Chương 6
Biên tập: Sabi
Beta: Qin Zồ
Hai cô bạn thân vừa cười nói vừa đi đến trường học. Sân trường vốn trống trải tĩnh lặng vì đang trong độ nghỉ Hè thì giờ đây náo nhiệt hẳn, bởi có đám học sinh tốt nghiệp trở về. Bọn học trò tốp năm tốp ba đi qua đi lại khu vực bãi tập để lĩnh bằng tốt nghiệp. Bảng điểm và điểm chuẩn trúng tuyển các trường phổ thông, trung cấp được dán ngay tại vị trí bắt mắt nhất của cổng dãy phòng học, dính chắc trên vách tường.
Nhóm học sinh tốt nghiệp ra vào cổng tòa nhà dạy học, thỉnh thoảng lại có vài người dừng bước thẫn thờ nhìn chăm chú lên tên và điểm được viết trên giấy đỏ, cũng không biết là đang nghĩ gì.
Trường trung học cho con em nhà máy điện chịu trách nhiệm dạy dỗ bọn trẻ ở xưởng điện, xưởng lốp xe cùng mười mấy thôn phụ cận khi đến tuổi. Nhưng nói cho cùng, xét về chất lượng dạy học thì cũng chỉ ở mức trung bình thôi.
Mỗi năm, học sinh tốt nghiệp từ trường này thi đậu cấp ba không tới 20%, đa phần đều là trường huyện và trường thị trấn. Thi vào trường phổ thông hay trung cấp nội thành năm nào cũng chỉ được khoảng năm, ba người. Thời đại này mà thi lên cấp ba không tốt thì trung cấp lại càng khó, tỉ lệ lên lớp chỉ có thể xem như tạm đạt yêu cầu.
Nếu là trường khác thì thành tích kiểu này hiệu trưởng đã sớm lo sốt vó, nhưng trường trung học cơ sở nhà máy điện lại không hề. Học sinh đi học ở đây hầu hết là con em công nhân, một bộ phận may mắn sau khi tốt nghiệp sẽ tận dụng nguồn lực bên nội hay bên ngoại để vào nhà máy tiếp tục làm công.
Còn lại ai trong nhà có ruộng thì về làm nông, hoặc là tham gia kỳ thi của trường dạy nghề do thành phố tổ chức, rồi vào học tập kỹ thuật trong trường. Còn không nữa thì nhờ mối quan hệ trong nhà đến làm việc ở những đơn vị khác trong thành phố. Nói chung, đám trẻ xuất thân từ các hộ gia đình nhà máy điện chỉ cần chịu làm thì chắc chắn sẽ không bị đói.
Cũng bởi đại đa số học sinh tốt nghiệp đều có lối đi riêng cho bản thân, nên phong cách học tập của trường trung học nhà máy luôn vô cùng tự do. Muốn học thì giáo viên nhất định sẽ chú tâm dạy bảo. Còn dù không muốn học, chỉ cần không đi gây rối trong trường thì thầy cô cũng mắt nhắm mắt mở cho qua.
Nhưng Tôn Biền đoán phỏng chừng bầu không khí này sẽ không duy trì được lâu nữa. Hàng triệu thanh niên trí thức đang lục tục trở lại, áp lực đi làm ở nội thành hiện nay vô cùng nặng nề, nghe nói gần như mỗi nhà đều có người trẻ tuổi đang chờ được phân công.
Coi như nhà máy điện có chỗ dựa vững chắc và đủ lực, mỗi lần tuyển công nhân đều trắng trợn chiếu cố cho con em nhân viên nhà mình, thì giữa cơn sóng lớn trước mặt cũng lộ vẻ ngày càng bất lực. Không biết cái chuyện chỉ bo bo lo cho thân mình thế này còn kéo dài được bao lâu nữa.
Vì còn đang nghỉ nghè nên số thầy cô còn ở lại trường vô cùng ít ỏi, trong các phòng của dãy lớp trống vắng, chỉ có học sinh đến nhận bằng tốt nghiệp đi qua đi lại ngoài hành lang. Mấy bạn học lĩnh trước bảo với Tôn Biền và Từ Hải Vi rằng phải đi tới phòng làm việc của hiệu trưởng mới nhận được. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm công tác tốt nghiệp, phát chứng nhận cho bọn họ.
Hai người cùng đi theo dòng người đến lầu ba. Phía trong cùng phòng làm việc, cửa lớn đang mở rộng và các học sinh không ngừng ra vào. Thế nên Tôn Biền và Từ Hải Vi tự giác xếp hàng chờ ở bên ngoài.
Nhận bằng tốt nghiệp cũng không rườm rà, chỉ cần tới rồi khai báo với hiệu trưởng lớp, họ tên, mã số của mình. Hiệu trưởng sẽ tìm từ chồng giấy chứng nhận trung học cơ sở rồi phát cho người đến nhận, sau đó sẽ đối chiếu với ảnh chụp trên bằng tốt nghiệp để xác nhận có đúng người hay không, cuối cùng để học sinh ký tên và nhận là xong.
Người khác nhận rất thuận lợi, chỉ tới Tôn Biền mới hơi kẹt một chút, bởi vì cô muốn lĩnh bằng tốt nghiệp thay cho anh cả. Trước đó hai anh em không biết quy định phải tự mình đến mới được nhận bằng. May mắn thay hiệu trưởng cũng là giáo viên môn hóa trong lớp, biết tình hình hình bọn họ, viết em gái nhận thay lên cột ký tên xong thì gọi Tôn Biền đến ký xác nhận, lúc này mới đưa cô bằng của Tôn Tuấn.
Lĩnh giấy rồi, Tôn Biền và Từ Hải Vi rời khỏi trường, khi bước ra cổng cô chợt dừng chân theo bản năng, xoay người lại ngắm nhìn một lúc. Cảnh sắc trong sân vẫn như xưa, bãi tập rải than đá nhiều năm không thay đổi, hàng cây bạch dương trồng sau dãy nhà học, phía trước tòa nhà xây bồn hoa xi măng, nơi thường xuyên được ngắm đủ loại hoa hồng của đám học sinh "gian ác" nở trong bồn. Tất cả vẫn là thế, chỉ có thân phận Tôn Biền mới khác biệt mà thôi.
Đi được mất mét rồi mà không thấy cô bạn thân đuổi kịp, Từ Hải Vi mới quay lại tìm: "Tiểu Biền, cậu sao thế? Bỏ quên gì trong trường à?"
Tôn Biền nghe vậy mới hoàn hồn đáp: "Không có, mình chỉ muốn nhìn lại một lúc thôi. Ừ, không sao rồi, tụi mình đi đi. Trời nóng quá à, mình mời cậu uống nước."
Vốn là mô hình xí nghiệp độc quyền thuộc nhà nước cỡ lớn, phúc lợi nhân viên nhà máy điện được hưởng hiện nay cũng thuộc dạng nhất nhì thành phố. Các cửa hàng và hợp tác xã mua bán được mở trong khu dân cư nhà máy, về cơ bản thì loại hàng hóa gì cũng có, chủng loại có khi còn đầy đủ hơn so với trên thị trấn.
Cách trường học không xa có một hợp tác xã, Tôn Biền mua hai chai nước ngọt vị lê trắng. Trả tiền cọc chai nước xong, hai cô bé vừa uống vừa đi về nhà. Họ vẫn tiếp tục tán gẫu trên đường, Tôn Biền uống một ngụm lê trắng lớn, cảnh giác lạnh buốt của nước ngọt lan thẳng từ cuống họng đến toàn thân. Cô nuối tiếc tâm sự: "Tiếc ghê, sau này không thể đi học chung với cậu được nữa rồi."
Thi phổ thông xong, Tôn Biền đậu vào trường cấp ba của huyện, còn Từ Hải Vi thì đậu trường trên trấn. Chỗ học hai người hoàn toàn trái ngược nhau, nên nếu muốn dính nhau cùng lên lớp tan học như hồi xưa là chuyện gần như không thể.
Từ Hải Vi nghe thế thì vuốt mái tóc rối trên trán, buông hai bím tóc lớn lủng lẳng trước ngực. Tôn Biền còn đang hâm mộ mái tóc dài đen nhánh, mềm mại của bạn thì Từ Hải Vi nhẹ nhàng đáp: "Mình không định đi học cấp ba."
"Sặc, khụ khụ khụ... Khụ khụ, cậu vừa... vừa bảo gì cơ?" Tôn Biền nghe thế mém sặc ngụm nước ngọt lên mũi, vừa ho khan vừa kinh ngạc hỏi cô bạn thân. Thấy bộ dạng Tôn Biền thở hết ra hơi mà còn cố nói chuyện, Từ Hải Vi cũng hết hồn. Cô ấy dùng tay vỗ lưng Tôn Biền cho thuận khí, trấn an: "Cậu vội thế làm gì, uống nước cho xong đi đã rồi hẵng nói chuyện chứ."
Mãi mới điều chỉnh lại được hơi thở, Tôn Biền thở sâu mấy lần rồi nắm lấy tay cô bạn thân hỏi: "Đừng vỗ nữa, tớ không sao, nhưng mà cậu vừa nói gì cơ? Không học cấp ba á? Tại sao vậy, học phí có gì khó khăn à?"
Chắc là không đâu, chú Từ là nhân viên lâu năm ở xưởng đồ điện, tiền công còn cao hơn mấy lần so với nhân viên chính thức mới vào nhà máy. Dì Hứa thì làm ở cửa hàng thanh niên, việc nhàn không nói mà đãi ngộ còn tốt nữa. Nhà họ chỉ có hai đứa con là Từ Hải Vi và anh trai, sao mà không đủ khả năng trả học phí được?
Nghe Tôn Biền nói thế, Từ Hải Vi vô thức sờ tay lên bằng tốt nghiệp để trong túi, cảm nhận được lớp bìa nhựa chắc chắn mới trả lời: "Không phải trong nhà máy đang tuyển người học nghề à? Đây là cơ hội hiếm có, mình đã báo danh rồi, chắc là có thể đậu. Đến trường rồi tốt nghiệp cũng chỉ vì công việc thôi. Thay vì bỏ thời gian đi học, giờ cơ hội này xuất hiện mình muốn nắm chắc."
Tôn Biền chỉ có thể mở miệng rồi lại đóng mà không biết nên nói gì. Đúng là đối với mọi người hiện nay, chuyện có công việc ổn định về sau thật sự còn quan trọng hơn học cấp ba. Huống hồ còn có nền tảng tiền lương cao, phúc lợi nhận được ở địa phương tốt.
Không chỉ hiện tại, mà dù cho tương lai về sau, Tôn Biền nhớ là sinh viên đại học tốt nghiệp xong không phải cũng cần đối mặt với vấn đề học tiếp hay tìm việc làm sao? Nếu có một công việc ổn định tốt thì Tôn Biền tin chắc sẽ có người từ bỏ học tiếp, hơn nữa không chỉ một hai người.
"Nhưng cậu không thấy tiếc à? Cũng đã đậu rồi. Được đi học đó, đáng tiếc lắm." Bao suy nghĩ rối ren trong lòng, nhưng cuối cùng Tôn Biền chỉ nói được mỗi câu này.
Từ Hải Vi nghe đoạn, nắm bím tóc to trước ngực hất về sau lưng, vừa cười vừa trả lời: "Mình học cũng không giỏi được như cậu, trình độ của trường phổ thông trên trấn như thế nào chắc cậu cũng biết. Số học sinh thi đại học còn chưa tới 10%. Với kiểu thành tích này của mình á, muốn nằm trong số ít đó vẫn quá khó khăn. Chi bằng hiện tại thừa dịp vào nhà máy luôn."
Lý do này rất thực tế, càng khiến Tôn Biền không thể phản bác gì thêm.
"Vẻ mặt cậu là sao? Mình phải đi làm cậu không vui cho mình à?"
Lúc nói lời này Từ Hải Vi xoay đầu về phía nhà máy điện, Tôn Biền trông theo tầm mắt của cô ấy, đúng lúc thấy đoàn xe lửa màu xanh đang vận chuyển vật liệu cho nhà máy điện, chạy dọc theo đường ray lái thẳng vào trong khu xưởng. Sau khi dừng trạm, một nhóm công nhân nhà máy mặc đồng phục mới bắt đầu giúp dỡ hàng xuống xe.
Trông bọn họ hăng hái vô cùng khí thế, Từ Hải Vi nhìn không khỏi nở nụ cười, đôi mắt cong lên như vầng trăng khuyết hướng về nơi đó, chứa đựng cả kỳ vọng vào tương lai. Xem ra so với sân trường thì nơi ấy mới là chỗ cô bạn muốn đến nhất.
Tôn Biền khao khát những tháng ngày đại học, còn Từ Hải Vi lại mong chờ cuộc sống ở trong nhà máy ngoài đường cái. Thấy bộ dạng bạn thân như thế, Tôn Biền cũng chợt cười, kéo tay Từ Hải Vi quay người đi về, vừa đi vừa bảo: "Cậu nói đúng, mình nên mừng cho cậu. Đã thế thì nhất định phải chúc mừng nè, cách ăn mừng chính là... thêm một chai nước ngọt nữa."
Từ Hải Vi hơi ngạc nhiên rồi lập tức cười lớn: "Sao bảo ăn mừng mình mà, mình thấy có cậu muốn uống thêm thì có."
"Ha ha, đã biết rồi còn không nhanh lên, giờ tụi mình uống sạch ngay tại cửa hàng luôn là được, đỡ phần tiền cọc nữa."
Hai cô bé tay nắm tay chạy trên con đường trải nhựa, lưu lại ven đường từng tràng cười trong trẻo tựa tiếng chuông đồng.
Đến chiều, hai anh em nhà họ Tôn lần lượt về nhà, Tôn Biền đưa bằng tốt nghiệp giao cho anh cả, sau đó nhìn đồng hồ rồi đi vào nhà bếp. Mẹ bảo tối ăn cải trắng hầm đậu hũ, chắc là tan tầm bà sẽ mang đậu hũ về nhà nên cô phải chuẩn bị cải trắng xong trước.
Chạng vạng bố mẹ Tôn tuần tự tan làm, trong cà mèn trên tay mẹ quả thật có đựng một khối đậu hũ trắng nõn nà. Đưa đậu hũ cho con gái, mẹ Tôn về phòng thay đồ trước. Khi đang vào bếp chuẩn bị đeo tạp dề, bọc cổ tay làm bữa tối thì đột nhiên cô nghe thấy tiếng gào khóc từ dưới lầu.
Đương còn giữa hè, nhà ai cũng không đóng cửa. Tấm lưới và cửa nhà cô dùng đều do các cậu tự tay làm, không chỉ hữu dụng mà còn có kiểu dáng xinh đẹp. Mấy loại cửa lưới thủ công bằng gỗ này rất được người lớn ở nhà máy điện yêu thích. Thấy đồ nhà Tôn Biền rồi thì không chỉ có một nhà tới nhờ làm mối giúp bọn họ đặt hàng thôi đâu.
Giờ nhà nhà đang mở rộng cửa, hễ gia đình nào có chút biến động thôi là hàng xóm trên dưới, trái phải biết được ngay.
"Nghe tiếng hình như là Bé Chị nhà bác Vương dưới tầng, sao vậy nhỉ?" Tôn Biền ngồi gần cửa chính nhất, vô thức buột miệng hỏi.
Cậu em, người lăn lộn chơi đùa cả ngày trong khu dân cư nhà máy mới sáp lại gần đáp: "Không phải nhà máy đang tuyển người à, nên bác Vương mới không muốn cho Bé Chị đi học, định để chị ấy thôi học rồi vào xưởng làm luôn."
"Gì? Không phải chứ, chị ấy là học sinh trung cấp đấy!"
Học sinh trung cấp của hiện tại không giống như đời sau, bởi thời đại này tốt nghiệp được phân công khoán(1), còn là thân phận cán bộ. Thế nên thậm chí thi vào trung cấp còn khó thi hơn so với phổ thông.
Những cái khác Tôn Biền không rõ, nhưng cô biết khóa tốt nghiệp năm nay chỉ có hai người đậu trung cấp. Mà thầy cô lại bảo họ thi tốt nữa kìa, năm rồi chẳng thấy bóng ai đâu. Giờ thật vất vả mới thi đậu phổ thông mà đột nhiên gia đình không cho học nữa, chẳng trách chị ấy lại khóc.
Tôn Ký nhún nhún vai, tỏ vẻ bất đắc dĩ hỏi ngược lại chị mình: "Bằng không thì làm sao bây giờ? Tình hình nhà bác Vương ra sao chị cũng biết, ban đầu không muốn cho Bé Chị đi học mà hy vọng đi làm luôn. Có điều hồi đó không có cơ hội, sau này bác Vương mượn tiền học phí trả góp, bất chấp để đi học. Cơ hội năm nay gia đình họ chắc chắn không thể bỏ lỡ, em nghe nói bác Vương đã giúp chị ấy báo danh bên quản lý xưởng xong luôn rồi."
Tôn Biền lại không biết nói gì thêm nữa. Khác với vợ chồng hai người đều là công nhân viên nhà cô, gia đình nhà Bé Chị chỉ có một người là viên chức. Bản thân bác Vương cũng chỉ là một công nhân bình thường của xưởng lò hơi công nghiệp. Mẹ cô ấy thì không biết chữ cũng như không có công việc, làm một bà nội trợ bình thường.
Ngoài ra, nhà bác Vương còn có mẹ già ở cùng, dưới Bé Chị là năm đứa bé em cu em. Cả gia đình 9 miệng ăn mà chỉ có mình bác kiếm được lương, có thể hiểu áp lực cuộc sống đè nặng đến mức nào. Do đó bố mẹ Bé Chị vẫn luôn mong mỏi con gái lớn có thể sớm đi làm, chia sẻ gánh nặng trong nhà và giúp đỡ các em.
"Đừng tùy tiện bàn luận chuyện nhà người ta."
Khi hai chị em đang xúm lại nói nhỏ với nhau thì chẳng biết bố Tôn Thúc Minh đã đến sau lưng họ lúc nào, đột ngột lên tiếng. Tôn Ký trước giờ nhìn bố như thấy khắc tinh, vội rụt đầu lại lén lút lượn thẳng về phòng mình. Tôn Biền thì lúng túng cười với bố, chạy chậm vào nhà bếp giúp mẹ một tay.
Bảo ban các con xong, tiếng khóc trong hành lang ngoài cửa vẫn không ngừng. Bố Tôn khẽ nhíu mày tỏ ý không bằng lòng, nhưng chuyện này người ngoài thật không thể nhúng tay. Cuối cùng bố Tôn khẽ thở dài, đóng cửa chính lại, ngăn cách tiếng khóc nức nở vọng lại bên ngoài.
Hết chương 6.
Chú thích:
(1) Phân công khoán: Học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trung cấp sẽ được quốc gia phụ trách, căn cứ theo kế hoạch thống nhất mà bố trí công việc. Hay nói cách khác, chỉ cần bạn thi đậu trường trung cấp trở lên là đã trở thành người của quốc gia, tốt nghiệp xong sẽ được xét thân phận cán bộ đất nước.
Lời tác giả:
Tôi có hỏi mẹ chuyện niên đại làm gì cũng phải có phiếu của bà rốt cuộc sinh hoạt bằng cách nào? Mẹ bảo rằng hồi đó gia đình nào cũng có lương thực, còn có các loại thực phẩm phụ nữa. Mọi người trưởng thành có hộ khẩu thành phố hằng tháng sẽ được khẩu phần lương thực quy định là 27 cân* rưỡi, đa phần đều là ngũ cốc thô**, tinh bột*** chỉ có 2 cân. Trẻ con từ khi ra đời cũng có lương thực quy định, cụ thể bao nhiêu thì mẹ không nhớ rõ, dù sao thì mỗi năm sẽ thêm 1 cân, cho đến khi được 27 cân rưỡi thì không tăng nữa.
*Ghi chú đơn vị Trung Quốc: 1 cân = ½ kg
**Ngũ cốc thô (lương thực phụ): Chủ yếu bao gồm các loại hạt chưa sơ chế như ngô, cao lương, yến mạch, kiều mạch và các loại đậu như đậu tương, đậu nành, đậu đỏ...
***Tinh bột (lương thực tinh): Là thành phẩm bột mì và gạo sau khi gia công.
Tiếp theo, mỗi người sẽ nhận được 1 cân trứng gà hằng tháng, 2 lạng dầu đậu nành, còn có cả đậu hũ, rau xanh, dầu muối tương dấm các kiểu đều thuộc thực phẩm phụ. Vì đã quá lâu rồi nên bà cũng không nhớ được rõ là bao nhiêu. Dù sao thì nhìn chung là nếu muốn cái gì cũng phải cầm phiếu và đến mua.
Đây chỉ là khẩu phần lương thực quy định cơ bản, nếu bạn có đi làm, đơn vị sẽ căn cứ theo các loại công việc khác nhau để tiến hành phụ cấp lương thực ngoài định mức. Ví dụ như mẹ tôi làm công nghiệp nhẹ, bố tôi cũng không phải lao động chân tay nặng gì, thế nên mỗi tháng đơn vị sẽ cho bọn họ thêm phiếu lương thực 4 cân. Mà mấy chỗ như công trường xây dựng với lao động chân tay nặng nhọc thì mỗi tháng bồi dưỡng thêm phiếu lương thực 8 cân, đều là ngũ cốc thô, còn thịt cá các kiểu thì chờ tới Tết mới có.
Đơn vị hoặc khu phố sẽ phát thẳng xuống, mọi người tự đi lĩnh, nhận được gì thì ăn cái đó, hoàn toàn không được lựa chọn. Cuộc sống như thế này mãi đến trung tuần thập niên 80 mới dần tốt hơn. Tối thiểu thì khi đó công xưởng cùng khu phố hằng tháng đều có phát phiếu thịt.
Mọi người đều đã từng ăn cơm rồi nhỉ, thử tưởng tượng dùng cái loại thức ăn không có miếng chất béo nào mà còn phải lao động nữa xem, rốt cuộc cơm dở đến mức độ nào. Dù sao thì bà cụ nhà tôi cũng bảo, thời còn trẻ một bữa ăn ba, bốn lạng thật sự không thể chịu được. Còn có mấy gia đình nhiều con, kiếm được tiền thì ít, cuộc sống sẽ đặc biệt khó khăn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top