Cuộc Chiến Việt-Trung 1979 P.4

Nguồn : lycafetanvo

Dùng đại quân trực tiếp xâm lược từ phía Bắc

Giai đoạn chuẩn bị:

Từ tháng 10 năm 1978 cho đến 15 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc cho quân báo, thám báo, trinh sát, và cả một số điệp viên Hoa Nam Cục dò thám và thực hiện nhiều cuộc tấn công thăm dò vào các vị trí phòng thủ của Việt Nam nơi biên ải, với mục đích thu thập thông tin (địa hình, trận thế, chiến hào, công sự phòng ngự, địa điểm đóng quân, hệ thống phòng thủ, vũ khí, khí cụ, kỹ năng tác chiến cá nhân, sức chiến đấu tập thể của lực lượng biên phòng VN), đe dọa tâm lý và tinh thần quân lính Việt Nam, và đánh lạc hướng khỏi mục tiêu chính của chiến dịch sắp tới.

Những cuộc tấn công nhỏ, lẻ này tăng dần về quy mô và tần số khi lực lượng Trung Quốc tập trung tại biên giới ngày càng đông. Trung Quốc cắt đứt tuyến đường sắt Hữu Nghị nối liền hai nước vào ngày 22 tháng 12 năm 1978. Đến cuối tháng 1 năm 1979, gần 20 sư đoàn chính quy Trung Quốc (trên dưới 25 vạn quân), đã tập trung gần biên giới giáp ranh Việt Nam. Hơn 700 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom - 1/5 lực lượng không quân Trung Quốc - đã được đưa đến các sân bay gần biên giới, phối hợp với các lực lượng lục quân, chuẩn bị một chiến dịch tấn công tổng lực, đại quy mô, xâm lược trực diện, xâm lược toàn diện. Các động thái leo thang này của Trung Quốc đã bị Việt Nam - với tư cách là 1 thành viên trong Liên Hiệp Quốc - lên án quyết liệt tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 11 tháng 2 năm 1979.

Ngày 7 tháng 2, Bắc Kinh đưa ra thông cáo chính thức của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phản đối việc quân đội Việt Nam tiến đánh Khmer Đỏ và đề nghị quốc tế "dùng mọi biện pháp có thể để chấm dứt cuộc xâm lược dã man này". Về mặt ngoại giao, sau khi bang giao với Hoa Kỳ từ tháng 12 năm 1978, trong chuyến thăm Washington từ 28 đến 30 tháng 1, Đặng Tiểu Bình nhận được sự ủng hộ cần thiết của đồng minh mới Hoa Kỳ trong kế hoạch tấn công Việt Nam.

Ngày 15 tháng 2 năm 1979, nhân dịp 29 năm hiệp ước Trung - Xô về vấn đề Mông Cổ và thời điểm kết thúc chính thức Hiệp ước hợp tác Trung - Xô, Các Đại biểu Nhân dân (Quốc hội) Trung Quốc tuyên bố chiến tranh với Việt Nam. Để cảnh cáo Liên Xô và cũng nhằm đề phòng bị Liên Xô thừa cơ xâm phạm biên giới, Trung Quốc đặt toàn bộ quân đội đóng dọc biên giới Trung - Xô vào tình trạng báo động, đồng thời thiết lập một sở chỉ huy quân đội mới ở Tân Cương và di tản trên dưới 300.000 dân khỏi vùng biên giới giáp Liên Xô.

Để đối phó lại việc Trung Quốc tập trung đại quân và vũ khí hạng nặng tại biên giới, cũng như việc các cuộc đột kích vũ trang ngày càng gia tăng, Việt Nam tiến hành chuẩn bị công cuộc phòng thủ, chuẩn bị các vị trí phòng ngự, làm công tác tư tưởng chuẩn bị tinh thần cho chiến sĩ, đồng bào, sẵn sàng một khi chiến tranh xảy ra. Một số đơn vị quân đội ở miền Nam VN được lệnh chuẩn bị ra Bắc. Một số đơn vị quân đội đang ở Campuchia được lệnh chuẩn bị tinh thần để khi có lệnh thì lập tức quay về bảo vệ đất nước.

Do nhiều đơn vị chủ lực đều kẹt ở xa, quân đội chủ lực vẫn đang ở Campuchia đối phó với lực lượng tàn dư du kích Khmer Đỏ. Các lực lượng chủ lực ở miền Nam Việt Nam thì có đơn vị chưa xuất phát, có đơn vị chỉ đang trên đường Bắc tiến, nên lực lượng Việt Nam đương đầu với những cuộc tấn công đầu tiên của Trung Quốc chủ yếu là dân quân, tự vệ, tân binh, nữ binh, bạch đầu quân (lão binh), du kích địa phương, công an xung phong, lính biên phòng, và bộ đội địa phương.

Từ vài tháng trước khi chiến tranh nổ ra, Việt Nam đã lường trước và có những sự chuẩn bị, cảnh giác đáng kể, do đó đã tiến hành huấn luyện và trang bị vũ khí hạng nhẹ cho dân quân - tự vệ, dân phòng, lực lượng du kích xã ở các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, do bị thiếu quân, lại không ngờ Trung Quốc lại tấn công tổng lực bằng đại quân hùng hậu với lực lượng lớn như thế, với số lượng quân sĩ như thế, với tầm mức như thế, nên Việt Nam chỉ có một số đơn vị quân chủ lực tham gia chiến trận, nhất là các đơn vị phòng thủ Lạng Sơn, nhưng ngay cả tại đây, lực lượng chủ yếu vẫn là dân quân tự vệ và quân địa phương. Việt Nam giữ 5 sư đoàn chủ lực ở tuyến sau, phòng tuyến thứ hai, án ngữ đề phòng Trung Quốc tiến sâu về đồng bằng, hình thành một lớp phòng ngự đầu tiên bảo vệ thủ đô.

Giai đoạn 1:

5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, lực lượng Trung Quốc khoảng 12 vạn quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo binh, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Cánh phía Đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn.

Có hai hướng tiến song song, hướng thứ nhất do Quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn, hướng thứ hai do Quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê.

Ngoài ra còn có Quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái. Cánh phía Tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự, có 3 hướng tiến công chính: Hướng thứ nhất do các Quân đoàn 13A và 11A dẫn đầu đánh từ vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của Quân đoàn 14A dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu.

Trung Quốc tấn công vào tổng cộng 26 địa điểm của Việt Nam, những khu vực bị tấn công dữ dội nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái. Tất cả các hướng tấn công đều có hàng hàng lớp lớp xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân Trung Quốc vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có "lực lượng thứ 5" gồm một bộ phận Hoa kiều và người Việt gốc Hoa cài cắm từ lâu trên đất Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có nhiều người Hoa, người gốc Hoa, người Minh Hương đứng về phía VN, chống lại bọn gây chiến xâm lược Bắc Kinh và chủ nghĩa bá quyền.

Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "lực lượng thứ 5" lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo. Cuộc chiến tranh xâm lược này đã được hoạch định chu đáo và tỉ mỉ. Trung Quốc muốn đem 5000 năm truyền thống văn hóa vào cuộc chiến, đem từ Tôn Tử binh pháp của Tôn Vũ, Long Trung quyết sách của Khổng Minh, Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Luận trì cửu chiến của Mao Trạch Đông, đến những kinh nghiệm, bài học xương máu trong Chiến tranh Trung - Nhật, Nội chiến Trung Quốc và Chiến tranh Triều Tiên vào cuộc chiến, đem kinh nghiệm từ 5000 năm lịch sử vào trong cuộc chiến.

Hùng hổ, hung hãn xua quân tấn công khắp nơi, kéo quân đánh mạnh vào những trọng điểm phòng ngự, thế tiến quân như chẻ tre trong thời gian đầu, nhưng quân Tàu nhanh chóng bị hụt hẫng và phải chững lại, phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình, phong thổ, khí hậu. Họ gặp khó khăn vì địa lý rừng núi hiểm trở của Việt Nam, và chịu nhiều bệnh tật từ thiên nhiên, vi khuẩn, điều mà hơn 30 vạn quân Pháp và gần 60 vạn quân Mỹ đã nếm trải cách đây không lâu. Và hệ thống hậu cần lạc hậu của họ càng làm cho địa lý hiểm trợ, kiên cố, thiên nhiên ưu đãi của VN càng phát huy tác dụng.

Hệ thống phòng thủ của Việt Nam dọc theo biên giới rất mạnh, với các hầm hào, hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ. Kết quả là Trung Quốc phải chịu thương vong lớn. Trong ngày đầu của cuộc chiến, chiến thuật dùng biển lửa (hỏa hải), biển người (nhân hải), và "tiền pháo hậu xung" của giặc đã gây không ít khó khăn cho ta, họ tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 10 dặm và cướp phá một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở Tây Bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị, Thông Nông ở Đông Bắc. Quân Trung Quốc cũng đã vượt sông Hồng và đánh mạnh về phía Lào Cai.

Việt Nam dùng chiến thuật phòng ngự mềm dẻo, đánh tiêu hao, từng bước làm hao mòn sinh lực giặc, "cong nhưng không gãy" (bend but don't break defense), phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh du kích và hiệu quả chiến tranh nhân dân, tận dụng địa thế hiểm trở, ưu thế về địa lợi, nhân hòa, phong thổ khắc nghiệt với quân thù, mà thường xuyên tổ chức mai phục, đặt phục binh phục kích, đánh lén, đánh úp, đánh tập hậu, tận dụng yếu tố bất ngờ, thoạt ẩn thoạt hiện v.v. Có nơi vừa đánh vừa lui chiến thuật, nhử địch vào sâu, vào hiểm địa. Có nơi giữ được chút nào hay chút nấy, cố gắng tiêu diệt sinh lực địch.

Từng bước dụ địch vào sâu, câu giờ, hoãn binh, chờ các đơn vị chủ lực từ phía Nam quay về trợ chiến, cùng nhau tung một mẻ lưới, phá giặc trong một trận quyết chiến chiến lược lớn và thừa thế mở rộng tổng phản công, truy quét địch, với sức của 5 sư đoàn hàng rào sẽ đổi vai trò từ thủ sang công, và với khí thế và sức mạnh của các đơn vị chính quy từ phía Nam, sẽ phá tan giặc và đuổi giặc về nước. Đó là chiến lược cơ bản của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc cũng "đáo để", trong chiến cuộc họ đã nảy sinh nghi ngờ nên họ liên tục tuyên truyền rằng đây là cuộc chiến tranh giới hạn, chừa cho mình một con đường lui, chừa một cái thang để leo xuống, và khi "đánh hơi" thấy gì không đúng thì sẽ rút lui ngay.

Trong hai ngày 18 và 19 tháng 2, chiến sự lan rộng hơn. Quân ta kháng cự anh dũng và với tinh thần chiến đấu cao độ. Quân giặc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và tiến vào Mường Khương, Trùng Khánh, và Đồng Đăng. Tại Móng Cái, ta và địch giành giật dai dẳng. Ít nhất 4.000 lính Trung Quốc bỏ xác trong hai ngày đầu này. Sau hai ngày chiến tranh, quân cướp nước đã vào được 11 làng mạc và thị trấn sau khi bị chống trả ác liệt, nhưng họ cũng không thể sử dụng được nhiều tài nguyên trong những vùng tạm chiếm, họ không thể “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” vì gặp khó khăn trước mẹo "vườn không nhà trống" của quân dân biên giới.

Quân Tàu dùng chiến thuật biển người và tiền pháo hậu xung bao vây Đồng Đăng, thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung - Việt. Trận chiến tại Đồng Đăng bắt đầu ngay từ ngày 17 và là trận ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng đầy quân công chiến tích.

Tấn công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc. Cụm điểm tựa Thâm Mô, Pháo Đài, 339 tạo thế chân kiềng bảo vệ phía Tây Nam thị xã Đồng Đăng, do lực lượng của 2 tiểu đoàn 4, 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn. Đây là địa điểm then chốt nên lực lượng phòng thủ đã chiến đấu đến những người cuối cùng, viện binh bị quân Trung Quốc dự liệu trước nên đã dàn quân khắp nơi án ngữ, chăn chận.

Đồng Đăng trụ được cho đến ngày 22. Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, địch liên tục bắc loa kêu gọi đầu hàng, hù dọa, dụ dỗ, nhưng quân ta kiên quyết chống trả tới hơi thở cuối cùng, giọt máu cuối cùng. Quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, dùng vũ khí hóa học thu được từ phát xít Nhật và quân Tưởng Giới Thạch trước đây bắn vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả những thương bệnh binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.

Ngày 19 tháng 2, Đặng Tiểu Bình kiên trì với kế sách cũ, cố ý đi gặp giới ngoại giao Argentina và tuyên bố "đây chỉ là cuộc chiến tranh hạn chế" để trấn an dư luận, muốn Việt Nam bị hoang mang, và chừa một đường lui, giữ một chiếc thang để trèo xuống. Cùng ngày, Liên Xô viện trợ gấp một số vũ khí khí tài cho Việt Nam qua cảng Hải Phòng, đồng thời dùng máy bay vận tải chuyển một số sư đoàn chủ lực của Việt Nam từ Campuchia về.

Đến 21 tháng 2, Trung Quốc tăng cường thêm 2 sư đoàn và tiếp tục tấn công mạnh hơn nữa. Ngày 22, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị chiếm. Quân Trung Quốc tấn công thêm một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh. Chiến sự lan rộng tới các khu đô thị ven biển ở Móng Cái. Về phía Việt Nam, cùng lúc với việc triển khai phòng ngự quyết liệt, khoảng từ 3 đến 5 sư đoàn (gồm khoảng 3 vạn quân) cũng được giữ lại để thành lập một tuyến phòng ngự cánh cung từ Yên Bái tới Quảng Yên với nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.

Ngày 23 tháng 2, Đặng Tiểu Bình thấy quân đội và vũ khí bị tổn thất quá nhiều, thấy hình hình có vẻ không ổn, liền nhắc lại tuyên bố về "cuộc chiến tranh hạn chế" và nói tùy theo tình hình có thể rút quân trong vòng 10 ngày hoặc hơn. Tuyên bố nước đôi, ba phải, huề vốn này được xem là thông điệp nhằm ngăn Liên Xô tăng cường áp lực quân sự ở biên giới Trung - Xô, xoa dịu dư luận trong và ngoài nước, gây khó hiểu cho Việt Nam, làm giảm xuống tinh thần chiến đấu của VN, và chừa một con đường lui, giữ lại quốc thể một khi thua trận.

Trong khi đó, một tuần dương hạm Sverdlov và một khu trục hạm Krivak của Liên Xô đã rời cảng từ ngày 21 tiến về phía vùng biển Việt Nam. Liên Xô cũng đã bắt đầu dùng máy bay giúp Việt Nam chở quân lính và vũ khí ra Bắc. Hai chuyến bay đặc biệt của Liên Xô và Bulgaria chở vũ khí khí tài bay tới Hà Nội. Một phái đoàn quân sự của Liên Xô cũng bay tới Hà Nội.

Ngày 26 tháng 2, thêm nhiều quân Trung Quốc tập trung quanh khu vực Lạng Sơn chuẩn bị cho trận chiến đánh chiếm thị xã này. Ngày 25 tháng 2, tại Mai Sao, Quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn được thành lập, lực lượng bao gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ quân khu 4 ra) và sau này có thêm sư đoàn 347 cùng các đơn vị trực thuộc khác.

Trong giai đoạn đầu đến ngày 28 tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc đánh chiếm các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp phải sự phòng ngự hiệu quả của Việt Nam cũng như có chiến thuật lạc hậu so với phía Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng nề. Quân đội Nhân dân Việt Nam còn mở cuộc tấn công khá sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, đánh thẳng vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây và Malipo thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

----------------------------- Tự động gộp bài viết ---------------------------

Giai đoạn 2:

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27 tháng 2. Đây là giai đoạn bộc lộ sự gian dối, tráo trở và dã tâm xâm lược của Trung Quốc. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn. Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Trung Quốc điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía Đông Nam Lạng Sơn). Áp dụng chính sách hai mặt, Trung Quốc tiếp tục điều quân từ Trung Quốc sang Việt Nam để tăng viện, trợ lực, tiếp chiến. Điều này đã cho thấy những lời hứa hẹn "cuộc chiến giới hạn", "có thể sẽ rút quân" chỉ là dối trá. Một mặt họ tuyên bố đây là cuộc chiến "giới hạn", mặt khác họ điều thêm quân. Họ vừa tuyên bố có thể sẽ rút quân vừa tăng cường thêm quân mới. Thay vì giữ lời rút quân về sau giai đoạn 1, thì họ tiếp tục giai đoạn 2 và tăng cường, bổ sung thêm đông đảo viện binh từ chính quốc.

Tại Lạng Sơn, các Sư đoàn 3, 337, của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chu đáo và đánh trả mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của quân xâm lược. Từ ngày 2 tháng 3, Sư đoàn 337 trụ tại khu vực cầu Khánh Khê. Một mình Sư đoàn 3 QĐNDVN chống lại 3 sư đoàn bộ binh 160, 161, 129, cùng nhiều tăng, pháo của TQ, vốn đang tiến công trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu huyện Cao Lộc.

Suốt ngày 27 cùng tháng, ở hướng Cao Lộc, sư đoàn 129 Trung Quốc không phá nổi trận địa phòng thủ của trung đoàn 141; ở hướng đường 1B, sư đoàn 161 TQ bị trung đoàn 12 QĐNDVN kìm chân; ở hướng đường 1A, một mình trung đoàn 2 QĐNDVN vừa chặn đánh sư đoàn 160 từ phía Bắc vừa chống lại cánh quân của sư đoàn 161 từ hướng Tây Bắc bất ngờ đánh thọc sang vào hông, một mình chống cự lại 2 cánh quân của giặc chia quân đánh ập vào hai bên hông, bên sườn của mình.

14 giờ ngày hôm đó, 1 tiểu đoàn giặc bí mật luồn qua phía sau bất ngờ đánh tập hậu và chiếm được điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng. Mất điểm cao 800, thế trận phòng ngự của ta ở phía tây đường 1A từ Cốc Chủ đến điểm cao 417 bị chọc thủng.

Tuy chiếm được điểm cao 800 và Tam Lung, nhưng trong suốt các ngày từ 28 tháng 2 đến 2 tháng 3, quân xâm lược vẫn không vượt qua được đoạn đường 4 km để vào thị xã Lạng Sơn, dù đã dùng cho hướng tiến công này tới 5 sư đoàn bộ binh để đánh ập vào (đúng như lời Đặng Tiểu Bình nói: 5 đánh 1) mà vẫn không vượt qua nổi.

Sau nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn, mà trong đó có những trận quân phòng thủ Quân đội Nhân dân Việt Nam bắn hết viên đạn cuối cùng, đánh tới người lính cuối cùng, quyết chiến liều mạng chết chung với giặc, có những lần giặc ném lựu đạn vào, chưa kịp nổ thì ta nhanh tay cầm lựu đạn ném trả lại, có những lúc những chiến sĩ QĐNDVN anh hùng đã rút chốt lựu đạn lao vào cùng chết với giặc trong những trận giáp chiến xáp lá cà.

Quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn ngày 2 tháng 3 sử dụng thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của Quân đoàn 54 và dùng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía Tây Nam thị xã.

Đến đây, phía Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã tập kết sau lưng Quân đoàn 14.

Lui quân về nước

Sau khi thấy các lực lượng chủ lực của Việt Nam đã đến nơi và các lực lượng chính quy khác cũng đang ầm ầm kéo quân ra Bắc, cộng với kết quả thương vong, tổn thất to lớn của Trung Quốc, ngày 5 tháng 3 năm 1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút lui. Cũng ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi.

Việt Nam bí mật điều động sư đoàn 338 mai phục ở ngả Chi Mã, rồi ngày 7 tháng 3 nói với Trung Quốc rằng để thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam sẽ cho phép Trung Quốc rút quân, nhưng sau đó bất ngờ cho sư đoàn 337 truy kích, ý muốn đánh đuổi và đẩy quân Trung Quốc vào địa điểm đã có phục binh. Sư đoàn 337 của Việt Nam vốn đã tham chiến từ ngày 2 tháng 3 tại khu vực cầu Khánh Khê ở Lạng Sơn để tiếp viện cho các đơn vị đang chặn đánh quân Trung Quốc. Sư đoàn này đến nơi quá muộn để thay đổi cục diện trận đánh tại Lạng Sơn, và do thời gian phối hợp không ăn ý giữa 2 sư đoàn 337 và 338, và với sự đề phòng từ trước của Trung Quốc (phục binh bị phát hiện sớm, giặc chưa vào sâu trận địa mai phục), cuộc truy kích và phục kích đã không đem lại kết quả đại thắng như mong đợi. Nhưng 2 sư đoàn này cũng tổ chức phản kích đánh vào quân xâm lược đang tháo lui qua ngả Chi Mã và gây tổn thương lớn cho giặc. Đầu tiên là sư đoàn 338 tuy bị phát hiện nhưng vẫn chặn đánh quân xâm lăng, sau đó sư đoàn 337 đến muộn nhưng vẫn tận lực trợ chiến, hai lực lượng đã hiệp đồng tác chiến một cách hiệu quả, gây thiệt hại nặng cho quân cướp nước. Sau vụ này, tướng Hứa Thế Hữu nói: Người Việt Nam quả thật gian trá.

Ngày 18 tháng 3 năm 1979, người lính Trung Quốc cuối cùng đành ôm vết thương thể xác và tinh thần rời khỏi Việt Nam. Việt Nam đã thành công gây tổn thương nặng cho quân giặc cả về quân đội và vũ khí, nhân mạng và khí tài, và đánh lui, đẩy lùi quân giặc ra khỏi cõi bờ, bảo vệ thắng lợi miền Bắc và biên giới phía Bắc, viết thêm một trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm, chống Bắc xâm của dân tộc.

Đối với người dân Campuchia, Quân đội Nhân dân Việt Nam được coi là “Đội quân nhà Phật”, nhưng đối với giặc Nam, giặc Bắc thì các chiến sĩ QĐNDVN đã chiến đấu anh dũng không kém tổ tiên, không thẹn với tiền nhân, không hổ danh với ông cha anh hùng, và xứng danh Bộ đội cụ Hồ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: