Cuộc đời của Pi

Yann Martel sinh ở Tây Ban Nha nhưng hiện đang sống tại Montréal, Canada. Ông đã nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Bản ngã và tuyển tập truyện ngắn nhan đề Những sự kiện có thật đàng sau vụ Roccamatios Helsinki. Cuộc đời của Pi là cuốn sách thứ ba của ông, được tặng Giải thưởng Man Booker năm 2002.

Man Booker là giải thưởng văn học lớn trên thế giới đã có từ ba mươi lăm năm nay. Giải được bình chọn hàng năm, và chỉ dành cho các tác giả viết tiểu thuyết là công dân của khối liên hiệp Anh và Cộng hoà Ái Nhĩ Lan. Ban giám khảo gồm các nhà phê bình, nhà văn và các nhà nghiên cứu có uy tín nhất của vương quốc Anh. Giải thưởng này có ảnh hưởng lớn đến nỗi nó làm biến đổi số phận của cả tác giả và nhà xuất bản nào đã in ra tác phẩm được giải. Ngoài số tiền năm mươi ngàn bảng Anh tặng cho tác giả, cuốn Cuộc đời của Pi đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên khắp thế giới. Nhà xuất bản của năm 2002

--------------------------------------------

Dịch giả: Trịnh Lữ

Cuốn sách này được Yann Martel viết vào năm 1996 và được tặng giải thưởng Booker 2002. Nhà Xuất bản Văn Học đã đưa cuốn "Cuộc đời của Pi - Yann Martel" đến với đọc giả Việt Nam.

"Cuốn sách là một câu chuyện hiện thực sống động về sự sống sót giữa biển khơi. Một mặt là chuyện thám hiểm, một minh chứng về việc hoàn cảnh cùng quẫn làm thay đổi con người như thế nào. Mặt khác là sự suy ngẫm sâu xa về vai trò của tôn giáo trong đời sống, về bản chất của động vật, thiên nhiên và con người. Ngôn ngữ của ông sống động và ấn tượng. Trí tưởng tượng rộng lớn, khả năng thuyết phục gần như không giới hạn. Yann Martel sẽ trở thành một trong những nhà văn Canada vĩ đại nhất" (The Hamilton Spectator).

-------------------------------------------

Lời người dịch

Lúc đầu tôi đã định không nhận dịch cuốn sách này. Tôi hay nghi ngờ các giải thưởng văn học và nhất là danh sách các cuốn sách bán chạy nhất. Nhưng càng dịch, tôi càng thấy mình đã lầm. Bây giờ tôi thấy biết ơn những người đã cố ép tôi làm việc đó. Tôi xin cám ơn những người xuất bản cuốn sách đã tin tưởng ở tôi.

Lê Qúy Đôn viết: " Đọc sách mà tìm được một ý hay, ví dụ như có được một thuyền hạt ngọc."

Tôi đọc Cuộc đời của Pi, có được rất nhiều thuyền hạt ngọc như thế, những hạt ngọc không biến được cho ai nhưng chính vì vậy mà không bao giờ lo mất, cứ tỏa sáng mãi trong lòng. Cuộc đời của Pi là ngụ ngôn hậu hiện đại chăng? Tôi không dám nói liều. Như tác giả đã viết qua lời một nhân vật, câu chuyện này sẽ khiến cho ta tin vào Thượng Đế. Dịch xong cuốn sách, tôi nhận ra một điều: Thượng Đế ở đây chính là con người biết sống theo lẽ yêu thương và có quyền sáng tạo theo trí tưởng tượng. Giờ đây, khi cả thế giới đang biến thành một cái siêu thị và đạo đức ngày càng lệ thuộc vào qui luật tài chính và thương mại, thông điệp ấy của tác giả càng nên được truyền bá rộng rãi.

Mặc dù đã cố gắng, tôi biết bản dịch thế nào cũng có sai sót, nhất là những chi tiết liên quan đến khoa động vật học. Rất mong được độc giả chỉ giáo. Dù sao, tôi tin rằng cuộc đời của Pi không phải là vì thế mà mất đi các thuyền ngọc trong nguyên bản của nó. Những thuyền ngọc ấy, tôi nghĩ, vẫn được giấu nguyên vẹn giữa những dòng chữ của bản tiếng Việt.

Tôi đã rất thích thú và vỡ nhẽ được nhiều điều ở đời cũng như trong văn chương khi dịch Cuộc đời của Pi. Mong rằng qúi độc giả cũng sẽ thấy thế khi đọc nó.

Trịnh Lữ

-------------------------------------------------

GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ

Cuốn sách này ra đời khi tôi đói. Số là, mùa xuân năm 1996, cuốn thứ hai của tôi, một cuốn tiểu thuyết ra mắt bạn đọc ở Canada. Nó chẳng đi đến đâu. Đám điểm sách lúng túng, hoặc kết án tử hình nó bằng những lời khen nhạt nhẽo. Độc giả phớt lờ nó. Tôi giở hết các ngón nghề và nhào lộn trong rạp xiếc truyền thông đại chúng, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Cuốn sách không nhúc nhích được tí nào. Sách xếp trên kệ trong cửa hàng như bọn trẻ đứng chờ để được chơi bóng chày hoặc bóng đá, và cuốn sách của tôi là thằng nhóc oặt oẹo và không ai muốn lấy vào đội của mình. Nó im lìm và nhanh chóng biến mất.

Thất bại ấy cũng không làm tôi nao núng nhiều lắm. Tôi lại bắt tay vào viết một cuốn khác, một tiểu thuyết có khung cảnh tại Bồ Đào Nha thời 1939. Chỉ có điều, trong bụng cứ bứt rứt không yên. Vả lại vẫn còn ít tiền.

Thế là tôi đi Bombay. Việc đó cũng không phi lý lắm nếu độc giả hiểu được ba điều: thứ nhất bất cứ sinh linh nào nếu muốn hết bồn chồn thì cứ đến Ấn Độ và làm một việc gì đó trong một thời gian nhất định, thứ hai: ở đó có thể sống dài dài với một món tiền ít ỏi; và thứ ba là một tiếu thuyết có khung cảnh Bồ Đào Nha thời 1939 chưa chắc đã phải dính dáng gì đên Bồ Đào Nha thời 1939.

Trước đó tôi đã từng ở Ấn Độ, miền Bắc, năm tháng trời. Tôi hoàn toàn không có chuẩn bị gì cho chuyến đi đầu tiên ấy đến tiểu lục địa. Thực ra, tôi được chuẩn bị có một chữ thôi. Khi tôi hàn huyên về các dự định cho chuyến đi với một người bạn biết nhiều về xứ sở ấy, anh ta thủng thẳng nói, "Ở Ấn Độ người ta nói một thứ tiếng Anh quấy lắm. Họ thích những từ chẳng hạn như là bamboozle." Tôi nhớ đến câu nói ấy của anh ta khi máy bay bắt đầu giảm độ cao để hạ cánh xuống Dehli, và từ bamboozle trở thành sự chuẩn bị duy nhất của tôi cho cái thế giới điên rồ, ầm ĩ, muôn mặt nhưng vẫn đâu ra đấy của Ấn Độ. Tôi đã có dịp dùng đến cái từ ấy, và nói thực tình, nói cũng đắc lực. Tôi bảo một thầy ký ga xe lửa: "Chẳng nhẽ giá vé đắt đến thế kia à. Thầy không định bamboozle tôi đấy chứ? Thầy ký mỉm cười, nói như hát, "Không đâu thưa ngài! Không có bam-bu-zư bam-bu-ziếc gì ở đây cả. Chúng tôi nói đúng giá vé đấy ạ."

Lần thứ hai đi Ấn Độ, tôi biết điều hơn về những gì có thể xảy ra và biết mình muốn gì: tôi sẽ yên vị ở một đồn điền trung du và viết cuốn tiểu thuyết của mình. Tôi mường tượng rõ ràng mình đang ngồi ở bàn trong một hàng hiên rộng, giấy tờ ghi chép ngổn ngang, bên cạnh một tách trà nghi ngút. Những triền đồi xanh mướt dày đặc sương mù trải dài dưới chân, và tiếng kêu lảnh lót của các bầy khỉ sẽ lấp đầy màng nhĩ tôi. Khí hậu sẽ vừa vặn làm sao, chỉ cần một áo len mỏng nhẹ vào buổi sớm mai và chiều tà, còn cả ngày có thể mặc một cái gì đó ngắn tay. Và trong cảnh đó, bút trong tay, vì một chân lý lớn lao hơn, tôi sẽ biến Bồ Đào Nha thành một tác phẩm hư cấu. Tiểu thuyết là như vậy, là việc biến đổi hiện thực một cách có chọn lọc, đúng không nào? Là việc vặn vẹo hiện thực để vắt lấy cái cốt lõi của nó, đúng không nào? Vậy nên tôi có cần gì phải đi Bồ Đào Nha đúng chưa nào?

Bà chủ đồn điền sẽ kể tôi nghe những câu chuyện về cuộc đấu tranh đánh đuổi người Anh. Chúng tôi sẽ chọn món cho bữa trưa và bữa tối ngày hôm sau của tôi. Sau mỗi ngày viết, tôi sẽ đi dạo trên các đồi chè thoải dài lên xuống của đồn điền.

Chẳng may cho tôi, cuốn tiểu thuyết ấy cứ ngắc nga ngắc ngứ, ho lên ho xuống, rồi chết hẳn. Lúc đó tôi đang ở Matheran, không xa Bombay là mấy, một trang trại ở trung du, cũng có vài chú khỉ nhưng không có vườn chè nào. Đối với các văn sĩ chưa thành danh, tình cảnh ấy thật sự khốn khổ. Bạn có chủ đề tốt, câu chữ cũng chẳng kém gì. Các nhân vật bạn dựng lên thật sống động đến mức muốn đi xin giấy khai sinh cho chúng. Diễn biến tình tiết của câu chuyện bạn đã vạch ra hết cả, thật lớn lao, giản dị, và hấp dẫn. Bạn đã nghiên cứu hẳn hòi đâu ra đấy, thu thập đủ cả các dữ liệu lịch sử, xã hội, khí hậu, ẩm thực, những thứ sẽ khiến cho câu chuyện có giá trị đích thực. Những đoạn đối thoại cứ nối nhau thật tự nhiên, lấp lánh, căng thẳng. Những đoạn miêu tả bùng lên đầy màu sắc, tương phản và các chi tiết sắc sảo đầy ý nghĩa. Thực sự là câu chuyện viết ra như vậy chỉ có thể hay mà thôi. Thế mà tất cả những cái đó chẳng hợp thành một cái gì cả. Mặc cho những hứa hẹn sáng lạn và hiển nhiên của câu chuyện, sẽ đến lúc bạn chợt nhận ra những lời thì thầm vẫn luôn thôi thúc bạn viết nó ra bấy lâu nay lại rót vào tai bạn một sự thật rõ ràng và khủng khiếp, rằng câu chuyện hỏng rồi. Nó thiếu một thứ, cái tia lửa có khả năng thổi sự sống vào một câu chuyện, bất kể là các dữ liệu lịch sự hoặc ẩm thực của bạn đúng hay là sai. Câu chuyện của bạn thế là chết hẳn về mặt tình cảm rồi, đó là mấu chốt của vấn đề. Nhận ra sự thật này cũng giống như bị rơi vào một thảm hoạ tàn hại linh hồn, tôi phải nói với bạn như vậy. Khi tỉnh lại, mình phải sống với cảm giác luôn luôn bị đó, đến thắt ruột thắt gan.

Từ Matheran, tôi nhét hết các giấy tờ bản thảo của cuốn tiểu thuyết không thành ấy vào phong bì. Tôi gửi chúng đến một địa chỉ hư cấu ở Siberia, với một địa chỉ người gửi cũng hư cấu và quẳng cái phong bì vào thùng chọn thư, tôi ngồi phịch xuống ngay đó, chán nản hết sức. "Sẽ ra sao đây hở Tolstoy?", tôi tự hỏi, "Mày còn có ý tưởng hay ho nào khác cho cuộc đời của mày không?"

Gì thì gì, vẫn còn một ít tiền và vẫn cảm thấy bứt rứt không yên, tôi đứng dậy, bước ra khỏi nhà bưu điện và quyết định đi thám hiểm miền Nam Ấn Độ.

Với những người hỏi tôi làm nghề gì, tôi đã muốn trả lời: "Tôi là đốc-tờ". Trong tâm trí tôi lúc ấy, bác sĩ là những người phân phát pháp thuật và phép lạ. Nhưng tôi lại tin rằng chỉ qua khỏi chỗ quành trước mặt kia là chiếc xe buýt sẽ gặp tai nạn, và rồi giữa tiếng kêu la rên rỉ của nạn nhân và các cặp mắt sẽ dán chặt vào tôi kêu cứu, tôi sẽ lại phải giải thích rằng danh vị đốc tờ của tôi không phải là bác sĩ y khoa mà là tiến sĩ luật; thế rồi, khi họ xúm vào đề nghị tôi giúp họ kiện chính phủ về vụ tai nạn, tôi sẽ lại phải phân trần rằng bằng cấp của tôi thực sự chỉ là cử nhân triết học mà thôi; tiếp đó, họ sẽ gào thét đòi biết cái tai nạn đẫm máu ấy thực sự có ý nghĩa gì không, và tôi sẽ phải thú nhận rằng tôi chưa hề đọc đến Kierkegaard; vân vân và vân vân. Thế là tôi đành thui thủi với danh phận nhà văn, một sự thật tím bầm và tuổi hổ.

Trên đường, chỗ này chỗ kia, cũng có người đối đáp lại cái danh phận nhà văn ấy. Họ bảo: "Một nhà văn ư? Thật chứ? Tôi có một câu chuyện cho ông đây." Hầu hết những câu chuyện đó chỉ nhỉnh hơn những mẩu giai thoại chút xíu, đều hụt hơi, thiếu sức sống.

Tôi đến thị trấn Pondicherry, một khu tự trị nhỏ xíu trong Liên hiệp Anh về phía nam Madras, ngay trên bờ biển Tamil Nadu. Về dân số và diện tích, Pondicherry là một phần đất không có nghĩa lí gì của Ấn Độ (so về diện tích thì đảo Price Edward là một lãnh thổ khổng lồ của Canada), nhưng lịch sử đã khiến cho nó nổi bật. Bởi lẽ Pondicherry đã từng là thủ phủ của lãnh thổ Ấn Độ thuộc Pháp, cho dù lãnh thổ này chỉ là một bộ phận khiêm tốn nhất trong các vương quốc thuộc địa ngày xưa. Người Pháp chắc hẳn đã rất muốn cạnh tranh với người Anh, muốn lắm, nhưng cái lãnh thổ mà họ trầy trật mãi mới chiếm lĩnh được chỉ bao gồm một nhúm các hải cảng nho nhỏ. Họ bám vào những hải cảng này trong gần ba trăm năm. Họ rời Pondicherry năm 1954, bỏ lại đó những toà nhà trắng xinh xắn, những đường phố rộng chạy vuông góc với nhau, những tên phố như rue de la Marinne, và Saint Louis, và danh từ kepis, chỉ loại mũ lưỡi trai của cảnh sát.

Tôi ngồi trong quán cà phê có tên Indian Coffee House, phố Nehru. Một gian phòng rộng, tường màu xanh lá cây, trần cao. Quạt trần chạy vù vù trên đầu để lưu thông bầu không khí ẩm ướt. Quán kê chật hết chỗ các bàn hình vuông giống hệt nhau, mỗi bàn bốn ghế. Bạn ngồi được chỗ nào thì ngồi, chung bàn với người nào thì chịu người ấy. Cà phê thì ngon, lại có bán cả bánh mì nướng giòn. Rất dễ bắt chuyện. Và thế là, một ông già quắc thước mắt sáng với những lọn tóc trắng phau đang nói chuyện với tôi. Tôi khẳng định với ông ta rằng Canada đúng là lạnh, rằng có những vùng đúng là nói tiếng Pháp, và rằng tôi đúng là thích Ấn Độ, vân vân và vân vân - một thứ trò chuyện nhẹ nhàng thường thấy giữa những người bản xứ tò mò hiếu khách với dân "balô" ngoại quốc. Nghe tôi nói là nhà văn, ông già tròn mắt, gật đầu. Đến lúc phải đi rồi. Tôi giơ tay, cố vẫy ra hiệu cho người hầu bàn đem hóa đơn ra tính tiền.

Rồi ông già bảo: "Tôi có một câu chuyện sẽ khiến anh tin vào Thượng đế."

Tôi không vẫy tay nữa. Nhưng vẫn nghi ngại. Biết đâu lại là dòng Thánh Chứng(1) đang gõ cửa? Tôi hỏi: "Chuyện của cụ xảy ra hai nghìn năm trước ở một nơi hẻo lánh trong Vương quốc La Mã phải không ạ?"

"Không."

"Biết đâu ông lão lại là người rao giảng đạo Hồi. "Thế có xảy ra tại Arập vào thế kỷ thứ VII không ạ?"

"Không, không. Câu chuyện bắt đầu ngay ở Pondicherry này mới vài năm trước đây, và kết thúc, tôi xin nói để ông hay, ở ngay chính quê hương của ông."

"Và nó sẽ khiến cho tôi tin vào Thượng đế?"

"Đúng như vậy."

"Thế thì cao cấp quá."

"Không cao đến nỗi ông không với tới được."

Người hầu bàn đã đến. Tôi do dự một giây, rồi gọi tiếp hai tách cà phê. Chúng tôi bắt đầu tự giới thiệu làm quen nhau. Tên ông lão là Francis Adirubasamy. Tôi nói. "Nào, cụ làm ơn kể câu chuyện đó đi."

"Anh phải thật chú ý nghe mới được," ông lão trả lời.

"Vâng." Tôi lấy bút và sổ ghi chép.

"Vậy, anh đã đến thăm vườn bách thảo ở đây chưa?" Ông lão hỏi.

"Tôi vừa mới tới đó hôm qua."

"Anh có thấy cái đường tầu hỏa giải trí ở đó không?"

"Dạ có."

"Hiện vẫn còn một tàu chạy vào ngày Chủ nhật cho trẻ con đi chơi. Nhưng trước đây ngày nào cũng có tàu chạy, mỗi giờ hai chuyến. Anh có để ý tên gọi của các trạm đỗ tàu không?"

"Có một trạm gọi là Roseville. Ngay cạnh chỗ vườn hồng."

"Đúng rồi. Thế còn trạm kia."

"Tôi không nhớ."

"Họ bỏ cái biển tên đi rồi. Trạm đỗ kia ngày trước gọi là Zootown. Đường tầu ấy có hai trạm đỗ: Roseville và Zootown. Ngày xưa có một vườn thú trong khu vườn bách thảo Pondicherry."

Ông lão kể. Tôi ghi chép các yếu tố của câu chuyện. "Anh phải nói chuyện với cậu ấy," ông lão bảo tôi, về nhân vật chính. "Tôi biết cậu ấy. Bây giờ đã là người lớn rồi. Anh phải hỏi chuyện cậu ấy, với tất cả các thắc mắc của anh."

Sau đó, ở Toronto, trong số chín cột liệt kê các chủ hộ mang họ Patel trong danh bạ điện thoại, tôi đã tìm ra người ấy, nhân vật chính của câu chuyện. Tim tôi đập thình thịch khi quay số phone của anh ta. Giọng trả lời rất Canada, nhưng vẫn nghe được âm sắc Ấn Độ, nhẹ thôi nhưng không thể lẫn vào đâu được, như một thoáng hương nhang trong không khí. "Chuyện đã lâu lắm rồi," anh nói. Nhưng rồi anh vẫn đồng ý gặp. Chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần. Anh cho tôi xem cuốn nhật ký anh viết trong thời gian xảy ra các sự kiện của câu chuyện. Anh cho tôi xem cả những mẩu tin, bài cắt trên báo đã có lúc khiến anh nổi tiếng, cho dù ngắn ngủi và mờ nhạt. Anh kể câu chuyện của mình cho tôi nghe. Còn tôi thì ghi chép. Gần một năm sau, khó khăn mãi tôi mới nhận đựơc một cuốn băng ghi âm và một bản tường trình của Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản. Chính khi lắng nghe cuốn băng ghi âm đó tôi thấy đồng ý với ông lão Adirubasamy rằng quả thực đây là câu chuyện sẽ khiến cho bạn đọc phải tin vào Thượng đế.

Lẽ tự nhiên là câu chuyện của ông Patel phải được kể lại chủ yếu là theo ngôi thứ nhất - tức là bằng chính lời kể của ông và theo con mắt nhìn nhận của ông. Còn mọi thứ sai lệch hoặc nhầm lẫn sẽ hoàn toàn là lỗi ở tôi.

Tôi phải mang ơn nhiều người trong việc này. Rõ ràng là tôi phải cảm ơn ông Patel đầu tiên. Lòng biết ơn của tôi đối với ông mênh mang như Thái Bình Dương và tôi hy vọng rằng việc tôi kể lại câu chuyện của ông sẽ không làm ông thất vọng. Tôi cũng cảm ơn cụ Adirubasamy đã dắt tôi và câu chuyện này. Còn để giúp cho tôi hoàn thành được câu chuyện, tôi phải cảm ơn ba vị quan chức có phẩm chất chuyên nghiệp mẫu mực. Đó là các ông Kazuhiko Oda, từng làm đại sứ quán Nhật ở Ottawa; ông Hiroshi Watanabe của công ty tầu biển Oika; và đặc biệt là ông Tomohiro Okamoto, thuộc Bộ giao thông vận tải Nhật Bản, giờ đã nghỉ hưu. Còn về cái tia lửa thổi được sự sống vào cuốn tiểu thuyết, tôi xin mắc nợ ông Moacyr Scliar(2). Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đến với cơ quan vĩ đại, tức là Hội đồng bảo trợ nghệ thuật Canada, vì nếu không có món tiền trợ cấp của Hội Đồng, tôi đã không thể chắp nối được câu chuyện này, vốn chẳng dính dáng gì đến Bồ Đào Nha thời 1939. Nếu chúng ta, những công dân, không hỗ trợ các nghệ sỹ, thì chúng ta sẽ giết trí tưởng tượng của mình làm vật hiến tế cho hiện thực thô thiển để rồi chỉ biết qua ngày đoạn tháng, không biết tin vào cái gì, với rặt những giấc mơ vô giá trị.

Ghi chú:

(1) Thánh chứng: Tạm dịch chữ Jehova’s Witness, tên một dòng đạo Thiên Chúa, chuyên tâm phổ biến tín ngưỡng này dựa trên các câu chuyện chứng minh sự hiện hữu có chứng kiến của Chúa Jesus. (ND)

(2) Nhà văn Brazin đương đại, sống và làm việc ờ Porto Alegre, thủ phủ tiểu bang Rio Grande do Sul, miền nam Brazil. Đã xuất bản hơn năm mươi tác phẩm, trong đó có những tiểu thuyết nồi tiếng như Đội quân một người, Con Nhân ngưu trong vườn nhà, Bài ca của Đấng Cứu thế giả hiệu, Vũ hội của các loài thú vật… Xuất thân trong một dòng họ Do Thái – Nga di cư sang Brazil từ cuối thế kỷ trước, từ những năm 1960, ông vừa hành nghề bác sĩ vừa viết tiểu thuyết và là đại biểu xuất sắc của dòng văn học Do Thái – Brazil hiện nay. (ND)

Phần 1 - Chương 1

Toronto và Pondicherry

Dần dần, công việc học hành chữ nghĩa và tu tập tín ngưỡng đều đặn cũng khiến tôi vui sống trở lại. Tôi vẫn duy trì cái mà nhiều người có thể coi là những hành vi tín ngưỡng kỳ lạ. Tôi học chương trình phổ thông trung học trong một năm, rồi vào đại học tổng hợp Toronto, lấy hai ngành chính trong chương trình cử nhân, là nghiên cứu tôn giáo và động vật học. Luận văn năm thứ tư về tôn giáo của tôi đề cập đến một số phương diện của lý thuyết vũ trụ tiến hoá của Issac Luria, một tín đồ Kabbalist (1) vĩ đại hồi thế kỉ 16 ở Safed. Luận văn động vật học của tôi là một nghiên cứu phân tích chức năng tuyến nước bọt của loài culi ba móng. Tôi chọn loài cu li bởi tính cách khiêm nhường của nó - bình thản, im lặng và hướng nội - hình như đã có tác dụng an ủi phần nào mảnh hồn tan nát của tôi.

Có loài cu li hai móng và có loài culi ba móng , phân biệt theo chân trước của chúng, vì chân sau của tất cả culi đều có ba móng. Tôi có một may mắn lớn là được nghiên cứu loài culi ba móng ngay tại môi sinh tự nhiên của chúng ở rừng rậm nhiệt đới Brazil trong một kỳ hè. Con vật này quả thật là một sinh linh kỳ bí. Thói quen thật sự duy nhất của nó là thói vô vi. Nó ngủ hoặc nghĩ ngơi trung bình hai mươi tiếng một ngày. Độ nghiên cứu của chúng tôi đã thí nghiệm theo dõi nếp ngủ của năm con culi ba móng bằng cách đặt lên đầu chúng, sau khi chúng đã thiếp đi vào lúc chiều tà, những cái đĩa nhựa màu đỏ tươi đựng đầy nước. Đến sáng hôm sau, những cái đĩa này vẫn y nguyên, đầy nước và đầy các loại côn trùng vùng vẫy trong đó. Con culi chỉ bận rộn vào lúc mặt trời đang lặn, với nghiã thoải mái nhất của từ bận rộn. Nó bò dọc cành cây trong tư thế lộn ngược điển hình với tốc độ khoảng bốn trăm mét một giờ. Dưới mặt đất, nó bò từ cây này sang cây kia với tốc độ hai trăm hai mươi mét một giờ nếu có lý do chính đáng, bốn trăm bốn muơi lần chậm hơn tốc độ duy chuyển có lý do của loài báo cheetah. Còn nếu không có lý do gì, mỗi giờ chúng chỉ di chuyển được khoảng bốn đến năm mét.

Con culi ba móng không biết gì mấy đến thế giới chung quanh nó. Có thang điểm từ hai đến mười, hai là mức độ lờ mờ bất thường và mười là mức linh hoạt cực điểm, tác giả Beebe (1926) đã đánh giá giác quan của lưỡi, da, mắt và tai của loài culi ở mức hai, còn mũi thì ở mức ba. Nếu ta gặp một con culi đang ngủ trong rừng, ta chọc hoặc lay nó hai ba cái, nó sẽ tỉnh dậy, và cặp mắt ngái ngủ của nó sẽ nhìn quanh, nhưng không thèm nhìn về phía ta. Không biết tại sao nó lại có thói quen nhìn quanh như thế, vì thực ra con culi nhìn cái gì thì cũng như một vệt nhoè nhoẹt mà thôi. Về nghe loài culi cũng không đến nỗi điếc lắm, mà thực ra là không thích nghe. Tác giả Beebe có viết rằng culi đang ngủ hoặc đang ăn mà ta có dí súng bắn ngay bên cạnh thì nó cũng chỉ hơi nhúc nhích mà thôi. Và ta cũng không nên đánh giá quá mức cái khả năng ngửi được cho điểm khá hơn của culi. Người ta tin chúng có khả năng đánh hơi thấy và tránh các cây mục, nhưng tác giả Bullock (1968) lại tường trình rằng ông "thường xuyên" thấy các con culi ngã xuống đất vẫn bám chặt lấy đoạn cành mục mà nó đã bò lên.

Ta có thể hỏi vậy làm sao mà chúng sống được.

Chình là nhờ sự chạm chạp như vậy. Tính cách ngủ mê ngủ mệt của culi đã giữ cho chúng không bị sa vào vòng nguy hiểm, không rơi vào tầm ngắm của hổ báo, cầy cáo, diều quạ. Lông culi là nơi cư trú của một loại tảo có màu nâu trong mùa khô và màu xanh lá cây trong mùa mưa, giúp cho nó lẫn lộn vào rêu lá xung quanh, trông như một tổ kiến hoặc tổ sóc, hoặc chỉ như một phần sần sùi của một cái cây.

Con culi ba móng sống cuộc đời chay tịnh, yên bình trong sự hài hoà hoàn hảo với môi trường . "Với một nụ cười tốt lành thường trực trên môi", tác giả Tirler (1966) đã viết như vậy. Tôi đã tận mắt thấy nụ cười ấy. Tôi không có tính thích gán cho loài vật những tính cách và tình cảm của con người, nhưng đã biết bao lần trong tháng hè đó tại Brazil, khi ngước nhìn những con culi đang trong tư thế nghỉ ngơi, tôi cảm thấy như mình đứng truớc những đạo sĩ yoga ở tư thế lộn ngược đang chìm sâu trong suy tưởng, hoặc những ẩn sĩ đang nguyện cầu khẩn thiết, những đấng hiền triết có cuộc sống bay bổng đầy những tưởng tượng hào sảng mà trí lực dò dẫm kiểu khoa học của tôi không thể nào vươn tới được.

Đôi khi tôi bị lẫn lộn hai ngành học của mình. Một số bạn học với tôi trong môn nghiên cứu tôn giáo - những kẻ theo thuyết bất khả tri, không phân biệt được đâu là trên đâu là dưới, luôn ghê tởm lý lẽ vốn là vàng ròng của những người thông sáng - khiến tôi liên tưởng đến loài culi ba móng; còn con culi ba móng, tiêu bản đẹp đẽ của phép lạ cuộc sống, thì lại khiến tôi nghĩ tới Thượng Đế.

Không bao giờ tôi gặp rắc rối với các đồng nghiệp khoa học. Các khoa học gia là một đám người thân thiện, vô thần, chăm chỉ, thích rượu bia và lúc không bận bịu với khoa học thì họ chỉ quan tâm đến tình dục, cờ vua và bóng chày.

Tôi là một sinh viên oách, tôi có thể nói vậy. Tại đại học Thánh Michael, tôi đứng đầu bảng bốn năm liền. Tôi dành được tất cả các phần thưởng cho sinh viên của khoa Động vật học. Nếu như tôi không giành được phần thưởng nào của khoa nghiên cứu tôn giáo thì chỉ đơn giản là khoa này chẳng có một phần thưởng nào dành cho sinh viên ( Chúng ta đều biết rằng các phần thưởng cho việc nghiên cứu tín ngưỡng không nằm trong tay đám phàm phu tục tử như chúng ta ) Còn tấm Huân chương Học Thuật của ngài Tổng đốc, phần thưởng cao quí nhất của Đại học Toronto cho sinh viên phần lớn chỉ dành cho các công dân Canada xuất sắc; nếu không vì cái thằng cu ấy, da trắng hồng, ăn thịt bò, cổ to như gốc cây, hơn hớn ầm ĩ rất khó chịu, thì tôi đã dành được nó rồi.

Tôi vẫn còn thấy đau khổ vì những chuyện nhỏ nhặt. Khi người ta đã chịu nhiều đau đớn ở đời, mỗi một nỗi đau mới sẽ vừa nặng trĩu mà cũng lại chẳng là gì....

Cuộc đời tôi cũng giống như một bức tranh mementomori (2) trong nghệ thuật Châu Âu: lúc nào cũng có một chiếc đầu lâu nhe răng cuời bên cạnh để nhắc nhở tôi về những phù du của ham muốn nhân sinh. Tôi diễu cợt chiếc đầu lâu. Tôi nhìn nó và bảo: " Mày chọn nhầm đối tượng rồi. Mày có quyền không tin vào cuộc đời, nhưng tao lại không tin vào sự chết. Đi chỗ khác!". Chiếc đầu lâu nhúc nhắc rồi nhích lại gần hơn nhưng tôi chẳng ngạc nhiên. Lý do sự chết cứ bám riết lấy sự sống như vậy không phải là vì nhu cầu sinh học - đó là sự ghen tị. Sự sống đẹp đến nỗi sự chết đã phải lòng nó, một mối tình tư vị đầy ghen tuông quắp chặt lấy bất cứ thứ gì nó có thể động đến. Nhưng sự sống nhẹ nhàng bỏ qua, mất mát vài thứ chẳng gì đáng kể, và nỗi u buồn chỉ như một bóng mây bay. Thằng cu trắng hồng lại được thưởng cả học bổng Rhodes. Tôi yêu hắn và mong cho hắn học được thật nhiều thứ tại Oxford. Nếu như Lakshmi, nữ thần tài sản, có ngày nào đó ban phát cho tôi ân sủng của người thì Oxford sẽ đứng thứ năm trong danh sách các thành phố tôi muốn viếng thăm trước khi quá vãng, sau Mecca, Varanasi, Jerusalem và Paris.

Cuộc đời đi làm của tôi chẳng có gì đáng nói, chỉ trừ một nhận xét rằng cà-vạt là một cái thòng lọng, và mặc dù lộn ngược, nó sẽ treo cổ nguời ta đến chết nếu không thận trọng.

Tôi yêu Canada. Tôi nhớ cái nóng của Ấn Độ, nhớ các món ăn, bọn thằn lằn bò trên tường nhà, phim kịch hát trên truyền hình, lũ bò đủng đỉnh ngoài phố, lũ quạ kêu quàng quạc, nhớ đến cả những cuộc bàn tán về các trận đấu cricket (3), nhưng tôi yêu Canada. Một xứ sở vĩ đại tuy có hơi quá lạnh đối với người lành mạnh, nơi cư ngụ của những con người thông minh hăng hái, nhưng đầu tóc để không được đẹp. Dù sao Pondicherry chẳng còn có cái gì để tôi muốn quay về.

Richard Parker vẫn ỡ bên tôi. Chưa khi nào tôi quên được nó. Có dám nói tôi nhớ nó hay không ư? Có đấy. Tôi có nhớ nó. Vẫn thấy nó trong các giấc mơ. Phần lớn là ác mộng nhưng là ác mộng nhuốm màu tình yêu. Lòng nguời thật lạ. Tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao nó có thể bỏ tôi đi một cách dửng dưng như thế, không một cử chỉ chia tay nào, không hề ngoái lại lấy một lần. Nỗi đau như thể ai cầm rìu mà bổ vào tận tim vậy.

Các bác sĩ và hộ lý trong bệnh viện tại Mexico thật tốt với tôi hết chỗ nói. Cả các bệnh nhân cũng vậy. Bệnh nhân ung thư và nạn nhân tai nạn xe cộ, một khi đã nghe câu chuyện của tôi, họ chống nạng và lăn xe đến thăm tôi, họ và gia đình họ, mặc dầu không ai nói tiếng Anh, còn tôi thì không biết tiếng Tây Ba Nha. Họ mỉm cười với tôi, bắt tay tôi, vỗ về lên đầu tôi, để các món quà, thức ăn và quần áo lại trên giường tôi. Họ khiến tôi rơi vào những trận khóc trận cười không thễ ghìm lại được.

Chỉ trong vòng một ngày là tôi đã đứng lên được, thậm chí còn đi được một hai bước, mặc dù vẫn buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi toàn thân. Xét nghiệm máu cho thấy tôi thiếu hồng cầu nghiêm trọng, lượng muối thì cao mà kiềm thì thấp. Cơ thể tôi bị đọng dịch, hai chân phù ghê gớm. Trông tôi như một anh bị ghép đôi chân voi vậy. Nước giải thì đục, vàng sẫm gần như nâu. Thế mà sau đó độ 1 tuần, tôi đã có thể đi lại bình thường, và có thể đi giày nếu không buộc giây. Da dẻ tôi lành trở lại, mặc dù có sẹo ở vai và lưng.

Lần đầu tiên tôi vặn được vòi máy nước , dòng nước phụt ra thật ầm ĩ, phí phạm và xả láng đến nỗi tôi bị choáng, ngã ngất vào tay người hộ lý.

Lần đầu tôi đến một quán ăn Ấn Độ ở Canada, tôi bốc thức ăn bằng tay. Người hầu bàn nhìn tôi một cách nghiêm nghị và nói: " Vừa dưới tàu mới lên phải không?". Tôi tái người. Những ngón tay tôi, một giây truớc đó còn như những búp vị giác đang thưởng thức món ăn trước khi đưa chúng vào miệng, đột nhiên thành ra thật bẩn thỉu dưới ánh mắt của anh ta. Chúng cứng đơ lại như những kẻ tội phạm bị bắt quả tang. Tôi không dám liếm chúng, tôi lau chúng bằng giấy ăn như một kẻ có lỗi. Anh hầu bàn không thể biết câu nói của anh ta đã cứa những vết thương vào lòng tôi sâu đến thế nào. Chúng như những cái đanh nhọn đóng ngập vào ngực tôi. Tôi nhặt con dao và cái dĩa. Tôi thực sự không nhớ mình đã từng dùng những thứ đó bao giờ chưa. Hai bàn tay tôi run bắn. Dịch vị tôi khô kiệt.

------------------------------------

(1)Kabala hoặc Cabala: hệ thống lý thuyết thần học bí truyền do các thầy cả Do Thái (rabbi) phát triển và lên tới đỉnh điểm trong các thế kỉ 12,13 có ảnh hưởng phần nào đến tư tưởng của một số triết gia Cơ Đốc giáo thời trung cổ và phục hưng. Cốt lõi của Cabala là phương pháp diễn giải kinh sách rất bí hiểm mà các tín đồ tin rằng giúp họ thâm nhập các bí mật thiêng liêng. Người theo thần học Cabala tin rằng muôn vật đều là biến hình của Thượng Đế và Linh hồn đã tồn tại từ cõi vô cùng. (ND)

(2)Memento mori: tiếng Latin, nghĩa là "nhắc ta nhớ đến cái chết" (ND)

(3) Cricket: Môn thể thao ngoài trời gần giống như môn bóng chày ờ Mỹ, rất phổ biến ở Ấn Độ (ND)

Chương 2

Anh sống ở Scarborough. Một người nhỏ nhắn, mảnh mai, cao không quá một thước sáu. Tóc đen, mắt đen. Bắt đầu hoa râm hai bên thái dương. Trông không thể quá bốn mươi. Nước da màu cà phê dễ chịu. Mói vào tiết thu mà đã khoác áo choàng mùa đông có mũ chùm lót lông để đi ăn tối. Gương mặt biểu cảm. Nói nhanh, hai tay huơ theo lời. Không chuyện vặt. Đã vào chuyện là kể liền.

Chương 3

Tên tôi là tên một cái bể bơi, cũng là chuyện lạ vì cha mẹ tôi chẳng bơi lội bao giờ. Một trong những người có công chuyện sớm nhất với ba tôi là ông Francis Adirubasamy. Ông trở thành người bạn tốt của gia đình. Tôi gọi ông là Mamaji. Tiếng Tamil, mama nghĩa là bác, còn ji là vĩ đại hay dùng ở Ấn Độ để biểu lộ lòng yêu mến và kính trọng. Khi ông còn trẻ nghĩa là rất lâu trước khi tôi ra đời, Mamaji là quán quân bơi lội của toàn vùng Nam Ấn. Cả đời trông ông lúc nào cũng ra một nhà quán quân. Anh Ravi của tôi có lần bảo rằng khi Mamaji lọt lòng mẹ, ông ấy vẫn đòi tiếp tục thở trong nước đến nỗi bác sĩ, để cứu sống ông, đã phải túm lấy hai chân thằng bé rồi quay tròn trên đầu mình một lúc.

"Như thế này này!" Ravi nói, tay quay tít trên đầu. "Thằng bé ho sặc hết nước ra và bắt đầu thở không khí, nhưng máu thịt nó bị quay dồn hết lên phần trên của cơ thể, nên ngực nó mới đầy thế và chân nó mới khẳng khiu thế".

Tôi tin Ravi. (Anh Ravi là tên trêu người lưỡi nhọn. Lần anh gọi Mamaji là " Ông Cả" ngay vào mặt tôi, tôi đã vứt vỏ chuối vào giường anh.) Ngay ở tuổi sáu mươi, khi Mamaji đã hơi còng và thịt ông đã hơi bị trọng lực kéo xuống dưới, ông vẫn hàng sáng bơi đủ 30 lần chiều dài của bể bơi Aurobindo Ashram (1)

Ông cố dạy cha mẹ tôi bơi, nhưng chẳng bao giờ cha mẹ tiến bộ quá mức lội xuống nước đến đầu gối ở bãi biển và làm các động tác khoát tròn. Nếu cha mẹ tôi đang tập bơi ếch chẳng hạn, thì trông như họ đang đi trong rừng, vừa đi vừa lấy tay vạch cỏ trước mặt. Còn nếu cha mẹ tập bơi sải thì trông như họ đang chạy từ trên đồi xuống và cứ phải vung tay cho khỏi ngã. Anh Ravi thì cũng kém hăng hái chẳng thua gì thế.

Mamaji phải đợi đến khi tôi xuất hiện để có thể có được một môn đệ hăng hái. Ngày tôi đến tuổi bơi lội, tức là lên 7, theo tuyên bố của Mamaji và khiến mẹ tôi phát phiền, ông đem tôi xuống bãi biển, khoát tay về phía chân trời và nói: "Đây là món quà của ta cho con."

"Rồi ông ấy suýt để con chết đuối". Mẹ tôi bảo vậy.

Tôi vẫn trung thành với thủy sư phụ của mình. Dưới con mắt canh chừng của ông, tôi nằm trên bãi biển, quẫy chân, quạt tay trên cát, đầu quay bên này bên kia để thở theo mỗi động tác. Chắc hẳn trông tôi như một thằng nhóc đang làm mình làm mẩy một cách chậm chạp rất lạ. Dưới nước, ông giữ cho tôi nổi và tôi hết sức bơi. Khó hơn nhiều so với tập trên cạn. Nhưng Mamaji kiên trì và đầy khích lệ.

Khi ông thấy tôi tiến bộ rồi, chúng tôi bắt đầu chấm dứt những cuộc chạy nhảy nô rỡn với những làn sóng xanh biếc sủi bọt của bờ biển và bắt đầu việc luyện tập qui củ (và phải trả tiền) trong cái phẳng phiu nghiêm túc của hồ bơi cư xá.

Mỗi tuần ba lần, vào Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu, trong suốt những năm thơ ấu, tôi đã đi với ông đến bể bơi vào sáng sớm và thực hiện một thứ nghi lễ chính xác và đều đặn như một cỗ máy đồng hồ của bài luyện tập bơi sải. Tôi còn nhớ như in hình ảnh sinh động của ông già đáng kính đang bắt đầu khoả thân bên cạnh tôi, cơ thể ông lô ra dần, và cuối cùng chỉ hơi quay đi để giữ thể diện với bộ quần bơi của vận động viên chính cống nhập khẩu đẹp tuyệt. Ông đứng thẳng người trong tư thế sẵn sàng. Hình ảnh ấy thật giản dị và hùng tráng. Học bơi, rồi tập bơi, thật cực nhọc nhưng có niềm khoái lạc sâu xa khi cảm thấy mỗi động tác của ta ngày càng nhẹ nhàng và đưa ta lướt tới nhanh chóng hơn, nhanh hơn nữa, cho tới lúc như mê đi, và khối nước nặng như chì trở thành một chất lỏng nhẹ bổng.

Từ ấy tôi lẻn trở lai biển một mình, một khoái lạc tội lỗi, đáp lại sự mời mọc của những ngọn sóng hùng vĩ ào ạt đổ vào bờ để rồi lại khiêm tốn lăn tăn chạy đến với tôi, những vòng tay dịu dàng choàng lấy thằng bé Ấn Độ tự nguyện đến với chúng.

Món quà tôi tặng Mamaji một dịp sinh nhật, lúc đó chắc tôi mười ba mười bốn tuổi gì đó, là 2 vòng bơi buớm hoàn chỉnh. Tôi đến đích mệt đến nỗi không giơ nổi tay để chào vẫy ông nữa.

Bên cạnh việc bơi lội còn có việc nói về nó nữa. Cha tôi rất thích nói đến bơi. Cha càng không chịu tập bơi bao nhiêu thì càng thích bơi bấy nhiêu. Bơi lội là chuyện xả hơi của ông mỗi khi không nói chuyện công việc hàng ngày của ông tại vườn thú. Nuớc không có hà mã có vẻ dễ cai quản hơn nhiều so với nước có hà mã.

Mamaji du học Paris hai năm, nhờ có chính sách thực dân. Đó là thời kì đáng nhớ nhất của ông. Dạo ấy là đầu những năm 1930, lúc người Pháp vẫn còn cố đồng hoá Pondichery, cũng như người Anh đang còn cố đồng hoá những vùng còn lại của Ấn Độ. Tôi không nhớ rõ Mamaji học gì. Hình như có dính dáng đến thương mại. Ông là người kễ chuyện tuyệt vời nhưng lại quên sạch các câu chuyện học hành của mình, cũng chẳng nhớ gì đến tháp Eiffel, cung diện Lourve, hoặc các quán cafe dọc đại lộ Champs Elysees. Tất cả các câu chuyện ông kể đều là về các hồ bơi và các cuộc thi bơi. Ví dụ, có Piscine Deigny (2), bể bơi cổ nhất của kinh thành, có từ năm 1796, là một cái xà lan neo tại bến tàu Orsay và là nơi diễn ra các cuộc tranh tài bơi lội trong thế vận hội Olympics 1990. Nhưng không có kỉ lục nào trong bể bơi này được liên đoàn Bơi lội Quốc tế công nhận vì hồ này dài hơn kích thước tiêu chuẩn 6m. Nước trong bể lấy thẳng từ sông Seine, chẳng lọc mà cũng chẳng sưởi. "Vừa lạnh vừa bẩn," Mamaji kể, " nước ấy đã chảy qua khắp thành phố thành ra rất bẩn. Rồi đám người xuống bơi lại làm cho nó bẩn đến phát khiếp lên được." Với giọng thì thầm đầy âm mưu và đưa ra những chi tiết kinh khủng để chứng minh, ông đảm bảo với tôi là người Pháp có những tiêu chuẩn vệ sinh rất thấp. "Deligny đã bẩn thế rồi, mà bể bơi Royal, một cái nhà tiêu nữa trên sông Seine, lại còn bẩn hơn. Dù sao thì ở Deligny người ta cũng chịu khó vớt những con cá chết vứt ra ngoài." Nhưng gì thì gì, một bể bơi Olympic vẫn cứ là một bể bơi Olympic, đã từng đuợc vinh quang bất hủ. Cho nên có bẩn như một cái bể phốt đi chăng nữa thì Mamaji vẫn nhắc dến Deligny với nụ cười âu yếm.

Dễ chịu hơn là các bể bơi ở Chateau - Landon, Rouvet, hoặc ở đại lộ Nhà ga. Đó là các bể bơi trong nhà có mái, xây trên đất liền, và mở cửa quanh năm. Nuớc bể lấy từ nguồn ngưng đọng trong các động cơ hơi nuớc của các nhà máy quanh đó, sạch hơn và ấm hơn. Nhưng chúng vẫn là những bể bơi tối tăm và thưòng quá đông đúc. "Nuớc ở đấy lềnh phềnh rất nhiều đờm dãi," Mamaji chặc lưỡi, "cứ như bơi giữa đám sứa."

Các bể bơi Hebert, Ledru-Rollin và Butteuxa-Caillé thì sáng sủa. hiện đại, rộng rãi, và dùng nước từ những giếng khoan sâu. Chúng là tiêu chuẩn cho các bể bơi đô thị. Tất nhiên còn có Piscine des Tourelles, một bể bơi Olympic nữa của thành phố khai trương trong thế vận hội Paris năm 1924. Và còn nhiều bể khác nữa, rất nhiều.

Nhưng trong mắt Mamaji, không có bể bơi nào sánh được vẻ huy hoàng của Piscine Molitor. Đó là vuơng miện cho những vinh quang bơi lội của kinh thành Paris, và quả thật, toàn thể nhân loại văn minh.

"Đến các đấng thần linh cũng phải sung sướng khi đuợc bơi ở đấy. Molitor có câu lạc bộ thi đấu bơi lội xuất sắc nhất Paris. Có 2 bể, một trong nhà, một ngoài trời. Cả hai đều mênh mông như các tiểu đại dương. Bể trong nhà luôn có hai làn dành riêng cho những người luyện tập bơi đường dài. Nước bể sạch và trong đến độ ta có thể lấy nó pha cafe buổi sáng. Các phòng thay đồ bằng gỗ, sơn xanh nuớc biển và trắng, nằm xung quanh bể thành 2 tầng. Ta có thể nhìn xuống và thấy toàn cảnh bể bơi, chẳng sót vật gì. Những người phục vụ dùng phấn đánh dấu phòng thay đồ để mọi người biết ta đang ngự trong đó. Họ là các ông già chân đi khập khiễng, thân thiện với một vẻ dễ cáu bẳn. Họ phớt lờ những la hét và hành vi ngốc nghếch của mọi người. Nước tắm từ các vòi hoa sen nóng hổi và dễ chịu vô cùng. Có cả phòng tắm hơi và phòng thể dục. Bể ngoài trời thì mùa đông trở thành sân trượt băng. Có một quầy ruợu, một quán cafe, một hiên nằm phơi nắng, thậm chí có cả 2 bãi tắm nhỏ trải cát tự nhiên. Tất cả các viên gạch men, đồ đồng và đồ gỗ đều bóng loáng. Đó là...đó là...

Đó là bể bơi duy nhất khiến cho Mamaji rơi vào im lặng, kí ức ông phải bơi quá xa để có thể biết hết về nó.

Mamaji nhớ nó. Cha tôi mơ về nó.

Vì vậy mà cuối cùng, khi tôi ra đời, ba năm sau anh Ravi, một thành viên nữa được cả nhà mong mỏi, tôi đã được đặt tên là Piscine Molitor Patel.

------------------------------------------

Chú thích:

(1) Ashram là danh từ chỉ một khu trường trại của những người theo cùng một tín nguỡng hoặc giáo phái. Aurobindo (1872 -1950) là một học giả và lãnh tụ tôn giáo nổi tiếng của Ấn Độ.

(2) Piscine, tiếng Pháp, nghĩa là bể bơi (nhân tạo), độc giả cứ đọc tiếp sẽ hiểu tại sao chúng tôi không dịch từ này ra tiếng Việt (ND)...

Chương 4

Dân tộc già nua và tốt đẹp của chúng tôi được tròn bảy tuổi trong thể chế cộng hoà thì lớn thêm ra với một lãnh thổ nhỏ. Pondicherry gia nhập Liên minh Ấn Độ ngày 1 tháng 11 năm 1954. Thành tựu dân sự này dẫn đến một thành tựu dân sự khác. Một phần đất của vuờn bách thảo Pondicherry được chính quyền khoanh riêng ra, tạo một cơ hội làm ăn mới, lại không phải trả thuế thổ trạch, và thế là, như một phép lạ, Ấn Độ lại có một vuờn bách thú mới toanh, thiết kế và quản lý theo những nguyên tắc sinh học lành mạnh và hiện đại nhất.

Đó là một vuờn bách thú khổng lồ không biết là bao nhiêu diện tích đất, đến nỗi phải có hẳn một đường tầu hỏa để cho người xem đi cho hết, mặc dù khi lớn lên tôi cũng thấy nó cứ nhỏ dần, kể cả đoàn tàu. Giờ thì nó nhỏ đến độ nằm vừa xoẳn trong đầu tôi. Hãy mường tuợng một vùng nóng ẩm tràn ngập ánh nắng và rực rỡ màu sắc. Hoa nở liên miên, ào ạt. Cây cao bụi thấp, và dây leo xoắn xuýt đủ các loại, nếu không có các bảng tên rõ ràng gắn dưới gốc chúng thì chẳng ai có thể biết được chúng là cây gì.

Có những chiếc ghế dài. Trên những chiếc ghế dài ấy ta thấy những người nằm ngủ duỗi dài, hoặc những cặp trai gái, những đôi trẻ măng vẫn còn thẹn thò đầu mày cuối mắt và giật mình khi tay chạm phải tay. Bất thình lình trong đám cây cao mảnh dẻ trước mắt, ta nhận ra một cặp hươu cao cổ đang nhìn ta chăm chú. Chưa hết, chỉ ngay sau đấy thôi, ta giật nảy mình vì những tiếng kêu váng óc của một đàn khỉ bất thần ở đâu ào tới, quện lẫn với những âm thanh lảnh lót đinh tai của các loài chim gì nữa chẳng biết. Ta đến chỗ soát vé, lơ đãng trả một món tiền nhỏ, rồi đi tiếp. Ta thấy một bức tuờng thấp. Có thể thấy gì sau dãy tường lè tè ấy? Chẳng nhẽ lại là chuồng tê giác? Ấy thế mà là chuồng tê giác thật, hai con tê giác Ấn Độ hùng vỉ trong một hố đất nông. Khi ta quay sang bên thì thấy ngay một con voi, đã lù lù ở đó từ bao giờ nhưng vì to quá mà ta không nhìn ra. Rồi thì ta nhận ra những con hà mã đang bập bềnh ngay dưới ao. Càng nhìn càng thấy. Hết cảnh này đến cảnh khác. Ta thực đang ở vuờn bách thú có cái tên Zootown (1).

Truớc khi dọn đến Pondicherry, cha tôi quản lý một khách sạn lớn ở Madras. Lòng ưa thích động vật khiến ông chuyển qua nghề vuờn thú. Một bước quá độ tự nhiên, ta có thể nghĩ vậy. Nhưng cũng không hẳn thế. Về nhiều phương diện, cai quản một vuờn thú là cơn ác mộng của một người quản lý khách sạn. Này nhé: Khách trọ không bao giờ rời phòng đi đâu cả, chúng đòi hỏi không phải chỉ một nơi trú chân, mà thực sự là nơi ăn chốn ở hẳn hoi, chúng lại luôn luôn có khách đến thăm, lắm bọn rât ồn ào và bừa bãi. Muốn dọn chuồng cho chúng, ta phải chờ lúc chúng quá bộ ra ngoài bao lơn, rồi lại phải chờ cho chúng chán cảnh ngoài bao lơn, quay vào buồng rồi thì mới lại quát dọn bao lơn cho chúng được. Phải dọn dẹp liên miên, vì khách trọ đứa nào cũng bẩn thỉu như bọn nghiện rượu cả. Khác nào cũng đòi hỏi một chế độ ăn uống riêng, suốt ngày kêu ca là phục vụ chậm, và tuyệt đối không bao giờ cho tiền boa. Nói thật tình, nhiều khách trọ còn là bọn bệnh hoạn tình dục, hoặc bị nhịn quá mà thỉnh thoảng lại lên những cơn động cỡn điên cuồng, hoặc công khai bậy bạ khiến những cuộc mây mưa đá lở đất long không khuôn phép gì hết và cả những vụ loạn luân công khai ầm ĩ. Có ai làm khách sạn mà muốn có những loại khách như thế không chứ? Vườn bách thú Pondicherry là nguồn vui thú và cũng là nguồn đau đầu của ông Santosh Patel, người sáng lập, chủ sở hữu, giám đốc, ông chủ của năm mươi ba người làm công, và là cha tôi.

Với tôi, nó là chốn địa đàng. Tôi chỉ có những ký ức đáng yêu của quãng đời lớn lên trong vuờn bách thú đó. Tôi sống cuộc sống của một ông hoàng. Có đứa con trai nào của một vị vương giả nào có được một sân chơi mênh mông và xum xuê như thế? Lâu đài nào mà có được một bầy thú nuôi trong nhà như thế? Suốt thời niên thiếu, bầy sư tử đã là những chiếc đồng hồ báo thức của tôi. Chẳng cần đến những đồng hồ Thuỵ Sĩ làm gì. Sáng nào cũng thế, khi bầy sư tử cất tiến gầm vang dội của chúng, ấy là đã đến 5 rưỡi 6 giờ rồi. Bữa điểm tâm diễn ra trong những tiếng kêu lảnh lót và kéo dài của bầy khỉ to mồm, các loài yểng, sáo và lũ vẹt Moluccan. Tiễn tôi đi học không phải chỉ có ánh mắt dịu hiền của mẹ, mà còn có những cái nhìn lưu luyến của bọn rái cá mắt sáng như sao, con bò rừng Châu Mỹ khổng lồ, và đám khỉ độc đang vuơn vai duỗi chân và ngáp ngắn ngáp dài. Tôi phải trông chừng khi chạy qua dưới đám cây của bầy chim công vì chúng rất hay thích phóng uế xuống người tôi. Tốt nhất là chạy qua dưới rặng cây của bọn dơi rừng vì giờ đó sẽ chỉ có tiếng chí choé chói tai của chúng mà thôi. Trên đường ra tôi có thể dừng lại chỗ nuôi các loài trên cạn để ngắm những con ếch như đuợc tráng men xanh biếc, hoặc vàng với xanh nước biển sẫm, hoặc nâu với xanh lá cây nhạt. Cũng có khi bọn chim ở đó khiến tôi phải để mắt đến chúng: những con hồng hạc màu hồng rực, đàn thiên nga đen, bầy đà điểu một mào, hoặc những con chim nhỏ hơn như bọn bồ câu lông bạc, những con tình điểu có bộ mặt giống như trái đào tơ, hoặc đàn vẹt to mồm có những đám lông màu da cam trước ngực.

Rất ít khi thấy đám voi, hổ báo, gấu hoặc hải cẩu dậy vào giờ sáng sớm đó, nhưng khi bọn khỉ đầu chó, vuợn bạc má, vuợn đít đỏ, huơu nai, huơu cao cổ và các con lama (2) là những bọn dậy sớm. Sáng nào cũng vậy, tôi buớc ra khỏi cổng chính với một ấn tượng cuối cùng vừa bình dị vừa không thể nào quên. Đó có thể là hình ảnh bầy rùa xếp lên nhau thành một kim tự tháp, cái mõm óng ánh của một con khỉ đầu chó, dáng im lìm oai vệ của một con hươu cao cổ, cái miệng béo mỡ và vàng óng đang há ra của một con hà mã, một con vẹt macaw đang dùng mỏ và chân từng buớc leo lên hàng rào, tiếng chép miệng lanh lảnh của một con lạc đà. Tất cả những hình ảnh và ấn tuợng ấy kéo qua tâm trí tôi thật nhanh chóng. Chỉ lúc từ trường trở về, tôi mới có thời gian khám phá từ từ những cảm giác khi được một chú voi hít ngửi khắp người một cách thân thiện như thể muốn xin một vài củ lạc có thể có trong túi tôi, hoặc khi một chú khỉ độc vần vò tìm chấy trên đầu tôi, kết thúc bằng một tiếng thở dài khi chẳng thấy món gì chén đuợc. Giá mà tôi có thể truyền đạt được cái hoàn hảo của một con hải cẩu truờn mình xuống nước hoặc của một con khỉ nhện tung người đu từ chỗ này sang chỗ kia, hoặc chỉ đơn thuần là cái vẻ quay đầu của một con sư tử. Ngôn ngữ không thể truyền đạt nổi những cái đó. Tốt hơn cả là khi nào người ta muốn cảm lại đuợc sự hoàn hảo ấy, ta hãy tưởng tượng lại đúng những cảnh đó ở trong đầu.

Trong vườn thú cũng như ngoài thiên nhiên, thời gian tốt đẹp nhất để thăm viếng là bình minh và chiều tà. Đó là lúc hầu hết các loài vật trở nên sinh động nhất. Chúng động cựa và rời nơi ẩn nấp của mình để rón rén đến những mép nuớc. Chúng khoe lông khoe cánh. Chúng hát những khúc hát riêng của mình. Chúng tìm đến nhau và cử hành các nghi lễ của giống loài. Phần thưởng cho những ai biết ngắm nhìn và lắng nghe thật lớn lao. Tôi đã có những giờ phút triền miên không thể đếm được chỉ để im lặng chứng kiến những biểu hiện phong phú và đẹp đẽ cực kỳ của sự sống đã đem phúc lành cho hành tinh của chúng ta. Đó là một cái gì thật tươi sáng, vang dội, kì bí và tinh tế khiến cho các giác quan của ta phải tê dại.

Tôi đã nghe nhiều chuyện phi lí về các vườn thú, cũng nhiều như các chuyện phi lí về Thượng Đế và các tôn giáo. Những người có thiện chí nhưng bị thông tin sai lầm tưởng rằng các loài vật hoang dã ngoài thiên nhiên sống rất "hạnh phúc" bởi vì chúng đuợc "tự do". Khi nói vậy, họ thường nghĩ đến một con thú to lớn và đẹp, ví dụ như sư tử hoặc loài báo cheetah (đời sống của một con sơn duơng hoặc một con thú ăn kiến mõm dài thì ??? có ai muờng tuợng làm gì). Họ tưởng tuợng cảnh con thú hoang dã đó đang thả bộ sau khi đã ăn hết con mồi vừa ngoan ngoãn chấp nhận số phận bị ăn thịt của mình, hoặc đang chạy nhịp nhàng trong tư thế luyện tập để giữ cho cơ thể thon thả sau một bữa ăn quá đà. Họ tuởng tuợng như con thú ấy coi sóc bầy con của nó một cách dịu dàng đầy tự hào, cả gia đình đang cùng nằm trên những cành cây và thoả mãn ngắm nhìn cảnh mặt trời đang lặn. Cuộc sống của loài vật hoang dã thật giản dị, cao thuợng và đầy ý nghĩa, họ tuởng tuợng vậy. Thế rồi những con vật ấy bị bọn người xấu bắt nhốt vào những chuồng lồng nhỏ xíu. "Hạnh phúc" của chúng bị tiêu tan. Chúng khao khát "tự do" và tìm đủ mọi cách để chạy trốn. Bị chối bỏ "tự do" quá lâu, chúng trở thành như những cái bóng của chính mình, tinh thần chúng bị bẻ gẫy. Một số người đã tuởng tượng thế.

Thực tế không phải vậy.

Các loài thú hoang dã có một đời sống khắc nghiệt để sinh tồn trong một kỉ cương xã hội không khoan nhuợng và một môi truờng trong đó nguồn sợ hãi thì nhiều mà nguồn thức ăn thì ít, và chúng phải luôn luôn bảo vệ lãnh địa của mình, suốt đời chịu cảnh rỉa rói của các loài kí sinh. Tự do có nghĩa gì trong hoàn cảnh ấy? Thực tế các loài thú hoang dã không hề đuợc tự do trong không gian, thời gian, và cả trong các quan hệ giữa chúng với nhau. Lý thuyết mà nói, một con vật có thể bỏ bầy đàn mà đi, phớt lờ tất cả những lề thói xã hội và những cương toả vốn có của giống loài. Nhưng chuyện đó hiếm hơn cả khi ta so với chính chúng ta, ví dụ như chuyện một người chủ tiệm chẳng hạn, với tất cả những ràng buộc bình thuờng- với gia đình, bạn bè, xã hội - tự nhiên bỏ tất cả để ra đi với vài đồng bạc lẻ trong túi và bộ quần áo trên người. Nếu một con người, là loài vật thông minh và mạnh dạn nhất, còn không muốn lang thang làm lữ thứ, làm kẻ lạ mặt trong thiên hạ để chẳng có ai mong ai đợi, thì một con thú hoang dã muốn thế làm gì, nhất là khi ta nghĩ rằng loài vật bao giờ cũng bảo thủ hơn nhiều so với loài người. Quả thật loài vật bảo thủ, còn có thể nói là phản động nữa. Chỉ một thay đổi nhỏ xíu thôi cũng khiến chúng lo sợ rồi. Chúng chỉ mong mọi thứ cứ y nguyên như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Những điều ngạc nhiên trong các quan hệ về không gian của chúng. Một con vật chiếm cái chỗ ở của nó, cho dù trong vuờn thú hay ngoài hoang dã, cũng giống như một quân cờ chiếm cái chỗ của mình trên bàn cờ, nghĩa là rất trọng đại. Vị trí của con tướng trên bàn cờ ra sao, thì chỗ ở đó của một con thằn lằn, một con gấu hoặc một con huơu cũng như vậy, không hề có tí tự do lựa chọn nào trong việc này. Cả quân cờ và con vật đều bị ràng buộc bởi tình thế và mục đích. Trong hoang dã, các con vật đi theo những đuờng nhất định vì những lý do bắt buộc, mùa này qua mùa khác. Trong vườn thú, nếu một con vật không có chỗ bình thường của nó, với dáng điệu mà nó vẫn có vào giờ đó, thì tức là đã có chuyện. Có thể chỉ là những phản ứng của con vật đối với một thay đổi rất nhỏ trong môi truờng. Một đoạn ống nuớc cuộn tròn bị quên ở ngoài kia khiến cho con vật lo sợ. Một vũng nước vừa đọng làm cho nó không yên. Cái bóng của một cái thang. Nhưng cũng có thể là một nguyên nhân gì khác nghiêm trọng hơn. Mà sợ nhất đối với một người chủ vuờn thú đó có thể thực sự là một "triệu chứng", phải kiểm tra phân con vật ngay, phải hỏi kĩ người chăm sóc con vật đó về mọi chi tiết, phải mời bác sĩ thú y. Tất cả những cái này chỉ vì một con cò không thấy đứng ở chỗ nó vẫn thường đứng.

Nhưng gượm đã, hãy cho phép tôi tiếp tục đề cập đến chỉ một khía cạnh của vấn đề mà ta đang bàn bạc

Nếu như ta vào một nhà nọ, phá cửa trước, rồi đuổi mọi người trong nhà ra ngoài phố và nói " Đi đi! Các người đuợc tự do! Tự do như chim trời! Đi! Đi!" - Liệu họ có nhảy nhót vui mừng hay không? Làm gì mà có chuyện đó. Chim chóc đâu có tự do. Những người mà ta vừa giải phóng ấy sẽ cự lại "Các người có quyền gì mà đuổi chúng ta? Đây là nhà ta. Ta sỡ hữu nó. Ta đã sống ở đây bao nhiêu năm rồi. Ta sẽ gọi cảnh sát. Chúng mày là đồ lưu manh!"

Chúng ta chẳng có câu, Chẳng đâu bằng ở nhà mình đấy ư? Đó cũng chính là cảm thức của loài vật. Chúng có ý thức sâu sắc về lãnh thổ. Lãnh thổ là chìa khóa để hiểu các hành vi của chúng. Chỉ có một lãnh thổ quen thuộc mới cho phép chúng đáp ứng được hai đòi hỏi thường trực của cuộc đời hoang dã: né tránh kẻ thù và kiếm được thức ăn nước uống. Một khuôn viên vườn thú lành mạnh về sinh học - cho dù đó là một cái chuồng, một cái hố, một hòn đảo nhân tạo, một bãi thả, một hồ nước - cũng là một lãnh thổ, chỉ khác về kích thước và sự gần cận với lãnh thổ của loài người. Việc nó rất nhỏ so với hoang dã cũng chẳng có ý nghĩa gì. Các lãnh thổ trong hoang dã rộng lớn không phải do thị hiếu mà là vì bắt buộc. Trong một vườn thú, ta làm cho các con vật điều mà ta làm cho chính chúng ta ở nhà: ta đem vào trong một không gian nhỏ hẹp những thứ nằm rải rác ở khắp thế giới hoang dã. Ngày xưa với chúng ta chẳng hạn, cái hang thì ở đây, dòng sông thì ở đàng kia, chỗ săn bắn thì phải đi hàng dặm, nơi rình mồi ở gần đó, rừng dâu thì lại ở một nơi khác - mà nơi nào cũng đầy rẫy sư tử, rắn rết, kiến, đỉa và lá độc - còn bây giờ thì con sông chảy luôn qua vòi nước có thể với ta là đến và ta có thể tắm rửa ngay cạnh chỗ nằm ngủ, ăn ngay nơi nấu nướng, có thể rào kín tất cả bằng một bức tường bảo vệ, giữ lãnh thổ của ta sạch sẽ và ấm áp. Mỗi ngôi nhà là một lãnh thổ thu nhỏ trong đó các nhu cầu cơ bản của ta được thỏa mãn an toàn và gần gụi. Một khuôn viên trong vườn thú lành mạnh cũng là một ngôi nhà như thế đối với con vật ở trong đó (nhưng không có những thứ như là lò sưởi chẳng hạn). Tìm thấy trong đấy tất cả những gì nó cần - một nơi để canh chừng, một chỗ để nghỉ, để ăn, uống, tắm, chải chuốt... - và thấy không còn cần phải săn mồi nữa vì thức ăn ngày nào cũng có, con vật sẽ chiếm lĩnh một không gian mới trong hoang dã, thăm dò và đánh dấu không gian ấy theo cách thường làm của giống loài mình, chẳng hạn như đánh dấu bằng nước giải. Một khi cái nghi lễ dọn vào đó đã xong và con vật đã ở yên, nó sẽ không cảm thấy như một kẻ thuê nhà hồi hộp, càng không như một tù nhân, mà như một chủ nhà hẳn hoi, và nó sẽ hành xử như hệt khi nó ở ngoài hoang dã, nghĩa là sẽ bảo vệ cái lãnh thổ ấy của nó cho đến cùng nếu bị xâm phạm. Chủ quan mà nói, một khuôn viên như thế không tốt hơn mà cũng chẳng tồi hơn so với một lãnh thổ của con vật ngoài hoang dã. Chừng nào còn đáp ứng được các nhu cầu của con vật, thì một lãnh thổ, hoang dã hay nhân tạo, chỉ đơn thuần là một thực tế, không phải đánh giá gì hết, cũng như những chấm đen trên da con báo mà thôi. Ta cũng có thể lí luận rằng nếu một con vật có thể lựa chọn bằng trí khôn, nó nhất định sẽ chọn cuộc sống trong vườn thú, vì cái khác biệt chính giữa một vườn thú và thế giới hoang dã là vườn thú thì vừa không có kí sinh và kẻ thù lại vừa thừa thãi thức ăn, còn ngoài hoang dã thì ngược lại. Cứ thử nghĩ mà xem,. thà ở khách sạn Ritz với các dịch vụ không mất tiền và tha hồ gọi bác sỹ còn hơn lang thang không nhà và chẳng có ma nào để mắt đến mình. Nhưng các con vật thì không có khả năng phân biệt được như thế. Trong những hạn chế của bản chất mình, chúng thỏa mãn với những gì chúng có mà thôi.

Một vườn thú tốt là một chung cư được tổ chức chu đáo: nơi mà con vật bảo chúng ta Đừng có vào! bằng dấu hiệu nước giải hoặc bài tiết khác, thì chúng ta cũng bảo Đừng có ra! bằng các loại rào chắn của chúng ta. Trong điều kiện như vậy của một nền ngoại giao hoà bình, tất cả các con vật đều hài lòng và chúng ta có thể yên tâm nhìn ngắm lẫn nhau.

Có rất nhiều những câu chuyện trong sách vở về các con vật có thể trốn chạy khỏi vườn thú mà lại không trốn, hoặc trốn rồi lại quay trở về. Có trường hợp một con khỉ độc, cửa chuồng của nó người ta quên không khóa và để mở toang. Con khỉ lo lắng đến nỗi kêu gào thảm thiết và bắt đầu lấy tay đập cánh cửa ầm ầm, cho đến khi người coi chuồng, được 1 khách thăm gọi, vội chạy đến khóa cửa chuồng lại cho nó. Một đàn hươu sao trong 1 vườn thú châu Âu kéo nhau ra khỏi khi trại vì cửa rào không đóng. Những người khách làm cho chúng hoảng sợ chạy vào 1 khu rừng gần đó. Trong khu rừng cũng có hươu sao sống và có thể nuôi dưỡng được đàn hươu này. Thế mà đàn hươu vườn thú lại nhanh chóng tìm đường về trại của mình. Trong một vườn thú khác, một người làm công đang đi đến chỗ làm của mình vào lúc sáng sớm, vác theo các tấm gỗ, thì thình lình thấy 1 con gấu từ đám sương mù buổi sớm bước ra và đi thẳng về phía anh ta. Người ấy vất các tấm gỗ xuống và ù té chạy trốn. Lập tức người ta bổ đi tìm con gấu xổng chuồng. Ho thấy nó đã lại ở trong chuồng, thì ra nó leo ra leo vào nhờ một cành cây mới gẫy. Chắc là tiếng các tấm gỗ rơi xuống đất đã làm con gấu sợ và vội quay lại chỗ ở của nó.

Nhưng tôi không dám khăng khăng đâu. Tôi không định bảo vệ các vườn thú đâu. Nếu muốn thì ta cứ việc đóng cửa tất tật chúng lại (và hy vọng là các loài vật hoang dã có thể sống sót trong những gì còn lại của thiên nhiên ngày nay). Tôi biết rằng các vườn thú không còn là niềm vui của con người nữa. Tôn giáo cũng đang đối mặt với vấn đề này. Có những ảo tưởng nhất định về tự do đang giết chết cả hai.

Vườn thú Pondicherry không còn nữa. Người ta đã lấp hết các hố nuôi, tháo dỡ hết các chuồng trại. Giờ đây, tôi chỉ thám hiểm nó tại một nơi duy nhất còn lại là kí ức của tôi mà thôi.

---------------------------------------------------

(1) Nghĩa là "thành phố bách thú" (ND)

(2) Lama: tên một loài lừa có lông giống như lông cừu, cổ dài, đầu nhỏ, gốc gác ở vùng núi cao Peru, Nam Mỹ.

Chương 5

Cái tên tôi chưa phải là kết cục của câu chuyện về cái tên tôi. Khi tên ta là Bob, không ai phải hỏi cái tên ấy viết thế nào. Nhưng với cái tên Piscine Molitor Patel thì là chuyện khác.

Nhiều người tưởng đó là P. Singh (1) và nghĩ tôi là người Sikh, và họ lấy làm lạ sao tôi không đội khăn cuốn lên đầu.

Khi còn học Đại học tôi có đến Montreal 1 lần với mấy người bạn. Có một đêm đến lượt tôi phải đặt mua pizza. Tôi đã phát chán mỗi lần nghe giọng Pháp trên dây nói quát hỏi tên tôi là gì, nên khi người bán hàng hỏi: Thưa ông cho biết tính danh , tôi nói I am who I am. (2) Nửa tiếng sau người ta mang hai cái pizza đến cho ông Ian Hoolihan .

Sự thực là những người ta gặp có thể thay đổi cuộc đời ta, nhiều khi sâu sắc đến mức ta trở thành 1 người khác hẳn, kể cả chính cái tên của ta. Cứ xem thì thấy: Simon trở thành thánh Peter, ông thánh Matthew thì còn có tên là Levi, Nathaniel cũng là Bartholomew, Judas, không phải Iscariot, sau này còn lấy tên là Thaddeus, Simeon thì đội tên Niger, Saul thì thành ra Paul. (3)

Tên lính La Mã của tôi đứng trong sân trường một sáng nọ khi tôi 12 tuổi (4). Tôi vừa mới đến. Hắn thấy tôi và một tia sáng thiên tài ma quỉ chợt lóe lên trong cái trí não đần độn của hắn. Hắn giơ tay chỉ vào tôi và hét lên: Này là thằng Pissing Patel! (5)

Trong giây lát mọi người đều cười váng lên. Người ta chỉ thôi cười khi đã xếp hàng vào lớp. Tôi đi cuối hàng, vòng gai nhọn thít trên đầu. (6)

Chẳng ai lạ gì tính tàn ác của trẻ con. Nào tôi có trêu chọc gì chúng, có làm cái gì khiến chúng phải để ý đến tôi đâu, mà sao khắp sân trường chỗ nào tôi cũng nghe thấy chúng hò hét, nào là Thằng Pissing đây rồi, tao phải đi đây , rồi Mày đang đứng úp mặt vào tường thế kia, có phải mày là thằng Pissing không hở? , đại loại thế. Tôi chỉ biết rùm người một chỗ, hoặc phải tảng lờ như không nghe thấy gì. Những tiếng hò hét ấy rồi cũng qua đi, nhưng nỗi đau đọng lại, như mùi khai của bãi nước đái đã khô.

Rồi đến lượt các thầy giáo. Chắc tại trời nóng quá. Càng về chiều, bài địa lí buổi sáng còn chắc gọn như ốc đảo bắt đầu nhão dài ra như sa mạc Thar; bài lịch sử, sinh động là thế lúc mở đầu nay cũng thành khô nẻ và bốc bụi; bài học toán, lúc đầu chính xác là thế, nay thành be bét lầy lội. trong cơn mệt mỏi buổi chiều, khi họ mãi dùng khăn tay lau mồ hôi trán và gáy, các thầy quên cả cái âm hưởng đầy nước mắt trong cái tên của tôi, và bắt đầu vô tình xuyên tạc nó thậm tệ. Tôi có thể nghe thấy sự thay đổi trong cách phát âm có những uốn éo hầu như không nghe thấy được của họ. Tưởng chừng như lưỡi các thầy là các chiến binh đang phải cầm cương các cỗ chiến xa do bầy ngựa hoang kéo. Họ có thể phát âm rõ cái âm tiết đầu, âm Pit , nhưng rồi vì nóng nực gia tăng, họ không kiểm soát được lũ ngựa sùi bọt mép kia và không thể kiềm cương để chúng leo lên cái âm tiết thứ hai, âm Xin . Thế là họ đâm nhào xuống âm Xinh , và thế là hết. Mỗi lần tôi giơ tay xin phát biểu, họ sẽ bảo Nào, mời em Pit-xinh. . Phần lớn họ cũng chẳng biết vừa gọi tôi là gì nữa. Sau một lúc không thấy tôi nói năng gì, họ sẽ ném vào tôi một cái nhìn mệt mỏi. Và nhiều khi, như thể kiệt sức vì nóng nực, cả lớp cũng chẳng có phản ứng gì. Không ai cười, chẳng ai thì thào trêu ngươi gì hết. Thế mà tôi vẫn luôn luôn nghe thấy một cái gì đó như một lời miệt thị.

Năm cuối cùng ở trường Saint Joseph, tôi cảm thấy như mình là nhà tiên tri Mohammad đang bị hành hạ ở thành Mecca, cầu cho Ngài được yên nghỉ. Nhưng cũng giống như việc Ngài chuẩn bị trốn về vùng Medina, chuyến du hành sẽ trở thành sự khởi đầu của thời đại Hồi giáo, tôi cũng chuẩn bị cho cuộc trốn chạy của mình và khởi đầu một giai đọan mới cho cuộc đời tôi.

Học xong ở trường Saint Joseph, tôi vào trường Petit Seminaire, trường trung học tư thục dùng tiếng Anh tốt nhất ở Pondicherry. Ravi đang học ở đó, và như số phận của tất cả các đứa em trai khác, tôi phải chịu cực hình của việc noi theo dấu chân của một ông anh nổi tiếng. Ravi là một nhà thể thao của thế hệ anh tại Petit Seminaire, một tay bowler (7) đáng sợ và 1 tay bóng chày khiếp đảm, giữ chân thủ quân của đội tuyển bóng chày hay nhất thành phố. Việc tôi là một tay bơi cừ khôi chẳng gây được tiếng tăm gì hết. Hình như có một thứ quy luật là sống ở biển thì người ta nghi ngờ những ai biết bơi, cũng như sống ở núi thì người ta nghi ngờ những ai biết trèo. Nhưng tôi không tính đến việc trốn chạy bằng một cái tên nào khác với Pit-xinh , thậm chí đội tên Em thằng Ravi cũng xong. Tôi có một kế hoạch hay hơn thế.

Và tôi triển khai nó ngay ngày đầu ở trường, ngay trong tiết học đầu tiên. Ngồi quanh tôi là những học sinh khác cũng từ Saint Joseph đến. Tiết học bắt đầu như tất cả các tiết học mới khác, nghĩa là bằng việc điểm danh. Chúng tôi lần lượt xướng tên mình tại chỗ.

Ganapathy Kumar, Ganapathy Kumar nói.

Vi pin Nath , Vipin Nath nói.

Shamshool Hudha , Shamshool Hudha nói.

Peter Dharmaraj , Peter Dharmaraj nói.

Mỗi cái tên xướng lên là 1 cái đánh dấu vào danh sách, kéo theo một cái nhìn chòng chọc của ông thầy. Tôi hồi hộp khủng khiếp.

Ajith Giadson , Ajith Giadson nói, cách tôi bốn bàn...

Sampath Saroja , Sampath Saroja nói, cách ba bàn...

Stanley Kumar , Stanley Kumar nói, còn có hai bàn...

Sylvester Naveen , Sylvester Naveen nói, ngay trước mặt tôi.

Rồi đến lượt tôi. Đã đến lúc giết quỷ Satan. Medina hỡi, ta đến đây rồi.

Tôi đứng dậy và bước vội lên bảng đen. Trước khi ông thầy kịp mở miệng, tôi đã nhặt cục phấn và vừa nói vừa viết:

Tên tôi là

Piscine Molitor Patel

Thường gọi là

tôi gạch đít 2 lần hai chữ đầu tiên của tên tôi

Pi Patel

Để cho chắc ăn, tôi viết thêm:

Pi = 3,14

rồi tôi vẽ một vòng tròn to tướng, chia một nhát thành hai phần với một đường kính thẳng băng, để nhắc đến bài hình học cơ bản.

Cả lớp im phăng phắc. Ông thầy dán mắt lên bảng. Tôi nín thở, rồi ông nói: Được rồi, Pi, em ngồi xuống. Lần sau phải xin phép trước khi lên bảng.

Thưa thầy, vâng ạ.

Ông đánh dấu tên tôi. Rồi đưa mắt đến thằng tiếp theo.

Mansoor Ahamad , Mansoor Ahamad nói.

Tôi thoát rồi.

Gautham Selvaraj , Gautham Selvaraj nói.

Tôi thở được rồi.

Arun Annaji , Arun Annaji nói.

Một sự khởi đầu mới đã đến.

Tôi làm lại cái trò ấy với tất cả các thầy giáo. Lặp đi lặp lại là điều quan trọng trong việc huấn luyện không những với súc vật mà cả với con người. Xen giữa hai thằng học sinh mang những cái tên tầm thường, tôi chạy ào lên bảng và bốc lửa, có khi còn nghe thấy cả tiếng phấn ken két trên bảng, với những chi tiết của cuộc tái sinh cho chính mình. Đến nỗi sau một vài lần như thế, bọn trẻ bắt đầu vào hùa như hát theo sự chỉ huy của tôi, và tiếng chúng vang lên cao trào khi tôi gạch đít cái nốt chính, và tên tôi được hát lên đẹp đẽ chẳng kém gì niềm vinh hạnh cho bất kì một nhà chỉ huy đồng ca nào khác. Một vài thằng còn theo sát tôi, khẩn trương, Ba! Phẩy! Một! Bốn! trong lúc tôi viết con số ấy, và tôi kết thúc bài ca của mình bằng một nét chém chia đôi vòng tròn, mạnh mẽ đến nỗi vụn phấn bay ra tứ tung.

Ngày hôm đó, khi tôi giơ tay xin phát biểu, và tôi không bỏ sót một cơ hội nào để làm việc đó, các thầy đã cho phép tôi được nói với một âm tiết duy nhất vang lên như âm nhạc trong tai tôi. Kể cả lũ quỷ sứ từ Saint Joseph sang. Sự thực là, cái tên ấy sống rồi. Và hiện tượng này đã khích lệ các thành viên khác của dân tộc thông minh chúng tôi: chẳng mấy chốc, một thằng tên là Omprakash đã tự gọi mình là Omega, một thằng khác bắt đầu đội tên Upsilon, rồi tiếp theo đó là một thằng Gamma, 1Lambda và 1 Delta. Nhưng tôi đã là người đầu tiên và là người Hy Lạp kiên trì nhất ở Petit Seminaire. Thậm chí ông anh tôi, thủ quân đội bóng chày, ông thánh địa phương, cũng tán thưởng tôi. Ravi kéo tôi ra một chỗ:

Này, tao nghe mày mới có tên hiệu gì đó hả?

Tôi lặng im. Bởi vì hễ phải nghe một lời giễu cợt thì kiểu gì cũng chẳng ngăn chặn nó được. Không thể chạy đi đâu được.

Tao không biết là mày thích màu vàng đến thế.

Màu vàng? Tôi nhìn quanh. Lạy trời đừng ai nghe thấy, nhất là bọn tay sai của Ravi. Ravi, anh định nói gì cơ? Tôi thì thầm.

Không sao, chú em. Tên gì thì cũng hơn là Pit-xinh. Kể cả Lemon Pie . (8)

Chậm rãi quay gót, Ravi mỉm cười và nói: Mày hơi đỏ mặt rồi đấy.

Nhưng không gây sự gì khác.

Và thế là, trong cái con chữ Hy Lạp trông giống như một cái lều có mái tôn ấy, trong cái con số phi lí, không nắm bắt được, mà các nhà khoa học dùng để tìm hiểu vũ trụ ấy, tôi đã tìm thấy nơi ẩn nấp của mình.

------------------------------------------------

Chú thích

(1) piscine nghĩa là bể bơi trong tiếng Pháp, và phát âm là pít-xin . Nhưng nhiều người nghe thành pi-xinh (P. Singh), là tên 1 họ phổ biến của người Sikh tại Ấn Độ. Rắc rối nhất là khi người ta gọi nhân vật của chúng ta là pít-xinh , âm của chữ pissing trong tiếng Anh, nghĩa là đang đi đái, đi tiểu tiện

(2) I am who I am - Tôi là cái thằng tôi , phát âm là ai-em-hu-ai-em , và người bán hàng nghĩ đây là âm thanh của tên Ian Hoolihan cũng có âm thanh tương tự. Montreal là vùng dân cư Cananda nói tiếng Pháp, nên việc nghe nhầm các âm thanh trong tiếng Anh là rất dễ xảy ra.

(3) Tất cả những tên này là của các môn đồ của Chúa Jesus, lúc chưa đi theo Jesus thì có 1 tên, khi đã thành môn đồ thì được đặt tên khác, rồi khi hiển thánh thì lại có tên khác nữa.

(4) Nhân vật của chúng ta có ý ví mình với Jesus một cách hài hước. Jesus bị lính La Mã bắt và đưa đi đóng đanh câu rút với 1 cái biển đề giễu cợt tên này là vua của dân Do Thái đây

(5) Cũng như thể là Này là thằng Patel đái dầm , hoặc Patel đang tè , chữ pissing nghĩ là đang đái

(6) Jesus bị lính La Mã đội lên đầu 1 vòng gai nhọn, giễu cợt là mũ triều thiên của Vua Do Thái . Câu này ám chỉ Patel cảm thấy đau đớn cũng như đội vòng gai nhọn của Jesus.

(7) Bowler: môn bóng lăn trong nhà rất fổ biến ở Âu Mỹ.

(8) Lemon Pie, có nghĩa là 1 món bánh nướng có chanh yên. Lemon là quả chanh có màu vàng. Chữ p trong tiếng Anh thường đọc là pai . Ravi có lẽ nghe gà hóa cuốc và tưởng rằng em mình đã có biệt hiệu như vậy. Chương này có ý vị đặc biệt đvới người nói tiếng Anh, hy vọng cách dịch này không để mất mát nhiều những ẩn ý tôn giáo và hài hước của nguyên tác.

Chương 6

Anh là một người nấu ăn giỏi. Căn nhà luôn sưởi ấm quá mức của anh lúc nào cũng sực nức mùi thức ăn hấp dẫn. Giá để gia vị của anh trông giống như tủ thuốc của một nhà bào chế. Khi anh mở tủ lạnh hoặc chạn thức ăn, có nhiều nhãn hiệu mà tôi không hiểu gì cả, thậm chí không biết chúng là tiếng nước nào. Anh nấu các món Âu Mỹ cũng thành thạo như các món Ấn Độ. Anh làm cho tôi món mỳ ống pho-mát ngon và tinh tế chưa từng thấy. Món bánh tráng kẹp nhân rau chay anh làm có thể là nỗi ghen tị của cả xứ Mexico.

Tôi còn để ý thấy một điều: chạn thức ăn của anh đầy ắp. Ngăn nào, khoang nào cũng chất hàng núi các loại hộp và gói giấy. Một kho lương thực có thể sống qua cuộc phong tỏa Leningrad.

Chương 7

Tôi có cái may được học một số thầy giáo giỏi trong thủa thiếu thời, những người này, cả đàn ông và đàn bà, đã thâm nhập vào cái đầu tôi và đánh lên một que diêm. Một trong số họ là ông Satish Kumar, thầy dạy môn sinh học ở trường Petit Seminaire và là một người cộng sản tích cực luôn hy vọng Tamil Nadu sẽ thôi bầu các minh tinh màn bạc lên nắm chính quyền và theo gương xứ Kerala. Ông có bề ngoài rất đặc biệt. Đỉnh đầu ông hói và nhọn lại có những ngấn sệ dưới cằm rất kì, rồi đôi vai hẹp chạy xuôi xuống cái bụng khổng lồ như cái chân núi, chỉ tội là quả núi ấy lại lơ lửng trên không, vì cái bụng phệ đột ngột biến mất theo chiều ngang vào hai cái ống quần. Điều bí ẩn đối với tôi là không biết đôi chân khẳng khiu ấy chống đỡ cái khối nặng thân hình ông bằng cách gì, nhưng chúng đỡ được, mặc dù đôi lúc chúng chuyển động rất lạ, như thể hai đầu gối ông cứ cong ra cong vào theo các hướng khác nhau. Cơ thể ông cấu tạo theo kỉ hà học: trông ông như hai tam giác, cái nhỏ cái to, thăng bằng trên hai đường kẻ song song. Nhưng sinh động, còn sần sùi là đằng khác, với những túm lông đen tua tủa đâm ra từ hai lỗ tai. Và thân thiện. Nụ cười ông dường như chiếm hết đáy của cái đầu hình tam giác.

Ông Kumar là người vô thần nhiệt thành đầu tiên mà tôi từng biết. Tôi phát hiện điều này không phải trong lớp học mà là ở vườn thú. Ông ta là vị khách thường xuyên, là người đọc kĩ hết các bảng mô tả và khâm phục tất cả các con vật mà ông đã thấy. Với ông, con vật nào cũng là một chiến thắng của logic và cơ giới, và thiên nhiên nói chung là một minh họa tuyệt hảo của khoa học. Trong tai ông, khi một con vật cảm thấy động lực giao phối, nó nói Gregor Mendel , nhắc đến vị cha đẻ của ngành di truyền học, còn khi đến lúc khoe lông khoe sức của mình thì là Charle Darwin , cha đẻ của thuyết chọn lọc tự nhiên, và những gì mà chúng ta coi là những tiếng hí, gầm, rú, rít, khịt, hót, hét... thì với ông là những âm hưởng của các ngoại ngữ thật sự. Khi ông Kumar đến thăm vườn thú, đó là để bắt mạch vũ trụ, và trí khôn thăm dò của ông luôn luôn khẳng định với ông rằng mọi vật có trật tự, rằng mọi vật là trật tự. Ông rời vườn thú với cảm giác được tươi mới trở lại một cách khoa học.

Lần đầu tiên tôi thấy khuôn hình tam giác của ông đang thao thao bất tuyệt về vườn thú, tôi không dám đến gần ông. Tôi ưa thích ông trong tư cách một thầy giáo bao nhiêu thì tôi cũng e dè ông như thần dân đối với quan phụ mẫu bấy nhiêu. Quả thật tôi có sợ ông chút ít. Tôi quan sát ông từ xa. Ông đã vừa đi đến chỗ hố nuôi tê giác. Hai con tê giác Ấn Độ là trung tâm thu hút khách đến xem nhờ có lũ dê. Tê giác là loài vật cần có giao tiếp xã hội. Khi chúng tôi có được Peak, một con tê giác đực còn non, nó có biểu hiện buồn chán vì bị cách ly và ngày càng bỏ ăn. Trong khi chưa tìm được một con tê giác cái, cha tôi muốn áp dụng một biện pháp tức thời và nghĩ đến việc thử xem Peak có chịu sống chung với một bầy dê hay không. Nếu nó chịu, chúng tôi sẽ cứu được một con vật quý. Còn không thì cũng chỉ mất một vài con dê. Thật tuyệt vời. Peak và bầy dê không rời nhau nửa bước, ngay cả khi có Summit về sống cùng. Lúc bấy ngờ, khi cặp tê giác tắm dười nước thì bầy dê đứng xung quanh mép hồ, còn khi dê ăn ở góc của chúng, Peak và Summit đứng ngay cạnh như thể canh gác cho bạn. Dân chúng đi xem rất khoái cảnh chung sống này.

Ông Kumar ngẩng lên và thấy tôi. Ông mỉm cười, một tay vịn hàng rào, tay kia vẫy tôi lại gần.

Chào Pi, ông nói.

Chào thầy ạ. Thầy đến thăm vườn thú thế này thật tốt quá.

Tôi vẫn thường đến mà. Có thể nói đây là ngôi đền của tôi. Thật là thú vị kìa... Ông đang nói về đám tê giác và dê. Nếu chúng ta có các nhà chính trị như những con dê và tê giác kia, đất nước sẽ đỡ linh tinh lắm. Không may là chúng ta lại có một ngài thủ tướng có đủ hết bộ giáp trụ của tê giác nhưng thiếu hết những ý thức tốt đẹp của nó.

Tôi có biết gì nhiều về chính trị đâu. Cha với mẹ tôi luôn luôn phàn nàn về bà Gandhi, nhưng chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì mấy đối với tôi. Bà Gandhi sống mãi tận miền Bắc, đâu có ở trong vườn thú mà cũng chẳng ở Pondicherry. Dù sao tôi thấy mình cũng phải nói cái gì đó.

Tôn giáo sẽ cứu chúng ta, tôi nói. Từ khi tôi có trí nhớ, tôn giáo đã rất gần gụi trong tôi.

Tôn giáo? Ông Kumar cười ngoác miệng. Tôi không tin vào tôn giáo. Tôn giáo là tăm tối.

Tăm tối? Thật khó hiểu. Tôi nghĩ không thể thế được. Tôn giáo là ánh sáng. Liệu ông ta có đang thử tôi không đây? Liệu ông có đang nói Tôn giáo là tăm tối theo kiểu đôi khi ông nói ở trên lớp, ví dụ như Các loài có vú đẻ trứng , chỉ cốt để xem có ai bẻ lại không mà thôi.

Không có lí do gì để đi quá cách giải thích của khoa học và không có lí lẽ lành mạnh nào để tin vào bất kì cái gì ngoài những trải nghiệm giác quan của chúng ta. Chỉ cần một đầu óc sáng sủa một chút, một ý thức quan sát các chi tiết và một chút hiểu biết khoa học cũng đủ lột trần tôn giáo như một thứ dị đoan vô bổ. Không, làm gì có Thượng đế.

Có đúng là ông ấy nói vậy không? Hay là tôi đang nhớ lại những lời của các nhân vật vô thần khác về sau này? Dù sao những lời ấy cũng là một cái đó. Trước đấy, tôi chưa bao giờ nghe những thứ tương tự như thế.

Tai sạo phải chịu đựng tăm tối. Mọi vật đều ở ngay đây, rõ ràng, chỉ cần ta nhìn cho cẩn thận.

Ông chỉ con Peak. Ấy, dù tôi vẫn rất khâm phục Peak, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một con tê giác cũng là một cái bóng đèn sáng.

Ông nói tiếp: Có người nói Thượng đế đã chết trong thời chia cắt đất nước ta hồi 1947. Ông ấy cũng có thể đã chết trong chiến tranh nằm 1971. Hoặc qua đời ngay hôm qua thôi trong một trại mồ côi ở Pondicherry này. Đấy là những gì người ta nói, Pi ạ. Khi tôi bằng tuổi em, tôi sống trên giường, mắc bệnh bại liệt. Ngày nào tôi cũng hỏi, Thượng đế ở đâu? Thượng đế ở đâu? Thượng đế ở đâu? Thượng đế chẳng bao giờ đến. Không phải Thượng đế cứu sống tôi, mà là y học. Lí trí là nhà tiên tri của tôi và nó bảo tôi rằng khi chiếc đồng hồ ngừng chạy, là chúng ta chết. Là hết. Nếu chiếc đồng hồ không chạy tốt, phải chữa nó ngay. Một ngày nào đó chúng ta sẽ chiếm hữu được các công cụ sản xuất và sẽ có công lý trên trái đất này.

Điều đó hơi quá đối với tôi. Giọng nói thì vừa phải - có tình và can đảm - nhưng các chi tiết có vẻ nhợt nhạt. Tôi lặng thinh. Không phải vì sợ phật lòng ông Kumar. Điều tôi sợ hơn là trong một vài lời thôi ông có thể sẽ phá hủy hết những gì tôi đã yêu. Nhỡ những lời ông nói lại khiến cho tôi mắc bệnh bại liệt thì sao nào? Căn bệnh đó hẳn phải khủng khiếp lắm vì nó có thể giết chết cả Thượng đế trong lòng một con người.

Ông bước đi, khập khà khập khiễng trên mặt biển hoang dại vốn chỉ là mặt đất yên ổn dưới chân. Đừng quên bài kiểm tra ngày thứ Ba nhé. Học cho tốt, 3.14 nhé!

Vâng, thưa thầy Kumar.

Ông trở thành thầy giáo tôi ưa thích nhất ở Petit Semiraire và là lí do khiến tôi theo học ngành động vật học Toronto. Tôi cảm thấy có mối thân tình với ông. Đó là cái đầu mối tiên khởi cho tôi hiểu rằng những người vô thần là anh chị em có một niềm tin khác của tôi, rằng mỗi lời họ nó đều là những lời nói của niềm tin. Cũng như tôi, họ đi đến tận cùng trên đôi chân của lí trí - rồi cất bước nhảy theo lòng tin.

Tôi phải trung thực về chuyện này. Những người vô thần không làm tôi khó chịu, mà là những kẻ hoài nghi. Tính hoài nghi cũng có công dụng, nhưng cho một lúc thôi. Chúng ta ai cũng phải qua chỗ Đồi Sọ (1). Nếu Đấng Christ còn phải chơi với hoài nghi, thì chúng ta tất cũng đều phải vậy. Nếu Đấng Christ đã phải qua một đêm cầu nguyện khẩn thiết trong đau khổ, nếu Người đã kêu lên trên thập giá: Cha ơi, Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con? , thì tất nhiên chúng ta ai cũng có quyền nghi hoặc. Nhưng chúng ta phải bước tới. Lấy hoài nghi làm triết lí sống ở đời thì cũng như lấy sự bất động làm phương tiện giao thông vậy.

Chương 8

Trong nghề nghiệp chúng tôi thường nói rằng con vật nguy hiểm nhất trong 1 vườn thú là người. Theo nghĩa rộng, chúng tôi hàm ý rằng tính cách ăn thịt lẫn nhau quá đáng của giống loài chúng ta đã biến toàn thể hành tinh này thành 1 con mồi của loài người. Theo nghĩa cụ thể, chúng tôi muốn chỉ những người vẫn cho rái cá ăn lưỡi câu, cho gấu ăn dao cạo, cho voi ăn táo có đinh nhọn ở trong, và cho tất cả các con vật khác ăn đủ các loại đồ vật: bút bi, cặp giấy, đinh ghim, dây cao su, lược, thìa cà phê, móng ngựa, thuỷ tinh vụn, nhẫn, trâm cài đầu và các đồ trang sức khác (không phải chỉ có các đồ nhựa rẻ tiền đâu, mà cả nhẫn cưới = vàng nữa kìa), rồi thì ống uống nước, dao đĩa nhựa, bóng ping-pong, bóng tennis, vân vân và vân vân. Danh sách khai tử các con vật trong vườn thú vì bị cho ăn các đồ vật như thế bao gồm khỉ độc, bò rừng, cò, vạc, đà điểu, hải cẩu, hải sư, hổ báo, gấu, lạc đà, voi, khỉ, và hầu hết các loài hươu nai, chuột bọ và chim chóc. Trong giới quản lí vườn thú, cái chết của Goliath là câu chuyện ai cũng biết. Đó là 1 con hải cẩu đực, 1 con vật lớn, đẹp, nặng hơn 2 tấn, minh tinh của 1 vườn thú châu Âu nơi nó trú ngụ, được tất cả khách thăm yêu mến. Nó chết vì bị chảy máu nội tạng sau khi có người cho nó ăn 1 chai bia vỡ.

Chúng tôi tương đối may mắn, ở Pondicherry. Chỗ chúng tôi không có những người mắc chứng sadic như bên châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên con điêu thử lông vàng của chúng tôi biến mất tăm. Cha tôi nghi nó bị ai đó bắt ăn thịt. Nhiều chim trĩ, công, vẹt bị người ta vặt lông. Chúng tôi tóm được 1 người mang dao đang trèo vào trại nuôi hươu, người ấy nói ông ta muốn trừng fạt tên Ravana độc ác (là nhân vật trong trường ca Ramayana, biến thành 1 con hươu để bắt cóc Sita, nàng hầu của Rama). Một người khác thì bị bắt quả tang khi đang bắt trộm 1 con rắn hổ mang. Ông là người thổi kèn rắn vừa chết mất con hổ mang của mình. Cả 2 đều được cứu thoát: con hổ mang thì khỏi bị cuộc sống nô lệ và thứ nhạc tồi tệ kia, còn người ấy thì khỏi toi mạng vì hổ mang cắn. Chúng tôi còn phải đối phó với những người mém đá thường muốn khiêu khích cho súc vật phải động cựa lên. Và chúng tôi còn có 1 bà mệnh fụ fu nhân mà áo dài lụa bị 1 con sư tử ngoạm phải. Bà ta bị quay như 1 con quay yo-yo, thà thoát y còn hơn chết. Mà nào có phải tai nạn cho cam. Bà ấy đã thò cả cánh tay vào chuồng sư tử và vẫy vẫy tà áo dài trước mặt mãnh sư, không biết để làm gì. Bà ấy không sao hết. Rất nhiều các ông lao đến giúp bà. Với cha tôi, bà ấy bảo: ''Ai đời sư tử mà lại thích ăn váy áo cơ chứ. Tôi cứ tưởng chúng chỉ là loài ăn thịt.'' Gây rắc rối tồi tệ nhất là đám khách hay thích cho súc vật thức ăn. Mặc dù sự cảnh giác của chúng tôi,

bác sĩ thú y Atal của vườn, có thể dùng con số những con vật mắc chứng rối loạn tiêu hóa để minh họa cho những ngày bận rộn của ông ở vườn thú. Ông gọi chung tất cả các loại bệnh tiêu hóa này bằng 1 từ riêng của ông - ''tidbit-itis'' - mà phần lớn là do quá nhiều carbonhydrad và đường. Đôi khi chúng tôi ước gì họ chỉ dùng đường thôi thì còn đỡ. Người ta tưởng các con vật có thể ăn bất kỳ thứ gì cũng chẳng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng. Đâu phải thế. Một con culi của chúng tôi bị ốm nặng với chứng viêm ruột chảy máu sau khi ăn 1 con cá thiu do 1 người nhét cho, mà người này nhất

định tin rằng ông ta chỉ làm tốt cho con vật mà thôi.

Ngay sau quầy bén vé, cha tôi cho kẻ 1 dòng chữ sơn đỏ lên tường: ''Đố quí vị biết trong vườn thú con vật nào là nguy hiểm nhất?'' Một mũi tên chỉ về 1 tấm rèm nhỏ. Đã có biết bao nhiêu bàn tay tò mò háo hức kéo tấm rèm đó, đến nỗi chúng tôi thường xuyên phải thay cái mới. Đằng sau nó là 1 tấm gương.

Nhưng tôi đã phải vất vả mới biết được rằng cha tôi còn tin là có 1 con vật nữa nguy hiểm hơn cả chúng ta, 1 con vật cực kì phổ biến, lục địa nàoi cũng có, địa bàn nào cũng có: đó là loài Animalus anthropomorphicus (2), con vật mà chỉ có mắt người mới nhìn thấy. Chúng ta ai cũng gặp 1 con này, có khi còn sở hữu 1 con là đằng khác. Nó là con vật ''xinh xắn'', ''đáng yêu'', ''vui vẻ'', ''thân thiết''... Chúng rình rập trong tất cả các cửa hàng đồ chơi và vườn thú của trẻ con. Biết bao chuyện về chúng cơ chứ. Chúng là đồ trang sức lủng lẳng trên cổ các con vật ''đồi trụy'', ''xấu xa'', ''khát máu'' đã xui khiến nên các cơn khùng của lũ điên mà tôi vừa kể ở trên, lũ người muốn làm hài lòng chúng bằng ba-toong và cán ô.

Trong cả hai trường hợp, chúng ta nhìn vào 1 con vật và thấy 1 tấm gương. Tâm lý bệnh hoạn luôn muốn đặt mình vào trung tâm của mọi vật là 1 ngón thuốc độc chết người không những của các nhà thần học mà của cả những nhà động vật học nữa.

Tôi đã học được bài học rằng một con vật là một con vật, cơ bản và thực tế là khác hẳn chúng ta, những hai lần: một lần với cha tôi, và một lần với Richard Parker.

Đó là một buổi sáng Chủ Nhật. Tôi đang tha thẩn chơi một mình thì cha tôi gọi.

"Các con, hãy ra đây."

Có chuyện gì rồi. Giọng nói của cha làm reo một cái chuông báo động tí tẹo trong đầu tôi. Tôi vội kiểm điểm lại lương tâm. Không có gì cả. Chắc hẳn phải là Ravi thôi. Không biết Ravi có chuyện gì đây. Tôi bước vào phòng khách. Mẹ ở đó. Không bình thường chút nào. Việc kỷ luật con cái, cũng giống như việc chăm sóc súc vật, thường chỉ là việc của cha. Ravi vào cuối cùng, mặt đầy vẻ tội lỗi.

"Ravi, Piscine, cha có một bài học rất quan trọng cho các con hôm nay."

"Ôi, có thực cần thiết không mình?" Mẹ nói. Mặt mẹ ửng đỏ.

Tôi nuốt nước bọt. Nếu mẹ, thường bình tĩnh và thản nhiên là thế, mà bây giờ có vẻ lo lắng đến độ bực bội thế kia, thì có nghĩa là có chuyện gì nghiêm trọng thật rồi. Tôi và Ravi lén nhìn nhau.

"Có. Rất cần." Cha nói, có vẻ khó chịu. "Bài học này có thể sẽ cứu mạng sống của chúng."

Cứu mạng sống của chúng tôi! Cái chuông báo động trong đầu tôi không còn bé tí tẹo nữa, nó trở thành quả chuông khổng lồ, giống như quả chuông của ngôi nhà thơ Tâm Thiêng của Giáo hội Jesus mà chúng tôi vẫn nghe thấy, không xa vườn thú là mấy.

Mẹ vẫn chưa chịu: "Piscine? Nó mới lên tám."

"Nó là đứa mà tôi lo lắng nhiều nhất."

"Con vô tội!" Tôi òa lên. "Lỗi ở anh Ravi hết, gì cũng là lỗi của anh ấy hết ạ!"

"Cái gì?" Ravi kêu. "Con có làm cái gì sai trái đâu cơ chứ." Rồi anh nhìn tôi hằn học.

"Lặng im nào!" Cha tôi nói, giơ tay lên. Cha đang nhìn thẳng vào mẹ. "Gita, em đã thấy Piscine rồi đấy. Nó đang tuổi với bọn nhóc suốt ngày loăng quăng và thọc mũi vào khắp mọi nơi."

Tôi ư? Một thằng loăng quăng? Một thằng thọc mũi vào khắp mọi nơi? Đâu có phải thế? Không phải thế! Mẹ ơi, hãy bảo vệ con đi mẹ, tôi khẩn khoản trong lòng. Nhưng mẹ chỉ thở dài và gật đầu, dấu hiệu cho thấy cái việc khủng khiếp kia sẽ được thi hành.

"Đi theo cha."

Chúng tôi đi như một bọn tử tù ra pháp trường.

Chúng tôi ra khỏi nhà, bước qua cổng, vào vườn thú. Hãy còn sớm và vườn thú còn chưa mở cửa cho công chúng vào.

Những người coi thú và làm vườn đang làm các công việc của họ. Tôi thấy Sitaram, người trông nom bọn khỉ độc, người tôi có cảm tình nhất. Anh đang dừng tay đưa mắt nhìn theo chúng tôi. Chúng tôi đi qua khu chuồng chim, gấu, khỉ độc, khỉ con, tê giác, voi, hươu cao cổ. Chúng tôi đến chỗ hổ, sư tử và báo hoa. Bubu, người chăm sóc chúng, đang chờ ở đó. Chúng tôi đi vòng xuống con đường quanh chuồng, và anh mở khóa cánh cửa dẫn vào chuồng, nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa hào nước. Chúng tôi bước vào. Đó là một cái hang xi-măng rộng và tối, hình tròn, nóng và ẩm, sặc mùi nước đái hổ. Khắp xung quanh là những chuồng lớn ngăn với nhau bởi những song sắt to vật sơn xanh lá cây. Một luồng ánh sáng vàng vọt lọt xuống từ những ổ cửa trên trần. Qua các lối ra của chuồng, chúng tôi có thể nhìn thấy cây cối trên đảo, tràn ngập ánh mặt trời. Các ngăn chuồng rỗng không – trừ một ngăn: Mashisha, con hổ Bengal đầu đàn của chúng tôi, một con vật dài rộng và to lớn, nặng gần hai tạ rưỡi, đang bị nhốt trong chuồng. Đúng lúc chúng tôi bước vào, nó đứng dựa vào các chấn song và bắt đầu gầm gừ rất sâu trong cổ, cặp tai nó ép sát vào đầu và đôi mắt tròn xoe dán chặt vào Babu. Tiếng gầm gừ của nó to và vang đến nỗi tưởng như làm cả khu chuồng rung lên. Đầu gối tôi bắt đầu run. Tôi nép vào mẹ. Mẹ cũng run. Ngay cha tôi cũng có vẻ đang trấn tĩnh lại. Chỉ có Babu vẫn tỉnh bơ như không trước tiếng gầm và cái nhìn xoáy vào anh ta như lưỡi khoan. Anh đã được thử thách để tin tưởng vào các chấn song sắt. Mashisha bắt đầu đi đi lại lại trong giới hạn của chuồng.

Cha quay sang chúng tôi. "Con vật gì đây?" Cha quát để át được tiếng gầm gừ của Mashisha.

"Dạ, con hổ ạ," Ravi và tôi đồng thanh, ngoan ngoãn chỉ ra điều hiển nhiên không thể nhầm lẫn.

"Hổ có nguy hiểm không?"

"Thưa cha có ạ, hổ nguy hiểm ạ."

"Hổ rất nguy hiểm," cha hét lên. "Cha muốn các con hiểu rằng không bao giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, được chạm đến một con hổ, vuốt ve một con hổ, thò tay qua song sắt chuồng hổ, và ngay cả đến gần một cái chuồng hổ. Đã rõ chưa? Ravi?"

Ravi gật đầu lia lịa.

"Piscine?"

Tôi gật đầu còn lia lịa hơn.

Cha nhìn tôi chằm chặp.

Tôi gật đầu mạnh đến nỗi lấy làm ngạc nhiên sao chưa bị gẫy cổ và rơi đầu xuống sàn lúc đó.

Tôi muốn có vài lời tự bạch rằng, mặc dù tôi có thể đã nhân cách hóa các con vật đến mức chúng có thể nói trôi chảy được tiếng Anh, với đám chim trĩ than phiền bằng giọng quý phái Anh chính hiệu rằng trà của chúng nguội quá, và bọn khỉ đầu chó bàn bạc kế hoạch chạy trốn sau khi cướp nhà băng bằng giọng găng-tơ Mỹ đặc sệt, nhưng tôi lúc nào cũng tỉnh táo và ý thức được rằng đó chỉ là những huyễn hoặc mà thôi. Tôi hoàn toàn cố tình khoác cho những con vật hoang dã những bộ cánh hiền lành của trí tưởng tượng. Song tôi không bao giờ mụ mị đến hoang tưởng về bản chất thực của chúng. Cái mũi thọc mạch của tôi tỉnh táo hơn thế. Không hiểu sao mà cha tôi lại nghĩ rằng đứa con út của ông lại có thể ngứa ngáy đến mức bước chân vào chuồng một con thú dữ ăn thịt được kia chứ. Nhưng cho dù nỗi lo lạ lùng ấy của cha có nguồn gốc ở đâu đi nữa – mà cha là người cả lo – rõ ràng là ông đã quyết tâm phải trừ bỏ mối này trong buổi sáng hôm đó.

"Để cha cho các con thấy loài hổ nguy hiểm đến mức nào," cha tiếp tục nói. "Cha muốn các con ghi nhớ bài học này suốt đời."

Cha quay sang gật đầu với Babu. Babu đi ra. Mashisha đưa mắt nhìn theo anh ta và không chịu rời khỏi đầu của mà Babu vừa đi qua. Vài giây sau, Babu trở lại, vác theo một con dê đã trói hết chân vào với nhau. Mẹ ôm lấy tôi từ phía sau. Tiếng gầm gừ của Mashisha biến thành một tiếng tru ầm ào sâu tít bên trong cổ.

Babu mở khoá, mở cửa, bứơc vào, khép và khóa cửa một ngăn chuồng ngay cạnh chuồng Mashisha. Hai ngăn cách nhau bằng các sập cửa và các chấn song. Mashisha lập tức bám vào hàng chấn song đó, cào cấu chúng. Nó bắt đầu thêm vào tiếng gầm gừ kéo dài những tiếng hộc mạnh mẽ như có thuốc nổ. Babu đặt con bê xuống sàn; hai bên sườn con vật phập phồng dữ dội, lưỡi nó thè lè khỏi mồm, và mắt nó trợn ngược. Babu cởi trói cho con dê. Nó đứng lên. Babu ra khỏi chuồng cũng thận trọng như khi vào. Ngăn chuồng đó có hai mức sàn, một mức ngang với chỗ chúng tôi đang đứng, một mức nữa ở phía sau, cao hơn độ một thước, dẫn ra phía ngoài đảo. Con dê lập cập trèo lên sàn trên. Mashisha, không để ý gì đến Babu nữa, chuyển động trong căn chuồng của nó theo bước đi của con dê trong một dáng điệu uyển chuyển như nước chảy. Nó phủ phục và nằm im, cái đuôi đung đưa chậm rãi là dấu hiệu căng thẳng duy nhất.

Babu bước lên chỗ cái cửa sập ngăn giữa hai căn chuồng và bắt đầu kéo nó lên. Biết là sắp được thỏa mãn, Mashisha im phăng phắc. Tôi nghe thấy hai thứ vào giây phút đó: cha nói: "Đừng bao giờ quên bài học này" trong khi ông nhìn lên một cách nghiêm nghị; và tiếng kêu be be của con dê. Chắc nó đã kêu lảnh lót như vậy ngay từ đầu, chỉ có điều đến lúc ấy tôi mới nghe thấy.

Tôi thấy bàn tay mẹ áp chặt lên chỗ tim tôi đang đập thình thịch.

Cái cửa sập kêu rít lên mấy tiếng. Mashisha không tự chủ được nữa – trông có vẻ như sắp nổ tung qua các chấn song sắt. Nó có vẻ lưỡng lự, không biết nên ở nguyên tại chỗ, gần chỗ con mồi nhất nhưng lại không thể với được tới, hay là chuyển xuống sàn dưới, xa con mồi hơn nhưng lại gần cái cửa sập hơn. Nó vươn người lại và bắt đầu gầm gừ.

Con dê bắt đầu nhảy. Nó nhảy cao lạ lùng. Tôi không ngờ dê lại có thể nhảy cao đến thế. Song phía sau căn chuồng là một bức tường xi măng cao và nhẵn nhụi.

Thình lình, cánh cửa sập nhẹ nhàng trượt lên. Rồi yên lặng trở lại, chỉ nghe tiếng con dê kêu và tiếng móng chân nó gõ liên hồi xuống sàn.

Một dòng thác màu đen và da cam chảy ào từ căn chuồng nay sang căn chuồng kia.

Bình thường, người ta không cho hổ báo ăn một ngày mỗi tuần, để mô phỏng theo điểu kiện sống của chúng ngoài hoang dã. Về sau chúng tôi được biết là cha đã ra lệnh bỏ đói Mashisha trong 3 ngày liền.

Không biết là tôi có nhìn thấy máu trước khi nhào vào lòng mẹ hay là tôi đã vẽ ra máu trong kí ức mình sau này bằng những nét bút lông to bè. Nhưng mà tôi nghe thấy. Đủ hãi hùng để thổi tắt ngấm những tia sáng của sự sống chỉ biết ăn chay ra khỏi linh hồn tôi. Mẹ lập cập ôm lùa chúng tôi ra khỏi đó. Chúng tôi sợ phát cuồng. Mẹ tức giận thật sự.

"Sao anh có thể thế được, anh Santosh? Chúng nó chỉ là trẻ con! Anh đã làm chúng sợ hãi đến hết đời!"

Giọng mẹ nóng giận và run rẩy. Tôi thấy cả nước mắt đọng trong mắt mẹ. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn.

"Gita, con chim nhỏ của anh, cũng là vì chúng mà thôi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Piscine thò tay qua chấn song chuồng hổ một ngày nào đó để vuốt ve bộ lông da cam đẹp đẽ kia? Thà mất con dê còn hơn, phải không nào?"

Giọng cha êm, gần như thì thầm. Trông cha rất căng thẳng. Cha chưa khi nào gọi mẹ là "con chim nhỏ của anh" trước mặt chúng tôi.

Anh em tôi quấn chặt lấy mẹ. Cha ôm lấy chúng tôi. Nhưng bài học chưa hết, mặc dù phần sau có vẻ nhẹ nhàng hơn.

Cha dẫn chúng tôi tới chỗ sư tử và báo.

"Có một người mất trí ở Australia có võ karate đến hắc đai. Hắn ta muốn chứng tỏ sức mạnh của mình với sư tử. Hắn thua. Thậm tệ. Người ta chỉ tìm thấy một nửa thi thể của hắn vào sáng hôm sau."

"Vâng, thưa cha."

Đến bọn gấu Hymalaya và gấu cu li.

"Chỉ một nhát cào của các con vật củ mỉ cù mì kia cũng đủ ruột gan các con lòi đầy mặt đất."

"Vâng, thưa cha."

Bọn hà mã.

"Với cái mõm mềm mại và mỡ màng kia, chúng sẽ nghiền nát thân thể các con thành một đống bầy nhầy. Lên cạn, chúng chạy còn nhanh hơn các con."

"Vâng, thưa cha."

Bọn linh cẩu.

"Những bộ hàm khoẻ nhất trong thiên nhiên. Đừng tưởng chúng hèn nhát hoặc chỉ biết ăn thịt chim chóc. Chúng không nhát và không ăn thịt chim! Chúng sẽ ăn ngay các con khi các con vẫn còn sống hẳn hoi."

"Vâng, thưa cha."

Bọn khỉ độc.

"Khỏe bằng mười người. Chúng bẻ xương các con như bẻ que. Cha biết vài con đã từng được nuôi chơi trong nhà và các con đã từng đùa rỡn với chúng khi chúng còn bé. Nhưng bây giờ chúng đã lớn, hoang dại và khó lường."

"Vâng, thưa cha."

Bọn đà điểu.

"Trông xơ xác và ngốc nghếch, phải không nào? Hãy nghe đây: chúng là một trong những loài vậy nguy hiểm nhất trong vườn thú. Chỉ một cú đá của chúng thôi là đủ bẻ gẫy xương sống xương sườn của con rồi."

"Vâng, thưa cha."

Bon hươu sao.

"Thật xinh đẹp, phải không nào? Nếu các con đực cảm thấy cần thiết, nó sẽ tấn công các con và những nhánh sừng ngắn ngủi kia sẽ xuyên thủng các con như dao găm vậy."

"Vâng, thưa cha."

Bọn lạc đà Arập.

"Một miếng đớp của nó thôi là các con đi toi mảng thịt xương rồi."

"Vâng, thưa cha."

Bọn thiên nga đen.

"Với những cái mỏ kia, chúng sẽ bổ vỡ sọ các con. Và sẽ bẻ chân tay các con bằng những đôi cánh của chúng."

"Vâng, thưa cha."

Bọn chim lau nhau.

"Chúng sẽ cắt đứt ngón tay của các con bằng mỏ nhọn như thể tay các con là bơ vậy."

"Vâng, thưa cha."

Lũ voi.

"Con vật nguy hiểm nhất tất cả. Trong vườn thú voi là con vật đã giết chết nhiều người làm và khách tham quan nhất. Một con voi non sẽ có thể xé rời chân tay và giày xéo thân thể các con thành bẹp gí. Đó là số phận của một người làm trong một vườn thú bên châu Âu, đã dám trèo vào chuồng voi qua một cửa sổ. Một con voi chín chắn hơn, bình tĩnh hơn, sẽ nghiền nát các con vào tường hoặc ngồi lên các con. Nghe thì buồn cười đấy - những hãy nghĩ mà xem!"

"Vâng, thưa cha."

"Còn nhiều các con chúng ta không thể đến được. Đừng tưởng chúng vô hại. Sinh vật nào cũng biết tự vệ, không kể to nhỏ. Con vật nào cũng dữ tợn và nguy hiểm cả. Nó có thể không giết chết các con, nhưng chắc chắn sẽ làm các con thương tổn. Nó sẽ cào cấu, cắn xé và các con chỉ việc đợi đó để bị nhiễm trùng, sưng tấy và đầy mủ, rồi thì sốt cao và mười ngày trong bệnh viện.

"Vâng, thưa cha."

Chúng tôi đến chỗ bọn chuột khoang, loài vật duy nhất bị cha tôi ra lệnh bỏ đói cùng với Mashisha. Chúng không được ăn bữa tối hôm trước. Cha mở khoá chuồng. Ông lấy ra một túi đồ ăn trong túi quần và dốc hết xuống sàn.

"Các con thấy những con chuột khoang này chứ?"

"Vâng, thưa cha."

Các chú chuột run rẩy vì mệt khi chúng hối hả gậm nhấm những hạt ngô.

"Này, này… cha cuối xuống bế một con lên tay. Chúng không nguy hiểm đâu." Đám chuột chảy tản ra ngay lập tức.

Cha cười. Ông đưa cho tôi con chuột khoang đang còn kêu lí nhí. Ông đã chuẩn bị cho bài học kết thúc một cách nhẹ nhàng.

Con chuột khoang căng thẳng nép mình trong cánh tay tôi. Một con còn non. Tôi bước đến chuồng và thận trọng đặt nó xuống sàn. Nó chạy vụt đến bên mẹ nó. Lí do duy nhất khiến những con chuột khoang này không gây nguy hiểm – nghĩa là không gây đổ máu bằng răng và móng của chúng – là chúng thực sự đã đựơc thuần hóa. Nếu không, túm một con chuột khoang hoang dã bằng đôi bàn tay trần sẽ giống như túm một con dao đằng lưỡi.

Bài học kết thúc. Ravi và tôi nín lặng và né tránh cha suốt một tuần. Mẹ cũng lờ cha đi. Khi tôi đi qua chỗ bọn tê giác, tôi tưởng tượng rằng chúng đang cúi đầu buồn bã vì đã mất một trong số những bạn bè thân thiết của chúng.

Nhưng biết làm sao được khi ta yêu quý cha? Cuộc sống cứ tiếp tục và ta đừng có mà chạm đến hổ. Chỉ trừ có chuyện là tôi đã trót đổ tội vu vơ cho anh Ravi sáng hôm đó và bây giờ thì coi như đã chết rồi. Trong nhiều năm sau, khi Ravi muốn khủng bố tôi, anh sẽ rít lên khe khẽ vào tận tai tôi, "Hãy cứ đợi cho đến khi chỉ còn mày với tao. Mày sẽ là con dê tiếp theo đấy!"

--------------------------------------

Chú thích

(1): Đồi Sọ, nguyên văn Gethsemane, (theo bản dịch Tân Ước của Phan Khôi) là tên quả đồi nơi Jesus ẩn trốn và cầu nguyện trước khi bị quân La Mã bắt.

(2): Chữ Latinh, nghĩa là con vật mang hình người

Chương 9

Cốt lõi của nghệ thuật và khoa học coi sóc vườn thú là làm sao cho động vật quen với sự có mặt của người. Mục đích chính là rút ngắn khoảng cách bỏ chạy của con vật, cái cự li tối thiểu mà nó dám để cho đối tượng có thể là kẻ thù đến gần. Một con hồng hạc ngoài hoang dã sẽ không để ý đến ta nếu ta ở cách xa nó ba trăm mét. Vượt quá giới hạn đó là nó sẽ căng thẳng ngay. Lại gần nó một chút là nó sẽ bay khỏi chỗ đó cho đến khi khoảng cách ba trăm mét kia lại được lặp lại hoặc bay thẳng cho đến lúc kiệt sức. Mỗi loài vật có khoảng cách bỏ chạy khác nhau và chúng ước lượng khoảng cách đó theo các cách khác nhau. Hổ báo thì nhìn, hươu nai thì nghe, gấu ngửi. Hươu cao cổ sẽ cho phép ta đến gần chúng khoảng ba mươi mét nếu ta đi bằng ôtô, nhưng nếu ta đi bộ thì khoảng một trăm năm mươi mét là chúng bắt đầu bỏ chạy. Những con cua một càng chỉ để ta đến gần chúng khoảng mười mét; khỉ bạc má sẽ nháo nhác trên cành khi có ai ở cách chúng hai mươi mét; loài trâu nước Châu Phi phản ứng ở cự li bảy mươi mét.

Phương tiện để ta rút ngắn khoảng cách bỏ chạy là những hiểu biết của ta về con vật, là thức ăn và nơi ẩn nấp mà ta cho nó, và những biện pháp bảo vệ khác mà ta có thể áp dụng. Khi thành công, kết quả là ta có một con vật hoang yên tâm và thoải mái không những sẽ ở yên mà còn khoẻ mạnh, sống lâu, ăn uống ngoan ngoãn, hành xử và giao đãi một cách tự nhiên và hay nhất nữa là bắt đầu sinh con đẻ cái. Tôi không dám so sánh vườn thú của chúng tôi với vườn thú ở San Diego hoặc Toronto hoặc Berlin hay Singapore nhưng cũng không thể không tự hào về một vườn thú như thế. Cha tôi đã vào nghề một cách tự nhiên, như thể ông sinh ra để làm việc đó. Thiếu đào tạo chính quy, nhưng bù lại, cha có năng khiếu bẩm sinh và mắt nhìn sắc sảo. Cha có tài chỉ cần nhìn một con vật là có thể đoán được nó đang nghĩ gì. Cha chăm sóc chúng tận tình, và đáp lại, chúng sinh con đẻ cái, có con hơi nhiều quá là đằng khác.

CHƯƠNG 10

Ấy thế mà vẫn có những con vật tìm đường tẩu thoát. Những con bị nhốt trong các chuồng trại không thích hợp với chúng là những ví dụ rõ hơn cả. Con vật nào cũng có những nhu cầu ăn ở phải được đáp ứng đúng. Nếu chuồng nuôi quá nắng hoặc quá ẩm ướt hoặc quá trống trải, nếu cành đậu quá cao hoặc quá lộ liễu, nếu nền sàn quá nhiều cát, nếu quá ít cành để có thể làm tổ, nếu máng ăn quá thấp, nếu có quá ít buồn để đầm mình – và còn biết bao nhiêu những cái nếu như thế nữa – con vật sẽ không ở yên được. Vấn đề không phải là xây dựng một bản sao cho tất cả các điều kiện tự nhiên ngoài hoang dã, mà là có được cái cốt lõi của điều kiện đó. Mọi thứ trong một khu chuồng phải vừa vặn mà thôi, nghĩa là trong vòng khả năng có thể thích ứng được của con vật. Khốn nạn cho những vườn thú nào mà chuồng trại không tốt! Chúng gây biết bao tai tiếng cho nghề này rồi.

Những con thú hoang bị bắt lúc đã trưởng thành là một ví dụ khác của các con thú có tâm lí bỏ trốn; thường thì chúng đã quá quen với những nếp riêng trong cuộc sống hoang và không còn khả năng thích ứng với môi trường mới.

Nhưng ngay cả các con vật sinh ra và lớn lên trong vườn thú, chưa bao giờ biết thế giới hoang dã, thích nghi hoàn toàn với chuồng trại của mình và không hề căng thẳng với sự có mặt của người, cũng sẽ có những giây phút phấn khích thúc giục chúng tìm cách đào thoát. Hết thảy các loài sống đều mang trong mình một phần tâm lí điên rồ khiến chúng hành xử lạ lùng và đôi khi không thể giải thích nổi. Nhưng cái phần điên rồ này cũng là cứu cánh; nó cũng chính là một phần không thể thiếu của khả năng thích ứng. Không có nó, chắng có giống loài nào có thể sinh tồn.

Cho dù có lí do muốn trốn là gì đi nữa, điên hay là không điên, những ai vốn chê bai vườn thú nên hiểu rằng thú vật không bỏ chạy đến một nơi nào đó, mà chỉ bỏ chạy khỏi cái gì đó. Có cái gì đấy trong lãnh thổ của chúng đã khiến chúng hoảng sợ - sự đột nhập của kẻ thù, sự tấn công của một con thú đầu đàn, một tiếng động lạ - và gây nên phản ứng trốn chạy. Con vật chạy trốn, hoặc cố chạy trốn. Tôi đã kinh ngạc đọc thấy ở vườn thú Toronto - một vườn thú rất tốt, phải nói ngay thế - những con báo hoa có thể nhảy dựng lên cao tới sáu thước. Chuồng báo hoa của chúng tôi ở Pondicherry có tường ngăn phía sau cao hơn năm thước; tôi đồ rằng Rosie và Copycat đã không nhảy qua tường không phải vì chúng không thể mà vì chúng không muốn mà thôi. Thú vật bỏ trốn từ chỗ quen thuộc ra chỗ lạ - và nếu có một thứ mà loài vật ghét nhất, thì đó là cái lạ lẫm. Những con thú bỏ trốn thường ẩn náu ngay ở chỗ đầu tiên mà nó cảm thấy an toàn, và chúng chỉ nguy hiểm đối với những ai tình cờ xen vào giữa chúng và nơi chúng nghĩ là an toàn đó.

Chương 11

Hãy xem trường hợp hai con báo đen cái đã trốn khỏi vườn thú Zurich hồi mùa đông 1933. Nó là con báo mới ở vườn và dường như đã quấn quýt với con báo đực ở đó. Nhưng các vết thương do bị cào cấu đã cho thấy có sự bất hoà trong gia đình. Trước khi người ta quyết định nên phải làm gì thì con báo đã chui tọt qua một kẽ hở trên trần rào và biến mất trong đêm. Dân chúng Zurich hoảng hốt khi nghe tin một con thú dữ đang lẩn quất trong thành phố. Người ta đặt bẫy, thả chó săn. Và chỉ bắt được vài chú chó lạc. Con báo biệt tăm trong mười tuần lễ liền. Cuối cùng, một người lao công tình cờ bắt gặp nó trong một nhà chứa thóc cách thành phố hai mươi lăm dặm và dùng súng bắn chết nó. Người ta thấy xương xẩu của con hươu sao gần chỗ con báo nấp. Hiện tượng một con báo đen nhiệt đới như vậy có thể sống sót trong hơn hai tháng trời giữa mùa băng tuyết Thụy Sỹ mà không ai nhìn thấy, chứ đừng nói đến chuyện nó tấn công ai, đã cho thấy rõ ràng một sự thật là thú vật trốn khỏi các vườn thú không phải là các con vật nguy hiểm có đầu óc tội phạm mà chỉ đơn giản là những sinh linh hoang dã muốn tìm kiếm một nơi thích ứng mà thôi.

Đó chỉ là một trong muôn vàn vụ việc tương tự. Nếu ta dốc ngược thành phố Tokyo và lắc nó như đổ rác, ta sẽ phải kinh ngạc vì số lượng các thú vật sẽ rơi ra. Nó sẽ dốc ra không phải chỉ có chó với mèo đâu, tôi cam đoan thế. Trăn, rồng Khôngmodo, cá sấu, cá răng hổ, đà điểu, chó sói, cáo, gấu cây, nhím, khỉ độc, lợn lòi… sẽ rơi như mưa xuống đầu ta. Thế mà họ lại mong tìm thấy. Ha! Giữa rừng rậm nhiệt đới Mexico, thử tưởng tượng xem! Ôi chao! Ha! Ha! Buồn cười thật! Buồn cười quá! Họ nghĩ gì cơ chứ?

CHƯƠNG 12

Đôi khi anh đột nhiên phấn khích. Không phải vì tôi đã nói gì (tôi nói rất ít). Chính câu chuyện của anh khiến anh phấn khích như vậy. Kí ức là một đại dương và anh bập bềnh trên mặt nước. Tôi lo có thể anh sẽ không muốn kể nữa. Nhưng anh muốn tôi nghe hết câu chuyện của anh. Anh tiếp tục. Sau bao nhiêu năm rồi, Richard Parker vẫn còn ám ảnh tâm trí anh.

Anh là người ngọt ngào. Lần nào tôi đến, anh cũng sửa soạn một bữa tiệc chay kiểu miền Nam. Tôi bảo anh tôi thích các món ăn cay. Không hiểu tại sao tôi lại nói một câu ngu ngốc đến thế. Mà đó thật sự là một câu nói dối. Tôi phải thêm sữa chua hết muỗng này đến muỗn khác, mà chẳng hết cay. Lần nào cũng vậy: dịch vị tôi khô kiệt, da lựng lên như củ cải đỏ, nước mắt tôi giàn giụa, đầu quay như thể một con trăn vừa nuốt chửng phải một cái máy cắt cỏ.

CHƯƠNG 13

Ta thấy đấy, nếu ta ngã vào một chuồng nhốt sư tử, cái lí do để một con sư tử sẽ xé xác ta không phải là vì nó đói - vườn thú luôn cho chúng ăn thừa mứa – cũng không phải vì nó là đồ khát máu, mà chỉ vì ta đã xâm phạm lãnh thổ của nó.

Cũng chính vì thế mà người dạy hổ trong rạp xiếc luôn luôn phải vào trong vòng diễn trước, và phải để cho bầy sư tử nhìn thấy hẳn hoi. Làm như vậy, anh ta khẳng định rằng cái vòng diễn ấy là lãnh thổ của anh ta, không phải của chúng, một sự khẳng định được củng cố liên tục bằng những tiếng quát tháo, dậm chân, và quất roi đen đét. Bọn sư tử bị ấn tượng mạnh. Thế yếu đè nặng lên chúng. Cứ để ý mà xem, khi chúng vào vòng diễn, đường đường là "vua của muôn loài", sức dài vai rộng là thế, mà len lét cụp đuôi bò vào vòng diễn mà cứ dúi và mép vòng, không nơi ẩn náu. Chúng đang phải trình diện trước một con đực đầy thế áp đảo, một con đực siêu quần, và chúng phải phục tòng những nghi thức của con đực ấy. Thế là chúng há miệng cho to, ngồi cho thẳng, nhảy cho lọt vào các vòng tròn phất giấy, bò cho qua những ống, đi giật lùi cho khéo, lăn dưới sàn cho giỏi. "Thật là một tay kỳ lạ," chúng lờ mờ suy nghĩ. "Chưa thấy một sư tử đầu đàn nào như tay này. Nhưng hắn thật kỳ vĩ. Túi thức ăn bao giờ cũng đầy và - cứ nói thật đi các cậu – các trò tinh quái của hắn cũng khiến chúng ta bận rộn đấy chứ. Chí ít thì chúng ta cũng không phải đi xe đạp như bọn gấu dở hơi hoặc đón bắt những cái đĩa bay như bọn khỉ độc."

Chỉ có điều người dạy hổ lúc nào cũng phải duy trì địa vị độc tôn của mình. Giá phải trả sẽ rất đắt nếu anh ta vô tình để mình tụt xuống hàng thứ hai. Nhiều hành vi thù địch và hung dữ của thú vật chỉ là biểu hiện của tâm lý xã hội không an toàn. Con thú trước mặt ta phải biết rõ nó đứng ở đâu, bên trên hay bên dưới ta. Địa vị xã hội là trung tâm điều khiển cuộc sống của nó. Chỗ đứng quyết định nó có thể giao tiếp với ai và như thế nào, lúc nào và chỗ nào có thể uống nước, vân vân và vân vân. Khi nó chưa biết rõ địa vị xã hội của mình, con thú sống một cuộc đời vô chính phủ không thể chịu nổi. Nó lo lắng, sợ sệt, cáu bẳn và nguy hiểm. Ngay cho người dạy thú ở một điểm là đối với các loài thú bậc cao, địa vị xã hội không phải lúc nào cũng được xác định bởi sức mạnh hung dữ của chúng. Tác giả Hegiger (1950) viết, "Khi hai con thú gặp nhau, con nào có thể đe dọa được đối thủ sẽ được công nhận có địa vị cao hơn, và điều này không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào một cuộc đánh nhau; có nhiều khi chỉ cần một cuộc đối mặt là đủ." Thật là những lời của người nghiên cứu thú vật, thông thái. Ông Hediger làm giám đốc vườn thú trong nhiều năm, đầu tiên là vườn thú Basel rồi sau đó là vườn thú Zurich. Ông là một người thông thạo lối sống của thú vật.

Đó là vấn đề đầu óc cao hơn bắp thịt. Bản chất ưu thế của người dạy thú là ở tâm lý. Khung cảnh lạ lẫm, dáng dấp thẳng thắn của anh ta, thái độ bình thản, cái nhìn thẳng thắn và tập trung, những bước chân quả quyết, những tiếng thét kỳ lạ (ví dụ tiếng roi quất và tiếng còi thổi) – đó là những yếu tố ào ạt tác động vào tâm lý con thú khiến cho nó phải nghi ngại, sợ hãi, khiến cho nó thấy rõ nó đứng ở đâu, là điều mà nó khao khát muốn biết nhất. Biết thế rồi, số Hai sẽ lùi bước và số Một sẽ quay ra phía khán giả và lên tiếng, "Chúng tôi xin bắt đầu buổi diễn! Và bây giờ, thưa quý ông quý bà, qua những vòng lửa thật kia…"

CHƯƠNG 14

Một điều thú vị là con sư tử dễ bảo nhất trong vòng diễn là con có địa vị xã hội thấp nhất trong bầy, là con hạng bét, xếp vào hàng cuối, omega (1). Chỉ có nó là được lợi nhiều nhất trong việc cung cúc thân thiện với người dạy thống soái. Không phải chỉ những phần thưởng thêm nếm. Một quan hệ thân cận còn mang lại cho nó sự bênh vực chống lại các thành viên khác trong bầy. Chính cái con thú thứ bét ngoan ngoãn này, trong mắt công chúng, cũng to lớn và hung dữ như các con khác trong bầy, sẽ là ngôi sao của buổi diễn, trong khi người dạy thú để mặc các con thú thứ nhì và thứ ba trong bầy ngồi chầu rìa xung quanh.

Điều đó cũng đúng với tất cả các loài thú làm xiếc và cũng đúng với tình trạng trong các vườn thú. Những con thú thấp hèn nhất về mặt xã hội là những con cố gắng chịu khó nhất để làm thân với những người coi sóc nó. Chúng đã chứng tỏ là những con thú trung thành nhất, cần đến họ nhất, ít thách thức nhất và ít lằng nhằng nhất. Hiện tượng này đã được người ta ghi nhận đối với những loài hổ báo, bò rừng, hươu, cừu hoang, khỉ vượn và nhiều loài khác nữa. Đó là một thực tế ai cũng biết trong nghề vườn thú.

Chú thích:

(1) Omega (Ω) - chữ cái thứ 24 và là cuối cùng trong bảng chữ cái Hy Lạp; cũng có nghĩa là "kết thúc", "cuối cùng". Alpha - (α) - là chữ cái đầu tiên và hay được dùng với nghĩa "khởi đầu", "đứng đầu". (ND)

CHƯƠNG 15

Nhà anh là một ngôi đền. Trong lối vào nhà treo một bức hình Ganesha, người đàn ông đầu voi đóng khung. Ồng thần ngồi ngoảnh mặt ra, màu sắc hồng hào, bụng phệ, đội mũ miện và mỉm cười, ba bàn tay cầm các vật khác nhau, bàn tay thứ tư mở lòng ra trong dáng điệu ban phước và chào mừng. Ông là vị thần khắc phục các trở ngại, mang lại may mắn, trí tuệ, và coi sóc việc học hành. Thân thiện và dễ gần vào bậc nhất. Ông thần khiến tôi mỉm cười. Một con chuột ngồi chầu dưới chân ông. Cái xe của ông đấy. Vì khi thần Ganesha đi đâu, ông cưỡi chuột. Trên bức tường đối diện với bức hình này có treo một cây thánh giá bằng gỗ giản dị.

Trong phòng khách, trên bàn cạnh cái sôpha, có một khung nhỏ lồng ảnh Đức mẹ Đồng trinh Mary vùng Guadalupe, hoa lá tràn ra từ tà áo mở của người. Bên cạnh là một khung khác lồng ảnh thánh Kaaba choàng áo chùng đen, trang phục thiêng liêng nhất của đạo Hồi, với hàng ngàn tín đồ vây quanh như những vòng nước xoáy. Trên mặt cái tivi là một bức tượng đồng vàng thần Shiva trong hóa thân của Nataraja, chúa tể của các vũ điệu, người điều khiển mọi dịch chuyển của vũ trụ và dòng chảy của thời gian. Vị thần đang nhảy múa trên lưng con quỷ ngu dốt, bốn cánh tay đưa ra theo tư thế múa, một bàn chân trên lưng con quỷ, chân kia giơ lên trong không trung. Người ta nói khi Nataraja đặt cái chân ấy xuống, thời gian sẽ ngừng trôi.

Trong bếp có một cái miếu đặt bên trong một cái chạn. Cửa của cái chạn này đã được thay bằng một cái khung vòm chạm trổ. Cái khung vòm có dấu một bóng đèn vàng cứ đến tối thì thắp lên để soi sáng cái miếu. Hai bức hình ở đằng sau một cái ban thờ nhỏ: một bên lại là Ganesha, còn ở giữa, trong cái khung lớn hơn, là hình thần Krishma, mỉm cười, da mầu xanh trời, đang thổi sáo. Cải hai bức hình đều có những vệt màu bột đỏ và vàng bôi trên mặt kính, chỗ trán của hai vị thần. Trong cái đĩa đồng nhỏ trên ban thờ là ba hình tượng bằng bạc nhỏ xíu. Anh lấy ngón tay chỉ cho tôi biết mỗi hình tượng này là đại diện cho ai: thần Lakshmi này, Shakti, nữ thần sinh ra các thần, trong hoá thân của Parvati; và Krisma, lần này trong hóa thân của một đứa bé nghịch ngợm đang bò lổm ngổm. Lẫn trong các vị thần ấy là một hình tượng dương vật Shiva bằng đá, trông như nữa trái vú sữa với một mầm dương vật lồi lên ở chính giữa, biểu tượng Hindu của sức sống đực cái trong vũ trụ. Cạnh cái đĩa, phía bên này là một vỏ ốc gắn trên một cái đế, phía bên kia là một cái chuông lắc tay nhỏ bằng bạc. Rơi vãi xung quanh đầy những hạt gạo, và một đóa hoa vừa bắt đầu tàn. Những đồ vật này phần lớn được xức dầu thơm và có các dầu chấm màu vàng và đỏ.

Trên cái đợt ở phía dưới là nhiều đồ cúng khác nhau: một bình thuỷ đầy nước, một cái thìa đồng đỏ, cái đèn có bấc cuộn ngâm trong dầu, các bó nhang, và những cái bát nhỏ đựng đầy bột đỏ, bột vàng, gạo và đường cục.

Có một Đức Mẹ Đồng trinh Mary nữa trong phòng ăn.

Trên gác, trong phòng làm việc, có một Ganesha nữa bằng đồng vàng ngồi xếp bằng cạnh máy vi tính, một đấng Christ trên thập tự giá bằng gỗ từ Brazil mang về treo trên tường, và một cái thảm để ngồi cầu nguyện màu xanh lá cây ở góc phòng. Đấng Christ trông rất sinh động. Người đang chịu đau khổ. Cái thảm cầu nguyện nằm ở chỗ của nó rất rõ ràng riêng biệt. Bên cạnh nó, trên một giá sách thấp, là một cuốn sách có phủ vải. Chính giữa tấm vải ấy là một từ Arập duy nhất, thêu rất tinh tế, gồm bốn chữ: một chữ aliph, hai chữ lams và một chữ ha. Đó là từ Thượng Đế trong ngôn ngữ Arập.

Cuốn sách trên cái bàn cạnh giường là một cuốn Thánh kinh Cơ đốc.

Chương 16

Tất cả chúng ta sinh ra đều là những người Thiên Chúa giáo cả, có phải không nhỉ? Nghĩa là đều còn trong cõi mờ mịt không tín ngưỡng, cho tới khi một nhân vật nào đó dẫn dắt chúng ta đến với Thượng đế. Sau cuộc gặp gỡ đó, phần lớn chúng ta không còn thắc mắc về Thượng đế nữa. Nếu có thay đổi, thì thường xảy ra với những người ít thắc mắc về chuyện đó mà thôi. Cuốn theo dòng đời, càng ít nghĩ càng dễ quên mất Thượng đế. Nhưng tôi không rơi vào trường hợp này. Nhân vật đưa tôi đến với thượng đế lần đầu tiên trong đời là người chị em của mẹ tôi, người đã mang tôi đến một ngôi đền khi tôi còn bé tí. Bác Rohini rất sung sướng được gặp gỡ đứa cháu mới ra đời và bác nghĩ rằng Đức Thánh mẫu cũng phải đựơc chia sẻ nỗi sung sướng ấy. "Sẽ là chuyến du hành tượng trưng đầu tiên của nó," bác nói. Quả thật vậy! Chúng tôi lúc ấy đang ở vùng Madurai. Chuyến xe lửa kéo dài bảy tiếng đồng hồ đầu tiên trong đời tôi. Có xá gì. Đó là nghi lễ vào đời theo tín ngưỡng Hinđu của tôi. Mẹ bế tôi trên tay. Bác Rohini dìu mẹ đi. Kí ức tôi không thể ghi nhớ rõ chuyến đi vòng quanh trong ngôi đền đó, nhưng một chút hương nhang, một vài tia sáng và bóng tối, một vài ánh lửa, những vệt màu vụt lóe lên, một cái gì đó thâm trầm và bí ẩn của ngôi đền chắn đã đọng lại trong tôi. Một hạt giống của niềm hoan lạc tín ngưỡng, chưa bằng một hạt cải, đã được gieo vào và nẩy mầm trong tôi. Nó đã không ngừng lớn lên từ ngày ấy.

Tôi là một tín đồ Hinđu bởi những thỏi nhang hình côn nặn bằng bột kumkum màu đỏ và những giỏ trầm vàng, bởi những vòng hoa kết và những mẩu cùi dừa, bởi tiếng chuông ngân dài dọn bước chân người đến với Thượng đế, bởi những âm thanh khắc khoải của cây sáo sậy nadaswaram và tiếng trống đổ dồn, bởi tiếng chân trần bước trên sàn đá những hành lang tối có những tia sáng mặt trời xuyên nghiêng huyền ảo, bởi hương thơm của nhang, bởi lưỡi lửa của các cây đèn arati chập chờn trong bóng tối, bởi những khúc ca bhajan cất lên ngọt ngào làm vậy, bởi bầy voi đứng chầu quanh đền đợi ban phước lành, bởi những bức tranh tường kể bao câu chuyện lung linh, bởi những vầng trán mang trên chúng những ký hiệu khác nhau của chỉ một từ - niềm tin. Tôi trở nên trung thành với những ấn tượng cảm xúc đó trước cả khi hiểu lí do và ý nghĩa của chúng. Chính là cõi lòng tôi đã xui khiến tôi như thế. Tôi cảm thấy như ở tại nhà mình trong một ngôi đền Hinđu. Tôi ý thức được sự hiện diện, không phải như khi ta cảm thấy có ai bên cạnh, mà một cái gì đó lớn lao hơn nhiều. Cho đến nay, tim tôi vẫn thót lại mỗi khi tôi bắt gặp dấu hiệu hiện diện của Thượng đế trong nội cung thiêng liêng của một ngôi đền. Sự thực là tôi đang ở trong bào thai của vũ trụ linh diệu, nơi sinh ra muôn vật, và đang ân hưởng cái may mắn được ngắm nhìn bản thể sinh động của chúng. Hai tay tôi tự nhiên tìm đến nhau trong tư thế nguyện cầu thành tín. Tôi khao khát lộc thánh prasad, món cúng dường ngọt ngào lên Thượng đế và được hóa lộc cho chúng ta như một món ân hưởng thánh thiện. Lòng bàn tay tôi cần được cảm thấy sức nóng của ngọn lửa thiêng liêng, ân sủng của nó tôi xin đem lên cặp mắt và vầng tráng của mình.

Nhưng tôn giáo lớn lao hơn nhiều các nghi lễ đó. Nó là cái mà nghi lễ muốn biểu đạt. Trong chuyện này tôi cũng là một người Hinđu. Vũ trụ có nghĩa lí trong cách nhìn Hinđu của tôi. Có Brahman, linh hồn của thế giới, cái khung muôn đời trên đó giải lụa sinh tồn được dệt nên muôn hình vạn trạng, với tất cả những điểm trang không gian và thời gian của nó. Rồi có Brahman nirguna, vô tính chất, nằm ngoài tầm biết, không thể mô tả, không thể với tới; với những con chữ nghèo nàn chúng ta đành chỉ biết khâu một bộ quần áo cho nó gọi là Thái cực, là Chân lý, là Cõi một, là Ý niệm tuyệt đối, là Thực tế cuối cùng… Và cố mặc vừa cho nó, nhưng Brahman nirgura luôn luôn làm bục chỉ những bộ quần áo đó của chúng ta. Chúng ta chẳng biết nói gì nữa. Nhưng rồi lại còn có Brahman saguna, có tính chất, và mặc vừa bộ quần áo. Thế là chúng ta gọi là Shiva, Krishna, Shaki, Ganesha; ta có thể tiếp cận nó với chút hiểu biết; ta có thể phân biệt những thuộc tính của nó – yêu thương, xót xa, sợ hãi – và ta cảm thấy được sức hút dịu dàng của quan hệ. Brahman saguna là Brahman được hiển hiện ra cho những giác quan hạn hẹp của ta, là Brahman đựơc biểu hiện không phải qua thần linh mà là qua người, thú vật, cây cỏ, thậm chí qua cả một dúm đất, vì bất kỳ cái gì cũng có một vệt thánh ở trong nó. Sự thực là Brahman chẳng khác gì Atman, cái sức mạnh tinh thần bên trong ta, cái mà ta có thể gọi là linh hồn. Linh hồn cá thể chạm tới linh hồn thế giới cũng như một cái giếng thông mạch với tầng nước ngầm của nó. Cái có thể duy trì vũ trụ bên ngoài ý nghĩ và lời nói, và cái nằm bên trong cốt lõi của chúng ta và luôn gắng gỏi để tự biểu hiện, chỉ là một mà thôi. Cái nhất định bên trong cái vô cùng, cái vô cùng bên trong cái nhất định. Nếu hỏi ta Brahman và Atman quan hệ với nhau chính xác là như thế nào, ta sẽ nói rằng cũng như cách mà ngôi Cha, Con và Thánh thần quan hệ với nhau, nghĩa là một cách thần bí. Những có một điều rõ rệt: Atman tìm cách để thực hiện Brahman, để được nhập một với cái Tuyệt đối, và nó du hành trong đời sống như một cuộc hành hương trong đó nó sinh ra rồi chết đi, lại sinh ra rồi chết đi nữa, cứ như thế, như thế mãi, cho đến khi nó trút bỏ được các các lớp vỏ bọc đã cầm tù nó. Con đường đi đến giải phóng của mỗi chúng ta được giàu thêm hoặc nghèo đi bằng chính những hành động của chúng ta.

Đó, một cách ngắn gọn, là tư tưởng Hinđu, và tôi đã là một người Hinđu suốt cả cuộc đời. Với những ý niệm xác tín Hinđu tôi nhận biết được chỗ của mình trong vũ trụ.

Nhưng chúng ta chẳng nên bám chặt lấy bất cứ một thứ gì! Khốn nạn thay cho những kẻ cực đoan và những ai kệ kinh nhãng nghĩa! Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện về thần Krishna khi ngài còn là một chàng trai chăn bò. Đêm nào chàng cũng mời các cô gái đến nhảy múa với mình ở trong rừng. Họ đến và họ nhảy múa. Đêm tối, ngọn lửa ở giữa họ bùng lên dữ dội, nhạc đệm ngày một nhanh – các cô gái múa và múa và múa với vị chúa tể ngọt ngào của họ, người đã phân thân không mệt mỏi để có thể nằm trong vòng tay tất cả các cô gái. Nhưng khi các cô bắt đầu trở nên ghen tuông, khi mà ai cũng tưởng rằng Krishna là bạn nhảy chỉ của riêng mình, chàng liền biến đi. Cho nên ta không nên đem lòng ghen tị với Thượng đế.

Tôi có quen một người đàn bà ở Toronto này, rất thân thiết với tôi. Bà là mẹ nuôi của tôi. Tôi gọi bà là Auntieji (1) và bà thích thế. Bà là người vùng Quebec. Mặc dù đã sống ở Toronto hơn ba mươi năm, tâm trí nói tiếng Pháp của bà thỉnh thoảng vẫn xen vào cách bà nghe và nhận biết các âm thanh tiếng Anh. Cho nên, khi lần đầu nghe cái danh hiệu Hare Krishnas, bà nghe không ra. Bà nghe thành "Hairless Christians", và cứ đinh ninh như thế trong nhiều năm(2). Khi tôi cải chính điều đó, tôi nói với bà rằng thực ra bà cũng chẳng nhầm lẫn gì nhiều; rằng những người Hinđu, với khả năng yêu thương của họ, thực tế cũng là những người Cơ đốc giáo không có lông thật, cũng như những người Hồi giáo trong cái cách họ thấy Thượng đế trong mọi vật, chỉ là những người Hinđu có râu rậm, còn những người Cơ đốc giáo, trong tinh thần hiến dâng mình cho Thượng đế của họ thì cũng là những người Hồi giáo có thói quen đội mũ mà thôi.

-------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Auntieji: nghĩ là cô/ bác thân yêu

(2) Hare Krishna: một giáo phái dựa trên kinh Vệ Đà ở Mỹ năm 1966. Tín đồ giáo phái này có tập quán ca ngợi thần Krishna. Bà cụ nghe thành Hairless Chirstian, nghĩa là người Cơ đốc giáo không có lông. Đoạn văn này giới thiệu quan điểm tôn giáo rất tự do của Pi Patel, chuẩn bị cho các câu chuyện tiếp theo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: