Tiết trời oi ả bức người, những ngày tháng bảy như thiêu đốt, luồng hơi nóng phả ra hầm hập, mồ hôi thi nhau chảy đầm đìa dưới ánh nắng chói chang.
Diêu Ngạn loay hoay cả buổi vẫn không sửa được điều hòa trong xe tải, cô rầu rĩ tựa người vào lưng ghế. Xe tải chạy mỗi lúc một xa, ánh mặt trời gay gắt làm cô chói mắt, đối với cô việc nghỉ mát, thư giãn đã trở thành chuyện quá đỗi xa vời.
Ông Diêu nghiêng đầu nhìn con gái, rút khăn tay đưa cho cô, nói: "Lau mồ hôi đi con! Hôm nay gắng làm phụ bố, tối về bố cho một trăm đồng."
Diêu Ngạn tươi cười cầm khăn lau trán, cô nói: "Bố coi con là trẻ con đấy à? Tối về, bố bảo cô dẫn con ra quán, ăn một bữa là được rồi!".
Ông Diêu cũng cười, bảo Diêu Ngạn hát cho ông nghe.
Lái xe tải là một công việc vất vả. Mấy năm trước, cô họ Diêu Ngạn vay tiền mua được hai chiếc xe tải chạy cự ly ngắn, đưa hàng từ thị trấn Lý Sơn đến thành phố Nam Giang, chuyển hàng đã kiểm kê cho một tài xế đường dài. Làm việc từ mười hai giờ trưa đến rạng sáng mới trở về. Ngày đêm đảo lộn, chẳng mấy người chịu làm công việc này.
Cô họ Diêu Ngạn trả lương cũng bình thường. Lương của mỗi tài xế là bốn ngàn, họ sống chủ yếu nhờ vào hoa hồng chia chác vào cuối năm. Tuy nhiên vẫn có người la lối om sòm, chê lương thấp đình công, không chịu đi làm.
Vì vậy Diêu Ngạn mới cực chẳng đã đến giúp một tay. Cô ngồi trên ghế lái phụ nghe điện thoại, nhận đơn hàng, thu tiền, lúc nào cũng bận tối mắt tối mũi.
Đến trạm vận chuyển hàng hóa ở thị trấn Lý Sôn, ông Diêu ngó nghiêng xung quanh. Nhìn thấy người cần gặp, ông xuống xe, đưa điếu thuốc cho đối phương, cười nói rôm rả rồi chất hàng lên xe.
Xe chở hàng đỗ đầy bên ngoài. Tuy được khách hàng quen chiếu cố nhưng trên đời nào có ai chê tiền bao giờ, chỉ cần sơ sểnh chút là sẽ có người tới tranh giành mối làm ăn ngay. Ông Diêu là người thật thà, cũng có chút danh tiếng ở khu vực này nên mọi người rất thích hợp tác với ông. Loáng cái, hàng hóa đã chất đầy xe.
Diêu Ngạn nhảy xuống xe giúp bố. Mặc dù cô chân yếu tay mềm, không phụ giúp được gì nhưng cô không nỡ để bố một mình vất vả chuyển hàng. Nhìn xung quanh một vòng, cô nhắm được một người, bèn chạy đi thương lượng giá cả, trả cho đối phương ba mươi tệ, để anh ta giúp một tay.
Thấy một cánh tay bất ngờ chắn ngang, ông Diêu kinh ngạc nhìn cô, mỉm cười chịu thua.
Hôm nay hàng đóng sẵn không nhiều lắm, do đó ông Diêu mới nhận chuyển thêm hàng của người khác. Dọn tới dọn lui hơn nửa tiếng mới ổn thỏa, hàng hóa chất chồng lên nhau, cao quá cả đầu xe.
Ông Diêu chạy ra vòi nước bên tường xả nước vã lên mặt, cảm giác mát lạnh lan tỏa khắp người khiến ông thở ra một hơi khoan khoái rồi vội quay về xe.
Lúc này radio trong xe phát đến một bài hát đang thịnh hành trên mạng. Diêu Ngạn chau mày lắng nghe, còn ông Diêu lại rất thích, vui vẻ ngâm nga hát theo.
Chạy xe tới trung lộ Lý Sơn, ông Diêu giảm tốc độ, nháo nhác ngó nghiêng xung quanh. Thấy cổng công ty vận chuyển hàng hóa ven đường đóng kín, ông thở phào nhẹ nhõm. Diêu Ngạn lấy làm khó hiểu, cô hỏi ông: "Bố nhìn gì vậy?"
Ông Diêu hất cằm, ý bảo Diêu Ngạn nhìn về phía công ty vận chuyển hàng hóa. Ngay lúc ông định mở miệng, đằng trước đột nhiên xuất hiện mấy gã đàn ông cường tráng cầm gậy sắt dài khoảng một mét đi tới. Gậy sắt bị kéo lê tóe lửa trên đường, vẽ thành những vệt ngoằn ngoèo dưới ánh nắng gay gắt.
Ông Diêu hốt hoảng phanh xe, nóng lòng dặn dò Diêu Ngạn, sau đó ông thấp thỏm mở cửa xe.
Người dẫn đầu đám đàn ông ở trần kia tỏ thái độ châm biếm: "Chu choa, hôm nay còn đổi cả phụ xe. Một cô em xinh đẹp à?".
Ông Diêu cười cười, đưa thuốc lá cho đối phương rồi nói: "Nó là con gái tôi. Nào nào, mời cậu hút điếu thuốc!". Dứt lời ông lần lượt đưa mỗi người một điếu, sau đó nghe người trước mặt nói vào vấn đề chính.
"Ông như vậy là không được! Dẫn cô em xinh xắn thế này ra ngoài thì phải cần nộp thêm tiền bảo kê, không nhỡ xảy ra chuyện trên con đường này, bọn tôi làm sao mà giúp được, cô bé xinh xắn đáng yêu thế kia mà xảy ra chuyện thì thật là đáng tiếc."
Trán ông Diêu lấm tấm mồ hôi, ông lắp bắp: "Mong cậu châm chước. Chúng tôi là người kinh doanh nhỏ lẻ, có kiếm được mấy đồng đâu, lại còn phải nuôi sống mấy miệng ăn ở nhà nữa."
Anh ta cười, tay chỉ về phía cổng công ty vận chuyển hàng hóa, sỗ sàng buông lời: "Chúng tôi cũng kinh doanh nhỏ lẻ, cũng cần chăm lo gia đình. Ông nói xem, xe của họ Diêu các người giành bao nhiêu mối làm ăn ở Lý Sơn này rồi? Bây giờ xì ra chút xíu tiền bảo kê thì nhà ông chết đói à?". Nụ cười của anh ta tắt lịm, anh ta nói tiếp: "Nhịn ăn nhịn mặt cũng phải nộp tiền bảo kê cho tôi!".
Diêu Ngạn ngồi trong xe, nóng ruột quan sát tình hình bên ngoài. Bắt gặp sắc mặt đám người kia sầm xuống, không khí nồng nặc mùi thuốc súng xuyên qua lớp kính xe, cô đắn đo suy tính, cắn răng bước xuống.
Đám người kia huýt sáo ầm ĩ, ông Diêu xoay đầu nhìn, nóng nảy quát Diêu Ngạn: "Quay về xe ngay!".
Diêu Ngạn cố chấp bước đến cạnh ông, nhìn cây gậy sắt bằng ánh mắt lo âu, cô tỏ vẻ điềm tĩnh gật đầu mỉm cười nói với bên kia: "Này anh, không biết có chuyện gì xảy ra? Tôi với bố tôi còn vội đi giao hàng, trời thì nắng gay gắt thế này, nếu có chuyện để hôm nào rảnh rỗi hãy nói được không?".
Diêu Ngạn cố chấp bước đến cạnh ông, nhìn cây gậy sắt bằng ánh mắt lo âu, cô tỏ vẻ điềm tĩnh gật đầu mỉm cười nói với bên kia: "Này anh, không biết có chuyện gì xảy ra? Tôi với bố tôi còn vội đi giao hàng, trời thì nắng gay gắt thế này, nếu có chuyện để hôm nào rảnh rỗi hãy nói được không?".
Diêu Ngạn dễ xấu hổ, không chịu nổi lời đùa khiếm nhã của đối phương, cô đanh mặt cười nhạt. Đang định nói tiếp thì nghe thấy công ty vận chuyển hàng hóa bên cạnh mở cửa sắt, tiếng động cơ vang lên ầm ầm, một chiếc xe Jeep lem nhem bùn đất phóng vèo đến, dừng ngay bên vệ đường.
Một khuôn mặt nam tính lộ ra khỏi xe. Lông mày lưỡi mác xếch ngược, anh ta trĩu đôi môi dày xuống nói: "Đứng thừ ra đó làm gì? Lên xe, theo anh đi Nam Giang!".
Người đang đòi tiền bảo kê vội vàng khom lưng, vịn tay lên cửa số, nói: "Anh Nã, chuyện gì gấp thế?".
Tưởng Nã lườm anh ta, cất giọng nóng vội: "Hỏi nhiều làm gì, lên xe!". Lía mắt về mấy cây gậy sắt trên tay đám đàn em, Tưởng Nã bảo: "Để đồ ra sau xe!".
Diêu Ngạn vội vàng kéo ông Diêu lùi lại, thở phào một hơi. Đúng lúc này Tưởng Nã dời ánh mắt sắc bén sang cô.
Lúc nãy do trong xe quá nóng bức Diêu Ngạn đành buộc tạm tóc ra sau gáy, giờ rối bời dính bết vào gò má và cổ, mồ hôi lấm tấm chảy xuống, ướt đẫm cả ngực áo, lớp áo mỏng xuyên thấu hằn lên những đường cong đầy đặn rõ nét.
Tưởng Nã lướt nhìn khuôn mặt Diêu Ngạn, nhếch miệng nói với giọng thản nhiên: "Không có chuyện thương lượng tiền bảo kê. Ngày mai chuẩn bị cho đủ, nếu không đừng hòng xuất hiện trên con đường này!", rồi nhấn chân ga. Chờ đàn em leo lên xong, xe Jeep sượt qua chân Diêu Ngạn, để lại mùi xăng nồng nặc trong gió. Diêu Ngạn chưng hửng, mở to mắt nhìn chiếc xe lao đi.
Qua gương chiếu hậu, Tưởng Nã thấy cô gái trong đó trợn tròn mắt, đứng bất động. Người đàn ông bên cạnh đưa tay kéo cô, cô cũng không chịu đi. Tưởng Nã bất chợt mỉm cười. Vài giây sau, anh quay sang răn đe Hứa Châu Vi: "Đồ vô dụng, thu có chút tiền cũng không xong!".
Hứa Châu Vi nịnh nọt: "Không phải em không dám lấy mạng người, mà là mấy việc đòi hỏi đầu óc này phải để anh Nã ra tay mới được!".
Tưởng Nã hừ lạnh: "Ngày mai để anh giải quyết!". Anh dặn dò Hứa Châu Vi. Hứa Châu Vi im lặng lắng nghe, vội vàng làm theo lệnh Tưởng Nã lấy di động triệu tập anh em. Một lát sau, ngoài cửa trạm thu phí tụ tập mười chiếc xe bóp còi inh ỏi ra hiệu cùng chạy tới Nam Giang.
Phía bên này, Diêu Ngạn cau có nhìn ông Diêu, nhíu mày hỏi: "Bố, chuyện này là sao?".
Ông Diêu ngần ngại nói: "Một đám côn đồ mà thôi".
Nhà máy ở thị trấn Lý Sơn nhiều vô kể. Kinh doanh vận tải cũng dễ, khó tránh thu hút côn đồ muốn làm giàu. Một đám côn đồ mở công ty vận chuyển hàng hóa trên trung lộ Lý Sơn, muốn độc chiếm kinh doanh, tất nhiên sẽ chèn ép người khác.
"Đã một tuần rồi. Cô con đang nghĩ cách. Đưa tiền bảo kê một lần không sao nhưng lần nào cũng đưa thì làm sao chịu nổi."
Diêu Ngạn bày tỏ ý kiến: "Tại sao không báo cảnh sát? Ở đây không còn luật pháp nữa sao?".
Ông Diêu tỏ thái độ bất lực: "Cảnh sát can thiệp được mấy lần? Họ đâu thể canh chừng đám đó cả đời". Ông dừng một chút rồi nói tiếp: "Bố nghe nói người ngồi trong xe mà đám đó gọi là anh Nã từng đâm thuê chém mướn vào ở tù ba năm, hắn căn bản không sợ cảnh sát. Nếu chúng ta báo cảnh sát thật, đám đó trả thù, liệu cảnh sát có lo được không?".
Diêu Ngạn không nói không rằng, bực tức duỗi thẳng chân.
Buổi tối về tới Trung Tuyến, ông Diêu chạy xe vào bãi đỗ. Thấy chỗ đỗ đã gần kín hết, ông vội vàng gọi cho cô họ của Diêu Ngạn: "Chừng nào cô tới thế? Lát nữa đến là không còn chỗ để xe đâu".
"Rồi rồi, tới rồi đây!" Trong lúc nói chuyện, phía sau xe ông Diêu lóe sáng, một chiếc xe tải cuốn theo bụi đất chạy tới.
Đỗ xe xong, cô họ Diêu Ngạn rủ mọi người cùng đi ăn khuya. Diêu Ngạn lễ phép gọi dượng, ôm cánh tay cô họ đi vào quán ăn ngoài bãi đỗ xe.
Sau khi chọn món, ông Diêu kể chuyện buổi trưa cho cô hộ và dượng của Diêu Ngạn nghe.
Dượng của Diêu Ngạn không nghĩ ra được cách nào thỏa đáng, do dự nói: "Hay cứ cho đám đó tiền. Chứ lỡ đám đó nói được làm được, mình cũng khó làm ăn."
Cô họ Diêu Ngạn không đồng tình, bà cất giọng oang oang: "Đám đó lòng tham không đáy, toàn hét giá trên trời, chúng ta không cần kiếm tiền mua nhà nữa chắc".
Diêu Ngạn gẩy gẩy thức ăn, gắp nấm nhai nhồm nhoàm rồi thản nhiên nói: "Tiền không đưa được nhưng hàng có thể cho."
Ba người trong bàn ngây ra, bỏ đũa xuống nghe Diêu Ngạn giải thích.
Đêm hè yên tĩnh như tấm voan mỏng phủ lên toàn bộ thị trấn, lọc đi những tạp chất của một ngày dài, thổi đến từng làn gió mát mẻ, ve sầu và ếch nhái không ngừng kêu râm ran.
Diêu Ngạn và ông Diêu thong thả đi bộ về nhà. Bước vào ngõ, mọi nhà đã tắt đèn tối thui, hai người ngừng nói chuyện, rón rén tìm chìa khóa mở cửa.
Ti-vi trong phòng khách tỏa ra thứ ánh sáng yếu ớt, Diêu Yên Cẩn dụi đôi mắt đang ngái ngủ, nói: "Về rồi à?"
Diêu Ngạn đóng cửa, cô mở ngọn đèn nhỏ, hỏi chuyện chị: "Sao chị còn chưa ngủ?".
Diêu Yên Cẩn bĩu môi: "Chị không yên tâm nên ngồi đợi hai người về. Mẹ ngủ rồi."
Ông Diêu cười nói: "Con cũng mau ngủ đi, không ngày mai lại bơ phờ."
Diêu Yên Cẩn gật đầu, ngáp ngắn ngáp dài quay về phòng.
Ngày hôm sau, Diêu Ngạn ngủ một giấc cho đến khi mặt trời lên cao mới thức dậy. Bà Diêu nấu sẵn bữa trưa, để lại tờ giấy nói dẫn Diêu Yên Cẩn đi dọn hàng. Diêu Ngạn mỉm cười, lớn tiếng gọi ông Diêu dậy ăn sáng.
Sau khi ăn xong, Diêu Ngạn theo ông Diêu lên xe, cô cầm quạt pin thổi mát cho ông. Ông Diêu đẩy tay cô: "Con làm mát cho mình đi. Đêm nay về sớm, bố chạy xe ra tiệm cho người ta sửa điều hòa."
Diêu Ngạn gật đầu, lấy sổ ta tính toán. Điện thoại ông Diêu đổ chuông không dứt, Diêu Ngạn phụ trách nhận cuộc gọi, đối chiếu số lượng, giá cả hàng hóa và xác nhận cách thức thanh toán.
Xe chở đầy hàng từ trung tâm vận chuyển đến Lý Sơn, ông Diêu bất an, e sợ đối phương tham lam, chỉ nhất quyết đòi nhận tiền.
Diêu Ngạn cầm dây chun buộc gọn tóc rủ bên má, quệt quệt mồ hôi trên trán, cô cười cười nói: "Bố đừng lo. Nếu họ chỉ muốn tiền, chúng ta sẽ nghĩ cách khác."
Trung lộ Lý Sơn đắm mình trong cái nắng gay gắt. Tưởng Nã mang ghế ra đường ngồi, đàn em dựng ô che bên cạnh, vỏ lạc vương vãi đầy đất. Tưởng Nã thư thái rung chân, ngồi đếm tiền vừa thu được rồi giao cho Hứa Châu Vi, nói anh ta ghi lại.
Hứa Châu Vi lộ vẻ khâm phục: "Anh Nã ra mặt có khác, đòi được hết luôn".
Tưởng Nã cười mắng: "Thằng nhóc, học hỏi chút đi!".
Một chiếc xe hàng màu xanh với cô gái xinh xắn ngồi trên ghế lái phụ chạy tới, Tưởng Nã "hừm" một tiếng, ra hiệu cho Hứa Châu Vi chặn xe.
Hứa Châu Vi khua gậy sắt, xe tải tự giác dừng cách anh ta khoảng hơn ba trăm mét. Diêu Ngạn xuống xe trước tiên, bước về phía Tưởng Nã.
Tưởng Nã nheo mắt quan sát. Trông thấy cô mặc bộ đồ giống hệt hôm qua nhưng không còn vết mồ hôi trên ngực, anh bất giác mỉm cười, chống cằm ngắm cô.
Diêu Ngạn hơi sợ nhưng vẫn giả vờ bình thản trước mặt ông Diêu.
Đứng trước đám đàn ông cao lớn vạm vỡ, cô hít sâu xoa dịu nỗi sợ hãi. Cô vừa đưa quyển sổ vừa cười nói: "Anh Nã, chúng ta có thể làm một cuộc thương lượng không?".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top