xem xét đến. Cuối tháng 7, đại diện Ba Lan và Hunggari báo cho chính phủ họ biết quân đội Nam Việt Nam đang thực hiện chiến dịch cắm cờ lấn đất để giành ưu thế. Người Bắc Việt Nam thì tích cực đối phó với những cuộc càn quét của quân Nam Việt Nam và chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu ác liệt trong những phút cuối cùng.
Martin không gặp may trước quốc hội. Cuối tháng 7, thượng nghị viện và hạ nghị viện thông qua luật qui định một tỷ đôla là mức tối đa về mọi chi phí quân sự ở Việt Nam trong 11 tháng tới. Ngày 5 tháng 8, Nixon ký luật này. Đó là một việc làm chính thức cuối cùng của tổng thống. Bốn ngày sau, ông xin từ chức. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về viện trợ cho Việt Nam chưa chấm dứt. Chỉ một hay hai ngày sau khi Nixon ra đi, hạ nghị viện lại quyết định giảm số tiền viện trợ xuống chỉ còn 700 triệu đôla.
Giữa sự rối ren về ngân sách ấy, tổng thông mới của Hoa Kỳ Gerald Ford, gửi cho Thiệu một thư riêng, cam kết với hắn sự ủng hộ của Mỹ, và tỏ lòng tin tưởng vào chính sách Việt Nam của Kissinger. Thiệu phản ứng đúng như Martin mong muốn. Ông ta coi bức thư đó là một dấu hiệu chứng tỏ chính quyền mới ủng hộ mình. Tướng Murray coi bức thư ấy là một trò hề bi thám. Sau này, ông ta nói: một bức thư ngớ ngẩn phán đoán tương lai. Lại còn nêu tên Kissinger lên, một tác giả đạo đức của nền ngoại giao!
Là người ngay thẳng và dễ xúc động, tướng Murray nhanh chóng đi đến chỗ bi quan. Giữa tháng 8, ông trở nên cay đắng và không còn ảo tưởng gì nữa như ông thường nói. Sau đó thấy mình không có tên trong danh sách những người được đề bạt, ông quyết định rút lui khỏi quân đội. Biết rằng mình cũng chẳng mất gì, ông nói với Lầu Năm Góc rõ ý nghĩ của ông đối với việc giảm viện trợ và những biện pháp tiết kiệm. Trong một buổi trả lời phỏng vấn các nhà báo, cũng không được phép, ông khẳng định rằng Việt Nam buộc phải thay đạn dược bằng "tính mạng, xương và máu" và ông gọi những người chịu trách nhiệm về ngân sách là những con "rệp ngân khố.
Những lời tuyên bố của Murray làm Martin lúc bấy giờ ở Hoa Thịnh Đốn tức giận. Giám đốc cơ quan liên lạc Lầu Năm Góc điện cho Murray biết sự thật thà của ông không có lợi. Ông không hề bối rối. Sau khi tuyên bố với giới báo chí, ông quyết định nói với người biệt Nam. Ngày 16 tháng 8, trong buổi họp cuối cùng với bộ chỉ huy tối cao của Nam Việt Nam, Murray và một số sĩ quan Mỹ khác đề nghị họ bỏ một số đất đai và thực hiện chiến thuật củng cố để tiết kiệm dự trữ. Tướng Cao Văn Viên và những viên phó tướng của hắn trả lời rằng ý kiến ấy tốt về mặt quân sự, nhưng về mặt chính trị, không thể thực hiện được.
Trên đường trở về Mỹ, Murray dừng lại ở Honolulu và hội kiến ngắn với đô đốc Gayler. ông không giấu giếm sự thất vọng. Khi Gayler hỏi ông Mỹ nên thay đổi chính sách ở Việt Nam như thế nào, ông trả lời không đắn đo: Trước hết đuổi đại sứ về, sau đó giảm số máy bay của Nam Việt Nam xuống đến mức họ có thể bảo quản được và làm cho quốc hội hiểu được hậu quả của việc giảm viện trợ. Lúc ông sắp rời khỏi bộ tổng chỉ huy của Gayler, Murray nhận được dây nói của tướng Homer Smith, thay ông làm tùy viên quân sự ở Sài Gòn. Smith đang ở Honolulu để tìm hiểu về công việc mới của mình và bắt đầu thấy những chuyện kinh khủng đang chờ đợi. Ông nói với Murray: "Tôi đã nghiên cứu hai ngày, trời ơi, tôi cảm thấy như một con thỏ rừng trong ngày khai mạc mùa săn bắn".
Murray trả lời bằng một giọng bi thảm: "ông càng xa Hoa Thịnh Đốn, càng gần đến sự thật.
Những điều Murray nói với người Nam Việt Nam lúc ông ra đi đã có một ảnh hưởng sâu và tinh tế. Dù họ không quyết định bỏ đất đai, nhưng những lời căn dặn của tướng Murray, sự đánh giá về tương lai của ông làm cho họ suy nghĩ lại, nhìn tương lai như một thứ định mệnh, nhận định này sẽ giúp họ đối phó với những thử thách sẽ xảy ra: Người chỉ huy quân sự Mỹ nói rằng họ không thể sống sót được nếu viện trợ của Hoa Kỳ rút xuống dưới một tỷ đơm. Điều bi thảm đã trở thành sự thật, càng ngày họ càng thấy rõ tương lai họ mờ mịt.
Họ hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ và can thiệp của người Mỹ. Tinh thần họ trở nên mong manh cũng như sự cam kết của Mỹ. Trong khi những nhà chỉ huy quân sự Nam Việt Nam đang lo sợ về những dự đoán đen tối của tướng Murray thì chiến tranh trở nên ác liệt. Trong tháng 8, những cuộc đụng độ diễn ra khắp nơi. Những người cộng sản muốn thăm dò ý đồ của tổng thống Ford. Cuối tháng, quân đội Bắc Việt Nam tiến công chung quanh Huế, Đà Nẵng và những tỉnh phía Bắc, hơn bảy trăm nghìn người phải tản cư. Trên Tây Nguyên, lực lượng cộng sản kéo dài đường tiếp tế ra bờ biển phía Đông. Ở phía Bắc và phía Đông Sài Gòn, quân đội Bắc Việt Nam tiêu hao các sư đoàn 18 và 5 của Nam Việt Nam. Dưới phía Nam, trong vùng đồng bằng, lực lượng chính phủ bối rối trước lực lượng cộng sản đang cố gắng giành lại những vùng do quân đội Sài Gòn chiếm trái phép hồi đầu năm.
Điều đáng sợ nhất: khoảng 26.000 binh lính chính phủ bị giết trong những cuộc chiến đấu, kể từ tháng 1 năm 1973. Con số đó nêu bật sự thất bại của cuộc ngừng bắn.
Một cuộc thăm dò dư luận tiến hành cuối mùa Hè cho thấy rõ uy tín của chính phủ giảm xuống mức thấp nhất kể từ sáu năm nay. Tinh thần quân đội cũng tan rã. Thực phẩm và đạn dược ngày càng khan hiếm. Người lính Nam Việt Nam chưa bao giờ khổ vì chiến tranh như lúc này. Thêm vào những khổ ải đó là giá hầu hết những nhu yếu phẩm đều tăng gấp đôi so với lúc mới ngừng bắn, trong khi đó thì lương thực chỉ mới được tăng 25%.
Cuối tháng 8, sự lo ngại trong quân nhân và nhân dân càng tăng. Những nhóm đối lập xuống đường biểu tình, tranh thủ sự bất bình của quần chúng, có người kết tội Thiệu chỉ huy việc buôn ma túy trên khắp đất nước và giàu sụ một cách bất hợp pháp.
Những cuộc biểu tình ấy làm Martin rất lo ngại. Ông sợ Thiệu càng mất thêm uy tín trước người Mỹ. Ông thúc giục người Nam Việt Nam làm mọi biện pháp để dập tắt. Cuối tháng 10, Thiệu mới quyết định đuổi bọn nhân viên trong chính phủ, giáng chức 400 sĩ quan tình nghi tham nhũng, và thuyên chuyển ba trong bốn chỉ huy quân sự cấp quân khu.
Nhưng Thiệu đã phải trả giá cho những biện pháp ấy. Thiệu củng cố, siết chặt việc kiểm duyệt báo chí và báo cho những nhóm đối lập biết, nếu họ tiếp tục đấu tranh, họ sẽ phải chịu hậu quả. Martin cố giải thích cho các phóng viên Mỹ rõ là những biện pháp nói trên rất cần thiết để giữ vững nền an ninh trong nước. Nhưng bên trong, Martin rất khổ tâm. Ông thấy rõ là phải dùng những biện pháp quá khích này để giữ trật tự thì không lợi cho việc giao thiệp công khai của ông.
Tuy nhiên, đại sứ cũng có một nguồn an ủi, ông đã thuyết phục được Thiệu thôi không dùng Hoàng Đức Nhã, bộ trưởng thông tin trẻ của ông ta, người thường nói năng bừa bãi và không chịu nghe ai. Nhã từ chức, không còn ai đối lập với thủ tướng Khiêm. Vừa khéo léo loại trừ được kẻ thù duy nhất trong chính phủ Nam Việt Nam, Martin vừa cố gắng giấu giếm những sai lầm và nhược điểm của chế độ Sài Gòn trong những bản báo cáo của ông gửi về Hoa Thịnh Đốn và những thông báo báo chí. Sự suy sụp về tinh thần của quân đội trong mùa Thu và đầu mùa Đông, tình hình rối loạn ở nông thôn, và sự tham nhũng triền miên trong nội bộ chính phủ - những vấn đề làm cho Sài Gòn trở thành một thành phố bất an lung lay - được bỏ qua, không hề nhắc đến. Văn phòng tùy viên quân sự - mặc dù không cần thiết - cũng tham gia vào việc che đậy này. Do đó, ngay trong văn phòng của Polgar cũng diễn ra những hoạt động rối ren, lúng túng.
Phương pháp thường dùng của Polgar nay được áp dụng theo sở thích của giám đốc chi nhánh CIA. Chắc chắn không có tin sai, nhưng Polgar vẫn đòi kiểm tra thật kỹ chất lượng tin: một cộng tác viên của ông gọi đó là những tia sáng tạo". Người chỉ huy chi nhánh CIA ở đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị gửi một bản báo cáo về tình hình mất an ninh, tham nhũng ở khu vực anh ta, Polgar đòi đọc được khi công bố và yêu cầu những tin này phải đạt đủ chất lượng, do đó rất ít tin được phép phổ biến.
Polgar cũng bắt xóa bỏ tất cả những yêu sách của phe đối lập trong các bản báo cáo. Chẳng may, có những tin không lợi cho chế độ Thiệu được gửi đi mà Polgar không phát hiện kịp thời thì ông lập tức gửi điện đính chính cho các "khách hàng" ở Hoa Thịnh Đốn.
Đầu chiến dịch chống tham nhũng, tháng 8, một nhân viên lão luyện, thu lượm được nhiều tin của CIA, đến nói chuyện với nhiều chính trị gia có tầm cỡ ở Nam Việt Nam. Họ ủng hộ Thiệu từ lâu, nhưng nay nghi ngờ chính sách của ông ta. Một người trong họ, một nhà ngoại giao trước đây, kể lại câu chuyện tham nhũng kinh khủng trong quân đội và nói: Binh lính không thể nuôi được gia đình, không còn ý chí chiến đấu, họ mất tinh thần vì sĩ quan cấp trên họ bóc lột họ một cách đáng xấu hổ... Nếu Thiệu tiếp tục cầm quyền, dựa vào những người tham nhũng và bất lực thì rất khó cho Nam Việt Nam chiến đấu chống những người cộng sản dù về mặt quân sự hay chính trị cũng vậy.
Đó là một ý kiến quan trọng, nhất là của một cựu nhân viên chính phủ. Không tôn trọng những cái gọi là tiêu chuẩn chất lượng tin của Polgar, người thu được ý kiến này gửi thẳng báo cáo về Hoa Thịnh Đốn, làm mọi người sửng sốt.
Sự phản ứng của Polgar hơi khác một ít. Khi ông biết mình không được đọc báo cáo mà Hoa Kỳ đã nhận được rồi, lập tức ông gửi một điện phản đối tới CIA. ông viết: "Tôi cho rằng điều đó không có gì lạ. Tôi không nghĩ rằng quan niệm của bản báo cáo có thể có một ảnh hưởng gì trong tương lai trước mắt, đối với sự phát triển của những sự việc ở đây .
Nhưng Polgar không chỉ gửi bức diện riêng ấy cho CIA. Ông muốn phổ biến rộng rãi trong các giới chính thức ở Hoa Thịnh Đốn. Do đó, tự ông làm một bản báo cáo chống lại. Ông viết: "Không có một chứng cớ đúng đắn nào chứng tỏ tinh thần chiến đấu cửa quân đội Nam Việt Nam sa sút. Trái với điều báo chí bi quan đăng, những nhiệm vụ chính của chính phủ tiếp tục được thực hiện. Cảnh sát quốc gia duy trì đầy đủ trật tự công cộng, không có bãi công, thư từ chạy đều, đó không phải là tình hình của một số nước phát triển hơn.
Cũng rất rõ ràng là phần lớn nhân dân tiếp tục sống bình thường và trong cái xã hội độc ác này, họ biết xoay sở. Mỗi ngày, họ cũng tỏ ra chịu đựng, dễ bảo và tháo vát. Số dân tăng 3% mỗi năm, điều đó chứng tỏ sức sống và sự tin tường vào tương lai của họ. Ở Việt Nam, không phải chỉ có những kẻ nghèo, kẻ dốt mới sinh đẻ".
Sự phân tích về mặt chính trị của Polgar thật quá mức và buồn cười đến nỗi bộ chỉ huy CIA, thượng cấp của ông ta, từ chối không gửi bản báo cáo của ông đến những vị khách hàng cao cấp như Kissinger và tổng thống Nixon và nhiều người khác. Đó là lần thứ nhất trong nghề nghiệp của tôi, tôi thấy người ta không đếm xỉa gì đến việc nghiên cứu tại chỗ những tin tức.
Nhưng cả Polgar lẫn Martin đều không nản lòng. Họ cho in bản báo cáo, thảo một điện gửi bộ ngoại giao và phân phát cho các đại biểu quốc hội và các nhà báo không may gặp họ trên đường. Trong khi Martin và Polgar cố bưng bít tội lỗi của chế độ Sài Gòn thì người Bắc Việt Nam ra sức khai thác... Họ cho rằng việc giảm viện trợ của Mỹ là sự bất tín nhiệm của Mỹ đối với Thiệu và một lời thú nhận về sự bất lực của lực lượng quân sự Sài Gòn. Họ còn lợi dụng cả việc từ chức của Nixon. Họ nhận định là dù Ford có muốn hòa hoãn hơn thì sự lộn xộn ở Hoa Thinh Đốn cũng lợi cho họ và phải làm cho người Nam Việt Nam mất tinh thần hơn nữa.
...Tháng Chín, chiến dịch chống tham nhũng ở Nam Việt Nam phát triển. Người Bắc Việt Nam chắc chắn ràng đó là dấu hiệu chế độ Thiệu lung lay tận gốc. Cần phải làm cho quan hệ giữa Sài Gòn và đồng minh Mỹ, rạn nứt thêm. Tháng Mười, Bắc Việt Nam quyết định chưa đánh những mục tiêu cụ thể mà giải phóng vùng nông thôn, chiếm hai phần ba thu hoạch mùa màng ở đồng bằng sông Cửu Long, bao vây Sài Gòn. Mục tiêu của họ là tạo nên một sự rối loạn lớn không những ở miền Nam Việt Nam mà cả sự bất hòa giữa Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn và lật đổ Thiệu. Chắc chắn những người nối tiếp ông ta sẽ buộc phải nhận điều kiện một cuộc ngưng bắn mới.
Dựa vào những tài liệu thu lượm được, tôi làm một bản báo cáo giải thích gửi về cho các giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng tôi mâu thuẫn ngay với Polgar. Thủ trưởng tôi, vì thuốn thuyết phục những người có thể ủng hộ việc viện trợ cho Thiệu, gán cho ý đồ của Hà Nội những điều ghê gớm, đáng sợ. Còn tôi, trái lại, tôi nhấn mạnh, mục tiêu Hà Nội là tổ chức thận trọng những trận đánh để đi đến thương lượng.
.. . Khi tôi nói rõ nhận định của tôi cho Polgar thì ông ta không nghe và nói rằng nguồn tin của tôi không nắm được ý đồ của Hà Nội. Giữa lúc ấy, bộ chỉ huy CIA ở Hoa Thịnh Đốn cho công bố bản báo cáo của tôi, coi đó là đúng đắn.
Tháng 11, có nhiều nguồn tin báo Hà Nội sắp mở nhiều cuộc tiến công, Kissinger quyết định đi một chuyến cuối cùng để tránh điều bi đát nhất... Nhưng Kissinger đòi hỏi nhiều điều vô lý nên Liên Xô không nghe Kissinger.
Đầu tháng 12 năm 1974, mọi cái đều sẵn sàng để mở rộng chiến tranh Đông Dương trên hai mặt trận: ở Nam Việt Nam và ở Campuchia.
Phần Hai: TAN RÃ
TIẾN CÔNG
Về mặt quân sự, từ lâu Việt Nam Cộng hòa là một cộng đồng nhiều địa phương mâu thuẫn nhau. Ở Sài Gòn, bộ tổng tham mưu có vẻ nắm được quyền tối cao. Nhưng Thiệu đã tạo những chỉ huy các quân khu thật sự thành những tên vua, chúa. Những quân khu ấy không giống nhau về mặt khí hậu và địa lý. Cái duy nhất gắn chúng với nhau là quốc lộ số 1, chạy dọc bờ biển, qua nhiều đoạn, nối Sài Gòn với Huế. Năm tỉnh của Quân khu I nằm ở phía Bắc đất nước, có nhiều đồi núi và khó ở. Phần lớn nhân dân ở đây sống tập trung chung quanh những thành phố chính là Huế và Đà Nẵng. "Uy quyền" của chính phủ không ở bên ngoài những vùng đồng bằng thấp ven biển. Cho đến mùa thu Thu 1974, cộng sân tôn trọng con đường ngừng bắn thực sự, dọc sông Thạch Hãn, phía Bắc Huế. Nhưng hiệp định đã bị vi phạm vì sự cướp bóc của quân Nam Việt Nam.
So với Quân khu I, Quân khu II ở giữa Nam Việt Nam là một vùng đất có nhiều miền rất khác nhau. Quân khu này bắt đầu từ những trảng cát trắng nóng bỏng ở bờ biển miền Trung, chạy qua những đồi, rồi lên đến cao nguyên ở phía Tây, giáp giới Campuchia. Thành phố Qui Nhơn đất đai chẳng khác phía Bắc miền duyên hải Nha Trang. Trung tâm chỉ huy Phan Thiết ở phía Nam. Trên cao nguyên, các thành phố Pleiku và Kontum ở phía Bắc, và Buôn Mê Thuột ở phía Nam. Trên núi có những làng nhỏ, thưa thớt. dân là người thượng, da đen.
Trong Quân khu II, chiến tranh phụ thuộc vào những cuộc hành quân. Chung quanh Qui Nhơn, quân cộng sản vừa giữ đất, vừa đánh du kích, họ kiếm soát nhiều khu vực rộng ở tỉnh lân cận. Nhưng ở phía Nam, chung quanh Nha Trang và Phan Thiết, do đường tiếp tế của Bắc Việt Nam không có nên quân du kích thường đánh lẻ tẻ và ít hiệu quả. Ở phía Tây, trên Tây Nguyên, những đơn vị Bắc Việt Nam được tiếp tế dễ dàng thường qua lại rừng núi tới chung quanh các thành phố chính, sẵn sàng nã pháo hoặc xung phong mỗi khi quân chính phủ phân tán, lơ là canh gác.
Quân khu II, vùng quanh Sài Gòn, nằm giữa cao nguyên và đồng bằng, có nhiều đồi, rừng và đồng bằng. Ở phía Bắc thủ đô, từ nhiều năm nay, phần lớn quân Bắc Việt Nam đã đóng ở trong rừng. Ở đây, từng thời kỳ một, họ đánh phá và tích trữ lương thực, đạn dược để chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn. Ơ phía Nam và phía Đông thủ đô, từ cuối những năm 60 và đầu những năm 70, quân Mỹ và quân Nam Việt Nam đã tảo thanh, đánh đuổi quân du kích cộng sản về những vùng đầm lầy.
Thị xã chiến lược quan trọng nhất của quân khu II là thị xã Tây Ninh, gần biên giới Campuchia. Từ lâu, Tây Ninh là mục tiêu tiêu hao và đánh phá của quân đội Bắc Việt Nam. Thị xã tiểu công nghiệp này gồm 40.000 dân, là chìa khóa mở những con đường tiếp viện chính của cộng sản vào Sài Gòn. Ai giữ được thị xã này, đồng thời giữ những đồng bằng phì nhiêu chung quanh, thì kiểm soát được cả những con đường đi Campuchia. Cách thị xã 30 kilômét về phía Tây Bắc, quân cộng sản đã đặt trụ sở Bộ Tư lệnh của miền Nam Việt Nam.
Phía Nam Sài Gòn, quân khu IV gồm một vùng đất đai màu mỡ nhất và đông dân nhất, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hơn một phần ba nhân dân miền Nam Việt Nam, sống ở đây thu hoạch 80% , lúa gạo. Đồng bằng là nơi thèm muốn của cả đôi bên đối thủ. Nhưng do khí hậu ẩm thấp, đất đai sình lầy nên những đơn vị quân đội có thể định đoạt được tương lai của chiến tranh, không thể đóng được. Từ lâu, quân cộng sản đã ở đây, gồm những đơn vị nhỏ - tiểu đoàn hoặc đại đội - không có pháo binh, xe bọc thép, thường chỉ đánh kỳ tập thể dành mục tiêu. Hệ thống bảo vệ của quân chính phủ dựa vào mấy thành phố lớn và những vị trí tiền tiêu xa nhau, rất khó giữ được nếu không có sự yểm trợ của máy bay lên thẳng, không quân và pháo binh cua người Mỹ. Sở chỉ huy phía Nam đóng ở Cần Thơ, sở chỉ huy phía Bắc đóng ở Mỹ Tho Trong những tháng gần đây, quân cộng sản uy hiếp ngay ở cửa ngõ hai thành phố này và từ một năm nay, đường số 4, con đường chạy từ Bắc xuống Nam vùng này, bị cắt đứt trong một thời gian dài.
Đó là tình hình Việt Nam khi những nhà chiến lược Hà Nội đề ra "mục tiêu năm 1975". Công việc chuẩn bị của họ thật ra không hẳn là một chiến dịch mà là một loạt cuộc hành quân riêng rẽ tùy theo địa thế và khí hậu từng vùng. Cuộc tiến công chưa được chuẩn bị tốt. Mười lăm ngày trước khi mở màn, vào giữa tháng 11 năm 1974, có rất ít quân tiếp viện Bắc Việt Nam trên đường mòn phía Nam Lào. Cuộc tuyển quân và lớp huấn luyện kéo dài tới cuối tháng. Đó là điều không bình thường đối với người Bắc Việt Nam. Họ thường chuẩn bị rất kỹ - bỏ ra hàng tháng - trước khi mở cuộc tiến công. Lần này, họ gây cảm tưởng nứa muốn đánh nữa không.
Thật ra, họ không thể làm khác được. Thời tiết lại xấu. Mưa, gió mùa rất quan trọng đối với những căn cứ Bắc Việt Nam ở phía Nam Lào. Việc đưa quân và vũ khí vào miền Nam rất vất vả. Đi bộ tám trăm kilômét trong bùn lầy ngập tới đầu gối.
Giữa tháng 12, đúng như ngày đã định, quân Bắc Việt Nam mở giai đoạn đầu chiến dịch Đông - Xuân. Họ đánh chiếm hai thị xã phía Đông - Bắc Sài Gòn . Ở phía Nam, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long họ chiếm nhiều vị trí tiền tiêu ven đường số 4. Mục đích những cuộc chiến đấu ấy đã rõ. Quân cộng sản định cô lập Sài Gòn bằng cách cắt mọi đường quan trọng đi vào thủ đô ở phía Bắc và phía Nam, việc mà trước kia họ thường định làm. Ở sứ quán, mọi người dễ thống nhất về mục tiêu chung của kẻ địch nhưng không đồng ý với nhau về mục tiêu phụ. Martin cho là quân cộng sản sẽ đánh Tây Ninh, Polgar và tôi ngã về phía Phước Long, phía Tây Bắc Sài Gòn.
Quân Bắc Việt Nam cũng đang đắn đo giữa hai nơi, việc này chúng tôi không biết. Chính Đại tướng Văn Tiến Dũng, người đưa quân đội Bắc Việt Nam đến thắng lợi đã kể lại chuyện này trong tập hồi ký ông viết sau chiến tranh. Đầu tháng 12, lúc giai đoạn đầu cuộc tiến công đang diễn ra, Hà Nội quyết định thay đổi chủ trương. Từ nhiều ngày, tướng Dũng và bộ tham mưu đã nghiền ngẫm kế hoạch, đến ngày thứ tư, một sự kiện xảy ra, làm họ chú ý.
Một nhân viên tình báo của họ nằm ngay trong giới lân cận gần nhất của Thiệu gởi cho họ một báo cáo tuyệt mật về nhận định của chế độ Sài Gòn. Đó là biên bản một hội nghị quan trọng diễn ra trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 ở Sài Gòn nhằm tìm hiểu ý đồ của Hà Nội. Sau hói nghị, Thiệu và các sĩ quan của ông ta thống nhất nhận định rằng, trong những tháng sắp tới, quân cộng sản sẽ mở cuộc tiến công quan trọng hơn vào năm 1974 nhưng chưa lớn bằng cuộc tiến công năm 1968 (đúng như tin do Polgar và tôi báo cho quân Nam Việt Nam 15 ngày trước). Nhân viên tình báo ấy cũng báo tin là Thiệu đã đi đến kết luận rằng quân đội Bắc Việt Nam không thể đánh chiếm và giữ những thành phố quan trọng được, họ nhằm hướng chính là Quân khu III, chủ yếu là Tây Ninh (dự đoán của đại sứ Martin) và họ chỉ tiếp tục tiến công cho đến tháng 6, hết mùa khô. Sau đó, họ ngừng để lấy lại sức và củng cố; vẫn theo nhân viên tình báo này, Thiệu cũng căn cứ vào sự phân tích của bản thân, quyết định không gửi quân tiếp viện cho Quân đoàn 2 ở Tây Nguyên, mà trái lại tập trung lực lượng dự trữ ở phía Nam đất nước.
Không khó khăn gì để nhận ra sự mừng rỡ của Hà Nội khi được đọc biên bản nói trên. Mục tiêu 1975 của họ gồm đủ mọi vấn đề, mỗi thứ một ít và không có vấn đề gì đáng kể. Nhưng nay, họ đã rõ Thiệu nhận định như thế nào, họ có thể thảo được kế hoạch. Vì Thiệu cho là muốn đánh Tây Ninh thì phải đánh Phước Long, Thiệu không tin là muốn tiến công được ở Tây Nguyên thì phải đánh mạnh ở đây, Thiệu cho là không thể đánh chiếm và giữ được những thành phố quan trọng thì cứ hướng ấy mà tiến. Tỉnh Phước Long là mục tiêu đầu tiên của họ, tiếp đến là Buôn Mê Thuột, trên Tây Nguyên thuộc quân đoàn 2...
Về mặt tâm lý, mất Phước Bình (Thị xã Phước Long) là một đòn đau đối với chính quyền Thiệu. Chưa có một thị xã nào bị đánh chiếm kể từ ngày thị xã Quảng Trị phải đầu hàng năm 1972. Nhưng sau đó, thị xã Quảng Trị được chiếm lại. Nhưng đau nhất là chưa bao giờ Hoa Kỳ tỏ ra thờ ơ như lúc này. Đối với Thiệu cũng như đối với Bắc Việt Nam, trận Phước Long là trận thăm dò chính sách của Mỹ...
Trong khi nhiều tin xấu được loan truyền ở thủ đô thì lực lượng chính phủ lại bị thất bại nữa, lần này ở Tây Ninh. Sau năm ngày bị bao vây, không cái ăn, không thuốc uống đội quân giữ vị trí núi Bà Đen ở phía Bắc tỉnh phái bỏ chạy. Thế là mất một vị trí quan sát tiền tiêu! Nhân dân Tây Ninh kẻo nhau chạy về Sài gòn... Chiến thắng liên tiếp ở Quân khu III của cộng sản khuyến khích Hà Nội leo thang. Họ lại được tin chắc chắn là Hoa Kỳ không can thiệp để cứu vãn đồng minh. Hội nghị Bộ Chính trị phân tích sự suy yếu của địch báo hiệu một thời cơ mới đang đến. Ngày 8 tháng 1 năm 1975, hai ngày sau chiến thắng Phước Long, ông Lê Duẩn đề nghị với hội nghị một chiến lược quân sự táo bạo đưa đến việc thảo ra một kế hoạch chính thức và quyết tâm dành thắng lợi trong hai năm 1975 - 1976: "năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam". Ông Lê Duẩn còn đề nghị một phương án khác và một phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là: "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng Miền Nam trong 1975"... ông cũng để cửa mở cho những cuộc thương lượng, ít nhất với Hoa Kỳ. Việc người Mỹ không can thiệp để cứu Phước Long có thể nghĩa là họ sẵn sàng mặc cả cho việc ra đi của Thiệu.
Ông Lê Duẩn cho viết một bài xã luận đặc biệt, in trong số tháng giêng trên báo của Đảng (Tạp chí Cộng sản). Bài xã luận trình bày tóm tắt và rõ ràng quan điểm của ông và kế hoạch của Hà Nội. Nếu ở Sài Gòn, chúng tôi có sẵn bài báo ấy, chúng tôi có thể dễ hiểu hơn cái gì đang được chuẩn bị. Nhưng có nhiều sự chậm trễ trong việc nhận thư từ, báo chí theo đường dây quốc tế nên mãi đến tháng 3, sứ quán mới nhận được, tờ báo đăng bài xã luận. Như thế là quá muộn mất rồi!
Bộ Chính trị còn một vũ khí mới nữa, sự ủng hộ của đồng minh duy nhất, quyết định thắng lợi hay thất bại. Lần đầu tiên kể từ ngày ngừng bắn, Liên Xô, đồng minh lớn của Hà Nội, sẵn sàng ủng hộ một chính sách tiến công giải phóng miền Nam.
Cuối tháng 12, trước khi tiến công Phước Long, người đứng đầu lực lượng vũ trang Liên Xô, đại tướng Viktor Kulikov, bay đến Hà Nội. Polgar và tôi báo ngay cho ban giám đốc CIA biết. Chúng tôi không làm thế nào mà nắm được những vấn đề Kulikov thảo luận với chủ nhà. Điều quan trọng đối với chúng tôi (tôi nhấn mạnh điểm này trong một bức điện) là cuộc viếng thăm Bắc Việt Nam tương tự như trước đây của một vị tướng Liên Xô hồi năm 1971, diễn ra đúng trước cuộc tiến công lớn của Hà Nội. Thật vô ích nếu nói rằng Polgar bắt buộc phải nhắc lại cho Hoa Thịnh Đốn biết tình hình hiện nay có thể giống như trường hợp trước.
Nhưng những người phân tích tin của CIA và Bộ Ngoại giao quá báo thủ, không đồng ý với nhận định trên. Họ cho là cuộc viếng thăm của Kulikov chỉ là một cuộc viếng thăm thường lệ.
Sau này họ thấy rõ chúng tôi lập luận đúng. Những tuần sau khi Kulikov đến thăm Việt Nam, khối lượng thiết bị quân sự Liên Xô chở bằng đường biển tới Bắc Việt Nam tăng gấp bốn lần, Mátxcơva đã ủng hộ hết mức cuộc tiến công cuối cùng của Hà Nội...
Giữa tháng Giêng năm 1975, Bộ Chính trị họp ở Hà Nội để xây dựng kế hoạch đánh chiếm Buôn Mê Thuột, trong vùng núi phía Tây. Chiến dịch này đặc biệt khó khăn. Các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ quyết định phải có một ủy viên Bộ Chính trị chịu trách nhiệm hoàn toàn. Người được chọn là Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Đại tướng Dũng khoảng 58 tuổi, người trẻ nhất trong Bộ Chính trị, người duy nhất có thể giành danh hiệu quí giá: "người lao động". Thật vậy, là nông dân nghèo ở tỉnh Hà Tây, ông trở thành thợ cả trong một xưởng dệt ở Hà Nội giữa những năm 30. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong vùng giữa Hà Nội và Hà Tây, và cũng như nhiều đảng viên quan trọng khác, ông bị người Pháp bắt bỏ tù trong cuộc khủng bố chống cộng năm 1939. ông vượt qua một cách can đảm và bốn năm sau, ông vừa tham gia chiến đấu ngoài mặt trận, vừa rèn luyện học tập quân sự. Kinh nghiệm quân sự thực tế của ông bảo đảm cho ông làm tròn nhiệm vụ chính ủy cao cấp trong quân đội của Việt Minh. Thoạt đầu, ông Dũng làm việc dưới bóng của người thủ trưởng tài ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Giáp là người chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng Đại tướng Dũng, Tổng tham mưu trưởng, cũng là người tổ chức đưa vũ khí đạn dược đến bao vây tập đoàn cứ điểm ấy cho đến khi quân Pháp đầu hàng. Trong khi các ông Giáp và Trường Chinh, một ủy viên Bộ Chính trị khác, dành thì giờ để nghiên cứu, viết ra những bài lý luận về chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân thì tướng Dũng, trở thành thành viên của đoàn đại biểu Bắc Việt Nam bên cạnh ủy ban quốc tế kiểm soát, tập trung vào việc nghiên cứu trực tiếp kẻ thù để tìm cách đánh thắng chúng.
Khi ông trở ra Hà Nội, cuối những năm 50, ông đã có trong đầu phương án tốt, một cuộc chiến tranh du kích phải có lực lượng chính qui dẫn dắt. Chính từ phương án ấy và từ phương án của các ông Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh mà Bộ Chính trị định ra chiến lược đưa họ đến thắng lợi. Ô
ng Dũng được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị năm 1960. Cụ Hồ Chí Minh rất thích ông. Sau cuộc tiến công năm 1972, ông trở thành ủy viên chính thức cùng với ông Trần Quốc Hoàn, người đứng đầu Bộ Nội vụ của Hà Nội, trùm công an mật... Ông Dũng là một vị tướng chiến đấu, một loại Ulysse hay Grant của Bắc Việt Nam. Một đầu óc thực tế không phụ thuộc vào một lý thuyết nào. Nếu công việc có thể tiến hành, ông làm ngay, cố hết sức nhanh và cố hết sức đạt hiệu quả. Nhưng bao giờ cũng chấp hành theo ý kiến của Bộ Chính trị.
Trong hồi ký của mình, ông Dũng viết "được ra trận chiến đấu là một niềm vui lớn", "được đi thực hiện một nghị quyết quan trọng của Đảng là một hạnh phúc". Và ông thổ lộ với người bạn già, tướng Trần Văn Trà, nhà chỉ huy quân sự vùng Sài Gòn và đồng bằng như sau: "Kỳ này vào đánh Tây Nguyên cho đến mùa mưa, đánh xong tôi sẽ vào Nam Bộ cùng với các đồng chí nghiên cứu chiến trường và chuẩn bị để đánh lớn trong mùa khô 1975 - 1976", ông Dũng tỏ ra hết sức lạc quan. Thực tế, chỉ ba tháng sau, ông đi tìm ông Trà, ở Nam Bộ.
MỘT ANH BẠN HẨU
Trong khi quân đội Bắc Việt Nam mở chiến dịch mùa khô thì Quân Khmer đỏ tiến công Campuchia. Chẳng mấy chốc, họ chiếm mọi con đường đi đến Phnôm Pênh. Rồi họ nhanh chóng cắt con đường thủy độc nhất sông Cửu Long, nối thành phố với thế giới bên ngoài. Cùng lúc ấy, Ở phía Bắc Phuôm Pênh, họ đặt súng cối và pháo binh gần sân bay Pochenton, để chặn cầu hàng không Mỹ.
Ngày 7 tháng 1, Kissinger cấp tốc họp với nhân viên ê kíp nhỏ đặc biệt, nhóm "đặc biệt hành động Hoa Thịnh Đốn" để tìm cách dập tắt đám cháy ở Đông Dương. Giải pháp đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Campuchia bị bác bỏ ngay: người Pháp đề nghị đưa Sihanouk trở về và mở màn cuộc thương lượng giữa Sihanouk với Hoa Kỳ. Kissinger phản đối để bảo vệ uy tín của Mỹ, bạn đồng minh không thay đổi của Lon Noi.
Hôm sau, chính phủ Mỹ báo tin sẽ xin quốc hội viện trợ quân sự bổ sung để cho các khách hàng Đông Dương có thể vượt khó khăn cho đến tháng 6, ngày chấm dứt năm tài chính.
Đề nghị ấy chắc chắn không được đáp ứng. Lạm phát và thất nghiệp lan tràn ở Hoa Kỳ. Ý định dùng tiền đóng thuế của nhân dân để duy trì một cuộc chiến tranh ở xa, đáng lẽ đã được chấm dứt, làm cho hầu hết các đại biểu quốc hội và nhà báo tức cười.
Tình hình càng rối ren và chính phủ Mỹ phải chịu nhiều hậu quả của vụ bê bối Watergate. Sau khi đánh đổ một tổng thống, quốc hội quyết định chú trọng chính sách đối ngoại. Việc thượng nghị sĩ Jackson phản đối dự thảo hiệp định thương mại Mỹ - Xô là một thí dụ điển hình của chiều hướng ấy. Cuộc khủng hoảng mới nhất ở Chypre cũng cùng chung một số phận. Mùa hè trước, sau khi quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đảo, quốc hội đã cắt viện trợ quân sự cho Ankara. Quyết định ấy, mặc dù đúng, nhưng có những hậu quả tai hại đối với chính sách chung của chính phủ, nhất là đối với sự hoạt động của Kissinger ở Đông Dương. Làm sao mà quốc hội có thể phạt một hội viên của Otan khá quan trọng như nước Thổ trong khi đó lại tiếp tục ủng hộ Campuchia và Nam Việt Nam.
Nếu tính tất cả những dữ kiện đó thì chính phủ phải dũng cảm xin tiền bổ sung. Đối với Kissinger không có lựa chọn nào khác. Theo ông, cuộc tranh luận về tiền sẽ gây ra tiếng vang, dội cả ra ngoài bản thân cuộc xung đột Dông Dương. Cũng giống như hiệp định thương mại Mỹ - Xô và vấn đề Chypre, vấn đề Đông Dương sẽ trở thành nguyên cớ một cuộc đấu tranh triết lý và chính trị giữa Nhà Trắng và cơ quan lập pháp. Một cuộc thử thách sức mạnh về chức năng của hai cơ quan này trong chính sách đối ngoại.
Đối với Kissinger, những cuộc tranh luận này sẽ làm phai mờ hình ảnh nước Mỹ thường tỏ ra là một nước bảo vệ bạn bè gặp khó khăn. Người ta sẽ nghi ngờ điều đó. Không nên để như vậy, nhất là lúc này, Kissinger đã cam đoan rằng Hoa Kỳ sẽ cố đem sức nặng ra để tìm giải pháp cho cuộc xung đột Ixraen - A rập. Những bên tham chiến ở Trung Đông đã tin tưởng Kissinger. Có nên để lòng tin bị lung lay khi quốc hội Mỹ quay lưng lại các bạn Đông Dương không?
Ngoài những điều phân tích về địa lý, chính trị ấy, đại sứ Martin có những lý lẽ riêng của ông để đòi tiền bổ sung. Theo ông, điều có lợi cho Sài Gòn lúc này, chưa quan trọng bằng cuộc đấu tranh của ông chống bọn "nổi loạn Mỹ, bọn vô chính phủ "trí thức điên rồ" đang nhận làm những kẻ tuyên truyền cho Hà Nội trong hạ tầng của giới chính trị như Tom Hay den, Fred Branfman và Don Luce, cổ động viên của ủy ban giúp đỡ Đông Dương. Martin quyết định đánh bại những người này... đồng thời dành được tiền bổ sung cho Sài Gòn.
Hoàn cảnh lúc bấy giờ cũng buộc ông phải có một thái độ như thế. Giữa tháng 12, lúc quân Bắc Việt Nam đang chuẩn bị mở chiến dịch mùa khô, một nhóm những nhà tu hành Mỹ cho lưu hành một bức thư về Việt Nam. Dựa vào những tin tức do ủy ban giúp đỡ Đông Dương cung cấp, họ tố cáo người Mỹ phải chịu trách niệm chính trong cuộc đổ máu ở Việt Nam.
Giọng viết và nội dung bức thư làm cho Martin tức giận đến mức ông phải trả lời. Nhất là bộ ngoại giao lại không muốn làm. Trong một bức điện gửi cho Hoa Thịnh Đơn ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, ông giơ gươm nổi giận lên: "Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với bộ ngoại giao nỗi sợ hãi hiển nhiên về những điều công kích định bôi tro trát trấu vào người. Những điều công kích này chĩa vào bất cứ ai, phải nói rằng nội dung bức thư của các nhà tu hành chỉ là những điều nói dối, từ đầu đến cuối... Tuy chúng tôi chia sẻ với nỗi sợ hãi ấy nhưng chúng tôi không đồng ý với những lý lẽ cho phép bộ ngoại giao thôi, không nói rõ sự thật với nhân dân Mỹ. Hình ảnh Ponce Pilate còn trong trí nhớ mọi người, nhất là gần đến ngày lễ Noel". Cuộc tranh luận về viện trợ bổ sung, đối với Martin, là một dịp để kéo những bạn đồng nghiệp của ông ở bộ ngoại giao vào cuộc đấu tranh chống những người "nổi loạn". Nhưng bộ ngoại giao còn nhiều điều mắc mớ. Một năm sau, Martin nói với tôi: "Tôi biết rõ là Việt Nam đi đời rồi nhưng tôi không thể làm gì hơn là cố kẻo chậm lại". Nhưng ông cũng không gánh nổi gánh nặng ấy. Cuối cùng, sau nhiều lần bộ ngoại giao can thiệp, quốc hội bỏ phiếu chuẩn y một món tiền bổ sung là ba trăm triệu đôla. Trong lúc đó, quân đội Bắc Việt Nam tăng sức ép. Cuối tháng 1 ở Quân khu I, ba sư đoàn đóng ở phía Tây Huế và Đà Nẵng và nhiều trung đoàn từ miền Bắc vào luồn của khu phi quân sự, đến yểm trợ. Ở Tây Nguyên thuộc Quân khu II cũng có quân tiếp viện. Ở phía Nam, trong vùng Sài Gòn, một trong những sư đoàn đã đánh chiếm Phước Long, hành quân vê phía tỉnh Tây Ninh, để phối hợp cùng với nhiều đơn vị khác đã sẵn sàng tiến công. Chẳng mấy lúc, lực lượng cộng sản như một vòng cung cắt biên giới phía Bắc của Quân khu III.
Bề rộng của đất đai cần bảo vệ lớn đến mức làm cho các đơn vị của Sài Gòn phân tán rải rác, nhiều đơn vị xa hẳn căn cứ. Họ không có cách nào hơn là rút về vị trí, cố thủ và chờ cuộc tiến công mới nếu họ không muốn giữ đất. Về phía ông, Đại tướng Văn Tiến Dũng chuẩn bị đi Nam. Tuần cuối tháng 1 năm 1975, ông đến chào ông Lê Duẩn. Họ chúc nhau gặp may mắn và ông Lê Duẩn nhắc lại cho Đại tướng câu nói ngắn gọn về kế hoạch chiến lược của ông: "Nên suy nghĩ nhiều và có cách đánh đúng. Chiến trường Tây Nguyên có thể làm ăn to được, đánh thắng có thể dẫn đến khả năng ta dự kiến là trong năm nay giải phóng miền Nam".
Ngày 5 tháng 2, Tướng Dũng tới Hà Nội, đáp máy bay đi Đồng Hới. Tại đây, ông lấy xe hơi đi Quảng Trị, ở phía Bắc Quân đoàn I. Chuyến đi về phía Nam bắt đầu. Từ đó, ông đi xuồng máy, xe hơi, theo đường đi của quân đội Bắc Việt Nam, chạy từ phía Tây Nam Việt Nam đến phía Nam Lào. Chuyến đi của ông được giữ hết sức bí mật. Ông Dũng kể lại: "Mọi việc đều được chuẩn bị để đánh lạc sự theo dõi của địch. Sau khi tôi đi, báo chí tiếp tục phản ảnh những hoạt động của tôi, coi tôi như vẫn ở nhà". Việc đánh lừa ấy đạt kết quả. Một năm sau khi Việt Nam sụp đổ, lúc ông Dũng cho phát hành tập hồi ký của mình, chúng tôi mới biết ông chỉ huy cuộc tiến công cuối cùng, đánh tổng hành dinh, ngay sau phòng tuyến của chúng tôi.
Bao nhiêu điều phụ thuộc vào nhiệm vụ của tướng Dũng... Ngày 3 tháng 2, trong một bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ông nhấn mạnh những mục tiêu chính trị được đề lên trên mục tiêu quân sự, gây chút hy vọng cho việc thương lượng. Nói về những điều kiện chủ yếu cho cuộc đàm phán, ông cẩn thận không nhắc đến việc Thiệu phải ra đi, đòi hỏi thường lệ trước đây của Bắc Việt Nam.
Đọc xong một lần nữa bản dịch bài diễn văn, tôi càng chắc chắn rằng mục tiêu trước mắt của cộng sản là nối lại cuộc đàm phán chứ không phải là chiến thắng quân sự. Mấy ngày sau, một nhân viên CIA gửi cho tôi một bản báo cáo gần đúng như nhận định của tôi. Anh ta dự kiến sẽ có những cuộc tiến công mới và mạnh ở phía Bắc Sài Gòn (Buôn Mê Thuột không được ghi cụ thể) nhưng anh lại nói rằng khi trận đánh xong thì Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ đề nghị họp lại tay đôi. Anh ta cũng nói không họp ở Paris mà họp trong một thành phố ở miền Nam Việt Nam. Bài diễn văn của ông Duẩn có hai ý nghĩa. Tôi làm một bản phân tích cho Polgar, trong đó tôi trình bày những điều tôi rút ra từ những cam kết chính trị và quân sự của ông. Bực mình, Polgar quyết định kiểm tra lại những nhận định của tôi qua phái đoàn Hunggari trong ủy ban quốc tế kiểm soát. Ông đưa bản phân tích của tôi cho họ, đề nghị họ góp ý kiến. Mấy ngày sau, họ trả lời rằng những kết luận cua tôi gần đúng. Nói một cách khác, chúng tôi vẫn có hy vọng đi đến một cuộc thương lượng mặc dù, chắc chắn, hoạt động quân sự sẽ phát triển trong mấy tuần tới.
Polgar diện ngay cho Hoa Thịnh Đốn một bản tóm tắt nhận định của người Hunggari. Nhưng người này cũng báo cho Hà Nội những tin tức cần thiết. Biết rõ sự đánh giá của chúng tôi, Bộ Chính trị có thể sửa cho đúng kế hoạch và chiến lược của họ. Với những ý định tốt nhất thế giới, Polgar đã gửi đi một bản tin vô giá đối với người Bắc Việt Nam.
Nhưng hướng mới về một giải pháp chính trị không làm mất sự băn khoăn của Polgar về việc uy hiếp quân sự. Ông vẫn đề nghị quốc hội cấp thêm tiền viện trợ và tự mình làm việc này. Suốt mùa Đông, ông yêu cầu tôi phải tỏ ra bi quan trước những vị khách đến thăm, trước nhân viên sứ quán và không được nêu vấn đề về ý đồ chính trị của Hà Nội, một vấn đề vừa khó khăn vừa rối tinh.
Sau một buổi trình bày hết sức rõ ràng của tôi, một đồng nghiệp CIA giơ tay lên trời, kêu lên với vẻ sợ sệt: "Trời ơi, mấy tuần trước, anh nói là không có gì nguy cơ cả. Nay, hình như, chúng ta đang đứng trước buổi xử án cuối cùng!"
Cảm tưởng ấy lan rộng nhanh chóng khắp sứ quán và nhiều đồng nghiệp tôi bắt đầu bi quan và giấu vũ khí, đạn dược để phòng khi phải tự vệ. Cùng lúc ấy, phái đoàn quân sự và các cơ quan hành chính trong sứ quán, tự họ, cho biết kế hoạch di tản, một bản tài liệu gồm 400 trang (mỗi sứ quán Mỹ trên thế giới đều có một bản, thật là một kiểu làm việc cổ lỗ). Đại tá Garvin Mc Curdy, tùy viên không quân, đại tá Cornelius Carmody, tùy viên hải quân được giao phụ trách việc này. Được một ê kíp nhỏ giúp việc, họ thảo ra một kế hoạch cụ thể di tản những người Mỹ ở các quân khu và cuối cùng là ở Sài Gòn. Phần lớn sự thay đổi của họ thuộc mặt hình thức chứ không phải nội dung. Từ tài liệu gốc, họ chỉ còn giữ lại một số người di tản không quá 6.800 người, phần lớn là người Mỹ.
Polgar cũng được giao nhiệm vụ thảo một kế hoạch di tản những nhân viên tình báo và những nhân viên quan trọng nhất của Chính phủ Sài Gòn. Nhưng ông từ chối. Mặc dù tình hình quân sự quá xấu, ông vẫn không tin rằng một ngày kia ông phải bỏ nước này.
Còn đại sứ Martin, ông trở về Hoa Thịnh Đốn đầu tháng 2, để bảo vệ chủ trương của chính phủ trong cuộc thảo luận về viện trợ bổ sung. Vừa đến bộ ngoại giao, ông đã đưa ra một dự án mà ông rất thiết tha, đó là một chương trình giúp đỡ khống lồ làm cho Sài Gòn có thể độc lập về kinh tế trong ba năm. Đề nghị của Martin bị bộ ngoại giao cũng như quốc hội bác bỏ. Người ta kết tội ông là cố làm cho vấn đề Việt Nam bị lãng quên trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng Martin phản đối là ông đấu tranh cho việc thành lập một ủy ban gồm nhiều thượng và hạ nghị sĩ sẽ đi Nam Việt Nam để nghiên cứu tại chỗ dự án cửa ông. Được chính phủ đồng ý nhưng dự án của Martin không được chấp nhận vì những cuộc xung đột cá nhân và giá dầu lửa. Cay đắng và thất vọng, Martin trở lại Sài Gòn.
Giữa lúc ấy, nhiều quan chức chính phủ Mỹ cũng định cứu vãn tình hình. Họ dùng mánh khóe cũ và kêu cứu lần này ở Campuchia. Họ trình bày với quốc hội. Mấy tuần nữa, Chính phủ LonNol sẽ đổ nếu quốc hội không chuẩn ngay viện trợ bổ sung cho Campuchia. Nhưng không có lý lẽ gì thuyết phục được quốc hội, CỈA vừa hoàn thành bản báo cáo vạch rõ chính phủ Phnôm Pênh bất lực, không thể chủ động về mặt quân sự trong thời gian gần nhất, dù được viện trợ bổ sung. Colby, giám đốc CIA, trình bày thành thật và chi tiết kết luận ấy với một ủy ban của quốc hội, và không còn vấn đề viện trợ cho Carnpuchia nữa.
Ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu theo dõi việc ấy cẩn thận và rất ngạc nhiên. Những lời đường mật của Hoa Kỳ về viện trợ cần thiết cho sự sống còn của ông ta đã làm ông mất lòng tin và kẻ thù của ông ở Hà Nội, chắc chắn cũng được khuyến khích nhiều. Hơn thế, kẻ thù của Thiệu ngay trong nội địa cũng ngóc đầu dậy. Họ kết tội Thiệu là chỉ chăm lo tài sản riêng chứ không nghĩ đến quyền lợi quốc gia... Thiệu phản ứng lại. Năm tờ báo phải đóng cửa, 18 nhà báo viết những điều không có lợi cho chính phủ bị bắt vì hoạt động thân cộng sản.
Giữa cơn bão táp chính trị ấy, Thiệu tiếp tục trị phái quân sự sau khi mất Phước Long, ông ra lệnh chỉnh đốn lại Quân khu III và chỉ định tướng Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh Thiệu cũng quyết định "trẻ hóa" một ít chiến lược. Tướng Cao Văn Viên, người tổng tham mưu trưởng tươi cười, từ nhiều tháng nay, đã cố vận động Thiệu chấp nhận ý kiến: một Việt Nam thu hẹp. Ý kiến này từ một năm nay cũng được thủ tướng Khiêm và thỉnh thoảng được người Mỹ nghĩ đến. Những quyết định của chính phủ ngày 9 và 10 tháng 12, đánh dấu bước mở đầu rụt rè theo hướng đó: tập trung tất cả lực lượng dự trữ, nếu có thể nói như thế, về Quân khu III, không cử quân tiếp viện lên Tây Nguyên hay ra Quân khu I. Sau thảm bại Phước Long, Khiêm và Viên đẩy Thiệu lùi mót bước nữa: bỏ phía Bắc đất nước, như thế có thể tiết kiệm được súng ống đạn dược, quân trang v.v...
Mới đầu, Thiệu bác ý kiến này, nhưng những tin tức từ Hoa Thịnh Đốn gửi về ngày càng bi đát, cần phải xét lại. Đầu tháng 2, Thiệu thành lập một nhóm nghiên cứu tình hình, đứng đầu là Viên và Khiêm, có nhiệm vụ nêu rõ thực trạng lực lượng chiến lược, ông cũng ra lệnh cho Quân khu I gọi những lực lượng ưu tú trong sư đoàn dù đóng ở phía Bắc Huế rút về và chuẩn bị cho lực lượng này chuyển vào Sài Gòn.
Viên và Khiêm không bằng lòng. Họ cho là việc rút sư đoàn này đi không đúng với sự cần thiết. Nhiều người khác trong giới lân cận Thiệu cũng không tán thành vì những lý do ngược lại: quyết định này đối với họ, triệt để quá. Một người kịch liệt chống lại chủ trương rút quân là tư lệnh Quân khu I, tướng Ngô Quang Trường. Năm sư đoàn dưới quyền ông đã khá phân tán, nếu không có sư đoàn dù thì ông cho là không khi nào ông có thể tự vệ nổi để chống lại bốn sư đoàn Bắc Việt Nam và nhiều đơn vị khác đang đóng trước mặt ông ta.
Giữa tháng 2, tướng Charles Timmes, sĩ quan liên lạc chính của CIA cùng với bộ chỉ huy Nam Việt Nam đến thăm sở chỉ huy của Trưởng ở Đà Năng, để bàn tình hình như thường lệ. Trong cuộc tranh luận, Timmes rất ngạc nhiên được biết một kế hoạch chiến lược mới đang được thực hiện nhưng Trưởng từ chối không giải thích cho ông biết rõ vì sao cần phải có kế hoạch này. Ông dự kiến việc bảo vệ bốn điểm quan trọng: các thành phố Huế và Đà Nẵng, Tam Kỳ, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín và mỏm Chu Lai ngay ở phía Nam, ở đây có một sân bay lớn và sở chỉ huy của sư đoàn 2 quân đội Nam Việt Nam. Nếu cộng sản cho quân tiếp viện đi qua khu phi quân sự, Trưởng giải thích, thì ông sẽ rút về những điểm trên. Timmes, như lời ông nói với tôi sau này, ngả theo ý kiến ấy. Ông cho là Trưởng có thể điều khiển tốt năm sư đoàn của ông ta. Chắc chắn Timmes sẽ bớt lạc quan hơn nếu ông biết người chỉ huy Quân khu I chỉ còn có bốn sư đoàn .
Mấy ngày sau, Trưởng đi Sài Gòn để bộ tổng tư lệnh thông qua kế hoạch của ông ta. Trưởng rất lạ là Thiệu không sốt sắng lắm, cố quyết định chậm lại bằng cách ngẫm nghĩ từng chi tiết một. Thực tế, Thiệu không muốn có một sự thay đổi nào trong việc bố trí lực lượng. Tuy nhiên, Thiệu phải công nhận rằng việc rút sư đoàn dù đi, làm cho lực lượng của Trưởng vô cùng yếu so với lực lượng đối phương. Thiệu sợ sẽ gây cảm tưởng xấu với người Mỹ nếu cứ bỏ đất đai.
Quyết định của Thiệu rút sư đoàn dù khỏi Quân khu I là hậu quả chiến lược bỏ vị trí Tống Lê Chân vào tháng 4 năm 1974 và thị xã Phước Bình một tháng trước đây. Cho là có quyết định này thì có thể làm nhẹ được hậu cần, gây ảnh hướng với quốc hội và củng cố việc bảo vệ chung quanh Sài Gòn, nên tướng Murray đồng ý. Đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng ông thôi không thảo luận những điều dự kiến vào mùa hè trước. Trong khi Thiệu bất đắc dĩ phải cho mình trôi xuống cái đốc nguy hiểm này, theo cách nói của ông ta, thì phần lớn những cộng tác viên của Martin chỉ chú ý đến viện trợ bố sung. Tuần thứ ba tháng 2, những buổi tiếp khách diễn ra mất 24 giờ vì làn sóng những người đến thăm: đại biểu quốc hội, quan chức ở Hoa Thịnh Đốn. Mặt khác, tôi phải chúi mũi vào việc viết những bài tuyên truyền. Tôi không còn thì giờ để nghiên cứu những khía cạnh tế nhị trong chiến lược của Sài Gòn hoặc của cộng sản.
Điều không may tột độ nữa là một chị nhân viên giỏi của tôi vắng mặt hàng tuần nay. Đầu tháng, Pat Johnson, vì ăn sand- wich ôi với rau xà-lát và tôm ở bể bơi khách sạn Dục nên phải nằm liệt giường. Lúc chị dậy được, thì tôi đã mệt lả người và mong có những điều kiện làm việc thoải mái hơn một ít. Nhưng không thể được. Nhân viên thứ ba trong phòng tôi quyết định nghỉ hè vì đã làm việc lâu. Mấy ngày sau, anh bay về Hoa Kỳ và ở đó bốn tuần xem vô tuyến truyền hình về sự tan rã của miền Nam Việt Nam với lời bình luận của Walter Cronkite.
May thay, Polgar tìm được người thay anh này. Đó là Joe Kingsley. Là một nhân viên CIA không có một chút kinh nghiệm phân tích tin, anh chàng được Polgar tuyển là vì biết rõ Quân khu I như biết rõ túi anh. Anh là một sĩ quan trong lực lượng đặc biệt chiến đấu ở đấy đầu những năm 60, và đã được một mảnh đạn khen thưởng. Anh tiếp tục đi cà nhắc và đi như khiêu vũ sau khi uống chén rượu Martin đầu tiên. Lần đầu gặp nhau, Joe không gây cảm tưởng gì cho tôi cả. Tóc đen, lông mày cong, cái cười hóm hỉnh tạo cho anh một vẻ ngây thơ lành mạnh giấu khéo cái tuổi 38 và sự hiểu đời của anh. Điều quái ác là anh quan tâm quá nhiều đến những phương tiện tình báo - đài thu thanh, vũ khí, cốt mật - chứ không phải thực chất tin tức. Nói cho gọn, anh là người cuối cùng tôi chọn để cùng tôi lặn ngập trong những niềm vui phân tích, đánh giá tình hình lúc Sài Gòn chờ cuộc xung phong cuối cùng của cộng sản.
Nhưng tôi thấy rất nhanh nhận xét đầu tiên của tôi về Joe là sai. Anh tỏ ra là một trong những người phân tích tin cừ khôi (và vui) mà tôi được biết. Và là người bạn hẩu đến với tôi rất tự nhiên, quả là của trời cho. Trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến tranh, vừa cười, vừa đùa, anh đã vượt qua biết bao hàng rào kiểm soát ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất và đưa được nhiều bạn Việt Nam của anh và của tôi đi di tản.
"HOA SEN NỞ"
Sau cùng, cuối tháng 2, quốc hội cử một đoàn điều tra sang Đông Dương, việc mà Martin hằng mong muốn. Đoàn gồm sáu người trong đó có hai người "tự do" Donald Fraser ở Minnesota và Beng Abzug Ở Manhattan. Martin định làm cho họ thay đổi ý kiến và ông không trù trừ gì dựng lên một cảnh xiếc để làm cho họ xúc động. Mỗi cơ quan của sứ quán được giao đóng một vai trò - họp báo, diễn thuyết, ghi tin và cơ quan tôi đã góp phần đắc lực vào chuyện ấy. Nhiều bản báo cáo của tôi được lấy từ những hồ sơ mật ra để làm nhiều bản và phân phát đi như những chương trình một buổi dạ hội dù việc ấy có thể gây nguy hiểm cho một số nhân viên tình báo của tôi.
Nhưng điều đã được đoán trước, tất cả những mánh khóe ấy không đi đến đâu cả. Martin và Polgar vì không thật thà nên đã tạo ra sự phản đối của cả những nghị sĩ trước đứng về phía ông. Trong một buổi họp sóng gió, Abzug chất vấn sứ quán tại sao có thể tiếp tục cho rằng tình hình chính trị ở Sài Gòn ổn định, trong khi đó thực tế lại căng thẳng? Polgar chối cho rằng không hề có một rối loạn nào. Khi Martin buộc phải trả lời câu hỏi về sự mất an ninh ngày càng tăng ở nông thôn như những bản báo cáo đã phản ánh, ông trả lời là cái đó chính phủ không đặt thành một vấn đề quan trọng. Ông trình bày các sự kiện làm như ở 11 thành phố, thị trấn, thị xã vùng Sài Gòn và vùng đồng bằng mất trong hai tháng vừa qua không ảnh hưởng gì đến đời sống kinh tế của nước này.
Sau đó, trả lời câu hỏi về ý đồ của quân đội Bắc Việt Nam, ông nêu ra một tràng nhận định, lý lẽ mà tôi được nghe trong rất nhiều cuộc nói chuyện. Tôi đã thuộc lòng những câu ấy, ông nói: "Tất cả những gì tôi có thể nói với các ông được là tôi mong quân đội Bắc Việt Nam mở cuộc tiến công rộng lớn trong một hai tháng nữa. Chắc chắn là thoạt đầu, quân đội Nam Việt Nam phải rút lui. Họ thường làm thế. Nhưng cuối cùng, họ sẽ đánh cho quân đội Bắc Việt Nam một trận thắng quyết định, như năm 1972".
Đoàn đại biểu quốc hội Mỹ càng tỏ ra không hài lòng sau cuộc gặp mặt với tổng thống Thiệu. Thiệu từ chối không trả lời về những cuộc tra tấn trong các nhà tù, và ông ta khẳng định rằng 18 nhà báo ông vừa cho bắt đều là những người cộng sản đã được công nhận. Nhờ những nguồn tin của mình, sứ quán biết rõ điều đó không đúng. Những nhà báo ấy chỉ phạm tội phê phán chính phủ Thiệu, nhưng chúng tôi không nói gì với những vị khách.
Có lúc Fraser và nhiều đồng nghiệp của ông đề nghị gặp riêng tôi, cùng một viên chức nữa của CIA, để có nhận định khách quan hơn về những việc Polgar và Martin đã trình bày với họ.Trong cuộc nói chuyện này, tôi cố gắng đứng trung gian giữa nhận định chính thức của sứ quán và sự thật mà tôi nắm được.Tôi giải thích rằng quân đội Bắc Việt Nam gặp khó khăn triền miên và nhất là có sự hòa dịu không chắc chắn giữa Máxcơva và Hoa Thịnh Đốn.
Tôi sắp sửa kết thúc bản trình bày thì cửa mở bất thình lình và bà Abzug, đại diện bang Manhattan, đi vào, cái mũ panama rộng vành lắc lư trên tai bà như một cái lầu dựng trước gió mùa. Bà kêu lên: "Làm cái gì ở đây?". Tôi không cần người khác phải nhắc tôi, tôi nghĩ gì về CIA và "ảnh hưởng" của nó trên thế giới. Tôi quyết định tự giới thiệu và đương đầu với điều xấu nhất. Tôi đứng dậy nói với bà: "Tôi là một viên chức của CIA" và thách thức, với một giọng châm biếm, tôi tiếp: "Bà hãy coi chừng về những điều bà sắp nói!". Bà quay phắt lại tôi như thể tôi đã ném một chiếc găng vào mặt, nhìn chằm chằm vào tôi và thét lên (không có một vẻ châm biếm nào): "Anh hãy coi chừng những điều anh nói, cút đi!". Buổi trao đổi thật thà, duy nhất giữa tôi với những vị khách chấm dứt một cách thiếu lịch sự như thế.
Nếu không có sự can thiệp của cộng sản thì cuộc viếng thăm của đoàn đại biểu quốc hội thất bại hoàn toàn. Nhưng mấy giờ sau khi họ rời sứ quán, họ đi xe hơi đến trại David ở Tân Sơn Nhất để gặp các đại biểu Bắc Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong ủy ban quân sự. Các nghị sĩ đã báo cho những người này biết họ muốn có một cuộc thảo luận cởi mở, không tuyên truyền, không lên án, về 1.300 lính Mỹ vẫn mất tích. Nhưng họ đến trại David thì ở đó đã có khoảng 76 nhà báo do người Bắc Việt Nam mời. Phòng họp được trang trí nhiều cờ Việt cộng và một tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không hẳn là trang trí cho một buổi họp không có dụng ý. Hơn thế hai đoàn đại biểu cộng sản đều tỏ ra không khoan nhượng, tránh né đến mức nhiều nghị sĩ phải ra về, quyết định sẽ bỏ phiếu cho viện trợ bổ sung Sài Gòn, đơn giản là để tỏ thái độ phản đối.
Sự quay ngoắt này chỉ là thắng lợi ngắn ngủi của chính phủ. Mấy tuần sau, sự tan rã của quân đội Nam Việt Nam, làm cho đề nghị cấp thêm viện trợ thành vô lý. Sứ quán cũng phải trả giá cho sự giả dối của mình trong cuộc đón tiếp đoàn đại biểu quốc hội. Quá chú ý bảo vệ quyền lợi của chế độ Sài Gòn, chúng tôi chỉ làm cho các vị khách hiểu rõ sự bất lực của chúng tôi trong việc nhận định khách quan bất cứ việc gì. Tình hình ấy làm cho công việc của chúng tôi càng thêm khó khăn, phức tạp trong những tuần sau, khi chúng tôi cần phải làm cho những người bạn ở quốc hội thấy rõ sự trầm mọng về mặt quân sự.
Mọi sự nghi ngờ, mọi lời phê phán đều đổ lên đầu bản thân Martin. Ở Sài Gòn, một thượng nghị sĩ tuyên bố với phóng viên báo chí rằng Martin là "sự phá hoại". Còn Abzug và Fraser thì quyết định làm mọi việc để Martin phải thuyên chuyển đi.
Tất cả những việc ấy có làm Martin nản lòng không? Dù sao, ông cũng không tỏ ra như thế. Ông vẫn tin vào địa vị của mình, vào quan hệ giữa ông với Kissinger. Buổi chiều ngày 2 tháng 3, trong khi các đại biểu quốc hội ra sân bay Tân Sơn Nhất về Hoa Kỳ, Martin lại làm một việc không có lợi nữa. Ông cho đỗ chiếc xe đen của mình trước phòng khách dành cho các đại biểu, đúng lúc các vị sắp lên máy bay. Ông bước những bước dài vào trong phòng và nói với một nhóm người rằng muốn được cùng đi về Hoa Thịnh Đốn. Ông còn nhiều điều muốn nói với họ về dự luật viện trợ cho Nam Việt Nam và ông rất biết ơn họ nếu họ dành cho ông một chỗ trong máy bay. Các vị nghị sĩ tỏ ra không thích lắm. Họ cho là đã làm việc quá nhiều với Martin, một chuyến đi dài với Martin sau một tuần làm việc mệt nhọc ở Đông Dương quả là không thú vị tí nào. Nhưng Martin cố nằn nì đến mức mà ông trưởng đoàn phải bằng lòng, hoàn toàn vì xã giao.
Trong chuyến đi này, Martin dành phần lớn thì giờ để xem lại những tài liệu và điều ghi chép mật. Thỉnh thoảng để cho thoải mái, ông cầm ve áo viên chức bộ ngoại giao đi theo đoàn đại biểu quốc hội, trách anh ta đã để một số nghị sĩ tiếp xúc với nhân viên cấp thấp ở sứ quán như tôi chẳng hạn.
Giữa cuộc viếng thăm túi bụi của các đại biểu quốc hội, ở ngoài mặt trận, có một sự yên tĩnh bất ngờ, điều mà Polgar cho là một sự đánh lừa chính trị. Ông nói rằng, cộng sản làm như vậy là muốn thuyết phục những vị khách quan trọng của chúng tôi là chiến tranh đã chấm dứt, không cần phải cấp viện trợ mới cho Sài Gòn nữa.
Có lẽ ông ta nói đúng nhưng chỉ một phần thôi. Vì nếu sự yên tĩnh là một sự đánh lừa thì đồng thời nó cũng là một sự cần thiết Bắc Việt Nam, sau khi đánh chiếm được Phước Long đã đổi hướng tiến công. Quân lính của họ phải có thì giờ thở rồi mới có thể tiến về thị xã Buôn Mê Thuột trên Tây Nguyên được.
Bộ Tổng tư lệnh Nam Việt Nam không phải là không biết những cuộc hành quân của đối phương. Mấy ngày gần đây, sĩ quan tình báo của quân đội Nam Việt Nam ở Quân khu II đã khám phá được nhiều dấu hiệu chứng tỏ có những hoạt động ấy. Và, cũng lúc ấy, nhân viên tình báo của chính phủ ở Quảng Đức, phía Nam thị xã Buôn Mê Thuột báo cho chúng tôi biết sự có mặt của nhiều đơn vị quan trọng quân đội Bắc Việt Nam ở Campuchia, bên kia biên giới.
Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân khu II tỏ ra bối rối trước những phát hiện ấy. Vì ông ta chẳng có đủ lực lượng ở Tây Nguyên để có thể bảo vệ cùng một lúc tất cả mục tiêu. Sư đoàn 23; sư đoàn thiện chiến nhất của Nam Việt Nam bị phân tán quá mỏng. Hai trung đoàn đóng rải rác ở Kontum và Pleiku, trung đoàn thứ ba bị chia cắt trên mặt trận Buôn Mê Thuột - Quảng Đức Để đối phó với cuộc tiến công vào Buôn Mê Thuột, tướng Phú cũng biết rằng phải gọi 2 trung đoàn về, có khi hơn thế, tùy theo lực lượng của địch.
Nhưng vấn đề đối với ông ta là chỉ có thể giải phóng những đơn vị bổ sung khi ông ta bỏ việc bảo vệ Kontum và Peiku, việc đó ông ta không dám làm. Hai tỉnh này rất quan trọng về mặt chiến lược. Không những nằm trên những đường chính theo đó, quân Bắc Việt Nam thâm nhập từ Lào và Campuchia về mà hai tỉnh đó còn là điểm tựa nhảy ra bờ biển. Con đường chính Đông - Tây của Quân khu II, là con đường số 19, nối Pleiku với Qui Nhơn.
Nếu cộng sản định cắt nước này ra làm đôi như trước đây họ thường định làm nhưng thất bại, thì con đường số 19 là mục tiêu lựa chọn. Do đó, chính phủ Nam Việt Nam ra lệnh phải giữ với bất cứ giá nào con đường này - là đường nhánh đi về phía Tây đến Pleiku.
Trước những sự kiện tối cần thiết đó, những tin tức nghèo nàn của tỉnh Quảng Đức không thể giải thích cho một sự sắp xếp lại lực lượng quan trọng. Nếu sư đoàn 320 của quân đội Bắc Việt Nam thật sự đã từ Pleiku kéo đi Buôn Mê Thuột thì quân của Phú cũng phải hướng theo đó. Nếu như nguồn tin không chính xác và Phú lại chuyển lực lượng đi thì coi như Pleiku và Kontum sẽ mất.
Phú giải thích: không, tôi không thế liều như thế được. Phải để quân đóng yên tại chỗ. giữ đại bộ phận trong đó có hầu hết sư đoàn 23, tập trung trên cao nguyên phía Bắc. Để bảo vệ quyết định của mình, Phú nêu ra những tin tức thu được qua đài phát thanh của cộng sản. Những tin ấy có vẻ chỉ rằng sở chỉ huy của sư đoàn 320 vẫn đóng ở căn cứ cũ của họ, Ở Đức Cơ, phía Tây Pleiku. Nếu đúng như thế thì những tin tức tình báo làm cho người ta lầm lẫn và Buôn Mê Thuột không phải là mục tiêu của sư đoàn 320.
Tình hình sau đó chứng tỏ Phú tin không đúng và nghi cũng không đúng. Để che giấu mục tiêu tiến công của họ trên Tây Nguyên, quân đội Bắc Việt Nam tổ chức một sở chỉ huy giả ở Đức Cơ và từ đó đánh điện đi các nơi để làm cho quân đội Nam Việt Nam tưởng lầm rằng sư đoàn 320 vẫn ở đấy. Mánh khóe này đã đánh lừa được cả chúng tôi. Nó gây ra hậu quả tai hại cho chế độ Sài Gòn. Trong khi Phú đang tìm hiểu những mục tiêu của Bắc Việt Nam thì họ tiếp tục chuẩn bị tiến công. Cuối tháng 2, Đại tướng Dũng đã hoàn thành công việc này và đặt sở chỉ huy ở phía Tây Buôn Mê Thuật.
Để giữ bí mật sự có mặt của mình, ông không giao thiệp bằng radio, chỉ nói chuyện với Hà Nội bằng dây nói. Việc đó giảm nguy cơ bị khám phá nhưng có sự nguy hiểm riêng. Thiết bị cũ kỹ và điện chập, dây nói có thể gây ra cháy trong một vùng đất hanh khô. Ông viết trong hồi ký: "Sĩ quan thông tin liên lạc nhận một nhiệm vụ rất nặng. Mỗi khi có một đám cháy nhỏ đốt dây nói, binh sĩ của chúng ta phải chiến đấu dập tắt lửa, đến khi dập tắt được lửa thì người họ đen như những người khai thác than".
Đến được ít lâu thì tướng Dũng.và phó của ông, trung tướng Hoàng Minh Thảo triệu tập các chỉ huy đơn vị để so sánh lực lượng. Họ kết luận rằng lực lượng đôi bên trên Tây Nguyên gần như ngang nhau, nhưng quân đội Bắc Việt Nam không có vùng đất cụ thể phải bảo vệ, có thể di chuyển và tiến công vào bất cứ hướng nào để làm chủ tình hình. Đó là chìa khóa để tiến công Buôn Mê Thuột, chưa kể đến mưu lược và thời cơ bất ngờ. Họ vẫn tiếp tục làm cho Phú tưởng lầm rằng cuộc tiến công chủ yếu nhằm vào phía Bắc Tây Nguyên nên đã ngăn cản được Phú cho quân về giữ Buôn Mê Thuột. Tướng Dũng nói với Bộ tham mưu rằng chiến dịch này được chia làm nhiều giai đoạn. Mới đầu, chặn tất cả các đường đi lên Tây Nguyên, tiếp sau là tiến công Buôn Mê Thuột. Có thể ồ ạt đánh chiếm thị xã nhưng ông đã đưa ra một kế hoạch gọi là "hoa sen nở": quân đội bí mật triển khai trước, đánh thẳng ngay vào trung tâm thị xã, nhanh chóng diệt đầu não chỉ huy của địch rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch bên ngoài thị xã. Nhờ có nhiều nhân viên tình báo và bắt được thông điệp gửi rađio của Phú, tướng Dũng hiểu ngay rằng Phú gặp nhiều khó khăn trong việc chống đỡ với quân của ông. Không những bộ chỉ huy Nam Việt Nam mất dấu vết sư đoàn 320 Bắc Việt Nam mà còn chưa tìm thấy sư đoàn 10 đúng ra phải tiến về phía Kontum và Pleiku. Trên thực tế, sư đoàn này đang hành quân xuống phía Nam, hỗ trợ cho sư đoàn 320 ở Buôn Mê Thuột. Nhưng Phú không hề biết. Tướng Dũng quyết định làm tăng thêm mối do dự của ông ta. Ông ra lệnh cho những đơn vị còn lại ở Pleiku và Kontum mở những cuộc tiến công trong những vùng mà thường sư đoàn 10 vẫn hành quân, để Phú tiếp tục đinh ninh rằng sư đoàn này vẫn còn ở đó. Trong khi đó, sư đoàn 316 của Bắc Việt Nam đến phía Tây Buôn Mê Thuột, hỗ trợ cho trận đánh. Cũng như tướng Dũng, sư đoàn này hành quân liền trong ba tuần, không dùng radio, từ Bắc vào. Cuối tháng 2, ba sư đoàn Bắc Việt Nam sẵn sàng tiến công thị xã. Như thế tướng Dũng có lợi thế: năm chọi một. Cùng lúc ấy, sư đoàn khác, sư đoàn 968 từ Nam Lào tới, quấy rối vùng giữa Kontum và Pleiku.
Ở sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, chúng tôi không hề biết Đại tướng Văn Tiến Dũng đang ở miền Nam Việt Nam. Lại cũng không biết việc ông đặt sở chỉ huy ở phía Tây Nam Buôn Mê Thuột, đang chuẩn bị tiến công thị xã. Quân tiếp viện Bắc Việt Nam kéo vào vùng này không hề ai biết và không có người nào trả tiền cho một vài người cung cấp tin nói về việc trên. Nếu đúng là cộng sản chuẩn bị mở một chiến dịch mùa khô mới thì không một ai trong chúng tôi biết rõ mục tiêu chính của họ.
Chúng tôi cũng không biết gì hơn về dự án của Sài Gòn. Thiệu vẫn cho là không có lợi gì khi chúng tôi biết chủ trương rút sư đoàn dù khỏi Quân khu I - một chủ trương vừa tai hại đối với diễn biến cuộc chiến tranh hai tháng sau đó, vừa tai hại cho việc giữ Buôn Mê Thuột. Joe Kingsley, đồng nghiệp văn phòng mới của tôi, chăm chú theo dõi tình hình Quân khu I. Trên tầng sáu của sứ quán, người ta chỉ dự kiến những thay đổi nhỏ trên phòng tuyến quân đội Nam Việt Nam, trong những tuần sau. Trong khi Joe và tôi trao đổi nhận định với nhau thì bà Pat Johnson, nhân viên thứ ba trong ê kíp phân tích tin nhỏ bé của chúng tôi, ngày càng phải chăm chú theo dõi tình hình ở Campuchia. Ở đây, cuộc khủng hoảng phát triển từng giờ.
Mọi con đường tiếp tế đều bị cắt đứt, Phnôm Pênh hoàn toàn tiếp tục phụ thuộc vào cầu hàng không Mỹ chở lương thực, thực phẩm và thiết bị quân sự đến. Quân Khmer đỏ đã nã rốc két và đạn súng cối vào sân bay. Họ sử dụng cả một thứ vũ khí nặng và lợi hại: đại bác 105 milimét, loại vũ khí tìm được của Mỹ, chắc chắn đây là quà của Bắc Việt Nam.
Ở Hoa Thịnh Đốn, Bộ Ngoại giao tỏ ra hết sức lo lắng và báo tin rằng tàu sân bay Okinawa, chở hải quân và máy bay lên thẳng về phía Vịnh Thái Lan, để đón bốn trăm người Mỹ dân sự ở Campuchia di tản. Ít lâu sau, bộ trưởng quốc phòng Schlesinger, trước mặt các nhà báo, công nhận rằng có thể gửi hải quân đến Phnôm Pênh để cứu những người Mỹ nếu không còn cách nào khác để bào vệ sự an ninh của họ. Nhiều người phát ngôn của chính phủ lập tức phải đính chính rằng: hải quân chỉ đến thay nhau bảo vệ sân bay Phnôm Pênh. Việc đó rất cần. Mặc dù hiến pháp cho phép tổng thống Ford dùng nhiều biện pháp để bảo vệ người Mỹ ở nước ngoài, nhưng người ta đặt câu hỏi tổng thống có thể đi đến biện pháp gì ở Campuchia và Việt Nam. Luật được thông qua năm 1973 về quyền hạn lúc cấp thiết và việc chấm dứt ném bom ở Campuchia đã cấm tổng thống nhất thiết không được đưa quân đội đến Đông Dương nếu không có sự chuẩn y trước của quốc hội.
Trong khi quân Khmer đỏ khép chặt vòng vây chung quanh Phnôm Pênh thì một cố gắng không đâu được diễn ra, gây thành một cuộc xung đột trên sân khấu chính trị. Ngày 3 tháng 3, LonNol đề nghị một cuộc xuống thang để bảo đảm hòa bình như ông đã nói hồi tháng 7 và tháng 11 năm trước. Nhưng cũng như năm trước, việc đó không có kết quả. Quân Khmer đỏ đã gần thắng lợi hoàn toàn để có thể chấp nhận bất cứ việc gì.
Ở Hoa Thịnh Đốn, một số người ngày càng đông, nhất là trong quốc hội, tưởng mình là chuyên gia về Đông Dương, cho rằng chính phủ Hoa Kỳ tìm giải pháp chưa đúng chỗ. Đáng lẽ phải nói chuyện với những người đang tiến công, họ lại muốn Kissinger nói với Liên Xô và Trung Quốc giúp Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Campuchia và Việt Nam. Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết họ không tin vào giải pháp ấy, nhất là ở Campuchia. Lon Nol không còn gì trong tay để thương lượng. Nhân viên sứ quán Phnôm Pênh còn tỏ ra thật thà hơn! Đại sứ John Gunther Dean bình tĩnh nói với các nhà báo rằng, điều mong muốn tốt nhất là một cuộc đầu hàng có điều kiện.
Kissinger, về phía ông, lại muốn thêm càng nhiều lời càng tốt trong một tình hình xấu. Không phải ông bất đồng với Dean . Nhưng đã nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn, ông muốn hạn chế những hậu quả tai hại có thể có, đối với quyền lợi của Hoa Kỳ ở các nơi khác trên thế giới. Việc này đòi hỏi, theo ý ông, một sự độ lượng giả tạo của chính phủ Mỹ.
Trong những buổi họp mặt của ủy ban đối ngoại thượng nghị viện, trong tuần đầu tháng ba, ông trình bày chủ trương của ông. Nếu việc đó đúng thì chính phủ Lon Nol sắp sụp đổ, nhưng nhất thiết Hoa Kỳ cứ tiếp tục viện trợ, để mọi người sau này, không có thể đổ cho Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về thảm họa ấy. Tổng thống Ford công khai tuyên bố theo hướng đó và giải thích với các nhà báo rằng: hoãn viện trợ cho Campuchia hay cho Việt Nam trong lúc nghiêm trọng như thế này sẽ làm cho người ta nghi ngờ sự ngay thẳng của Hoa Kỳ và khuyến khích sự xâm lược.
Một số đại biểu quốc hội cũng như các nhà báo nhận thấy trong những lời tuyên bố trên, có việc quay trở về thuyết đomino của Johnson, nhưng che dấu tồi. Nhưng trên thực tế, Kissinger và tổng thống Ford có trong đầu một việc gì đó khẩn cấp hơn. Mấy ngày trước đó, tổng thống Ai Cập Anouar el Sadat đã bí mật báo cho các ông: ông ta nhận tìm những biện pháp thỏa hiệp mới của Trung Đông. Vì vậy, sự bảo đảm và cam kết của Hoa Kỳ cần cho công việc ấy .
Trước khi đi Trung Đóng ngày 7 tháng 3, để nối lại cuộc đàm phán ngoại giao, Kissinger chỉ thị cho các cộng tác viên: các ông hãy làm hết mức có thể có để quốc hội đồng ý viện trợ cho Campuchia và Việt Nam - làm việc ấy không phải vì có thể cứu vãn được hai nước ấy mà là vì không thể cứu vãn được!
Trong khi Kissinger chú trọng đến nơi khác thì mây mù nhanh chóng bao phủ lên Việt Nam. Cuối tuần đầu tháng 3, quân đội Bắc Việt Nam mở rộng việc tuyển và rèn luyện quân sự. Trong sáu tháng gần đây, số quân thâm nhập miền Nam lên tới hơn 63.000 người. Tăng gấp hai lần so với thời kỳ 1973 - 1974. Thâm nhập nhiều nhất là trong bốn tuần qua, kể cả việc tăng cường tiếp tế vào miền Nam.
Theo tin chúng tôi nhận được thì hơn một nửa quân tiếp viện chúng tôi theo dõi được, đóng trong vùng Sài Gòn và vùng đồng bằng. Số còn lại đi Tây Nguyên và ra bờ biển. Đối với Joe Kingsley, bản thân tôi và các đồng nghiệp ở phái bộ quân sự thì đó là chứng cớ chỉ rõ cuộc tiến công chính trong mấy tuần tới sẽ diễn ra ở nửa phía Nam nước này. Cái mà chúng tôi chắc không biết, là ngoài 63.000 quân, còn đầy đủ một sư đoàn, sư đoàn 316 đã vào miền Nam để tham gia cuộc tiến công thị xã Buôn Mê Thuột.
Các cơ quan tình báo của chúng tôi còn gửi nhiều tin khá lo ngại. Trong bốn tuần qua, lực lượng không quân Bắc Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cho máy bay đi đánh những mục tiêu ở Quân khu I nhiều máy bay Mía được gửi tới. Ngoài ra, một thứ trưởng ngoại giao Liên Xô cũng mới đến Hà Nội. Ở Sài Gòn, chúng tôi không thể nhận định được cái gì họ sẽ thảo luận với nhau, nhưng thấy viện trợ quân sự của Liên Xô cho Hà Nội ngày càng tăng, trong khi chúng tôi lại cho là có thể vị thứ trưởng này chỉ đến thăm xã giao Bộ Chính trị.
Quân đội Bắc Việt Nam mở đầu cuộc tiến công Buôn Mê Thuột trên Tây Nguyên ngày 1 tháng 3, bằng việc đánh chiếm làng nhỏ Đức Lập, một đồn duy nhất của Nam Việt Nam đóng xa, giữa biên giới Campuchia và thị xã. Nhiều đơn vị quân đội Bắc Việt Nam đánh nhiều vị trí tiền tiêu dọc đường số 19 giữa Pleiku và bờ biển, cắt hẳn con đường này. Ngày 4 tháng 3, việc duy nhất còn lại để hoàn thành giai đoạn đầu cuộc tiến công của ông Dũng, đó là việc đánh cắt đường số 14 giữa Pleiku và Buôn Mê Thuột. Nhưng ông Dũng muốn hoãn lại càng lâu càng tốt để không làm lộ lực lượng và nơi đóng quân. Một số phần tử quá sốt ruột của sư đoàn 320 quân đội Bắc Việt Nam chặn đánh một đoàn xe nhỏ trên đường ấy, thế là làm lộ nơi đóng quân.
Ở sở chỉ huy tướng Phú, tại Pleiku, trưởng ban tình báo nhanh chóng nói với Phú và nhận định rằng Buôn Mê Thuột sắp bị tiến công. Phú vẫn nghi ngờ, nhưng sau ông cũng quyết định gửi một trung đoàn đến làng Buôn Hồ, cách thị xã 10 kilômét về phía Bắc, để chặn một trung đoàn quân Bắc Việt Nam đã đóng ở đó.
Tình hình này làm ông Dũng xét lại kế hoạch. Nếu để đơn vị Nam Việt Nam mới đến mở rộng cuộc đánh thăm dò thì ông mất yếu tố bất ngờ. Như thế việc phải tiến công Buôn Mê Thuột chỉ còn là công việc trong 24 giờ.
Trong khi đó ở Sài Gòn, tôi làm xong một bản nhận định về chiến lược của quân đội Bắc Việt Nam cho Hoa Thịnh Đốn, trong đó tôi nêu rõ tất cả những gì chúng tôi biết về ý định của Bắc Việt Nam. Sau khi điểm lại cuộc leo thang vừa rồi về người và tiếp tế (trước chưa hề nhiều như thế) và giai đoạn đầu cuộc tiến công của cộng sản hồi tháng 12 năm 1974 và tháng 1 năm 1975 (mà phạm vi và mức độ vượt quá những trận đánh từ ngày ngừng bắn đến nay), tôi nhận định cho một thời kỳ ngắn. Tôi dự kiến, ít nhất sẽ có bốn sư đoàn Bắc Việt Nam định cô lập Huế và Đà Nẵng trong những tuần tới, còn những đơn vị khác sẽ đánh lấn ở những vùng bờ biển, phía Nam Quân khu I. Có thể đồng thời họ sẽ tiến công Quân khu II vào hệ thống đường sá ở phía Nam, phía Đông các thị xã Kontum, Pleiku và chung quanh Buôn Mê Thuột.
Mặc dù rất thiếu tin về một số vấn đề quan trọng tôi cũng đã dự đoán được, trên nét lớn, những việc Bắc Việt Nam sẽ làm trong những tuần tới. Có một điểm quan trọng nhưng tôi không mò ra: tôi không dự kiến được cộng sản sẽ đánh vào nơi nào đầu tiên. Tuy có chú ý đến những cuộc chuyển quân không bình thường ở phía Tây và phía Bắc Buôn Mê Thuột nhưng tôi nghĩ không nên vội kết luận một cách bi quan. Đáng lẽ nói là sẽ có cuộc tiến công vào thị xã, tôi dự đoán rằng cộng sản có ý định bao vây nó và cắt đứt mọi đường giao thông trong vùng. Đó là một sai lầm lớn do sự dốt nát của tôi.
Khi định làm bản báo cáo, tôi nhận thấy có ít tin tức về ý định của Bắc Việt Nam ở Tây Nguyên so với những nơi khác. Một trong những nguyên nhân chính đẻ ra tình trạng này là do tham nhũng ngay trong hàng ngũ CIA. Mười tám tháng trước, chuyên gia kế toán chi nhánh Sài Gòn đã khám phá thấy một trong những viên chức chính ở chi nhánh Nha Trang đã "quản lý tồi" dùng để xây dựng mạng lưới trên cao nguyên và những vùng khác ở Quân khu II. Viên chức này chỉ bị phê bình và đuổi về Mỹ, nhưng việc "quản lý tồi" của ông ta không thể sửa chữa được và những người thay ông ta không bao giờ có một mạng lưới điệp viên làm được việc.
Mùa Hè 1974, trùm CIA ở Quân khu II quyết định một cách dễ dãi, đóng cửa chi nhánh Buôn Mê Thuột nói là để tiết kiệm. Điều đó giải thích vì sao, lúc tôi bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ tin tức trong những tuần đầu tháng 3, tôi thấy tập hồ sơ về Tây Nguyên mỏng kinh khủng. Tôi chỉ còn biết làm một việc mà một người phân tích tin phải chịu trách nhiệm một mình: dự đoán nhưng ý định của kẻ thù. Và tôi đã hoàn toàn lầm lẫn.
Ngày 7 tháng 3, mấy giờ sau khi bản báo cáo của tôi được điện đi Hoa Thịnh Đốn, tôi bay đi Bangkok để gặp một số đồng nghiệp là chuyên gia về Bắc Việt Nam. Buổi chiều ấy, chúng tôi tìm hiểu ý đồ của Thiệu trước tình hình mỗi ngày một nguy ngập. Một đồng nghiệp muốn biết vì sao Thiệu không tính đến việc bỏ đất đai, nhờ đó ông ta sẽ tranh thủ được thời gian và củng cố lực lượng. Tôi trả lời một cách tự nhiên: "quân đội của ông không chịu nổi sự khó chịu về một cuộc rút lui chiến lược. Chúng rất vô kỷ luật và tan rã trong quá trình rút lui." Tôi còn ở xa sự thật quá nhiều.
Trong hai ngày nghỉ cuối tuần, tướng Dũng khép chặt vòng vây. Chiều 8 tháng 3, quân đội Nam Việt Nam hành quân chung quanh Buôn Hồ, phía Bắc Buôn Mê Thuột, để tiếp tục trinh sát. Tướng Dũng quyết định hành động không để cho địch phát hiện. Ông ra lệnh cho sư đoàn 320 triển khai cấp tốc đánh vào khu vực đường số 14 giữa Buôn Hồ và Pleiku. Vài giờ sau, đường bị cắt, quân đội Nam Việt Nam ở phía Nam Tây Nguyên bị tách rời khỏi lực lượng của Phú ở phía Bắc.
Lúc bấy giờ Phú mới hiểu ông phải làm gì. Ông ra lệnh đưa ngay cho một trung đoàn từ Pleiku xuống vùng Buôn Hồ - Buôn Mê Thuột. Nhưng chỉ còn một trong bốn máy bay lên thẳng khổng lồ CH-47 bay được. Ông ta xin Sài Gòn giúp đỡ. Không còn máy bay lên thẳng nào nữa. Sứ quán có lúc định huy động máy bay lên thẳng của hải quân Mỹ, nhưng hải quân không đồng ý, viện cớ như thế là vi phạm hiệp định Paris, hiệp định đã cấm mọi sự can thiệp mới của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh. Sáng ngày 9 tháng 3, tướng Dũng gửi một điện cho các đồng chí của ông ở Hà Nội, báo cáo kết quả chiến đấu giai đoạn một của chiến dịch đánh Buôn Mê Thuột. Phần cuối bức điện viết: ngày 10 tháng 3, ta sẽ đánh Buôn Mê Thuột. Mọi điều kiện đều đầy đủ.
Buổi trưa cùng ngày, lãnh sự quán Nha Trang gọi Walt Martindale, đại diện tỉnh Quảng Đức, phía Nam Buôn Mê Thuột, ra lệnh cho ông này chuẩn bị rút lui. vì chiến tranh diễn ra ác liệt giữa Quảng Đức và Buôn Mê Thuột nên lãnh sự quán sợ Martindale sẽ bị bắt. Nhưng viên sĩ quan trẻ này từ chối vì, anh ta nói, nếu anh rút thì sẽ lôi cuốn theo sự rút chạy của quân Nam Việt Nam ở Quảng Đức.
Trên phía Bắc, ngay trong thị xã Buôn Mê Thuột, Pal Struharick, đại diện lãnh sự quán ở đây, vừa nghỉ hè về, anh cố gắng tìm hiểu tình hình quân sự. Chiều 9 tháng 3, anh gọi lãnh sự quán Nha Trang và báo tin đi gặp tỉnh trưởng, cách chỗ anh mấy nhà, để kiểm tra lại những báo cáo mới nhất nói về cuộc chuyển quân của Bắc Việt Nam. Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của Struharick với lãnh sự quán trước khi Bắc Việt Nam tiến công.
Buôn Mê Thuột và những đồi chung quanh trông như bức tranh của Donanier Rousseau. Bố cục và màu sắc y như bố cục và màu sắc của những bức tranh hồi thế kỷ thứ 19, từ màu đỏ đất sét cao nguyên đến màu xanh rực rỡ của cây cà phê rừng rậm. Vùng này từ lâu nổi tiếng yên tĩnh ở Việt Nam, sự yên tĩnh làm cho tôi ngạc nhiên. Chiến tranh lan tới Buôn Mê Thuột từ năm 1968. Từ ngày ấy, hầu hết 150.000 dân trong tỉnh - những người trồng trọt Việt Nam, Trung Hoa, Pháp, Italia - đều thỏa hiệp ước với cộng sản địa phương, để giữ gìn hòa bình.
Một thú vui ở thị xã là đi thăm nhà sàn của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam. Đó là một cơ ngơi lớn bằng gỗ mái nhọn, trồng nhiều thông, giống như một quán rượu cổ xưa. Một nơi khác được nhiều khách đến là một bar lâu đời, cũ kỹ, ở giữa thị xã gọi là Bạch Thử. Chiều thứ bảy và sáng chủ nhật, những người trồng trọt đến đây uống một cốc bia trong khi vợ họ đi chợ ở trung tâm thị xã. Nếu bạn ở bar này ngày 9 tháng 3, thì bạn sẽ nghe nói ngay đến việc chuyển quân của lực lượng cộng sản chung quanh thị xã. Nhưng những người trồng trọt chỉ nói chuyện với nhau, không nói với nhà chức trách Việt Nam tại địa phương. Họ sợ Việt cộng biết. Những điều họ biết không vượt ra ngoài đám người chung quanh "bar".
Trước rạng đông 10 tháng 3, cộng sản tấn công thị xã, từ phía Bắc và phía Tây, tập trung đánh vào sân bay và kho để vũ khí. Lúc đó, quân đội Nam Việt Nam chỉ có hai tiểu đoàn, không đến 1.200 binh lính ở trung tâm thị xã và hai tiểu đoàn ở phía Bắc, cùng với gần một trung đoàn và một số đơn vị dân binh để tiếp viện. Trước đó, tướng Dũng huy động ba sư đoàn thiện chiến, 25.000 binh lính, trang bị đầy đủ, cả pháo binh. Trong những giờ đầu cuộc tiến công, máy bay Nam Việt Nam có đến yểm trợ cho những người bảo vệ thí xã. Nhưng, cũng như ở trận Phước Long, mấy tuần trước, những cuộc bắn phá của máy bay nguy hiểm đối với quân Nam Việt Nam hơn là đối với quân đối phương. Như thường lệ, bay cao 3.000 mét để tránh pháo phòng không cộng sản, phi công ném bom vu vơ, trúng cả vào vị trí chỉ huy quân Nam Việt Nam ở trong thị xã. Sau đó, quân Nam Việt Nam tan rã. Lực lượng chính qui cũng như quân địa phương lần lượt bỏ vị trí.
Tướng Dũng viết trong hồi ký: "Năm giờ chiều ngày 10 tháng 3, chúng ta đã chiếm và không chế được phần lớn thị xã và chuẩn bị tiến công sư đoàn bộ, sư đoàn 23. Ngay từ đầu, pháo binh địch đã bị tê liệt, không quân không có hiệu lực. Sau khi chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23, ta tràn qua hậu cứ của sư đoàn 45. Tiếp đó, giải quyết xong các khu quân cảnh, cảnh sát truyền tin, trường huấn luyện địa phương quân. Về cơ bản, ta giải quyết xong Buôn Mê Thuột lúc 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3 năm 1975. Chúng tôi mừng rỡ không sao kể xiết. Bộ đội hết sức phấn chấn. Một thị xã to như vậy mà đánh trong hơn 32 giờ đã xong. Đúng là sức mạnh của ta bây giờ quân địch không tài nào chống cự nổi...".
Trong khi trận đánh kết thúc thì chính phủ Sài Gòn chưa có một ý niệm rõ ràng về những sự kiện đang xảy ra. Không phải là trước ngày 14 tháng 3, họ biết được tin thị xã Buôn Mê Thuột đã mất. Nguồn tin duy nhất họ biết là từ những bức ảnh do không quân Mỹ và người Nam Việt Nam chụp. Những bức ảnh ấy gần như không nói với chúng tôi cái gì cả. Tôi nhớ có xem một vài tập ảnh một, hai ngày sau khi Bắc Việt Nam mở cuộc tiến công: thấy khói và đổ vỡ ở sân bay, phần còn lại trong thị xã có vẻ yên tĩnh, một vài xe tăng đỗ ở chợ chính, gần "bar" Bạch Thử, một vài người từ từ di xe đạp chung quanh. Từ những chứng cứ nghèo nàn ấy, chúng tôi cho rằng lực lượng chính phủ đã đẩy lùi được đuợc tiến công. Nhưng điều ngược lại mới là sự thật. Thị xã đã ở trong tay quân Bắc Việt Nam. Do sự bất lực của chúng tôi trong việc theo dõi diễn biến của trận đánh nên chúng tôi đã không cứu được những người phương Tây bị vây hãm trong thị xã; tám mục sư Mỹ, một người Úc và Pault Struharick, đại diện lãnh sự quán.
Khi tướng Dũng cho đoàn xe tăng đầu tiên vào Buôn Mê Thuột, những người phương Tây đều trú ẩn ở trụ sở của USAID và sở chỉ huy tỉnh, ở đấy có nhiều lương thực dự trữ. Vào khoảng tám giờ sáng hôm ấy, Struharich gửi một điện bằng rađio cho lãnh sự bán Nha Trang báo tin anh và các bạn anh bị xe tăng Bắc Việt Nam vây hãm. Lãnh sự quán đã cho một máy bay lên thẳng đến cứu nhưng pháo phòng không cộng sản không cho phép máy bay đáp xuống.
Khi quân của tướng Dũng chiếm được chiến lũy cuối cùng thì Struharick và những người trên bị bắt. Bắc Việt Nam coi họ là những tư lệnh chiến tranh, giữ họ tám tháng, người ở Buôn Mê Thuột, người Ở Pleiku trên phía Bắc. Struharick bị nghi là nhân viên tình báo CIA được giam riêng cẩn thận nhưng được đối đãi tử tế. Thức ăn còn hơn thức ăn của lính Bắc Việt Nam.
Cuối cùng, đầu mùa Thu 19~5, Bắc Việt Nam kết luận rằng mười tù binh của họ chỉ là những khán giả vô thưởng vô phạt và thả họ ra cả. Khi tin Buôn Mê Thuột mất được chính thức công nhận thì Kissinger đang bay từ Le Caire đến Tel Aviv. Ông vừa ngạc nhiên vừa bực mình. Theo những cộng tác viên của ông, thì ông không có vẻ gì cho đó là bước ngoặt không may của những sự kiện đưa đến một cuộc khủng hoảng trầm trọng của Nam Việt Nam. Theo ông, Buôn Mê Thuột không phải là quan trọng nhất đối với nền an ninh của nước này. Thị xã được rút bỏ có ý thức, theo một kế hoạch của chính phủ để chấn chỉnh lại mọi hoạt động sau này!
Trong khi những hậu quả chính trị của thất bại này làm rung chuyển Sài Gòn thì Pat, Joe và tôi bắt đầu coi mình như những người chạy trốn dưới làn đạn liên thanh. Một làn sóng tin tức tràn đến. Sau giờ làm việc, chúng tôi phải ở lại bàn giấy để chỉnh đốn lại những bản đồ quân sự cho kịp thời và nhận định tình hình. Thật vậy, lúc tướng Dũng và quân của ông nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu quan trọng nói trên thì khắp nước này, bất thình lình, chiến tranh lan rộng nhanh chóng.
Ngày 8 tháng 3, quân du kích Việt cộng, đánh 15 ấp rải rác giữa Quảng Trị và Huế, ở Quân khu I. Ở phía Nam Quân khu này, quân Bắc Việt Nam bao vây hai thị xã trong tỉnh Quảng Tín. Và trận tiến công dự kiến vào tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc Sài Gòn, bất thình lình nổ ra, trong khi đó những đơn vị cộng sản khác lại đánh một thị xã thứ ba, ở phía Đông thị xã Tây Ninh.
Như vậy, một, hai ngày sau cuộc tiến công Buôn Mê Thuột, quân chính phủ mất hết quyền chủ động trong cả nước và bộ tổng tư lệnh Sài Gòn rất bối rối trong việc tìm cách thoát khỏi tình hình. Sĩ quan duy nhất có ý kiến tốt tiếc thay lại đi vắng. Ngày 11 tháng 3, tướng Đồng Văn Khuyên, tổng tham mưu trưởng quân đội - một người đặc biệt thân Mỹ - đi Nhật Bản thăm bố vừa phải mổ vì ung thư. Khuyên đi vắng một tuần. Thế là không sử dụng được kinh nghiệm chiến đấu của ông và mối quan hệ tốt giữa ông ta với Mỹ. Sự vắng mặt của Khuyên không phải là việc duy nhất chính phủ phải giải quyết. Thiệu tự đặt cho mình nhiều vấn đề.
Bực mình về cuộc tiến công bất ngờ vào Buôn Mê Thuột, ông bắt đầu chửi rủa các sĩ quan tình báo, cho họ đã đánh lừa ông ta, nhất là đối với đại tá Lê Văn Lương, trưởng ban tình báo của bộ tổng tham mưu. Lương không có tội như phần lớn chúng tôi. Nhưng Thiệu cho là Lương bất lực. Thiệu mắng hẳn vào mặt Lương rồi không thèm nói gì với Lương nữa. Những người giúp việc Thiệu từ đấy mất lòng tự tin và cơ quan tình báo của quân đội bị coi như không có trong những tuần cuối cùng cuộc chiến tranh.
CHIẾN LƯỢC "CỐ THỦ"
Mặc dù có những sai lầm về chiến thuật, Thiệu chưa hẳn là thột gã giở người. Ông đã đọc chiến tranh nhân dân, đã chỉ huy quân đội đang đánh nhau. Với nhận thức của một cựu chiến binh, Thiệu biết rằng mục tiêu cuối cùng của những cuộc tiến công của cộng sản là cô lập Sài Gòn và phân tán quân đội Nam Việt Nam.
Bảo vệ Sài Gòn chỉ có ba sư đoàn trên phòng tuyến thứ nhất với hai lữ đoàn mới thành lập (một lữ đoàn lính thủy đánh bộ, một lữ dù yểm hộ) và một nhóm quân tuần tiễu. Rất ít, trước sáu sư đoàn hiện có của quân đội Bắc Việt Nam. Ngày 12 tháng 3 Thiệu đánh điện ra lệnh cho tướng Trưởng ở Đà Nẵng thay đổi kế hoạch và cho ngay một sư đoàn lính dù về Sài Gòn.
Sáng hôm sau, Thiệu hợp hội đồng an ninh, phố biển mót quyết định còn quan trọng hơn. Sau mấy tháng thảo luận và từ chối, ông ta quyết định làm theo lời khuyên của nhiều cộng tác viên: bỏ qua những vùng cằn cỗi của đất nước, một phần Quân khu I và Quân khu II để tập trung lực lượng vào những vùng quan trọng nhất: chung quanh Sài Gòn. Thiệu gọi chiến lược này là chiến lược cố thủ, quyết tâm giữ phần đất còn lại.
Thủ tướng Khiêm và chuyên gia của ông ta nghiên cứu chiến lược này hai tuần. Thoạt tiên, chỉ là một cuộc tập dượt đế tìm giải pháp lâu dài và xem có những khó khăn rắc rối gì trong việc rút quân từ từ như tướng Trưởng đã làm ở Quân khu I.
Mấy ngày trước khi Buôn Mê Thuột thất thủ, bộ trưởng tài chính của Thiệu đã gặp Dan Ellerman, phụ trách tài chính ở sứ quán Mỹ. ông đặt một số câu hỏi mà giới lân cận ông ta đang trao đổi: Martin có đồng ý rút bỏ một số đất đai không? Ở Hoa Thịnh Đốn đã thảo luận vấn đề này chưa? Ngày 11 tháng 3, trong khi Buôn Mê Thuột đang sống những giờ cuối cùng, Ellerman trả lời: Việc bỏ hay không một phần lãnh thổ là việc của người Việt Nam tự giải quyết. Dù các ông làm việc gì, thế giới cũng phải tôn trọng cách giải quyết tốt của các ông.
Bức thư không chỉnh ấy, không cam kết một điều gì. Nhưng nó cho phép Thiệu quyết định dứt khoát. Nếu người Mỹ có thể hờ hững với một vấn đề quan trọng như vậy thì việc ông làm sẽ không động chạm đến họ. Việc gì phải bám lấy mảnh đất chỉ vì một lý do đơn giản là để khỏi làm mất lòng người Mỹ. Do đó, Thiệu quyết định thay đổi chiến lược. Không cần phải giúp đỡ gì, đó là chiến lược "Cố Thủ".
Vì thay đổi chủ trương quá nhanh, Thiệu không còn kịp nghĩ đến những hậu quả thực tế. Sáng 13 tháng 3, Thiệu phổ biến quyết định của ông ta làm cho ai cũng ngạc nhiên. Khiêm và Viên thật ra muốn đặt một số câu hỏi thiết thực nhưng tiếc thay họ lại nghĩ rằng Thiệu đã chú ý đến quan điểm của họ và lúc này đây, không phải là lúc tranh luận. Thiệu nói: Không có ai hỏi gì à? Thế thì sang điểm khác của chương trình họp: phản kích ngay ở Buôn Mê Thuột. Có vẻ, ông ta đã có dự kiến về vấn đề này. Trước hết phải xem có thật thị xã đã mất không (không một sĩ quan tình báo nào của ông có thể khẳng định việc này). Nếu thất thủ thật sự thì làm mọi cách để giành lại. Ai giữ được Buôn Mê Thuột thì đồng thời kiểm soát được đường vào phía Tây Sài Gòn.
Viên, khó chịu, ngồi không yên. ông ta nói chắc chắn rằng là Buôn Mê Thuột có một tầm quan trọng lớn. Nhưng tướng Phú còn làm gì được nữa? Sư đoàn duy nhất không bị thương vong ở Tây Nguyên của Phú đã rải ra khắp nơi. Ở Buôn Mê Thuột, nhiều trung đoàn bị đánh tan tác coi như bị tiêu diệt. Có thể thả dù xuống hai trung đoàn để tiếp viện nhưng như thế thì bỏ trong Pleiku và Kontum. Không còn quân trù bị để lấp lỗ trống.
Thiệu ngồi một lúc, hai tay chắp vào nhau, để dưới cằm. Viên nói đúng: không còn quân trù bị. Những đơn vị của Phú bị căng ra như mặt trống. Ông ta đảo mắt nhìn chung quanh bàn họp, xem có ai phản ứng gì không. Không có. Tất cả, rất xu nịnh, đều đồng ý với ông ta. Ở bước ngoặt lịch sử của cuộc chiến tranh, ông ta cho tay vào túi, xoa cuống họng và trong tiếng thở dài, tuyên bố quyết định. Ông ta nói: Phải bỏ Pleiku và Kontum thôi. Cuộc rút lui chiến lược bắt đầu từ hai tỉnh ấy.
Gian phòng yên lặng. Thiệu nói tiếp: Một cuộc rút lui như thế rất hợp lý và cần thiết, sẽ giải phóng được lực lượng để cứu Buôn Mê Thuột. Chìa khóa mọi cái nằm ở Buôn Mê Thuột. Ngạc nhiên và lo sợ nhưng cộng tác viên của Thiệu không hề phản đối. Không có cả thảo luận. Cuối cùng Thiệu còn ra lệnh cho mọi người phải kín, không được nói cho ai biết kế hoạch mật này, nhất là không được nói với người Mỹ, họ có cơ hội để giúp ta, họ không làm, họ đã phản bội ta!
Xế chiều, Thiệu gặp Trưởng đi máy bay từ Đà Năng về. ông ta tiếp Trường một cách lạnh nhạt vì biết trước rằng viên tư lệnh Quân khu I chỉ về với mỗi lý do: xin bỏ quyết định điều sư đoàn dù về Sài Gòn. Không thể được. Chiến lược mới cố thủ không cho phép làm việc ấy. Sư đoàn dù nhất thiết phải về ngay Sài Gòn.
Nhưng Trưởng rất lỳ. Hàng trăm lần, ông ta giải thích rằng quân của ông ta đang bị uy hiếp nặng. Vội vàng rút sư đoàn dù sẽ tạo cho nhiều lỗ hổng trong phòng tuyến bảo vệ của ông ta. Ông phải thay đổi. Nói rõ hơn, sẽ phải bỏ thị xã Quảng Trị, chiến trường đẫm máu năm 1968, mất đi rồi giành lại năm 1972. Không thể điều sư đoàn lính thủy đánh bộ ra bảo vệ được, họ phải kẻo về Huế và Đà Nẵng để thay sư đoàn dù.
Thiệu cúi đầu, có vẻ dễ hiểu nhưng ông ta chỉ có một nhượng bộ. ông ta nói: Việc rút sư đoàn dù có thể chậm lại nhưng chỉ đến lúc Trưởng bố trí lại phòng tuyến bảo vệ. Trên cao nguyên phía Tây, trong sở chỉ huy của tướng Dũng, các sĩ quan và mọi người làm việc 24 trên 24 giờ để báo cáo kịp thời mọi việc xảy ra trên đất nước. Sau này, tướng Dũng viết: "Vẽ bản đồ không kịp bước quân đi. Bản đồ đầy những vòng tròn và dấu chữ thập đỏ đánh dấu những nơi đã tiêu diệt địch và những mục tiêu chiến lược. Chuông dây nói không ngừng kêu... Các đồng chí công tác tại sở chỉ huy yên lặng làm việc và đi lại. Các đồng chí ấy phân phối thuốc lá hậu phương vừa gửi vào.
Chỉ hai tuần trước đây, tướng Dũng được cử vào miền Nam với mục đích duy nhất: chỉ đạo trận tiến công Buôn Mê Thuột. Nhưng nay, các phòng tuyến của Nam Việt Nam đều vỡ. Tướng Dũng quyết định mở rộng các mục tiêu. Trong những tháng cuối của cuộc chiến tranh, thường những quyết định của vị tư lệnh này chỉ do một tin tốt của tình báo tạo nên. Trong những giờ cuối của trận tiến công Buôn Mê Thuột, quân của ông bắt sống viên phó tư lệnh sư đoàn 23 Nam Việt Nam, một viên sĩ quan vừa nắm được tình hình vừa nói quá nhiều. Ông ta không trực tiếp biết chiến lược cố thủ, nhưng ông biết lôgic của vấn đề.
Trong cuộc hỏi cung, ông đã nói rằng chắc chắn Thiệu phải bỏ Pleiku và Kontum đồng thời bỏ Qui Nhơn, thành phố ven biển. Lực lượng không quân đã tan rã và mất tinh thần, nếu sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ thuộc Quân khu I bị đánh tan thì đó là cả quân đội Nam Việt Nam đổ sụp. Tướng Dũng rất mừng nên ngày 11 và 12 tháng 3 ông điện ra Hà Nội cho các đồng chí của ông những đề nghị táo bạo: không những giữ Buôn Mê Thuột với bất cứ giá nào mà còn mở rộng cuộc hành quân sang phía Đông Bắc Pleiku để cô lập Pleiku với Kontum và chiếm lấy Tây Nguyên. Ông đề nghị đánh chiếm phía Bắc Huế, ở Quân khu I để Thiệu không thể điều sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ lên mặt trận Tây Nguyên. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn về những đề nghị của tướng Dũng. Như ông viết trong hồi ký, chỉ hai ngày sau có quyết định tập thể cuối cùng...
Theo kế hoạch mới, tướng Dũng phải hoàn thành việc tảo thanh chung quanh Buôn Mê Thuột, rồi đánh phía Bắc, cắt các đường giao thông quan trọng đồng thời đánh chiếm những thị xã có vị trí chiến lược.
Theo dự kiến của Bộ Chính trị, Sài Gòn phải chọn giữa việc tập trung lực lượng ở Pleiku hay rút lui chiến lược và bỏ hoàn toàn Tây Nguyên, chắc là bỏ Tây Nguyên. Những đề nghị của tướng Dũng về việc phối hợp chiến trường cũng được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chuyển thành chỉ thị gửi đến các quân khu chấp hành.
Ít lâu sau thất bại Buôn Mê Thuật, một nhân viên tình báo của chúng tôi nghe lóm được cuộc nói chuyện giữa hai sĩ quan quân đội Bắc Việt Nam. Một người hỏi: "Chúng ta tiếp tục tiến xa bờ biển hay dừng lại vì mùa mưa? Người kia trá lời: Tiếp tục tiến ra bờ biển. Không thể dừng lại". Đó là dấu hiệu báo tin quân đội Bắc Việt Nam sắp mở một cuộc tiến công rộng lớn.
Trong khi sứ quán phân tích tin mới này thì người Mỹ sống và làm việc ở Tây Nguyên, gần chiến tuyến tìm nơi trú ẩn. Ngày 12 tháng 3, hai ngày sau cuộc tiến công Buôn Mê Thuột, Walt Martindale, đại diện lãnh sự quán ở phía Nam tỉnh Quảng Đức, nhận được lệnh bỏ hết để rút nhanh. Viên chức lãnh sự quán Pleiku cũng chuẩn bị ra đi. Lúc biết tin cuộc tiến công ồ ạt vào Buôn Mê Thuột, Earl Thieme, một viên chức 50 tuổi phụ trách cơ quan USAID ở địa phương, vội vàng nghiên cứu lại kế hoạch tản cư mà ông thấy chưa ổn. Ông không dự kiến được nhân dân địa phương có thể không tuân lệnh mà ở Pleiku có tới 60.000 dân, một nửa là người Kinh, một nửa là người Thượng, thị xã này giống như một thùng thuốc súng.
Trong khi đó sĩ quan quân đội và không quân Việt Nam đã vội vàng cho vợ con chạy ra khỏi thị xã, càng nhanh càng tốt. Ngày 12 tháng 3, Thieme và một số nhân viên họp bàn để hoàn thành kế hoạch tản cư mới cho phù hợp với tình hình nóng bỏng lúc bấy giờ. Xế chiều, một nhân viên bay về Nha Trang đưa kế hoạch cho lãnh sự quán. Sáng hôm sau, một viên chức CIA gọi dây nói cho thủ trưởng là Howard Archer, trùm CIA ở Quân khu II. Ông này cho biết: Pleiku đã nhanh chóng biến thành một thị xã ma, cần cấp tốc tản cư người Mỹ.
Archer đề nghị báo ngay cho tổng lãnh sự. Tổng lãnh sự là Monrcieff Spear, một người mảnh, cao, kiêu ngạo, vẻ mơ màng, không thuộc loại viên chức cần được quân sự hóa mà tình hình nghiêm trọng ớ Quán khu II lúc ấy đòi hỏi. Ông không thích Việt Nam mà cũng chẳng tin cuộc chiến tranh kéo dài này. Thực tế, ông không muốn đến đây. Trong 18 tháng ở Nha Trang ông không tỏ ra có một năng lực gì để điều khiển công việc. Đại sứ không dành cho ông khả năng phát huy sáng kiến. Ít lâu sau khi đến đây, Spear đã phạm sai lầm là lưu ý sứ quán đến tình hình mất an ninh ở Tây Nguyên. Martin đã nhắc nhở ông và cho rằng ông quá bi quan. Từ đó, Spear chấp hành nghiêm chỉnh mọi ý kiến của đại sứ.
Tuy vậy, cuộc tiến công Buôn Mê Thuột cũng bất ngờ đối với ông. Khi biết rõ Struharich và những người Mỹ khác đã đi khỏi rồi, Spear mới tự đặt cho mình nhiều câu hỏi hắc búa. Tiếp tục xem tình hình một cách bình tĩnh và khôn ngoan như ý ông Martin hay đã đến lúc phải có sáng kiến riêng?
Ngày 13 tháng 3, sau khi nghe Archer và nhân viên CIA ở Pleiku nói, Spear mới thấy rằng khôn ngoan thì đi theo câu thứ hai. Vừa nói chuyện xong, ông quyết định cho tản cư ngay những nhân viên không cần thiết.
Sáng hôm sau, Spear và cộng tác viên của ông được nguồn tin Nam Việt Nam báo cho biết con đường chính ra khỏi Tây Nguyên về phía Nam đã bị cắt và hàng nghìn người tị nạn đang chen chúc trên những con đường phụ đi ra biển. Mấy giờ sau Archer báo cho sứ quán ở Sài Gòn, ông cho một máy bay lên thắng và một đoàn phi hành đến Phước An, phía Đông Buôn Mê Thuột, để xem tình hình cuộc rút chạy.
Những kẻ quá hăng trong chi nhánh CIA ở Sài Gòn khen ngợi hành vi dũng cảm ấy, đúng là truyền thống của ngành mình. Khi John Pittman, phó của Polgar hỏi ý kiến tôi, tôi không giấu được vẻ ngạc nhiên. Tôi trả lời lực lượng Bắc Việt Nam tiến rất nhanh mà tin tức của chúng ta thì thường không kịp thời, không hiểu lúc này Phước An có còn ở trong tay quân Nam Việt Nam không? Cuối cùng Pittman đồng ý với tôi và cấm Archer cho máy bay lên thắng đi. Thật đúng lúc vì mấy giờ sau, Phước An bị bắn phá dữ dội và bị bao vây chặt.
Sáng 14, trời nóng và hanh, rõ là mùa khô. Từ Sài Gòn, nếu bay đi vịnh Cam Ranh, trên bờ biển miền Trung, mất gần một giờ. Qua cửa máy bay có thể nhìn thấy rõ mặt trời chiếu xuống biển Đông như tấm mi ca đặt trên đá xám. Tổng thống Thiệu, một mình đọc những bản báo cáo từ mặt trận gửi về trong suốt cuộc hành trình. Thủ tướng Khiêm, tướng Quang và tướng Viên bình tĩnh nói chuyện với nhau ở bên kia hành lang.
Thiệu quyết định đi Cam Ranh để báo cho Phú, tư lệnh Quân khu II, chiến lược mới "Cố Thủ". Thiếu tướng Phạm Văn Phú từ lâu là một viên tướng được Thiệu ưa thích.
Binh nhì trong quân đội Pháp, ông ta đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất ở Đông Dương. Bị bắt Ở Điện Biên Phủ với quân Pháp, ông ta bị giam trong trại tù binh của Việt Minh. Ở đây, theo nhận xét của cộng tác viên của ông ta, ông ta bị yếu đi và mất vẻ bình tĩnh (bị ho lao). Những năm sau, ông ta làm việc bên cạnh Thiệu, cùng với Thiệu tiến lên trong quân đội Sài Gòn do người Pháp huấn luyện và được người Mỹ bảo trợ. Trở thành tổng thống, Thiệu giao cho người bạn cũ những nhiệm vụ quan trọng trước khi bổ nhiệm ông ta làm làm tư lệnh Quân khu II, thay Nguyễn Văn Toàn vào mùa Thu 1974.
Phú tự nhiên thấy mình chưa xứng đáng để nhận chức vụ ấy. Ông ta không phải là cán bộ tham mưu. Được đi huấn luyện bay, được đi tập trận ngắn ngày thì thấy dễ chịu hơn là phải ngồi nghiên cứu tính toán kế hoạch chiến lược. Những người biết ông ta từ lâu nói rằng ông ta có một nhược điểm lớn là rất sợ phải chiến đấu tại chỗ và bị địch bắt... Tướng Toàn, cựu tư lệnh Quân khu II là một tên quân phiệt phong kiến, chiếm đất làm ấp, ăn của đút lót, yêu thích ai thì cho người ấy chỗ việc làm tốt. Nay ông ta là tư lệnh Quân khu III. Phú do đó, có dưới quyền những sĩ quan bất lực, không chăm sóc binh lính, không dấu được vẻ khinh bỉ đối với người Thượng chiếm số đông trong quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên. Những thiếu sót về cán bộ, cộng với những nhược điểm của Phú, đương nhiên, chỉ ~ đưa đến thảm họa.
Ở Cam Ranh, Phú cố tình trình bày tình hình với chiến hữu cũ. Ông ta nói với Thiệu: Lực lượng địch gồm bốn sư đoàn nay đang tỏa khắp vùng từ Pleiku đến Buôn Mê Thuột. Mọi đường đi ra bờ biển đều bị cắt. Với lực lượng ông ta có trong tay, ông chỉ giữ được Tây Nguyên trong một, hai tháng với điều kiện được không quân yểm trợ tối đa, tiếp tế bằng không vận đầy đủ nhu cầu về vật liệu, vũ khí, đạn dược, bổ sung quân số đủ bù số thiệt hại nặng vừa qua.
Nghe những ý kiến ấy Thiệu tối mắt, như nằm trong mộng. Sau đó, ông ta nhìn Phú và lắc đầu: Không có gì hết, không có người, không có thiết bị để cung cấp cho anh. Quân đội đang bị phân tán một cách nguy hiểm ra khắp đất nước, lực lượng dự trữ cần được đưa về giữ những vùng cần bảo vệ. Không có phương tiện gì để tiếp viện cho việc bảo vệ Kontum và Pleiku cho nên phải rút khỏi hai tỉnh ấy, để bảo toàn lực lượng, lấy quân đưa về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn và từ đó phản công lấy lại Buôn Mê Thuột.
Phú không tỏ ra phản ứng gì. Có lẽ hơi gật đầu, thế thôi. Cũng như trước, ông ta là chiến hữu của Thiệu, tận tụy và vâng lời. Thấy Phú đã hiểu. Thiệu hỏi tiếp một vấn đề quan trọng: Rút bằng đường nào? Đường 19 chạy giữa Tây Nguyên và đường 14 đi xuống Quân khu III đều bị chặn nhưng có thể phá được. Giữa hai đường, Phú chọn đường nào? Đến đây, Viên nói xen vào: Không đường nào quân đội của Phú có thể giải tỏa được. Chỉ còn đường 7B, một con đường cũ của sơn tràng đi về phía Đông, qua cái rốn của vùng này là tỉnh Phú Bổn. Viên hỏi Phú về khả năng rút theo đường đó. Tư lệnh Quân khu II, một lần nữa, lại sẽ gật đầu. Hội nghị sắp bế mạc, Phú hỏi:" bao giờ phải rút?". Thiệu tránh không trả lời. Ông chỉ nói: Việc đó do Phú quyết định. Thiệu chỉ yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật quyết định cuối cùng.
Không lực lượng địa phương nào, không người Thượng nào ở Kontum và Pleiku được biết. Sẽ có nhiều nguy hiểm. Họ sẽ phản bội. Diễn biến của buổi họp, những vấn đề đưa ra thảo luận hết sức nông cạn và qua loa, và được giải quyết, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của chiến tranh. Bản thân Thiệu đã nêu ra ý kiến này và ông dễ dàng bỏ qua một việc quan trọng là định ngày rút lui và quên hẳn số phận người Thượng là xương sống của quân đội Phú.
Còn tướng Viên, vì sao không nêu ra những thiếu sót trong lập luận sai lầm của Thiệu? Dù sao, Viên cũng đánh một đòn hiểm vào kế hoạch rút chạy khi ông ta chọn con đường 7B mà chưa hiểu rõ đường ấy có còn đi được hay không. Đường ấy chắc chắn đã đưa quân của Phú đến chỗ bị tiêu diệt. Hội nghị Cam Ranh vừa họp xong thì sĩ quan tham mưu của Phú lại họp để làm kế hoạch rút lui. Họ quyết định để lại một phần sở chỉ huy ở Pleiku.
Trong khi đó lãnh sự quán Mỹ vội vàng chuẩn bị cho di tản nhân viên người Mỹ và nhiều nhà kinh doanh Pháp, một nhóm thầy thuốc New Zealand và khoảng năm trăm người Việt Nam làm việc trực tiếp với người Mỹ. Tổng lãnh sự Spear đồng ý lấy máy bay chở thư hàng ngày để chở người tản cư.
Ờ Sài Gòn, tướng Homer Smith, tùy viên quân sự, như thường lệ, chiều thứ sáu đến thăm tướng Viên vừa từ Cam Ranh về. Viên, tươi cười và lạc quan, không hề nói gì về quyết định mới này.
Buổi tối, tướng Phú trở lại Pleiku, họp ngay với các chỉ huy đơn vị, phổ biến nhiệm vụ mới. ông ta xúc động và chỉ nói những nét lớn. Việc duy nhất ông ta quyết định là giao cho thiếu tướng Phạm Duy Tất điều khiển cuộc rút lui. Ông ta bảo Tất ra lệnh cho tất cả các đơn vị chính qui (chứ không phản là lực lượng không chính qui) và dân vệ chuẩn bị rút ngay lập tức. Nhưng ông ta cho hoãn về sau việc đốt những kho nhiên liệu sợ gây hoang mang trong nhân dân địa phương. Ông nói rõ rằng: "Ngay người Mỹ cũng không được biết tin này". Sau đó, ông về nhà, chuẩn bị hành lý.
Hôm sau, sáng thứ bảy, một buổi sáng như thường lệ ở sứ quán, chúng tôi đến làm việc sớm chỉ vì làm nửa ngày, chúng tôi mong trời đủ nắng để có thể ở bên bể bơi cả buổi chiều. Đại diện lâm thời Lehmann, thay Martin đi gặp Thiệu ở dinh tổng thống một buổi sáng. Họ trao đổi với nhau những chuyện không đáng kể. Trong lúc ấy, Polgar gặp tướng Quang một lúc ở phủ đầu rồng. Một buổi gặp bình thường. Quang nói về sự lo lắng của mình đối với trận Buôn Mê Thuột, nhưng không hề nhắc đến kế hoạch của chính phủ về lãnh thổ còn lại ở Tây Nguyên. Polgar không có cớ gì để nghĩ rằng viên tướng này giấu ông một điểm gì đó. Ông trở về sứ quán khoảng chín giờ rưỡi, chắc chắn rằng đã hoàn thành nhiệm vụ trong ngày.
Tại sở chỉ huy của Phú Ở Pleiku, cuộc trao đổi buổi sáng diễn ra như thường lệ. Cũng như mọi khi, một nhân viên tình báo CIA dự buổi trao đổi. Anh ghi những lời phát biểu ý kiến. Không có lúc nào, người phát ngôn Việt Nam nêu một điểm gì để làm cho người nghe có thể nghĩ đến cuộc rút lui hoàn toàn quân đội sẽ diễn ra trong mấy giờ tới.
Một lúc sau, Thieme đến sở chỉ huy của Phú, báo cho ông ta biết những người Mỹ mà sự có mặt ở đây không có ích, sắp ra đi. Bực mình, tức giận, Phú không phản đối và cũng không nói gì về kế hoạch rút lui của ông ta. Gần một giờ sau, tư lệnh Quân khu II dừng chân trước trụ sở Chỉ huy nằm giữa thị xã Pleiku, để lấy vali. Rồi cùng với một số cộng tác viên lân cận, ông ta bay đi Nha Trang, không nói rõ cho ai biết. Ông chỉ bảo một người tiễn rằng ông ta ra bờ biển để chuẩn bị tốt cho việc tản cư.
Những người dưới quyền ông ta, còn ở lại, khi biết ông đã đi rồi, đều quyết định không tuân lệnh ông ta nữa, ai cũng chỉ lo lấy thân mình. Trong lúc đó, sự thật đáng buồn là những quyết định ở Cam Ranh hôm trước bắt đầu lộ ra ngoài. Sau cuộc họp buổi sáng, một nhân viên của chúng tôi nằm ở bộ phận tham mưu của Phú báo cho sĩ quan chúng tôi ở địa phương biết cuộc rút bỏ hoàn toàn Tây Nguyên. Anh này ngạc nhiên quá, đến mức quên cả báo cáo lại với Thieme hay một đồng nghiệp khác của ông. Đáng lẽ làm như thế, anh lại báo cáo cho Archer ở Nha Trang. Trong điện, anh kể rõ mọi chi tiết và đề nghị giải thích.
Đến mười giờ sáng, tôi đến gặp Polgar ở phòng làm việc. Ông đang nói chuyện với một quan chức bộ ngoại giao mới đến Sài Gòn. Tôi ở đây được mười phút thì một nữ thư ký của chúng tôi bước vào phòng, để một bản tin trước mặt Polgar. Đó là một bản sao bức điện của nhân viên CIA ở Pleiku. Chỉ mới đọc qua đoạn đầu, mặt Polgar vốn nâu hồng đã tái lại. Tất cả lực lượng Nam Việt Nam trên phía Bắc Tây Nguyên, có khoảng hai sư đoàn, chuẩn bị rút lui hoàn toàn.
Polgar nhảy lên. Ông vội chạy lên phòng đại sứ, ở gác ba, để báo cho Lehmann. Nhưng đại sứ đi đến phủ tổng thống chưa về. Polgar gọi Nha Trang hỏi lại. Archer không có gì để nói thêm. Polgar đối nói chuyện với Tổng lãnh sự. Khi Spear đến nghe dây nói, Polgar bảo đảm với ông rằng nhân viên tình báo ở Pleiku rất đáng tin cậy, ông nên cho tản cư ngay những người Mỹ. Spear khôn khéo hỏi lại: Đây có phải là mệnh lệnh không? Spear biết rằng chỉ có Lehmann có quyền cho phép tản cư tất cả nhân viên ở một tỉnh. Polgar vội dịu giọng trả lời: "Không, chắc chắn không phải là mệnh lệnh, tôi chỉ muốn làm cho anh hiểu là nếu không sớm đưa nhân viên tản cư thì sẽ mất họ. Trong trường hợp gay go thì chỉ mấy giờ nữa, đường bay không còn dùng được".
Một lúc sau Lehmann trở về sứ quán. Nhưng cũng như Spear, ông không muốn ra lệnh rút hoàn toàn. Ông còn nghi ngờ tin mới nhận được nhất là Thiệu mà ông vừa từ biệt, không nói gì với ông. Cuối cùng, đến trưa, Polgar mất hết kiên nhẫn. Ông lấy một máy bay của hãng Hàng không Mỹ và ra lệnh cho Archer cho rút tất cả nhân viên CIA ở Pleiku, và một lần nữa ông đề nghị Lehmann cho tản cư tất cả người Mỹ. Viện đại diện còn trù trừ nhưng cuối cùng chấp nhận ý kiến của Polgar. Ông gọi người thư ký, đọc cho anh này một bức điện gửi Spear, trong đó, ông đòi chấm dứt ngay hoạt động trên Tây Nguyên.
Lúc tin rút chạy của Phú tới Hoa Thịnh Đốn, những người chịu trách nhiệm ở Lầu Năm Góc và bộ ngoại giao gọi dây nói khắp thủ đô để tìm đại sứ Martin. Họ hy vọng ông sẽ cho họ biết cụ thể về sự kiện quan trọng này. Nhưng Martin không có ở máy nói nào cả. ông vừa chữa răng và về nghỉ tại nhà ở thành phố Bắc Carolina. Sau cùng, bộ trưởng bộ quốc phòng Schlesinger, gọi dây nói được cho Martin. Sau khi Schlesinger cho Martin biết mọi chi tiết, đại sứ trả lời: "Chắc chắn, tôi biết rõ những việc ấy. Từ lâu rồi, Phú định rút một bộ phận tham mưu khỏi Tây Nguyên. Ngoài ra, không có gì khác". Mặc dù đã hết sức cố gắng, Schlesinger cũng không thuyết phục được Martin để đại sứ tin rằng tình hình nghiêm trọng hơn nhiều. Bộ trưởng quốc phòng cũng không buộc được Martin về ngay Hoa Thịnh Đốn để theo dõi một vấn đề "không nghĩa lý gì" ấy.
Quá trưa ngày 15 tháng 3, tình hình Pleiku nguy ngập. Quân trinh sát Bắc Việt Nam đã chặn đường đi lại ở các ngã tư phía Bắc và phía Tây thị xã. Đạn rốc kết rơi gần sân bay. Quân của Phú chuẩn bị rút. Nhân dân địa phương cũng làm như vậy. Buổi trưa, Thieme từ sở chỉ huy của Phú, quay về phòng làm việc ông cho gọi ba đại diện của phái bộ quân sự công tác dưới quyền ông - Mike Chilton, John Good và Nelson Kief - vào phòng. Vì ba người đã từng chiến đấu, chắc chắn họ có thể giữ bình tĩnh và sáng suốt trong những giờ khó khăn đang đợi họ. Ông đặt một trạm chỉ huy tạm thời trong phòng tiếp khách gồm có máy radio và dây nói đặc biệt và bắt đầu gọi các nhân viên người Việt Nam, bảo họ chuẩn bị rút đi ngay. Ông đọc đến tên người thứ ba, thứ tư gì đó thì ba đại diện nói trên đến. Họ tổ chức nhiều đoàn xe Jeep và xe tải, cho đi khắp thị xã để nhặt người tản cư.
Đã có lệnh cấm dân Việt Nam không được vào sân bay. Thieme hoặc ba đại diện phái bộ quân sự phải đi kèm đưa từng xe đến một cổng vào và cho tiền người lính gác, xe mới được qua. Cũng như tất cả các viên chức Mỹ ở Pleiku, ba nhân viên trẻ của chi nhánh CIA địa phương (người thứ tư ở Nha Trang với Archer) phụ thuộc vào Thieme, đại diện cao nhất của người Mỹ ở đây. Nhưng, lúc bắt đầu tản cư, Archer ra lệnh cho họ bằng radio phải đi ngay Sài Gòn theo chỉ thị cấp bách của Polgar. Archer nói: Họ là những nhân viên tình báo chứ không phải là viên chức lãnh sự. Họ không phải giúp đỡ Thieme cho tản cư người Việt Nam làm việc với USAID hay giúp bất cứ ai.
Mấy phút sau, nhân viên CIA tìm Thieme và nói cho ông biết sự thể. Họ rất bực mình và hết sức mệt nên quên không báo cáo với Thieme về tin mới nhận dược của một nhân viên tình báo cho hay quân của Phú đã rút chạy rồi. Thieme chỉ biết tin này khi đến Nha Trang vào buổi xế chiều.
Ở phòng làm việc của Thieme ra, mấy nhân viên CIA đi xe hơi về bàn giấy của mình. Họ báo cho cộng tác viên người Việt Nam biết họ rút đi và giục họ cũng rời ngay thị xã đi ra bờ biển bằng bất cứ phương tiện nào họ có, bằng bất cứ đường nào có thể đi được. Rồi họ vội vàng ra sân bay, xách theo thiết bị radio cực kỳ mật. Họ đi được chuyến ban đầu tiên của hãng Hàng không Mỹ.
Khổ sở thay, trong lúc vội vàng để tự cứu, ba người đã mắc một sai lầm có thể làm hại bất cứ nhân viên tình báo nào. Không những họ bỏ rơi các bạn đồng nghiệp Mỹ, nhiều nhân viên người Việt Nam, mà họ quên cả việc bảo vệ tính mạng cho nhân viên CIA kỳ cựu nằm trong những người thân cận của Phú. Hơn nữa, họ quên hủy hồ sơ. Đến phút cuối, thật ra, họ có nhờ một cộng tác viên địa phương kiểm tra lại bàn giấy nhưng không chắc nhân viên này tìm thấy hồ sơ và hủy bỏ đi. Suốt buổi chiều, làn sóng máy bay vận tải hai động cơ C.46 và C.47 của hãng Hàng không Mỹ liên tiếp đỗ xuống sân bay Pleiku, bốc đi mỗi chuyến tới sáu, bảy mươi người. Đạt được kết quả này là nhờ "công sức" không mệt mỏi của Thieme và ba viên chức phái bộ quân sự. Trong khi đó, một máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ bay đi Kontum để đón một nhóm người Mỹ và mấy người nước ngoài.
Bốn giờ rưỡi chiều, Spear hết sức bực mình, từ Nha Trang gửi một thông điệp radio cho Thieme, ra lệnh ngừng ngay cầu hàng không. Ông nói: "Đây là chuyến bay cuối cùng mà trong chuyến này phải có cả Thieme". Ông này nhìn lại danh sách người Việt Nam đang chờ tản cư. Một máy bay không đủ khả năng chở. Ông ta trả lời Spear: ông không thể đi trước khi có ít nhất là hai máy bay. Spear, tuy bực mình về điều kiện ấy, cũng phái cố gắng thu xếp.
Một giờ sau, khi Thieme lên máy bay, cổng sắt của sân bay bị gãy vì đám đông ở ngoài trèo qua. Bên đường bay, lính đánh nhau. Nhưng trong lúc máy bay cất cánh, và lượn trên đầu đám lộn xộn ấy, Thieme và các bạn đồng nghiệp trong phái bộ quân sự có đủ lý do để bằng lòng với mình. Trong bốn giờ rưỡi, họ đã cứu được hơn 450 người, trong đó có nhiều nhân viên người Việt Nam làm việc cho USAID và đưa họ đi Nha Trang.
Suốt buổi chiều dài vô tận, quân của Phú rút chạy khỏi Pleiku và Kontum hết sức lộn xộn. Bản thân cuộc rút chạy như một trò trẻ con. Các đơn vị phải đi theo quốc lộ số 14, phía Nam Thành An, Ở đấy, rẽ về phía Đông, đi theo đường về 7B đến Phú Bổn và ra bờ biển. Nhưng tướng Tất, người điều khiển cuộc rút chạy, gây rối ren thêm cho một việc đơn giản. Ông quên cả việc chuẩn bị sơ đẳng nhất. Không ai có thể đi điều tra tình hình đường 7B. Không có phương tiện gì để chuyên chở hàng nghìn người dân chắc chắn sẽ kéo theo quân đội. Do đó, lính và dân chen chúc, trộn lẫn với nhau, còn xe tăng và xe bọc thép chở nặng thì lại dẫn đầu. Không chịu nổi sức nặng, đường bộ lún, bị phá. Một đoàn gồm hai nghìn xe hơi, xe Jeep, xe vận tải nhanh chóng ngập trong một con sông bùn. Về phía sĩ quan cao cấp thì chỉ nghĩ đến vị trí độc lập của mình, từ chối không đáp ứng những lời kêu gọi khẩn cấp của y tế hay không trả lời những tiếng kêu xin yểm trợ của các đại úy hay trung úy lục quân.
Về phần chúng tôi, suốt buổi chiều, chúng tôi ở trong phòng Polgar theo dõi cuộc rút quân. Chúng tôi được chứng kiến cuộc chạy trốn lộn xộn qua những tin tức radio và báo cáo của máy bay trinh sát. Polgar kêu lên: "Đây là cuộc diễu hành của một đám xiếc phát điên! Voi đi trước, những người khác mặc sức lội trong bùn". Hình ảnh đúng. Tối đến, Thiệu mệt mỏi và chán nản, nghĩ đến việc tìm những con vật hy sinh. Phú không hiểu ông ta. Những người Thượng Ở Buôn Mê Thuột phản lại ông ta. Thiệu làm bản báo cáo thực trạng dựa vào một bản báo cáo vừa nhận được nói rằng quân địa phương (người Thượng) đã bỏ vị trí ngay từ đầu cuộc tiến công Buôn Mê Thuột để bảo vệ nhà riêng chống lại lính Nam Việt Nam đào ngũ đi cướp bóc. Thiệu khẳng định đó là nguyên nhân chính gây nên tình hình bi đát ở Tây Nguyên. Tối đến, khi rời Dinh Độc Lập, Thiệu ra lệnh cho thuộc hạ tìm mọi cách làm rõ chuyện phản bội của người Thượng. Một lúc sau, cảnh sát bắt một nhà báo Pháp tên là Paul Leandri vì anh đã viết trong một bài rằng: "Thực tế, người Thượng tham gia tiến công Buôn Mê Thuột. Leandri, một người Corse , từ chối không trả lời các câu hỏi, ngay cả khi anh được dẫn đi sở chỉ huy cảnh sát quốc gia, ở giữa thành phố. Trái lại, anh còn chửi mắng cảnh sát.
Tiếp đó, anh phạm một sai lầm nghiêm trọng là chạy ra cửa ngôi nhà. Khi anh sắp mở cửa xe thì một cảnh sát đã hạ anh bằng một phát đạn vào đầu.
Đại sứ Pháp nổi giận lôi đình khi được tin sự việc này và chính Polgar nửa đêm về sáng được gọi đến sứ quán để hòa giải giữa người Pháp và cảnh sát.
Sáng hôm sau, Thiệu còn nhiều việc để làm hơn là nghĩ đến cái chết của Leandri hay sự phản đối của sứ quán Pháp. Dòng người đi tản cư ở Pleiku và Kontum bị chặn lại phía Tây Phú Bổn. Tình hình cũng tồi tệ ở những vùng khác. Phía Tây tỉnh Bình Định, ở giữa ven biển, quân địch liên tiếp đánh thắng quân chính phủ . Trong đêm, chiến tranh lan tới tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc Sài Gòn, và nhiều đơn vị khác của quân đội Bắc Việt Nam uy hiếp mạnh con đường nối Sài Gòn với Đà Lạt, phía Nam Quân khu II.
Đế bảo vệ miền phụ cận Sài Gòn, Thiệu ra lệnh cho không dân ném bom những nơi tập trung quân và thiết bị của Bắc Việt Nam ở biên giới Campuchia, phía Bắc Sài Gòn. Ông cũng điện cho tướng Trưởng, tư lệnh Quân khu I, bắt đầu chuyển sư đoàn dù về, đưa ngay cả sư đoàn tới Sài Gòn.
Sớm ngày 16 tháng 3, Earl Thieme uống tách cà phê thứ hai , và xin một máy bay lên thắng đi Pleiku, ông ngủ đêm tại sân bay của hãng hàng không Mỹ ở Nha Trang, để gọi dây nói cho những người còn ở lại Pleiku.
Ở Pleiku, cảnh tượng không ngờ diễn ra trước mắt Thieme và phi công. Đường phố chính là một dòng sông đầy người sợ hãi và khi bay trên thị xã, họ có cảm giác là hàng nghìn con mắt chăm chú theo dõi chiếc máy bay nhỏ bé UH-I của hãng Hàng không Mỹ.
Hơn hai trăm người Việt Nam đứng chung quanh bàn giấy của Thieme sau khi máy bay lên thẳng hạ xuống sân. Thieme nhanh chóng lọc những nhân viên của mình ra, giơ súng tự động lên để đuổi những người còn lại. Ông gọi radio về Nha Trang xin máy bay, cho nhân viên lên xe vận tải và cố mở một đường qua thị xã đầy người chạy trốn về phía sân bay. Một máy bay vận tải C 46 của hãng hàng không Mỹ vừa hạ cánh một cách nặng nề. Nó đang lướt trên đường băng đầy lính và dân. Cho rằng đây là chiếc máy bay của ông vừa xin, Thieme vội nhảy ra và nắm lấy nắm đấm cửa máy bay. Người phi công giảm tốc độ, lợi dụng đường băng, đổ xuống sân bay quân sự. Thieme tức giận gọi radio cho Nha Trang đòi giải thích. Họ trả lời ông: Chiếc máy bay C.46 này đặc biệt dành riêng để chở một sĩ quan cao cấp Nam Việt Nam. Đó là nhân viên tình báo CIA nằm ở bộ tham mưu của Phú mà hôm trước đã bỏ quên lại.
Một lúc lâu sau, một máy bay vận tải khác của hãng Hàng không Mỹ tới để chở Thieme và những người giúp việc ông. Ông vừa chạy đến thì lính Việt Nam vũ trang đã bao vây ông. Viên phi công gọi về Nha Trang, báo tin phải chở nhiều người vì lính giơ súng ra dọa. Thieme hiểu ngay rằng không thể lên máy bay này được Liền vội chạy đến một máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ đậu ở xa. Được viên phi công giúp, ông kéo được mấy nhân viên thân cận lên máy bay trước khi đám người đến uy hiếp.
Bình thường chủ nhật là ngày nghỉ. Nhưng vì tình hình phát triển nghiêm trọng khắp cả nước nên Polgar ra lệnh tất cả nhân viên đều phái đến làm việc, ít nhất là buổi sáng. Khi soạn những tin nhận ban đêm, ông đọc được một bản làm ông buồn cười hết sức. Báo chí Hoa Thịnh Đốn viết rằng bộ trưởng bộ quốc phòng Schlesinger công khai tuyên bố không có khủng hoảng ở Việt Nam. Polgar chế giễu cái mà bộ trưởng quốc phòng gọi là khủng hoảng bằng những lời không thể viết ra được.
Những tin tức đáng chú ý nhất không phải từ Hoa Thịnh Đơn hay Nam Việt Nam mà từ Campuchia, bên kia biên giới theo một tin tức của sứ quán Phnôm Pênh, đại sứ Dean vừa quyết định tản cư nhân viên không cần thiết. Tin này nói rõ hơn bất cứ tin nào khác, sự yếu kém của chúng ta và của chính sách đối ngoại Mỹ.
Buổi chiều, tôi dự thảo cho Polgar một bản tường trình về hậu quả của việc rút bỏ Tây Nguyên. Về mặt lịch sử, cuộc rút chạy này không để lại một điều gì tốt. Nó làm nhớ lại cuộc rút lui của quân Pháp khỏi Kontum năm 1954 đánh dấu bước đầu việc chấm dứt chế độ thực dân Pháp. Ở phía Nam nước Việt Nam, cũng như chiến thắng của cộng sản ở Điện Biên Phủ, mấy tháng sau, mở đầu cho sự cáo chung này ở phía Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chiến lược bậc thầy của Việt Minh, trước đây đã viết rằng: "Người nào kiểm soát được Tây Nguyên thì nắm được chìa khóa của Đông Dương". Ý kiến này được thực hiện. Thật vậy, hệ thống đường sá ở vùng này là những con đường lý tưởng cho việc đi lại giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, đồng thời vùng này cũng là một bậc nhảy hoàn hảo cho một cuộc chiến tranh chớp nhoáng tiến ra bờ biển.
Tuy nhiên, như mọi người ở sứ quán, tôi muốn tỏ ra là vẫn còn một hy vọng. Trong bản tường trình tôi viết rằng nếu một trong sáu sư đoàn chạy từ Kontum và Pleiku tới được bờ biển mà không gặp một tai nạn nào, thì Sà Gòn có thể biến cuộc rút lui này thành một chiến thắng có thể so sánh với chiến thắng Dunkerque.
Polgar lắc đầu khi đọc đến đoạn này: "Anh cố pha li-mô-nát với chanh. Để chờ xem những đội quân ấy ra sao đã trước khi đi đến chỗ lạc quan". Sự khôn ngoan của ông đúng.
HỘP ĐEN
Al Francis, người con đỡ đầu của Martin được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự ở Đà Nẵng từ mùa Thu năm 1974. Đầu tiên ông ra lệnh xem lại kế hoạch tản cư của lãnh sự quán. Viên chức chịu trách nhiệm việc này đưa ra một bản thuyết trình 30 trang. Trong những giải pháp dự kiến, giải pháp cao nhất là xin một cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng, xuất phát từ sân bay, có lính Mỹ bảo vệ. Giải pháp này Al Francis không thể thực hiện được. Ông nói với tôi sau khi Sài Gòn thất thủ: ông tường rằng người Mỹ có thể nhờ các nhà chức trách địa phương giúp đỡ, ngay cả khi phải tản cư triệt để!
Kế hoạch như thế phải xét lại hai lần trong những tháng sau. Francis vẫn chưa bằng lòng - không thể dự kiến nhiều điều được - nhưng ông cho là xét đi, xét lại sẽ làm cho nhân viên quan tâm đến vấn đề tản cư hơn. Tháng 1, lúc ông về nghỉ ở Hoa Thịnh Đốn ông không hề nghĩ rằng phải sớm duyệt lại một lần nữa. Như ông tuyên bố với người nào muốn nghe ông, ông chắc là chính phủ Sài Gòn vẫn còn có thể sống sót được mặc dù viện trợ của Hoa Kỳ đã giảm đi.
Trong thời gian nghỉ, mỗi tuần, ông đến bộ ngoại giao hai, ba lần, đọc tin điện gửi về để nắm tình hình. Đầu tháng Hai, lúc ông trở lại Sài Gòn, ông có vẻ biết rõ vấn đề và tỏ ra sốt ruột trước không khí làm việc uể oải. Nhưng hôm sau, ông mắc bệnh nặng phải đưa ngay về Hoa Thịnh Đốn bằng máy bay y tế. Một tháng sau, ông bình phục thì Tây Nguyên đã mất, những đơn vị dù rút khỏi Quân khu I, và quân bảo vệ Huế bị đánh tan tác.
Giữa lúc ấy, bà Terry Tull, người phó của Francis ở Đà Nẵng, nữ viên chức cao cấp duy nhất của bộ ngoại giao ở nước này, đã bắt đầu cho rút nhiều nhân viên lãnh sự quán ở quân khu I. Quân đội Bắc Việt Nam tiến từng bước một đến các thị xã, bà chú ý tìm mọi cách để bảo vệ tính mạng cho người Mỹ hay người Việt Nam do bà phụ trách.
Nhưng phải đối phó với một vấn đề chính trị quan trọng: Lehmann tiếp tục thay Martin ở Sài Gòn, chỉ thị cho bà không được làm gì có thể gây cảm tưởng rằng sự cam kết của người Mỹ đối với người Nam Việt Nam đã yếu đi. Nhận thấy một cuộc tản cư triệt để ở các tỉnh này sẽ gây cảm tưởng đó, bà đưa ra một quyết định nửa vời. Đáng lẽ đóng cửa hoàn toàn những lãnh sự quán ở sát mặt trận thì bà ra lệnh chỉ rút phần lớn nhân viên ở những nơi này; khi xảy ra cuộc tiến công, một, hai máy bay lên thẳng có thể hoàn thành cuộc tản cư. Giữa tháng 3, bà khuyên các nhân viên CIA và bộ ngoại giao còn lại tại Huế đêm về ngủ tại Đà Nẵng, cách Huế 80 kilômét về phía Nam.
Nhiều đồng nghiệp của bà cũng vịn vào đó mà phê phán. Nhân viên CIA ở địa phương, một Hoa kiều đứng tuổi, tôi tạm gọi là Phillip Custer, lên án bà là đi quá trớn!
Mùa hè trước khi ông đến đây, Custer tỏ ra là một người hăng hái bảo vệ quân đội Nam Việt Nam - hăng đến mức ông ta tưởng bây giờ là người của quân đội. Khi Tull nêu ra việc giảm bớt nhân viên lãnh sự quán, Custer tỏ ra không đồng ý. Ông nói với các người giúp việc: Tướng Trưởng sẽ giữ được vùng này rất vững.
Công bằng với Custer thì phải nói rằng, những tin tức ông ta dựa vào để nhận định còn xa mới hoàn chỉnh. Không một ai trong chúng tôi biết rõ những lệnh khác nhau và mâu thuẫn nhau do tướng Trưởng nhận được từ Sà Gòn, và ngay những kẻ bi quan nhất cũng gặp khó khăn để dự đoán rằnglực lượng quân khu I sẽ tan tác trong hai tuần tới. Đối với người lạc quan như Custer, việc đó chỉ đơn giản là không thể tưởng tượng được.
Tuần thứ ba tháng ba, khi Fancis trở lại Đà Nẵng, ông triệu tập sáu viên chức, ra lệnh cho họ, một lần nữa xem lại kế hoạch tản cư của lãnh sự quán. Ông gọi nhóm sáu người này là cái "hộp đen" nhỏ của ông (đen thay cho mật) và giao cho một nhân viên mới của CIA chịu trách nhiệm điều chỉnh lại kế hoạch cho hợp lý.
Nhân viên CIA này đủ sức làm việc đó. Ngoài 50 người Mỹ làm việc ở lãnh sự quán - một nửa là của CIA - còn hàng trăm người Mỹ ở Đà Nẵng, từ những người làm việc có hợp đồng đến những lính Mỹ đào ngũ, phải đưa đi tản cư. Hơn một nghìn nhân viên người địa phương cũng được ghi vào danh sách nhân viên lãnh sự quán, cộng với gia đình, bạn bè thân thiết và bố mẹ họ, như thế là đưa tổng số người phải tản cư đến ít nhất mười nghìn người. Mặc dù vấn đề lớn như vậy, chỉ một buổi chiều nhân viên CIA đã làm được một kế hoạch tản cư dài có hai trang rưỡi. Ông dự kiến tản cư làm nhiều giai đoạn, vừa bằng đường không, vừa bằng đường thủy. Thuyền máy và tàu nhỏ ngược sông Hàn đón những người tản cư ở những nơi đã qui định, còn tàu lớn đón ở ven đê, ngoài thành phố, một số người khác sẽ đi bằng máy bay của hãng Hàng không Mỹ hoặc máy bay thuê, đổ xuống những bãi ở phía Tây thành phố hay sân bay quân sự gần núi Ngũ Hành. . Cuộc tản cư phải tiến hành từ từ và yên lặng trong khoảng ít nhất một tuần để người Việt Nam khỏi hoảng sợ.
Ý nghĩa thành lập "hộp đen", cử những chuyên gia rỗi rãi nghiên cứu một vấn đề cực kỳ phức tạp, có vẻ là một sáng kiến bậc thầy. Nhưng giữa thời chiến, việc tản cư cả một lãnh sự quán gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện được theo một giải pháp bàn giấy quan liêu, dù giải pháp ấy có tốt đến mấy. Do đó, dù Francis có cẩn thận đến đâu thì những biện pháp ông đưa ra đều nhanh chóng thất bại.
Đầu tiên là người lính già nào trong số nhân viên của ông cũng muốn tham gia nhóm "hộp đen". Chỉ một đêm, nhóm "hộp đen" chỉ có mấy người, trở thành một trung đội cồng kềnh gồm 25 người. Bản thân việc phân tích tình hình của Frạncis cũng là một trở ngại. Từ ngày ốm, ông biết rất ít tin tức, ông định hỏi ý kiến đại sứ về những vấn đề quan trọng. Dù Martin có khẳng định là người Nam Việt Nam vẫn có hy vọng thì Francis cũng chỉ sẽ là người cuối cùng nói ngược lại.
Ngoài ra, cũng còn một vấn đề chiến thuật nữa. Mấy ngày trước Lehmann khuyên ông: "Đừng làm gì để người Việt Nam phải tức giận: Sự bền bỉ của người Mỹ phải là tấm gương cho họ". Francis lấy đó làm châm ngôn và ông quyết định hành động theo yêu cầu của cấp trên.
Sau khi thành lập nhóm "hộp đen", ông ngả theo chiều hướng để cho sự việc xảy ra. Ông không phải là người duy nhất như thế. Custer không bao giờ hoàn thành được việc làm kế hoạch tản cư nhân viên Việt Nam dưới quyền ông và cũng tỏ ra chậm chạp trong việc chuẩn bị cho nhân viên người Mỹ ra đi. Chỉ đến lúc đối phương đã ở bên hàng rào lãnh sự quán rồi, người ta mới đốt hồ sơ mật!
Ngoài tinh thần thiếu trách nhiệm của những người phụ trách coi ý kiến của mình là thực tế, còn một trở ngại nữa: sự tin cậy quá đáng vào quân đội Hoa Kỳ. Trước đó, một ê kíp của hạm đội 7 đã đến Đà Nẵng để nghiên cứu kế hoạch tản cư. Hải quân Mỹ hứa sẽ cho một đoàn máy bay lên thẳng đến khi cần thiết. Nhưng mấy ngày sau, sau khi trao đổi điện với hải quân, Francis mới biết là không có chuyện ấy nữa. ông phải giải quyết một mình.
Người Bắc Việt Nam cũng có sự chậm chạp như người Mỹ, nhưng họ giải quyết nhanh. Mấy ngày trước khi nhân viên tình báo nằm trong giới thân cận trực tiếp với Thiệu gửi cho họ bản tin mới giật gân: toàn văn biên bản hội nghị về chiến lược mới "cố thủ" của chính phủ Nam Việt Nam. Họ phải thảo luận ngay những việc cần làm. Ngày 20 tháng 3, Bộ Chính trị gửi cho tướng Dũng bản nhận định tình hình như ông viết trong hồi ký: "Thắng lợi to lớn của ta vừa qua có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến tranh ở miền Nam, đánh dấu sự phát triển rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - ngụy. Địch đang có ý đồ thực hiện chiến lược co cụm qui mô lớn nhằm tập trung lực lượng ở vùng Sài Gòn và một phần đồng bằng sông Cửu Long, có thể ở Đà Nẵng và Cam Ranh nữa, hòng tạo một thế tương đối vững để đi đến một giải pháp chính trị hoặc liên hiệp, hoặc chia cắt miền Nam. Vì vậy ta cần tranh thủ thời gian cao độ, hành động khẩn trương, hết sức bất ngờ về thời gian, phương hướng, lực lượng và táo bạo, đồng thời bảo đảm chắc thắng. Theo tinh thần đó, Bộ Chính trị cân nhắc mọi mặt và thực hiện phương án giải phóng Sài Gòn sớm hơn dự kiến.
Polgar thấy sự lộn xộn ở Quân khu I, quyết định tự mình đề ra những giải pháp để bảo đảm an ninh. Sáng ngày 22 tháng 3, ông cho một máy bay đặc biệt của hãng Hàng không Mỹ ra Đà Nẵng, chở nhiều hòm và vật liệu đóng gói để Custer cho chuyển một phần hồ sơ của các nhân viên đi. Francis, tiếp tục trấn an người Việt Nam, nói với những nhân vật chính trị địa phương và binh lính rằng: quân đội có thể cầm cự được. Ông cũng cố làm cho giới báo chí hiểu như thế. Chiều 22, ông thân hành dẫn một đoàn gồm 12 nhà báo họp ở Đà Nẵng ra Huế. Ông nói: Huế vẫn là một nơi chắc chắn và cố thủ được, mặc dù có nhiều tin đồn ngược lại. Ở phía Nam Huế, gần Phú Lộc. Chỉ một trận, họ đạt được mục tiêu: chặn sư đoàn 1 quân Nam Việt Nam không còn đường về Đà Nẵng. Trận đánh càng lớn càng gieo rắc thêm sự sợ hãi trong những làn sóng người tị nạn rải khắp dọc đường. Trong vài giờ, hàng nghìn người đổ ra cảng nhỏ Tân Mỹ, nơi Trưởng định dùng để tản cư sư đoàn 1. Mọi con đường đi ra bến này đầy người đi lại. Tàu Việt Nam chờ dưới biển để chở quân đội và súng ống, bắt đầu chở dân đang hoảng sợ, thay cho thiết bị quân sự. Đường chính bị cắt, bến không ra được. Máy bay lên thẳng Nam Việt Nam định hạ cánh xuống cứu lính nhưng pháo binh Bắc Việt Nam rót xuống sân bay.
Gần một giờ sau, nổ ra sự rối loạn ở chợ Đông Ba giữa thành phố. Nhân dân quá sợ hãi tranh nhau giành xe tắc xi và xe lam để chạy ra bờ biển. Quân Bắc Việt Nam cũng tiến công phía Nam Đà Nẵng, tiến gần đến Quảng Ngãi và căn cứ không quân Chu Lai. Họ bắn hàng loạt đạn rốc két và đại bác. Nhân dân ở các nơi này cũng chạy như nhân dân thành phố Huế ra cảng Tân Mỹ, tranh nhau tiến ra bờ biển.
Trong vài giờ, cả sư đoàn 2 quân Nam Việt Nam biến thành một dòng lộn xộn, vô kỷ luật gồm mười nghìn người, sĩ quan cũng như binh lính chỉ có một ý nghĩ trong đầu : cùng gia đình chạy trốn .
Suốt buổi sáng, tướng Trưởng nói chuyện bằng radio với Thiệu báo tin thảm hại: Huế bị bao vây, sư đoàn 1 đang nguy khốn cực kỳ. Ông không còn lực lượng để mở đường trên quốc lộ số 1, phía Nam Huế, ở đây quân Bắc Việt Nam chắc chắn có hai sư đoàn. Ông phải bắt đầu cho tản cư ra bờ biển những người còn lại của sư đoàn 1. Còn có thể giữ Huế một lúc nữa, nhưng với giá thật đắt. Phải hy sinh một phần sư đoàn 1, chỉ là để tranh thủ thời gian.
Thiệu không phản đối gì. Ông chỉ còn một biện pháp: cho sư đoàn dù ra tiếp viện nhưng con an ninh của Sài Gòn nên ông ta để mặc Trưởng hành động. Giữa lúc Trưởng nói với Thiệu thì lực lượng của ông ta dùng để thực hiện kế hoạch đang tan rã. Giữa chiều, chỉ còn một đơn vị duy nhất, lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, đóng tại một vị trí ở phía Bắc Huế. Trường không muốn hy sinh đơn vị này vì đó là một đơn vị thiện chiến! Ông ta ra lệnh cho rút tất cả các đơn vị còn ở chung quanh Huế, lính thủy cũng như lính của sư đoàn đang chạy rải rác.
Vì bến Tân Mỹ đã đầy ứ người. Trưởng quyết định cho lính thủy và những lính chậm chạp khác chạy về phía Nam, dọc bán đảo Vĩnh Lộc, một dải cát song song với đất liền. Chạy lối này có thể vượt qua nơi quân Bắc Việt Nam đang chốt và tiến ra quốc lộ 1 bên trong đèo Hải Vân, rồi từ đó chạy thẳng về Đà Nẵng. Cản trở thiên nhiên duy nhất là một khoảng sông rộng, từ đầu bán đảo vào đất liền. Công binh hải quân đang làm cầu bắc qua. Nhưng Ở Đà Nẵng, tình hình căng thẳng mỗi lúc một tăng, đã có hàng nghìn người tị nạn khắp thành phố.
Hãng Hàng không Việt Nam của chính phủ cho bay thêm nhiều chuyến để chở những. người mới đến ra khỏi thành phố, trong khi đó, sứ quán Mỹ thuê máy bay tư của hãng Hàng không thế giới để làm việc này. Đúng trưa ngày 23 tháng 3, Francis tuyên bố trước lãnh sự quán phải sẵn sàng trở thành một vị trí chiến đấu: ông muốn đề phòng cẩn thận trong trường hợp Đà Nẵng bị bao vây. Viên chức được ông giao cho sắp xếp kế hoạch là một thanh niên khỏe mạnh của CIA, tôi đặt tên là "Ron Howard". Anh là nhân viên chuyên môn về nhận định tin đầu tiên công tác ở nước ngoài. Anh muốn được lòng cấp trên nên vui vẻ nhận nhiệm vụ này, chạy khắp lãnh sự quán, cất giấu những khẩu phần thức ăn loại C vào những xó xỉnh không thể ngờ tới. Thí dụ trong đống lốp xe chất ngoài hành lang. Anh tìm thấy một lô đồ hộp cũ, đã gỉ, liền phân phát cho các nhân viên người Việt Nam trong lãnh sự quán. Anh nghĩ rằng có thêm thức ăn họ sẽ bớt tức giận hơn khi biết tin thành phố bị bao vây. Các phòng làm việc trở thành chỗ tạm trú của nhân viên người Việt Nam mới từ Huế và những vùng lân cận chạy đến, anh cố thu xếp cho họ có thêm tiện nghi. Anh biết rằng sự an toàn của bản thân anh phụ thuộc vào họ.
Sớm hôm sau, tướng Viên đến gặp Thiệu ở dinh tổng thống, báo cho Thiệu biết những tin cuối cùng về Huế. Sư đoàn 1 đã hoàn toàn tan rã, hàng nghìn binh lính vứt vũ khí đi để chạy thoát thân ra bờ biển cùng với gia đình. Một giờ sau, Trưởng công nhận sự thật ấy bằng radio. Ông nói thêm Huế không thể chống đỡ được quá một ngày. Để giảm bớt sự đổ máu, ông ta xin phép bỏ ngay thành phố. Khi Thiệu nghe tin ấy, ông ta nổi giận lôi đình hơn bao giờ hết. Đi lại trong phòng làm việc, giữa các cố vấn, ông lên án tư lệnh Quân khu I là mang tư tưởng thất bại chủ nghĩa, phải chịu trách nhiệm về sự tan rã của sư đoàn 1, sẽ bị nghiêm phạt. Nhưng tất cả chuyện đó chỉ là đóng kịch. Thiệu biết rõ rằng mặc dù ông ta hy vọng không xảy ra, phải bỏ Huế ngay tức khắc.
Sáng 24, pháo binh Bắc Việt Nam không ngừng tiến công vào ngoại ô Huế. Thoạt đầu, lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 147 và những lính sống sót của sư đoàn 1 chạy ra bán đảo Vĩnh Lộc. Đi từ sớm nên họ tránh được hàng nghìn người tị nạn ở phía Đông Huế. Một số lính bỏ giầy, lội xuống nước, ven bờ biển như người đi tắm chiều thứ bảy. Nhưng gần một giờ sau, tin họ chạy trốn truyền khắp thành phố. Nhiều người dân đánh họ. Trong khi đó, lực lượng Bắc Việt Nam kéo đến chặn đường. Khi quân thủy bộ và một số binh lính sống sót của sư đoàn 1 tới cảng Tân An, gần mỏm bán đảo thì pháo binh Bắc Việt Nam bắn trúng chiếc cầu đang làm dở. Cầu tan tành thành từng mảnh. Bị bao vây, tiến thoái lưỡng nan, quân của Trưởng trở thành mục tiêu của pháo binh Bắc Việt Nam.
Nhận được lời kêu cứu đầu tiên: tướng Trưởng vội lệnh cho các tàu còn rỗi chạy tới bãi biển đón binh lính thất trận. Trong khi những tàu nhỏ chở họ qua sông nước thì những người còn lại trên bãi, mặt cắt không còn giọt máu. Binh lính đánh lẫn nhau, binh lính vật lộn với dân thường để tranh xuống tàu trước. Mạnh ai nấy chạy.
Ở phía Nam, tình hình trên bãi biển Quảng Ngãi và Chu Lai cũng thế. Binh lính sư đoàn 2 vật lộn với dân thường để tranh một chỗ hiếm hoi trên một vài tàu đánh cá chưa ra khơi. Quá trưa, thị xã Quảng Ngãi và căn cứ không quân Chu Lai không còn gì để bảo vệ.
Tin thảm họa trên càng lan rộng ra Đà Nẵng thì lòng tự tin của Francis càng xẹp. Tinh thần dân chúng căng thẳng một cách đáng sợ. Phải làm gì đây để trấn an. Đừng để cho sự căng thẳng này lan sang đám binh lính của Trưởng. Giữa buổi sáng, Francis gửi một điện về Sài Gòn đề nghị mở một cầu hàng không có thể chuyên chở 40.000 người tị nạn.
Gần một giờ sau, chuyến máy bay đầu tiên của hãng Hàng không thế giới hạ cánh xuống sân bay chính. Hơn một trăm người tị nạn được chất lên và chở đi Cam Ranh, nơi được chọn làm nơi tập kết của họ. Cùng lúc ấy, ở Sài Gòn, tướng Smith và các sĩ quan của ông cho tập trung những tàu kéo, ca nô để chở quân lính Nam Việc Nam và thiết bị quân sự ở Quân khu I. Ở sứ quán và ở Hoa Thịnh Đốn đến lúc bấy giờ còn cãi nhau xem phái bộ quân sự có quyền hợp pháp tham gia việc cứu nguy cho quân đội Huế không. Sợ rằng hành động như thế sẽ vi phạm luật của quốc hội cấm quân đội Mỹ không được dính líu một lần nào nữa vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Để tránh khó khăn, họ quyết định chỉ sử đụng tàu nhỏ và máy bay dân sự.
Người Bắc Việt Nam cũng thảo luận nhưng họ nhất trí nhanh và đi đúng hướng. Như tướng Dũng viết trong hồi ký: "Ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị lại họp. Phiên họp lịch sử ấy khẳng định: cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Nắm thời cơ địch đang rút lui chiến lược, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn I địch và đại bộ phận Quân đoàn II, không cho chúng rút về cụm lại chung quanh Sài Gòn".
Nghị quyết tuyệt mật này đã được điện cho tướng Dũng, lúc bấy giờ sở chỉ huy vẫn còn ở gần Buôn Mê Thuột. Ban lãnh đạo Hà Nội vừa thông qua nghị quyết quan trọng nhất trong thời kỳ chiến tranh. Nghị quyết này - chiến thắng hoàn toàn ngay năm 1975 - chưa hề được thảo luận trong các buổi họp tháng 12 năm 1974 và tháng 1 năm 1975 của Bộ Chính trị, nay có một mục tiêu cụ thể. Nghị quyết này cũng gây ra nhiều chuyện phức tạp và quan trọng. Phải tiêu diệt Quân đoàn I, lại phải giải phóng ngay Đà Nẵng và Huế.
Ngày 21 tháng 3, khi Kissinger trở lại Hoa Thịnh Đốn, ông tỏ ra hết sức lạnh lùng. Chính sách của ông ở Trung Đông sa lầy, cuộc khủng hoảng ở Đông Dương ngày càng nghiêm trọng và Graham Martin, người được ông chọn để theo dõi sát tình hình lại không có ở nơi cần có mặt, mà lại đang ở Mỹ để chữa răng!
Nguy hơn nữa là Martin có vẻ không hiểu rõ những vấn đề xảy ra ở Việt Nam trong lúc ông vắng mặt. Ông chỉ đồng ý rời nhà ở Bắc Carolina, đến Hoa Thịnh Đốn sớm trước vài ngày, mà ông đến đây chỉ là để bác bỏ những tin bi đát ớ mặt trận. Ông tỏ vẻ không còn tin tưởng gì Francis, người con đỡ đầu nữa.
Sau khi đọc một bức điện đặc biệt buồn thảm từ Đà Nẵng gởi tới, Martin nói không thương tiếc: "Bệnh của Francis lại tái phát và gây cho nó nhiều mắc mớ đấy!"
Lòng tin của Martin đối với sự nghiệp của Mỹ ở Việt Nam, chỉ do sự không hiểu biết của ông về những sự kiện đang xảy ra. Như ông vẫn nhắc lại với những người bi quan ở Hoa Thịnh Đốn, việc mất phần Bắc của Nam Việt Nam là một ơn của các đấng thiên thần. Về mặt kinh tế, phần đất ấy chưa bao giờ phát triển, trái lại đã ngấu bao nhiêu của cải của chính phủ. Phần đất còn lại giàu có hơn rất nhiều, về mặt chính trị sống động hơn và cũng vững chắc hơn. Bảo vệ phần đất này sẽ dễ dàng hơn. Một số người thấy luận điểm của Martin rất chướng tai nhưng ông này cũng có nhiều đồng minh. Những người nhận định tình hình của CIA và Lầu Năm Góc vừa hoàn thành một bản báo cáo về tình hình Việt Nam mà ông có thể trở thành tác giả. Tuy chấp nhận việc mất vĩnh viễn những vùng quan trọng ở Quân khu I Quân khu II, nhưng họ lại viết rằng: Quân đội chính phủ ở những vùng khác của nước này đủ mạnh để lập một phòng tuyến bảo vệ phía Bắc Sài Gòn cho đến tháng 5, bắt đầu mùa mưa, một việc mà bộ tổng tư lệnh Nam Việt Nam chắc sẽ ngừng lại vì thời tiết xấu và lúc bấy giờ chính phủ có thể đủ thời gian trang bị lại, tập trung quân đội, thậm chí nối lại cuộc đàm phán với tương quan lực lượng ngang nhau.
Trong số những người nhận định trẻ của CIA, có nhiều người muốn nhấn mạnh phía bi quan của bản báo cáo nhưng Polgar bác bỏ, gạch đít bằng bút chì những đoạn cuối.
Về phần bộ trưởng quốc phòng Schlesinger, ông đi đến kết luận rằng: một sự lạc quan như thế, dù có chừng mực đến mấy , cũng có một sự lố bịch. Đó là điều ông nói không úp mở với các đồng nghiệp. Việc ông muốn làm là chuẩn bị ngay để cho tản cư tập thể người Mỹ ở Việt Nam cũng như đang làm việc ở Campuchia. Nhưng trước đây, vì ông thường phản đối Kissinger nên nay ít có hy vọng gây ảnh hưởng với Nhà Trắng để có quyết định trên.
Trong giới quân sự, một số người tỏ ra bi quan hơn. Phần đông quan chức cao cấp cơ quan tình báo quân đội đồng ý với Martin về sự sống động của phần Việt Nam còn lại. Trong khi đó, bên kia bờ sông Potomac, tệ quan liêu bàn giấy của bộ ngoại giao đã chơi cho Martin một vố. Vì không có ai được phép hành động thay Kissinger trong thời gian ông đi Trung Đông, nên những cơ quan phụ trách vấn đề Việt Nam đều không làm gì được. Tại Phnôm Pênh, đại sứ Dear tiếp tục gửi về Hoa Thịnh Đơn cơ man nào tin tức khủng khiếp, so với những tin này thì bản báo cáo về Việt Nam quá tẻ nhạt. Trên chương trình nói chuyện hàng ngày của bộ phận Viễn Đông, tin tức của Sài Gòn thường xếp ở hàng thứ hai hoặc thứ ba. Có một số chuyên gia ở bộ ngoại giao cho là người ta đã cố thu nhỏ vấn đề Việt Nam lại một cách nguy hiểm, nhưng họ chỉ là cán bộ cấp thấp trong bậc thang hành chính nên không ai nghe họ. Hoặc là họ giải thích, trình bày chưa rõ ràng nên chưa thuyết phục được người nghe thấy nguy cơ đến nơi.
Một nhiệm vụ nặng nề chờ Kissinger ở Hoa Thịnh Đốn. Mấy giờ sau khi ông về, ông tỏ rõ ngay thế lực của mình. Lầu Năm Góc báo tin, một tàu bay nữa sẽ đi theo chiếc Okinawa đang ở ngoài khơi biển Đông để tản cư người Mỹ đang làm việc ở những vùng có chiến sự.
Sáng ngày 25, chính phủ Nam Việt Nam báo tin Huế thất thủ. Quân cộng sản kéo cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời lên đỉnh Ngọ Môn hoàng thành cũ. Mấy giờ trước khi thành phố thuộc về quân Bắc Việt Nam, hàng nghìn người dân chạy ra bờ biển cách đó 16 km. Một số đông hơn ra biển định lên tàu đang đón người tị nạn. Nhiều người bị sóng đánh chìm hoặc sóng ngầm cuốn đi. Sư đoàn 1 không còn nữa.
Dưới phía Nam, Chu Lai và Quảng Ngãi cũng thất thủ ngay buổi sáng. Sáu nghìn lính sư đoàn 2 đào ngũ. Không còn kỷ luật, tinh thần gì nữa. Sư đoàn không còn có thề coi là một đơn vị chiến đấu.
Khi tướng Dũng được tin ấy, ông không nén được xúc động, ông viết trong hồi ký: "Tôi châm lửa vào điếu thuốc. Tôi đã "cai" thuốc từ lâu, nhưng mỗi lần giải quyết được một vấn đề gì gai góc, giành được một thắng lợi gì lớn, được tin một chiến thắng xuất sắc thì hút một điếu cho vui". Sự vui mừng của ông không ngăn cản ông chuẩn bị cho cuộc tiến công mới: trận đánh Đà Nẵng. Ông ở quá xa mặt trận Quân khu I để có thể trực tiếp chỉ huy, nhưng ông có những ý kiến rõ ràng về cách điều khiển chiến dịch. Ông thiết tha đề nghị với Hà Nội để tướng Lê Trọng Tấn, tổng tham mưu phó quân đội Bắc Việt Nam làm tư lệnh mặt trận Đà Nẵng. Bộ Chính trị chấp nhận và trong vài ngày đã thành lập xong bộ chỉ huy mới cho Quân khu I. Tướng Tấn rời Hà Nội bằng máy bay lên thẳng, đặt trụ sở chỉ huy ở phía Tây Đà Nẵng.
Quân bảo vệ của chính phủ Thiệu tiếp tục tan rã. Chỉ mấy giờ sau khi Huế thất thủ, bạn tôi Joe Kingsley thảo một bức điện nói về việc tiến quân của lực lượng Bắc Việt Nam ở phía Tây Nha Trang, trong Quân khu II. Anh khẳng định rằng nơi đây đã bị uy hiếp nặng. Cách Sài Gòn 56 kilômét về phía Tây Bắc, quân Nam Việt Nam đã bỏ một huyện trong khu đô thị ở tỉnh Bình Long, xe tăng Bắc Việt Nam đã tiến đến Chơn Thành, vị trí của chính phủ ở phía Bắc Quân khu III.
Mấy giờ sau, Thiệu báo tin thay đổi nội các để - như ông ta nói - có thể nắm toàn quyền cai trị. Thực ra, không có gì thay đổi. Phần lớn những cánh hẩu của Thiệu, kể cả thủ tướng Khiêm, tướng Viên đều giữ chức vụ cũ, giữ nguyên quyền hạn. Trong lúc đó, ở sân bay Tân Sơn Nhất, người Bắc Việt Nam, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời trong ủy ban hỗn hợp quân sự phải trả giá đắt cho chiến thắng của họ. Buổi tối, đi tắm không có nước chảy. Thiệu đã ra lệnh cắt nước của ho để báo thù!
CHỈ NHỮNG NGƯỜI MỸ THÔI
Đà Nẵng, thành phố thứ hai của Nam Việt Nam, cách Sài Gòn sáu trăm kilômét về phía Đông Bắc, đang bị bao vậy và bị bắn phá. Cuộc pháo kích bắt đầu sáng ngày 25 tháng 3. Mười bốn quả đạn rốc két 122 milimét, rơi đúng trung tâm thành phố. Dòng người tị nạn dài từ Huế, Quảng Ngãi kéo đến càng thêm hoảng sợ.
Sư đoàn 1 bị tiêu diệt, Trưởng không còn quân dự bị, chỉ còn 25.000 binh lính để bảo vệ Đà Nẵng. Làm sao mà ông ta có thể chống cự lại được quân Bắc Việt Nam gồm hai sư đoàn, nhiều trung đoàn độc lập sẵn sàng tiến công. Lại còn hai sư đoàn nữa sắp rời Huế tiến vào trận đánh.
Ở phía Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Chu Lai thất thủ làm cho nhiều đơn vị Bắc Việt Nam rảnh tay, Trưởng chỉ còn một sư đoàn tồi nhất là sư đoàn thứ ba để ngăn chặn họ. Trong 12 ngày qua, hơn 500.000 lính dào ngũ và người chạy trốn theo mọi con đường, tràn vào Đà Nẵng. Thành phố hiện có tới hai triệu dân. Lúc nào kỷ luật bị phá vỡ? Gánh nặng gia đình đối với sĩ quan và binh lính ra sao? Trưởng không có cách gì biết được Nhưng lần này, hắn hy vọng có thể tránh được thảm họa. Dù sao, Đà Nẵng không phải là Huế: Bến Cảng rất gần, hải quân có thể tản cư một phần nhân dân trước khỉ cuộc tiến công bắt đầu. Đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Quân Bắc Việt Nam chắc không để cho Trưởng có thì giờ. Lúc này, thuyền tàu trên sông Hàn đầy người qua sông. Nhiều người phải trả một số tiền bằng 1.200 đôla cho những kẻ đục nước béo cò để được đi về phía Nam. Nếu quân Bắc Việt Nam bắt đầu tiến công từ ngoài biển vào thì lối ra sẽ bị chặn và thành phố chắc chắn hoàn toàn bị bao vây.
Thời gian là yếu tố quan trọng nhất. Ở Sài Gòn, một số người trong chúng tôi thấy rõ điều đó. Sáng 25, tướng Smith cho 5 tàu kéo rơ-moóc, sáu tàu chở khách và ba tàu chở hàng ra Đà Nẵng để giúp vào việc tản cư người tị nạn và vận chuyển thiết bị. Trong cuộc họp buổi sáng, Al Francis ra lệnh cho mọi người chờ đợi: gia đình các nhân viên lãnh sự quán được tản cư ngay về Sài Gòn bằng máy bay, tiếp theo là người Mỹ làm theo hợp đồng. Còn những người Mỹ ở rải rác trong thành phố, phải khuyên họ đi ngay lập tức.
Ai hỏi về kế hoạch tản cư, Francis đều trả lời bằng một từ: Xong, kế hoạch do nhân viên CIA thảo ra không thể thực hiện được, vì thiếu máy bay. Chỉ trông chờ được vào hãng Hàng không Mỹ, hãng Hàng không thế giới và một phần vào hãng Hàng không Việt Nam và không quân Việt Nam có thể có.
Sau này, Francis thổ lộ: Tôi dùng hết cách để cho sự tản cư bằng máy bay càng được nhiều người càng tốt. Nếu có thể, tôi cho tản cư cả thành phố, nhưng việc đó không thể thực hiện được. Tôi quyết định khi thấy hàng nghìn người tị nạn kéo tới làm mất tinh thần quân đội. Francis nói: Tôi biết từ ngày 25 rằng: sắp hết rồi. Thấy sự lộn xộn trong thành phố, tôi hiểu là nguy cơ xấu đây - và đó là ngày 29 tháng 3.
Các đồng nghiệp của ông không tán thành ý kiến của ông. Đại diện lâm thời Lchmann từ Sài Gòn, gọi ra trách ông đã gieo rắc hoang mang trong những bức điện radio gửi cho tàu sân bay Okinawa và những căn cứ quân sự Mỹ khác. Nhưng Francis tiếp tục giữ sự bi quan của mình và trả lời: tôi ở tại chỗ, tôi biết không còn thời gian nữa. ông lấy tin ở đâu? Lần đầu tiên Lchmann không đáp lại. Sau buổi họp, Custer gọi chi nhánh CIA ở Sài Gòn xin thêm máy bay của hãng Hàng không Mỹ để chở người Mỹ và gia đình họ. Nhiều viên chức CIA khác, ngay sau buổi chiều, đã chuẩn bị vé máy bay thường lệ của hãng hàng không Mỹ cho bạn bè người Việt Nam và những người giúp việc. Họ gọi chuyến bay ấy là chuyến tàu tự do.
Phần lớn những người Việt Nam chờ ở sân bay chính ở Đà Nẵng đều kiên trì giữ kỷ luật. Họ hiểu rằng đời của họ phụ thuộc vào những đức tính này. Nhưng cảnh đó làm thất vọng một số nhà báo nước ngoài đến Đà Nẵng với mục đích tìm những cảnh thương tâm hoặc những trận đánh đẫm máu. Một nhóm phóng viên vô tuyến truyền hình Anh cố ý gây ra những cảnh mà thời sự không có. Trước hàng rào sân bay, một nhân viên CIA đầm đìa mồ hôi, cố ngăn cản mươi, mười hai người Việt Nam. Những nhà báo nói trên liền đẩy họ, chen lấn họ để họ tức giận, xô tới người Mỹ. Thật là những cảnh đẹp của vô tuyến truyền hình Anh quốc: Người xem sẽ thấy người Mỹ đang đánh những người Việt Nam khốn khổ muốn lên máy bay tản cư.
Xế chiều, gia đình trưởng ban tác chiến của tướng Trưởng được tản cư bằng máy bay đặc biệt của phái bộ quân sự cùng với vợ Custer và bà Terry Tull, phó lãnh sự mà mới hôm qua đây còn bị coi là người quá bi quan. Brinson Mc Kinley, nhân viên mới đến của lãnh sự quán, ở lại làm phó cho Francis. Tối hôm đó, bà Custer, nóng giận và bơ phờ, đến sứ quán gặp Polgar. Bà bảo Polgar: "Để đồ đạc lại, chở người từ Đà Nẵng về ngay.
Polgar gật đầu và hứa sẽ làm. Nhưng thực tế, ông không có ý định gì cả. Sau này ông giải thích: "Tôi không muốn thay những người có trách nhiệm tại chỗ. Những viên chức ở Đà Nẵng có quyền quết định những việc cần làm vì họ là những người duy nhất đứng trước tình hình đang diễn biến".
Ngày 25 tháng 3 tôi làm cho Polgar một bản báo cáo, trong đó tôi cố gắng tả cuộc rút lui chiến lược hỗn loạn bằng những từ dễ hiểu. Tôi viết: Tám tỉnh đã mất trong ba tuần qua, bốn tỉnh khác đang bị uy hiếp. Hơn một triệu người không có nhà ở. Họ trở thành một gánh nặng không tính nổi cho nền kinh tế. Những cuộc rút chạy chiến lược ở Tây Nguyên và phía Bắc Quân khu I quá hấp tấp và lộn xộn không hy vọng còn lại gì. Bỏ lại cơ man nào kho vũ khí, đạn dược. Những người Kontum và Pleiku sống sót còn lại bị mắc nghẽn bên bờ một con sông cách bờ biển 32 kilômét. Họ ít hy vọng tới được đây. Sư đoàn dù được đưa từ Quân khu I về để bảo vệ Sài Gòn, bị xé lẻ giữa Quân khu II và Quân khu III, một lữ đoàn phải di phòng thủ Nha Trang. Ở phía Bắc, lõm cuối cùng của chính phủ là Đà Nẵng. Ở Quân khu II, bốn hay năm sư đoàn quân Bắc Việt Nam hành quân cấp tốc ra bờ biển chiếm vị trí then chốt ở Qui Nhơn, Tuy Hòa và Nha Trang. Chỉ có một lữ đoàn dù và hai trung đoàn thuộc sư đoàn 22 Nam Việt Nam trên đường hành quân.
Ở Quân khu III, ba hay bốn sư đoàn Bắc Việt Nam nhanh chóng bao vây Tây Ninh và vùng phụ cận. Hai sư đoàn khác định kéo xuống khu tam giác sắt ở phía Bắc và phía Đông Sà Gòn. Hai sư đoàn khác, sau khi tiêu diệt tất cả các vị trí của quân chính phủ - trừ Xuân Lộc - hành quân qua tỉnh Long Khánh. Từ nay, Xuân Lộc là nơi trở ngại duy nhất đối với cộng sản trên con đường tiến về Biên Hòa, trung tâm quân sự của Sài Gòn. Ở vùng đồng bằng, quân cộng sản buộc ba sư đoàn quân chính phủ ở vào thế phòng thủ và họ uy hiếp nặng Cần Thơ và Mỹ Tho.
Vì quân chính phủ gần như bị sụp đổ hoàn toàn ở nửa phía Bắc nước này nên quân Bắc Việt Nam mạnh hơn bao giờ hết. Họ kiểm soát hầu hết những con đường chính ở Quân khu I và Quân khu II, nay có thể gửi thêm quân tiếp viện cho vùng Sài Gòn và vùng đồng bằng rất nhanh chóng và có hiệu lực chưa lúc nào bằng. "Căn cứ vào sự thiệt hại mới đây về thiết bị và sự uy hiếp thường xuyên của quân Bắc Việt Nam trên khắp các mặt trận thì quân chính phủ trong thời gian trước mắt, không thể nào phục hồi lại được.
Thật vậy, những gì gây ra cuộc khủng hoảng này không hề thay đổi dù ở Sài Gòn, Hà Nội hay Hoa Thịnh Đốn. Chiến tranh Việt Nam đã hoàn đảo ngược trong mấy tuần lễ. Một thảm họa quân sự là chắc chắn". Đó là những nhận định của chi nhánh CIA ở Sài Gòn gửi về cho Hoa Thịnh Đốn. Ở Hoa Thịnh Đốn người ta đau lòng chấp nhận sự nghiêm trọng của tình hình. Nhưng làm gì đây? Các giới chính trị tự do, mỗi giới thận trọng đưa ra một giải pháp. Trong một cuộc họp báo, Kissinger nói những lời hoa mỹ: hòa bình không thể chia cắt. Hoa Kỳ không thể có một chính sách không nhất quán. Chúng ta không thể bỏ những người bạn của chúng ta ở vùng này của thế giới mà không làm cho nền an ninh của những người bạn khác bị uy hiếp". Có nghĩa là không có vấn đề bỏ rơi Sài Gòn nếu chúng ta muốn tiếp tục chơi trò cân bằng giữa Ixraen và các nước A rập. Kissinger ra sức đòi không được giảm viện trợ tài chính cho Việt Nam. Trái lại phải chi thêm ba trăm triệu đôla nữa. Nhưng người đối thủ cứng đầu của ông trong chính phủ là bộ trưởng quốc phòng Schlesinger, đã bí mật báo cho giới báo chí biết là số tiền Mỹ cấp cho Sài Gòn - bảy trăm triệu dôla - hoặc chưa dùng đến hoặc đã tiêu phí hết rồi. Trong khi đó, ở Đà Năng, trên bờ biển phía Đông Việt Nam, quân đội Nam Việt Nam đi chân đất, không vũ khí, gào khóc hò hét giữa phố, bất chấp người đi lại. Chúng tập họp thành từng nhóm trên vỉa hè, cầm tay nhau. Nhân dân Đà Nẵng rất lo sợ nhìn những kẻ thất trận mất tinh thần ấy. Chúng sẽ làm gì đây? Hãm hiếp, đốt, cướp, phá phách.
Ngày 26, hàng trăm sĩ quan Nam Việt Nam xông vào những sứ quán, đòi giúp đỡ gia đình họ tản cư. Nhiều người Mỹ buộc phải đẩy vợ con họ trà trộn với những người giúp việc sắp đi Cam Ranh hay Sài Gòn. Francis cũng phải nhận cho tản cư gia đình nhiều sĩ quan cao cấp của không quân quân đội với điều kiện những sĩ quan này bảo đảm sự an toàn của hai sân bay ở Đà Nẵng. Thoạt đầu, cầu hàng không hoạt động bình thường. Máy bay 727 của hãng Hàng không thế giới, máy bay lên thẳng và máy bay vận tải C.47 của hãng Hàng không Mỹ bay đi, bay về cả ngày. Mỗi lần cầu thang hạ xuống, hàng trăm người Việt Nam xô tới, một tay cầm tấm vé quý giá, tay kia dắt con, bế lợn, ôm gà...
Giữa trưa, đại tá Garwin Mc Curdy từ Sài Gòn đáp máy bay tới giúp Francis tổ chức cầu hàng không. Vừa bước xuống đất, theo yêu cầu của Francis, ông phải trở lại Sài Gòn để xin thêm máy bay lên thẳng của không quân Mỹ. Xế chiều, Mc Curdy về tới Sài Gòn. Khi ông gọi tới bộ tổng tư lệnh nhóm cố vấn Mỹ đặc biệt ở phía Bắc Thái Lan, hỏi xin hai máy bay lên thẳng để tản cư những người ở Đà Nẵng thì được người chỉ huy trả lời là không thể được. Toàn bộ máy bay lên thẳng ở đây đang chờ bay đi Phnôm Pênh để tản cư những người Mỹ ở đấy. Không có Hoa Thịnh Đốn duyệt thì không thể cho máy bay đi đâu cả. Xin duyệt lại mất rất nhiều thì giờ.
Trong lúc cuộc tản cư ở Đà Nẵng tiếp diễn thì các vị trí của quân chính phủ ở Quân khu II bị tiêu diệt trong chớp mắt. Sáng 26, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Bình Định, bên bờ biển, rơi vào tay địch. Sư đoàn 3 quân Bắc Việt Nam tiến thẳng về Qui Nhơn, thành phố quan trọng thứ ba của Nam Việt Nam. Nhiều đơn vị quân đội cộng sản khác chặn đánh tàu chở quân của sư đoàn 22 quân đội Nam Việt Nam chạy tan tác ở phía Tây thành phố. Cùng lúc đó hàng nghìn người dân ở Qui Nhơn và Tuy Hòa bỏ nhà cửa chạy trốn dọc theo bờ biển về Nha Trang. Nhiều người đi chân đất theo đường số 1, nhiều người đi bằng thuyền đánh cá, chạy qua nhiều vùng nguy hiểm.
Khoảng 12 viên chức bộ ngoại giao, cơ quan thông tin và Chi nhánh CIA làm việc trong lãnh sự quán Mỹ ở Tuy Hòa cũng đi ngay. Sáng 26, họ được CIA báo cho biết quân đặc công cộng sản chuẩn bị đánh phá trụ sở của họ. Họ thu xếp hành lý trong vài giờ và bay đi Nha Trang. Trong Quân khu II, người Mỹ chỉ còn có tổng lãnh sự và mấy lãnh sự quán nhỏ ở Phan Thiết và Đà Lạt. Tất cả phần phía Bắc nước này nhanh chóng rơi vào tay kẻ địch. Nhưng tai họa của Thiệu không dừng ở đấy. Ngày 26, đối thủ lớn của Thiệu, cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ mời nhiều bạn thân cũ có cảm tình đến ăn cơm ở Tân Sơn Nhất. Sau một bài nói chuyện dài và uống cạn nhiều chai sâm banh, Kỳ thuyết phục bạn bè cùng ông đòi lập một chế độ giao thời để tập hợp được quân đội và đàm phán trên thế mạnh.
Đúng lúc ấy, làn sóng nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Quân khu I về tới Sài Gòn, làm tăng thêm số dân Mỹ và sự lo sợ của họ. Đáng lẽ nghỉ ngơi thì họ lại tới các bar, các tiệm ăn ưa thích, hết đêm này sang đêm khác, kể những chuyện kinh khủng ngoài chiến trường và đoán chắc rằng thảm họa đến nơi rồi. Lo rằng sự hoang mang lây sang người khác, các quan chức cao cấp sứ quán nhanh chóng đề ra biện pháp đối phó. Họ buộc thủ trưởng và phó thủ trương các cơ quan phái giữ bí mật, không nói rõ sự thật cho giới thân cận, vợ con, thư ký hay cộng tác viên. Ngoài ra, Lehmann vẫn đứng đầu sứ quán vì Martin còn vắng mặt, chặn tất cả những nguồn tín xấu nhất là của đài tiếng nói Hoa Kỳ, đài phát thanh nói tiếng Anh do phái bộ chỉ huy đài thọ. Một cộng tác viên của ông, hàng giờ, kiểm duyệt những điện tử Mỹ đánh sang và xóa bỏ tất cả nhưng gì có thể làm rối ruột các vị "phu nhân" nằm dài bên bờ bể tắm, nghe đài bán dẫn. Báo Bưu điện Sài Gòn, tờ báo hàng ngày duy nhất của thủ đô, bằng tiếng Anh, do CIA kiểm soát, cũng bắt đầu thu nhỏ những thất bại gần đây của chính phủ.
Ở Đà Nẵng, sự mất ổn định và căng thẳng nay diễn ra suốt ngày nên một phần nhân dân quen đi, đâm ra coi thường. Trưa 27, nhiều chợ và cửa hàng thực phẩm tại chỗ, giá cả không thay đổi. Trong các phòng làm việc của CIA, gần lãnh sự quán, đông người Việt Nam chờ tản cư tăng lên tăng lên hoặc giảm theo từng giờ, giống như một máy tăng điện tự động. Mỗi máy bay có thể chở ba trăm người nhưng cùng lúc ấy thì ba trăm người khác đã vượt rào vào, chờ đến lượt mình. Họ cố đem theo số của cải ít ỏi mong mỏi người Mỹ cứu họ. Ron Howard, phụ trách hậu cần của CIA, từ cửa sổ phòng làm việc, nhìn xuống triều người dâng lên, rút đi rồi lại dâng lên: Có đến ba nghìn người Việt Nam giúp việc cho lãnh sự quán và người Mỹ, lại còn những người quen của họ. Họ đến ngày càng đông, giận dữ như anh.
Khi thấy một đoàn xe Jeep và xe tải chạy vào cửa chính. Howard len lỏi ra sân, xem xem có thể giúp một tay vào việc bốc hàng lên không. Anh không bằng lòng về cách chọn người đi đang được thực hiện. Nhân viên CIA phụ trách việc này cũng là một người tị nạn. ông ta có xu hướng dành ưu tiên cho những người bạn Việt Nam và đồng nghiệp cùng ông ta vừa chạy tới Đà Nẵng. ông ta bỏ rơi những nhân viên cửa Howard. Trong buổi sáng, hai lần, Howard phải gọi radio cho nhân viên thường trực của CIA ở lãnh sự quán, đề nghị lựa chọn người tản cư một cách công bằng, nhưng viên chức này chỉ trả lời rất đơn giản: "Chúng tôi cố gắng làm hết sức mình.
Đoàn xe đi, Howard ngồi một mình trong phòng. Không xa lắm, dưới mắt anh, người Việt Nam phá cửa một nhà kho, đập nát hàng hóa, đồ đạc trong đó. Họ uất ức quá như anh! Quá trưa, nhiều tin mới lan truyền trong thành phố: quân Bắc Việt Nam tiến công đến nơi rồi. Nhân dân lại hoảng sợ. Hàng trăm người mặt tái mét, vội vàng chạy vào sân bay. Họ chen chúc, xô đẩy nhau mỗi khi có một máy bay tới.
Khoảng hơn 2 giờ chiều, Francis đi xe Jeep tới sân bay. Ông vừa mệt, vì nhức đầu vì thiếu ngủ trong những đêm vừa qua: ông không thể chịu nổi cái cảnh hai nhân viên CIA điều khiển người Việt Nam tản cư. ông vội vàng đảm nhiệm việc ấy. Nhưng mấy phút sau, một máy bay hạ cánh, dòng người xô ra đường băng, đẩy ngã Francis, dẫm cả lên người ông. Ông vội đứng dậy, lấy dùi cui đánh người Việt Nam và kêu lên: "Gọi thị trưởng cho tôi! Gọi thị trưởng cho tôi!". Thị trưởng Đà Nẵng ở cuối dòng người. Ông ta có vẻ không muốn ra mặt. Một nhân viên CIA nắm lấy ông ta, kéo đến chỗ Francis, Francis cố gắng mang hết sức lực yếu ớt còn lại thét lên: "Trời ơi, giúp chúng tôi một tay chứ. Những người này là những người của các ông!". Vừa thét xong, tổng lãnh sự Hoa Kỳ ngã vật xuống đất, không còn biết gì nữa. Mỗi giờ qua đi thì sự hoảng loạn càng tăng, tăng nhanh hơn là dự kiến. Trong khi những người tị nạn chạy đi, chạy lại trên sân bay thì những máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ bắt đầu đỗ xuống một bãi nhỏ hơn, gân núi Ngũ Hành ở phía Đông thành phố, để đón những người chạy trốn khác. Những máy bay tham gia cầu hàng không cũng đỗ xuống sân này.
Tám giờ tối, Francis đã tỉnh, ra lệnh tạm thời ngưng những chuyến bay của hãng Hàng không Mỹ ở sân bay chính vì quá lộn xộn và ồn ào. Trong số người Mỹ còn lại, mấy người được chở bằng máy bay lên thẳng đến sân bay ở gần núi Ngũ Hành, còn số đông trở lại thành phố, tạm trú rất kịp thời ở một ngôi nhà gọi là "Alamô".
Đêm xuống. Hơn ba mươi nhân viên lãnh sự quán còn kẹt lại trong thành phố, cũng như mấy nghìn người Việt Nam giúp việc. Nhiều người tụ tập chung quanh trụ sở của CIA. Tin tức radio từ Sài Gòn đánh ra, được nhận ở phòng radio cấp cứu đặt ngoài hành lang, gần phòng làm việc của Custer, John Pittman, phó của Polgar, luôn luôn đòi hỏi Custer và nhân viên của anh rời Đà Nẵng ngay. Polgar không muốn một ai hy sinh vô ích tính mạng mình. Custer cố làm ông yên lòng, nói rằng anh cũng thấy rõ sự nguy hiểm và đã có đủ sự đề phòng cần thiết. Khi bức điện được đánh đi, anh yên trí Pittman vào Sài Gòn sẽ để anh yên. Khoảng 10 giờ đêm, một phó của Francis đến gặp những người Mỹ tạm trú ở Alamô. Anh bình tĩnh bảo họ thu xếp hành lý đi ngay đến nhà Francis ở gần đấy. Anh nhấn mạnh: chỉ những người Mỹ thôi. Không nói gì với nhân viên người Việt Nam. Ron Howard lại cầu cứu Custer bằng radio: Người Việt Nam tụ tập ở ngoài sân bắt đầu chửi anh, kết tội người Mỹ đã phản bội họ. "Phải giúp tôi ngay, giúp ngay, giúp nhiều nếu không họ sẽ đánh tôi và đập phá hết", điều mà suốt ngày đó, anh từng lo sợ.
Nhưng, radio câm như hến. Cũng buổi tối hôm đó, tổng thống Thiệu xuất hiện trên vô tuyến truyền hình. Ông đọc một bài diễn văn trong năm phút. Ông hô hào "Đồng bào chặn đứng cuộc tiến công của quân thù". Việc Thiệu lại ra mắt trước công chúng có ý nghĩa như lời kêu gào của ông, vì hai tuần nay, ông biệt tăm. Sau bài nói chuyện một lúc, Thiệu rời dinh Độc Lập, đi xe hòm bọc thép đến một nơi ở bí mật, gần khách sạn Majestic, trông ra bờ sông. Thiệu hội đàm tới khuya với "cận thần". Thiệu ít lo ngại về những tin xấu từ mặt trận gửi về mà sợ những tin đồn loan truyền rằng cuộc cuộc đảo chính của Kỳ sắp sửa nổ ra.
Buổi sáng hôm ấy, Kỳ lại ra một lời kêu gọi nữa, đòi Thiệu phải từ chức. Nhưng Thiệu đã chuẩn bị đối phó. Một giờ sau, cảnh sát an ninh quốc gia, vũ trang đầy đủ đến bắt nhiều người đáng nghi, ba nhà báo và bốn "chính trị gia" hạng nhì, vì tội định làm đảo chính lật đổ chính phủ. Không có một nhân vật tai to mặt lớn nào trong giới thân cận Kỳ bị động đến. Ít nhất là lúc này.
Gần nửa đêm, George Jacobson, cố vấn đặc biệt của đại sứ, gọi đại tá Mc Curdy ở tổng hành dinh yêu cầu xin ngay một số máy bay lên thẳng của lực lượng đặc biệt đóng ở Thái Lan. Khi đại tá nói chuyện được với tư lệnh không quân thứ bảy bằng dây nói an ninh thì cũng được trả lời như lần trước: "Không còn máy bay rồi, cần cấp trên chuẩn y, tất cả dành cho chiến dịch "Phượng hoàng ra đi ở Campuchia".
Màn đêm trùm lên Đà Nẵng, tiếng vang của trận đánh bất ngờ im ắng. Chỉ còn lời nhắc nhở khó nghe, qua loa phóng thanh của chính quyền: Chiến tranh đang tiếp diễn, ngoài kia trong bóng tối đêm cuối cùng này! Nhưng sự yên tĩnh chỉ là ảo tưởng. Ba mươi lăm nghìn binh lính Bắc Việt Nam đã ở ngoại ô Đà Nẵng, vừa quyết định tạm dừng lại, để gây hoang mang. Sau này, chung quanh Sài Gòn, họ cũng dùng chiến thuật ấy, để tiến đánh trận cuối cùng. Khoảng một giờ rưỡi sáng ngày 28 tháng 3, Ron Howard cuối cùng đã nói chuyện được bằng radio với Custer. Howard cố giữ bình tĩnh để trình bày rõ tình hình: Người Việt Nam phá xe, cướp của cái, đốt kho v v... Anh nghe thấy tiếng nói của Custer giật giọng như tiếng gươm: nên bình tĩnh. Rời trụ sở, ra bờ biền, cho ca nô xuống nước. Chúng ta đi tất cả Howard vừa khóc vừa cố làm cho Custer hiểu anh không ra được, đang bị bao vây. Custer nhắc lại lệnh và cắt đặt cuộc nói chuyện.
Howard ngồi trong phòng làm việc, đầu rối tinh. Lãnh sự quán có năm chiếc xuồng máy. Đó là những phương tiện duy nhất có thể cứu anh. Nhưng giữa xuồng máy và anh, còn có ba nghìn nhân viên người Việt Nam và cơ man nào nhân dân thành phố đang coi anh như một "con tin" để được tản cư theo. Họ không để cho anh ra, nếu anh không thu xếp hoặc không giả vờ thu xếp một cái gì đó cho họ đi. Anh nghĩ phải một mưu mẹo mới được. Ở sở chỉ huy, trên đường ra biển, tướng Trưởng lần cuối cùng, tập họp được bộ tham mưu. Với giọng buồn thiu, ông ta giải thích: ít nhất phải mất 45 ngày mới thu thập được binh lính, ổn định tình hình nhân dân và đưa họ đi tản cư. Nhưng, ông ta kết luận, may ra, chúng ta chỉ còn một hay hai ngày thôi.
THOÁT KHỎI ĐỊA NGỤC
Ngày 28 tháng 3, mới trước bình minh nhưng ở Đà Nẵng, ngoài bến tàu, dòng người sợ hãi đã đông nghịt. Những tấm gỗ xám, lâu đời kêu răng rắc dưới sức nặng của hàng nghìn người Việt Nam. Họ chen lấn, xô đẩy nhau. Đây là chuyến đi cuối cùng. Chung quanh mỗi cột cầu tàu, thuyền và tàu kéo đậu thành ba hàng, chở người tị nạn đứng ngồi như nhét khoai tây. Trong lúc đó, ở phía Tây thành phố, dưới tầm súng của lính bắn tỉa Bắc Việt Nam, nhiều người tị nạn thất vọng, chiếm vọng kiểm soát của sân bay chính, ngăn cản mọi chuyến bay.
Một lúc sau, khoáng 4 giờ sáng, Francis sau khi đi thăm thành phố trở về nhà, người mệt lã, ông báo cho nhóm 30 người Mỹ, những người Việt Nam và người nước ngoài khác đang chờ ông biết rằng tình hình rất xấu, buộc ông phải ra lệnh cho tản cư ngay lập tức toàn bộ những người ông chịu trách nhiệm. Một số người trong nhóm đi lẫn lộn vào đám đông, tới sân bay nhỏ ở bên kia đường dành cho máy bay lên thẳng của ủy ban quốc tế kiểm soát. Lúc đó những máy bay đầu tiên của hãng Hàng không Mỹ bay tới. Những người còn lại của nhóm tiến ra bến ở bên kia lãnh sự quán, ở đấy có một xuồng máy vừa từ cảng chạy tới. Họ vừa tới xuồng thì hàng trăm người Việt Nam đã xô ra cầu tàu. Trong không đầy 20 phút, hơn bốn nghìn người đứng trên đó, nặng gấp hai lần sức chở bình thường. Custer, từ kho nhìn ra, nhận thấy mình bất lực, không thể nào cho tản cư được nhân viên của anh. Giữa lúc rối ren ấy, Francis gọi một sĩ quan của phái bộ quân sự và hai nhân viên CIA theo ông. Ông vất cho một người khẩu súng M.16 và nói: "Có khi phải sử dụng đến. Đừng chần chừ gì mà không sử dụng". Ông vội đi đến lãnh sự quán, ở bên đường. Một nhóm người đi xe Hon da bắt đầu bao vây ông. Sau khi nhanh chóng trở vào trụ sở, lấy máy radio cực mật của CIA, ông lên một xe vận tải nhỏ, đi ra bến. Giữa sự chen lấn của những người tị nạn, ông đưa được máy radio xuống một xuồng máy. Trong khi đó, lính Nùng của Thiệu, xông vào trụ sở, tìm kiếm vơ vét những gì CIA để lại. Khi họ hiểu rằng người chủ Mỹ đã bỏ rơi họ, họ lập tức phá và đốt những ngôi nhà. Hai nhân viên CIA xuất hiện, họ lia súng buộc hai người phải chạy trốn qua cửa ra vào.
Còn Ron Howard, anh không tự hào chút nào về mưu mẹo của mình. Anh gọi riêng một nhân viên người Việt Nam, nhanh chóng cho ý kiến, đánh xe vận tải lại, cho ba nghìn người tị nạn nhanh chóng lên xe, chở ra trung tâm thành phố, ở đây sẽ có máy bay lên thẳng xuống đón. Lệnh của anh được chấp hành ngay. Howard cũng giúp phụ nữ và trẻ em trèo lên xe. Rồi từng chiếc một, những xe vận tải chở 2,5 tấn nặng nề chạy qua cửa sắt, đi về phía địa điềm tập kết ma. Rõ ràng mưu mẹo này không cao. Việc ngần ấy người lên xe phải mất hơn một giờ đồng hồ. Khi chiếc xe cuối cùng đi được đi được thì những chiếc xe đầu tiên đã quay về, người trên xe giận dữ tưởng phát điên. Họ sẵn sàng giết người. Họ đã chờ đợi và nhìn về phía chân trời hết sức thất vọng. Đúng thế, chưa có một máy bay lên thẳng nào đến cả mặc dù người ta đã hứa hẹn!
Howard đóng và khóa được cửa sắt, nhưng hàng trăm người tị nạn nổi giận đã tập hợp ngoài đường phố và xô tới cửa. Chợt Howard nghe thấy tiếng nói Custer ở radio để trong túi, giục anh mau mau ra cảng: mọi người đều đi! Run vì sợ, Howard nghe lõm bõm lời giục giã. Trong bóng tối, anh nhìn đồng hồ: năm giờ rưỡi rồi. Lần này tính mạng anh có thể nguy hiểm. Anh không thể đi bằng xe con được. Anh không có quyền lựa chọn. Anh bám lấy cổ áo một người Việt Nam, một người thợ có khi rất quen. Anh thề với người này sẽ bảo đảm mọi thứ quý giá nhất cho anh ta và gia đình, chỗ trên máy bay hoặc trên tàu nếu anh này nhận giúp anh trốn thoát. Người Việt Nam có vẻ không tin nhưng anh cũng chẳng còn cách nào khác. Anh nhận lời. Trong khi hơn một chục người tị nạn đột nhập được trụ sở, đốt vòi bơm dầu xăng, cướp phá tự đo thì Howard và người thợ cùng gia đình lặng lẽ vòng ra đằng sau nhà, lên một xe vận tải bỏ không. Người Việt Nam cầm lái (Howard ngồi xổm bên cạnh) cho xe đâm vào đám người tụ tập, những người này tản ra; mấy phút sau, xe đi được tới cảng.
Cầu hàng không lại có, đúng lúc bình minh ở sân bay chính. Lúc những máy bay 727 đầu tiên của hãng Hàng không thế giới hạ cánh, một đoàn xe quân sự chở gia đình, binh lính Việt Nam đến đỗ ở đường băng và bắt đầu cho người xuống. Tức thì, năm nghìn người Việt Nam khác, kiên nhẫn chờ ngoài cửa, chạy ập tới máy bay, dẫm lên cả đàn bà, trẻ con. Lính gác Mỹ ra oai. Nhưng không có kết quả. Người lái máy bay khởi động, bắt đầu cho máy bay lăn bánh. Rất nhiều tay người còn bám lấy cửa máy bay chưa đóng. Hàng chục người còn bị treo lơ lửng khi máy bay rời đường băng. Ron Howard lái mò trong sương mù dày đặc. Trong ánh sáng mờ, tiếng kêu cầu cứu của người Việt Nam át cả tiếng sóng vỗ. Howard tìm thấy Custer và 16 người Mỹ khác đang chờ anh bên bờ biển. Máy ca nô đã khởi động, không ngoái cổ lại một lần, họ ra khơi. Howard ngồi đằng trước, lái ca nô. Bên anh là Custer, Brunsom Mc Kinley và ba người Mỹ khác. Người thợ cơ khí Việt Nam và gia đình bị nhét ở phía sau. Bên phải, hai chiếc xuồng máy khác của lãnh sự quán vừa kêu vừa chạy qua những con sóng lớn. Howard chưa hiểu sẽ đi đâu. Anh cũng không quan tâm đến việc ấy nữa. Cái chính là thoát khỏi Đà Nẵng, được sống bình yên sau nhiều ngày khốn khổ. Lấy cái com pa bỏ túi, anh lái ca nô đi phía Đông Nam, tới một đảo nhỏ của những người đánh cá.
Custer, mệt mỏi, ngồi khuỵu bên anh. Sau cùng, mới ấp úng: "Một tàu I.Z đón chúng ta". Thật vậy chẳng mấy chốc, một ống khói đỏ, trắng, xanh lơ và bóng xám một tàu chở hàng Mỹ xuất hiện giữa sương mù. Đó là tàu Pionneer Contender.
Ở Đà Nẵng, lúc Francis nghe nói có biểu tình ở sân bay chính, ông quyết định tất cả các máy bay của hãng Hàng không Mỹ đều đỗ xuống sân bay Ngũ Hành Sơn, để lại hơn mười nghìn người Việt Nam ở sân bay chính. Trong những người này có nhân viên lãnh sự quán với gia đình họ. Francis đề nghị cho hai máy bay Huey đến chở "hành khách hợp pháp" này về sân bay "Ngũ tranh Sơn". Nhưng hai máy bay vừa đỗ xuống thì đám đòng đã xô tới một lần nữa, lại đánh nhau để lên. Trên biển, những xuồng máy nhỏ đỗ dọc chiếc tàu Pioneer Contender. Dưới tiếng kêu thét vui vẻ của Ron Howard và các bạn đồng nghiệp. Một người Việt Nam níu chặt lấy cây thập tự nhỏ. Howard đứng dậy, lấy một thang dây trên tàu, quăng xuống cho anh ta và gọi Custer để cùng giúp người tị nạn lên tàu. Nhưng Custer vừa lắc đầu vừa xua tay và nói: Tôi không muốn ở trên tàu, tôi còn phái lo nhiều việc ở Đà Nẵng. Tìm nhân viên quan trọng người Việt Nam bị bó sót lại. Có ai giúp tôi không?
Howard không tin ở tai mình nữa. Anh nhìn những người khác ngồi trong tàu, không ai động đậy. Brunson Mc Kinley cuối cùng gật đầu và nói: Tôi đi. Anh là người duy nhất xung phong. Custer chào vĩnh biệt những người trèo lên thang sau cùng. Gặp may mắn, giữ gìn sức khỏe. Chiếc xuồng máy quay lại, biến trong sương mù. Howard trông thấy anh lần cuối cùng trong lúc leo lên cầu thang giữa. Anh nói với người bạn Việt Nam leo trước anh: "Trời chứng giám, tôi không có tính can đảm!". Howard tự an ủi mình quá sớm. Tình hình trên tàu Contender cũng như giấc mộng khủng khiếp anh đã thấy ở Đà Nẵng: 15.000 tính Nam Việt Nam chen chúc trên boong, một số đánh nhau, một số bắn những người dân đứng lẫn với họ. Cách đó mười milimét, một tên hiếp phụ nữ trong khi đó một tên khác gí súng vào người chồng chị ta. 35 người tị nạn Mỹ thì họp thành một nhóm nhỏ gần buồng lái. Một người Mỹ nói to với Howard, tay chỉ một binh lính Nam Việt Nam cầm súng, đứng trên boong tầng trên: chúng muốn đi Philippin, và đã nhốt thuyền trưởng rồi. Howard không cần phải suy nghĩ lâu mới biết nên làm gì. Anh ra hiệu cho mấy lính Mỹ cùng đi từ Đà Nẵng, trình bày nhanh với họ kế hoạch của anh. Sau khi xem lại vũ khí, lính Mỹ bèn đi lên boong trên. Bốn lính Nam Việt Nam đứng dựa vào thành tàu mải nói chuyện với nhau không hề biết gì. Howard và lính Mỹ đánh ngã ngay, chúng không kịp kêu. Họ phá khóa. Người thuyền trưởng, choáng váng, đi từ ca bin ra, theo sau là mấy thủy thủ. Khi đã hoàn hồn, ông mới ồm ồm nói: các bạn biết không, chúng bảo với tôi từ Sài Gòn, chúng đến đây để lấy xe của Mỹ còn để lại. Tôi không ngờ lại xảy ra chuyện này. Ở Sài Gòn, không một ai trong chúng tôi có ý niệm gì về sự khổ cực của các bạn đồng nghiệp ở Quân khu I.
Tin tức sơ sài chúng tôi nhận được buổi sáng là một mớ phóng sự của các nhà báo và báo cáo của lái máy bay kèm theo ảnh chụp từ trên không. Kèm theo nữa là việc Custer tỏ ý với Polgar chưa vội về Sài Gòn, làm cho chúng tôi yên tâm. Chúng tôi lại nói với nhau để tự an ủi: người chịu trách nhiệm ở ngoài đấy nắm vững tình hình. Thế rồi chúng tôi bình tĩnh đi làm việc. "Việc" này không chán như trước vì ngày 28 Martin và người thân cận của Weyang đã đến Sài Gòn. Ngay lúc Ron Howard và các bạn anh ở lãnh sự quán ngoài Quân khu I vật lộn để sống, thì Pat, Joe và cả tôi nữa đang hối hả chuẩn bị những bản báo cáo để trình bày với những nhân vật quan trọng về những sự kiện mà ngay bản thân chúng tôi cũng khó hiểu. Mc Kinley ngồi bên cạnh Custer, trên xuồng máy vượt sóng chạy vào bờ kinh đầy nước. Giữa đường, họ trông thấy một tàu kéo, chiếc Oseola (Mc Kinley nghĩ: đúng là một từ Mỹ), họ cho xuồng chạy đến. Custer nói: có thể tàu có nhiều sà lan. Họ đang cần để chở người tị nạn. Thực tế, không còn sà lan nào trống cả, chỉ có thể đứng được thôi. Hai người quyết định lấy hẳn chiếc Oseola làm căn cứ. Họ trông thấy Al Francis trên bến, mắt trũng, vẻ mệt mỏi. Nhưng Francis từ chối không chịu tản cư. Ông nói: Tôi còn phải ở lại một lúc nữa để giữ để giữ tinh thần người Việt Nam. Mc Kinley nói đùa một cách buồn bã: thế thì ở lại nhé rồi đi với Custer. Đấy là lần cuối cùng họ trông thấy Francis ở Đà Nẵng. Mc Kinley từ biệt Custer ở bến bên kia lãnh sự quán. Anh đi ngược phố đến biệt thự của Francis, liếc nhìn đám đông xem có mặt nào quen không.
Bọn kẻ cướp đã phá cửa nhiều nhà, nhiều cửa hàng vắng chủ. Chúng gói của cải vào vải bạt, vác lên vai chạy vượt lên Kinley. Lửa cháy ở những thành phố gần đấy. Trên tàu Pioneer Contender, Howard và các bạn Mỹ quan sát một cách bực mình hàng nghìn lính Việt Nam cũng đứng trên boong. Họ đã lên tàu gần một giờ, đã giải phóng thuyền trưởng và ổn định tư tưởng của thủy thủ bất bình thường chung quanh, họ vẫn là hỗn độn và bạo lực. Lính Nam Việt Nam giết những người nghi là Việt cộng! Thực tế đó là lính và dân đánh nhau đến chết để tranh một chỗ ở boong dưới.
Thế rồi có tin loan truyền người nhái cộng sản sắp đánh đắm tàu. Một lính Mỹ nêu ý kiến đuổi những người Việt Nam ở boong trên xuống, lấy dây bao quanh họ, phòng khi họ quay lại tiến công người Mỹ thì dễ bảo vệ hơn. Đuổi họ khỏi boong trên không phải là chuyện dễ: có đến gần một nghìn lính Nam Việt Nam phần lớn có vũ khí. Đuổi họ đi sẽ gây chuyện đánh nhau ngay. Nhưng nên chọn cách nào? Howard và mấy người nữa hỏi thuyền trường. Ông chấp nhận. Công việc được tiến hành ngay. Howard cầm súng, tiến đến nhóm lính gần nhất, yêu cầu gọi sĩ quan đến nói chuyện. Anh chững chạc bảo họ: Tàu không thể chạy được nếu trên boong còn cảnh hỗn loạn. Suốt buổi sáng và cả trưa nữa, Howard và bạn anh lần lượt đi nói với các nhóm lính như thế. Đồng thời họ tước vũ khí của lính và đẩy họ dần dần về phía sau, nhất là đối với những tên cứng cổ. Ở trên bờ, Mc Kinley len lỏi mới ra được bến cùng với mấy người cộng sự Việt Nam. Được Custer giúp đỡ, anh đẩy những người bạn này lên một xuồng máy. Mất 45 phút mới ra tới tàu Oseola và 5 phút mới lên được tàu. Custer quay mũi xuồng vào bờ. Trong khi đó, tàu Oseola kéo theo nhiều sà lan tiến về nơi hẹn trước bằng radio với tàu Pioneer Contender sẵn sàng chở người tị nạn.
Suốt buổi sáng, hai máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ bay qua bay lại giữa sân bay nhỏ của ủy ban quốc tế kiểm soát ở gần nhà Francis và đường băng ở núi Ngũ Hành Sơn. Đến trưa, cả hai máy bay đều sắp cạn dầu. Phi công báo cho Francis, họ phải đến một đảo nhỏ cách bờ khoảng một trăm kilômét để lấy nhiên liệu. Không để mất một phút, Francis gọi đến sở chỉ huy của Trưởng yêu cầu cho một máy bay lên thẳng đến chở người tị nạn từ sân bay nọ cho đến sân bay kia. Trưởng nhận lời, cho hẳn máy bay lên thẳng và phi công riêng của ông đến. Có thêm máy bay, Francis cho chở được hết khách ở sân bay người tị nạn của ủy ban quốc tế kiểm soát trước ba giờ chiều.
Khi người tị nạn cuối cùng lên máy bay, Francis ra lệnh cho người lái bay đi, không chờ ông. Francis muốn quay lại lãnh sự quán xem còn ai không. Mười phút sau, người lái máy bay của Trường đỗ xuống phía Đông sân bay núi Ngũ Hành Sơn và cho người xuống. Nhưng anh ta không biết rằng những người kiểm soát của hãng Hàng không Mỹ vừa chọn một nơi khác để máy bay đỗ nên nhóm người tị nạn này bị bỏ lại. Xế chiều, Francis đến núi Ngũ Hành Sơn kiểm tra lần cuối, ông thấy những người tị nạn rét run, ôm lấy nhau như đám gà con sợ hãi, ông gọi radio cho nhóm Hàng không Mỹ xin một chuyến bay nữa nhưng binh lính Nam Việt Nam đã đặt pháo binh sẵn sàng nhả đạn vào đường băng. Francis đến thảo luận với họ, họ đồng ý hoãn việc phá đường băng để máy bay đỗ với điều kiện chở một số sĩ quan và binh lính đi tản cư. Do đó trong số 93 người đi trên chiếc C.47 cuối cùng, một nửa là binh lính Nam Việt Nam.
Nhưng cả sự nhượng bộ ấy cũng không có ích gì. Máy bay vừa lăn bánh trên đường băng, hàng trăm binh lính khác đổ xô đến bám lấy cánh, lấy càng như họ muốn giữ máy bay lại để báo thù? Francis chạy đến, thét mắng, chửi bới, thậm chí đánh những người lính. Sự khiêu khích có hiệu quả ngay: lính quay lại đánh ông, máy bay cất cánh ngay. Francis có thể bị giết nhưng ông nhanh trí, giả vờ chết. Bọn lính sợ hãi, lùi lại, rồi trở về với đại bác của họ.
Một người Đức, hai người Anh giúp việc cho một tổ chức từ thiện, đứng xa chứng kiến cảnh này. Họ vội vàng chạy đến nâng ông tổng lãnh sự dậy. Tuy bị đánh và ngất đi nhưng ông không đau lắm, chỉ bị thương ở cổ. Tuy vậy, Sài Gòn khi thất thủ hai năm rồi, ông vẫn còn khó chịu.
Quá trưa ngày 28 tháng 3, sư đoàn 3 Nam Việt Nam đóng ở phía Tây Nam Đà Nẵng không còn nữa: Vừa bị pháo binh cộng sản bắn, vừa bị gánh nặng gia đình thôi thúc, sư đoàn tan rã nhanh. Một số lính thủy ở phía Bắc thành phố lui ra bờ biển vì trước chúng, lực lượng Bắc Việt Nam rất đông sắp đè bẹp chúng. Tin thất trận bay về bộ tư lệnh tướng Trưởng. Trưởng gọi Thiệu ở Sài Gòn đề nghị dành cho ông ta một sự "linh động" nào đó. Thiệu không thèm hỏi gì vì biết rằng linh động có nghĩa là tản cư ngay và triệt để bằng đường biển!
Còn Francis và trưởng chi nhánh CIA ở Đà Nẵng có vẻ tranh nhau tỏ rõ cho đồng nghiệp đã xuống tàu, mình có vinh dự là người Mỹ cuối cùng rời thành phố! Tổng lãnh sự vừa thoát chết ở sân bay Ngũ Hành Sơn. Cùng với mấy người Anh, đi máy bay lên thẳng đến sở chỉ huy của Trưởng nói là để giúp ông ta. Custer dành cả buổi chiều để đi đi lại lại giữa tàu Oseola và bến sông Hàn. Trước tối, xuồng máy anh ta hết dầu, cách lãnh sự quán không xa lắm. Anh cùng với người lái dùng một xuồng khác đi ra tàu kéo.
Chiều xuống, sương mù tỏa ra. Nhìn xa được đến đâu thì thấy mặt nước biển ở đấy đầy những thứ thành phố vứt đi. Tàu, thuyền bè đánh cá, phà nhấp nhô trên sóng. Trên tàu Pionneer Contender, Ron Howard và các bạn đã đuổi được phần lớn binh lính Việt Nam xuống dưới. Nhưng ở giữa tàu chật như nêm cối. Những người Mỹ thấy rằng họ không thể giữ riêng cho họ boong trên. Suốt buổi chiều, Contender vẫn tiếp nhận người tản cư. Những thuyền, xuồng áp mạn tàu đến đâu thì trên tàu lại thả thang và cho cầu xuống đến đấy. Những người tị nạn mạo hiểm trèo lên boong. Nhiều người, nhất là người già và trẻ em, trượt chân ngã xuống biển, bị thuyền buồm nhận chìm hoặc sóng cuốn đi. Thuyền, xuồng cũng bị sóng vỗ va vào tàu.
Đến tối, Ron Howard thôi không đếm số người chết nữa. Anh đã trông thấy hơn một nghìn người rơi xuống nước rồi. Ở sở chỉ huy của Trưởng, Francis và hai người Anh trông thấy ông ta đang hủy hồ sơ và bản đồ. Phần lớn bộ tham mưu của Trưởng đã đào ngũ. Ba người phương Tây giúp ông ta đốt tài liệu rồi cùng lên máy bay lên thẳng của Trưởng bay về bộ tư lệnh hải quân Việt Nam, đặt trên một bán đảo ở gần bến lớn cảng Đà Nẵng. Đêm xuống, khi ho hạ cánh trước trụ sở có ánh đèn mờ. Dọc bến có nhiều xuồng chở đầy binh lính. Những người lính khác ngồi trên bến, chân thò xuống nước, Francis hỏi một sĩ quan mượn một chiếc xuồng để ngược sông đến lãnh sự quán, anh này nhún vai. Trong đêm, Ron Howard xem đồng hồ bỏ túi. Sắp mười giờ. Trong tám giờ trước tàu Pioneer Contender chở được bảy nghìn người tị nạn. Tiếp tục nghe thấy tiếng súng nổ ở boong dưới. Bọn lính Nam Việt Nam vẫn giết dân để chiếm chỗ, mỗi lúc một nhiều hơn. Mấy người Mỹ định can thiệp nhưng nhiều người khác không muốn có một cuộc đụng độ với lính. Cuối cùng, quyết định không chờ thêm người nào nữa.
Giữa lúc đó ba sà lan lớn đến gần tàu Contender, chở khoảng ba ngàn người. Một trọng lượng quá sức chứa của tàu. Sà lan thứ nhất cho người lên. Những người Mỹ đứng trên boong trên bắn một tràng đạn trước mũi sà lan thứ hai để cánh cáo. Một tàu kéo chạy sau sà lan lập tức quay mũi. Trên tàu lấp lánh, dưới ánh sáng một đèn chiếu: Oseola, chiếc tàu Mỹ khác.
Khuya rồi mà máy bay từ Đà Nẵng vẫn tiếp tục hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Người Việt Nam và người Mỹ bước xuống đường băng, đầy nước mắt. Nhiều viên chức của chi nhánh quốc tế "cho sự phát triển" và của cơ quan hành chính sứ quán tổ chức một cuộc phân loại. Người Mỹ được phân loại nhanh chóng đi khách sạn hay những biệt thự của sứ quán. Nhưng không ai sắp xếp chỗ ăn, ở cho người Việt Nam, phần đông chưa ra khỏi Đà Nẵng bao giờ. Những cơ sở tiếp nhận họ ở Cam Ranh và vùng đồng bằng chưa chuẩn bị xong.
Đêm ấy, tôi đi lang thang giữa những người Việt Nam. Họ im tiếng, ngồi yên trên nền xi măng, khuỷu tay đặt trên va li, nhìn đăm đăm, khó chịu. Nhân viên sứ quán và bộ ngoại giao phân phát cho họ nước chè và bánh săng-uých. Một số nhân viên CIA vừa đi máy bay từ Đà Nẵng đến, cố lấy lại tinh thần bằng cách đến bar ở khách sạn Duc. Nhưng chỉ được một lúc, phần đông đi nằm. Một viên chức già khuỵu xuống, khóc trước mặt vợ. Mặc dù không muốn, ông thuật lại quá trình ông đưa bạn bè và cộng tác viên người Việt Nam vượt qua bao nhiêu chuồng sắt đặt ở núi Ngũ Hành Sơn để bao vây họ. Đó là kỷ niệm đau buồn nhất của ông trong những ngày cuối cùng ở Việc Nam: sau những chuồng ấy là những khuôn mặt điên dại, những cặp mắt hoảng sợ và những trẻ con khóc hết hơi.
Đến 12 giờ, Custer ở trên tàu Oseola, bình yên, cùng với nhiều đồng nghiệp CIA. Anh đã từ bỏ ý định một mình cứu Đà Nẵng. Anh nằm đài trên boong, nghỉ ngơi. Trong đêm, tiếng đại bác nổ, những tiếng kêu của người hấp hối làm anh không thể nào ngủ được. Từ buồng lái, thuyền trưởng có thể trông rõ ở xa xa, ánh sáng tàu Pioneer Contender. Nhưng nay, ông quyết định không cho tàu mình tới gần nó, nhất là vừa rồi lại có những viên đạn nhằm vào tàu Oseola. Chắc là tàu Contender không muốn cho thêm người lên nữa, nay ông phải tìm cách xa lìa hàng nghìn người tị nạn chất trên xà lan do tàu ông kéo.
Một nhân viên CIA, đánh radio cầu cứu (SOS) tất cả các tàu ở phía Nam biển Đông. Quá nửa đêm, một quả đạn đại bác nổ sau sở chỉ huy. Quả thứ hai nổ đằng trước mặt. Quả thứ ba, trúng giữa, quả thứ tư, trúng một sà lan giết khoảng một trăm người. Những cơ sở của hải quân đặt trên một bán đảo nhỏ, bên ngoài Đà Nẵng, căn cứ cuối cùng của tướng Trưởng, đang bị pháo binh cộng sản bắn phá dữ dội.
Lúc trận pháo kích bắt đầu, Francis đang đi dọc bến, tìm một sà lan máy để ngược dòng sông: Trong lúc hoảng sợ, ông tưởng những tiếng nổ đầu tiên do đạn rốc két 122 milimét, và ông rất yên trí vì súng rốc két này bắn thiếu chính xác. Chắc cộng sản gặp may nếu họ trúng mục tiêu! Nhưng họ bắn mỗi lúc thêm chính xác, ông hiểu rằng có người chỉ mục tiêu ở gần đâu đây và không phải đạn rốc két mà là đạn đại bác 105 milimét họ chiếm được của quân Nam Việt Nam. Cùng với hai bạn người Anh, Francis vắt chân lên cổ chạy xuống bãi biển và những xuồng nước. Bơi khỏi tầm súng, họ nghe thấy tiếng máy nổ của một tàu tuần tra ven sông đang từ từ quay lại. Họ bơi đến và lên tàu. Ba người ở cách bờ biển khoảng hơn một nghìn mét. Họ được chuyển sang một tàu HQ5, tàu tuần tra ven biển. Francis rất bằng lòng thấy binh lính trên tàu có kỷ luật, vì có sĩ quan chỉ huy cùng đi với họ. Thuyền trưởng báo cho Francis biết ông phải ở trên tàu cho đến khi xong việc tản cư. Nhờ vậy, thuyền trưởng chắc chắn được người Mỹ giúp đỡ.
Đài radio tàu HQ5 không thể liên lạc trên sóng với các tàu dân sự chạy chung quanh khu vực ấy. Francis buộc phải đánh một điện về bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam ở Sài Gòn đề nghị chuyển cho những tàu đang tuần tra gần tàu HQ5 biết tin ông. Nhờ đó Custer và các bạn anh mới rõ Francis đã thoát được.
Suốt đêm ấy, những người Mỹ trên tàu Oseola thay nhau gác. Thỉnh thoảng họ phải bắn chỉ thiên để đuổi những tàu đánh cá và xuồng chở đầy người chạy đến gần. Radio của sứ quán Sài Gòn đều đều ra chỉ thị và động viên họ. Quá nửa đêm, người trên tàu Oseola thấy ánh đèn tàu Pioneer Contender xa dần. Tàu này chạy đi Cam Ranh. Phải mất 15 phút mới tới. Có đủ thức ăn trong bếp cho thủy thủ, 40 người Mỹ và khoảng một trăm người phương Tây khác nhưng không có gì cho đám đông người Việt Nam đang ở trên boong chính. Ron Howard và các bạn anh dùng một vòi chữa cháy, cố phân phối nước cho họ. Nhưng mỗi lần anh cầm lấy vòi thì đằng sau, binh lính Việt Nam lại cắt vòi. Người thầy thuốc duy nhất trên tàu là một ông già di cư, ông đặt trạm xá trong bếp. Trên tàu, Howard giúp ông đỡ đẻ cho một phụ nữ Việt Nam sinh con trai.
Sáng 20, trời mưa và rất lạnh. Biển động hơn hôm trước. Lúc trời rạng đông, một nhân viên CIA ở tàu Oseola trèo lên đài quan sát. Anh nhìn thấy nhiều sà lan đang đang rập rình chung quanh, chở hàng nghìn người, trong đó có nhiều người chết. Xác để lẫn giữa người sống, không thể vất được xuống biển. Mấy sà lan bị bỏ lại, đang trôi, người đi trên những sà lan này, đã được chuyển lên tàu Pioneer Contender đêm trước. Trên sà lan, đầy rác rưởi. Khi sương tan, nhân viên CIA nhận ra giữa những đống quần áo, hành lý, đồ đạc, không phải là những mẩu gỗ mà là chân, tay con người.
Sáng 29 tháng 3, không rõ giờ nào, tướng Ngô Quang Trưởng, từng được coi là sĩ quan ưu tú nhất của quân đội Nam Việt Nam đang bơi và trôi giữa những con sóng nguy hiềm ở ngoài khơi Đà Nẵng. Ông không phải là người bơi giỏi, người ta phải vớt ông ta lên đưa lên tàu tuần tra Việt Nam đang đón. Trưởng ở trên tàu trong những ngày sau đó. Đằng xa, lính còn lại của những sư đoàn mà ông từng tự hào, đang cướp phá, đốt thành phố thứ hai của Nam Việt Nam. Trong số hai triệu người còn lại ở Đà Nẵng, một trăm nghìn người là binh lính đào ngũ thuộc các sư đoàn thứ nhất, thứ nhì và thứ ba và sư đoàn lính thủy đánh bộ, tất cả đều bị bao vây như đàn chuột. Chúng sẵn sàng phản bội, ăn cướp, giết người để khỏi sa vào vực thẳm và để cứu gia đình. Ở Sài Gòn, Polgar đọc những bản báo cáo "hoạt động" ở Quân khu I, với sự lo lắng mỗi lúc một tăng. Đúng ngày lãnh sự quán Đà Nẵng đóng cửa, ngày hôm trước, ông đã ra lệnh một lần cho Custer rời ngay Đà Nẵng về Sài Gòn. Nhưng trưởng chi nhánh Đà Nẵng, quyết chơi trò anh hùng cho đến chót, đã làm như không biết có lệnh ấy.
Do đó, lúc này anh đang ngồi ở cảng Đà Nẵng, từ chối không chịu kéo neo. Sau này, anh nói rằng anh ở lại để góp sức vào việc tản cư những người khác, nhận thêm tin mới và bảo vệ an ninh cho Francis. Nhưng Polgar cho là Custer quá mạo hiểm vô ích và khi ông gọi radio được cho Custer đang ở trên tàu Oseola, ông báo thẳng anh như thế. Ngày 29 tháng 3, tổng thống Ford chuẩn bị rời Hoa Thịnh Đốn để nghỉ lễ Phục sinh ở Palm Springs, California. Ông báo cho Quốc hội biết bốn tàu vận tải của hải quân Mỹ và nhiều tàu đi thuê khác đang tiến về vùng biển Nam Việt Nam để tham gia vào việc tản cư nhân dân những cảng bị bao vây. Daniet Parker, giám đốc chi nhánh quốc tế phát triển chịu trách nhiệm điều hòa công việc đón nhận những người tị nạn, do chi nhánh quốc tế phát triển chịu trách nhiệm điều hòa công việc đón những ngươi tị nạn do chi nhánh của ông đài thọ. Bộ Hải quân cũng chi tiền cho việc tản cư.
Ford coi công việc này hoàn toàn "có tính nhân dạo". Tàu đậu bên ngoài khu vực có những trận đánh. Ở Sài Gòn, sứ quán cũng đồng thời báo tin tổ chức một cầu hàng không cấp tốc, bằng những máy bay mới chở dụng cụ y tế và thiết bị quân sự từ Mỹ sang.
Không để phí thì giờ, Bắc Việt Nam công khai tố cáo ngay những biện pháp do tổng thống Ford đưa ra, coi đó là một sự vi phạm nghiêm trọng hiệp định Paris. Và họ tăng thêm cường độ bắn phá Đà Nẵng. Suốt buổi sáng 29, radio Sài Gòn cố gắng làm yên lòng những người trên tàu Oseola. Tàu của hải quân Nam Việt Nam đến cứu họ. Qua màn mưa, chỉ thấy người tị nạn ở Đà Nẵng xỉu đi. Nóng ruột, Mel Chatman nói: Tôi phải trở lại đề tìm một vài người của tôi. Bạn anh cố khuyên anh đừng đi nhưng Chatman, một nhân viên người da đen của chi nhánh quốc tế phát triển không nghe. Anh bước xuống một xuồng máy đi vào bờ. Mấy giờ sau anh trở lại thất vọng, không đón được ai. Anh nói: "Thành phố rất lộn xộn, tôi không dám bước lên bờ. Mel Chatman không phải là người Mỹ duy nhất định trở lại Đà Nẵng buổi sáng ấy. Edward Daly, giám đốc của hãng Hàng không thế giới cũng đến xem xét tại chỗ. Sứ quán Mỹ suốt đêm trước, đã cố khuyên ông không nên đi, nhưng ông không nghe, nhắc lại rằng: những máy bay của ông là hy vọng cuối cùng của hàng nghìn người tị nạn bị nghẽn lại trong thành phố. Ông bay từ Tân Sơn Nhất lúc bình minh với hai phi cơ 727, ông ngồi trong phi cơ đi trước. Lúc chiếc máy bay này hạ cánh, trên đường băng này đã có hàng nghìn lính vũ trang và dân thường. Khi thang máy bay hạ xuống, những kẻ khỏe và nhanh nhẹn nhất ập tới leo lên máy bay Daly bắn chỉ thiên mấy phát súng để mong chúng ngừng lại nhưng vô ích. Một nhóm vô tuyến truyền hình người Anh, vừa đến quay phim, bị chúng xô ngã, dẫm lên. Phải cho một máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ đến cứu họ.
Không đầy mười phút, hơn 270 người, hầu hết là lính (vì chỉ có hai phụ nữ và một trẻ em) đã ngồi đứng chật cả máy bay của Daly. Lúc chiếc máy bay phản lực lớn lăn bánh, một binh sĩ vì không được đi, chạy theo máy bay, ném một quả lựu đạn làm hỏng sân bay. Quân Bắc Việt Nam nã đạn rốc két vào đầu đường băng. Chiếc máy bay 727 thứ hai không dám đỗ xuống nữa. Một nhà báo Mỹ ngồi trên chiếc 727 thứ nhất gọi chuyến bay này là "Thoát khỏi địa ngục". Hàng chục người còn bám vào cánh máy bay hoặc ở trên đường băng lúc máy bay lăn bánh, do đó nhiều người bị chết hoặc rơi xuống đất khi máy bay cất cánh. Người ta còn tìm thấy nhiều xác chết trong hộp cánh máy bay. Lối đi giữa ca bin đầy máu. Chiếc máy bay Mỹ cuối cùng rời Đà Nẵng trong tình thế đó.
Gần trưa, mười máy bay lên thẳng nhỏ Nam Việt Nam bay từ sân bay chính. Trên mỗi chiếc có 20 người lính, tăng gấp đôi sức chở bình thường. Vì sân ở núi Ngũ Hành bị uy hiếp nặng, những máy bay này không thể đỗ xuống được. Một người lái không biết Chu Lai đã thất thủ, cho máy bay hạ cánh xuống đấy, anh bị bắt làm tù binh. Trong số chín máy bay còn lại, bốn chiếc bị bắn rơi, một chiếc bay ra một đảo ở phía Đông Nam Đà Nẵng, những chiếc kia mất tích, không còn một đấu vết. Trên cầu tàu Oseola, Brunsun Mc Kinley quan sát những sà lan và tàu đánh cá đậu chung quanh. Anh ước tính số người đi lên tới mười nghìn, mười nghìn người Việt Nam đủ lứa tuổi, thuộc mọi tầng lớp. Những người khỏe và những người ốm.
Thì giờ trôi qua, số lượng giảm dần, người già và người tàn tật gục xuống vì phải nhịn ăn, vì mưa lạnh trút xuống không thương tiếc. Suốt buổi sáng, những người Mỹ gọi Sài Gòn thả dù nước uống xuống. Họ đã phân phát một lần nước uống cho những người trên sà lan đậu gần bằng vòi chữa cháy, nhưng họ vần còn cần nước uống nữa.
Sứ quán Sài Gòn ở trong tình trạng bối rối. Martin đã ngồi ở phòng làm việc, bảo những nhân viên của chi nhánh quốc tế phát triển (USAID) tìm thực phẩm, nhất là nước uống đem cho người tị nạn trên tàu. Người phụ trách USAID ở địa phương trả lời ông: mọi việc sẽ làm xong trong bốn hay năm ngày. Martin phản ứng: không phải như thế. Rồi ông quay lại nói chuyện với Polgar. Mấy giờ sau, máy bay của hãng Hàng không Mỹ do CIA thuê từ Nha Trang, bay lên phía Bắc, chở dầu, thực phẩm và nước uống. Tất nhiên, thực phẩm ấy chỉ dành cho binh lính Nam Việt Nam và những người cộng sự của sứ quán hoặc của CIA.
Buổi tối ngớt mưa. Mc Kinley lên cầu tàu Oseola nhìn về Đà Nẵng lần cuối cùng. Nghe thấy tiếng đạn rốc két và đạn đại bác nổ. Những ánh lửa đạn xé những đám mây dày đang từ núi bay xuống thành phố. Bỗng chốc, anh chú ý đến một tiếng nổ giống như tiếng súng. Hai tàu nhỏ vừa đâm vào nhau. Một tàu đang bị nguy. Lính trên tàu này định cướp tàu kia nhưng Ở đấy cũng có lính. Thế là hai bên bắn nhau. Mc Kinley chứng kiến đầy đủ. Anh có cảm tưởng đứng trước một cuộc chiến đấu giữa những người săn bò tót nhưng anh không thể can thiệp được. Người trên tàu Oseola không dám xem, ngồi nấp sau be tàu. Tàu nhỏ thứ nhất đắm, một người ở trên đó ném một quả lựu đạn sang tàu thứ hai.
Không đầy năm phút, người trên hai tàu nhỏ đều rơi xuống nước. Nhiều người chết, nhiều người vật lộn với sóng. Trên cầu tàu kéo, những người Mỹ đang nhìn, sợ hãi và bất lực.
Những sư đoàn quân Bắc Việt Nam của tướng Lê Trọng Tấn lúc này ở cách Đà Nẵng 3 kilômet. Thành phố đã bị bắn phá dữ dội. Mấy giờ trước họ đã chiếm Hội An, cách bờ biển 24 kilômet. Đó là thị xã thứ 13 quân cộng sản chiếm được từ ngào họ mở chiến dịch Đông - Xuân.
Buổi tối hôm ấy, tàu Pioneer Contender bỏ neo ở Cam Ranh. Một máy bay của hãng Hàng không Mỹ đến đón Ron Howard và những nhân viên CIA khác trở về Sài Gòn. Một giờ sau lúc họ tới Tân Sơn Nhất, những người lính gác CIA bắt họ đeo súng. Howard tỏ vẻ sung sướng về sự cẩn thận này. Anh nói: Tôi sẽ có cái để trị những viên chức tồi tàn của sứ quán.
Một máy bay của hãng Hàng không Mỹ bay thấp trong bóng tối. Một nhân viên radio của CIA trên tàu Oseola, hướng dẫn người lái thả hàng xuống. Thùng nước đầu tiên nặng 25 kilôgam vỡ tung đầy mũi tàu. Nhân viên radio điều chỉnh lại điểm thả. Thùng thứ hai rơi như một hòn đá xuống vọng kiểm soát. Những mảnh plastique vỡ tung, làm bị thương một người Việt Nam và làm gãy cần ăng ten radio. Người Việt Nam bị thủng hai mắt, còn nhân viên radio của CIA phải mất ba giờ mới làm được ăng ten mới. Trong lúc ấy, Custer và những người khác đẩy những thùng nước xuống biển cho những sà lan và tàu nhỏ đậu đằng sau. Tối muộn hôm ấy, điện radio của Francis gửi cho họ do Sài Gòn chuyển, báo tin ông đã thoát nạn.
Hôm sau, ngày 30 tháng 3 là ngày chủ nhật, lễ phục sinh. Ở Sài Gòn, Phan Quang Đán, phó thủ tướng, chính thức báo tin: quân cộng sản đã chiếm Đà Nẵng. Ở Palm Springs, California, tổng thống Ford tuyên bố: "Việc mất thành phố này là một thảm kịch lớn". Trưa ngày 30 tháng 3, nhiều tàu lớn chạy ra vùng biển Quân khu I; tàu Nhật Bản, tàu Việt Nam, tàu Mỹ và nhiều tàu kéo khác, tất cả 20 chiếc. Trong mấy giờ, những tàu này chở hết những thuyền, sà lan, xuồng đậu gần đấy. Một buổi chiều những tàu tuần tra nhỏ của Nam Việt Nam chạy dưới làn đạn pháo binh cộng sản để cứu nhưng người tị nạn còn chờ trên bãi biển. Quân Bắc Việt Nam tiếp tục nã pháo vào thành phố nhưng không bắn vào những người tị nạn và những tàu tuần tra này. Nhờ đó, khi họ nắm quyền, họ dễ được lòng tin.
Trong khi đó, những người ở trên tàu Oseola được chuyền sang những tàu Mỹ và buổi chiều thì rời cảng Đà Nẵng. Đến đêm, nhiều tàu, sà lan, tàu kéo hợp thành một đội tàu chở tới 50 nghìn người tị nạn, vượt quá sức chở rất nhiều. Do đó đã ngừng việc cho người lên tàu. Mười hai giờ sau, những tàu chưa chạy đi Cam Ranh chỉ còn có tàu của hải quân Nam Việt Nam. Giữa sự lộn xộn ấy, đô đốc Cang đang ở Sài Gòn quên không ra lệnh cho họ rút đi. Cuối cùng là Francis lúc ấy ở trên tàu HQ-5 phải đề nghị bằng rađio với tướng Smith ở Sài Gòn nhắc Cang đã đến lúc phải cho hạm đội nhổ neo.
Có rất ít nước và thực phẩm cho các tàu chở người tị nạn. Càng không có trạm cứu thương trong trạm xá. Tất cả những khách trên tàu, dù Mỹ hay Việt Nam đều phải tự xoay sở trong chuyến đi về phía Nam. Một thầy thuốc Việt Nam đỡ bốn em bé vừa ra đời dưới một lều vải trên boong tàu USS Miller. Bốn công dân Mỹ mới. Vì các em sinh trên một tàu Mỹ chạy ở hải phận quốc tế .
Chiều ngày 31, sáu tàu Việt Nam và Mỹ lại quay lại Đà Nẵng để đón người tị nạn. Hôm sau, nhà chức trách Sài Gòn đề nghị Liên Hiệp quốc can thiệp với Bắc Việt Nam cho những người tị nạn còn ở lại trong vùng họ kiểm soát, nhận thực phẩm và viện trợ. Nhưng tại Hà Nội, ngày 24 đã báo tin, chính quyền liên hợp đã được thành lập ở Đà Nẵng. Thật ra, tướng Tấn làm chủ tịch và chịu trách nhiệm ổn định lại trật tự. Nhiều viên chức cao cấp của các ngành cảnh sát và hành chính bị bắt. Thông điệp cuối cùng thật ngộ nghĩnh của tổng thống Thiệu trong thảm kịch này là: ông ra lệnh cho tướng Trưởng chiếm một đầu cầu trên một đảo gần bờ biển Quân khu I, để chuẩn bị phản công lấy lại cả quân khu ! Trưởng được bữa cười mũi vỡ bụng. Thất bại ở Quân khu I làm chính phủ thiệt hại rất nặng. Trong số 3 triệu dân, không đầy 60 nghìn người chạy thoát, phần lớn bằng đường biển, 16 nghìn lính trốn được nhưng bốn sư đoàn trong đó có sư đoàn lính thủy đánh bộ, sư đoàn thiện chiến nhất của Trưởng, không còn là đơn vị chiến đấu nữa.
Lãnh sự quán không có thể làm gì hơn. Mấy tháng sau Francis phải nhận là trong số năm trăm người Việt Nam giúp việc không biết có bao nhiêu người tản cư được. Còn Custer công nhận là chỉ có một nửa số năm trăm nhân viên tình báo có tên trong danh sách CIA là chạy thoát với người phụ hoặc không có người phụ việc. Chính quyền Ford đổ trách nhiệm về thảm hại này là do thiếu ngân sách tài chính cho Việt Nam. Nhưng những kẻ lỗi lầm chính là những viên tướng bất lực, nhất là những tướng của Sài Gòn. Sau khi hứa với Trưởng là không rút nhanh sư đoàn dù, Thiệu đã thay đổi như chong chóng trong một đêm. Không dành cho tướng của ông ta thì giờ để tổ chức lại việc phòng thủ: ít nhất hai lần. Thiệu đã thay đổi ý kiến về việc bảo vệ Huế. Ngoài ra, ông còn từ chối không cho nhiều tư lệnh và bạn đồng minh biết dự định của mình, tình hình này không cho phép giải quyết tốt những sự kiện xảy ra. Thiệu không phải là người duy nhất tỏ ra bất lực trước cuộc khủng hoảng.
Ngay sau khi Huế thất thủ, sứ quán Mỹ cũng bất lực trong việc điều khiển các nhân viên ở vùng có chiến sự. Francis tỏ ra hết sức chậm chạp, cứ đinh ninh như đã hứa rằng: quân đội Mỹ sẽ cho máy bay lên thẳng để cứu người tị nạn. Nhất là ông ta quá tin vào sức mạnh hão huyền của quân đội Nam Việt Nam và uy tín mơ hồ của chính quyền Thiệu, những đức tính mà Martin cẩn thận giữ gìn nhằm mục đích ủng hộ chính sách Nam Việt Nam của Kissinger và bảo vệ danh dự nước Mỹ trên phần còn lại của thế giới.
Việc thất thủ Đà Nẵng khẳng định Bắc Việt Nam đã có ý chí giành thắng lợi cuối cùng trước tháng tư. Tướng Dũng nhận được lệnh mở ngay cuộc tiến công vào Sài Gòn. Một ủy viên quan trọng của Bộ Chính trị vào chiến trường để duyệt kế hoạch quân sự. Đó là ông Lê Đức Thọ, người đã ký năm 1973 với Kissinger hiệp định Paris. Lúc chúng tôi viết những trang phóng sự, những chuyện chi tiết về cuộc tản cư ở Đà Nẵng thì quân Bắc Việt Nam tiến trên khắp các mặt trận, vượt qua những vùng đang tập trung người tị nạn. Các nhà chức trách Mỹ đắn đo, tránh né, cuối cùng bỏ rơi một số quan trọng những người Việt Nam giúp việc, mặc cho số phận.
Quân đội Nam Việt Nam tan rã. Số phận bị tiêu diệt trong giai đoạn này của cuộc chiến tranh lên tới 150.000 người. Phương tiện chiến tranh bị phá hủy hay bị quân đối phương thu đáng giá một tỉ đô la. Đầu tháng 4, lúc trận cuối cùng sắp diễn ra, trong một báo cáo gửi Hoa Thịnh Đốn, tôi ước tính quân Nam Việt Nam phải đánh một chọi ba hoặc bốn. Ngày 2 tháng 4, Colby, tổng giám đốc CIA, phải tự viết trong một báo cáo dành cho giới cao cấp nhất ở Hoa Thịnh Đốn: "Cán cân lực lượng ở Nam Việt Nam nghiêng rõ về phía cộng sản. Bạc nhược, thất bại chủ nghĩa đã hoành hành trong quân đội của Thiệu". Ngày 3 tháng 4 trong một báo cáo mới: "Chúng tôi nghĩ rằng trong mấy tháng nữa, nếu không là mấy tuần nữa, Sài Gòn sẽ sụp đổ về mặt quân sự hay là một chính phủ mới sẽ được thành lập, chính phủ này sẽ chấp nhận giải pháp theo điều kiện của cộng sản".
Phần Ba : SỤP ĐỔ
TRÁCH NHIỆM ĐẦU TIÊN
Trong khi Nam Việt Nam tơi tả như áo rách thì Campuchia đi vào sụp đổ. Ngày Đà Nẵng thất thủ, sứ quán Phôm Pênh báo tin tổng thống Lon Nol sắp đi "thăm hữu nghị" Indonesia và Hoa Kỳ. Bốn ngày sau, tổng thống Campuchia rũ rượi và nửa tê liệt lên một máy bay vận tải Mỹ và bay đi Thái Lan, chặng đầu của chuyến đi. Ông ta không bao giờ trở về nhà. Giờ sau đó, pháo binh cộng sản điều khiển súng, bắn vào trung tâm Phnôm Pênh, như họ muốn báo cho người Mỹ và người nước ngoài ở khu vực các sứ quán biết rằng đã đến lúc phải rút đi. Chập tối, vị trí tiền tiêu cuối cùng của chính phủ trên sông Cửu Long phía Đông Nam thủ đô, bị tiêu diệt và mười nghìn quân Khmer đỏ tiến về phía Bắc, tiếp cận với 30 nghìn đồng đội đã tỏa ra chung quanh Phnôm Pênh có quân chính phủ số lượng chỉ bằng một nửa, bảo vệ. Sau hơn một năm phản đối, cuối cùng Kissinger đã đồng ý với thỏa hiệp chính trị do Martin, đại sứ Dean và người Pháp dự tính từ lâu. Hoa Kỳ đồng ý cho Norodom Sihanouk trở về để bắc một cái cầu giữa những người quốc gia ở Phnôm Pênh và quân Khmer đỏ trong rừng.
Trong khi đó, một bi kịch diễn ra ở Sài Gòn. Cuối tháng 3 tướng Weyand và Graham Martin nghĩ nát óc để cố cứu Nam Việt Nam. Số phận mỉa mai, lúc họ trở lại Sài Gòn thì cũng là lúc Quân khu I và Quân khu II sụp đổ. Họ có biết bao nhiêu việc phải tìm hiểu mà thì giờ chỉ có hạn, họ không thấy rằng giờ cáo chung đã đến gần.
Ở sứ quán, hai phái đối lập nhau. Một bên là CIA và phái bộ quân sự, lần đầu tiên, thống nhất nhận định rằng tình hình quân sự đã bi đát. Một bên, đại diện là Lehmann và nhiều quan chức cao cấp bộ ngoại giao to tiếng bác bỏ tư tưởng thất bại chủ nghĩa ấy. Họ ủng hộ nhận định: có thêm một ít vũ khí, đạn dược, quân Nam Việt Nam có thể bảo vệ được nữa phía Nam của nước này và đi đến cuộc đàm phán "công bằng" với Hà Nội. Đúng là âm vang luận thuyết thất vọng của Martin.
Đúng lúc ông rời Hoa Thịnh Đốn, Weyand đã biết rằng Nam Việt Nam đang nguy to. Nhưng tính chất nhiệm vụ của ông không cho phép ông có sự bi quan đến thế. Ông được cử đến Sài Gòn đề tìm giải pháp không phải là không thực hiện được. Ông cũng không phải là một nhà quan sát hoàn toàn khách quan. Chẳng phải ông là vị tổng tư lệnh cuối cùng ở Nam Việt Nam cho đến ngày thực hiện chính sách Việt Nam hóa và ngày ngừng bắn đó sao ? Cũng như Kissinger, ông nghĩ rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ tinh thần giúp Nam Việt Nam đứng được cho đến phút chót, vũ khí trong tay.
Giới thân cận Weyand bị lệ thuộc vào những cam kết trước kia. Erich Von Marbod, người chịu trách nhiệm về chính sách tài chính của Lầu Năm Góc đối với Nam Việt Nam từ ngày ngừng bắn, muốn chính sách ấy được thực hiện. George Carver, nhân viên CIA được Kissinger coi là chuyên gia chính về Việt Nam, không được chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận rằng những chương trình của Mỹ như "xây dựng đất nước hay "bình định nông thôn", lại không đi đến đâu. Đồng nghiệp của ông, Ted Shackley có những lý lẽ riêng để mong muốn sự sống còn của Thiệu. Là giám đốc chi nhánh CIA ở Sài Gòn cuối những năm 60 và đầu những năm 70, và từ một năm nay là giám đốc CIA ở cả khu vực Viễn Đông, ông đã bỏ nhiều công sức để làm cho chế độ Thiệu được như ngày nay.
Đi vắng nhiều tuần qua, Martin đã lạc hậu với những sự việc vừa xảy ra và dù sao ông cũng không sẵn sàng chấp nhận những điều dự tính buồn thảm của CIA và phái bộ quân sự ở Sài Gòn. Không nên quên, ông đã mất một người con ở Việt Nam và từ 18 tháng nay, ông bỏ tất cả uy tín của mình ra đề phục vụ chế độ Thiệu. Ngoài ra, quyết định của Kissinger cử tướng Weyand đến điều tra tại chỗ là một thách thức đối với năng lực và quyền hạn của đại sứ. Martin phải tỏ rõ ông có lý để tin vào việc đứng lên được của chế độ Sài Gòn. Dù chỉ là để ngăn cán ông tướng dẫm chân lên địa hạt của ông.
Những cuộc đấu tranh kiên trì bắt đầu từ lúc máy bay chở Weyand hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc ông tướng và những người thân cận chuẩn bị xuống máy bay, Martin đòi xuống đầu tiên để những quan chức Việt Nam ra đón ông ở chân cầu thang. Điều đó làm cho họ không nghi ngờ gì về vai trò của ông, vẫn là người đại diện tổng thống Hoa Kỳ ở đây. Khi Martin về tới sứ quán, theo lệnh của Polgar, tôi đến báo cáo tóm tắt tình hình cho ông ta nghe. Tôi vào phòng ông làm việc, đem theo sơ đồ và bản đồ hành quân, nói với ông: "Thưa ông, ông Polgar bảo tôi đến trình bày tình hình với ông". Martin khẽ gật đầu, gọi George Carver đang ngồi ở phòng bên sang cùng nghe.
Martin có nghệ thuật làm điên đầu mọi nhân viên dưới quyền đến báo cáo. Lúc nào cũng sẵn sàng cắt ngang, chữa lại và thậm chí làm nhục nếu cần. Do đó, ông không chuẩn bị chấp nhận bản báo cáo xám xịt của tôi, nhất là lại có George Carver ngồi cạnh. Bản báo cáo làm ngày nào ? Nguồn tin ở đâu ? Ông luôn luôn hỏi như vậy. Làm sao anh chắc được rằng tướng này, tướng nọ không nắm được quân ?
Sau một giờ, tôi mệt lả, chịu thua. Carver sau này an ủi tôi rằng tôi đã thuyết phục được Martin. Anh đã lầm. Cho đến giữa tháng tư, Martin vẫn tin rằng các lõm ở Sài Gòn có thể bảo vệ được. Không riêng gì Polgar và tôi thấy Martin xa lạ với tình hình. Bấy giờ sau khi rời tàu HQ-5, Al Francis, mặt gầy, mắt dại, râu đen kịt, đến sứ quán đề tường trình với đại sứ cuộc rút lui thảm bại ở Đà Nẵng. Ông vừa ngồi xuống ghế dài kê ở góc phòng Martin, vừa nói: "Thưa đại sứ, Đà Nẵng đã mất rồi. Đạo quân của tướng Trưởng không còn nữa . Martin tủm tỉm cười và lắc đầu. Chả là ông vừa được biết kế hoạch của Thiệu định đánh chiếm lại Quân khu I. Ông chưa sẵn sàng chịu tang cái chết của Đà Nẵng. Ông nói trầm rất khó nghe: "Không, Quân khu I sẽ không mất. Những nguồn tin của tôi khẳng định như vậy.
Thái độ dịu dàng và nhã nhặn, tự tin ấy làm cho Francis thoát khỏi sự dè dặt hàng ngày. Ông kêu lên: "Nhưng, thưa đại sứ, tôi vừa ở trên tàu hàng ngày trời với bọn tàn quân của Trưởng. Quân khu I đã thất thủ, tôi cam đoan với ngài như thế". Martin ngồi yên một lúc, không nói gì. Ông đổi hướng nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe của Francis trước khi tiễn Francis ra cửa phòng làm việc.
Từ đó, Francis không còn là đứa con cưng nữa. Tỏ sự bất đồng của mình với người đỡ đầu, trong lúc bối rối này, Francis đã mất quyền được ưu tiên cộng tác với đại sứ. Sau đó, Francis phải ngồi làm việc ở một phòng nhỏ gần cửa ra vào, không được phép vào phòng Martin nữa.
Trong tám ngày bận rộn túi bụi làm việc với Weyand, nhiều chuyên gia của Hoa Thịnh Đốn ngồi lý ở sứ quán, kiểm tra lại những tin tức mà ông tướng nhận được. Trong số các chuyên gia này có hai người là bạn thân lâu ngày của tôi: Dick Moose và Chuck Miessner, là đại diện ủy ban đối ngoại thượng nghị viện. Đó là những con người liêm khiết, có học. Tôi quyết định làm mọi việc để giúp họ. Tôi có may mắn gặp ngay họ lúc mới đến. Câu nói mở đầu làm họ chú ý. Tôi nói: "Tình hình quân sự không thể đảo ngược được. Quân Nam Việt Nam sẽ thua trận quyết định trong những tuần tới, nếu quân Mỹ không nhảy vào ! Phần còn lại sẽ nói sau". Miessner cảm ơn về sự thành thật của tôi và cho tôi biết anh và Moose sẽ gặp tôi trước khi trở về Hoa Thịnh Đốn. Đó là mở đầu sự cộng tác của chúng tôi, sự cộng tác mà một tuần rưỡi sau, có những ảnh hưởng đến thái độ của quốc hội về cuộc khủng hoảng ở Việt Nam, đến kết luận của cuộc điều tra của Weyand. Từ lúc đặt chân lên đất Sài Gòn, Weyand dành tất cả nghị lực ra để tìm một chiến thuật mới để có thể cứu Nam Việt Nam.
Một thay đổi về "chiến lược cố thủ" của Thiệu. Thoạt đầu, Thiệu định đặt phòng tuyến bảo vệ Sài Gòn từ Tây Ninh ở phía Tây đến Nha Trang ở bờ biển. Nhưng nay, do quân thù đã thâm nhập quá sâu vào phía Nam Quân khu II, nhất thiết phải thay đổi phòng tuyến ấy. Weyand đề nghị phòng tuyến mới chạy từ thị xã Phan Rang, bên bờ biển, đến Xuân Lộc. Vì không còn giải pháp nào nên Thiệu chấp nhận ngay ý kiến ấy. Ông ta chỉ yêu cầu Mỹ một việc: cho máy bay B-52 đến tham gia việc bảo vệ Sài Gòn. Lấy làm lạ về việc Thiệu còn ảo tưởng có thể nhờ vào những trận ném bom của Mỹ, Von Marbod giải thích cho ông ta rõ không thể được. Nhưng để an ủi Thiệu, Marbod sẽ gửi cho quân Nam Việt Nam một số phương tiện, vũ khí có hiệu lực cho không quân.
Biện pháp đầu tiên của Thiệu là đặt Phan Rang dưới quyền kiểm soát của tướng Toàn, tư lệnh Quân khu III. Toàn lại ra lệnh cho người bạn cũ là tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, nguyên tư lệnh Quân khu IV (bị thải hồi mùa Thu trước vì tham nhũng) thiết lập ở Phan Rang một sở chỉ huy tiền phương với một phần sư đoàn dù. Tiếp đó phải thu thập tàn quân những sư đoàn đã bị đánh tơi bời ở Quân khu I và Quân khu II. Tổ chức này rất ô hợp không thể chống lại đối phương. Việc chuyên chở thiết bị quân sự gặp nhiều khó khăn. Phải nhờ phái bộ quân sự Mỹ mới thực hiện được. Nhưng việc đó sẽ bị Bắc Việt Nam tô cáo là Mỹ lại vi phạm lệnh ngừng bắn vì đã cho cố vấn quân sự đến giúp quân Nam Việt Nam.
Tướng Weyand cũng đòi phải thay đổi chính phủ. Không phải là bỏ Thiệu (như cộng sản đòi) nhưng phải mở rộng nội các để có thể đại điện cho nhiều xu hướng chính trị trong trường hợp có đàm phán với cộng sản. Sau đó, vào ngày thứ hai hay thứ ba, họ ở Sài Gòn. Shackley và Carver đến dinh tổng thống để thăm dò phản ứng của thủ tướng Khiêm về ý kiến trên. Cũng như mọi lần, Khiêm hoan nghênh những đề nghị của Hoa Kỳ. Ông ta nhận sẽ gây ảnh hướng với Thiệu. Nếu tổng thống phản đối, Khiêm sẽ dọa từ chức để buộc Thiệu phải chấp nhận. Trong lúc đó, phong trào đối lập ở trong nước phát triển. Một ngày sau cuộc tản cư ở Nha Trang, thượng nghị viện Nam Việt Nam nhất trí thông qua một kiến nghị đòi thay đổi thủ tướng chính phủ. Nguyễn Cao Kỳ, nói đến cuộc đảo chính và mong giới quân sự ủng hộ.
Trưa ngày 2 tháng 4, Kỳ gặp Viên, tổng tham mưu trưởng, Viên xin nghĩ hai ngày, sẽ trả lời. Ngay chiều hôm ấy, Viên báo cho thủ tướng Khiêm và đề nghị Khiêm thăm dò người Mỹ xem có phải Hoa Thịnh Đốn đứng đằng sau âm mưu của Kỳ không. Trong giờ sau Khiêm hỏi Polgar. Polgar trả lời không úp mở. Người Mỹ không ủng hộ một cuộc đảo chính do Kỳ và bạn bè ông ta tiến hành vì không có ai trong bọn họ có đủ tính ôn hòa hay trung lập để có thể thương lượng với cộng sản.
Trong lúc này, Thiệu nghe nói âm mưu của Kỳ. Để đề phòng, ông ta quyết định thay đổi chính phủ. Thiệu rất giận Khiêm, nghĩ Khiêm biết nhiều về âm mưu đảo chính mà không cho Thiệu biết. Do đó, chiều ngày 3 tháng 4, khi Khiêm xin từ chức Thiệu chấp nhận ngay. Hôm sau Thiệu báo tin trên đài vô tuyến truyền hình việc thay đổi chính phủ. Nguyễn Bá Cẩn, chủ tịch quốc hội kiêm thủ tướng chính phủ "chiến đấu và đoàn kết dân tộc".
Các giới chính trị ở Sài Gòn thờ ơ với những thay đổi ấy vì Thiệu tiếp tục cầm quyền. Đại sứ Martin thì bằng lòng, tin rằng chính phủ mới sẽ giúp Thiệu tập hợp được chung quanh ông ta toàn thể nước này. Còn Polgar không phải là không đồng ý vì một trong những bộ trưởng quan trọng nhất, từ lâu, là nhân viên CIA.
Phần lớn đồng nghiệp của tôi tưởng rằng những sự thay đổi ấy sẽ có thể cứu được Nam Việt Nam và thuận lợi cho cuộc đàm phán công bằng với cộng sản. Ngày 1 tháng 4, tôi quyết định kiểm tra lại luận điểm ấy qua một thông tín viên rất tin cậy. Theo anh ta, không có gì ngăn cản Hà Nội tìm cách giành thắng lợi hoàn toàn.
Buổi trưa, Shackel, Polgar và phó của ông, John Pittman cùng chúng tôi ăn cơm. Trước những con tôm hùm và rau xà lách, tôi nhắc lại ý kiến của thông tín viên. Shackley bực mình bảo tôi thảo ngay một bản tường trình cuộc nói chuyện để ông đưa đến cho Weyand. Polgar tỏ vẻ nghi ngờ hơn. Ông không tin rằng cộng sản lại muốn phá hủy tất cả trong khi đó họ có thể thương lượng giành thắng lợi mà không đổ máu. Luận điểm của Polgar gây ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách của Hoa Kỳ trong những tuần sau. Lạ lùng là luận điểm ấy không phải xuất phát từ hy vọng hão huyền của Nam Việt Nam, mà trái lại. Việc rút chạy khỏi Nha Trang sẽ làm cho Polgar khẳng định rằng không còn cách nào để khôi phục lại tình hình quân sự. Như thế phải cố gắng ngay để đi đến một sự thỏa thuận với cộng sản với bất cứ điều kiện nào. Ông quá tin vào giải pháp này và không hề nghĩ rằng ngay cả giải pháp ấy cũng không thể thực hiện được.
Ngoài tình hình quân sự, một yếu tố khách quan làm cho Polgar càng tin rằng thương lượng là con đường duy nhất. Đó là sự lo sợ gần như chắc chắn về một cuộc trả thù của dân chúng đối với kiều dân Mỹ ở Sài Gòn. Nếu cuộc tản cư những người Mỹ trở nên cần thiết thì quân dội và dân chúng Nam Việt Nam có đứng dậy chống lại họ không.
Ngày 3 tháng 4 Polgar nhận được câu trả lời đáng lo ngại câu hỏi của ông. Sĩ quan Nam Việt Nam định bắt người Mỹ ở Sài Gòn làm con tin, để bảo đảm sự an ninh của họ trong trường hợp quân cộng sản chiếm thành phố. Cho rằng Thiệu không phải là người có thể tiến hành tốt cuộc đàm phán với cộng sản. Polgar quyết định đặt Hoa Thịnh Đốn trước trách nhiệm của mình và không hỏi ý kiến đại sứ, Polgar bảo tôi giúp ông làm một bản báo cáo theo hướng đó. Trong hai giờ, chúng tôi soạn xong mọt tài liệu, chưa bao giờ lọt ra ngoài sứ quán kể từ ngày ngừng bắn và có lẽ mãi mãi cũng không như thế. Chúng tôi viết: "Sự tồn tại của Thiệu được tính từng ngày. Thiệu mất lòng tin của phần lớn sĩ quan. Rất có thể có cuộc đảo chính chống lại ông ta sắp xảy ra, chưa biết chừng". Chúng tôi không xin phép thay Thiệu. Chúng tôi chỉ phát hiện có những lực lượng thuận lợi cho cuộc thương lượng và sẵn sàng chống lại Thiệu. Tiếp theo là "việc phân tích ý đồ quân sự của Hà Nội để củng cố cho lý lẽ đòi Thiệu phải rút lui. "Chúng tôi nghĩ rằng quân Bắc Việt Nam không định giành thắng lợi quân sự hoàn toàn. Họ bao vây Sài Gòn. Họ phá hủy tiềm năng quân sự của Nam Việt Nam rồi đàm phán. Điều kiện của họ ? Đó là việc đi đến một chính phủ liên hiệp nghiêng về phía cộng sản - cái cầu bật lý tưởng nhảy đến thống nhất, theo con mắt của Hà Nội".
Tóm lại, Polgar và tôi đưa ra nhận định rằng Hà Nội chú trọng giành thắng lợi qua đàm phán chứ không phải giành thắng lợi hoàn toàn bằng quân sự. Đó rõ ràng là một nhận đinh đầu cơ, ngược hẳn lại với tin tức tôi nhận được hôm trước của thông tín viên. Nhưng Polgar quyết định đi đến cùng. Ông cho là nếu chính phủ biết rõ ý đồ thực sự muốn thương lượng của Hà Nội thì chính phủ sẽ cho phép thay Thiệu, cho phép mở cuộc đàm phán với cộng sản và có nhiều biện pháp triệt để khác để tránh cho Sài Gòn mọi sự uy hiếp đang đè lên thành phố này. Tôi nhắc cho Polgar biết là những kết luận của ông trái với tin tức của thông tín viên gửi cho tôi là Hà Nội muốn đổ máu !
Nhưng Polgar vẫn giữ ý kiến: Bắc Việt Nam nghiêng về đàm phán. Một thắng lợi do đàm phán có lợi nhiều cho họ hơn. Sau khi đọc lại lần cuối cùng bản báo cáo, Polgar viết thêm một câu ngắn bằng bút chì: Những khía cạnh tích cực của một giải pháp chính trị không cho phép chúng ta được quên một trong những trách nhiệm chính của chính phủ Hoa Kỳ. Đó là việc tản cư trong trật tự kiều dân Mỹ và hằng nghìn người Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh tính mạng bên cạnh chúng ta, đã tin tưởng vào những lời hứa hẹn của chúng ta và chữ ký của chúng ta dưới hiệp định Paris. Tiếp đó, ông ký vào bức điện và gửi thẳng đi Hoa Thịnh Đốn. Bức điện có hiệu lực.
Ngày 4 tháng 4, CIA và các bộ ngoại giao, quốc phòng tuyên bố chung trong một thông báo. Trong khi một cuộc tiến công quân sự nhanh chóng và quyết định có lẽ đang diễn ra, chúng tôi lại nghĩ rằng Hà Nội có thể chọn một con đường đỡ tốn kém hơn và cao giá hơn về mặt chính trị, hơn là tính đến sự sụp đổ sắp tới của Nam Việt Nam. Nhưng vấn đề quan trọng nhất - việc Thiệu ra đi mà Polgar cố làm cho đồng nghiệp hiểu, bị rơi tõm như câu chuyện nói với người điếc. Hai ngày Sau, Colby, giám đốc CIA gửi cho chúng tôi một điện tối mật. Ông nói rõ rằng chi nhánh Sài Gòn không được làm gì để gây cho Thiệu đổ. Những chỉ thị ấy không nói gì đến cuộc đảo chính vì Colby không bình luận gì về vấn đề này, nhưng đề cập đến những xáo trộn chính trị ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài, nếu một lần nữa, người ta lại khám phá ra việc CIA, nhúng tay vào việc lật đố chính phủ. Colby viết: đó sẽ là một thảm họa đối với Hiến pháp và Nhà nước nếu chúng ta nhận được một bản báo cáo nào đó về sự kiện ấy". Ông nói rõ: "Đối với con mắt các nhà chính trị Sài Gòn, chi nhánh phải tỏ rõ là cơ quan bảo vệ đời sống và giữ gìn hiện trạng". Ông kết luận: "Nếu sự việc rắc rối, công việc của các anh là làm cố vấn. Còn tôi, tôi sẽ thu xếp mọi mặt để Thiệu và gia đình ông ta có thể yên ổn thoát khỏi và đến nơi mới tốt đẹp".
Huấn thị của Colby làm cho Polgar hết sức thất vọng. Những điều căn dặn ấy có nghĩa là nếu chính phủ Sài Gòn thay đổi theo con đường hợp pháp như hiến pháp Nam Việt Nam qui định. Từ nay đến ngày ấy, giải pháp thương lượng hay cuộc đàm phán cũng không thể có được.
THẢM KỊCH GIỮA TRỜI
Tháng 4 năm 1975. Tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Ở sứ quán Sài Gòn, chưa có một kế hoạch tản cư đầy đủ sát thực tế, mà là một kế hoạch tản cư làm sẵn hàng loạt từ trước đã phân phát cho tất cả các cơ quan ngoại giao Mỹ trên thế giới. Đại sứ Martin không muốn làm một kế hoạch riêng cho Sài Gòn và Việt Nam, sợ việc đó sẽ bị coi là thiếu lòng tin vào tương lai và làm giảm sút tinh thần người Việt Nam. Trong các cơ quan của sứ quán, mỗi bộ phận chuẩn bị riêng, bí mật được đến đâu hay đến đó. Một kế hoạch tản cư cho mình. Người ta giấu nhẹm, ngay cả đồng nghiệp và người quen biết, cả với Hoa Thịnh Đốn, Honolulu, Bangkok và Manila. Nhưng không ai chấp nhận hoàn toàn thảm họa cuối cùng sắp tới. Những bài học rút ra từ những sự kiện bi thảm khi thất thủ Đà Nẵng và Nha Trang, không được ai nhớ cả.
Nhưng những con số còn kia. Tổng số người Mỹ, cả quân nhân và dân thường còn sáu nghìn người. Nhân viên người Việt Nam làm việc trong các cơ quan khác nhau do sứ quán chịu trách nhiệm lên đến 17.000 người. Cộng với gia đình họ (mỗi gia đình mười người) là 170.000 người. Còn phải cộng thêm 93.000 người Việt Nam cộng tác lúc trước với người Mỹ và gia đình họ, như vậy là 930.000 người. Tổng cộng hơn một triệu người tị nạn phải đưa đi Một nhiệm vụ hết sức nặng nề nếu so sánh với cuộc di tản năm 1954 sau chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất: Phải hơn ba tháng mới chớ hết 80 vạn người. Ở Chi nhánh CIA, bắt đầu nghiên cứu khả năng sử dụng người tị nạn sắp rời Việt Nam để làm tình báo sau này. Những người này sẽ hợp thành những mạng lưới tình báo sống trà trộn với nhân dân sau khi Việt Nam bị cộng sản chiếm đóng. Một tổ chức người tị nạn sẽ được thành lập ở Bangkok nhằm mục đích đó, theo mẫu tổ chức của CIA đã thành lập cho những người di cư ở Đông Âu.
Ngay ở Việt Nam, một quan chức CIA phụ trách phản gián cho rằng phải xây dựng tức thì một mạng lưới tại chỗ để cung cấp cho CIA tin tức về hoạt động của chế độ cộng sản. Ở Sài Gòn, tình cảnh bi đát của những người tị nạn sống chen chúc trong trại đón tiếp hay trong những nhà ổ chuột ở ngoại ô bắt đầu làm cho Martin suy nghĩ. Thảm kịch này có thể làm nổ ra những hoạt động chính trị sôi nổi.
Trước đây, Graham Martin là đại diện bộ ngoại giao bên cạnh ủy ban tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Ông biết rõ sự thất vọng của những kẻ phải lìa bỏ quê hương. Giám đốc hãng Hàng không thế giới Ed Daly khuyên ông nên làm một việc gì đó đối với người tị nạn. Daly, đã không tiếc tiền để tản cư những người tị nạn ở Đà Nẵng.
Nhiều ngày qua, xúc động trước những đau khổ diễn ra trước mắt, ông đang tìm cách tổ chức một cầu hàng không để chở những đứa trẻ mồ côi Việt Nam sang Hoa Kỳ. Được tin ấy, Martin xin phép ngay Nhà Trắng tổ chức những chuyến bay như thế. Như trong thư gửi cho bộ trưởng Nam Việt Nam phụ trách vấn đề tị nạn, ông mong rằng cái cảnh hàng trăm em bé Việt Nam được người Mỹ nhận nuôi sẽ gây được cảm tình của toàn thế giới đối với người Nam Việt Nam.
Nhà Trắng bật đèn xanh. Và ngày 2 tháng 4, những viên chức chi nhánh cơ quan CIA báo tin mở cầu hàng không trẻ em, một công việc "cứu giúp từ thiện" để hai nghìn em bé Việt Nam trở thành con nuôi ở Hoa Kỳ. Việc này đã được một luật mới về nhập cư cho phép. Về mặt nào đó, cầu hàng không Trẻ em là một mưu đồ. Trong số những em được hưởng, rất ít em là người tị nạn. Phần lớn là những trẻ em sống buồn tủi hàng năm nay trong trại mồ côi ở Sài Gòn và chưa hề bị cuộc tiến công của cộng sản đe dọa. Nhưng sứ quán không đếm xỉa gì đến chi tiết nhỏ nhặt ấy. Công việc này tốt, nó được tiến hành đúng hướng.
Tướng Smith, tùy viên quân sự tỏ ra đặc biệt vui. Vì ông hiểu nhanh rằng ông sẽ có lợi như thế nào trong việc tản cư trẻ em mồ côi. Đó là một dịp rất tốt để cho về Hoa Kỳ một số đông nhân viên của phái bộ quân sự sẽ cải trang đóng giả làm nữ y tá, người giặt giũ. Chỉ sau mấy giờ Hoa Thịnh Đốn chấp nhận, ông đã ra lệnh cho các bà vợ, các nữ thư ký chuẩn bị lên đường.
Trong khi đó, chiến tranh đến cửa ngõ Sài Gòn như một làn sóng. Trong những ngày đầu tháng tư, ba sư đoàn Bắc Việt Nam đã thâm nhập sâu vào tỉnh Tây Ninh, giữ đường tiến về thủ đô ở phía Nam. Ngày 3 tháng 4, sư đoàn 341 Bắc Việt Nam, đánh chiếm Chơn Thành, cách Sài Gòn 70 kilômet về phía Bắc. Vị trí tiền tiêu cuối cùng của quân đội Sài Gòn ở vùng này. Khi tin ấy về tới thủ đô, kiều dân phương Tây nóng lòng muốn đi du lịch ngay. Chỉ một đêm, số người giữ chỗ trên chuyến máy bay quốc tế, một tuần hai kỳ, của hãng Pan Am tăng gấp hai lần. Hãng hàng không China Airline không còn chỗ cho đến ngày 9 tháng 4. Phần lớn sáu trăm người trong ủy ban kiểm soát, giám sát quốc tế chuẩn bị hành lý.
Đại sứ Martin tìm cách ổn định tình hình này. Ông nói với một nhà báo ngày 3 tháng 4: "Sài Gòn không có gì nguy hiểm". Nhưng nhận định của ông đã làm nhiều người Sài Gòn và nhiều người Mỹ tức giận. Các cơ quan tình báo của bộ tổng tư lệnh của đô đốc Gayler ở Honolulu, cùng ngày ấy đã gửi điện cho Lầu Năm góc, phủ nhận những ý kiến của Martin cho rằng Sài Gòn và vùng phụ cận có thể bảo vệ được. Ở Hoa Thịnh Đốn, các viên chức bộ ngoại giao tuy nhiên, cũng đã đòi có một chương trình rộng lớn tản cư để cứu ít nhất khoảng hai trăm nghìn người Việt Nam. Sau khi Nha Trang thất thủ, họ đạt được nhượng bộ đầu tiên: thành lập một lực lượng "can thiệp" để điều hòa các kế hoạch tản cư những cơ quan thuộc bộ. Về phía mình, Nhà Trắng tránh bất cứ bình luận trực tiếp nào về cuộc khủng hoảng Đông Dương. Nhưng những trận tiến công mở rộng.
Ngày 3 tháng 4, tổng thống Ford đang nghỉ hè ở Palm Springs. Không im tiếng nữa, ông tuyên bố với các nhà báo: Thiệu vội vàng rút lui khỏi Tây Nguyên nên việc tản cư sáu nghìn người Mỹ ở Việt Nam đã được đề ra. Nói đến một trong những vấn đề hắc búa, ông cũng giải thích rằng, theo sự hiểu biết của ông về đạo luật qui định quyền hạn của tổng thống trong chiến tranh, ông được phép dùng lực lượng vữ trang để giúp vào việc tản cư công dân Mỹ ở bất cứ vùng nào trên thế giới. Những ý kiến của ông về điểm này không có cơ sở. Thật vậy, ngoài tình hình bi đát ở vùng phụ cận Sài Gòn, chính phủ còn phải lo đối phó với thảm họa sắp xảy ra ở Campuchia.
Tình hình quân sự ở Phnôm Pênh tồi tệ hết mức trong những ngày qua. Nhà Trắng cuối cùng đã phải quyết định bắt đầu tản cư kiều dân Mỹ ở đây. Sáng ngày 4 tháng 4, đại sứ Dean họp tất cá các nhân viên thông báo quyết định này. Ông nói: cuộc tản cư tất cả những người Mỹ ở Campuchia hai ngày nữa bắt đầu. Quyết định ấy, đối với Dean, là một thắng lợi riêng của ông. Bởi vì đã nhiều ngày qua, ông đề nghị Hoa Thịnh Đốn không được hy sinh tính mạng người Mỹ, trong khi đó những cuộc bàn cãi về một thỏa hiệp chính trị vẩn tiếp diễn. Nhưng ông không nhận được ngay sự thỏa thuận. Mấy giờ sau, Hoa Thịnh Đốn ra lệnh cho ông hoãn cuộc tản cư cuối cùng. Đến phút chót, Kissinger mới quyết định sự có mặt của người Mỹ ở Phnôm Pênh là cần thiết. Nó giữ vai trò thăng bằng trong khi Kissinger cố thương lượng một thỏa hiệp với Sihanouk và những kẻ bảo trợ ông ta là người Trung Quốc.
Trưa ngày 4 tháng 4, chung quanh những ngôi nhà của phái bộ quân sự Mỹ ở Sài Gòn, có một sự náo nhiệt đặc biệt. Nhiều thợ mộc và thợ khác đã hạ cánh cửa, để chuẩn bị cho một trung tâm tiếp đón người tị nạn. Buổi sáng hôm ấy, một chiếc Galaxy C-5A của không quân, máy bay vận tải lớn nhất thế giới hạ cánh. Đó là máy bay chở vật liệu chiến tranh cho quân đội Sài Gòn. Trong khi người ta chở hàng, nhân viên phái bộ quân sự tập hợp 243 trẻ mồ côi. Các em được máy bay này chở ngay đi Philippines cùng với 44 nhân viên phái bộ quân sự và một số người Mỹ khác. Đó là chuyến bay đầu tiên của cầu hàng không Trẻ em. Việc xảy ra mấy giờ sau đó, in sâu mãi mãi vào trí nhớ những người được chứng kiến chuyến bay này. Chiếc phi cơ vận tải khổng lồ C-5A chở 243 trẻ em và một số người lớn, rời Sài Gòn, đang bay ra bờ biển, chợt người lái trông thấy ánh sáng đỏ nhấp nháy trên bảng, báo hiệu một cửa bị hỏng. Anh báo tin cho trạm kiểm soát sân bay, máy bay sẽ quay lại. Nó đang hạ xuống cánh đường băng, một tiếng nổ vang dội. Một phần máy bay bị phá hủy, làm cho ca bin bên trong thiếu không khí. Phần lớn 50 trẻ em và người lớn ngồi trong đó chết ngay vì ngạt thở, một số bị bật tung ra ngoài, qua cửa không đóng được.
Máy bay bị nạn rơi xuống và trượt xa tám trăm mét đến một phía thửa ruộng phía Nam Tân Sơn Nhất. Cần dưới bị gẫy, nước tràn vào. Phần lớn những người thoát chết lúc máy bay nổ và rơi nay lại bị chết đuối. Máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ đến ngay, chở những người sống sót và hấp hối về trạm cứu thương đặt trên đường băng. Một nữ nhân viên CIA ra tiễn các em tả lại: không thể biết chắc được những em đưa từ máy bay lên thẳng sang trạm cứu thương còn sống hay chết. Hầu hết đều phủ đầy bùn từ đầu tới chân. Mãi đến lúc đưa các em từ trạm cứu thương đến bệnh viện mới phân biệt được đứa sống, đứa chết. Các nữ y tá đặt các em dưới vòi nước hoa sen, rửa người các em rồi nói: "em này còn sống, em này đã chết. Một lát sau được mấy người Mỹ giúp đỡ, tôi xếp các em còn sống lên xe gíp và xe hơi đem trả các em về các trại mồ côi. Nhiều em sợ quá không còn khóc được nữa; nhiều em khác giống như những giẻ rách trong tay chúng tôi.
Tai nạn làm mọi người xúc động. Những người trong chúng tôi ở lại phòng làm việc của CIA buổi chiều và buổi tối hôm ấy, đều buồn rầu, lặng lặng ngồi nghe đọc tên theo thứ tự A, B, C những người Mỹ chết từ sân bay Tân Sơn Nhất gọi về. Con số người chết lên đến mức làm cho tai nạn này trở thành tai nạn máy bay lớn thứ hai trong lịch sử ngành hàng không. Hơn hai trăm trẻ em qua đời .Sống sót có một người, còn tất cá nữ nhân viên của phái bộ quân sự đều bỏ mạng. Và những cái chết ấy là do một cái cửa không được đóng kín. Nếu một chuyến bay tổ chức vội vàng gây ra tai nạn tày đình như thế này thì một cầu hàng không không lồ, tổ chức trong thời chiến sẽ nguy hiểm biết chừng nào !
Tướng Smith rất đau buồn về thảm kịch này. Chính ông là người thiết tha yêu cầu cho nữ nhân viên người Mỹ đi với các em. Nhưng ông từ chối không chịu bỏ nhiệm vụ đã ấn định. Hôm sau, trong lúc những kíp của phái bộ quân sự bới tìm xác chết giữa những đống sắt thép của máy bay, ông lại cho hàng trăm trẻ mồ côi và những nhân viên không cần thiết lắm lên những máy bay vận tải khác để tiếp tục di tản.
Đại sứ Martin không còn biết làm gì để có thể ổn định được tinh thần của nhân viên sứ quán về tai nạn xảy ra. Alan Carter, phụ trách cơ quan thông tin Mỹ, là người được ông giao việc đầu tiên. Hôm sau ngày xảy ra tai nạn, Carter viết một điện gửi Hoa Thịnh Đốn để báo tin: lộn xộn ngày càng lớn ở Sài Gòn sắp dần tới hoảng loạn. Đọc bản sao bức điện ấy, Martin nổi giận, ông hét vào mặt Carter: "Ở đây không có hoảng loạn ! Chúng ta phải làm mọi cái để không gây hoảng sợ cho Hoa Thịnh Đốn. Ông nói thêm: "Nếu Hoa Thịnh Đốn hỏi tôi trước khi cho sử dụng chiếc máy bay C-5A này, thì tôi không cho phép. Và những trẻ em đó sẽ vẫn còn sống".
Carter muốn nôn mửa khi đi từ phòng Martin ra. Đầu ông ta bối rối. Sao đại sứ lại khốn nạn thế, không những để trút trách nhiệm của mình về tai nạn này mà còn làm cho mọi người hiểu rằng chính những người như Carter, vội vàng, hấp tấp, cho là tình trạng đã khẩn cấp, phải chịu trách nhiệm về cái chết của các em . Từ đó, giám đốc cơ quan thông tin chỉ gọi dây nói thẳng cho Hoa Thịnh Đốn để trao đổi tình hình. Anh không đếm xỉa đến phép tắc của đại sứ.
NÉM BOM
Sau ngày máy bay C-5A bị tai nạn, tướng Weyand và ê kíp của ông đến Palm Springs, bang California để tường trình với tổng thống Ford và Henry Kissinger về cuộc khủng hoảng ở Đông Dương. Bản báo cáo của ông bao gồm một phần trích những nhận định của tôi về tình hình quân sự . Phần này nêu rõ sự chênh lệch ghê gớm giữa hai lực lượng và khả năng một cuộc thất bại quân sự của Sài Gòn. Ngoài ra, bản báo cáo tập hợp những điều bình thường và chung chung. Các tác giả công nhận những cuộc thất trận mới đây đã làm suy yếu cơ cấu xã hội và chính trị của nước này và viết thêm: rất khó đánh giá suy yếu đến mức nào. Họ cũng không vạch rõ ý đồ của Bắc Việt Nam. Họ viết: quân cộng sản có hai khả năng: chinh phục bằng quân sự hoặc củng cố thành quả mới đạt rồi thương lượng thỏa hiệp nửa vời. Họ cũng không muốn dự đoán Hà Nội sẽ chọn khả năng nào, mà cho rằng bản thân Bộ Chính trị Bắc Việt Nam cũng có thì giờ để tiêu hóa những sự kiện xảy ra trong những tuần trước, cả những thắng lợi trong mấy ngày tới đây.
Tránh né những vẩn đề quan trọng này, Weyand và đồng nghiệp ông được tự do bảo vệ chính sách của chính phủ. Họ hiểu rằng ngay cả bản thân Kissinger cũng muốn viện trợ ồ ạt thêm cho Nam Việt Nam để Hoa Kỳ khỏi bị buộc phải chịu trách nhiệm về sự thất thủ Sài Gòn, nếu chuyện ấy xảy ra. Thật vậy, Weyand đã xin viện trợ quân sự khẩn cấp bảy trăm hai mươi hai triệu đô la. Họ cố bảo vệ cho sự rộng rãi ấy bằng những luận điểm của Kissinger. Họ viết: "Các chính phủ trên toàn thế giới đều nhớ đến quá khứ, nhưng chắc chắn họ sẽ đánh giá việc Hoa Kỳ không giúp đỡ Việt Nam lúc này là sự phá sản của ý chí và tính quyết định của người Mỹ. Việc duy trì uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới phụ thuộc vào những nỗ lực của chúng ta chứ không phải vào một thắng lợi hay thất bại nào.
Họ còn cho rằng tiền sẽ nâng cao tinh thần Nam Việt Nam, nên sau khi trình bày những ý kiến nói trên, họ nói thêm: Tiền sẽ khôi phục được hiệu lực của quân đội, tiền ấy cần có ngay để đáp ứng những nhu cầu quân sự cơ bản, để Việt Nam Cộng Hòa có thể chiến đấu ngang sức cho sự sống còn của mình. Trong một bản tường trình, Weyand và đồng nghiệp ông có nêu lên vấn đề tế nhị là vấn đề di tản. Họ viết: "Một sự can thiệp ồ ạt của lực lượng Hoa Kỳ có không quân chiến thuật yểm hộ, rất cần để bảo đảm cho việc tản cư sáu nghìn người Mỹ, hàng chục nghìn người Việt Nam và dân nước Việt Nam thứ ba, đối với những người này, chúng ta có một cái nợ phải trả. Tuy nhiên, họ không đi đến mức yêu cầu một cuộc tản cư khẩn cấp cũng như không nói rằng việc giảm bớt sự có mặt của người Mỹ ở Sài Gòn sẽ được thực hiện song song với việc giúp đỡ tài chính. Họ chỉ nói đến việc tản cư như là một dự kiến, chỉ được tổ chức trong trường hợp quốc hội không cung cấp 722 triệu đô la.
Chính phủ chấp nhận ý kiến của họ, chỉ bàn vấn đề di tản khi cuộc thảo luận về vấn đề viện trợ cho Việt Nam ngã ngũ. Có nghĩa là, những người Mỹ ở Việt Nam gần như trở thành những con tin chỉ được thả ra khi có đủ 722 triệu đô la, số tiền như Weyand nói, may ra chỉ có thể giúp Sài Gòn tồn tại mà thôi. Cuộc gặp mặt giữa Weyand và tổng thống Ford kéo dài 90 phút. Kissinger đã đọc bản báo cáo khi ông ngồi bên cạnh Shackley, Carver, Von Marbod và tổng thống.
Vì quan điểm của họ giống như quan điểm của ông ta, nên Kissinger không gặp khó khăn gì để ủng hộ. Cũng như họ, ông nghĩ rằng tình hình quân sự có thể cứu vãn được, cứu vãn một cách chắc chắn. Muốn thế, viện trợ cho Nam Việt Nam phải rõ ràng, dù chỉ là để bảo vệ uy tín của người Mỹ ở nước ngoài Kissinger tuyên bố với các nhà báo sau buổi gặp Weyand : Hoa Kỳ đứng trước một vấn đề đạo lý. Việc cần biết là một đồng minh, đã hợp tác với chúng ta mười năm, nay muốn tự bảo vệ một mình, thì Hoa Kỳ có quyết định đình chỉ việc cung cấp phương tiện chiến tranh hay không ?"
Trong khi có những cuộc thảo luận ấy, thì người duy nhất trong chính phủ có thể phản đối có hiệu quả những luận điểm của Kissinger và những ý kiến của Weyand, lại ở Hoa Thịnh Đốn đề chữa những vết thương của lòng tự ái. Đó là bộ trưởng quốc phòng Schlesinger. Một lần nữa, ông bị loại ra khỏi hàng ngũ cố vấn thân cận của tổng thống. Chủ nghĩa tiêu cực của Schlesinger là một trong những nguyên nhân khiến Kissinger đẩy ông ra. Một mặt, bộ trưởng quốc phòng nghi ngờ sự lạc quan của Weyand, mặt khác, ông phản đối kịch liệt mọi viện trợ mới cho Sài Gòn. Ông cho rằng uy tín của người Mỹ cũng như nhu cầu của Sài Gòn đã được viện trợ bổ sung 322 triệu đô la cung cấp hai tháng trước đây, bảo vệ và thỏa mãn. Mọi sự giúp đỡ quan trọng khác đều là lãng phí và không đi đến đâu cả. Nhất là ông nghĩ rằng Nam Việt Nam không thể nào có hy vọng thoát khỏi tình trạng hiện nay.
Kissinger chống lại dữ dội quan điềm của Schlesinger. Ông cho rằng không thể coi thường sự sống còn của Sài Gòn, vì đó là hình ảnh cao quý của người Mỹ trên thế giới. Kissinger tin rằng viện trợ tối thiểu 722 triệu đô la là đủ để Nam Việt Nam chấp nhận việc tản cư người Mỹ, nên việc đó cần làm. Sau này, ông giải thích với quốc hội: "Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập một thế quân sự ngang bằng, nếu việc đó thất bại và đi đến chỗ bi đát thì viện trợ 722 triệu đô la sẽ là phương tiện có hiệu quả làm cho Nam Việt Nam bằng lòng cho di tản người Mỹ và người Việt Nam mà chúng ta chịu trách nhiệm về tinh thần. Nói khác đi, Kissinger cho là nếu cần phải trả tiền chuộc để đối lấy tính mạng những người Mỹ ở Sài Gòn thì "số tiền ấy phải khá".
Ở Sài Gòn, chúng tôi đang đứng trước cảnh hấp hối của Nam Việt Nam. Trong ba tuần qua, từ ngày bỏ Pleiku, hơn sáu trăm bản báo cáo gửi tới CIA. Lúc ấy cứ hai ngày tôi làm một bản tường trình công việc, một kỷ lục chưa từng có. Mười người trong ê kíp phân tích tin của phái bộ quân sự và hầu hết bạn đồng nghiệp của tôi ở bộ ngoại giao đều làm việc với nhịp độ ấy. Không còn giải trí ở tất cả các cơ quan của sứ quán. Không còn ai ngoài bể bơi. Sau này, nhiều vợ viên chức ở sứ quán nói với tôi: họ biết ngày kết thúc sắp đến, ngày có một biển ghi: Mike, huấn luyện viên bơi lội, đã bị thai hồi vì không còn người học bơi nữa !
Chúng tôi cũng khám phá ra rằng chúng tôi có nhiều bạn Việt Nam hơn là chúng tôi tưởng. Họ đến hỏi vào bất cứ giờ nào. Họ đứng ngay ngưỡng cửa, trong đêm, để không bỏ lỡ một chỗ trống trong những chuyến máy bay lên thẳng đến bất ngờ. Tôi có trên lưng một việc riêng. Tư Hà, là một nữ chiêu đãi viên "được cải tạo" ở bar Mini. Hai mươi mốt tuổi, chân ngắn. Hợp tác lâu ngày với người Mỹ, cô sợ bị đứng đầu trong danh sách những người phải hạ sát của cộng sản. Ngớ ngẩn ! Anh cho là như thế ư? Thật ra: lúc ấy, không ai phân biệt được cái gì ngớ ngẩn, cái gì không. Người giúp việc tôi đi từ sáng sớm, tôi để Tư Hà trong nhà làm những việc lặt vặt và thổi cơm chiều. Thêm một gánh nặng phải mang. Ngày 7 tháng 4, tôi ghi trong sổ tay: mọi người đều thiếu ngủ, buồn man mác. Thức dậy bất thình lình vào ba giờ sáng vì tiếng đại bác nổ đằng xa. Tiếp đó là tiếng xích sắt chiến xa chạy ngoài đường báo hiệu dinh Độc lập bị chiếm, một cuộc đảo chính chăng?
Pat Johnson hôm qua nêu ra ý kiến có thể chúng tôi không thể vượt qua thử thách này và lần đầu tiên, tôi thông cảm với người Việt Nam. Pat và Bill, chồng bà đã ký giao kèo với nhau: Nếu quân Bắc Việt Nam chiếm thành phố mà họ không chạy trốn được thì chồng sẽ bắn một phát đạn 38 vào gáy vợ rồi quay súng lại bắn vào mình.
Mỗi ngày, người xếp hàng trước lãnh sự quán cũng dài thêm. Nhưng ở sứ quán, tiếp tục coi là không có chuyện gì thay đổi cả. Hình như, tiếng súng gầm ở ngoại ô chỉ là báo hiệu cơn giông. Mặc dù có truyền thống bình tĩnh, hầu hết các nhân viên hai giới ở CIA đều lo ngại. Nữ thư ký có vẻ bình tĩnh hơn đồng nghiệp nam giới. Họ nói ít về sự nguy hiểm, công nhận sẽ có nhiều tai biến nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Nam giới tỏ ra quyết tâm đối phó với thử thách. Họ nói năng với một vẻ quan trọng, trao đổi vũ khí, vừa kể cho nhau nghe những chuyện chiến tranh, vừa vỗ vào lưng nhau đồm độp, vừa ngậm những viên valium và uống cốc tai ngay từ trưa.
Cuối tuần thứ nhất tháng tư, một số bạn đồng nghiệp tôi phản kháng: có hai sự thật, một cái họ thấy và một cái do đại sứ và quan chức cao cấp tìm cách bắt họ phải chấp nhận qua những tin tức có vẻ tốt lành. Ngay cả sau tai họa của máy bay C-5A, đại biểu lâm thời Lehmann còn cố tình tuyên bố trước một nhóm nhà kinh doanh Mỹ rằng không có gì phải sợ cho Sài Gòn. Ông nói "Thành phố cũng vững chắc như đồng đô la Mỹ. Các ông cứ đầu tư vào !"
Ngay Polgar cũng giúp vào việc củng cố ảo tưởng ấy, mặc dù lý lẽ ông đưa ra khác lý lẽ của Lehmann. Ít lâu sau tai họa máy bay C-5A, ông yêu cầu những người giúp việc không nói trước vợ, con hay thư ký tình hình quân sự bi đát. Ông ra lệnh cho Pat và Joe bắt đầu chuẩn bị bản tường trình tình hình hàng ngày, trong đó đương nhiên là đánh giá thấp sự uy hiếp của cộng sản và đề cao lực lượng của chính phủ. Những tin tức ấy sau khi được sửa đi sửa lại, được điện cho tất cá các sứ quán trên thế giới với hy vọng khơi lên những bài bình luận ủng hộ sự sống còn của Sài Gòn trong giới báo chí quốc tế và ở quốc hội.
Nhưng những nỗ lực ấy không được trả giá, nhất là ở cơ quan CIA, ở đây, nhận được quá nhiều tin tức bi quan, Polgar không thể giấu giếm được. Thêm nữa, người ta lại biết, ngày 7 hay 8 tháng 4, ông đã gửi về Mỹ không những hành lý riêng và cả hành lý của vợ nữa. Người ta nói: Polgar làm như thế có nghĩa là tình hình nghiêm trọng hơn điều ông nói. Những ngày sau, Pat, Joe và tôi làm mọi cái để các bạn và người thân của chúng tôi có thề hiểu rõ cái gì sẽ xảy ra. Thính thoảng, một trong ba chúng tôi lại tạt vào một phòng giấy trống rỗng để báo cho một anh bạn sự phát triển của tình hình quân sự. Tôi phân phát cho đồng nghiệp tôi bản sao bản báo cáo mới nhất. Chúng rất được hoan nghênh mặc dù không được phép luân chuyển chúng.
Trước bình minh ngày 8 tháng 4, chiến tranh nổ ra bất ngờ chung quanh Sài Gòn. Lực lượng cộng sản bắn phá một huyện lỵ phía Nam Biên Hòa, đặc công tiến công trường sĩ quan phía Đông. Liên tiếp ba ngày liền, ở phía Bắc đồng bằng nhiều đơn vị thuộc ba sư đoàn Bắc Việt Nam đánh phá quốc lộ số 4 và cắt đường này một thời gian, ở cách Sài Gòn 25 kilômet về phía Nam.
Tôi đến sứ quán lúc 6 giờ sáng, như mọi ngày. Tôi liếc đọc những bản tường trình đầu tiên và tự hỏi thủ đô còn đứng được bao lâu nữa. Gần hai giờ sau, câu trả lời đã đến. Tôi đang gọi một người bạn ở cơ quan USAID để nói về những dự kiến tản cư. Tôi vừa nói hết một câu thì tiếng động cơ phản lực ầm vang xé tường của sứ quán như một cơn sóng dữ. Một tiếng nổ dữ dội làm rung cửa kính gắn plastique. Anh bạn tôi hét lên hỏi ở đầu dây nói: Trời ơi, cái gì thế ? Tôi bỏ rời ông nghe không trả lời. Tôi cắm cúi sau bàn tìm khẩu súng 45 trong cặp. Một lúc sau, cầm vũ khí trong tay, tôi chạy qua hành lang đến phòng Polgar. Tôi thấy ông đứng trước cửa sổ, cố nhìn xem cái gì đã xảy ra qua những ô cửa nhỏ của phòng bảo vệ bằng bê tông. Ông nói nhỏ, giọng đanh: "Hình như có người ném bom dinh tổng thống, anh thử trèo lên nóc nhà xem thiệt hại thế nào". Dinh tổng thống ở đầu đường Thống Nhất, ở sứ quán dễ trông thấy. Thật ra, mái nhà trụ sở chúng tôi là nơi cuối cùng tôi muốn lên lúc bây giờ, nhưng lệnh là lệnh, là người dưới phải tuân lệnh, tôi đi ngay đến cầu thang trong nhà để làm cái việc mà Polgar bảo tôi làm.
Khi đặt chân lên mái nhà, tôi trông thấy một cột khói bốc cao ở một góc dinh Độc Lập, cách chỗ tôi 1500 mét. Nhiều người trèo lên theo tôi. Thư ký và các nhân viên trong sứ quán đều nhanh nhẹn muốn chứng kiến cảnh vừa xảy ra. Một người kêu lên: "Một máy bay phản lực A-37 bay lượn ba lần và ném trúng dinh trong lần bay cuối cùng". Tôi nghe lõm bõm rồi căng mắt nhìn lên bầu trời buổi sáng, về phía Đông, nơi máy bay đến. Tôi tìm một chấm đen trong ánh nắng, lắng nghe tiếng kêu báo hiệu máy bay trở lại. Không có gì. Chấm đen biến mất. Yên lặng tràn ngập cả phố. Tiếp đó là tiếng kêu ồ ồ, tiếng còi rối rít. Mọi người đã đứng dậy, ra khỏi nơi trú ẩn.
Khi tôi trở lại phòng làm việc của Polgar, ông đang ngồi trước máy chữ, làm một bản báo cáo gửi về Hoa Thịnh Đốn, ông ngừng lại, nghe dây nói. Một thông tín viên gọi ông từ dinh Độc Lập. Một người không quan trọng lắm bị thương. Thiệu không việc gì. Một lúc sau, một nữ thư ký chạy tới, đem đến một báo cáo của một nhân viên tình báo, từ hôm qua đã nằm trong hòm tin. Báo cáo cho biết chiều hôm ấy, người chỉ huy phi đội thứ 23 ở Tân Sơn Nhất nói chuyện với hạ sĩ quan vụ họ ném bom dinh Độc Lập. Nhân viên tình báo cho là người chỉ huy này hành động theo lệnh của tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ.
Tướng Timmes được cử ngay đi gặp Kỳ ở Tân Sơn Nhất để kiếm tra lại, Tướng Kỳ nói không biết gì về việc ném bom cả. Buổi chiều, đài phát thanh giải phóng, đài bí mật của cộng sản tuyên bố một sĩ quan không quân Nam Việt Nam, tên là Nguyễn Thành Trung là người ném bom. Theo đài này, đã từ lâu, Trung là một cán bộ cộng sản và chuẩn bị việc này mấy tháng nay. Nhưng những thông tín viên của CIA lại giải thích một cách khác. Theo họ, Trung chỉ là một phi công đang say rượu muốn làm vừa lòng Kỳ. Kỳ không biết gì cả và không tán thành việc này. Sự thật thế nào không biết nhưng có một điểm tôi thấy rõ là Sài Gòn có thể bị ném bom. Mặc dù có nhiều súng phòng không, nhiều hệ thống báo động do người Mỹ sắp đặt ở khắp nơi, chính phủ cũng bất lực không thể ngăn cản được phi công bay vào không phận thành phố và hoàn thành nhiệm vụ.
Lòng kiêu hãnh của sứ quán bị động chạm. Rõ ràng là ít người trong chúng ta biết cách đối xử trước một trận tiến công trực tiếp như thế. Alan Carter, phụ trách cơ quan thông tin, cho là tai họa này đặc biệt khiếp đảm. Ngay sau khi máy bay bay đi, ông đề nghị tất cả các cơ quan hành chính trong sứ quán cho biết kế hoạch đối phó. Các phòng làm việc của cơ quan thông tin nằm gần dinh Độc Lập, ông có lý do chính đáng để lo ngại. Một nhân viên sơ cấp vội vàng trả lời Carter: "ông hãy dùng trí tuệ của ông." Carter nổi giận thét lên: "Đồ khốn khiếp, tôi dùng trí tuệ của tôi thế nào được nếu tôi không biết cái gì đang xảy ra ! Ở đây chúng tôi cần những lời khuyên . Hôm sau, đặt một đài radio mới trong phòng làm việc của cơ quan thông tin để Carter có thể nói chuyện với sứ quán trong những trường hợp khẩn cấp. Đó là câu trả lời duy nhất cho yêu cầu của Carter. Ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, Carter và các nhân viên của ông lại bị bỏ rơi một lần nữa. Người ta đã quên họ !
Trong khi Sài Gòn đang phục hồi sau trận đánh đâu tiền ấy, các bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở Phnôm Pênh, cách Sài Gòn một giờ bay, đang chờ đòn cuối cùng. Ngày 8 tháng 4, chỉ còn 58 nhân viên người Mỹ ở thủ đô Campuchia và 35 nhà ngoại giao nước ngoài. Phần lớn đã chuẩn bị. Hôm trước, đại sứ Dean yêu câu ba trăm nhân viên giúp việc tản cư, nhưng rất ít người chấp nhận. Người theo đạo Phật tiểu thừa (đạo thịnh hành ở Campuchia) rất sợ chết tha hương. Trong khi đó, quân Khmer đỏ ngày càng tiến gần đến thành phố!
Chiều ngày 8 tháng 4, họ chiếm vị trí tiền tiêu của chính phủ cách sân bay 6 kilômet. Họ liên tục bắn phá sân bay. Nhưng trung tâm thủ đô chưa việc gì.
RỌI ĐÈN CHIẾU
Trận ném bom dinh Độc Lập sáng ngày 8 tháng 4 buộc tôi phải bỏ buổi nói chuyện về tình hình quân sự thường được tổ chức hàng tuần cho đoàn ngoại giao và nhân viên cao cấp của Martin nghe. Sau này, tôi cũng không phải nói nữa. Một phần do Polgar sợ làm cho cấp trên lo ngại, nhưng cái chính là Martin và Polgar quá tin rằng đàm phán là chìa khóa của tương lai. Do đó cần gì phải nói đến hoạt động quân sự .
Hai người đều đi đến kết luận ấy nhưng xuất phát từ quan điểm khác nhau. Sự bi quan về tình hình quân sự làm cho Polgar nghĩ đến giải pháp chính trị là giải pháp duy nhất có thể cứu Sài Gòn. Còn Martin nghiêng về phía thương lượng vì ông tin rằng chính phủ Thiệu ở thế mạnh. Polgar sẵn sàng gạt Thiệu để có đàm phán. Martin cho rằng chính phủ phải được bảo vệ, củng cố để bước vào thao luận chính trị. Hai quan điểm khác nhau ấy chẳng mấy chốc gây nên sự bất hòa giữa hai người. Hy vọng chung của họ về một giải pháp chính trị dựa trên cơ sở mỏng manh. Ngày 2 tháng 4, có tin bộ trưởng ngoại giao chính phủ Cách mạng lâm thời nói: chính phủ cách mạng sẵn sàng nói chuyện với Sài Gòn với điều kiện Thiệu rút lui. Nhiều người phát ngôn của chính phủ ở Stockholm và nhiều nơi khác ở châu Âu cũng nhắc lại đề nghị ấy. Nhưng những tin tức trên chỉ được tung ra và chưa được kiểm tra kỹ.
Ngày 7 tháng 4, Khiêm, thủ tướng vừa từ chức, gặp thủ tướng Trần Văn Đôn mới thay ông ta, nói về việc buộc Thiệu từ chức để cứu nước. Không cần phải thuyết phục Đôn. Bản chất Đôn là một tên đầu cơ, thói quen của ông ta là lật đổ. Đôn đã chuẩn bị lật Thiệu nếu có sự can thiệp của bên ngoài. Ngày 1 tháng 4, Đôn đừng chân ở Paris sau khi nghỉ hè ở nước ngoài. Ông gặp đại diện của thủ tướng Pháp, Jacque Chirac, xin tiếp kiến. Như Đôn thuật lại, trong cuộc gặp mặt này, Chirac bảo ông ta: Nam Việt Nam không còn nữa. "Ba cường quốc" đã thỏa thuận là Sài Gòn trở về với Hà Nội. Bắc Việt Nam sẵn lòng chấp nhận giải pháp ấy, với điều kiện là mọi việc được giải quyết xong trong tám ngày qua sự trung gian của người Pháp. Trước khi rời Paris, Đôn, lấy danh nghĩa cá nhân, gặp đoàn đại biểu chính phủ Cách mạng lâm thời và hoàng đế Bảo Đại đang sống lưu vong mà nhiều người muốn sử dụng làm môi giới giữa hai kẻ thù. Một vài ngày sau khi trở về Sài Gòn, Đôn đề nghị với một người bạn cũ cho tiếp xúc bí mật với đại diện cộng sản ở địa phương. Sau đó, thuật lại với Thiệu những điều Chirac nói với ông ta.
Lẽ dĩ nhiên, Thiệu phớt lờ và cho rằng người Pháp nói dối. Sau đó, chiều ngày 5 tháng 4, Đôn nhận được điện thoại từ phòng làm việc của Chirac ở Paris, nhắc cho ông ta biết chỉ còn ba ngày nữa để thảo luận dứt khoát với cộng sản.
Bất lực, không thu ẹt phục được Thiệu. Đôn không dám bảo đảm thời hạn ấy. Đó là tình hình đưa đến cuộc gặp mặt giữa Đôn và Khiêm ngày 7 tháng 4. Vì Đôn không tìm được con đường nào khác để đem lại hòa bình, ông dễ dàng ngả theo quan điểm của Khiêm: Thiệu phải ra đi.
Hai người cho rằng người thay Thiệu không ai bằng người chiến hữu già là tướng Dương Văn minh. Năm 1963, họ đã thành lập nhóm ba người để lật đổ Diệm. Họ chắc rằng sự liên minh cũ có thể nối lại để giải phóng đất nước khỏi một tên độc tài không còn tác dụng gì nữa.
Từ nhiều năm nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, người ta coi Minh như một Hamlet già cỗi của nền chính trị Việt Nam, một người do dự đến mức tê liệt. Sau cuộc đảo chính năm 1963. Minh bị các tướng trẻ loại bỏ một cách tàn nhẫn. Người Mỹ cũng đi tìm một đồng minh khác. Chỉ có tướng Timmes ở cơ quan CIA là còn tiếp xúc với Minh. Họ thường đánh quần vợt với nhau ở câu lạc bộ thề thao.
Nhưng sự sụp đổ của Quân khu I và Quân khu II lại nâng hình ảnh của Minh lên. Trong một đêm, ông được nhiều người đánh giá là người của tình hình có thể đứng ra thương lượng. Minh có vẻ là nhân vật chính trị duy nhất không đứng về phía Sài Gòn mà cộng sản có phần chú ý đến. Về phần Minh, ông nghĩ rằng sinh ra là để giữ vai trò người ta yêu cầu. Minh coi mình là người trung lập, hy vọng được nhiều nhân vật chính trị không còn nắm chính quyền ủng hộ nếu ông nhận trách nhiệm điều khiển quốc gia. Minh cũng cho rằng Chính phủ cách mạng lâm thời và những người đứng đầu chính phủ này là những người miền Nam hơn là cộng sản. Giữa một nước Việt Nam thống nhất do Hà Nội chỉ huy và một liên minh với phái trung lập ở Sài Gòn thì họ sẽ chọn giải pháp thứ hai. Cuối tháng 3, ít lâu sau ngày Huế thất thủ, Minh bắt đầu chơi bài. Ông tiếp xúc với Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng và Thủ tướng chính phủ cách mạng lâm thời. Em của Minh là một nhân vật cao cấp của chính phủ này. Những cuộc gặp mặt không chính thức, không cam kết, rất dễ dàng.
Khi Minh biết có cuộc hội kiến giữa Đôn và Chirac, ông cố gắng công khai làm cho người Pháp chú ý đến ván bài của mình; Minh tuyên bố rõ với mọi người là người Pháp có một vai trò quan trọng trong việc tiếp xúc tìm kiếm hòa bình. Người Pháp cắn câu ngay. Ngày Khiêm và Đôn quyết định thuyết phục Thiệu từ chức cũng là ngày đại sứ Pháp ở Sài Gòn bí mật đến nói chuyện với Minh. Hai ngày sau, Minh mời Khiêm đến nói chuyện ở nhà riêng. Minh công nhận đã có những cuộc thảo luận bí mật với chính phủ cách mạng lâm thời và nói với Khiêm rằng người Pháp coi ông là một người thay Thiệu rất tốt để đi đến thỏa hiệp với cộng sản. Cuối buổi nói chuyện, Khiêm bảo đảm với Minh ông ta hoàn toàn ủng hộ Minh.
Nhân viên CIA báo cho sứ quán diễn biến của những hoạt động ấy, việc đó càng làm cho Polgar và Martin tin rằng sẽ có thương lượng.
Tuy nhiên, người nuôi nhiều hy vọng nhất vào đàm phán không phải là Khiêm hay Minh mà là người Pháp. Ngay sau khi Chirac gặp Đôn, người Pháp đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tìm kiếm một thỏa hiệp chính trị; cho đến phút cuối cùng, mặc dù không muốn, họ đã góp phần đưa Sài Gòn đến ven bờ sự hủy diệt.
Tại sao họ tham gia sâu đến thế vào trò chơi hòa bình, tham gia một cách đáng xấu hổ ? Người ta chỉ có thể đặt ra những giả thiết. Có thể chỉ là phản ứng của việc báo thù. Những người gô-lít già (Những cán bộ kỳ cựu của Đảng tướng De Gaulle, Nxb) trong bộ ngoại giao không bao giờ quên, không bao giờ tha thứ việc Hoa Thịnh Đốn, trong giữa những năm 60 đã từ chối không cho họ can thiệp để chấm dứt chiến tranh. Thất bại của việc ngừng bắn được nhiều người trong bọn họ coi đúng là đòn đánh trả lại. Đối với họ đó là một dịp có một không hai để nước Pháp dành lại một phần ảnh hưởng đã mất ở Đông Dương. Có lẽ họ cũng chẳng hiểu gì về người cộng sản Việt Nam. Những chuyên gia về Đông Dương ở bộ ngoại giao Pháp từ lâu cho rằng phong trào cách mạng ở Việt Nam chia rẽ nhiều hơn là người Mỹ đánh giá. Cũng như Minh, họ nhận định là nửa phía Nam của bộ máy cộng sản đội lốt chính phủ cách mạng lâm thời, không phải là một trá hình của Hà Nội mà là một lực lượng tự thân, có thể có hành động độc lập. Dựa vào kinh nghiệm lịch sử, họ cũng nghĩ rằng Hà Nội không bao giờ định công khai nắm chính quyền, mà là giấu ý đồ của mình dưới một thỏa hiệp liên hợp.
Cuối tháng ba, đầu tháng tư, làn sóng tuyên bố úp mở về triển vọng hòa bình, càng làm cho người Pháp củng cố thêm luận điểm can thiệp của họ. Cuối cùng họ tưởng rằng những sự tranh chấp cũ giữa những người cách mạng ở miền Nam và ở miền Bắc sẽ công khai nổ ra. Nếu nền ngoại giao Pháp nhanh chóng xen được vào cuộc tranh chấp ấy thì có khả năng kết thúc chiến tranh với nhiều lợi ích cho Pháp. Mục tiêu người Pháp đặt ra là trở lại quá khứ, sự hồi sinh của Việt Nam như ba xứ đã tồn tại trong thời kỳ đô hộ của Pháp ở đây. Bên cạnh Bắc Kỳ cổ xưa (nay là miền Bắc do cộng sản điều khiển), sẽ thiết lập một chế độ liên hợp ở miền Trung (Quân khu I và Quân khu II). Ở đây, trước kia người Pháp cai trị qua bàn tay trung gian của Bảo Đại. Còn phía Nam, trong xứ Nam Kỳ lục tỉnh ( Quân khu III và Quân khu IV), chế độ Thiệu nhường chỗ cho một chính phủ mở rộng có thể thương lượng với Hà Nội và nhà cầm quyền mới ở phía Bắc. Để đề ra nước Việt Nam ban-căng hóa này, người Pháp định ra một chiến lược gồm bốn điểm: Hà Nội thấy rõ lợi ích của họ là đàm phán. Thiệu có lợi trong chịu đựng. Tướng Minh chuẩn bị thay Thiệu. Còn đối với người Mỹ, phải làm cho họ tin rằng họ không có gì lựa chọn tốt hơn là chính sách do người Pháp đề ra cho họ.
Khi Đà Nẵng thất thủ, người Pháp đã bắt đầu hoạt động. Có những cuộc trao đổi bí mật với Bắc Việt Nam ở cấp cao, với đại diện chính phủ cách mạng ở Paris. Nhiều sĩ quan đã nghỉ hưu, trước kia phục vụ ở Đông Dương, trở lại Sài Gòn. Họ được giao nhiệm vụ thuyết phục các chiến hữu cũ tin rằng những cuộc thương lượng do Paris tiến hành là cần thiết. Những cuộc tiếp xúc với Trần Văn Đôn ngày 1 tháng 4 được diễn ra với tinh thần ấy. Không nói ra nhưng những cuộc trao đổi được tiến hành với ý thức tốt. Trong những cuộc thảo luận mới nhất với Bắc Việt Nam và đại diện chính phủ cách mạng lâm thời, người Pháp nhận được bảo đảm rằng việc thay đổi chính quyền có thể thương lượng ở Sài Gòn trong vòng tám ngày nếu nước Pháp đóng tốt vai trò của mình. Nhưng bộ ngoại giao Pháp cần kiểm tra ngay giá trị của Chirac - Trần Văn Đôn, các nhà ngoại giao Pháp ở Hà Nội điện khẩn về Paris rằng triển vọng một thỏa hiệp là không có, Bắc Việt Nam có vẻ quyết tâm giành ngay thắng lợi hoàn toàn. Như là để khẳng định điều đó, phái đoàn Bắc Việt Nam ở Paris nói với các nhà chức trách chính thức của Pháp rằng, trong bất cứ trường hợp nào, điều kiện đầu tiên cũng là Thiệu từ chức, quan hệ giữa Sài Gòn và Hoa Kỳ phải chấm dứt. Không có tình hình đó sẽ hạn chế rất nhiều những cuộc thương lượng. Ngày 5 tháng 4, người Pháp chuyển những yêu cầu ấy cho Hoa Thịnh Đốn, tưởng rằng người Mỹ sẽ mất lòng tự trọng và chấp nhận.
Nhưng Kissinger không tỏ ra dễ bảo. Theo nhận xét của ông, giải pháp ba Việt Nam do người Pháp đưa ra, chỉ là một mánh khóe chính trị để nước Pháp lấy lại vai trò điều khiển của mình ở Đông Dương. Hơn thế, đó là một hoạt động không hợp pháp. Để giành chính quyền, tướng Minh sẽ phải vi phạm hiến pháp Nam Việt Nam. Kissinger lo có sự lộn xộn sau đó và tính mạng người Mỹ sẽ bị uy hiếp. Ngày 7 tháng 4, ông báo cho Paris biết rằng những đòi hỏi của Hà Nội không thể chấp nhận được. Nhưng hoạt động đó một lần nữa lại chuyển về Sài Gòn.
Jean Marie Mérillon, viên đại sứ nhỏ bé của Pháp ở Nam Việt Nam có hai ham thích lớn: công việc và săn bắn thú rừng. Từ ngày ông đến đây, gần một năm về trước, ông tỏ ra thành thạo ở cả hai mặt. Tôi đã trông thấy bức ảnh ông đi săn ở Buôn Mê Thuột. Ông đứng cạnh một con hươu bắn được đêm trước. Hình như ông rọi đèn chiếu làm cho nó lóa mắt rồi bắn trúng mắt nó. Rọi đèn chiếu là một mánh khóe riêng của đại sứ trong ngoại giao cũng như trong săn bắn. Ông cũng dùng kỹ thuật ấy ở Sài Gòn trong những tuần cuối của cuộc chiến tranh, làm bừng sáng những cuộc tiếp xúc chính trị với những lời hứa hẹn và hy vọng quá độ cho đến lúc chúng rơi vào lưới. Và mỉa mai thay, lại vào lưới Hà Nội. Trong tuần đầu tháng tư, Mérillon áp dụng chiến thuật ấy với em họ Thiệu là Hoàng Đức Nhã. Ông cho Nhã biết mấy nét về giải pháp ba Việt Nam và vận động Nhã tham gia thực hiện. Không có ý chế giễu nào, ông kể lại thí dụ quân đội Pháp năm 1940 nhắc lại sự dàn xếp được đề ra đúng lúc với bọn nadi nhờ đó đã cứu được nước Pháp khỏi tan vỡ.
Câu trả lời của Nhã thật đau và nặng nề. Ông ta nói với Mérillon: Ông điên rồi, kế hoạch ấy thật buồn cười !". Đại sứ Pháp không nản lòng. Những ngày sau, ông rọi đèn vào một con mồi lớn hơn nhiều, Graham Martin. Nhà riêng của Mérillon và sứ quán Pháp ở ngay cạnh sứ quán Mỹ. Mérillon đến thăm kín đáo Martin rất dễ dàng vào bất cứ giờ nào để nói chuyện chung quanh tách cà phê. Mỗi lần đến thăm đại sứ Mỹ, ông lại nói thêm về cái lợi của cuộc đàm phán. Ông nói: Không, chắc chắn là chưa có gì chứng tỏ Bắc Việt Nam chấp nhận những điều kiện đặt ra. Nhưng ta cứ thử xem, có mất gì đâu.
Phản ứng đầu tiên của Nam Việt Nam là tiêu cực: Cũng như Kissinger, ông cho rằng nếu có chuyện thay đổi chính phủ ở Sài Gòn thì việc đó phải thực hiện đúng hiến pháp để làm cho chế độ thêm vững và tăng thêm triển vọng thương lượng một cách công bằng giữa những người kế tiếp Thiệu và cộng sản. Khó cho Martin chấp nhận nhận định của Mérillon cho rằng hiện nay Sài Gòn yếu đến mức không còn con đường nào khác là con đường hòa bình.
Nhưng Martin chưa sẵn sàng bác bỏ lúc này những ý kiến của người Pháp. Ông là đấu thủ đánh cờ chứ không phải đấu thủ đánh bài. Do đó, đáng lẽ xả láng cho cái ông cho là tốt nhất, ông lại quyết định tiếp tục tiếp xúc với Mérillon như là người ta giữ hai miếng thép trong lửa. Martin cho đục một cái cửa giữa sứ quán Mỹ và sứ quán Pháp, đặt giữa hai sứ quán một con đường dây nói trực tiếp cho chắc chắn. Cho chắc chắn hơn, đường dây chạy mãi vào trong buồng tắm của Mérillon đặt bên phòng làm việc của ông. Những ngày sau đó, thư ký và nhân viên sứ quán Pháp bắt đầu lo ngại về sức khỏe của ông vì thấy ông liên tục vào buồng tắm. Vừa tìm kiếm sự ủng hộ của người Mỹ, Mérillon vừa nhằm một mục tiêu khác.
Từ nhiều tháng nay, sứ quán Pháp giao thiệp kín đáo với tướng Minh qua nhiều trung gian. Đầu tháng tư, tướng Minh còn công khai tỏ ý hoan nghênh những nỗ lực của Paris để tìm kiếm hòa bình. Mérillon lợi dụng lời tuyên bố ấy để nhảy vào. Trong cuộc gặp đầu tiên ngày 7 tháng 4 với Minh, Mérillon kể lại những cuộc tiếp xúc giữa chính phủ Pháp với Bắc Việt Nam, nói thêm rằng, theo ông, Minh giữ một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Tuy không nói ra. hay là nói quá rõ rồi điều đó có nghĩa là Paris đã chọn Minh làm người thay Thiệu.
Mấy ngày sau, tổng thống Pháp Valery Giscard d' Estaing, đích thân kêu gọi Thiệu tỏ rõ thiện chí cho một sự hòa hợp. Phình ứng của Thiệu khác hẳn điều Paris mong muốn hay chờ đợi. Không chút sợ hãi những lời đe dọa, tống thống Nam Việt Nam ra lệnh cắt ngay mọi quan hệ với sứ quán Pháp cho đến lúc Giscard rút lui ý kiến của ông. Do đó, Mérillon không được đến dinh Độc Lập ngay cả lúc ông hy vọng được tiếp kiến Thiếu để thuyết phục ông ta từ chức vì lợi ích của một xứ Nam Kỳ không cộng sản.
Để giành lại quyền chủ động, Mérillon dùng một chiến thuật nguy hiểm. Nhờ những cuộc tiếp xúc với người Việt Nam, ông cho loan truyền trong thành phố tin quân cộng sản sắp tiến công ngay Sài Gòn. Những lời dự đoán kinh hãi ấy có tác dụng làm cho sứ quán Mỹ hoảng sợ và trong một lúc, không chú ý đến ý đồ thật sự của Hà Nội. Sau cùng, Mérillon thú nhận đã phao tin. Mưu mẹo của ông dù sao cũng tiếp tục gây ra những hậu qua tai hại. Sau đó, mỗi lần có một bản báo cáo nói về cuộc tiến công của cộng sản, những người lạc quan nhất trong chúng tôi đều lắc đầu và nói: lại người Pháp định làm cho Thiệu sợ để ông ta từ chức Ngày càng bị ám ảnh về "một cuộc thương lượng", Polgar mất dần khả năng xét đoán. Quyết tâm thuyết phục đại sứ Martin về triển vọng cuộc đình chiến, Polgar không còn biết đến bất cứ tin tức nào nói ngược lại.
Nhưng những bản tin tới tấp được gởi về CIA đều nói về việc chuẩn bị quân sự của Bắc Việt Nam đang khẩn trương. Quân đội của họ đã huy hiếp chung quanh Sài Gòn, nhất là ở Xuân Lộc, phía Đông thủ đô. Polgar và đại sứ tiếp tục cho là những tin tức ấy quá bi quan. Khi những sự kiện nổ ra chứng tỏ những người bi quan đúng, người ta mới thấy rõ ràng tất cả những gì quay chung quanh giải pháp thương lượng đều là để che mắt. Bắc Việt Nam lợi dụng tình hình này để chuẩn bị về mặt quân sự. Trong đêm 8 tháng 4: CIA nhận được tin của một nhân viên là: "Bộ tư lệnh tối cao Bắc Việt Nam vừa quyết định giải phóng toàn bộ vùng phía Bắc Sài Gòn trong tháng tư. Tiếp đó họ tiến thẳng vào Sài Gòn, không có một tí gì là giải pháp thương lượng. Hôm sau, một điện khác báo tin cộng sản sẽ tiến công vào Sài Gòn muộn nhất là ngày 15 tháng 4. Trong điện của tôi viết gởi Hoa Thịnh Đốn, Polgar tẩy chữ vào thay "vào" bằng chữ "chung quanh".
CHIẾN DỊCH PHƯỢNG HOÀNG BAY
Ngày 9 tháng 4, những người phân tích tin của phái bộ quân sự Mỹ đi đến kết luận là chiến tranh sẽ kết thúc vào tháng 6, bằng chiến thắng của cộng sản. Martin chối tai về những dự đoán đó. Khi có người hỏi: vì sao, đại sứ trả lời đơn giản: "Những yếu tố chính trị". Người ta không đành cho chúng đủ sức nặng. "Chính sách rọi đèn chiếu" của Mérillon đạt hiệu quả. Tôi chưa kịp gửi bản báo cáo cuối cùng của tôi đi thì Martin đã điện cho Nhà Trắng một tài liệu do cố vấn kinh tế của ông là Dan Ellerman nghiên cứu và soạn thảo. Ý ông muốn chứng tỏ cho Hoa Thịnh Đốn biết nửa phía Nam nước này có thể tự bảo vệ lấy mình.
Tiếp đó, ông định chỉ huy chặt chẽ Alan Carter, người phụ trách cơ quan thông tin. Carter đề nghị với đại sứ mọi cuộc tiếp xúc với giới báo chí đều do cơ quan thông tin đảm nhận làm trung gian. Martin không muốn như thế vì ông biết nếu Carter làm việc này sẽ gây bi quan cho giới báo chí đã quá sốt ruột. Ngày 9 tháng 4, ông gọi Carter vào phòng làm việc. Ông nói: "Tất cả các cơ quan ở sứ quán đều dưới quyền điều khiển của tôi, do tôi quyết định cần phải làm gì". Carter trả lời: "Thưa ông, tôi nghĩ đơn giản là nên điều hòa quan hệ giữa chúng ta với giới báo chí thì hơn
- Làm cho tôi một kê hoạch về vấn đề này.
-Thưa ông đại sứ, chúng ta đã cùng đường rồi. Làm gì còn thì giờ để làm những việc quan liêu không thiết thực ấy.
Thấy thế, Martin thay đổi chiến thuật. Ông nói: "Này anh bạn Alan ạ, anh biết không, các đồng nghiệp cho là anh đã xa rời hàng ngũ rồi đấy. Anh không đi kịp cùng đoàn". Carter hỏi ông tên những người lên án anh, Martin chỉ nhún vai và tiếp tục: "Tôi không nói là anh hành động một mình. Tôi chỉ nhắc lại những điều một số đồng nghiệp nói". Ông ra lệnh cho Carter làm một dự thảo tổ chức lại bộ thông tin Việt Nam. Carter kêu lên: "Trời ơi ! việc đó không thể thực hiện được. Chúng ta không còn thì giờ để làm việc đó" .
Martin thở dài: "Thế thì tôi cho là các đồng nghiệp đã có lý. Khi tôi bảo anh làm việc gì dù là hết sức quan trọng, anh đều xử sự như có một mình anh".
Sau cuộc nói chuyện một lúc, Martin ra lệnh cho Carter nhân danh sứ quán, nói trên vô tuyến truyền hình rằng Sài Gòn không có nguy cơ bị cộng sản làm đảo chính, người Mỹ vẫn ở lại. Carter bất đắc dĩ phải thực hiện việc đó. Bài nói của anh được ghi trên vidéo, kèm theo bản dịch ra tiếng Việt Nam được phân phát mấy ngày sau đó cho hệ thống truyền hình của chính phủ. Những người Việt Nam xem vô tuyến đều nhìn rõ hình ảnh Carter trẻ khỏe báo tin mọi sự đều tốt đẹp, trong khi đó lực lượng Bắc Việt Nam chỉ cách Sài Gòn hai kilômet !
Lúc ấy, ở Hoa Thịnh Đốn, chính phủ đã có bản báo cáo của phái đoàn tướng Weyand. Ủy ban an ninh quốc gia phải họp kín 48 giờ để nghiên cứu những kết luận và đề nghị của phái đoàn. Cùng lúc ấy, nhiều nhân vật chính thức bắt đầu đòi phải chú ý đến vấn đề tản cư. Giám đốc CIA, Colby, mỗi lúc càng thêm nghi ngờ về sự sống còn của Sài Gòn. Ông đề nghị tản cư nhanh người Mỹ và người Việt Nam mà tính mạng đang bị uy hiếp. Ông phản đối Martin đã cho rằng một quyết định như thế sẽ gây hoang mang trong kiều dân Mỹ. Schlesinger và chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, tướng George Brown, tán thành việc tản cư nhanh.
Nhưng khác với Colby, các ông muốn tản cư người Mỹ và phương tiện chiến tranh hơn là cứu người Việt Nam: Phải phớt tỉnh trước những thực tế đau buồn ấy ! Kissinger phản đối cả hai thái cực. Ông ủng hộ lòng tin vào tương lai của Martin và cho là chưa cần thiết phải tổ chức ngay cuộc tản cư. Nó chỉ làm yếu thêm vị trí của Thiệu, giữa lúc có thêm viện trợ tài chính của Hoa Kỳ để cứu ông ta. Quan điềm của Kissinger cuối cùng đã thắng. Tuy nhiên. phải chuẩn bị một cuộc tản cư toàn bộ, nhưng cần chờ giải quyết tối hậu. Đô đốc Gayler và đại sứ Martin sẽ làm xong kế hoạch tản cư ngày 19 tháng 4, ngày mà quốc hội (người ta hy vọng) sẽ quyết định về viện trợ tài chính và về sử dụng lực lượng quân đội để bảo vệ cuộc tản cư theo đề nghị của tướng Weyand. Trong khi chờ đợi, Martin phải giảm nhanh số nhân viên để số kiều dân Mỹ chỉ còn 1.100 người. Con số này chỉ cần một phi đội nhỏ máy bay lên thẳng là có thể tản cư được nếu việc đó xảy ra. Chính quyền cũng cần giảm nhẹ điều kiện nhập cư để người Mỹ có thể đem theo vợ, con và cha mẹ là người liệt Nam. Trái với Schlesinger, Kissinger cho là nhất thiết phải cứu càng được nhiều người Việt Nam càng tốt, đó là danh dự và uy tín của Hoa Kỳ.
Trước sự ngạc nhiên của đồng nghiệp và người Pháp, Kissinger tiếp tục bỏ ngỏ cửa chính trị về phía Bắc Việt Nam. Ông cho rằng họ đã nắm mọi chủ bài. Nhưng ông cũng chấp nhận những sáng kiến gián tiếp nhất là một thông điệp ngoại giao gửi Cho Liên Xô và Trung Quốc mời họ dự một hội nghị ở Genèvre như hiệp định Paris qui định. Ông cũng tán thành việc nhờ Pháp làm trung gian để khôi phục hòa bình ở Campuchia. Nhưng ông từ chối không ra lệnh tản cư tất cả người Mỹ ở Phnôm Pênh.
Chưa bao giờ Kissinger tỏ ra không khoan nhượng, bảo thủ như thế trong các cuộc thảo luận. Không còn chú ý gì đến phép lịch sự, ông tỏ ra thô lỗ đối với Colby và Schlesinger, hai đối thủ chủ yếu của ông. Ông lên án họ: liên tục báo động và xin tản cư với mục đích duy nhất chỉ là để bảo vệ "cái quần" của họ.
Ở Sài Gòn, tướng Smith, tùy viên quân sự, được giao trách nhiệm xúc tiến việc chuẩn bị di tản cho sứ quán. Việc này được thực hiện không phải là êm đẹp ngay, mà gây ra xung đột giữa các bộ phận. Một cuộc chiến tranh nhỏ bằng điện tín giữa Hoa Thịnh Đốn và nhiều nhân vật có trách nhiệm. Người Mỹ biến nóc nhà thành sân cho máy bay lên thẳng đỗ. Một đội tàu sẵn sàng đậu trong sân. Và Martin tiếp tục lo ngại rằng những công việc ấy làm cho người Việt Nam hoảng sợ và làm mờ hình ảnh Hoa Kỳ. Trong khi đó ở Manila (Philippine), đại sứ than phiền về số người di tản không hợp pháp quá đông đến căn cứ không quân Clark.
Trong khi ở sứ quán Sài Gòn, người ta đấu tranh chống những hạn chế do Martin đề ra, ba sư đoàn Bắc Việt Nam tiếp tục tấn công Xuân Lộc, cách Sài Gòn 60 kilomet về phía Đông Bắc. Trong hai ngày đánh nhau, ngày 9 và 10 tháng 4, hơn một nghìn quả đạn rốc két và đại bác bắn xuống đây và một trung đoàn Bắc Việt Nam đã vượt qua được hàng rào vào thị xã. Đêm sau, lực lượng chính phủ gồm 25.000 người, gần một phần ba quân đội Nam Việt Nam, phản công, đuổi quân Bắc Việt Nam ra ngoài. Nhưng họ bắn phá liên tục. Không quân Nam Việt Nam, ném bom từ trên cao, vu vơ giết hại thêm nhiều người. Đó là một thói quen.
Trước tình hình ấy. Polgar quyết định một lần nữa đề nghị Hoa Thịnh Đốn mở một cuộc vận động chính trị. Sáng ngày 10 tháng 4, John Pittman, ngươi phó của Polgar, gọi tôi đến phòng làm việc, nói với tôi những nét đại cương kế hoạch của ông: lần này, tôi phải làm một bản đề nghị trong đó ghi rõ vời tất cả các phương tiện có thể sử dụng được, cũng không thể nào tản cư hết người. Pittman nói khi thấy tôi hết sức ngạc nhiên: "Polgar muốn thuyết phục Hoa Thịnh Đốn là không có con "đường nào khác là sự can thiệp chính trị". Tôi trở về phòng làm việc, bối rối và nản chí. Hoạt động quân sự chắc chắn sẽ gây ảnh hường ngược hẳn lại với ý Polgar. Đáng lẽ phái chú trọng đến việc xin tản cư gấp, ông lại muốn có một sự dàn xếp. Trách nhiệm của tôi là trình bày là không còn giải pháp nào khác.
Không cần phải suy nghĩ nhiều để tìm ra lý lẽ hùng hồn ủng hộ quan điểm của Polgar. Trong tình thế hiện nay, không thể nào tản cư được mười vạn người dù bằng đường biển hay bằng máy bay. Bản đề nghị của tôi được gửi về Hoa Thịnh Đốn không qua phòng đánh tin của sứ quán. Nhưng Martin cũng đọc được. Ông bảo tôi, ông không hoàn toàn tán thành kết luận của tôi. Ông công nhận có những khó khăn trong việc tản cư, nhất là đối với số đông người Việt Nam, nhưng việc đó không phải là không thực hiện được.
Khi bản đề nghị của tôi tới trụ sở CIA, tôi gần như thất vọng. Suy nghĩ về sự rộng lớn của vấn đề tản cư, tôi lo ngại cho sự thiếu chuẩn bị của chúng tôi và tôi muốn báo cho đồng nghiệp ở Mỹ biết. May quá, tôi không phải tìm xa mới thấy phương tiện. Chiều ngày 10 tháng 4, hai anh bạn Moose và Miessner gọi dây nói cho tôi. Họ còn ở lại Sài Gòn điều tra cho ủy ban đối ngoại thượng nghị viện. Họ yêu cầu tôi cung cấp thêm tin tức để làm bản báo cáo cuối cùng trình quốc hội.
Tối hôm ấy, ba chúng tôi gặp nhau ở quán cà phê khách sạn Majestic, gần cảng. Uống xong cốc rượu, tôi trình bày với các bạn những nét lớn của tình hình. Quân Bắc Việt Nam tiến công Xuân Lộc. Tin tức mới nhất cho biết cuộc tiến công vào Sài Gòn sẽ nổ ra vào ngày gần nhất là giữa tháng tư. Kế hoạch tản cư của sứ quán, không kể phần của phái bộ quân sự, khá vu vơ, viển vông. Moose vừa lắng nghe vừa vuốt râu mép. Hai lần Miessner suýt nghẹn vì miếng thịt trâu. Họ vừa ở Phnôm Pênh hai ngày. Do đó họ chưa biết rõ sự suy sụp của tình hình Nam Việt Nam.
Sau cuộc nói chuyện, họ đến sứ quán, gửi một điện cho cấp trên của họ ở thượng nghị viện, báo tin họ sẽ trở về ngay với nhiều tin xấu. Họ cũng thảo một báo cáo sơ lược về những điều tồi tệ mà nhiều người khác nói với họ. Họ sắp gửi đi qua phòng truyền tin của sứ quán thì Moose, sau khi suy nghĩ, thay đổi ý kiến, anh muốn gửi bản báo cáo vào hôm sau, qua sứ quán Manila để Martin không kiểm duyệt được.
Mấy giờ sau khi tôi gặp hai anh bạn, tống thống Ford nói trước quốc hội phải giảm nhanh số dân Mỹ ở Sài Gòn và đề nghị được quyền sử dụng lực lượng vũ trang trong trường hợp tản cư ồ ạt. Ông cũng đề nghị viện trợ tài chính thêm 722 triệu đô la cho Nam Việt Nam. Ông giải thích: số tiền này cho Sài Gòn một dịp may để tự cứu và cho phép có thì giờ để đi đến một thỏa hiệp chính trị.
Phản ứng của quốc hội rất nhanh và nói chung là không tán thành. Những đề nghị của tổng thống được sử dụng lực lượng vũ trang làm bùng ngọn lửa tranh luận. Nhiều đại biểu quốc hội phản đối về nguyên tắc đề nghị của ông. Nhiều người khác đồng ý dùng lực lượng vũ trang để bảo vệ người Mỹ nhưng họ phản đối nếu lực lượng ấy tham gia vào việc tản cư người Việt Nam. Những điều không rõ của chính phủ là nguyên nhân đẻ ra những ý kiến trái ngược ấy. Bản tường trình của tổng thống Ford đưa qua quốc hội cũng mơ hồ như nghị quyết giả tạo về sự kiện vịnh Bắc bộ năm 1964 đã làm cho Hoa Kỳ mắc nghẽn vào cuộc chiến tranh Việt Nam mà quốc hội không thể làm gì được.
Quốc hội sợ bị bó tay, nhưng những sự kiện diễn ra ở Campuchia sau đó làm cho những điều lo ngại ấy không đáng kể nữa. Sau ngày 11 tháng 4, quân Khmer đỏ chiếm ba làng phía Bắc Phnôm Pênh và tăng cường bắn phá sân bay. Trước đó, đại sứ Dean điện cho Kissinger một lần nữa, xin phép được tản cư số nhân viên còn lại: Kissinger lại không đồng ý, cho rằng cuộc tản cư ấy chưa cần thiết. Một đại diện Hoa Thịnh Đốn lúc ấy đang ở Bắc Kinh để chiều hôm ấy, thảo luận với một nhân vật của chính phủ lưu vong Sihanouk.
Cuộc gặp ấy diễn ra lúc 17 giờ, giờ Bắc Kinh. Người phát ngôn Mỹ, một quan chức bộ ngoại giao, John Holdridge báo cho đại diện Sihanouk biết Hoa Kỳ nay sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực của thủ tướng lưu vong để đi đến một cuộc dàn xếp. Vì mục đích đó, sự có mặt của người Mỹ ở Phnôm Pênh vẫn được duy trì. Người Campuchia trả lời Sihanouk sẽ bay đi Phnôm Pênh ngay. Nhưng trong những giờ sau, những cuộc bắn phá của cộng sản đã đóng cửa sân bay Phnôm Pênh. Một lần nữa, đại sứ Dean lại van nài Kissinger cho tản cư triệt để. Thấy không còn lối thoát nào khác, Kissinger chấp nhận.
Cũng đúng lúc bình minh ngày 12 tháng 4, Sihanouk được tin tình hình quân sự chung quanh Phnôm Pênh rất bi đát, sứ quán phải đóng cửa. Ở Hoa Thịnh Dồn, chính phủ nhanh chóng báo tin cho các vị thủ lãnh ở quốc hội biết: tổng thống, với tư cách là tổng tư lệnh tối cao quân đội, đã cho phép sử dụng máy bay lên thẳng và lực lượng an ninh thủy quân để tản cư những người Mỹ còn lại ở Phnôm Pênh. Chiến dịch "Phượng hoàng bay", tên mật mã cuộc tản cư ở Campuchia trở thành sự thật. Phòng lãnh sự quán Phnôm Pênh giữ nhiều chỗ hơn thực tế, dự tính đến hơn ba trăm người đi, kể cả người Mỹ và người nước thứ ba. Những ngày trước chưa báo kịp có thể đến phút chót sẽ đến. Như thế có đủ chỗ để tản cư tất cả.
Máy bay Phantom đầu tiên bảo vệ chuyến đi, bay vào bầu trời Campuchia lúc 8 giờ 34 phút. Một giờ rưỡi sau, những máy bay lên thẳng cỡ lớn CH-53, bắt đầu đến từng đợt, ba chiếc một. Mỗi chiếc đều chở đơn vị an ninh thủy quân. Khoảng trăm người Campuchia đến tập hợp trước cửa sắt chính của sứ quán và trên sân bay gần đấy. Họ không hề sợ hãi. Ở ngoài phố cũng vậy. Phần lớn cho là những máy bay lên thẳng chở quân lính Mỹ đến để bảo vệ thành phố. Họ giúp cảnh binh Khmer điều khiển xe cộ đi lại và kiểm soát đám đông ở gần nơi máy bay đỗ. Đúng trước 12 giờ, đại sứ Dean cuốn tấm cờ Mỹ, cắp dưới nách lên chiếc máy bay lên thẳng cuối cùng. Tướng Saukham Khoy, tổng thống lâm thời Campuchia theo sát gót đại sứ. Ngược lại, nhiều nhân vật Campuchia từ chối không đi. Một người là Sirak Matak nguyên thủ tướng của chính phủ Lon Nol, gửi cho Dean một bức thư giải thích việc từ chối của ông ta: "Thưa đại nhân và thân hữu, tôi cảm ơn về bức thư và về việc ngài dành cho tôi chỗ để đến nơi tự do. Tôi rất tiếc không đi được trong những điều kiện hèn nhát như vậy. Còn về ngài và đại cứu quốc, tôi không bao giờ nghĩ rằng các ngài lại có ý định bỏ lại những người đã chọn tự do. Các ngài đã từ chối không bảo vệ chúng tôi nữa. Chúng tôi không có thể làm gì được. Các ngài lên đường, tôi chúc ngài và quý quốc tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời... Tôi đã mắc một sai lầm duy nhất là đã tin vào những người Mỹ !"
Khi máy bay lên thắng chở đại sứ bay lên, lính thủy bắt đầu siết chặt hàng ngũ chung quanh nơi cất cánh. Cũng ngay lúc ấy, pháo binh Khmer đỏ nổ súng vào những ngôi nhà của sứ quán. Họ bắn nhiều đạn rốc két, đại bác, súng cối hơn hai tuần qua. Lính thủy vội vàng trèo lên máy bay lên thẳng còn đám đông thì tản ra.
Trong những ngày sau, máy bay vận tải Mỹ thả dù thực phẩm xuống thành phố bị bao vây. Cuối cùng ngày 17 tháng 4, quân cộng sản đã đánh dọc sông Cửu Long vào chiếm ngoại ô phía Nam thành phố: Ủy ban tướng tá được thành lập để chiến đấu trong những phút cuối, xin ngừng bắn. Đề nghị cua họ bị bác. Đài phát thanh bí mật của Khmer đỏ tuyên bố: "Chúng ta là những người chiến thắng vào Phnôm Pênh. Chúng ta đòi tất cả sĩ quan và nhân vật của chế độ bù nhìn Phnôm Pênh mang cờ trắng ra hàng . Hôm sau, ở Phnôm Pênh và những tỉnh khác, hằng trăm nghìn người dân nhận được lệnh phải đi ngay và sống ở nông thôn.
Cuộc di cư bắt buộc này được tiến hành theo kế hoạch làm từ lâu của Khmer đỏ, đã phá vỡ màng lưới tình báo của Mỹ đặt khắp nước này. Mặc dù đã có dự tính đến sự tan rã của xã hội, nhưng cơ quan CIA ở Phnôm Pênh chỉ lấy thành phố, thị xã làm địa bàn hoạt động sau khi người Mỹ ra đi, đặt ở đấy những đài phát thanh thông tin bí mật và tổ chức ở đây những nhóm tình báo nhỏ. Khi các thành phố và thị xã bị càn quét, mạng lưới bị hoàn toàn phá vỡ, CIA không còn nhận được tin gì ở Campuchia sau chiến tranh.
Sau khi cộng sản nắm chính quyền, một số người nước ngoài kể cả nhà báo, đều vào sứ quán Pháp trú ẩn. Họ ở đây mấy tuần, giành nhau từng khẩu phần, còn cửa sứ quán Mỹ thì đóng kín không cho người Campuchia vào. Khi Sirak Matak và nguyên thủ tướng Long Boret đến xin cư trú, họ bị từ chối không được vào. Sau này, cả hai đều bị cộng sản hành hình.
Tháng 5 năm 1975, những người ở trong sứ quán Pháp mới đi được Thái Lan. Những nhà báo đi theo họ đã kể lại những chuyện tàn sát và chết đói đã man, rùng rợn.
Bức ảnh đăng trên trang đầu tờ Pacific Stars and Stripes mấy ngày sau chiến dịch "Phượng hoàng bay" là ảnh đại sứ Gunther Dean, nét mặt đăm đăm, lá cờ dưới nách, chuẩn bị bước lên máy bay lên thẳng sắp rời Phnôm Pênh. Tôi nhìn bức ánh một lúc, tự hỏi xem nét mặt ông biểu hiện cái gì: nhục nhã, tức giận hay an ủi. Nếu không có ảnh một lính thủy đứng đàng sau thì có thể sẽ là bức ảnh một tư bản ngân hàng giàu có hoặc một kỹ nghệ gia Mỹ, nét mặt nghiêm trang với bộ quần áo xám, sắp lên máy bay riêng để đi dự một buổi họp của những nhà kinh doanh.
Bức ảnh không có vẻ gì bi thảm, không có gì báo nước một nguy cơ sắp xảy ra. Vì cuộc ra đi ấy quá đơn giản nên chúng tôi ở Sài Gòn, thấy không có gì đáng ngại nữa. Nhưng tình hình hai nơi khác nhau, không thể so sánh được. 1.200 người Campuchia rời nước họ trong ba tuần trước khi có chiến dịch "Phượng Hoàng bay". Còn ở Sài Gòn, số người Việt Nam cần ưu tiên di tản lên tới hàng chục nghìn.
LỊCH SỰ VÔ ÍCH
Hôm sau ngày Phnôm Pênh thất thủ, nhiều đội đặc công Bắc Việt Nam đi lên phía Bắc, vòng qua Xuân Lộc, theo đường phía Tây, tiến về Biên Hòa và Sài Gòn. Ỡ đồng bằng, lực lượng cộng sản chọc thủng nhanh chóng tuyến phòng thủ của chính phủ ở phía Bắc và Tây Bắc Cần Thơ, nơi đóng trụ sở lãnh sự quán Mỹ ở Quân khu IV. Song song với chiến thắng ất, cộng sản đưa ra một lời cảnh cáo cứng rắng. Một người phát ngôn Chính phủ Cách mạng ở Tân Sơn Nhất tuyên bố sẽ có tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn nếu Thiệu không từ chức và những cố vấn quán sự Mỹ đóng giả làm dân thường không rút đi ngay.
Khi nghe tin ấy, tôi nói với Polgar: "Có thể Hà Nội muốn ra một tối hậu thư cho bản thân sứ quán. Vì từ lâu, cộng sản đã cho chúng ta là cố vấn quân sự, cho nên có thể lúc này họ muốn bảo chúng ta, không úp mở "Đi đi nếu không... "' Polgar không hiểu như tôi. Mấy giờ sau, Hà Nội có vvẻ muốn giải thích cho chúng tôi biết. Trong một thông báo, bộ trưởng ngoại giao Bắc Việt Nam nói rõ: người Mỹ có thể tản cư không cần đến lính thủy và máy bay lên thẳng nếu họ đi ngay. Rõ ràng Bộ Chính trị lo ngại về sự có mặt ngày càng nhiều của hạm đội Mỹ ở biển Đông và họ muốn chúng tôi đi càng nhanh càng tốt.
Không đếm xỉa đến những trò ấy, tướng Dũng và Bộ tham mưu của ông, trong một buổi họp vào ngày 14 tháng 4 tại Sở chỉ huy ở Lộc Ninh, đã đề ra nhiều quyết định chính trị quan trọng. Đó là việc nghiên cứu hàng loạt phương hướng mới của Hà Nội, mà cái quan trọng nhất là thay đổi thời gian chiến địch để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ít lâu sau, cuộc tiến công đầu tiên vào Xuân Lộc, tướng Dũng đề nghị Bộ Chính trị dành cho ông nhiều thì giờ để chuẩn bị tiến công Sài Gòn. Theo hồi ký của ông, lý do hoàn toàn thuộc về chiến thuật. Sư đoàn 18 Nam Việt Nam ở Xuân Lộc đã chống cự mãnh liệt hơn dự kiến, việc chuyển quân từ Quân khu II vào miền Nam đang bị quân của tướng Nghi chặn lại ở Phan Rang. Mặt khác, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược vào chưa được nhanh như tướng Dũng mong đợi, và những đơn vị cuối cùng của quân đoàn Bắc Việt Nam chỉ có thể đứng vào vị trí ở Quân khu III sau hơn một tuần nữa, nghĩa là không thể đến trước ngày 25-4.
Đứng trước những khó khăn ấy - có lẽ cũng vì lực lượng Mỹ nữa - Bộ Chính trị chấp nhận đề nghị của tướng Dũng. Ông được phép hoãn mấy ngày cuộc tiến công cuối cùng. Theo nguồn tin của chúng tôi, dự kiến là từ ngày 15 đến 19 tháng 4. Ông Lê Đức Thọ trong buổi họp ngày 14 tháng 4 nhắc cho đồng nghiệp biết mùa mưa sắp đến: Chúng ta phải hành động nhanh để hoàn thành nhiệm vụ. Một vài ngày sau, ông Phạm Hùng đề nghị một ngày cuối cùng để giành thắng lợi hoàn toàn: "Chúng ta phải tiến đánh để giải phóng Sài Gòn đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch, ngày 19 tháng 5". Tướng Dũng không để mất thì giờ vào trận Xuân Lộc, mà đánh vòng thị trấn này. Ông cũng đề nghị Hà Nội dành cho trận đánh Sài Gòn một cái tên lịch sử. Ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng ký vào bức điện gửi cho tướng Dũng: "Đồng ý, chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên chiến dịch "Hồ Chí Minh".
Sáng ngày 15 tháng 4, pháo binh Bắc Việt Nam bắn phá sân bay Biên Hòa, lần đầu tiên trong chiến tranh, bằng súng tầm xa. Ở phía Đông, sư đoàn thứ tư, tức sư đoàn 325 ở Huế, tham gia mặt trận Xuân Lộc, trong lúc những đơn vị khác bắt đầu tràn qua phòng tuyến bảo vệ của quân chính phủ, ở phía Bắc và phía Nam thị trấn.
Trong khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra thì ở Sài Gòn, những người muốn giải quyết bằng thương lượng ra sức hoạt động. Bộ trưởng quốc phòng mới, Trần Văn Đôn, bí mật gặp bạn đồng nghiệp trong chính phủ Cẩn sắp ra đời và thuyết phục họ phải ngừng bắn với bất cứ giá nào. Trong lúc ấy, người Pháp lại thăm dò người Mỹ. Lần này, Mérillon nói chuyện với Polgar chứ không nói với Martin vì ông ta biết trùm CIA ở Sài Gòn rất muốn đi đến một cuộc dàn xếp.
Cuộc thảo luận được tiến hành ngay bên bể bơi câu lạc bộ thể thao, chiều ngày 13 tháng 4, Polgar, mặc áo tắm màu xanh lơ nhạt, đang ngắm nhìn những phụ nữ bơi mặc bikini qua tờ báo Sài Gòn Post thì Pierre Rochand, quan chức ở sứ quán Pháp, lên tới. Ngồi trên một ghế đẩu, Brochand trình bày rõ ràng bằng những nét lớn, quan điểm của chính phủ ông: Người Pháp không cho rằng những phòng tuyến của Sài Gòn sụp đổ trong những tuần tới nhưng họ thấy tình hình quân sự chắc chắn là mất. Cần làm ngay một việc gì để đảm bảo cho một xứ Nam kỳ độc lập sống lại ít nhất trong một thời gian. Người Pháp có những lý lẽ để tin rằng Bắc Việt Nam "không vội vàng" và sẽ chấp nhận việc thành lập một chính phủ hòa bình hoàn toàn trung lập. Một loại cầu bắc tới trật tự cộng sản. Có vẻ họ chấp nhận Minh lớn làm tổng thống. Brochand còn hứa là sứ quán Pháp sẽ bảo đảm tản cư năm vạn người Việt Nam, nếu việc đó cần. Một lời hứa chưa bao giờ thực hiện.
Những lời nói đó lại gây cho Polgar thêm hy vọng. Ông hứa sẽ làm hết sức mình để người Pháp đạt được mục tiêu. Ông và Brochand đều hiểu là phải thuyết phục Martin để đại sứ tin rằng Thiệu là cản trở lớn cho hòa bình và phải thay ngay chính phủ. Một giờ sau cuộc nói chuyện bên bể bơi, Polgar trở về sứ quán. Ông gọi tôi vào phòng làm việc và bảo tôi làm một bản tường trình, lần này để vạch rõ Thiệu là một trở ngại không thể cho qua được. Đó không khác nào lời đề trên tấm bia mộ chính trị của Thiệu. Tôi viết: "Những trận thất bại kinh khủng bắt đầu ở Quân khu I và Quân khu II đã chứng tỏ cho hầu hết người Nam Việt Nam, dân cũng như lính, rằng tổng thống nước cộng hòa này không còn được trời phù hộ nữa. Nhiều sĩ quan cao cấp và nhân vật chính trị mong tổng thống từ chức nếu muốn tránh một thất bại quân sự hoàn toàn. Phần lớn họ đứng về phía người ủng hộ một sự thay đổi quyền lực theo hiến pháp. Tuy nhiên, một số người sẵn sàng tìm bất cứ con đường nào khác có thể đạt được mục đích ấy. Nếu có một cuộc đảo chính thì chính phủ mới sẽ không thể kiểm soát được quân đội và sẽ không có phương tiện để duy trì luật pháp và trật tự".
Sáng hôm sau, ngày 14 tháng 4, Trần Văn Đôn nói cho những người lạc quan biết thêm những lý lẽ bổ sung để họ hy vọng. Trong một buổi viếng thăm sứ quán, với tư cách cá nhân, ông báo cho Martin biết ông ta vừa gặp đại diện của chính phủ cách mạng lâm thời, người này khẳng định rằng một sự dàn xếp thương lượng có thể được thực hiện. Người này nói ba vấn đề: 1. Đôn thay Thiệu rất tốt. 2. Cộng sản không phản đối việc tản cư người Việt Nam. 3. Hoa Kỳ có thể duy trì một sứ quán nhỏ ở Sài Gòn với điều kiện tất cả những nhân viên không chính thức khác phải ra đi. Những lời ấy làm tôi thắc mắc. Chúng được tung ra quá đúng lúc và phục vụ quyền lợi của Đôn quá nhiều. Chúng làm cho tôi nhớ lại những điều người Pháp muốn làm cho chúng tôi tin. Tôi nghĩ Mérillon chứ không nghi cộng sản đã mớm những lời ấy.
Polgar không tán thành ý kiến tôi. Martin cũng thế. Tuy nhiên, những tin tức của Đôn, cộng với những lời nói của Brochand và những vấn đề tôi nêu trong báo cáo đã làm cho đại sứ rất chú ý. Chiều 14 tháng 4, đại sứ quyết định đề nghị với Hoa Thịnh Đốn cái việc mà cho đến nay, tưởng như không thể nào có thể được: Thiệu phải ra đi, đó là bước đầu đi đến ngừng bắn.
Nhưng sáng hôm sau, ông lại gởi cho Nhà Trắng một bức điện, trong đó ông trình bày một ý rất lạ. Nhắc lại nhiều đoạn trong bản báo cáo của tôi, ông nhấn mạnh sự yếu kém của Thiệu và báo trước rằng sự phản đối có thể nhanh chóng nổ ra chống lại ông nếu viện trợ tài chính bổ sung không đến ngay. Rõ ràng ông không đòi Thiệu phải đi ngay, nhưng ông muốn làm cho người ta hiểu rằng Thiệu không còn ích gì cho chính sách của Hoa Kỳ. Trong phần cuối bức điện, Martin cố gắng làm yên lòng Hoa Thịnh Đốn về tiến triển của kế hoạch tản cư. Ông khẳng định đã sẵn sàng tản cư hai trăm nghìn người bằng tàu biển, máy bay và đường bộ và ông giảm bớt những khó khăn của tình hình chung. Một lần nữa, đề cập đến tiềm lực kinh tế của Quân khu III và Quân khu IV, ông quên không viết về sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội, tuy nhiên, ông công nhận người Mỹ sẽ có những ngày khó khăn trong một thời gian. Điều đó không ngăn cản ông đề nghị chính phủ Hoa Kỳ cấp cho Nam Việt Nam một viện trợ năm năm, làm như nước này còn có thể sống được nhiều năm nữa ! Mặc dù có những điểm ngoắt ngoéo ấy, bức điện cũng thể hiện một bước ngoặt đáng kể của Martin và vị trí tương lai của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng bức điện không gây cho Hoa Thịnh Đốn phản ứng mà Martin và Polgar mong muốn. Vì dự thảo luật viện trợ 722 triệu đô la vẫn còn đang được bàn cãi ở quốc hội, chính phú hoãn một, hai ngày nữa mới có quyết định về số phận Thiệu.
Tuy có những bảo đảm của Martin đối với Nhà Trắng, sự chuẩn bị của chúng tôi cho một cuộc tản cư triệt để tiếp tục kéo dài lê thê. Đến ngày 15 tháng 4 mới có 1.500 người Mỹ đến được căn cứ không quân Clark nhờ quân đội chuyên chở từ Sài Gòn đến Philippine. Họ rất ít đi máy bay dân dụng. Những thể lệ hành chính kéo dài việc tản cư nhất là những điều hạn chế người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ. Người Mỹ đã lập nghiệp lâu ở Việt Nam không muốn đi nếu họ không được phép đưa vợ, những cô bạn nhỏ và con bất hợp pháp của họ về.
Chính phủ đang tìm một giải pháp. Chiều 14 tháng 4, sứ quán được báo tin, cơ quan nhập cư Hoa Kỳ đã cho phép mọi người Việt Nam vào Mỹ nếu người ấy uy danh dự thề rằng có một người thân là người Mỹ ở Việt Nam. Trong mấy giờ, Al Francis, làm việc kín đáo một mình đã thuyết phục được bộ trưởng nội vụ Sài Gòn, giảm nhẹ điều kiện để di cư. Đáng lẽ phải có dấu xuất cảnh hay hộ chiếu, người Việt Nam chỉ cần chứng minh có một người Mỹ đỡ đầu là nhận được giấy phép ra đi.
Khi tướng Smith biết tin này, ông triệu tập ngay những nhân viên giúp việc không cần thiết và làm hợp đồng, khuyên họ nên lợi dụng thời cơ ra đi ngay. Đáng tiếc không ai nghe ông cả. Phần lớn nhân viên của ông cho là một khi thể lệ được giảm nhẹ thì rồi sẽ có những quyết định quan trọng hơn. Họ ở lại định chờ cho đến khi việc tản cư ồ ạt người Việt Nam không còn gặp trở ngại gì mới ra đi. Điều bất hạnh đã xảy ra. Lời thề đanh dự do cơ quan nhập cư yêu cầu cấm người Mỹ ở ngoài Việt Nam không được đứng ra bảo lãnh người Việt Nam. Hạn chế ấy gây một làn sóng giận dữ. Chỉ một, hai ngày, hàng trăm công dân Mỹ sống ở Hồng Kông. Bangkok, Singapour kéo đến Sài Gòn để kết hôn hay sống hợp pháp với những cô bạn nhỏ hoặc nhận nuôi những trẻ em Việt Nam. Bên cạnh những người tốt bụng, có khá nhiều kẻ lợi dụng việc nhận "nuôi" người Việt Nam để làm tiền, lấy vàng. Phải mất hàng nghìn đô la, mươi lạng vàng mới được họ bảo lãnh như thế. Lại còn nhiều binh lính trong quân đội Mỹ, đào ngũ nhiều năm qua, nay bất ngờ xuất hiện trước sứ quán với những người phải nuôi, xin ghi tên tản cư. Kết qua chỉ trong một, hai ngày, danh sách người Mỹ xin ra đi lên tới hơn một nghìn người. Để mong chấm dứt tình hình trên, tướng Smith đề nghị với Martin nói vời chính quyền Thiệu ra tuyên bố: tất cả những người Mỹ không nỗ lực tham gia vào chiến tranh đều không đủ tư cách "nhận nuôi" người Việt Nam, nhưng Martin bác đi, sợ quốc hội hiểu lầm.
Ít lâu sau chiến dịch "Phượng Hoàng bay" Ở Campuchia, Martin nói với một nhà báo: không khi nào ông để cho người Mỹ tản cư nếu những người Việt Nam giúp việc ở sứ quán chưa được đi. Nhưng lúc bấy giờ, kế hoạch tản cư người Việt Nam do chúng tôi thảo chưa làm xong. Họ quá đông, Martin cho rằng một cầu hàng không xuất phát từ Tân Sơn Nhất không thể nào chở hết. Do đó, ông dự kiến đến ngày E. sẽ cho những người Việt Nam đi Vũng Tàu, một thành phố bên bờ biển, ở đó, tàu và máy bay lên thẳng của Hoa Kỳ sẽ đón họ. Nhưng giải pháp ấy cũng không chắc chắn. Như tôi đã nhấn mạnh trong bản nghiên cứu mới đây của tôi về triển vọng cuộc tản cư, không có nhiều hy vọng đi được con đường ấy vì khi tiến đánh Sài Gòn, cộng sản hay quân đội họ sẽ chặn quốc lộ Sài Gòn - Vũng Tàu.
Trong những ngày qua, tướng Smith và nhân viên của ông bắt đầu cho tản cư không ồn ào những người Việt Nam mà tính mạng dễ bị uy hiếp nhất. Chiều 15 tháng 4, tùy viên không quân, đại tá Mc. Cardy, đã làm một lịch tối mật những "chuyến bay đen", nghĩa là ông thương lượng được với nhân viên an ninh Việt Nam ở Tân Sơn Nhất để cho người Việt Nam bí mật lén vào đường băng càng nhiều càng tốt. Để trả công, ông sẽ dành cho gia đình các sĩ quan những chỗ trên máy bay.
Giữa lúc đó, hai nhân viên sứ quán Bob Lanigan và Mel Chatman, lúc trước làm việc ở Nha Trang và Đà Nẵng, đưa một đoàn sà lan cũ đến đậu ở cảng mới, bên ngoài Sài Gòn đề phòng khi tới ngày E. lại thiếu những phương tiện vận tải khác. Smith và cộng tác viên của ông chế nhạo họ, cho rằng sà lan và tàu kéo không thể nào chạy được trên sông khi cuộc tản cư diễn ra lộn xộn và ồ ạt.
Lanigan và Chatman không phải là những người duy nhất trong sứ quán tìm cách cải thiện kế hoạch tản cư. Marvin Garrett, sĩ quan an ninh và nhiều đồng nghiệp của anh cùng tham gia việc này, một việc mà giới quân sự không biết: thu xếp, dọn dẹp những ngôi nhà trong sứ quán để đón được nhiều người tản cư trong ngày E. Họ dựng một hàng rào sát trên đường từ sứ quán đến sân chơi và mắc dây thép gai lên tường chung quanh sứ quán.
Rồi Garrett và đồng nghiệp anh duyệt lại kế hoạch tản cư không cho phái bộ quân sự biết. Công việc ấy đáng tiếc không có kết quả. Sáng 15, tôi nhận được nhiều tờ giấy stencils đánh máy kế hoạch của họ đặt trong phòng họp. Tôi nhặt một tờ, đọc kỹ thì thấy hỏng. Garrett đã sửa đổi kế hoạch đến mức nếu sáng đó là ngày E. thì hàng trăm người Mỹ bị bỏ lại. Tôi chạy lên phòng làm việc của đại sứ và quăng bản kế hoạch cho Brunson Mc. Kinley, một viên chức trẻ của bộ ngoại giao từ Quân khu I về, nay được làm thư ký riêng cho Martin. Tôi nói nghẹn ngào: Ai cho phép phân phát cái này ? Tái mặt, Kinley trả lời anh không biết gì cả. Một lúc sau, Garrett được gọi lên phòng làm việc của Martin. Không biết họ nói với nhau những gì. Một giờ sau, lò sưởi đặt trên mái nhà đốt cháy hàng trăm bức điện.
Giữa mớ bòng bong ấy, Polgar tỏ ra dè dặt một cách lạ lùng. Càng ngày càng bị những hứa hẹn về một giải pháp chính trị ám ảnh, ông không thiết gì đến kế hoạch tản cư của cơ quan ông. Ông biết rằng nhiều người trong chúng tôi muốn cho người Việt Nam di tản nên đã cung cấp cho họ nhiều giấy tờ giả mạo, nhưng ông không khuyến khích cũng không chê trách gì.
Trong khi người Mỹ chật vật với những vấn đề tản cư thì người Nam Việt Nam mất dần hy vọng và ảo tưởng. Chính phủ mới, chính phủ Cẩn được thành lập ngày 14 tháng 4, nhanh chóng trở thành một trò cười. Người ta nhạo báng. Rượu cũ, bình mới. Còn bản thân Thiệu, ông ta có vẻ xa dần thực tế. ông chỉ có một quyết định quan trọng từ ngày cộng sản tiến công Xuân Lộc: Ra lệnh đóng cửa - tạm thời - những bar và phòng xoa bóp ở Sài Gòn để dành tiền mua vũ khí. Sự hoang mang của giới chính trị cao cấp dẫn theo ngay chủ nghĩa thất bại ngày càng lớn trong mọi tầng lớp xã hội. Có người nói: "Chiến tranh và thất bại. Mất hết. Kể cả tôn giáo. Cộng sản sẽ nắm chính quyền".
Chiều 15 tháng 4, tôi viết trong sổ tay: khá bận. Luôn luôn căng thẳng. Ngày dài. Sáng sáng, vào sáu giờ, tôi thấy trên bàn làm việc những bản báo cáo ma đưa đến ban đêm. Lạ lùng vì ảnh hưởng của sự căng thẳng. Tôi thấy có thói quen xấu là thích dùng vũ khí. Mỗi buổi chiều, tôi dành mấy phút để kiểm tra lại súng và xếp lựu đạn ở khắp phòng. Thích điệu rock, thích Joe Cocker, Neil Diamond và nhất là thích điệu nhạc buồn của phim Jonathan Livingston Seagull. Chập tối, tôi mở nhạc thật to để mong đỡ căng thẳng. Vô ích, mọi cái đều báo hiệu: đã hết.
Hôm qua, tôi đi qua bể bơi của sứ quán, mặt nước đầy tro giấy tờ bí mật đốt ở lò sưởi. Những đồng nghiệp của tôi đã chứng kiến Đà Năng hay Phnôm Pênh trong những giờ chót thấy xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sự bao vây mà họ quá biết. Ngoài phố những đám ăn xin ngày càng tỏ ra hung dữ. Chúng bám lấy những khách bộ hành. Bám vào cửa xe hơi. Có cảm tưởng người ta tìm bán đến chiếc áo sơ mi cuối cùng. Dọc đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi đầy hàng xa xỉ bán giá rẻ. Tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy thu thanh, truyền hình. Hàng hóa lớn không thể cho vào một chiếc va ly cũng có thể mua được ở đây, bằng một phần ba hoặc một phần tư giá bình thường. Hơi xa một chút, trên đường Pasteur hay Tú Xương những biệt thụ cũ, đẹp theo kiểu Fháp, không còn ai ở. Chủ nhà đã vội vàng đi rồi.
Đối với những người Việt Nam không có bạn bè, người bảo lãnh và người Mỹ, thì giá chuyến đi đắt kinh khủng. Trong hai tuần, tiền đút lót để có một dấu xuất cảnh hay một hộ chiếu tăng từ năm trăm lên ba nghìn đô la. Giá vàng nhảy vọt 725 đô la một lạng. Nhưng rất ít người buôn Trung Quốc ở Chợ Lớn nhận bán vàng, phần lớn họ giữ vàng lại, cho rằng vàng cũng có giá trị hợp pháp trong xã hội cộng sản. Ít người còn tin tưởng vào đồng đô la Mỹ. Mặc dù lúc này, nó vẫn giá trị hơn đồng bạc. Chỉ trong năm ngày, trên chợ đen, giá một đô la đã tăng từ 1200 lên 2000 đồng.
Thiết quân luật từ 21 giờ. Bạn bè và đồng nghiệp người Việt Nam đến làm việc từ sáng. Bữa ăn lót dạ là lúc chào nhau và trao đổi công việc ngoài giờ hành chính. Quan hệ cá nhân trở nên khó khăn. Phải cẩn thận, không được gây cho cô bạn nhỏ hoặc người quen biết sự lo lắng, không được nói rõ sự thật trần truồng cho họ biết, bất cứ ở đâu. Người ta nói xa xôi, bóng gió, úp mở, dùng những ẩn dụ liên tưởng đến những thời kỳ khó khăn sau này, nói về sự cần thiết phải nhờ đến người Mỹ, đề phòng cái gì sẽ xảy ra v.v...
Người Việt Nam đều khôn ngoan, không ai đề nghị công khai hãy giúp đỡ để di tản mà họ tỏ ra khéo léo hơn. Thoạt đầu họ nói: ông làm ơn đổi cho tôi mấy đồng bạc, giá cả lên nên ngân hàng giữ tiền lại. Tôi mong có mấy đô la bỏ túi đề phòng khi cơ nhỡ. Thế là anh sa vào việc buôn đô la, đổi đồng bạc lúc nào không biết. Anh đã giúp người này, người khác có một số vốn nhỏ có thể cứu người ấy. Không phải có luật lệ bị vi phạm. Người Việt Nam lúc nào cũng dè chừng, nay bắt đầu tin anh. Họ nói chuyện gia đình, làm ăn, tình yêu và nhất là xu hướng chính trị của họ mà trước đây họ thường giữ kín cẩn thận. Họ nói họ không ghét cộng sản nhưng họ sợ! Họ đã ở lâu với người Pháp, người Mỹ và sống quen với chính quyền Thiệu, họ thấy khó chịu khi phải sống dưới một chế độ khác. Có thể sự thay đổi mang lại hạnh phúc cho nông dân nhưng còn họ, thì sẽ ra sao đây ?
Dù nghi ngờ hay cứng rắn đến mấy, cũng không thể không nghĩ rằng, họ có lý. Thật vậy, ngày càng dễ có một nhận định xấu đối với người chiến thắng trước những lời phản tuyên truyền của chính phủ. Nhiều nét tỏ rõ khả năng của kẻ thù, tính tự chủ của họ trước khi lựa chọn một công việc. Nhưng người tị nạn từ Quân khu I và Quân khu II đến kể lại rằng Bắc Việt Nam đã thành lập ủy ban Quân quản ở những thành phố chiếm đóng.
Những chuyện khủng bố dã man được trí tưởng tượng của đài phát thanh Sài Gòn báo chí địa phương và sứ quán Mỹ thối phồng lên. Theo lệnh của đại sứ, cố vấn chính trị Joe Bennett đã làm một báo cáo giả nói là của một nhà sư ở Buôn Mê Thuột gửi về để vu khống cộng sản. Bản báo cáo viết: "ở đây chúng lột móng tay phụ nữ, chặt ủy viên hội đồng thị xã ra từng mảnh..."
Một cộng tác viên trẻ của Bennett sau này kể lại với tôi như thế trong một buổi chiều. Tin ấy sẽ làm cho nhiều đại biểu quốc hội suy nghĩ. Nhiều người Việt Nam cho những chuyện ấy là đúng, nhất là từ ngày phải chạy trốn khỏi Campuchia. Một buổi chiều, Tư Hà hỏi tôi: có thật cộng sản hành hạ phụ nữ đã đi lại với người Mỹ không ? Tôi trả lời không và nói chuyện khác. Sau này tôi trông thấy cô ta, đứng ở cửa sổ, khoái trá nhìn những ánh lửa pháo binh cộng sản bắn vào sân bay Biên Hòa. Từ đó tôi đâm nghi ngờ. Trừ những viên chức trẻ ở văn phòng Bennett bị nhồi sọ quá nhiều, không ai tin rằng sẽ có một cuộc thanh trừng lớn khi cộng sản nắm chính quyền. Cộng sản cũng nói rõ chính sách của mình. Từ đầu tháng tư, đài phát thanh Giải phóng tuyên bố sẽ khoan hồng đối với những người hối cải về hoạt động của họ chống chính phủ cách mạng và sẽ nghiêm trị những kẻ chống lại cách mạng.
Tôi không muốn đem tính mạng mình ra chơi với những trò mập mờ ấy. Tôi có quyền chơi bằng tính mạng người khác không ? Bạn bè và hàng xóm ở cùng ngôi nhà với tôi đã trang bị vũ khí để chiến đấu tới cùng. Mấy ngày trước, tôi nhận cùng với Joe Kingsley bảo đảm an ninh cho ngôi nhà và đến ngày E. bảo vệ mái nhà làm nơi dành cho máy bay lên thẳng hạ cánh. Nhưng ngay từ bây giờ buổi tối trở về, chúng tôi đã lên mái nhà để chỉnh lại đường ngắm của súng M-16 và chuẩn bị những nơi trú ẩn đề phòng những kẻ bắn lén. Ngôi nhà được dành làm nơi tập hợp của phái bộ quân sự. Do đó sự kiện đến ngày E. sẽ có hàng trăm người Việt Nam tức giận đến bám vào cửa sắt ra vào.
Trong khi đó, ở sứ quán, mọi người sống như nhà có đám tang. Người nghiện rượu uống từ lúc bình minh. Những người khác nhai thuốc an thần như nhai kẹo. Riêng tôi, tôi cố không uống nhiều chất cay và không dùng thuốc an thần. Tôi không muốn bối rối hơn những ngày thường. Joe và tôi, hai đứa cố gắng, nhưng vô ích, tỏ ra bình tĩnh trước mặt đồng nghiệp. Pat đã quá bi quan. Nhưng mỗi lần Joe đến, hai tay ôm đầy vũ khí, đạn dược, bà không thể không chế nhạo anh ta: "Păng Phrăng, Păng. Chiến sĩ chúng ta đã trở lại". Thường Joe trả lời bà bằng một nụ cười hay đưa cho bà một mũ sắt hay một trái lựu đạn. Sáng nay, bà đáp lại: "Không, cảm ơn", trong khi đó Joe đặt một khẩu súng liên thanh Thompson lên bàn. Tôi giảng hòa: "Sân bay có thể đóng cửa bất cứ lúc nào. Vũ khí của anh chàng dùng làm gì cả".
Chiều 15 tháng 4, lúc tôi ghi những giống chữ cuối cùng thì tình hình càng tồi tệ. Chập tối, nhiều trận đánh lớn, ác liệt diễn ra trên đường số 14, cách Sài Gòn 38 kilômet về phía Đông Nam. Ở phía Đông, máy bay lên thẳng đang chờ quân chinh phủ rút khỏi Xuân Lộc đã trở thành cái lỗ cho đạn đại bác. Một sư đoàn xe bọc thép đang phòng thủ ở phía Bắc thủ đô, được chuyển đi để giải tỏa con đường nối Xuân Lộc với Biên Hòa và Sài Gòn. Việc pháo kích sân bay Biên Hòa đã ngăn chặn máy bay còn lại ở đấy không cất cánh được.
Sáng hôm sau, lực lượng Bắc Việt Nam chuẩn bị một trận đánh mới. Quân của tướng Dũng, sau khi chiếm Nha Trang, Cam Ranh, trên bờ biển đang bao vây sở chỉ huy của tướng Nghi ở Phan Rang, phía Nam Quân khu II. Mấy ngày trước CIA điện cho một nhân viên ở Phan Rang bắt liên lạc với bộ tham mưu của Nghi. Anh ta đang ở trên đường hành quân của 25.000 quân Bắc Việt Nam. Lew James con người không gặp may ấy là một tình báo trẻ, 15 ngày trước đã từ chối không rời Nha Trang trước khi làm hết sức mình để cứu nhân viên CIA người Việt Nam ở địa phương. Polgar quyết định một lần nữa sử dụng lòng dũng cảm của anh và đổi đi công tác ở bộ tham mưu tướng Nghi. Mọi việc diễn ra nhanh hơn dự kiến. Sáng 16 tháng 4, tôi vừa đọc xong tin tức nhận được ban đêm thì có một tin radio do James điện về. Tôi vội cùng Joe Kingsley chạy đến phòng nhận tin. Liên lạc rất xấu, nhưng James chỉ biết anh đang trú trong mọt bunker với Nghi và tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn không quân thứ sáu. Anh cho biết: mọi việc tốt đẹp, xe tăng Bắc Việt Nam đang tiến công vùng ngoại ô. Joe trả lời sẽ cho máy bay lên thẳng đến cứu. James nói: Không cần thiết, chưa đến lúc phái làm thế. Quân Nam Việt Nam còn cầm cự được. Và Nghi có máy bay lên thẳng riêng. Lúc đó, Howard Archer, nguyên trưởng chi nhánh CIA ở Nha Trang đến. Anh dằng micro và đòi James cho biết rõ tình hình. Anh ra một quyết định làm tôi và Kingsley ngạc nhiên: James phải ở lại, ít nhất trong lúc này. Nhưng cứ nửa giờ James phải cho chúng tôi biết tình hình. Đó là chuyến liên lạc bằng radio cuối cùng Lew James.
Mấy giờ sau, khi quân cộng sản chiếm được Phan Rang, họ bắt James, Nghi và Sang. Đài phát thanh giải phóng báo tin rất nhanh bắt được hai tướng Việt Nam nhưng không nói gì về người Mỹ. Việc đó có nghĩa là có thể James đã trốn thoát, có thể anh đã bị giết. Thật ra Bắc Việt Nam muốn giữ yên lặng cho đến khi biết rõ căn cước của anh ta. Điều đó đối với họ tương đối dễ. Như phần đông chúng tôi, James được cử sang biệt Nam dưới một danh nghĩa khác. Trên thẻ căn cước chính thức của anh có ghi: quan chức bộ ngoại giao bổ sung làm nhân viên sứ quán Mỹ. Danh nghĩa ấy rõ nhất. Các nhà báo, nhà chức trách Việt Nam và những người muốn biết tông tích nhân viên CIA làm việc ở sứ quán từ lâu đã biết rõ bí mật này.
Hôm sau, ngày James bị bắt, sĩ quan Bắc Việt Nam bắt đầu hỏi cung anh, James không khai gì cả, chỉ trả lời: Không biết tí gì về tình hình chung. Một tuần sau, James và hai tướng Nam Việt Nam được chuyển ra Hà Nội giam ở Sơn Tây cùng với nhiều phi công Mỹ đã bị giam ở đây hàng năm nay. Bắc Việt Nam tiếp tục hỏi cung James. Họ có cả một hồ sơ lớn về anh, gửi từ Lào sang, nơi trước kia James công tác. Hồ sơ ghi rõ anh là nhân viên tình báo CIA. Từ đó, James không thể trả lời là không biết gì về CIA, về các nhàn viên và hoạt động của cục tình báo trung ương Mỹ. Sáu tháng sau khi Nam Việt Nam thất thủ, Hà Nội thả James cùng với mấy người phương Tây bị bắt ở Buôn Mê Thuột nhờ một cuộc "dàn xếp về nghề nghiệp" do CIA phôi hợp với một tổ chức tình báo khác ở phương Tây tiến hành. James thật sự là nhân viên tình báo CIA cuối cùng ở Việt Nam
TRONG TRƯỞNG HỢP BI ĐÁT NHẤT
Khi tin James mất tích loan ra khắp cơ quan CIA ở Sài Gòn, nhiều bạn anh vội vàng lên máy bay lên thẳng, đi tìm anh dọc bờ biển từ Vũng Tàu đến Phan Rang suốt 48 giờ sau. Cuộc tìm kiếm vừa vô ích vừa nguy hiểm. Lực lượng Bắc Việt Nam lúc này hành quân suốt ngày dọc bờ biển, đặc biệt không thích tiếng gầm rú của máy bay không quân Mỹ. Có một lúc, một máy bay hai động cơ Volgar bay quá thấp nên đầu họ, dọc con đường phía Bắc Phan Thiết, đã bị súng AK.47 của họ bắn thủng. Viên phi công bất chấp nguy hiểm, vội nhảy dù xuống một bãi biển cách đó mấy kilômét. Một máy bay Huey của không quân Mỹ vội đi cứu, cứu được cả nhân viên CIA cùng đi với người lái. Một tiếng nói trên hệ thống radio Diamani báo tin: Không ai việc gì. Từ đó, Polgar từ chối không dám mạnh dạn cho người đi tìm kiếm nữa.
Trong khi đó, ở Hoa Thịnh Đốn, chính phủ gặp thêm nhiều khó khăn. Cuộc vận động hòa bình gián tiếp của Kissinger không có kết quả. Liên Xô và Trung Quốc đều từ chối không triệu tập một hội nghị quốc tế mới bàn vấn đề hòa bình ở Đông Dương như Nhà Trắng yêu cầu. Chủ nghĩa bi quan, ngay cả chủ nghĩa thất bại nữa đã tràn vào bộ máy cai trị. Habbile và Ingersoll, cố vấn chính của Kissinger đều rất bối rối về sự đánh giá của Martin, hay đúng hơn là về việc đại sứ thiếu sự đánh giá. Bill Hyland, trưởng ban tin tức bộ ngoại giao vừa tuyên bố rằng Nam Việt Nam chỉ còn giữ được một, hai ngày nữa. Những cán bộ nhận định tình hình ở bộ quốc phòng nói riêng với các nhà báo: Bộ tổng tư lệnh Sài Gòn chắc chắn không thể thu thập được tàn quân chạy từ Quân khu I và Quân khu II về để ngăn chặn cộng sản, giành chiến thắng cuối cùng.
CIA và những người nhận định tin của bộ quốc phòng đặc biệt lo ngại về tin báo tên lửa Sam-2 đã xuất hiện trong Quân khu III. Nếu Bắc Việt Nam đặt xong tên lửa ở vùng phụ cận Sài Gòn, thì mọi cuộc tản cư bằng máy bay ở đây không thể nào thực hiện được. Nhiều ngày qua, các hệ thống vô tuyến truyền hình, báo chí đều đòi Nhà Trắng xúc tiến việc tản cư nhân viên người Việt Nam ở Sài Gòn. Các cơ quan thông tin đều nhất trí cho rằng một mình Martin không thể điều khiển được việc này. Quốc hội cũng bắt đầu lo ngại. Rõ ràng là chính phủ muốn giữ kiều dân Mỹ ở lại Sài Gòn để buộc quốc hội phải thông qua luật bổ sung viện trợ cho Việt Nam và hợp pháp hóa sự can thiệp của quân đội Mỹ. Bản tường trình do các bạn tôi: Dick Moose và Chuck Miessner, làm theo lệnh của ủy ban đối ngoại Thượng nghị viện, giữ một vai trò quan trọng hàng đầuu.
Ngày thứ hai, 14 tháng 4, chỉ mấy giờ sau khi họ trở về Hoa Thịnh Đốn, họ đã báo cáo cho ủy ban kết quả cuộc điều tra, khám phá của họ. Dựa vào những tài liệu của tôi và nhiều người khác cung cấp ở Sài Gòn từ nay đến ngày 1 tháng 5. Vạch rõ sự phản đối chống Thiệu ngày càng tăng và sự căm ghét mỗi lúc một lớn đối với kiều dân Mỹ, họ nói rằng ngay ở sứ quán cũng có một nhóm người tán thành tản cư cấp tốc. Tuy nhiên đại sứ Martin và quan chức cao cấp của ông không đồng ý với tính chất cấp tốc ấy. Họ đề nghị với quốc hội can thiệp với chính phủ bỏ ngay những hạn chế về việc nhập cư trước khi bỏ phiếu về viện trợ tài chính cho Việt Nam. Điều đó trái với chính sách của Kissinger. Hai anh bạn tôi cũng đề nghị hoãn cuộc tranh luận về việc sử dụng lực lượng vũ trang cho đến khi hầu hết người Mỹ đã rời Sài Gòn vì rằng: "Nhiều phần tử trong nhân dân Việt Nam đã quá tức giận, có thể rất khó chịu về cuộc tranh luận ấy". Còn về viện trợ tài chính thì không có ai, kể cả giới quân sự Việt Nam nghĩ rằng, viện trợ bổ sung có thể đảo lộn được tình hình đang diễn ra!
Hai người cũng không lạc quan về triển vọng của một cuộc đàm phán. Họ trình bày rằng: "Cuộc đàm phán chỉ dẫn đến việc thảo luận những điều kiện đầu hàng, việc thành lập một đầu cầu chống lại chính phủ hiện nay". Nhưng họ nói vẫn có thể thử xem.
Sau khi họ đọc xong tham luận, thượng nghị sĩ Cliford Case gọi Nhà Trắng, đề nghị tổng thống tiếp xúc ngay với ủy ban đối ngoại thượng nghị viện. Sau đó, tất cả các ủy viên họp ở phòng bầu dục. Trong buổi họp, họ đề nghị bỏ phiếu chuẩn y một số tiền nhỏ làm viện trợ nhân đạo và cho phép sử dụng quân đội để bảo vệ người Mỹ tản cư, với điều kiện việc tản cư được tổ chức trong những thời hạn nhanh nhất. Ford tránh né. Ông từ chối không cam kết tôn trọng ngày giới hạn và không đồng ý buộc viện trợ bổ sung, việc sử dụng quân đội phải phụ thuộc vào việc tản cư hoàn toàn người Mỹ. Ông cũng không muốn nghe thấy từ nghĩa vụ đối với người Việt Nam muốn di tản. Kissinger và các đồng nghiệp ông trong chính phủ tìm hết cách để làm yên lòng quốc hội vẫn mong số tiền 722 triệu đôla được chuẩn y, họ không muốn bỏ Thiệu như giải pháp của Martin.
Sáng 15 tháng 4, chỉ mấy ngày sau khi Martin điện cho Nhà Trắng, Kissinger và nhiều nhân viên chính phủ mở cuộc tiến công cuối cùng vào quốc hội. Kissinger cũng làm việc gần cả ngày với ủy ban đối ngoại thượng nghị viện. Ông tìm ra một lý lẽ mới: số tiền chúng tôi yêu cầu sẽ giúp chính phủ Nam Việt Nam thương lượng với những điều kiện gần như tự trị Có người hỏi: Như thế nghĩa là thế nào. Ông giải thích: "Tôi đặt giả thuyết (người Nam Việt Nam) mong thực hiện những điều khoản của Hiệp định Paris qui định sẽ thành lập quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc". Điều đó không phải giải thích dài. Không ai, kể cả người Pháp dám nghĩ rằng cộng sản nay sẵn sàng liên hiệp tay ba. Bản tường trình của chúng tôi về ý đồ cụ thể của Hà Nội, ngày 8 tháng 4, đã loại trừ hẳn trường hợp này. Kissinger đã lấy nguyện vọng của mình làm sự thật.
Trình bày trước ủy ban, tướng Weyand nói: Nếu không có viện trợ bổ sung, Sài Gòn sẽ sụp đổ trong một tháng. Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger lấy đanh nghĩa cá nhân, còn đưa ra một giả thuyết đen tối hơn. Theo ông, nếu cộng sản nắm chính quyền thì có thể hai trăm nghìn người Việt Nam sẽ bị giết. Sáng hôm sau, tờ báo Pacific Starsand Stripes (tờ báo của quân đội Mỹ), xuất bản ở Sài Gòn, đăng lại lời tuyên bố ấy bằng chữ đậm, làm cho người Việt Nam càng thêm hoảng sợ. Ở Hà Nội, ban lãnh đạo Đảng khai thác tình hình ấy khá mềm dẻo làm cho Hoa Thịnh Đốn càng thêm bối rối. Có vẻ họ muốn đẩy quốc hội nhanh chóng có quyết định về cuộc tản cư nên bộ trưởng ngoại giao Bắc Việt Nam ngày 10 tháng 4 tuyên bố: quân giải phóng lúc nào cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho cố vấn Mỹ rút về nước bình yên vô sự.
Đại sứ Martin theo dõi diễn biến ở quốc hội với tâm trạng đau khổ. Ông cho rằng nếu chính phủ Hoa Kỳ xúc tiến việc tản cư thì lâu đài bằng bìa giấy Sài Gòn sẽ sụp đổ. Đối với ông, không có lựa chọn nào khác là tranh thủ thời gian cho đến lúc quốc hội quyết định về viện trợ cho Việt Nam. Cuộc đánh đố giữa đại sứ Martin và Nhà Trắng, các bộ ngoại giao và quốc phòng và nhất là giữa các vị đại biểu quốc hội về số phận của Việt Nam, kéo dài một vài ngày nữa. Để được lòng đại chúng, Martin cho phép giám đốc vô tuyến truyền hình Mỹ CBS (Columbia Broadcasting System) bí mật tổ chức một cầu hàng không để tản cư các nhân viên người Việt Nam. Khoảng sáu trăm người nhờ đó được rời Sài Gòn.
Trong khi đó các cơ quan tình báo, viên chức dân sự và quân sự Mỹ tranh nhau để được tản cư sớm. Họ đưa ra nhiều lý do, nào là cấp bậc, nghề nghiệp, quyền lợi bản thân, những cái đó đáng kể hơn số phận của hai trăm nghìn người Việt Nam chỉ sợ cộng sản đến. Trường hợp bi đát nhất, cuộc tản cư nguy hiểm bằng máy bay lên thẳng, giữa cuộc chiến ở Sài Gòn mà các cơ quan rất lo sợ chưa được đại sứ bàn đến. Và Hoa Thịnh Đốn cũng chưa có quyết định về số phận Thiệu. Ông ta ra đi. Hay không ra đi? Nhất là ý đồ của Hà Nội ra sao đây? Sáng 17 tháng 4, chúng tôi được tiếp một nhân viên tình báo CIA có tài. Anh nói: Bắc Việt Nam sẽ tiếp tục tiến công đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn, dù Thiệu có đổ hay Hoa Kỳ có cung cấp viện trợ bổ sung cho Sài Gòn, cũng thế. Hà Nội kiên quyết thực hiện nghị quyết cuối cùng tháng 3 năm 1975, dù có phải hy sinh nhiều trong một cuộc tổng tiến công còn hơn là mất thì giờ để tìm thắng lợi qua việc thành lập một chính phủ liên hợp. Hà Nội kiên quyết không có thương lượng, không có chính phủ liên hợp.
Khi tôi hỏi anh về ngày tiến công cuối cùng vào Sài Gòn, anh trả lời, ngày đó đã được quyết định lại. Trước định vào ngày 19 tháng 5 nhưng bộ tổng tư lệnh cộng sản mới quyết định là sẽ kỷ niệm ngày sinh của cụ Hồ Chí Minh ở Sài Gòn, nghĩa là 19 tháng 5 (đúng là mục tiêu cụ thể do tướng Dũng và các đồng chí của ông định ra chỉ cách đây một hay hai ngày). Anh cho rằng để đạt được mục tiêu ấy muộn lắm là ngày 1 tháng 5, Bắc Việt Nam phải bắt đầu tiến công. Trước hết họ đánh các sân bay, những kho vũ khí và các căn cứ quân sự. Trong cuộc tiến công Sài Gòn không những họ sử dụng pháo binh hạng nặng mà cả không quân. Trạm ra đa đã được đặt trên núi Bà Đen, phía Bắc Tây Ninh, sẽ hướng dẫn cuộc đánh phá bằng máy bay. Anh nói thêm: Bộ tổng tư lệnh còn đề ra biện pháp để bảo vệ những đoàn đại biểu cộng sản ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi tôi trở lại sứ quán, Polgar không có trong phòng làm việc Tôi đến gặp Pittman, người phó của ông, ngồi phòng bên. Tôi đang thuật lại cho Pittman nghe cuộc nói chuyện trên thì Polgar vào. Ông chú ý lắng nghe mấy phút, mặt tỉnh bơ, rồi ngắt lời tôi: "Không có gì mới trong câu chuyện ấy. Chúng tôi biết cả rồi. Nói ra vô ích". Nói xong, ông bỏ ra. Tôi ngạc nhiên. Không có gì mới? Chắc ông lầm. Quên cả Pittman, tôi vội vàng chạy đến phòng Polgar cố làm cho ông thay đổi ý kiến. Đúng, có thể chúng ta đã nhận được những mẩu tin xấu về vấn đề này. Nhưng lần này, nhân viên của ta cung cấp đầy đủ hơn với những chi tiết quan trọng, thí dụ không có đàm phán, dùng không quân, mục tiêu của chiến dịch và nhất là việc định ngày tiến công. Không có một báo cáo mới nhất nào của chúng ta cung cấp nhiều tin như thế về kế hoạch gần đây của Hà Nội.
Polgar gãi mũi một cách khó chịu. Ông tỏ vẻ không nghe tôi nói. Tôi đề nghị ông để tôi gửi những điều ghi chép về Hoa Thịnh Đốn bằng đường dây nội bộ, để cán bộ nghiên cứu tại chỗ của CIA phân tích làm tài liệu cho họ. Mãi ông mới đồng ý và nhấn mạnh: Gửi bằng đường dây nội bộ, đó là bản báo cáo của tôi chỉ dành riêng cho bộ chỉ huy CIA. Ở Hoa Thịnh Đốn, không ai được nhận nữa. Hiếm khi có một tin quan trọng như thế lại chỉ được một cấp thấp tiếp nhận.
Trời ơi, may quá, Hoa Thịnh Đốn lại nhận một cách vui vẻ. Bộ chỉ huy CIA liền công khai hóa nó ngay và xếp vào loại tin tối ưu gửi cho khách hàng chính: Kissinger, Bộ tổng tư lệnh Gayler ở Honolulu và cá sứ quán Sài Gòn nữa. Gayler sốt ruột đến mức gọi dây nói thẳng cho chi nhánh CIA Sài Gòn bằng đường dây nóng để kiểm tra mấy điểm, nhất là điểm nói về cuộc tiến công bằng không quân có ra đa hướng dẫn. Nhiều tin tức ban đêm bằng nhiều đường khác nhau khẳng định là tin vừa biết là đúng. Những nguồn đáng tin cậy nêu rõ phi công Bắc Việt Nam đang tập luyện với những máy bay chiếm được ở Đà Nẵng. Một nhân viên tình báo chắc rằng cuộc tiến công vào Sài Gòn từng hoãn lại nhưng vẫn sẽ được tiến hành.
Mặc dù sau này, đại sứ Martin công nhận rằng, ông cũng như Polgar, không đánh giá đúng mức giá trị của tin trên, nhưng lúc này, ông tỏ ra chấp nhận tin ấy hơn. Chấp nhận những kết luận của bản tin có nghĩa là công nhận sắp có thảm họa đến nơi.
Sự hiểu lầm của Polgar làm tôi cay đắng và sợ hãi. Martin và Polgar càng không cho là cuộc tiến công của cộng sản sắp diễn ra. Họ đành để cho cuộc tản cư phải phụ thuộc vào trò chơi hòa bình. Quá băn khoăn về điều đó, một lần nữa, tôi báo cáo cho Hoa Thịnh Đốn biết (như tôi đã làm trước qua Moose và Miessmer) Martin và Polgar xa thực tế quá mức. Chiều ấy, Alan Carter, phụ trách cơ quan thông tin, mời mấy nhà báo Mỹ ăn cơm. Bữa tiệc đối với anh là một hành vi phản kháng vì Martin đã cấm không cho Alan Carter tiếp xúc với giới báo chí, trừ những nhà báo do Martin giới thiệu với anh.
Tôi nói với Carter cho tôi dự. Anh trả lời: Được thôi, không có vấn đề gì cả. Nhưng tôi phải báo cáo cho anh biết, hầu hết khách mời của tôi đều biết anh là CIA. Họ sẽ hỏi anh những vấn đề cơ bản. Tôi nói: Đúng là những điều tôi muốn nói. Họ là những người được lựa chọn đúng. Vô tuyến truyền hình có Garrich Utley ở đài NBC và Bob Simon thuộc đài CBS. Có bốn người viết báo: Keyes Beeck ở tờ Chicago Daily Newa và George Mc Arthur ở tờ báo Los Angeles Times, là hai phóng viên chiến tranh lâu ngày đã sống và làm việc ở Việt Nam. Fose Betterfield thuộc tờ New York Times đến muộn, anh khoe khoang về cuộc tiếp xúc giữa anh với Martin và Polgar. Phil Mc Comls cũng thế. Ông là con vật đen mới của sứ quán. Là người trước đây thảo diễn văn cho thượng nghị sĩ bảo thủ ở New York, James Buekley, mấy tháng trước, ông đã viết trên báo Washington Post một loạt bài về các vấn đề tham nhũng và tinh thần sa sút của quân đội Nam Việt Nam làm Martin tức giận.
Hầu hết khách đến dự tiệc đã nghe tôi nói chuyện. Họ biết tôi nhận được nhiều tin. Do đó họ rất chú ý nghe tôi trong bữa ăn. Sau khi nói vắn tắt về cân bằng lực lượng, tôi nhấn mạnh: Chắc chắn cộng sản đã chọn giải pháp quân sự và họ định kỷ niệm ngày sinh của cụ Hồ Chí Minh ở Sài Gòn. Họ không có ý gì về dàn xếp thương lượng hoặc một sự đầu hàng trá hình. Tôi nói với các nhà báo: Tôi nêu ra những tin này mong các bạn viết ngay về Hoa Thịnh Đốn.
Mc Arthur và Betterfleld ngạc nhiên về ý kiến của tôi. Hai người vừa phỏng vấn quan chức cao cấp ở sứ quán. Họ nhắc lại những điều nghe được: thứ nhất: Cộng sản không có đủ người, đủ con bài chính trị để nuốt một lúc cả nước, thứ hai: Với một vài thay đổi trong chính phủ Sài Gòn, họ có thể chấp nhận, trong một thời gian, cơ cấu chính trị hiện nay, có lẽ để tăng thêm hy vọng được nhận viện trợ và tài chính của các nước không cộng sản.
Tôi công nhận những điều ấy có một ý nghĩa nào đó nhưng hoàn toàn là dựng đứng. Và tôi nhấn mạnh những điều tôi nói với họ phản ảnh đúng lập trường mới đây của Hà Nội, không có gì bịa đặt. Không một phóng viên nào dám viết bài thuật lại những điều tôi nói. Mấy tháng sau, Beeck xin lỗi tôi: Đại sứ dọa giới báo chí đến mức không nhà báo nào dám viết những bài không do giới chính thức (trừ Polgar) cho viết.
Những nỗ lực của tôi không hoàn toàn vó ích. Nhiều nhà báo dự bữa cơm hôm ấy, sau này thường gọi tôi, hỏi thêm tin phụ hay bảo tôi cho nhận tin về những bài phóng sự mặt trận.
Ngày ngày qua đi, nhân viên của chúng tôi biến dần. Tin tức do các phóng viên chỉ phản ánh tình hình ở cách Sài Gòn mấy kilômét mà thôi.
MỘT CUỘC DI TẢN "CÓ TRẬT TỰ"
Sáng thứ sáu 18 tháng 4, bộ ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn có bàn đến bản tin của nhân viên tình báo là tôi. Tuy nhiên, do trục trặc đường dây nên bản tin đưa đến được phòng làm việc của Kissinger quá muộn. Bộ trưởng ngoại giao đã chủ động đề ra việc nối lại đàm phán, coi như đã có sự thỏa thuận. Đêm trước, Kissinger nói chuyện bằng dây nói rất lâu với Martin. Ông bảo đại sứ thăm dò không những Hà Nội mà nhiều nơi khác nữa... Trong khi nhiều hoạt động chính trị diễn ra thì các cơ quan Mỹ bắt đầu giảm nhân viên người Mỹ cũng như người Việt Nam. Những chuyến bay đen được tổ chức giữa Thái Lan, Philippine và Hoa Kỳ. Những quan chức cao cấp Mỹ lợi dụng sự mềm dẻo của thể lệ nhập cư, cho lái xe, đầu bếp, người làm vườn ra đi. Ở lại chỉ còn những người Việt Nam mà tính mạng dễ bị uy hiếp.
Trong khi sứ quán bắt đầu giai đoạn thứ nhất giảm số nhân viên lãnh sự thì lãnh sứ quán Biên Hòa cũng thu xếp hành lý. Sáng 18, chỉ còn ở đây 8 nhân viên CIA và năm viên chức bộ ngoại giao. Một đám mây tro bụi từ lò sưởi bốc lên: lính thủy đốt những hồ sơ mật cuối cùng. Trước buổi trưa, Taggart, trùm chi nhánh CIA ở đây, cho nhân viên trẻ là John Stockwell, lên máy bay lên thẳng về Sài Gòn. Trong ba ngày qua, hai người cãi nhau kịch liệt về việc Stockwell đòi tản cư tất cả nhân viên người Việt Nam giúp việc. Không kể đến lệnh của Taggart, anh ta định tổ chức một đoàn tàu chạy từ sông ra biển. Nghe tin ấy, Taggart vội vàng cho nhân viên hấp tấp về Sài Gòn, sợ ông gieo rắc hoang mang trong thị xã Biên Hòa. Xế chiều khi Taggart cùng Stockwell đến gặp Polgar, Taggart cấm không cho thực hiện cuộc tản cư bằng đường thủy. Polgar thông cảm với Stockwell là không tuân lệnh và đề nghị với Polgar thông cảm với Stockwell nhưng ông tán thành ý kiến của Taggart, cho là Stockwell ôm rơm rặm bụng. Có phải để bảo đảm cho đoàn tàu đến nơi, đến chốn, anh ta định đi theo đoàn tàu không? Lew James vừa bị cộng sản bắt. Polgar không thể để Stockwell đem vạ vào thân.
Sau buổi họp ấy, Taggart một mình ở lại Biên Hòa, đem trả tỉnh trưởng tất cả tàu bè do Stockwell thu thập. Một số nhân viên người Việt Nam giúp việc Taggart về Sài Gòn bằng phương tiện riêng. Không có nhiều người đi được máy bay. Taggart và Dick Peter, tổng lãnh sự ở Biên Hòa rời nước này trước khi Sài Gòn thất thủ mấy ngày. Họ để mặc sứ quán lo cho những người Việt Nam giúp việc họ.
Sáng 18 tháng 4, tổng thống Nguyễnvăn Thiệu bắt đầu thấy rõ việc không thể tránh được. Sáng sớm, tướng Toàn, tư lệnh Quân khu III, đi máy bay từ sở chỉ huy ở Biên Hòa đến báo cho Thiệu biết thua trận rồi. Quân đội đang tán loạn, số quân quá ít. Chỉ hy vọng chống cự được hai ba ngày nữa thôi.
Để đánh dấu buổi sáng ấy, Thiệu tiếp một đoàn đại biểu các nhân vật ôn hòa vào trước buổi trưa. Những người đến dự cho Thiệu biết: thời kỳ của Thiệu đã hết. Nếu ông ta không ra đi trong thời hạn sáu ngày thì họ buộc phải đòi ông từ chức. Để làm yên lòng những người đối lập: Thiệu ra lệnh bắt nhiều sĩ quan, theo ông, thật sự là những kẻ phải chịu trách nhiệm về những thảm họa trong những tuần qua. Trong những kẻ bị nhốt vào nhà lao có viên tướng khốn khổ Phạm Văn Phú mấy ngày trước khi hôn mê được đưa vào nằm ở một bệnh viện gần Sài Gòn.
Buổi chiều, sứ quán đến cứu Thiệu một lần nữa. Đêm trước, do một nguồn tin Nam Việt Nam, tướng Chales Timmes được biết Nguyễn Cao Kỳ định làm đảo chính. Nghe thấy chuyện đó, Martin quyết định thuyết phục Kỳ. Ông cùng Timmes đến gặp Kỳ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Họ thảo luận với nhau trong hai giờ. Martin và Timmes cố nói cho Kỳ rõ: ông ta và chiến hữu có một vị trí trong ván bài đang chơi. Thực tế, Martin nghĩ khác: Việc Kỳ tham gia chính phủ sẽ tiêu tan mọi hy vọng thương lượng. Nhưng đại sứ cho rằng cách duy nhất để bảo đảm cho việc thay đổi chính phủ theo hiến pháp là gây cho Kỳ và những cái đầu nóng khác cảm tưởng rằng họ có phần trong đó. Martin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuối buổi họp, Kỳ chấp nhận để Thiệu yên vị miễn là thực quyền được trao cho một người khác, như ông ta chẳng hạn. Tiếc thay, đối với những nhà viết sử, cuộc trao đổi giữa Martin và Kỳ chưa bao giờ được dựng lại đây đủ. Tối hôm đó, lúc Timmes ngồi viết lại tường thuật buổi nói chuyện thì ông thấy máy thu thanh giấu trong cặp đã bị hỏng. Suốt đêm, ông ngồi cố nhớ lại nhưng cũng chỉ ghi đúng được một phần cuộc thảo luận. Sau đó, đại sứ đã phê bình ông.
Ngoài những người định lật đổ và Bắc Việt Nam, Thiệu còn vấp phải một vấn đề nữa: đó là tiền. Trước đó gần một tháng, ông ta đã gửi tàu thủy đi Đài Loan và Canada phần lớn gia tài và đồ đạc Nhưng còn tài sản quốc gia gồm 16 tấn vàng đáng giá 120 triệu đôla chiếm gần hết dự trữ của nhà nước vẫn chưa được gửi đi. Trước đó, Thiệu định giữ kín và gửi đi Paris cho ngân hàng quốc tế, ở đấy đã giữ một phần vàng của Nam Thiệt Nam đáng giá năm triệu đôla. Như ông ta nói với những người hợp tác với ông, 16 tấn vàng này dùng để mua vũ khí, đạn dược cho quân đội. Nhưng mấy ngày trước khi gửi đi, một người báo tin cho sứ quán biết. Một công tác viên của Martin cho là không thể tin được Thiệu, nên đã tố cáo với giới báo chí. kết quả: các hãng Hàng không Thiệu điều đình để chở số vàng ấy đi, không nhận nữa. Kế hoạch của Thiệu bị vỡ.
Martin cũng can thiệp kịp thời. Để đánh tan mọi điều nghi ngờ, ông khuyên Thiệu gửi vàng sang ngân hàng New York, việc đó rất hợp pháp. Thiệu chấp nhận. Ngày 16 tháng 4, sứ quán điện cho Hoa Thịnh Đốn xin một chuyến máy bay quân sự đặc biệt được bảo hiểm để chở số vàng đi New York. Nhưng không quân và ngân hàng New York không sẵn sàng bảo hiểm một tài sản lớn như thế gửi từ một nước đang có chiến tranh. Công việc kéo dài một hai ngày, 18 sư đoàn Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn bằng mọi hướng. Vàng vẫn nằm nguyên trong kho ngân hàng quốc gia.
NÚT CỦA HOẢNG LOẠN
Có thể tin những bản báo cáo đến mức nào? Không thể biết chắc được. Ngày thứ bảy, 19 tháng 4 trôi qua. Không có cuộc tiến công thẳng vào Sài Gòn. Quân cộng sản tiến chậm. Có thể tin rằng các nhân viên tình báo của chúng tôi nói đúng. Những cuộc tiến công của quân Bắc Việt Nam không phải được hoãn lại. Pháo binh của họ lần đầu tiên bắn phá đảo Phú Quốc, ở đấy có năm mươi nghìn người tị nạn. Hai sư đoàn Bắc Việt Nam đánh Phan Thiết. Đáng sợ nhất là những xe tải chở tên lửa Sam-2 đang từ hướng Đông Bắc tiến về Sài Gòn.
Những dấu hiệu chính trị không có gì phấn khởi. Trong buổi họp báo thường kỳ vào sáng thứ bảy hàng tuần, trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Tân Sơn Nhất, đại tá Võ Đông Giang, đã nâng cao giá lên. Ông đòi như trước: tất cả cố vấn Mỹ giả làm dân thường phải rút đi, và điều mới là Martin cũng phải ra đi. Ông Giang nói "Martin có vẻ là một nhà ngoại giao Mỹ nhưng thực tế ông đã điều khiến mạnh mẽ mọi lĩnh vực quân sự, chính trị và kinh tế. ông ấy phải chịu trách nhiệm về mọi hành động tội ác do chế độ Thiệu gây ra".
Điều đó có phải có nghĩa là ông Giang muốn xóa mọi vết tích về sự có mặt của Mỹ ở Sài Gòn một khi Hà Nội chiến thắng không? Những điều ông Giang nói khá ngoắt ngoéo: "Nếu một nghìn kiều dân Mỹ ở lại thì không có vấn đề gì cả nhưng sự có mặt của thột cố vấn Mỹ cũng là một điều vi phạm nghiêm trọng hiệp định Paris.
Polgar lại hiểu lời ông Giang như sau: Có khả năng duy trì sự có mặt tối thiểu của Mỹ ở Sài Gòn dù tình thế nào xảy ra, đúng như lời Trần Văn Đôn nói với chúng tôi mấy hôm trước đây. Có thể ông ta vẫn mở ra con đường thương lượng chính trị thật sự. Tôi viết một bản tường trình bác bỏ luận điểm ấy, nhấn mạnh những điều không rõ ràng của ông Giang nhất là không có sự có đi có lại. Polgar đọc bản tường trình ấy, để ra một bên, không gửi đi đâu cả, kể cả cho đại sứ.
Vả lại, Malcolm Brown, tổng biên tập báo New York Times chẳng đã viết rằng những ý kiến của ông Giang làm cho người ta hiểu là vẫn còn thì giờ để thỏa thuận về những điều kiện của cộng sản là gì? Thật ra, không có một sự trùng hợp nào về vấn đề này cả. Trong những ngày qua, Polgar đã cung cấp cho Brown nhiều tin bí mật. Ông lấy Brown làm người tâm sự... Polgar vào phòng tôi, bảo tôi làm một bản báo cáo về tình hình quân sự. Ông nói: Viết thật đen tối vào, đại sứ sẽ dùng bản báo cáo để thuyết phục Thiệu rút lui. Polgar làm tôi nản biết mấy, đến mức phải mất một lúc tôi mới hiểu ra những điều ông dặn dò.
Tôi không có gì phải thêm vào bản báo cáo: phản ánh đúng sự thật là thấy rõ sự đen tối ngay: với sự sụp đổ của quân đội chính phủ ỡ Xuân Lộc, và sự tiếp viện của quân đội Bắc Việt Nam ở Quân khu III, cán cân lực lượng ở vùng rộng lớn Sài Gòn đã nghiêng hẳn về phía Bắc Việt Nam và Việt cộng. Đó là kết luận của bán báo cáo của tôi. Mười lăm ngày nữa thì Sài Gòn sẽ bị bao vây hoàn toàn. Có khả năng trong ba hay bốn tuần nữa sẽ rơi vào tay cộng sản. Tôi định viết: có thể nhanh hơn nữa nhưng Polgar đã ngăn lại. Sau này, bản báo cáo của tôi gần như trở thành một tài liệu lịch sử nhưng không phải vì những lý do tôi tưởng. Khi Thiệu rời bỏ chính quyền, ông ta để hồ sơ nguyên vẹn. Không ai mất công phá hủy đi cả. Cộng sản bắt được giấy tờ của Thiệu trong đó có bản báo cáo của tôi. Tướng Dũng thấy thú vị về bản báo cáo này, ông đã chép nhiều đoạn, từng chữ một vào hồi ký của ông viết sau chiến tranh.
Tôi đang đánh máy bản báo cáo thì Polgar cùng mấy đồng nghiệp CIA họp kín trong phòng riêng, bàn vấn đề chuyển giao nhanh chính quyền. Phải làm thế nào khi Thiệu rút thì phó tổng thống Trần Văn Hương lập tức nhường chỗ cho Minh lớn và quốc hội chuẩn y ngay sự thay đổi ấy để mọi việc được tiến hành đúng hiến pháp (như yêu cầu của Martin) và nhanh chóng (như yêu cầu của một số người khác).
Ở sứ quán Pháp, cách đó vài bước, Mérillon và đồng nghiệp cũng dành cả buổi sáng để thu xếp như trên. Mérillon nói với Martin sáng hôm sau đi gặp Thiệu. Thiệu và giới thân cận không phải là không biết âm mưu lật đổ ông ta. Sáng hôm ấy, tổng thống Singapor Lý Quang Diệu gọi dây nói mời Hoàng Đức Nhã đến ngay. Diệu nói: Một việc gai góc cần phải tháo luận. Mấy giờ sau khi Nhã đến Singapor, Diệu cho ông ta biết: Nhà chức trách Mỹ đề nghị Singapor và mấy chính phủ ở Đông nam Á cho Thiệu sống lưu vong. Nhã gọi ngay về Sài Gòn. Thiệu vừa nghe xong trả lời ngay: Ừ, tôi đã chờ đợi việc đó".
Trong khi đó, Nhà Trắng tiếp tục đòi giãn cộng đồng người Mỹ và di tản người Việt Nam mà tính mạng dễ bị uy hiếp. Các cơ quan của sứ quán cứ dẫm chân tại chỗ vì những khó khăn hành chính. Những thể lệ mới của cơ quan nhập cư cho phép người Việt Nam ra đi nếu họ được người Mỹ bảo lãnh, gây ra nhiều phiền phức. Một người Mỹ có thể chịu trách nhiệm tới 60 người Việt Nam. Số phận hàng nghìn người phụ thuộc vào một con dấu, một chữ ký, một giấy đi đường. Trước các viên chức đang phân loại người đi, hàng đoàn người xếp hàng dài chờ đợi và những cảnh thất vọng, thương tâm đang diễn ra. Đô đốc Noel Gayles, tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đến Sài Gòn nghiên cứu biện pháp di tản. Giữa sứ quán Sài Gòn và Nhà Trắng, các viên chức chửi mắng nhau là đồ nọ đồ kia qua dây nói. Bên này bảo bên kia: Chính anh đã ấn nút của hoảng loạn! Thật vô cùng lộn xộn!
THIỆU RA ĐI
Một năm sau ngày Nam Việt Nam thất thủ, một công tố viên của quốc hội hỏi Martin: "ông giữ vai trò gì trong việc Thiệu từ chức, nếu ông có giữ một vai". Đại sứ trả lời: "Không đóng vai trò nào cả. Tôi xin cố gắng trình bày với ông tình hình hết sức thật thà, rõ ràng và khách quan".
-Thiệu có khi nào hỏi ông, ông ta có phải từ chức không?
- Có ông ta có hỏi... Tôi trả lời: Việc đó do ông ta quyết định tùy theo quyền lợi của người Sài Gòn, của nước Việt Nam nói chung, tùy theo tất cả mọi cái mà ông ta đã bảo vệ, đồng thời tùy theo cảm tình và văn hóa của người Việt Nam.
Sáng 20 tháng 4, Martin đến gặp Thiệu sau khi Mérillon, đại sứ Pháp, đến nói chuyện với ông cũng về việc này. Martin nói: đôi được phái bộ quân sự và CIA cho biết những tin tức mới nhất về tình hình quân sự và những tình cảm của giới quan chức cao cấp, dân sự cũng như quân sự... Tóm lại là nếu Hà Nội quyết định đánh nhanh thì Sài Gòn không giả nổi một tháng, chắc chắn không giữ được hạ tuần dù có bảo vệ tốt và tài.
Mặc dù ta biết là Hà Nội muốn chiếm Sài Gòn nguyên vẹn chứ không muốn thấy Sài Gòn đổ nát, cũng không nên loại trừ khả năng thứ hai nếu không đi đến thương lượng.
Tổng thống Thiệu hỏi về triển vọng việc xin viện trợ quân sự bổ sung. Tôi trả lời: Nếu may mà số tiền đó được chuẩn y thì chúng sẽ giúp ta củng cố địa vị ở bàn đám phán nhưng chúng đến quá chậm để có thể thay đổi cân bằng lực lượng. Ông ta biết rõ điều này: Ngay bây giờ cán cân nghiêng rất nguy hiểm không lợi về phía ông ta. Tôi nói với Thiệu tôi đến gặp ông ta với tư cách cá nhân chứ không phải thay mặt tổng thống hay bộ trưởng ngoại giao mà không phải với tư cách đại sứ Hoa kỳ. Tôi bảo Thiệu, tôi nói chuyện với ông ta như một người từ lâu đã theo dõi tình hình ở Đông Nam Á và hai năm nay, cố gắng tìm hiểu những khó khăn của vấn đề Việt Nam. Tôi bảo Thiệu, tôi càng già, càng không biết nhiều và bao giờ cũng có một sự nghi ngờ phải chăng. Nhưng lúc này có quá nhiều khó khăn và có thể nhận định của tôi về các sự việc xảy ra cũng đúng như nhận định của bất cứ một người phương Tây nào khác. Nhiều vấn đề đối với tôi rất rõ. Tình hình quân sự cực kỳ xấu và nhân dân Việt Nam đổ cho Thiệu phải chịu trách nhiệm. Giới chính trị, người cùng phe cánh với ông ta cũng như đối thủ của ông ta, đều cho rằng ông ta bất lực để có thể đưa nước này thoát ra khỏi cuộc khủng hoang hiện nay. Tôi nói: Tôi đi đến kết luận rằng, tất cả các tướng của Thiệu, mặc dù đã quyết tâm chiến đấu, đều cho rằng không còn hy vọng gì nữa nếu không có một cuộc đàm phán cứu họ. Tôi nói: Các tướng của Thiệu sẽ yêu cầu ông ra đi, nếu ông không từ chức lúc này.
Tổng thống Thiệu hỏi việc ông ra đi có ảnh hưởng gì đến cuộc bỏ phiếu quốc hội không? Tôi nói việc đó có thể có ảnh hưởng nếu xảy ra sớm mấy tháng trước nhưng nay cần phải làm nhiều việc mới mong thay đổi kết quả. Nói một cách khác là nếu Thiệu nghĩ rằng từ chức đổi được việc chuẩn y của quốc hội nhận viện trợ đủ cho Việt Nam sống lại thì ông ta đưa món hàng này ra quá muộn rồi! Vấn đề quan trọng nhất có lẽ là ảnh hưởng việc Thiệu rút lui đối với kẻ thù. Tôi bảo Thiệu tôi không rõ việc này nhưng hình như hầu hết người Nam Việt Nam đều cho rằng việc ông ta ra đi sẽ thuận lợi cho những cuộc thương lượng. Riêng tôi nghĩ rằng điều đó không khác mấy. Hà Nội phản đối mọi thủ lĩnh có thế lực. Bắc Việt Nam. đòi, nếu họ mong muốn thương lượng thật sự có một nhân vật yêu đối thoại với họ. Đồng nghiệp của Thiệu cho rằng điều cốt yếu lúc này là tranh thủ thời gian. Nếu có thể tránh cho Sài Gòn khỏi bị tàn phá, nếu một nước Việt Nam độc lập có thể tiếp tục tồn tại thì ta vẫn hy vọng tình hình được cải thiện dù là hy vọng mỏng manh.
Cuộc nói chuyện diễn ra gần một giờ rưỡi. Lúc tôi từ biệt Thiệu, ông nói: "Sẽ hành động vì quyền lợi của đất nước này".
Trong một điện ngắn gửi cho Kissinger, Martin báo tin, Thiệu sẽ từ chức sau một thời gian ngắn, có lẽ hai hay ba ngày nữa. Rồi đại sứ trở về nhà riêng, đi tắm bằng xà phòng, ngủ trưa như ông kể lại. Có phải ông muốn xóa sạch những việc làm buổi sáng ấy không? Sớm ngày 21 tháng 4, phòng tuyến bảo vệ của chính phủ ở Xuân Lộc sụp đổ. Máy bay lên thẳng phải đến cứu tiểu đoàn cuối cùng của bốn tiểu đoàn sống sót thuộc sư đoàn 18 Nam Việt Nam và cứu cả viên tư lệnh: tướng Đảo. Sáu trăm người dưới quyền chỉ huy của đại tá Lê Xuân Hiền, xung phong ở lại chặn hậu, bảo vệ cuộc rút lui. Trong vài giờ, họ bị quân tiên phong của 40.000 binh lính Bắc Việt Nam đánh tràn qua. Buổi sáng, bộ trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn cầm đầu một nhóm liên hợp chống Thiệu, trong đó đáng kể có tướng Viên. Viên công nhận, bất đắc dĩ, quân đội không còn chiến đấu được nữa và không còn hy vọng gì thắng trận. Đôn tuyên bố: Trong những điều kiện như thế thì chỉ có xin điều đình. Điều đó có nghĩa là Thiệu phải rút lui và phải thay ông ta bằng một người khác - tướng Mình là hơn ai hết - có thể thương lượng với kẻ thù. Viên có đồng ý không? ông ta tán thành. Có Viên ủng hộ, Đôn gây được ảnh hưởng đối với nhiều bộ trưởng quan trọng trong chính phủ Cẩn: Bản thân thủ tướng và bộ trưởng kinh tế Nguyễn Văn Hảo. Bốn người đi đến thỏa hiệp. Hôm sau, họ sẽ đòi Thiệu từ chức. Nếu không được, họ sẽ sử dụng lực lượng vũ trang để đuổi ông ta. Thiệu đã chuẩn bị. Tối đó, ông ta từ chức ngay, để cho họ hội họp mà không để họ phải sử dụng vũ lực.
Trước trưa ngày 21 tháng 4, Thiệu triệu tập Khiêm và Hương đến, báo cho hai người biết ông sắp từ chức và sẽ báo tin ngay tối nay. Kể lại cuộc nói chuyện giữa Thiệu với Mérillon và Martin, Thiệu nhấn mạnh rằng hai người này không ai khuyên ông ta rút lui nhưng trước tình hình quân sự đã bi đát (Khiêm và Hương tán thành) sự có mặt của Thiệu không còn lý do nữa và có thể là một trở ngại cho một giải pháp. Thiệu chỉ có một yêu cầu: việc chuyển giao chính quyền được thực hiện đúng hiến pháp để tránh lộn xộn. Rất khó có thể hiểu rằng Thiệu muốn ám chỉ Minh lớn. Ngoài phó tổng thống ra, ông ta không nên tin một ai làm người thay thế.
Máy ghi âm do CIA đặt trong phòng làm việc của Thiệu truyền đi từng lời ông ta nói. Mười ba giờ, giờ địa phương, Polgar chạy vào phòng tôi. Ông nói to với tôi: Chúng ta là những người đầu tiên nhận được một tin tối quan trọng kể từ ngày ngừng bắn đến nay. Không phải lo ngại về tình hình quân sự nữa. Cái phải chú trọng bây giờ là chính sách liên hợp.
Không để mất thì giờ, Polgar báo tin cho người Pháp về việc Thiệu sắp rút lui, rồi đến chiều, cử tướng Timmes đến gặp Minh. Timmes đi ngay. Minh có bằng lòng nắm quyền và thương lượng hòa bình trước khi loại được Hương không? Minh gật đầu. Ông ta nói có thể làm yên lòng kẻ thù và sẽ cử ngay đại diện đi Paris để mở cuộc thảo luận. Timmes rút trong cặp ra một nắm giấy bạc mới, một triệu đôla để làm phí tổn (chưa bao giờ Minh sử dụng món tiền ấy và ông ta cũng không hề trả lại).
Trong lúc đó, một viên chức khác của CIA bàn chiến thuật với một người thân cận Minh. Viên chức CIA nói: Tiện hơn cả là Minh nhận làm thủ tướng của Hương, như thế thuận lợi cho việc chuyển giao chính quyền. Người nghe lắc đầu: Không, không bao giờ Minh tham gia chính phủ của Hương. Minh phải nắm chính quyền như đã thỏa thuận. Những điều đó cho thấy việc chuyển giao chính quyền sẽ không được thực hiện như kế hoạch của sứ quán.
19 giờ rưỡi, giờ Sài Gòn, Thiệu nói chuyện với quốc dân đồng bào. Có khoảng hai trăm nhân vật Nam Việt Nam được ông ta mời đến dinh tổng thống trực tiếp nghe ông ta nói. Nhiều người vừa nghe vừa ngáp hoặc có những cử chỉ khác. Điều biết trước là không những Thiệu bảo vệ mình trước lịch sử mà còn lên án người Mỹ đã mất ý chí sau vụ Watergate. Gần hai giờ sau, Thiệu vừa khóc vừa tuyên bố từ chức và giao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Thiệu nói: Vì nửa đất nước đã mất nên ông ta hy sinh vì quyền lợi quốc dân. Tướng Viên đọc một tuyên bố ngắn. Ông nói quân đội tiếp tục chiến đấu để bảo vệ tổ quốc chống bọn xâm lược nước ngoài. Trong lễ bàn giao chính quyền, tổng thống mới Trần Văn Hương, 71 tuổi, liệt, nửa mù, thề chiến đấu cho đến lúc quân đội bị tiêu diệt, nước mất. Những người biết suy nghĩ ở sứ quán Mỹ không lấy những lời thề đó làm quan trọng. Họ nói: "Đó là một cái xương cho Kỳ và phái hữu gậm để ngăn họ xen vào công việc. Sự thật là Hương muốn thương lượng". Như là đổ nước vào cối, chính phủ mới nhanh chóng đề nghị ngừng bắn và thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải hòa hợp tay ba có cộng sản tham gia.
Nhưng tất cả trò chiêng trống ấy làm một số đông chúng tôi lo ngại. Để làm yên lòng Kỳ và những phần tử phái hữu, chính phủ mới có thái độ có thể xúc phạm đến cộng sản. Tôi viết trong sổ tay: Thiệu từ chức, Sài Gòn yên tĩnh. Tối 21 tháng 4, lại thiết quân luật từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng để ngăn chặn những cuộc biểu tình nhưng tôi nghĩ người ta đã quá mệt mỏi, không còn muốn nhảy ngoài đường phố nữa.
Một số đồng nghiệp lấy làm thú vị khi được biết tin này. Tôi thì không. Tôi chỉ thấy buồn - không phải vì Thiệu ra đi - việc đó không thể tránh được - mà buồn chính vì bản thân cảnh này. Chúng tôi đều biết mọi việc đều giả dối, nói một cách khác, việc chiết cành của chúng tôi không bén rễ. Tuy thế, ai cũng mong không kết thúc như thế này hay ít nhất là không phải chứng kiến cảnh ấy. Trong khi tin Thiệu từ chức bay về Hoa Thịnh Đốn thì Kissinger gửi một điện chia buồn cho Martin, bày tỏ sự kính trọng không suy xuyển của ông đối với người lãnh đạo Nam Việt Nam, ông đề nghị được giúp đỡ Thiệu rời khỏi nước này. Ông nhấn mạnh: Chính phủ Mỹ không hề hợp tác với người Pháp để chống Thiệu. Và ông nói thêm đến nay cũng chưa nhận được tin tức gì của Liên Xô.
Trong giới chính trị Sài Gòn, phản ứng rất khác nhau về việc Thiệu ra đi và về những thế lực đã đánh đổ ông ta. Một số người hoan nghênh những lời chỉ trích của Thiệu đối với người Mỹ. Một số khác, nhất là sĩ quan trẻ, tỏ vẻ khó chịu. Hương hình như không được lòng ai. Nhưng nói chung họ nói: "già rồi, không làm gì được!" . Không một người nào tán thành sự kiện diễn ra sau đó. Những người đứng về phe ngừng bắn tỏ lòng tin tưởng, họ cho rằng có thể thương lượng bình đẳng với cộng sản. Minh lớn là một người trong số đó, ông bình tĩnh chuẩn bị nói chuyện ngã ngũ với phía bên kia, trong khi đó, người phát ngôn của ông ta ở Paris công khai yêu cầu ngừng bắn, nối lại cuộc đàm phán và thành lập một chính phủ thật sự tiêu biểu.
Khó mà biết Minh có tin thật sự vào chuyện đó hay không. ông ta vẫn được coi là người của đời sống chính trị hiện nay ở Sài Gòn. Đối với những người ôn hòa, sự dũng cảm của Thiệu là chìa khóa của sự sống còn của họ và của đất nước Việt Nam cộng hòa. Đó là cách làm duy nhất để làm yên lòng Kỳ và phe lũ trong khi tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình. Martin và Polgar, chắc chắn đều hiểu mối nguy hiểm do Kỳ có thể gây ra, và họ chuẩn bị để gạt mối nguy hiểm ấy. Chiều thứ ba, Polgar nói với Timmes đến thăm Kỳ. Cuộc gặp mặt như dầu đổ vào lửa. Như sau đó Kỳ công nhận, ông nghĩ rằng nhân viên CIA đến gặp Kỳ như gặp người thay Hương. Và chỉ một câu hỏi vụng về của Timmes về sự nguy hiểm của một cuộc đảo chính chống Minh lớn là Kỳ biết ngay ai là người được Hoa Kỳ chọn làm tổng thống. Kỳ quyết định thu xếp ngay vị trí của mình. Sự vụng về của Timmes đã làm cho những người ôn hòa khó hoạt động và phái hữu báo động.
Trong khi đó, người Pháp tiếp tục xen vào, Pierre Brochand Ở cạnh Minh suốt ngày, khuyến khích và bảo vệ Minh chống mọi kẻ cạnh tranh. Sáng 22, khi Brochand được tin Trần Văn Đôn muốn lên làm tổng thống, ông vội vàng đến gặp Đôn và nói rằng chỉ có Minh mới được cộng sản công nhận. Phản ứng đầu tiên của cộng sản về sự thay đổi tổng thống rất rõ ràng. Ở Tân Sơn Nhất, người phát ngôn chính phủ cách mạng nói ngay với các nhà báo: Việc Thiệu rút lui không thay đổi gì cả và ông ta bác bỏ lời kêu gọi đình chiến của Hương. Đài phát thanh Hà Nội lên án Hương là một tên phản động, phản quốc và đòi Hoa Kỳ phải bỏ cả tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu chứ không chỉ riêng bản thân Nguyễn Văn Thiệu và không được can thiệp vào công việc của Việt Nam, nhất là không được viện trợ quân sự. Đó là một tối hậu thư (cách duy nhất để thoát ra khỏi cuộc chiến tranh này, theo đài Hà Nội) chứ không phải là một nhân tố để thương lượng, và người ta không thể nghi ngờ về lời đe dọa này.
Cộng sản cũng không để cho có hy vọng một cuộc tản cư yên ổn mặc dù việc Thiệu rút lui cho phép hoãn một thời gian việc ra đi của chúng tôi. Trái lại chỉ mấy giờ sau lời tuyên bố của Thiệu, đài giải phóng chỉ dành hai hay ba ngày, thậm chí có 24 giờ đòi cố vấn Mỹ phải rút đi. Mặc dù như thế, Martin và cả Polgar ở Hoa Thịnh Đốn nữa, vẫn còn tin rằng có thể vận động thương lượng được. Sau ngày Thiệu từ chức một ngày, Polgar tiếp tục đi tìm gặp người này, người khác... Trong khi đó, cộng sản giành thắng lợi vang dội: chiếm Phan Thiết, thị xã cuối cùng ở Quân khu II, Hàm Tân, một huyện lỵ cách thị xã 46 kilômét về phía Nam và Xuân Lộc. Từ đây, quân Bắc Việt Nam tiến đến Biên Hòa về phía Đông và Vũng Tàu về phía Nam. Trước năm sư đoàn Bắc Việt Nam trong vùng, Nam Việt Nam chỉ còn tàn quân của sư đoàn 18, hai lữ đoàn lính thủy bị nghẽn ở phía Đông Biên Hòa, một lữ đoàn dù và hai trung đoàn bộ binh bị đánh tơi bời đang đóng yên tại chỗ giữa Xuân Lộc và Vũng Tàu. Biên Hòa tiếp tục bị bắn phá dữ dội mấy giờ sau khi Thiệu từ chức, tướng Toàn, tư lệnh Quân khu III rời sở chỉ huy về Sài Gòn. Chưa phải là hoảng sợ thì là gì? Tôi báo cho Polgar biết. Ông lờ đi.
Lần thứ hai trong tuần, ông kiểm duyệt, bỏ một tin không phù hợp với quan điểm của ông. Nhưng hậu quả lần này tai hại hơn nhiều so với lần ông gác lại báo cáo ngày 17 tháng 4 của một nhân viên của tôi. Bộ phận của tôi nay là bộ phận duy nhất có thể cung cấp cho sứ quán tin tức và nhận định về tình hình quân sự. Bộ phận tương tự của phái bộ quân sự đã ngừng hoạt động vì quá bận về việc tản cư.
Kissinger cũng cảm thấy rằng có một cái gì trục trặc trong những bộ phận tình báo. Ông gửi điện cho Martin ngày thứ ba hỏi ý kiến về sự đánh giá của mấy nguồn tin nói rằng không có dàn xếp thương lượng. Martin trả lời: Nhiều nguồn tin khẳng định như thế nhưng CIA đã nhiều lần thay đổi nhận định, rất khó mà tin được.
Ngày Thiệu đọc diễn văn chào vĩnh biệt, tướng Văn Tiến Dũng, các ông Lê Đức Thọ và Phạm Hùng hoàn thành kế hoạch mở chiến dịch Hồ Chí Minh tại bộ chỉ huy ở Lộc Ninh. Như được vạch ra, kế hoạch chung giống phần nào việc bóc vỏ một củ hành. Quân đội Bắc Việt Nam trước hết phá vỡ phòng tuyến bên ngoài Sài Gòn rồi tiến sâu thẳng vào thành phố bằng các đơn vị cơ giới, tập trung ở năm mục tiêu quân sự: Dinh tổng thống, Bộ tổng tư lệnh, Bộ tổng tham mưu, Sở chỉ huy cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất. Hai ngày được ấn định: ngày 27 tháng 4, tiến công vùng ngoại vi thành phố, ngày 29 tiến công cuối cùng. Trong hồi ký của ông, tướng Dũng chỉ rõ ngày thứ ba 22 tháng 4 đã quyết định hai ngày nói trên. Tất cả chiến dịch tập trung vào một điểm duy nhất: Sài Gòn. Những cuộc tiến công đầu tiên vào Tây Ninh, ở phía Tây Bắc, vào vùng đồng bằng ở phía Nam, chỉ là để giữ chân các đơn vị Nam Việt Nam ở đó và ngăn không cho họ kéo về bảo vệ thủ đô.
Theo tướng Dũng, việc khó nhất là chọn chỗ chung quanh Sài Gòn đặt tên lửa phòng không Sam-2. Việc tế nhị khác: chuẩn bị cho pháo binh bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất mà nhân viên tình báo của tôi nói là vào ngày 17. Trước hết phải chiếm Nhơn Trạch, một vùng bùn lầy ở phía Đông Nam Sài Gòn, để đặt súng bắn rốc két và đại bác 130 li. Chiều thứ ba, tướng Lê Trọng Tấn, tư lệnh mặt trận phía Đông, đến sở chỉ huy, đặt ở phía Bắc Biên Hòa để chỉ huy trận đánh. Tướng Dũng gửi cho tướng Tấn một điện khẩn. Phải chiếm Nhơn Trạch ngày 27 hoặc 28 là cùng.
Mặc dù Bắc Việt Nam không muốn đánh nhau với những người Mỹ ở Sài Gòn, nhưng kế hoạch của họ cũng đề cập đến một việc loại trừ một số chúng tôi. Ít lâu sau bài diễn văn của Thiệu, cảnh sát miền Nam Việt Nam, được một chỉ điểm cho biết, đã báo cho một viên chức cao cấp CIA rằng đặc công Bắc Việt Nam tối hôm ấy sẽ phá nhà ông ta ở giữa thành phố. Quá mệt vì phải làm việc suốt ngày, những viên chức CIA, tối hôm ấy phải dành nhiều thì giờ để lau chùi lại khẩu M. 16 và chẹn cửa. Đến đêm, cảnh sát đến báo với ông. Đặc công đã bị chặn ở cửa thành phố, ông không còn gì phải sợ. Ít nhất là trong lúc này.
Nếu tin vào hồi ký của ông thì tướng Dũng và tư lệnh các đơn vị Bắc Việt Nam đều biết rõ những hoạt động chính trị và ngoại giao chung quanh việc Thiệu từ chức. Mọi chi tiết đều được ghi trong một bài của ông Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng ngoại giao Bắc Việt Nam. Nói về những đề nghị hòa bình của Mỹ và Pháp, ông coi đó là những âm mưu xảo quyệt. Tính từ này cũng được báo chí cộng sản dùng khắp lượt. Những lời tố cáo của ông Trinh chỉ làm cho tướng Dũng quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn càng nhanh càng tốt. Ông Lê Duẩn cũng gửi điện vào, mong muốn và chúc đánh thắng nhanh. Ông Duẩn viết: "Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn". Sự khinh bỉ của tướng Dũng đối với trò ngoại giao ở Sài Gòn xuyên qua các trang hồi ký của ông. Ông viết: Đó là một tập đoàn ngu dốt và ngớ ngẩn. Chúng thay đổi chính phủ với mục đích duy nhất là để ngăn chặn cuộc tiến công của chúng ta và tránh sự thất bại hoàn toàn. Ông cũng đả kíck Polgar: "Bọn CIA ở Sài Gòn, như con rắn độc, luồn lách rình mò với nhiều âm mưu xảo quyệt, bắn tin: Hương làm tổng thống chỉ là tạm thời, sẵn sàng đi đến thỏa thuận, Mỹ chờ đợi sự đáp lại v.v..." Tướng Dũng cũng bắn tên vào tướng Vanuxem, sĩ quan cũ của quân đội Pháp đã biết Thiệu trong những năm đầu thập kỷ 50, mới đến Sài Gòn mấy tuần trước để "khuyên" Thiệu trong những giờ cuối cùng ông ta ở dinh tổng thống. Mặc dù Thiệu từ chức, Vanuxem vẫn ở lại Sài Gòn để đề nghị một chiến thuật phản công với bộ tư lệnh Nam Việt Nam. Tướng Dũng gọi Vanuxem là một người mê ngủ, ngu muội.
Tuy vậy, không có gì trong những lời nói trên chứng tỏ Bắc Việt Nam sữ dìm Nam Việt Nam trong biển máu. Chắc chắn họ sẽ chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện nếu việc đó đến nhanh và rõ ràng. Dù sao, sau khi Thiệu từ chức, tướng Dũng và Hà Nội không còn chờ đợi được nữa. Ngày 22 tháng 4, tướng Dũng và ông Phạm Hùng cùng ký vào bản quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ chỉ huy chia làm đôi. Tướng Dũng và người phó quan trọng của ông, ông Trần Văn Trà, đóng sở chỉ huy tiền phương ở Bến Cát, tỉnh Bình Dương, phía Đông Bắc Sài Gòn, còn các ông Lê Đức Thọ và Phạm Hùng ở lại Lộc Ninh để điều hòa hoạt động chính trị, ngoại giao và quân sự. Và có thể để chờ sự đầu hàng không điều kiện cho đỡ phải đánh trận cuối cùng.
THÔNG TÍN VIÊN BÍ MẬT
Chủ nhật 20 tháng 4, 24 giờ sau khi Thiệu từ chức, cuộc di tản ồ ạt bắt đầu. Không biết trong cuộc hội kiến vừa qua Martin và Thiệu có thảo luận để xúc tiến cuộc di tản không. Thật ra, không cần thiết, hai người đã nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay phản lực C.141 rời sân bay Tân Sơn Nhất, cách đó 8 kilômét.
Nhịp độ di tản tăng. Từ ngày 4 tháng 4, ngày có cầu hàng không đầu tiên, cầu hàng không trẻ em, ngày nào bốn máy bay vận tải lớn, cũng bay đi bay lại từ Tân Sơn Nhất đến căn cứ Clark ở Philippines. Mặt khác, sự mềm dẻo của thể lệ nhập cư đã làm tăng lên rất nhiều số người di tản hợp pháp. Việc đó không ngăn cản những chuyến bay lậu tiếp tục cất cánh: những máy bay này không chở những người Việt Nam về chính trị có nhiều vấn đề mà chở bạn bè, thân thuộc của các sĩ quan phái bộ quân sự. Vấn đề duy nhất phải lo là làm thế nào chở những người không có giấy tờ ấy vượt được hàng rào sân bay. Cuối cùng người ta tìm ra mánh khóe: đút lót. Cảnh sát quân sự ở sân bay đã nhận khoảng 50.000 đôla.
Hồ sơ của CIA là một núi giấy tờ mật, nặng 14 tấn báo cáo, tài liệu, tiểu sử nhân viên tình báo. Đầu tháng đã hủy một phần rồi nhưng ban ngày, đại sứ không cho đốt hồ sơ sợ tro ở lò sưởi bay ra làm bẩn xe hòm đỗ ngoài hành lang. Sau thấy cấp bách quá, ông cho đốt cả ngày, đêm. Tiếng kêu của hai lò sưởi đặt trên mái nhà, ngay đầu tôi, làm tôi hết sức khó chịu. Trong những nhân viên sứ quán được coi là không cần thiết, nghĩa là tản cư ngay, có Pat Johnson, nữ cộng tác viên gần gũi nhất của tôi. Pat giành hai ngày cuối ở Sài Gòn để đi chào người quen. Sau này bà nói với tôi: Sao lại có lúc kỳ lạ thế. Đối với tôi cái gì cũng mờ ảo. Một số bạn Việt Nam cho tôi cảm tưởng là họ không thấy mối nguy hiểm đã đến gần. Sáng thứ bảy, bà gặp một người bạn bình tĩnh tưới hoa trong vườn. Lúc bà đến phòng hớt tóc, người chủ ngạc nhiên nói: Ồ, bà còn ở đây à? Bà là người cuối cùng rồi. Tất cả khách hàng người Mỹ của tôi đã ra đi. Pat buồn rầu khi phải chào từ biệt người đầy tớ già: chị Ba. Chồng chị đã mất, năm con và nhiều cháu chị đều ở trong nhà Pat. Sáng chủ nhật, trước khi đi, Pat xuống bếp ôm hôn chị Ba, đưa cho chị nắm đôla cuối cùng, mọi người đều khóc. Pat có ý định đưa họ đi Mỹ nhưng họ từ chối lấy cớ sống ở đấy không hợp. Ở đây, trà trộn với nhân dân, họ có thể sống được. Cộng sản không thể giết được tất cả mọi người.
Chiều hôm đó, Pat bay đi Bangkok trên một máy bay đặc biệt, chỉ có mấy hành khách. Ban Giám đốc hãng hàng không Việt Nam tổ chức chuyến bay này để chở vốn của hãng đi: 20 triệu đôla bằng vàng. Pat ngồi giữa đống bao tải bằng vải xám đầy kim loại óng ánh không có gì nguy hiểm. Sau khi thất thủ Sài Gòn, những bao tải ấy biến mất. Chắc chúng đã trốn vào tủ sắt một người nào đó. Ở Bangkok, Pat đi chơi tối với bạn, khiêu vũ suốt tới sáng. Cuộc vui lạ lùng và giả tạo do căng thẳng đẻ ra. Chiều hôm sau, bà được tin Thiệu từ chức.
Bản chất vốn không kiên trì và dễ xúc động, nên bộ trưởng quốc phòng Schlesinger trở nên cáu kỉnh hơn lúc nào hết. Trong mấy ngày qua, Kissinger và ông tranh luận gay gắt về nhịp độ và tầm quan trọng của việc di tản. Ông nói với một phóng viên: Cuộc di tản cấp tốc được thực hiện quá chậm nên kế hoạch di tản những người Mỹ bằng cả máy bay dân sự lẫn máy bay quân sự vẫn không kịp với tình hình. Có lẽ phải dùng đến máy bay lên thẳng và lực lượng lính thủy đánh bộ. Kissinger phản đối.
Sáng thứ hai, ông công kích Schlesinger, lên án bộ quốc phòng quá nặng nề bảo vệ uy tín cá nhân nên đã tuyên bố lung tung với các nhà báo. Kissinger nhấn mạnh: Mặt khác, cuộc di tản cấp tốc những người Mỹ còn ở lại Sài Gòn sẽ gây hoảng loạn, điều mà Martin rất lo ngại. Sau đó, Kissinger ra lệnh cho Martin cho di tản càng nhanh càng tốt nhân viên phái bộ quân sự, trước khi phải sứ dụng đến máy bay lên thẳng. Bất bình về cuộc xung đột nổ ra giữa hai bộ trưởng, hai viên chức nhỏ của bộ ngoại giao Lionel Rosenblatt và Craig Johnstone quyết định giúp những người bạn Việt Nam. Họ xin nghỉ phép năm, mua vé máy bay đi Sài Gòn. Mấy giờ sau khi tướng ngoại giao Habib biết tin này, ông yêu cầu Martin đuổi ngay họ về Mỹ. Nhưng hai viên chức ấy đã kịp chặn điện của Habib, đại sứ không nhận được.
Những ngày sau, Rosenblatt và Johnstone làm việc ở khách sạn Caravelle 24 giờ trên 24 giờ. Họ bí mật đưa danh sách những người Việt Nam sang trung tâm phân loại của phái bộ quân sự. Khi họ trở về Mỹ, họ gầy mất mấy kí lô nhưng đã đưa đi di tản được 20 nhân vật Việt Nam quan trọng và gia đình những người này, nghĩa là tất cả hai trăm người mà không một ai có dấu xuất cảnh. Đó là những người cộng sự đắc lực của Mỹ đã tham gia việc khủng bố cộng sản.
Thứ hai, 21 tháng 4, đô đốc Gayler cho cầu Hàng không hoạt động suốt 24 giờ, máy bay C.141 bay ban ngày, máy bay C.130 bay ban đêm. Thoạt đầu, mỗi máy bay chở một trăm người, nhưng sau hạn chế cho mỗi người chỉ được đem theo một va li nên chở được gấp đôi. Hơn 1.500 người Mỹ và Việt Nam, tăng gấp ba lần hôm trước, được di tản đến căn cứ không quân Clark ở Philippines trong 12 giờ. Ở đấy đã có hơn ba nghìn người tị nạn, họ ở trong một làng dựng tạm bằng nhà bạt trên sân chính của căn cứ, người ta gọi làng ấy là làng "vui trên bãi cỏ".
Cơ quan CIA từ lâu đã đề nghị với Lầu Năm Góc dành riêng cho mình một số máy bay để rải rác ở Tây Thái Bình Dương. Nhưng nay có cầu hàng không quân sự, chúng tôi nghĩ là không thể lấy được máy bay. Để thay thế, John Pittman đề nghị với Bộ chỉ huy CIA cho phép lấy tất cả những máy bay chở hàng bay đi Đài Loan, Thái Lan, Singapore làm máy bay chở khách đến các nơi ấy. Bộ chỉ huy bác bỏ, Shackley nói: Không nước nào chịu nhận những người Việt Nam đã được CIA che chở. Việc bác bỏ ấy làm chúng tôi bực mình. Một đồng nghiệp liền gọi cho Frank Scotton, phân xã trưởng Hoa Thịnh Đốn, Thông tấn xã Hoa Kỳ, đề nghị Scotton thuyết phục Shackley. Thông tín viên bí mật, một nhân viên quan trọng và có kinh nghiệm ấy nói với Scotton: "Chúng tôi đang ở vào tình thế cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi phải có ngay một cầu hàng không máy bay lên thẳng. Martin thì bất lực, Polgar thì bối rối. Anh nhờ Scotton nói với các quan chức ở Hoa Thịnh Đốn cố gắng can thiệp. Scotton biết rõ tình hình Sài Gòn lúc bấy giờ liền đến bộ chỉ huy CIA, Colby được nghe chuyện. Ông hỏi căn cước thông tín viên bí mật xem anh ta có đủ tư cách đánh giá tình hình không. Người ta cho ông biết tên. Ông nói: Thông tín viên này không biết rõ tình hình chung, không cho máy bay bay ngay! Thực tế, thông tín viên này biết rõ tình hình như đếm đầu ngón tay. Chính tôi đã nói cho anh rõ tình hình quân sự mấy ngày nay. Với địa vị cao và sự hiểu biết của anh, tôi tin rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ đồng ý. Một lần nữa, tôi đã lầm.
Thông tín viên bí mật và tôi không phải là những viên chức CIA duy nhất đề nghị can thiệp. Larry Dows, trùm chi nhánh Cần Thơ, liên tiếp gửi điện cầu cứu cho Sài Gòn, xin máy bay lên thẳng để chở nhân viên người Việt Nam. Không ai trả lời anh ta. Bill Johnson, viên chức ở chi nhánh CIA Sài Gòn, bất chấp thể lệ hành chính. Chiều 21 tháng 4, anh và nhiều đồng nghiệp, bí mật hoạt động, làm cho việc di tản đạt kết quả lớn nhất. Đó là việc chuyển đi đài phát thanh tối mật của CIA mà thường được gọi là "ngôi nhà số 7".
Đài này được thành lập từ sau ngày ngừng bắn do lệnh của Kissinger để tuyên truyền, loại trừ ảnh hưởng của Bắc Việt Nam và Việt cộng. Người ta gọi là đài "radio xám" cũng được vì nó hoạt động như một đài không cộng sản nhưng không có quan hệ gì với chính phủ. Ở Sài Gòn, Johnson được giao trách nhiệm phụ trách đài. Anh cho làm những studio hiện đại đặt trong những ngôi nhà tồi tàn cũ kỹ ở số 7 đường Hồng Thập Tự - do đó có tên "ngôi nhà số 7" - sau đó còn thiết lập 5 đài nữa, mỗi đài truyền tin trên một làn sóng riêng. Đài dùng mật mã "bà mẹ Việt Nam" có hiệu quả nhất. Tiếng nói phụ nữ quyến rũ, âm nhạc gợi nhớ quê hương và nhiều tin vui đánh vào lòng binh lính Bắc Việt Nam đang lội trong bùn lầy đồng ruộng làm cho họ nhớ cha mẹ, vợ con... Tin chính trị được nói bằng một giọng tình cảm khơi trong họ ý thức hòa hợp dân tộc, coi trọng gia đình là những đức tính tốt của nhân dân Việt Nam. Bản thân phát thanh viên cũng có hai mặt, là hai phụ nữ tiếng nói rất khác nhau. Người có tuổi là Mai Lan có vẻ đẹp kiều diễm, đã học ở Hoa Kỳ, bố là một nhân vật cao cấp trong chính phủ Thiệu. Hoàn toàn Âu hóa, chiều chiều, chị làm mê những lòng người nghe bằng những bài hát dân ca nói về đất nước mà chị ít biết. Đầu tháng tư, Johnson nói với đài số 7 anh sẽ cố gắng đảm bảo an ninh cho họ. Anh đã đề nghị với Polgar và bộ chỉ huy CIA cho anh chuyển đài ra khỏi Việt Nam, tiện hơn cả là sang Thái Lan, nhưng Shacklay và Polgar không nghe. Johnson không nản lòng. Anh xin được phép chuyển mọi người ra đảo Phú Quốc, ngoài biển. Đêm 24 tháng 4, hai máy bay C. 46 và C.47 hãng Hàng không Mỹ bắt đầu di chuyền. Bốn ngày sau, 141 nhân viên người Việt Nam giúp việc ở ngôi nhà số 7, và gia đình họ, tổng cộng một nghìn người, bình yên vô sự, thoát khỏi Sài Gòn.
Ngày cuối cùng cuộc chiến tranh, một trăm nghìn người tị nạn ở Phú Quốc biểu tình. Một đại diện của đài phát thanh bị giết chết. Những nhân viên khác được tàu Pioneer Challenger chở đi đảo Guam. Johnson phải "khóc" một người nhưng đã giữ được lời hứa với tất cả nhân viên.
Ngày 22 tháng 4, tôi viết vào sổ tay: bắt đầu sắp xếp hành lý. Một việc đáng buồn. Sẽ mất hết. Vì có việc riêng, tôi đi gặp Polgar. Nhân viên hậu cần bảo tôi có gì thì để cả ra giữa phòng ấy. Người ta sẽ đóng gói cho anh. Sứ quán cũng trở thành con ốc rỗng. Hành lang đầy gói, dọc đường, xếp chật hòm. Hàng trăm người Việt Nam, ngồi trên ghế vải gấp, trước lãnh sự quán, chờ giấy tờ hoặc xin dấu xuất cảnh. Cả những người giàu có, tầng lớp đã Âu hóa cũng đánh nhau để dành một chỗ trong chuyến bay chở người tị nạn. Một số đông chưa hề bán mình cho chúng tôi ngày nào, nay cũng sẵn sàng làm việc đó để được ra đi. Một tin đăng trên tờ Sài Gòn Post hôm nay: Nữ sinh viên trẻ, đẹp, 18 tuổi, đỗ tú tài, biết chơi dương cầm, con một gia đình khá giả, muốn làm con nuôi hoặc kết hôn với một người nước ngoài quốc tịch Mỹ, Pháp, Anh, Đức hay nước nào khác có thể đưa cô ta sống ở nước ngoài để tiếp tục học tập. Tiền phí tổn cô chịu...".
21 giờ sau khi Thiệu từ chức, nhịp độ tản cư tăng gấp đôi. Thứ ba, ngày 22, hơn ba nghìn người rời Sài Gòn nhờ phái bộ quân sự can thiệp. Như vậy từ đầu tháng đến nay đã có hơn mười nghìn người. Mỗi giờ có hai máy bay chở hàng Mỹ cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất. Hoa Thịnh Đốn lại giảm nhẹ thể lệ nhập cảnh một lần nữa để tăng nhịp độ di tản: Ngày 22 tháng 4, theo đề nghị khẩn cấp của Kissinger, thượng nghị viện đã thông qua luật bãi bỏ những trở ngại cho 130.000 người nước ngoài từ Đông Dương sang vào nước Mỹ, trong số này có 50.000 người tính mạng bị uy hiếp. Bộ Tư pháp cho áp dụng ngay luật này. Đó là sự nhượng bộ lớn của quốc hội và cơ quan nhập cư. Bình thường, mỗi năm chỉ cấp cho một nước 20.000 hộ chiếu. Trước đây đã có một trường hợp rộng rãi như trên: đó là vào đầu thập kỷ 60, cho phép 60.000 người di tản Cu ba vào Mỹ sau thất bại ở vịnh Con Heo.
Ở trung tâm phân loại của phái bộ quân sự, việc giảm nhẹ thể lệ không thay đổi gì tình hình vì luật và thể lệ đã được thay bằng sự linh động rồi. Do đó, sau khi Thiệu từ chức, thiết quân luật bắt đầu từ 8 giờ tối, các viên chức phụ trách di tản quyết định để cho những người tị nạn ngủ lại ở nhà phụ và họ làm việc suốt 24 giờ. Căn nhà để phân loại bỗng chốc giống như một hội chợ lúc đóng cửa. Một người kể lại: "Nóng ghê gớm. Lúc mọi người ở lại, phải chú ý mọi cái. Hành lý vất lung tung, phòng vệ sinh bị đóng cửa. Nhiều người Việt Nam bị ốm vì sợ. Chúng tôi phải lấy rào chắn không cho đi lại".
Chịu trách nhiệm về sự lộn xộn ấy là Moorefield, một viên chức phụ trách hoạt động di tản, đúng ra là vì anh quá rộng lượng. Anh giải thích, tôi phải tìm mọi cách giúp đỡ hàng đống người bị bỏ lại. Đáng lẽ viên chức cơ quan thông tin Mỹ đi với nhân viên các hãng tư nhân nhưng có điều gì đó không ổn, họ phải ở lại. Nhân viên tổ chức World Vision và nhiều tổ chức từ thiện khác mắc kẹt ở phái bộ quân sự, không có ai che chở ngoài một người Việt Nam. Nhân viên nhiều công ty Mỹ cũng thế. Họ đến phòng làm việc của tôi đưa cho tôi một tài liệu vu vơ và nói: Người ta hứa giúp chúng tôi. Đúng, họ xứng đáng được giúp đỡ nên tôi không có cách nào khác là tạo điều kiện cho họ đi. Lại còn vấn đề dở khác là vấn đề tỷ lệ, chỉ tiêu nữa. Nhiều người đã giữ chỗ từ trước. Chúng tôi không biết còn bao nhiêu chỗ sau khi những kẻ ở phái bộ quân sự và sứ quán gửi những giấy "đặc biệt vào"!
Cứ 20 phút tôi lại gọi dây nói cho sứ quán xin ý kiến. Nhưng rõ ràng không ai kiểm soát được việc gì nữa. Lúc đó tôi bắt đầu làm theo ý riêng. Khi Rosenblat hoặc một nhân viên CIA nào dẫn một người Việt Nam đến nói rằng người này ỡ lại sẽ bị nguy hiểm, thế là tôi đóng dấu cho đi. Không hỏi thêm điều gì nữa. Viên chức bậc thấp người Việt Nam được Moorefield sử dụng cũng trở thành vấn đề. Anh kể lại: Thỉnh thoảng tôi ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy mọi người đã thu xếp xong hành lý và đi rồi. Sau này tôi mới biết nhiều người trong bọn họ chuồn đi với những cặp giấy thông hành, đem ra chợ bán theo giá chợ đen, đắt kinh khủng.
Chiều thứ ba, 22 tháng 4, đám người tị nạn ở căn cứ không quân Clark ở Philippines tràn qua khu vực đón tiếp như nước vỡ bờ. Ở Hoa Thịnh Đơn, lực lượng can thiệp đã dự kiến tình hình di tản, vội báo cho chính quyền ở đảo Guam chuẩn bị đón mỗi ngày năm nghìn người tị nạn, sẵn sàng cho họ ăn, ở trong 90 ngày. Chỉ mấy giờ sau, những người tị nạn đã được đưa đến căn cứ không quân Anderson ở Guam, được ở trong những baraque bằng kim loại gọi là thành phố đồ hộp. Phi công Mỹ lái máy bay B.52 trước kia cũng ở đây khi đảo này là bậc nhảy của những đoàn máy bay đi ném bom ở Bắc biệt Nam.
Thoạt tiên, các viên chức cơ quan nhập cư ở Guam và Clark áp dụng triệt để luật pháp. Giấy tờ của người tị nạn được kiểm tra, kiểm soát cẩn thận đề phòng nhầm lẫn và giấy giả. Tội phạm hình sự, gái điếm, người nghiện cần sa đều được vạch mặt và cho cách ly. Nhưng chỉ một, hai ngày sau, số người tị nạn quá đông, không còn kiểm soát, kiểm tra được gì nữa. Nếu làm việc cẩn thận như cũ thì các viên chức cơ quan nhập cư sẽ gây ách tắc và ngăn cản cầu hàng không hoạt động. Cũng như Moorefield và nhiều người khác ở Sài Gòn lúc đầu, họ cố làm hết sức mình để công việc chạy.
MỘT Ý NGHĨ QUÁ GIẢN ĐƠN
Mặc dù việc di tản tiến triển nhanh, quốc hội cũng không bằng lòng. Ở phủ tổng thống, người ta nghi ngờ. Có phải chính phủ muốn hoãn việc tản cư người Mỹ lại để đưa người Việt Nam đi trước không? Một thượng nghị sĩ nói với các nhà báo: chúng tôi không muốn ở Sài Gòn còn quá số người Mỹ mà một máy bay lên thẳng có thể chở được".
Nhà Trắng cố dập tắt những lời công kích ấy bằng cách hứa một lần nữa, sẽ rút cộng đồng người Mỹ xuống còn 1.500 người trong mấy ngày tới. Lầu Năm Góc cho biết hạm đội di tản sẽ được tăng cường để có một cầu hàng không lớn máy bay lên thẳng sẵn sàng phục vụ. Nhưng điều đó chưa làm quốc hội vừa lòng. Nhiều nghệ sĩ phê phán chính phủ muốn nhảy vào một cuộc chiến tranh mới. Phía Bắc Việt Nam cũng bất bình. Đài phát thanh Hà Nội cảnh cáo: "Thái độ ấy có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm. Trong một bài diễn văn đọc chiều thứ tư ở Trường đại học Tulane, tổng thống Ford cố đánh tan những điều lo ngại ấy. Ông tuyên bố: Đối với Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh Đông Dương đã chấm dứt, ông đề nghị đất nước thôi không lao vào những cuộc đấu tranh, tranh cãi như trước. Ông nói: Một số người tưởng rằng nếu chúng ta không đạt mọi thắng lợi ở mọi nơi thì chúng ta không thắng lợi ở đâu cả. Tôi phản đối sự khẳng định ấy. Chúng ta có thể có nhiệm vụ giúp đỡ người khác để họ tự giúp họ. Nhưng số phận của những người đàn ông, đàn bà khắp thế giới này, nói chung, cuối cùng nằm trong tay họ. Ở Sài Gòn, phía bên kia trái đất, 18 sư đoàn Bắc Việt Nam được nhiều đơn vị xe bọc thép, pháo binh yểm hộ, đang tiến như gió mùa. Sự có mặt của họ thể hiện suốt ngày bằng những trận đánh phục kích. Một Ô tô buýt bị đổ trên đường Sài Gòn - Tây Ninh. Ở quốc lộ số 14, cách Sài Gòn 21 kilômét về phía Tây Nam, một cuộc đột kích xảy ra. Trên đường Xuân Lộc - Biên Hòa, sự uy hiếp mỗi lúc một tăng. Trạm ra đa ở Phú Lâm cách Sài Gòn mấy kilômét lại bị đặc công tiến công. Nhưng lần này, những kẻ bảo vệ không muốn chống cự nữa, vừa nghe tiếng súng, họ đã bỏ chạy. Sân bay Biên Hòa đã đóng cửa. Lãnh sự quán cũng thế. John Stockwell trở lại Sài Gòn lần cuối cùng, vào thứ tư ngày 23 tháng 4, xem người Việt Nam của anh được di tản chưa. Chỉ còn mấy tên lính gác người Nùng ở lại trụ sở. Dick Peters, tổng lãnh sự, chờ đến chiều, phút cuối cùng, mới đi, không phải vì anh nhận rõ trách nhiệm mình là người chỉ huy mà vì khôn ngoan thôi!
Anh báo cho sứ quán: Anh không thể về Sài Gòn nếu không có một máy bay lên thẳng hộ vệ. Sự cẩn thận ấy có vẻ đúng vì trên đường đi, anh gặp nhiều lính tức giận bắn vào mui xe anh!
Trong khi tướng Dũng khép chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn, thì Kissinger cố gắng sử dụng thì giờ còn lại. Trong một điện gửi cho Martin, sáng 23 tháng 4, ông nói: Có hai giải pháp: hoặc là cố cứu chính quyền Hương trong một lúc, hoặc là thực hiện kế hoạch của người Pháp, thiết lập một chính quyền mà cộng sản có thể chấp nhận. Ông nghiêng về giải pháp thứ nhất. Martin chấp hành lệnh của Kissinger rất nghiêm chỉnh và tin rằng nhân viên của ông cũng làm như thế. Khi Polgar xin phép đi mua một số nghị sĩ Sài Gòn để mau chóng đưa Minh lên cầm quyền thì Martin không muốn nghe nói nữa. Ông nhấn mạnh: Người Nam Việt Nam phải quyết định lấy số phận của họ, không có sự can thiệp của người Mỹ!
Đó là việc Nam Việt Nam vẫn làm nhưng họ thường không thấy việc gì sẽ đảm bảo hơn sự sống còn của họ. Về phần Minh, vẫn là người chỉ phù hợp với việc thay đổi chính phủ bất chấp Hiến pháp, ông ta cho rằng chỉ có ông ta mới cứu được nước này, với nói chuyện được với cộng sản. Minh nói với Viên và nhiều người khác: Không khi nào ông ta chịu để Hương bố nhiệm ông làm bộ trưởng. Ông chỉ chấp nhận một chức vụ tổng thống với điều kiện chức vụ ấy do một khối liên hợp trung lập phong. Còn Hương, khốn khổ cho anh chàng giữ nhà ấy, vẫn có tham vọng đóng vai quốc trưởng, mà ông tưởng làm quốc trưởng thật. Hương nói với đại sứ Pháp Mérillon: Thiệu đã trốn tránh trách nhiệm. Nay trách nhiệm thuộc về tôi. Để tỏ rõ quyền lực của mình, Hương ra lệnh gỡ những tấm băng và áp phích chống cộng sản trong thành phố. ông cho một cộng tác viên đến sân bay Tân Sơn Nhất thăm dò xem có thể mở cuộc thương lượng với Doàn đại biểu Bắc Việt Nam trong ủy ban hỗn hợp quân sự không. Sáng thứ năm 24 tháng 4, Hương còn lợi dụng cả sự thất trận để nêu cao đạo đức hòa bình của mình. Ông nói với Viên ra lệnh cho quân đội chỉ phòng thủ thôi để tỏ rõ cho cộng sản biết chủ trương hòa bình thật sự của Sài Gòn.
Cử chỉ ấy dù tốt nhưng nhiều tướng của Viên phản đối. Mặc dù họ không có ảo tưởng gì về khả năng kháng cự của quân đội, họ muốn cho cộng sản nếm lần cuối cùng, mùi sắt thép. Nếu có thương lượng thì chỉ có hai bên. Hôm trước, chỉ mấy giờ sau khi Thiệu từ chức, tướng Toàn, tư lệnh Quân khu III còn gợi ý đề nghị máy bay B.52 của Mỹ ném một trận bom cuối cùng. Viên đã gạt bỏ ý kiến ấy do nhiều nguyên nhân hiển nhiên. Khác với Toàn, ông biết không còn máy bay B.52 nữa. Nhưng gợi ý làm ông nghĩ đến những trận ném bom hồi trước. Được sự giúp đỡ của kỹ thuật viên phái bộ quân sự Mỹ, phi công Nam Việt Nam đã lắp vào máy bay một loại bom đặc biệt do Von Marbod và Weyand đưa sang hồi đầu tháng: đó là một vũ khí đáng sợ: bom CBU. 55.
Vũ khí ấy gây khủng khiếp vào chiều thứ ba. Một máy bay C.130, mang theo bom CBU.55 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất bay về Xuân Lộc, ném xuống bên ngoài một thị trấn cộng sản vừa chiếm được. Thiệt hại nặng nề. Hơn 250 lính Bắc Việt Nam biến thành tro bụi hoặc bị chết ngạt vì thiếu không khí lúc bom nổ. Đài phát thanh Hà Nội lập tức lên án Hoa Kỳ và Năm Việt Nam là đồ man rợ, ném bom vi trùng!
Giữa sự phản kháng ấy, nhiều máy bay chở bom Daisy Cutters, một loại bom lớn 7.500 kilôgam, dùng để san bằng đất dùng nơi đỗ cho máy bay lên thẳng và chở bom bi 250 kilôgam, ném xuống các đơn vị cộng sản chung quanh Xuân Lộc. Ngoài ra còn một trận đánh vào đoàn xe chở tên lửa Sam-2 ở phía Đông Bắc Quân khu III. Lần này, dùng tên lửa Wild Weasel và do máy bay Mỹ phóng. Cả Polgar lẫn các nhân viên tình báo khác của ông cũng không hề biết máy bay Mỹ lại trở lại chiến trường. Cộng sản phản kháng ngay tức thì. Chỉ mấy giờ sau trận ném bom CBU, cuộc bắn phá sân bay Biên Hòa tăng cường, các đường băng hỏng hết. Một vài máy bay phản lực F.5A còn lại vội bay về Sài Gòn. Còn những máy bay A.37 cất cánh đi Cần Thơ. Đúng lúc Sài Gòn dồn sức cho một trận đánh cuối cùng thì cuộc đàm phán chính trị mà Kissinger hằng thiết tha mong muốn tắt ngấm ở chân trời...
Về phía tướng Dũng, ông xem lại lần cuối cùng kế hoạch tiến công. Chiều thứ năm; tướng Lê Trọng Tấn, chỉ huy mặt trận Xuân Lộc - Biên Hòa đề nghị ông cho phép đánh sớm hơn ngày dự kiến - ngày 26 tháng 4 - để có thể đặt đại bác ở Nhơn Trạch kiềm chế và bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất ba ngày sau đó. Trong 12 giờ, tướng Dũng không trả lời đề nghị đó. Trong lúc đó, Quang Tấn, chỉ huy xe bọc thép, nghiên cứu chi tiết bản đồ trung tâm Sài Gòn. Buổi sáng, ông được tin sư đoàn xe bọc thép 203 của ông có nhiệm vụ xung phong vào thủ đô Nam Việt Nam. Ông được vinh dự cao cả chiếm dinh tổng thống. Ông rất xúc động nhưng cũng rất bận. Chiều 24 tháng 4, quân của ông chưa sẵn sàng, hai đơn vị chưa hành quân tới. Mặt khác ông chưa rõ "mục tiêu" của mình ở đâu, chưa đến Sài Gòn bao giờ và chưa biết phố xá và vùng phụ cận thành phố ra làm sao. Ông chỉ dựa vào những bản đồ của Hà Nội, những bản đồ vẽ, in vội vàng. Quân của tướng Dũng cũng tỏ ra phần nào chểnh mảng trong việc chuẩn bị chiến đấu. Những tin tức radio đánh đi không hoàn toàn bằng mật mã khá rõ đối với cơ quan thu tin của chúng tôi: cuộc tiến công vào Sài Gòn sắp đến nơi rồi. Nhưng Polgar vẫn chưa tin. Ông nói với tôi ngày thứ năm: Có thể quân cộng sản định lừa chúng ta bằng những bức điện như thế để chúng ta mắc bẫy và lo sợ.
Trong khi Martin và Polgar trực tiếp tìm kiếm một dấu hiệu chính trị nhỏ nhen nào đó thì Mérillon và nhân viên sứ quán Pháp vẫn tỏ ra tin tưởng. Chiều 24 tháng 4, mười nghìn công nhân Pháp trong thành phố được lệnh là không động đậy gì vì sắp có ngừng bắn. Kết quả là một số đông người Pháp định giúp bạn bè và người quen Việt Nam di tản thôi không hoạt động nữa. Một số phần tử trong cộng đồng người nước ngoài không dễ dàng bị lừa. Sáng thứ năm, bốn đại sứ quán đóng cửa hẳn. Không một sứ quán nào ra đi có danh dự. Sứ quán Anh và Canada bỏ mặc nhân viên. Đại biện lâm thời Canada, với giọng cáu kỉnh, giải thích với các nhà báo rằng không phải ông ta có nhiệm vụ giúp những người di tản khi những người này chỉ có những giấy tờ không hợp lệ!
Sứ quán Đài Loan lại còn tồi hơn, không những bỏ rơi các nhân viên, mà còn để mặc một nghìn kiều dân Trung Hoa quốc gia trong thành phố, trong số này có nhiều người làm điệp viên tình báo. Noi gương khu vực sứ quán, phần lớn các hãng dầu và hàng không nước ngoài đều ngừng hoạt động hôm đó. Cả hãng Hàng không Pan Am cũng chấm dứt những chuyến bay mỗi tuần hai kỳ. Khác với giới ngoại giao, giới buôn bán gặp nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ người Việt Nam mà họ chịu trách nhiệm. Đại diện các hãng Chase Manhattan, First National City Bank và Bank of American, đã trở lại Sài Gòn (sau khi vội vã rời thủ đô trước đó ) để di tản các nhân viên người bản xứ. Nhiều hãng nhỏ định thuê chung một máy bay đặc biệt đi Bangkok. Cuối cùng, vào đầu tuần, bộ ngoại giao đã giải quyết được vấn đề bảo hiểm cho chuyến bay quân sự chở 220 triệu đola vàng của ngân khố Việt Nam, từ Sài Gòn đến New York. Những người chịu trách nhiệm ở Bộ kinh tế phụ trách việc đóng gói. Máy bay sẽ đến sáng ngày 25 tháng 4. Nhưng đến phút cuối cùng lại có trục trặc.
Sáng thứ năm, bộ trường kinh tế Nguyễn Văn Hảo, báo cho Dan Ellerman, cố vấn kinh tế của Martin, biết tổng thống Hương đã ra lệnh hoãn chuyến máy bay đó cho đến lúc chính phủ mới được thành lập. Martin cố thuyết phục Hương bỏ lệnh ấy. Không có kết quả. Ông quyết định để nguyên số vàng tại chỗ cũ, ra lệnh cho Ellerman giữ máy bay lại cho đến đêm 27 tháng 4. Martin hy vọng nhờ được Hảo. Nhưng ngay sau khi thất thủ Sài Gòn, nhiều nguồn tin cho tôi biết Hảo từ lâu là người của cộng sản. Đầu tháng tư, nhiều cán bộ Bắc Việt Nam bảo đảm với Hảo rằng: Sẽ được chế độ mới đối xử khoan hồng nếu ông ta ngăn không cho chở số vàng trên ra khỏi nước này. Hảo không phải là đảng viên cộng sản nhưng ông ta là một thanh niên sôi nổi, phần nào lý tường hóa. Hảo tin vào những lời nói của cộng sản. Không những Hảo từ chối không di tản mà còn nhờ mánh khóe lễ phép, ngăn cản Ellerman chiếm số vàng trên. Dự trữ 220 triệu đôla bằng vàng nằm trong một ca bin máy bay vận tải ở sân bay Tân Sơn Nhất lúc quân của tướng Dũng chiến thắng tràn vào thành phố.
Chiều thứ năm, khi tôi trở về nhà, Tư Hà bận trong bếp. Cô khua xoong chảo để làm át tiếng súng đại bác nổ ở phía Biên Hòa. Cô chẳng chào tôi nữa. Một tuần nay, cô có vẻ sợ hãi và do dự hết mức, có cảm giác như lúc nào cô cũng bị say thuốc. Đứng ở cửa, nghe cô nói, tôi đã có một quyết định tốt trong ngày. Nếu tôi điên, đến phút cuối cùng còn muốn chơi trò anh hùng, thì tôi không có quyền gì đòi cô phải chơi trò ấy. Tư Hà và gia đình cô chẳng có gì phải giấu giếm và sợ cộng sản cả. Chưa bao giờ họ ủng hộ mạnh mẽ chính phủ hoặc tâng bốc quá cao người Mỹ. Có thể bố mẹ cô lo sợ khi biết tin cô quan hệ tốt với một "con mắt tròn". Chưa bao giờ ông bà ấy biết rằng cô đã làm chiêu đãi viên mấy năm nay trong các tiệm ở Vũng Tàu và đường Tự Do.
Tuy nhiên, nếu cộng sản hiểu lầm quá khứ của cô và quan hệ giữa cô với người Mỹ thì cái gì sẽ xảy ra? Phải tính đến chuyện đó dù đó là việc nhỏ. Trong bữa cơm chiều, tôi hỏi cô ta muốn làm gì. Cô vừa nức nở khóc vừa nói: Tôi sợ đi Mỹ lắm nhưng ở lại cũng không yên tâm. Tôi vừa lúng túng gắp thức ăn bằng đũa, vừa nói: Có cách lấy giấy tờ cho cô đi, và có người nhận nuôi cô. Cô ngồi yên một lúc, rồi hỏi tôi một câu rất quan trọng mà tôi không thể trả lời được: Việt cộng có giết tôi không? - Tôi không biết. Tôi bảo cô chuẩn bị 12 giờ nữa sẽ đi. Cô nhìn tôi với vẻ van nài. Cô nói lí nhí: "Còn việc này nữa - hình như cô sợ phải nói đến việc đó - tôi có thể đem theo gia đình được không?". Tôi không biết đã giảm nhẹ thể lệ giấy tờ, nên trả lời: không thể được". Sáng hôm sau, Joe Kingsley và tôi phân công nhau. Từ nay, Joe trông nom việc di tản các bạn Việt Nam của chúng tôi, còn tôi phụ trách công việc bàn giấy. Anh kêu lên: "Như thế tốt quá, tôi đã khá mệt với những trò phân tích, báo cáo rồi. Dù thế nào, không còn ai quan tâm đến nữa. Tôi hiểu anh muốn nói gì. Trong những giờ sau, Kingsley thu thập giấy tờ giả mạo, nói với một người bạn cũ làm người bảo lãnh và đưa Tư Hà ra khỏi nước này. Moorefield gọi dây nói từ sân bay Tân Sơn Nhất về báo cho biết, họ đã có chỗ đề bay đi. Trong lúc đó, Tư Hà và cha có cố rút tiền gửi ở Ngân hàng ra, khoảng hơn một nghìn đôla, ngoài việc cô có ý định rời thành phố này một thời gian. Lúc cô trở về nhà chuẩn bị hành lý thì mẹ cô đi chợ.
Ăn cơm sáng xong, Tư Hà đến nhà tôi, xách theo va li. Cô gửi cô sen của tôi một bức thư trao cho bố mẹ cô, trong thư cô giải thích việc ra đi. Hai giờ sau, Kingsley đến dẫn cô ra sân bay. Trước khi từ biệt chỗ phân loại, Kingsley đưa cho cô một phong bì, trong đó, tôi để một nghìn đôla. Tám giờ sáng hôm sau, Tư Hà, người bạn Mỹ và nhân tình người Việt Nam của anh ta lên một máy bay C.141 của không quân Mỹ. Chuyến bay lạnh lẽo, mất 9 giờ. Nhiều khách đã bị ốm. Phòng vệ sinh không dùng được, không có gì ăn uống. Nhưng cái làm Tư Hà xúc động là sự yên lặng trong ca-bin. Các bạn đồng hành người Việt Nam của cô, lẳng lặng khóc nức nở, không nói một lời!
Khi máy bay hạ cánh xuống Guam, đã 4 giờ chiều. Nhân viên hải quan phân phát bánh biscuit và cháo. Đêm đầu tiên, Tư Hà và 11 người khác ngủ trên sân gỗ một túp nhà dài, rộng mỗi chiều một mét. Sáng sớm, đàn ông, đàn bà đều muốn đi tắm nhưng không có nước. Tư Hà ở trên đảo hơn sáu tuần, ngày ngày ngồi trong túp nhà tồi tàn ấy. Các nhà chức trách cơ quan nhập cư khám phá thấy giấy tờ của cô giả mạo, từ chối không cho cô đi Mỹ với lính thủy hoặc nhân viên nhập cư để được tiếp tục vào Mỹ.
Tư Hà phải mất tiền mới được thả. Một bạn cô, người Việt Nam, có nhiều người bảo lãnh ở California bán cho cô một giấy chứng nhận lấy một trăm đola. Nhờ đó có giấy xuất cảnh và một địa chỉ rõ ràng. Cặp vợ chồng đón cô ở bên bờ biển phía Tây là vợ chồng một sĩ quan đã nghỉ hưu. Họ có vẻ hiền và dễ thân như người nhà. Nhưng chỉ một, hai tuần sau, anh chồng đã tán tỉnh Tư Hà bị người vợ bắt được và đuổi cô đi. Chắc chắn Tư Hà sẽ có nhiều bạn trẻ, những thanh niên California vì thấy cô lạ và quyến rũ. Nhất là trong túi cô lại có nhiều tiền. Họ sẽ dẫn cô đi ăn cơm tối, đi xem chiếu bóng và chị chị tôi tôi mời cô trả tiền cho mọi người. Chẳng mấy lúc, cô hết một nghìn đôla và họ sẽ bỏ rơi cô!
Thất vọng, cô bé viết cho hai vợ chồng một cô bạn Việt Nam đang sống ở Nouvelle Orléans, đề nghị cho cô đến ở nhờ. Mấy tháng sau khi Sài Gòn thất thủ, tôi mới tìm thấy Tư Hà. Nhờ khéo xoay sở, cô đã nhận làm người may vá và có một phòng ở. Với giọng nói trọ trẹ, cô bắt đầu sử dụng những tiện nghi mới nhất của Mỹ.
MỘT NGƯỜI LÁI XE CÓ CỠ
Sáng 25 tháng 4, đài phát thanh Sài Gòn dựng đứng lên một tin giật gân: Có người bị ám sát ở Hà Nội v.v... Tưởng rằng có thể đánh lừa được mọi người nhưng ai cũng biết đó chỉ là chiến tranh tâm lý. Nhà chức trách Sài Gòn tung tin này đề hòng lung lạc tinh thần quân đội Bắc Việt Nam đang ở cửa ngõ thủ đô. Phần lớn người Sài Gòn đều thấy đó là một tin ngớ ngẩn. Họ không buồn mở đài để nghe thêm chi tiết nữa. Quân Bắc Việt Nam cũng không hề xúc động. Chỉ có những nhà báo Mỹ là những người nghe và tin rằng tin này có thật. Trong buổi sáng, tôi nhận được không biết bao nhiêu cú điện thoại của các nhà bao quen thuộc hỏi lại tin trên. Tôi trả lời; Đó là trò đùa tồi của Sài Gòn. Hôm ấy, tôi viết vào số tay: thành phố là một lò than".
Người ta chiếu cuốn phim mới nhất của John Wayne trong một rạp rỗng không ở giữa thành phố. Không ai còn cần có cảm xúc mạnh trong lúc sự thật đã quá căng thẳng. Như thường lệ, tiền là thước do tinh thần. Ngoài chợ đen, một đôla trị giá năm nghìn đồng. Hôm qua, hôm kia chỉ có ba nghìn. Ít con gái ra đường. Theo một anh bạn nhà báo, những cô gái xinh của bar Mini sáng nay đã đưa hành lý lên một chiếc xe Chevrolet. Một người Mỹ tháo vát đã tìm cách đưa họ lên tàu "Chim tự do".
Ở sứ quán, một tình bạn giả tạo nấy nở giữa chúng tôi là những người được coi là "cần thiết phải ở lại". Có những đồng nghiệp chưa hề nói chuyện với nhau nay trở thành bạn tri kỷ. Họ ăn sáng (rất nhanh) với nhau và kể cho nhau nghe những chuyện về nguồn gốc xã hội của đại sứ, thái độ của ông và về kế hoạch của cộng sản. Tình thân hữu ấy lúc này rõ ràng là một nhu cầu chung. Con sen, người đầu bếp, em bé đánh giầy đều vắng cả, chẳng có ai giúp chúng tôi làm những việc lặt vặt. Phải sát cánh lại với nhau. Vợ một viên chức bộ ngoại giao (một phụ nữ duy nhất còn lại) nhận nấu ăn cho chúng tôi trong khách sạn ở đằng sau sứ quán, người quản lý nhà tôi ở, cũng nhờ được bà hàng xóm rủ mấy người đến làm cơm cho chúng tôi. Mặc dù Tư Hà đã ra đi. tôi vẫn xoay sở được. Tuy nhiên, một cô thư ký nhắc tôi: Quần áo và sơ mi của anh bẩn rồi đây! Tôi tiếp tục cố gắng cung cấp tin cho bạn bè và đồng nghiệp. Tôi tự bảo phải nắm được tin chứ không được bịa ra. Hôm nọ, Eva Kim bảo tôi, mỗi khi trông thấy tôi vào phòng đại sứ với bản báo cáo trong tay, tim chị lại đập thình thình! Tôi có cảm giác đi khắp mọi nơi, từ phòng đại sứ sang phòng Polgar, trở về phòng tôi. Tôi nghiên cứu, phân tích tình hình rất nhanh. Qua những tin mỗi lúc một nghèo nàn, tôi tìm xem có hy vọng mỏng manh nào không. Polgar vẫn cho rằng các đài phát thanh Hà Nội và Giải Phóng sẽ phản ảnh thái độ tốt của kẻ thù. Do đó, cứ mỗi giờ tôi lại sang phòng nghe đài của CIA để lấy những bản dịch tin mới nhất.
Sáng thứ sáu, được tin Hoa Thịnh Đốn đồng ý để cho 130 nghìn người tị nạn vào Hoa kỳ. Mấy giờ sau, lính dù Việt Nam định vượt hàng rào dây thép gai rải chung quanh nơi phân loại người đi của phái bộ quân sự... Một tiểu đội lính thủy đánh bộ sẵn sàng bảo vệ ngôi nhà. Sau này tướng Smith nói: Nếu có những người làm cho lính Việt Nam kiêng nể thì đó là những người lính thủy.
Từ ngày từ chức (ngày 21 tháng 4), Thiệu để thì giờ đi bách bộ trong nhà của ông ta ở bờ sông. Ông ta nghiền ngẫm một cuộc trả thù và mơ tưởng đến việc giành lại địa vị trước kia. Vợ ông ta, quá sợ hãi, không còn chịu được cảnh thất thế này. Sáng thứ năm, bà ta đi Bangkok trên một chuyến bay thương mại. Em họ của Thiệu. Đại sứ của Sài Gòn từ Đài Loan trở về nước khuyên anh sớm ra đi. Nhưng Thiệu chưa nghe. Ông ta nghĩ rằng ông ta còn giữ một vai trò gì đó ở đây. Ông ta nói với em họ là Hoàng Đức Nhã: "Nếu tôi phải ra đi, tôi sẽ đi với đoàn tùy tùng có trống giong cờ mở". Thiệu, vốn thường kín đáo, ít nói, nay có vẻ cảm động. Ông ta nói với Nhã: Em là người duy nhất còn lại ở bên anh, mặc dù anh đã làm hại em, cách chức và đuổi em đi.
Nhã tìm cách an ủi Thiệu. ông ta nói với Thiệu: "Anh cứ coi tôi như Cambroune, viên tướng trung thành với Napoléon ở ngoài đảo Elbe".
Hương, người kế vị Thiệu, không dám giục Thiệu di tản, sợ bè phái Thiệu sẽ trả thù. Hương nói với Martin làm việc đó. Đại sứ cũng không thích thú làm việc này. Cho đến nay, ông vẫn làm cho người ta tưởng rằng sứ quán không can thiệp vào việc Thiệu từ chức. Ông không muốn làm thay đổi nhận định ấy.
Nhưng có một thứ yếu tố phải tính đến. Minh lớn cho rằng sự có mặt của Thiệu ở Sài Gòn vẫn là một trở ngại lớn cho hoạt động của ông ta. Minh đề nghị Timmes, cơ quan ClA giải quyết giúp việc này. Điều đó làm vừa lòng Martin.
17 giờ ngày 25 tháng 4, Polgar gọi tôi đến phòng làm việc. Ở đấy đã có Joe Kingsley, tướng Timmes và một nhân viên CIA nữa. Polgar nhỏ nhẻ hỏi chúng tôi: Ban đêm, các anh có dám ra ngoài phố không? Chúng tôi đều gật đầu. Riêng tôi, tôi không chắc có thuộc hết các ngõ ngách và những cái hẻm do người Pháp xây dựng không, nhưng dù sao... Polgar tiếp tục nói: thế thì tốt. Tôi đề nghị các anh tối nay, giúp tôi cho Thiệu và Khiêm đi Đài Loan. Đó là một ân huệ đối với các anh, đồng thời là một phần thưởng vì các anh đã làm việc rất tốt". Thật ra, Polgar mới chỉ biết "phần thưởng" này cách đây mấy giờ. Trước đó, Martin định giao cho phái bộ quân sự thu xếp mọi việc, kể từ việc tổ chức chuyến bay đặc biệt cất cánh từ cuối đường băng Tân Sơn Nhất. Đến phút cuối cùng ông giao lại cho CIA. Khoảng 20 giờ 30 phút, bốn người chúng tôi đi ba xe đến bộ tổng tư lệnh Nam Việt Nam ở Tân Sơn Nhất, Khiêm ở trong khu vực này, Joe và tôi giấu vũ khí dưới chỗ ngồi. Chúng tôi không thể không tính đến việc diễn lại cuộc ám sát anh em Diệm trước đấy. Chúng tôi định kế hoạch như sau: "Sẽ có những sĩ quan trẻ ngăn chúng tôi lại trên đường đi, ra lệnh cho chúng tôi xuống xe và bắt chúng tôi. Tức thì chúng tôi nổ súng".
Quá 21 giờ, Polgar đến nhà Khiêm, trong một xe riêng có lái xe lái. Ông đến uống rượu với Khiêm và Timmes. Chúng tôi đứng đợi ngoài sân. Kingsley và tôi, để giết thì giờ, hai đứa nói chuyện với những người lính gác Việt Nam. Mấy lính khác chơi bài. Phần đông tỏ ra không đế ý gì đến việc đi lại của bọn "mũ cao áo dài" này. Có tiếng súng nổ ở phía sân bay. Đài radio báo cho chúng tôi biết: Hai lính Nam Việt Nam cáu kỉnh đã bắn súng ở đây: "Không thiệt hại gì, nay tình hình yên tĩnh. Đúng lúc đó, một xe Mercedes xám đỗ trên đường. Một người tầm thước, tóc bạc, chải lật ra sau gáy, mặt bôi kem, quần áo xám chỉnh tề, bước xuống đất. Trong bóng tối, Nguyễn Văn Thiệu giống một người mặc quần áo mẫu quảng cáo trong một tạp chí hơn là một nguyên thủ quốc gia. Ông ta không thèm nhìn chúng tôi!
Mấy phút sau, mấy người lực lưỡng, mỗi người xách một va li nặng, đi đến chỗ chúng tôi, bảo chúng tôi mở cửa xe, để tự họ xếp va li vào. Khi họ để va li xuống, có tiếng kim loại va vào nhau. Tiếp đó Thiệu, Khiêm, Polgar và Timmes, theo sau có nhiều nhân vật cao cấp Nam Việt Nam, bước ra cửa, tiến nhanh vào xe hơi. Thiệu ngồi xe tôi, ở ghế đằng sau. Giữa Timmes và một người Việt Nam. Timmes khuyên ông ta: Tổng thống ngồi thấp xuống để được yên ổn.
Chuyến đi chỉ có mấy phút nhưng tôi thấy rất dài. Timmes nói với Thiệu những chuyện không đâu, về quá khứ. Họ quen nhau năm 1961 trong một cuộc lửa trại ngoài Quân khu I. Trong những năm sau, Timmes thường cho Thiệu biết sự tiến triển của việc bình định: "thưa tổng thống, đó là một thành tựu lớn của chúng ta". Có một lúc Timmes giới thiệu tôi với Thiệu như một người nhận định tin có tài ở sứ quán, một người lái xe "có cỡ" ! Mọi người bất đắc dĩ cười. Tiếp đó, Thiệu nói tiếng Anh pha giọng Pháp, cho rằng tất cả những lái xe ở Sài Gòn đều có cỡ nhưng xấu nhất, hay xấu hơn cả những kẻ thù điên ở Bangkok.
Timmes hỏi: "Phu nhân và tiểu thư có khỏe không ạ? Thiệu trả lời: Nhà tôi và cháu đi Luân Đôn mua ít đồ cổ. Tôi nhìn rõ mặt cựu tổng thống qua tấm kính xe, mắt sáng dưới ánh đèn ngoài đường, mùi rượu Scoth thoáng bay trong xe có máy điều hòa không khí.
Đến gần cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất, đèn phụ xe hơi rọi thẳng một lúc vào bức tượng do người Việt Nam dựng để tưởng nhớ những người Mỹ chết trong chiến tranh. Trên bức tượng có dòng chữ: "Chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả những người lính đồng minh". Thiệu thở dài khá to và quay mặt đi. Một lần nữa Timmes nhắc Thiệu ngồi thấp xuống. Bình thường, cơ quan an ninh Việt Nam đứng gác ở sân bay không chú ý đến xe của sứ quán Mỹ.
Nhưng quá 21 giờ 30 rồi, quá giờ thiết quân luật hơn một tiếng. Những người gác có thể ngăn xe lại. Trời ơi, may quá, họ không làm gì cả. Đoàn người đi qua đường băng. Người lái xe trước tắt đèn. Tôi cũng làm theo. Trong một lúc tôi thấy dài ghê, tôi không trông thấy gì cả. Chiếc xe Chevrolet đồ sộ của tôi chạy một mình trong đêm tối. Sau tôi mới quen dần. Chợt tôi trông thấy Polgar chạy qua đường băng, cách tôi mấy mét. Tôi vội hãm phanh. Bánh xe kêu ken két. Xe dừng lại. Thiệu và người ngồi xe tôi bị xô vào ghế trước. Những xe sau vội quay ngang, quay dọc bao vây lấy xe tôi: một cảnh trong phim trinh thám. Polgar chạy đến vẫy tay và mở cửa xe cho Thiệu.
Một máy bay bốn động cơ C.118 của không quân Mỹ đậu gần đấy. Lính thủy Mỹ mặc thường phục đứng gác và đi theo đại sứ Martin, dàn hàng ngang bên cạnh máy bay. Đại sứ chờ ở chân cầu thang. Khi Polgar mở cửa sau xe tôi. Thiệu cúi xuống vỗ vai tôi, nói giọng khàn khàn: cảm ơn ông ta chìa tay ra, giữ tay tôi một lúc ông ta cố nén không khóc. Tiếp đó ông ta rời xe, bước lên cầu thang máy bay. Khiêm và đoàn tùy tùng Thiệu đi sau, tay xách va li vai đeo máy ảnh, xắc...
Sau này, Martin thuật lại: "Tôi chỉ chào tạm biệt ông ta. Không có câu nói lịch sự nào. Chỉ một lời tạm biệt".
Đối với tôi cũng như đối với Joe Kingsley, ngay mấy từ ấy cũng dài lê thê. Bên ngoài, trên đường băng, chúng tôi cáu kỉnh nhìn chu vi sân bay. Polgar và Martin mãi mới trở lại, đầu cúi gầm. Máy bay nổ máy. Lúc đại sứ từ bậc cuối cùng của cầu thang bước xuống ông ta quay lại, vịn vào thành cầu thang như muốn giữ lại mối liên hệ với quá khứ. Tôi kêu lên: "Thưa đại sứ, tôi có thể giúp đại sứ việc gì?". Martin đứng lại. Ông đăm đăm nhìn tôi. Ông thở. Lúc ấy, với đôi kính gọng bầu dục, màu da, đại sứ thật giống một con ma ăn mặc chỉnh tề hơn là một nhà ngoại giao vừa vĩnh biệt dấu vết cuối cùng của ba mươi năm thực hiện một chính sách tồi tệ.
ĐẾN LƯỢT CHÚNG TÔI
Sáng hôm sau, lúc mặt trời mọc trên sân bay Biên Hòa, một làn sóng người tị nạn, xe hơi riêng, xe tắc xi chạy trốn từ thị xã này. Nơi đây trước kia là thiên đường của dân phe, là nơi ăn chơi phè phỡn bổ sung cho Sài Gòn. Xa lộ có bốn đường xe, chạy thắng tắp về Sài Gòn là niềm tự hào của kỹ sư Mỹ, lúc này giống như một con rắn khổng lồ bò dưới những đám mây khói xăng, dầu của những xe hơii nối đuôi nhau. Lực lượng an ninh đặt những trạm kiểm soát đề phòng sự thâm nhập của cộng sản nhưng phải bỏ chạy.
Tướng Viên, Trần Văn Đôn và nhiều người khác, buổi sáng ở dinh tổng thống để ép Hương từ chức. Đến trưa, ông già này chấp nhận. Nhưng, hoặc để trả thù, hoặc muốn hợp hiến hay muốn vừa lòng Martin, Hương đòi phải có yêu cầu của quốc hội. ông nói: Tôi không trao quyền cho Minh một cách dễ dàng như thế. Quốc hội có nhiệm vụ phải hợp pháp hóa sự thay đổi này bằng cách chính thức bán mình. Ông kêu gọi các nghị sĩ và nói thêm. Nếu các vị thấy không thể thay tôi bằng tướng Minh và các vị không thế điều đình có kết quả thì Sài Gòn sẽ biến thành biển máu. Và chúng ta sẽ phải chiến đấu cho danh dự dân tộc chúng ta.
Hương không làm gì để tạo điều kiện thuận lợi cho Minh lên cầm quyền. Nhưng về phía cộng sản, họ có vẻ có ý định ấy. Buổi trưa, Trần Văn Đôn cho biết ông ta đã tiếp xúc với trung gian của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Người này nói chắc chắn sẽ có ngừng bắn nếu Minh nắm chính quyền và nếu người Mỹ không chuyên chở vũ khí, đạn dược đi (Von Marbod đã cố làm việc này)...
Ngày 26 tháng 4, đài phát thanh Hà Nội đòi chính phủ và quân đội Nam Việt Nam phải đầu hàng và kêu gọi lực lượng thứ ba cùng nhân dân nổi dậy tổng khởi nghĩa. Minh thường được coi là người trung lập của lực lượng thứ ba? Buổi trưa, trong một cuộc họp báo, đại tá Võ Đông Giang trả lời một nhà báo khi anh này hỏi về triển vọng của những cuộc thương lượng: Quân đội chúng tôi tiếp tục tiến công. Ông Giang đã biết rõ mình nói gì. Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời đã được bộ tư lệnh của tướng Dũng mật báo cuộc tiến công Sài Gòn sắp nổ ra. Họ đào hầm trú ẩn trong chỗ ở, đề phòng bom đạn ba ngày nữa sẽ nổ.
Trong lúc Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn còn mơ hồ về ý đồ thật sự của Hà Nội thì tướng Dũng đang đi xe trên một đường đất ở Quân khu III. Bình minh ngày 26, ông từ Lộc Ninh đến Bến Cát, cách Sài Gòn 48 kilômét về phía Bắc. Ở đây, trong một túp lều tranh ông điều hòa kế hoạch cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh. Người phó của ông, tướng Trần Văn Trà, đã vạch những đường tiến công trên bản đồ. Ở phía Đông, tướng Lê Trọng Tấn, tư lệnh mặt trận Biên Hòa, đang chuẩn bị cho cuộc tiến công vào ngay buổi chiều hôm đó. Hai lãnh tụ cộng sản, các ông Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, ủy viên Bộ Chính trị, vẫn ở lại Lộc Ninh, để xem xét thái độ chính trị mới nhất.
Trừ người Pháp, còn bất cứ người nào ở Sài Gòn cũng thấy chuyện thương lượng đến phút này là vô ích. Trong 24 giờ qua, số người Mỹ và người Việt Nam xếp hàng nối đuôi nhau ở nơi phân loại người di tản của phái bộ quân sự tăng gấp bội. Sáng 26, phải đóng cửa nơi này. Ba viên chức lãnh sự quán cùng với Moorefleld làm việc cật lực mà không kịp. Mỗi đêm họ chỉ ngủ ba, bốn giờ. Moorefield kể lại: "Mỗi phút, chúng tôi phải có một quyết định sống còn. Thí dụ như làm tan nát một gia đình hay đẩy người này, người nọ vào tay Việt cộng. Là sĩ quan đã từng tham chiến, tôi có kinh nghiệm để chịu trách nhiệm về những việc này. Các anh ở bộ ngoại giao không có kinh nghiệm ấy".
Buổi trưa, một đồng nghiệp của Moorefield phát điên. Bỗng nhiên, anh nhảy ra khỏi ghế, ném chai coca-cola vào tường. Rồi anh vừa kêu vừa chửi. Moorefield phải cho anh ta nghỉ. Những người khác cố cầm cự, cố tính toán. Moorefield thuật lại: "Tôi nhớ có một người Mỹ đến lúc 6 giờ 31 phút. Anh ta nói rằng có một bạn Hoa kiều sẵn sàng làm cho chúng ta giàu có nếu chúng ta đóng dấu xuất cảnh cho người ấy. Tôi ngạc nhiên về điều anh ta yêu cầu. Đó là bạn tôi, người thật thà. Nhưng tôi cho rằng anh cũng là nạn nhân của sự căng thẳng mỗi lúc một lớn".
Người ta chất ngày càng nhiều người tị nạn lên những máy bay C.141. Và ở đầu đằng kia của cầu hàng không, rối loạn chẳng kém gì ở chỗ bay đi. Cuối cùng, chiều ngày 26 tháng 4, Hoa Thịnh Đốn ra lệnh cho những người tị nạn đi sau đến đảo Wake, cách đảo Guam hai nghìn kilômét về phía Đông Bắc.
Từ bộ tư lệnh ở phía Đông Sài Gòn, tướng Lê Trọng Tấn theo dõi nhịp độ di tản qua những bản báo cáo do đặc công cộng sản nằm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất nói radio về. Điều ông muốn biết là có máy bay Mỹ tham gia chuyên chở không. Máy bay thám thính của ông, cho đến lúc ấy, không thấy.
Đúng 17 giờ, viên tư lệnh quân đội Việt Nam nhìn đồng hồ. Ông gật đầu ra lệnh cho người điều khiển radio. Mấy giây sau, lệnh bằng mật mã ban ra: Cuộc tiến công của cộng sản vào Nhơn Trạch và vùng phụ cận phía Đông Sài Gòn bắt đầu. Sáu tư lệnh của sáu sư đoàn nằm dưới quyền của tướng Tấn cùng nổ súng mở đầu "Chiến dịch Hồ Chí Minh để giải phóng Sài Gòn". Trong khi đó , ở Sài Gòn, giới chính trị vẫn còn tranh cãi nhau. Chiều rồi mà các nhóm khác nhau trong quốc hội vẫn chưa thỏa thuận được với nhau về cách lập lại chính phủ cho vừa lòng cộng sản, cũng không thấy rõ sự cần thiết phải làm.
Một số nghị sĩ thuộc phe cánh của Thiệu trước đây, phản đối việc bầu Minh, sợ sau đó, Minh sẽ ra lệnh trả thù. Một số thuộc phái hữu muốn Kỳ thay Hương. Trước tình hình rắc rối ấy, quốc hội giao cho viên chủ tịch già giải quyết thế nào cho có lợi để thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Việc đó cũng không rõ ràng như những đòi hỏi của Hương. Trước giờ thiết quân luật, tôi đi xe đến khách sạn Duc. Những bản báo cáo đầu tiên về cuộc chiến chung quanh Biên Hòa đã được gửi tới nhưng thiếu chi tiết. Tốt hơn hết là ăn một bữa cơm ngon và ngủ một giấc đẫy. Tối hôm ấy, ở khách sạn, người ta tưởng như đang xem một vở kịch của Brecht. Chúng tôi đến rất đông, uống ly rượu cuối cùng để mong lấy lại sức, nhưng không có không khí vui vẻ của một ngày vừa làm việc xong. Mọi người đều cho là đã đến ngày tận thế. Qua cửa kính, ánh lửa đại bác nhấp nháy. Tôi kéo một ghế đẩu, ngồi bên cạnh một anh bạn cũ, chuyên về châu Mỹ la tinh, đổi sang Việt Nam từ lâu. Mặt anh trắng bệch như phấn, mồ hôi nhễ nhại, tay anh run khi cầm cốc rượu scoth đưa lên môi. Tôi hỏi thăm sức khỏe vì biết anh đau tim. Anh nói anh mạnh nhưng những sự kiện xảy ra ngày hôm nay làm anh sợ.
Anh ở phái bộ quân sự từ sáng đến chiều cố xoay chỗ cho mấy người bạn Việt Nam. Khổ quá: Cả ngày ở ngoài nắng mà chỉ có một cốc bia. Không còn gì nữa. Thử tưởng tượng xem. Tôi ngắt lời anh, không muốn nghe những chi tiết hãi hùng nữa. Thế còn người vợ Việt Nam của anh? Còn gia đình anh? Họ được di tản chưa? Anh gật đầu. Rồi, họ đi mấy ngày trước đây. Anh mỉm cười cho biết họ gặp trắc trở do những người kiểm soát của phái bộ quân sự đã làm khó dễ. Gia đình anh nuôi heo ở sân sau, vợ anh muốn đem một, hai con sang Mỹ. Chị dắt hai con lớn nhất đến nơi phân loại người đi. Nhưng những người kiểm soát ngăn lại.
Tôi cười vỡ bụng. Chúng tôi nói vui về tài xoay sở của người Việt Nam. Tôi mời anh một ly scoth. Anh nhìn ly rượu, nét mặt giãn ra. Anh khóc.
Tôi ngủ được khoảng bốn giờ thì tiếng chuông điện thoại ở đầu giường reo. Viên chức CIA thường trực ở sứ quán gọi tôi. Đài phát thanh Hà Nội vừa ra tuyên bố chính trị quan trọng, một lời cảnh cáo đối với nhà chức trách Sài Gòn đòi họ phải đầu hàng ngay theo điều kiện của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Tôi bảo anh đừng có đánh thức Polgar dậy vì chuyện ấy. Ông không đếm xỉa gì đến những lời cảnh cáo đâu. Khoảng một giờ sau, tiếng nổ đầu tiên hất tôi ra khỏi giường. Tức thì tôi sờ soạng trong bóng đêm tối để tìm áo giáp và khẩu M.16. Tiếng nổ tiếp tục làm rung cửa, tôi bò lại bàn đến gọi dây nói cho sứ quán. Viên chức thường trực trả lời: Đó là đạn rốc két. Không biết bao nhiêu phát. Đều bắn vào giữa thành phố. Tôi bảo anh, mặc quần xong tôi sẽ tới.
Tôi mặc sơ mi, quần jean, đang khoác áo giáp thì tiếng đập cửa buồng hốt hoảng. Tôi tháo chốt an toàn khẩu súng, từ từ mở cửa. Đó là Joe Kingsley, hàng xóm và đồng nghiệp của tôi. Anh mặc quần đùi, nhưng đội mũ sắt và khoác áo giáp. Anh mỉm cưới nói: có vẻ chiến tranh rồi. Anh đi không? Tôi trả lời: Đi, nhưng tôi đề nghị anh ở lại điều khiển việc di tản trong trường hợp có lệnh tiếp tục làm. Máy bay lên thẳng, như đã hẹn trước, sẽ đỗ trên mái nhà".
Lúc tôi đến sứ quán, cảnh sát đã cho biết: năm quả rốc két bắn vào thành phố, hai quả vào khu trung tâm, ba quả vào chợ lớn. Một quả trúng khách sạn Majestic sang trọng. Một quả trúng Nha cảnh sát đô thành. Nhiều người chết và bị thương, nhiều nhà cháy hoặc bị phá hủy. Buổi sáng, Polgar đã cho nhiều người ra phố điều tra tình hình và xem có triệu chứng hoảng loạn không. Nhưng người Việt Nam vẫn sống như người Việt Nam, nói giọng triết lý là mặc cho số phận. Một bà già sống trong một cái lều, nói với một nhà báo: "Tuần trước, chúng tôi thấy những người tị nạn ngủ trong lều. Thật khổ sở. Nay đến lượt chúng tôi . Ở phía Đông, tướng Tấn vừa mở cuộc tiến công nhỏ. Đại bộ phận quân đội Bắc Việt Nam nay mới hoạt động. Sớm ngày 27, sư đoàn 232, cánh quân chiến thuật do tướng Lê Đức Anh chỉ huy, chiếm một thị xã trên đường số 4, cách Sài Gòn 19 kílômét về phía Tây Nam. Ở phía Tây Bắc, Quân đoàn I chặn đường Tây Ninh - Sài Gòn, bao vây một sư đoàn 26 Nam Việt Nam ở Củ Chi.
Mấy giờ sau, một đơn vị Bắc Việt Nam chặn đường Sài Gòn - Vũng Tàu, làm cho dân di tản ra bờ biển mà Martin đã nghĩ đến không thể thực hiện được. Như tướng Dũng đã dự kiến, phòng tuyến ngoài Sài Gòn vụn như vỏ củ hành. Tướng Dũng chưa bằng lòng. Ông gửi một điện khẩn cho tướng Tấn: Phải vượt mọi khó khăn để chúng ta có thể ngày 29 tháng 4 mở trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn.
Buổi sáng, lực lượng cộng sản đã đến sát Biên Hòa và tiếp tục tiến. Hai nhà báo Pháp lang thang tìm đề tài viết bị quân tiên phong đuổi kịp. Một người bị bắt làm tù binh, người kia bị chết vì đạn lạc. Ở phía Tây thành phố, quân đặc công đánh mìn phá đổ một cầu quan trọng đi vào Sài Gòn. Quân Nam Việt Nam vội vàng gài mìn vào những cầu khác. Lính đào ngũ của sư đoàn 13 Nam Việt Nam và đơn vị dù vừa chạy vừa đốt, cướp. Trong khi đó, đài Giải Phóng nêu ra nhiều đòi hỏi đối với Hoa Thịnh Đốn: Rút ngay tất cả hạm đội, nhân viên tinh báo và cố vấn Mỹ, người Mỹ không được can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đối với một số người chúng tôi, điều đó có nghĩa là sứ quán cũng phải thu xếp hành lý.
Giữa lúc đó, viên tổng thống già Trần Văn Hương lại nổi cơn sốt kiểu Pháp. Hắn mời chủ tịch thượng nghị viện Trần Văn Lắm tới và ngỏ ý muốn nhường Minh làm người kế vị, nhưng ông muốn được quốc hội chuẩn y để ông không phải chịu trách nhiệm của mình. Lắm triệu tập ngay phiên họp đặc biệt có 131 thượng, hạ nghị sĩ còn lại ở thành phố tới dự. Sau mấy giờ tán láo, quốc hội mới nhất trí thông qua nghị quyết (có một phần ba nghị sĩ vắng mặt) bầu Minh làm tổng thống. Hôm sau mới tuyên thệ. Hương đòi lên tuyên thệ làm vào buổi chiều để ông được khoe với gia đình và bạn bè, ông ta làm tổng thống trong một tuần!
Minh thăm dò ngay ý kiến để thành lập chính phủ. Một công việc phức tạp vì phần đông giới chính trị chưa nắm quyền đều thuộc phe cánh Thiệu, dưới hình thức khác. Người duy nhất không có vấn đề là bạn chính trị của Minh, Vũ Văn Mẫu, được Minh giao cho làm thủ tướng. Tướng Kỳ thấy mình không sơ múi gì, liền tuyên bố ủng hộ Minh và ra lệnh cho phe cánh cũng làm như thế. Trước khi quốc hội bàn, đại sứ Mérillon cố vận động lần cuối cùng cho hòa bình. Ông đến sân bay Tân Sơn Nhất trực tiếp gặp các đoàn đại biểu cộng sản. Nhưng điều làm ông sửng sốt, những người này chỉ nhắc lại những đòi hỏi mới nhất của đài phát thanh Hà Nội. Họ đồng ý đem lại hòa bình với điều kiện quân Mỹ rút hết, hoàn toàn và từ chối không đàm phán với Minh.
Polgar cũng đi thăm dò nhưng chỉ được trả lời: Đã quá muộn, không thể nào có thỏa hiệp. Polgar bất bình, tưởng tai mình nghe lầm. Vì sao lại từ chối thỏa hiệp khi Minh đã lên cầm quyền? Không một lúc nào, ông có thể nghĩ rằng quân Bắc Việt Nam uy hiếp về mặt quân sự không phải vì những lý do chính trị mà vì những lý do hoàn toàn quân sự. Ở Hoa Thịnh Đốn, một số nhà quan sát cũng lạc quan như ông. Mặc dù Schlesinger nghi ngờ, những người nhận định tình hình ở bộ quốc phòng, trong báo cáo ngày 27 tháng 4 cũng viết: "Những cuộc bắn phá bằng rốc két sáng nay nhằm mục đích ép Nam Việt Nam mau chóng thương lượng. Có thể cộng sản sẽ hoãn cuộc tiến công ồ ạt vào Sài Gòn để nghiên cứu khả năng chính trị".
Cùng lúc ấy, những sư đoàn của tướng Dũng đã mở giai đoạn đầu của cuộc tiến công cuối cùng. Tối ấy, khoảng 20 giờ, lúc tôi rời được phòng làm việc, thì tôi biết sắp đến lúc kết thúc. Đường Sài Gòn ra Vũng Tàu bị cắt nhiều quãng. Không còn liên lạc được với 700 quân còn lại của sư đoàn 18 Nam Việt Nam đóng ở phía Đông Biên Hòa và đường số 4 về đồng bằng sông Cửu Long cũng bị ngăn chặn ở nhiều nơi. Sài Gòn trở thành một đảo, liên lạc với bên ngoài bằng một cầu duy nhất, cầu hàng không!
Trên đường về, tôi lại vào nhà Joe Kingsley, uống một ly martin cho khỏe. Mặc dù có nhiều sự kiện trong ngày. Kingsley vẫn vui vẻ. Tôi nhanh chóng khám phá ra vì sao. Chúng tôi đang uống ly thứ hai thì có người gõ cửa. Joe nói đó là cô Tuệ. Anh mở cửa, một phụ nữ Việt Nam xinh đẹp khoảng 19 tuổi bước vào, nét mặt tươi cười, ngực đồ sộ. Đó là một chiêu đãi viên của bar Mini. Cô ta không muốn rời thành phố với những cô khác. Cô đang tìm khách. Tôi quyết định chiều cô và anh cũng thế. Đêm đến, cô ở với anh trong nhà này. Thú vui và mệt nhọc không hợp nhau. Dù sao cũng không phải phòng tôi. Tôi khó chịu vì Joe quá săn sóc tôi. Tôi định từ chối món quà nhưng Joe không nghe. Đã quá giờ thiết quân luật, không cho cô gái về được nữa.
Và không biết làm thế nào, tôi dẫn Tuệ sang phòng tôi. Cô nhún vai khi bước vào trong phòng. Gian nhà lộn xộn, mất trật tự hòm xiểng để khắp mọi nơi. Tôi đưa nước uống, chúng tôi ngồi nói chuyện. Một lúc sau, tôi thấy ý định của Joe không phải là tốt. Nhưng chuông điện thoại reo lên. Viên chức thường trực như thường lệ gọi tôi. Họ vừa nhận được tin của đài Hà Nội, rất cần tôi phải đến sứ quán ngay.
Tôi bảo Tuệ ở lại coi nhà mình và ra xe đi. Phố xá vắng tanh. Đây đó có hàng rào dây thép gai, mấy người lính dân vệ dưới 20 tuổi ngủ trên hè. Viên thuốc đài Hà Nội mới gửi càng khó nuốt. Họ nói: "Việc thay đổi chính phủ ở Sài Gòn, đuổi Hương, đưa Minh lên thay cũng chỉ là một trò gian giảo, nham hiểm, định thay Thiệu - Hương bằng một bọn tay sai khác để cứu vãn chế độ Sài Gòn". Polgar có cần thêm chứng cớ để hiểu rằng không có vấn đề thương lượng, Minh cầm quyền cũng chẳng ăn thua gì. Tôi gọi ông đọc qua dây nói tuyên bố của Hà Nội. Ông lau bàn rồi mắt dây nói vào. Khi tôi trở về nhà thì Tuệ đã ngủ say giữa giường tôi. Có tiếng đạn rốc két nổ xé tan bầu không khí yên tĩnh ban đêm, cô cũng không dậy.
HỌ ĐANG Ở CỬA
Đó là một buổi sáng mát mẻ và sương mù. Một buổi sáng hiếm có ở Sài Gòn. Bình minh vừa qua, quân đặc công Bắc Việt Nam đánh phá và đốt ngay một kho của chi nhánh cơ quan phát triển Mỹ bên kia sông. Họ chiếm luôn hai vị trí tiền tiêu của chính phủ bên kia cầu Tân Cảng, cách trung tâm thành phố vài kilômét. Họ đặt một khẩu liên thanh giữa cầu, bắt dầu bắn vào mục tiêu di động. Phía chính phủ cho máy bay lên thẳng vũ trang đến phản kích. Cầm tách cà phê buổi sáng, tôi cùng Joe đi lên mái nhà sứ quán, xem họ bắn. Kể từ năm 1968, chiến tranh chưa bao giờ gần Sài Gòn như hôm nay. Họ chiếm cầu nên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa không đi được. Biên Hòa cũng bị đánh phá không ngừng, lính đào ngũ đã cướp phá sở chỉ huy Quân khu III.
Ở phía Nam, nhiều đơn vị quân Bắc Việt Nam từ đồng bằng tràn lên đường số 4, thâm nhập vào ngoại ô Sài Gòn. Về phía Tây Bắc đêm qua, Tây Ninh bị bắn phá dữ dội. Sư đoàn 25 Nam Việt Nam cố phá vỡ vòng tuyến của quân Bắc Việt Nam trên đường số 1 về Sài Gòn mà không ăn thua. Các đường chính về thủ đô đều bị cắt làm cho quân lính mất tinh thần và không còn nguồn tiếp tế, không còn đường rút lui. Nhưng có thể có một vài thuận lợi. Do quân Nam Việt Nam phần lớn bị bao vây bên ngoài thành phố nên Sài Gòn may ra không bị đánh. Quân Bắc Việt Nam không có lý do gì để phá hủy Sài Gòn, đội quân thua trận càng không thể phá huỷ nó được. Bóc vỏ củ hành, tướng Dũng đã cứu chúng tôi!
Các ông Lê Đức Thọ và Phạm Hùng vừa đến sở chỉ huy tiền phương của tướng Dũng, cách Sài Gòn 48 kilômét về phía Bắc. Các ông nhanh chóng cho tướng Dũng biết tình hình chính trị và nhắc lại chỉ có thắng lợi quân sự thôi. Tướng Dũng tán thành và quay lại với bản đồ tác chiến. Thủ đô căng thắng như da mặt trống. Tiếng súng ở phía cầu Tân Cảng vang dội đến trung tâm thành phố. Phố xá đầy binh lính và dân thường từ đồng quê chạy ra bằng chân, xe hơi, xe đạp. Dọc các phố phụ, sĩ quan cảnh sát và quân đội cởi binh phục, mặc quần áo thường, để khỏi bị bắt.
Đến chiều, hơn sáu nghìn người Việt Nam sợ hãi tập trung trước cửa phái bộ quân sự. Những người Mỹ ra đi chưa nhiều - cả ngày mới được 123 người, vì một số muốn ở lại thu xếp cho xong công việc. Martin muốn người Mỹ đi nhanh, tất cả các nhân viên không cần thiết đi ngay, nhất là những viên chức thuộc phái bộ quân sự, như ông đã hứa với Bắc Việt Nam, đi trước ngày 30 tháng 4. Trên các đảo Guam và Wake, các trung tâm đón tiếp chật ứ người tị nạn. Trong số 20 nghìn người đến từ đầu tháng, mới có 12 nghìn người đi California, ở căn cứ không quân Travis. Những người khác, do liên quan, giấy tờ, chưa nhúc nhích được.
Cơ quan nhập cảnh phải chịu trách nhiệm một phần về tình trạng này. Họ cử đến đây có 90 viên chức. Lúc trận đánh cầu Tân Cảng diễn ra, bốn trong năm tàu đậu gần đấy đã nhổ neo đi Vũng Tàu, không chở ai cả. Tàu thứ năm cùng với ba tàu kéo và bốn sà lan chạy ra quân cảng, chắc chắn và gần trung tâm thành phố hơn. Phái bộ quân sự tiếp tục cho rằng sà lan không phải là phương tiện tốt để chở người di tản, trái lại, sứ quán đã nghĩ ra việc sứ dụng sà lan vì sứ quán biết rõ là các cầu hàng không không thể chở hết người ghi trong danh sách.
Buổi sáng, một đám đông người mất trật tự đã tràn vào sân chơi đằng sau sứ quán. Người Việt Nam mỗi lúc một đông, nhất là những nhân viên làm việc cho các cơ quan của sứ quán. Họ đến, đem theo giấy giới thiệu, hy vọng có một chỗ ra sân bay. Nước bể bơi không thay mấy ngày qua, vàng như nước tiểu. Vẫn có người tắm giặt. Căn tin đã đóng cửa vì người phục vụ cuối cùng đã đi Guam. Một người Mỹ ở bộ phận hành chính của sứ quán lợi dụng lúc bấy giờ đem bán những bản khai danh dự cho người Việt Nam với giá đắt.
Giữa buổi sáng, một nữ Hoa kiều tôi quen biết từ lâu gọi dây nói đến đề nghị tôi giúp đỡ. Người chồng Mỹ của chị đã bỏ rơi chị ở lại với đàn con. Chị chẳng biết trông cậy vào ai lúc này. Tôi bảo với chị rằng tôi đang bận chưa giúp chị được. Một giờ nữa chị gọi lại tôi thử xem. Yên lặng một lúc ở đầu đường dây đằng kia. Rồi chị bình tĩnh nói: "Nếu anh không giúp tôi, tôi sẽ tự tử với các cháu. Tôi đã mua thuốc độc rồi". Tôi liếc nhìn giấy tờ xếp thành đống trước mặt. Polgar muốn tôi thảo nhanh một bản nhận định tình hình có lẽ chẳng dùng làm gì cả. Tôi không thể bỏ nơi đây được Tôi bảo chị: "Một giờ nữa, gọi lại, tôi sẽ giúp chị". Như đã hẹn, một giờ sau, chị gọi tôi nhưng tôi không có trong phòng làm việc. Chị để lại một mẩu giấy: tôi chờ anh, chào anh". Đó là lấn cuối cùng tôi nhận thư chị. Còn các đồng nghiệp của tôi, họ ném vào lò sưởi hàng đống hồ sơ. Chỉ mấy giờ, mọi cái trong nhà đều đầy tro, khói.
Các người phụ trách chi nhánh Mỹ cơ quan AID xin phép gửi hồ sơ quý bằng máy bay đi Thái Lan hay Philippines. Đại sứ không đồng ý, theo ông, sau khi ngừng bắn, vẫn còn thì giờ. Trong khi lò sưởi ngốn hàng đống hồ sơ, báo cáo, tin tình báo và nhiều giấy tờ, công văn thì nhiều viên chức khác gói hàng bó tiền. Buổi sáng, phái bộ quân sự đã rút trong tủ sắt ra ba triệu đôla. Để trả phụ cấp đi dường cho các nhân viên sứ quán. Đến trưa, trong số 900 người Việt giúp việc chỉ còn 20 người chưa được lĩnh tiền.
Trong khi đó, ở cổng sau sứ quán, nhiều xe của chính phủ Nam Việt Nam đến. Một viên tướng, một đại tá, một nhân viên chính trị từ xe chui ra, gật đầu chào lính gác rồi chạy vào thang máy. Họ ra đi. Từ sáng sớm, những máy bay lên thẳng của không quân Mỹ không ngừng đổ xuống mái nhà, bay đi, chở theo giới thượng lưu Sài Gòn đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ở đấy máy bay Mỹ đang chờ họ. Sáng hôm ấy, người khách quan trọng nhất là tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng. Ông đến sứ quán, chào lính gác, bắt tay nhân viên bộ ngoại giao đang mở cửa cầu thang. Ông tiến vào - cửa đóng. Chuyến "du lịch cuối cùng" của ông bắt đầu. Sau này tương Smith nói: Đó là một con người sung sướng. Khi ông đến phái bộ quân sự, ông xử sự như đồ con nít. Ông không giấu được vẻ vui mừng khi ông đổi binh phục lấy những bộ quần áo thường. Một máy bay lên thẳng chở Viên ra tàu của Hải quân đậu ngoài khơi. Còn tổng thống Hương, ông ta thuyên chuyển số người chỉ huy quân đội, thực tế quân đội không còn tư lệnh nữa. Điều đó không ngăn cản các tướng, nhất là Quang và Kỳ, cấu xé nhau.
Trong bữa ăn sáng, Bill Johnson viết vội mấy chữ cho vợ là Pati, đang ở Bangkok. Anh viết: "Đang đi đến giàn xếp thương lượng, em đừng lo". Rồi anh lấy xe đi ra thành phố thăm mấy quan chức cao cấp thuộc Nha cảnh sát đặc biệt và Bộ Thông tin. Anh định để cho họ di tản bằng một máy bay đặc biệt do CIA tổ chức hôm đó. Anh cho rằng nếu có thành lập chính phủ liên hợp thì những người này ở ngoài có lợi hơn. Anh nói: "Tôi giúp họ không phải vì tinh thần nhân đạo, tôi giúp họ vì tôi nghĩ sau này họ có thể giúp ta thành lập ở nước ngoài một mạng lưới tình báo cho Sài Gòn.
Trong cuộc thảo luận giữa anh với những người nói trên, anh không hề đề cập đến việc di tản tám trăm nhân viên người Việt Nam mà tính mạng có thể bị uy hiếp. Anh giải thích: "Sự chăm sóc của chúng tôi hoàn toàn do nghiệp vụ chứ không do lòng nhân đạo.
Gần trưa, Johnson chào vĩnh biệt viên chỉ huy mới Nha cảnh sát đặc biệt. Anh thuật lại: " ông ta khóc, vì biết rằng nay là chỉ huy thì mai kia sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi bắt tay, vổ vai ông ta và nói: cố dũng cảm lên!". Hai ngày sau, ông này đã gí khẩu súng Browning vào đầu tự bắn vỡ sọ.
Sáng 26 tháng 4, Johnson còn làm mấy trò nữa để hy vọng sau này đánh lừa cộng sản. Anh ra lệnh làm một số tài liệu mật giả mạo, xếp trong tủ sắt của sứ quán. Trong số này có cả danh sách nhân viên tình báo CIA, nhiều người là quan chức cao cấp của cộng sản. Polgar theo dõi mọi việc đang xảy ra. Ông cố pha trò nhạt. Joe Kingsley, cáu kỉnh nói đến ổ liên thanh trên cầu Tân Cảng. Polgar bảo anh đi xe ra xem thế nào, làm như đi xem một việc bình thường. Joe tái xanh mặt nói: "ông cho tôi một tay súng giỏi để bảo vệ". Polgar bảo anh đi tìm ở bộ phận khác rồi hất tay ra lệnh cho anh đi. Joe vừa đi, Polgar gọi tôi lại giao cho tôi một nhiệm vụ đặc biệt. Tôi phải mang một bức thư đến cho người bạn lâu đời của ông là Malcolm Brown, phụ trách phóng viên báo New York Times. Đây là những câu hỏi mà Brown sẽ đặt ra với người của anh trong Chính phủ Cách mạng lâm thời: Cộng sản có đồng ý để Minh làm Quốc trưởng không? Ông nói với tôi: Phải đi nhanh, đừng đi xe anh, lấy xe tôi mà đi, Út, người lái xe của tôi rất thạo. Ông nói đúng, Út lách qua hàng trăm xe Peugeôt và Hon da trên đường Tự Do trong năm phút.
Brown đi vắng. Hai nhà báo đang ngồi chờ. Tôi đưa cho họ thư của Polgar đề nghị họ giao cho Brown. Họ có vẻ hơi ngượng, nhưng rất cảm ơn tôi. Sau tôi biết đó là hai phóng viên của tờ Washington Post. Tôi đã giao một thư tối mật của Polgar vào tay những người đang cạnh tranh. Thảo nào họ cảm ơn ghê quá. Dù sao Brown cũng nhận được thư ngay và gửi đi Tân Sơn Nhất cho đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời. Họ không trả lời ngay. Nhưng đài phát thanh Hà Nội trong một buổi phát thanh thường đã đưa tin phái bộ quân sự Mỹ sẽ rút khỏi Sài Gòn ngày 30 tháng 4. Họ cũng biết phái bộ này di tản đến nơi rồi. Vẫn còn bám lấy ý nghĩ đàn xếp. Polgar bắt đầu tìm giải pháp đẩy mạnh di tản.
Suốt buổi sáng ông nói chuyện với Martin ở phòng đại sứ. Họ thảo luận một vấn đề thoạt đầu tưởng như chẳng ra sao, đó là việc chặt cây me mọc giữa sân sứ quán để máy bay lên thẳng có thể hạ cánh chở người đi di tản trong trường hợp cấp bách. Martin phản đối. Ông nói chặt cây me sẽ là dấu hiệu người Mỹ thất bại phải ra đi. Hơn thế, đến ngày E, sứ quán chỉ còn nhiều nhất hai trăm người, không cần phải chặt cây. Cách đó không xa, trong biệt thự riêng của mình, ở số 3 đường Trần Quý Cáp, tướng Minh, tổng thống mới, đang ngẫm nghĩ. Tùy viên báo chí của ông ta đề nghị đầu hàng không điều kiện cho xong việc. Minh từ chối đi xa như thế. Ông cho rằng quân đội còn có thể làm một công cụ chính trị. Tuy nhiên, Minh có một cử chỉ hòa giải: Ra lệnh cho phó tổng thống nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn Huyền, báo tin chính phủ Minh không phản đối việc người Mỹ phải ra đi trong 24 giờ. Suốt buổi sáng, Minh cố moi người trong giới chính trị Sài Gòn, để thành lập chính phủ. Nhiều người được mời đến. Minh bắt tay từng người, gật đầu chào, mời vào trong vườn, hỏi ý kiến rất lễ phép nhưng vẫn có vẻ thờ ơ. Vừa nói chuyện, ông vừa nhìn hoa phong lan. Nhưng không có đối tượng nào Minh vừa ý. Người này quá diều hâu, người kia quá bồ câu. Cuối cùng Minh quyết định chỉ chọn sau lễ tuyên thệ và lúc này ông cầm quyền cùng với phó tổng thống Huyền và thủ tướng Mẫu.
Buổi sáng, tướng Pháp Vanuxem đến tìm Minh giục hắn tiếp tục chiến đấu. Vanuxem được uống nước trà. Cả tướng Timmes buổi chiều cũng đến ba lần hói Minh về chính phủ mới, cho ông ta biết phái bộ quân sự sẽ ra đi và đặt một đường dây thẳng từ dinh tổng thống đến sứ quán. Timmes hỏi Minh nghĩ gì về tương lai. Ông ta mỉm cười và nói: Còn khả năng thương lượng, vả lại Sài Gòn, Tây Ninh và vùng đồng bằng vẫn thuộc về ta. Timmes hỏi lại: Nếu những nơi ấy mất thì ông tính sao? Sứ quán sẵn sàng giúp ông, dành cho ông chỗ tạm trú. Minh lại một lần nữa mỉm cười, lắc đầu: "Người Việt Nam là nhân dân của tôi, tôi không muốn đi". Tuy nhiên, Minh cũng đề nghị giúp các cháu và con gái ông ta, vợ một viên đại tá di tản. Trước bữa ăn sáng, Erich Von Marbod đi lẫn vào đám đông trên lầu ba của sứ quán. Anh định nói chuyện với đại sứ. Trông thấy Martin, anh giật mình, lo sợ. Mặt xám, ngơ ngác, Martin bị cảm ho, tiếng khàn. Marbod cẩn thận đề nghị cho di chuyển Sài Gòn cả phương tiện chiến tranh còn lại. Martin cúi xuống bàn, tìm một bức điện. Ông đã tìm thấy và đưa cho Marbod.
Sau này, ông kể lại: tôi đã nhắc lại với Marbod những điều đã nói với anh nhiều lần: Không được làm gì có thể giảm năng lực chống cự của quân đội Nam Việt Nam, chống cự được càng lâu càng tốt. Mặc dù hôm ấy, ngày 28 tháng 4, quân đội Nam Việt Nam không còn lực lượng, không còn ý chí chiến đấu chống quân Bắc Việt Nam. Nhưng dù sao, quân đội Nam Việt Nam cũng là con chủ bài quan trọng trong trường hợp chính phủ Minh có thể mở cuộc đàm phán Marbod rất ngạc nhiên khi nghe Martin nói trong ba ngày nữa sẽ có ngừng bắn và có ba mươi ngày để thành lập chính phủ liên hợp. Một điều khoản của thỏa hiệp với cộng sản là phải giúp quân Nam Việt Nam và rút vũ khí, đạn dược đi. Von Marbod liếc mắt nhìn thấy bức điện. Không có bức nào chứng minh sự lạc quan ấy. Trước khi Marbod tỏ rõ sự nghi ngờ của anh, Martin cho anh biết ông chắc chắn như thế vì người Pháp và một số người Việt Nam bảo đảm với ông điều đó.
Sau buổi nói chuyện, Marbod đi xe cùng đại sứ về nhà ông ăn sáng. Anh thấy Martin chưa hề thu nộp hành lý riêng. Bà Martin vẫn còn ở Sài Gòn. Marbod vội kêu lên: "Trời, xin ông cho bà Dottie đi ngay". Martin từ chối: "Việc bà ấy có mặt ở đây làm yên lòng người Việt Nam".
Một giờ sau Marbod tìm cách sửa đổi lệnh của đại sứ. Ông cấm không cho di chuyển vũ khí ở Sài Gòn nhưng không nói đến đạn dược ở Biên Hòa. Anh liền cử Rich Armitage, người phó của anh, dùng máy bay lên thẳng đến Biên Hòa để vận chuyển vũ khí. Tiếp đó anh đến gặp tướng Khuyên, ở bộ tổng tham mưu, báo cho ông ta quyết định di chuyển vũ khí ở Biên Hòa. Anh đòi không quân phải cho các máy bay đi Cần Thơ và Phú Khánh, và Khuyên phải cho phá hủy những kho vũ khí ở Biên Hòa mà Armitage không chuyển được. Khuyên hứa sẽ cố thực hiện. Von Marbod sắp từ biệt Khuyên thì có điện thoại của Minh ra lệnh giữ lại một ít lâu các kho vũ khí, đạn dược. Minh nói: "sắp có ngừng bắn tại chỗ!".
Armitage thuật lại: Khi tôi đến sân bay Biên Hòa, có 50 người Việt Nam đang trông nom vũ khí. Tôi hứa đưa họ về Sài Gòn nếu họ giúp tôi khuân vác lên máy bay. Tôi cũng nói: Phải hạ sát ngay bất cứ kẻ nào định vượt rào để ngăn chúng ta. Trong nửa giờ sau, mấy kẻ đào ngũ định nhảy qua hàng rào dây thép gai, chúng tôi đã đuổi chúng đi và đóng gói được vũ khí vào hòm. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc thì chợt Von Marbod gọi radio cho tôi. Sau này mới biết phái bộ quân sự bắt được điện của Bắc Việt Nam nói: "Chúng ta đang bao vây địch ở Biên Hòa, không để chúng thoát." Tôi trả lời Von Marbod: Tôi không thể đi nếu không cho 50 người Việt Nam đi theo. Marbod ra lệnh: "Đồng ý. Cho họ lên máy bay lên thẳng. Nhưng đi ngay"'. Tôi đã làm như thế. Một giờ sau, Von Marbod đề nghị với tướng Smith và Polgar sử dụng máy bay anh chưa huy động. Smith chấp nhận ngay và cho chuyển đi nhiều vật liệu và hồ sơ. Polgar không thích làm thế. Ông bảo Marbod: "Tôi sẽ nói chuyện với anh về vấn đề này". Ông không nói nữa, mất cơ hội sử dụng máy bay để di tản nhân viên CIA trong giờ phút cuối cùng này.
Đến trưa, ngồi trên xe Ford Pinto, tôi lách vào một con đường nhỏ đi đến câu lạc bộ thể thao. Nơi đây tôi đã được hưởng nhiều buổi chiều vui vẻ. Tò mò, muốn biết xem có người Việt Nam giàu có nào vẫn cảm thấy mình bình yên, đến đây không. Không, chỉ có một kẻ giở người, hay là một nhân viên cộng sản? Tôi thất vọng khi thấy nơi tắm nắng và nơi uống cà phê bên bể bơi vắng tanh. Có một nhóm người Pháp ngồi ở một bàn trong góc. Họ nhìn tôi vẻ hằn học hình như tức giận vì thấy một người Mỹ lúc này dám vào đây, xen vào cuộc nói chuyện thân mật của họ.
Đến trưa, mưa đầu mùa rơi tả tích. Bầu trời sẫm tối. Tiếng sấm xen lẫn với tiếng đại bác bắn vào Biên Hòa. Đến 16 giờ, nhiều nhân vật họp trong phòng tiếp khách của phủ tổng thống. Khoảng gần hai trăm người gồm nghị sĩ, tướng đã nghỉ hưu hay đang tại ngũ, một số người thuộc phe đối lập. Một số, hàng năm nay, chưa bước chân vào ngôi nhà đồ sộ này. Họ đến mừng quốc trưởng mới: tổng thống Dương Văn Minh.
Tổng thống vừa thoái vị Hương khai mạc buổi lễ bằng một bài diễn văn không đầu không đuôi, chắp vá, đầy những lời tự khen, tự bào chữa. Khi ông đọc xong, hai sĩ quan tiến ra, thay dấu ấn tổng thống bằng những phù hiệu riêng cua Minh tiêu biếu cho đạo Khổng. Có tiếng xì xào khen ngợi.
Bài diễn văn đầu tiên của Minh đặc biệt ngắn và thiếu thực tế. Nói thẳng với Chính phủ Cách mạng lâm thời - lần đầu, một thủ lĩnh Sài Gòn chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng - Minh đề nghị ngừng bắn ngay và họp một hội nghị hòa bình trong khuôn khổ hiệp định Paris. Ông hứa thành lập một chính phủ dựa trên cơ sở thật rộng rãi, có nhiều nhân vật độc lập, "nhất quyết hòa hợp". Minh nói: Việc tôi làm trước hết là thả những người bị bắt giam vì lý do chính trị và bãi bỏ chế độ kiểm quyết đối với các báo. Những điều cam kết ấy đáp ứng rõ ràng nhưng đòi hỏi của Chính phủ Cách mạng muốn làm tiêu tan hiệu lực của bộ máy nhà nước và gây cho Martin một sự khó chịu khi ông ngồi nghe bản dịch trong phòng làm việc. Biết bao nhiêu lần, ông đã trình bày trước quốc hội và nhiều cơ quan khác: ở miền Nam Việt Nam, không có tù chính trị, báo chí ở đây là báo chí tự do nhất thế giới. Rõ ràng, tổng thống mới không đồng ý với nhận định của ông. Minh cũng nói mấy lời với quân đội Nam Việt Nam: "Các chiến hữu có một nhiệm vụ mới bảo vệ phần lãnh thổ còn lại. Giữ vừng tinh thần. Siết chặt hàng ngũ. Quyết hoàn thành nhiệm vụ. Khi có lệnh ngưng bắn, các chiến hữu thực hiện nghiêm chỉnh theo điều khoản của hiệp định Paris, và giữ vững trật tự an ninh những vùng các chiến hữu bảo vệ".
Những lời kiên quyết ấy không phải là lời nói của một kẻ sắp đầu hàng. Rõ ràng Minh còn tin rằng còn có thể thương lượng được. Sau khi giới thiệu phó tổng thống và thủ tướng chính phủ. Minh cúi đầu chào những người đến dự lễ. Một ánh đèn chụp ảnh lóe sáng, cử tọa vỗ tay. Lúc ấy là 11 giờ 50. Mười phút sau, tư lệnh không quân cộng sản cho máy bay lượn trên toàn thành phố.
Trái với dư luận của nhiều nhà quan sát, cuộc tranh tạc bằng máy bay chiều nay không phải là câu trả lời bài diễn văn cua Minh. Một nhân viên tình bảo của tôi cho biết: Trận ném bom đã được ấn định từ ngày 17 tháng 4, hàng tuần nay rồi. Trùng hợp với lễ tuyên thệ của Minh là một điều mỉa mai của số phận. Bản tin chính thức của phái bộ quân sự khô khan và rõ ràng: Ngày 28 tháng 4, 18 giờ, năm máy bay A.37 (máy bay phản lực cộng sản chiếm được) trang bị ĐK81 đã bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, bom rơi trúng nhà để máy bay của không quân Nam Việt Nam phá hủy nhiều chiếc ( ít nhất có ba máy bay AC.119 và nhiều máy bay C.47). Hai trái bom nổ giữa trung tâm điều khiển và vòng kiểm soát. Không có máy bay của không quân Hoa Kỳ bị bom.
Trong hồi ký của mình, tướng Dũng viết: "Lúc 15 giờ 40 phút, một biên đội năm chiếc A.37 các đồng chí ta lái do Nguyễn Thành Trung dẫn đường, đã cất cánh từ sân bay Thành Sơn đi đánh Tân Sơn Nhất. Một trận phối hợp tuyệt đẹp, một trận đánh hiệp đồng quân chủng, binh chủng đầy đủ nhất từ trước đến nay của quân đội ta vào một thời điểm hết sức quan trọng có tác động lớn đến diễn biến chiến dịch... Chính đồng chí Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân đã đến ngay sân bay Thành Sơn cùng các đồng chí tại đó tổ chức kiểm tra và động viên anh em trước khi cất cánh, đi làm nhiệm vụ".
Tôi ở phòng làm việc, trên lầu thượng của sứ quán, khi những máy bay đầu tiên bay tới. Trước đó, có mấy tiếng súng đơn độc. Rồi bỗng nhiên, đất rung giữa tiếng đạn đại bác và súng liên thanh nổ liên tục. Tôi cố đứng dậy, hai đầu gối run cầm cập. Một lần nữa, tôi cố bò ra hành lang. Các đồng nghiệp của tôi chen nhau trong gầm cầu thang. Mấy người bò ra hình như muốn nậy sàn gác để trốn. Tôi cố ấy lại tinh thần, chạy về phòng, quỳ bên máy điện thoại, an toàn, tôi gọi phái bộ quân sự; còn tay kia vội tắt đèn. Tôi không còn nghe rõ tiếng ở bên kia đầu dây nói vì tiếng vang của bom nổ và tiếng súng tự động. Chợt anh bạn ở phái bộ quân sự thét lên: "Chúng ta bị oanh tạc rồi. Nhiều máy bay A.37 đang bổ nhào xuống đường băng. Một hay hai máy bay F.5 có lẽ cất cánh được còn hầu hết những máy bay khác đều nằm tại chỗ. Nguy kịch, không hiểu nơi người tị nạn ở đó có bị ném bom không? Còn chỗ các anh thế nào?". Tôi trả lời: "Tôi chưa biết nói gì. Có cảm giác máy bay đang bay trên đầu. Ngoài phố, mọi người bắn loạn xạ".
Tôi đến phòng Polgar. Hai thư ký của ông, sợ hãi đang trú sau bàn, gần cửa sổ. Tôi hét lên: "Xuống gầm bàn và chạy đến núp trước họ. Polgar đứng gần cửa sổ, cố theo dõi máy bay. Tôi ấp úng kể lại: Vừa gọi dây nói cho phái bộ quân sự... và chờ ông hỏi. Ông vẫn đứng lặng yên, đăm đăm nhìn bức tường bằng xi măng làm màn ảnh, ở bên kia cửa sổ. Tôi nói: "Ông nên tránh xa chỗ này, đề phòng đạn lạc" Ông tỉnh lại quay gót, theo tôi vào phòng đợi. Pittman cố động viên các cô thư ký. Bỗng nhiên, một tiếng kêu vang dội từ cầu thang lên: "Họ đang ở cửa! Họ đang ở cửa!". Tôi không phải là người duy nhất nhớ lại cảnh năm 1968, ngày đặc công Bắc Việt Nam tràn vào sứ quán. Từ đầu đến cuối gầm cầu thang, chỉ có tiếng sửa lại súng. Các viên chức, người nọ đến người kia, ai cũng xem lại bao đạn. Tôi lấy khẩu M.38, dắt bên hông, người nào đó từ phòng bên cạnh đi ra, tay cầm khẩu M.16. Tiếp đó, nghe thấy tiếng chân người trên cầu thang. Hai lính thủy, mặc áo giáp chắn đạn, đi lên mái nhà. Một người khi đi qua kêu lên: "Báo động giả. Sứ quán không có gì nguy hiểm". Trên lầu thượng sứ quán, Polgar cố khôi phục lại trật tự. Giơ tay lên, ông nói: "Thôi, xếp vũ khí lại. Chúng ta là viên chức tình báo chứ không phải lính xung kích. Chúng ta đừng hòng chống lại quân Bắc Việt Nam".
Trong khi mỗi người chúng tôi xếp vũ khí lại, và không bằng lòng thì Pittman lấy một điếu thuốc, châm lửa vừa hút mấy hơi, vừa nghĩ, anh gợi ý tổ chức một trung tâm kháng cự tạm thời ở lầu dưới. Ở đó ít sợ máy bay hơn, Polgar đồng ý và bảo tôi: "Xuống viết bản báo cáo về tình hình vừa qua. Tiếp tục cho tôi tin tức và cố liên lạc với các nhân viên của ta ở phái bộ quân sự. Đường dây nói trực tiếp và trạm vô tuyến điện ở trên lầu sáu, cạnh phòng làm việc của tôi. Bấy giờ tôi mới biết Polgar chỉ định tôi ở lại lầu trên. Tôi bối rối! Tôi đang cắm cúi làm việc và trả lời dây nói, chợt nhớ đến Joe Kingsley. Đúng lúc phải nhờ anh giúp và hỏi kinh nghiệm chiến đấu của anh. Nhưng Joe không có ở phòng làm việc. Anh ra phố sắm cho vợ chiếc nhẫn và uống mấy ly rượu ở bar.
Sau này, anh kể lại: "Tôi đang đi xe giữa đường Tự Do chợt máy bay tiến đánh. Tôi biết ngay cái gì xảy ra. Tôi nhảy khỏi xe, chạy lại tủ sắt của bar, ở đấy có cả một kho vũ khí: súng Thompson, súng M.16, lựu đạn ném tay. Tôi cố mang theo thật nhiều. Lúc ấy, hai lính thủy được phân công đến sứ quán ở bar đi ra, lắc lư say rượu. Hai người mặc thường phục. Họ bảo tôi: Cho chúng tôi di nhờ xe. - OK. Rồi tôi ném cho họ khẩu Col.45 tự động và cùng họ nhảy vào xe. Tôi cầm chặt tay lái, cho xe phóng đi rất nhanh về sứ quán, xe vừa chạy vừa va phải nhiều xe khác trên đường, còn mấy khách đi xe của tôi thỉnh thoảng lại nổ súng. Tôi cầu trời họ không giết ai dọc đường!
Khi chúng tôi về đến sứ quán thì cửa đã khóa kỹ. Một lính thủy cùng đi với tôi chĩa khẩu Col.45 vào người lính gác Nam Việt Nam. Người này kêu lên bằng tiếng Việt Nam: "Không có chìa khóa, không có chìa khóa". Người lính thủy không hiểu. Anh định bắn vỡ sọ người lính Nam Việt Nam. Tôi vội cướp lấy khẩu Col.45, khuyên anh bình tĩnh. Chợt bất ngờ, một tên ngớ ngẩn nào đó, đứng ở ngoài phố, gần sứ quán Anh, bắn vào chúng tôi. Chúng tôi vội nấp vào sau một cây trong khi đó lính thủy đi lấy chìa khóa và mở cửa cho chúng tôi. Chúng tôi chạy qua đường, lọt vào sứ quán, đạn bắn vu vơ, réo bên tai tôi.
Từ trận Quảng Ngãi hồi năm 1968 đến giờ, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh lộn xộn như thế. Ở Tân Sơn Nhất, nơi bị ném bom, một số người lại thấy thích thú. Trước trận bom, các nhân vật hai đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời đã xuống hầm trú ẩn mà họ đào dưới đất mấy tuần trước. Họ ở đó suốt trận ném bom, nghe dây nói từ thành phố gọi đến và không ngớt khen ngợi tài năng của các phi công.
Ở sở chỉ huy phái bộ quân sự, đại tá Legro kém vui. Ông bị nghẹn trong bữa ăn của các sĩ quan với mấy nữ chiêu đãi viên Việt Nam. Một cô khóc nức nở không thể nào nín được. Legro vừa dỗ, vừa vỗ nhẹ vào vai cô ta: "Đừng sợ, quân Bắc Việt Nam chưa đến đâu!". Các nhân viên của đoàn đại biểu Mỹ bên cạnh ủy ban quân sự hỗn hợp vội vàng chạy từ nhà này sang nhà khác của khu vực phái bộ quân sự để đẩy những người Việt Nam vào góc tường hoặc xuống gầm bàn và động viên họ giữ bình tĩnh.
Moorefild kể lại: "Ở nơi phân loại người di tản, chúng tôi đang làm việc như điên thì máy bay tới. Tiếng bom nổ rất to. Đèn rơi từ trên trần nhà xuống. Một bóng đèn vỡ rơi trúng bàn của Mc Bride và vai anh. Nhiều tiếng nổ tiếp theo. Khoảng một trăm người Việt Nam đang còn làm việc với chúng tôi vừa kêu vừa chạy loạn xạ như đàn gà con bị cáo đuổi. Tôi đứng dậy, cầm khẩu súng, cùng với Bride, xua họ sang một ngôi nhà khác vững chắc hơn ở bên kia phố. Chúng tôi đang chạy thì ba bốn chiếc máy bay vòng lại. Trời đầy khói, mục tiêu chỉ cách chỗ chúng tôi hơn trăm mét, thiệt hại rất nặng. Mặc dù trận ném bom chỉ diễn ra khoảng 15, 20 phút nhưng chúng tôi phải ngồi xổm ở nơi trú ẩn đến hai giờ đồng hồ. Tôi rất buồn là máy bay Nam Viết Nam mất quá nhiều thì giờ để bay lên chống cự. Sau tôi mới biết là họ phải bay mò vì trạm hướng dẫn đã bị hỏng. Thật là chuyện mỉa mai. Trong hai năm chiến đấu ở đồng bằng, biết bao nhiêu lần tôi chỉ huy những trận ném bom xuống vùng Việt cộng, nay tôi mới biết rõ một mục tiêu không có bảo vệ thì như thế nào!
Vẫn bảo thủ và bướng bỉnh, Polgar, thoạt đầu cho là trận ném bom do phe cánh Kỳ gây ra định làm đảo chính chúng Minh lớn. Nhưng phóng viên báo New York, một bạn cũ của Kỳ, gọi tôi, cải chính nhận định ấy. Một bản tin sau đã khẳng định là Bắc Việt Nam đã ném bom. Máy bay xuất phát từ căn cứ không quân Phan Rang trên bờ biển. Khi tôi đưa đến cho ông tin ấy và lời cải chính của phóng viên báo New York, Polgar đang ngồi ở ghế một nữ thư ký trong một phòng làm việc khác và đang đánh một điện cho bộ tư lệnh CIA trên một máy chữ cũ. Ông vừa ở phòng đại sứ trên lầu ba về. Mồ hôi nhỏ giọt trên cái đầu hói, ông đang nghỉ lấy lại sức. Ông ghi những tin tức của tôi vào bức điện và bảo tôi gọi cho Malcolm Brown, người của báo New York Times để hỏi xem có phản ứng gì về phía đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời ở sân bay Tân Sơn Nhất không.
Trước khi tôi gọi được anh thì Brown đã gọi tới. Anh có vẻ tức giận và hốt hoảng. Anh nói, câu được câu chăng: Đồng nghiệp anh trông thấy một Mig.19 bay trên nóc nhà thờ, gần những ngôi nhà của sứ quán, nhiều máy bay A.37 bay nhiều lượt trên dinh tổng thống. Những tin tức nhận được từ Chính phủ Cách mạng lâm thời đều xấu cả. Qua dây nói, một người phát ngôn của chính phủ báo cho Brown: "Chính phủ Cách mạng lâm thời không chấp nhận Minh lớn. Hoa Kỳ phải chấp hành những điều khoản I, IV và IX của hiệp định Paris, phải tôn trọng ý chí và quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam.
Người phát ngôn nhắc lại những điều khoản của hiệp định, đòi người Mỹ phải rút hoàn toàn, rồi mới ngừng bắn... Hai là, Hoa Kỳ phải từ bỏ chính quyền Sài Gòn, đó chỉ là một bộ máy chiến tranh và đàn áp. Những lời tuyên bố của Minh không đáp ứng những đòi hỏi ấy Đọc xong tin trên, Polgar tái mặt. Chứng cớ rõ ràng những hoạt động của ông không được ích lợi gì. Như đã dự kiến, trận ném bom cắt đứt hoàn toàn cầu hàng không. Chỉ mấy phút sau khi máy bay bay qua lần thứ nhất, tướng Smith đã ra lệnh cho hai máy bay C.130 chờ ở phía Đông Nam sân bay Tân Sơn Nhất. Ông cũng ra lệnh cho thuộc hạ đưa tất cả xe Ô tô buýt chưa chạy đến tập trung ở các địa điểm đã qui định. Ông đã nhận được lệnh chuẩn bị rút hết trong 24 giờ, ông muốn sau khi tiếng súng ngừng, sẵn sàng cho xe đi đón những người giúp việc. Đến 10 giờ 15 phút, đại sứ Martin gọi tướng Smith hỏi về sự thiệt hại. Nơi phân loại người tị nạn có việc gì không? Tướng Slmth trả lời: Thưa không việc gì. Và ông cũng biết nơi ở khác có người chết không? Đường băng thế nào? Có thể tiếp nhận được máy bay C.130 không? Smith cân nhắc. Tuy chưa đến tận nơi để kiểm tra. Nhưng theo những bản báo cáo đầu tiên và từ cửa sổ ông nhìn ra thì thấy còn nhiều chỗ để máy bay lớn đậu. Đại sứ thở dài, yên tâm. Quả thật, nhiều cộng tác viên trực tiếp của ông trong đó có Polgar đã đề nghị với ông lập ngay cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng. Nhưng việc đó chưa cần vì vẫn còn dùng được đường băng. Một cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng sẽ làm người Việt Nam hoảng sợ, nhất là làm mất hy vọng một cuộc dàn xếp thương lượng. Martin quyết định tiếp tục cầu hàng không bằng máy bay thường, đỡ nguy hiểm hơn.
Ở Hoa Thịnh Đốn, vì múi giờ khác, nên lúc ấy mới sáng sớm. Kissinger báo cho tổng thống Ford biết việc ném bom và nói rằng Martin bảo đảm cầu hàng không bằng máy bay thường vẫn duy trì được. Tổng thống không bằng lòng, ông vẫn chưa hiểu cái gì đã đưa người Nam Việt Nam đến thảm họa ngõ cụt không lối thoát ấy. Ông cũng không thấy cần để Martin một mình đưa ra những quyết định quan trọng. Vấn đề đàm phán đặc biệt làm ông suy nghĩ. Schlesinger cho là không có hy vọng gì. Còn Kissinger ngày càng nghi ngờ. Chỉ có một mình Martin nghĩ là có thể lợi dụng thời cơ! Thái độ Colby là sự thỏa hiệp giữa thái độ Schlesinger và thái độ Martin. Ngày 28 tháng 4, Colby nói: "Biên Hòa và sân bay có thể mất trong mấy giờ nữa. Quân Bắc Việt Nam tiếp tục uy hiếp mạnh. Cuộc kháng cự ở Long Bình (một căn cứ quân sự gần Biên Hòa) chắc không được lâu nữa. Tây Ninh và Long An sắp rơi vào tay cộng sản. Tóm lại quân Bắc Việt Nam đang uy hiếp Sài Gòn. Đối với Minh, thử xem ông ta có thể thương lượng được một cuộc đầu hàng cho phép những người cộng sản giữ một vị trí trong chính phủ Sài Gòn? Không còn nhiều thì giờ để đi đến kết quả ấy, từ một đến ba ngày là cùng".
Cuối cùng, sau khi thố lộ với Kissinger những điều băn khoăn của mình, tổng thống Ford quyết định thỏa hiệp. Đành cho Martin quyết định thời gian đưa người Mỹ đi, trao quyền cho Kissinger nói chuyện với Hà Nội. Khoảng 20 giờ, giờ Sài Gòn, tướng Smith cho phép hai máy bay C.130 đỗ xuống sân bay Tân Sơn Nhất chở 360 người đi, không xảy ra chuyện gì. Trong lúc đó, từ Honolulu, đô đốc Gayler gọi dây nói cho Smith phổ biến quyết định mới nhất của Hoa Thịnh Đốn: Đình chỉ ngay tất cả các chuyến bay C.141, để 24 giờ tới, có thể có được 60 chuyến bay C.130. Như vậy sẽ tản cư được mười nghìn người, trong đó có nhân viên phái bộ quân sự.
Tất cả các viên chức dưới quyền sứ quán đều được báo cho biết kế hoạch ấy. Và tất cả những người phụ trách các bộ phận đều được lệnh báo cho các nhân viên và tập hợp các cộng tác viên mà họ muốn đưa đi. Đại sứ ước tính phải mất ít nhất hai ngày, đến ngày 30 tháng 4, mới di tản hết các viên chức cao cấp Việt Nam. Trước khi đi ngủ, tôi sang phòng Joe Kingsley, uống một ly rượu và nói chuyện. Đài radio đeo dưới thắt lưng tôi, chỉ phát ra tiếng kêu đều đều. Lúc Joe mở cửa cho tôi thì anh đã uống ly Martin thứ ba. Anh ấp úng: "Cho quên những việc xảy ra ban ngày!". Một anh lính mũ nồi xanh, bạn cũ của Joe đang say túy lúy, đến chỗ tôi. Thuyền gặp gió. Anh chàng ba hoa: "trời, mình ở lại Sài Gòn, mình muốn đánh đắm tàu". Joe cho anh uống một viên thuốc giã rượu. Ba chúng tôi ngồi nghiên cứu kế hoạch di tản từ trên mái nhà và thỏa thuận với nhau, có việc quan trọng xảy ra ban đêm thì người này phải gọi hai người kia.
Tôi trở về phòng. Trước khi đi ngủ, tôi xếp mũ sắt, áo giáp, khẩu M.16 xuống đất, bên cạnh bàn ngay đầu giường để trong đêm tối có thể dễ dàng tìm thấy.
BUỔI SÁNG
Buổi họp được tổ chức nửa đêm trong hội trường của sứ quán. Có khoảng 20 người mệt mỏi và mất tinh thần tới dự lúc George Jacobson đến chỗ ngồi của đại sứ để làm chủ tọa cuộc họp thay đại sứ. Một viên chức lặng lẽ cầu khẩn buổi họp xong sớm. Nhưng anh đã thất vọng. Buổi họp kéo dài hơn một giờ, người nào cũng tưởng mình là chuyên gia về di tản nên đều đứng lên phát biểu ý kiến. Jacobson mở đầu. Anh nói: "Đại sứ tin rằng quân Bắc Việt Nam còn 48 giờ nữa mới mở cuộc tiến công cuối cùng. Sứ quán còn thi giờ để di tản mười nghìn người như dự kiến. Nhưng có một vấn đề là chất lượng. Đã dành quá chỗ đi cho bồi bếp. Đại sứ buộc mười nghìn người di tản còn lại phải là những người mà "tính mạng bị uy hiếp". Jacobson quay lại phía Shep Lowman đã làm một danh sách cho sứ quán và nói:" Anh thử xem có đủ rèn hai nghìn người Việt Nam đáng được di tản không?". Lowman ngạc nhiên. Lần đầu tiên anh thấy người ta định chi tiêu.
Sau đó lại thảo luận về đường đi của xe buýt, nơi đón, và khoảng một trăm chi tiết kỹ thuật khác. Cuối cùng, Lucy Wright giơ tay và hỏi: "Có ai có kế hoạch làm cho chúng tôi thoát khỏi nạn không? Nếu có thì nói đi". Jacobson mím cười và nói điều gì không ai nghe rõ. Lúc kết thúc buổi họp, Lowman hỏi Alan Carter bản danh sách mới những người được anh chọn đi trước. Carter kêu lên: "Tôi đưa mấy ngày nay rồi". - Tôi biết, nhưng để lẫn mất rồi. Phải làm lại tất cả. Lowman chỉ tập hợp được mấy đồng nghiệp làm thành một nhóm hôm sau xung phong đi đón và đưa người tị nạn. Rồi cùng với Dan Brewsler, anh gọi dây nói cho những người Việt Nam đứng đầu danh sách.
Người phát ngôn của Hà Nội không im tiếng. Gần một giờ sau đài Giải Phóng tuyên bố: "Nhân dân ta hoàn toàn tin tưởng về lực lượng chính trị và quân sự của mình và chắc chắn sẽ chiến thắng hoàn toàn, giải phóng miền Nam, đất nước của cha ông". Trong một buổi khác, đài này gọi chính phủ Minh là "ngụy quyền gian dối, một bộ máy chiến tranh trong đó lực lượng thứ ba là nạn nhân". Hà Nội cũng lên án Hoa Kỳ hết sức nặng nề: "Đề nghị đơn giản của Hoa Kỳ là để lại sứ quán với một nhóm nhỏ nhân viên không thể được coi là chấm dứt sự can thiệp của Mỹ. Vấn đề cần thiết là sứ quán ấy được quyền làm gì và tại sao tất cả nhân viên không rút đi ngay, không có một hạn định (không có sự phân biệt giữa cố vấn với những người khác)... đế quốc Mỹ có chịu bồi thường và hàn gắn vết thương sâu và nặng họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam không? "Tóm lại, nếu người Mỹ muốn có mặt một cách chính thức nào đó ở Việt Nam, họ phải bỏ tiền ra và nhận tội".
Những đòi hỏi ấy loại trừ hẳn việc duy trì một phái đoàn ngoại giao bình thường. Không còn vấn đề để lại một sứ quán Mỹ nhỏ nữa. Nhưng phải mất nhiều thì giờ Nhà Trắng mới nhận rõ vấn đề ấy.
Đến 2 giờ 30 phút sáng, giờ Sài Gòn, ngày 28 tháng 4, khoảng hai nghìn người Việt Nam ăn cơm ở nhà phụ của phái đoàn quân sự. Cầu hàng không tạm ngừng vì bốc hàng từ ba máy bay C.130 xuống. Hơn một giờ sau, hai chiếc sẵn sàng chở người đi. Don Hays, người phụ trách việc phân loại mệt quá, không đếm được người đi. Hai chiếc máy bay bốc lên, chiếc thứ ba lăn bánh tới. Hays liếc nhìn đồng hồ: đã bốn giờ sáng.
Một vài giây sau, trái rốc két đầu tiên nổ vang. Nó làm rung chuyển phòng tôi. Tôi lăn khỏi thường trong đêm tối, mò cái mũ, chiếc áo giáp và khẩu súng, bò tới cửa sổ, thầm tính khoảng cách từ đây đến những nơi có tiếng nổ nhỏ tiếp theo: chỉ độ vài kilômét, chắc là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trên các ngọn cây, tôi trông thấy những khối lửa tròn bay trong bầu trời tối mịt. Chân trời vang lên tiếng súng pháo binh. Một tiếng kêu phát ra từ đài vô tuyến nhận tin đặt trên bàn giấy. Ai đó thét lên: "Tân Sơn Nhất bị rốc két và đạn 130 ty bắn phá!". Tôi vội mặc quần, đi giầy và chạy ra hành lang. Ngoài phố, cảnh sát Việt Nam sợ hãi nằm dưới đất, ló đầu khỏi mấy xe hơi đỗ bên hè hoặc khỏi mấy bao cát. Tôi cúi người, chạy ven tường đến phòng Joe Kingsley, xem anh đã thức chưa. Đúng lúc anh dậy. Anh vừa nói: "Lần này thế là hết", vừa mặc áo giáp, chúng tôi theo cầu thang bên ngoài, đi lên nóc nhà. Một trái rốc két nổ gần máy bay C.130 đang đỗ trên đường băng, máy bay bị hư hại nặng, một phần biến thành một tờ giấy nhôm. Hai trái nổ gần trạm gác Moorefield vừa cho đặt cách đây mấy giờ. Người coi Mc. Mahon và anh lính binh nhất chết ngay. Một trái nổ trên sân quần vợt của phái bộ quân sự. 1.500 người Việt Nam ngồi gần bể bơi bị hơi đạn nổ đánh bạt đi như những ngọn lúa bị gió to lay động. Hays thét, họ nằm xuống và anh bị đè bên trên. Mấy giây sau, một trái nữa nổ ở góc phòng thể dục, làm sụt mái nhà và chết một phụ nữ. Ba, bốn trăm người tị nạn ở trong khu nhà định phá tường sắt chạy ra ngoài. Cách đó mấy trăm mét, một trái nữa nổ, hất tướng Smith và Marbod từ giường xuống đất. Trên lầu thượng, một máy điều hòa không khí gắn vào tường bị ném xuống chân một giường có người ngủ. Anh này hoảng sợ vội vớ lấy khẩu M.16 chạy ra ngoài và nhảy xuống một cái hố. Sau anh mới biết là chưa mặc quần !
Cách độ năm kilômét, đứng trên mái nhà, chúng tôi tính thời gian từ lúc bắn đến lúc đạn nổ: khoảng năm giây. Joe nói với vẻ thán phục: "Chắc là đại bác 130 milimét. Không có đạn rốc két nào có thể gây thiệt hại lớn như thế! Rìa sân bay Tân Sơn Nhất, một kho nhiên liệu trúng đạn, bốc cháy ngay bắt đầu đỏ lửa ra chung quanh. Một đám khói đen cuồn cuộn lên bầu trời. Mấy giây sau, một trái nữa nổ vào đám cháy.
Joe, chỉ khu vực Hoa kiều ở Chợ Lớn kêu lên: "Đằng kia cũng bị!". Anh nói đúng. Bầu trời Chợ Lớn đỏ rực, gió biến thành một cơn bão lửa. Từ lúc trái rốc két đầu tiên nổ, tướng Dũng đã theo dõi được tiến triển của cuộc bắn phá nhờ có hàng loạt báo cáo do đặc công nằm ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất gửi về. Đến 5 giờ, có tiếng dây nói gọi ông. Ông viết trong hồi ký: "5 giờ sáng ngày 29 tháng 4, khi các cánh quân ta đồng loạt nổ súng tiến công thì chúng tôi nhận được điện của Bộ Chính trị gửi lời kêu gọi và những chỉ thị sau đây: Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể các đơn vị đã lập được chiến công lớn trong những ngày qua, kêu gọi toàn thể các cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, với quyết tâm lớn nhất, hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sức đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại!".
Sau khi phổ biến chỉ thị của Bộ Chính trị cho các cán bộ có mặt ở bộ chỉ huy, tướng Dũng và cộng tác viên của ông còn gửi một lệnh động viên cho tất cả mọi người. Lệnh đó ông Phạm Hùng thông qua, đã quyết định số phận của Sài Gòn. Hà Nội còn cho tướng Dũng biết một số đông người Mỹ và người Việt Nam sẽ rời Sài Gòn bằng máy bay trong mấy giờ tới, trong đó có cố vấn quân sự Mỹ còn lại. Quân đội tiếp tục siết chặt gọng kìm chung quanh thành phố, nhưng đừng động đến cầu hàng không... Quá 5 giờ, tướng Smith mặc binh phục, đeo khẩu Coi.45 bên hông chạy qua sân quần vợt đến sở chỉ huy của phái bộ quân sự. Ông chưa hết mệt thì một sĩ quan mời ông đến nghe dây nói. Đại sứ Martin muốn nói chuyện với ông. Ông báo cáo: "Vâng, chúng ta tiếp tục bị rốc két bắn. Một máy bay C.130 đang cháy".
Rồi ông nhớ lại chi tiết đáng buồn: hai lính thủy Mỹ bị chết bên hàng rào. Im lặng bên kia đầu dây. Có lẽ Martin chưa nghe rõ. Smith nhắc lại. Đại sứ cắt ngay: "Tôi rõ rồi", tiếng khàn khàn, có vẻ ông bị viêm họng. Đại sứ lại nhấn mạnh: Việc đầu tiên là tất cả các nhân viên phái bộ quân sự phải rời Sài Gòn trong 12 giờ tới dù có bị bắn phá hay không. Cầu hàng không C.130 phải bắt đầu ngay. Cái gì ngăn cản? Smith bình tĩnh trả lời: Đường băng không chắc có còn sử dụng được.
Trở về nhà, tôi đi tắm. Bình tĩnh cạo râu, mặc một quần cũ, một áo sơ mi và một áo ngoài thể thao. Đội mũ sắt lên đầu, đeo vào thắt lưng hai khẩu P.38. Cài khuy áo giáp xong, tôi buồn rầu nhìn lại lần cuối căn phòng tôi ở. mấy cái quần áo bỏ đi, đài thu thanh, tất cả gia tài của một "thực dân" Mỹ trước giờ ra đi.
Tôi đến cầu thang máy. Lính gác Nùng ở ngoài cửa, dưới nhà, chào tôi, đi theo tôi trong một buổi sáng ảm đạm. Lính Nùng được coi là nhân viên an ninh trong các trụ sở chính thức của CIA, họ rất được tin cậy vì tinh thần chống cộng. Phần lớn họ tị nạn, từ Bắc Việt Nam vào. Đã hứa với họ có chỗ trên máy bay di tản nên họ đang chờ. Một người là chồng chị sen của tôi, giúp tôi đưa chiếc bạc đà vào xe Ford Pinto. Anh mở cửa xe cho tôi, chào tôi một lần nữa và ấp úng nói bằng thứ tiếng Anh giả cầy: "Đừng quên tôi". Lần cuối cùng, tôi gặp anh. Anh và các bạn đồng ngũ với anh đều bị bỏ rơi! Từ nhà tôi đến sứ quán chỉ mất ba phút đi xe hơi. Tôi phóng nhanh, trên những đường phố vắng người, nhưng có cảm tưởng là không bao giờ tới được. Sau cùng tôi dừng được xe ở sau sân chơi. Một lính thủy gác ở đây chỉ cho tôi chỗ đỗ xe ở ngoài phố. Đeo bạc đà lên vai, khóa xe, tôi đi về phía cổng sau ngôi nhà. Một lính thủy mở cửa đủ cho tôi len vào. Đi qua sân, tôi đã thấy một bóng người cao trước căn tin. Đó là George Mc Arthur, một trong nhưng nhà báo tôi đã tiếp xúc trong bữa ăn tối của Carter 15 ngày trước và đã không tán thành luận điểm của tôi. - Chào bạn, Mc Arthur nói bằng giọng kéo dài của người miền Nam nước Mỹ, có người cho biết, các bạn còn chỗ. Mấy phút trước đó, Mc Arthur được Eva Kim cho hay cầu hàng không hoạt động gấp và anh không muốn bị bỏ lại.
Tôi sẽ gật đầu và tiếp tục đi. Polgar chưa có ở phòng làm việc. Viên chức thường trực đưa cho tôi khoảng 20 bức điện và tin vô tuyến điện, trong đó có những tuyên bố mới nhất của Hà Nội và một bản sao nhận định của Hoa Thịnh Đốn. Tôi ngồi vào bàn, thảo hai nhận định cho Hoa Thịnh Đốn. Kết luận, tôi nói rõ không còn nghi ngờ gì về chủ trương của Hà Nội đối với Sài Gòn: Không có thương lượng. Đó là bản phân tích về chính trị, quân sự... cuối cùng đánh đi từ sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.
Mệt mỏi vì phải quan sát, Kenneth Moorefield rời mái nhà về phòng, xin một xe hơi. Sau này anh kể lại: "Tôi muốn đến sứ quán để nói chuyện với nhân viên an ninh. Nhưng sau lại thôi. Garrett và cộng tác viên của anh không hề biết gì về cầu hàng không. Thấy thế, tôi bảo họ: Mặc kệ, tôi cứ đi. Rồi tôi đề nghị Garrett cho lính hộ vệ tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đi cũng dễ. Ngoài đường có ít người. Nhưng khi chúng tôi đến cửa chính sân bay thì vấp phải ngay một chuyện: Lính gác không cho chúng tôi vào. Họ cho là tôi là nhà báo nên quá cáu kỉnh. Không thể trách họ được. Đạn rốc két nổ khắp nơi. Máy bay Việt Nam định cất cánh và dưới đất, mọi người đều bắn tứ tung. Tôi tưởng không thể nào vào được. Nhưng đúng lúc chúng tôi định quay về thì trái đạn rốc két nổ cách chỗ chúng tôi mấy trăm mét, chúng tôi vội nhảy vào một cái hốc. Lúc chúng tôi đứng dậy thì những người lính gác quá sợ hãi, mặc chúng tôi muốn đi đâu thì đi.
Đến 6 giờ, đoàn ngoại giao đến sứ quán. Đi trước họ là Polgar. Ông vào đại sứ báo cáo tình hình sân bay. Ông hỏi, rồi gợi ý: "Đã đến lúc phải di tản bằng máy bay lên thẳng chưa? ít nhất, phải cho cưa cây me ngoài sân đi". Đại sứ không buồn nói chuyện nữa. Đối với ông, cầu hàng không bằng máy bay C.170 là quá đủ. Thế là chấm dứt. Tức giận, Polgar gọi Jacobson ra nói riêng: "Dù thế nào cũng phải cưa cái cây để bảo đảm an toàn".
Cùng lúc ấy ở Hoa Thịnh Đốn là buổi chiều, tổng thống Ford họp hội nghị năng lượng ở Nhà Trắng. Một chuyên gia đang nói về khả năng người A rập cấm chở dầu lửa thì tướng Brent Scowcroft, phó thứ nhất của Kissinger, dón chân đi vào phòng và đưa cho tổng thống một tin "Tân Sơn Nhất bị bắn phá, hai lính thủy chết. Di tản tạm ngừng". Ford hằn giọng, suy nghĩ một lát rồi ra lệnh cho Scowcroft triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia trong một giờ. Tại bộ tổng tư lệnh Honolulu, đô đốc Gayler đi bách bộ. Ông muốn cấp tốc thực hiện phương án di tản, nhưng Martin tiếp tục không nghe. Ông đã gọi dây nói thẳng đến sứ quán mấy phút trước nhưng khi được trả lời là đại sứ bận!
Đến 6 giờ 30 phút, tướng Smith ra lệnh mới cho cộng tác viên: Tất cả nhân viên phái bộ quân sự sẵn sàng ra đi, đúng lúc cầu hàng không C.130 lập lại. Tức thì đại tá Wable, tùy viên quân sự gửi qua vô tuyến điện và dây nói một điện, báo động cho các địa điểm tập họp ở trung tâm thành phố. Đại tá giao cho đại úy Tony Woods tổ chức đoàn xe Ô tô buýt và nói: Chính thức ra chỉ có nhân viên phái bộ quân sự đi thôi nhưng nếu có người Mỹ khác xin đi thì cứ để họ đi. Trước 7 giờ, một sĩ quan hải quân đứng ở đường băng vội chạy đến báo cáo tình hình với tướng Smith. Anh nói: ở đây rất xấu, rất xấu. Máy bay Việt Nam đậu trên đường băng như chim bị thương. Dầu, bom, và nhiều vật liệu chiến tranh rải rác khắp nơi. Một máy bay phản lực F.5 máy còn chạy đã bỏ lại. Smith vừa nghe, vừa lắc đầu: Như thế thì máy bay C.130 hạ cánh thế nào được? Nghe vừa xong, ông gọi ngay cho Polgar ở Honolulu và đề nghị có một phi đội máy bay tiêm kích đi bảo vệ máy bay vận tải. Cách sở chỉ huy của tướng Smith mấy trăm mét, Moorefield vừa đột nhập nơi phân loại người di tản của phái bộ quân sự. Anh thuật lại: "Hoàn toàn như một trại người điên. Đánh nhau khắp nơi. Không có cơ quan an ninh kiểm tra. Không có gì hết. Trước đây, có Woods, một sĩ quan hải quân giúp vào việc di tản, tôi đi tìm anh ta định xin một vài lính thủy ra trông coi nơi phân loại. Nhưng khi thấy anh ta thì rõ ra là không lợi ích gì. Trời ơi, chính anh ấy đề nghị tôi giúp. Anh vừa được lệnh tập hợp các chuyến xe nhưng lại không biết rõ địa điểm ở đâu. Tôi biết nên phải giúp anh". Đến 19 giờ 23 phút, giờ Hoa Thịnh Đốn, Hội đồng an ninh quốc gia họp khẩn cấp đặc biệt ở Nhà Trắng. Tất cả cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng, cơ quan tình báo đều tham gia. Ford ngồi đầu bàn, Kissinger ngồi bên phải. Bên kia theo thứ tự là bộ trưởng, quốc vụ khanh Ingersoll, giám đốc CIA Colby, Schlesinger và phó của ông là Clements, tướng George Brown, tham mưu trưởng liên quân, và một số nhân vật ít nổi tiếng khác. Kissinger bắt đầu trình bày: Không lập ngay cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng vì máy bay thường còn có thể cất cánh được ở sân bay Tân Sơn Nhất. Schlesinger và Brown không đồng ý, cho rằng đã đến lúc phải thực hiện phương án IV. Cuối cùng Brown đề nghị một thỏa hiệp: Trước hết bảy máy bay C.130, từ Philippines và Thái Lan bay đi Sài Gòn, nếu chúng đỗ được xuống thì thì tiếp tục cầu hàng không, trái lại phải dùng máy bay lên thẳng. Brown cũng đề nghị với đô đốc Gayler cho một phi đội máy bay tiêm kích hộ tống. Nhưng Kissinger phản đối, theo ý ông, cuộc biểu dương lực lượng lúc này có thể làm Hà Nội hiểu lầm.
Sau đó Hội đồng an ninh quốc gia bàn về số phận bản thân sứ quán. Hà Nội có vẻ bác bỏ mọi sự có mặt của người Mỹ ở Sài Gòn, nhưng Martin hình như vẫn chưa tin như thế. Một người nào đó nói rằng Martin đã lầm, người Bắc Việt Nam nói có lý. Kissinger cau mày. Ford mỉm cười và cắt đứt câu chuyện. Cuối cùng, lại đến một thỏa hiệp thứ hai: Nhân viên sứ quán rút xuống còn một nhóm xung kích gồm 150 người. Những người khác phải di tản ngay trong ngày, cùng với đồng nghiệp ở phái bộ quân sự. Sau buổi họp, Kissinger gọi dây nói cho Martin. Còn tổng thống Ford cho rằng bộ tham mưu đã nắm vững tình hình cuộc khủng hoảng nên đi tìm vợ ở lầu hai Nhà Trắng để cùng nhau uống một ly Martin trước khi ăn tối.
Ở Sài Gòn, Alan Carter đến sứ quán vào 7 giơ 30 phút. Phần lớn đồng nghiệp anh đã đến họp ở phòng làm việc đại sứ. Anh vừa vào, vừa hỏi: tôi dự họp được không?". Đại sứ chỉ cho anh một chỗ trên ghế dài. Polgar vừa trình bày xong bản nhận định của tôi và tuyên bố mới nhất của Hà Nội. Ông nói tiếp: "Những người của tôi ở sân bay Tân Sơn Nhất nói rằng đường băng không còn dùng được nữa. Có lẽ chúng ta phải sử dụng máy bay lên thẳng". Pittman, phó của ông, ngồi không yên, vẻ ngượng nghịu. Anh đã dự kiến như thế. Mặt Martin bỗng căng ra như tờ giấy cũ. Ông rên rỉ: "Làm sao anh biết rằng đường băng không dùng được nữa? Anh chỉ nghe người dưới quyền nói qua điện thoại thôi chứ gì?". Polgar định trả lời nhưng đại sứ đã thay đổi câu chuyện: "Dù sao tôi vẫn nghĩ rằng Hà Nội có ý đồ thương lượng".
Lúc ấy, cuối phòng, có một cánh tay giơ lên. Joe Bennett, cố vấn chính trị, bằng một giọng khiêu khích, đứng lên hỏi: "Cái gì làm cho ngài tin như vậy?". Hai ba đồng nghiệp nhìn nhau, lạ lùng. Joe Bennett vốn rất trung thành với Martin và kịch liệt chống cộng, không phải thuộc hạng người lên án sự suy xét của đại sứ. Martin không thèm trả lời thẳng. Ông nói: Trước khi có quyết định, tôi muốn đến Tân Sơn Nhất xem tình hình thế nào? Carter há hốc mồm. Nhiều tiếng xì xào phản đối. Nhưng trước khi có người đứng dậy phản đối rõ rệt thì Martin phải đi nghe dây nói của Kissinger gọi sang. Mấy phút sau, ông trở lại thì mặt ông mất cả vẻ nghiêm nghị. Ông nói nhỏ: Tổng thống đồng ý lúc này tiếp tục cầu hàng không nhưng muốn chúng ta giảm số nhân viên sứ quán xuống còn 150 người, nghĩa là một ê kíp xung kích.
Bất ngờ, mọi người đều nhao nhao lên. Polgar bắt đầu nói cái gì đó nhưng sau cho rằng, dù sao cũng nên im lặng nên ông dựa vào ghế và lắc đầu. Hoa Thịnh Đốn muốn giải quyết cuộc khủng hoảng như thế đấy. Một nhóm xung kích! Việc đó có nghĩa là ở đây phải dành nhiều giờ để làm lại bảng phân công. Nói một cách khác, làm những việc vớ vẩn trong khi thành Rome đang bị cháy! Đó là ý nghĩa của tất cả việc đó. Khi buổi họp tan, Jim Devine đến gần Lowman: "Thế còn những nhân vật Việt Nam thì sao?". Lowman cho anh biết đã tiếp xúc với tất cả những người quan trọng. Nhưng vẫn còn vấn đề chưa biết giải quyết thế nào: Nếu máy bay C.130 không xuống được thì sao? Không có một cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng nào có thể chở hết đám người di tản. Devine suy nghĩ. Anh gợi ý: "Còn có sà lan, tàu thuyền. Còn thì giờ đi huy động chúng".
Mười phút sau, Lacy Wright và những người thuộc nhóm lực lượng bảo vệ nhỏ bé của Lowman, lấy máy điện thoại, gọi cho hàng trăm người Việt Nam đã được báo trước, nói cho họ biết cầu hàng không đang gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể thay bằng biện pháp khác, tuy có phần nguy hiểm (không ai nói đến sà lan, tàu thuyền cả). Ai sẽ đi? Ai nhận đi thì bất chấp thiết quân luật, mau mau tới một trong những biệt thự được chọn làm nơi đón tiếp.
Một viên chức sứ quán sẽ đến đón họ và nói rõ thêm. Wight đã gọi cho người Việt Nam thứ hai mươi hay thứ ba mươi gì đó thì bỗng anh nghi ngờ. Anh nói với một đồng nghiệp: "Ta gọi nhiều người quá đấy. Không chở hết đâu". Anh nói có lý, khổ thay.
Rời phòng làm việc của đại sứ, Polgar đến báo cho tôi, tôi thuộc nhóm người xung kích nhỏ 50 người của chi nhánh CIA. Giọng ngắt quãng, ông nói thêm: Có thể có mất mát. Anh đã sẵn sàng chịu đựng chưa? Tôi gật đầu. Lúc ấy, tôi rất mệt và rất quen với những tấn bi kịch xảy ra chung quanh. Tôi tưởng như mình tránh được hết đạn.
Giữa lúc đó, George Jacobson tìm một máy bay lên thẳng đưa Martin đến phái bộ quân sự. Anh gọi cơ quan không quân Mỹ ở Tân Sơn Nhất nhưng người kiểm soát không quân trả lời: Anh ta mệt quá không thể nào cho một máy bay đi dược. Nghe thấy thế, Martin tức giận mặc áo ngoài, đi ra thang máy, nói ồm ồm: "Trời ơi Tôi đi bằng xe hơi vậy.
Lúc 7 giờ 30 phút, phó tùy viên không quân và mấy sĩ quan chạy vòng quanh nơi máy bay đổ sang bên kia xa lộ, trước trụ sở phái bộ quân sự. Sau này tướng Smith cho biết: Theo ý họ, lúc ấy, không thể tiếp tục cuộc di tản bằng máy bay thường. Tin lời họ, Smith ra lệnh cho nhân viên phái bộ quân sự chuẩn bị đi bằng máy bay lên thẳng, từ những sân quần vợt. Smith gọi sứ quán báo cho Martin. Nhưng Eva Kim cho biết đại sứ bận. Ông đã đi sân bay để kiểm tra đường băng. Nghe thấy thế, đương nhiên Smith cắm chân trong phòng làm việc.
Một bất ngờ khó chịu khác lại đến với ông tướng khốn khổ ấy! Không báo trước, năm hay sáu sĩ quan cao cấp không quân Việt Nam đến xin trú ẩn và đề nghị phái bộ quân sự giúp họ di tản. Smith lạnh lùng tiếp họ, lột vũ khí rồi đẩy họ vào một phòng rỗng. Sẵn sàng từ chối không chiến đấu? Không phải hẳn như thế. Họ còn có thể giúp ích được. Smith ra lệnh nhốt họ cho đến khi phái bộ quân sự hoàn thành cuộc di tản. Làm như vậy, Smith chắc chắn sẽ nhận được sự hợp tác của những người lính Việt Nam khác. Moorefield, trong đời, chưa bao giờ lái xe hơi. Anh cùng đại úy Woods phải lần mò vào nơi để xe của phái bộ quân sự. Mặc dù đã có lệnh, không một xe Ô tô buýt nào dành đón người tị nạn vì không có xăng! Trạm bơm cũng đóng cửa, lái xe người Việt Nam và nhân viên phục vụ đều trốn hết. Điều đáng sợ nữa là hai người ở giữa nơi bị bắn phá. Moorefild kể lại: "Đạn rốc két nổ khắp chung quanh chúng tôi, một trái nổ chỉ cách 40 mét. Việt cộng bắt chúng tôi làm miếng xăn-uých. Vừa chạy trong cỏ cao, tôi vừa nghĩ chắc hôm nay không có chuyện di tản. Chúng giết chúng ta mất.
Bên cạnh tôi, trong bùn, có một người Việt Nam đang run sợ Tôi gọi ông ta hỏi có biết lái xe không? Ông ta sợ quá chỉ nói được một từ: Biết. Tôi dựng ông ta dậy, đẩy ông ta đến một chiếc xe và bảo: Thử xem nào? Woods cũng làm như tôi khi gặp mấy người Việt Nam khác. Rồi chúng tôi nhảy vào xe Jeep và một xe thường đi Sài Gòn, đằng sau có bốn hay năm xe Ô tô buýt. Đến 8 giờ 15 phút, giai đoạn đầu cuộc di tản cuối cùng bắt đầu ở nơi phân loại người di tản, Don Hays, một tay bế một con nhỏ Việt Nam đang khóc, tay kia xách hai vali, anh nhìn đám đông, cố tìm chủ nhân. Qua làn khói và sương mù phủ lên máy bay, anh thấy một máy bay nhỏ bị bắn, đang rơi như sao sa chảy. Một lát sau, một đại tá không quân đi đến chỗ anh và nói: "Chúng tôi nhận được lệnh tất cả người Mỹ phải rời ngay nơi này và tập hợp ở sân bay hộ tống chỉ huy". Hays đánh rơi vali, trả lời: "Sao lại thế, ở đây còn ba nghìn người Việt Nam không thể bỏ rơi họ đơn giản như vậy! Viên đại tá nhìn vào mặt Hays làu bàu: "Tôi không nhận lệnh của binh lính! Đi! Chấp hành ngay!". Hays trước đây cũng là lính bộ binh, có kinh nghiệm là tranh luận với một viên đại tá thường vô ích nên anh đưa đứa bé cho viên sĩ quan và chạy tới trạm điện thoại. Anh gọi được cho Jaxynka ở sứ quán, Jaxynka trả lời anh: "Đừng thắc mắc. Đại sứ đến xem đấy, ông sẽ biết cần phải làm gì". Hays quay lại chỗ viên đại tá, thở dài và nói: "Tôi cộng tác với ông nhưng ông phải cho tôi biết tình hình. Viên đại tá nhún vai, trả anh đứa trẻ và bỏ đi, hững hờ, Hyas báo cho khoảng 50 người Mỹ đứng rải rác trong đám đông đi về phía cửa sau, ở đấy có nhân viên CIA mở cửa cho họ ra.
Ở trung tâm thành phố, tướng Timmes đi xe của sứ quán đến dinh tổng thống. Một người phục vụ đi trước dẫn ông vào phòng làm việc của Minh. Ông rất lạ là không có sĩ quan, lính gác gì cả. Tổng thống mới mặc đơn giản một áo ngoài, niềm nở tiếp ông. Timmes xin lỗi vì làm phiền Minh. Ông chỉ đến hỏi xem người Mỹ có thể giúp gì thêm. Minh cau mày, lắc đầu. ông nói: "Sáng kiến này thuộc về người Pháp. Mấy phút nữa, đại sứ Mérillon sẽ đến nói chuyện với tôi. Ông cảm thấy vẫn còn chút hy vọng đến nói chuyện với tôi. Ông cảm thấy vẫn còn chút hy vọng đến một thỏa hiệp.
Tướng Timmes hỏi: "Vì sao người Pháp lại nghĩ thế?" Tướng Minh trả lời: Trước hết, người Pháp biết rằng Trung Quốc phản đối việc Bắc Việt Nam chiếm toàn bộ nước này. Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình để làm cho cộng sản không chiến thắng hoàn toàn. Sau nữa, Hà Nội không có đủ cán bộ để cai trị đất nước, có thể họ chấp nhận một chế độ giao thời. Quan trọng hơn nữa là Chính phủ Cách mạng lâm thời không muốn Bắc Việt Nam đô hộ!". Timmes khẽ thở dài. Có phải đó vẫn là những luận điểm cũ mà người Pháp cố thực hiện một cách vô ích từ một tháng nay không? Thảo luận bây giờ cũng chẳng có lợi gì.
Tướng Timmes nghĩ thế rồi bảo Minh, ông sẽ báo cáo với Martin.
20 giờ 30 phút, giờ Hoa Thịnh Đốn, Nancy Kissinger mặc lễ phục đến Nhà Trắng. Cùng với bộ trưởng ngoại giao, bà sẽ tham dự một buổi biểu diễn bi kịch của Noel Coward, vở Presont Laughter, rồi đi chơi thủ đô. Nhưng Kissinger báo cho bà biết phải bỏ buổi xem kịch thôi vì Việt Nam đang hấp hối.
Mấy phút sau, lúc tổng thống và phu nhân ngồi vào bàn ăn thì Kissinger và tướng Scowaft đi qua thảm cỏ của Nhà Trắng, về phòng làm việc. Một nhà báo hỏi: "Có tin gì thế"? Kissinger mỉm cười không trả lời.
Bên kia sông Potomac, bộ trưởng Schlesinger và tướng Brown vừa ăn tôm hùm trong bữa tiệc của Lầu Năm Góc. Họ đến phòng tác chiến ở lầu hai. Lúc họ vào, loa phát thanh treo trên tường nheo nhéo phát tin của lực lượng can thiệp 76 ở Thái Lan và phái bộ quân sự Sài Gòn.
20 giờ 47 phút, nhận được lời nói của Gayler, máy bay C.130 đi Sài Gòn không thể có máy bay tiêm kích hộ vệ. Brown giằng lấy micro báo cho đô đốc biết: Tổng thống cấm dùng lực lượng vũ trang. Im lặng ở đầu dây bên kia.
Trong những điều kiện bình thường, đi xe từ Tân Sơn Nhất về Sài Gòn chỉ mất khoảng 15 phút. Nhưng Moorefield, đại úy Woods và đoàn xe Ô tô buýt của họ phải mất hơn một giờ. Dân chúng không còn tôn trọng lệnh thiết quân luật nữa và đều ra phố để mong chạy thoát. Xe cộ chạy khắp ngả đường. Sau tay lái có bà già mù và sĩ quan quân đội hoảng sợ. Ở các trạm kiểm soát, cảnh sát bắn chỉ thiên để nhắc nhở người đi lại.
Giữa đường, đoàn xe nhận được điện của phái bộ quân sự: Về ngay nhà đại sứ. Woods suýt đâm vào cây khi nghe tin ấy. Không ai bảo anh rằng ở nhà đại sứ có người phải đón. Anh cũng chẳng biết nhà đại sứ ở đâu. Moorefield biết, bảo Woods cho xe đến, không gặp khó khăn gì. Họ hiểu rõ ngay lý do phải quay trở lại: phải di tản những người giúp việc và gia đình họ. Woods tức giận vì thấy mất bao nhiêu thì giờ quí báu. Nhưng thực tế, việc quay trở lại cũng tốt. Đến nhà đại sứ, thì thấy nhân viên giữ nhiên liệu đã bơm đầy xăng vào các xe Ô tô buýt. Đại sứ không có nhà. Bà Martin có lẽ có nhưng không ra ngoài. Một lính gác bảo Woods và Moorefield đưa tất cả nhân viên ra cảng. Moorefield kêu lên: "Ra cảng à! Tôi không hiểu anh nói gì Người lính nói. Đi sà lan. Cả Woods và Moorefield đều không biết tí gì về sà lan tàu thuyền và cũng không biết chúng đậu ở chỗ nào. Lại phải quay lại đón người di tản càng chậm thêm.
Moorefield quyết định gọi sứ quán để hỏi rõ chuyện. Jim Devine nghe dây nói cho biết: Đó là lệnh cửa đại sứ, không được thảo luận. Anh cũng không nói sà lan ở đâu. May quá, những người lính gác cho biết mấy chỉ tiết. Moorefield và Woods nhất trí để hai xe chở người giúp việc đại sứ ra cảng, có một lính gác bảo vệ, còn những xe khác đi đón người tị nạn ở các nơi tập kết. Quá 9 giờ, chiếc xe Chevrolet bọc thép của đại sứ đỗ trước phái bộ quân sự ở Tân Sơn Nhất. Tướng Smith vội vàng dẫn Martin vào hầm, ở đây có mấy sĩ quan Mỹ và Việt Nam. Đại tá Lương, trưởng phòng tình báo Nam Việt Nam báo cáo vắn tắt tình hình: Về mặt quân sự không còn hy vọng, quân đội đã suy sụp, đặc công Bắc Việt Nam đã tiến đến chung quanh sân bay. Legro và Mc Curdy nhấn mạnh: Đường băng đã hỏng. Martin hỏi: Có quân đội bảo vệ đường băng không? Legro trả lời: Thưa không. Lương nói đúng, quân đội đã tan rã. Đại sứ nhún vai, gọi Smith sang một bàn giấy gần đấy và ra lệnh: Cố di tản càng được nhiều người Việt Nam càng tốt. Cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng không chở hết. Phải làm thế nào để máy bay C.130 có thể đỗ xuống được.
Smith muốn trình bày nhưng đại sứ đã quay người, gọi dây nói thẳng cho Hoa Thịnh Đốn. Scowcroft hiểu rõ việc đó. Ông nói: Lúc này Hội đồng an ninh quốc gia ủng hộ giải pháp ấy. Cầu hàng không bằng máy bay C.130 tiếp tục càng lâu càng tốt. Trước khi ngừng nói điện thoại, Martin ghi mấy tên trên và đọc to lên, muốn Smith hiểu. Rồi ông trở ra phòng tác chiến.
Erich Marbod ngồi ở bàn làm việc, trong một góc. Anh đang uống cà phê. Mặc quần Ka ki, vai đeo khẩu liên thanh K.63 của Thụy Điển, anh giống như một du kích hơn là thứ trưởng quốc phòng. Martin quần áo chỉnh tề, đi qua trước mặt anh, nhìn anh không bằng lòng. Sắp ra khỏi phòng thì ông quay lại, đến bên cạnh Marbod. Bất ngờ, mặt ông dịu lại, vừa mỉm cười, ông vừa hỏi Marbod: "Này Erich, sáng nay, khỏe không? Rồi ông để tay lên vai Marbod: "Tôi tự hỏi không biết anh có thể giúp tôi việc này không, đó là việc đưa vợ tôi, bà Dottie đi. Anh có thể thu xếp một chuyến bay đặc biệt để đưa bà ra khỏi nước này không? Anh có nhiều bạn ở bộ tư lệnh lực lượng không quân thứ bảy ở Thái Lan. Anh làm ơn nói với họ cho một chuyến máy bay đặc biệt để chở bà nhà tôi đi. Von Marbod nhìn vào mặt đại sứ trả lời: "Trời ơi, ông Martin, ông không rõ tình hình sao? Đường băng hỏng rồi. Không còn cầu hàng không bình thường nữa. Máy bay nào đậu ở đường băng quá mười phút là bị quân Bắc Việt Nam bắn ngay. Cách duy nhất đưa bà Dottie đi là bằng máy bay lên thẳng".
Mắt Martin mệt mỏi như mắt người sắp chết: "Thế mà tôi vừa nói với tổng thống rằng chúng tôi tiếp tục duy trì cầu hàng không bình thường". Nói xong, Martin quay ra. Von Marbod vội cầm tay áo, giữ ông lại: "Tại sao ông không cùng tôi ra xem đường băng?". Martin lắc đầu và cố đi ra. Lúc ấy, một tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển ngôi nhà. Von Marbod thấy tay đại sứ run lên, hỏi đại sứ: "Thế ông vẫn muốn tổ chức một cầu hàng không bình thường à?". Martin nhìn Marbod, môi mấp máy nhưng không nói gì. Ông quay gót đi ra cửa. Sau này Marbod nói với bạn: "Chắc đúng lúc ấy, Martin đã thay đổi ý kiến."
Nhưng Smith không cho là như thế. Sau khi đưa Martin ra xe Chevrolet và cho một đội hộ vệ vũ trang đi theo đại sứ, ông gọi dây nói cho Polgar ở Honolulu. Ở Hoa Thịnh Đốn, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều theo dõi cuộc nói chuyện của họ. Khi Smith nói xong quan điểm của đại sứ, Gayler hắng giọng và trả lời rằng mọi việc này tùy thuộc vào những máy bay C.130 đang bay về Sài Gòn. Nếu chúng hạ cánh được thì có cầu hàng không.
Mấy phút sau, một sĩ quan thủy quân, đội mũ sắt, mặc áo giáp chạy đến trước Smith báo cáo: Máy bay C.130 không thể hạ cánh được. Đường băng đầy mảnh vụn. Tai hại nữa là quân đội Bắc Việt Nam lại vừa bắn và phá hủy chỗ đỗ chính. Smith vội kêu lên: "Trời ơi! Cho mọi người ra khỏi chỗ ấy, hành khách, lính thủy, mọi người ra tất". Ông vớ lấy micro ra lệnh cho máy bay C.130 đang bay đến, bay chậm lại để chờ.
Ở Hoa Thịnh Đốn, Schlesinger gọi dây nói cho Nhà Trắng: "Vì chúa, đề nghị cho sử dụng máy bay lên thẳng ông hét như vậy với Scowcroft. Lần đầu tiên, người phó của Kissinger có vẻ đồng ý.
10 giờ 25 phút, Smith lại gọi Gayler: Đã đến lúc phải dùng máy bay lên thẳng. Đô đốc thở dài thật lớn ở đầu đằng này, Ở Sài Gòn, cũng nghe rõ. Ông hứa sẽ chuyển ngay đề nghị ấy cho Lầu Năm Góc.
Smith gọi cho Martin đã trở về sứ quán. Không còn hy vọng gì về cầu hàng không bằng máy bay C.130 nữa. Hay là phương án IV hoặc là không có gì. Đại sứ trả lời: Đồng ý. Giọng ông khản đặc vì viêm họng. Ông đã nghe Smith: Dùng máy bay lên thẳng.
Giữa lúc ấy Kissinger gọi cho Ford, báo cáo nhất thiết phải sử dụng máy bay lên thẳng. Nhưng Ford chưa đồng ý. Có quá nhiều tin tức, ông không hiểu dựa vào tin nào, để ông hỏi lại Martin đã rồi mới quyết định.
23 giờ 43 phút, Kissinger gọi cho Martin theo một đường dây riêng. Ông nói rõ quan điểm của ông và chờ ý kiến của đại sứ. Suy nghĩ một lúc, Martin nói đơn giản: "Dùng phương án IV thôi". Kissinger lẩm bẩm: ông đồng ý và một giờ nữa sẽ cho máy bay lên thẳng tới. Được Martin tán thành, Kissinger báo cáo lại với Ford. Tổng thống ra lệnh cho Schlesinger huy động ngay máy bay lên thẳng.
22 giờ 51 phút, giờ Hoa Thịnh Đốn, lệnh tiến hành chiến dịch "Gió lớn" được ban ra, đó là tên một cuộc di tản bằng máy bay lên thẳng ở Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975.
Ở Sài Gòn, lúc ấy, đài phát thanh Mỹ cho phát một bán nhạc cũ: Tôi mơ một đêm Noel trắng. Trước khi đi sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên đài mở liên tiếp điệu hành quân của Sousa.
Martin ra lệnh đốt hai triệu đôla. Sau đó ông hối hận. Ông có thể cần dùng đến số tiền ấy nếu có thỏa hiệp với Bắc Việt Nam. Trong những người di tản đầu tiên được tướng Smith gửi đến hạm đội của đô đốc Whitmire có vợ ông và hai sĩ quan cao cấp hải quân, các đô đốc Hugh Penton và Owen Oberg được bổ sang phái bộ quân sự từ đầu tháng 4. Sự khôn ngoan sơ đẳng nhất là cho bà Smith đi ngay. Còn hai sĩ quan kia thì đô đốc Gayler đã giải thích cho Smith rõ: Không một sĩ quan cao cấp nào được ở lại Sài Gòn trong trường hợp tình hình trở nên thất vọng.
Erich Von Marbod cũng có mặt trong nhóm người di tản ấy, theo đề nghị của ông. Từ sáng sớm, ông đã sốt ruột ngỏ ý muốn ra hạm đội để tổ chức cuộc di tản của những người còn lại của không quân Nam Việt Nam.
Máy bay lên thẳng vừa hạ xuống cầu tàu USS Bluebridge, tàu chỉ huy của đô đốc Whitmire thì Von Marbod đã vội chạy tới phòng thông tin để nói chuyện với Schlesinger ở Hoa Thịnh đốn. Ông nói vừa rời Sài Gòn bằng chiếc máy bay lên thẳng di tản đầu tiên. Ông xin phép được sử dụng một tàu sân bay của đô đốc Whitmire để tổ chức việc nghiên cứu người tị nạn, việc mà Schlesinger giao cho ông làm tuần trước. Bộ trưởng quốc phòng đồng ý và giao cho Marbod tàu sân bay USS Dubuque. Đô đốc Whimire rất bất bình vì thấy một người thường lại nắm quyền chỉ huy một tàu hải quân. Nhưng ông ta không phản đối được vì đã có lệnh của Schlesinger. Von Marbod cảm ơn Whitmire về sự hiểu biết của ông và lấy máy bay lên thẳng đi đến tàu USS Dubuque. Rồi tàu này chạy tới đảo An Thới, quần đảo Phú Quốc, ở ngoài khơi đồng bằng. Von Marbod định đặt ở đây một hệ thống thông tin để hướng dẫn máy bay Việt Nam bay đi Thái Lan.
Người giúp việc Marbod là Rich Armitage đã bay đến một tàu khác của Whitmire và cho tàu này chạy về đảo Côn Sơn. Anh đã hẹn các đơn vị hải quân Nam Việt Nam rời Sài Gòn chạy ra đó. Khoảng mười giờ, đoàn xe Ô tô buýt của Moorefield mới trở lại phái bộ quân sự chở chuyến đầu tiên người tị nạn. Anh thuật lại: Khi chúng tôi đi ngang qua phía bưu điện thì đạn rốc két bắt đầu nổ trên đầu như pháo nổ trong dịp Quốc khánh 4 tháng 7. Chắc chắn, quân đội Bắc Việt Nam có người đứng gác để báo tin có đoàn xe đi qua. Đạn nổ, người ngồi trên xe cuống cuồng, kêu la sợ hãi, ẩn núp dưới ghế hoặc nhảy ra khỏi xe. Cùng với một người Mỹ nữa, tôi vội vàng mở cửa xe cho họ chạy trốn vào trong nhà bưu điện. Nhiều người không đi được nữa, nhất là trẻ con và phụ nữ có tuổi. Chúng tôi phải bế họ, chân thì đẩy hành lý. Lại còn bọn khốn kiếp phóng viên nhiếp ảnh nữa: Họ mắc kẹt vì máy móc, đèn. Tôi thét lên: Vứt đấy! Trời ơi, vứt đấy! Nhưng không có người nào bỏ đồ nghề của họ để giúp chúng tôi một tay. Khi mọi người đã ở trong nhà bưu điện, tôi nhìn ra mới biết người lái xe đã bỏ đi. Lại phải tìm người khác. Tôi hứa sẽ giúp gia đình anh này di tản, anh mới nhận lái nhưng sau này, anh đi mất, tôi không thực hiện được lời hứa.
Khi Joe Kingsley vừa đi vào phòng chân khập khiễng thì đã 10 giờ. Anh trông như một người vừa bị một máy bay phản lực F.5 bay sát đầu: sơ mi rách hết, bám đầy mỡ, mặt đỏ gay. Anh để lựu đạn và súng tiểu liên xuống bàn, như muốn trút mọi gánh nặng trên đời. Ba giờ qua, anh vừa giúp những người Mỹ và người Việt Nam ở trong ngôi nhà, đi đến sứ quán. Anh nói: "Có thể còn có người trong ngôi nhà, một lần nữa tôi đưa được một người ra thì lại có một kẻ khác lén vào. Người Việt Nam cho rằng một Boing 747 sẽ đỗ trên mái nhà để đưa họ đi! Tôi giải thích, nhưng...". Tiếng gọi liên lạc cắt lời anh: đây, Pittman đây . Joe vội nói: "Để tôi", rồi anh đi ra. Pittman định giao cho anh nhiệm vụ mới, cũng khó như nhiệm vụ trước. Pittman nói: Xuống tìm Jacobson. Cố dẫn một ít người Việt Nam ra sà lan đang đậu ở Tân Cảng". Joe kêu lên: "Cầu Tân Cảng, trời ơi, cầu ấy đã bị chiếm từ hôm qua rồi. Việt cộng ở đấy. Không thể đưa người đến đó được Nhưng Fittman không nghe và Joe, là một người lính tốt, phải tuân lệnh. Anh đến phòng làm việc Jacobson, ở lầu ba để nhận lệnh. Jacobson cũng sợ. Ngay cả đường phía bên này cũng không còn đi được. Carmody, tùy viên hải quân đã ra lệnh cho mấy tàu lúc trước đã đỗ ở đây chạy đi Khánh Hội, ở giữa thành phố, nơi mà Chatman và Bob Lanigan đã neo mấy tàu của họ.
Trong khi Joe tìm cách dàn xếp ý kiến của một số người ở lầu sáu sứ quán, tôi tiếp tục suy nghĩ một cách chẳng lợi ích gì. Đã mấy giờ liền, tôi tìm hiểu ý nghĩa của những tin mới nhận được. Thường mỗi khi có điện hoặc tin vô tuyến, tôi đọc rất nhanh, nhớ kỹ những điều hiểu được rồi vứt vào thùng "để đốt". Tin mới đều khẳng định kết luận tôi rút ra từ mấy tuần nay: Cộng sản định chiếm thành phố trong thời hạn ngắn nhất. Tôi cũng đã bắt đầu hủy những bản đồ ghi tình hình những hồ sơ mật. Mặc dù tôi được tham gia vào nhóm xung kích của CIA, tôi cũng không muốn chút nào đứng trước quân đội Bắc Việt Nam với một ngăn kéo đầy tin tức có giá trị. Phần lớn những bản đồ của tôi đều bồi bìa dày, chỉ có một cách phá hủy tiện lợi là lấy lưỡi lê đâm nát ra.
Tin tức ghi trong hai năm qua, biết bao nhiêu công phu. Thế mà đến trưa, phòng làm việc của tôi đã đầy những đống bìa như là nơi đổ rác. Mọi bộ phận trong sứ quán đều làm thế, phá hủy hồ sơ. Một cô thư ký ném một máy chữ giá năm tràm đôla vào gầm cầu thang. Phía sau nhà, người ta đã đốt liên tục giấy tờ, hai lò lửa kêu át cả tiếng đạn nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Bên ngoài ven tường sứ quán, lính thủy đứng gác, đi bách bộ. Biết bao nhiêu cánh tay bám vào cửa ra vào. Hàng trăm người Việt Nam, trong đó có nhiều người giơ những mảnh giấy trắng lên vẫy, chắc là giấy thông hành, - van nài xin vào sứ quán. Bên trong, nhiều đồng bào họ, may mắn hơn - phần lớn là bồi bếp - đến sứ quán từ sáng sớm với ông chủ làm việc ở đấy, đang đợi xe ô tô buýt đi Tân Sơn Nhất. Ngoài sân chơi, gần một nghìn người Việt Nam đứng hết sức lộn xộn. Một số người đã lặng lẽ nậy cửa gian hàng tạp phẩm. Nhiều đồng nghiệp tôi thuộc chi nhánh CIA đến, lấy lại, đem về phòng Polgar rượu, pho mát.
Trước 11 giờ, tôi đi thang máy xuống dưới nhà. Chật ních gia đình người Mỹ và người Việt Nam. Như trên cầu tàu hạng ba của một con tàu chở người hạng nhì. Có những người quay phim vô tuyến truyền hình, sắc trên lưng, đi đi lại lại; viên chức CIA cố tránh để khỏi bị quay. Hai phóng viên báo New York ngồi trên một hòm lớn đặt trong góc nhà trông thấy tôi và gọi nhưng tôi quay lưng đi, tảng lờ như không nghe thấy. Họ làm tôi nhớ tới những con chó rừng khi chúng ngửi thấy mùi thịt thối. Tôi không còn muốn làm vừa lòng sự tò mò của nhà báo nữa. Còn thủ trưởng kiên cường của tôi, ông Polgar, bắt đầu tỏ ra mệt mỏi. Không phải vì sợ, vì căng thẳng mà ông không còn giữ lại được vẻ bình thường, mà là vì ông quá tin vào luận điểm hòa bình thương lượng mà ông luôn giữ trong mấy tuần qua, nay rõ ràng đã thất bại.
Polgar là một trong những ủy viên hiếm có của đoàn ngoại giao đã được Việt Nam hóa trong nhiệm kỳ của tôi. Ông có quan hệ với người Việt Nam thuộc đủ loại, thân thiết riêng với nhiều người mà nghề nghiệp ông đòi hỏi. Trong lúc buổi sáng sắp qua, trật tự cũ đã đảo lộn chung quanh ông. Polgar thấy lòng mình bị dày vò, xé nát vì sự gắn bó, cảm tình đã mất cũng như những kỷ niệm về một lỗi lầm. Từng giờ một, tôi thấy ông sút hẳn. Con người nhỏ bé cứng rắn mà tôi quen biết nay trở thành một người không thể nhận ra được. Tôi rất xúc động, muốn giúp đỡ ông nhưng tôi biết làm việc đó không ích lợi gì.
Sau này, Polgar bảo tôi, lúc ấy, ông rơi vào một cơn mê kinh khủng. Mọi ý nghĩ của ông đều tập trung vào khoảng ba chục người bạn quen biết cũ, ông định giúp ra đi. Họ họp thành một nhóm người Việt Nam kỳ lạ và rất khác nhau: nhà chính trị, cảnh sát, nhất là bộ trưởng nội vụ mà ông rất kính trọng. Đêm trước, ông đã gọi cho họ bảo đến tập trung ở nhà ông vào 11 giờ hôm nay. Giờ hẹn sắp đến, Polgar định đi đón thì thấy mình đang bị nhốt trong sứ quán. Khi người lái xe đánh xe đến cổng sau sứ quán thì cửa đã hạ xuống. Mọi việc xảy ra rất nhanh. Ngoài đường, kẻ nào vừa ném một quả lựu đạn. Không do dự, lính gác khóa luôn cửa lại và cấm mọi xe ra vào.
Khi Polgar hiểu rõ sự tình đến xin phép người cai đi ra, thì anh này từ chối và nói: "Tôi đếch cần biết anh là ai. Polgar trở thành tù binh trong sứ quán đúng lúc bạn bè Việt Nam chờ ông, cách đó khoảng mười ngôi nhà. Polgar đứng bên hàng rào, bất lực; ông đang nhìn biển người trước mặt, chợt một tiếng quen thuộc gọi ông, gọi to và giật giọng. Đó là nguyên cố vấn an ninh của Thiệu, tướng Đặng Văn Quang vừa đến và len tới sát hàng rào. ông mặc một chiếc áo đi mưa dài, đeo kính đen, xách hai cặp rất nặng. Polgar nói dõng dạc với người cai: "Cho người này vào". Nhưng cũng phải tranh luận, người cai mới đồng ý hé cửa để Quang lách cái thân già, béo phệ của ông ta vào!
Những giờ sau, Quang đi đi lại lại trong phòng làm việc của Polgar trên lầu sáu. Ông mặc bộ quần áo màu xanh nước biển, đeo nhiều nhẫn kim cương. Quang gọi dây nói khá lâu vì trong lúc sợ hãi và vội vàng vào sứ quán, ông đã quên con cháu đang đứng bên ngoài. Quang cố cầu cứu mấy người bạn khác. Phần lớn chúng tôi ghét Quang. Thấy ông ta ngồi trong phòng, chúng tôi ra ngay. CIA đã trả ông ta nhiều tiền và đề cao ông ta nhiều năm, CIA cũng đưa ông ta lên ngồi cạnh Thiệu nhưng ông ta đã phản bội chúng tôi, không cho chúng tôi biết chiến lược của Thiệu rút khỏi Tây Nguyên, đưa quân về cố thủ.
Trong những giờ cuối cùng ở Sài Gòn này, mặc xác ông ta xoay sở. Buổi chiều, khi máy bay lên thẳng chở Quang đi, không có con ông ta, không người nào không nói: "Đáng kiếp.
Khi Polgar đi từ sân lên phòng làm việc, ông có vẻ già thêm mười tuổi. Vừa đi bách bộ, ông vừa nói: Làm gì bây giờ? Tôi hứa với những người Việt Nam ấy, đón họ ở nhà tôi. Tôi không thể để họ ở đấy. Pittman cầm tay ông, đề nghị cho máy bay lên thẳng đến đón họ. Tôi trả lời: "Không được, các cơ quan an ninh đều nói súng nổ bốn bề chung quanh ngôi nhà Polgar. Không một máy bay lên thẳng, một xe ô tô buýt nào đến được đấy vào lúc này". Tôi chợt nhớ tới ngôi nhà số 6 Quảng trường Chiến sĩ, nhà tôi ở, cách không xa biệt thự của Polgar. Tôi đề nghị cho máy bay lên thẳng đến đấy. Giải pháp đúng, Polgar gật đầu kêu lên: "Đúng, đúng. Để tôi gọi Út đưa họ đến. Tốt quá". Mấy phút sau, người lái xe của Polgar, cao 1,64 mét, lách ra khỏi sứ quán, mang theo một máy vô tuyến điện.
T.D Latz không có vẻ gì là người anh hùng. Nguyên là phi công lái U.2, anh nói giọng người Arkansas, vừa thọt, vừa đui. Râu xám ít được tỉa đâm tua tủa như bàn chải. Đại diện hãng Hàng không bên cạnh sứ quán, anh biết rõ hơn ai hết khả năng và hạn chế của máy bay lên thẳng hãng anh có. Anh là người Polgar rất cần lúc này. Cho Út đi xong, Polgar gọi Latz qua một máy phát thử. Latz đang ở trong một máy bay Huey trên bầu trời Sài Gòn, hướng dẫn cho người lái bay đến một nóc nhà đón một số người Mỹ sợ hãi. Hai mươi phút sau, máy bay lên thẳng của Latz đỗ xuống mái nhà sứ quán. Latz đi thủng thỉnh vào phòng Polgar. Ông này cầm lấy tay anh: "Này, tôi muốn anh bay đến ngôi nhà số 6, Quảng trường Chiến sĩ, đón 30 người của tôi". Latz nhìn tôi, vẻ mệt mỏi. Mấy ngày trước chúng tôi cũng nghiên cứu khả năng cho di tản trên nóc nhà tôi. Vì mái nhà hẹp, lại có nhiều kẻ bắn lén nên máy bay đỗ xuống rất khó.
Latz suy nghĩ. Tôi nói: "Nên lấy lính thủy đi bảo vệ. Trong nhà cũng còn một số người Việt Nam muốn đi". Polgar không nghe thấy hay làm như thể không nghe thấy, vỗ vào tay Latz: "Đồng ý chứ?" Latz trả lời: "Thưa ông Polgar, đồng ý nhưng tôi phải đem theo vũ khí để cho chắc chắn". Hai mươi phút sau. Latz lại lên máy bay trực thăng và bay đến ngôi nhà ở Quảng trường Chiến sĩ để đón Út và nhóm người Việt Nam. Ở gần đấy, trong nhà phụ của CIA, Jerry Locksley viên chức thường trực, không ngừng đốt giấy má. Đã hàng giờ, đồng nghiệp anh và anh cho hồ sơ lý lịch nhân viên CIA vào lò lửa. Do nhiều nguyên nhân kỳ lạ, người ta phải để đến phút cuối cùng mới đốt. Lại phải hủy những tấm phích in tên những người Việt Nam phải di tản vào ngày E nữa, tính mạng họ dễ bị uy hiếp. Những phích ấy đáng lẽ dùng để thay vào vé đi nhưng đã quên không phân phát chúng. Ném những tấm phích ấy vào lửa, Locksley có cảm giác vứt vào lãng quên tất cả những người đáng được trả công...
Dưới con mắt của giới thân cận, Graham Martin nay giống một xác chết biết đi. Da xanh, mặt nhăn nheo, ông đứng không vững. Từ ngày Hoa Thịnh Đốn ra lệnh di tản bằng máy bay lên thẳng, ông tỏ ra không còn ý chí đấu tranh nữa. Giới quân sự và đô đốc Gayler nay hoàn toàn nắm mọi công việc. Martin chỉ còn một lo lắng duy nhất: Làm thế nào di tản càng được nhiều người Việt Nam càng tốt. Nhưng phải chờ một hai giờ nữa máy bay lên thẳng của hải quân mới đến.
Từ ngày được bổ nhiệm làm đại sứ ở Sài Gòn đến nay, lần đầu tiên, ông thấy rỗi việc. Ông quyết định lợi dụng lúc này để làm việc riêng. Ông muốn quay về nhà tìm vợ. Những người bảo vệ, lính thủy mặc thường phục, ngăn ông lại. Chỉ họ đi đón bà Martin thôi, còn đại sứ không được coi thường tính mạng, đi ra ngoài đường lúc lộn xộn ấy. Martin phản dối: "Tôi là đại sứ, không muốn bị nhốt". Nhưng xe không đi được. Ngoài đường, người Việt Nam trở nên điên loạn. Martin nói: "Không sao, tôi đi bộ. Ông ra hiệu cho người bảo vệ to, khỏe rồi tiến tới cầu thang máy. Họ đi bộ về nhà đại sứ. Người đầy tớ của ông, Chinh đón ông ở cổng. Bà Martin, một phụ nữ nhỏ nhắn, dũng cảm, đã chuẩn bị hành lý và sẵn sàng. Martin bảo Chinh chuẩn bị cho ông một sắc đi đêm. Rồi ông đi chậm rãi quanh nhà, nhìn lại lần cuối cùng các phòng, các cửa...
Ngôi biệt thự này trước đây đã là chỗ ở của ba đại sứ. Nó có ma! Người ta đã định cúng ma. Nhưng lúc này có những ma thật đang ở chung quanh Martin. Tấm ảnh của tổng thống chụp cùng gia đình, tặng ông, vẫn để trên đàn dương cầm. Mọi cái ông mua sắm thu nhặt được trong 40 năm hành nghề, vẫn còn ở chỗ cũ. Trong lúc đi quanh nhà, Martin chợt chú ý đến một vật mà ông đặc biệt thích: đó là hình mẫu một ngôi chùa Trung Quốc. Ông lấy bỏ vào túi rồi đưa tay cho vợ, đi ra đường. Lính bảo vệ siết chặt hàng ngũ xung quanh họ. Còn Chinh đi sau, đeo sắc đêm. Năm phút sau, họ trở về sứ quán. Trước khi lên phòng làm việc, Martin đi qua cửa ngách sang sứ quán Pháp. Ông muốn đến thăm Mérillon nhưng đại sứ Pháp không có ở đấy, đại sứ ở phòng riêng, không muốn dính vào các chuyện. Mérillon giải thích với cộng tác viên: "Sự vắng mặt của ông ở sứ quán sẽ làm nản lòng những kẻ ăn bám và những nhân vật chính trị đến tìm nơi cư trú, như trường hợp đã xảy ra tại sứ quán Pháp ở Phnôm Pênh, ngày Campuchia sụp đổ".
Mérillon tiếp Martin trong phòng làm việc riêng. Họ bắt tay nhau, trao đổi ngắn gọn mấy câu xã giao. Martin đi vào mục đích cuộc viếng thăm: Cuộc gặp gỡ Mérillon và Minh lớn sáng nay có kết quả không? Chính phủ Cách mạng lâm thời có thả bóng hòa bình mới không? Đại sứ Pháp châm lửa cho tẩu thuốc, hít mấy hơi. Khói thuốc lá Angiêri cay xè tỏa khắp phòng. Sau cùng, ông trả lời: Không, không có gì phấn khởi đáng nói cả. Minh tiếp tục thăm đò phía bên kia còn Chính phủ Cách mạng lâm thời chưa trả lời.
Martin đăm đăm nhìn thẳng một lát rồi hạ thấp giọng, nói với đại sứ quán Pháp: Trường hợp như thế, ông có một gợi ý: để ông trực tiếp gặp đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời, ông Mérillon có thể thu xếp được không? Đại sứ Pháp đổ thuốc trong tẩu ra, gõ tẩu vào gạt tàn thuốc. ông nói ngập ngừng: Sẽ cố, nhưng chưa dám hứa. Martin nhún vai, cảm ơn và đứng dậy để đi về. Vừa đứng lên, ông vừa rút trong túi ra hình mẫu ngôi nhà chùa Trung Quốc, đặt lên bàn làm việc của Mérillon, cảm ơn đại sứ Pháp về tất cả công việc đại sứ làm vì "sự nghiệp hòa bình trong những tháng qua"!
Khi Martin trở về phòng làm việc trên lầu ba thì vợ ông đang nói chuyện với các cô thư ký về một vấn đề mà bà rất băn khoăn. Bà không muốn chút nào nhìn mặt Graham xanh nhợt như thế. Không muốn hoàn toàn. Rõ ràng ông ấy ốm, yếu. Ông ấy cần có một bữa ăn ngon và bà muốn trở về nhà nấu cho ông món ragu bò. Một cộng tác viên của Martin khéo léo an ủi bà. Một giờ sau, bà Martin lên máy bay trực thăng của hãng Hàng không Mỹ, bay đến tàu USS Denver, một con tàu của hạm đội di tản. Gần 11 giờ, tướng Timmes lại đến dinh tổng thống. Lần này ông đem bức thư trả lời của Martin đến cho Minh về việc Minh yêu cầu tất cả sĩ quan quân đội Hoa Kỳ phải rời Sài Gòn trong 24 giờ. Martin rất đồng ý, nếu việc đó có thể củng cố địa vị Minh trong cuộc mặc cả với cộng sản. Ở sở chỉ huy của ông ở Bắc Sài Gòn, tướng Văn Tiến Dũng mỗi lúc một sốt ruột. Bộ Chính trị đã báo cho ông mấy giờ trước, cố vấn Mỹ phải di tản. Thế mà, những quan sát trực tiếp của ông ở Tân Sơn Nhất vẩn gửi tin về: Phái bộ quân sự Mỹ đang tích cực hoạt độngl
Cảnh giác và khôn ngoan, tướng Dũng quyết định không để mắc lừa. Ông truyền những lệnh cụ thể cho pháo binh trên mặt trận phía Đông. Nếu đến sẫm tối, người Mỹ không đi hết thì bắt họ phải trả giá đắt về sự bịp bợm ấy! Một nhân viên tình báo cho chúng tôi biết, đúng 18 giờ, giờ Sài Gòn, quân Bắc Việt Nam sẽ nã khoảng 20.000 phát đại bác 130 ly vào dinh tổng thống, giữa Sài Gòn. 20.000 trái đạn 130 ly, điều đó có nghĩa là không những dinh tổng thống tan ra như tro bụi mà cả sứ quán Mỹ, sứ quán Pháp ở gần đấy nữa. Tôi phải đọc lại ba lần bản tin. Đến 18 giờ, tôi chạy đến phòng Polgar, vượt trước những cô thư ký, đưa cho ông bản tin. Ông đọc một lát, mắt mở to sau cặp kính dày, trả lại tôi bản tin và nói giọng khàn khàn: Đưa ngay cho đại sứ, đưa ngay. Tôi nhảy xuống lầu ba, Martin đang ở trong phòng Eva Kim. Tôi nén thở trong khi ông đọc bản tin. Nét mặt không thay đổi, nhún vai, ông trả tôi mảnh giấy, không nói một lời. Trở về lầu sáu, tôi mệt muốn đứt hơi. Tôi thuật lại cho Polgar biết. Ông bảo tôi đi tìm Timmes để ông ấy báo cho Minh lớn. Chính Minh lớn mới có thể đề nghị hoãn việc bắn phá. Mấy phút sau, Timmes đến, trao đổi rất nhanh với Polgar rồi nhắc dây nói. ông quay số. Giữa lúc ấy, Kissinger khẩn cấp gọi Martin: Không còn phương án nào nữa. Tất cả người Mỹ, kể cả nhóm xung kích 150 người và cả bản thân Martin, phải rời Sài Gòn trước khi trời tối. Rõ ràng, những tin tức mới nhận được ở Hoa Thịnh Đốn khẳng định với họ rằng người Mỹ không thể nào còn có mặt ở Sài Gòn được nữa.
Đến trưa, đại tá John Madison và bốn ủy viên trong đoàn đại biểu Mỹ trong ủy ban quân sự hỗn hợp vào sân sứ quán, chen qua đám đông. Đại úy Stuart Herrington, một sĩ quan chuyên nghiệp biết nhiều thứ tiếng và có kinh nghiệm chiến đấu, bực mình về những hành vi anh trông thấy: người ta công khai ăn cắp rượu của căn tin và vui vẻ uống.
Ngoài sân sứ quán, lính thủy đẩy những chiếc xe cuối cùng của phái bộ ngoại giao qua đám đông vây ở cổng. Những người lính gác khác hạ cây me theo lệnh của Garnett, người phụ trách an ninh của sứ quán, để lấy chỗ cho máy bay lên thẳng đỗ. Sắp hết buổi sáng. Tôi cùng Pittman từ lầu ba đi xuống xem việc di tản đến đâu. Trong phòng Jacbson những bức ảnh chụp anh đứng với nhiều nhân vật Việt Nam quen biết vẫn còn treo trên tường. Jacbson vẫn mặc như thường ngày, một sơ mi kẻ sọc xanh, nói dấm dẳn điện thoại với mấy kiểm soát viên máy bay của phái bộ quân sự. Khi Jacbson ngừng nói, Pittman hỏi: Theo ý anh, cuộc di tản mất bao lâu? Jacbson lắc đầu; Tôi không biết. Anh đi hỏi Lehmann. Chắc anh ta biết?
Lehmann bình tĩnh lạ kỳ trong bộ quần áo vải xanh xám, cũng không biết gì hơn. Anh bảo chúng tôi: Sao không lên lầu bốn mà hỏi những người phụ trách việc di tản? Tôi trả lời: "Thưa ông Lehmann, không còn trung tâm di tản trên lầu bốn nữa. Bộ phận nào lo di tản cho bộ phận ấy". Pittman ngắt lời: "Nghe đây, chúng ta phải hỏi xem còn bao nhiêu thì giờ nữa. Ít nhất phải mất ba tiếng để phá hủy các máy móc điện đài. Và nếu cuộc di tản diễn ra thì ta phải đi ngay. Lehmann phản đối lại: "Tôi không biết gì nữa. Có thể còn một nghìn, hai nghìn, có thể là mười nghìn người Mỹ cần di tản nữa. Các anh hãy đi làm việc của các anh". Rồi Lehmann xua chúng tôi ra khỏi phòng.
Tại Nhà Trắng ở Hoa Thịnh Đốn, lúc ấy đã gần nửa đêm. Tổng thống Ford, mệt mỏi và căng thẳng sau một ngày lo nghĩ dài, đã lên giường nằm. Ông sắp uống như thường lệ, một ly ba-bơ nóng đặt trên bàn.
Dưới nhà, Kissinger tiếp tục đọc tin mặt trận. Theo báo cáo mới nhất của chỗ tướng Smith thì quân đội Sài Gòn đã sụp đổ và bộ chỉ huy không còn. Thực tế, trụ sở bộ tổng tham mưu liên quân, ở gần Tân Sơn Nhất, gần như bỏ trống hoàn toàn. Tướng Kỳ một mình, đi tìm tướng Khuyên, nguyên tham mưu trưởng. Sáng nay, Kỳ đã cho vợ con đi khỏi Sài Gòn, và ông muốn lấy một máy bay đi ném bom lần cuối cùng quân thù (sau này Kỳ mới nói lại như thế). Khuyên biến mất. Ở bộ tham mưu không quân người ta trả lời Kỳ, mọi người đã đến phái bộ quân sự. Lúc ấy, tướng Ngô Quang Trưởng, cựu tư lệnh Quân khu I, nay là một con người suy sụp và cay đắng, đang ở phòng tác chiến. Ông thở dài: "Tôi chẳng còn biết làm gì nữa". Kỳ cúi đầu, đặt tay lên vai Trưởng: "Đến chỗ tôi". Họ ra khỏi ngôi nhà, lên máy bay trực thăng riêng của Kỳ, bay tới tàu USS Midway, trên biển Đông. Ở phái bộ quân sự, một chỉ huy cao cấp của quân đội Nam Việt Nam đến thăm tướng Smith lần cuối cùng. Đứng trước người Mỹ, ông ta ăn mặc rất chỉnh tề, ngực đeo đầy huân chương. Đó là tướng Phạm Văn Phú, người đầu hàng không chiến đấu ở Tây Nguyên, viên tướng bỏ mặc quân lính tan rã. Ông ta chào trịnh trọng, thong thả tướng Smith, dậm gót chân rồi quay ra. Ông ta đề nghị Smith giúp một phần gia đình ông ta di tản, nhưng không nói gì đến ông ta. Một lát sau, Phú bắn vào đầu tự tử. Ở Dinh Độc Lập, tổng thống Minh buồn rầu nhìn người chiến sĩ già, Đô đốc Diệp Quang Thủy, tham mưu trưởng hải quân, bắt tay ông ta lần cuối cùng, Thủy đến đề nghị Minh rời thành phố xuống tàu đi cùng với nhiều người khác ở cảng. Nhưng Minh từ chối, ra lệnh cho Thủy cố cứu lấy mình và những sĩ quan chỉ huy khác của hải quân, Thủy cúi đầu, sửa lại áo, chào vị tổng tư lệnh.
BUỔI CHIỀU
Đô đốc Donald Whitmire như một trái núi. To khỏe, bụng phệ dưới quân hàm của hải quân và khóa thắt lưng, ông giống một hậu vệ bóng đá về già hơn là tư lệnh một đơn vị trên biển sẵn sàng can thiệp trước một cuộc chiến tranh. Mặc dù bề ngoài như thế nhưng ông ta đã tận tụy hoàn thành nhiệm vụ hết mức xuất sắc và khéo léo, nâng cao uy tín của quân chủng. ông đã cứu nhiều người Việt Nam được Mỹ cho di tản trên biển, tập hợp máy bay, tàu bè, giữ vững kỷ luật trong những tình huống rất khó khăn. Đối với cấp dưới trong lực lượng can thiệp 76, ông nêu gương là một con gấu biển tài ba.
Tuy nhiên, sáng 29 tháng 4, ông đã thất bại. Mấy giờ trước, ông tưỞng chiến dịch "Gió lớn" chưa bắt đầu vì nó chỉ được thực hiện khi những hoạt động chính trị không ăn thua gì. Do đó, lúc 10 giờ 51 phút, khi tổng thống bật đèn xanh cho việc mở cầu hàng không bằng máy bay lên thẳng, Whitmire và đơn vị ông chưa sẵn sàng. Không thể nào cho máy bay đi nếu không kiểm tra cẩn thận từng chiếc một mà đơn vị ông có tới 81 chiếc: Lại còn phải lấy thêm lính thủy về xin máy bay tiêm kích ở Thái can. Biết rõ lúc nào chiến dịch bắt đầu cũng là điều quan trọng.
Thế mà việc thông tin liên lạc giữa Hoa Thịnh Đốn và lực lượng can thiệp khá rối ren. Kissinger nói với Martin: cuộc di tản bắt đầu lúc 11 giờ 51 phút, một giờ sau lệnh của tổng thống, nhưng đó là giờ Hoa Thịnh Đốn, Greenwich hay giờ Sài Gòn? Không ai trong hạm đội biết rõ. Hậu quả: đến trưa, không một máy bay lên thẳng quân sự nào bay đi Sài Gòn. Martin gọi trực tiếp cho Gayler đề nghị giải thích. Mười lăm phút sau, lính thủy của lực lượng can thiệp được lệnh bay. Đến 12 giờ 30 phút, một phi đoàn gồm 36 máy bay lên thẳng đầu tiên rời cầu tàu USS Hancoch, có nhiều máy bay Cobra vũ trang hộ vệ. Một phút sau, những máy bay tiêm kích phản lực Phantom từ các căn cứ ở Thái Lan bay tới bầu trời Việt Nam yểm hộ thêm. Một giờ rưỡi trôi qua kể từ lúc tổng thống bật đèn xanh cho chiến dịch "Gió lớn". Thời hạn không dài như thế nếu không có những rắc rối khác. Sợ phản ứng của cộng sản nên Lầu Năm Góc ra lệnh cho tàu bè đậu cách bờ biển hơn 12 hải lý, bên trong là hải quân Nam Việt Nam. Như thế bay tới Sài Gòn phải lâu thêm 40 phút. Đến phút chót, Whitmire còn xin thêm một thời hạn để hoàn thành việc chuẩn bị. Đoàn máy bay lên thẳng đầu tiên bay đi ông còn ra lệnh hoãn đến 14 giờ mới cho người xuống!
Ở sứ quán Sài Gòn, phần lớn chúng tôi không biết chiến dịch "Gió lớn" đã bắt đầu và gặp một số khó khăn. Martin và cộng tác viên chính của ông quá lo việc đưa người tị nạn về nơi tập kết thêm quên không phổ biến cho chúng tôi. Còn riêng tôi, tôi vẫn phải theo dõi những tin tức gửi đến và nhận được qua vô tuyến điện. Tôi tập trung tư tưởng để đọc, hy vọng khám phá được lệnh tạm ngừng bắn đại bác của cộng sản. Nhưng tôi đã phí thì giờ. Điện gửi tới chỉ nói về sự tan vỡ dần dần của phòng tuyến bên ngoài thành phố. Quá trưa, một nguồn tin chắc chắn công nhận hai sư đoàn Bắc Việt Nam đã chiếm tỉnh Tây Ninh, bao vây và tóm gọn sở chỉ huy sư đoàn 25 Nam Việt Nam ở Củ Chi. Trên các mặt trận khác, quân chính phủ rút lui như đàn cua trước nước lên. Chỉ có ở phía Tây Nam, một vài đơn vị tiếp tục kháng cự một cách yếu ớt. Hai trung đoàn thuộc sư đoàn 22, hồi trước bị tan rã ở Quân khu II, nay được tập hợp, bổ sung và tổ chức lại, đang ở phía Nam ngoại vi Sài Gòn.
Tướng Timmes đang nặn óc tìm ý nghĩa một bài diễn văn do đài phát thanh Sài Gòn vừa phát. Đó là lời kêu gọi của thủ tướng mới Vũ Văn Mẫu đòi tất cả người Mỹ rời Sài Gòn ngay lập tức. Cách đây chưa được một giờ, tổng thống Minh chỉ nói với Timmes về việc phái bộ Mỹ ra đi, nay thì rõ ràng ông muốn tống cổ tất cả chúng tôi đi để vừa lòng cộng sản.
Timmes vội chạy tới buồng Polgar, báo cho ông biết sự thay đổi ấy nhưng không ở lại được quá hai phút vì trùm CIA Sài Gòn đang lo công việc riêng. 12 giờ 30 phút, Út, người lái xe nhỏ bé, can đảm của Polgar cho ông biết bằng vô tuyến điện, anh đã tới ngôi nhà số 6 Quảng trường Chiến Sĩ. Có một máy bay lên thẳng trên mái nhà, anh nhìn thấy rõ. Nhưng không vào được nhà vì cổng sắt khóa kỹ, có tới ba trăm người đang chờ. Nếu mở khóa, họ sẽ tràn vào. Pogar nhìn đài vô tuyến điện, chớp mắt như cố nín khóc. Ông trở về phòng làm việc, lấy mốt chai cô nhắc, tu một hơi. Nhiều sĩ quan ngồi ở phòng ngoài bắt chước ông, người uống Scotch, người uống cô nhắc, hai thứ rượu thường chỉ uống vào lúc vui ở bộ phận phân loại người tị nạn, chỉ còn Don Hays, hai người Úc và một đại tá không quân làm việc.
Giữa trưa, trời nắng chang chang. Không một bóng cây. Không gian óng ánh. Hays móc túi lấy khăn trùm lên đầu. Người Việt Nam đứng chung quanh mồ hôi nhễ nhại đòi uống nước. Bể đã cạn. Bọn lưu manh phá hàng rào vào ăn cắp mọi thứ còn lại. Mờ mịt chẳng thấy máy bay lên thắng đâu! Chợt ở phía nhà phụ, tiếng súng M-16 nổ. Hays nhào người ra phía sau một thùng sắt. Người Việt Nam sợ hãi chạy nhốn nháo chung quanh. Họ kêu át cả tiếng súng. Hays chợt liếc mắt trông thấy hai sĩ quan không quân Mỹ, cầm súng chạy lên gác. Đúng lúc họ chĩa súng lên mái nhà thì nhiều phát đạn trượt qua khuỷu tay Hays. Anh chúi mặt vào cánh tay. Khi anh ngẩng lên thì một lính Nam Việt Nam, kẻ bắn lén, rơi từ mái nhà xuống, bị thương nặng. Khẩu M-16 của anh rơi liền theo. Hays vớ lấy một cái loa, loạng choạng, đứng dậy. Anh hô hào bằng tiếng Việt Nam: "Bình tĩnh! Bà con hãy bình tĩnh! Không việc gì. Người Mỹ không bỏ bà con, tôi không bỏ bà con!
Ở đằng kia thành phố, một đồng nghiệp tôi, Harvey Mitchell gặp khó khăn, một giờ trưa, anh ngậm thuốc lá, đi ra, đi vào khách sạn Duc, chờ đoàn xe ô tô buýt hoặc một xe của sứ quán. Lần thứ sáu, thứ bảy gì đó, anh không gặp may. Anh vừa đặt chân lên hè thì ở bên kia đường Pasteur, lực lượng an ninh chính phủ bắn hàng tràng đạn M-16. Anh chạy vội tới cổng, ra lệnh cho lính Nùng đóng kín cổng lại.
Từ sáng đến giờ, khách sạn Duc nóng lòng sốt ruột. Sáng sớm, mọi người đã đến sứ quán trừ 13 nhân viên CIA làm việc ở đấy. Nhưng mấy giờ qua, người Việt Nam tràn vào khách sạn. Phần lớn là chiêu đãi viên, bồi bếp, nhân viên văn phòng làm việc ở khách sạn từ lâu. Mitchell, bực mình, đã cho đóng cửa khách sạn từ nửa buổi để hạn chế dòng người vào. Nhưng thỉnh thoảng anh hoặc đồng nghiệp lại mủi lòng, ra mở cửa cho mấy người bạn hay người quen biết, hoặc đồng nghiệp. Cho nên, đến nay đã có hơn một trăm người ở rải rác khắp sáu tầng lầu khách sạn, thế mà ô tô buýt của sứ quán hoặc phái bộ quân sự không hề đến. Có một máy bay Huey của không quân Mỹ đã đỗ xuống sân gần bể bơi trên nóc khách sạn nhưng không một người Việt Nam nào được đi. Sân thượng đằng trước chỉ để cho máy bay nhỏ đỗ nên Mitchell dành chuyến ấy cho người Mỹ đang ở trong khách sạn, trong đó có anh. Còn những người Việt Nam đi di tản bằng xe ô tô buýt.
Robert Kantor, nhân viên hành chính của Polgar vừa vào phòng thông tin thì Mitchell gọi về. Lúc đó là 13 giờ 30 phút. Mitchell lại xin xe, Kantor, người miền Nam nước Mỹ, bình tĩnh, tóc hung, cuộn làn sóng, hứa sẽ cho một đoàn xe tới. Polgar vào, hỏi, giọng mệt mỏi: "Anh có được tin Út không?" Kantor trả lời: không, rồi anh trình bày tình hình ở khách sạn Duc. Polgar lơ đãng nghe, vội vàng hỏi vài câu bâng quơ, nhún vai, rồi đi ra.
Polgar đi tới giữa sân, một người phụ trách hậu cần túm tay áo ông hỏi: "Tôi có hai trăm rưỡi người Việt Nam giúp việc. Họ ở cả trong ngôi nhà của cơ quan. Làm thế nào để đón được họ?" Polgar tiếp tục đi, phủi tay, thét lên: "Không biết, tôi không có thì giờ lo việc ấy!". Cũng như bao nhiêu người khác, hai trăm người Việt Nam này cũng bị bỏ rơi. Trên mái nhà số 6 Quảng trường Chiến sĩ, T.D. Latz lại xem giờ. Cùng với viên phi công, anh đợi Út và 30 người Việt Nam quen thân của Polgar. Nửa giờ sau, Latz sốt ruột. Một phút trên mái nhà này là một phút mất toi, với thì giờ mất đi, cứu được bao nhiêu người Mỹ và Việt Nam!
Kantor đang cúi xuống micro thì một đồng nghiệp cũ chạy hộc tốc vào phòng kêu lên: dưới kia có vấn đề nan giải. Đại sứ chờ đến phút cuối cùng mới ra lệnh đốt điện mật. Hơn một tấn giấy xé vụn đang nằm ở lầu bốn. Đốt ở đây có thể gây cháy nhà! Kantor giơ tay lên, vẻ thất vọng:; "Nếu xảy ra cháy, anh đích thị là thủ phạm, nhưng anh phải đốt những bức điện mật đi. Người này cùng với 12 đồng nghiệp mất 2 giờ sau đó, thu dọn những mảnh giấy vụn, cho vào bao, đưa xuống sân, xếp dọc căn tin của người Việt Nam. Họ quên không đốt. Mấy giờ sau, máy bay lên thẳng tới. Gió cánh quạt xé rách bao, thổi tung giấy ra ngoài. Khắp sân, đều có chữ mật mã: cả một đoạn tin tối mật của sứ quán gửi đi, còn có thể đọc được.
Máy bay cất cánh, những mảnh giấy ấy lại bay lên cây, sa xuống bụi bám vào tóc những phụ nữ Việt Nam giàu có đang đợi di tản. 13 giờ 50 phút, giờ Sài Gòn, đoàn máy bay lên thẳng đầu tiên của lực lượng can thiệp 76 từ Biên Hòa bay đến, định đỗ xuống Tân Sơn Nhất. Còn mười phút nữa thì xuống. Trong chiếc đi đầu, tướng Richard Carey, tư lệnh lực lượng an ninh Hải quân, kiểm tra lại máy móc lần cuối cùng.
Trên hạm đội di tản, đô đốc Whitmire tiếp tục tự hỏi về giờ giấc. Việc chuẩn bị cho đoàn máy bay thứ hai kéo dài. Đoàn trưởng không chắc 40 máy bay đang ở trên cầu tàu có thể bay tới Sài Gòn vào giờ sau không. Lập tức, đô đốc thảo một báo cáo nói rõ kế hoạch triển khai chiến dịch "Gió lớn" cần có thời hạn hai giờ để huy động lực lượng an ninh dưới đất, có đủ số máy bay lên thẳng cần thiết và tập hợp máy bay bảo vệ. Sau khi cân nhắc những yếu tố ấy, Whitmire mới có quyết định chính thức: chiến dịch được lùi lại: 15 giờ, đoàn máy bay lên thẳng thứ hai sẽ bay. Lùi vì việc này, lùi vì cái khác, thì giờ qua đi rất nhanh, phi công phải mở hết tốc lực. Trời sắp tối, quân Bắc Việt Nam đang sốt ruột. Một cơn giông từ biển tràn vào Sài Gòn. Mặt trời càng xuống, hoảng loạn càng tăng. Phái bộ quân sự không nắm rõ số người di tản.
Ở Hoa Thịnh Đơn, Kissinger cáu kỉnh liên tục vì sự chậm chạp. Ở sứ quán, Polgar mỗi lúc một rũ xuống. Đi bách bộ trong phòng làm việc, ông mấp máy môi tự hỏi: Út và 30 người Việt Nam ở đâu? Hay vẫn là tù binh của đám đông ở ngoài và đang chờ lệnh mới? Pittman châm một điếu thuốc mới: có một sân thượng nhỏ trên mái nhà tôi ở đường Gia Long. Máy bay lên thắng không đỗ xuống được nhưng nó có thể bay tại chỗ trên ấy để Út và bạn bè trèo lên. Nét mặt Polar giãn ra. Ông liền ra lệnh ngay: Tìm Latz. Gọi Út bằng vô tuyến điện, bảo họ đến đường Gia Long. Latz lái ngay máy bay đến nơi hẹn, mái nhà Pittman. Buổi chiều, một nhiếp ảnh đã chụp được bằng ống kính tầm xa một bức ảnh những người Việt Nam trèo thang lên mái nhà để lên máy bay trực thăng. Trong số những người trèo này có cựu bộ trưởng quốc phòng Sài Gòn Trần Văn Đôn: Bức ảnh được hàng nghìn tờ báo trên thế giới in lại, trở thành biểu tượng cho ngày sóng gió ấy.
Ở sứ quán đang khẩn trương chuẩn bị để đón những máy bay lên thẳng đầu tiên. Không phải là không có va chạm giữa những người phụ trách chính. 14 giờ 30 phút, Rober Kantor bắt đầu mất cả điềm tĩnh vì tình hình ở khách sạn Duc. Những phố chung quanh đầy người không một xe nào có thể chạy trên quãng đường ngắn đến sứ quán. Harvey Mitchell vừa loan báo lính Nam Việt Nam đóng bên kia đường bắn vào người qua lại. Những người Mỹ đứng với anh, bắt đầu sợ hãi. "Phải cho máy bay lên thẳng đến để đưa họ đã. Kantor vừa nói xong thì Polgar vào hỏi tin tức về Út. Kantor không trả lời chỉ hỏi lại Polgar cách cứu người ở khách sạn Duc.
Polgar nói:
- Đưa họ ra vậy.
- Đưa người Mỹ à?
- Đúng, chỉ đưa những người Mỹ ra thôi!
Nghe thấy cuộc trao đổi ấy, tôi ớn người. Rõ ràng Polgar vừa ra lệnh bỏ rơi hàng trăm người Việt Nam ở khách sạn Duc. Lúc những người Mỹ cuối cùng rời khách sạn Duc thì Lacy Wright và Joe Mc Briđe đưa được đoàn người thứ năm ra cảng: T.D. Latz đã cho một số người lên máy bay trực thăng đang bay đứng trên mái nhà Pittman; đoàn xe ô tô buýt của Moorefield tiếp tục chạy trong thành phố. Đoàn xe dừng trước một ngôi nhà chung quanh có cây, gần sứ quán, ở đấy Shep Lowman chờ nhân vật cao cấp thứ một nghìn anh gọi sáng nay. Lowman đề nghị Moorefield cho mấy người Việt Nam đi xe, anh nói. "tôi xin xe mấy giờ rồi mà không có. anh giúp họ". Moorefield lắc đầu: "Tôi không chở thêm một ai nữa, quá tải rồi Anh mở máy.
Phần lớn những nhà báo Mỹ và nước ngoài đều tập kết ở một nơi giữa thành phố. Robert Shapler đã viết phóng sự về Đông Dương 20 năm nay, nửa khóc, nửa cười. Vội vàng thu xếp hành lý, rời khách sạn Continental, anh đi vội vàng đến mức làm hỏng cả dây khóa quần! Một số nhà báo nhất định ở lại. Trưởng phòng phóng viên AP làm ra vẻ quyết tâm ra đi để mong đánh lừa người đồng nghiệp UPI, nhờ đó AP có thể độc quyền tin tức. Nhưng mưu mô của AP không ăn thua gì vì UPI không đi được, phải ở lại. Do đó sau này cả phóng viên hai hãng tin này đều được chứng kiến chiến thắng của cộng sản.
Ba giờ sáng, Hoa Thịnh Đốn, Lawreinee Eagleburger, cố vấn đặc biệt của Kissinger báo cho bộ trưởng ngoại giao biết, máy bay lên thẳng bắt đầu đỗ xuống Sài Gòn, "Gió lớn" hay phương án IV được thực hiện. Trong sân trong của phái bộ quân sự, lính thủy Mỹ vũ trang đến rận răng, triển khai theo hình cánh quạt, những kỵ mã biển, những máy bay lên thẳng CH-40 và CH-53, lần lượt đỗ xuống. Máy bay đậu ở ba nơi: sân ném bóng, sân quần vợt và sân trước nhà phụ. Dòng người di tản nhanh chóng xếp hàng dọc mỗi sân. Don Hays muốn vỗ tay khi máy bay đỗ xuống sân nhà phụ. Đối với anh và ba nghìn người Việt Nam, lính thủy Mỹ đến đúng lúc vì bọn lính dù Việt Nam đã đục tường để chui vào trong. Nếu không có lính thủy, chúng sẽ tràn vào tất cả các ngôi nhà.
Một hạ sĩ quan hải quân khỏe như vâm chỉ vào những người mặc áo dân thường, hỏi Hays: Họ là những người này?
-Những người tị nạn hợp lệ.
Người hạ sĩ quan gật đầu ra lệnh cho lính xếp những người tị nạn thành hàng , mỗi hàng, 60 người. Anh còn khuyên Hays nên đi. Hays nói giọng buồn buồn: "Chưa đi được, tôi đã hứa với những người Việt Nam này ở lại, cho đến khi người cuối cùng lên máy bay
15 giờ 12 phút giờ Sài Gòn, một máy bay không lồ CH-53 bay lên bầu trời từ phái bộ quân sự theo xa lộ Sài Gòn - Vũng Tàu ra hạm đội di tản. Một máy bay khác chở lính thủy bay về sứ quán đón một số người Việt Nam và nhà báo. Polgar vội vàng đến một cửa sổ trên lầu sáu, áp mặt vào kính mờ đi nói nhỏ: "Cảm ơn trời, chúng ta may mắn rồi!"
Sự lạc quan của ông quá sớm. Cuộc di tản phải ngừng một giờ rưỡi để chờ lính thủy đến bổ sung cho nhóm 48 người cũ. Trên tầng ba, Martin đi lại trong phòng riêng đọc lại những hồ sơ mới nhất và những điện quan trọng rồi xếp vào sơ mi dày.
Trước đó lúc 14 giờ 30 phút, ông đã tắm. Ông đang mặc quần thì máy bay lên thẳng hạ xuống phái bộ quân sự. Eva Kim bất ngờ vào phòng làm việc của Martin. Hoảng sợ, cô suýt ngất đi: trước mặt cô, vị đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ ở nước Việt Nam Cộng hòa, chỉ mới mặc quần, mà quần lại chưa cài khuya. Làm ra vẻ mải đọc, đại sứ không nói gì, không hề cử động!
Mấy phút sau, Martin mặc quần áo chỉnh tề, thắt cravate, vào buồng thư ký, giao hồ sơ, dặn cẩn thận: "Phải giữ như giữ con người của mình, đưa đi di tản vì hồ sơ chứa đựng những tin tức mới trao đổi với Kissinger, để làm tư liệu lịch sử sau này".
Martin có lính thủy hộ vệ, trở về nhà "lấy cái này". Đó là một con chó nhỏ đen tuyền. Nhưng khi trở lại sứ quán, ông không vào được vì quá đông người trước cổng. Ông phải vào sứ quán Pháp để đi qua cửa ngách. Đại sứ Pháp vẫn ngồi ở trong phòng riêng không có gì đáng nói với Martin. Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Tân Sơn Nhất không đồng ý gặp đại sứ Mỹ. Tổng thống Minh cử bốn người đến đề nghị giải pháp thương lương - một hội nghị hòa bình gì đó ở Sài Gòn để bàn vấn đề quân sự, một hội nghị khác ở Paris bàn vấn đề chính trị - nhưng Chính phủ Cách mạng lâm thời chưa trả lời được. Martin nhún vai. Có lẽ muộn quá rồi. Cộng sản muốn chiến thắng hoàn toàn. Sau khi cảm ơn Mérillon một lần nữa về sự giúp đỡ của ông, Martin ra sân, đi tới bức tường chung của hai sứ quán, gõ ba lần vào cửa ngách, cửa mở, ông đi về phòng mình.
Chỉ có lần này, Jean Marie Mérillon không lầm về ý đồ của cộng sản: những đề nghị mới của Minh chẳng hề làm Chính phủ Cách mạng quan tâm. Họ đón tiếp lịch sự 4 sứ giả của Minh, mời những người này ăn chuối do họ trồng trong vườn chứ không thảo luận. Sứ giả của Minh bất đắc dĩ phải nhận lời. Sau một giờ nói chuyện tào lao, họ đứng dậy xin kiếu về, đại diện cộng sản mỉm cười...
Ở sứ quán, người nào cũng cố giúp bạn bè, người quen đi ra cảng, xuống tàu bè, sà lan nhưng chỉ có sáu nghìn người tị nạn đi được và tàu bè chỉ chở hết nửa số người. Giữa những viên chức và khách khứa mệt mỏi, Polgar quay cuồng trong phòng làm việc như một con cá sấu bị nhốt trong chuồng. Út bây giờ ở đâu? Sao không có nhiều máy bay trực thăng đến sứ quán? Không có tin gì ở dinh tổng thống? Ông tự đặt cho mình những câu hỏi trên - mà ông không thể trả lời được - hình như ông muốn quên đi, hay là muốn cho chúng tôi quên đi, những cảnh đáng buồn trong ngày. Howard Archer, nguyên trùm CIA ở Quân khu II báo tôi sẽ đi chuyến bay tới. Anh không muốn sống lại những giờ cuối cùng trong cuộc di tản ở Nha Trang.
Trước 16 giờ, Moorefield chấm dứt việc đi tập hợp người tị nạn ở trung tâm thành phố, cho đoàn xe ô tô buýt vào để trong vườn ở bên kia đường trước sứ quán. Anh khuyên người tị nạn trên xe vào sứ quán bằng cửa bên hoặc trèo tường mà vào vì hàng nghìn người Việt Nam khác đang tập trung trước cửa sứ quán. Keyes Beech, nhà báo làm việc ở Sài Gòn từ lâu, cũng ở trong đám người tị nạn này, anh gọi tôi giúp anh vào sứ quán. - Cố chen tới cửa, rồi tôi sẽ liệu. Sau này, anh kể: "Ngập vào đám người nhốn nháo này, tụi mình không còn là nhà báo nữa mà là những người chiến đấu để sống. Huých tay, đá chân... cố làm sao chen được tới bức tường... Chúng tôi giống như những con súc vật. Tôi nghĩ: Nay mới hiểu người Việt Nam khổ đến mức nào! Nhưng nếu tôi vượt được qua tường rồi thì tôi trở lại là người Mỹ!
Người nào đó nắm lấy tay áo, giữ tôi lại. Tôi quay lại thấy một thanh niên Việt Nam. Anh kêu lên: "Nhận tôi làm con nuôi, cho tôi di tản, tôi sẽ giúp ông. Nếu không, ông không thể đi được , Tôi đồng ý ngay và anh ta nói thêm gì, tôi cũng không phản đối. Sao tôi lại mắc kẹt vào chuyện này? Chợt tay tôi được tự do và tôi tiến về phía bức tường. Hai lính thủy đứng trên đang xua đẩy người Việt Nam, giúp người Mỹ vào sứ quán. Một anh nhìn tôi, tôi cầu khẩn: Giúp tôi với, anh làm ơn giúp tôi! Anh lính thủy đưa tay xuống, kẻo tôi lên như kéo một đứa bé. Tôi đứng trên một mái nhà tôn lượn sóng, sặc sụa như một con cá bị vứt khỏi nước.
Trong một biệt thự ở đường Trần Cao Vân, gần sứ quán, Shop Lowman nhìn cảnh lộn xộn ngoài phố. Anh chờ tới bốn giờ rồi mà không có xe ô tô buýt đến chở một nghìn người anh tập hợp được. Những người này đã sốt ruột, anh cũng đâm cáu kỉnh và bắt đầu thất vọng. Lowman lại gọi dây nói cho Mel Chatman, ở sứ quán: "Phải, sà lan vẫn ở Khánh Hội, nhưng ô tô buýt không có. Rồi Lowman quay lại nhìn những người Việt Nam, nói thật với họ và khuyên những người muốn di tản, đi ngay Khánh Hội - Họ nhao nhao phản đối. Một người nói: "Có lẽ chúng tôi cứ chờ ở đấy, sẽ có ô tô buýt". Lowman lắc đầu. Rồi lợi dụng lúc người Việt Nam mải thảo luận với nhau, anh lẻn ra khỏi nhà, chen vào đám đông, về sứ quán.
Khi đi qua nhà anh, anh gặp ngay hai người bạn cũ: Đỗ Kiến Nhiễu, nguyên thị trưởng Sài Gòn và Nguyễn Văn Ngãi, thượng nghị sĩ. Anh mời họ cùng đến sứ quán. Hai người vui vẻ nhận lời nhưng Nhiễu xin chờ mấy phút để ông cho người đi tìm vợ đã ra cảng từ sáng sớm. Ba người ngồi nói chuyện ở phòng khách. Vừa được mấy câu thì một tiếng nổ vang làm rung chuyển ngôi nhà. Một mảnh đạn bay qua cửa sổ, cắm vào tường, phía sau thượng nghị sĩ Ngãi. Lowman hoảng: Chúng ta có nên chờ không? Hai người Việt Nam nhìn nhau, quay sang phía Lowman lắc đầu.
Không chần chừ, ba người vội chạy ra cửa. Sau này họ mới biết, bà Nhiễu gặp may, đã xuống tàu rồi. Trước cổng sứ quán Mỹ quá lộn xộn, ba người phải vào sứ quán Pháp. Lính gác Pháp, thoạt đầu đuổi họ ra vì Mérillon đã ra lệnh không cho một người tị nạn nào vào nhưng Lowman cố năn nỉ. Mấy phút sau họ đi qua cửa ngách, về sứ quán Mỹ.
17 giờ, tướng Smith gọi sứ quán hỏi số lượng người di tản. Lần đầu tiên ông nhận được câu trả lời có vẻ nghiêm chỉnh. Một cộng tác viên của Jocbson vừa đếm lại số người trong nhà, ngoài sân: từ 1.500 đến hai nghìn người. Tình hình những người này lúc đó rất nóng nẩy. Mới có ba máy bay lên thẳng đến chở người tị nạn. Phải 40 phút nữa mới có chuyến khác. Sốt ruột vì chờ đợi, dân tị nạn kêu ca, oán thán, chửi bới.
Trên lầu sáu, tôi cố không quan tâm đến những chuyện xảy ra, chăm chú nghe dây nói, đọc những bức điện, mỗi lúc một ít đi. Tôi không thể không ở chỗ làm việc. Cũng như Polgar, tôi suy sụp rất nhanh. Tôi vừa trả lời dây nói người Việt Nam cáu kỉnh thứ một trăm thì "Harry Linden", một đồng nghiệp đến tìm tôi. Đôi kính dày, gọng kim loại óng ánh mồ hôi, anh nói giọng run run: "Những người phiên dịch của chúng ta! Quên họ rồi. Họ đang đang ở ngôi nhà gần khách sạn Duc. Phải đón họ". Linden, người phiên dịch cừ khôi của CIA, cho rằng anh phải chịu trách nhiệm đối với đồng nghiệp. Hầu hết đều nói giỏi tiếng Anh, Pháp. Họ đã dịch cho chúng tôi những tài liệu quan trọng và giúp chúng tôi tuyển người. Trong số những người Việt Nam giúp việc họ là những người chắc chắn, biết nhiều về hoạt động của các nhân viên CIA và biết nhiều điệp viên. "Thế mà - Linden vừa thở, vừa nói - viên chức CIA chịu trách nhiệm an ninh của họ, đã bỏ đi trước rồi!".
Tôi đẩy Linden về phòng Polgar và nghe anh báo cáo chuyện trên. Polgar bực mình. Ông chỉ sang nhóm người viên chức đang ngồi nghỉ ở phòng trước mặt, nói chuyện tếu và uống rượu: "Lấy một người phụ trách việc này". Tôi ra kéo tay Harry, dẫn anh đến phòng dây nói: gọi cho những người phiên dịch, báo họ đến nhà Pittman. Ở đấy đã có 30 người bạn của Polgar. Sẽ có máy bay trực thăng đến đón. Phiên dịch phải chờ sau, đến lượt mới đi, tuy nhiên họ còn gặp may.
Khi anh đang nói chuyện thì tôi nghe rõ nhiều tiếng nổ, dội tới cả cầu thang trên lầu bốn. Chuyên gia thông tin đang phá hủy máy móc liên lạc với Hoa Thịnh Đốn. Họ vừa bắt đầu dùng búa và lựu đạn thì đại sứ tới. Ông nổi giận ra lệnh bằng một giọng khàn khàn: "Ngừng ngay cái trò xiếc ấy! Tôi không thể chịu được tiếng ồn.
Nhân viên CIA tiếp tục phá nhưng nhẹ nhàng hơn. Tôi ngồi ở đấy nghe Harry nói và nghe tiếng búa. Tôi tự hỏi bao lâu nữa mới kết thúc. Tôi rút trong túi bức điện, đọc lại. Đó là tin báo cho biết đến 18 giờ, cộng sản sẽ bắn phá dinh tổng thống. Tôi nhìn đồng hồ: Còn chưa đầy một giờ!
Quá 17 giờ, tướng Smith gọi dây nói cho Minh hỏi tin về cuộc tiếp xúc với Chính phủ Cách mạng, về những điều sứ giả của Minh nắm được. Cộng sản có đánh đến cùng bằng pháo binh không? Minh vẫn như trước, chẳng biết gì cả, lơ mơ hết chỗ nói. Minh trả lời: ông ta định thu xếp một việc gì đó nhưng cho đến nay, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời từ chối không thảo luận, lấy cớ họ là những người lính không phụ trách chính trị. Ông nói thêm: Tuy vậy chưa phải là hết hy vọng. Ba nhân vật trung lập vừa đến chỗ đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời, đề nghị ngừng bắn. Nghe nhắc đến tên ba người đó. Timmes hơi ngán: Luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Châu Tâm Luân và linh mục Chân Tín đều là những người chống lại chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Thật mỉa mai, số phận những người Mỹ cuối cùng ở Sài Gòn lại nằm trong tay họ.
Timmes biết rằng ông không còn gặp lại người bạn già Minh lớn nữa, nhưng ông không muốn một cuộc chia ly đầy nước mắt. Ông chào đơn giản: Tạm biệt! Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng giữa hai người.
Trong hồi ký của mình, tướng Văn Tiến Dũng viết:" Vào lúc hai giờ sáng, phái đoàn quân sự của ta ở trại David trong Tân Sơn Nhất điện về Bộ Chỉ huy chiến dịch báo cáo: "Có ba người do chính quyền Sài Gòn cử đến gặp chúng tôi để thăm dò việc ngừng bắn. Đồng chí Võ Đông Giang tiếp họ và nói rõ lập trường, quan điểm của ta trong tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày 26 tháng 4. Sau đó họ xin ra về. Tôi nói pháo của ta đang bắn mạnh vào sân bay, rất nguy hiểm, không nên về. Cuối cùng, cả ba người đồng ý ở lại. Hiện giờ họ đang ở trong hầm với chúng tôi".
Cuộc du thuyết của ba nhân vật trung lập là hy vọng cuối cùng của Minh. Ông quyết định không có sáng kiến chính trị gì nữa một khi ba người ở lại với phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời làm cho Minh lo lắng, không còn biết làm gì nữa. Chiều đến, những tàu kéo và sà lan cuối cùng rời cảng Khánh Hội chạy đi Vũng Tàu. Phần lớn những tàu bè này mới chở hết nửa phần. Trừ mấy tiếng súng nổ lác đác ở cửa sông, chuyến đi ra biển này bình yên như một cuộc du ngoạn đi viếng đất thánh!
Đoàn xe ô tô buýt cuối cùng của phái bộ quân sự, chở tám trăm người, vượt qua cổng chính sân bay Tân Sơn Nhất. Người ngồi trong xe đi đầu là đại úy Tonny Woods, bạn cũ của Moorefield. Chuyến xe này là chuyến xe tồi tệ nhất trong ngày. Lính gác, năm lần bắt đoàn xe quay ra, chỉ cho đoàn xe vào khi tướng Smith dọa sẽ cho không quân can thiệp. Cách đó ba kilômét, ở nơi phân loại người di tản, Don Hays tiếp tục cho người Việt Nam lên máy bay trực thăng, nhanh được chừng nào hay chừng ấy, tùy theo sức lực của anh.
17 giờ 30 phút, tướng Smith báo cho hạm đội di tản biết còn khoảng 1.300 người nữa, trong đó có đơn vị an ninh hải quân gồm 840 người. Từ sở chỉ huy ở Thái Lan, những người nhận dịch tin của đoàn quân thứ bảy không quân, tính ra phải mất ít nhất hai giờ nữa mới xong. Chập tối, trời đổi gió. Buổi chiều, trời nóng bức thế mà bây giờ, gió thổi ào ào. Trong sân sứ quán, lính thủy phải ra hiệu, hét to để hướng dẫn máy bay đỗ. Lúc không còn trông rõ nữa, họ định dùng vô tuyến điện nhưng không biết rõ làn sóng của máy bay. Phải liên tiếp hỏi phái bộ quân sự mới được thiếu tá Kean cho biết. Khi Lacy Wright vào phòng làm việc của đại sứ, anh chững lại. Theo lời anh "Trong ấy vô cùng rối ren, có khoảng 15 người đang uống rượu và nói chuyện ba hoa. Martin đang trao đổi với Mc Arthur, phóng viên báo Los Angeles Times. Chỉ có Eva Kim làm việc, một mình nghe ba, bốn dây nói. Cô vừa ngắt một đường dây, lại nhấp nháy ở đường dây khác. Wright cầm lấy máy "để tôi , ở đầu dây đằng kia tiếng nói trộn tiếng khóc thổn thức, rất khó nghe. Một nhân viên Việt Nam giúp việc ở phái bộ quân sự cho biết bọn họ suốt ngày nay ở trên một nóc nhà mà không có ai đón. Hai trăm người tất cả!
Wright mệt nhọc trả lời: "Quá muộn rồi, không có xe hoặc máy bay đêm. Chịu khó đi bộ ra cảng, may ra tàu bè còn chỗ". Yên lặng. Rồi: "Các ông để mặc chúng tôi chết ở đây à"? Wright kiên trì: "Chỉ còn cách đó thôi, đi bộ ra cảng!". "Các ông chả giúp gì chúng tôi cả. Chúng tôi chết mất!". - "Rời ngôi nhà, đi ra cảng thì sống đấy!".
Trên bãi cỏ đằng sau sứ quán. Ken Moorefield, nhân lúc hơi rỗi việc, vội ăn bữa tối. Vừa nhai xong món đậu, anh thấy một bóng người quen thuộc rẽ đám đông lao đến. Đó là một đại biểu Iran trong ủy ban quốc tế kiểm soát anh từng gặp khi làm sĩ quan liên lạc cho ủy ban mấy tháng trước đây. Ông ta không còn là một nhà ngoại giao điềm đạm, chững chạc mà Moorefield nhớ mãi. Mấy phút trước, ông lẻn vào sứ quán Pháp rồi sang sứ quán Mỹ. Với nhiều đại biểu khác trong đoàn Iran. Ông đang đứng ngoài sân giữa những người Việt Nam nóng tính. Các vị muốn được hưởng quyền ưu tiên!
Tuy biết là mình không ở cương vị phải giúp đỡ họ. Moorefield không chần chừ, nghĩ thêm: Cần đối đãi thật tử tế với những người con của hoàng đế, anh rẽ đám đông, đi tới họ, dẫn họ về phòng làm việc của Martin. Khốn khổ thay, sau đó, chúng tôi biết ngay họ sẽ làm phiền chúng tôi. Khi lén vào sứ quán Pháp, đi qua cửa ngách, họ đánh rơi mất mật mã. Cửa ngách bị đóng chặt ngay, họ không trở ra tìm mật mã được nữa. Nhân viên thông tin, giữ bí mật phát điên. Nhiệm vụ duy nhất trên đời của anh là giữ mật mã, thế mà... Việc một chính phủ khác, nhất là chính phủ Pháp, giữ lại mật mã, đối với anh ta, là không thể được! Anh rất lo trở về Téheran sẽ bị xử bắn. Đại sứ Iran trình bày sự việc với Martin. Martin gọi dây nói cho Mérillon. Chẳng ăn thua gì. Không lấy lại được mật mã. Người Iran, tay trắng, đi chuyến máy bay sau đó.
Sau vụ đánh rơi mật mã ấy, tôi muốn nghỉ một chút. Xách ghế ra sân cỏ đằng sau sứ quán, tôi ngồi ngắm cảnh chung quanh. Đã mười ngày nay, tôi mới lại được ngồi như thế. Cầu hàng không máy bay lên thẳng hoạt động đều, mặc dù gặp khó khăn: sân hẹp, CH.53 là loại máy bay trực thăng lớn, nặng, mỗi chiếc phải chở tới 70 người, mức trọng tải cao nhất. Nhiều lần, gió cuốn suýt gây ra tai nạn. Đã có một máy bay trực thăng lên được ba mét lại phải hạ xuống. Lên ba mét nữa lại phải hạ xuống lần nữa. Chúng tôi rất lo. Công suất máy có thể đưa máy bay lên được không? Tai hại biết mấy nếu một chiếc rơi, nổ trong sân sứ quán! Phi công của hải quân quả có tài. Thấy hết khó khăn ở đây, càng phục họ. Họ phải chở nặng, bay đi bay lại từ sân sứ quán, hoặc từ mái nhà ra hạm đội, cho người xuống xong lại bay vào. Chắc họ mệt vô cùng. Những người lính thủy Mỹ cũng có những cử chỉ đẹp, hành động đẹp. Sắp xếp người di tản nhanh, đưa họ lên máy bay để khỏi phải chờ lâu, điều đó có nghĩa là, bánh xe của máy bay vừa chạm đất, người tị nạn phải chạy ngay đến cửa sau. Ngoài ra còn sức gió 130 kilômét/giờ của cách quạt quay, nếu để phụ nữ hay trẻ em bị cuốn đi thì thật là nguy hiểm.
Thỉnh thoảng, một sứ giả của đại sứ, khi thì Wolf Lehmann, khi thì George hay Brunson Mc Kingsley, lại xuống giảng giải. Họ làm ra vẻ quan trọng, lúc nào cũng đeo máy vô tuyến điện, nét mặt đăm chiêu! Hình như chỉ có họ là những người chịu trách nhiệm! Thực tế, đó chỉ là những người lính ăn chơi không cần ai giúp đỡ. Có lúc Mc Arthur ra sân cỏ, nhìn qua ống nhòm. Anh vẫn tươi trẻ, không có gì mệt mỏi. Không ghi sổ, không chụp ảnh, anh chỉ quan sát. Tôi biết trên kia, ở phòng đại sứ, họ đã uống rượu thỏa thích. Ở phòng Polgar cũng vậy, uống tha hồ, mặc sức. Ở đây, sống trong những ngày qua tôi thấy ớn những bữa rượu chè.
Từ sáng đến giờ, ba bốn máy bay Nam Việt Nam đã bị súng phòng không của cộng sản bắn rơi ở ngoại ô Sài Gòn. Một giờ rưỡi trước, quân Bắc Việt Nam đã sử dụng tên lửa Sam-2, bắn vào máy bay Phantom của Mỹ, cách thành phố 16 kilômét về phía Đông Bắc. Phi công Mỹ bắn tên lửa Wild Veasels chống lại, phá hủy bệ phóng của cộng sản. Thực tế, người Mỹ đã trở lại tham chiến!
BUỔI TỐI
Trong phòng thường trực của sứ quán, kim đồng hồ sắp chỉ sáu giờ. Tôi ngồi ở bàn chị thường trực, tay cầm áo giáp. Cộng sản có nhận đúng lúc thông điệp của Timmes không? Hay chỉ mấy phút nữa, pháo binh Bắc Việt Nam lại bắn phá. Không ai trong bốn, năm viên chức CIA ở phòng bên kia biết tin sắp có oanh tạc. Họ có vẻ dửng dưng.
Đúng sáu giờ, tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển cả ngôi nhà. Tự nhiên, tôi co người lại. Mấy giây trôi qua, dài và nặng nề, tiếng vang xa dần. Polgar ở trong phòng đi ra, nhìn tôi. Buổi chiều, quá bối rối, chắc ông quên tin báo sẽ có bắn phá. Tiếng nổ vừa rồi đã nhắc ông ta. Ken Woorefleld đi qua sân cỏ sứ quán, sẵn sàng bắn bằng khẩu M.16. Anh nói: "Tôi tưởng một trái lựu đạn hay một quả bom nổ, nhưng khi ra tới cổng ra vào, tôi thấy một đoàn xe Volkswagen bốc cháy bên kia đường phố. Một người Việt Nam vớ vẩn nào đó đã đánh rơi que diêm vào bể xăng". Tức thì Bùm!
Nhiều người bị thương, nhưng tôi chẳng muốn ra xem có bao nhiêu nạn nhân. Hai ba lính thủy ở cổng định ra cứu, tôi ngăn họ lại: "Các anh dễ làm mục tiêu cho một kẻ bắn lén nấp trong đám đông!". Trong nhà phụ của phái bộ quân sự ở Tân Sơn Nhất, người ta đang đánh nhau. Don Hays, hai người dân Mỹ và mấy lính thủy đang tập hợp một số người di tản thì lộn xộn xảy ra. Lính thủy vội vàng đối phó, đuổi được lính dù ra. Khi tướng Smith biết tin, ông ra lệnh chuyển những ngời tị nạn vào ngôi nhà chính, chắc chắn hơn.
Một đại tá hải quân báo cho Hays: Xe ô tô buýt sắp chở mấy nghìn người tị nạn đến ngôi nhà chính. Hays và hai người dân Mỹ cố tập hợp người tị nạn. Họ vừa xếp được một hàng năm mươi người thì có tiếng gọi vô tuyến điện của phái bộ quân sự: Lính dù Việt Nam lại chặn đường từ nhà phụ sang ngôi nhà chính, xe ô tô buýt không chạy được. Chỉ còn một cách: Bảo người tị nạn chạy dọc dãy nhà ở chu vi Nam nhà phụ, qua sân bóng ném, đến nơi máy bay đỗ. Nửa giờ sau, nhà phụ hết người, lính thủy về đóng ở gần sân bóng ném.
Trong ngôi nhà của phái bộ quân sự, Nelson Kief, một người sống sót từ Pleiku về, lặng lẽ phá hủy những hồ sơ mật cuối cùng. Anh vừa rút ngăn kéo còn lại ra thì thấy trước cửa sổ, có hai sĩ quan đang đổ dầu xăng vào hai phuy bằng tôn. Anh vội đứng dậy, hai sĩ quan chuồn ngay để lại hai phuy. Kief ra mở nắp một phuy. Anh suýt ngất đi. Trong phuy có hàng triệu đồng đôla giấy buộc cẩn thận. Trước đó, anh được biết tướng Smith đã ra lệnh hủy tất cả tiền mặt của phái bộ quân sự. Vào khoảng hơn ba triệu rưỡi đôla thì phải.
Tôi ngồi trong phòng đợi của Polgar đang tự hỏi xem quân Bắc Việt Nam có thôi không dùng pháo binh nữa không thì có tiếng chuông điện thoại. Ngoài phố ầm ầm, tôi không nhận ra được tiếng nói đằng kia đầu dây, mãi mới biết là Út, người lái xe của Polgar. Tôi đưa máy nói cho Harry Linden, nhờ anh nghe hộ vì Út nói tiếng Việt Nam, tiếng the thé, Linden làu bàu, nghe xong nhìn tôi "ông ta nói cầu thang ngôi nhà ở đường Gia Long đầy người, ông chưa đưa được 30 người Việt Nam quen Polgar lên mái nhà để đi máy bay. Nghe thấy thế, Polgar hét lên: "Bảo nó dẫn về sứ quán, trời ơi lâu quá, họ đến đây ta sẽ kẻo họ qua tường, bất chấp sự phản đối" . Trong khi Linden truyền lại lệnh của ông, Polgar gọi Philip Custen, Bill Johnson và mấy viên chức ngồi phòng bên. - "Đi với tôi ra ngoài kia" . Tôi đứng dậy định cùng đi thì ông lắc đầu: "Ở lại thường trực với Pittman".
Mấy người đi, đều dắt súng và đeo dùi cui vào thắt lưng. Mỗi người buộc một băng trắng quanh đầu. Mấy phút sau, họ len vào giữa đám đông, đi ra mé cổng. Harry Linden nhìn tôi như muốn hỏi ý kiến rồi anh quay lại, theo Polgar. Nửa giờ sau, họ bắt đầu kéo người Việt Nam qua tường. Mấy lính thủy bất đắc dĩ đã phải giúp họ. Đứng sát vào cổng sắt, Polgar lấy tay chỉ những người quen ông đứng giữa đám đông. Bill Johnson, ngồi trên tường, kéo phụ nữ và trẻ em. May quá, không ai bắn anh. Những người Việt Nam, bên ngoài sứ quán, chỉ tranh nhau tiến đến gần anh. Thỉnh thoảng có người bám vào chân tay anh nhưng bị nhân viên CIA hoặc lính thủy hất ra.
Mặc dù đã hết sức cố gắng, Polgar chỉ đưa được mấy người Việt Nam vào sứ quán. Người lái xe can đảm của ông, Út bị mắc kẹt ở ngoài. Trong lúc đó, ở Hoa Thịnh Đốn, Kissinger gọi dây nói báo cáo với tổng thống Ford đang ở nhà riêng: "Cuộc di tản vẫn tiến hành bình thường tuy có hơi chậm hơn dự kiến".
18 giờ 30 phút, máy bay lên thẳng của không quân Mỹ đỗ xuống lần cuối cùng. Ngày hôm ấy, riêng máy bay Huey chở được mấy nghìn người trong mỗi chuyến, một máy bay khác chỉ đem đi được 12 người. Ở dinh tổng thống, Minh giận dữ đi lại trong phòng. Đoàn sứ giả đi Tân Sơn Nhất không biết sống chết thế nào. Nhiều người trong giới thân cận lại khuyên Minh đầu hàng không điều kiện. Nhưng Minh không thể làm như thế. Ông ta nói: "Đồng bào tôi sẽ khinh tôi! Tôi sẽ quyết định sau". Ông ta muốn thành lập chính phủ để khỏi một mình chịu sự ô nhục này.
Ở sứ quán, nhiều người không chờ đi nữa. Shep Lowman rời mái nhà lúc 19 giờ cùng mấy đồng nghiệp. Joe Kingsley, bạn cũ của tôi và nhiều người khác đi cùng lúc ấy. Cả buổi chiều, anh giúp lính thủy đưa người tị nạn lên máy bay, lúc đi, anh mệt lử. Một nhà báo Mỹ đi sau cùng. Mỗi máy bay trực thăng quân sự này chở từ 60 đến 80 người, vượt quá trọng tải rất nhiều. Do đó, lính thủy không cho đưa nhiều hành lý lên, để có thêm chỗ cho người tị nạn. Nhiều phóng viên nhiếp ảnh không biết thể lệ ấy hoặc giả vờ không biết, đem cả máy móc lên. Chắc họ không quen Joe Kingsley. Lúc một người trong bọn họ đẩy một phụ nữ Việt Nam để lấy một chỗ đặt máy. Kingsley vỗ vào vai và huơ nắm đấm trước mặt anh ta rồi quẳng camera vào bụi. Làm xong việc ấy, Joe cho là đã hoàn thành nhiệm vụ nên trèo lên chiếc máy bay CH.53 đi sau.
Trên lầu ba sứ quán, trong phòng riêng của đại sứ, Lacy Wright tiếp tục giúp Eva Kim nghe dây nói, 19 giờ, một người Pháp, trốn ở sứ quán Nouvelle-téland bỏ trống, gọi đến xin giúp một số người Việt Nam và hắn di tản. Wright trả lời: "Giữ họ ở lại đấy, Quân Bắc Việt Nam tôn trọng qui tắc ngoại giao". Tướng Smith quyết định ở lại cho đến lúc Martin đi. Nhưng đô đốc Gayler đã ra lệnh cho Smith đi ngay. Mặc dù thế, ông thấy có trách nhiệm đối với đại sứ nên đã đổi kế hoạch.
19 giờ 15 phút, bỗng nhiên mất điện, phái bộ quân sự tối om. Sau đó tìm thấy một kẻ phá hoại Việt Nam nào đó đã mắc một sào gỗ vào dây điện dẫn đến phái bộ. Cho chạy ngay máy nổ nhưng các kỹ thuật viên thấy thiệt hại lớn hơn nhiều: đường dây liên lạc giữa phái bộ quân sự với Hoa Thịnh Đốn và thế giới bị cắt. Phải 10 phút mới nối lại được. Thấy thế, tướng Smith ra lệnh không sửa chữa nữa vì chỉ còn khoảng 30 người trong ngôi nhà.
20 giờ, giờ Sài Gòn, tướng Smith dẫn đầu đoàn người Mỹ đi ra sân quần vợt, nơi có máy bay đỗ sẵn, chờ họ. Lúc họ sắp lên máy bay thì một ô tô buýt chở người Việt Nam đến, họ đành phải nhường. 20 giờ 15 phút họ mới đi được. Trong bọn họ có Hays mệt bã người. Khi chiếc CH.53 bay lên, anh nhìn lại lần cuối cùng sân bay Tân Sơn Nhất rồi thiếp đi vì đã bốn ngày liền anh không hề chợp mắt.
Nay đến lượt tướng Carey và lực lượng an ninh lính thủy trông nom phái bộ quân sự. Họ lần lượt cho những người Việt Nam lên máy bay mỗi lúc một hiếm. Lúc chiều, khi chiếc máy bay trực thăng đầu tiên đỗ xuống sân sứ quán thì Martin ra lệnh: Việc di tản phải được tuần tự tiến hành theo phương châm ai đến trước, đi trước. Người Mỹ không được hưởng quyền ưu tiên. Nhưng tình hình đã làm đảo lộn lệnh của ông. Ai cũng muốn người thân quen của mình đi trước. Người ta cho bạn bè chí cốt lên hàng đầu. Mỗi khi có cánh hẩu, Polgar lại cho mở rộng cổng sứ quán cho vào. Martin không hề biết những hiện tượng ấy. Một viên chức sứ quán phải thốt lên: Chẳng còn kỷ luật gì nữa, mạnh ai người ấy cho đi!
Quá 21 giờ, Jim Devine đột nhập vào phòng sứ quán. Anh vừa nửa đùa, vừa ra hiệu cho đồng nghiệp ngồi trong phòng: "Đến lúc rồi, những anh bạn không cần thiết ạ! Sứ quán đã khóa cửa, tàu, sà lan đã chạy, tướng Smith đã đi, các anh còn làm gì ở đây nữa?". Lacy Wright và Don Ellerman, cố vấn kinh tế, cầm lấy cặp, tiến tới cầu thang. Theo sau họ là Alan Carter, mệt lả người mà vẫn phải bỏ lại các nhân viên của cơ quan thông tin, rồi Eva Kim, nữ thư ký riêng của Martin. Họ lên mái nhà. Lần đầu tiên trong đời, Eva mất vẻ bình tĩnh, tóc cô bị tung. Mười một năm phục vụ người Mỹ, làm thư ký riêng cho ba đại sứ trước Martin, cô biết mọi bí mật của sứ quán. Nhưng cô không phải là một phụ nữ ba hoa. Từ đầu đến cuối, cô là một cộng tác viên hoàn toàn trung thành, kín đáo và giữ kỷ luật.
Eva Kim đang tiến tới máy bay thì George Arthur, phóng viên báo Los Angerles Times đi kịp cô. Anh chàng có con gì động đậy trong tay, nó sủa lên. Anh chàng phải dỗ dành con chó đen nhỏ, giấu dưới áo: "Bình tĩnh, bình tĩnh, chỉ mấy phút thôi!". Arthur đưa con Nit Noy, con chó của đại sứ cho Eva Kim, giúp cô trèo lên ca bin. Nhà báo đã nhận che chở cho con chó của đại sứ trong chuyến đi cuối cùng này!
Máy bay CH.47 bay lên cao, lượn một vòng, lên cao nữa. Qua cửa sổ, nhìn thành phố anh hằng quen biết, Lacy Wright không hề luyến tiếc. Anh đã làm hết sức mình trong những tuần qua, đã cố gắng giúp đỡ người Việt Nam và thực hiện chính sách của Hoa Kỳ.
9 giờ 30 phút, giờ Hoa Thịnh Đốn, viên chức bộ ngoại giao, cơ quan CIA, bộ quốc phòng trong tách cà phê đầu tiên buổi sáng trước khi làm việc. Ở Nhà Trắng, Kissinger báo cáo với tổng thống Ford: Phái bộ quân sự đã hoàn thành việc di tản. Hơn 4.500 người đi bằng máy bay lên thẳng trong đó có 450 người Mỹ. Đó là một thành công rực rỡ mặc dù có mất mát. Theo một báo cáo của hải quân vừa gửi về, một máy bay CH.53 rơi xuống biển, bên cạnh đằng lái một con tàu. Không có người tị nạn trên đó nhưng phi công và người phụ lái đều mất tích. Có thể họ đã chết. Họ mệt quá nên để xảy ra tai nạn. Cầu hàng không hoạt động gần 6 giờ rồi, thời tiết quá xấu, chẳng thấy rõ mấy, lại thấm mệt nên viên phi công đã tính sai khoảng cách từ máy bay đến chỗ đỗ.
Ford hỏi Kissinger xem có nên tạm ngừng cầu hàng không cho đến sáng không. Phái bộ quân sự cũng muốn thế thì phải? Kissinger trả lời: Nên, nhưng cũng cần xem xét lại một số điều. Bắc Việt Nam bảo đảm cho máy bay trực thăng qua lại nhưng không có gì chắc chắn. Nếu tạm ngừng rồi sáng mai lại bay, họ có hiểu trệch đi không? Kissinger gọi dây nói cho Martin hỏi ý kiến nhưng đại sứ không có trong phòng làm việc. Ông ra ngoài sân đếm xem còn bao nhiêu người cần di tản. Đi qua phòng Polgar, tôi thấy Polgar đang quỳ trên một vali để cố đóng nắp. Ông nhẹ nhàng nói với tôi: "Thế là hết và tiếp tục khóa vào. Tôi định giúp ông thì ông ngăn lại. Ông đã chuẩn bị xong để rời nước này!
Tôi quay về phòng, thu gọn những bức điện mật đã bị xé thành một đống, chuẩn bị đốt thì một người quen cũ đến gặp. Đó là Moorefield mà mấy ngày ngay không có mặt ở đây. Anh vừa thoát khỏi đám đông ở ngoài cổng, trông anh giống như bức tượng một chiến binh nhỏ, tóc và mặt đầy thuốc súng, khẩu M.16 trong tay. Tôi bắt tay anh: "Mình tưởng cậu đi Tân Sơn Nhất rồi?". Anh trả lời không chút pha trò: "Mình thử lại sứ quán xem ở đây xoay sở ra sao?". Anh nhìn mỉa mai mấy đồng nghiệp đang ngồi uống rượu trên ghế tựa ngoài phòng đợi: "Họ làm gì thế, đang dự tiệc à?". Tôi kẻo anh ra cửa và nói: Đó là một cách tỏ ra mình làm việc! Tôi rất xấu hổ trước cảnh này. Ra ngoài kia, sẽ nói chuyện thêm. Tôi đang bận. Anh mỉm cười, tỏ ý hiểu, quay gót ra, khẩu súng vẫn cầm trong tay. Nhìn anh đi, tôi thấy vui vui. Morefield vẫn là một binh sĩ Mỹ chuyên nghiệp, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu.
Mấy phút sau, Polgar ngồi vào bàn máy chữ, đánh một điện cho Hoa Thịnh Đốn, ông báo tin sắp đóng cửa cơ quan và chi nhánh tình báo ở đây đã hết việc. Ông đưa bức điện xuống lầu ba để đại sứ duyệt. Khi trở lại, ông xách luôn vali, không nói một lời. Đó là dấu hiệu báo giờ khởi hành đã tới. Tôi cúi xuống gầm bàn, lấy hai chiếc cặp cất ở dưới đó. T.D.Latz bước vào, hai tay ôm hai máy vô tuyến điện vượt đại dương. Anh bảo tôi: "Mang hộ mình một cái. Bọn chúng bắt được thì uổng". Polgar đá vào một máy thu phát General Electric giá bảy trăm đôla, nói: "Đem được cái gì thì đem. Chi nhánh mất năm triệu đôla thiết bị trong mấy tháng qua rồi đấy!". Người mắc bệnh tâm thần cũng phải sửng sốt Chúng tôi chỉ còn 12 người trong tổng số ba trăm nhân viên tình báo CIA ở Việt Nam. Tôi nhìn lại lần cuối cùng bàn làm việc của tôi. Một cuốn sách của Don Oberdorfer: "Tết", còn nằm trên đó. Tôi định cầm lấy thì chợt nghĩ: Người đến đây ở sau cùng chắc sẽ thú vị được biết tư tưởng người Mỹ sau cuộc tổng tiến công năm 1968!
Tất cả 12 người chúng tôi xếp hàng, dọc cầu thang lên mái nhà, chung quanh xúm xít người Việt Nam. Tôi không có can đảm nhìn họ. Một lính thủy hỏi chúng tôi có vũ khí không. Nếu có phái để lại. Có nhiều tiếng phản đối khi nghe lệnh ấy nhưng không ai giữ lại súng nữa. Polgar rút khẩu súng Browing ra, ngắm nghía một lát, rồi thở dài, thất vọng: "Tôi phải ở lại, đại sứ cũng muốn ở lại một lúc nữa, chờ cho người Việt Nam ở trong ngôi nhà này đi hết mới lên đường. Tôi ở lại và cùng đi với đại sứ. Quay lại, ông nói với Pittman, người phó của ông: "Anh cũng nên ở lại". Pittman gật đầu đặt vali xuống. Polgar quay ra phía tôi: "Anh giúp bạn Việt Nam tôi lên máy bay. Tôi hỏi lại: "Ông có cần tôi ở lại không?" - Không. Sở chỉ huy đã ra lệnh, mọi người đi cả. Tôi chỉ giữ Pittman và một nhân viên thông tin ở lại để liên lạc với Hoa Thịnh Đốn .
Lần cuối cùng tôi trông thấy Polgar lúc ông đi về phòng cùng với một lính thủy, lấy một két bia Heineken. Trên mái nhà, đó là một giấc mộng. Nơi máy bay đỗ, ánh đèn yếu ớt, một máy bay CH.47 nổ động cơ om sòm. Đoàn phi hành đều đội một loại mũ lớn, qua ánh nhấp nháy của đèn hiệu máy bay, họ giống những con sâu bọ khổng lồ đứng trên chân sau. Tôi trèo lên thang, kéo mấy bạn Việt Nam của Polgar lên theo. Tướng Smith ngồi cạnh tôi và Bob Kantor, Bill Johnson ngồi trước chúng tôi, đầu vẫn đội mũ câu. Máy bay bắt đầu bay. Qua cửa hậu còn mở có một người lính ngồi cạnh khẩu liên thanh, tôi thấy rõ sân bay xa dần. Đèn ca bin tắt. Máy bay vượt qua trung tâm thành phố, theo đường Vũng Tàu, con đường quen thuộc ngày chủ nhật tôi thường đi. Máy bay vừa qua Biên Hòa, rẽ về hướng Đông, thì tôi thấy kho Long Bình nổ, một loạt nấm nhỏ nguyên tứ bốc lên. Trên hệ thống đường từ Sài Gòn đi Xuân Lộc, hàng nghìn xe vận tải, xe tăng chắc là của Bắc Việt Nam, đang chạy từ từ về Biên Hòa, xe nào cũng sáng đèn. Họ bắn lên bầu trời Bà Rịa, gần Vũng Tàu ánh sáng vàng và đỏ chạy dài như trên một màn ra đa. Tôi thúc khuỷu tay vào Timmes và nói vào tai ông: "Họ bắn chúng mình!". Ông chồm dậy, mắt sáng lên: "Tôi lại nhớ trận đánh Normandie năm 1944". Ông có nhiều chiến công ở mặt trận này. Chỉ huy một đơn vị lính dù, ông cũng đã cùng đơn vị nhảy đầu tiên vào vùng sau lưng địch. Người lính già, qua cửa sổ máy bay, nay nhớ lại cảnh oanh liệt thời xa xưa của mình.
Làn đạn bắn lên kéo dài khoảng ba, bốn phút. Rồi một tiếng nổ lớn ở bên phải máy bay. Tôi nghĩ thật là ngớ ngẩn nếu đúng lúc rời khỏi nước này lại bị giết hại! 22 giờ, máy bay bắt đầu xuống. Trong ca bin, nhiều người nhấp nhỏm. Họ muốn nhìn những tàu chiến. Một tàu bỗng hiện ra trước cửa hậu máy bay vẫn mở. Đèn tàu sáng trưng. Nhiều máy bay trực thăng bay chung quanh tàu. Chúng tôi tuần tự xuống, dưới ánh đèn rực rỡ. Tàu Denver đón chúng tôi như cái kén bằng kim loại bọc con tằm. Máy bay đỗ hầu như chúng tôi không thấy gì.
Mười giờ, giờ Hoa Thịnh Đốn, James Schlesinger nổi giận đùng đùng, hơn lúc nào hết, việc di tản sứ quán Sài Gòn suýt nữa bị thất bại! Thời tiết trở nên rất xấu ở Vũng Tàu. Gần một nhà máy bay trực thăng đang phải sửa chữa. Phi công mệt lử. Một giờ trước, một máy bay CH.63 rơi, chứng tỏ việc chuyên chở ban đêm rất nguy hiểm. Điều khốn khổ là Martin không biết cần dành ưu tiên cho những người nào. Mấy giờ gần đây, chỉ thấy người Việt Nam được di tản, còn lại quá nhiều người Mỹ, một máy bay không thể chở hết!
Schlesinger mới đầu gọi dây nói cho Martin để tỏ rõ sự bất bình của mình. Sau đó ông gửi điện nhờ Lầu Năm Góc và vô tuyến điện của đô đốc Whitmire chuyển. Schlesinger định rõ thời hạn: Giữa đêm phải ngừng cuộc di tản. Nghĩa là chỉ còn hai giờ nữa. Sáng hôm sau, sẽ tiếp tục bay. Bây giờ, 19 máy bay lên thẳng sẽ đến sứ quán để đón tất cả người Mỹ ở đó, kế cả bản thân đại sứ. Martin trả lời một cách tiêu cực.
Sau này, đại sứ trình bày trước một ủy ban của quốc hội: "Sứ quán đầy người Việt Nam, ai cũng biết chúng tôi ra đi. Chúng tôi sợ hoảng loạn sẽ nổ ra bất cứ lúc nào. Bên ngoài hàng trăm người Việt Nam muốn xông vào sứ quán. Rất khó và rất nguy hiểm ngừng cuộc di tản đến nửa đêm, rồi lại tiếp tục ngày hôm sau". Đại sứ cũng giải thích với Kissinger như trên trong cuộc nói chuyện bằng dây nói với Nhà Trắng. Sau này, ông nói rõ trước quốc hội: "Tôi được Hoa Thịnh Đốn chấp nhận điểm này: "Tiếp tục di tản cho đến khi không còn người Mỹ nào nữa".
Thực tế lời đề nghị của ông rất cụ thể: "Ông xin thêm 30 máy bay trực thăng để có thể chở hết mọi người. Đề nghị ấy được Hoa Thịnh Đốn chuẩn y".
23 giờ 30 phút, đại tá Gray và một nhóm lính thủy phá hủy sở chỉ huy phái bộ quân sự. Xe tăng Bắc Việt Nam đang đến gần. Không một thiết bị quân sự nào được để rơi vào tay cộng sản. Đầu tiên là hệ thống liên lạc tối mật giữa tướng Smith và Hoa Thịnh Đốn. Nhóm phá hoại đặt nhiều mìn mạnh chung quanh hệ thống. Một lính thủy kể lại: Vừa có lệnh, một tiếng nổ rung trời, ánh sáng bùng lên, không khí nóng ran, mọi cái tan tành! Mấy phút sau, đại tá Gray và lính thủy đặt bom nổ chậm và bom cháy vào các hầm nhà rồi chạy lên máy bay. Máy bay vừa cất cánh thì lửa đã bao phủ các ngôi nhà. Sức nóng rất cao, đến nỗi mái nhà vững như thép của đồn lũy chỉ huy Hoa Kỳ ở Việt Nam sụp đổ như tấm sắt tây.
Trước 12 giờ đêm, Martin mặt trắng bệch ra sân sứ quán. Cùng với mấy cộng tác viên, ông cho gọi người Mỹ vào trong nhà. Chú lính thủy vừa được tin của đài cộng sản loan báo cuộc tiến công vào Sài Gòn bắt đầu. Đúng như thế. Cách đó 8 kilômét về phía Nam, tướng Văn Tiến Dũng đã chuẩn bị xong. Trong lúc đó, Kissinger gặp các nhà báo ở bộ ngoại giao, cuộc di tản tiến hành tốt. Nếu họ muốn, ông sẽ gặp lại họ vào hồi 14 giờ. Ông sẽ báo tin tất cả người Mỹ đều đã rời Sài Gòn. Kissinger trở lại phòng tác chiến ở Nhà Trắng thì đã 0 giờ 45 phút, giờ Sài Gòn.
Người Mỹ trú trong hầm sứ quán bắt đầu nghĩ lại. Sau này, Moorefield kể: "Không ai bảo chúng tôi làm việc nhưng chỉ mấy phút, chúng tôi thấy cộng sản chưa tiến công, thì tốt hơn hết, lợi dụng lúc này, tiếp tục cho di tản". Còn bao nhiêu người tị nạn ở sứ quán Martin cũng không biết. Để làm yên lòng hai đô đốc, ông bịa ra con số! Còn 500 người Việt Nam, 75 người Mỹ. Dựa vào hai con số đó, lực lượng can thiệp ở Thái Lan nhanh chóng cho máy bay sang. Họ tính thêm 9 máy bay CH.53 nhà thì chở hết dân thường ở sứ quán. Nghe thấy thế, Martin sợ phiền, lại vội vàng điện về Nhà Trắng, báo cáo: Sứ quán còn một nghìn người Việt Nam, gấp đôi số người mà ông dự đoán trước đó. Ngoài sân, đại tá Madison và bốn sĩ quan nữa thuộc ủy ban quân sự hỗn hợp đi qua đám đông. Đại tá Sumniers, người phó của ông, vớ lấy máy phát thanh: "Bình tĩnh, bình tĩnh. Chúng tôi ở lại đây, và sẽ đi sau bà con".
Một giờ sáng, viên chức cao cấp của sứ quán ở lại để cùng đi với Martin, không còn biết làm việc gì nữa. Sài Gòn đang hấp hối. Pittman đi tìm một thùng lạc rang bơ, mong giữ vững tinh thần mọi người. Polgar đi từ phòng này sang phòng khác. Lehmann và mấy người nữa thay nhau nghe dây nói. Lehmann chợt nghe tiếng cầu cứu của một nhóm 50 nhân viên cơ quan thông tin Mỹ do Carter bỏ lại. Cùng lúc ấy giám đốc IBM (cơ quan máy tính) ở Bangkok cũng điện và đề nghị cho nhân viên của họ di tản. Nhưng không còn có thể làm gì được nữa cho nhân viên thông tin cũng như cho người giúp việc của IBM!
Morefield kể lại: "Có lúc không hiểu vì sao tôi lại vào phòng đại sứ. Vì tò mò chăng? Một lần tôi thấy Boudrau nói chuyện bằng dây nói với một phụ nữ Việt Nam, chị này cho biết chị có hộ chiếu Mỹ và ba đứa con lai Mỹ, chị hỏi khi nào chị đến được sứ quán để di tản. Boudreau tuy biết rằng hết hy vọng rồi nhưng vẫn trả lời: Sớm mai đến. Tôi trông theo đại sứ một lúc. Tiếng khàn, ông không nói được rõ. Có vẻ rất mệt. Tôi muốn giúp ông nhưng lại thôi. Tôi đi vòng quanh sứ quán lần cuối cùng. Trong khi đó, Martin mặc dù đau yếu, vẫn cố tranh thủ thì giờ. Ở Hoa Thịnh Đơn, Kissinger nổi giận và sốt ruột, cứ nửa giờ, lại có tin tức. Có gì mới không? Tình hình bây giờ như thế nào? Mấy viên chức trẻ đứng chung quanh bắt đầu chế giễu: "Ông già Martin vừa cho di tản sáu trăm người cuối cùng của bốn trăm người di tản!".
Nhưng Martin lại xin thêm được một thời hạn: 3 giờ 45 phút, giờ Sài Gòn, chấm dứt. Không thêm một phút. Kissinger hoãn cuộc họp báo đến 17 giờ (giờ Hoa Thịnh Đốn). Ông nói với Martin qua điện thoại: tôi muốn trông thấy ông trên chuyến bay tới là chuyến bay cuối cùng. Các vị anh hùng phải trở về. Trên lầu sáu, đứng dưới nơi đỗ của máy bay lên thẳng. Tom Polgar ngồi trong phòng làm việc trong trơn, trước chiếc máy chữ cũ kỹ. Ông vừa đánh xong một bức điện gửi Hoa Thịnh Đốn, bức điện lịch sử như ông đã nhấn mạnh trong những câu đầu: "Đã nhận được lệnh của tổng thống chấm dứt cuộc di tản vào 3 giờ 45 phút, giờ địa phương ngày 30 tháng 4". Muốn hỏi xem có phải là thông điệp cuối cùng gửi chi nhánh Sài Gòn không?
Phải mất 20 phút mới phá hủy được máy móc ở đây. Đến 3 giờ 20 phút, giờ địa phương, chúng tôi sẽ chấm dứt việc liên lạc". Đoạn sau có một nội dung rất triết lý. Ông biết rằng ông viết đây là cho thế hệ mai sau. Nhưng cũng như nhiều bức điện trước ông gửi về Hoa Thịnh Đốn trong mấy tuần qua, những điều ông viết chỉ phản ảnh ảo tưởng của ông, chứ không nói về hoàn cảnh, về thực tế lúc bấy giờ. Nay cũng vậy, Polgar cho rằng sự bủn xỉn của quốc hội, những biện pháp nhỏ nhen nửa vời (danh từ, tính từ ông thích dùng, đã gây nên sự đổ vỡ của chế độ Sài Gòn). Ông viết: "Đó là một cuộc chiến đấu lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt". Nhưng sự nghiêm trọng của thất bại vào hoàn cảnh đưa đến thất bại, buộc chúng ta phải nghiên cứu sâu sắc chính sách, biện pháp nhỏ nhen, nửa vời của chúng ta thường áp dụng trong sự can thiệp của chúng ta vào nước này mặc dù chúng ta đã ném vào đây bao nhiêu người và tiền của. Ai không học gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải nhắc lại lịch sử. Mong rằng chúng ta không phải học thêm kinh nghiệm của một Việt Nam khác mà nhớ đời bài học này! Chấm dứt liên lạc của Sài Gòn".
Ở Hoa Thịnh Đốn, gần lúc ấy, Colby, giám đốc cục tình báo trung ương CIA, cũng gửi điện cuối cùng cho Polgar. Bức điện ấy cũng đáng ghi nhớ vì nội dung của nó. Colby viết: "Chúng ta sắp kết thúc việc thông tin với Sài Gòn. Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ niềm tự hào và sự bằng lòng của mình đối với chi nhánh về công việc các đại diện nó đã làm. Trong hai mươi năm tồn tại, chưa bao giờ sự thật nổi bật như trong mấy tuần gần đây. Dũng cảm, liêm khiết; hy sinh và năng lực cao, những đức tính mà các nhân viên chi nhánh có trong những năm qua, giờ đây đã vượt mức, nhất là trong giai đoạn cuối cùng này. Hàng nghìn người Việt Nam được cứu sống và có tương lai nhờ sự nỗ lực của các ông. Chính phủ ta, từ những báo cáo rõ rệt gửi về, đã rút ra đều bổ ích lớn. Một ngày kia, sẽ học tập một cách kính nể, thái độ của các ông trong việc bảo vệ những mục tiêu và lý tưởng của đất nước. May mắn và rất cảm ơn".
Trước ba giờ sáng, cầu hàng không ở sứ quán lại chặn lại. Sợ lính Mỹ quá mệt, Martin xin thêm sáu máy bay trực thăng lớn CH.53. Whitmire bất đắc dĩ phải đồng ý. Sáu chiếc mau chóng lần lượt bay đi trong 40 phút. Nhân viên thông tin liên lạc còn ở lại sứ quán, phá hủy những máy cuối cùng và lên lầu sáu, xếp hàng cùng với những người đang đứng đợi.
3 giờ 45 phút, kết thúc cuộc di tản, Martin đi ra sân sứ quán, nhìn nhanh đám đông, ra hiệu cho đại tá Madison: "Những người Việt Nam còn lại sẽ đi bằng máy bay CH.53. Ai còn chờ trong sứ quán thì ra sân đợi. Cầu hàng không trên mái nhà dành riêng cho người Mỹ".
Thông tin liên lạc từ sứ quán với thế giới đã bị cắt. Giao thiệp với bên ngoài chỉ còn có máy vô tuyến điện của lính thủy nhưng phải chờ phi công máy bay lên thẳng chuyển. Nói chuyện với hạm đội, như vậy khá chậm và phức tạp nhưng cũng thu xếp được. Do đó, những lời khiển trách của Kissinger hay Whitmire sẽ còn lâu mới đến! Madison chia những người Việt Nam ra ngoài sân thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm ngồi chờ một máy bay CH.53. Mấy phút sau, anh báo cho Lehmann ở trong phòng đại sứ biết: Thêm sáu máy bay CH.53 là vừa đủ. Hai mươi phút nữa là công việc hoàn thành.
4 giờ 20 phút, một máy bay CH.53 tới. Madison cho người Việt Nam lên, máy bay bay đi, và kíp của anh đợi chiếc máy bay sau. Nhưng, ở đằng kia cầu hàng không, Gays và Whitmire đã quyết định chấm dứt trò chơi của Martin. Các ông hiểu rằng đại sứ cứ muốn lùi dần giờ kết thúc, mỗi lần Martin đều viện cớ còn quá nhiều người Việt Nam v.v... Mà lệnh của Nhà Trắng rất rõ ràng: Cầu hàng không ngừng lúc bản thân Martin chưa được di tản!
Morefield kể lại: Lúc đó không có máy bay nào cả, ngoài sân cũng như trên mái nhà. Tôi đếm người ngoài sân: Còn hơn bốn trăm. Phải xin thêm mấy máy bay nữa mới chở hết. Lại còn mấy người Triều Tiên, người Philippines nữa. Lợi dụng lúc đáng buồn ấy tôi xuống lầu sáu. Trung tá Kean vừa nhận được tin của hạm đội Nghiêm chỉnh, ông dõng dạc tuyên bố với những người chung quanh: "Tôi vừa nhận được điện của Nhà Trắng. Tổng thống ra lệnh: Từ lúc này, nhân viên sứ quán phải di tản!... không được ồn". Ông nhắc thêm làm như chúng tôi còn sức để quấy phá. Tôi nhớ lúc ấy, tôi quay lại bảo Jay Blowers, giọng châm biếm: "Không được ồn! Chỉ những người Mỹ được di tản từ giờ này. Chúng ta không di tản ai hết!". Tôi lại lên mái nhà, đếm người dưới sân: Hơn bốn trăm người. Tôi biết chắc rằng không ai được đi nữa".
Lúc ấy, Brunson Mc Kingsley, cánh tay phải của đại sứ chưa biết quyết định của Whitmire. Anh ở ngoài sân và hứa với Medison và Summers sẽ xin thêm máy bay. Hai sĩ quan ra nói lại với đám đông.
John Pittman đang ngồi ngủ trong phòng làm việc của đại sứ. Trung tá Kean vào đánh thức anh dậy, anh chìa bức điện của Nhà Trắng ra: Tổng thống ra lệnh cho đại sứ phải đi chuyến này! Martin nhún vai, cầm vali, nói với mọi người: "Xong, ta đi" rồi tiến đến cầu thang máy. Nhiều cộng tác viên đi theo: Polgar, Pittman, Jacobson, John Bennett thuộc cơ quan AID, Joe Bennett, cố vấn chính trị và Brunson Mc Kingsley, Lehmann, Boudreau và Jim Devine chờ chuyến sau.
Moorefield kể lại: "Tôi nằm dài trên mái nhà, gần cầu thang phụ, đợi chuyến máy bay sau. Tôi thấy ồn ào trong cầu thang chính. Mặc dù đêm tối, tôi trông rõ Polgar, Mc Kingsley và đại sứ. Tôi ngồi xổm dậy và cho 28 người lên nhưng khốn khổ lại chưa có đại sứ. Mấy phút sau, máy bay đỗ xuống. Tôi báo nhóm người đi qua mái nhà để lên máy bay. Nhưng lính thuỷ và phi công cãi nhau bên tiếng rú của cánh quạt: "Nhà Trắng ra lệnh đại sứ đi chiếc máy bay này, thế mà tôi lại không mời ông lên trước, tôi dám coi thường...". Tôi liền quay lại cầu thang tìm Martin. Tôi có cảm giác ông không hiểu tôi nói gì. Ông nhìn tôi vẻ chế giễu. Cách nhìn của ông, anh biết rồi đấy. Rồi ông lắc đầu. Ông không hiểu. Ông có vẻ bực mình với tôi. Máy bay đậu tại chỗ, không chuyển động mấy phút, phi công nói chuyện với hạm đội. Sau cùng, ai đó kêu lên: "Lệnh là lệnh. Đại sứ phải lên. Mà lên ngay vì có thể quân đội Bắc Việt Nam đã ở dưới đường. Họ sẽ nổi giận và bắn chúng ta nếu họ thấy chiếc máy bay đỗ ở đây khá lâu" .
Tôi lại quay lại cầu thang và đưa đại sứ đến cửa máy bay. Khi tôi đỡ ông bước qua cửa, ông xanh sao, vàng vọt, yếu ớt kinh khủng. Máy bay bay lên, tôi quay lại cầu thang, nói với Polgar và mọi người: Sắp đến lượt các ông. Một máy bay khác tới, họ lên máy bay. Tôi ra mép mái nhà nhìn xuống sân. Đại tá Summers và Madison vẫn ở dưới đấy với những người tị nạn còn lại. Tôi nghĩ không thể nào giúp họ được nữa. Mọi việc đã xong..
Trên sân, Summers tự hỏi: Những chiếc máy bay hứa hẹn đâu? Trung tá Kean sau cùng mới cho ông biết chỉ còn máy bay chở lính thủy và nhân viên sứ quán, sĩ quan quân đội còn lại thôi. Nghe thấy thế, Madison rất bực mình. Nghiến răng, ông nói: Chỉ cần sáu máy bay là có thể chở hết, tôi chưa đi nếu còn người ở lại. Đại sứ đâu? Phải đến nói với ông ta! Kean lắc đầu, thở dài: "Đại sứ vừa đi rồi. Tất cả người Mỹ đều đi!" Madison không tin vào tai mình nữa. Không đầy nửa giờ trước, Lechmann và Mc Kingsley nói với ông có đủ máy bay cho người di tản Việt Nam. Thế mà bây giờ? Bực mình. Madison nhìn thẳng vào mặt Kean. Ông nói dằn từng tiếng một: Anh và nhóm của anh không ai đi cả nếu những người Việt Nam ở đây không dược di tản. Kean và kíp của anh phải bảo vệ những người này cho đến khi họ được đi. Kean lắc đầu một lần nữa: Tổng thống đã ra lệnh cho đại sứ đi ngay và chấm dứt cuộc di tản. Anh không muốn làm trái lệnh tổng thống. Cũng không muốn người của anh bị nguy hiểm thêm. Nói xong, anh quay gót, ra lệnh cho lính thuỷ tập họp trong sứ quán.
Madison chỉ còn bốn sĩ quan bộ binh. Ít quá để có thể bảo vệ được tất cả người trong sứ quán. Không có sự giúp đỡ của Kean, ông chẳng còn làm gì được. Chỉ còn một cách là rút lui. Ông ra hiệu cho mấy sĩ quan, lẳng lặng đi vào sứ quán. Trong bản báo cáo cuối cùng về việc di tản, Madison viết: "Còn 420 người nữa, chỉ cần sáu máy bay là đủ để di tản họ. Trong số này có nhân viên sứ quán Nam Triều Tiên, đứng đầu là thiếu tướng Rhee Dai Yong; nhân viên sứ quán chủ yếu là những người chữa cháy xung quanh ở lại cho đến chiếc máy bay cuối cùng, đề phòng hỏa hoạn xảy ra; một linh mục Đức đang trông nom một số người tị nạn và nhiều người giúp việc sứ quán và gia đình họ. Ngoài ra còn có nhiều nhân vật chính trị quan trọng của Nam Việt Nam như cựu bộ trưởng tài chính chính phủ Thiệu. Tất cả những người trên, theo lệnh của chúng ta, đã bỏ tất cả hành lý ở lại để được di tản dễ dàng"
Morefield là người cuối cùng rời sứ quán. Lúc chiếc máy bay chở anh đi bay lên, anh nhìn đồng hồ: 5 giờ 24 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975. Morefield kể lại: "Lúc máy bay bay trên bầu trời Sài Gòn, tôi cố ghi trong đầu cảnh thành phố lúc bấy giờ. Một vùng ngoại ô Mỹ đâu đó. Bình yên, phẳng lặng. Trừ một vài đám cháy ở đằng xa. 45 phút sau, chúng tôi đã ở trên tàu. Mặt trời ló sáng. Một đoàn tàu đánh cá chở đầy người tị nạn đậu dài bên bờ biển. Chúng tôi vừa đặt chân xuống boong tàu thì sĩ quan an ninh hải quân đã tước súng chúng tôi. Tôi không có thẻ căn cước trong người. Họ hỏi tôi là ai. Có người nào báo lãnh cho tôi không. Lính thủy đi ra bệ tàu, vứt vũ khí của chúng tôi xuống biển".
Lên tàu USS Okinawa, đại tá Madison còn cố thuyết phục viên tư lệnh một phi đội máy bay lên thẳng cho sáu chiếc đi cứu người tị nạn ở sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Không ăn thua gì.
5 giờ 30 phút, giờ địa phương, tiểu đoàn xe tăng 205 của Bắc Việt Nam vượt cầu Tân Cảng, tiến vào Sài Gòn. Người chỉ huy nghiên cứu cẩn thận bản đồ để nhằm mục tiêu chính, Dinh tổng thống. Một lúc sau, đô đốc Gayler, theo dõi ở Honolulu cuộc tiến công của quân cộng sản đã ra lệnh cho một máy bay lên thẳng vũ trang đến Sài Gòn đề bảo vệ lính thủy đang phá hủy nốt số vũ khí ở đấy!
Ở Hoa Thịnh Đốn, Henry Kissinger vừa bắt đầu cuộc họp báo mà ông đã hoãn mấy lần. Ông báo tin cuộc di tản tất cả những người Mỹ ở Sài Gòn đã hoàn thành tốt đẹp. Thực tế hãy còn lính thủy trong sứ quán. Kissinger quyết định không nêu chi tiết ấy. Cuộc họp báo vừa kết thúc, ông vội vàng nhảy bổ vào phòng làm việc nổi cơn điên lên. Ông thét lớn: Đưa ngay lính thuỷ ở Sài Gòn ra! Ông vừa tuyên bố cuộc di tản thành công rực rỡ, nếu để chết một người, ông sẽ giết...! .
7 giờ 30 phút, giờ Sài Gòn, nhóm của Kean đóng chặt cánh cửa đồ sộ bằng gỗ sến của sứ quán, hạ màn sắt xuống và vội vàng chạy đến cầu thang phụ. Ở lầu một và lầu bốn, họ ném lựu đạn cay vào cầu thang máy và kéo hàng rào thép ra ngăn cầu thang. Nhưng đúng lúc họ bước lên trên bậc cuối cùng để lên mái nhà thì những người Việt Nam nổi giận ở ngoài sân đã phá được cửa tầng dưới và chạy lên đuổi họ. Lính thủy khóa được cửa lên mái nhà và ra chỗ máy bay đậu.
Nhưng lúc người lính cuối cùng vào được ca bin máy bay thì cũng là lúc người Việt Nam leo tới mái nhà. Và khi họ nhảy bổ vào gầm bánh thì máy bay bay lên cao. Lúc bấy giờ là 7 giờ 53 phút giờ Sài Gòn.
Trên tàu USS Denver, tôi vừa nằm xuống cu-sét, đêm qua tôi chuyên uống cà phê và ngắm nhìn đoàn phi hành gia mệt lử. Có quá nhiều người tị nạn trên tàu nên không còn chỗ ngả lưng. Phải đổi nhau ngủ, hai người một cu-sét, bốn giờ một lượt. Lượt tôi vào lúc sáng đã lâu rồi. Tôi nằm duỗi chân và thiếp đi ngay. Một hay hai giờ sau, một đồng nghiệp đánh thức tôi dậy. Anh nói: "Vừa nghe đài BBC, quân đội Bắc Việt Nam đã vào Sài Gòn. Họ gọi đó là thành phố Hồ Chí Minh".
Đó là trưa 30 tháng 4 năm 1975. Trên tàu USS Denver lênh đênh ngoài biển khơi, Polgar cùng nghe tin với tôi, giật mình, tiếc giấc ngủ, ông làu bàu: "Để mặc cho lịch sử sang trang
Phần Bốn: LỜI BẠT
CHE DẤU
Hầu hết người Mỹ cố quên vấn đề Việt Nam. Nhưng đằng sau vấn đề ấy, các giới quan chức lại muốn bới đống tro tàn. Những người phụ trách cuộc đàm phán đi đến ngừng bắn muốn mọi người biết rõ sự việc thật sự kết thúc như thế nào. Hay, nói một cách khác là cố loan truyền luận điểm của họ về sự thật.
Việc bóp méo và hóa trang các sự kiện bắt đầu ngay tức khắc. Gặp các nhà báo trong những giờ cuối cùng của cầu hàng không. Kissinger nói rằng còn khả năng dàn xếp thương lượng cho đến ngày 27 tháng 4. Sau đó, theo ông, Bắc Việt Nam mới quay ngoắt đi và áp dụng giải pháp quân sự. Ông cố ý không thấy rằng cơ quan tình báo đã có một nhận định khác hẳn. Ông cũng không thật thà khi nói rằng ông bị người ta lừa!
Khi Polgar ở trên tàu USS Bluebridge, ông cũng tổ chức một cuộc họp báo, giải thích chi tiết hơn luận điểm của Kissinger. Thực tế, giữa hai người, có một sự khác biệt quan trọng. Polgar không tự hạn chế được việc phê phán đại sứ, làm cho người khác hiểu rằng Martin chưa bao giờ nhận rõ như Polgar, sự nghiêm trọng của tình hình quân sự. Về mặt này, điều đó đúng. Nhưng Polgar quên rằng chính bản thân ông đã góp phần đáng kể vào việc làm cho Martin và Kissinger hiểu lầm rằng có nhiều khả năng hòa bình... Khi chính giới biết rõ luận điểm của ông, Kissinger lập tức đề phòng việc nói ngược lại. Ông điện cho Martin đang ở trên tàu, ra lệnh không được nói gì với giới báo chí. Ông báo cho Thiệu ở Đài Loan biết ông ta không được phép vào Hoa Kỳ (con gái ông ta học ở đấy) trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.
Trong lúc đó, nhiều nhân vật trong tấn bi kịch Việt Nam bị lăng nhục thậm tệ. Ít lâu sau khi họ đến Guam, nhiều tướng bại trận bị nhốt trong những chuồng sắt. Tướng Toàn, nguyên tư lệnh Quân khu III, kiệt sức, bị đẩy vào giữa nhóm, ngồi xuống một ghế quay. Tướng Trưởng, người bảo vệ Đà Nẵng, đau mắt nặng, không còn trông thấy chiếc ghế. Một lúc sau, một sĩ quan hải quân Mỹ vào, bắt ông ta cởi binh phục. Một viên tướng hỏi: "Chúng tôi có thể đeo huân chương không?". Người Mỹ trả lời: "Không! Các anh không còn ở quân đội, không còn Tổ quốc!"
Khi lực lượng can thiệp hải quân Hoa Kỳ tới Manille, ngày 5- 5-1975, tôi được cử đi Thái Lan, làm nhiệm vụ đặc biệt. Ở đấy tôi phải hỏi tin các nhà báo và lấy cung người tị nạn từ Việt Nam tới. (Thật ra việc bổ nhiệm tôi lần này có nhiều uẩn khúc. Cuộc di tản hết sức lộn xộn, cục tình báo trung ương CIA không biết tôi ở đâu khi tôi ở trên đường bay Manilla - Bangkok, họ đến nói với cha mẹ tôi rằng, tôi mất tích. Mấy ngày sau, tin này mới được đính chính).
Những tin tức thu lượm được giúp tôi làm bản báo cáo đầu tiên về phương pháp cộng sản nắm chính quyền. Tôi cũng được chứng kiến tại chỗ, giữa Thái Lan và Việt Nam, một cuộc di tản bất hợp pháp. Nhưng ở sở chỉ huy CIA, không ai đánh giá cao công việc của tôi. Phần lớn những tin tức tôi thu lượm được càng chứng minh rõ sự thất bại của ban giám đốc CIA. Một tháng sau, tôi được gọi về Hoa Kỳ. Tháng 8, tôi đến trụ sở CIA, sau mấy ngày nghỉ ngắn hạn (những ngày nghỉ đầu tiên sau hai năm rưỡi làm việc). Ban giám đốc chi nhánh Viễn Đông do Ted Shackley chỉ huy, bắt tôi "thi lại". Cũng như đối với mọi nhân viên trở về, họ buộc tôi phải trả lời một số câu hỏi: Những câu trả lời tập hợp lại trở thành một bản tuyên bố nói rằng cuộc di tản thất bại là do hành động địa phương của quân thù. Tôi không làm. Trái lại, từ phòng này sang phòng khác, tôi chạy đi xin phép được làm một bản "kê khai những thiệt hại" để chi nhánh có thể rút ra một bài học về những sai lầm của mình. Họ trả lời tôi không ai quan tâm đến vấn đề có thể gây hiểu lầm ấy.
Polgar được đổi đi nhận một chức vụ mới. Không quan chức cao cấp nào trong chi nhánh Shackley bỏ công ra hỏi ông về cuộc di tản hoặc về những người và tài liệu bị bỏ lại. Tôi ở nước ngoài khá lâu nên khi trở lại Langley, nơi đóng trụ sở CIA, hầu như tôi không biết một ai trong số những người phân tích tin của chi nhánh. Ở đấy tôi không thể tìm một công việc hợp với khả năng của mình. Thấy tôi ở trong tình trạng bối rối ấy, Polgar bảo tôi đi theo ông đến chỗ ông mới nhận việc. Tôi nhận lời và đi học một khóa ngoại ngữ.
Nhưng nhiều việc xảy ra làm nẩy sinh nhiều rắc rối. Giữa tháng tám, Học viện đối ngoại mời Polgar nói chuyện về di tản trước những thính giả chọn lọc viên chức bộ ngoại giao. Polgar bận, bảo tôi nói. Tôi nhận lời. Nhưng không phải một bản tường trình mà là một bài bình luận đầy đủ về những sự việc thực tế xảy ra trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn.
Nghe tin, Shackley nổi giận đùng đùng. Ít lâu sau, trong một bữa tiệc mời những nhân viên ở Việt Nam về, tôi gặp Wolfgang Lehmann. Sau mấy phút nói chuyện xã giao, Lehmann gọi tôi ra, hỏi riêng về các khía cạnh chiến thuật quân sự của Hà Nội. Anh thú thật với tôi anh đang nói cho hai nhà báo, hai người được Kissinger bảo trợ, biết về cuộc di tản và sự thất thủ của Sài Gòn. Anh đang cố nhớ lại. Sự thú thật của anh làm tôi ngạc nhiên. Luận điểm của anh không có gì giống những việc tôi trông thấy. Tôi cũng không hiểu làm sao những viên chức của chính quyền lại phổ biến tình hình cho giới báo chí trước khi CIA và bộ ngoại giao hoàn thành báo cáo của họ- Thực ra điều mà Lehmann làm, chỉ là bước khởi đầu.
Trong tuần sau, chuyên gia về Việt Nam thuộc các bộ ngoại giao và quốc phòng nhận được lệnh mở hồ sơ của họ (đã được chọn lọc) cho hai nhà báo. CIA cũng làm như vậy. Colby và hai người giúp việc ông đã gặp một nhà báo, cố thổi phồng vai trò của chi nhánh Sài Gòn trong cuộc di tản. Colby giao cho anh ta một tập báo cáo tuyệt mật về Việt. Nam. Tài liệu ấy cho biết rõ các "nguồn" tin và các "phương pháp" lấy tin. Vì cố bảo vệ uy tín của mình, CIA thực tế đã làm lộ những bí mật còn giữ được sau sụp đổ. Đầu mùa Thu, tôi hết lòng tin đối với đồng nghiệp và cấp trên. Nhiều nhân viên cũ thuộc chi nhánh Sài Gòn, trong đó có tôi, được tổng thanh tra CIA gọi đến. Ông đòi chúng tôi cho biết đầy đủ cách Polgar soạn thảo báo cáo. Mặc dù tôi có cảm tình riêng với Polgar, tôi không thể không nói rõ sự thật. Nhất là khi tôi đã yêu cầu nghiên cứu cẩn thận những thiếu sót đã nẩy sinh. Tôi công nhận, nhiều lúc, Polgar đã giữ lại những bản báo cáo không lợi cho chính phủ Nam Việt Nam.
Cuối buổi nói chuyện, tôi xin phép được viết một bản tường trình đầy đủ về hoạt động của CIA trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, để việc "phán xử" được công bằng. Nhưng ông tổng thanh tra bác bỏ, cho rằng việc ấy quá phức tạp. Ông giải thích: Hỏi chuyện chúng tôi, ông không có mục đích nào khác là làm cho quốc hội không đòi mở một cuộc điều tra về hoạt động của CIA ở Việt Nam. Lời nói của ông càng làm cho tôi thêm nghi ngờ.
Tôi quyết định một mình, làm một bản báo cáo về sự thiệt hại, dù CIA có muốn hay không và dù sau này phải ra khỏi tổ chức này. Trong suốt mùa Thu và mùa Đông năm 1975, chính quyền tiếp tục cố gắng hết sức mức xóa bỏ hình ảnh Việt Nam trong trí nhớ người Mỹ. Lầu Năm Góc ký hợp đồng với nhiều tướng cũ của Sài Gòn để họ viết hồi ký về chiến dịch cuối cùng. Lầu Năm Góc quyết định đó là những tài liệu mật, nếu không được phép, không một tác giả nào được nói với giới báo chí.
Trong khi đó, Nhà Trắng và bộ ngoại giao ra sức khen thưởng cộng tác viên thân cận của Martin, cho họ đi nhậm chức ở những nơi béo bở để mong họ kín tiếng. Bản thân Martin, sau khi nằm ở bệnh viện để chữa viêm phổi, cũng được tổng thống khen. Lehmann được làm tổng lãnh sự ở Francfort và Boudreau, Jazyn được bổ đi Paris nhận những chức vụ cao.
Nhiều cộng tác viên của Kissinger đề nghị khen thưởng những viên chức trẻ bộ ngoại giao đã bỏ nhiều công sức để duy trì những hoạt động của cuộc di tản, nhưng Martin và Lehmann, được Kissinger ủng hộ, đã phản đối, vin cớ họ "quá đông" . Cục tình báo trung ương CIA, vì danh dự của mình, tỏ ra độ lượng với những vị "anh hùng". Ở Việt Nam, mặc dù chưa bao giờ cục khen thường đúng thành tích. "Howard Archer", nguyên trưởng chi nhánh Nha Trang, đã bỏ rơi nhân viên và tài liệu, được tham gia vào một nhóm do Colby mới thành lập để đối phó với cuộc điều tra của quốc hội. "Custer" bạn đồng nghiệp anh ta ở Đà Nẵng, được làm trưởng một chi nhánh ở châu Á.
Cuối tháng 12- 1975, ban giám đốc CIA tập hợp các nhân viên cũ ở Việt Nam còn lại, trong phòng họp lớn, phân phát hàng loạt huân chương bí mật - phần thưởng bí mật cho những công việc bí mật. Lời khen cùng với huân chương tôi nhận được dịp ấy, nói rõ tính sắc bén của nhận định của tôi, trong tháng cuối cùng cuộc chiến tranh. Trong lễ khen thưởng, Colby ca ngợi tinh thần hy sinh và hiệu quả công việc của chúng tôi, đề cao chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Ông nêu bật chiến dịch Phượng Hoàng và chương trình bình định, theo ông, có thể đưa đến chiến thắng cuối cùng nếu không có quân đội Bắc Việt Nam. Tôi ngồi yên nghe những lời ba hoa ấy và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra đối với CIA, cơ quan tôi đã từng phục vụ?
Mấy ngày sau, tôi báo cáo cho George Carver, đồng tác giả bản báo cáo Weyand, tôi muốn viết một cuốn sách về thời kỳ ngừng bắn nếu được CIA tán thành và giúp đỡ. Carver không khuyến khích tôi. Ít lâu sau, tôi được gọi vào phòng trưởng ban tư pháp và bị chất vấn. Một người đóng vai người nghe, một người luận tội. Người ta bắt tôi phải để máy kiểm tra xem có nói dối không, có bảo đảm rằng tôi đưa những tin tức mật cho giới báo chí không. Người ta bắt tôi nộp sổ tay riêng, nộp nhật ký của tôi ở Việt Nam. Ba tuần sau khi CIA dành cho tôi sự khen thưởng cao quý nhất ấy, vào một buổi chiều, tôi báo cho thủ trưởng trực tiếp của tôi, tôi xin thôi việc để tỏ rõ sự phản đối của mình. Tôi vừa đoạn tuyệt xong thì các viên chức CIA cố làm mất danh dự tôi trong đồng nghiệp cũ. Như là tôi sắp sửa tiết lộ những bí mật của Nhà nước.
Nhân viên CIA quen biết tôi hay đã làm việc với tôi kể cả một cô bạn cũ, đều bị gọi lên chất vấn, đe dọa bị thải hồi nếu họ không báo cáo tất cả những gì họ biết về tôi! Lúc ấy, tấn thảm kịch Sài Gòn là đầu đề những cuộc thảo luận sôi nổi của quần chúng.
Ngày 27 tháng 1 năm 1976, đại sứ Martin phải trình bày trước ủy ban đối ngoại của hạ nghị viện bản báo cáo đầu tiên về sự thất thủ của Sài Gòn. Bản báo cáo thật sự là một tác phẩm: không lên án ai, cũng không có bóng lỗi lầm của ông, nhưng gây cảm tưởng là Kissinger, Polgar và quốc hội là những người chịu trách nhiệm chính về sự sụp đổ của Sài Gòn, và về nhưng vấn đề do cuộc di tản gây ra:
Martin sau đó giải thích với tôi, bài nói của ông đã được cân nhắc cẩn thận. Mặc dù ông được tổng thống khen thưởng, cộng tác viên thân cận của ông được đề cao, ông có cảm tưởng là chính quyền, trong những tháng qua, đã không biết đến công lao của ông, để cho ông phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ tại Việt Nam.
Ngay bản thân Kissinger, theo Martin, cũng loan truyền ở Hoa Thịnh Đốn rằng chính Martin cũng quá nhẹ dạ. Nay đại sứ nhất quyết báo thù. Những lời bóng gió tế nhị trong bài nói của ông trước quốc hội là những mũi tên bắn trả thù.
Việc đại sứ làm thu được hiệu quả ngay. Ít lâu sau, Kissinger bổ ông làm "trợ lý đặc biệt" hy vọng tước vũ khí của ông. Nhưng Martin không dễ dàng chịu khuất phục. Nhiều lần, ông nói chuyện với tôi và giới báo chí về những việc ông làm ở Sài Gòn. Để củng cố lời nói của mình, có lúc ông bóp méo cả những tài liệu mật. Trong khi Martin cố lấy lại uy tín của mình, thì những khó khăn của tôi với CIA lên cao điểm. Mùa xuân năm 1976, người chỉ huy quân đội Bắc Việt Nam, tướng Dũng xuất bản cuốn hồi ký. Gián tiếp ông công nhận rất nhiều sai lầm của sứ quán Mỹ trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn. Một nhà báo của tờ Washington Post, tôi quen từ lâu, gọi tôi đến hỏi ý kiến về mấy điểm của tướng Dũng nêu ra. Tướng Dũng viết rằng quân đội Bắc Việt Nam bắt được nhiều hồ sơ, tin tức còn nguyên vẹn. Vì CIA không nghe lời tôi nên tôi công nhận những điều ông Dũng viết là đúng. Bài báo nhan đề: "Những bí mật bị mất ở Sài Gòn" được đăng lên. Lần đầu tiên, một viên chức của sứ quán, công khai lên án chủ trương chính thức của chính phủ trong sự sụp đổ của Sài Gòn.
Từ lúc ấy, tôi trở thành kẻ thù công khai của một số nhân vật chính quyền. Thứ trưởng ngoại giao Habib viết cho Kissinger rằng những lời bình luận của tôi với giới báo chí có tính chất lật đổ. George Carver đi đến mức gợi ý với CIA: Tôi có thể là một gián điệp của nước ngoài, cần cột chân tôi lại. Đó không những là một lời chửi rủa tôi mà còn là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với luật pháp. Thật vậy, luật về an ninh quốc gia cấm CIA tham gia những hoạt động cảnh sát trên địa hạt nước Mỹ.
Cuối cùng, mùa hè năm 1976, Polgar được gọi về Hoa Kỳ. Người ta giao cho ông hăm dọa tôi. Trong một buổi nói chuyện, thủ trưởng cũ của tôi lên án tôi không có tinh thần yêu nước, lại dám phê phán CIA, và còn cho tôi là hơi điên. Ông cố thuyết phục tôi rằng ông đã làm việc tốt trong cuộc di tản, đến mức nói ông đã cứu được một nghìn nhân viên Việt Nam trong ngôi nhà số 7 tức đài phát thanh bí mật! Thật ra số người đó do Bill Johnson tổ chức di tản, trái hắn với ý kiến của Polgar. Cuộc nói chuyện của chúng tôi đến đây chấm dứt. Tôi không bao giờ gặp lại Polgar nữa.
Mấy tuần sau, tôi đi Paris để tập hợp tài liệu. Tôi gặp nhiều nhân viên sứ quán cộng sản Việt Nam và đề nghị được hỏi tướng Dũng ở Hà Nội một số vấn đề. Đồng thời tôi xin phép được lấy ra, gửi đi một món đồ cá nhân của Martin bỏ lại Sài Gòn. Về công việc chung, tôi đề nghị họ cho biết danh sách những binh sĩ Mỹ mất tích, ngược lại cho họ biết qua về thái độ công chúng ở Hoa Kỳ, nhất là sự lãnh đạm của họ đối với Việt Nam, tình hình mà họ không hề biết. Ít lâu sau, tình cờ hay cố ý, Hà Nội gửi cho Hoa Thịnh Đốn danh sách 12 lính Mỹ mất tích. Khi tôi trở lại Hoa Thịnh Đốn, tôi báo cáo với CIA và bộ ngoại giao những hoạt động của tôi và đề nghị bạn bè trong chính quyền cải thiện mối quan hệ chính thức với Hà Nội, để cộng sản đối đãi tử tế hơn với những người chúng ta bỏ lại. Để trả lời, CIA càng gây sức ép với tôi. Tôi quyết định không gặp người của CIA nữa, không đưa tập bản thảo tôi viết cho họ kiểm duyệt, không xin phép, những việc mà một nhân viên cũ của CIA phải thực hiện. CIA đã bóp méo tin tức phổ biến cho giới báo chí, nó không có quyền gì kiểm duyệt tôi vì an ninh và quyền lợi của quốc gia.
Trong khi tôi viết cuốn sách này, Graham Martin tiếp tục tự bào chữa trước công chúng. Cuối cùng Nhà Trắng, vào mùa Thu năm 1976, trước khi bầu cử tổng thống, đề nghị ông làm đại sứ lưu động nhưng sự bổ nhiệm này phải được quốc hội chuẩn y. Những đối thủ cũ của Martin đã kéo dài ngày có quyết định. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống đã làm tiêu tan hết hy vọng của Martin. Ông chỉ còn cách nghỉ hưu.
Cuộc phiêu lưu Việt Nam của tôi chấm dứt vào một buổi chiều thứ sáu cuối năm 1977 trước mặt Martin. Ông bảo tôi đến nói chuyện với ông ở lầu thượng bộ ngoại giao. Một con ma đón tôi ở cửa. Martin chỉ còn là cái bóng của bộ ngoại giao ba hoa sôi động mùa Hè 1973. Mệt mỏi, mặt nhăn nheo già cỗi, ông mời tôi ngồi xuống một ghế trước bàn làm việc. Ông nói: Hôm nay là ngày cuối cùng ông ở bộ ngoại giao, ông muốn biết rõ tôi có thật chắc chắn về những việc tôi viết trong sách không. Ông nhắc lại những sự kiện chúng tôi đã nói với nhau trong những buổi gặp trước. Như thường lệ, ông cố giải thích cho những việc và quyết định trước của ông. Ông nói hơn một giờ rưỡi. Tôi ghi mỏi tay: Sau bốn năm làm việc với người này, tôi thuộc lòng những lý lẽ của ông. Ông đứng dậy, đưa tôi ra cửa. Cái nhìn mỏi mệt đượm vẻ buồn vô tận. Ông nói: "Anh biết chứ, tôi rời nơi đây cũng gần như khi tôi mới đến đây. Cách đây 40 năm, lúc tôi mới vào nghề, tôi chỉ tuyên thệ trước một mục sư già ở nông thôn. Ngày nay, tôi không có nghi lễ gì cả. Tôi làm việc ở bộ ngoại giao bao nhiêu năm thế mà khi về hưu, đồng nghiệp tôi không có lấy một bữa ăn sáng vĩnh biệt".
Tôi nhìn ông một lúc. Nên mỉm cười hay tỏ lòng thương hại? Có nên đóng kịch không? Mặt đanh lại, tôi bắt tay ông và đi về. Đi đến cầu thang máy, tôi nhớ lại lời một đồng nghiệp nói về Martin: "Những ý kiến vừa như là một con cáo già ở đầm lầy, thông minh và khôn ngoan, có thể làm thay đồi mọi việc để đạt mục đích. Nhưng tất cả cái ông đạt được chỉ là đốm lửa trong đầm lầy, một ánh lửa sáng và mơ hồ chẳng thay đổi gì cốt lõi sự việc". Nhiều người cho rằng Việt Nam mà người Mỹ nuôi dưỡng và ủng hộ chỉ có thể kết thúc như Martin đã làm. Ngay từ đầu, chính sách của chúng ta quá tồi, không rõ ràng, chính sách ấy chỉ có thể đưa đến chiến thắng của cộng sản.
Tôi không thể bảo vệ được chính sách ấy nhưng tôi đem hết lương tâm ra chống lại lập luận trên. Là một nhân viên tình báo cũ, tôi chắc chắn rằng, (có lẽ hơi ngây thơ) những quyết định tốt, đúng lúc và dựa trên một nguồn tin chắc chắn có thể thay đổi được sự kết thúc, có khi tránh được cả sự kết thúc ấy. Một nhà lý luận già của họ chẳng đã nói: nếu nói đến xu hướng thì không thể nói đến quyết định trước. Những người biết rõ lực lượng tham chiến có thể thay đổi được quá trình sự việc xảy ra.
Kissinger chắc chắn là người Mỹ trực tiếp cân nhắc lực lượng tham chiến ở Việt Nam sau khi ngừng bắn. Chính ông đã thương lượng "hòa bình" và sau đó, điều khiển chính sách Hoa Kỳ. Trong cả hai trường hợp, ông đều làm hỏng và phá công lao của mình. Dân chúng Mỹ muốn rút nhanh ra khỏi Việt Nam với bất cứ giá nào. Kissinger muốn tuân theo ý chí của quần chúng nhưng lại thừa hưởng những sai lầm của các chính quyền Kennedy và Johnson. Sau khi ngừng bắn, ông lại lầm, quá tin vào sự hợp tác của Liên Xô và Trung Quốc và quá tin vào hiệu quả viện trợ không ngừng cho chế độ Sài Gòn. Nhưng ông không biết lúc bấy giờ, vụ bê bối Watergate đã ngậm nhấm chính sách của ông.
Trong những sai lầm ông phạm phải, chỉ có hai cái ông hoàn toàn chịu trách nhiệm. Một là cái cách ông điều khiển công việc, ông thích trò chơi trội, thích làm lấy, không giao bớt trách nhiệm cho cộng tác viên. Khi ông quá bận về vấn đề Trung Đông, Hoa Thịnh Đốn đã bỏ quên vấn đề quan trọng hơn là vấn đề Việt Nam. Khi cuộc khủng hoảng lên đến cao độ, ông chỉ giao cho một người, Graham Martin! Lại còn thói thích bí mật. Chưa bao giờ Kissinger báo cáo với quốc hội, với dân chúng Mỹ, ông đã dựa thật sự vào cái gì để bảo vệ nền hòa bình nửa vời.
Một hôm, Martin nói với tôi: Thật là buồn, hiệp định Paris không được đặt ra quốc hội chuẩn y. Nếu việc đó xảy ra, ít nhất quốc hội cũng biết cái gì thiếu sót ở Việt Nam và sau vụ bê bối Watergate, quốc hội sẽ giảm quyền của tổng thống trong trường hợp có chiến tranh.
Ngay sau Kissinger, chắc chắn là Martin phải chịu trách nhiệm lớn về thảm bại cuối cùng. Ông được cử đến Sài Gòn lúc ngừng bắn để duy trì một nền hoà bình do Kissinger đem lại, không dẫn đến việc cộng sản nắm chính quyền. Sự "lầm lẫn" của ông là ở chỗ, ông làm việc quá tốt và quá lâu. Đứng về phe cứng rắn - cùng với Nixon - ông củng cố sự không khoan nhượng của người Việt Nam và sự phụ thuộc của họ vào Hoa Kỳ. Cuối cùng, khi chấm dứt ném bom và khi Nixon là nạn nhân quá đáng của mình, thì không ai, kể cả những người được che chở lẫn đại sứ, có thể thay đổi chính sách đúng lúc. Trái lại Martin vẫn cố gây ảo tưởng là Hoa Thịnh Đốn tiếp tục ủng hộ Thiệu. Kết quả là đẩy Thiệu vào chỗ bướng bỉnh và nhận xét sai lệch. Chắc chắn Martin đã lầm. Có thể trách ông không? Nếu ông cố nhào nặn sự thật theo hình ảnh ông tưởng đó là vì Kissinger, thậm chí cả Ford nữa, đều quá ngả theo ảo tưởng của ông, thậm chí chia sẻ những ảo tưởng ấy.
Nhiều người khác cũng phải chịu trách nhiệm về thảm bại của Sài Gòn. Đầu tiên là dân chúng Mỹ. Thật ra, sự bất bình trong nước cuối những năm 60 và đầu những năm 70 đã dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam và chấm dứt sự can thiệp dã man của Hoa Kỳ. Nhưng khi một lính Mỹ đã về nước thì tư tưởng "cuốn theo chiều gió" đã có trong các giới đối ngoại cũng lan tràn trong dân chúng. Vấn đề Việt Nam không còn ở trong lòng nước Mỹ nữa.
Điều đó cho phép một số nhân vật có thế lực tiếp tục một chính sách hợp lý. Đây có thể là một điều cảnh cáo. Vì việc quân của tướng Dũng vào Sài Gòn tháng 4 năm 1975 chỉ là kết quả sự nhắc lại những sai lầm và thiếu sót đã làm cho chúng ta tham gia chiến tranh. Hai tổng thống Hoa Kỳ đã đánh lừa dân chúng. Đại sứ đã thổi phồng hy vọng thắng lợi. Người ta bỏ mặc những kẻ chờ chúng ta che chở ở Sài Gòn, thực hiện một chính sách thất bại. Mọi việc diễn ra như trong giới cao cấp của chính quyền, người ta vội quên những bài học của quá khứ. Mong rằng với thời gian và khi những vết thương chiến tranh Việt Nam đã lành, có thể trả lại vai trò cho lịch sử. Nghĩa làa đánh giá lại từ đầu, một cách khách quan, toàn bộ chủ trương, chính sách, sự việc xảy ra, kể cả những gì làm cho nhiều người trong chúng ta mù mắt, không thể nhìn rõ diễn biến thật sự của tình hình Việt Nam. Đừng bỏ lỡ dịp. Thôi, đừng coi vấn đề Việt Nam là một ảo ảnh, dễ quên hơn là dễ nhớ lại. Nhất là trong cơn hấp hối của nó. Nếu không, chúng ta không thể thoát ra khỏi các thế lúc trên lĩnh vực tình báo cũng như trong địa hạt chính trị, đã thay đổi "khoảng cách chịu được" của Sài Gòn thành một kết thúc thảm hại của tấm thảm kịch Mỹ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top