CHƯƠNG 2.6: BỘ MẶT QUỶ QUYỆT CỦA CHỦ NGHĨA MARX
Càng hiểu rõ về cái tính cách bề ngoài của bọn người Dân chủ Xã hội, tôi càng thêm mong muốn hiểu hơn cái cốt lõi bên trong học thuyết của chúng.
Dựa vào những tài liệu văn bản chính thức của Đảng Dân chủ Xã hội xem ra không giúp ích gì nhiều cho mục đích của tôi. Trong khi đề cập tới các vấn đề kinh tế, nó lại đưa ra những khẳng định và các bằng chứng giả mạo; trong khi bàn về các mục tiêu chính trị, nó lại dối trá. Không những thế, thâm tâm tôi thấy khó chịu với kiểu ngữ cú tân thời vô bổ quá chú trọng những chi tiết vụn vặt và cả lối hành văn của những thứ tài liệu ấy. Trong khi sử dụng quá nhiều từ ngữ mơ hồ, khó hiểu, chúng lắp ba lắp bắp mớ câu cú hổ lốn mà chúng tự cho là dí dỏm nhưng thực chất hoàn toàn vô nghĩa. Chỉ có những kẻ phóng túng suy đồi mới có thể cảm thấy thoải mái giữa cái mê cung lý luận và nhặt ra được cái gọi là "trải nghiệm nội tâm" từ đối hôi thối của thứ văn học theo chủ nghĩa dada này, lại được cổ xúy bởi tính khiêm tốn mà ai cũng biết đến một tầng lớp trong số chúng ta, những kẻ luôn kiếm tìm sự thông thái uyên thâm trong những thứ mà bản thân chúng ta chẳng thể hiểu nổi. Tuy vậy, nhờ cân bằng sự giả dối về lý thuyết và những lời vô nghĩa của học thuyết này với sự tồn tại thực tế của hiện tượng, tôi dần có được bức tranh rõ rệt về ý định thật sự bên trong của các học thuyết Dân chủ Xã hội.
Vào những lúc ấy như vậy, tôi bị chế ngự bởi những linh tính xấu và nỗi lo sợ về cái ác. Và rồi tôi nhìn thấy trước mắt một thứ học thuyết, được hình thành bởi thuyết duy ngã độc tôn và lòng căm ghét, có thể dẫn tới sự chiến thắng theo đúng những quy luật được tính toán chính xác, nhưng trong khi làm vậy nhất thiết sẽ đặt dấu chấm hết cho loài người.
Trong lúc ấy, tôi đã học được cách nhận biết mối liên hệ giữa thứ học thuyết giết người ấy với bản chất của một dân tộc mà cho tới khi đó tôi chưa hề biết gì về nó.
Chỉ có sự hiểu biết về người Do thái mới đem lại cho ta chiếc chìa khóa để hiểu dược những mục đích bên trong, và vì thế cũng là những mục đích thực sự, của Đảng Dân chủ Xã hội.
Những khái niệm sai lầm về mục tiêu và ý nghĩa của đảng phái này như bức màn che mắt ta bỗng rơi xuống, một khi biết về dân tộc này, từ trong màn sương mù của những câu từ bỗng hiện lên bộ mặt quỷ quyệt của chủ nghĩa Marx.
Ngày hôm nay, thật khó khăn, nếu không nói là không thể, để tôi nói rằng từ khi nào hai chữ "Do thái" đem lại cho tôi lý do để có những suy nghĩ đặc biệt như vậy. Khi còn ở nhà, tôi không nhớ là đã từng nghe đến cái từ này lúc bố tôi còn sống. Tôi tin rằng hẳn là bố tôi xem mọi sự nhấn mạnh đặc biệt nào với cái từ này là một sự lạc hậu về văn hóa. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã từng ít nhiều có quan điểm về chủ nghĩa thế giới, bất chấp tình cảm cá nhân rất rõ rệt dành cho tổ quốc, không những không hề thay đổi mà còn phần nào tác động đến tôi.
Cũng như vậy, lúc ở trường, tôi không thấy có dịp nào khiến tôi có thể thay đổi được cái hình ảnh tôi kế thừa từ bố.
Tại trường Realschule, tôi chắc vậy, tôi đã gặp một cậu bé Do thái mà tất cả chúng tôi đều đối xử rất thận trọng, nhưng đó chỉ bởi những kinh nghiệm khác nhau mà chúng tôi nghi ngờ sự chín chắn của cậu ta và chúng tôi rất không tin cậu ta; nhưng cả tôi và mọi người ở trường đều chẳng suy nghĩa gì về chuyện đó.
Mãi tới khi mười bốn hay mười lăm tuổi gì đó tôi mới bắt đầu tình cờ bắt gặp cái từ "Do thái", rất nhiều lần, phần nào liên quan tới các cuộc thảo luận về chính trị. Điều đó khiến tôi hơi bực mình, và tôi không thể thoát khỏi cảm giác khó chịu cứ luôn xâm chiếm tôi bất cứ khi nào tôi có mặt ở các cuộc tranh luận về tôn giáo.
Khi đó tôi chẳng hề nghĩ ngợi gì về chuyện này.
Ở Linz có rất ít dân Do thái. Sau nhiều thế kỷ, vẻ bề ngoài của chúng đã bị biến đổi giống như người châu Âu và đã mang một diện mạo của con người; trên thực tế, tôi thậm chí còn tưởng chúng là người Đức. Tôi chẳng suy nghĩ gì bởi lẽ tôi không nhận ra một đặc điểm khác biệt nào ngoài thứ tôn giáo kỳ quặc. Tôi tin rằng, cái việc chúng bị hành hạ vì chuyện này đôi khi khiến sự khó chịu của tôi về những lời nhận xét thiếu thiện chí dành cho chúng trở thành sự ghê tởm.
Và rồi tôi tới Vienna.
Bị phân tâm bởi những ấn tượng phong phú với lĩnh vực kiến trúc, lại thêm bị một số phận vất vả đè nặng trong lòng, thoạt đầu tôi không hề nhận biết được sự ngầm phân tầng các loại người ở nơi thành phố lớn này. Mặc dù ở thành Vienna ngày ấy có gần hai trăm nghìn dân Do thái trong số hai triệu cư dân của thành phố, tôi lại chẳng hề nhìn thấy chúng. Trong những tuần đầu tiên, tâm trí và đôi mắt của tôi không đủ khả năng tiếp nhận những giá trị và ý tưởng cứ ập tới như thác lũ. Mãi tới khi sự bình tâm dần trở lại và khi bức tranh mơ hồ trở nên rõ ràng, tôi mới bắt đầu nhìn ngó xung quanh thế giới mới của mình một cách kỹ lưỡng hơn, và giữa bao nhiêu điều tôi bỗng bắt gặp câu hỏi về dân Do thái.
Không thể nói rằng cái cách tôi quen biết dân Do thái đem lại điều gì rất thú vị. Bởi lẽ với tôi, dân Do thái chỉ khác biệt bởi thứ tôn giáo của chúng, và vì thế, vì lòng nhân từ với con người, tôi vẫn khước từ mọi sự công kích tôn giáo trong mọi trường hợp. Chính vì thế, tôi cảm thấy cái giọng điệu, nhất là của những tờ báo bài Do thái ở Vienna khi đó, dường như không xứng đáng với bề dày văn hóa của một đất nước vĩ đại. Tôi bị ám ảnh với những ký ức về những sự kiện nhất định xảy ra thời Trung cổ, những thứ mà tôi chẳng hề mong muốn sẽ lặp lại. Bởi lẽ những tờ báo mà tôi đang nói tới không được mọi người đánh giá cao lắm (khi ấy, tôi không biết chính xác lý do cho chuyện đó), tôi coi đó chỉ là sản phẩm của cơn giận dữ và đố kỵ hơn là kết quả của một quan điểm dựa trên các nguyên tắc, dẫu rằng có thể còn sai lầm.
Tôi càng tin chắc như vậy khi chứng kiến những hình thức vô cùng tôn quý mà những tờ báo thực sự lớn đã sử dụng để đáp lại mọi sự công kích, hay những điều mà tôi cho là còn đáng ca ngợi hơn thế, đó là không hề nhắc đến những cuộc công kích đó; nói cách khác, thủ tiêu chúng một cách đơn giản bằng sự im lặng tuyệt đối.
Tôi sốt sắng tìm đọc những tờ báo của thế giới (như là Neue Freie Presse, Wiener, Tageblatt, v.v...) và ngạc nhiên trước phạm vị kiến thức mà những tờ báo này đem tới cho độc giả và tính khách quan trong các bài báo. Tôi trân trọng giọng điệu cao quý của các tờ báo ấy, dù rằng lối hành văn trau chuốt quá mức đôi khi khiến tôi không hài lòng, hay thậm chí còn làm tôi khó chịu. Tuy nhiên có thể là nhịp sống nơi thủ đô đã làm nên điều đó.
Ngày đó, tôi đã nhìn thành Vienna dưới cái ánh sáng như vậy, vì thế, tôi cho rằng bản thân mình có lý do chính đáng để chấp nhận lời lý giải ấy như một cái có hoàn toàn đúng đắn.
Nhưng điều khiến tôi đôi khi cảm thấy khó chịu là cái xu hướng thấp kém mà những tờ báo này dùng để xu nịnh, tán tụng triều đình. Hiếm có sự kiện nào về Hoàng gia được thông báo cho độc giả mà lại không chứa đựng lòng nhiệt tình say mê hay cảm xúc u sầu, và tất cả những thứ huyên náo ấy, nhất là khi nói tới "vị hoàng đế thông thái nhất" của mọi thời đại, hầu như luôn làm tôi nhớ tới tiếng gáy gọi bạn tình của một chú gà rừng.
Với tôi, tất cả mọi thứ dường như là giả tạo.
Trong mắt tôi, đó là vết nhơ của nền dân chủ tự do.
Xu nịnh triều đình theo những cách đáng xấu hổ như vậy chính là giết chết sự cao quý của tổ quốc.
Đó là bóng đen đầu tiên làm xấu đi mối liên hệ có tính tri thức của tôi với những tờ báo "lớn" của thành Vienna.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top