Bỏ xuống thôi


Dậm chân đứng trước cửa hàng âu phục, Nguyễn Hựu lắc đầu cho mái tóc còn ẩm nước trượt xuống mặt.

Một người khác lạ, khoác lên mình chiếc áo vest màu kem, túi áo bên ngực có chiếc khăn được xếp thật phẳng. Mắt kính mới mua và, và anh đang đứng nhìn mình thật lâu.

Vậy là ở đây, Nguyễn Hựu còn ở cái thành phố đông đúc này thì còn lâu mới thành thật với bản thân mình được. Cuối cùng nhà ba mẹ anh cũng chẳng có thêm một tấm ảnh được treo ngay góc nhà, chẳng thêm một cành nhan, thêm một khuôn mặt cười buồn nhìn bọn họ mỗi khi rời khỏi nhà.

Bà nhăn nhó nhìn anh, khuôn mặt bà lâu ngày như cái vỏ hạt bà vẫn hay ăn, rồi chẳng nói gì đi vào nhà đưa cho anh hai cái sợi dây inox đã ghi vài con chữ, toàn là cùng họ.

Hựu cũng không nói nổi, nghĩ rằng mình phải đi thôi, đi như những người trước, để thấy có khi nào ở nơi mưa rơi hay đạn rơi còn chẳng phân biệt, anh sẽ tha thiết viết một bức thư gửi người trước mặt, cả chồng của người đó nữa, rằng anh muốn sống. Cho rằng mình có thể đi vì nhiều người có lý do ở lại, anh đưa tay cầm chắc hai sợi dây từ người đàn bà anh đã lâu không gọi tiếng mẹ.

Lúc đấy Hựu cũng không ngờ ngày anh gắp cổ áo thật gọn gàng, treo trên cánh cửa tủ bằng cái móc vững chãi nhất, cái quần kaki ủi phẳng gấp đôi đặt trên giường để đối diện cái áo, cạnh bên thêm chiếc dây nịch đen nhánh. Đăng ký tên mình nguệch ngoạc chỉ để nhìn chằm cái tờ giấy nhàu nhĩ vò nát, anh tưởng tượng ra nếu đó là mình bị đóng cọc lại bởi cái tên mực trên mặt giấy, cơ thể anh rồi sẽ đóng cọc với mặt đất. Có lẽ lúc đó tờ giấy vẫn còn giống tờ giấy, nhưng cơ thể anh thì không vì bom đạn đâu giống bàn tay, bóp rồi lại miết thẳng, Nguyễn Hựu tưởng tượng được chuyện cơ thể mình nát tan, chẳng biết đâu lần mò mặt mũi, rồi lại đứng lên duỗi thẳng cơ thể. Chiếc dây sắt đặt trên bàn nay có tận ba bảng tên chói lấp lánh lại ánh mặt trời đổ đỏ.

Nguyễn Hựu nói đi để tìm lý do để sống nhưng khi Minh Hạo đến thăm ngày cuối lại thấy đống đồ để dọn sẵn để đốt cho ba mẹ anh cả rồi. Hạo là đứa trẻ hoang, nhiếp ảnh gia đẹp trai hay nhà báo khốn nạn. Anh nhìn Hạo loay hoay trong nhà một cách ngượng ngạo, người với mái tóc bồng bềnh đi qua đi lại không ngừng tưởng chừng là kẻ ngoại cuộc nhất ở cái Sài Gòn này lại được đặt cho rất nhiều cái tên, mỗi cái tên một danh phận. Đến cả Nguyễn Hựu lúc chưa quen biết còn tưởng đó là ba con người khác nhau.

Anh chưa từng hỏi Hạo làm sao có thể cứ trôi theo nhịp sống mà lúc nào cười tươi như vậy, đôi mắt long lanh, chiếc nanh nhọn lấp ló tất cả đều vẹn toàn chẳng lấy một vết nứt. Hạo là một vệt màu sặc sỡ trong cuốn sách đến giờ vẫn chỉ toàn vết chì nham nhở tứ tung, lâu lâu còn có vụn ngòi chì gãy do đè quá mạnh rách vài trang giấy của cuộc đời Hựu. Anh mỉm cười nhẹ cảm thấy đời mình nhờ những cảnh như này mới thấy có chút gì đó vui nhộn.

"Này! Anh có đi chết đâu mà cậu làm như đang đi đuổi vong đuổi ma trong khi anh đang đứng đây."

Hạo chẳng nói chẳng rằng ra đập một cái chát lên mu bàn tay Hựu.

"Anh đừng có mà nói gở. Ăn nói như vậy, hay là anh đợi em mua gà luộc lên cúng anh rồi mới được lo?"

Hựu há hốc miệng cười rõ to mà không có tiếng nào phát ra, ruốt cuộc thì ai đang rủa ai đây.

Hạo lướt qua người anh, ngồi xuống chiếc bàn ăn mà đứng từ phòng ngủ vẫn có thể quan sát được, mở chiếc lồng bàn đỏ rực mà nhìn he hé là biết chẳng có thức ăn gì trên bàn; úp lên cho có lệ. Một hơi thở dài từ miền Nam vào Bắc vẫn có thể mang đến sự mệt mỏi. Minh Hạo ngao ngán nhìn người anh chỉ biết sống qua ngày của mình đứng như trời trồng trong bộ dạng không khác ăn mày gì mấy, chỉ có khuôn mặt sáng lạng cùng mái tóc hờ hẫng đang cố gắng cứu vớt chút hình tượng còn lại. Hạo sắp nói thì lại có tiếng chêm vào văng vẳng trên lòng ngực ai đó.

"Chắc người duy nhất anh sẽ rất nhớ là món trứng cà chua của cậu đó Hạo."

"Nói gì vậy cha nội? Trứng cà chua sao lại gọi là người."

"Cậu hiểu sao thì hiểu."

Hựu nhún vai vẻ mặt muốn đánh vẫn như ngày nào, tiếp tục công việc đang dở trước khi vị khách không mời này đến thăm.

Rồi ai cũng bắt tay vào việc của mình hì hục, mỗi người một phòng chạy tứ phía như người còn lại chẳng có mặt ở đây. Đến lúc ngẩng đầu lên thở thì ánh mặt trời cũng chẳng đợi ai nhìn mà đi mất, Hựu đưa cổ tay lên kim đồng hồ chạy bằng pin còn anh, đến lúc nạp cơm để còn chạy tiếp rồi.

"Ăn cơm."

Hạo lúc này tay vẫn đeo găng, tạp dề trước ngực đứng tựa bàn gác chân về một bênh.

"Mời ông Nguyễn Hựu xuống ăn cơm ạ."

Hựu líu rít hít hà bữa cơm nóng hổi dọn đầy bàn, nói một hai tiếng khen ngợi rồi lia lịa gắp đũa, nồi cơm vơi nửa. Người kế bên đã sớm để chén đũa xuống bàn, Hựu mới lắc đầu hát theo một bài hát đang phát vang dưới đường.

"Anh vui lắm hả?"

Vẫn còn cười, Hựu quay đầu liếc nhìn người quay lưng lại với mình cùng tiếng nước chảy róc rách.

"Ừ nên đừng có dạy đời anh nữa, anh nghe đủ rồi mà. Hôm nay vui một bữa đi ha."

Hựu biết cuối cùng Hạo cũng muốn níu kéo anh ở lại căn nhà này lâu thêm chút nữa dù chỉ còn vài tiếng là anh sẽ phải đi. Đi về những nơi chả biết đâu là đích đến.

"Em nói vì em là người bạn duy nhất của anh đó. Anh phải cảm thấy cảm động vì có người tốt bụng như em làm bạn. Nếu không muốn mất bạn... thì."

"Thì giờ mình đi cà phê Hân góc Đinh Tiên Hoàn không? Sẵn tiện kiếm cho cậu một anh bạn lãng mạn, cầu tiến, và không khùng như anh mày~"

Minh Hạo chẳng bận tâm mấy câu nói hết sức vớ vẩn ấy, cậu đứng lên đi vào phòng ngủ rồi tuỳ tiện lấy mất đi một bộ quần áo đắt đỏ mà chắc người chủ đây cũng sớm không cần nữa. Nói gì về cái thời, khi người tri thức như anh ta lại tự nguyện đi lính quả là kỳ dị, ngay cả việc chẳng có quen thói đi nói xấu người khác của Hựu đã là kỳ tích. Vì ở cái độ ấy, biết càng nhiều người ta càng thích đổ thừa, thành phố cứ quay mòng mòng chẳng có ý định chậm lại chờ người đi theo thì Hựu đây còn lâu mới lưu luyến ở lại, Hạo biết rõ đến tận kẽ chân cọng tóc lại càng chẳng nỡ để anh đi.

Hựu không quan tâm mấy việc khoá cửa nhà nữa, anh đi theo sau Hạo dùng chân kéo thật mạnh cho cửa đóng lại tạo nên một tiếng ầm, tôi được giải thoát rồi mọi người ơi, nói thật to ngang ngửa tiếng cửa đóng. Hai người dành nhau đi trên vỉa hè hoang vắng lúc có đèn đường lúc không, rất hồi hộp vì hai chuyện khác nhau cuối cùng cũng quy về cho nhau cả.

Hựu chọn góc rìa quán nơi chỉ còn vang vảng tiếng nhạc; cảm được chút riêng tư cách biệt, nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra được sức sống bừng lên cùng dáng vẻ mệt mỏi, u ám mỗi chiều tà đang lặng lờ chảy qua trên đường phía ngoài. Những song sắt đối diện đường bám đầy hoa giấy, hàng ngàn bông hoa rung lên mỗi khi có làn gió thổi, mờ mờ qua tầm nhìn đầy xe qua lại. Có lẽ Hựu lại thêm một lần nói dối bản thân sau nhiều lần như vậy, anh chắc rằng ở nơi chiến trường anh sẽ rất nhớ cái hàng hoa nở rợp như vậy chứ không chỉ có món ăn ngon mà Hạo vẫn làm. Từ lúc nãy, Hạo đã phải chào nói đón tiếp từ người này đến người khác, anh chỉ ngồi quan sát giết thời gian. Quả thật hai con người như nam châm đối nhau nhưng lại bị dính vào một đầu nhờ mốt nhân duyên kì lạ nào đó.

Cũng đã rất lâu từ cái ngày anh thấy một mình thứ hai khi bắt gặp dáng vẻ cuối đầu nhiều mà nói ít của Hạo, cái cuối đầu ấy chỉ xuất hiện lúc nửa ngày đầu khi gần đến tối thì đổi thành cái miệng nói cười không ngớt. Đã có rất nhiều người trẻ như anh và Hạo, mong rằng mình dang cánh đủ rộng để bay bằng được ở nơi người ta tung hô là phồn vinh nhất Châu Á, vì ở đây cơ hội còn chẳng phụ thuộc vào may mắn hay gia thế, người ta cứ đến đây rồi cái nôi này sẽ nâng niu giúp đỡ họ. Anh biết rõ như thế và cũng sớm biết đôi cánh của mình bao lâu qua trơ trụi không bay đi đâu, chỉ là mọi người xung quanh đã sớm đứng trên đỉnh, nơi tứ phía là mây trời nên anh cho rằng họ còn đang nghĩ anh vẫn bay cùng họ.

Hạo trở về ghế khi rã rời tay chân, khuấy nhẹ li cà phê đã chốc chẳng còn hơi bốc lên. Hai người họ cho nhau một khoảng lặng mà ai cũng biết là người còn lại cần lấy. Tiếng máy ảnh lách cách hoà vào âm thanh đồng điệu của đám người ai ai cũng thời thượng, làm dáng, Hựu cũng quen với nhịp máy ảnh đó âm thanh đó. Thói quen khó bỏ và nghề tay trái của trái của Minh Hạo chính là chụp ảnh người cậu cho là đẹp trai và Nguyễn Hựu cũng đã từng ước mình nằm ngoài cái danh sách đó.

"Em đừng chụp nữa, mòn hết vẻ đẹp của anh bây giờ."

Tiếng tặc lữi.

Vẻ đẹp của Hựu với cậu chắc là quan trọng lắm, lớn lắm; nhìn cái cách cậu nhìn người khác; trông cái vẻ người ta thể hiện là biết ngay. Dù có lẽ cả thời sự, kinh tế tài chánh, văn chương, triết học đều tụ lại đây, cũng chẳng bao giờ bằng một góc anh, cậu tin chắc là thế. Vì vẻ ngoài như vậy cực kỳ xa lạ với dân đạo cà phê tri thức. Hựu khác họ nên có lẽ cũng không biết rằng anh hết sức đáng nhớ với nhiều người, cho dù anh ngồi cà phê như một ông già đeo kính nào đó bước ra câu chuyện của văn hào người Nga Anton Chekov.

"Em không uống thêm cà phê đâu, kêu trà đi."

Bỏ chiếc máy ảnh xuống, khi nhìn bằng lăng kính đã đủ thì cũng nên cảm nhận bằng mắt người một chút. Hựu trong mắt cậu tiều tuỵ, nhưng tiều tuỵ khác so với nãy rất nhiều, Hựu lúc này không băng khoăn không giông bão mà như mặt hồ chẳng hề vui vẻ. Lớp áo vest màu xanh trầm đã rộn rã điểm lên tông da anh thêm cả một màu đỏ ửng nơi khoé môi và vành mắt. Khuôn mặt, dáng vẻ tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc vô tư nhởn nhơ bị thay đi, cả chiếc mắt kính cận đắt đỏ cũng không che đi được con mắt đầy hoài nghi đó.

Tuổi trẻ Sài Gòn lớn lên và tự già đi trong chiến tranh, Hựu cũng vậy.

Những "lưu bút ngày xanh" trong anh đành gấp lại, những mơ mộng hoa bướm tự thành lỗi nhịp, vô duyên mất rồi. Điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên và nhiều điếu khác nữa; ly cà phê đắng được nhấp vào và quán cà phê trở thành nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm, để nói biệt li khi ta chẳng còn khát sống.

Câu nói của Hạo bị bỏ ngỏ.

Nguyễn Hựu không còn ở thành phố nữa, cậu đã thường đứng lại rất lâu, nhìn vào chốn xưa và tự hỏi: Những người đã có thời ngồi đây mơ ước và hy vọng giờ đâu cả rồi?

Nguyễn Hựu giờ mờ mịt phương nào?

Anh đã sống với Sài Gòn cho đến ngày cuối cùng. Sài Gòn lừng lẫy nay đổ bể. Những con người cũ tứ tán muôn phương.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top